Phong Thần Diễn Nghĩa (Hồi Thứ NHất)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồi Thứ Nhất

Trụ Vương Tế Miễu Bà Nữ Oa

     Theo sử Trung Hoa thì trước kia đời Nghiêu, Thuấn, vợ thứ của vua Đế Cốt là Giảng Định đi cầu con ở gò Cao Mai trông thấy chim én đẻ rơi trước mặt. Bà Giảng Định cho điều ấy là điềm lành, liền lấy trứng chim én ấy nuốt vào ruột. Quả nhiên vì nuốt trứng, bà thọ thai sinh được một trai đặt tên Khiết.

      Ông Khiết lớn lên phò vua Nghiêu, rồi đến vua Thuấn, được phong làm chức Tư Đồ. Vì có công dạy dân, về sau ông Khiết được phong là Lạc ấp, và làm chúa một xứ.

      Dòng dõi ông Khiết vẫn nối chức cai trị thái ấp cho đến đời ông Thái Ất, tức là Thành Thang.

      Thành Thang là người trung đức nhân hậu, nghe đồn ông Y Doãn là ngưới tài trí, thất thời, ẩn cư cày ruộng nơi Sằn dã, liền đến rước về, dâng cho vua Kiệt, nhà Hạ dùng. Ấy vì lòng trung, Thành Thang không dám dùng riêng người tài cho mình. Ai ngờ vua Kiệt bất trí, không biết dùng người tài, nghe lời dua mị, không trọng dụng Y Doãn. Y Doãn bỏ vua Kiệt trở về với Thanh Thang.

      Bấy giờ vua Kiệt càng ngày càng đắm say tửu sắc, giết quan Long Phùng là một vị gián quan có công với nước, nên chẳng ai dám ra can nữa. Hành động của vua Kiệt mỗi lúc một thối nát thêm.

      Ông Thành Thang thấy vậy sai người qua khóc lóc để khuyên can. Vua Kiệt đã không nghe còn bắt ông Thành Thang giam tại Hạ đài suốt một thời gian mới thả về.

      Trong lúc vua Kiệt ham dâm, độc ác như vậy thì ông Thành Thang lại tỏ cho thiên hạ thấy là một người nhân hậu có tiếng.

      Một hôm, ông Thành Thang ra ngoài đồng thấy người đi săn bủa lưới bốn phía, và vái:

      - "Trên trời sa xuống, dưới đất chun lên, tất cả bốn phương đều vô mành lưới".

      Ông Thành Thang nghe lời vái ấy than thầm:

      - Nếu vậy muôn cầm điểu thú đều bị bắt hết còn gì?

      Ông truyền mở ba phía lưới ra, rồi khiến các thợ săn vái rằng:

"Muốn lại thì lại, muốn qua thì qua

Ở trời sa xuống, có cánh bay xa

Ở đất chun lên, có chân chạy ra

Con nào liều mạng, thì vào lưới ta"

      Cầm thú đều ra khỏi lưới hết. Bởi vậy đời sau người ta thường nói: "Mở lưới Thành Thang", tức là nhắc tích ấy.

      Giăng lưới để bắt cầm thú ăn thịt mà chỉ giăng một mặt, chừa chỗ cho con thịt thoát ra thì lòng nhân còn gì hơn. Bởi vậy tiếng đồn tới cõi Hớn Nam, thiên hạ đều khen Thành Thang đức lớn, hơn bốn mươi nước đều theo.

      Đến sau, vua Kiệt vô đạo, hại dân gần chết, ông Y Doãn phò Thành Thang đánh đuổi vua Kiệt qua đất Nam Sào. Các chư hầu hội đủ mặt, tôn Thành Thang lên làm Thiên tử. Thành Thang vẫn từ chối, nhận bổn phận chư hầu thôi, nhưng các hư hầu khác ép buộc, Thành Thang cực chẳng đã phải thuận lời lên ngôi Thiên Tử lập Kinh đô nơi đất Bạt vào năm Ất Mùi, mở đầu nhà Thương.

      Vua Thành Thang bỏ các điều luật ác hiểm của vua Kiệt, đặt ra những việc dân ưa, dân mến, lấy đức trị dân, nên ai nấy đều theo về cả.

      Trong thời gian đầu, vì vua Kiệt bất nhân, nên trời hạn hán suốt bảy năm, vua Thành Thang mới cầu mưa thì trời liền mưa xuống. Vua trị dân nhân đức, dân coi vua như cha mẹ, trong nước không xảy ra điều gì phải dùng đến luật pháp nữa.

      Vua Thành Thang trị vì được mười ba năm, thọ được một trăm tuổi, rồi truyền xuống con cháu 28 tuổi đời, cộng 564 năm, đến đời Ân Thọ (vua Trụ) nhà Thương mới mất.

      Hai mươi tám đời vua nhà Thương truyền nối như sau:

      1) Thành Thang.

      2) Thái Giáp.

      3) Óc Đinh.

      4) Thái Canh.

      5) Tiểu Giáp.

      6) Úng Kỷ.

      7) Thái Hậu.

      8) Trọng Đinh.

      9) Ngoại Nhâm.

      10) Hà Đản Giáp.

      11) Tổ Ất.

      12) Tổ Dân.

      13) Óc Giáp.

      14) Tổ Đình.

      15) Nam canh.

      16) Đương Giáp.

      17) Bàn Canh.

      18) Tiểu Tân.

      19) Tiểu Ất.

      20) Võ Đinh.

      21) Tổ Canh.

      22) Tổ Giáp.

      23) Lẫm Tân.

      24) Canh Đinh.

      25) Thái Đinh.

      26) Đế Ất.

      27) Ân Thọ (Trụ Vương).

      Truyện này nói đến cuối đời nhà Thương, lúc Trụ Vương mất nước, và nhà Châu lên kế vị.

      Vua Trụ là con thứ ba của Đế Ất. Vua Đế Ất có ba người con trai là Vi Tử Khải, Vi Tử Điển và Ân Thọ (vua Trụ).

      Nhân khi vua Thái Ất ngự ngoài vườn xem hoa mẫu đơn với các quan thấy lầu Phi vân gãy mất một kèo, liền truyền các quan thay cây kèo ấy. Các quan xúm lại đỡ không nổi. Bấy giờ có Ân Thọ đi theo, thấy vậy một mình xốc lại, một tay đỡ kèo, một tay nhổ cột lên thay. Các quan trông thấy sức mạnh của Thọ Vương ai cũng quỳ lạy chúc mừng.

      Thừa tướng Thương Dung và quan Đại phu Mai Bá, Triệu Khải Đồng quỳ tâu với vua Đế Ất:

      - Thọ Vương tuy là con út nhưng tài năng như vậy có thể làm rạng rỡ nhà Thương sau này, xin Bệ hạ phong làm Thái tử, để nối ngôi.

    Đế Ất bằng lòng, lập Ân Thọ lên làm Thái tử.

      Vua Đế Ất trị vì được ba mươi năm thì băng hà. Lúc lâm chng, co phú thác Thọ Vương cho Thái Sư Văn Trọng, nên sau đó Thọ Vương được lên ngôi thiên tử tức Trụ Vương, đóng đô tại Triều ca. Hai người anh vua Trụ tuy không được nối ngôi, song cũng vẫn một lòng hiếu thuận, không hiềm khích, hoặc có ý ganh tỵ. Bởi vậy, từ trong ra ngoài đều an lạc. Văn thì có Thái sư Văn Trọng đủ tài trị nước, võ thì có Trấn Quốc Võ thành vương Hoàng Phi Hổ tài đủ trấn áp các chư hầu. Trong cung ba bà cung hậu như Chánh Cung Khương Hoàng hậu, Tây cung Hoàng thị (em Hoàng Phi Hổ) Hình Khánh cung Dương Thị đều có đức hạnh, trinh chính, hoà nhã hiền lành.

      Vua Trụ ngồi hưởng Thái Bình, muôn dân lạc nghiệp, mưa hoà gió thuận, tưởng không còn gì sung sướng hơn.

      Bấy giờ nhà Thương cầm đầu một số chư hầu gồm bảy trăm trấn chia làm bốn cõi có một chư hầu lớn thay mặt nhà Thương điều khiển.

      Bốn trấn chư hầu lớn gồm có:

      1) Đông bá hầu Khương Hoàng Sở (cha Khương Hoàng hậu).

      2) Nam bá hầu Ngạt Sùng Võ.

      3) Tây bá hầu Cơ Xương (Văn Vương).

      4) Bắc bá hùng Sùng Hầu Hổ.

      Mỗi trấn chư hầu lớn cai trị gần một trăm chư hầu nhỏ, cộng bảy trăm trấn chư hầu.

      Sau khi Trụ Vương lên ngôi được bảy năm thì có một số chư hầu nhỏ phía bắc do bọn Viễn Phước Thông cầm đầu nổi loạn, Thái Sư Văn Trong phải tuân lệnh đi đánh dẹp. Văn Trọng ra đi, việc triều chính thiếu người định doạt, nên vua Trụ thường gần gũi hai tên Vưu Hồn và Bí Trọng là hai tên xu nịnh, trước kia nhiều lần Văn Trọng can không cho vua Trụ gần hai tên ấy.

      Một hôm vào tiết tháng Ba, vua Trụ ngự triều, Thừa Tướng Thương Dung tâu:

      - Ngày mai là ngày rằm, nhằm ngày vía bà Nữ Oa, xin bệ hạ đi dâng hương cầu phước.

      Vua Trụ hỏi:

      - Bà Nữ Oa là người thế nào đến nỗi Trẫm phải bỏ ngai vàng đi dâng hương?

      Thương Dung tâu:

      - Bà Nữ Oa là em gái vua Phục Hy, hiện là vị thần linh hiển lắm. Trước đây họ Cung Công làm phản, đụng đầu vào núi Bất Châu, đất bị nghiêng sụp, bà Nữ Oa rèn năm sắc đá vá trời. Bởi có công với đời như vậy, nên mấy triều vua đều lập miễu phụng thờ. Nơi nào thờ miễu Bà thì nơi ấy mưa thuận gió hòa, mối nước được yên, dân gian khoẻ mạnh. Xin bệ hạ đến đó dâng hương, chẳng nên khinh dễ.

      Vua Trụ nhận lời:

      - Nếu vậy ngày mai Trẫm sẽ đến đó dâng hương cầu phước, saÜn dịp du ngoạn một chuyến.

      Hôm sau, vua Trụ truyền Long giá ra đi, các quan đều theo phò tá rất đông. Ba ngàn binh kỵ mã, tám trăm quân ngự lâm do Hoàng Phi Hổ điều khiển, trước sau đông nghẹt. Xa giá đến đâu dân chúng đều thắp nhang đèn trước cửa vọng bái. Khi đến trước đền thần Nữ Oa, vua Trụ bước xuống xe, đến nơi chính điện đặt một đỉnh trầm, và các quan đồng lạy.

      Vua Trụ trông thấy trong điện trang nghiêm lắm, những hình tượng toàn bằng vàng ngọc đứng hầu hai bên. Những cặp con trai cầm phướng đúc bằng vàng, những tượng con gái chạm bằng ngọc đứng dâng hương. Trên điện không thiếu gì hạc múa loan xoè, rồng bay phượng lộn, đèn chông như sao mọc, khói tỏa như mây mờ, uy nghiêm chẳng khác gì đền vua.

      Trụ Vương đang mê say, thì bỗng một luồng gió nhẹ thổi qua, làm bức màn vẹt qua, vua trông thấy tượng bà Nữ Oa rất rõ, hình dung như một người sống chẳng khác một nàng tiên, hương trời sắc nước không đâu bì kịp.

      Lời xưa thường nói: "Nước gần mất thì có yêu nghiệt hiện ra". Vua Trụ xem thấy tượng thần Nữ Oa không nháy mắt, tự nhủ với lòng:

      - "Ta tuy làm vua giàu có bốn biển, nhưng trong tam cung lục viện không thấy người nào được cái nhan sắc như vầy".

      Nghĩ rồi liền tryuền thị vệ đem bút mực đến, và đề một bài thơ ngay vách tường:

Lạnh lùng trướng phủ xả màn loan

Bóng sắc khen ai khéo điểm trang

Liễu uốn mày ngai khoe sắc lục

Xiêm tung sóng nước điểm non vàng

Hải đường sương đượm màu tươi tốt

Thược dược mưa nhuần bóng vẻ vang

Thần tượng ước ao đi đứng được

Đem về cung điện dựa thiên nhàn.

      Thừa tướng Thương Dung thấy vua Trụ đề thơ như vậy thất kinh quỳ tâu:

      - Bà Nữ Oa là thần thánh đời thượng cổ. Tôi tưởng bệ hạ chỉ nên dâng hương cầu phước cho mưa thuận gió hoà, sông trong biển lặng. Còn việc đề thơ có ý trêu cợt như vậy không nên. Xin bệ hạ truyền lấy nước rửa đi kẻo thiên hạ trônt thấy truyền ngôn cho bệ hạ không có đức chánh.

      Vua Trụ nói:

      - Trẫm thấy tượng thần xinh đẹp, đề một bài thơ tán thưởng chớ chẳng có ý gì khác. Vả lại Trẫm là Thiên Tử cũng nên để lại mấy vần thơ này cho thiên hạ rõ nhan sắc của bà, và chiêm ngưỡng văn thơ của Trẫm chứ?

      Dứt lời truyền hồi loan. Các quan không ai dám nói lời nào nữa. Về đến Long Đức, các quan chúc mừng rồi ai về dinh nấy.

      Bây giờ nói đến bà Nư Õ Oa đi lên cung hỏa vân chầu ba Thánh là: Phục Hy, Thần Nông và Hoàng Đế. Khi chầu xong, bà Nữ Oa trở về đền, lên ngồi nơi chánh điện, Hai bên gái ngọc trai vàng làm lễ, bà Nữ Oa nhìn qua bên vách thấy bài thơ vua Trụ, nổi giận nói:

      - Ân Thọ hôn quân! Không lo sửa mình trị thiên hạ lại sanh tâm tà vậy, không sợ luật trời. Thật đáng ghét! Trước kia vua Thành Thang đuổi vua Kiệt thu thiên hạ, hưởng dư sáu trăm năm đến nay tuần thời đã hết. Nếu ta không báo ứng sao gọi là linh.

      Nói rồi liền đằng vân bay vào triều, cố vật chết vua Trụ, để rửa hờn. Nhưng vừa lướt đến ngoài hậu cung Nữ Oa gặp hai đạo hào quang xông lên cản lại.

      Hai đạo hào quang này là Ân Hồng và Ân Giao (nguyên vua Trụ có hai người con, người lớn là Ân Hồng, người nhỏ là Ân Giao sau này đều được phong thần, nên mới có hào quang như vậy). Hôm ấy hai anh em vào hậu cung chầu vua Trụ. Bà Nữa Oa bị hào quang cản trở, tính ra mới biết vua Trụ còn hai mươi tám năm nữa mới tận số, nên đằng vân về miễu.

      Tuy nhiên, lòng căm tức không nguôi, bà liền gọi Thể Vân đồng tử lấy bầu vàng đem ra để giữa sân giở nút, rồi đưa tay chỉ một cái, tức thì trong bầu bay ra một đạo hào quang trắng phau như giải lụa, dài hơn năm trượng, đạo hào quang lại xuất hiện một cay phướng ngũ sắc tua tủa khắp một vùng. Phướng này gọi là phướng chiếu yêu.

      Trong giây phút sa mù bao phủ, gió lộng ào ào, các yêu đều hiện đến. Bà Nữ Oa ra lệnh cho Thể Vân Đồng tử bảo các yêu trở về động hết, chỉ để lại ba con yêu tại mải Huỳnh Đế và cho vào ra mắt thôi.

      Ba yêu vâng lệnh, vào quỳ lạy, xưng rằng:

      - Chúng tôi là Hồ Ly ngàn năm, chim trĩ chín đầu và đờn tỳ bà bằng đá ngọc thạch đến chầu nương nương.

  Bà Nữ Oa nói:

      - Nay cơ nghiệp Thành Thang đã mỏi mòn, Vua Trụ sắp đến ngày mất nước. Núi Kỳ Sơn phụng gáy nhà Tây Châu ra đời, đó là khí số do trời định. Ba chị em bây hãy giấu mình yêu quái, trà trộn vào cung điện, làm cho Trụ Vương điêu đứng. Đợi cho Võ Cương đánh Trụ thành công, ta cho chúng bay thành thần đó. Song ta cấm một điều là không được làm hại bá tánh, chỉ trả thù Trụ Vương thôi.

      Ba yêu vâng lệnh lui ra, đằng vân về động.

      Vua Trụ từ khi dâng hương đền Nữ Oa trở về, mê bóng sắc pho tượng đến nỗi đêm ngủ không ngon, ngày ăn không được, coi ba cung sáu viện như cỏ rác, chẳng đoái hoài đến. Tâm tư canh cánh bên lòng, buồn bã không muốn nói chuyện với ai nữa,

      Ngày kia, Trụ vương đến đền Hiển Khánh, có các hoạn quan theo phò, trong lúc buồn bã, Trụ Vương sực nhớ đến Vưu Hồn, Bí Trọng, hai tên này thường nói nhiều điều vui ta, vua có thể nhờ hai người này tìm cách giải khuây được, liền cho đòi Bí Trọng đến.

      Bí Trọng lúc này được là Trung gián Đại phu, nghe đòi liền ứng hầu ngay, và tâu:

      - Bệ hạ có việc gì cần sai khiến?

      Trụ Vương buồn bã nói:

      - Vừa rồi Trẫm có đi dâng hương đền Nữ Oa thấy tượng Nữ Oa xinh đẹp đến nỗi trong tam cung lục viện của trẫm không kẻ nào bằng. Nếu sắc đẹp ấy trẫm không được thưởng thức thì dầu trẫm có làm vua cũng không toại nguyện. Khanh có cách gì giải buồn cho trẫm không?

      Bí Trọng tâu:

      - Bệ hạ giàu có bốn biển, đức sách Thuấn, Nghiêu. Mọi vật trên đời này đều là của Bệ hạ hết, có gì mà Bệ hạ không toại nguyện? Nếu Bệ hạ cần một sắc đẹp tuyệt mỹ thì bệ hạ chỉ cần xuống lệnh cho bốn trấn chư hầu tuyển bốn trăm mỹ nữ đem dâng thì thiếu gì kẻ tuyệt sắc.

      Trụ Vương nghe tâu rất đẹp ý, phán:

      - À, thế mà trẫm như đần độn, không nghĩ ra. Thôi để ngày mai trẫm sẽ truyền vậy.

      Rồi Trụ Vương trở về triều.

      Lời Bàn:

      Hàng ngày nghĩ điều lành thì điều lành đến. Hàng ngày nghĩ điều dữ thì việc dữ đến.

      Một ông vua mê sắc, hoang dâm như vậy thì sự nghiệp mất là dĩ nhiên.

      Mở đầu câu chuyện, tác giả Phong Thần đã đứng trên quan niệm quả báo rồi. Bà thần Nữ Oa tức Vua Trụ ghẹo mình, sai hồ ly đến báo, làm vua Trụ mất nước.

      Do số trời định, chúng ta bỏ riêng quan niệm ấy ra, trước mắt chúng ta chỉ thấy do hành động trả thù của bà Nữ Oa mà vua Trụ lâm khốn.

    Nữ Oa là một vị thần lại có tâm trạng giống một người đàn bà thường như vậy sao?

      Không thích người ta ghẹo mình, tìm cách trả thù, hay bà Nữ Oa chê vua Trụ là ông vua phàm tục đã làm mất danh dự của một vị nữ thần!

      Dù đứng trên phương diện nào, trả thù như vậy cũng đều là nhỏ nhen, không đáng hành động của một vị thần. Tiếng là cát thần, mà trái lại Nữ Oa trở thành hung thần.

      Tại sao tác giả khai thác tâm trạng của một vị Nữ thần như vậy? Có lẽ dựng lên một cốt chuyện thần thoại không gì dễ nói hơn là dùng nhân vật thần thánh tác họa, vì chỉ có thần thánh mới có đủ mầu nhiệm trong việc gây rối mà người phàm phải chịu khoanh tay.

      Dựa theo cây đinh lịch sử, vua Trụ mê Đắt Kỷ, tác giả đủ tạo cho một vị nữ thần bản tính có vẻ người quá. Nếu là một vị nam thần chắc lối báo oán không như vậy, không dùng yêu quái quấy phá, mà dùng pháp thuật để vật chết ngay, dù vua Trụ chưa tới số, hoặc dù phải giết người sớm quá mắc tội với thiên đình.

      Còn vua Trụ tại sao lại say mê một tượng thần, trong lúc tam cung lục viện không biết bao nhiêu là cung phi mỹ nữ.

      Đó cũng chỉ là lối tưởng tượng của nhà viết truyện diễn tả một ông vua tham sắc. Nhưng lối tham sắc của vua Trụ có vẻ nghệ sĩ quá.

      Đời nhà Thương, xã hội Trung Hoa chỉ lá một xã hội bộ tộc chưa phải xã hội phong kiến, thế mà người viết truyện vô đầu đã sắp xếp một hệ thống phong kiến, có thiên tử, có chư hầu, thì thực sai lạc. Không phải thời phong kiến làm gì có quan hệ quân sử thần tử. Chẳng qua sự liên hệ giữa các bộ tộc nhỏ mà thôi

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro