vv

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


PHẦN II: CÂU HỎI ĐÚNG SAI – GIẢI THÍCH

Câu 1: Có quan điểm cho rằng : " Mọi tổ chức khi tham gia vào các quan hệ pháp luật với tư cách chủ thể được gọi là pháp nhân" Hãy cho biết quan điểm đó đúng hay sai. Vì sao?

Bài làm:

Sai. Vì theo Điều 85 Bộ luật dân sự 2005:

Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Được thành lập hợp pháp;

2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;

3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;

4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

=> Tổ chức không đáp ứng được 1 trong những điều kiện trên thì không phải là pháp nhân.

Câu 2:Có quan điểm cho rằng: " Mười tám tuổi là độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội ít nghiệm trọng". Đúng hay sai?

Bài làm:

Sai. Vì theo Khoản 1 Điều 12 Bộ luật hình sự 2009 thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

Câu 3:Có quan điểm cho rằng: "Trong mọi trường hợp giao kết hợp đồng, các bên luôn được tự do lựa chọn hình thức giao kết hợp đồng bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể". Đúng hay Sai?

Bài làm:

Sai. Vì theoĐiều 401 Bộ luật dân sự 2005: "Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó", ví dụ như hợp đồng mua bán nhà ở, căn cứ theo điều 450 BLDS 2005: "Hợp đồng mua bán nhà ở phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".

Câu 4: Có quan điểm cho rằng: "Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính thì phải chịu hình phạt".

Hãy cho biết quan điểm đó đúng hay sai. Vì sao?

Bài làm:

Sai. Vì hình phạt là các chế tài hình sự được áp dụng đối với những hành vi vi phạm pháp luật về hình sự. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính thì phải chịu các trách nhiệm pháp lý hành chính.

Câu 5: Có quan điểm cho rằng: "Mọi văn bản quy phạm pháp luật đều phải do Chủ tịch nước công bố".

Hãy cho biết quan điểm đó đúng hay sai. Vì sao?

Bài làm:

Sai. Vì Chủ tịch nước chỉ ban hành lệnh công bố luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội (Theo Điều 57 Luật ban hành VBQPPL).

Câu 6: Các khẳng định sau đúng hay sai? Vì sao?

a. Tất cả các cơ quan quyền lực nhà nước trong bộ máy nhà nước CHXHCN Việt Nam đều do nhân dân cả nước bầu ra.

b. Chế tài của quy phạm pháp luật là trách nhiệm pháp lý.

Bài làm:

a. Sai. Vì hội đồng nhân dân – cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương do Nhân dân địa phương bầu ra (Theo Khoản 1 Điều 113 Hiến pháp 2013).

b. Sai. Vì chế tài là một bộ phận của quy phạm pháp luật những biện pháp tác động mà nhà nước áp dụng đối với chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng mệnh lệnh của nhà nước đã nêu trong phần quy định của quy phạm. Còn trách nhiệm pháp lý là những hậu quả pháp lý bất lợi áp dụng với các chủ thể đã có hành vi vi phạm pháp luật, có thể nói trách nhiệm pháp lý là sự thực hiện chế tài quy phạm pháp luật.

Câu 7: Các khẳng định sau đây đúng hay sai? Giải thích ngắn gọn?

a. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc Tam quyền phân lập ?

b. Một quy phạm pháp luật không thể thiếu bộ phận giả định?

Bài làm:

a. Sai. Vì nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc cơ bản bao trùm là nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Quyền lực thuộc về nhân dân có nghĩa nhân dân có toàn quyền quyết định mọi công việc của nhà nước và xã hội, giải quyết tất cả các công việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia, đời sống chính trị, kinh tế,văn hóa, tư tưởng của đất nước và dân tộc.

b. Sai. Vì một quy phạm pháp luật có thể chỉ có bộ phận quy định và chế tài hoặc chỉ có 1 bộ phận quy định. Ví dụ :

Điều 1 Hiến pháp 2013 quy định: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời."

Như vậy, quy phạm trên chỉ có quy định, không có chế tài và giả định.

Câu 8: Có quan điểm cho rằng : "Tại kì họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới, Quốc hội bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội do Chủ tịch nước khóa trước giới thiệu" . Hãy cho biết quan điểm này đúng hay sai, vì sao?

Bài làm:

Sai. Vì theo Luật Tổ chức quốc hội 2014, khoản 2 điều 8 có quy định rõ : " Quốc hội bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước."

Như vậy, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước khóa trước không có thẩm quyền trong việc này.

Câu 9: Có phải mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý?

Bài làm:

Không. Vì trong nhiều trường hợp thực tế, pháp luật Việt Nam không truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhiều loại vi phạm. Có những trường hợp có vi phạm pháp luật nhưng chủ thể không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Đó là những trường hợp chủ thể không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình như: mắc bệnh tâm thần ; chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự... hoặc vi phạm pháp luật trong tình thế bất khả kháng hoặc trong sự kiện cấp thiết. Ví dụ như khi thấy nhà hàng xóm bị cháy mà không có ai ở nhà, anh A đã phá cửa nhà hàng xóm để dập lửa, tránh lửa cháy to gây thiệt hại lớn về tài sản. Như vậy anh A gây thiệt hại cho nhà hàng xóm trong trường hợp cấp thiết, thiệt hại anh A gây ra nhỏ hơn thiệt hại mà anh muốn tránh -> anh A không bị truy cứu trách nhiệm pháp lý.

Câu 10:Do tình hình đặc biệt phát sinh, Quốc hội muốn kéo dài nhiệm kỳ thêm 2 năm. Tại phiên họp toàn thể có 60% tổng số Đại biểu Quốc hội dự họp tán thành ý kiến này. Căn cứ theo pháp luật hiện hành, hãy cho biết việc kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội có được thực hiện không? Vì sao?

Bài làm:

Không. Vì theo khoản 3 điều 71 Hiến pháp 2014, trong trường hợp đặc biệt, để kéo dài nhiệm vụ của Quốc hội theo đề nghị của UBTVQH, cần ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

PHẦN III: CÂU HỎI TÌNH HUỐNG

Câu 1: Chiến sỹ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, phát hiện thấy chị B có hành vi vi phạm quy tắc quản lý của Nhà nước về an toàn giao thông đường bộ. Hãy cho biết chiến sỹ cảnh sát giao thông phải thực hiện thủ tục như thế nào, nếu:

a, Hành vi của chị B bị xử phạt ở mức 100.000 nghìn đồng

b, Hành vi của chị B bị xử phạt ở mức 500.000đ

Trình bày rõ lập luận của bạn đối với từng câu hỏi nêu trên.

Bài làm:

Trong trường hợp này, chiến sỹ cảnh sát giao thông phải thực hiện theo thẩm quyền của mình được quy định trong Điều 39 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012: "a. Phạt cảnh cáo; b. Phạt tiền đến 1% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 500.000 đồng" với mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40.000.000 đồng (Căn cứ theo Điểm b Khoản 1 Điều 24 Luật XLVPHC 2012). Như vậy, việc xử phạt chị B ở cả 2 câu a và b đều đúng thẩm quyền của chiến sỹ cảnh sát giao thông.

a. Căn cứ điều 55, 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì trình tự thủ tục chiến sỹ cảnh sát ra quyết định xử phạt 100.000 đ là:

- Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.

- Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.

b, Căn cứ điều 55, 57, 58Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì trình tự thủ tục chiến sỹ cảnh sát ra quyết định xử phạt 500.000 đ là:

- Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật

- Lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục.

Hồ sơ phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Câu 2:Anh Bình là nhân viên của hãng taxi Sao Việt. Trong một ngày làm việc, anh Bình đã uống rượu say, điều khiển xe quá tốc độ quy định và gây ra một tai nạn. Hậu quả làm chị Hoa đi xe máy ngược chiều bị thương nhẹ, xe máy của chị Hoa bị hỏng, xe ô tô của hãng taxi Sao Việt bị xây xước. Trong tình huống này, hãy cho biết:

a. Anh Bình có các hành vi vi phạm pháp luật nào?

b. Anh Bình phải gánh chịu các loại trách nhiệm pháp lý nào?

Trình bày rõ lập luận của bạn đối với từng câu hỏi nêu trên.

Bài làm:

a. Anh Bình có các hành vi vi phạm pháp luật:

- Vi phạm hành chính về giao thông đường bộ: uống rượu khi điều khiển phương tiện giao thông, điều khiển xe quá tốc độ quy định dẫn đến gây tai nạn.

- Vi phạm kỷ luật: uống rượu khi làm việc, xâm phạm tài sản công ty.

- Vi phạm dân sự: xâm phạm tài sản và sức khỏe.

b. Anh Bình phải gánh chịu trách nhiệm:

- Trách nhiệm hành chính theo quy định của pháp luật.

- Trách nhiệm kỷ luật theo quy định của hang taxi Sao Việt và hợp đồng lao động.

- Trách nhiệm dân sự: Bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khỏe bị xâm hại.

Câu 3:Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận B, Thành phố Hà Nội ra quyết định buộc Công ty TNHH Hoa Mai đóng trên địa bàn quận B phải tháo dỡ một công trình xây dựng nhà làm việc vì đã vi phạm các quy tắc xây dựng hiện hành. Công ty TNHH Hoa Mai phản đối quyết định này và đã gửi đơn khiếu nại đến Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội.

Nếu là chuyên viên pháp lý tư vấn cho Giám đốc Sở Xây dựng trong trường hợp này, bạn sẽ tư vấn giải quyết như thế nào? Tại sao?

Bài làm:

Giám đốc Sở Xây dựng không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại này. Khiếu nại này thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận B theo Khoản 1 Điều 18 Luật khiếu nại 2011 quy định về thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện: "Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình".

Nếu UBND Quận B giải quyết khiếu nại lần đầu song công ty Hoa Mai vẫn còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết thì Công ty HM phải gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội, căn cứ theo khoản 2 điều 21 quy định về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: "Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết".

Nếu UBND TP Hà Nội giải quyết khiếu nại lần hai song công ty Hoa Mai vẫn còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần hai đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết thì Công ty HM phải gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân Quận B, căn cứ vào Khoản 1 Điều 29 Luật tố tụng hành chính 2010 quy định về thẩm quyền của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: "Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước".

Trong trường hợp này, Giám đốc Sở Xây dựng Giám đốc Sở xây dựng cần từ chối tiếp nhận đơn khiếu nại trên và yêu cầu cán bộ tiếp công dân (người tiếp nhận đơn khiếu nại) chuyển đơn đến Chủ tịch UBND quận B (người có thẩm quyền giải quyết) theo quy định của pháp luật. (Theo Khoản 1 Điều 62 Luật khiếu nại 2011).

Câu 4: Phát hiện hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ (vượt đèn đỏ) trên đường phố, chiến sĩ cảnh sát giao thông đang thi hành nhiệm vụ đã ra quyết định: Cảnh cáo người vi phạm; buộc người có hành vi vi phạm nộp phạt ngay tại chỗ 300.000đ.

Hãy bình luận về quyết định xử phạt trên của chiến sĩ cảnh sát giao thông.

Bài làm:

Chiến sĩ CSGT đã thực hiện chưa đúng pháp luật theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:

1. Cảnh cáo và phạt tiền là 2 hình thức xử phạt chính, đối với mỗi vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính, không thể đồng thời áp dụng cả hai. (Theo Điều 21 Luật XLVPHC 2012)

2. Trường hợp xử phạt VPHC không lập biên bản, chiến sĩ CSGT chỉ được phạt tiền đối với cá nhân nguời vi phạm đến 250.000đ -> Nộp phạt 300.000đ là trái quy định PL (Theo Khoản 1 Điều 56 Luật XLVPHC 2012).

Trong trường hợp này, chiến sĩ CSGT có thẩm quyền xử phạt theo hình thức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng do đã không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông theo quy định tại điểm o khoản 3 điều 6 Nghị định 171 năm 2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Căn cứ điều 55, 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì trình tự thủ tục chiến sỹ cảnh sát ra quyết định xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng là:

- Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.

- Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.

Câu 5: Khoản 1 Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: "Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".

Hãy xác định độ tuổi tối thiểu để một người phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 139 nêu trên. Giải thích rõ.

Bài làm:

Mức cao nhất của khung hình phạt này là ba năm tù, do đó theo Khoản 3 Điều 8 BLHS 2009, đây là tội phạm ít nghiêm trọng.

Theo Khoản 2 Điều 12 BLHS 2009, nguời từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, do vậy người từ đủ 14 đến chưa đủ 16 tuổi không phải chịu TNHS khi thực hiện hành vi này. Vì thế, độ tuổi tối thiểu để 1 người chịu TNHS khi thực hiện hành vi này là đủ 16 tuổi (Theo khoản 1 điều 12 BLHS 2009).

Câu 6: Đội quản lí thị trường số 1 thuộc Cục quản lí thị trường tỉnh H kiểm tra cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập ngoại của bà A và phát hiện một lượng lớn hoa quả nhập ngoại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có chứa hàm lượng lớn chất bảo vệ thực vật, vượt ngưỡng cho phép. Đội quản lí thị trường đã lâp biên bản và ra quyết định xử lý đối với bà A.

a. Hãy xác định trách nhiệm pháp lý mà Đội quản lí thị trường áp dụng với bà A?

b. Xác định các hình thức cụ thể của loại trách nhiệm pháp lý mà Đội quản lí thị trường có thể áp dụng đối với bà A?

Bài làm:

a. Bà A đã phải chịu trách nhiệm hành chính đối với hành vi vi phạm của mình.

b. Theo Khoản 2 Điều 45 Luật xử lí vi phạm hành chính năm 2012, quy định rõ về thẩm quyền của Quản lí thị trường: "Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, đ, e, g, h, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này."

Như vậy, Đội quản lí thị trường có thể :

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 25.000.000 đồng

- Tịch thu tang vật hoặc buộc bà A phải tiêu hủy hoặc thu hồi số hoa quả trên.

Câu 7: A sinh ngày 20/5/1997. Vào ngày 22/5/2013, A đã thực hiện một hành vi theo quy định của Bộ luật hình sự bị áp dụng hình phạt 3 năm tù. Hãy cho biết :

a. Hành vi của A có đủ yếu tố để cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam không? Vì sao?

b. Có gì khác nếu A sinh ngày 20/5/1999?

Bài làm:

a. Hành vi của A có đủ yếu tố để cấu thành tội phạm vì trong trường hợp này, A đã đủ 16 tuổi. Theo điều 12 BLHS 1999 ( sửa đổi bổ sung năm 2009 ) :

"Tuổi chịu trách nhiệm hình sự:

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng."

Như vậy, vì A đã đủ 16 tuổi, nên A sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

b. Nếu A sinh ngày 20/5/1999, tức tại thời điểm A thực hiện hành vi, A chưa đủ 16 tuổi. Theo khoản 2 điều 12 ở trên, A sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Với hành vi mà theo quy định của bộ luật hình sự Việt Nam bị áp dụng hình phạt 3 năm tù, thì đây không phải là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy hành vi của A không có đủ yếu tố để cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam.

Câu 8: Căn cứ vào pháp luật hiện hành, hãy cho biết Bộ trưởng Bộ giáo dục & Đào tạo có quyền làm gì khi phát hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ A có một số nội dung trái với Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng do Bộ giáo dục & đào tạo đã ban hành?

Bài làm:

Theo điểm a, khoản 1 điều 17 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP về Kiểm tra và xử lí văn bản vi phạm pháp luật: "Điều 17. Thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc xử lý văn bản trái pháp luật

1. Thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ:

a) Kiến nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hoặc Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình;"

Như vậy, trong trường hợp trên, Bộ trưởng Bộ giáo dục & Đào tạo có quyền kiến nghị Bộ trưởng bộ A hoặc Thủ tướng chính phủ đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ 1 phần hoặc toàn bộ Quyết định của bộ trưởng Bộ A trái với quy chế mà Bộ giáo dục & đào tạo đã ban hành.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro