phuongtienttqt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1.1.1.1. Khái niệm về hối phiếu: Hối phiếu là lệnh đòi tiền vô điều kiện do một người ký phát cho một người khác, yêu cầu người này khi nhìn thấy hối phiếu, hoặc đến một ngày cụ thể nhất định, hoặc đến một ngày có thể xác định trong tương lai phải trả một số tiền nhất định cho một người nào đó, hoặc theo lệnh của người này trả cho người khác, hoặc trả cho người cầm hối phiếu.

Hối phiếu thương mại (Commercial Bill) là lệnh đòi tiền vô điều kiện do người bán hàng (người xuất khẩu) ký phát cho một người khác, yêu cầu người này khi nhìn thấy hối phiếu, hoặc đến một ngày cụ thể nhất định, hoặc đến một ngày có thể xác định trong tương lai phải trả một số tiền nhất định cho một người nào đó, hoặc theo lệnh của người này trả cho người khác, hoặc trả cho người cầm hối phiếu.

Từ khái niệm nêu trên cho thấy, các đối tượng liên quan đến hối phiếu thương mại bao gồm:

- Người ký phát hối phiếu (Drawer): là người bán hàng hay người xuất khẩu (Exporter).

- Người trả tiền hối phiếu (Drawee): là người mua hàng, hay người nhập khẩu (Importer), hoặc một người thứ 3 do sự chỉ định của người nhập khẩu (thường là một ngân hàng đóng vai trò ngân hàng chấp nhận, hoặc ngân hàng phát hành thư tín dụng).

- Người hưởng lợi hối phiếu (Beneficiary): là người được thụ hưởng số tiền ghi trên hối phiếu. Người hưởng lợi trước tiên là người ký phát hối phiếu, sau đó có thể là một người nào đó do người ký phát hối phiếu chỉ định. Người hưởng lợi còn có tên là người thụ hưởng, người cầm (holder hay bearer) hối phiếu.

- Người chấp nhận (Acceptor): là người bị kí phát sau khi kí chấp nhận hối phiếu. Người chấp nhận có trách nhiệm thanh toán hối phiếu khi đến hạn.

- Người chuyển nhượng (Endorser or Assignor): là người chuyển quyền hưởng lợi cho người khác bằng cách trao tay hay bằng thủ tục kí hậu (còn gọi là người kí hậu).

- Người bảo lãnh (Avaliseur): là bất cứ người nào kí tên vào hối phiếu, ngoại trừ người kí phát và người bị kí phát. Nếu hối phiếu đến hạn mà không được người trả tiền thanh toán thì người bảo lãnh có trách nhiệm thanh toán hối phiếu cho người hưởng lợi.

Hối phiếu có các đặc điểm sau:

- Tính trừu tượng

Đặc điểm này thể hiện ở chỗ, trên hối phiếu chỉ ghi tổng số tiền phải trả là bao nhiêu, trả cho ai, khi nào thanh toán, người nào thanh toán mà không cần nói rõ nguyên nhân phát sinh quan hệ thanh toán. Hiệu lực pháp lý của hối phiếu cũng không bị ràng buộc do nguyên nhân gì sinh ra hối phiếu. Một khi được tách ra khỏi hợp đồng và nằm trong tay người thứ 3 thì hối phiếu trở thành một nghĩa vụ trả tiền độc lập, không phụ thuộc vào hợp đồng thương mại nữa, mặc dù hợp đồng này là cơ sở để giao hàng và phát hành hối phiếu. Nói cách khác, nghĩa vụ trả tiền của hối phiếu là trừu tượng.

- Tính bắt buộc trả tiền

Người trả tiền hối phiếu có nghĩa vụ bắt buộc phải trả đầy đủ tiền theo đúng kỳ hạn đã ghi trong hối phiếu, không được từ chối hoặc trì hoãn trừ trường hợp hối phiếu không phù hợp với đạo luật chi phối nó. Ví dụ: người nhập khẩu sau khi đã ký chấp nhận trả tiền trên tờ hối phiếu do người xuất khẩu gửi đến, hối phiếu đó đã được chuyển sang tay người thứ 3 thì người nhập khẩu bắt buộc phải trả tiền cho người cầm hối phiếu này ngay cả trong trường hợp người xuất khẩu vi phạm hợp đồng không giao hàng cho người nhập khẩu.

- Tính lưu thông

Xuất phát từ 2 đặc điểm trên làm cho hối phiếu có đặc điểm thứ 3 là tính lưu thông. Điều này được thể hiện ở chỗ: hối phiếu có thể chuyển nhượng từ tay người này sang tay người khác, một hay nhiều lần trong thời hạn của nó theo các hình thức chiết khấu, tái chiết khấu... tại các ngân hàng thương mại. Người trả tiền sẽ thanh toán tiền cho người cầm hối phiếu khi hối phiếu đến hạn.

1.1.1.2. Những quy định về việc phát hành hối phiếu

Hối phiếu là một văn bản, xác nhận một nghĩa vụ trả tiền có tính chất thương mại cho nên hối phiếu phải có nội dung và hình thức nhất định phù hợp với nguồn luật chi phối nó.

● Về hình thức

Hình thức của hối phiếu được quy định như sau:

- Hối phiếu phải được lập thành văn bản.

- Hình mẫu hối phiếu không quyết định giá trị pháp lý của hối phiếu

- Ngôn ngữ tạo lập hối phiếu là ngôn ngữ viết, hoặc in bằng một thứ tiếng nhất định và thống nhất.

- Hối phiếu có thể lập thành một hoặc nhiều bản, mỗi bản đều phải đánh số thứ tự và các bản có giá trị pháp lý như nhau. Khi thanh toán, người phát hành thường gửi hối phiếu cho người trả tiền làm 2 lần kế tiếp nhau đề phòng sự thất lạc, bản nào đến trước thì được thanh toán, bản nào đến sau sẽ trở thành vô giá trị.

●Về nội dung

Một hối phiếu phải bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

- Tiêu đề của hối phiếu: chữ hối phiếu là tiêu đề của một hối phiếu. Không có tiêu đề này hối phiếu sẽ trở thành vô giá trị (trừ luật BEA 1882 và UCC 1962).

- Số hiệu của hối phiếu: để dễ dàng gọi tên và tham chiếu khi cần thiết, mỗi hối phiếu đều được gắn cho một số hiệu nhất định. Số hiệu do người kí phát hối phiếu đặt ra, được ghi sau chữ No, và đặt trên cùng, bên trái của văn bản hối phiếu.

- Địa điểm ký phát hối phiếu: khi phát hành hối phiếu, người kí phát cần ghi rõ địa điểm phát hành. Thông thường địa chỉ của người lập hối phiếu là địa điểm ký phát hối phiếu.

- Ngày tháng năm ký phát hối phiếu: ngày tháng năm ký phát hối phiếu có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định kỳ hạn trả tiền của hối phiếu có kỳ hạn

Ngày ký phát hối phiếu còn liên quan đến khả năng thanh toán của hối phiếu.

- Mệnh lệnh đòi tiền vô điều kiện: hối phiếu là một mệnh lệnh đòi tiền, không phải là một yêu cầu đòi tiền.

- Số tiền của hối phiếu: là một số tiền nhất định. Số tiền được ghi một cách cụ thể, rõ ràng, người ta có thể nhìn qua cũng biết được số tiền phải trả mà không cần thực hiện một nghiệp vụ tính toán nào, dù là đơn giản nhất.

- Thời hạn trả tiền của hối phiếu: gồm có hai loại là thời hạn trả ngay và thời hạn trả sau.

- Địa điểm trả tiền của hối phiếu: là địa điểm được ghi rõ trên hối phiếu. Nếu hối phiếu không ghi rõ, hoặc không ghi địa điểm trả tiền, người ta có thể lấy địa chỉ ghi bên cạnh tên người trả tiền là địa điểm trả tiền.

- Người hưởng lợi: trước tiên là người ký phát hối phiếu, hoặc có thể là người khác do người ký phát hối phiếu chỉ định, hoặc bất cứ ai được người hưởng lợi chuyển nhượng hối phiếu bằng thủ tục kí hậu hay trao tay.

- Tham chiếu chứng từ kèm theo: tùy theo phương thức thanh toán được sử dụng, hối phiếu sẽ được kí phát kèm theo chứng từ khác có liên quan.

- Người trả tiền hối phiếu: ghi ở mặt trước, góc trái, phía cuối của hối phiếu sau chữ "To:…”. Người trả tiền hối phiếu còn gọi là người bị kí phát/ người nhận kí phát. Trong thanh toán ngoại thương, người trả tiền có thể là người nhập khẩu hoặc ngân hàng mở thư tín dụng…

- Người ký phát hối phiếu: ghi ở mặt trước, góc phải, phía cuối của hối phiếu.

1.1.1.3. Quyền lợi và nghĩa vụ của những người có liên quan đến hối phiếu

● Người ký phát hối phiếu

Người ký phát hối phiếu trong ngoại thương là người xuất khẩu, người cung ứng các dịch vụ có liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hoá.

Người ký phát hối phiếu có trách nhiệm:

- Ký phát hối phiếu đúng luật.

- Khi hối phiếu đã được chuyển nhượng và bị từ chối trả tiền thì người ký phát hối phiếu có trách nhiệm phải hoàn trả tiền cho những người hưởng lợi của hối phiếu đó.

Quyền lợi của người ký phát hối phiếu:

- Quyền hưởng lợi số tiền ghi trên hối phiếu.

- Quyền chuyển nhượng quyền hưởng lợi đó cho người khác.

● Người trả tiền hối phiếu

Trong hoạt động ngoại thương, người trả tiền hối phiếu là nhà nhập khẩu (nếu hối phiếu được sử dụng trong phương thức thanh toán nhờ thu), hoặc là ngân hàng mở thư tín dụng (L/C), hay ngân hàng xác nhận L/C (nếu hối phiếu được sử dụng trong phương thức tín dụng chứng từ).

Người trả tiền hối phiếu có trách nhiệm:

- Trả tiền hối phiếu theo các quy định ghi trong hối phiếu.

- Nếu là hối phiếu có kỳ hạn, người trả tiền hối phiếu phải ký chấp nhận trả tiền hối phiếu khi nhìn thấy hối phiếu. Việc chấp nhận này là vô điều kiện, phù hợp với luật ULB.

Tuy nhiên trách nhiệm trả tiền của ngân hàng khác trách nhiệm trả tiền của người nhập khẩu ở chỗ: ngân hàng chỉ có trách nhiệm trả tiền hối phiếu nếu nhà xuất khẩu xuất trình chứng từ trong thời gian hiệu lực của L/C và với số tiền tối đa bằng số tiền của L/C.

Quyền lợi của người trả tiền:

Người trả tiền có quyền từ chối trả tiền hối phiếu khi chưa ký chấp nhận. Việc từ chối phải phù hợp với luật ULB quy định về vấn đề này.

● Người hưởng lợi hối phiếu

Người hưởng lợi hối phiếu là người có quyền được nhận số tiền của hối phiếu. Người hưởng lợi có thể là người ký phát hối phiếu, hoặc cũng có thể là một người khác do người ký phát chỉ định, hoặc do người hưởng lợi chuyển nhượng quyền hưởng lợi hối phiếu của mình cho người đó bằng thủ tục ký hậu.

● Người chuyển nhượng hối phiếu

Người chuyển nhượng hối phiếu là người đem quyền hưởng lợi hối phiếu của mình chuyển cho người khác bằng thủ tục ký hậu (đối với hối phiếu theo lệnh) hoặc thông qua thủ tục truyền tay (đối với hối phiếu vô danh). Như vậy, người chuyển nhượng đầu tiên của hối phiếu là người ký phát hối phiếu.

● Người cầm hối phiếu

Người cầm hối phiếu là người có quyền nhận tiền hối phiếu khi hối phiếu được trả tiền. Người cầm phiếu là người ký phát hối phiếu nếu anh ta không chuyển nhượng hối phiếu cho ai. Đối với hối phiếu được chuyển nhượng, người cầm phiếu là người hưởng lợi cuối cùng của hối phiếu.

1.1.1.5. Phân loại hối phiếu

● Căn cứ vào thời hạn trả tiền của hối phiếu

Căn cứ vào thời hạn trả tiền của hối phiếu người ta chia hối phiếu thành hai loại:

+ Hối phiếu trả tiền ngay (Sight bills hay on demand bills): là loại hối phiếu quy định người bị kí phát phải trả tiền cho người hưởng lợi ngay sau khi người trả tiền nhìn thấy hối phiếu

Hối phiếu có kỳ hạn (Usance bills/ Time bills): là loại hối phiếu được trả tiền sau một thời gian nhất định ghi trên hối phiếu.

● Căn cứ vào chứng từ kèm theo hối phiếu 

Căn cứ vào hối phiếu có kèm theo chứng từ hay không, hối phiếu được phân thành hai loại:

+ Hối phiếu trơn - Clean Bills (còn gọi là hối phiếu không kèm chứng từ): là loại hối phiếu mà việc thanh toán tiền trên hối phiếu không kèm theo điều kiện về việc phải trao bộ chứng từ gửi hàng.

+ Hối phiếu kèm chứng từ (Documentary bills): là loại hối phiếu mà việc thanh toán, hoặc chấp nhận trả tiền hối phiếu đòi hỏi kèm theo điều kiện về việc trao bộ chứng từ hàng hoá cho người trả tiền hối phiếu.

Hối phiếu kèm chứng từ có 2 loại:

- Hối phiếu kèm chứng từ trả tiền ngay (Documents against payment - D/P)

- Hối phiếu kèm chứng từ chấp nhận trả tiền (Documents against acceptance - D/A)

● Căn cứ vào khả năng chuyển nhượng của hối phiếu

Căn cứ vào khả năng chuyển nhượng của hối phiếu, hối phiếu có thể chia làm 3 loại:

+ Hối phiếu đích danh (Nominal Bills): là loại hối phiếu ghi cụ thể tên người được hưởng lợi. Loại hối phiếu này không chuyển nhượng được.

+ Hối phiếu vô danh (Bearer Bills): là loại hối phiếu không ghi tên người hưởng lợi, thường ghi "trả cho người cầm phiếu". Đối với loại hối phiếu này, ai nắm trong tay hối phiếu người đó được quyền hưởng lợi từ hối phiếu, nó có thể chuyển nhượng dễ dàng bằng cách trao tay.

+ Hối phiếu theo lệnh (Order Bills): là loại hối phiếu không ghi đích danh tên người hưởng lợi, mà chỉ ghi "trả tiền theo lệnh của...". Loại hối phiếu này có thể chuyển nhượng, nhưng phải thông qua thủ tục ký hậu theo luật định. Đây là loại hối phiếu được sử dụng rộng rãi trong thanh toán quốc tế.

● Căn cứ vào người ký phát hối phiếu

Căn cứ vào người ký phát hối phiếu, người ta chia hối phiếu ra làm 2 loại:

+ Hối phiếu thương mại (Commercial Bills): là loại hối phiếu do người bán ký phát đòi tiền người mua, việc lập hối phiếu không có sự tham gia của ngân hàng.

+ Hối phiếu ngân hàng (Bank Bills): là loại hối phiếu do ngân hàng ký phát đòi tiền một người nào đó, hoặc ra lệnh cho ngân hàng đại lý của mình trả một số tiền nhất định cho người hưởng lợi ghi trên hối phiếu.

1.1.2. Séc (Cheque/ Check) 

1.1.2.1. Khái niệm

Séc là lệnh trả tiền vô điều kiện, do người chủ tài khoản tiền gửi ký phát, yêu cầu ngân hàng trích tiền từ tài khoản của mình để trả cho người có tên trên séc, hoặc trả theo lệnh của người ấy, hoặc trả cho người cầm séc một số tiền nhất định, bằng tiền mặt, hay chuyển khoản.

Những người có liên quan đến việc thanh toán bằng séc bao gồm:

Người ký phát (phát hành) séc: là người chủ tài khoản tiền gửi thanh toán tại ngân hàng.

Người thụ lệnh: là ngân hàng phục vụ người phát hành séc.

Người hưởng lợi: là người sẽ nhận được số tiền ghi trên séc.

nội dung của tờ séc bao gồm các yếu tố sau đây:

- Tiêu đề của séc: Séc

- Số tiền ghi trên séc: phải ghi rõ ràng, vừa ghi bằng số, vừa ghi bằng chữ, số tiền phải khớp nhau và có đơn vị tiền tệ cụ thể.

- Địa điểm, ngày tháng năm lập séc.

- Tên, địa chỉ của người yêu cầu trích tài khoản.

- Tài khoản được trích trả.

- Ngân hàng trả tiền.

- Tên, địa chỉ của người được hưởng số tiền ghi trên séc.

- Chữ ký, dấu (nếu có) của người phát hành séc.

Tất cả các yếu tố trên của tờ séc phải được ghi rõ ràng, chính xác tuyệt đối, không được tẩy xoá và phải ghi bằng cùng một loại chữ, một thứ mực, không được ghi bằng bút chì, mực đỏ.

Đặc điểm của séc là chỉ có giá trị tiền tệ, hoặc thanh toán nếu còn trong thời gian hiệu lực. Thời hạn này tuỳ thuộc vào phạm vi không gian mà séc lưu hành và luật pháp các nước quy định.

Nói chung, séc lưu hành trong nội địa thời gian hiệu lực ngắn hơn so với séc thanh toán quốc tế. Thời gian hiệu lực của séc thanh toán trong cùng châu lục ngắn hơn so với séc thanh toán khác châu lục.

1.1.2.2. Phân loại séc

● Căn cứ vào khả năng chuyển nhượng của séc

- Séc đích danh (Nominal Cheque): là loại séc ghi cụ thể tên người hưởng lợi, do đó chỉ có người này mới được lĩnh tiền ở ngân hàng. Loại séc này không thể chuyển nhượng.

- Séc vô danh (Cheque to Bearer): là loại séc không ghi tên người hưởng lợi, chỉ ghi câu "trả cho người cầm séc" (Pay to the Bearer). Đối với loại séc này bất cứ ai cầm séc cũng có thể lĩnh tiền của tờ séc ở ngân hàng. Loại séc này có thể chuyển nhượng được bằng hình thức trao tay, không cần thông qua thủ tục ký hậu.

- Séc theo lệnh (Cheque to Order): là loại séc không ghi đích danh tên người hưởng lợi, chỉ ghi "Trả theo lệnh..." (Pay to the Order). Loại séc này có thể chuyển nhượng bằng thủ tục ký hậu, giống như ký hậu hối phiếu.

● Căn cứ vào hình thức của séc

- Séc gạch chéo (Crossed Cheque): Là loại séc trên mặt trước của nó có hai gạch chéo song song. Loại séc này thường được dùng để thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng, không được dùng để rút tiền mặt.

Séc gạch chéo có 2 loại:

* Séc gạch chéo thông thường (Generally Crossed Cheque): Là loại séc mà giữa hai gạch chéo song song không ghi tên ngân hàng lĩnh hộ tiền. Đối với loại séc này ngân hàng nào cũng có thể lĩnh hộ tiền cho người hưởng lợi.

* Séc gạch chéo đặc biệt (Specially Crossed Cheque): Là loại séc mà giữa hai gạch chéo song song, có ghi tên một ngân hàng nào đó. Đối với loại séc này, chỉ ngân hàng được ghi tên mới có quyền lĩnh hộ tiền cho người hưởng lợi mà thôi.

- Séc không có gạch chéo (Non Crossed Cheque): Là loại séc mà ở mặt trước của nó không có hai gạch chéo song song. Loại séc này được dùng để thanh toán bằng tiền mặt.

● Căn cứ vào công dụng của séc

- Séc chuyển khoản (Transferable Cheque): Là loại séc được sử dụng để thanh toán bằng chuyển khoản cho người hưởng lợi.

- Séc rút tiền mặt (Cash Drawing Cheque): Là loại séc do chủ tài khoản tiền gửi phát hành để rút tiền mặt tại ngân hàng.

- Séc thanh toán bằng tiền mặt (Cash Cheque): Là loại séc được sử dụng để thanh toán bằng tiền mặt cho người hưởng lợi.

- Séc du lịch - Traveller’s Cheque (còn được gọi là séc lữ hành): là loại séc do ngân hàng phát hành và trả tiền tại bất cứ chi nhánh, hay đại lý nào của ngân hàng đó. Ngân hàng phát hành séc đồng thời cũng là ngân hàng trả tiền. Người hưởng lợi là khách du lịch có tiền gửi tại ngân hàng phát hành séc.

● Căn cứ vào khả năng thanh toán của séc

- Séc xác nhận (Certified Cheque): Là loại séc được ngân hàng đảm bảo khả năng thanh toán, chi trả của tờ séc. Việc thanh toán séc xác nhận không phụ thuộc vào khả năng tài chính của người phát hành tại thời điểm thanh toán.

- Séc không được xác nhận (Non - Certified Cheque) hay séc thông thường: Là loại séc mà việc thanh toán hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tài chính của người phát hành séc tại thời điểm thanh toán.

1.1.3. Kỳ phiếu (Promissory Notes)

● Khái niệm

Kỳ phiếu là một cam kết trả tiền vô điều kiện do một người (người mua hàng trả chậm, người nhập khẩu...) ký phát trao cho người khác (người bán hàng trả chậm, người xuất khẩu...) để cam kết rằng, đến một thời hạn xác định, hoặc đến một ngày có thể xác định trong tương lai sẽ trả một số tiền nhất định cho người hưởng lợi ghi trên kỳ phiếu, hoặc theo lệnh của người này trả cho người khác quy định trong kỳ phiếu đó.

Như vậy, ngược lại với hối phiếu, kỳ phiếu do người mắc nợ viết, cam kết trả tiền cho người hưởng lợi. Với tính thụ động như vậy, trong thanh toán quốc tế kỳ phiếu được sử dụng ít hơn hối phiếu.

● Nội dung của kì phiếu

Một kì phiếu bao gồm các nội dung bắt buộc sau:

- Tiêu đề “Kì phiếu”

- Lời hứa vô điều kiện trả một số tiền nhất định

- Thời hạn trả tiền

- Địa điểm trả tiền

- Người thụ hưởng

- Ngày và nơi phát hành

- Chữ kí của người kí phát

● Đặc điểm của kỳ phiếu

- Kỳ phiếu có thể do một hay nhiều người ký phát để cam kết thanh toán cho một hay nhiều người hưởng lợi.

- Kỳ phiếu chỉ có một bản chính do người mua hàng/ người mắc nợ phát hành để chuyển cho người hưởng lợi kỳ phiếu đó.

- Kỳ phiếu thường cần có sự bảo lãnh của ngân hàng, hoặc công ty tài chính. Sự bảo lãnh này bảo đảm khả năng thanh toán của kỳ phiếu.

● Sự khác nhau giữa hối phiếu và kì phiếu

- Hối phiếu là lệnh đòi tiền, có thể trả ngay hay trả sau một kì hạn, trong khi lệnh phiếu là cam kết trả tiền, có ghi rõ thời hạn.

- Hối phiếu chỉ do một người kí phát, trong khi lệnh phiếu có thể do một hay nhiều người kí phát để cam kết trả tiền cho một hay nhiều người thụ hưởng.

- Hối phiếu thường phát hành 2 bản, trong khi lệnh phiếu chỉ phát hành 1 bản.

1.1.4. Thẻ thanh toán (Payment Card)

1.1.4.1. Khái niệm

Thẻ thanh toán là một phương tiện chi trả hiện đại ra đời từ đầu thế kỷ XX. Nó là một phương tiện thanh toán mà người chủ thẻ có thể sử dụng để rút tiền mặt, hoặc thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ tại các điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ. Việc thanh toán thực hiện bằng các máy đặc biệt lắp đặt tại các cửa hàng như: máy chà hoá đơn, máy xử lý cấp phép tự động được nối mạng trực tiếp với trung tâm xử lý thẻ. Cơ sở chấp nhận thẻ là các đơn vị cung cấp hàng hoá, dịch vụ mà ở đó có lắp đặt các thiết bị phục vụ thanh toán bằng thẻ.

Là một phương tiện thanh toán tiện dụng và tiên tiến trên thế giới, hoạt động phát hành và thanh toán bằng thẻ gắn liền với việc ứng dụng và phát triển công nghệ tin học vào hoạt động của các ngân hàng thương mại. Thẻ thanh toán ra đời đã dần dần thay thế một phần thanh toán bằng séc, chủ yếu phục vụ cho mục đích thanh toán trong lĩnh vực tiêu dùng. Nó không thích hợp với việc mua bán hàng hoá có giá trị lớn.

1.1.4.2. Phân loại thẻ thanh toán

● Theo cơ chế thanh toán, có thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ rút tiền mặt, thẻ lưu giữ giá trị.

- Thẻ tín dụng (Credit Cards): là loại thẻ được sử dụng phổ biến nhất, theo đó người chủ thẻ được sử dụng một hạn mức tín dụng tuần hoàn để mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại những cơ sở chấp nhận loại thẻ này.

- Thẻ ghi nợ (Debit Cards): với loại thẻ này, chủ thẻ có thể chi trả tiền hàng hóa, dịch vụ dựa trên số dư tài khoản tiền gửi hoặc tài khoản vãng lai của mình tại ngân hàng phát hành thẻ.

Có 2 loại thẻ ghi nợ cơ bản: Thẻ On-line, Thẻ Off-line

- Thẻ rút tiền mặt: dùng để rút tiền mặt từ tài khoản của chủ thẻ tại các máy rút tiền tự động (ATM) hoặc tại ngân hàng và sử dụng các dịch vụ khác do máy ATM cung cấp (ví dụ: kiểm tra số dư, chuyển khoản, chi trả các khoản vay…).

- Thẻ lưu giữ giá trị: được phát hành bằng cách nộp một số tiền nhất định để mua một thẻ, mỗi lần sử dụng thì số tiền trên thẻ bị trừ dần.

● Theo công nghệ sản xuất, có thẻ khắc chữ nổi, thẻ băng từ, thẻ thông minh.

● Theo chủ thể phát hành, có thẻ do ngân hàng và thẻ do các tổ chức phi ngân hàng phát hành.

● Theo mục đích và đối tượng sử dụng, có thẻ kinh doanh, thẻ du lịch và giải trí.

● Theo hạn mức của thẻ, có thẻ thường và thẻ vàng.

● Theo phạm vi sử dụng, có thẻ nội địa và thẻ quốc tế.

       1.1.4.5.  Vai trò của thẻ thanh toán

               Đối với người sử dụng thẻ

- Sự linh hoạt và tiện lợi trong thanh toán ở trong và ngoài nước

- Tiết kiệm thời gian mua, giá trị thanh toán cao hơn

- Khoản tín dụng tự động, tức thời

- Bảo vệ người tiêu dùng

- Rút tiền mặt

- Kiểm soát chi tiêu

Đối với cơ sở chấp nhận thẻ

- Đảm bảo chi trả

       - Tăng doanh số bán hàng hóa, dịch vụ và thu hút thêm khách hàng

- Nhanh chóng thu hồi vốn

- An toàn, bảo đảm

- Nhanh chóng giao dịch với khách hàng

Đối với ngân hàng

- Lợi nhuận ngân hàng

- Dịch vụ toàn cầu

- Hiệu quả cao trong thanh toán

- Đa đạng hóa các loại hình dịch vụ ngân hàng

- Hiện đại hóa công nghệ ngân hàng

- Tăng nguồn vốn cho ngân hàng

Đối với nền kinh tế xã hội

- Giảm khối lượng tiền mặt trong lưu thông

- Tăng nhanh khối lượng chu chuyển, thanh toán trong nền kinh tế

- Thực hiện chính sách quản lý vĩ mô của nhà nước

- Thực hiện biện pháp “kích cầu” của nhà nước

- Cải thiện môi trường văn minh thương mại, thu hút khách du lịch và đầu tư nước ngoài

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#duyanh