Phong Thần Diễn Nghĩa(Hồi Thứ Hai)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phong Thần Diễn Nghĩa

Hồi Thứ Hai

Phản Nước Thương, Tô Hộ Đề Thơ

     Vua Trụ nghe Bí Trọng tâu thì mừng lắm, lập tức về cung. Sáng hôm sau lâm triều, Trụ Vương phán:

      - Nay Trẫm muốn ra chỉ dụ cho bốn trấn chư hầu kén chọn mỗi trấn một trăm mỹ nữ, chẳng luận giàu sang, quý tộc, miễn là dung nhan đẹp đẽ, cốt cách dịu dàng, ăn nói khuôn phép để sung vào cung sai khiến.

      Quan tể tướng Thương Dung quỳ tâu:

      - Xưa nay, hễ vua phải đạo thì muôn dân noi gương, không cẩn dạy dỗ nước vẫn yên vui, dân vẫn phục tùng. Hiện trong cung bệ hạ đã có dư ngàn cung nữ, hậu phi lại hiền đức không ai bằng, nếu bệ hạ còn kén thêm nữa tôi e dân gian không phục. Tôi có nghe nói, đạo làm vua nên vui cái vui của dân, nên lo cái lo của dân. Hiện nay trời hạn hán, bệ hạ không lo cái khổ của dân, lại lo chọn nữ sắc, hạ thần thấy không phải lẽ. Đời Nghiêm, Thuấn dạy thiên hạ không cần khí giới, không dùng hình pháp, khiến cho trời xuống điềm lành, sao Kiểu chiếu sáng trời, chim phụng đỗ nơi sân, có chỉ mọc đầy nội, người đi lại đầy đường, chó không tiếng sủa, ngày nắng đêm mưa, lúa trổ hai gié, ấy là điềm thạnh trị.

      Trụ Vương nói:

      - Ta kế vị nhà Thương mấy năm nay, tuy không được như đời Nghiêu, Thuấn, nhưng trăm họ yên vui, bốn phương quy thuận, há không phải đời thịnh sao?

      Tể Tướng Thương Dung tâu:

      - Nay phương Bắc đang có giặc, một miền dân chúng đang khốn đốn vì nạn binh đao. Thái sư phải bỏ việc triều đình đi dẹp loạn, nếu bệ hạ lo cái lo của dân thì phải dùng người hiền, đuổi kẻ nịnh, lấy nhân đức làm đầu, tự nhiên thiên hạ thái bình, khí hoà giải khắp thiên hạ. Còn bệ hạ mắt ưa nhìn tà sắc, tai ưa nghe tiếng dâm, săn thú dạo vườn, vui riêng với cái cui của sắc dục tất nhiên không tránh khỏi loạn ly. Theo ý hạ thần, bệ hạ không nên tuyển mỹ nữ vao cung trong lúc này, xin bệ hạ xét lại.

      Vua Trụ ngồi suy nghĩ hồi lâu, mặt buồn bã nói:

      - Lời của khanh rất phải! Thôi trẫm bãi bỏ ý định chọn mỹ nữ vàp cung.

      Dứt lời, Trụ Vương truyền bãi chầu.

      Qua năm thứ tám, vào tiết tháng tư, bốn trăm chư hầu lớn đưa mấy trấn chư hầu nhỏ về Triều ca để chầu nhà Thương theo thể thứ chàng năm.

      Bấy giờ các chư hầu đều biết Thái sư Văn Trọng đi dẹp loạn chưa về, quyền binh trong triều do Bí Trọng, Vưu Hồn hai tên nịnh thần ấy gần gũi vua xúi giục, muốn cho vua Trụ khỏi quở trách, ai cũng đem ít nhiều lễ vật hối lộ nơi tư dinh hai tên gian thần ấy.

      Duy có một mình Tô Hộ, làm Ký Châu hầu, tánh tình cương trực không chịu dua mị ai, việc phải trái đều nói thẳng trước mặt, nên không đem lễ vật riêng đút lót cho Bí Trọng, Vưu Hồn.

      Hai tên gian thần này đem lòng óan trách Tô Hộ, chờ dịp trả thù.

      Đến ngày mồng một là ngày lành. Trụ Vương lâm triều, các quan ứng hầu đủ mặt. Huỳnh môn quan vào tâu:

      - Năm nay nhằm lệ chung, chư hầu lớn nhỏ đều tựu đến chầu bệ hạ để nghe dạy việc. Tất cả đều đứng ngoài chờ lệnh.

      Trụ Vương hỏi Thương Dung:

      - Thừa tướng định tiếp đón chư hầu cách nào cho tiện?

      Thương Dung tâu:

      - Bệ hạ chỉ cần đòi bốn chư hầu lớn vào hầu để hỏi thăm dân tình mọi nơi và nếp sống ra sao thôi. Bệ hạ sẽ dùng lời giả ơn họ. Còn các chư hầu nhỏ thì đứng chầu ngoài ngọ môn cũng được.

      Trụ Vương nghe theo, liền sai Huỳnh môn quan đòi các trấn chư hầu lớn vào đền ra mắt.

