phong tục Việt Nam

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1-ngay tet co nhung tuc gi?

Dân tộc ta có nhiều ngày Tết. Tết là cách nói tắt hai chữ lễ tiết. Có Tiết Thương Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên, Thanh Minh, Đoan Ngọ, TrungThu... Ngày tết nêu ở đây tức là nói tắt Lễ tiết Nguyên Đán (ngày đầu năm).

Ngày Tết, dân tộc ta có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ... Từ trẻ đến già ai ai cũng biết, không nhắc thì thanh thiếu niên cũng mua cho được cành hoa bánh pháo, nghèo cũng có chiếc bánh chưng, chai rượu. Vì vậy xin miễn liệt kê dài dòng, để trao đổi một vài phong tục đáng được duy trì phát triển.

Tống cựu nghênh tân: cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, cùng làng xóm dọn dẹp nhà thờ, đình chùa, đường sá phong quang, tắm giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng.

Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút giao thừa trở đi không quấy khóc, không nghịch ngợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy, không vứt rác viết vẽ bừa bãi. Cha mẹ, anh chị cũng không quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở dầu lạ dầu quen.

Đối với bà con xóm giềng dù trong năm cũ có điều gì không hay không phải, điều nặng tiếng nhẹ hay xích mích gì đều xúy xoá hết. Dầu có thực lòng hay không nhưng không để bụng, cũng không ai nói khích bác hoặc bóng gió, ác ý gì trong những ngày đầu năm. Dẫu mới gặp nhau ít phút trước, nhưng sau phút giao thừa coi như mới gặp, người ta chúc nhau những điều tốt lành.

Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi: ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khỏe tiến bộ, thành đạt hơn năm cũ. Lộc tự nhiên đến, đi hai lộc (chỉ là một cành non ở đình chùa, ở chốn tôn nghiêm mang về nhà), tự mình xông nhà hoặc dặn trước người "Nhẹ vía" mà mình thích đến xông nhà. Bạn nào vinh dự được người khác mời đến xông thì nên chú ý, chớ có sai hẹn sẽ xúi quẩy cả năm đối với gia đình người ta và cả đối với bạn. ở thành thị thời trước, sáng mồng một, có một số người nghèo gánh một gánh nước đến các gia đình giầu có lân cận và chúc họ "Lộc phước dồi dào". Những người này được thưởng tiền rất hậu. Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng phải dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay đổ tại mình "Nặng vía". Chính vì vậy, đáng lẽ sáng mồng một đông vui lại hoá ít khách, trừ những nhà đã tự xông nhà, vì tục xông nhà chỉ tính người đầu tiên đến nhà, từ người thứ hai trở đi không tính.

Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà cha mẹ cùng chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc có ca có kệ hẳn hoi nhưng xem người ta thích nhất điều gì thì chúc điều đó, chúc sức khoẻ là phổ biến nhất. Chú ý tránh phạm tên huý gia tiên, tránh nhắc tới lỗi lầm sai phạm cũ, xưng hô hợp với lứa tuổi và quan hệ thân thuộc. Chúc Tết nhưng người trong năm cũ gặp rủi ro tai hoạ thì động viên nhau "Của đi thay người", "Tai qua nạn khỏi", nghĩa là ngay trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Kể cả đối với người phạm tội vẫn với thái độ nhẹ nhàng, khoan dung. Nhưng, nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.

Quanh năm làm ăn vất vả, ít có điều kiện qua lại thăm hỏi nhau, nhân ngày Tết đến chúc mừng nhau, gắn bó tình cảm thật là đặm đà ý vị; hoặc điếu thuốc miếng trầu, hoặc chén trà ly rượu, chẳng tốn kém là bao. Hiềm một nỗi, nhiều người còn quá câu nệ, công thức ruờm rà, không chủ động được kế hoạch. Nhiều vùng nông thôn, hễ đến chúc Tết nhau nhất thiết phải nâng ly rượu, nếm vài món thức ăn gì đó chủ mời vui lòng, năm mới từ chối sợ bị giông cả năm.

Quà Tết, lễ Tết: Bình thường qua lại hỏi thăm nhau có khi cũng có quà, biểu lộ mối ân tình, nhưng phong tục ta đi lễ Tết vẫn có ý nghĩa hơn, nhất là đi trước Tết càng quý. Loại trừ động cơ hối lộ quan trên để cầu danh cầu lợi thì việc biếu quà Tết, tổ ân nghĩa tình cảm là điều đáng quý. Học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết bố mẹ vợ... quà biếu, quà Tết đó không đánh giá theo giá thị trường. Nhưng cũng đừng nên gò bó, câu nệ sẽ hạn chế tình cảm: Không có quà, ngại không dám đến. Dân tộc ta tuy nghèo nhưng vẫn trọng nghĩa tình, "Lời chào cao hơn mâm cỗ".

Lễ mừng thọ: ở các nước Tây Âu thường mừng thọ vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ở ta ngày xưa ít ai nhớ chính xác ngày sinh tháng đẻ nên vào dịp đầu xuân thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thấp tuần, cửu tuần... tính theo tuổi mụ. Ngày tết ngày Xuân cũng là dịp mọi người đang rảnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui.

Cũng vào dịp đầu xuân, người có chức tước khai ẩn, học trò sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở hàng lấy ngày: Sĩ, Nông, Công, thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thôn làm ăn suôn sẻ, đầu xuân chọn ngày tốt đẹp, bắt tay lao động sớm, tránh tình trạng cờ bạc, rượu chè, hội hè đình đám, vui chơi quá đà. Sau ngày mồng một, dù có mãi vui tết, hoặc còn kế hoạch du xuân, đón khách, cũng chọn ngày "Khai nghề", "Làm lấy ngày". Nếu như mồng một là ngày tốt thì chiều mồng một đã bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ hoàng đạo bắt đầu không kể mồng một là ngày tốt hay xấu. Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình mình một sản phẩm, dụng vụ gì đó (nguyên vật liệu đã chuẩn bị sẵn). Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân.

Cờ bạc: Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc rượu chè nhưng trong dịp tết, nhất là tối 28, 29; gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thì ông bố cho phép vui chơi, có cả trẻ con người lớn những nhà hàng xóm, những gia đình thân cận cùng vui. Tam cúc, cơ gánh, cờ nhảy, cờ tướng, kiệu, chắn, tổ tôm... ai thích trò nào chơi trò ấy. Đế lế khai hạ, tiễn đưa gia tiên, coi như hết Tết thì xé bộ tam cúc, thu bàn cờ tướng, cất bộ tổ tôm hoặc đốt luôn khi hoá vàng.

Tóm lại, ngày Tết là ngày tiêu biểu cho truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Giá như phát huy thuần phong mỹ tục đó, từ gia đình ra xã hội, ai ai cũng đối xử với nhau trên thuận dưới hoà, kính giá yêu trẻ... thì đất nước quê hương sẽ tươi đẹp, giàu mạnh, bộ máy pháp luật bớt đi bao nhiêu khó khăn.

2-tai sao cung giao thua ngoai troi?

Dân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng. Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có vị trí như quan toàn quyền. Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: Được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật... Trái lại, gặp phải ông lười biếng kém cỏi, tham lam... thì hạ giới chịu mọi thứ khổ. Và các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao, các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ.

Các cụ cũng hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan, quân còn chưa kịp ăn uống gì.

Nhưng phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Ví cứ tưởng tượng thêm thắt các hình ảnh nhà trời theo mình như vậy nên nhiều nhà có của đua nhau cúng giao thừa rất to và nghĩ cách làm mâm cúng giao thừa nổi lên bởi những của ngon vật lạ, trang trí cầu kỳ để các quan chú ý, quan tâm đến chủ hảo tâm mà phù hộ cho họ với những ưu ái đặc biệt.

Biết thấu tâm lý của người giàu, các cụ ta đã có nhiều câu chuyện răn đời để người ta hiểu rằng: Các quan mặc dầu phút bàn giao bận rộn khẩn trương nhưng vì là... người nhà trời nên có tài thấu hiểu ngay "Ruột gan" của gia chủ. Nếu có ý cầu lợi, mua chuộc, đút lót, các vị chỉ nhìn dấu hiệu ở khói hương, lửa đèn là biết ngay, và lập tức các vị dông thẳng, không thèm ngó ngàng gì đến vật cúng giao thừa của các nhà cầu lợi ấy. Trái lại, những nhà chân chất, thật thà, sống bằng lao động, ăn ở tử tế thì có khi chỉ cần chén rượu, nén hương (như thổ công đánh tín hiệu qua hương đèn), các vị có chức trách biết ngay mà vui vẻ thưởng thức, dốc lòng phù hộ.

3-vi sao ngay tet kieng hot rac?

Trong "Sưu thần ký" có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Một hôm, nhân ngày mồng một Tết, Âu Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Kể từ đó kiêng không dám hót rác ngày Tết.

Tục kiêng hót rác ba ngày Tết nên ngày 30, dầu bận rộn đến đâu cũng phải dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và những ngày Tết thì mọi người phải hết sức giữ gìn nhà cửa không vứt rác bừa bãi.

4-tet doan ngo(5/5)co nhung tuc gi?

ở nước ta, Tết Đoan Ngọ được coi trọng, xếp vào hàng thứ hai sau Tết Nguyên Đán. Vì vậy các cụ thường nói "Mồng 5 ngày Tết". Học trò tết thầy, còn rể tết bố mẹ vợ... quanh năm cũng chỉ tập trung vào hai lễ Tết đó.

Tết Đoan Dương còn nhiều tục lưu truyền đến nay; sáng sớm cho trẻ ăn hoa quả, rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Người lớn thì giết sâu bọ bằng cách uống rượu (hoà ít tam thần đơn) hoặc ăn rượu nếp. Trẻ em giết sâu bọ xong khi còn ngồi trên giường, rồi rửa mặt mũi, chân tay xong bắt đầu nhuộm móng tay móng chân, đeo chỉ ngũ sắc. Em gái đến độ tuổi xâu lỗ tai cũng chọn ngày này mà xâu. Vì là đoan ngọ nên lễ cúng gia tiên phải cúng vào giờ ngọ (buổi trưa). Tục hái thuốc mồng năm cũng bắt đầu từ giờ ngọ, đó là giờ có dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây cỏ thu hái được trong giờ đó có tác dụng chữa bệnh tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, các chứng âm hư. Người ta hái bất kỳ loại lá gì có sẵn trong vườn, trong vùng, miễn sao đủ trăm loại, nhiều ít không kể. Tuy vậy, nhân dân ta quen dùng thảo mộc chữa các chứng bệnh, biết phân biệt loại có độc, chẳng hạn lá ngón, cà độc dược, lá sắn... dẫu người nặng đầu óc mê tín cũng chẳng dám hái. Ngược lại, các cây cỏ chữa bệnh thông thường có tác dụng trừ phong ích khí thì hái nhiều hơn như ích mẫu, ngải cứu, sả, tử tô, kinh giới, lá tre, lá bưởi, cam, chanh, quýt, mít, muỗm, hành, tỏi, gừng, chè, ổi, trầu không, sài đất, sống đời, bồ công anh, sen, vông, lạc tiên, nhọ nồi...

5-mau sac truyen thong

ở mỗi dân tộc việc vận dụng mầu sắc có tập quán khác nhau. Thí dụ ở các nước phươgn Tây, mầu đen là mầu tang tóc, còn ở Việt Nam và các nước phương Đông thì phổ biến màu tang là mầu trắng.

Mầu sắc còn mang đặc trưng sắc thái của các tầng lớp xã hội khác nhau: Thí dụ mầu vàng là của vua, từ các quan đại thần cho đến thường dân, cấm không ai được mặc quần áo hoặc xây dựng nhà cửa màu vàng. Mầu tím là sắc phục của các quan đại thần. Mầu điều, mầu đỏ dành riêng để tế thần và làm sắc phục cho các cụ thượng thọ. Mầu nâu sòng là của cửa Thiền dành cho những kẻ quy y Phật tổ, cũng như mầu đen là sắc phục của linh mục đạo Ky-Tô. Mầu xanh là của những người còn theo đòi Cửa Khổng sân Trình, của học trò chưa đậu đạt:

Trong bài thơ La-sơn phu-tử Nguyễn Thiếp gửi Tiến sĩ Nguyễn Khản có câu:

Quân kim bào hốt trung triều sĩ,

Cố ngã lâm tuyền khâm thượng thanh....

(Có nghĩa là: Nay ngài đã là khanh tướng trong triều, mà còn nhớ đến bạn học ngày xưa áo vẫn xanh). "áo vẫn xanh" tức là chưa hiển đạt, vẫn còn là bộ quần áo của người hàn sĩ. Mầu đào tức mầu hoa đào là của các nàng ca sĩ, cho nên mới có danh từ "Hát ả đào".

Mầu đen, mầu nâu là trang phục rẻ tiền nhất của quần chúng nông dân. Mầu xanh nhập nội từ đất nước Trung hoa sau giải phóng gọi là xanh công nhân.

ở Việt Nam, từ xưa tới nay, mầu đỏ, màu vàng, màu hồng, dùng trong trướng đối chỉ dành để chúc tụng, khao lão, mừng rỡ, còn trong lễ tang chỉ có thể dùng mầu trắng, mầu xanh, mầu đen, mầu tím.... không hiểu vì sao, gần đây nhan nhản ở các cửa hàng, trướng điếu (lễ tang) cùng dùng mầu đỏ, mầu vàng rực rỡ, phải chăng các cụ già chết là đáng mừng, không cần phải an ủi, lưu luyến, nên chẳng cần dùng mầu đen, trắng, xanh, tím như ngày xưa. Vì thế mới xẩy ra câu chuyện oái oăm: Có người đi mừng ông ban 70 tuổi lại mua một bức trướng điếu mầu đỏ thêu 4 chữ vàng "Tiên cảnh nhàn du", có khác gì chúc cho bạn mình mau chết để chóng được lên dạo chơi trên cảnh Bồng Lai. Nguyên "Tiên cảnh nhàn du", (Nghĩa là thanh nhàm dạo chơi trên cảnh tiên) là để an ủi người mới mất từ nay hết nợ trần gian lên hưởng cảnh tiên.

6-vi sao co tuc ban mo hang?

Trong phong tục ngày Tết, chúng tôi đã trình bày: đầu năm ai cũng muốn vận hội hanh thông, làm ăn suôi sẻ, làm quan có ngày khai ấn, kẻ sĩ có ngày khai bút, nhà nông có ngày khai canh, làm thợ có ngày khai công, người làm nghề buôn bán có ngày mở hàng. Theo tâm lý chung mọi việc khởi đầu đều khó khăn, mà "Đầu đi thì đuôi lọt!". Riêng trong nghề buôn bán lại càng bấp bênh, có ngày mua may bán đắt, có ngày ngồi suốt buổi chẳng ai ngó tới, có tháng lời lãi nhiều, lợi lộc lớn, có tháng thua lỗ mất cả chì lẫn chài, vì vậy không những chọn ngày mở hàng đầu năm, mà cả đầu tháng, đầu tuần, từng ngày còn phải để ý đến chuyện mở hàng: mở hàng vào lúc nào ? Bán cho ai "Nhẹ vía" để cả ngày bán đắt hàng?

Thông thường muốn được đông khách đến mua thì thái độ người bán hàng phải niềm nở, vồn vã, ân cần, bán nới giá hơn bình thường để cầu được đông khách và giữ được chữ Tín đứng hàng đầu. Song có người lại tưởng nhầm bán mở hàng phải bán cho đắt, người mua mặc cả chê đắt không mua bỏ đi, rốt cuộc ngồi lì suốt buổi không ai hỏi đến, thậm chí còn có thái độ và ma thuật bỉ ổi cho là tại người mở hàng nặng vía, chửi rủa ngầm và "Đốt vía" người mở hàng. Người bán hàng như vậy không biết rằng: chính mình là người nặng vía nhất.

Ngày trước người ta muốn đi chợ sớm để được mau mở hàng có giá rẻ hơn chút ít, nhưng ngày nay nhiều người ngại mở hàng vì sợ vướng phải hạng người không biết mình bán hàng nặng vía lại đòi "Đốt vía" người mua mở hàng.

Đến đây ta có thể kết luận được: Bán mở hàng nên bán đắt hơn hay rẻ hơn giá bình thường ?

Chuyện vui:

"Mở hàng nhẹ vía " hay "Nợ như Chúa Chổm"

"Nợ như Chúa Chổm". Đó là thành ngữ phổ biến để chỉ người lắm nợ. Nhưng tại sao Chúa Chổm lại lắm nợ như vậy ? Truyền thuyết kể rằng: "Chổm" là hàng cùng dân ở miền Thanh Hoá, chẳng có gia tài điền sản hay nghề ngổng gì, quanh năm chỉ có đánh dậm, mò cua, bắt ốc nuôi thân. "Chổm" tên thật là gì, quê quán ở đâu, bà con họ hàng thân thích có những ai ? Chẳng ai để ý đến. Một con người "Tứ như Chúa Chổm" được. Nguyên do: có mấy lần sáng sớm, Chổm vào một quán nhỏ ăn lót dạ, tự nhiên những hôm dó chủ quán bán rất đắt hàng. Vì vậy, một đồn mười, mười đồn trăm, các chủ quán ai gặp Chổm, cũng có nài Chổm vào ăn quà lấy may. Ai được Chổm hôm nào chiếu cố vào ăn thì hôm ấy đều bán được đắt hàng. Nhưng Chổm làm gì có nhiều tiền để trả, người ta vui lòng mời Chổm ăn, bao giờ có tiền trả cũng được, mà không có cũng thôi, do đó trong khắp vùng không ai mắc nợ nhiều bằng Chổm.

Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi của vua Lê Cung Hoàng, dựng nên nhà Mạc. Đến nay 1532 Nguyễn Kim khởi nghĩa phò Lê chống Mạc, đi tìm hậu duệ tôn của vua Lê, tìm được Chổm, mặc dầu khố rách áo ôm, nhưng có khí tướng đế vương (người ta còn đồn đại rằng: Chổm đi đâu cũng có đám mây che trên đầu, trời đang nắng gắt cũng trở nên dâm mát...) Chổm được phò lên ngôi vua mở đầu thời Lê Trung Hưng đóng đô ở Thanh Hoá (tức Tây đô) để chống với nhà Mạc ở Hà Nội (tức Đông đô).

Sau khi lên làm vua, không có điều kiện gần gũi quần chúng như trước, và cũng không nhớ nợ ai bao nhiêu mà trang trải nợ nần nữa, Chúa Chổm (thực ra là Vua Chổm) đành phải hạ lệnh đúc thật nhiều tiền, rồi Chổm đi đến đâu rải tiền ra đến đấy, cho công chúng ai nhanh tay, mạnh bước thì nhặt lấy. Vì thế nên mới có thành ngữ "Nợ như Chúa Chổm".

7-tai sao goi la (toc the)?

Các cô gái cô mái tóc thề trông thêm duyên dáng.

Tóc thề vốn là một vài sợi tóc ngắn phất phơ hai bên trán và vành tai. Có những bạn trai nghe nói các cô gái có mái tóc thề, tưởng là các cô đã có người yêu, nhưng thực tế nào các cô đã thề thốt cùng ai?

Nguyên xưa, các đôi trai gái yêu nhau hoặc có những đôi đã nên vợ nên chồng, đang mặn nồng đằm thắm bỗng vì một lý do gì đó làm cho tình duyên dang dở, đôi lứa xa nhau. Họ quyết một lòng, dẫu cho sông cạn đá mòn, năm tháng chờ đợi vẫn một lòng thuỷ chung. Trước khi lưu luyến chia tay, họ cắt trao cho nhau một mớ tóc để ầm tin và luôn giữ trong mình như kỷ vật. Mớ tóc đó gọi là tóc thề. Chỗ tóc bị cắt đó dần mọc lại và dài dần, mái tóc mới mọc đó gọi là tóc thề. Trong chuyện Kiều có câu:

Tóc thề đã chấm ngang vai

Nào lời non nước, nào lời sắc son.

Có nghĩa là dăm ba năm sau, chỗ tóc bị cắt cụt đã mọc dài chấm ngang vai rồi vẫn chưa thấy bóng dáng người yêu. Nên nhớ, thời xưa con trai cũng để tóc dài, cũng búi tóc, và vì vậy cũng có tóc thề.

8-mieng trau la dau cau chuyen

Theo phong tục Việt Nam, miếng trầu tuy rẻ tiền nhưng chứa đựng nhiều tình cảm ý nghĩa, giàu nghèo ai cũng có thể có, vùng nào cũng có. Miếng trầu đi đôi với lời chào, người lịch sự không ăn trầu cách mặt nghĩa là đã tiếp thì tiếp cho khắp:

Tiện đây ăn một miếng trầu

Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là

"Đầu trò tiếp khách" là trầu, ngày xưa ai mà chẳng có, hoạ chăng riêng Tú Xương mới "Bác đến chơi nhà ta với ta"

Quí nhau mời trầu, ghét nhau theo phép lịch sự cũng mời nhau ăn trầu nhưng "cau sáu ra thành mười".

Đặc biệt "trầu là đầu câu chuyện" giao duyên giữa đôi trai gái:

"Lân la điếu thuốc miếng trầu, đường ăn ở dễ chiều lòng bạn lứa".

- Trầu vàng nhá lẫn trầu xanh

Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời.

Mời trầu không ăn thì trách móc nhau:

- Đi đâu cho đổ mồ hôi

Chiếu trải không ngồi trầu để không ăn.

- Thưa rằng bác mẹ tôi răn

Làm thân con gái chớ ăn trầu người.

Khi đã quen hơi bén tiếng, trai gái cũng mượn miếng trầu để tỏ tình, nhất là các chàng trai nhờ miếng trầu mà tán tỉnh:

- Từ ngày ăn phải miếng trầu

Miệng ăn môi đỏ dạ sầu đăm chiêu.

- Một thương, hai nhớ, ba sầu

Cơm ăn chẳng được, ăn trầu cầm hơi.

"Có trầu, có vỏ, không vôi" thì môi không thể nào đỏ được, chẳng khác gì "có chăn, có chiếu không người năm chung".

- Cho anh một miếng trầu vàng

Mai sau anh trả cho nàng đôi mâm.

- Yêu nhau chẳng lấy được nhau

Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già.

Miếng trầu không đắt đỏ gì "ba đồng một mớ trầu cay" nhưng "miếng trầu nên dâu nhà người".

Ngày nay để răng trắng nhiều người không biết ăn trầu nữa, nhất là ở thành phố, nhưng theo tục lệ nhà ai có con gái gả chồng, sau khi ăn hỏi xong cũng đem cau trầu cau biếu hàng xóm và bà con nội ngoại. Vì miếng trầu là tục lệ, là tình cảm nên ăn được hay không cũng chẳng ai chối từ

Thời xưa, ăn trầu còn sợ bị bỏ "bùa mê", "bùa yêu" nên người ta có thói quen:

- Ăn trầu thì mở trầu ra

Một là thuốc độc hai là mặn vôi.

Các cụ càng già càng nghiện trầu, nhưng không còn răng nên "đi đâu chỉ những cối cùng chày" (Nguyễn Khuyến). Cối chày giã trầu làm bằng đồng, chỉ bỏ vừa miếng cau, miếng trầu, miếng vỏ nhưng trạm trổ rất công phu, ngày nay không còn thấy có trên thị trường nên các cụ quá phải nhở con cháu nhá hộ.

Vì trầu cau là "đầu trò tiếp khách" lại là biểu tượng cho sự tôn kính, phổ biến dùng trong các lễ tế thần, tế gia tiên, lễ tang, lễ cưới, lễ thọ, lễ mừng... Nên têm trầu cũng đòi hỏi phải có mỹ thuật, nhất là lễ cưới có trầu têm cánh phượng có cau vỏ trổ hoa, "cau già dao sắc" thì ngon. Bày trầu trên đĩa, hạt cau phải sóng hàng, trầu vào giữa, đĩa trầu bày 5 miếng hoặc 10 miếng, khi đưa mời khách phải bưng hai tay. Tế gia tiên thì trầu têm, còn tế lễ thiên thần thì phải 3 là trầu phết một tí vôi trên ngọn lá và 3 quả cau để nguyên .

converter by Thanh Việt(đười ươi)hiiii

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro