Chương đầu cũng là chương cuối

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dượng tư.

Có lúc Lê Nhã Phong gọi dượng, vì dượng là vợ của cha hắn.

Có lúc Lê Nhã Phong gọi độc một chữ Tư, vì dượng còn kém hắn vài tuổi.

Có lúc Lê Nhã Phong gọi thẳng tên Bùi Nhật Đăng, vì trước khi trở thành vợ của cha hắn, trở thành dượng tư của hắn, người đó đã là ánh trăng sáng trong lòng hắn rồi.

.

Mười bảy tuổi, dượng tư lấy cha hắn – một ông già ngoài sáu mươi đương cố bắt lấy cái chớp xuân sắp hết đát và đột nhiên trái tính trái nết nảy ra sở thích chăn gối quái đản. Bao nhiêu năm cha hắn bôn ba bên ngoài, tự do vùng vẫy trên những con tàu viễn dương, cách mấy năm lại đem về một bà vợ, cách mấy tháng lại đem về một tình nhân, song chưa bao giờ trong số đó có bóng dáng đàn ông. Thế mà đến khi chân yếu mắt mờ, không thể ngao du tứ hải, lão nằm chảy thây trên giường và đòi cưới thằng bé nhà cuối thôn. Họ Lê cũng coi như có của ăn của để trong vùng, nhà dượng tư lại thuộc diện nghèo nhất. Người quê nhận thức còn hạn chế, chỉ cần cho nắm tiền cùng mấy mẫu đất là sẵn lòng bán đứt con đi, không cần quan tâm đàn ông với đàn ông thì vui thú kiểu gì. Mười bảy tuổi, dượng tư bước chân vào nhà Lê Nhã Phong làm lẽ, chỉ mang theo một thân thể gầy nhom và nét âu sầu hằn giữa chân mày có từ thuở cha sinh mẹ đẻ.

Lê Nhã Phong đi học ở trên huyện về, thấy mặt mẹ mình cùng dì hai, dì ba sạm lại như ráng chiều, bà nào bà nấy thi nhau thở vắn than dài, hắn lấy làm lạ lắm. Cũng không ai kể với Lê Nhã Phong rằng cha hắn mới cưới thêm vợ, tự hắn nhận ra khi thấy căn phòng trống ở sân sau dán chữ Hỉ đỏ chói trên cánh cửa. Bấy giờ trong chiếc túi của hắn đang đựng đầy bánh kẹo mua từ dạo lên thành phố chơi, Lê Nhã Phong định bụng sẽ đem sang cho Bùi Nhật Đăng. Ngay lúc đó, cánh cửa dán chữ Hỉ kẽo kẹt hé mở, dượng tư lần đầu tiên xuất hiện trước mắt hắn. Lê Nhã Phong đông cứng giữa sân. Bùi Nhật Đăng của hắn không bao giờ trở về nữa.

Hắn bỏ ra bờ sông, ngồi lì ở đấy đến nửa đêm, người làm trong nhà khuyên nhủ rồi van nài hết nước hết cái hắn cũng không chịu về. Chờ đám gia nhân bỏ cuộc, dắt díu nhau đi cả rồi, dượng tư mới rón rén ló ra. Dượng ngập ngừng mấy hồi, có lẽ không biết xưng hô ra sao trước sự thay đổi quá đỗi đột ngột này. Bản thân dượng vốn đã kiệm lời, lúng búng mãi mới được một câu: "Cậu Phong, khuya rồi, sương giá xuống, ngồi đây lâu thì cảm mất. Cậu về nghỉ ngơi đi."

Lê Nhã Phong nhếch môi cười, hằn học đáp lại: "Cảm ơn dượng đã quan tâm. Dượng hiểu chuyện như này, cha tôi hẳn phải yêu thương chiều chuộng dượng lắm." – Sự đay nghiến như xói vào tâm can, đôi mắt dượng tư tối lại. Lê Nhã Phong nhận ra và lấy làm hả hê vì điều đó. Hắn đứng dậy phủi mông, ngay trước mặt dượng tư ném đi chiếc vòng đan bằng sợi đay đã đeo suốt mấy năm ròng. Chiếc vòng nhẹ bẫng bay trên không trung rồi rơi tõm xuống sông, mặt nước chấn động phút chốc rồi lại về với thinh lặng. Lúc đi ngang qua dượng – bấy giờ đang ngây ra như phỗng, Lê Nhã Phong rất muốn sờ lên mái tóc đó. Mà cũng may hắn là loại người sống bằng lý trí. Hắn gắng sức nhịn lại, khẽ khàng bên tai người bạn thời niên thiếu và nay đã trở thành mẹ kế của hắn: "Tạm biệt, Nhật Đăng."

Từ ấy, tùy vào tâm trạng mà hắn sẽ gọi dượng đủ kiểu, vì hắn hiểu rằng dù mình có gọi theo kiểu nào thì dượng tư vẫn chỉ có một danh phận duy nhất, Lê Nhã Phong không thể thay đổi được sự thật đó. Còn dượng, dượng trung thành gọi hắn là "Cậu Phong", một lối gọi giữ kẽ mà hắn không thích nhưng phải chấp nhận.

.

Ngoại lục tuần, lão Lê vẫn rất sung mãn. Ban ngày lão biếng nhác nằm dài một chỗ, chờ người cơm bưng nước rót; ấy thế mà đêm xuống, căn phòng hướng Bắc ở sân sau như rung đến bay cả nóc vì tiếng ván giường va vào nhau, và vì tiếng lão thở hồng hộc như trâu mộng.

Tất nhiên Lê Nhã Phong chẳng muốn phải bận lòng bởi những điều chướng mắt ấy. Song hắn không thể ngăn người làm nhà mình xì xào đôi câu chuyện phiếm được. Họ truyền tai nhau, chả biết dượng tư làm sao mà bị ông chủ vần vò như thế cũng chưa từng hở ra âm thanh gì. Chỉ có một lần duy nhất, khi đó ông chủ vừa bắt quả tang bà ba đong đưa bên ngoài, bao nhiêu tức tối trút hết lên dượng tư. Đêm hôm ấy hẳn phải kịch liệt lắm, dượng tư mới khẽ rên. Tiếng dượng khào khào như mèo hen, âm thanh nhỏ xíu và tan ngay vào cuộc mây mưa mà chắc là đau đớn nhiều hơn sung sướng.

Hắn thừa nhận mình là một kẻ hèn nhát, hắn phải rời khỏi nơi này ngay thôi. Kỳ nghỉ còn non nửa, Lê Nhã Phong đã xách đồ xách đạc quay về trường học. Từ thôn hắn lên huyện không xa, Lê Nhã Phong tự đi bằng xe đạp. Ngày hắn đi, mẹ hắn cứ bịn rịn hỏi sao không ở nhà thêm mấy hôm nữa, lũ em thì léo nhéo đòi theo vì ánh đèn phố huyện có sức hấp dẫn quá lớn đối với con trẻ. Dượng tư đứng bên ngoài vòng vây quyến luyến đó, rũ mi mắt. Hắn không thể ngăn mình lén nhìn dượng, dẫu giữa dượng và hắn chẳng có gì để gửi gắm lẫn nhau. Rồi khi mắt hai người vô tình chạm nhau, hắn thấy ở dượng một sự chịu đựng đến tội nghiệp, một tiếng kêu cứu thoi thóp đến vô vọng. Nhưng Lê Nhã Phong quyết định quay đi. Hắn guồng chân, đạp xe trối chết. Đừng để ý, hắn nhủ lòng như thế. Đó là lựa chọn của dượng cơ mà, khổ mấy cũng phải tự chịu.

Lê Nhã Phong đạp đến đường lớn, chợt nghe thấy Thúy Hà  gọi với đằng sau. Không biết con bé chạy theo hắn từ bao giờ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Đuổi kịp hắn, Thúy Hà  vừa thở phì phò vừa trách móc: "Anh cả, sao anh nhanh thế? Quay ra quay vào đã mất hút rồi."

Anh trai thường dễ mủi lòng trước em gái, huống hồ Thúy Hà  lại ngoan ngoãn. Lê Nhã Phong dùng ống tay áo lau mồ hôi chảy trên má con bé, "Đuổi theo anh chi cho nhọc? Có gì đợi anh đến nơi gọi điện thoại không được à?"

"Không được, em có cái này phải đưa cho anh cả mà." Đoạn, Thúy Hà  móc từ trong túi ra chiếc vòng đan bằng sợi đay, quơ quơ trước mặt Lê Nhã Phong. Hắn ngờ ngợ, hỏi ngược lại: "Ở đâu ra vậy?"

Thúy Hà : "Nhật Đăng, à nhầm... dượng tư bảo đây là vòng tránh tà. Tối qua dượng ấy chỉ em cách đan đấy. Đan cho anh một cái để lên đường bình an, không bị ma quỷ quấy rầy."

Hồi hắn mới đi học, người ấy cũng đan tặng hắn một chiếc như vậy. Hắn nhận lấy đầy vui vẻ, nghĩ rằng sẽ mãi mãi không tháo ra. Nhưng ai biết được vật đổi sao dời, người ấy không chờ hắn, vòng vèo gì đó hắn cũng ném quách đi rồi.

Lê Nhã Phong để Thúy Hà  buộc vòng vào cổ tay mình. Xong xuôi đâu đấy, hắn dặn dò em gái: "Em ở nhà chăm chỉ học hành, nghe lời cha mẹ. Dạo này mẹ em thường không được vui, em là con gái phải tâm sự an ủi dì nhiều vào. Với lại... dượng tư ở sân sau một mình, chả có ai để trò chuyện. Lúc nào rảnh rỗi, Thúy Hà  sang chơi với dượng ấy nha. Lần tới về, anh sẽ mua búp bê cho em, chịu không?"

Con bé không do dự, vâng dạ ngợt xớt. Mới mười hai tuổi, là tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Dầu mẹ nó có cắm sừng cha bọn họ, khiến ông lão tức điên mắng chửi ầm ĩ từ nhà ra ngõ, thì việc được lớn lên trong một gia đình sung túc có anh có chị có mẹ lớn mẹ nhỏ cũng phần nào khiến nó không phải để bụng nhiều. Khác với nó, hồi bằng tuổi Thúy Hà  bây giờ, người ấy đã phải bươn chải kiếm tiền trả nợ cho cha. Từ lúc quen hắn, người ấy mới biết bánh bao thịt có mùi vị gì.

Đột nhiên Lê Nhã Phong thấy bớt giận người ấy đi một chút.

.

Lần tiếp theo Lê Nhã Phong về nhà là vào nửa năm sau, khi mẹ ruột hắn mất. Mẹ hắn sức khỏe yếu từ hồi còn trẻ, sinh hắn xong là coi như hoàn thành nghĩa vụ với nhà họ Lê , cũng chả tha thiết gì cha hắn. Chắc vì lý do ấy nên cha hắn càng được đà, nạp vợ bé rồi cặp kè nhân tình nhân ngãi một cách ngang nhiên. Trước khi xảy ra sự việc lão lấy một thằng bé kém tuổi con trưởng nhà mình về làm vợ, bà chưa từng có ý kiến gì về thói ong bướm của chồng, quan hệ của bà với những người vợ khác cũng khá hòa thuận. Âu cũng bởi Bùi Nhật Đăng là nam, lại còn nhỏ, khiến bà cảm thấy ô nhục thay cho nhà họ Lê và hổ thẹn cho cái danh phận bà cả của mình.

Song dường như lúc còn sống, mẹ hắn cũng không ghét dượng tư cho lắm. Dượng ít nói, thi thoảng lẫn trong đám gia nhân phụ những công việc vặt vãnh như chẻ củi, trồng rau; nếu xưởng gốm thiếu người, dượng sẽ lặng lẽ giúp một tay. Dần dà mẹ hắn dịu đi những ác cảm ban đầu, thậm chí còn bảo dượng nếu có thời gian thì học thêm nghề làm gốm, đặng sau này cho lo xưởng... Thúy Hà  kể lại, sau khi nghe mẹ cả nói thế, khuôn mặt dượng tư sáng lên. Lần đầu tiên kể từ ngày làm dâu nhà họ Lê , đôi mắt buồn hiu của dượng mới thoáng ý cười, nom tươi tắn hẳn.

Trước khi Lê Nhã Phong về tới, dượng luôn túc trực bên linh cữu mẹ hắn. Những người khác trong nhà tuy thương tiếc nhưng lại thần hồn nát thần tính, không dám đến gần người chết. Dượng tư thì chẳng có vẻ gì là sợ sệt, ngồi trông suốt một đêm, đến lúc thấy bóng dáng Lê Nhã Phong ngoài cổng mới lui ra. Đứng trước hắn, dượng vẫn rũ mắt như cũ, song nói năng hiếm khi nào mạch lạc được như vậy: "Hồi tối ăn cơm xong, bà kêu mệt nên đi nằm sớm. Tôi mang nước sang cho bà ngâm chân, không nghe thấy bên trong có động tĩnh gì. Có lẽ... bà ra đi trong lúc ngủ. Cậu Phong, mẹ cậu là người nhân hậu, đoạn đường sắp tới của bà chắc chắn sẽ suôn sẻ."

Hắn đương chìm trong nỗi buồn đau mất mẹ, nhưng vẫn kịp để ý thấy dượng tư tiều tụy đi nhiều, nước da nhợt nhạt. Trong giây phút yếu đuối, Lê Nhã Phong chẳng thể dằn lòng mà làm ngơ dượng được nữa, nghẹn ngào: "Cha tôi có đối tốt với dượng không?"

Khóe mắt hoe đỏ của dượng càng thêm buồn rầu. Dượng cúi đầu trước mẹ hắn đầy thành kính, đáp: "Ông và các bà đều tốt với tôi lắm."

"Thế sao trông dượng lại thành ra thế này?" – Hắn tiếp tục vặn vẹo.

"Tôi..." Nét bối rối thoáng qua trên khuôn mặt dượng. "Cậu nhìn nhầm rồi."

Sự né tránh đó chỉ khiến tinh thần đang bất ổn của Lê Nhã Phong trở nên nhiễu loạn hơn. Hắn mặc kệ tất thảy, lớn tiếng: "Nhật Đăng! Sự trả giá này có xứng đáng không?"

Bùi Nhật Đăng sửng sốt vì tên mình một lần nữa được thốt ra từ miệng người ấy, cảm giác thân thuộc, biết ơn và cả đắng cay thi nhau ùa tới khiến dượng lao đao. Nhưng rồi dượng lắc đầu: "Cậu Phong, mẹ cậu còn ở đây, chớ làm gì để bà phiền lòng."

Hắn khựng lại, đau khổ lộ rõ, không nói thêm nửa lời.

Tang sự xong xuôi, Lê Nhã Phong mượn cớ không muốn trễ nải chuyện bài vở, bắt xe lên huyện ngay. Suốt những đêm thức trắng, hắn cuối cùng cũng nghĩ ra con đường mình sẽ đi. Hết học kỳ này, hắn sẽ ra thành phố, làm lụng ở đó, sinh tồn ở đó, không trở về đây nữa. Cơ nghiệp nhà họ Lê  có thể trông cậy vào Nhuận Tuấn. Hồng Hoa, Thúy Hà  tuy là con gái nhưng đều lanh lợi, thông minh. Không có Lê Nhã Phong, xưởng gốm gia truyền hẳn vẫn sẽ vững vàng.

.

Ở thành phố, Lê Nhã Phong cùng với vài người bạn chung vốn mở một tiệm sửa đồ điện tử. Hắn không giỏi làm gốm, nhưng với mấy thứ đồ lạ lẫm nhập khẩu từ Tây về thì lại rất thích mày mò nghiên cứu. Mới mở nên chưa có lời lãi gì nhiều, cuộc sống chốn phố thị cũng khắc nghiệt truân chuyên, song hắn được làm chủ mọi thứ, làm chủ cuộc đời mình – điều đó trở thành động lực để Lê Nhã Phong bám trụ lại nơi này.

Thi thoảng hắn gọi điện về, nghe Thúy Hà  tíu tít kể chuyện nọ chuyện kia. Hôm rồi con bé khoe sẽ được học tiếp phổ thông, cha sợ nó bỏ học lấy chồng sớm rồi lại hư đốn như mẹ nó. Còn Hồng Hoa sang năm sẽ được gả đi, người kia là con nhà trí thức, hợp với tâm hồn hay mơ mộng của cô nàng. Nhuận Tuấn dạo này đã siêng năng hơn, rất chăm ra vào xưởng gốm. Cha và các dì vẫn khỏe mạnh. "Nhà cửa đều ổn, anh cả cứ yên tâm làm việc nhé!" – Thúy Hà  tổng kết lại như vậy sau một hồi kể lể.

"Thế... dượng tư thì sao?" Hắn nuốt nước bọt, tim đánh như trống khi nhắc về người ấy. "Dượng tư có khỏe không?"

Đến đây, giọng Thúy Hà  đầu dây bên kia chợt nhỏ lại: "Dượng tư không khỏe, vừa mới ốm dậy. Bữa đó dượng ấy đau bụng dữ lắm, phải ra bệnh xá nữa kìa. Em nghe bảo trong ổ bụng dượng ấy có một vét loét rất lớn, còn bị nhiễm trùng. Ui, nghĩ mà sợ!"

Lê Nhã Phong đang ngồi ghế đẩu bỗng đứng phắt dậy, nắm chặt ống điện thoại, sốt ruột: "Có nguy kịch không? Giờ dượng tư ở đâu? Bệnh tình thế nào rồi? Chuyện nghiêm trọng vậy mà sao bây giờ em mới báo cho anh?"

Không dưng bị to tiếng, Thúy Hà  ú a ú ớ chả nói được gì. Mãi một lúc con bé mới phân trần: "Bác sĩ chích thuốc cho dượng ấy rồi. Dượng tư cũng chỉ ở lại bệnh xá dăm hôm là về liền. Nhưng cha không vui, mà hình như cũng không phải vì lo lắng cho dượng. Tại dượng cứ bắt em phải hứa không được nói anh biết nên... Anh cả, anh giận em ạ?"

Trán Lê Nhã Phong rịn mồ hôi lạnh. Hắn có thể tưởng tượng ra rất nhiều đêm, cha hắn và thú vui chăn gối dã man của lão đã khiến Bùi Nhật Đăng khổ sở nhường nào. Rồi hắn nhớ về ánh mắt tuyệt vọng của dượng, ánh mắt đã thiêu rụi lòng hắn, ám ảnh hắn cả nửa năm trời. Nửa năm sau, ánh mắt ấy trở nên trống rỗng, tưởng như chính dượng cũng đã tắt lửa lòng. Lê Nhã Phong siết chặt khớp hàm, hắn đã làm gì thế này?

"Nếu anh nói anh giận thì em có khóc không hả?" – Hắn dịu giọng với Thúy Hà , dẫu máu nóng trong người vẫn đương sôi lên. Con bé hiển nhiên không biết điều đó, vô tư đáp: "Anh cả, anh quan tâm dượng tư thật đấy!"

"À em suýt quên mất," nó reo lên, "hồi trước anh với dượng ấy cũng chơi với nhau mà phải không? Dượng tư còn đến nhà mình một lần... tuy là chỉ đứng ngoài cổng, lúc ấy em hẵng còn bé."

Đúng vậy, hồi dượng tư chưa phải dượng tư mà còn là Bùi Nhật Đăng, đã rất nhiều bận Lê Nhã Phong mời người ấy tới nhà mình chơi; song Bùi Nhật Đăng luôn từ chối. Người ấy thường viện đủ loại lý do, rằng thì "em chưa bán xong mẻ đậu phụ này nên không đi được", có lúc lại bảo "hôm nay cha em ở nhà, không thấy em về sớm chắc ổng lật tung cái thôn này lên quá", khi là "thím hàng xóm nhờ em lắp hộ cái bóng đèn rồi, để lúc khác nha". Ban đầu Lê Nhã Phong cũng tin thật, nhưng dần dần hắn nhận ra Bùi Nhật Đăng từ chối hắn tưng ấy lần chẳng qua vì cậu không muốn.

"Anh bán đậu phụ giùm em, hứa sẽ đưa em về sớm, sửa luôn cả bóng đèn nhà bà thím kia là được chứ gì? Em còn lý do nào khác mới mẻ hơn không?" – Hết chịu nổi, Lê Nhã Phong rống lên. Bấy giờ hắn vẫn còn trẻ con, nghĩ gì nói nấy, không để ý xem lời nói của mình có thể khiến người khác buồn lòng.

Bùi Nhật Đăng mân mê đầu ngón tay. Hắn liếc mắt, chợt thấy gấu áo của cậu nhóc đã sờn đến mức sắp rách. Lúc này Lê Nhã Phong mới ngộ ra vấn đề.

"Nhà anh rộng quá, em không dám vào." – Cuối cùng cậu cũng thú nhận. Nhưng chỉ một chốc sau, mắt Bùi Nhật Đăng sáng rỡ lên, cậu nói đầy quả quyết: "Cơ mà khi nào em kiếm đủ tiền trả nợ, nhà hết nợ nần rồi em sẽ đi học. Em sẽ học thật chăm chỉ và đến nhà anh chơi nhé, Anh Phong?"

Sống mũi Lê Nhã Phong nhói lên. Lúc Bùi Nhật Đăng nói những điều này, họ đang ở trước cổng nhà hắn. Thậm chí khi hắn gật đầu, cậu còn cười rất tươi. Hắn có thể cảm nhận được niềm hy vọng mãnh liệt đầy ắp trong cậu.

Nhưng có lẽ niềm hy vọng ấy đã chết queo vào mùa xuân năm trước, khi cha hắn mua Bùi Nhật Đăng về bằng vài nghìn đồng lẻ và mấy mẫu đất cỏn con. Một người bằng xương bằng thịt, có suy nghĩ có cảm giác, cũng chỉ đáng giá thế thôi.

.

Sau lần nói chuyện với Thúy Hà , ước chừng khoảng ba tháng sau, Lê Nhã Phong mới lại có thời gian gọi điện về nhà. Chuyển nơi ở mới cộng thêm mở rộng quy mô tiệm – nhiều việc cùng lúc khiến hắn bù đầu trong những mối lo toan. Chỉ sau khi cuộc sống đã ổn định hơn, đủ để hắn tự tin rằng mình có thể chăm sóc cho người mình muốn chăm sóc, gánh nặng đè trên vai Lê Nhã Phong mới phần nào vơi bớt.

Lê Nhã Phong hồ hởi quay số, nhưng làm sao mà biết được cuộc đời lại thích chơi hắn vào những lúc hắn đang phấn chấn nhất? Vừa nghe tiếng hắn qua điện thoại, đầu dây bên kia Nhuận Tuấn đã mếu máo chực khóc: "Anh cả, anh cả! Anh làm gì mà tụi em gọi cho anh hoài không được? Anh về ngay đi! Nhà mình bung bét hết rồi."

Vì không biết hắn chuyển phòng trọ, đám nhóc em dưới quê cứ liên lạc theo địa chỉ cũ. Trong khoảng thời gian đó, nhiều biến cố đã xảy ra. Xưởng gốm nhà họ Lê  gặp hỏa hoạn, một vài nhân công bị thương nặng, bà ba cuỗm phân nửa tài sản bỏ trốn theo nhân tình, lão Lê trúng gió nằm liệt giường, người làm khăn gói quả mướp biến hết... Bây giờ mọi việc trong nhà chỉ trông cậy vào một người phụ nữ chân yếu tay mềm là bà hai, cùng với lũ trẻ mười mấy tuổi: Nhuận Tuấn, Hồng Hoa, Thúy Hà và dượng tư.

Trong chớp mắt, dượng tư trở thành trụ cột gia đình. Dượng vốn lặng lẽ như một cái bóng, mà nay phải cùng bà hai chạy đôn chạy đáo lo thăm hỏi người bị nạn, bồi thường cho các bên thu mua gốm, hầu hạ lão già bệnh tật, trấn an những đứa con chồng chưa bao giờ biết khổ là gì. Của cải tiền bạc lần lượt đội nón ra đi, nhà họ Lê  từng phú quý nức tiếng nay sa sút, chỉ còn lại cái vỏ chẳng biết cầm cự được đến lúc nào.

Nghe Nhuận Tuấn kể, Lê Nhã Phong vẫn chưa thể tưởng tượng ra bóng dáng nhỏ thó ấy sẽ xoay sở thế nào giữa cơn phong ba đột ngột quét qua này. Đúng hơn là hắn không thể tưởng tượng nổi làm sao đời người ngắn ngủi mà dượng tư của hắn phải gồng gánh gia đình nhiều lần đến thế. Chỉ tới khi tận mắt chứng kiến tất cả, Lê Nhã Phong mới tin lời mẹ hắn nói ngày xưa là thật, rằng người có người nọ người kia – mệnh có mệnh sướng mệnh khổ. Và Bùi Nhật Đăng là người mệnh khổ.

Dượng tư đã cắt phăng mái tóc, dượng bảo với đám trẻ là cắt đi cho mát, tiện làm việc. Nhưng thời thơ ấu, kể cả có phải lang bạt kỳ hồ, dượng cũng chưa bao giờ để tóc mình ngắn đến thế. Lê Nhã Phong len lén nắm lấy cổ tay khẳng khiu của dượng, hỏi: "Tại sao Tư lại cắt tóc?"

Hắn không nghĩ dượng sẽ thẳng thắn trả lời, vậy mà dượng đáp: "Tôi có một đám trẻ đang cần đến mình. Đứa sợ không lấy được chồng, đứa sợ không được học tiếp, đứa còn lại đáng ngại hơn – nó bảo xưởng gốm đi rồi thì sau này phải sống kiểu gì. Chúng đã dựa vào tôi, tôi cũng phải làm một chỗ dựa xứng đáng cho chúng chứ."

"Chúng nó có phải máu mủ ruột rà gì với Tư đâu? Tôi là anh chúng nó, tôi sẽ cáng đáng tất cả." Lê Nhã Phong thảng thốt, "Không! Nhật Đăng, em được tự do rồi. Hãy làm những gì em muốn đi. Nhà em trả nợ xong rồi mà phải không? Cha tôi nằm liệt ra đấy chẳng biết gì nữa đâu, ổng không ức hiếp em được nữa đâu. Chuyện ở đây tôi sẽ lo. Em đừng bận lòng thêm nữa."

Bùi Nhật Đăng khẽ lắc: "Cậu Phong, cậu có cuộc sống của riêng cậu, hoài bão của riêng cậu. Tôi ít học, cũng chả có mơ ước gì. Rời khỏi đây rồi tôi cũng chẳng biết phải đi đâu. Cậu cứ để tôi được làm tròn bổn phận với nhà họ Lê . Còn cậu, tương lai cậu tươi sáng lắm, không nên để bị chôn vùi ở vùng thôn quê này."

Quê nghèo lạc hậu, hắn muốn vươn xa hơn. Bùi Nhật Đăng thấy được khát vọng trong hắn, nhưng khát vọng của Lê Nhã Phong đâu chỉ có thế? Hắn giữ lấy cằm Bùi Nhật Đăng, trao đi ánh nhìn cháy bỏng và thiết tha, mở lời: "Em có muốn đi cùng tôi không?"

Giống như chiếc vòng sợi đay hồi trước bị hắn ném xuống sông, câu hỏi của hắn bây giờ cũng rơi vào im lặng. Họ đứng trước xưởng gốm ngổn ngang sau vụ cháy, khung cảnh điêu tàn ấy chẳng đủ sức thổi lên bất kỳ niềm hy vọng nào. Thế nhưng ở đó có một khóm lộc vừng, lá cây vẫn xanh tốt đến quái lạ. Nó khiến cho Lê Nhã Phong sinh ra một suy nghĩ rằng mình không nên phí hoài khoảnh khắc này. Bởi vậy, hắn luồn tay vào mái tóc ngắn của Bùi Nhật Đăng, một điều mà hắn đã muốn làm bấy lâu nay, rồi rướn người hôn lên trán dượng. Dượng tư không tránh, dượng để chính mình trôi nổi trong mớ cảm xúc lâng lâng này. Có thể điều đó thật trái với đạo lý và lương tâm, song Bùi Nhật Đăng rất luyến lưu sự dịu dàng của Lê Nhã Phong – ấm áp, mềm xốp, thơm phưng phức như cái bánh bao nhân thịt mà hắn mua cho dượng nhiều năm về trước.

"Anh Phong, cho tôi gọi anh nốt lần này thôi." Bao nhiêu dũng khí của đời mình, dường như Bùi Nhật Đăng dồn cả vào giây phút nghẹn ngào ấy. "Anh đừng khổ tâm vì tôi nữa, mai mốt anh sẽ gặp được những người tốt hơn tôi nhiều lần. Cuộc đời tôi đã nát tươm, nhìn đi nhìn lại cũng chẳng có gì đáng giá. Nhưng tôi có một mong mỏi là anh có thể cắt đứt những vướng bận về tôi và sống tốt hơn, hạnh phúc hơn. Anh Phong, anh cho tôi được toại nguyện nhé?"

Mười chín tuổi, với nhiều người chỉ mới là khởi đầu; nhưng với Bùi Nhật Đăng, lứa tuổi đẹp đẽ đó đã bị thắt nút trong một sợi thòng lọng rồi thả xuống miệng giếng sâu. Bùi Nhật Đăng chưa bao giờ dám mơ về một thời thanh xuân đẹp đẽ như mơ. Sau khi trở thành dượng tư nhà hắn, cậu trai ấy cũng tự ném đi tuổi trẻ của mình. Cứ như thể dò dẫm trong một đường hầm, đi tới đâu biết tới đó.

