Phong vien song bang gi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bài dưới đây Trang the Ridiculous lấy từ blog của Bút Lông, Bút Lông lại lấy từ Sỏi, còn Sỏi lấy từ đâu thì tôi không biết, hệ hệ... Bài rất nhiều thông tin về việc "nhà báo sống bằng gì?". Sắp 21/6 ngày vinh quang rồi, nếu điều kiện kỹ thuật cho phép (có thời gian, thời tiết tốt chẳng hạn), tôi sẽ viết một entry trả lời câu hỏi này: "Thế nhà báo chính trị sống bằng gì?". Khà khà, cái này hay lắm nhé, nhưng mà thôi, có khi chả viết đâu.

+++++++

Cách đây ít hôm, mình được mời vào Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình của VTV để nói chuyện với các em sinh viên khoa báo in. Cô trưởng khoa bảo mình nói chuyện gì cũng được. Biết là các em sinh viên khoá này chuẩn bị đi thực tập nên mình có nói qua những việc chuẩn bị cần thiết để đi thực tập và bắt đầu bước chân về nghề báo.

Nói một lúc cũng chán nên chuyển qua đề tài: nhà báo làm thế nào để sống được với nghề, hay đại loại, làm thế nào để làm giàu mà không bị công an bắt. Thấy cả lớp, chừng độ 60 em, có vẻ cũng rất hứng thú nên mình được dịp tha hồ nói phét. Nhưng nói thế thôi, cũng có cơ sở thực tế lắm nhé. Hê.

Mình bảo, làng báo hiện nay, chỉ nói về các nhà báo trực tiếp đi viết thôi nhé, mình đoán, những người có thu nhập chính thức tầm 20-30 triệu/tháng chắc cũng độ hơn 100 người. Các em ồ lên. Tầm 10-20 triệu có độ vài trăm người nhưng chắc khó đến 1000 ngườii. Còn trong khoảng 5-10 triệu chắc có hàng ngàn và dưới 5 triệu cũng hàng ngàn người nữa. Cái số từ 5-10 hay từ 2-3 triệu đến 5 triệu chiếm chủ yếu trong số hơn 10000 cái thẻ nhà báo được cấp phát và số chưa có thẻ. Cũng có một số những người mà tài sản, tiền bạc, cổ phiếu... hiện có vài chục tỷ, đi xe sang, ở nhà biệt thự, chung cư cao cấp, có tiền cho con học nước ngoài... nhưng rất ít. Tôi chỉ biết có độ 2-3 người như vậy (nhưng không dám nói tên, hi, vì có người là người quen). Nhưng phần đông anh em báo chí còn nghèo khó. Có những tờ báo còn nợ lương cả nửa năm. Có rất nhiều tờ báo, nhuận bút chỉ 2-30 ngàn đồng/tin, bài chỉ 70 ngàn-120 ngàn đồng/bài. (Thế mà mấy em sinh viên lại gật gù: thế cũng được. Hi)... Nhất là các tạp chí ngành hay báo địa phương, một số tờ tuần báo... thì thu nhập có khi chỉ loanh quanh 2 triệu/tháng. Có báo còn bắt buộc PV phải chạy đi làm quảng cáo, không được cái hợp đồng nào trong 1 tháng hay 1 quý thì nghỉ việc, nhem nhuốc thế đấy. Cho nên, em nào bảo thế cũng được thì nên xem lại. Sau này, có gia đình, con cái mà thu nhập chỉ 2-3 triệu/tháng là xem chừng hơi bị kẹt đấy.

Các em SV có vẻ băn khoăn lắm. Thế mình bảo, vậy thì các nhà báo làm thế nào để kiếm tiền? Trước hết là có những nhà báo thực sự sống bằng nghề. Họ đã ở tầm cỡ chuyên gia, viết bài nào ra bài ấy nên cơ quan trả lương rất cao, hàng chục triệu đồng/tháng chưa kể thưởng như trước đây là nhà báo Huy Đức, anh Nguyễn Vạn Phú, chị Hải Lý ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn... Nhưng cũng có những nhà báo viết chưa thực sự xuất sắc lắm nhưng cầy khoẻ kinh người, một tháng nhuận bút 20-30 triệu là bình thường. Có người chỉ viết cho báo mình cũng đủ. Ví dụ như trước đây tôi làm ở báo Thanh niên, có bạn viết một tháng nhuận bút cũng 20-30 triệu vì viết về thể thao mà riêng báo ngày có 2 trang lại có thêm tờ Thể thao & Giải trí cũng ra hàng ngày 24 trang nữa. Còn có những phóng viên không chỉ viết cho báo mình còn viết cho vài tờ báo khác. Một ngày có khi viết 1-2 bài. Các nhà báo viết theo phong cách "tiều phu" (viết như bổ củi) này làm việc thâm canh ghê gớm: một hồ sơ, một vấn đề, một cuộc hội thảo... có khi chẻ ra viết 4-5 bài. Có báo thì cũng vấn đề đó làm phỏng vấn, có báo thì chuyển thể thành bài phản ánh... Viết như thế tuy có gì đó không ổn về nghề nghiệp nhưng có cái phải ghi nhận đó là có tinh thần lao động cao, chấp nhận sự vất vả để có thêm đồng ra đồng vào.

Nhưng có một cách khác có thể là đỡ mệt hơn là viết là cũng song song với việc làm báo thì nhà báo, có thể có những người đã có vốn nhất định, có quan hệ, có thông tin hay có năng khiếu nhất định về các mảng chứng khoán, đất cát, nhà cửa... thì họ đầu tư. Có người thất bại nhưng cũng khá nhiều người giàu lên nhanh. Theo mình được biết là có ông còn ôm hàng chục tỷ đồng tiền cổ phiếu, có thể vào hội đồng quản trị của công ty do được mua nhiều cổ phiếu với giá gốc. Có người thì quan hệ tốt với các cong ty xây dựng, tập đoàn xây dựng được mua chung cư, nhà ở giá gốc rồi có tiền cứ mua đi, bán lại... có những căn mua giá 5-7 triệu/m2 đến khi bán giá hàng chục triệu thì có trong tay vài chục tỷ đồng là dễ hiểu.

Một cách kiếm tiền rất phổ biến trong giới báo chí hiện nay là làm PR. Có những tay vừa viết báo vừa đứng ra làm PR cho vài công ty, tổng công ty, tập đoàn, đại loại là làm đầu mối phát đi các thông tin, tổ chức các nhóm phóng viên đưa tin, bài cho doanh nghiệp đó. Nhà báo kiêm nhân viên PR như vậy có thể được doanh nghiệp trả lương 10-20 triệu/tháng. Có những nhóm nhà báo rất thân thiết với đơn vị, doanh nghiệp mình theo dõi được cơ quan, đơn vị đó chăm sóc cực kỳ chu đáo: hàng tháng có tiền bồi dưỡng, cổ phiếu được mua giá ưu đãi... Cả nhóm đi đâu, làm gì như đám cưới, sinh nhật... doanh nghiệp cho xe đón rước, cho tiền ăn chơi... Quay về đoạn được doanh nghiệp trả lương, trước mình làm ở tớ bão cũ cũng có một cậu như vậy, tháng vẫn viết bài khá đều cho báo nhưng cũng kiếm thêm vài chục triệu của mấy công ty PR bằng các chiêu tự quảng cáo: hiện nay, tôi là phóng viên viết tốt nhất về mảng viễn thông, tốt thứ 3 về ngân hàng. Tôi có thể đứng ra tổ chức cả nhóm nhà báo trong lĩnh vực này để viết bài, đưa tin cho công ty... Có rất nhiều nhà báo sa vào quá sâu hoạt động PR nên cuối cùng chán nghề báo, bỏ ra lập công ty PR riêng hoặc tham gia vào các công ty PR vốn lâu nay đã cộng tác. Nếu nhà báo đó có quan hệ sâu nặng với các tập đoàn hay ngân hàng, tcty giàu mạnh nào đó, một năm họ ký cho 1 hợp đồng làm PR, thương hiệu độ trăm tỷ hay vài chục tỷ là đủ nuôi nhau sênh sang. Vì hoạt động PR nhìn chung chi phí không cao: vài người làm, một cái văn phòng bé con con, cái điện thoại, vài cái máy tính, máy fax...

Thời buổi nền báo chí bị PR hoá cao độ nên nghề PR còn thịnh lắm. Các nhà báo kể cả không tổ chức làm PR thì ít nhiều gì cũng có lúc dính đến các hoạt động PR, được trả tiền làm tin, bài PR. Đôi khi rất khó để tránh việc nhận tiền và có nhận thấy cũng không vấn đề gì lắm. Ví dụ như tập đoàn Dệt may chẳng hạn, họ muốn thuê một nhóm phóng viên đi viết về tình trạng nhập lậu hàng dệt may chẳng hạn: họ trả 5-10 triệu/người, bao hết các chi phí, ví dụ như tiền đi tàu xe, nghỉ khách sạn bên Trung Quốc để viết bài về các đường dây buôn lậu thì phóng viên có nên từ chối không? Với 1 tờ báo mạnh, có thể tự chi để tự làm, đọc quyền như Tuổi trẻ thì không cần nhưng với các tờ báo nhỏ, ko sẵn sàng chi nhiều tiền cho PV đi viết thì được trả tiền lại đi viết về vấn đề thời sự, có ích như thế sao lại từ chối? Hay là một hiệp hội về vận tải trả vài chục triệu cho nhóm phóng viên đi viết về nạn mãi lộ ở một tuyến đường? Họ tạo điều kiện cho phóng viên ngồi ở cabin, đóng vai phụ xe... viết về vấn đề như thế mà lại được trả tiền, sướng quá còn gì? Mình nhớ là trong một cuốn sách của đại danh sư Chu Văn An có nói rằng, có những trường hợp "hối lộ" có thể nhận: ví dụ như mình làm điều tốt, điều đúng cho ai đó, nhưng mất công sức, mất nhiều chi phí mà bản thân mình không gánh được thì có thể nhận một phần quà cáp của người ta. Cái này có lẽ là đúng với các trường hợp như 2 ví dụ giả định về tập đoàn Dệt May hay Hiệp hội vận tải nào đó chi nhiều tiền cho các nhà báo để viết bài chống buôn lậu, vạch mặt những người cảnh sát giao thông tham ô chăng?

Thực ra có những hoạt động PR cũng rất hữu ích, có những tin tức, hoạt động PR mà các nhà báo theo mảng đó không đưa cũng không ổn: như tin thành lập một ngân hàng nước ngoài tại VN hay ra mắt một hãng hàng không giá rẻ... Làm báo ngày nay nhiều lúc không thể không tham gia hoạt động của một công ty PR nào đó tổ chức.

Cũng một hình thức PR dạng khác nhưng mình đe các em sinh viên, cái này có thể phạm luật, bị công an bắt: nó gọi là "đâm thuê chém mướn". Có những cá nhân, doanh nghiệp thuê một người hay một nhóm PV, qua một đầu mối nào đó để viết bài đả doanh nghiệp khác, hay chửi một cơ quan, một cá nhân là cán bộ quản lý nào đó... do có chính sách, việc làm bất hợp lý. Ví dụ như việc có những hôm đồng loạt nhiều báo đưa tin, bài về chất lượng sữa nội không đạt thì rất có thể là đã có hàng chục pv được thuê, trả tiền cho các bài đó từ một nhóm công ty sữa ngoại. Vấn đề có thể không sai: dựa trên kết luận kiểm tra của cơ quan chức năng mới nhất (cũng có thể bị các công ty sữa ngoại mua). Hoặc ngược lại, có khi có một loạt bài đánh các công ty sữa ngoại... thì chưa chắc đã phải ngẫu nhiên do các báo tự nghĩ ra hôm đó mà làm, mà do một công ty PR nào đó hứa hẹn trả 5-7 triệu/tin-bài đó. Nội dung có thể không sai nhưng nó thiếu khách quan ở chỗ ông chỉ đưa tin xấu về các công ty sữa nội mà không nói rằng, các công ty sữa ngoại đã hè nhau thổi giá lên mây xanh.

Rồi còn nhiều cách kiếm tiền lắm: làm quảng cáo, xin tài trợ, bán báo... cơ chế hiện nay ở các báo đều có chế độ %, có chỗ 50%,có chỗ 5-10%... nên PV nào quan hệ tốt, xin được nhiều quảng cáo, tài trợ cho các chương trình của báo cũng có nhiều tiền. Có báo thì cấm PV làm quảng cáo như Sài Gòn Tiếp Thị, Tuổi Trẻ... thì PV chỉ có thể viết cật lực mà kiếm tiền bằng lương, thưởng và nhuận bút thôi.

Có những các kiếm tiền thì thực sự là hèn mạt như là chạy sô, "cày" phong bì... ở các hội nghị hay đe doạ doanh nghiệp để kiếm tiền, kiếm hợp đồng quảng cáo... là những cách làm bị pháp luật cấm nhưng nó vẫn tồn tại đâu đó trong làng báo. Cái này các em sinh viên ra trường nhất định phải tránh xa. Hê hê.

Còn một kiểu nữa, mình quên chưa nói với các em sinh viên (vì sợ các em nghe mà nghĩ quá xấu về nghề báo nên bỏ nghề chăng?), ấy là có những nhà báo, bất chấp thủ đoạn để leo lên làm sếp. Có những tờ báo thì khi làm sếp ngoài vấn đề là có quyền hành, sai bảo người khác thì cũng đồng nghĩa là thu nhập cao hơn nhiều khi làm chân chạy (PV). Thế nên mới có chuyện một tờ báo, tổng biên tập (nay đã mất chức) vì "ăn" tiền các kiểu: tiền quảng cáo của doanh nghiêp đút túi, ko nộp về tài khoản cơ quan. Phóng viên mang hợp đồng quảng cáo về thì bảo, "ấy, cái thằng doanh nghiệp này tao gạ nó mãi đấy, bây giờ mới đồng ý" thế là chú phóng viên lại phải nhè cái % hoa hồng cho sếp... Hê hê, ngày nay, phóng viên hơi nhiều tuổi chút, tầm ngoài 30 là muốn ở nhà làm sếp rồi, phải chăng là cũng vì chán kiểu kiếm tiền bằng viết báo? Nói đến đây lại nhớ một người trước mình từng coi là bạn bên một tờ báo cũ. Có lần cậu ấy bảo mình thế này: "Phải làm sĩ quan thôi ông ạ. Ông không "hót" thì để tôi hót cho". Nghe câu đấy mình thấy tởm tởm mà từ đó không chơi với tên này. Rất nhanh sau đó, cậu này cũng leo lên được cái chức phó ban của báo đó thật. Rồi bây giờ nghe nói khó leo hơn được nữa bèn chuyển qua làm trưởng ban cho một tờ báo mạng.

Các em sinh viên có vẻ chưa nghe mấy chuyện này bao giờ, khoái lắm, vỗ tay râm ran. Mình nói lời cuối cùng, bảo, anh nói huyên thuyên thế cho các em biết vậy thôi chứ giàu nghèo nó có số cả. Các em ra trường sau này sẽ đều có cách riêng của mình để sống. Nhưng cách tốt nhất vẫn là rèn luyện để làm sao viết hay, viết đúng và được tờ báo trả lương cao là sung sướng nhất. Còn thì với các cách khác, có thể kiếm được nhiều tiên hơn nhưng nó sẽ chóng làm ta chán nghề. Như là có vài chục tỷ rồi, làm giám đốc PR tháng vài ngàn USD rồi thì ngồi viết bài cảm thấy khó khăn lắm. Nghề báo, cho dù có nhiều cách kiếm tiền nhưng thực sự để giàu được, có hàng chục đến hàng trăm tỷ thì khó lắm. Chỉ có làm doanh nghiệp, buôn bán mới có được mức thu nhập ấy. Cho nên, tóm lại, muốn giàu có mà giữ được phẩm chất, tư cách tốt, đừng có mà theo nghề báo. Hê hê...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#abcde