      Bốn trấn chư hầu tuân lệnh, qua khỏi cửa Cửu Long, đến quỳ trước sân. Vua Trụ bước xuống ngai, đứng nơi thêm tồng phủ dụ:

      - Các khanh giúp trẫm vỗ an dân thứ, trấn ải dẹp loạn, đánh xa trị gần, có công khó nhọc như vậy trẫm rất hài lòng.

      Đông Bá hầu Khương Hoàng Sở tâu:

      - Chúng tôi đội ơn trên ban chức Tổng trấn, hằng ngày ráng lo nhiệm vụ, sợ không tròn trách nhiệm bệ hạ giao phó, nếu có nhọc sức ngựa trâu đôi chút bất quá cũng chỉ mong đền bổn phận làm tôi. Nay được bệ hạ ra ơn vỗ về, thật chúng tôi vạn hạnh.

      Trụ Vương rất vui mừng, truyền Thừa Tướng Thương Dung và Á tướng Tỷ Can khiến quân dọn tiệc tại đền Hiển Khánh, đãi đằng bốn vị tổng trấn cho tử tế.

      Bốn trấn chư hầu lạy tạ rồi theo Thương Dung và Tỷ Can đến dự tiệc. Trụ Vương bãi triều vào hậu cung đòi Bí Trọng và Vưu Hầu đến hỏi:

      - Năm ngoái các khanh khuyên ta xuống chiếu nhờ bốn trấn chư hầu kén chọn mỹ nữ, nhưng bị Tể tướng Thương Dung cản ngăn. Năm nay, nhân dịp bốn trấn chư hầu về đủ mặt, Trẫm có nên phán truyền lệnh ấy không?

      Bí Trọng tâu:

      - Thừa Tướng trước kia can việc kén mỹ nữ, bệ hạ đã nghe theo, bây giờ lại truyền kén nữa, tôi e các hư hầu nghe được mất uy tín của bệ hạ chăng? Tôi có nghe đồn con gái Ký Châu hầu Tô Hộ quốc sắc khuynh thành, huê nhường nguyệt thẹn, nếu bệ hạ chọn vào cung cấm chắc được toại nguyện. Vả lại, đòi một người vào cung không làm cho dân chúng xôn xao và cũng không có gì.

      Vua Trụ khen:

      - Khanh thật là kẻ đa mưu túc trí. Như vậy mới đủ sức giúp trẫm trong lúc này.

      Nói rồi khiến nội thị ra ngoài đòi riêng Tô Hộ vào ra mắt.

      Nội thị tuân lệnh ra đến nhà trạm truyền:

      - Thiên Tử cho mời Ký Châu vào thương nghị việc nước.

      Tô Hộ theo nội thị vào thẳng đến Long Đức, làm lễ tung hô rồi quỳ nghe lệnh. Trụ Vương hỏi:

      - Trẫm nghe nói khanh có người con gái nết na dịu dàng, tánh chất thuần hậu, trẫm muốn chọn vào hậu cung để gần trẫm, nếu được vậy khanh sẽ là Quốc thích, ăn lộc trời, hưởng ngôi lớn, yên trấn nơi Ký Châu, danh vang bốn biển. Đời người được vinh hiển, giàu sang như vậy ai lại không thích, chẳng biết khánh thế nào?

      Tôi Hộ nghe Trụ Vương nói mặt lạnh như tiền tâu:

      - Bệ hạ có tam cung lục viện, cung nữ hơn ngàn người thì thiếu gì kẻ mặt liễu mày hoa? Bệ hạ còn chưa thỏa mãn sao? Xin bệ hạ chớ nghe lời kẻ du mị nghĩ điều dục vọng. Vả con tôi thơ dại, lễ phép chưa biết gì, đức hạnh và nhan sắc còn thiếu, bệ hạ nhọc lòng tưởng đến làm chi. Xin hãy bền lòng lo việc chánh, để thiên hạ mến đức như vậy không rạng rỡ đức trị dân sao?

      Vua Trụ cười lớn, nói:

      - Xưa nay ai cũng muốn con gái mình làm rạng rỡ tông môn, đáp đền hiếu thảo. Nay nếu con gái của khanh vào làm phi hậu sánh vai với trẫm, còn khanh thì lên hàng Quốc thích, vinh hiển nhất đời còn gì hơn? Sao khanh không nghĩ chuyện ấy, cố chấp làm gì?

      Tô Hộ đoán biết do Vưu Hồn, Bí Trọng mất ăn, bàu chuyện trả thù, nên giận nói lớn:

      - Tôi nghe nói: Vua làm điêu có đức thì muôn dân mến phục, bốn phương quy thuận, muôn dânkính vì, lộc trời trọn hưởng. Xưa Vua Kiệt nhà Hạ vì đam mê sắc dục, làm lắm điều ác, còn nhà Thương thì không màng của lợi, đức lớn ân nhiều, nên thiên hạ theo về, dựng lên đại nghiệp. Nay bệ hạ không bắt chước tổ tông, lại noi theo gương nhà Hạ, giẫm chân lên bước đường vong quốc, hạ thần lấy làm tiếc, hễ hoàng đế tham sắc thì mất cơ nghiệp, thứ dân tham sắc thì lụy thân. Vua là tấm gương của bầy tôi, hễ vua lỗi đạo thì tôi lăng loàn, lập phe tụ đảng, mối nước rối ren. Tôi chỉ sợ cơ nghiệp nhà Thương gầy dựng, sáu trăm năm nay, vì bệ hạ mà suy sụp đó.

      Trụ vương nghe Tô Hộ nói xúc phạm, giận đỏ mặt, mắng:

      - Xưa nay hễ đạo làm tôi phải gìn lòng trung nghĩa, vua cho đòi thì lật đật đến hầu chẳng dám đợi xe, vua khiến chết chẳng dám từ chối. Nay trẫm chỉ cần kén một đứa con gái vào làm hậu phi mà ngươi dám buông lời chống trả, mắng nhiếc trẫm, lại sánh trẫm với vua Kiệt là một ông vua mất nước. Có ai dám vô lễ như thế không?

      Liền truyền nội thị bắt Tô Hộ đem đến tòa pháp ti kết tội khi quân. Nội thị tuân lệnh bắt Tô Hộ trói lại. Vưu Hồn, Bí Trọng quỳ tâu:

      - Tội khi quân của Tô Hộ đáng xử phạt lắm, nhưng vì bệ hạ muốn kén con gái của Tô Hộ rồi lại làm tội Tô Hộ e thiên hạ không hiểu sự tình nghĩ lầm rằng bệ hạ trọng sắc khinh hiền. Xin bệ hạ ra ân tha tội cho Tô Hộ về nước, Tô Hộ sẽ cảm đức bệ hạ, đem ai nữ dâng vào cung. Như vậy bệ hạ sẽ tránh được tiếng thị phi, mà tỏ mình có lòng nhân nữa.

      Vua Trụ nghe nói bớt giận, truyền tha tội Tô Hộ, bảo phải về nước, không được nấn ná nơi triều ca ngày nào nữa.

      Lệnh vua vừa ban xuống, nội thị liền mở trói đuổi Tô Hộ ra lập tức.

      Tô Hộ trở về trạm dịch. Các tướng xúm lại nghênh tiếp, và hỏi thăm:

      - Chẳng hay Thiên Tử mời Chúa công vào triều bàn chuyện cơ mật gì vậy?

      Tô Hộ hơi giận chưa nguôi, thốt lời mắng vua Trụ:

      - Hôn quân vô đạo chẳng tiếc sự nghiệp của tổ ông để lại, nghe lời nịnh thần buộc ta phải tiến dâng con gái để sung vào Hậu phi. Ta đoán chắc việc này do Bí Trọng, Vưu Hồn xúi giục, muốn đem sắc đẹp mê hoặc lòng vua để tranh uy thế? Ta can vua nhưng vua không nghe, lại bảo ta nghịch mạng, truyền dẫn đến pháp ti để bắt tội.

      Các tướng thở dài, hỏi:

      - Nếu vậy chúa công làm thế nào về được?

      Tô Hộ nói:

      - Hai đứa gian nịnh ấy lại tâu xin với hôn quân tha tội cho ta trở về để cải hối, và dâng ái nữ cho hôn quân.. Việc này nếu Thái sư Văn Trọng có ở triều, hai đứa gian thần ấy đâu dám lộng hành như vậy? Hôn quân đã sa vào tội lỗi. Tiếc thay cơ nghiệp Thành Thang sớm tối phải tan tành.

      Các tướng hỏi:

      - Vậy chúa công có ý định thế nào đối với việc này?

      Tô Hộ nói:

      - Nếu không đem Đắt Kỷ vào cung thế nào hôn quân cũng đem quân đánh phá nước ta, bằng dâng Đắt Kỷ vào đó sau này hôn quân thiêu đức, làm hư xã tắc, thiên hạ sẽ cho ta là kẻ bất trí. Các tướng có mưu nào gỡ rối chăng?

      Các tướng đồng nói:

      - Hễ vua bất chánh thì tôi không phục, nay Thiên Tử trọng sắc khinh hiền, Chúa công cần gì phải tôn thờ. Cứ trở về giữ lấy nước mình, an vui một cõi.

      Tô Hộ đang giận, nghe mấy lời nói của các tướng chẳng khác lửa cháy đổ thêm dầu, mặt giận phừng phừng nói:

      - Đấng trượng phu chẳng bao giờ làm lén. Đi ở phân minh.

      Nói rồi khiến quân đem bút mực ra, đề bốn câu thơ trên vách tường trước cửa đền, để thiên hạ rõ ý mình không tùng phục nhà Thương nữa:

Quân loạn thần cương

Hữu bại ngũ thường

Ký Châu Tô Hộ

Vĩnh bất triều Thương

      Có nghĩa là:

Vua chẳng kỷ cương

Lỗi đạo luân thương

Ký Châu Tô Hộ,

Chẳng chầu nhà Thương.

      Sau khi đề ra bài phản thi Tô Hộ dẫn các tướng ra khỏi Triều ca, trở về nước.

      Còn vua Trụ tuy nghe lời Vưu Hồn, Bí Trọng tha Tô Hộ, nhưng sợ Tô Hộ không chắc trở về chịu dâng Đắt Kỷ, nên lòng vẫn buồn bực không an. Tiếp đến có Huỳnh môn quan vào tâu:

      - Tô Hộ đề phản thi trước ngõ, hạ thần chẳng dám giấu, xin phép vào trình bệ hạ rõ.

      Nói rồi trải tấm giấy trên long án. Vua Trụ xem thấy nổi giận mắng:

      - Trẫm thuận lòng theo người ưa dung tha những kẻ có tội không giết loài chuột, mới cho về xứ. Thế mà nó không biết xét lấy thân phận, lại đề phản thi trước đền, lăng nhục triều đình. Ta không thể nào bỏ qua hành động ấy được.

      Liền cho lệnh đòi ba viên đại tướng là Ân Phá Bại, Triều Điền và Lỗ Hùng vào phán:

      - Tô Hộ bất trung, làm phản thi đề ngoài ngọ môn nhục mạ thiên triều. Các khanh hãy điểm hai mươi muôn binh đi tiên phuông trẫm sẽ dẫn các quan theo sau hậu tập.

      Lỗ Hùng cúi đầu nghĩ thầm:

      - Tô Hộ là người trung nghĩa thuở nay, tánh tình ngay thẳng, chẳng biết vì sao lại có hành động như vậy. Hay kẻ nào thù oán phao cu chăng? Tội trạng chư a rõ ràng, nếu để nhà vua thân chinh thì Ký Châu còn gì?

      Nghĩ như vậy, Lỗ Hùng quỳ tâu:

      - Tô Hộ có tội, cần gì bệ hạ phải thân chinh cho nhọc. Nay bốn trấn chư hầu còn đó, nếu muốn bắt Tô Hộ, bệ hạ chỉ cần sai một trong bốn chư hầu ấy đem quân vấn tội cũng đủ.

      Trụ Vương hỏi:

      - Bốn trấn chư hầu ấy trẫm nên sai ai đi bắt Tô Hộ?

      Bí Trọng quỳ tâu:

      - Ký Châu thuộc phần đất Bắc bá hầu điều khiển, xin bệ hạ sai Sùng Hầu Hổ đem binh bắt Tô Hộ là phải lẽ.

      Trụ Vương y lời. Lỗ Hùng lại nghĩ thầm:

      - Sùng Hầu Hổ là người tham lam hung dữ, nếu lấy oai Thiên Tử đi chinh phạt, dân Ký Châu sẽ bị thảm họa không ít. SaÜn đây có Tây Bá hầu là người nhân đức, nếu tiến cử Tây bá hầu thì lưỡng toàn.

      Nghĩ như vậy, Lỗ Hùng tâu:

      - Sùng Hầu Hổ tuy làm tổng trấn cõi Bắc, nhưng ân đức chưa có bao nhiêu, nếu thay mặt bệ hạ đi chinh phạt e không thắng, chi bằng sai Tây bá hầu là Cơ Xương, lâu nay nổi tiếng nhân nghĩa, may ra không tốn tên đạn mà bắt Tô Hộ dễ hơn.

      Trụ Vương ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

      - Thôi, để Trẫm sai cả hai trấn chư hầu ấy cùng hợp sức đem binh vấn tội thì tiện hơn.

      Tiếp đó, Trụ Vương thảo chiếu sai nội thị truyền đạt.

      Bấy giờ, bốn trấn chư hầu đang dự tiệc với Thừa Tướng Thương Dung và Tỷ Can tại đền Hiển Thánh, bỗng có sứ đến dạy Tây và Bắc bá hầu nghe truyền chiếu chỉ.

      Hai trấn chư hầu thấy có chiếu Thiên Tử vội quỳ mọp dưới đất, Sứ thần tuyên đọc như sau:

      - "Trẫm nghe: Mão đội trên đầu, dép đi dưới chân, không thể làm trái ngược được. Chúa trị dân, tôi thờ chúa, ấy là do đạo trời. Nay Tô Hộ chẳng biết đạo nghĩa, không kể phận vua tôi, khinh lờn phép nước, nhưng lại không biết hối cải ăn năn, đề phản thơ có ý nghịch mạng trời, nay trẫm ban bùa việt, cờ mao, uy quyền cho Tây và Bắc bá hầu thay mặt trẫm, đem binh đến Ký Châu vấn tội. Nếu ai vì tình riêng dung tha kẻ tôi loàn sẽ bị liên can".

      Thiên sứ đọc chiếu xong, hai vị Tổng trấn đều lạy tạ, vâng mạng.

      Đoạn Tây bá hầu nói với Thừa tướng Thương Dung và ba vị Tổng trấn kia:

      - Tô Hộ đến chầu Thiên hộ chưa vào đền ra mắt, sao trong chiếu lại nói không kể phận vua tôi, khinh lờn phép nước? Việc này chưa hiểu nguyên nhân ra sao. Vả chăng Tô Hộ là người trung nghĩa thuở nay, hằng có công với triều đình. Còn việc đề thơ ngoài ngõ phản đối Thiên Triều, tôi e không xác đáng. Nếu bệ hạ nghe lời kẻ quấy, sai chinh phạt tội trung, e khôn ghợp với lòng dân. Xin Thừa tướng vá Á tướng sáng mai vào chầu, hỏi xem tội Tô Hộ là tội gì cho biết. Nếu đáng trừng phạt thì trừng phạt, còn không đáng thì phải can vua kẻo tội nghiệp Ký Châu hầu.

      Tỷ Can nói:

      - Lời Tây bá hầu luận rất phải. Phàm trị một người nào cũng nên nêu rõ tội trạng cho minh bạch đã.

      Sùng Hầu Hổ nói:

      - Dù sao lệnh Thiên Tử đã ban chúng ta không nên làm trái. Tôi chắc Tô Hộ có ý phản Thương, nếu không lẽ nào Thiên Tử kết tội?

      Tây bá hầu Cơ Xương nói:

      - Lời ông luận chỉ đúng theo lẽ thường. Còn ở đây Tô Hộ là người quân tử, lòng thẳng dạ ngay, tận trung phò chúa. Một người như vậy đâu phải phản phúc một cách dễ dàng. Nếu chúng ta không dè dặt. Thiên Tử đã nghe lời kẻ sàm tấu, chúng ta cứ tuân theo mệnh Thiên triều, không biết gì phải trái sao?

      Sùng Hầu Hổ to tướng:

      - Ông nói sao lạ vậy? Không cần biết lệnh vua phải hay trái, chúng là tôi thần, vua sai gì chúng ta không thể không tuân. Kẻ nào trái mệnh vua tự nhiên đã mang tội khi quân rồi.

      Tây bá hầu cười nhạt:

      - Nếu vậy ông cứ hung binh đi trước. Tôi sẽ theo sau.

      Sùng Hầu Hổ lập tức từ giã về nước. Táy há hầu còn nán lại nói với Thừa tướng Thương Dung:

      - Tôi sẽ về Tây Kỳ cất binh theo sau.

      Tiệc mãn, các trấn chư hầu lần lượt ai về nước nấy.

      Khi Tô Hộ về đến Ký Châu, con trai lớn là Tô Toàn Trung đem các tướng ra khỏi thành nghênh tiếp. Cha con mừng rỡ, kéo nhau vào thành. Các tướng quỳ lại chúc mừng và hỏi:

      - Chúa công vào chầu Thiên Tử năm nay có gì khác lạ không?

      Tô Hộ buồn bã nói:

      - Nay thiên tử bỏ hết tất cả việc chánh, nghe lời nịnh thần làm điều phi nghĩa, bắt ta dâng con gái vào triều làm hậu phi. Ta dùng lời ngay can gián, Thiên Tử cho ta phản nghịch. Đang cơn giận dữ, ta đề phản thi vào ngọ môn rồi bỏ về đây. Sớm tối chắc có binh chư hầu tuân lệnh hôn quân kéo đến đây vấn tội. Vậy các tướng lo chỉnh đốn binh mã, trên thành dự bị cung tên trí thủ đâu đó saÜn sàng, chờ ngày đối phó.

      Các tướng tuân lệnh ngày đêm canh phòng rất cẩn mật.

      Ngay lúc đó, Sùng Hầu Hổ về nước lập tức điểm năm vạn quân, người ngựa rộn ràng, kéo đến Ky Châu đánh Tô Hộ. Khi đến nơi Sùng Hầu Hổ truyền lệnh an dinh hạ trại xong, cho các tướng nghỉ ngơi một bữa, rồi mới ra binh.

      Quân thám thính trong thành hay được vào báo với Tô Hộ. Tô Hộ hỏi:

      - Chu hầu nào hưng binh vậy?

      Quân sĩ thưa:

      - Thấy cờ hiệu đề Bắc bá hầu Sùng Hầu Hổ.

      Tô Hộ giận nói:

      - Nếu người nào thì dùng phải trái tỏ bày được, chớ Sùng Hầu Hổ là kẻ bất chấp nhơn nghĩa, có nói cũng uổng lời thôi. Chi bằng saÜn dịp này ta xua binh đánh nó một trận cho nó thấy cái oai của ta.

      Nói rồi liền điểm binh ra ngoài thành khiêu chiến. Các tướng theo hầu rất đông. Tô Hộ cho ngựa lướt đến trước trại Sùng Hầu Hổ nói:

      - Ta là Ký Châu hầu, muốn mời Bắc bà hầu ra nói chuyện.

      Sùng Hầu Hổ được tin liền dàn quân bố trận, trước mặt dựng hai cây cờ thêu rồng, sau lưng có người con trai lớn là Sùng Ứng Bưu theo phò ta. Còn Sùng Hầu Hổ thì mình mặc giáp vàng, đầu đội kim khôi sáng chói, lưng buộc đái ngọc, tay cầm đại đao uy phong lẫm liệt. Tô Hộ thấy vậy xá Sùng Hầu Hổ một cái, và nói:

      - Ngài vẫn mạnh giỏi chứ? Tôi vì mặc giáp trụ trong người không được trọn lễ xin ngài miễn chấp. Chẳng biết ngài kéo binh đến Ký Châu này làm gì?

      Sùng Hầu Hổ nói:

      - Ngươi đề thơ phản Thiên triều, nghịch mạng Thiên Tử nên Thiên Tử sai ta đem binh đến đây vấn tội.

      Tô Hộ nói:

      - Hễ vua bất minh, tôi phản loạn. Nay Thiên Tử vô đạo, trọng nịnh khinh hiền, không lo việc nước lại nghĩ đến điều sắc dục, khiến kén hậu phi. Nhu thế chẳng bao lâu nhà Thương sẽ ly loạn. Còn tôi là ta chân của ngài, đem thân bảo vệ bờ cõi, sao ngài lại không bênh vực. Nhge lời hôn quân chinh phạt làm gì?

      Sùng Hầu Hổ quát lớn:

      - Ngươi là đứa phản thần, tội đáng tru lục. Nay ta vâng lệnh đem binh hỏi tội, lẽ ra ngươi phải bó tay nạp mình, còn cầm đao lên ngựa ra đây đối diện với ta sao?

      Dứt lời Hầu Hổ đưa mắt nhìn sang một bên, hỏi lớn:

      - Có ai dám ra bắt tên phản tặc đó cho ta không?

      Phía tả có một tướng đầu đội kim khôi, mình mang giáp vàng, cửa ngựa ô, lách ngựa đến trước, nói:

      - Xin chúa công để tôi bắt nó cho.

      Bên kia, Tô Toàn Trung thấy vậy vỗ ngựa tới hét lớn:

      - Đừng phách lối! Ngươi là Mai Võ ta đã biết tài ngươi rồi, chớ hợm mình mà mất mạng.

      Mai Võ thấy Toàn Trung cản lại, mặt đỏ ngầu, hét:

      - Cha con bây đã phản tội nghịch còn liều lĩnh chống lại binh trời. Ta chắc chắn không tránh khỏi nạn diệt tộc đó.

      Tô Toàn Trung vỗ ngựa múa kích đâm ngang hông Mai Võ đưa búa ra đỡ. Hai bên đánh được hai mươi hiệp, Mai Võ bị Toàn Trung đâm một kích trúng ngay yết hầu nhào xuống ngựa.

      Tô Hộ thấy con mình đã giết được tướng địch, thừa thắng gióng trống lên. Những viên dõng tướng Ký Châu là: Triệu Bính, Trần Quy Trinh đồng giục ngựa múa đao lướt tới đốc quân hãm chiến. Quân Sùng Hồ Hầu túng thế bỏ chạy, quân Ký Châu rượt theo đâm chém tơi bời.

      Rượt quân giặc chạy hơn hai mươi dặm, Tô Hộ mới gióng kiển thu quân, kéo vào thành khao thưởng tướng sĩ, và hỏi:

      - Hôm nay chúng ta thắng trận đầu, thế nào Sùng Hầu Hổ cũng củng cố lực lượng báo thù. Nếu Sùng Hầu Hổ tăng cường các tướng ở các trấn áp đảo Ký Châu ta thì liệu làm sao?

      Phó tướng Triệu Bình thưa:

      - Việc chinh chiến thắng bại là thường. Vả lại thế chiến không phải một trận là hết. Ngày trước Chúa công đã đề phản thi bất khuất thiên thử, nay lại ra binh giết hại chư hầu, ấy là thế cỡi cọp, không thể xuống được. Theo ngu ý của tôi đã hành động phải dứt khoát, không nên lưỡng lự. Sùng Hầu Hổ vừa thua một trận binh tướng liểng xiểng, ta nên từa cơ truy kích, đánh cho Sùng Hầu Hổ một trận nữa không còn manh giáp, tiếp đ1o phải giao thiệp với các trấn chư hầu, lấy nhân nghĩa đối đãi, tìm những chư hầu nào có cảm tình với ta dựa thế để làm hầu viện, như vậy mới giữ được Kỳ Châu này.

      Tô Hộ nghe nói khen:

      - Ý kiến ngươi rất hay. Vậy phải thực hiện gấp phương pháp đó.

      Nói rồi liền sai Toàn Trung lãnh ba ngàn binh ra mai phục nơi trấn Ngũ Cang, cách tây môn mười dặm, để chờ lệnh.

      Toàn trung vội kéo binh ra đi. Tô Hộ lại khiến Trần Quy Trình làm tả chi, Triệu Bính làm hữu dực, còn mình quản lãnh đạo trung quân, đang lúc hoàng hôn cuốn cờ giấu trống người ngậm thẻ, ngựa cất lạc, rón rén kéo đi, đợi nghe tiếng súng lệnh thì ba mặt áp vào cướp trại địch.

      Còn Sùng Hầu Hổ ỷ mạnh, đem quân chinh phạt xứ xa, chẳng ngờ mới ra trận đầu đã hao binh tổn tướng, lòng hổ thẹn, dẫn một số tàn quân đóng trại nghỉ ngơi, suốt đêm ngồi than thở với các tướng:

      - Từ trước đến nay ta chinh chiến rất nhiều, chưa thua trận nào nhục như trận này, đã mất một tướng, lại hao binh quá sức, nay liệu làm sao?

      Đại tướng Huỳnh Nguyên Tuế thưa:

      - Binh gia thắng bại là chuyện thường, Chúa công chớ lấy thế mà buồn rầu. Tôi dám chắc binh Tây bá hầu nay mai sẽ kéo đến đây, chừng ấy chúng ta hợp binh hai mặt đánh một trận trả thù, lấy Ký Châu rất dễ.

      Sùng Hầu Hổ liền bày tiệc ăn uống giải khuây, rồi vào trướng an nghỉ.

      Tô Hộ kéo binh tới cho quân thám thính dò xét địch tình, trong trong dinh quân sĩ mỏi mệt ngủ say hết, liền ra lệnh đốt ba tiếng pháo, ba ngả binh xông vào một lượt đánh giết tưng bừng.

      Quân Sùng Hầu Hổ nổi loạn, đạp nhau mà chạy, người không kịp mặc giáp, ngựa không kịp gác yên, túa ra các cửa trại bị giáo đâm gươm chém, chết thôi vô số.

      Tô Hộ cầm thương cỡi ngựa đi lộn trong quân tìm Sùng Hầu Hổ. Còn Sùng Hầu Hổ lúc ấy đang ngủ say, nghe quân ó vội ngồi dậy, mang giáp cầm đao, vừa lên ngực ra khỏi cửa trại đã gặp Tô Hộ lướt tới mắng lớn:

      - Hầu Hổ! Ngươi chạy đi đâu? Mau xuống ngựa chịu trói cho rồi.

      Dứt lời đâm liền một giáo. Hầu Hổ thất kinh đưa đao ra đỡ, thời nay có Sùng Ứng Bưu, Kim Quỳnh và Huỳnh Nguyên Tuế tiếp đến bảo vệ. Bên Tô Hộ cũng có Triệu Bình, Trần Qui Trinh vừa lùa binh đánh đến nơi, trông thấy liền chận ba tướng của Tô Hộ lại để giáp chiến.

      Các tướng đánh nhầu với nhau một lúc, Kim Quỳnh bị Triệu Bính chém đầu. Sùng Hầu Hổ thất kinh không dám cự với Tô Hộ nữa, vừa đánh vừa chạy, nhờ có người con là Sùng Ứng Bưu ra sức bảo vệ mới khỏi chết.

      Tuy vậy, thân xác Hầu Hổ chẳng khác chó nhà hoang, cá lọt lưới chạy thôi giáp mão tơi bời. Thương hại mấy mươi vạn binh của Hầu Hổ chết như rạ, máu chảy thành sông, thây phơi như núi.

      Tô Hộ đuổi theo được mười dặm thu quân trở lại. Cha con Hầu Hổ chạy mãi không dám dừng chân. Tiếp đó có Quỳnh Nguyên Tuế và Tôn Tử Võ kéo một mớ tàn quân chạy theo kịp, cha con Hầu Hổ mới vũng bụng thu góp binh thua, kiểm điểm lại thấy mười phần hao hết nửa.

      Hầu Hổ than:

      - Ta cầm binh tự bấy nay chưa thua trận nào như vậy. Bởi ta khinh Ký Châu là tiểu trấn, không phòng bị mới lầm mưu địch. Còn tây bá hầu Cơ Xương chắc là không tuân lệnh Thiên tử, ngồi ở nhà xem thắng bại thôi. Thật là nhục! Thù này biết bao giờ mới nguôi được?

      Sùng Ưng Bưu thưa:

      - Quân ta mới thua, uy thế đã nhục lắm rồi. Chi bằng cứ tạm đồn binh nơi đây cho người sang thôi thúc Táy bá hầu xem người có ý định thế nào rồi sẽ tính.

      Hầu Hổ nói:

      - Con nói như vậy cũng phải. Thôi, cứ để trời sáng sẽ cho người đến tây kỳ đôn đốc.

      Cha con đang đàm luận, bỗng nghe tiếng quân ó vang trời, xa xa có một tướng nhỏ đội mão vàng, giắt hai chiếc lông trĩ, mặc giáp đỏ, cỡi ngựa kim, tay cầm cây kích, mặt tròn tợ ttrăng rằm, môi đỏ như son, bay ngực tới nạt lớn:

      - Sùng Hầu Hổ, ta vâng lệnh phụ thân ta mai phục nơi đây đợi ngươi đã lâu lắm, ngươi không xuống ngựa bó tay còn đợi chùng nào nữa?

      Sùng Hầu Hổ thấy viên tiểu tướng ấy là Tô Toàn Trung, nổi giận mắng lớn:

      - Cha con bay làm phản, nghịch mạng triều đình, tội chất tày non, dẫu có bầm thây chúng bay đến tan nát cũng chưa đền tội. Ta vô ý nên mắc mưu, chưa phải thắng một trận mà nên công được, chúng bây chớ vô lễ đón đường chận ngõ, ta e nay mai binh triều kéo đến đây, cha con bây dẫu có cánh lên trời cũng chẳng kịp.

      Tô Toàn Trung cười ngất:

      - Thôi, thôi, chớ nhiều lời vô ích, hãy nói chuyện với cây kích của ta đây.

      Vừa nói, Toàn Trung vừa vung kích đâm tới. Bên kia Huỳnh Nguyên Tuế lướt ngựa tớicản mũi kích Toàn Trung lại, bảo vệ Sùng Hầu Hổ.

      Hai tướng đánh nhau chừng vài hiệp, Tôn Tử Võ giục ngựa ra, múa chĩa ba đánh giúp với Huỳnh Nguyên Tuế, quyết hạ cho kỳ được Tô Toàn Trung. Ai ngờ Tô Toàn Trung võ nghệ siêu quần, một mình chấp hai tướng, đánh vùi như mưa bấc. Đánh chừng hai chục hiệp, Toàn trung ra miếng hét lên một tiếng, đâm Tôn Tử Võ một kích nhào xuống ngựa. Huỳnh Nguyên Tuế cả giận, vung thương đâm chém rất dữ, nhưng Toàn Trung không thèm đánh vớ'i Huỳnh Nguyên Tuế, lướt ngựa tới đâm Sùng Hầu Hổ.

      Sùng Hầu Hổ sợ hãi lui ngựa ra sau, Sùng Ứng Bưu vội lướt tới đỡ cây kích của Toàn Trung rồi hiệp lực với Huỳnh Nguyên Tuế cự chiến. Toàn Trung lúc này một mình đánh với ba tướng, nhưng càng đánh càng hăng, không biết mệt, múc kích như mưa bay gió táp.

      Đánh được một lúc, Sùng Hầu Hổ bị Toàn Trung chém toẹt một đường dứt nửa áo giáp. Hầu Hổ mất vía quất ngựa chạy dài. Ứng Bưu lúng túng bị Toàn Trung đâm một kích nhằm cánh tay, gần nhào xuống ngựa, may nhờ có Huỳnh Tuế bảo vệ mới chạy khỏi.

      Tô Toàn Trung đắc thắng, rượt đám tàn quân của Sùng Hầu Hổ chém giết một hồi, thấy trời còn khuya chẳng dám đuổi theo, vội thâu binh về.

      Khi Toàn Trung về đến chân thành trời mới rựng sáng, vội kêu quân mở cửa vào ra mắt Tô Hộ thưa:

      - Con vâng lệng thân phụ mai phục tại Ngũ cang đến nửa đêm địch quân đến đó, một mình con chém đứt vạt giáp Sùng Hầu Hổ, đâm chết Tôn Tử Võ và đánh Sùng Ưng Bưu gần sa xuống ngựa, vì trời tối, sợ có điều gì sơ xuất con không dám đuổi theo, xin phụ thân miễn tội.

      Tô Hộ nói:

      - Con đã làm chúng nó khiếp vía rồi, như thế cũng đủ, khỏi cần truy kích.

      Lời Bàn:

      Làm việc lành, người hiền đến giúp, làm chuyện ác kẻ dữ đến làm thân.

      Ý thức con người là nguốn gốc của hành động. Trụ Vương trong tư tưởng thích sắc dục, torng cung mỹ nữ dư ngàn người, thế mà đi lễ đền còn mơ tưởng bức tượng của nữ thần. Như thế làm gì nghe nói Đắt Kỷ có sắc đẹp không ham.

      Dục vọng trong con người chẳng khác nào loài ma qủy chứa trong nhà, luôn luôn tác quái. Bí Trọng, Vưu Hồn là hai kẻ siểm nịnh, thì việc khai thác lòng háo sắc của Trụ Vương là lẽ tất nhiên.

      Khi tư tưởng con người đã là vậy, thì không bao giờ thích nghe những lời chính, ngược lai tư tưởng tà vạy ấy tìm những tư tưởng tà vạy khác để liên minh.

      Bởi vậy, người đời thường nói: Làm lành có người hiền đến giúp, làm ác có dữ đến cầu thân. Muốn xem một người nào tư tưởng ra sao chỉ cần xem người ấy giao thiệp với hạng người nào tất biết được ngay, không cần phải gần gũi họ.

      Người như Trụ Vương làm sao thấy được cái ngay thẳng, khí khái của Tô Hộ. Trái lại, một người khí khái như Tô Hộ cũng không thể nào phò một người như Trụ Vương được.

      Trong truyện bảo là Tô Hộ phản Thương, thực ra không đúng lắm. Thời bấy giờ làm gì có câu: "Quân sử thần tử". Quan hệ quân thần chưa thể có được trong xã hội nhà Thương là xã hội bộ tộc. Quan hệ giữa bộ tộc Ký Châu chẳng qua là quan hệ giữa một bộ tộc lớn đối với một bộ tộc nhỏ mà thôi. Như vậy Tô Hộ phải phản phúc, mà chỉ không chịu phục tùng kẻ háo sắc ép buộc chuyện bất công.

      Truyện này tác giả viết trong thời Minh, thời mà chế độ phong kiến đang thịnh hành ở nước Tàu, nên tác giả tưởng tượng như vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro