PP Gián tiếp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Câu 11: Mô tả sơ lược các phương pháp định giá gián tiếp?

* Định giá gián tiếp sử dụng thị trường thay thế

Phương pháp này sử dụng thị trường thay thế, nghĩa là hàng hoá môi trường đang bàn đến không có thị trường cho nó, nhưng có một thị trường khác thể hiện được giá trị của nó. Ta đánh giá giá trị hàng hoá môi trường thông qua việc sử dụng thị trường thay thế này.

Ví dụ: đối với hàng hoá "chất lượng môi trường", đây là loại hàng hoá không có giá thị trường. Có hai ngôi nhà có vật liệu và kiến trúc tương tự nhau là (A) và (B). Ngôi nhà (A) gần bãi rác (chịu ảnh hưởng khá lớn của ô nhiễm), ngôi nhà (B) gần công viên (môi trường trong lành). Giá nhà (B) sẽ có phần cao hơn so với giá nhà (A). Chính chất lượng môi trường tạo ra sự khác biệt này. Mức chênh lệch trong giá nhà (A) và (B) là số tiền trả cho chất lượng môi trường. Như vậy, chất lượng môi trường không có giá, nhưng thông qua thị trường bất động sản, ta có thể thấy được giá trị của hàng hoá "chất lượng môi trường".

Phương pháp định giá gián tiếp sử dụng thị trường thay thế có hai phương pháp chính:

(1) Phương pháp chi phí du hành (TCM):

Phương pháp này dùng để đánh giá các lợi ích môi trường (hay chất lượng môi trường), mà chất lượng môi trường không có giá thị trường. Xét trong mối quan hệ giữa chất lượng môi trường và nhu cầu giải trí, khi chất lượng môi trường được cải thiện thì nhu cầu giải trí tăng lên. Như vậy, để đánh giá lợi ích của việc cải thiện môi trường, chúng ta có thể đánh giá thông qua giá trị giải trí của hàng hoá dịch vụ môi trường. Bởi vì các chi phí cho việc giải trí có giá trên thị trường. Đây chính là việc sử dụng thị trường thay thế.

Như vậy, TCM dùng để đánh giá giá trị giải trí của một tài sản môi trường. Ví dụ: khu bảo tồn sinh thái, hay một hồ nước. Phương pháp này dựa trên giả định chi phí bỏ ra để tham quan một điểm giải trí nào đó phản ánh giá sẵn lòng trả cho điểm giải trí đó.

TCM có hai dạng:

·        ZTCM (Chi phí du hành khu vực): tính chi phí du hành theo vùng.

Ví dụ: đánh giá giá trị giải trí của suối nước khoáng Thanh Tân.

·        ITCM (Chi phí du hành cho cá nhân): tính chi phí du hành cho từng cá nhân.

a)  Đối tượng:

TCM có thể được dùng để tính toán lợi ích (hoặc chi phí) kinh tế từ các hoạt động sau đây:

+ Các thay đổi trong việc đánh giá các chi phí cho một địa điểm giải trí;

+ Việc bỏ qua sự tồn tại của một điểm giải trí;

+ Sự tăng thêm các điểm giải trí mới;

+ Sự thay đổi trong chất lượng môi trường tại điểm giải trí.

b) Phạm vi:

Phương pháp chi phí du hành được sử dụng để tính toán các giá trị kinh tế có liên quan đến hệ sinh thái hay địa điểm giải trí nào đó.

c) Ý nghĩa sử dụng phương pháp

Phương pháp chi phí du hành đánh giá các lợi ích vui chơi, giải trí bằng cách mô phỏng một đường cầu diễn tả số lần đi tham quan được thực hiện, ứng với mỗi giá vé vào cửa của khu giải trí.

TCM cho phép tính được giá sẵn lòng trả của khách tham quan dựa trên số chuyến du lịch mà họ thực hiện ở các chi phí du hành khác nhau.Điều này tương tự như việc ước tính giá sẵn lòng trả của cá nhân cho một hàng hoá thị trường dựa trên số lượng cầu tại các mức giá khác nhau.

d) Bản chất của phương pháp

+ TCM đo lường giá trị sử dụng (hay giá trị giải trí) của một điểm du lịch, hay một khu du lịch cụ thể.

+ Để đo lường giá trị giải trí của điểm du lịch này, ta phải thiết lập một đường cầu về du lịch.

+ Chi phí bỏ ra để tham quan một điểm giải trí phản ánh giá sẵn lòng trả của khách tham quan cho điểm giải trí. Tổng giá trị của điểm giải trí được tính:

giá trị của điểm giải trí = giá sẵn lòng trả = phần diện tích nằm dưới đường cầu

(2) Phương pháp định giá hưởng thụ (HPM):

HPM sử dụng khi đánh giá giá trị của chất lượng môi trường, do chất lượng môi trường không có thị trường, nên phải đánh giá thông qua một thị trường thay thế, mà trong đó chất lượng môi trường là một thuộc tính của sản phẩm mà ta chọn đánh giá.

Ví dụ: Nghiên cứu về tác động của tiếng ồn, tiếng ồn không có giá, nhưng khi ta khảo sát thông qua thị trường nhà ở, việc người ta trả giá cho hai loại nhà, một loại nhà gần sân bay (mức độ ô nhiễm tiếng ồn cao), một loại nhà gần khu công viên (có mức độ yên tĩnh cao). Với điều kiện về kiến trúc và các điều kiện khác của hai ngôi nhà là giống nhau, thì ta sẽ tính được sự chênh lệch trong giá của hai ngôi nhà, chênh lệch đó do sự ô nhiễm tiếng ồn tạo ra, hay do chất lượng của môi trường yên tĩnh tạo ra.

a.  Đối tượng

Như đã trình bày trong phần tổng quan phương pháp định giá tài nguyên môi trường, phương pháp định giá hưởng thụ được sử dụng để đánh giá các giá trị sử dụng của hàng hoá dịch vụ môi trường thông qua ảnh hưởng của môi trường lên giá của một loại hàng hoá thị trường (nhà, đất, tiền lương, ...).

Ví dụ: xác định giá trị của "ô nhiễm tiếng ồn" thông qua ảnh hưởng của tiếng ồn lên giá nhà ở.

Phương pháp này thường được sử dụng ở các nước phát triển, do các nước này có thị trường bất động sản (hay thị trường nhà ở) đã phát triển khá hoàn thiện.

b. Bản chất của phương pháp

Trước khi đi vào bản chất của phương pháp, ta cần hiểu cụm từ "định giá hưởng thụ" là gì. Cụm từ "hưởng thụ" mang ý nghĩa việc một cá nhân chọn một hàng hoá dịch vụ có các thuộc tính mà mình ưa thích, qua đó tối đa hoá độ thoả dụng của mình, hay nói cách khác "hưởng thụ" là việc cá nhân thưởng thức thuộc tính mà mình yêu thích từ sản phẩm khi sử dụng sản phẩm này.

"Định giá hưởng thụ" nghĩa là đánh giá giá trị của thuộc tính môi trường gắn với sản phẩm (nhà ở) khi người ta mua sản phẩm này.

Cụ thể hơn:

HPM đánh giá giá trị của chất lượng môi trường, mà chất lượng môi trường là một hàng hoá không có giá thị trường, do đó phương pháp này phải sử dụng một thị trường thay thế thể hiện được giá trị của hàng hoá chất lượng môi trường. Ở đây ta xem xét thị trường thay thế là thị trường bất động sản, với sản phẩm là nhà ở và đất đai, các sản phẩm này gắn liền với chất lượng môi trường. Hay nói cách khác: Nếu thị trường nhà đất là cạnh tranh hoàn hảo thì giá trị môi trường sẽ được phản ánh trong giá nhà đất. Điều này có nghĩa là giá của nhà ở hay giá của đất đai bao gồm cả giá của chất lượng môi trường xung quanh.

Ví dụ: trường hợp hai căn nhà A và B. Hai ngôi nhà này có kiến trúc, vật liệu và một số tính chất khác tương tự nhau, ngoại trừ nhà A ở xa nguồn phát sinh ô nhiễm, nhà B ở gần nguồn phát sinh ô nhiễm. Giá của nhà A cao hơn nhà B 50.000$. Sự chênh lệch về giá của hai ngôi nhà này (50.000$) chính là khoản tiền trả để được hưởng chất lượng môi trường trong lành.

Để đo lường ảnh hưởng của thuộc tính môi trường lên phúc lợi của các cá nhân, phương pháp định giá hưởng thụ sẽ làm rõ một số nội dung:

+ Xác định sự chênh lệch giá trị tài sản do có sự khác biệt về chất lượng môi trường giữa các tài sản.

+ Suy ra giá sẵn lòng trả cho sự cải thiện chất lượng môi trường là bao nhiêu và giá trị xã hội của sự cải thiện này.

* Định giá gián tiếp sử dụng thị trường thông thường gồm có:

(1) Phương pháp thay đổi năng suất (Changes In Productivity): Phương pháp này xác định giá trị của các tác động (hay các ảnh hưởng) môi trường bằng cách đo lường thay đổi trong sản lượng sản xuất do những thay đổi môi trường gây nên. Nói cách khác, chất lượng môi trường được xem như là một đầu vào của quá trình sản xuất. Sản phẩm tạo ra phải được trao đổi, mua bán trên một thị trường cụ thể, thì mới được gọi là phương pháp thay đổi năng suất, còn nếu sản phẩm làm ra mà không bán thì không gọi là phương pháp thay đổi năng suất.

Ví dụ: Việc cải thiện chất lượng nước tưới dẫn đến năng suất cây trồng tăng lên, từ đó sản lượng tăng lên. Sau đó, sản phẩm được mua bán trên thị trường. Giá trị của việc cải thiện chất lượng nước tưới được đo lường bằng phần giá trị sản lượng tăng lên sau khi có sự cải thiện chất lượng nước tưới so với trước khi có sự cải thiện chất lượng nước tưới cho cây trồng.

a. Đối tượng

Như đã giới thiệu trong phần tổng quan các phương pháp định giá tài nguyên môi trường, phương pháp thay đổi năng suất được sử dụng để tính toán giá trị sử dụng của các sản phẩm dịch vụ sinh thái (chất lượng môi trường). Lúc này chất lượng môi trường được xem như là một đầu vào của quá trình sản xuất.

b. Bản chất của phương pháp

Phương pháp thay đổi năng suất được sử dụng để tính toán giá trị thay đổi của chất lượng môi trường.

Trong trường hợp này, chất lượng môi trường được xem như là một đầu vào của sản xuất. Sự cải thiện chất lượng môi trường dẫn đến năng suất tăng lên. Từ đó sản phẩm làm ra được mua bán trên một thị trường cụ thể. Lúc này người ta gọi đây là phương pháp thay đổi năng suất.

Trường hợp chất lượng môi trường là một đầu vào của sản xuất, nhưng sản phẩm làm ra không được mua bán trên một thị trường cụ thể thì người ta không gọi là phương pháp thay đổi năng suất.

Theo cách phân tích trên, giá trị thay đổi của chất lượng môi trường được thể hiện ở giá trị sản lượng tăng lên.

Vậy để xác định giá trị thay đổi của chất lượng môi trường, ta xác định thông qua giá trị năng suất (sản lượng) tăng thêm sau khi có sự cải thiện chất lượng môi trường.

Ví dụ: Một vùng sản xuất rau, do ở gần một nhà máy sản xuất công nghiệp, chịu ảnh hưởng của chất thải từ nhà máy nên nguồn nước tưới cho rau bị ô nhiễm, từ đó năng suất rau giảm đi. Người ta đang tiến hành biện pháp xử lý nguồn nước ô nhiễm, giá trị của việc cải thiện chất lượng nước có thể được đo bằng phần giá trị năng suất rau tăng thêm sau khi chất lượng nước tưới được cải thiện.

Tại sao chúng ta phải đo lường giá trị thay đổi của chất lượng môi trường thông qua giá trị năng suất (sản lượng) tăng thêm? Bởi vì chất lượng môi trường không có giá (hay không có thị trường), nhưng sản phẩm làm ra từ quá trình sản xuất và được mua bán trên thị trường thì sẽ có giá thị trường và ta có thể thu thập được các thông tin về giá cả và sản lượng sản phẩm. Từ đó, ta tính được giá trị thay đổi trong sản lượng sản xuất. Giá trị thay đổi sản lượng sản xuất này cũng chính là giá trị thay đổi của chất lượng môi trường.

c. Ưu điểm, nhược điểm của phương pháp thay đổi năng suất

Ưu điểm

Phương pháp này được sử dụng một cách trực tiếp và dễ hiểu.

Dựa vào giá quan sát được trên thị trường, và mức sản lượng quan sát được, các dữ liệu thu thập có thể có sẵn, do đó phương pháp này có thể tương đối ít tốn kém chi phí khi áp dụng.

Nhược điểm và các giới hạn của phương pháp

Cần phải xác định được hàm số liều lượng - đáp ứng.

Trong quá trình tính toán sẽ gặp khó khăn trong việc ước tính dòng sản lượng theo thời gian.

Khi định giá một hệ sinh thái, không phải tất cả các dịch vụ đều liên quan đến việc sản xuất hàng hoá thị trường. Vì vậy, giá trị được suy ra ở đây của hệ sinh thái có thể không đúng là giá trị thật của nó.

Nếu sự thay đổi của tài nguyên thiên nhiên ảnh hưởng đến giá thị trường của hàng hoá cuối cùng, hay các giá cả của bất cứ đầu vào nào, thì việc áp dụng phương pháp này trở nên phức tạp và khó khăn hơn nhiều.

 (2) Phương pháp chi phí bệnh tật: xác định giá trị tác động hay ảnh hưởng môi trường bằng cách đo lường các thay đổi về tình trạng bệnh tật (tình trạng sức khoẻ) do  tác động môi trường gây nên.

Ví dụ: số bệnh nhân bị bệnh đường hô hấp tăng lên do ô nhiễm không khí tăng.

a. Đối tượng

Như đã trình bày trong phần tổng quan các phương pháp định giá tài nguyên môi trường, phương pháp chi phí bệnh tật được sử dụng để đo lường giá trị sử dụng trong tổng giá trị kinh tế của tài nguyên môi trường.

Phương pháp chi phí bệnh tật đo lường thay đổi trong các chi phí khám chữa bệnh, mà các bệnh tật này bắt nguồn từ các thay đổi trong chất lượng môi trường (do ô nhiễm môi trường gây nên).

Ví dụ: Không khí ô nhiễm làm gia tăng số bệnh nhân bị bệnh đường hô hấp. Từ đó gia tăng chi phí khám chữa bệnh. Giá trị tăng lên do chi phí khám chữa bệnh cũng chính là giá trị thay đổi chất lượng môi trường.

Sau đây ta liệt kê một số vấn đề môi trường phổ biến có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ:

+ Các hợp chất hữu cơ trong sản xuất có thể gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, mà nguồn nước ngầm này được sử dụng làm nước uống cho con người, từ đó ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

+ Việc xử lý không tốt nước cống hay các bình chứa hoá chất độc hại, có thể dẫn đến phát tán vi khuẩn, virut, và gây bệnh tật cho con người.

+ Ô nhiễm không khí do nhiều loại khí thải công nghiệp (SO2, CO2) có thể làm gia tăng mức độ tấn công của các bệnh hen suyễn, bệnh đường hô hấp.

+ Sự phát thải từ một số phương tiện sản xuất của công ty, nhà máy có chứa một số chất độc hại (ví dụ: chất CFC) gây ô nhiễm không khí, làm mỏng tầng ozon, từ đó gây sự gia tăng mật độ tia phóng xạ, tia cực tím và gia tăng phạm vi tác động của bệnh ung thư da.

b. Bản chất

Phương pháp chi phí bệnh tật được phát triển dựa trên lý thuyết về vốn sức khoẻ. Phương pháp này được sử dụng để xác định giá trị của ảnh hưởng môi trường bằng cách đo lường các thay đổi về tình trạng bệnh tật (hay tình trạng sức khoẻ) do ảnh hưởng môi trường gây nên.

* Mục đích việc xác định giá trị ảnh hưởng môi trường thông qua chi phí bệnh tật:

+ Khẳng định sự nghiêm trọng của vấn đề ô nhiễm, đánh giá các thiệt hại do ô nhiễm gây ra và hướng mọi người đến vấn đề bảo vệ môi trường để giảm các chi phí bệnh tật do ô nhiễm môi trường gây ra.

+ Đánh giá lợi ích, chi phí môi trường từ một dự án tác động như thế nào đến sức khoẻ con người, từ đó đưa ra các kế hoạch ưu tiên (là kế hoạch mà tác động môi trường ít gây hại lên sức khoẻ con người nhất).

+ Thuyết phục các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là các cơ quan lập kế hoạch. Chúng ta xem xét hai cách để thuyết phục nhà hoạch định chính sách lựa chọn và đưa ra quyết định đúng đắn

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#dgia