Lê Nhã Phong chỉ cho Bùi Nhật Đăng khóm lộc vừng vẫn sinh trưởng tươi tốt sau cơn hỏa hoạn, hắn chắc nịch – hơn cả một lời hứa hẹn: "Giống như nó, tôi cũng sẽ không thỏa hiệp đâu. Tôi sẽ cho em thấy không một cuộc đời nào đáng để bị chôn vùi. Em không muốn nhìn tôi rơi vào cảnh ấy, tôi cũng không muốn em phải chịu như vậy. Còn em bảo tôi để cho em được toại nguyện hả? Còn lâu!"

Ánh sao lơ lửng trên những nếp nhà, mỗi ngày mai tới đều mang theo một tia sáng. Nhưng lỡ như ánh sao vụt tắt và ngày mai tăm tối, hắn cũng phải nắm chặt tay người này đến cùng.

.

Để kiếm tiền nhanh hơn, Lê Nhã Phong đánh liều buôn lậu đồ điện tử qua đường thủy. Ban đầu cũng rón rén, hắn nghĩ nếu chẳng may mình bị tống vào tù thì người thân phải làm sao bây giờ? Nhưng dần dần, kinh qua những chuyến lênh đênh lành ít dữ nhiều và nhận được món lợi nhuận khá khẩm sau mỗi vụ khiến Lê Nhã Phong không còn sợ nữa. Càng làm hắn càng bạo dạn, lách luật như chảo chớp, chỉ sau vài năm đã bước vào hàng có số má trong giới kinh thương.

Vài năm đó của hắn là sóng biển, là mưa nắng, là những món hàng giấu trong thân tàu và cảm giác nơm nớp qua các trạm hải quan. Lê Nhã Phong chầm chậm rũ mình khỏi quá khứ là cậu ấm nhà họ Lê , thậm chí đôi lúc hắn thấy những tháng ngày sống trong sự bảo bọc của gia đình sao mà xa xôi quá. Có nhiều đêm say sóng li bì, hắn vẫn đau đáu về một đôi mắt luôn rũ xuống sầu khổ, người ấy co ro bên sạp đậu phụ thường xuyên ế ẩm, nhận được cái bánh bao nhân thịt từ trong tay hắn thì cảm động rưng rưng, bảo hóa ra bánh bao thịt có mùi vị thế này... Mộng mị trôi qua, hắn lại gượng dậy khỏi cơn choáng váng, cố gắng tỉnh táo để sinh tồn.

Vài năm đó, ở quê nhà cũng chẳng được êm xuôi.

Cha hắn ngã bệnh không lâu rồi mất, bà hai cũng xuất gia. Có lẽ trong số mấy người vợ, bà là người duy nhất thật lòng thương lão. Dù khoảng thời gian mặn nồng giữa họ ngắn chẳng tày gang, bà vẫn cứ nhớ hoài. Bởi vậy mà sau khi lão đi, bà thấy mình mất hết phương hướng, đến độ sẵn sàng bỏ lại các con để nương nhờ cửa Phật.

Xưởng gốm không thể sống dậy, dượng tư và Nhuận Tuấn đành phải dựa vào tay nghề non nớt của mình để mở một sạp hàng ngoài chợ, bán những loại đồ gốm đơn giản rẻ tiền. Với dượng thì không sao, đó là công việc quá đỗi quen thuộc rồi, song với Nhuận Tuấn lại là nỗi sỉ nhục to lớn. Hồi mới mở hàng, nó ngậm tăm không chịu nói năng, thậm chí còn đòi choảng nhau với người qua đường khi bị chế nhạo. Giận cá chém thớt, nó từng hỗn hào mắng dượng: "Mày có là cái mẹ gì đâu? Sao không tự đái một bãi mà soi lại mình đi? Con nhà đầu đường xó chợ nên định kéo tao xó chợ đầu đường theo à? Tao hỏi mày, tiền bán khoảnh đất đằng sau mày để đâu? Hay mày thăn hết rồi, gửi về cho ông già cờ bạc nhà mày rồi?"

Thật tình Nhuận Tuấn cũng không nghĩ vậy, mục đích chỉ là xả ra cho sướng miệng thôi, nói xong mới thấy mình nặng lời. Bùi Nhật Đăng nhìn cậu ta đầy sửng sốt, đứng chết lặng một chỗ. Hồi lâu sau, dượng ngước mắt nhìn tấm bằng khen chói lọi của Thúy Hà  treo trên tường, đáp: "Tôi với cậu là đàn ông, lăn lộn vất vả là điều hiển nhiên. Cơ mà chị và em gái cậu không nên chịu cảnh dãi nắng dầm mưa. Vốn dĩ phụ nữ đã đủ thiệt thòi, trong nhà có đàn ông mà vẫn phải cơ cực thì thật là bi đát quá."

Về sau Nhuận Tuấn mới biết mẹ của Bùi Nhật Đăng mất đúng đêm ba mươi Tết vì cảm thương hàn, vì phải quần quật mưu sinh, vì lấy nhầm một tấm chồng chẳng ra gì. Tiền bán đất thật ra không được bao nhiêu, dượng dùng phần lớn làm của hồi môn cho Hồng Hoa, số còn lại để dành cho Thúy Hà  đến trường và chi phí thuốc men khám chữa cho các nạn nhân của vụ cháy. Thời điểm ấy, gia đình thường xuyên mất liên lạc với Lê Nhã Phong. Đã có lúc Bùi Nhật Đăng vừa giật gấu vá vai lo chuyện nhà cửa, vừa đăng tin tìm Lê Nhã Phong khắp mọi nơi.

Hồng Hoa một lần từ nhà chồng về, thấy dượng ngồi bần thần ngoài hiên, tay cầm cả xấp tờ bướm tìm người mất tích. Bình thường Hồng Hoa và Nhật Đăng hiếm trò chuyện với nhau, chủ yếu vì ngang tuổi mà quan hệ lại éo le quá. Vậy nhưng hôm đó dượng đột nhiên hỏi cô: "Cô Hồng, anh trai cô hồi bé từng rớt từ mái nhà xuống suýt chết nhỉ?"

"Ừa, cả nhà tôi đều hết hồn luôn." Hồng Hoa nhớ lại vẫn thấy gai người. "Ảnh gãy xương nặng lắm, bầm dập toàn thân, tưởng không cứu được nữa. Thế mà về sau khỏe lại rất nhanh, cũng không bị di chứng gì. Thầy bói bảo anh tôi cao số, sẽ thọ ngoài chín mươi... Mà sao tự nhiên dượng hỏi chuyện này?"

"Chỉ là không dưng nghĩ đến thôi. Tôi cũng tin là anh cô được tổ tiên phù hộ, nhìn Cậu Phong rất có phúc." – Dượng tư cười cười, không hiểu sao trông thê lương đến lạ.

Chắc là trời cũng thấy tội nghiệp cho cái vẻ thê lương ấy của dượng nên dẫn bước Lê Nhã Phong trở về. Hắn về, hồ hởi xách theo đống đồ đạc mới sắm sửa được, chả phải tết nhất gì mà phát cho mỗi đứa em một bao lì xì. Tới lượt Bùi Nhật Đăng, hắn đưa dượng cả cọc tiền mệnh giá lớn, tươi rói: "Em giữ hộ tôi nhé, để sau này tôi lấy vợ?"

Bùi Nhật Đăng thoáng ngây ra, rồi cũng nhận lấy một cách rất thận trọng. Lê Nhã Phong đang phấn khởi, xoa đầu dượng khen "Ngoan lắm!". Hắn đinh ninh dượng hiểu ý mình.

.

Công việc làm ăn của Lê Nhã Phong ngày càng thuận lợi. Hắn cũng tinh, nhác thấy buôn bán chui kiểu gì cũng có ngày bị sờ gáy nên chuyển hẳn ra ngoài sáng, mở cửa hàng điện tử điện lạnh tọa ngay trung tâm thành phố. Thời đó vô tuyến, máy giặt vẫn còn là những mặt hàng lạ lẫm trên thị trường, Lê Nhã Phong gần như đi tiên phong trong lĩnh vực này. Người tiên phong tuy gặp nhiều khó khăn ban đầu nhưng sẽ có chỗ đứng về sau. Hắn gặp thời gặp thế lại có đầu óc nên thành công chỉ là chuyện sớm muộn.

So với mục tiêu ngày xưa là bám trụ lại ở chốn phồn hoa đô hội, Lê Nhã Phong bây giờ còn đạt được nhiều hơn thế. Hắn đã có những gì hắn muốn, thế nhưng thứ hắn muốn có nhất thì lại chưa. Trăm sông đổ về một biển, suy cho cùng Lê Nhã Phong làm nhiều chuyện như thế chỉ vì một lý do. Có lẽ đám văn sĩ cũng không hẳn hay nói hươu nói vượn, "tôi bị tình yêu tuyên án chung thân" – câu này vận lên hắn chẳng sai chữ nào.

Rồi Lê Nhã Phong ngỏ lời đón Bùi Nhật Đăng và mấy đứa em lên thành phố ở. Ngoại trừ Hồng Hoa đang an ổn bên chồng con nên không muốn thay đổi nhịp độ sống, những người còn lại hoặc vui vẻ hoặc miễn cưỡng nhưng đều đồng ý. Nhuận Tuấn và Thúy Hà  tất nhiên gật đầu ngay tắp lự. Hồi nhỏ chúng luôn tò mò về phố thị, về đèn điện, về nhà tầng, về công viên, về rạp chiếu bóng – những thứ chỉ tồn tại trong lời kể của chú tài xế đường dài thường ngồi uống nước đầu thôn. Còn Nhật Đăng, Nhật Đăng chưa bao giờ có ý niệm gì về nơi xa xôi đó. Như thời niên thiếu khi Lê Nhã Phong cho người ấy xem bức hình quảng trường trong sớm bình minh, hỏi người ấy sau này muốn đến đây không, người ấy chỉ ngơ ngác: "Em ấy hả? Thôi, viển vông chết được."

Cả như bây giờ khi Lê Nhã Phong đề nghị, "Em lên đấy ở cùng anh em tôi nhé!", dượng chẳng mảy may suy nghĩ mà từ chối luôn: "Nhà cửa cũng phải có người trông nom chứ, bỏ trống sao được? Với lại rau dưa sắp đến kỳ thu hoạch, để héo rũ ra thì tội lắm. Hay là cậu cứ đón các em lên trước, đợi khi nào xong xuôi rồi tôi theo sau."

Hắn biết thừa cái điệu khi nảo khi nao ấy sẽ là không bao giờ, cộng thêm kiểu xưng hô hèn mọn mãi chẳng thay đổi càng khiến Lê Nhã Phong thêm ức chế. Sẵn đang ngồi trong phòng dượng, hắn sùng sục vơ hết đám vật dụng ít ỏi và chẳng có tí giá trị nào của Bùi Nhật Đăng nhét vào túi, nói như ra lệnh: "Thứ nhất, em đừng có mở miệng là cậu nọ cô kia nữa, chướng tai lắm! Thứ hai, Thúy Hà  chuẩn bị vào đại học. Tôi thì không đủ thời gian để mắt đến nó, Nhuận Tuấn lại vô tư vô tâm, ngoài em ra chẳng ai quản lý con bé được cả. Thứ ba, em ở lại một mình, lúc ốm lúc đau biết làm thế nào, chưa kể ti tỉ thứ tình huống nguy cấp khác? Em nghĩ tôi yên tâm nổi không? Thôi, khỏi nói nhiều, tôi sắp xếp xong cả rồi, sáng mai lên đường."

"Nhưng..." Dượng tư cau mày, vẻ như băn khoăn dữ lắm. Song có lẽ nhắc đến Thúy Hà  đã khiến dượng mềm lòng, dượng ngẫm nghĩ một hồi rồi mặc cả: "Vậy đợi cô út ổn định chuyện học hành, cậu cho tôi về nhé?"

Đến đây, Lê Nhã Phong chỉ còn nước ngồi phịch xuống giường, day day hai bên huyệt thái dương đương giật lên nhức nhối. Hắn làm vậy phải một lúc lâu, khiến cho dượng hắn lo lắng không thôi, cứ hỏi đau nhiều lắm không, sao tự dưng lại đau thế, đau quá phải đi trạm xá đấy. Thật ra hắn nhức đầu thì ít mà bất lực thì nhiều. Sau khi đã kìm lại ngọn lửa đang cháy phừng phừng trong người, Lê Nhã Phong ngoắc Bùi Nhật Đăng: "Em qua đây!"

Dẫu hắn đang hết sức giận dữ, thế nhưng đuôi mắt hẹp dài lại chất chứa không biết bao nhiêu si mê. Nước da trắng xanh phơi qua gió sương cũng chẳng sạm đi nhiều, ấn định cho hắn cái vẻ công tử không thể nào thay đổi. Lê Nhã Phong gõ vào chỗ trống bên cạnh mình, ý bảo Bùi Nhật Đăng ngồi đấy. Dượng tư nhà hắn khẽ khàng làm theo, chả rõ đôi vành tai đã đỏ lựng từ lúc nào.

"Sao tai em đỏ thế?" Hắn phát hiện ra, bật cười giữa lúc cơn phẫn nộ còn chưa lắng xuống. "Nhìn tôi hấp dẫn quá à?"

Bùi Nhật Đăng giật mình sờ lên vành tai, ấp úng: "Không, không. Tại, tại vì tôi bị mọc cái nhọt trên đó." – Chắc là cũng tự thấy mình có một cái lý do mắc cười quá, dượng quay mặt giấu đi vẻ ngại ngùng, lẩm bẩm trách móc "Cậu cứ làm khó tôi hoài".

Rất hiếm khi Bùi Nhật Đăng biểu lộ cảm xúc của mình như vậy, Lê Nhã Phong cũng được phen thở phào vì hóa ra người ấy không phải một cái bị bông bị cuộc đời xô tới xô lui rồi chai sạn cả đi. Hắn dịu giọng, có phần làm nũng: "Gọi tôi là 'Anh Phong' đi!"

Thật ra vẫn còn hai chữ "xin em" hắn giữ lại trong lòng. Nhưng tiếng khẩn cầu nhỏ nhoi ấy có lẽ đã được nghe thấy, hoặc người nhẹ dạ như Bùi Nhật Đăng không thể sắt đá quá lâu, cuối cùng dượng líu ríu trong cổ họng: "Anh Phong..."

Hồi bé mỗi lần Bùi Nhật Đăng gọi "Anh Phong", Lê Nhã Phong tưởng như mình là kẻ mạnh nhất trên đời – hay ít nhất cũng là kẻ mạnh nhất thôn này, chuyện gì cũng đến tay hắn giải quyết nhưng hắn lại không thấy phiền tí nào. Hắn có ba đứa em, chúng cũng luôn miệng "anh cả, anh cả" đấy, cơ mà cảm giác đem lại không giống như thế. Thậm chí khi Nhuận Tuấn nhại theo kêu "Anh Phong", hắn chỉ muốn đấm cho nó rụng nốt mấy cái răng sữa. Giờ đây đi qua nhiều thăng trầm, hắn nhận ra tiếng gọi của Bùi Nhật Đăng chính là thành tựu trọn đời mình.

"Cảm ơn." – Khẽ nhẹ như một ngọn gió, âm thanh ấy chảy qua những tháng năm đơn côi, chảy về bên Bùi Nhật Đăng. Người ngồi đó ngước mắt nhìn hắn với vẻ khó hiểu, "Anh đang nói với ai đấy?"

Lê Nhã Phong bỏ ngỏ không đáp. Đã có những lúc hắn tự hỏi sao mình phải tiếp tục chịu tổn thương chứ? Nỗi căm giận vì bị phản bội càng làm cho hắn nảy ra ý định phá hoại mọi thứ, bao gồm cả người đó. Nhưng rốt cục, hắn vẫn lựa chọn làm một tên đần độn chịu trói trong mớ kẽm gai của yêu ghét lẫn lộn. Kẽm gai trên người sẽ không thể mất đi. Hắn đã bị tình yêu tuyên án chung thân. Vậy mà hắn lại thấy biết ơn và nguyện suốt đời phục vụ.

.

Nhà họ Lê  một thời tấp nập người ra kẻ vào, nay hiu quạnh nằm lại sau cánh cổng khóa trái. Đám nít ranh từng chí chóe trong khoảnh sân, giờ dẫn nhau bước ra thế giới rộng lớn hơn, đi về phía tương lai.

Thành thị của những năm này đã khác hẳn thành thị mà lần đầu tiên Lê Nhã Phong đặt chân đến. Xã hội thay đổi quá nhanh khiến ai cũng phải vắt chân lên cổ đuổi theo để không bị mang tiếng là tụt hậu. Biết là sống gấp đấy nhưng không thể ngừng lại dù là một chốc. Lê Nhã Phong cũng vậy mà Nhuận Tuấn, Thúy Hà  cũng thế. Chỉ có Bùi Nhật Đăng là cứ mãi ngần ngừ đứng trước cửa thang máy, băn khoăn hàng tiếng đồng hồ rồi quyết định leo thang bộ.

Ban đầu, ba người vừa lên phố còn thường kể lể với nhau về những thứ choáng ngợp họ trông thấy ngoài đường, ít ra cũng được an ủi rằng mình không phải đứa nhà quê duy nhất giữa chốn này. Song Nhuận Tuấn cùng với bản tính sôi nổi dần dà hòa nhập được vào nhịp sống ồn ã; Thúy Hà  quen thêm nhiều bạn bè và có thêm những trải nghiệm mới mẻ, những mối bận tâm rất thức thời. Ai cũng nhanh nhạy khoác lên mình hình hài của một công dân đô thị đang hối hả trong dòng chảy đương đại. Khoảng cách với người chậm chạp hơn ngày một nối dài.

Bùi Nhật Đăng vẫn ăn vận giản đơn, đi chợ mua đồ thì trả giá từng đồng, không dám ngồi taxi vì tiếc tiền, ngoài ban công trồng đủ loại rau củ, trong nhà ủ hàng vại dưa chua rồi trứng muối. Căn hộ mới toanh như hẵng vương mùi quê cũ, Nhuận Tuấn và Thúy Hà  chẳng vừa lòng tí nào. Tới lúc hết chịu nổi, Thúy Hà  dài giọng: "Dượng ơi, bao giờ dượng tính nuôi thêm lợn gà thì nói con biết nha, đặng con còn chuyển ra ký túc xá ở." Nhuận Tuấn được thể chêm vào, "Tôi nói chứ, nhập gia phải tùy tục, dượng cũng nên học theo lối sinh hoạt của người phố đi. Giả như mai mốt dượng nuôi con lợn con gà trong nhà thật, để ban quản lý họ lên nhắc nhở, mặt mũi anh tôi để đâu giờ?"

Đoạn, hai đứa cùng thở dài thườn thượt. Bùi Nhật Đăng sững sờ, có một nỗi chua chát không tên trào từ dạ dày lên cổ họng dượng. Lúc đó trong tay Bùi Nhật Đăng đương cầm đôi vòng tránh tà mới đan xong hôm qua, định bụng sẽ đưa cho Nhuận Tuấn và Thúy Hà  vì tự nhiên không thấy hai đứa đeo nữa, cứ ngỡ chúng làm rơi mất... Nhưng nghĩ có lẽ mình đã hiểu ra, Bùi Nhật Đăng cất lại vào túi quần.

"Xin lỗi." –  Dượng tư nhỏ nhẹ, "Xin lỗi vì đã khiến cô cậu khó chịu, tôi thật sự không có ý làm cho cô cậu hay anh của cô cậu mất mặt đâu."

Tối hôm đó Lê Nhã Phong trở về, thấy rau ngoài ban công đi đâu mất sạch, vại dưa vại trứng cũng trống không. Rõ ràng hồi sáng hắn đi vẫn còn nguyên, đã chắc mẩm tối nay phải ăn chục quả trứng muối cho bõ thèm, vậy mà chưa kịp xơi miếng nào thì đã hết veo. Mặt Lê Nhã Phong chảy ra, ủ ê hỏi Bùi Nhật Đăng: "Ủa, em với tụi nó xử lý hết trứng rồi à? Không để phần cho tôi à?"

Bộ dạng hắn đến là tội nghiệp, hắn cũng nghĩ Bùi Nhật Đăng sẽ động lòng và đáp rằng lần sau chỉ làm món đó cho riêng hắn thôi, hoặc ít nhất cũng phải an ủi hắn chút đỉnh. Thế mà dượng lại trả lời bằng vẻ thản nhiên: "Bị hỏng cả mẻ nên tôi đổ đi rồi, chắc tại tôi không mát tay. Nếu anh muốn ăn thì để tôi đi mua."

"Không đâu." Hắn chưa thôi nài nì, "Tôi đợi em làm mẻ sau cơ."

Bấy giờ hai người đang ở trong bếp, Bùi Nhật Đăng thái hành còn Lê Nhã Phong quanh quẩn bên chân dượng. Nghe hắn nói, dượng hơi khựng lại, lặng thinh một hồi. Lát sau dượng vờ như không hề gì, thoăn thoắt thái hành rồi bỏ vào nồi canh, vừa bận bịu vừa đáp: "Thật ra tôi cũng không thích muối trứng muối dưa đâu. Hên sao ở đây cái gì cũng có bán, lại ngon hơn mình tự làm, nên đi mua là nhanh nhất. Tôi thấy người thành thị ai cũng như vậy hết."

Lê Nhã Phong đôi chút ngỡ ngàng, nhưng cũng không tìm ra lý do gì để gặng hỏi thêm, vậy nên hắn xoa tóc Bùi Nhật Đăng đầy yêu chiều: "Ừa, thế cũng hay, em không phải mệt nữa. Với cả thuốc bổ hôm trước tôi mang về em có uống đầy đủ không đó? Cấm chểnh mảnh nhá, em nhìn em xanh lét như tàu lá kia kìa."

"Tôi vẫn uống đều mà." Bùi Nhật Đăng nói cho có lệ, dường như chẳng để tâm lắm tới chuyện thuốc thang. Chợt nhớ ra một vấn đề mà mình cảm thấy cực kỳ bức thiết, người ấy tiếp: "Anh Phong, khi nào anh định cưới vợ? Bây giờ sự nghiệp ổn định rồi, vun vén gia đình đi là vừa. Dù sao cũng không còn trẻ trung gì nữa."

Lê Nhã Phong cà lơ phất phơ, "Tùy em, bao giờ em cho cưới thì cưới thôi." Hắn đã quá quen với sự lẩn tránh và đẩy mình ra của Bùi Nhật Đăng rồi.

Song Bùi Nhật Đăng không đồng tình với thái độ này của hắn. Dượng ngẩng lên nhìn Lê Nhã Phong, vẻ sắc bén lạ lùng đằng sau làn hơi nước đương bốc lên nghi ngút khiến hắn rùng mình: "Tôi chưa bao giờ muốn trói chân anh. Tôi không có quyền đó. Rồi một lúc nào đấy, anh sẽ nhận ra thời gian và tâm sức mà anh dành cho tôi bấy lâu nay là lãng phí."

Bầu không khí trở nên ngột ngạt, làm Lê Nhã Phong quên mất vừa rồi mình đã vui vẻ ra sao khi bước vào bếp, khi nhìn thấy bóng lưng Bùi Nhật Đăng, khi phát hiện ra tóc người ấy hình như dài thêm một tẹo, nom an nhiên đến ấm lòng.

"Tôi không thấy phí, em đừng nói nữa." – Hắn tỏ vẻ như chẳng hề gì, cố che đi nỗi mất mát đang xuyên qua lồng ngực và truyền tới những đầu ngón tay khẽ run rẩy.

Bỗng Bùi Nhật Đăng chớp mắt thật nhanh, không biết suy nghĩ nào đã đến và chiếm cứ lấy người ấy, thôi thúc người ấy buông lời sát thương cực mạnh: "Anh Phong, tôi không xứng. Từ trong ra ngoài của tôi đều không xứng với anh... Hơn cả, anh đừng quên rằng tôi là vợ của cha anh. Dù ông ấy đã chết thì điều đó cũng không đổi khác. Nhiều năm sau trong thôn người ta vẫn sẽ nhắc lại chuyện cũ, câu chuyện nào đâu đẹp tốt gì mà anh phải cố chen chân vào? Mình tôi đê tiện là đủ rồi, anh hiểu không?"

Những ngón tay đang run rẩy của Lê Nhã Phong nhói lên khi nghe Bùi Nhật Đăng nhắc lại sự thật mà hắn không muốn đối diện nhất – người ấy là vợ của cha hắn, là mẹ kế của hắn. Đây là lần thứ hai người ấy tàn nhẫn với hắn như vậy, kể từ sau cái lần hắn trông thấy người ấy bước ra từ căn phòng dán chữ Hỉ đỏ chói, không một âm thanh báo cho hắn biết rằng người ấy đã tuột khỏi tầm tay hắn rồi. Cổ họng hắn sặc mùi tanh nồng, Lê Nhã Phong tưởng như mình sắp hộc máu tới nơi. Nhưng may sao hắn chưa uất ức tới mức độ đó. Sau tất cả, điều duy nhất hắn phun được khỏi miệng là ba chữ: "Em ác lắm."

Rồi hắn quay lưng đi trong vội vã, không muốn nhọc nhằn hít thở bầu không khí này thêm một giây một phút nào nữa.

.

Lê Nhã Phong chẳng rõ mình đã rời khỏi nhà bao lâu. Hắn đến công ty, tháo tất cả máy móc trong phòng làm việc ra thành một mớ linh kiện lộn xộn. Tháo xong lại thừ người nhìn từng con ốc vít, từng tấm mạch điện, nhớ về ngày đầu mới lập nghiệp, về những cơn say sóng trên boong tàu... chợt thấy sao mà vô nghĩa. Nếu có thể, ngay lúc này Lê Nhã Phong muốn lôi cha hắn sống dậy, để chất vấn và bắt lão phải trả giá vì đã đẩy hắn cùng người hắn yêu ra nông nỗi này. Chỉ vì những vui thú nhất thời của lão mà bao năm qua cuộc đời họ không có lấy một ngày thanh thản, cứ mãi lẩn quẩn trong mối ràng buộc cũng vô nghĩa không kém, bởi người hắn yêu chẳng thể bước ra khỏi vòng ám ảnh của nỗi đau đớn và sợ hãi tột cùng.

Đồ đạc tháo ra phải mất rất nhiều thời gian mới ráp lại được hoàn chỉnh, lòng người tan vỡ chẳng nhẽ dễ dàng hàn gắn hơn? Lê Nhã Phong chán nản ném tua vít vào góc phòng, gục đầu xuống gối, mệt mỏi khiến hắn thiếp đi trong vài giây dù tảng đá bức bối vẫn còn nguyên. Hắn đoán mình chỉ mới ngủ được mươi phút trước khi bị Thúy Hà  đánh thức, nhưng sự thật lúc đó đã vào đầu giờ chiều ngày hôm sau. Con bé Thúy Hà  đứng trước bàn làm việc của hắn, gấp gáp đến độ dậm chân bình bịch: "Anh cả, anh cả, dậy đi!"

"Chuyện gì thế?" Hắn he hé mắt, cổ vai gáy đau nhức vì ngủ bó gối suốt từ qua tới giờ nên đôi chút sẵng giọng với nó.

Song Thúy Hà  chẳng quan tâm thái độ của anh cả nhà mình nữa. Nó chìa ra cho hắn xem một mẩu giấy cùng món đồ gì đó bọc trong giấy báo lem luốc, nghẹn ngào: "Dượng tư đi rồi, không biết từ bao giờ, sáng nay dượng còn làm cơm cho tụi em nữa mà... Nhưng vừa rồi em đi học về thì không thấy người đâu, quần áo đồ dùng cũng vậy, chỉ có mấy thứ này để lại trên gối thôi. Chắc là tại em với Nhuận Tuấn làm dượng buồn rồi. Anh cả, em nghĩ dượng về quê thôi! Mình đi đón dượng về nha?"

Nói đến đây mắt Thúy Hà  đã ầng ậng nước. Lê Nhã Phong nhìn nó đầy nghi hoặc, đồng thời mở mẩu giấy ra xem. Trong đó là nét bút nguệch ngoạc của một người vừa mới học hết lớp ba đã phải nghỉ ở nhà làm đậu phụ, và vì chẳng được học hành nhiều nên cũng chỉ vỏn vẹn mấy dòng: Mọi người ở lại mạnh khỏe. Đừng lo lắng cho tôi. Thứ kia là của Lê Nhã Phong, tôi giữ đã lâu, nay xin gửi lại. Cảm ơn rất nhiều. Tạm biệt.

Hình như trò cút bắt giữa họ sẽ không bao giờ có hồi kết – hắn cay đắng nghĩ, rồi lại tiếp tục mở từng lớp giấy báo bao quanh cái thứ vuông vức nặng trĩu trên tay. Đến khi những cọc tiền xanh đỏ lộ ra, Lê Nhã Phong đột nhiên cười như điên như dại. Đó là toàn bộ số tiền Lê Nhã Phong nhờ Bùi Nhật Đăng giữ để "sau này lấy vợ", giờ người ta thật sự trả lại cho hắn để hắn lấy vợ. Hắn cười hoài, cười mãi, cười không dừng được, cảm thấy đây đúng là một tấn bi hài kịch vĩ đại. Và sau đó, trước sự hoảng hốt của Thúy Hà , hắn thẳng tay ném xấp tiền ra ngoài cửa sổ. Những đồng bạc bay phấp phới giữa không trung như một cơn mưa, đám đông xúm xít nhặt lấy lộc lá rơi từ trên trời xuống; sẽ không một ai biết số tiền đó vốn mang theo những oán hận yêu ghét thế nào, họ chỉ quan tâm tiền có thể mua được niềm vui nhỏ bé của chính mình và như vậy là đủ.

"Anh!" – Thúy Hà  khẽ kêu lên, không hiểu những chuyện này là sao nữa. Nó thắc mắc thật nhiều, nhưng phản ứng dữ dằn của anh cả vừa xong khiến nó sợ. Con bé níu ống tay áo hắn hệt như hồi bé, dè dặt: "Anh làm gì vậy? Còn dượng tư thì sao?"

Lê Nhã Phong lạnh tanh, "Không cần tìm nữa, cứ chiều theo ý cậu ta đi." Đoạn, hắn buông thõng nắm đấm đã siết chặt từ lúc Thúy Hà  mới đến, bên trong là những mảng da thịt bong tróc rướm máu. Thế nhưng trái ngược với giọng điệu, sống mũi Lê Nhã Phong đỏ ửng một cách bất thường, vẻ như đang cố kìm chế không để sự khổ sở trong mình rơi ra qua hốc mắt.

Chiều hắt nắng bỏng rát trên má Lê Nhã Phong và Thúy Hà, lặng yên quá đỗi khiến tiếng kim đồng hồ chạy trở thành một âm thanh chẳng hề dễ nghe. Cuối cùng Thúy Hà  bỏ cuộc, con bé nhẹ nhàng rời khỏi phòng làm việc của Lê Nhã Phong. Từ sau ngày mẹ nó trốn nhà theo một gã đàn ông xa lạ, con bé mới lại thấy thế giới xung quanh mình đổ vỡ đến thế.

Nhiều ngày tiếp theo, không ai nhắc về Bùi Nhật Đăng với Lê Nhã Phong. Bản thân hắn cũng thả mình trong những chuyến công tác xa, chẳng mấy khi về nhà. Nếu có người nào đó tốt bụng mai mối, hắn sẽ không nghĩ ngợi gì mà đồng ý đi coi mắt luôn. Lê Nhã Phong tin rằng hắn có thể buông được, đợi thời gian thổi hết đi tàn dư của chuyện cũ là ổn thôi. Cứ mãi ôm ấp một mối tình si đã giết dần giết mòn hắn suốt bao năm qua. Giờ thì hắn đã thấm mệt, hắn phải tự giải thoát mình khỏi con đường hầm tăm tối này. Bùi Nhật Đăng là vầng trăng sáng, nhưng Bùi Nhật Đăng cũng là liều thuốc độc...

Vậy nhưng hắn bắt đầu gặp những giấc chiêm bao đứt quãng như cái thời còn lăn lộn ngoài biển khơi. Tình yêu đầu chẳng thể nguôi ngoai, một đôi mắt trong veo màu trà nhạt vẫn cột hắn vào trong nhớ thương và vương vấn. Thi thoảng, ký ức từ thuở nhỏ chợt ùa tới không báo trước: Bùi Nhật Đăng và hắn chạy trên thảm cỏ xanh, nô nghịch chán chê rồi thì nằm kềnh ra đất; hắn ê a một khúc đồng dao không rõ nghĩa, Bùi Nhật Đăng bụm miệng cười khúc khích, lát sau thầm thì "Anh Phong, anh đừng nghỉ chơi với em nha?".

Sẽ không một ai biết trong những đêm thâu chỉ còn lại Lê Nhã Phong và chiếc bóng, hắn đã mân mê mẩu giấy người ấy để lại bao nhiêu lần. Mẩu giấy nhàu nhĩ đi không phải chỉ vì bị vo viên rồi vuốt phẳng hàng tá bận, mà còn bởi những giọt lệ nóng hổi rớt rơi trên đó – hong khô lần này thì lần khác lại ướt nhòe.

.

Hồng Hoa lên thăm, xách theo rất là nhiều đồ tươi sống. Lúc cô chất từng bọc thức ăn vào tủ lạnh, mặt mũi Thúy Hà  và Nhuận Tuấn méo xệch: "Chị, chị cho nhiều vậy tụi em cũng chả biết nấu đâu." Kể cũng đúng thôi, trong nhà có người ăn kẻ ở nên từ nhỏ tới lớn anh chị em bọn họ chưa từng phải rờ tay vào việc gì. Sau khi gia đình sa sút, hẵng còn dượng tư lo liệu chuyện nhà cửa. Hồng Hoa lấy chồng sinh con, những công việc trước đây vốn được phục vụ giờ phải tự mình làm hết, dần trở nên đảm đang tháo vát; nhưng Nhuận Tuấn và Thúy Hà  cho đến vài tuần trước vẫn đang sống thoải mái trong sự săn sóc của dượng, nay ú a ú ớ học cách tự lập, đứa nào cũng lóng ngóng như gà mắc tóc.

"Ủa? Ở chung với dượng lâu vậy mà không học được ngón nghề gì của dượng à? Thế dượng đi đâu rồi, nãy giờ chị không thấy." – Hồng Hoa ngó trong ngoài tìm người, tới lượt Nhuận Tuấn và Thúy Hà  quay ra nhìn nhau ái ngại.

Sau cùng Thúy Hà  lí nhí: "Dượng đi rồi chị..." – Và con bé bắt đầu kể, kể từ lúc hai anh em nó chê dượng quê mùa, nhà cửa chẳng có cảm giác thành thị gì hết trơn; kể tới thư và tiền dượng để lại, rồi anh cả phản ứng ra sao; kể rằng nó và Nhuận Tuấn muốn gọi điện về xin lỗi dượng nhưng quá xấu hổ; thú nhận chúng nó đều đang hối hận lắm, mà lại sợ anh cả nổi đóa nên không dám nhắc về dượng trước mặt anh.

Nghe xong đầu đuôi câu chuyện, Hồng Hoa giận sôi. Cô chống nạnh giữa nhà, nạt từng người một: "Chị không hiểu sao tụi em nói ra được những lời vô tâm như vậy luôn đó. Một đứa khi xưa than khóc 'xưởng gốm mất rồi em biết sống bằng nghề gì đây', giờ mở được cửa hàng gốm sứ trên con phố nhộn nhịp nhất thủ đô, đấy là nhờ ai hồi đó ngày nắng cũng như ngày mưa kéo em ra chợ dạy em buôn bán? Rồi một đứa hễ nghe người ta nhắc đến hai chữ 'nghỉ học' là nước mắt ngắn dài, cuối cùng vẫn được học hành đến nơi đến chốn, còn trở thành sinh viên trường Luật, đấy là nhờ ai mỗi tháng đi bán máu lấy tiền đóng học phí cho em? Các em biết một mà không biết hai, không biết rằng nếu là người khác, người ta bỏ mặc đám con chồng phiền nhiễu như tụi mình lâu rồi chứ ở đấy lo cho từng miếng ăn cái mặc."

Nói muốn đứt cả hơi, Hồng Hoa ngưng một chút để lấy lại bình tĩnh. Bây lâu cô luôn nhỏ  nhẹ nết na, chưa bao giờ bùng nổ tới mức độ này. Hai đứa em nghe mắng chỉ biết cúi gằm mặt, không hé nổi một lời. Nhìn tụi nó, cô thấy vừa thương vừa bực. Sau khi đã bớt nóng giận, Hồng Hoa mới ngậm ngùi: "Chắc các em quên mất, dượng tư thật tình chỉ hơn các em có vài tuổi thôi, còn rất trẻ."

Dượng tư, mười bảy tuổi về nhà họ Lê , qua mùa thu này mới tròn hai mươi sáu. Đấy là họ cũng chỉ nghe dượng bảo dượng sinh ra vào đầu mùa đông, trời rét lạnh căm căm, chứ không ai rõ mùa đông đó là ngày nào tháng nào.

Phút chốc ba chị em cùng rơi vào lặng yên, ai nấy trượt dài trong đoạn ký ức về thời còn khốn khó, buồn vui lẫn lộn nhưng hẳn là ấm áp nhiều hơn tất thảy. Lúc này Lê Nhã Phong đẩy cửa vào, quầng mắt trũng sâu và vẻ mặt không lấy gì làm vui vẻ, giọng khàn khàn: "Chuyện bán máu là thế nào? Sao anh chưa được biết?"

Đối với Bùi Nhật Đăng, nhắc lại những gì đã lùi xa về dĩ vãng giống như kể khổ vậy, chẳng hay chút nào. Bởi vậy mãi đến khi dượng đã bán máu đủ nhiều để đóng học phí cả năm cho Thúy Hà  và thậm chí còn mời được thầy giáo giỏi trên huyện về kèm con bé, người nhà mới phát hiện ra chuyện này. Rút máu xong thường sẽ rất chóng mặt, phải nghỉ ngơi bồi bổ một hai ngày; nhưng Bùi Nhật Đăng sau khi bán máu, không chạy đi xay đỗ tương thì cũng quay về chợ bán gốm với Nhuận Tuấn. Có lẽ vì thế nên người ngợm luôn xanh xao, dẫu về sau cuộc sống đầy đủ hơn thì cũng chẳng béo tốt lên được.

Hồng Hoa vừa hồi tưởng lại vừa thở dài. Cô nhớ lúc trông thấy tờ biên lai của bệnh xá rơi ra từ túi áo Bùi Nhật Đăng, cô đã buồn rầu rất lâu, buồn tới mức một ngày nọ còn lên chùa hỏi người mẹ đã xuất gia của mình rằng: "Tại sao mẹ bỏ mặc chúng con được, mà người không thân không thích như cậu ấy lại cứ níu tụi con ở lại ngôi nhà vốn đã tan tác và trở thành chỗ dựa mới cho tụi con?"

Mẹ cô đánh mắt về phía xa xôi, đáp: "Cậu ấy giống mẹ hồi trẻ, không muốn sang sông nhưng cứ đứng tần ngần ở bến đò vì trót lụy một con đò."

Khi ấy Hồng Hoa chưa hiểu hết, cô cho rằng mẹ mình chỉ đang bào chữa cho sự vô trách nhiệm của bà thôi. Chỉ tới cái hôm Bùi Nhật Đăng bỗng hỏi cô về chuyện ngày bé của Lê Nhã Phong, Hồng Hoa mới bắt đầu để ý. Dạo đó Lê Nhã Phong chẳng có tin tức gì, Bùi Nhật Đăng cứ sốt ruột hoài – một kiểu phản ứng không giống mẹ kế đối với con chồng, cũng chẳng giống bè bạn đối với nhau. Ít lâu sau có tin một chiếc thuyền chở hàng bị đắm ngoài khơi, tất cả thuyền viên thiệt mạng. Cô về nhà, đứng ngoài cổng, trông thấy Bùi Nhật Đăng ngồi thẫn thờ dưới mái hiên, ôm cái mũ lông Lê Nhã Phong hay đội vào lòng, bả vai run run. Từ giây phút ấy, Hồng Hoa đã biết được Lê Nhã Phong chính là con đò của Bùi Nhật Đăng, là lý do khiến cậu trai đó không thể rời đi dù gặp bao vất vả trập trùng.

Hồng Hoa thuật lại tất cả những gì cô đã nghe và thấy, chất giọng đều đều bén rễ vào không khí quánh đặc xung quanh họ. Rồi khi câu chuyện kết thúc, cô nhìn Lê Nhã Phong đầy tiếc nuối: "Anh cả, em cứ tưởng Nhật Đăng sẽ mở lòng với anh, vì dầu sao tình cảm kia cũng là thật. Nhưng có lẽ lòng mặc cảm của dượng ấy lớn quá."

Thú thực, Lê Nhã Phong chưa bao giờ dám hy vọng rằng Bùi Nhật Đăng sẽ coi hắn là một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc đời. Hắn chỉ biết cắm đầu chạy về phía trước, đuổi theo ánh trăng sáng của lòng mình; và nếu một ngày ánh trăng kia dừng lại chờ hắn thì đó hẳn là niềm vinh hạnh lớn lao mà vũ trụ già cỗi ban tặng. Thế nên làm sao Lê Nhã Phong dám tin Bùi Nhật Đăng từ bỏ tự do, ở lại nhà họ Lê  chăm sóc các em hắn là vì hắn? Thậm chí có đôi lúc tuyệt vọng, hắn còn nghi ngờ người ấy bán linh hồn cho lão già nhà hắn mất rồi, tuy là suy nghĩ đó chỉ vụt qua trong tích tắc.

Tâm hồn bị vùi trong băng giá của Lê Nhã Phong chợt nở ra một bông hoa dại nhỏ xíu. Hắn vụng về chạm vào những cánh hoa, dùng đôi bàn tay chai sần ủ ấm cho nó trước khi ngắt ra đem tặng một người.

.

Mùa nước nổi, cá rô từng đàn lội dưới sông, chẳng cần tốn sức vẫn câu được mẻ lớn; thế nhưng trong giỏ của người ngồi trên bờ vẫn trống trơn. Người ấy cũng chưa kéo cần câu lần nào, cho họ hàng nhà cá đến xơi mồi chán chê rồi lượn đi. Thi thoảng cậu đung đưa chân, vẻ ung dung hiếm khi có được. Dịu êm và lặng lẽ giúp cậu tạm quên đi những nhớ nhung còn dang dở. Cả buồn phiền, đau khổ hay trách móc trong quá khứ cũng lắng xuống như một phép màu.

Dưới nước giật giật liên hồi, cá lại cắn câu. Bùi Nhật Đăng ngó vào cái giỏ bên cạnh, đương băn khoăn không biết nên kéo hay thả. Nếu kéo lên, trưa nay cậu sẽ có một bữa canh cá nấu chua ra trò; nhưng nếu thả đi, biết đâu chú cá kia lại bơi được về nguồn, sinh con đẻ cái, sang năm dẫn theo gia đình mình bơi qua sông này, khéo còn vẫy hai vây chào cậu. Tưởng tượng ra viễn cảnh ngộ nghĩnh và lạ kỳ ấy khiến Bùi Nhật Đăng mềm lòng, thế nên cậu buông nhẹ cần câu, thầm nghĩ trưa nay ăn uống thanh đạm tí cũng được.

Vậy mà cậu vừa buông ra, phía sau đã có người nhanh nhẹn chụp lấy. Mùi gỗ thơm thân quen quá đỗi, Bùi Nhật Đăng lọt thỏm trong vòng tay hắn, giật nảy mình. Lê Nhã Phong thì vẫn thản nhiên như không, dồn sự tập trung vào con mồi. Lát sau hắn nắm tay Bùi Nhật Đăng cùng kéo cần lên, chiến lợi phẩm thu được là một chú cá rô núc ních có bộ vây óng ánh, bấy giờ đang vùng vẫy kịch liệt trong vô vọng.

"Trưa nay ăn canh cá nấu chua đi!" – Lê Nhã Phong đề nghị, lúc tháo lưỡi câu trong miệng cá còn huýt sáo đến là vui vẻ.

Bùi Nhật Đăng tròn mắt nhìn hắn, song cũng chẳng thắc mắc thêm, chỉ gật đầu: "Ừm." – Mỗi lần gặp lại sau một thời gian xa cách, cậu luôn không biết phải nói gì, mặc dù thâm tâm thật sự có nhiều điều muốn giãi bày. Có lẽ bởi từ ngày đầu mới quen nhau, Lê Nhã Phong đã quá lung linh đẹp đẽ, trong khi cậu chỉ là một thằng nhóc cục mịch bần hàn. Rồi sau những lần gặp lại, cậu thấy hắn ngày một xa vời, thuộc về nơi có nắng ấm trời xanh, khác hẳn với kẻ đã rơi rớt trong vũng sình lầy tanh tưởi là cậu. Giữa họ như tồn tại một tấm chắn bằng thủy tinh, hắn ở bên kia cố gắng dỡ bỏ nó, nhưng cậu sợ hắn bị thủy tinh cứa chảy máu nên lại tìm cách vá những vết nứt vào.

Cuối cùng không ai chạm được vào ai, mà ai cũng mệt mỏi.

Đường về nhà tắt qua một cái chợ cóc. Lê Nhã Phong vắt cần câu trên vai còn tay kia xách giỏ cá, thong dong đi trước. Bùi Nhật Đăng theo sau hắn, hệt như hồi nhỏ. Những sạp hàng ngày xưa vẫn ở đó, những người chủ ngày xưa vẫn xởi lởi bán mua, không gì thay đổi trừ đám trẻ con nông thôn đã trưởng thành và tản ra bốn phương tám hướng để kiếm kế sinh nhai. Lúc ngang qua hàng đậu phụ nhà cậu hồi trước, Lê Nhã Phong chợt dừng lại. Hắn lên tiếng, chẳng rõ là đang hỏi Bùi Nhật Đăng đằng sau mình hay Bùi Nhật Đăng bé bỏng từng ngồi chỗ ấy: "Em muốn ăn bánh bao nhân thịt không?"

"Chưa ăn bao giờ." – Lần đầu hắn hỏi Bùi Nhật Đăng câu đó, cậu đã trả lời như vậy. Lê Nhã Phong lấy làm ngạc nhiên lắm, bảo cậu "chờ anh một chút" rồi chạy đâu mất. Lát sau hắn trở lại, mang theo một chiếc bánh bao to hơn lòng bàn tay, hẵng bốc khói nghi ngút. Mặc hắn chìa ra đưa cho mình đầy thành ý, Bùi Nhật Đăng vẫn ngại ngùng không dám nhận. Nhưng bụng cứ réo và cảm giác thèm thuồng cứ ập đến, sau cùng cậu phải chào thua, nhận lấy chiếc bánh bao thịt đầu tiên trong đời mình.

Bấy giờ Bùi Nhật Đăng mải nhớ về chuyện cũ, không đáp Lê Nhã Phong. Tới khi cậu sực tỉnh thì hắn đã mất dạng, để lại cần câu và giỏ cá tươi dưới gốc cây, cứ như thể suốt buổi sáng hôm nay chỉ là do Bùi Nhật Đăng tưởng tượng ra. Mà cũng dám lắm, vì trước đây lúc hắn đi làm ăn xa, cậu thường có một giấc mơ rằng hắn vẫn đang ngồi ngoài hiên học bài, còn cậu đứng ở cổng lớn nhà hắn nhìn trộm vào. Thời niên thiếu và bao kỷ niệm sâu đậm, thi thoảng kéo ta rơi vào ảo mộng cũng chẳng phải điều gì lạ lùng.

Đoạn, cậu ngồi bệt dưới gốc cây, dùng mu bàn tay che đi cái nắng chói chang đương xuyên qua vòm cây chiếu thẳng xuống mắt mình. Che mắt lại, cảm nhận về xung quanh như sắc bén hơn. Mùi đất cát âm ẩm, tiếng người buôn bán huyên náo, tất cả đều mang hình hài của sự sống. Thế nhưng cậu thấy bản thân chỉ như người đứng ngoài ngắm nhìn sự sống ấy, cũng chẳng rõ cảm giác trôi nổi này là sao nữa...

Cho đến khi hơi ấm và mùi bột mì át đi tất thảy, và có người đặt vào tay cậu một thứ mềm mại xôm xốp, bảo rằng "Ăn đi cho nóng", Bùi Nhật Đăng nhận ra mình cũng là một phần của sự sống, cậu cũng có thể hòa vào đó.

Chỉ cần có một bến bờ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#ponddunk