phong tục tập quán việt nam

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên đán (Tết Cả) là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên đán Việt Nam từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông và quan niêm "ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất của người nông dân cày cấy ở Việt Nam... Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhờ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng ...

Ông Táo hay thần bếp là người mục kích sự làm ăn của mọi nhà. Theo tập tục hàng năm ông Táo phải thu xếp lên trời vào ngày 23 tháng chạp để tâu bày mọi việc dưới trần thế với Ngọc Hoàng. Bởi thế nên, trong ngày này, mọi gia đình người Việt Nam đều làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa "ông Táo ". Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón tết.

Cùng với tranh (tranh dân gian, câu đối), hoa quả là yếu tố tinh thần cao quý thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa Đào, miền Nam có hoa Mai, hoa Đào, hoa Mai tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình người Việt Nam. Ngoài cành Đào, cành Mai, mấy ngày tết người ta còn "chơi" thêm cây Quất chi chít trái vàng mọng, đặt ở phòng khách như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc...

Tết trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, ngoài các thứ bành trái đều không thể thiếu mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường gồm có nải chuối xanh, quả bưởi, quả cam (hoặc quít), hồng, quất. Còn ở miền Nam, mâm ngũ quả là dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung hoặc một loại trái cây khác. Ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc. Ngày Tết, dân tộc ta có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ... Từ trẻ tới già ai ai cũng biết, sau đây là một vài phong tục đáng được duy trì phát triển.

Tống cựu nghênh tân: Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, cùng làng xóm dọn dẹp nhà thờ, lau giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng. Con cháu trong nhà từ phút giao thừa trở đi được nhắc nhở không được nghịch nghợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy... anh chị, cha mẹ cũng không quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở, chúc nhau những điều tốt lành.

Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi: Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khoẻ, thành đạt hơn năm cũ. Nhiều nhà tự đi hái lộc ở chốn đình chùa, nơi tôn nghiêm về nhà, tự xông nhà hay dặn trước người "nhẹ vía" mà mình thích đến xông nhà. Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay lại đổ tại mình "nặng vía". Chính vì vậy, sáng mùng Một lại ít khách.

Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc Tết: Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ. Ông bà cũng chuẩn bị ít tiền để mừng tuổi con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc tết thường là sức khoẻ, phát tài phát lộc, những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau "tai qua nạn khỏi"hay "của đi thay người" nghĩa là trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Nhưng nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.

Phong tục ta ngày Tết việc biếu quà Tết, tỏ ân nghĩa tình cảm, học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết bố mẹ vợ... quà biếu, quà tết không đánh giá theo giá thị trường. Nhưng cũng đừng nên gò bó câu nệ sẽ hạn chế tình cảm: không có quà ngại không đến... Ở nước ta, vào dịp đầu xuân thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thất tuần, bát tuần, cửu tuần... tính theo tuổi mụ. Ngày Tết ngày Xuân cũng là dịp mọi người đang rãnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui.

Cũng vào dịp đầu Xuân, người có chức tước khai ấn, học trò, sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, người buôn bán mở hàng lấy ngày. Sĩ, Nông, Công, Thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thông, làm ăn suôn sẻ. Sau ngày mùng Một, dù có mải vui tết cũng chọn ngày "Khai nghề", "Làm lấy ngày". Nếu như mùng Một tốt thì chiều mùng Một bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ Hoàng đạo không kể mùng Một là ngày tốt hay xấu. Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình một sản phẩm, một dụng cụ gì đó. Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân.

Cờ bạc: Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc rượu chè nhưng trong dịp tết, nhất là tối 28, 29; gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thì người bố cho phép vui chơi. Tam cúc, cờ gánh, cờ nhảy, cờ tướng, kiệu, chắn, tổ tôm... ai thích trò nào chơi trò ấy. Đến lễ khai hạ, tiễn đưa gia tiên, coi như hết Tết thì xé bộ tam cúc, thu bàn cờ tướng, cất bộ tổ tôm hoặc đốt luôn hoá vàng.

Vì sao có tục kiêng hốt rác đổ đi trong ba ngày Tết: Trong "Sưu thần ký" có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được thuỷ thần cho một con hầu tên là Như Nguyên, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Một hôm, nhân ngày mùng Một Tết, Âu Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Kể từ đó kiêng không hốt rác ngày Tết.

Giao Thừa

Lẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa.

Giao thừa là gì? Theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ, mới này, có lễ trừ tịch

Lễ trừ tịch

Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt đầu qua năm mới. Vào lúc này, dân chúng Việt Nam theo cổ lệ có làm lễ trừ tịch. Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để " khu trừ ma quỷ", do đó có từ "trừ tịch". Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên còn mang tên là lễ giao thừa

Sửa lễ giao thừa

Người ta cúng giao thừa tại các đình, miếu, các văn chỉ trong xóm cũng như tại các tư gia. Bàn thờ giao thừa được thiết lập ở giữa trời. Một chiếc hương án được kê ra, trên có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm: chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có thêm chiếc mũ của Đại Vương hành khiển.

Đến giờ phút trừ tịch, chuông trống vang lên, người chủ ra khấu lễ, rồi mọi người kế đó lễ theo, thành tâm cầu xin vị tân vương hành khiển phù hộ độ trì cho một năm nhiều may mắn. Các chùa chiền cũng cúng giao thừa nhưng lễ vật là đồ chay. Ngày nay, ở các tư gia người ta vẫn cúng giao thừa với sự thành kính như xưa nhưng bàn thờ thì giản tiện hơn, thường đặt ở ngoài sân hay trước cửa nhà.

Tại sao cúng Giao thừa ngoài trời

Dân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng. Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có trí như quan toàn quyền. Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật...Trái lại, gặp phải ông lười biếng, kém cỏi, tham lam thì hạ giới chịu mọi thứ khổ.

Các cụ hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được) thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì. Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà Trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà..

Lễ cúng Thổ Công

Sau khi cúng giao thừa xong, các gia chủ cũng khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà. Lễ vật cũng tương tự như lễ cúng giao thừa.

Mấy tục lệ trong đêm trừ tịch

Sau khi làm lễ giao thừa, các cụ ta có những tục lệ riêng mà cho đến nay, từ thôn quê đến thành thị, vẫn còn nhiều người tôn trọng thực hiện.

Lễ chùa, đình, đền: Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình và nhân dịp này người ta thường xin quẻ thẻ đầu năm.

Kén hướng xuất hành: Khi đi lễ, người ta kén giờ và hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp may mắn quanh năm.

Hái lộc: Đi lễ đình, chùa, miếu, điện xong người ta có tục hái trước cửa đình, cửa đền một cành cây gọi là cành lộc mang về ngụ ý là "lấy lộc" của Trời đất Thần Phật ban cho. Cành lộc này được mang về cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô.

Hương lộc: Có nhiều người thay vì hái cành lộc lại xin lộc tại các đình, đền, chùa, miếu bằng cách đốt một nắm hương, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó về cắm và bình hương bàn thờ nhà mình. Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt được lấy từ nơi thờ tự về tức là xin Phật, Thánh phù hộ cho được phát đạt quanh năm.

Xông nhà: Thường người ta kén một người "dễ vía" trong gia đình ra đi từ trước giờ trừ tịch, rồi sau lễ trừ tịch thì xin hương lộc hoặc hái cành lộc ở đình chùa mang về. Lúc trở về đã sang năm mới và ngưòi này sẽ tự "xông nhà" cho gia đình mình, mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình. Nếu không có người nhà dễ vía người ta phải nhờ người khác tốt vía để sớm ngày mồng một đến xông nhà trước khi có khách tới chúc tết, để người này đem lại sự may mắn dễ dãi.

Bản sắc Tết

Sinh hoạt văn hoá của một dân tộc thường biểu hiện rõ nhất ở những ngày Tết, ngày hội xuân. Người ta thường nói rằng ngày Tết là thời điểm hội tụ của sinh hoạt văn hoá dân tộc, và cũng từ những ngày hội xuân này mà nền văn hoá dân tộc được bổ sung, phát triển phong phú lên. Trong nhiều mặt sinh hoạt văn hoá đã trở thành tư tưởng, triết lý cách sống của cả một dân tộc. Dân tộc Việt Nam ta cũng nằm trong quỹ đạo đó. Thường vào những ngày Tết các đám cưới được tổ chức nhiều hơn. Mối giao du, đi lại viếng thăm giữa những người thân được diễn ra nhiều hơn. Trong cuộc sống, con người có lúc còn nghèo khổ, nhưng những ngày này ăn mặc tươm tất hơn, lòng tự trọng thể hiện rõ hơn. Mối quan hệ con người tốt đẹp hơn. Người ta nói và làm những điều tốt lành, sắm sửa bữa ăn bánh trái lúc này cũng được chú ý hơn.

Những người có văn hoá trong ăn uống được dịp thể hiện tài ba khéo léo. Cũng như vậy người ta sáng tạo ra bánh trưng, bánh dầy v.v... Biết bao đời nay chúng ta đã quen thuộc hương vị những ngày Tết từ trong sáng tạo dân dã này lại thể hiện một tư tưởng, một vũ trụ quan (trời tròn, đất vuông). Ngày Tết cũng là ngày tưởng nhớ tổ tiên, tết nhất ông bà cha mẹ nội, ngoại, thầy học ... Từ trong sự việc bình thường này lài mang một triết lý tốt hơn: Sống ở đời phải biết ơn những người đã có công lao nuôi dạy cưu mang mình.

Vào ngày Tết, người Mường có tục Tết trâu bò, vật dùng trong sản xuất. Việc làm tưởng chừng như mộc mạc, sơ khai nhưng lại mang một triết lý khá hay: Con người phải biết quý trọng công cụ lao động thì lao động mới có hiệu quả. Ngày Tết cũng là ngày hoạt động văn hoá thể lực như: Bơi chải, đua thuyền, leo núi, đánh đu, vật, bắn nỏ, ném còn, đánh cờ ... Đây cũng là mùa trẩy hội trai đua tài, gái khoe sắc gặp nhau trao duyên một cách lịch sự và lành mạnh. Các hoạt động sân khấu chèo tuồng: hội hoạ phát triển. Những cuộc giao duyên, đối đáp trong ngày Tết như trống quân, cò lả, hát ví dặm, xí lượn, hát chúc, séc bùa, quan họ Bắc Ninh ... cũng bắt nguồn phần lớn từ đây. ở miền quê Thanh Hoá có dân ca Đông Anh, trò múa Xuân phả, hát hội, nhạc cồng chiêng với séc bùa, trống xàm, khua luống cũng bắt đầu từ đây và phát triển từ đây.

Hiện tại không đoạn tuyệt với quá khứ. Ngày nay nếu đòi hỏi con cháu, học trò đều phải nhất nhất như xưa là một đòi hỏi không thích hợp. Bởi rằng, ngày hôm nay con cái không chỉ còn quây quần trong luỹ tre xanh của làng xóm. Nhưng sẽ là một sai lầm, nếu như Tết đến ai đó lại quá thờ ơ với ông bà, cha mẹ nội ngoại và thầy học. Ngày Tết với một mâm cơm và bánh chưng xanh, dưa hành thịt mỡ, một cốc bia. một ly rượu, quây quần bên những người thân, chúc mừng, nhắc nhở nhau làm điều tốt lành; lẽ nào con người ngày nay không cần đến nó? Hát hay, đàn giỏi ngày xuân giữa trai gái vùng này và vùng khác phải chăng là việc không làm được? Những phường bùa với dàn nhạc cồng chiêng và với những lời chúc tụng tốt đẹp đến với những bản làng xa gần phải chăng là không hấp dẫn và cổ lỗ...?

Quanh mâm cỗ Tết

 

Người Hà Nội có tiếng là khéo léo và lịch lãm trong việc chế biến, nấu nướng và thưởng thức các món ăn. Vào mỗi dịp Tết đến, sự khéo léo ấy càng được thể hiện rõ. Từ đầu tháng chạp, các bà nội trợ đã chuẩn bị sắm sửa để lo Tết: gạo nếp, đỗ xanh gói bánh, nấu chè... rồi đến các loại đồ khô như măng, miến Tàu, bóng bì, nấm hương. Và không quên chuẩn bị vại dưa hành. Nhà nào cũng mua một quả gấc chín đỏ để thổi xôi cúng tất niên, vì màu đỏ tươi của gấc được coi là may mắn, đem lại mọi điều tốt lành cho cả năm.

Ngày 27 Tết, nhiều nhà bắt đầu ngâm đỗ, rửa lá dong. Rồi đãi đỗ, vo gạo, ướp thịt để gói bánh, không khí tất bật, náo nhiệt, tiếng gọi nhau í ới. Đêm 29, các nhà rục rịch bắc nồi, nhóm lửa để luộc bánh, mấy anh em tụm năm, tụm ba, người đánh tam cúc, kẻ chơi lơ khơ, hay chạy đi chạy lại lăng xăng làm "chân sai vặt của người lớn". Bà và mẹ xào thịt thủ hoặc thịt chân giò, trộn mộc nhĩ để gói giò. Chị thoăn thoắt đảo hạt bí sao cho khỏi cháy.

Có một món các bà nội trợ đảm đang không thể quên, là nồi cá kho riềng. Một lớp riềng thái mỏng lót đáy nồi, những miếng cá được rán qua xếp lên trên, muốn ngon hơn thì thêm ít thịt dọi lẫn vào để cà thêm ngọt và béo. Miếng cá kho riềng thơm, thịt chắc, đậm đà ăn với bánh chưng, dưa hành thật lạ miệng, mang đậm hương vị Tết. Sáng 30, bánh chưng được vớt ra, nén xong treo từng chùm. Đàn bà, con gái tập trung vào bếp làm thịt gà, nấu nướng.

Mâm cỗ Tết cổ truyền của người Hà Nội không thể thiếu món giò lụa cho thêm phần sang trọng. Cả mâm, đủ lệ bộ là bốn bát, sáu đĩa. Bát bóng nấu với chân tẩy, thịt lợn nạc và nước dùng gà, sang hơn thêm ít tôm nõn. Chân tẩy là các loại củ như su hào, cà rốt được thái mỏng theo hình hoa cho ngon và đẹp mắt. Bát miến nấu lòng gà. Bát măng kho ninh với chân giò điểm vài củ hành hoa lên trên. Còn sáu đĩa là: đĩa xôi, thịt gà luộc, thịt đông, đĩa xào, đĩa giò lụa (hoặc giò xào) cá kho riềng, thêm đĩa nộm và dưa hành trắng muốt.

Một số nhà giàu có ở Hà Nội xưa, còn có thêm một số món ăn cao cấp như: long tu, măng tây, vây, bóng thủ, nấm thả, chim hầm... Ngoài thịt gà luộc còn có gà rán hay thịt kho tàu, hạnh nhân xào, lạp xưởng, trứng muối, địa nộm bằng rau câu trộn với thịt. Người Hà Nội vốn chuộng hình thức, nên mâm lễ ngày Tết được bày biện khéo và đẹp mắt. Đĩa xôi gấc đỏ tươi, các món nấu được rắc hành, rau thơm lên trên xanh mướt. Đĩa nộm nhiều màu sắc hài hòa, rau mùi xanh, ớt đỏ, lạc rang vàng và su hào trắng, chỉ nhìn củng thấy ngon. Đó là mâm cỗ Tết của người Hà Nội, không chỉ ngon, bổ, mà nói như các cụ là còn được "Ăn cả bằng mắt".

Còn ở Huế, ngày Tết gói bánh tét. Bánh tét được gói bằng lá cuối với các nguyên liệu như bánh chưng, chỉ khác là gói dài thành đòn như bó giò. Khi ăn cắt thành từng khoanh, ở giữa nhân đậu xanh và thịt mỡ nổi lên như những nhụy hoa. Ngoài ra, Tết ở Huế còn một số loại bánh đặc trưng như bánh phu thê (susê), bánh hỏi, bánh sen chấy, bánh măng, bánh dừa mận.

Các món ăn mặn trong cỗ Tết ở Huế cũng có nhiều cái khác Hà Nội. Ngoài những món thông thường như thịt gà, thịt lợn... Người Huế đặc biệt thích các món chua nhẹ dễ tiêu như món gỏi gồm: đu đủ xanh, giá sống, vừng, lạc, thịt ba chỉ, tôm, da bò rá trộn giấm, đường, tỏi, ớt, ngò. Cỗ Tết còn có các món đặc biệt là món xà lách gân bò, chả tôm, nem bọ lụi, ăn một lần thật khó quên.

Tết ở Sài Gòn không lạnh như Hà Nội. Ăn Tết cũng không cầu kỳ như Hà Nội và cũng không nhiều món phức tạp như ở Huế. Món ăn ngày Tết đơn giản, "khoái khẩu là được". Tết mà thiếu bánh phồng, bánh tráng thì coi như "ăn Tết một nửa". Những chiếc bánh nở tròn, xốp, thơm phức, làm bằng nếp được nướng bằng lửa rơm. Khác với miền Bắc, miền Nam ăn Tết bằng bánh tét, có nơi còn trộn thêm tôm khô, lạp xưởng vào để gói bánh. Mâm cỗ Tết bao giừ cũng có bánh tét, thịt kho, dưa giá, kiệu muối và nem bì. Cỗ Tết của người Sài Gòn nhiều đồ nguội, chỉ có hai bát nấu là chân giò hầm với mấy vị thuốc bắc, món mướp đắng bỏ ruột nhồi thịt, hầm nhừ.

Người Sài Gòn ăn thịt gà không chặt mà thích xé phay. Gà luộc xé miếng, trộn giấm kèm hành tây thái mỏng thêm các loại rau, gia vị, thơm ngon. Mâm cỗ Tết bao giờ cũng phải có món chả giò (là món gần giống như nem rán ngoài bắc) gói nhỏ bằng ngón tay cái, chiên vàng rộm trông thật "bắt mắt"... Sau "ba cái ngày Tết", ăn uống "nặng nề", người Sài Gòn ra giêng có cái thú với món cháo cá nấu ám, bổ dưỡng mà nhanh nhẹ, đưa đẩy mấy ngày xuân lai rai.

Nói về mâm cỗ Tết trên đất nước ta thật phong phú, nói sao cho đủ. Trong những cái chung nhất lại ánh lên những nét riêng, độc đáo. Quanh mâm cỗ Tết là lúc ông bà, cha mẹ, con cháu họp mặt vui vẻ, quây quần bên nhau, tưởng nhớ tổ tiên, là tình cảm gia đình đầm ấm, tình người lan tỏa trong sắc xuân.

Ngày Tết của các dân tộc Việt Nam

Nước Việt Nam là một cộng đồng các dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có một kiểu ăn tết riêng, đôi khi kéo dài rất dài ngày tạo thành mùa gọi là mùa Tết. Mỗi kiểu ăn Tết đều biểu hiện nét đặc trưng văn hoá riêng của dân tộc mình.

Tết Prơ-Giê-Râm của người Cơ Tu

Vào mùa xuân, lúc bắt đầu vụ mùa lúa mới, đồng bào các huyện Phước Sơn, Giằng, Hiên ở Quảng Nam tổ chức ăn Tết Prơ-giê-răm. Đây là ngày lễ lớn nhất trong năm. Nhà nhà đều trang trí hết sức đẹp đẽ. Các loại ghẻ, cung nỏ, giáo, mác, thanh la, trống, chiêng được lau chùi cẩn thận. ở nhà Guơi (nhà làng) người ta dựng cột đâm trâu bằng cây gạo trạm trổ, sơn vẽ đẹp mắt. Nhiều sinh hoạt văn hoá diễn ra tại nhà Guơi như kể chuyện, nhảy múa, hát dân ca. Con gái được dịp trao đổi tâm tình và rủ nhau chơi xuân kéo dài cả tháng....

Tết nhảy của người Dao

Người Dao ở Việt Bắc cho rằng, ngày đầu năm không được làm việc mà chỉ lo vui chơi, thăm viếng và chúc tụng lẫn nhau. Nhà nào nhà ấy đều trang hoàng sáng sủa và dán nhiều câu đối bằng chữ Hán lên cột nhà hay trên các vách tường để đón mừng xuân.

Người Dao đón Tết bằng tết nhảy gọi là "Nhiang chằm Đao" để rèn luyện sức khoẻ và võ nghệ. Tết nhảy bắt đầu trước tết Nguyên Đán chừng vài ba hôm. Thanh niên phải tập các điệu múa, điệu nhảy, làm gươm đao bằng gỗ để múa. Tết nhảy, mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng trống, tiếng thanh la giục giã...

Tết giọt nước của người Sédang

Người Sédang ở Kontum ăn tết rất giản dị và chỉ có hai tết chính là Tết Giọt Nước và Tết Lửa. Tết Giọt Nước vào khoảng tháng 3 dương lịch. Sau khi mãn mùa, người Sédang bắt đầu sửa sang lại các máng nước và tổ chức lễ "cúng máng" để cầu mong Thần nước (Yang Dak) ban cho dân làng năm mới được mùa, nước non đầy đủ.

Người trong buôn làng mang choé, nồi đồng ra tại các máng nước để lấy nước mang về nhà, đồng thời tổ chức ăn uống, vui chơi suốt mấy ngày liền. Riêng "Lễ cúng máng nước" cho buôn làng thì được tổ chức tại nhà Rông, do thầy cúng tổ chức vui say, ca hát, nhảy múa, gái trai được tự do trao đổi tâm tình.

Tết của người H'Mông

Người H'Mông ở vùng cao Tây Bắc và Việt Bắc ăn tết rất thịnh soạn, chẳng kém gì ở miền xuôi. Trong nhà trang hoàng đủ màu sắc, nhưng màu đỏ là được ưa chuộng nhất.

Tết Nguyên đán của người H'Mông gọi là NaoX-Cha. Để chuẩn bị sẵn con lợn béo. Ngoài thịt ra, còn có bánh bằng bột nếp, bánh chưng ít khi dùng.

Tết của người H'Mông thường tổ chức giữa mùa đông giá rét, trước hay sau Tết dương lịch chỉ có mấy hôm. Đêm giao thừa các gia đình thường cử con trai đi "mở nước", tức là đi lấy nước ngoài sông suối đem về nhà cúng tổ tiên.

Tết của người H'Ré

Tết của người đồng bào HRé ở Quảng Ngãi cũng kéo dài suốt vài tháng liền. Mỗi gia đình phải lo nấu bánh tét, làm rượu cho thật nhiều. Nhà giàu có phải nấu từ 20 đến 40 nồi bánh tét, ủ hàng trăm ché rượu cần, hạ vài con trâu để đãi khách và bà con trong buôn làng. Tất cả mọi người đều tề tựu về nhà chủ làng để ăn mừng, chúc tụng lẫn nhau. Sau đó mới lần lượt đến các nhà khác. Họ vừa ăn uống vừa múa hát. Đàn ông thì đeo ống chinh, còn đàn bà thì đeo ống bương lấy hai tay vỗ vào đầu ống sẽ tạo thành tiếng bập bùng, bập bùng... Họ thích trò chơi nhảy kẹp. Hai người một nam, một nữ dùng một đòn nhảy dài chừng hai mét, trơn láng rồi đập vào nhau. Cứ hai người ngồi đập thì hai người nhảy, thay đổi cho nhau.

Tết bỏ mả của người Gai Rai

Tết Bỏ Mã của đồng bào Gia Rai ở tỉnh Gia Lai cũng tương tự như tết ăn nhà Mả của đồng bào Ba Na nhưng được tổ chức lớn hơn nhiều. Trong suốt thời kỳ Bỏ Mả, bà con trong buôn làng kéo nhau đi viếng từng nhà để thưởng thức của ngon vật lạ. Mỗi khi nghe tiếng thanh la, trống, cồng vang lên ở ngoài nghĩa địa là báo hiệu lễ Bỏ Mả. Người trong buôn nối đuôi nhau, tay cầm đuốc cháy sáng rực tiến về nghĩa địa để chia vui cùng người thân thuộc. Mọi người không quên mang theo rượu, thịt để góp vui cùng gia đình gia chủ trong suốt cuộc lễ. Tuy theo gia cảnh của từng người mà chủ lễ tổ chức đơn giản hay rườm rà. Gia chủ đứng trước ngôi mả có cắm cây nêu thường làm bằng cây gạo treo nhiều lá bùa xanh đỏ bay phấp phới theo chiều gió và đưa tay lên trời lâm râm khấn vái Yàng.

Tết của người Thái

Người Thái ở Sơn La và Lai Châu đón tết hầu như suốt cả mùa, gọi là mùa Tết. Đầu tiên là tết Soong Sịp (tết cơm mới) sau khi lúa ở ngoài đồng đã chín vàng họ giết trâu, mổ lợn, lấy lúa mới đổ xôi nếp để cúng lễ. Mọi nhà đều tổ chức ăn uống vui vẻ. Sau tết Soong Síp là tết Kim Lao Mao (tết uống rượu), tết ông Táo và lớn nhất là tết Nen-Bươn-Tiền (tết Nguyên Đán).

Vào ngày đầu năm, họ không quên đem dao, rựa vừa đi ra đường vừa phát quang để thông thoáng cho năm mới. Vui nhất là các hội Xoè Thái nổi tiếng, tha hồ vui chơi cho đến rằm tháng giêng mới mãn.

Tết Cơm Mới của người ÊĐê

Tết Cơm Mới của người Rhadé hay Êđê ở ĐăkLăk là vào khoảng tháng 10 dương lịch. Lúc ấy lúa đã chín vàng cả nương rẫy. Mỗi gia đình mang gùi đi tuốt lúa về phơi khô giã lấy gạo để tổ chức ăn mừng lúa chín. Tuỳ theo gia cảnh giầu hay nghèo mà các gia đình giết trâu, bò, heo, gà nhiều hay ít.

Lễ vật đặt ở giữa nhà gồm một hay hai choé rượu cần buộc chặt vào gốc cột và vài đĩa cơm. Gia chủ hay thầy cúng lầm râm khấn vái: "Lạy thần Mtâo Kia, thần H'Bia Kiu, thần Aêdu, thần Alê Diê đã ban cho chúng con nào thóc lúa, nào kê, nào ngõ. Chúng con thỉnh chư vị thần từ phía Đông dãy Ngân Hà nơi gần nguồn gốc của lúa, xin giáng lâm chứng giám. Lạy thần Aê Nghi ở dưới đất, lạy thần Aê Ngăn ở trên trời xin cho mỗi năm lúa được đầy vựa..."

Tết Yang Pa của người Chơ-Ro

Người Chơ-Ro hay Chu-Ru sinh sống tại Đồng Nai, Lâm Đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hai tết lớn của đồng bào Chơ-Ro là lễ cúng thần rừng và lễ cúng thần lúa vào khoảng tháng ba âm lịch. Ngày cúng thần lúa cũng là lúc các cô gái trình cho buôn làng các loại bánh ngon như bánh tét, bánh ống, bánh dầy... Sau lễ cúng thần lúa tại nhà là bữa ăn tập thể do gia chủ đứng ra khoản đãi tại nơi hành lễ. Thường thường nơi cúng lễ là gốc cây cổ thụ trong buôn làng. Họ quan niệm thần lúa thường đến nghỉ ngơi ở đó.

Tết Nhô LirBông của người K'Ho

Người K'Ho hay sinh sống ở Lâm Đồng. Họ ăn tết sau tết Nguyên Đán của người Kinh ở miền xuôi độ một tháng, gọi là Nhô LirBông, tức tết mừng lúa về nhà. Tết này kéo dài cả tháng. Hai chữ LirBông có nghĩa là cót thóc. Người LirBông rất quý trọng thóc lúa, vì thóc lúa là những hạt ngọc của Yàng ban phát. Lễ cúng mừng lúa được tổ chức tại kho lúa của mỗi gia đình, bắt đầu từ xế chiều với sự tham dự của chủ làng và nhiều gia chủ khác. Người ra lấy máu gà hiến sinh bôi lên vựa thóc, sàn kho, các cửa lớn, cửa sổ. Máu gà còn được trộn chung với vỏ cây đa, củ nghệ, các con mối đẩt. Cỏ tranh giã nhỏ để bôi lên ngực, lên trán những thành viên trong gia đình, sau đó còn bôi lên những đồ gia dụng.

Sau lễ cúng cót thóc trong gia đình, người K'Ho rủ nhau đi từ nhà này sang nhà nọ để ăn uống, ca hát, nhảy múa chung vui, cứ thế cho đến cả tháng trời mới mãn.

Lễ Tết cổ truyền của người Chăm

Đồng bào Chăm còn gọi là Chàm, hiện đang sinh sống tại hai tỉnh Bìnhh Thuận, Ninh Thuận và một số ít tại Châu Giang (tỉnh An Giang).

Cũng như các dân tộc anh em khác, người Chăm ăn Tết cũng rất linh đình, nhộn nhịp. Hai lễ lớn nhất trong năm là Păng-Katê và Păng-Chabư được xem như cái Tết của họ.

Păng-Katê cử hành vào ngày 1 tháng 7 theo lịch Chăm tức khoảng tháng 9 dương lịch và Păng-Chabư cử hành vào ngày 16 tháng 9 theo lịch Chăm tức vào khoảng tháng 2, tháng 3 dương lịch.

Vào những ngày lễ, đông đảo đồng bào Chăm từ các nơi dổ về tại ba nơi hành lễ: đó là đền Pô nưgar, tháp Pô Rômê ở huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) và tháp Pô Klông Garai ở thị xã Phan Rang - Tháp Chàm.

Tết Păng Katê là ngày tế lễ các vua Chăm thuở xa xưa có công dựng nước và hướng dẫn việc nông tang, thuộc về dòng họ người cha, tượng trưng cho khí dương, cho nên phải cử hành vào buổi mai, còn Tết Păng Chabư là lễ cúng tế các lễ thần Pô Giang nữ, tức các hoàng hậu, công chúa Chăm, thuộc dòng họ mẹ, tượng trưng cho khí âm nên được cử hành vào buổi chiều tối.

Sáng mồng một Tết, các chức sắc Chăm cùng toàn thể bà con xa gần đều tề tựu về ba nơi hành lễ, quần áo thật mới mẻ, chỉnh tề. Các thầy Cả và các bà Bóng ngồi theo phẩm trật, thứ tự cao thấp trong căn nhà dựng trước cửa đền hay cửa tháp. Lễ cúng gồm có hoa quả, bánh trái đủ loại, cúng cơm, rượu và thịt. Ba nghi lễ gồm các thầy Cả sư, phó Cả sư, thầy Bà xế, thầy Kè-ke vừa kéo đờn Kanhi (đờn mua rùa) vừa xướng văn tế lễ. Còn các bà Bóng thì lo dâng rượu và múa mừng. Tưởng cũng nên nhắc đến người Chăm gồm có 2 ngành: Ngành theo đạo Bà la môn và ngành theo đạo Hồi. Ngành theo đạo Bà la môn rất kiêng cữ thịt bò, còn ngành theo đạo Hồi thì kiêng ăn thịt Heo.

Ngày tết, người Chăm theo đạo Hồi thường đến nhà thờ đạo Hồi vào ngày đầu năm để nghe chức sắc, đọc kinh Coran, cầu nguyện đấng Alah, sau đó các tín hữu ra sông, ra suối tắm tẩy uế những cái xui, cái xấu của năm cũ và rước cái mới, cái tốt lành của năm mới.

Ngày mồng 2 Tết là ngày dành riêng cho các chức sắc ăn tết tại nhà. Qua ngày thứ ba trở đi, cho đến ngày thứ 7 hay thứ 9 thì đến lượt mọi người tổ chức ăn tết, lần lượt từ nhà này sang nhà khác. Tuy nhiên, mỗi gia đình chỉ lựa chọn cho mình một ngày duy nhất trong khoảng thời gian qui định mà thôi.

Họ giết heo, giết gà vịt, bày đủ loại hoa quả, bánh trái. Trong dịp Tết, người Chăm không có tục kiêng cữ cho nên bạn bè, hàng xóm trong dịp ở xa có thể đến chung vui một cách thoải mái. Trong thời gian ăn Tết, người Chăm còn tổ chức các trò vui chơi như múa quạt, tổ chức đánh cồng chiêng, ca hát uống rượu, bắn cung.

Ngoài hai lễ lớn trên, người Chăm còn có các lễ khác trong năm như: Lễ cúng thần nông vào tháng 4 theo lịch Chăm, cử hành vào các đền, tháp; lễ cầu đảo (Chakap Hiâu Kron) cử hành tại các đập nước hay ở các bờ sông, bờ suối; lễ cúng ruộng (Pô Phùm) để cầu cho ruộng lúa tốt tươi và lễ Tống ôn (Rija Nưgar) tổ chức vào mồng một tháng giêng theo lịch Chăm, để cầu cho làng xóm, gia đình được thịnh vượng, an khang.

* Tết của người Lô Lô:

Người Lô Lô ở Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu cũng giống như người Kinh. Họ chuẩn bị lợn gà, các loại bánh trái thật đầy đủ để ăn Tết. Ngay từ 29-30 Tết, các nhà đều dọn dẹp sạch sẽ, đưa hết rác rưởi từ trong nhà, ngoài vườn ra ngoài đường để tống khứ uế tạp trong năm cũ. Chiều 30 Tết, mọi gia đình tổ chức bữa cơm sum họp và gia chủ chúc phúc cho hết thảy các thành viên trong gia đình.

Người Lô Lô có tục đón giao thừa bằng cách đánh thức tất cả gia súc nuôi trong nhà cùng dậy. Tất cả đồ dùng trong gia đình và cây cối trong vườn đều được dán giấy mầu vàng bạc để nghỉ ngơi trong ba ngày Tết, không được đụng chạm đến.

* Tết của người Tày:

Lễ đón năm mới của người Tày ở Hà Giang.

Người Tày bắt đầu ăn Tết từ ngày 28. Họ trang trí lại nhà cửa, quét dọn sạch sẽ, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà. Ngày 29, họ thịt lợn để làm thức ăn như giò chả, thịt nướng, thịt luộc, lạp xường... Ngày 30 Tết, tất cả đồ dùng trong nhà như dao, dựa, cày, bừa... gom vào một nơi để làm lễ cúng và cho nghỉ ngơi ăn Tết. Đêm giao thừa không được thắp đuốc vì làm như thế năm mới sẽ hạn. Ngày Tết, họ làm đủ thứ bánh như miền xuôi, nhưng chỉ có bánh chưng thì gói tròn gọi là bánh Tày. Nhiều hội xuân tổ chức vào dịp Tết như hội còn, hát lượn thật vui vẻ và hào hứng.

* Tết của người Nhắng

Người Nhắng ở Lào Cai ăn Tết giống người Kinh ở miền xuôi. Giờ giao thừa, họ có tục đi lấy nước đầu năm về pha trà cúng tổ tiên. Lúc trở về, bao giờ họ cũng đem theo cành lộc để cắm trên bàn thờ. Bàn thờ của người Nhắng rất đơn giản, chỉ có một bát hương và vài đĩa quả. Trước bàn thờ là một chiếc cồng làm bằng nứa thật dài, còn nguyên cả lá uốn cong xuống. Sau đó chọn giờ tốt để mang chum vại ra suối múc nước mang về dùng. Mồng một Tết, người Nhắng chỉ cúng và ăn đồ chay, họ cũng không ra khỏi nhà mà chỉ chúc tụng những người trong gia đình. Ngày mồng hai trở đi họ cúng mặn, đi thăm chúc Tết bà con họ hàng và đến các đền miếu để cầu xin những điều may mắn, tốt lành cho gia đình Ngày Tết, họ cũng tổ chức vui chơi, ca hát cho đến lễ Lục Tùng, tức lễ cúng ông Thần coi về mùa màng vào mồng bảy tháng giêng mới mãn.

* Tết của người Ba Na

Người Ba Na ở Bình Định và Gia Lai thường ăn Tết thật linh đình và hầu như tổ chức lễ Tết quanh năm. Về lễ, họ có nhiều lễ lớn như Bru-Hoposat (lễ bỏ mả) vào tháng giêng và tháng hai; lễ Midak-Mat-Aton để cầu hồn người chết, lễ Puh-Sodu để xua đuổi tà ma; lễ Koh-Sa-Kopo để cầu bình an vào khoảng tháng 6 dương lịch và lễ Nùng Chàm để cầu mưa thuận gió hòa. Cuối cùng là Tết Et Tojur Sa hay Yang Sré (Tết mãn mùa) tổ chức sau mùa gặt hái (khoảng sau Tết Nguyên đán ở miền xuôi).

Riêng người Ba Na ở Bình Định ăn Tết mãn mùa gọi là CHRUL-COL kéo dài cả tháng vào dịp trăng tròn để cho cuộc vui thêm trọn vẹn.

* Tết của người Khmer Nam Bộ

Người Khmer ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tổ chức ăn Tết Chôn Chăm Mây và tháng "chét" theo lịch Khmer, tức vào khoảng tháng tư dương lịch, nhằm vào ba ngày 13-14-15 trăng tròn. Người Khmer xem Tết Chôn Chăm Mây là ngày lễ tôn giáo và cũng là dịp để tẩy sạch bụi trần.

Trong ngày đầu năm, họ lo đi viếng chùa lễ Phật, sau đó xuống sông gánh cát đắp nhiều ngọn núi cát chung quanh chùa. Đến ngày mồng bốn Tết trở đi, họ mới đi thăm viếng chúc tụng lẫn nhau, đồng thời tổ chức các trò vui chơi. Những trò vui thường tổ chức trước sân chùa vào ban đêm dưới ánh trăng.

Bánh Tét miền Nam

 

Nếu ở miền Bắc trong ngày Tết, giỗ kỵ, các lễ hội cổ truyền có bánh dày, bánh chưng để dâng cúng tổ tiên, thì ở Nam Bộ bánh tét được liệt ngang hàng, coi như bánh Tổ.

Dân Nam Bộ chế biến bánh tét một cách tài tình và phong phú, tuỳ theo địa phương mà thêm thắt gia vị cho thích khẩu. Có chỗ gói nếp với nhân đậu xanh, còn gia đình khá giả thêm vào nhân đậu xanh một miếng thịt theo chiều dài đòn bánh. Cũng có chỗ không thuần nếp mà trộn lẫn đậu đen để tăng chất lượng vừa dẻo, vừa bùi.

Đặc biệt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngày xưa những gia đình giàu có, con cháu đông đảo, thường gói bánh tét đòn rất lớn. Khi tét bánh ra, khoang bánh tròn trịa, nằm gọn gàng trong lòng một đĩa kiểu trông khá đẹp mắt. Trung bình một đòn bánh đường kính cả tấc tây và độ nặng khoảng hơn một kí lô.

Công việc gói bánh khá tỉ mỉ. Trước tiên, đem bếp và đậu đen vo sạch để ráo nước. Lá dứa đâm nhuyễn lọc lấy nước trộn hoà vào nếp. Đậu xanh cà, đãi vỏ để sống. Thịt ba rọi (nửa nạc nửa mỡ) cắt vuông vắn đặt theo chiều dài đòn bánh đã được ướp trước cho thắm vào hành, muối, đường. Có như thế, thịt vừa trong, vừa đẹp để khi tét bánh ra, thịt hoà tan vào nhân đậu xanh, ăn nghe vừa béo của thịt, vừa bùi của đậu, vừa dẻo của nếp, vừa thơm ngon.

Mỗi lần gói bánh chí ít cũng 5-7 chục đòn, tuỳ theo khả năng tài chính của mỗi gia đình. Hai đòn cột thành một cặp, có dây quai để xách cho tiện, khi có làm quà tặng bà con một cặp vừa đẹp, vừa hợp với tập quán vì năm mới phải đủ đôi, chẵn cặp, ý chúc cho bà con đủ vợ, đủ chồng là niềm hạnh phúc thịnh vượng. Bánh khi hấp phải thường xuyên canh chừng lửa, có khi từ đầu hôm hấp suốt đêm đến 6,7 giờ sáng mới vớt ra.

Để bánh mau chín, các bà nội trợ thường áp dụng một số mẹo vặt, vắt chanh vào nếp hoặc ngâm nếp với nước khóm một thời gian chừng vài ba giờ. Không được ngâm lâu, sợ nếp rã thành bột. Lúc gói bánh, xếp lá chuối ở hai đầu, bẻ thành 4 góc rồi nức đòn bằng cọng lá chuối phơi khô cho dẻo, cắt nhỏ như dây lạc. Hiện nay, theo thời hiện đại, cũng có chỗ nức đòn bằng dây chỉ nhựa.

Nhiều gia đình ăn chay, gói bánh tét nhân ngọt (không có thịt) nhân đậu xanh có trộn đường; hoặc bánh tét nhân chuối cũng được ưa thích, chuối thay cho nhân đậu xanh, đòn nhỏ một trái chuối, còn đòn lớn ba trái chuối xiêm chín có thêm đường để tăng độ ngọt cho nhân, khi chín có màu đỏ tím. Tét khoanh bánh ra trong lạ mắt, màu đỏ tím chính giữa nổi bật bên ngoài màu nếp trắng phau.

Còn một loại bánh tét được chế biến khá đặc biệt nữa là bánh tét thập cẩm, vẫn bánh tét nếp, phần nhân được nâng cấp có trứng, tôm khô, lạp xườn, hột sen, thịt giò Bắc thảo, đậu phộng, nấm đông trộn chung với nhân đậu xanh. Dĩ nhiên, loại bánh này ăn rất ngon và thực hiện quả là tốn kém.

Trong dịp lễ tết cổ truyền, giỗ kỵ ... người Nam Bộ thường làm bánh tét đãi khách và làm quà biếu xén bà con gây thiện cảm. Những ngày đầu năm tét bánh ra đãi khách ăn với thịt kho tàu, chấm nước mắm, thật đậm đà hương vị ngày Xuân. Bánh tét ra giêng còn dư, nhằm đổi khẩu vị, người ta thường đem chiên với dầu hoặc mỡ phi tỏi, ăn thấy lạ miệng sau khi đã chán các món cao lương mỹ vị. Đây cũng là một loại lương khô rất tiện dụng cho du khách đi xa, leo núi hoặc người hành quân lâu ngày, bởi có thể để cả mười ngày, nửa tháng không bị mất phẩm chất.

Vại dưa hành

 

Đó là thứ hành không để làm gia vị cho thịt thà, bún phở. Nó sẽ hoá thân trong mặn mòi, ép xác để thành món dưa hành không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền. Bà mẹ mua một rổ về, ngâm trong nước gio một ngày đêm, rồi bóc vỏ già nhưng để nguyên cái cuống còn chút rễ, một là để cho đỡ hăng, hai là để cho khỏi ủng, và chuẩn bị cho vại dưa hành ăn tết. Mẹ hướng dẫn cô con gái: Phải để hành ở dưới, đặt dưa, từng tầu rửa sạch, lên trên, rồi mới nén. Cô con gái khăng khăng cãi lại: Để hành lên trên chứ mẹ, vì hành ngon hơn, ăn hết nhiều hơn, như thế dễ lấy hơn. Bà mẹ độ lượng cười: đúng là hành ăn ngon hơn, chóng hết hơn, nhưng dưa lại chóng "ngấu" hơn, khi hành chín ăn được vớt ra liễn nhỏ, mỗi bữa lấy từ liễn nhẹ nhàng hơn, không phải bê cái cối đá nặng chình chịch, không phải thò ngập cánh tay vào vại. Và như thế cũng không ảnh hưởng gì đến tàu cải, cải ngồng, thứ cải Đông Dư bên Gia Lâm, và ta sẽ có món ngon kỳ lạ, tuy là vai phụ trên mâm cỗ, chỉ là để đưa đẩy, điểm xuyết, nhưng nếu không có nó thì dù mâm cao cỗ đầy, dù giò lụa, thịt gà, ninh mọc... cũng sẽ chóng ngấy, ngại ngần cho đôi đũa. Phụ mà hoá chính. Bởi cái lưỡi vào lúc ngại cái béo cái nồng, mà gặp một vị chua mềm, chua thanh, thảnh thơi ngòn ngọt ngoài dư vị của củ hành vàng tươi, trong trắng nõn, nghe ròn tan giữa hai hàm răng, mang dáng hình hơi dẹt của sức nặng đá đè hàng tháng, món dưa hành ấy sẽ thành hồi trống của đêm hội làng, thành thứ son tươi cho đôi môi cho cô gái, thành chén nước lã trên bàn thờ, thanh sạch múc ngay ngoài bể nước mưa, cạnh những hương hoa quý giá khác ...

Tết đến, trừ một vài đô thị lớn có dịch vụ, hàng chục chum to nơi chợ lớn, thì hầu như nhà ai cũng làm một vại dưa hành gồm dưa cải và hành củ. Hành trắng ngon hơn hành tía, hành tía hăng hơn, lâu "chín" hơn.

Dưới đáy vại dưa, bao giờ cũng là mấy tấm mía róc sạch vỏ, màu trắng ngà như một thứ ngà voi, xếp ngang xếp dọc vài lớp trước khi những hành củ được nằm trong vại, dùng mía và giát giường, hành là người khách lưu trú mấy chục ngày đêm. Hương mía và vi ngọt tạo thành thứ men, không làm say nhưng kích thích như một hương nước hoa thoang thoảng cho ta thấy người đã khuất mà lòng còn mê mẩn. Đồng thời mía còn làm cho dưa hành có màu vàng chanh, vàng tươi, vàng ửng, màu vàng làm đẹp cho mâm cỗ tết, kích thích cái nhìn thực khách từ giây phút đầu tiên nâng chén.

Cái vại hành ấy tháng ba là vại cà nén mặn ăn cả mùa hè. Còn tháng Một, nó là vại dưa hành quen thuộc, yên lòng cùng muối mặn, không còn một chút mùi kháng mùi nồng nào, nó tinh khiết như sinh ra để người nghèo chuyên cho nó một hoàn cảnh ấy, vượt xa những thứ đồ đồng, đồ nhôm, đồ nhựa tân kỳ nhưng không thích hợp, không thể sánh bằng đất, nước non qua cửa lò ngùn ngụt, thành tiếng kêu như chuông, như khánh.

Chuẩn bị ăn tết, ngoài con lợn trong chuồng thì vại dưa hành được nghĩ đến đầu tiên, xuất hiện đầu tiên dưới mái nhà nghèo, trong những cơn gió mùa đông bắc đầu tiên đổ vào báo hiệu một hai tháng nữa là xuân đến.

Và có lẽ chính vại dưa hành ấy cũng sẽ hết sau cùng, dù xuất hiện đều đều trong các bữa tết và sau tết, trong mâm cơm thường đến cỗ tất niên, mâm cỗ mừng xuân hay mâm cỗ "hoá vàng" hôm mồng bốn để chia tay người nhà lại ra đi, năm sau mới trở về. Và ra giêng, hành gắp lên đĩa, còn dưa lại hoá thân lần nữa thành món canh dưa, nấu với lạc nhân giã dập, nấu với cá lẹp anh đánh giậm bán ở chợ đầu làng, hay nấu với thịt bò chỗ cái bắp hoa... đều rất ngon như ngự thiện. Chỉ có tết mới có dưa hành. Và nếu không có dưa hành không thành cỗ tết, như cúng mà không thắp hương, như ăn hỏi mà không có trầu cau, như yêu nhau mà chẳng ngỏ lời... Chả thế mà nó đã vào ca dao:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ ...

Ông com lê, cụ cà vạt, bà áo nhung, chắc ai đã là người Việt Nam, biết đón cái tết Việt Nam xum họp, biết ăn ngọn rau muống luộc với quả cà, thì không thể không yêu mến món dưa hành. Và ai chưa ăn dưa hành, chắc chưa phải người Việt Nam. Bản sắc chứa đựng nếp sống dân tộc đó, chẳng cần tìm đâu xa, chẳng cần lý luận dài dòng trong miếng ăn, hớp uống...

Cha đời con gái làng La

Làm dưa dưa khú, muối cà cà thâm ...

Không phải con gái ở đây vụng về, mà ngược lại, họ quá đảm đang, tần tảo, hết vào khung cửi lại xuôi ngược đông đoài mua tơ, bán lụa, nên chẳng còn thì giờ lo bếp núc, tương cà. Mọi việc đều phó thác cho "cánh đàn ông", nên sinh ra thế.

Ngày thường món thịt quay phải kèm theo củ kiệu muối. Có hôm kiệu lại quá sống, có hôm lại quá chua. Dưa hành không thế. Bữa đầu tiên cho đến bữa cuối cùng, diễn ra hàng tháng, miếng dưa còn mang hình một mảnh buồm cánh dơi căng gío, miếng hành vàng tươi, đã dẹt vết thời gian, vẫn cứ dìu dịu, thơm thơm, chua giòn, nâng đỡ mọi món ăn khác, đẹp lòng người già, con trẻ thật thật tình.

Đĩa dưa hành trên mâm cơm mâm cỗ, bao giờ cũng được bóc nõn, cắt cỏ cái chùm rễ nhỏ, bỏ đi cái áo bên ngoài, nên có tinh tươm, toả ra cái lời mời mọc mơ hồ... và hầu như thành lệ, người ta ngồi vào mâm không xục đũa bới tung món giò lụa hoặc thịt gà quay, mà trước hết, nhẹ nhàng gắp củ hành nén ấy đưa lên thưởng thức như một thứ khai vị, một thử thách tài làm cỗ của chủ nhà, vừa tỏ ra thanh lịch, khảnh ăn.

Nhỏ bé, rẻ tiền nhưng món dưa hành đã thành cái "thần" của mâm cỗ Tết. Có đúng thế không nhỉ?

Thú chơi ngày Tết

 

Tiến hành những nghi thức lễ tổ tiên và lễ đình chùa, chuẩn bị chu đáo những món ăn ngon ngày Tết của Việt Nam không thể thiếu những trò chơi trong hội xuân của cộng đồng. Tùy đặc điểm và điều kiện, hoàn cảnh sống, từng vùng có những trò chơi riêng, nhưng do quá trình giao lưu, cũng có nhiều trò mang tính phổ biến. Vì thế, bên cạnh những Bắt chạch trong chum, thả chim câu, đua ngựa, đua cà kheo... thường giới hạn ở một số nơi, lại có các trò đánh đáo, đánh phết, tung còn, kéo co, đấu vật, đá cầu, đánh đu, đánh cờ người, bắt vịt, leo cầu ùm... được tiến hành trên phạm vi rộng. Tuy nhiên, còn những cách chơi khác gần gũi đời sống tinh thần, bộc lộ tư tưởng và tình cảm rõ nét hơn, tạm gọi là thú chơi. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc sơ lược vài loại hình này.

Đó là những Câu đối viết bằng bút lông lên giấy đỏ, một thể loại văn học cô đọng, hàm súc, lời ý chắt lọc, đối nhau từng chữ, từng âm và tổng thể của hai vế. Chủ đề phải nhất quán thể hiện những khát vọng cao đẹp một cách cụ thể, xác thực. Dùng ít từ là tiểu đối, mỗi vế bảy từ là kiểu đối thơ, nhiều từ là dạng đối phú - có thể kéo dài như bài phú, Câu đối viết chữ Hàn hoặc chữ Nôm cách điệu, vận dụng điển tích hoặc lối nói dân dã, bao hàm cả nghĩa đen và nghĩa bóng để dễ hiểu và gợi liên tưởng. Lớp người bình dân, bởi vậy không xa lạ, ưa dán ở cửa ngõ, cột hiên, cột nhà và hai phía bàn thờ, coi là thú chơi tao nhã. Ngày nay, câu đối vẫn được ưa chuộng, có mặt trên nhiều trang báo Tết và người ta chọn in những câu hay đem phát hành.

Tranh Tết dân gian xuất hiện từ lâu, các dòng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây) và Sình (Huế) nổi tiếng nhất. Màu sắc tranh lấy các chất liệu sẵn có trong tự nhiên, gồm năm thuốc cái chính chế biến thành chín mầu. Đề tài phân ra tranh tín ngưỡng, tranh lịch sử và cổ tích, tranh giáo huấn, tranh về nghề nghiệp và cảnh vật, tranh châm biếm, tranh hài hước, tranh chúc tụng, tranh trấn trạch, tranh mô tả sinh hoạt nông thôn... Tranh dân gian Việt Nam giản dị, hồn nhiên gợi cảm, có phong cách độc đáo.

Chơi hoa ngày Tết biểu lộ tình cảm gắn bó thiên nhiên, là tập quán tốt của người Việt Nam. Miền Bắc có hoa đào đỏ thắm, miền nam có mai vàng rực rỡ, hải đường, mẫu đơn, cúc, hồng, lan, huệ được cắm trong lọ, tỏa hương thơm ngào ngạt bên các cành đào hoặc mai và bát thủy tiên trong suốt. Cây quất sum suê những chùm quả vàng mọng, trồng trong chậu sành men da lươn, men hoa lam đặt giữa nhà, tượng trưng sự đủ đầy, no ấm. Khách thưởng ngoạn hoa và cây cảnh thấy được tài khéo léo chọn lựa, xếp sắp hài hòa của gia chủ.

Tết cũng là những buổi trình diễn nghệ thuật sân khấu của các phường chèo, phường tuồng, phường múa rối, phường ca trù và gánh hát cải lương... Họ là những nghệ nhân xuất thân từ tầng lớp lao động, tập hợp dưới tay một ông trùm, bà cả tài hoa, phân vai tập luyện và di lưu diễn khắp các làng, xã. Hát múa có dàn nhạc đệm đi đôi với diễn là yêu cầu cơ bản nhằm đáp ứng đòi hỏi xem và nghe của người thưởng thức. Những cảnh đời, những số phận được tái tạo từ hiện thực xã hội, phân định rạch ròi thật giả, hướng tới lý tưởng thẩm mỹ lành mạnh, tạo mối đồng cảm và có sức hấp dẫn mạnh mẹ.

Mùa xuân tràn trề sinh khí, mùa của đôi lứa trao duyên, mùa hội tụ của âm thanh, nhịp điệu vang vọng trong Những bài ca tình yêu. Trống, cồng, chiêng, sênh, phách, khèn, sáo, kèn lá, các loại đàn tứ, nguyệt, tam thập lục, bầu, hồ, nhị, tính, krông-pút, tơrưng, v.v... là những nhạc cụ truyền thống giàu âm sắc chắp cánh cho những vũ điệu và lời ca, tiếng hát.

Người Thái nâng múa biểu siễn xòe khăn, xòe quạt, xòe nón, xoè nhạc, xoè hoa duyên dáng, bay bổng. Người Tày đắm say trong hát lượn cọi, lượn slương. Người Nùng đằm thắm với hát sli. Người Mông linh hoạt, sôi động trong múa khèn, thổi đàn môi đi hội gàu tào. Người Mường có xéc bùa sử dụng giàn cồng đủ bộ diễn tấu kết hợp hát bài chúc Phác rác và hát thường rang.

Cư dân Tây Nguyên có múa rông chiêng, hát mũn, a-nhông kiêu, kể khan, H’Ămon. Người Khmer Nam Bộ hát A-dây, Người Việt hát Xoan, ghẹo, quan họ, đò đưa, trống quân, múa hát dô giậm, Xuân Phả, phường vải, hát giặm, bội, bài chòi.

Thú chơi ngày Tết bộc lộ bản lĩnh, tính cách, thị hiếu và bản sắc dân tộc, không ngừng được cải tiến, bổ sung, nâng cao trong đời sống đương đại.

 

Ngày xuân với mốt chơi thư pháp

Nói đến thư pháp thì ai cũng nghĩ ngay đến hình ảnh ông thầy đồ áo dài khăn đóng nghiêm trang múa ngọn bút lông để tạo nên những nét chữ mực Tàu thần kỳ trên tấm liễu đỏ. Và rồi những nghệ sĩ thư pháp người Hoa xuống "tấn" dùng "nội công bay nhảy" như phim kiếm hiệp để viết trên những tấm liễu, tấm phướn khổ rộng dài cả chục thước vậy. Những tác phẩm thư pháp hoàn toàn có giá trị nghệ thuật không thua gì những tác phẩm hội họa nổi tiếng trên thế giới nhưng không phải ai cũng ưa chuộng việc chọn cho mình vài bức thư pháp để treo trong phòng làm việc, phòng khách... Vậy mà bước vào thiên niên kỷ mới này, thư pháp được nhiều người tìm mua để trưng tạo nên một mốt chơi mới rất tao nhã và mang tính nghệ thuật cao, phải chăng những giá trị văn hóa của con người sẽ không bao giờ mất đi. Mốt chơi thư pháp bây giờ người ta không chỉ thuần túy là câu chữ, hàng chữ, câu đối có ý nghĩa nữa mà như một cách tâm niệm về một câu nói hay đầy ý nghĩa. Những bức thư pháp được lồng trong khung trang nhã, thường là có viền màu đen, màu đỏ, hay màu xám bạc, rồi được đặt trang trọng tại phòng khách, phòng làm việc với 4 hoặc 6 ngọn đèn halogen chiếu vào trọng tâm và các góc cạnh nhằm nổi bật phần hồn của từng nét chữ thư pháp. Trong khi những người Hoa đều thích những bức thư pháp như "Mã đáo thành công", "Long Mã tinh thần"... thì người Việt lại thích những bức có vẻn vẹn chữ "Phúc", "Tâm", "Nhẫn",... giá trị của một bức thư pháp thường đi kèm với lịch sử của nó cũng như lịch sử của chủ nhân nó, và có thể từ vài trăm ngàn đến vài trăm USD tùy thuộc vào những yếu tố vừa nêu.

Bên cạnh thư pháp viết bằng chữ Hán theo phong cách trung Hoa thì trong khoảng gần một năm nay ở TP.HCM cũng đã xuất hiện nhiều bức thư pháp viết bằng tiếng Việt độc đáo về nét chữ lẫn về nội dung được nhiều người chơi thư pháp tìm mua khá nhiều. Người khơi nguồn cho thư pháp viết bằng tiếng Việt không ai khác hơn là ông Nguyễn Thanh Sơn. Ông Sơn xuất thân từ một kiến trúc sư và ông có công ty xây dựng riêng, nhưng ông chỉ cho rằng mình là người yêu thích thư pháp chứ không phải là nhà thư pháp như nhiều người nghĩ về ông như vậy. Thông qua gần 100 tác phẩm thư pháp tiếng Việt thuộc các thể loại thơ, danh ngôn... được chọn lọc kỹ lưỡng trên các chất liệu giấy, vải, kính... như "Làm việc gì trước hết phải biết nghĩ đến nhân quả", "Vinh nhục như bong bóng nước", "Cõi tạm", "Phù vân",... tạo cho người xem luôn phải suy nghĩ chiêm nghiệm lại cuộc đời mình hướng đến một cuộc sống đúng đắn hài hòa hơn.

So với thư pháp tiếng Hán, thư pháp tiếng Việt hoàn toàn rất mới mẻ nhưng vẫn thu hút nhiều người tập viết lẫn người chơi sưu tập vì hầu như ai cũng tâm niệm rằng áp dụng nghệ thuật thư pháp vào chính nét chữ của dân tộc mình là một niềm tự hào, hãnh diện cũng như thích thú biết bao. Và bằng chứng là hiện nay có trên 70 hội viên đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ những người yêu thích thư pháp tiếng Việt thuộc Trung tâm Văn hóa Quận 1.

Những bức thư pháp tiếng Việt của ông Nguyễn Thanh Sơn cũng như các hội viên câu lạc bộ những người yêu thích thư pháp tiếng Việt đã góp thêm điểm son cho văn hóa Việt Nam nói riêng. "Tôi đang bàn với nhà tạo mẫu áo dài Liên Hương để thể hiện những bức thư pháp tiếng Việt trên áo dài Việt Nam". Ông Nguyễn Thanh Sơn bộc lộ tâm huyết của mình với thư pháp tiếng Việt như vậy trong kế hoạch phát triển mốt chơi thư pháp qua năm 2001. Có lẽ những nét chữ viết bằng cọ, có nét lớn, có nét nhỏ uyển chuyển có thần, chữ và bút hòa vào nhau như một mà người xem cảm nhận qua từng nét chữ, từng lời trong câu được viết nên trên vải, giấy, rồi hút cả vào trong tâm hồn chắc là sự hấp dẫn của mốt chơi thư pháp - một lối chơi tao nhã, lắng đọng, hướng về những cội nguồn văn hóa dân tộc với nhiều giá trị lớn lao.

Tranh Tết dân gian

Đông Hồ, làng nhỏ miền quê tôi bên bờ sông Đuống giống như bao làng khác, mái rạ bờ tre. Những người nông dân bao đời lam lũ cấy lúa trồng cà, bàn tay chai sần dầm trong đất. Nhưng chính những bàn tay ấy, từ xa xưa, đã vẽ nên những bức tranh tuyệt đẹp, làm hình thành dòng hội họa dân gian nổi tiếng. Và Đông Hồ trở thành một địa danh văn hóa quen thuộc với mọi người. Người họa sĩ đồng quê Đông Hồ thể hiện tâm hồn xứ sở lên ngọn bút. Dân làng gọi họ là người "ra mẫu tranh". Họ vẽ tranh bằng bút lông chấm mực tàu thể hiện trên giấy bản. Những đường nét tài hoa "thần bút" đã hình thành trong cơn cảm hứng ngất ngây. Sau đó tranh nét được khắc trên ván gỗ thị vàng ươm. Chỉ khắc trên gỗ thị vì gỗ thị mềm, mịn, dai. Ngọn dao khắc sắc lẻm tung hoành trên phiến gỗ thị làm nên những bản khắc quý giá.

Bản khắc được in trên giấy điệp. Tờ giấy điệp cũng là một kỳ công của kỹ thuật chế tạo giấy đời xưa. Đông Hồ có những đoàn người lên rừng tước vỏ cây dó. Vỏ dó được giã nhuyễn, ninh kỹ, hớt lấy những sợi tơ mềm như mạng nhện. Sợi tơ đan dệt nên tờ giấy xốp, dai, mềm mại như lụa, gọi là giấy dó.

Những đoàn trai Đông Hồ khác lại ra miền biển tìm mua vỏ sò, hến, trai, điệp... đem về nung như nung vôi. Chất liệu ấy vụn như cám và có màu óng ánh xa-phia gọi là điệp. Điệp trộn với hồ quết lên giấy dó thành tờ điệp.

Và tranh Hồ được in trên tờ điệp. Họa sĩ dân gian Đông Hồ xưa tô màu tranh bằng chất liệu hoàn toàn lấy trong thiên nhiên. Lá tre đốt ủ kỹ làm màu đen. Lá chàm cho màu xanh. Rỉ đồng cho màu lam. Nhựa thông cho màu hổ phách. Quả giành giành cho màu vàng. Son đồi cho màu đỏ. Vỏ trứng giã nhỏ trộn hồ cho màu trắng. Chất liệu tự nhiên ấy đã làm nên sắc màu kỳ diệu quý giá của bức tranh dân gian Đông Hồ.

Dòng hội họa Đông Hồ qua bao đời đã sản sinh ra hàng trăm tác phẩm nổi tiếng. Bộ Tố nữ vẽ bốn "hoa hậu" Việt thời xưa - đó là những Venus phương Đông. Tranh Hứng dừa có sắc màu vừa trữ tình vừa hài hước. Chàng trai trèo lên trẩy dừa ném xuống cho cô gái. Cô không đón bằng tay mà tốc váy đón dừa. Nhìn tranh người xem không khỏi mỉm nụ cười vui. Bức Trạng Chuột kiệu anh đi trước, võng nàng đi sau diễn tả vẻ tưng bừng của ngày vinh quy. Bức Thầy đồ Cóc là ảnh hình của "nền giáo dục" thời xưa. Bức Đánh ghen là tiếng cười phê phán chế độ đa thê.

Tranh Đông Hồ nhiều, nhưng quen thuộc nhất, nổi tiếng nhất có lẽ là tranh Gà, tranh Lợn. Hãy để ít phút giây ngắm bức tranh Lợn lạ lùng của nền hội họa dân gian. Bức Lợn nái ăn dáy thật đẹp. Lợn được cách điệu lạ mắt. Đặc biệt là cái khoáy tròn âm dương. Làm sao có thể nhìn những cái xoáy lông trên mình con lợn thành cái khoáy âm dương của triết học cổ được! Đó thật sự là sự thần tình của người họa sĩ dân gian. Đó là thần bút! Bức Đàn lợn mẹ con cũng vậy. Trên mình con lợn nào cũng có khoáy âm dương!

Thời xưa, tháng chạp là tháng bán tranh Tết. Khắp các chợ cùng quê đều có những người đàn bà Đông Hồ nón ba tầm, áo dài thắt vạt, đòn gánh cong quẩy hai bồ tranh đi bán.

Người đi sắm hàng Tết thường không bao giờ bỏ qua hàng tranh. Dăm tờ xu lẻ đã mua được một bức Tiến tài, tiến lộc, Phú quý, Vinh hoa về dán cửa nghênh xuân gửi gắm ước mơ. Người nông dân ước mơ cụ thể hơn. Một bức tranh Gà Lợn dán vách, cũng là sự gửi gắm đợi chờ năm mới gà sinh sôi đầy chuồng.

Tranh Đông Hồ có từ bao giờ, không ai biết. Chỉ biết từ xa xưa lắm rồi, cứ sang tháng một - chạp, thuyền các xứ Đông xứ Đoài đã về áp mạn đê sông Đuống cất tranh (mua buôn) đem về các vùng quê bán lẻ. Nghề tranh tùy thời, khi thịnh khi suy, nhưng chẳng bao giờ tàn lụi hẳn.

Tục lễ đầu xuân

Tục lễ Động thổ

Lễ Động Thổ bắt đầu ở Trung Quốc sau truyền sang Việt Nam. Động thổ nghĩa là động đất, và trong khi động đất phải có lễ cúng Thổ Thần để trình xin bắt đầu động đến đất cho một năm mới. Hàng năm, sau ngày mồng ba Tết, các làng thường làm lễ Động Thổ để cho dân làng có thể đào cuốc xới được. Các bậc kỳ lão và quan viên được cử làm chủ tế và bồi tế. Lễ vật gồm hương đăng, trầu rượu, y phục và kim ngân đồ mã. Trong buổi lễ, ông chủ tế cuốc mấy nhát xuống đất để lấy một cục đất đặt lên bàn thờ, "tường trình" với Thổ Thần xin cho dân được động thổ. Sau lễ động thổ dân làng mới được động tới đất. Ai cuốc xới trước lễ động thổ bị dân làng bắt vạ.

Lễ Khai hạ

Theo tục lệ Việt Nam, ngày mồng bảy tháng Giêng là ngày hạ cây nêu. Cây nêu trồng trong năm, khi sửa soạn đón tết cùng với cung tên bằng vôi trắng vẽ trước cửa nhà để "trừ ma quỷ", nay được hạ xuống. Lễ hạ nêu còn được gọi là lễ Khai Hạ. Nhân dịp này, ngoài lễ giữa trời cúng Trời Đất, người ta còn sửa lễ cúng Gia Tiên, cúng Thổ Công và thần Tài. Thường sau ngày lễ này, mọi công việc thường xuyên mới được bắt đầu trở lại.

Lễ Thần nông

Thần nông tức là vị hoàng đế Trung Hoa đầu tiên đã dạy dân nghề làm ruộng. Lễ Thần Nông tức là lễ tế vua Thần Nông để cầu mong sự được mùa và nghề nông phát đạt. Trên các quyển lịch hàng năm của người Trung Hoa thường có vẽ một mục đồng dắt một con trâu. Mục đồng tức là vua Thần Nông, còn con trâu tượng trưng cho nghề Nông. Hình mục đồng cũng như con trâu thay đổi hàng năm tuỳ theo sự ước đoán của cơ sở dự báo khí tượng về mùa màng năm đó tốt hay xấu. Năm nào được mùa, Thần Nông giầy dép chỉnh tề, còn năm nào đói kém, Thần Nông có vẻ như vội vàng hấp tấp nên chỉ đi giày có một chân. Con trâu đổi màu tuỳ theo hành của mỗi năm, vàng, đen, trắng, xanh, đỏ đúng với Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ. Hàng năm, vào ngày Lập Xuân tại triều đình xưa cũng như tại các tỉnh có tục tế và rước Thần Nông. Người ta nặn trâu và tượngThần Nông có dáng vẻ và màu sắc đúng với sự ước lượng về mùa màng năm đó. Sau đó lập đài để rước trâu và tượng Thần Nông tới làm lễ tế. Sau mỗi cuộc tế, trâu và tượng Thần Nông được khiêng cất vào kho hoặc đem chôn.

Lễ Tịch điền

Lễ Tịch điền còn gọi là lễ Hạ điền do chính vua Thần Nông đặt ra. Cũng như các nghi lễ khác, lễ Tịch Điền của người Tàu đã du nhập sang ta. Hàng năm vào đầu xuân, nhà vua lại tự thân cày mấy luống đất để làm gương cho dân chúng và cử hành lễ Tịch Điền. Tiếp sau vua, các hoàng thân, các quan văn võ, các chức sắc, bộ lão sở tại cũng ra cày. Tại các tỉnh, các xã cũng có lễ Tịch Điền. Ở tỉnh, quan tỉnh mở đầu việc cày và ở xã là vị chức sắc cao nhất trong xã. Tùy từng triều đại việc cử hành lễ Tịch Điền có lúc long trọng, lúc đơn giản và ở mỗi địa phương cũng có những tục lệ riêng.

Lễ Thượng Nguyên hay Cúng rằm tháng Giêng

Lễ Thượng Nguyên vào ngày rằm tháng Giêng. Từ triều đình đến dân chúng đều có lễ Phật trong ngày này. Ta có câu: "Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng". Tục ta tin rằng ngày rằm tháng Giêng, đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của các tín đồ phật giáo. Trong dịp này chùa nào cũng đông người tới lễ bái.

Lễ Khai ấn

Các ấn được lau chùi trong năm, ngoài xuân bộ lễ theo tục cũ cũng được chọn ngày lành, giờ tốt để làm lễ khai ấn nghĩa là dùng ấn đóng lên một công văn, chỉ dụ. Thường văn bản đầu tiên được đóng ấn là bản văn tốt lành. Tục khai ấn này, tại các tỉnh, các phủ, huyện, châu, xã xưa kia mỗi viên chức có ấn đều được chọn ngày khai ấn và sửa lễ cúng vị thần giữ về ấn tín trong dịp lễ khai ấn.

Mùa xuân thưởng võ: bắn nỏ và đua ngựa

Trong các thế vận hội, bắn nỏ là một tiết mục trong chương trình thi đấu. Không rõ tài nghệ bắn của các vận động viên nước ngoài ra sao chứ ở Việt Nam ta, đồng bào miền núi bắn nỏ khá giỏi, đặc biệt có kiểu truyền tên cho nhau rất độc đáo. Những người đi săn thường tổ chức thành phường, cùng nhau lùng bắn thú. Bỗng một người đi săn nào đó thiếu tên trong lúc con thú bị thương tìm đường chạy trốn. Thế là người đi săn hú dài xin được tiếp tên, liền sau đó, anh ta ở tư thế bất động, đầu cúi xuống. Vút! Vút! Phập! Phập! Mũi tên từ một cây cao nào gần đấy hay từ bờ suối bên kia cắm phập vào búi tó của anh. Anh nhanh chóng rút mũi tên ra, giương nỏ và "prắc" mũi tên bay đi rất ngọt hạ con thú. Vậy là người nhận tên tiếp tế phải bình tĩnh, nếu anh ta ngọ nguậy đầu thì mũi tên đang đi thẳng để cắm vào búi tó có thể lệch đường bay cắm ngay vào cổ. Và người truyền tên, lẽ tất nhiên phải bắn giỏi nghĩa là phải làm chủ được mũi tên, tính toán được sức gió, đưa mũi tên tới trúng đích, sai một ly mũi tên có thể xuyên qua gáy. Nếu mũi tên có tẩm độc làm xây xát một tí da thôi, thế là bản án tử hình đã được ký!

Nỏ là một loại vũ khí của đồng bào miền núi. Đối với nhiều người, cuộc đời của họ gắn liền với cuộc đời của cây nỏ. Từ nhỏ, em bé đã tập bắn nỏ. Khi anh ta lấy vợ, cây nỏ cũng tham dự vào hạnh phúc. Ở tỉnh Lai Châu, các dân tộc Khu Sung, Si La vẫn còn duy trì tập quán cũ, đòi hỏi trong ngày dạm ngõ, chàng rể nếu không nộp đủ sáu cái đuôi con sóc rừng thi chưa được nhà gái ưng thuận.

Trong ngày Tết, hội thi tài bắn nỏ xuyên "còn" có sức hấp dẫn rất lớn. Tung "còn" không chỉ là giao duyên giữa trai gái. Quả "còn" là mục tiêu cho mũi tên nữa. Quả "còn" màu sắc sặc sỡ được tung lên cao. Trong lúc quả "còn" còn đang lơ lửng trên không, anh trai làng giương nỏ, bật lẫy, thế lả mũi tên vút lên, xé gió, xuyên qua quả "còn". Tiếng hò reo vang dậy núi rừng. Tập nỏ, khó nhất là bắn mục tiêu di động. Mục tiêu có khi là lá cây. Lá cây được đánh dấu. Không được bắn lúc gió ngưng. Khi thổi mạnh, lá cây lật lên bay phần phật như cánh chim, chủ nỏ mới được nhả mũi tên cho nó vút đi! Mục tiêu có khi là con cá bơi dưới suối. Mục tiêu có khi là con sóc đang nhảy như bay từ cây nọ qua cây kia. Người bắn nỏ giỏi muốn trổ tài thiện xạ của mình không bắn chết sóc mà chỉ bắn rụng đuôi sóc! Bắn nỏ là một môn thể thao đòi hỏi phải có sức mới giương nổi cánh nỏ, phải có tài, có tài mới làm chủ và điều khiển được đường bay của mũi tên.

Trong các môn thể thao cổ truyền của miền núi, bắn nỏ, đua ngựa, và vừa cưỡi ngựa phi nước đại vừa bắn nỏ v.v... là những môn được nhiều ngưòi ưa thích và tham gia. Mấy năm nay, cuộc đua ngựa thường diễn ra trên sân vận động thành phố Thái Nguyên. Hàng chục nghìn người nô nức đến xem. Các kỵ sĩ cho ngựa đi quanh sân chào khán giả rồi cho ngựa đi "nước kiệu băm" (khoảng 15km/giờ) sau đó, cho ngựa phi nước đại thi đuổi nhau, vượt nhau. Kỵ sĩ ngồi như gắn vào yên ngựa. Ngựa sải chân chạy, bờm tung bay trước gió. Thật là khỏe và đẹp! ở hai vòng đua cuối, các kỵ sĩ vừa cho ngựa phi vừa bắn bóng bay. Bóng bay thay thế cho quả "còn", nỏ được thay bằng súng thể thao. Thật là hấp dẫn!

Nuôi ngựa, dạy ngựa là một nghề đòi hỏi nhiều công phu. Trường đồ tri tuấn mã, đường dài mới biết ngựa hay. Tuy vậy, người sành về ngựa, không cần đường dài, chỉ liếc mắt cũng đánh giá được con ngựa này tốt hay tồi. Họ liếc mắt xem trong chuồng, con ngựa xoay mình ra sao. Sau khi cho ngựa chạy nhanh rồi cho ngựa dừng lại đột ngột, họ xem mũi ngựa phập phồng ra sao, nghe hơi thở của ngựa, nghe nhịp đập của tim.v.v... Họ có nhiều kiến thức về ngựa nên quan sát rất nhanh, "liếc mắt" cũng nắm được đặc điểm của ngựa.

Muốn đua ngựa cừ, kỵ sĩ phải rèn người, rèn ngựa.

Phải đóng hàm thiếc cho ngựa, có nghĩa là phải đưa mọi chương trình tập luyện vào vòng kỷ cương. Kỵ mã phải có tính trầm tĩnh, làm chủ được bản thân.

Tết Hàn Thực

 

Theo phong tục cổ truyền, ngày mồng 3 tháng 3 tức Tết Hàn Thực, ta làm bánh chay. Tết này có xuất xứ từ bên Trung Quốc, làm giỗ ông Giới Tử Thôi (một hiền sĩ thời Xuân Thu có công phò Tần Văn Công), bị chết cháy ở núi Điền Sơn. Cũng như ngày mùng năm tháng năm tết Đoan Dương cũng xuất xứ bên Trung Quốc là giỗ ông Khuất Nguyên (đời Xuân Thu, thờ vua Sở Hoài Vuơng) gieo mình chết trôi ở sông Mịch La. Đành rằng dân ta theo tục đó nhưng khi cúng chỉ cúng gia tiên nhà mình.

Tết Đoan Ngọ

Ở nước ta, Tết Đoan Ngọ được coi trọng, xếp vào hàng thứ hai sau Tết Nguyên Đán. Vì vậy các cụ thường nói "Mồng 5 ngày Tết". Học trò tết thầy, con rể tết bố mẹ vợ... quanh năm cũng chỉ tập vào hai lễ Tết đó.

Tết Đoan Dương còn nhiều tục truyền đến nay; Sáng sớm cho trẻ ăn hoa quả, rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Người lớn thì giết sâu bọ bằng uống rượu hoặc ăn rượu nếp. Trẻ em giết sâu bọ xong khi còn ngồi trên giường, rồi rửa mặt mũi, chân tay xong bắt đầu nhuộm móng tay, móng chân, đeo chỉ ngũ sắc. Em gái đến độ tuổi xâu lỗ tai cũng chọn ngày này mà xâu.

Vì là đoan ngọ nên cúng gia tiên phải cúng vào giờ ngọ. Tục hái thuốc mùng năm cũng bắt đầu vào giờ ngọ, đó là giờ có dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây có thu hái được trong giờ đó có tác dụng chữa bệnh tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, các chứng âm hư. Người ta hái bất kỳ loại lá gì có sẵn trong vườn, trong vùng, miễn sao đủ trăm loại, nhưng các loại có độc chẳng hạn lá ngón, cà độc dược, lá sắn... chẳng dám hái.

Tết Trùng thập

Tết của các thầy thuốc. Theo sách Dước lễ thì ngày Mười tháng Mười (âm lịch cây thuốc mới tụ được khí âm dương, mới kết được sắc tứ thời (Xuân-Hạ-Thu-Đông) trở nên tốt nhất.

Ở nông thôn Việt Nam, đến ngày đó người ta thường làm bánh dày, nấu chè kho để cúng gia tiên rồi đem biếu những người thân thuộc (chứ không mấy quan tâm đến cây thuốc, thầy thuốc)

Tết Táo Quân

Tết Táo Quân vào ngày 23 tháng Chạp - người ta coi đây là ngày "vua bếp" lên chầu Trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua.

Cứ phiên chợ 23 tháng Chạp, mỗi gia đình thường mua 2 mũ ông Táo, 1 mũ bà Táo bằng giấy và 3 con cá chép làm "ngựa" (chuyện cá chép hoá rồng) đế Táo quân lên chầu trời.

Sau khi cúng trong bếp, mũ được đốt và cá chép được mang ra thả ở ao, hồ, sông...

Tết Thanh Minh

Là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí" và đã được người phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Khi tiết Xuân Phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang tiết Thanh Minh (thường bắt đầu trong tháng ba hoặc muộn lắm là đầu tháng tư âm lịch tuỳ từng năm).

Nhân ngày Thanh Minh, cũng như nhiều dân tộc á Đông khác dân ta có tục đi viếng mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ.

Lễ tảo mộ: Tảo mộ chính là sửa sang ngôi mộ cho được sạch sẽ. Nhân ngày lễ Thanh Minh ng­ời ta mang theo cuốc xẻng để đắp lại nấm mồ cho to, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trèo lên mộ có thể phạm tới hài cốt của người thân đã khuất. Sau đó cắm mấy nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa dâng cho vong hồn người quá vãng. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người có lòng nhân đức không khỏi mủi lòng thường cắm một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này. Tại các nơi tha ma mộ địa còn có lập một cái am để thờ chung những mồ mả vô chủ gọi là Am chúng sinh và mỗi cửa am có một bà đồng sớm tối đèn hương thờ phụng.Trong ngày tảo mộ, bãi tha ma vốn vắng lặng bỗng trở nên sầm uất. Mọi người đi tảo mộ đều vui vẻ và ăn vận rất chỉnh tề. Các ông già bà cả thì lo khấn vái nơi phần mộ. Thanh niên nam nữ cũng nhân dịp này mà phô sắc phô tài. Cả trẻ em cũng theo cha mẹ đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là bố mẹ muốn tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và xum họp với đại gia đình. Thường người ta đi tảo mộ từ sáng sớm cho đến gần trưa.

Tục lệ tảo mộ: Thường người ta đi tảo mộ vào tiết Thanh Minh trời quang mây tĩnh, và sau đó kính mời hương hồn tổ tiên về hưởng cỗ con cháu cúng trong dịp này. Nhưng cũng có nhiều nơi người ta tảo mộ vào dịp trước và sau ngày Tết. Nhiều làng thuộc tỉnh Hà Đông ở vào vùng đất thấp, tới vụ nước, ruộng nương và cả bãi tha ma đều ngập nước, thì người ta đi tảo mộ vào đầu tháng chín, sau khi nước đã rút. Dù đi tảo mộ vào ngày nào thì việc thăm nom mồ mả tổ tiên cũng là việc hay. Nghĩ đến gia tiên tức là nghĩ đến gốc, tưởng đến nguồn.

Cúng lễ trong ngày Tết Thanh Minh: Tết Thanh Minh cũng là dịp để con cháu sửa lễ cúng gia tiên sau khi viếng mộ về. Cũng có nhà sửa lễ mang ra mộ cúng, nhưng đó chỉ là cúng riêng một ngôi mộ. Còn sau đó người ta vẫn cúng ở bàn thờ tổ tiên và khấn tất cả gia tiên nội ngoại về phối hưởng. Người ta thường cúng mặn trong ngày Thanh Minh, nghĩa là có làm cỗ, hoặc không làm cỗ thì cũng có đĩa xôi, con gà cùng với hương hoa, trà rượu, vàng mã. Và đồng thời với việc cúng tổ tiên cũng có cúng Thổ Công như trong mọi dịp.

Tết Trung Thu

(Rằm tháng Tám)

Trung thu là giữa mùa thu, Tết Trung Thu như tên gọi đến với chúng ta vào đúng giữa mùa thu tức là vào rằm tháng Tám âm lịch. Tết Trung Thu là tết của trẻ em.

Ngay từ đầu tháng, Tết đã được sửa soạn với những cỗ đèn muôn mầu sắc, muôn hình thù, với những bánh dẻo, bánh nướng mà ta gọi gồm là bánh trung thu, với những đồ chơi của trẻ em muôn hình vạn trạng, trong số đó đáng kể nhất của thời xưa là ông Tiến sĩ giấy.

Trẻ em đón tết có đèn xếp, đèn lồng, đèn ông sao, đèn con giống... sặc sỡ thắp sáng kéo nhau đi từng đoàn ca hát vui vẻ, tối tối cùng nhau đi nhởn nhơ ngoài đường, ngoài ngõ.

Và khi rằm tới, có những đám múa sư tử với tiếng trống, tiếng thanh la thật náo nhiệt. Trong dịp này, để thưởng trăng có rất nhiều cuộc vui được bày ra. Người lớn có cuộc vui của người lớn, trẻ em có cuộc vui của trẻ em.

Thi cỗ và thi đèn: Trong ngày Tết Trung Thu người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô. Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả. Sau khi chơi cỗ trông trăng, các em cùng nhau phá cỗ, tức là ăn mâm cỗ lúc đã khuya.

Hát Trống quân: Tết Trung Thu ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Đôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận (hát theo vần, theo ý) hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc.

Múa Sư tử (múa lân): Vào dịp Tết Trung Thu có tục múa Sư tử còn gọi là múa Lân. Người ta thường múa Lân vào hai đêm 14 và 15. Đám múa Lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống.

Đầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân... Đám múa Lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau.

Trong những ngày này, tại các tư gia thường có treo giải thưởng bằng tiền ở trên cao cho con lân leo lên lấy. Trẻ em thì thường rủ nhau múa Lân sớm hơn, ngay từ mùng 7 mùng 8 và để mua vui chứ không có mục đích lĩnh giải. Tuy nhiên có người yêu mến vẫn gọi các em thưởng cho tiền.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro