PHẦN VI: Ngô Hà Huy kể chuyện

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hoài Lư Sơn cựu ẩn
(Thê Nhất)

Cửu điệp Phù Dung tiễu đáo thiên,
Hối tuỳ bộc thuỷ hạ hàn yên.
Thâm thu viên điểu lai tâm thượng,
Triệt dạ tùng sam tại nhãn tiền.
Thư giá hoại tri thành hủ khuẩn,
Thạch song đảo định mạn lưu tuyền.
Nhất chi trúc trượng du Giang Bắc,
Bất kiến Lư phong nhị thập niên.

-Dịch thơ-

Chín lớp Phù Dung núi ngất trời
Hối theo dòng thác xuống chi đời!
Thu sâu, chim vượn trong lòng ẩn
Đêm hút, thông sam trước mắt phơi
Kệ sách gãy tan thành nấm mục
Cửa nhà nghiêng đổ phó dòng khơi
Lư Sơn hai chục năm xa cách
Giang Bắc nay về chống gậy chơi.

Phần VI: Ngô Hà Huy kể chuyệnChương 1: Trung thành

Ta vẫn nhớ như in buổi chiều hôm đó. Sau khi bị tứ ca, ngũ ca bắt nạt, ta đem một thân bẩn thỉu rách rưới trốn vào bụi cỏ lau. Khi ánh hoàng hôn buông xuống, chợt nghe có tiếng xoành xoạch. Nơi này là một bãi đất trống phía sau phủ Thừa tướng, bình thường ít người qua lại. Mỗi lần bị các anh và di nương bắt nạt, ta đều trốn ở đây mà khóc.

Năm tám tuổi đó ta gặp được điện hạ.

Ta lén nhìn từ bên trong bụi cỏ, thấy một thằng nhóc cũng tương tự tuổi ta. Hắn mặc áo trắng sạch sẽ, đầu đội ngọc quan, dáng người hơi béo một chút nhưng chạy nhảy rất linh hoạt. Hắn đang đánh nhau với hai người mặc áo đen cao to. Mặc dù ta chưa gặp qua cái gọi là "sát thủ" nhưng cũng nghe các anh kể lại. Bọn họ là những kẻ giết người không gớm tay, ai cũng mặc áo đen, che mặt bằng khăn đen như vậy. Ta quá kinh sợ liền co rút trốn trong bụi cỏ. Chiêu thức của thằng nhóc kia rất kì lạ, ta nhìn mãi nhưng không thấy vũ khí của hắn ở đâu. Cứ quơ qua quơ lại, ngúng nguẩy đầu ngón tay làm hai sát thủ kia không thể tới gần. Ta xem đánh đấm đến mê muội, không kiềm được tấm tắc khen, ai ngờ lại làm lộ hành tung. Một sát thủ nghe động liền ném thứ gì đó về phía này. Ta chưa kịp tránh thì đã thấy thằng nhóc kia lao tới chắn trước mặt ta, hai phi tiêu đâm vào cánh tay khiến hắn hự một tiếng.

-Làm chuột thì trốn cho kĩ, ngu ngốc!

Hắn nói qua kẽ răng, chất giọng non nớt rất phù hợp với cơ thể. Ta ngơ ngác nhìn hắn, mặc dù tay bị thương nhưng vẫn ngoan cường chống trả. Giống như chạm tới cực hạn, thằng nhóc kia bùng nổ cơn giận, gào một tiếng rồi lao tới, hai cánh tay vung ra khiến hai tên áo đen không thể nhúc nhích, bọn chúng bị ném ra xa rồi đập mạnh vào nhau. Sau đó lại giằng co một lúc thì hai tên áo đen ngã xuống, trên thi thể chằng chịt đầy những vết cắt, trông thê thảm hết sức. Chiếc áo trắng của thằng nhóc đó bây giờ đã nhuốm đỏ, hắn chạy nhanh ra gốc cây rồi nôn thốc nôn tháo.

-Ngươi... ngươi không sao chứ?

Ta cảm thấy mình nên có trách nhiệm, dù gì hắn cũng là ân nhân cứu mạng. Hắn nôn ra mật xanh mật vàng, mặt xanh như tàu lá uể oải nói:

-Kinh quá... đây là lần đầu ta giết người...

-Lần... lần đầu?

Lần đầu mà sao thành thục quá vậy? Lúc này lại có thêm năm sáu người áo đen bay tới, chết rồi! Ta sợ quá trốn ra sau lưng hắn.

-Điện hạ thứ tội, thuộc hạ cứu giá chậm trễ.

Sáu người áo đen đồng loạt quỳ xuống, hóa ra là người của hắn! Thằng nhóc kia vừa nôn xong, sức lực không có mà còn hung dữ đá vào người đang nói một phát.

-Trễ đâu mà trễ, là quá muộn biết không? Lần sau tới nhặt xác của ta là vừa!

-Thuộc hạ bất tài!

Người nọ không giận mà còn cúi đầu thấp hơn, bộ dạng tỏ ra hối lỗi. Thằng nhóc đó hừ một tiếng, cởi áo ngoài ném xuống đất một cách chán ghét sau đó quay sang nhìn ta.

-Còn ngươi! Ở đâu chui ra?

-Ta... ta là thập công tử của phủ Thừa tướng...

-Ngô Hà Huy?

-Á? Sao ngươi biết?

-Xì, ta còn biết mẹ ngươi bị Thừa tướng phu nhân hãm hại nên chết sớm nữa kìa!

Ta vừa nghe nhắc tới mẹ liền phản ứng lại. Các ngươi có thể đánh ta, có thể mắng ta, nhưng tuyệt đối không được lăng nhục mẹ ta.

-Trừng mắt cái gì! Tính nết y chang mẹ ngươi, nhu nhược yếu đuổi, chỉ giỏi làm con hổ giấy!

-Ngươi thì biết cái gì! Mẹ ta...

-Ừ, ta biết nhiều lắm, biết có một tên ngốc ngày ngày gọi kẻ giết mẹ ruột của mình là "mẹ".

Hắn nói một cách rành rọt, chắc chắn, ta bị khí thế kia đàn áp không biết phản bác ra sao. Thằng nhóc đó quệt miệng, chỉ chỉ mấy thi thể.

-Dọn dẹp sạch chỗ đó, không để lại dấu vết!

Mấy nam nhân lập tức làm theo.

-Ngô Hà Huy, ngươi về suy nghĩ kĩ, nếu muốn trả thù cho mẹ thì ngày mai, giờ này, chui vào bụi cỏ đó chờ ta!

-Ngươi... ngươi mới chui bụi cỏ, ta không thèm!

-Hừ!

Thằng nhóc đó véo vào hai má ta, rất đau.

-Ăn nhiều một chút, chỗ này không có tí thịt nào. Tạm biệt, lần sau gặp!

Hắn đem theo sáu người và hai cái xác bay vèo đi mất, còn mình ta trơ trọi đứng ở đó. Buổi tối, ta nằm trùm chăn suy nghĩ rất nhiều. Thằng nhóc kia cùng lắm là bằng tuổi ta, vậy mà hắn biết võ lại còn có thuộc hạ, cách hành xử dứt khoát mạnh mẽ. Ta không biết hắn có thân phận gì nhưng hắn từng cứu ta, chắc không phải là người xấu. Thật ra ta hâm mộ hắn lắm, nếu mà ta cũng đánh nhau giỏi thì không sợ bị các anh bắt nạt, ta còn có thể bắt nạt lại họ!

Ngày hôm sau ta đúng giờ đến chỗ hẹn. Hắn chỉ vào ta, ôm bụng lăn ra cười:

-A ha ha ha... ta nói vậy mà ngươi thật sự chui vào bụi cỏ sao?

Ta đỏ mặt nhảy ra, hung hăng cãi lại:

-Ta thích đó, thì sao nào?

Tên kia thôi cười, hắn đưa tay xoa xoa đầu ta, hắn vừa béo vừa lùn nên phải giơ tay cao mới xoa tới.

-Ngoan lắm, từ giờ ngươi có thể đi theo bổn điện hạ. Chỉ cần ngươi trung thành, ta sẽ cho ngươi tất cả vinh quang của một người đàn ông!

Sau này ta biết được, hắn là vị Tam hoàng tử lười biếng ham chơi kia. Hắn không kết thân với mấy tiểu đồng ở Hàn Lâm Viện mà chỉ nói chuyện với ta. Dần dần ta cũng bị hắn ảnh hưởng, không bao giờ để lộ con người thật, luôn dùng nụ cười để che giấu mọi thứ...

Ta luôn trung thành tuyệt đối với Ca Dương, muốn ta chết vì hắn cũng có thể. Bởi vì ta cảm thấy trên đời này không có gì Ca Dương không làm được, chết vì một kẻ như hắn cũng đáng lắm. Ca Dương cho dù mang thân phận gì cũng xem ta như bằng hữu. Hắn đối đãi với ta chân thành, ta dùng chân tâm đáp lại.

Bề ngoài ta vẫn là đứa con của thiếp thất không có địa vị, nhưng thật ra ta nắm giữ một nửa chuyện làm ăn của Tam điện hạ. Những quán rượu, quán trọ, kỹ viện, sòng bài... những thương vụ mua bán, trao đổi,... Ca Dương có nguồn kinh tế riêng, mấy chỗ làm ăn đều là căn cứ ngầm để thu gom tin tức gần xa, kiếm chút tiền cũng tốt. Ta là học sĩ phục vụ cho hắn, biết nhiều bí mật mà dù chết cũng không dám nói.

Khi tới tuổi trưởng thành, ta phải lòng Lý Minh Nguyệt. Nàng lại là con gái út bảo bối của Hình bộ thượng thư, sớm muộn gì cũng gả cho Tứ hoàng tử. Ta ngậm cay đắng không dám để ai biết, chỉ tình cờ một lần say rượu nói với Ca Dương. Điện hạ lại giở trò ma lanh khiến Tứ hoàng tử mắc bệnh khó nói, vì vậy Lý Minh Nguyệt từ hôn. Ta vui chưa hết thì một ngày thức dậy, phát hiện nàng đang nằm trên giường của ta, bọn ta không mặc quần áo. Đầu ta oanh một tiếng liền mắng Ca Dương, tên này... không còn trò gì chơi lại tổn hại khuê danh con gái nhà lành!

Phụ mẫu hai bên bắt quả tang tại trận, Lý Minh Nguyệt mặt đỏ bừng, tay ôm chăn che thân. Nàng không khóc nháo, cũng không kêu oan. Thái độ này làm ta hiểu ra nhiều điều, lòng vui không tả xiết, không biết lấy can đảm ở đâu mà quỳ xuống xin nhạc phụ đại nhân gả nàng cho ta. Có sự nghiệp, có người con gái mình yêu, có một mái nhà riêng, bây giờ ta đã hiểu cái gọi là "vinh quang của một người đàn ông" mà Ca Dương từng hứa.

Hắn là bạn thân chí cốt của ta, là chủ tử của ta, là hoàng đế của ta. Đôi vai này không gầy yếu như xưa nữa, ngài khiến ta học được cách kiêu ngạo mà sống, làm một người đàn ông đầu đội trời chân đạp đất. Ta phò trợ ngài gìn giữ giang sơn, cùng ngài uống rượu mỗi khi đau buồn khổ sở. Thật ra Ca Dương rất đáng thương, ai bảo ngồi trên ngôi báu thì có tất cả trong tay?

Bệ hạ yêu một cô gái, nhưng nàng đã vĩnh viễn rời khỏi ngài, đi rất xa, đi rất lâu...

Khán thái liên
(Bạch Cư Dị)

Tiểu Đào nhàn thượng tiểu liên thuyền,
Bán thái hồng liên bán bạch liên.
Bất tự giang nam ác phong lãng,
Phù dung trì tại ngoạ sàng tiền.

-Dịch thơ-

Bé Đào lên thuyền con chèo lái
Hái sen non và hái sen hồng
Giang Nam từng trải ác phong
Nay giường nhàn nhã nằm trông người làm

Phần VI: Ngô Hà Huy kể chuyệnChương 2: Minh Châu

Năm Thái Minh thứ nhất, ta phụng mệnh bệ hạ hộ tống binh phù về ải Bình Thành. Đường xa vất vả nhưng không dám dừng chân, chỉ sợ có điều gì bất trắc. Xưa nay ta quen quản lý ngân sách, mưu tính thương trường đã thuộc ngầm lòng nhưng chuyện binh biến thì chưa từng làm qua. Nhiệm vụ lần này nghe thì đơn giản nhưng làm mới biết khó khăn trăm bề.
Ta chỉ là một học sĩ, chức quan văn không thể nào bé hơn. Trong con mắt của thiết kị quân, ta là tên công tử trói gà không chặt. Bệ hạ từng dạy, muốn để người nể thì không cần kể lể thành tích, trước cứ làm cho họ thấy, làm những điều họ không làm được. Sau khi khiến người ta lé mắt ngạc nhiên thì cứ phủi tay áo nói một câu "Chuyện nhỏ như con thỏ thôi mà, được góp chút sức mọn là tại hạ vui rồi!"
Chiêu này gọi là "đẳng cấp của khiêm tốn".
Ta dẫn gần hai mươi vạn quân, trọng trách nặng nề, binh phù trong tay áo cứ như một ngòi thuốc nổ, không rõ ngày nào sẽ làm ta banh xác. Vượt qua nhiều thử thách, cố gắng "khiêm tốn" mọi lúc mọi nơi, cuối cùng ta cũng khiến bọn họ có chút cảm phục. Lúc nhìn thấy thành ải, ta mừng rơi nước mắt, ai ngờ liền nghe tin phó tướng tử trận, cả đoàn quân như rắn mất đầu. Binh phù vẫn trong tay ta, trăm con mắt của tiểu tướng nhìn lên như hổ đói hoặc như chó tìm chủ,... kiểu nào cũng làm ta sởn gai ốc. Bệ hạ ơi... ngài hại chết bổn công tử rồi!!!
Cố kiên trì cầm cự gần bốn ngày, viện binh đã tới, Đô Dư Mân cũng tới. Ta lập tức bàn giao binh phù cho lão, thấy lòng nhẹ ngàn cân. Qủa thật ta không phù hợp với mấy chuyện này, về nhà ngồi tính sổ sách coi bộ an nhàn hơn!
Đô tướng quân là người có kinh nghiệm sa trường, chỉ huy dứt khoát, đường lối rõ ràng. Thế nhưng giặc qúa đông, hành quân lại siêu tốc, cánh viện binh thứ hai chưa kịp tới chúng ta đã thất thủ Bình Thành. Giao liên sứ giả cưỡi ngựa ngày đêm mang lệnh rút quân đến Đề Lô, quân và dân ráo riết gói đồ chạy nạn. Thành Đề Lô xây dựa vào dãy núi Lô, địa hình hiểm trở, là một phòng tuyến lý tưởng. Quân ta vừa phải trị thương, vừa phải thay phiên nhau cầm cự, kiên cường chờ viện quân tới giúp sức. Lần này cả Hòa An Vương và bệ hạ cũng tới, ôi dào, thiệt đông vui! Ta chỉ việc núp sau lưng mấy người này, lâu lâu chọc gậy bánh xe, kiếm chác chút đỉnh, như vậy cũng có thể lập công rồi. Đối với cái tâm lý "tiểu nhân" này, bệ hạ nhận xét:
-Ngươi ở nhà nấu cơm rửa bát là được rồi, bon chen vào chỗ đàn ông làm gì...
Ơ này, bổn công tử cũng là đàn ông mà, là đàn ông có đầy đủ "vinh quang" đấy nhá!
Đêm sáng rực, ánh đuốc bập bùng, Ca Dương mặc giáp vàng ngồi trên lưng ngựa, gương mặt thong thả nhìn về chiến trường ngoài kia. Lính Khương La viết chữ Quốc lên trán, dũng mãnh lao ra như thế hổ gầm. Thành Bình bị chiếm, quân Đại Thế đông như kiến, xả mũi tên như tấm lưới sắt bao lấy đoàn quân. Chúng ta theo mưu kế của bệ hạ chơi trò "con cuốn chiếu". Bọn họ dựa lưng vào nhau, ghép khiên thành cái vỏ sắt, bịt kín trái phải phía trên, chầm chậm, từ từ mà tiến sát tường thành. Đội xạ thủ núp trong bụng con cuốn chiếu, chốc chốc lại giương cung bắn trả, suốt đường diệt không ít địch. Giằng co kịch liệt một đêm, rạng sáng mới công được thành, đuổi cổ tàn quân trở về Đại Thế.
Nhưng mà tin vui chưa kịp tới thì tin dữ đã truyền. Không thấy Hòa An vương đâu!!! Vương gia dẫn một đội lục quân gần năm nghìn người, vây thành hướng Bắc. Nghe đâu là có gian tế, trong lúc không ai chú ý chơi trò bắn lén, đả thương Vương gia. Bệ hạ tức giận, phái mọi người chia đường tìm kiếm, trong phạm vi mười dặm không bỏ sót ngóc ngách nào. Nỗ lực hai ngày hai đêm vẫn không có kết quả. Trong lòng ai cũng biết Hòa An vương lành ít dữ nhiều.
Ngày thứ ba, Thế tử Chu Lạc Thán Khúc đem theo nhị công tử, tam công tử, tứ công tử cùng đoàn hộ tống đến ải Bình Thành. Điều này thật kì lạ, đúng ra hôm nay tin tức mới truyền đến Sa Đà, các con của vương gia sao lại nhanh chân như vậy? Ta có một linh cảm không lành, đi theo bệ hạ đến thành phủ.
Bốn vị công tử một khuôn na ná nhau, đều sáng lạng tuấn tú. Trên mặt mỗi người đầy vẻ mệt mỏi, quần áo cũng nhàu bẩn, bộ dạng rất chật vật. Thế tử ôm một cái bọc, mắt nhiễm tơ máu quỳ xuống.
-Bệ hạ, người nhất định phải tìm được phụ vương. Mẫu phi... mẫu phi sinh muội muội bị băng huyết nên đã qua đời rồi!
Ca Dương lung lay lùi một bước, ta nhanh tay đỡ lấy hắn, trong mắt cũng thấy cay cay. Nghe nói vợ chồng vương gia tình cảm hài hòa, vương phi là mẹ hiền vợ đảm, vương gia thủy chung không có nữ nhân khác, họ đang rất mong đợi đứa con thứ sáu. Ai ngờ lại...
Hoàng đế mặt trắng bệch, hướng bên cạnh hét lên:
-Trẫm đã đưa tới hai ma ma đỡ đẻ rồi mà! Họ ở đâu? Sao lại không bảo vệ Vương phi?
Hai bà ma ma mặt xanh lét, nhào ra đập đầu tạ tội:
-Hoàng thượng tha mạng, hoàng thượng tha mạng,... Vương phi nương nương trong thai kì từng bị ngã động thai khí, vốn người đã không khỏe. Nữ nhân sinh nở là một lần đi qua quỷ môn quan, huống hồ Vương phi đã sinh năm người con, hơn nữa tuổi đã lớn nên nguy hiểm rất cao. Vương gia để lại thư đi không hẹn ngày về, Vương phi đau buồn, tinh thần sa sút... Lúc sinh lại không có Vương gia bên cạnh, ý chí không giữ được, dần cạn hơi sức. Vương phi dặn dò phải cứu tiểu quận chúa... Chúng nô tài... không có cách nào.... Bệ hạ khai ân, bệ hạ tha mạng!
Ca Dương đỡ trán, ngồi phịch xuống ghế. Mọi người không ai dám đứng, đều phải quỳ thấp hơn một bậc. Rất lâu sau đó mới nghe hắn lên tiếng, giọng điệu vô cùng mất mát:
-Hòa An vương có công với nước, sống phải thấy người, chết phải thấy xác, trẫm tuyệt đối không từ bỏ!
-Đa tạ hoàng thượng! – Các công tử nghẹn ngào đáp.
-Bốn anh em các ngươi đường xa mệt mỏi, trước tiên hãy tắm giặt nghỉ ngơi... chờ tin của Vương gia. Còn có... đưa quận chúa cho trẫm!
Thán Khúc nhìn cái bọc trong ngực, do dự đưa qua tay ma ma. Bệ hạ nhận lấy đứa trẻ, cẩn thận ngắm nghía.
-Một cô bé xinh đẹp... Trẫm phong nàng làm Minh Châu Quận chúa, hưởng cấp bậc bằng Trưởng công chúa, về sau hôn nhân đại sự Hoàng tộc sẽ đứng ra lo liệu!
-Tạ ơn bệ hạ!
Bốn anh em đồng thanh, cảm giác được an ủi một chút. Ca Dương lại lấy ra tấm ngọc bội, đặt vào trong gấm đỏ bao bọc đứa trẻ. Ta tò mò lén nhìn, đó không phải là "ngọc Tu Loan" sao? Vật này là gia bảo của dòng họ Chu Lạc, năm xưa Thái thượng hoàng truyền cho tiên đế, tiên đế làm sính lễ đính ước với Phượng hoàng hậu, Phượng hoàng hậu tặng cho Thái tử, Thái tử lại tặng cho Thái tử phi. Cuối cùng Thái tử bất hạnh qua đời, Thái tử phi tuẫn táng chôn theo, ngọc Tu Loan lại về tay Ca Dương. Món đồ này đã truyền qua tay nhiều người, là vật chứng cho không ít câu chuyện vừa trị giá vừa ý nghĩa. Tiểu quận chúa sinh ra đã được đối đãi thế này, e rằng tương lai còn danh giá hơn công chúa chân chính.
Ngày thứ tư, cuối cùng Hòa An vương cũng trở về. Hóa ra ngài bị ngã xuống con dốc rồi một tiều phu nhặt được, đem về cứu chữa. Vương gia bất tỉnh mấy ngày, cuối cùng được ám vệ tìm thấy, tức tốc đem tới chỗ Ngự y. Thương thế của Vương gia không còn nguy kịch, tứ công tử thở phào một hơi. Khi Hòa An vương tỉnh táo, hay tin Vương phi qua đời để lại cô con gái út, ngài im lặng rất lâu. Bệ hạ hỏi Vương gia có muốn ân huệ gì không. Vương gia chỉ đáp:
-Xin cho thần và các con được trở về Sa Đà...
Quốc gia lại bình an, kéo theo đó có những gia đình mất chồng, những đứa trẻ mất bố, những người binh sĩ mất đồng đội. Cả nhà Hòa An vương không chút do dự trở về cái xứ đầy cát đầy gió kia để tiếp tục cuộc sống ẩn dật của họ, không tham không cầu chốn kinh kì vinh hoa phú quý. Ta cùng bệ hạ nhìn theo đoàn xe cô đơn, tịch mịch, lòng cũng thấy trống vắng.
-Hoàng thượng cứ để họ đi thế này sao?
Ca Dương cười khổ lắc đầu:
-Trẫm giữ không nổi. Ngô huynh đệ, ngươi nói xem, có phải trẫm sai rồi không?
-Bệ hạ đừng tự trách, chuyện này không ai muốn...
-Không tự trách cũng khó. Vì muốn thuận lợi lên ngôi, trẫm khiến Hòa An vương hồi kinh, để lại Vương phi còn bụng mang dạ chửa. Mục đích đã đạt được nhưng trẫm lại chặn đường không để lục thúc quay về, kéo người ra chiến trường... Trẫm cứ nghĩ đưa tới hai bà ma ma là coi như bồi thường đích đáng... Minh Châu quận chúa sinh ra không có mẹ, chắc sẽ thiệt thòi lắm phải không?
Ta thở dài, lấy tư cách bằng hữu mà vỗ vai Ca Dương. Tiểu quận chúa kia, sau này Hòa An vương đặt tên cho nàng là Tương Tư – Chu Lạc Tương Tư. Giống như muốn nói, ngài dùng hết phần đời còn lại để thương nhớ người vợ của mình...

Ngộ hợp chi sơ
(Trương Hồng Kiều)

Phù dung tác trướng cẩm trùng trùng,
Tỷ dực hoà minh ngọc lộ trung.
Nhân đạo Dao Trì xuân tự hải,
Nguyệt minh phi hạ nhất song hồng.

-Dịch thơ-

Phù dung làm trướng gấm trùng trùng,
Chắp cánh hoạ lời dưới móc trong.
Người bảo Dao Trì, xuân như biển,
Đêm trăng bay xuống một đôi hồng.

Phần VI: Ngô Hà Huy kể chuyệnChương 3: Đau lòng

Giữa tháng Sáu, hoàng thượng hồi kinh. Ải Bình Thành chính thức giao cho Đô Dư Mân trấn giữ. Đoàn quân mang theo vinh quang được dân chúng cầm cờ hoa nghênh đón. Ta cảm thấy đi đánh giặc cũng có nhiều cái lợi, ít nhất được ngồi trên lưng ngựa tháp tùng bệ hạ là có thể hưởng ké một chút hào quang. Ta rất nhớ Minh Nguyệt, không biết nàng có khỏe không? Chắc là ngày đêm ăn ngủ không ngon rồi. Trong mắt nàng, ta vẫn là tên nhóc nhát gan thuở bé. Mỗi lần thấy ta bị bắt nạt, Minh Nguyệt sẽ chạy ra ngăn cản, che chở ta ở phía sau. Nàng cứ tưởng mình là nữ trung hào kiệt, đại anh hùng hay bảo mẫu gì đó. Thật ra từ năm 8 tuổi ta đã dư sức hạ đo ván mấy ca ca nhưng ta muốn che giấu bản thân, vì ta thích được nàng bảo hộ như vậy.

Ngồi nhớ thê tử một hồi, cổng hoàng cung đã hiện ra trước mắt. Ta xin bệ hạ cho phép trốn bữa tiệc tẩy trần, muốn nhanh chóng về nhà ôm vợ. Lời còn chưa nói xong thì đã thấy Tiểu Ninh Tử lóng ngóng ở cửa thành, hắn vẫy vẫy cây phất trần, chân nhảy nhảy giống con nhái bén... cái tên công công mặt bột này, cách chào đón cũng thật đặc biệt!

Không biết hắn nói cái gì, chung quanh ồn ào không nghe rõ. Hoàng thượng nheo mắt nhìn, dường như đọc được khẩu hình. Ta chỉ thấy Ca Dương vèo một cái kéo mạnh dây cương. Bạch Phong Tú Mã hí vang một tiếng, cả khối cơ bắp bay vọt lên, phóng qua đầu chúng quan nhân. Tiếng la kinh hãi, tiếng thét chói tai, hoàng thượng đã chạy qua cổng cung!

Ta ngơ ngác không biết chuyện gì, theo bản năng cũng thúc ngựa đuổi phía sau. Ca Dương xưa nay rất kiềm chế, chưa từng thấy hắn thất thố như vậy. Con đường Hoàng Hoa là lối đi chính trong cung điện, nếu không phải việc khẩn, tin chiến sự, tin Quốc tang thì không được phép cưỡi ngựa. Ca Dương không để quy cũ trong mắt, phăng phăng một đường chạy về hướng Tây. Ta gấp rút đuổi theo, sẵn tiện vớt Tiểu Ninh Tử ném ra sau lưng:

-Chuyện gì thế?

Ta vừa điều khiển ngựa, vừa quay đầu hỏi lớn. Tên thái giám mếu máo:

-Chết rồi, chết hết rồi...

-CHẾT? Ai chết?

Suy nghĩ đầu tiên của ta là Thái hậu, bà ấy không phải rất khỏe mạnh sao?

-Sen, sen chết hết rồi!

-Hả? Là cái đầm sen kia?

Tiểu Ninh Tử khóc bù lu bù loa, đầu gật như giã tỏi. Tâm trạng của ta liền trầm xuống. U Trì là một nơi đặc biệt đối với Ca Dương, nếu có chuyện gì xảy ra, chắc chắn là sẽ lớn chuyện. Thấy bóng hoàng đế vội vã, thị vệ cũng không hiểu cớ sự chạy theo, quan thần phía sau cũng đuổi tới, cung nhân dọc đường ngơ ngác nhìn một đoàn rồng rắn.

-Ơ... triều đình tổ chức thi đua ngựa từ bao giờ thế?

Ta là người thứ hai đến nơi. Theo trí nhớ của ta, U Trì không phải hiếm lạ gì, nó chỉ là một cái đầm, cái đầm rộng lớn, trừ cây sen thì chẳng có gì khác. Hoa ở U Trì giống như hút hết tinh anh trong đất, hồng thắm một màu, nở xòe rực rỡ, bốn mùa lúc nào cũng như là mùa xuân. Nhìn khắp hoàng thành, trừ vườn thượng uyển được chăm bón hàng ngày thì U Trì chính là khu vườn dại xinh đẹp nhất, phảng phất một phong thái cổ điển mà kì bí như chính quá khứ của nó.

Vào giờ khắc này, ta chỉ còn thấy bóng lưng u tịch của Ca Dương, phía ngoài kia là một cái đầm chết. Màu xanh đâu? Màu hồng đâu? Chỉ có những xác cây héo úa, chìm xuống mặt nước bùn. Sen bị chết hàng loạt, cái đầm bốc mùi hôi của thực vật hoai mục, gợi lên từng trận buồn nôn.

-Phù Dung... Phù Dung... PHÙ DUNG!!!

Tiếng gọi từ lẩm bẩm trở thành tiếng thét, Ca Dương giận dữ đưa hai tay vò đầu, biểu cảm còn kinh dị hơn lúc tiên đế và Thái tử qua đời. Ta hốt hoảng chạy tới đỡ hắn, Tiểu Ninh Tử cũng nhào lên ôm lấy hắn

-Hoàng thượng, hoàng thượng, nô tài vô dụng, nô tài không bảo vệ được U Trì. Bệ hạ đi không lâu thì đầm sen đột nhiên không nở hoa, lá cây từ từ héo đi, chết dần chết mòn không cứu được... Bệ hạ, bệ hạ, người giết nô tài đi!

Tiểu Ninh Tử như con gấu đeo dính Ca Dương, khóc không nên lời. Còn hoàng đế thì như chả nghe thấy gì, ngài giãy giụa, ngài gào to, ngài vùng khỏi tay ta, đá Tiểu Ninh Tử sang một bên, nửa chạy nửa bò nhào xuống nước. Ta lấy chút bình tĩnh cuối cùng ra lệnh cho Ngự lâm quân:

-Ngăn hết người ngoài lại, đuổi ra xa, không để ai nhìn thấy hoàng thượng!

Lính ngự lâm qua đào tạo nghiêm khắc, trong tình huống nào cũng biết phải làm gì. Ta thu xếp xong quay trở lại thì đã thấy mấy ám vệ bao vây Ca Dương. Nếu không phải trường hợp khẩn cấp, ám vệ sẽ không lộ diện giữa ban ngày ban mặt. Bệ hạ phát điên rồi, hắn đánh cả thuộc hạ của mình, chỉ một lòng muốn nhảy xuống hồ. Ta nhìn không nổi nữa, cắn răng kéo tay hắn, tát vào mặt hắn, vừa khuyên vừa mắng:

-Hoàng thượng! Bệ hạ! Chu Lạc Ca Dương! Ngươi phát điên cái gì đấy? Có tỉnh táo lại cho ta không? Mẹ kiếp!

Ca Dương đã phát điên tới đầu tóc bù xù, đôi mắt vốn có thần giờ lại dại ra, sắc mặt quằn quại đau thương không thể nào diễn tả nổi. Hắn vô thức tung ngân chỉ, cánh tay ta bị cứa mấy đường.

-Buông ra! Buông trẫm ra! Phù Dung, nàng ở đâu, nàng ra đây, ta không cho phép nàng rời đi, không có lệnh của trẫm không ai được bỏ đi! Aaaaa...

Cuối cùng thì hắn vẫn thoát khỏi gọng kiềm, nhảy xuống nước. Mấy tên ám vệ nhìn nhau, giống như ngầm đưa ra quyết định. Họ cũng lặn xuống, mặt nước sôi sục, bọt trào trắng xóa. Lát sau Ca Dương được kéo lên, hắn đã bị đánh ngất, long bào dính đầy bùn đất không nhìn ra màu vàng kim, ta cũng không nhận ra hoàng đế của thường ngày nữa. Tiểu Ninh Tử rất lanh lẹ đem một cái khăn lông tới, bao toàn bộ người Ca Dương lại rồi để ám vệ vác lên vai đưa về Tân Kiến cung.

Ta ở lại xử lý hậu sự, trấn an đám người hóng hớt bên ngoài. Sự việc ngày hôm đó chỉ truyền ra một cách ngắn gọn: Cái đầm sen bệ hạ yêu thích đã không còn, hoàng thượng đau buồn nghỉ ngơi vài ngày!

Khi ta bước vào Tân Kiến cung, Ca Dương đã được đặt lên giường và thay quần áo sạch sẽ. Tiểu Ninh Tử nôn nóng lau mặt cho ngài, hỏi các Ngự y:

-Thế nào? Thế nào?

Trương thái y nhíu chặt chân mày, bắt mạch cho bệ hạ. Lưu thái y khám thì khám mắt, mấy người khác loay hoay chung quanh.

-Long thể của hoàng thượng không vấn đề gì nhưng tinh thần bị kích động, để bệ hạ uống thuốc an thần, ngủ một giấc có lẽ khá hơn.

Các thái y khác cũng đồng tình rồi nhanh chóng kê toa, cung nữ không dám chậm trễ một giây chạy đi xắc thuốc. Chờ khi tẩm phòng yên ắng lại, ta mới ngồi xuống quan sát bệ hạ, nói chuyện với Tiểu Ninh Tử:

-Chuyện này rốt cuộc là thế nào?

Hắn lau lau mồ hôi cho Ca Dương rồi mếu máo kể:

-Nô tài không biết. Hoàng thượng đi mới ba ngày thì sen trong hồ mắc bệnh, búp sen không nở mà rụng hết, từ từ lá cây cũng héo chết. Nô tài đã gọi Ngự y tới xem nhưng họ bảo trước giờ chỉ khám cho người, không biết trị bệnh cho thực vật. Nô tài lại sai người đi tìm mấy nông phu chuyên trồng sen lấy hạt. Họ nói nước trong đầm nhiễm độc, muốn cứu phải rút hết nước ra. Mà Ngô học sĩ cũng biết đó, cái đầm ấy rộng như vậy, sâu như thế, làm sao mà rút hết nước đi được? Nô tài chỉ còn bất lực trơ mắt nhìn, cũng không dám báo tin đến hệ hạ, sợ ảnh hưởng tới tâm trạng của ngài ở chiến trường... hu hu hu... đều do nô tài đáng chết, có chút việc mà cũng không làm tốt...

Trong phòng chỉ còn tiếng khóc của Ninh thái giám, các cung nữ cũng cúi đầu len lén lau lệ. Họ đi theo bệ hạ nhiều năm, tuy bản thân mơ hồ nhưng vẫn hiểu rõ bệ hạ đặt nhiều tình cảm vào nơi đó. Ta nhìn tình huống than khóc giống như nhà có tang, lòng vừa hoài nghi, vừa tò mò, vừa lo lắng, vừa bất an...

Ca Dương ngủ rất lâu, lâu tới nỗi Thái y cũng hốt hoảng. Lượng an thần vừa phải, lẽ ra bệ hạ nên tỉnh rồi chứ. Mọi người sợ hãi túc trực, thấy hơi thở của ngài lúc nhanh lúc chậm, nét mặt vật vã khó chịu, thường xuyên nói mớ những câu vô nghĩa. Tiểu Ninh Tử cứ một giờ là ơi à gọi hoàng thượng, gọi mãi ngài vẫn không chịu dậy. Căng thẳng kéo dài tới ngày thứ ba, cuối cùng Ca Dương cũng mở mắt. Khi ta biết tin vội vã vào cung, hoàng thượng vẫn mặc trung y ngồi trên giường, nét mặt ngơ ngác như con nai lạc mẹ. Thì ra bệ hạ cũng có lúc yếu đuối.

-Hoàng thượng cảm thấy tốt chứ?

Hắn mím môi, nhìn lên đỉnh mành, sau đó hỏi ta một câu quái lạ:

-Ngươi có tin vào luân hồi không?

-À... cái này là quan niệm nhân gian, vi thần không rành lắm...

Ca Dương rũ mắt xuống, dùng tay trái xoay xoay chiếc nhẫn đầu rồng trên ngón tay phải:

-Trẫm có một giấc mơ. Trong mơ thấy mình có rất nhiều vàng bạc, có rất nhiều mỹ nữ, có cả một giang sơn... nhưng mà trẫm trong giấc mơ rất khổ sở, bởi vì trẫm yêu một người, người đó lại vì hận trẫm mà tự vẫn. Thân thể nàng lạnh như băng, sắc môi nhợt nhạt,... trẫm ôm nàng thật lâu, thật lâu... nàng chưa từng ngoan ngoãn như vậy, cứ nằm im trong vòng tay để trẫm yêu thương...

-Bệ hạ...

-Trẫm nghĩ đó là kiếp trước của mình, bởi vì không cam lòng mà đổ một nửa bát canh của Mạnh Bà xuống sông Vong Xuyên, chỉ vì không muốn quên tất cả, không muốn mất hết hồi ức về nàng...

Ca Dương thì thầm, giọng nói nhỏ dần, cuối cùng cười chua chát:

-Nàng đi rồi, như thế cũng tốt. Linh hồn nàng siêu thoát, có thể có cuộc sống mới, có thể gặp một người đàn ông thật lòng yêu nàng, không thương tổn nàng, không khiến nàng ngày đêm rơi lệ,... Nhưng mà... trẫm không muốn... trẫm thà giam cầm nàng mãi mãi trong cái hồ đó, mỗi ngày có thể nhìn, có thể ngắm, có thể cảm nhận nàng vẫn ở quanh đây... Và rồi một ngày nào đó, khi trẫm không cần thân xác này nữa có thể dẫn nàng cùng trở về luân hồi, cùng sinh ra trong một thế giới khác, làm lại từ đầu... Nhưng mà, nàng không muốn cùng trẫm, nàng bỏ đi rồi, trẫm không còn cơ hội nào nữa, không cách nào tìm được nàng nữa. Phải làm sao, phải làm sao, làm sao?

Ta ngồi im lặng để Ca Dương muốn nói gì thì nói, để hắn giải tỏa hết tâm sự trong lòng. Lời hắn nói rõ ràng hơn lúc trước, ta cũng không biết phải hiểu như thế nào, đại khái là một bí mật không nên tìm hiểu. Sau lần ấy Ca Dương lại càng khép kín bản thân, chính ta cũng không thể xuyên thủng cái vỏ cố chấp của hắn.

Luẩn quẩn với núi tấu chương, mỗi sáng đúng giờ thượng triều, hội hè nát rượu hoặc hoang đường cùng đám tần phi. Hắn hưởng thụ những gì mình đang có và làm tròn bổn phận của một quân vương. Cuộc sống như thế có phải rất tốt không?

Ta cũng không rõ. Lúc vui hắn cười, lúc giận hắn cười, lúc buồn hắn cười, lúc khổ sở cũng chỉ cười. Dần dần hắn không có bộ mặt nào khác ngoài nụ cười...

Nhiều năm cứ vậy trôi qua, hậu cung kẻ vào người ra, trừ Hoàng hậu nương nương thì không có ai giữ được thánh sủng cho tới cuối cùng. Phi tử của hắn nhiều như vậy nhưng tới năm ba mươi vẫn chẳng có con. Thái hậu ngày càng gấp, lại nhét vào không ít mỹ nữ.

Thời gian này ta từ chức học sĩ lên Thái học sĩ, rồi Thái phó Hàn Lâm Viện. Lý Minh Nguyệt sinh một trai một gái, bọn trẻ rất thông minh, rất đáng yêu. Mỗi lần Ca Dương thấy chúng vây quanh ta viết chữ, hắn đều nhìn thật lâu. Ta cười hỏi hắn sao không sớm về hậu cung kiếm một Thái tử, Ca Dương cười nhạt bảo rằng đợi Minh Châu quận chúa gả đi, hắn sẽ nhận con của nàng làm con thừa tự. Chu Lạc Tương Tư là cái gai mềm trong lòng Ca Dương. Hắn xem nàng như con gái, của hồi môn cũng chuẩn bị từ lâu, chỉ chờ tìm được một quận công vừa có tài vừa có đức để nàng yên bề gia thất.

Năm tháng như thoi đưa, lá cây cứ xanh rồi vàng, sông cứ đầy rồi cạn... Ca Dương luôn sống mơ mơ hồ hồ, chỉ khi ngồi trên chiến mã mới tỉnh táo một chút. Hắn giống như cái bóng lẻ loi, ẩn dật trong hoàng thành, mãi cho tới khi ba mươi ba tuổi thì một kì tích xảy ra. Trung Lương lại đưa tới thập nhị công chúa hòa thân, nàng chính là biểu muội của Hoàng hậu nương nương. Nhớ năm xưa Triệu Hoàng hậu bằng một điệu Phù Dung Lưu Hương mà một bước bay lên cành làm phượng hoàng. Nay có thêm Triệu Phi Liên cũng bằng chính vũ khúc ấy, khiến bệ hạ trước mặt toàn triều ôm lấy nàng, từ đó trở thành Hoàng quý phi nương nương dưới một người trên vạn người, hưởng hết ân sủng, khiến Ca Dương hồn mê phách đảo...

Haizzz.... Chuyện này kể ra cũng rất dài dòng, thôi cứ học theo Hòa An vương, kết lại bằng một câu: cứ từ từ mà kể, không gấp, không gấp...!

Phiên ngoại 1: Muộn màng

Tố Tâm dịu dàng rót một tách trà, kề sát vào môi ta:

-Vương gia, nếm thử loại trà này đi.

Ta theo thói quen khẽ mở miệng, hương vị thanh đạm, ngọt ngọt, thơm thơm khiến lòng người chợt khoan khoái dễ chịu giữa trưa nắng gắt. Tố Tâm là con gái nhà thư hương, chữ nghĩa biết kha khá, có thể làm vài câu thơ, có thể chơi mấy khúc nhạc, cũng có thể vẽ một cành mai mà không nhìn lầm thành cành đào. Thật ra nàng chẳng giỏi đến mức gọi là tài nữ, chỉ là một tiểu thư được dạy dỗ tốt, hiểu biết vừa đủ, miễn cưỡng có thể vào bếp, ra phòng khách và... lên giường.

Ta chú ý đến nàng chủ yếu là do gương mặt. Tố Tâm giống Phượng Loan đến năm sáu phần, từ lần đầu gặp gỡ đã khiến ta yêu thích. Gia đình nàng là một nhánh rất xa của dòng họ Hạ Hầu, chính bởi cái gốc rễ ấy khiến đệ đệ của nàng học rất giỏi nhưng lại không thể thi khoa cử làm quan, cha nàng có tài mua bán nhưng không vào nổi thương hội, mẹ nàng thành thân liền bị cả nhà từ mặt. Tộc Hạ Hầu trên Khương La này bị cộng đồng xa lánh, bị triều đình nghi kị, chịu rất nhiều thiệt thòi.

Khi ta quỳ dưới long ỷ, xin phụ hoàng cho cưới nàng vào cửa, người đã im lặng rất lâu.

-Con thật lòng chứ?

-Vâng ạ.

-Nếu trẫm nói sẽ đưa con đến Sa Đà phong vương, con vẫn muốn lấy nàng?

-Vẫn muốn.

Thật ra lúc đó ta quá kích động, làm gì quan tâm Sa Đà là cái xứ khỉ ho cò gáy nào. Phượng Loan quyết định gả cho Tứ ca, cho dù chỉ làm một Lương đệ* cũng không thèm địa vị Lục hoàng phi. Nàng tham vọng làm mẫu nghi thiên hạ, bon chen vào chốn hậu cung trắng đen lẫn lộn. Ta chỉ là một hoàng tử nho nhỏ, địa vị này không thỏa mãn được nàng...

*Lương đệ: thiếp của Thái tử.

Mối tình đầu có thể khắc cốt ghi tâm nhưng mối tình sau mới là bền vững.

Một phút bốc đồng, ta bất chấp tất cả quyết cưới cho được Hạ Hầu Tố Tâm, sau đó đưa nàng cùng gia đình đến vùng Sa Đà đầy cát. Bấy giờ ta mới hiểu, cái giá phải trả không hề rẻ.

"Mặt trời dậy ở đằng đông

Đế đô tỏa nắng, Mạn Hồng âm u

Trường Giang núi nước mây mù

Sa Đà cát trắng, đất dày chân chim

Hà Khổ giá lạnh buốt tim

Bình Thành loạn lạc, Ninh Him thái bình."

Sa Đà giống như cục thịt khét đen bị vứt đi, chả có thứ gì đáng giá trên mảnh đất này. Cho dù là một Vương gia, ta cũng ăn không ít khổ. Thuở ban đầu dựng phủ đệ, tiếp quản nội vụ, ta chẳng làm được thứ gì ra hồn. Mắc bệnh hoàng tử quá lâu, không hiểu rằng làm Vương cũng giống như vua trên một lãnh địa nhỏ, phải có trách nhiệm với con dân nơi đó, phải bảo hộ che chở cho họ, như thế mới không hổ thẹn với tiền tô thuế mà dân nộp lên. So với ta, Tố Tâm và Y Uy thích nghi với nơi ở mới rất tốt. Chả là hai chị em họ từ bé đã chịu khổ qua, tính cách gan lì hơn ta rất nhiều. Y Uy giống như chú cá tìm được bể lớn, cuối cùng tài năng cũng có đất dụng võ. Hắn trở thành trợ thủ đắc lực, giúp ta xử lý chuyện trong ngoài từ việc đê điều tới việc khuyến nông, cải tạo đất sỏi, củng cố trị an.

Những ngày tháng vất vả rồi cũng qua, Sa Đà khắc nghiệt rồi cũng là nhà. Ta mãi mãi không quên một người vợ chịu thương chịu khó, đảm đang, kiên cường thay ta quản lý nhà cửa, nuôi dạy con cái. Ta cũng không quên cậu em vợ thông minh tháo vát, hết lòng bảo vệ chị gái, giúp đỡ anh rể. Họ thật sự là gia đình của ta, chân thật và ấm áp hơn hoàng cung rất nhiều.

Tố Tâm là một mẫu người thẹn thùng, ít nói. Ta yêu nhất là sự lương thiện và nhẫn nại của nàng. Làm một lần, hai lần, ba lần không được thì làm bốn năm sáu lần, cho tới khi pha được một ấm trà ngon mới vừa ý. Nàng rành nhất là trà đạo, điêu luyện như một trà sư. Hồi đó vẫn tưởng nàng làm vì sở thích, sau này ta mới biết, Tố Tâm cố gắng giỏi hơn Phượng Loan, cho dù chỉ một khía cạnh.

Tình cảm của ta dành cho nàng là gì? Ta cũng không rõ nữa. Tố Tâm không đem tới cho ta cảm giác rạo rực, nhiệt thành, nàng cứ dìu dịu như một dòng suối. Ta tưởng muốn chinh phục ai đó, muốn chiếm hữu ai đó thì mới gọi là "tình yêu", như khi ta "yêu" Phượng Loan. Còn Tố Tâm thì luôn "có sẵn", chỉ cần ta quay đầu thế nào cũng thấy nàng đi phía sau. Nàng tồn tại im lặng chung quanh, chưa từng rời khỏi, chưa từng biến mất... Gần hai mươi năm vợ chồng, ta thừa nhận mình là một phu quân tệ hại. Ta yêu cơ thể nàng, một loại ham thích trần trụi. Chỉ khi thân mật mới nói vài câu dễ nghe, bình thường cứ làm mặt nghiêm, lời lẽ thiếu ý, thừa lãnh đạm. Ta cho rằng như vậy là tôn trọng, là đứng đắn. Chết tiệt nó chứ đứng đắn!

Năm đầu tiên thành thân, nàng sinh Thán Khúc. Năm thứ ba sinh Chí Tĩnh. Năm thứ bảy sinh Vĩnh Lạc. Năm thứ mười sinh Tịch Tề. Năm thứ mười lăm, Kinh Hà chào đời. Nhìn lại "hành trình", bản thân ta cũng rất choáng váng. Nàng có tướng làm mẹ, ai cũng nói vậy nhưng đâu có nghĩa là cứ sanh xoành xoạch thì tốt? Hồi ấy ta còn trẻ, ở độ tuổi sung mãn của đàn ông, chỉ vì bản thân mà quên mất Tố Tâm cũng là một nữ nhân mảnh mai yếu đuối như bao người. Thậm chí có lần nàng mang thai tám tháng mà ta vẫn khùng điên muốn chuyện vợ chồng, quá khùng điên!

Từ khi Kinh Hà chào đời, nàng mắc bệnh ho mỗi khi đông tới. Đại phu nói rằng cơ thể suy nhược, không nên tiếp tục sinh nở. Khi biết chuyện, Tố Tâm rất hay hỏi ta:

-Vương gia thích một quận chúa phải không?

Ta trả lời nàng không nghiêm túc, khi thì cười cho qua, khi bảo đủ rồi, khi lại nói con gái cũng đáng yêu... Chính vì sự qua loa ấy mà ta không nhìn thấy bao năm nay mắt nàng luôn đượm buồn. Nàng có một cuốn sổ nhỏ, bên trong viết đầy tâm sự. Gía như ta đọc được những dòng chữ ấy sớm hơn thì đã có cơ hội nói với nàng một nghìn lần: "Tôi yêu em!"

"Chàng lại say, trong cơn mơ luôn gọi một người tên là Loan Loan. Thiếp không biết cô ấy là ai, mãi đến khi tình cờ nhìn thấy bức họa của hoàng hậu nằm trong rương gỗ.

Thì ra chàng yêu hoàng hậu nương nương...

Thì ra bà ấy có mấy phần giống thiếp...

Thì ra...

...

Tiểu Hà nằm trong bụng thiếp rất ngoan, đêm qua bị ồn mà không đạp cái nào. Thế nhưng sáng nay thiếp thấy không khỏe, chỗ đó rất đau. Thiếp tự hỏi chàng chỉ yêu cơ thể này thôi sao, bởi vậy mới không bận tâm thiếp mang thai khó nhọc, không lo con chúng ta sắp tới ngày ra đời...

Chàng yêu cơ thể này, thiếp càng cố gắng giữ gìn, kết quả lại nghe chàng bảo: "Sao nàng cứ trẻ hoài vậy? Con dâu gọi lầm thành chị, bổn vương lại sắp thành cha rồi!"

Xấu chàng không thích, đẹp thì lại chê, thiếp phải làm sao...?

...

Nghe Tô ma ma kể lại, ngày xưa chàng thường giúp hoàng hậu phẩm trà. Trà pha đắng chát cũng khen ngon, kết quả cơm trưa ăn không biết vị. Thiếp cố học, cố pha cho được loại trà thượng hạng, để chàng quên đi mùi vị chán ghét đó, để xoa dịu những hồi ức dù đẹp nhưng thương tâm...

Trà của thiếp, có tình yêu của thiếp, nó có đủ để chàng nhớ, để chàng thèm mỗi lúc đi xa không?

...

Sáng nay thức dậy không có người bên cạnh, chăn giường lạnh băng. Thiếp sợ hãi chạy ra ngoài tìm, kết quả nhặt được phong thư.

"Ta lên kinh có việc gấp, nàng bảo trọng bản thân, ngoan ngoãn dưỡng thai chờ ta về!"

Một câu duy nhất đánh gục hết tất cả kiên trì của thiếp gần hai mươi năm. Chàng dễ dàng bỏ đi như vậy, bởi vì Loan Loan của chàng đang gặp nguy hiểm, chàng không để ý tính mạng bản thân mà đi giúp nàng.

Còn thiếp, cố chấp muốn vì chàng sinh một quận chúa, nay bụng to vượt mặt phải một mình chống đỡ. Ai khen thiếp có hồng phúc, thiếp chả tin. Mỗi lần lâm bồn đau cứa gan đứt ruột nhưng bởi vì biết chàng ở ngoài phòng, vẫn đang mong đợi con của chúng ta, thiếp sáu lần kiên trì không vào quỷ môn quan, tất cả vì còn hy vọng, còn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp.

Lần này, thiếp sinh nở chàng ở rất xa. Nói thật, thiếp không dám chắc mình trụ nổi không. Nhưng chàng cứ yên tâm, dù có chết thiếp cũng phải bảo vệ tiểu quận chúa chàng yêu thích. Những đứa con của chúng ta đều là một nhân chứng cho tình cảm. Phải có tình cảm thì thiếp mới cam nguyện ái ân, phải có tình cảm thì mới mang giọt máu của người, phải có tình cảm thì mới kiên cường vượt qua đau đớn...

Vậy còn chàng, tình của chàng là gì?

Nếu lần này thiếp có thể vượt qua, thiếp nhất định phải hỏi chàng một câu: Hai mươi năm chung sống, năm con trai, một con gái, đêm ngày sửa túi nâng khăn,... như vậy... có đủ đổi lấy trái tim của ngài không?"

-Phụ vương!

Tiếng gọi non nớt của Tương Tư làm ta choàng tỉnh, cẩn thận gấp nhật ký của nàng lại.

-Bảo bối, tới đây...

Con bé cười khanh khách, chạy ào vào lòng ta.

-Phụ vương hư, phụ vương khóc nhè!

-Uhm... là cha không ngoan, con đừng giống cha thích khóc nhè.

-Tương Tư ngoan nhất, Tương Tư vâng lời, anh họ nói thu năm nay sẽ rước Tương Tư về kinh thành chơi.

-Hoàng thượng nói như vậy?

-Không phải, là anh họ nói!

-Con gái ngốc, anh họ của con chính là hoàng thượng!

-Ơ... anh họ là anh họ, tại sao anh họ lại là hoàng thượng chứ?

Ta lắc đầu, ôm con gái vào lòng, ngồi nhìn mấy chậu hoa lan treo trên giá gỗ.

-Tương Tư, hãy nói với mẹ con, cha yêu mẹ!

Bé mở to mắt, gật đầu khẳng định:

-Mỗi ngày Tương Tư đều thay cha nói. Mẹ trả lời rằng, mẹ cũng rất yêu cha!

Ta úp mặt vào đôi vai bé nhỏ của Tương Tư, không để con nhìn thấy sự yếu đuối trong mắt.

Tố Tâm, Tố Tâm, ta yêu nàng, thương nàng, tương tư nàng,...

Tố Tâm, Tố Tâm, nàng đừng vội qua cầu Nại Hà, chờ ta thêm mấy năm nữa, khi Tương Tư có nơi gửi gắm, ta sẽ đi xuống đó tìm nàng, chúng ta lại dây dưa, lại làm khổ nhau thêm một kiếp nhé?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro