1. Chuyện dở dang

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thật ra, tôi học nhảy lớp. 

Trường làng trong một huyện nhỏ thì thường không tuân theo chương trình học chính quy lắm. Có nơi dạy là được rồi, còn gì thì giờ ngẫm nghĩ đến những điều mục khác. Trong đó có cả việc gộp lớp. Tôi có vẻ ngoài thông minh hơn những đứa trẻ cùng tuổi, từ hồi mới lên năm, mẹ đã bắt đầu gửi tôi đến lớp học. 

Giáo viên trong lớp là một cô giáo trẻ, chị tên Sáu, sinh ra và lớn lên trong xóm Khói. Năm nay đã hai mươi mốt nhưng vẫn chưa có lấy được một mảnh tình vắt vai. Chị hay kể những câu chuyện về người trên đồng, về tuổi thơ gần như tương đồng với chúng tôi thay vì mấy câu truyện công chúa hoàng tử mà mẹ thằng Trung quỷ đem về từ thành phố. Đôi lúc, vài đứa con gái vòi chị đọc truyện cổ tích diệu kì, chị sẽ vừa dạy chúng tôi đọc chữ trong sách, vừa bắt chúng tôi đem ra tập viết. Lại có đôi lúc, ai đó bảo chị sao cứ kể mãi những câu chuyện cũ kĩ có lẽ đã lặp lại cả ngàn lần trong chính cuộc đời từng người trong ngôi làng chỉ mất đâu đó vài chục phút đạp xe đã chạy hết. Chị cũng chỉ bảo, rồi một ngày khi lớn, các em sẽ hiểu mà thôi. Với một nụ cười ngọt như hũ mật ong không chanh gừng đang nằm dưới kệ bếp. 

Gọi là trường làng, như những trường làng khác, trường chúng tôi bao quanh bởi những rặng tre dừa rơm rạ. Bên hông trường có một cây mận chín rục, đỏ hỏn những quả ngọt mỗi mùa mận chín tan trường. Mùi hoa mận ngai ngái làm tôi phát ngấy cả ra, nhưng trái mận thì có nhấm nháp cả một ngày thì cũng không chán. Lại phải kể đến thằng Trung quỷ, nó hay dụ dỗ Đăng bằng mấy lời mật ngọt như hoa mận, rồi đè thằng Đăng ra làm bệ đỡ cho mình trèo lên cây cao vặt trộm quả. Tôi thì đứng một bên trông thậm thọt như đùa, chỉ sợ bị bắt tại trận. 

Mấy xóm nhỏ đều cùng học chung một lớp bao gồm cả Khói và Hàn; từ thứ hai đến thứ sáu, chỉ học có nửa ngày đến trưa. Tôi học ba năm ở trường, lớp có mấy chục đứa đều nhớ từ tên đến mặt bố mẹ, nhưng chưa từng một lần thấy thằng Việt Phong xuất hiện. Thậm chí, nếu vắng đi những câu chuyện về lão Ba Kẹ, chắc có lẽ chẳng ai biết nó tồn tại trên đời. Mãi cho đến khi Phong chuyển qua làng tôi ở. Vừa học được đâu đó hai ngày, chắc có lẽ do bị thằng Trung quỷ đến tận cửa nhà gõ trêu, Phong quyết không đến lớp nữa. Tôi ngơ ngác nhìn chỗ ngồi nó trống huơ, tay mần đầu gối vẫn còn đang chấm thuốc đỏ xanh tím. 

Trung quỷ khoái chí, chòng ghẹo bên chỗ Phong ngồi, đưa tay gõ đầu tôi một cái rõ mạnh: 

- Ê thằng ròm, hôm qua có bị ăn thịt không?

Tính tôi trước nay, sau này vẫn vậy, ai hỏi gì trả lời nấy (chỉ trừ Trung quỷ ra, vì cái tính hay trêu của nó làm tôi ghét). Nó biết tôi im nên vẫn cố tình chọc ngoáy, tôi chẳng thèm bảo gì, ôn lại phép chia mới học hôm bữa. Thằng Trung quỷ đâm ra khó chịu, nó thương tôi, nhưng hay ngứa mắt với cách tôi thường bơ đẹp mỗi khi nó bắt lời. Định bụng cóc đầu tôi vài cái cho bõ tức, tay Trung quỷ đã bị thằng Sách ngồi kế bên vịn lại chửi cho một trận tơi bời. 

Thật ra, chưa cần đến Trung quỷ, đã có vài đứa trong làng tò mò về thằng Phong với tôi. Trong đó có Nhật Tư, nhóc em bé hơn tôi hai tuổi, năm nay mới có lớp một. Sự xuất hiện của thằng Tư trong những ngày học là một chuyện đã thành quen, nó hay được chị Sáu đem đến lớp để tụi tôi trông giùm mỗi lúc chị bận làm việc đồng hay phải lên phường vài tiếng. Thằng Tư được chị Sáu nhận nuôi khi nó còn chưa đầy tháng, chị chật vật thấy rõ khi một thân một mình vẫn gánh theo một thằng quỷ con. Đôi lúc tôi không hiểu, rốt cuộc chị nuôi nó làm gì. Nhưng khi nhìn vào đôi mắt nai trong veo của Tư, trái tim tôi mềm dịu hẳn, nó dịu dàng như mật ngọt, và làm tôi cảm thấy chính mình cũng muốn bắt nó về chăm ở nhà.

- Anh, hôm qua anh bị té ở đâu hả?

Lúc tôi mới vác mặt lên lớp kèm cái chân đau, nhóc Tư đã tròn trịa ra đứng trước mặt tôi lo lắng. Thật ra, tôi và Tư khá thân, chắc tại thằng nhỏ giống tôi ở chỗ thích đọc sách, lại còn trông hơi suy dinh dưỡng; cứ còi còi. 

- Em nhớ thằng Phong không? Hôm qua quỷ Trung qua chọc nhà thằng đó, anh cũng bám theo...

Rồi té sấp mặt. Nhưng phi vụ này quá xấu hổ, tôi lấp liếm bằng mấy chuyện vấp té trên đường đi để hình tượng còn nguyên trong đôi mắt Nhật Tư em. Mấy đứa con gái ngồi bên cạnh tôi nghe thế, nhất là con nhỏ Phiến, nó hay đùa theo thằng Trung quỷ nhất đoàn nếu không tính đến đám con trai, liền quay qua trêu tôi ừ thì lỡ chân vấp té thôi mà. Làm nhóc Tư ngơ ngác đến buồn cười. 

Đến đoạn này, cô giáo vào lớp, cắt ngang câu chuyện giữa tràng cười của con Phiến.

Chị Sáu đâm ra lo cho thằng Phong, hỏi tội mấy đứa học sinh nghịch ngợm một hồi lâu mà chẳng lần ra kết quả nào. Tôi thấy chị lo, trong lòng cũng lo theo, với đầu óc non nớt của một thằng nhóc bảy tuổi, tôi sợ rằng trận khóc hôm qua khiến cho Phong hãi quá trốn ở nhà thật.

Chị thấy không tìm ra được nguyên nhân liền đổi phương pháp, quay lưng viết mấy dòng chữ ngày tháng trên bảng toàn phấn bụi, hỏi:

- Thế tí trưa em nào đi đến nhà Việt Phong thăm bạn với cô không?

Cả lớp nín thinh. Chẳng biết từ lúc nào, Việt Phong gần như trở thành sinh vật lạ trong mắt mọi người. Nó có lão cha bị cả làng ghét bỏ, có sự hiện diện nhạt mờ như bóng ma, và kể cả chỉ như một đứa trẻ bình thường, cũng chẳng có ai thừa nhận nó. Chẳng ai biết nó là ai, như thế nào, nên câu đề nghị của cô Sáu chẳng có đến nửa lời dạ vâng đáp lại. 

Tôi cảm thấy hơi mắc mắc ở đâu trong cổ họng. Tuy hơi ghét thằng Phong vì hôm qua nó dám để tôi ngồi khóc giữa đường một mình mà không thèm nhìn lấy một cái. Nhưng nhìn cái dáng vẻ hơi bụi đời của nó, áo ba lỗ trắng, dính vết bẩn bần, rách rứa ở trên cổ áo, quần chun dài ngang đầu gối, tóc mái tự cắt lởm chởm, gáy tóc hơi dài, khắc hẳn cái gáy bị cạo trắng bóc của tôi. Nó cứ sao sao, trông mặt hơi dữ, nhưng cũng hiền hiền... Chắc có lẽ là bị ma xó sai khiến, tôi dơ tay trước chục con mắt đang nhìn mình chăm chăm. Người bất ngờ nhất có lẽ là chị Sáu, tôi đoán chị đã soạn sẵn văn thở dài với mấy đứa học sinh mà chỉ còn đang chờ treo đến miệng. Chị đang viết nửa bảng cũng phải quay lại, vui thấy rõ, hai mắt nai quen quen.

- Phú, chút học xong nhớ xách cặp theo cô, để cô xin mẹ giúp em.

Tôi chỉ biết vâng đúng một chữ. Thằng Trung quỷ nhìn tôi dị dị, Sách thì bịt mặt Trung lại, nhóc Tư ríu rít đòi đi cùng. 

---

Trưa đó, chị Sáu - tay trái cắp nách nhỏ Tư, tay phải dìu vai tôi đến xóm Hàn. Tôi lại đứng giữa cái nực nội của mùa khô, chân tay đổ mồ hôi như muốn tan thành bãi nước. Chị dắt tay chúng tôi đến chợ, trong tiếng ríu rít của nhóc Tư mà nghe như tiếng ve kêu mỗi khi hè tới. Tư được thả xuống, đi giữa tôi và chị, kể ti tỉ những chuyện hôm qua lên đồng hay được thằng Trung quỷ ném lên cây để "đào luyện nhân tài". Tôi nghe mà xanh mặt, díu mặt vào chiếc nón lá đan bằng nan tre do chính tay nghề của mẹ mình tượng tác. Chị Sáu đi lòng vòng chợ trưa, lúc này đã tan tầm gần hết, chỉ còn lại vài xe rao đồ ăn, trong đó có nước dừa là còn mở, chị mua chúng tôi mỗi đứa một trái dừa gọt sẵn, ngọt nước, nhưng không có cùi. Tôi thích mê vị cùi lợt lợt, lần này không được lấy muỗng xúc ăn, tôi lại đâm ra tiếc. 

Chị thấy xe bán bánh đúc với xôi ngọt, dẫn chúng tôi xuống đó ngồi ăn. Chị diễn giải rằng mẹ tôi nhờ chị đưa tôi đi ăn trưa hộ, nên tiện đây ngồi giữa chợ tan một lượt cho tiện. Tôi cũng chẳng có thắc mắc gì, nước dừa ngon, bánh đúc cũng ngon; chén đâu đó tầm một cái, thêm gần nửa cái của nhóc Tư dạ dày nhỏ, tôi no căng, mắt hơi trùng xuống buồn ngủ, hơi muốn nghỉ ngơi. Thế mà nhóc Nhật Tư, chẳng biết lấy đâu ra lắm năng lượng thế, nó nói từ đầu buổi tới cuối buổi, nào là uống nước dừa ngọt chát xong là không cảm nhận được vị bánh đúc lợt, xong còn bị muỗi chích cho sưng chân, chấm bi đỏ đỏ. Nói chung là chẳng ngơi nghỉ một giây nào. 

Chị Sáu thấy chúng tôi ăn xong cũng không để phí thì giờ, chị gọi tính tiền vội, mua thêm một gói xôi gấc nhỏ nhỏ, bảo là qua cho thằng Phong, ghé nhà nó mà. Tôi cũng dạ vâng, gói xôi được đưa cho tay cầm, nhẹ hều. Xôi màu đỏ mọng, tôi cảm thán thằng Phong sướng thế, được ăn xôi, tôi cũng thèm cái vị ngọt ngọt đó lắm; và còn nghĩ được ăn như thế thì nó chắc sẽ phải tự giác đi học lại rồi. 

Hôm qua tôi không để ý mấy, nhưng nhà Việt Phong xa nhà tôi tận cả chục căn, dù với cái xóm này, chục căn cũng chẳng đáng để đếm cho mấy, mất có chục bước chân là tới gõ cửa nhà nhau được rồi. Trên đường, tôi còn vặt mấy cây bông cỏ lau dại, chọc chọc nhóc Tư. Thằng nhỏ nhột, rượt tôi cả đoạn dài làm chị Sáu bước theo mệt đổ mồ hôi. Đến một hồi, nhìn cái cổng chắc có lẽ là đơn sơ nhất xóm (tôi thật sự không biết nó có công năng chống trộm như mấy cái cổng bình thường không); tôi nhận ra mình đã đến nhà thằng Phong tự lúc nào. 

- Phú, em gọi cổng nhà bạn đi. - Cô Sáu dịu giọng, hơi đẩy lưng tôi về phía trước.

Nói tôi không sợ là nói dối, từ qua đến nay, cái nhìn dữ như quỷ của nó vẫn bu trong đầu tôi như ruồi nhặng, chẳng qua là bị nước dừa và bánh đúc che đi tạm thời. Lúc này đây, chân tôi hơi run, nhưng nhớ lại nguyên do mình đến, tôi lại lững thững bước đến trước cổng sắt nhà thằng Phong, rướn người lên định gọi đúng hai tiếng; sau hai tiếng mà nó không mở, thì tôi ôm thằng Tư chạy về nhà ăn bó xôi còn nguyên trong bịch bóng. 

Có lẽ mấy lời đe dọa về xuất thân kì quái của thằng Phong, hay căn bệnh di truyền lây nhiễm của bố nó làm đứa đứa trẻ làng nào cũng sợ xám mặt, và chẳng đứa nào muốn tiếp xúc với nó tẹo gì. Tôi của sau này, và cả "anh" Phong nữa; không có ý định trách cứ một ai khi nhớ lại. Có lẽ, đó cùng lắm cũng chỉ là cơ chế phòng vệ của lũ trẻ con, chúng nó sợ bị phạt đánh, bị roi vụt vào mông, nên nỗi sợ đó chuyển thành nguyên nhân, cụ thể là nỗi cô đơn của Lê Việt Phong và cả nhà nó. 

- Dạ...

Và ngay khi tôi vừa dạ, vừa giơ mồm ra định ú ớ tên thằng quỷ đó. Thì ngay lập tức, có bàn tay vỗ vai tôi từ sau lưng. 

- Làm gì đó? 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro