Chương 1:

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vậy là Phong đã rời quê hương của mình được 1 tháng. Một tháng xa cách với nơi mình đã sống 16 năm trời khiến cậu cứ luôn có cảm giác không thật.


Thậm chí khi nhắm mắt lại, lưỡi cậu vẫn râm ran vị cay của trái ớt kiểng ngoại bỏ vô bát canh chua cá chốt rập rềnh lá me non. Nhớ vườn thanh long rộng lớn của ngoại, lung linh như rải ngân hà khi lên đèn. Nhớ những buổi chiều cùng thằng Hữu, thằng Phi nằm lăn dưới luống thanh long , buồn buồn lại nhón trái ăn chơi, ném tùm lung vỏ ra mé kinh. 

 Nhưng vườn thanh long ấy cũng chẳng còn nữa, nó đã bị đốt vào những trò đen đỏ của má Phong. Đến hôm bọn cho vay nặng lãi sộc vô nhà, ngoại mới té ngửa, lật đật chạy coi cái hộp gỗ ngoại đựng giấy tờ nhà đất dấu dưới cái áo bông. Cái hộp trống rỗng, lạnh queo hệt như tâm trạng ngoại lúc giờ.


Đến khi Phong về, ngoại đã được đưa vô bệnh viện huyện. Má đứng ngoài hành lang, chỉ vô đầu ba mà gào. Má trách ba vô dụng, trách ba ăn hại, rồi má trách trời trách đất, chỉ có bản thân má - cái người gây ra mọi lỗi lầm là tuyệt nhiên má không hề nhắc đến.


Còn ba vẫn thế, ngoài vẻ mặt cam chịu khắc khổ Phong chưa từng nhìn thấy ba nóng giận bao giờ. Từng ấy thời gian má nói, là chừng ấy thời gian ba kiên nhẫn ngồi nghe cho đến khi bác sĩ bước ra ngoài gọi " Ai là người nhà của bệnh nhân Võ Thị Nhai".


Rồi lúc sau Phong thấy ai đó kéo tay mình lôi đi, nghe ai đó sụt sùi khóc "Vô nhìn mặt ngoại lần cuối đi con".


Sau đám tang của ngoại, Phong nhìn thấy má vỏn vẹn một lần duy nhất vào ngày cúng ba ngày. Má không đi một mình, má bỏ đi cùng với toàn bộ số tiền ba tích cóp mấy năm trời cùng với niềm tin thoi thóp của ba. Hai hôm sau, một lũ người lạ hoắc kéo đến đứng kín cả hiên nhà Phong chìa ra tờ giấy bán nhà có chữ kí của cả 2 người. Lúc đấy, Phong đang ở nhà thằng Hữu.

 Giật mình khi nghe dì Năm hớt hải gọi

"Phong ơi, Ba mầy bị đánh vô bịnh viện Châu Thành rồi"


Chờ khi ba tỉnh dậy với cái má sưng vù, tím ngắt, Phong luống cuống múc cháo trong chiếc cà mèn đã sứt quai hỏi:


"Sao ba kí vô hồi nào hay vậy?"


Ba Phong cười như mếu:


"Chắc lúc mới cưới, má mày bảo kí vào tờ giấy trắng, phòng anh đổi lòng là tôi lôi ra tòa nghen".Phong thấy ba chợt im lặng. Có lẽ đang nhớ về cô gái miền Tây nào đó tên Tâm, cổ dong dỏng cao, buông sau lưng mái tóc đen tuyền, mỗi khi mím môi hay cười đều lộ ra lúm đồng tiền nhỏ xiu xíu. Kí ức về người con gái đó đã trôi tuột tuồn tuôn về miền đẩu đâu, chứ hỏng phải người phụ nữ trang điểm lòe loẹt, lấm la lấm lét như bước vô nhà hoang mỗi khi về nhà.


"Dại gái ghê hông". Phong gõ công cốc vô thành bát cho rớt luôn giọt cháo dĩnh trên thìa. Ba Phong chỉ có vậy thôi mà cười mãi, nỗi đau dâm dẩm theo thói quen chìm nghỉm vào ngóc ngách sâu thẳm trong lòng ông. Khiến Phong tưởng đâu nếu không có vết thương trên má, ông đã quên luôn tổn thương của "người đàn ông bị vợ bỏ".


Mỗi buổi đi học, Phong đều ngó vô nhà dặn với theo ba


"Ba đừng kí vào giấy tờ bọn nó đưa nghen".


Ba Phong gật gật, rồi tất bật chuẩn bị cơm trưa, tất bật chạy xe ra công trường.


Nhưng như mấy dì trong xóm đã nói, dây vô bọn nợ lãi, sớm muộn gì cũng phải bỏ xứ mà đi. Bọn chúng không làm gì được ba Phong, đã chọn một đối tượng dễ chơi và có sức ảnh hưởng lớn đến cục diện hơn nhiều.


Một buổi chiều muộn tan học thêm, khi Phong đang đạp xe qua mé đồng vắng người qua lại. Một chiếc xe cúp rồ ga vọt ngang hàng Phong rồi thằng ngồi sau bất thình lình cầm chiếc gậy vông chọc ngang vô bánh xe của cậu.


Phong bổ nhào về phía trước, lăn thêm hai vòng xuống ven ruộng, mặt cày xuống đường thành những vằn máu ngang dọc. Cậu choáng váng, xây xẩm tới mức không ngóc đầu dậy nổi. Đến lúc bò lên đường, 2 kẻ lạ mặt đã biến mất tự bao giờ, chiếc xe đạp bị đập méo xẹo cả bánh, dắt về phía trước mà cứ lái nghẹo sang hai bên.


Lần thứ 2 chúng ra tay nặng và liều lĩnh hơn. Giữa ban ngày ban mặt, chúng lẻn theo Phong đi thư viện, nhân lúc cậu vừa tấp vô ngõ nhỏ chúng đạp ngã xe chụp bao tải lên đầu cậu ném lên thùng xe ô tô.


Từ lúc bị bắt lên, tới khi bị đánh nhừ người, rồi bị ném lại ven đường cậu vẫn bị chụp bao tải. Đến khi một bác lao công tưởng bịch rác định hốt lên xe mới phát hiện ra Phong trong đó.


Phong bị gẫy 2 cái xương sườn, nằm viện cả tháng trời mới đỡ. Còn ba Phong nhận được tin nhắn đe dọa, muốn giữ con hay là giữ đất?


Ba Phong chẳng còn cách nào khác đành kí vô giấy tờ sang tên sổ đỏ. Chữ kí ông siêu vẹo, đổ nao đổ xiêu bên cạnh chữ kí thẳng thớm như cây đọt của vợ.


Thấy Phong ngồi im lặng xới cơm, Ông động viên con bằng giọng gường gượng như gạo sống:"Dù sao má mày cũng nợ người ta tận 500 triệu lận".


Phong ngó quanh, muốn nói gì đó với ba nhưng cuối cùng vẫn im lặng. Má nợ người ta 500 triệu còn ba con mình nợ má bao nhiêu mà trả hoài không hết hả ba?


Những câu chuyện như nhà Phong đã không còn là câu chuyện hiếm trong xóm này nữa. Thanh long rớt giá hết thảy 3 năm, lòng người cũng rơi rớt theo đó. Sự túng quẫn chẳng biết có phải là vô tình không đưa người ta tới niềm vui đen đỏ. Cứ cách dăm bữa, trong xóm lại ồn ào tiếng cãi nhau, tiếng khóc, tiếng đánh nhau bùm bụp. Sổ đỏ như mớ cải đắng mất mùa ngoài trợ, người đưa mặt xám xanh, kẻ nhận mặt lạnh ngắt.


Bởi vậy mà cái hôm làm thủ tục chuyển trường, đã không còn ai hỏi Phong về lí do nữa. Trong lớp cũng có mấy trường hợp như vậy rồi.


Trên đường về, Thằng Hữu ngồi sau xe Phong, ngục cái trán dô vào lưng cậu thở dài.
"Mày đi rồi chúng tao buồn thí mẹ"


"Vậy để tao gửi cho lố ảnh, chụp đủ tư thế, khỏi nhớ mong nhen"


Phong dẩy ra, nhưng lại thấy lưng mình nặng trĩu xuống. Thằng Hữu đã vòng tay qua eo cậu, ôm cứng phía sau:


"Sẹc xy vào nhen thằng chó"


"Mày ôm với cọ tới nữa, là tao liệng luôn xuống kinh đó" Phong giả vờ rung rung tay lái.


"Liệng xuống mà mày ở lại với tao thì mày liệng xuống Vàm Cỏ Đông tao cũng chịu". Thằng Hữu dẩu môi đáp. Nó kéo cái cặp lấy ra cái mô hình Once Piece nhỏ như cái kẹo mút nhét vô túi áo gió của Phong, đập đập vài cái.


"Ra đó đừng có quên tao".


Phong không trả lời,im lặng đạp xe nghe tiếng gió từ Vàm Có Đông thổi ngược lên, lòng đắng ngăn ngắt.


Buổi tối trước hôm đi, ba nấu một mâm cơm thịnh soạn lắm. Canh cá chốt nấu me,lạp sườn rim chuối xanh, 3 con cá lóc nướng rơm thơm phức thêm nửa con gà luộc mua ở chợ Long Thành. Sau khi hết tuần hương trên ban thờ ngoại, ba biểu Phong đỡ mâm xuống bê ra ngoài hiên ăn cho mát.


Ba lấy chai rượu đế trong tủ và hai cái chén. Rót chén đầy cho mình, còn chén vơi đẩy về phía Phong.


"Nay Uống chút xíu nghen"


Phong nói dạ một tiếng rồi nâng lên dứt khoát cạn sạch một hơi.


"Ủa, dữ vậy bay" Ông ngẩn người nói nhưng vẫn rót cho Phong một chén nữa, một hồi nhìn lại thằng con trai đã cao hơn mình nửa cái đầu.


Phong quệt môi, cười "Ai biểu ba cho phép chi"


Hai cha con ngồi uống rượu dưới mái hiên, nhưng Phong uống là chính còn ba Phong chỉ lặng lẽ thở dài.


"Mai mày đưa cho thím Năm địa chỉ ở ngoài kia, lỡ má mày có về còn biết dạng".


Phong gặp đũa cá chốt, thủng thẳng nói


"Má không về nữa đâu, nơi này giữ má không nổi"


Cậu không kể cho ba nghe về một buổi sáng đi chợ, cậu gặp Má bước lên một chiếc xe hơi sang trọng cùng với người đàn ông hói đầu đeo vàng đầy cổ. Bởi Phong biết chỉ câu nói kia của mình cũng đủ làm ba Phong buồn rầu rồi. Ông đặt đũa xuống nhìn Phong trách móc:


"Mày đừng nói má mày thế. Tốt xấu chi bả cũng đẻ ra mày".


Phong không nói nữa, chỉ lẳng lặng uống rượu cho đến khi đáy chai cạn khô, còn cậu thì chếnh choáng đến kiệt sức.


Phong thầm cảm cơn chai rượu đế của ba vô cùng. Để đến sáng hôm sau, khi cậu vừa lên xe đò, đã chìm vào giấc ngủ mê man. Không còn thấy dòng kinh cạn uốn quanh vườn thanh long như mạch máu đang chảy, không còn nghe tiếng leng keng xe xôi của cô Ba đầu xóm, không còn ngửi thấy mùi mắm còng thơm nồng tốn cơm hao canh nữa. Cả hình bóng thân thương của ngoại, của má cũng chỉ còn là ảo ảnh dập dìu trong giấc mơ không trọn vẹn của cậu.


Hà Nội cái quái gì cũng lạ hoắc.


Kể cả người đàn ông đeo tạp dề đang lúi húi nghiến răng đang thịt bò trong bếp kia Phong cũng không dám tin đó là ba mình.


Một công nhân xây dựng lành nghề, ngoắt một cái trở thành đầu bếp bán phở bò, nghe thôi cũng thấy rặt mùi vô lí.


Ấy vậy mà cái quán nhỏ thó của ba con Phong mới treo biển 3 hôm đã có người tới hỏi mua phở thật.


"Có phải người làng Cồ không?"


Một lão ngoài 70 tóc bạc như sợi hủ tiếu khô, mặc bộ lụa tím sang trọng trìu mến hỏi ba Phong.Cũng coi như là kẻ thức thời, ba Phong bỏ cái giọng lơ lớ nửa bắc nửa nam để nói tròn trịa một câu tiếng Bắc:


"Dạ đúng thưa cụ. Bố con là cháu 5 đời cụ Cồ Sơn, người làng Vân Cù đấy ạ".


Bà lão gọi hai bát tái, 1 bát gầu, ba Phong vui mừng khôn xiết chỉ đạo cậu đổ giấm tỏi vô túi, cắt chanh, thái ớt. Nhưng cậu luống cuống mãi không xong, bà lão có vẻ sốt ruột, xắng tay lấy cái túi nhỏ, múc nước giấm đổ xòa vô túi rồi dùng cái nịt vàng quấn tạch tạch quanh miệng, động tác chuyên nghiệp vô cùng.


Hai ba con Phong hết tròn mắt ngạc nhiên, rồi ái ngại nhìn nhau.


"Phiền cụ quá". Ông vừa nói vừa nhận lấy đồng 500k mới cóng từ tay bà lão.


"Của cụ hết 9 chục, cụ chờ con thối tiền thừa"


"Thôi không cần" Bà lão khoát tay "hôm nay khai trương, không cần trả lại, chúc 2 bố con buôn may bán đắt"


"Ủa má ơi..." Ba Phong im bặt khi biết bản thân vừa lộ tẩy vì thói quen xưng hô đã ăn vào máu.


Bà lão cười hiền từ nói


"Miễn là người làng Cồ nấu là được".


Đó là 500k duy nhất thu được trong ngày hôm ấy, khiến ba cậu vừa vui vì đạt doanh thu đã đề ra lại vừa buồn vì Phong không phải rửa cái bát nào


Phong ngồi nhặt rau, thi thoảng cúi xuống bếp than tổ ong thổi phò phò nói:


"Ba, hay luyện thêm một thời gian nữa. Con thấy tội bà lão ghê".


Tức thì, Ba Phong lễ mễ bê một bát phở nghi ngút khói ra bàn, kéo cậu lên rồi lại nhận xuống ghế bảo:


"Mày thử coi sao, chả chi nội mày cũng người làng Cồ. Dù tao biệt xứ 30 năm, nhưng máu làng Cồ nấu phở bò hỏng có chê được".


Phong phủi tay lấy thìa húp một miếng, thứ nước lỏng le, nhạt nhẽo cho cậu cảm giác như ăn nước luộc thịt nái già. Thấy cậu nhăn mặt, ba vẫn hỏi cố:


"Ngon nghe con?"


"Nghe thì đúng là ngon, mà ăn hỏng có vô ba ơi"


"Cái thằng, mỏ độc y hệt má nó" Ba Phong dí dí cái muỗng to chảng về phía mặt Phong "Bây ăn canh cá chốt chua chua mặn mặn quen lưỡi rồi hỏng phải do ba nấu dở nghen"


Phong thôi tranh luận với ba, quay mặt vô trong tường giả vờ uống nước. Cậu nhớ tê nhớ tái những ngày tháng đã qua, tới mức lúc nào cũng có thể khóc được ngay cả khi đang cười.Có lẽ Hà Nội biết cậu không hề để tâm ở nơi này, nên cũng không giấu diếm sự thù địch với cậu.Mặt cậu chi chít những mụn đỏ li ti vì không hợp nước.


Tiếng loa phóng thanh làm cậu thon thót giật mình khi mắt còn kèm nhèm chưa mở hẳn.


Cậu luôn phải xách túi rác to xù chạy bành bạch theo xe chở 3 gác chỉ vì chẳng có giờ đổ cụ thể.Cả cơn mưa rào đổ ập xuống bất cứ lúc nào nó thích làm cậu ướt sạch ướt sẽ khi ra chợ mua rau.Mọi thứ đều chống lại cậu, như cái cách cậu đang gai góc chống lại nỗi cô đơn cả ngày lẫn đêm này vậy.


Bà lão sang trọng kia vẫn thường xuyên qua nhà Phong mua phở. Có khi sẽ là lái xe của bà đi, cũng có khi là một người khác.


Đó là lần đầu tiên Phong nhìn thấy cậu ta.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro