Pt mqh tt+lluan

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa thực tiễn và lý luận và rút ra ý nghĩa ?

* Thực tiễn:

Theo triết học DVBC thực tiễn là một phạm trù triết học dùng để chỉ toàn bộ hoạt động vật chất cảm tính có tính lịch sử xã hội của con người nhằm mục đích cải tạo tự nhiên và xã hội.

Theo triết học Mac - Lênin thì thực tiễn có 3 hình thức cơ bản sau:

- Hoạt động sản xuất vật chất: đây là thực tiễn có sớm nhất, cơ bản nhất, quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển của xã hội.

- Hoạt động cải tạo chính trị xã hội, quan hệ xã hội: như đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh giải phóng giai cấp, xây dựng thiết chế dân chủ...

- Những hoạt động thực nghiệm khoa học: đây là hình thức đặc biệt bởi lẽ nghiên cứu tự nhiên và xã hội trong điều kiện thí nghiệm cũng như việc thực nghiệm chuyển giao khoa học kỹ thuật hay vận dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất vật chất trên cơ sở cải tạo thế giới phục vụ con người.

Ba hình thức trên có quan hệ bổ sung, hỗ trợ cho nhau, trong đó sản xuất vật chất đóng vai trò quyết định, 2 hình thức còn lại đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất vật chất.

*Lý luận :

Theo triết học DVBC lý luận khoa học là hệ thống những tri thức được khái quát từ những kinh nghiệm thực tiễn và cả những mối liên hệ bản chất mang tính quy luật của các sinh vật hiện tượng trong thế giới khách quan và được biểu đạt bằng hệ thống các nguyên lý, phạm trù, quy luật.

Từ khái niệm trên cho ta thấy lý luận có những đặc trưng sau đây:

- Cơ sở của lý luận là những tri thức kinh nghiệm thực tiễn.

- Lý luận có tính khái quát hóa, trừu tượng hóa cao.

- Lý luận có khả năng phản ánh bản chất sâu xa của sự vật hiện tượng.

* Mối quan hệ biện chứng giữa thực tiễn và lý luận:

Đây là mối quan hệ tác động qua lại 2 chiều, thực tiễn quyết định lý luận và lý luận tác động lên thực tiễn.

- Thực tiễn quyết định lý luận:

+ Thể hiện ở chỗ quyết định cả về nội dung, nhiệm vụ, khuynh hướng phát triển lý luận. Hay nói cách khác, thực tiễn thế nào thì lý luận thế ấy, thực tiễn thay đổi thì sớm muộn gì lý luận cũng thay đổi bởi vì thực tiễn đóng vai trò là cơ sở, là động lực, là mục đích của nhận thức.

+ Thực tiễn là cơ sở, là động lực của nhận thức: Theo triết học DVBC thì hoạt động thực tiễn là cơ sở động lực trực tiếp của nhận thức lý luận bởi lẽ:

• Bằng hoạt động thực tiễn, thông qua thực tiễn con người tác động vào sự vật hiện tượng làm cho chúng bộc lộ bản chất, tính chất, trên cơ sở đó con người mới hiểu, biết được sự vật hiện tượng nghĩa là thực tiễn cung cấp tri thức, sự hiểu biết cho con người.

• Thực tiễn đã đề ra nhu cầu nhiệm vụ, phương hướng đòi hỏi lý luận phải trả lời trên cơ sở đó thúc đẩy lý luận phát triển.

• Thực tiễn là cơ sở để rèn luyện các giác quan của con người, trên cơ sở đó thúc đẩy nhận thức, thúc đẩy lý luận phát triển.

• Thực tiễn là cơ sở chế tạo ra các công cụ, phương tiện hỗ trợ cho con người nhận thức có hiệu quả hơn trên cơ sở đó thúc đẩy lý luận phát triển.

• Thực tiễn là mục đích của nhận thức: Theo triết học MLN chính thực tiễn là mục đích nhận thức của lý luận, chỉ có lý luận phục vụ cho thực tiễn đích thực bởi lẽ: nhận thức của con người ngay từ khi con người xuất hiện trên trái đất đã bị quy định bởi nhu cầu thực tiễn. Hơn nữa những kết quả nhận thức của lý luận chỉ có giá trị đích thực khi đã vận dụng vào thực tiễn, nếu lý luận mà không vì thực tiễn thì lý luận sẽ mất phương hướng hay còn gọi là lý luận suông.

Theo triết học MLN chỉ có thực tiễn mới khẳng định chân lý bác bỏ sai lầm nghĩa là thực tiễn là tiêu chuẩn để kiểm tra sự đúng đắn về kết quả nhận thức của lý luận, bằng thực tiễn con người có thể vật chất hoá tri thức, hiện thực hoá lý luận, trên cơ sở đó khẳng định được sự đúng sai của lý luận.

- Lý luận tác động trở lại thực tiễn:

Mặc dù lý luận có bị quy định bởi thực tiễn nhưng nó có tính độc lập tương đối so với thực tiễn cho nên nó có thể tác động trở lại thực tiễn theo 2 hướng cơ bản sau:

+ Nếu lý luận ra đời mà phù hợp với thực tiễn thì sẽ thúc đẩy thực tiễn phát triển nhanh chóng.

+ Nếu lý luận ra đời mà không phù hợp với thực tiễn thì sẽ kìm hãm thực tiễn phát triển.

Mức độ và hiệu quả của lý luận đối với thực tiễn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

+ Tính đúng đắn khoa học của lý luận.

+ Phụ thuộc vào mức độ thâm nhập vào quần chúng cách mạng ở mức độ nào.

+ Phụ thuộc vào sự vận dụng đúng đắn sáng tạo hay không bởi chủ thể lãnh đạo.

Vai trò của lý luận đối với thực tiễn: lý luận có 1 vai trò to lớn đối với thực tiễn ở chỗ:

+ Soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo hoạt động thực tiễn đi đúng hướng.

+ Giáo dục, động viên, thuyết phục tập hợp quần chúng để tạo thành phong trào hoạt động thực tiễn rộng lớn trên cơ sở đó cải tạo tự nhiên và xã hội.

+ Do sức mạnh nội tại của mình lý luận đóng vai trò là dự báo định hướng cho hoạt động thực tiễn của con người.

* Ý nghĩa phương pháp luận:

- Phải coi trọng cả lý luận và thực tiễn, không được tuyệt đối hoá thực tiễn, coi thường lý luận sẽ dẫn đến bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, ngược lại không được tuyệt đối hoá lý luận, coi thường thực tiễn sẽ dẫn đến bệnh giáo điều, rập khuôn, máy móc.

- Quán triệt tốt nguyên tắc tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn.

- Tăng cường tổng kết thực tiễn, bổ sung hoàn thiện phát triển lý luận đồng thời trao dồi lý luận, nâng cao trình độ lý luận để chỉ đạo hoạt động thực tiễn có hiệu quả.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#lyrics