Chương một

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi đủ khôn ngoan để nhận ra rằng đời này chẳng còn gì đáng sống, nhưng nào có đủ dũng khí để có thể lựa chọn từ giã cõi đời ấy. Cứ như vậy, tôi bị mắc kẹt tại cổ họng của cuộc đời đầy nguyền rủa này. Đời này dường như không chịu để tôi đi, cũng chẳng chịu nuốt trôi tôi.

Thật đấy, nói chung sinh mệnh tôi cứ sa lầy mãi trong một vòng luẩn quẩn, thế nên đâm ra tôi chỉ ước rằng hoặc là bước ra đường bị xe cán chết, hoặc là trúng số độc đắc để đổi vận. Kỳ thực, tôi biết tỏng ước vậy có phần viển vông, vì cố nhiên cũng chẳng thay đổi được gì. Đời người sinh ra vốn đã là một tội lỗi, mà ai cũng phải học cách sống để gánh chịu. Phải, vốn dĩ không có lối thoát nào cả, và chẳng ai hình dung được ngày dài ra sao. Ngày dài lê thê là vậy, rồi ngày này cứ tràn qua ngày khác, khiến tôi chẳng cảm nhận nổi thời gian mang ý niệm gì, nhưng nhiều lúc sự thể lại chỉ trôi qua trong một thoáng chớp mắt. Điều duy nhất tôi mường tượng nổi là hiện tại, thứ cảm giác nhập nhằng, mơ hồ khi một thoáng hoài niệm về quá khứ lại vô tình bắt gặp một nỗi lo âu về tương lai.

Nói nhằng nhì là vậy, chứ chung quy cái việc ấy chỉ đơn giản là tôi thiếu đi dũng khí và chỉ dám dựa mình vào dòng chảy của cuộc đời. Nhưng đó là chuyện của trước kia. Sau ngày chuyển đến Kalpisy khi nghe tin mẹ mất, tôi chợt nhận ra mình chẳng còn lại gì cả, chẳng gì hết, và thế là nghiễm nhiên tôi có đủ cam đảm để từ giã cuộc đời này. Nhân tiện, nếu bạn thực tình muốn biết, thì chỉ ngay đêm nay thôi, tôi sẽ đưa ra lựa chọn mà tôi đã cân nhắc chán vạn lần rồi, ấy là đặt dấu chấm hết cho sự sống này. Tuần trước, tôi có sắm một khẩu lục ngắn, kèm theo một băng đạn nhỏ, bỏ rẻ cũng tầm hai ngàn bạc - ngang với một nửa tiền ăn hàng tháng của tôi. Cố nhiên, tôi không mảy may đắn đo gì, phần vì độ nay tôi cũng khá rủng rỉnh - tôi nhận được một khoản kha khá sau khi viết bài kí sự về Vấn nạn dùng thuốc ở độ tuổi vị thành niên tại Luân Đôn cho tờ Thế giới mới. Hơn nữa, chết đến nơi rồi thì chẳng mấy ai bận tâm tới của để dành, đúng thế không? Nhưng nếu bỏ không thì nghĩ cũng uổng, thử nghĩ mà xem, vì đâu ai muốn số tiền ấy lại chia chác vào tay lũ cớm. Thành thử tôi có viết di chúc để lại, ấy là xin hãy chôn cất tôi - Eddiot, kề bên mộ bà Philaps, con trai bà, và xin hãy quyên góp khoản dành dụm mà tôi để lại được cho trại trẻ mồ côi ở quê nhà Biverap. Cuối cùng thì, tôi chẳng biết là mình nên mừng rỡ vì rốt cuộc cũng có đủ dũng khí để lìa xa đời này, hay nên u sầu vì lựa chọn đầu hàng trước số phận. Nói chung, tôi chẳng cảm thấy gì mấy. Trước giờ vốn dĩ vẫn vậy.

Đêm nay sẽ là Giáng Sinh. Đêm qua tôi thức cả đêm, chẳng làm gì cả. Tôi muốn chợp mắt nhưng không sao ngủ được, cố nhiên chỉ thao thức ngắm nhìn trần nhà. Cái rét cắt da cắt thịt khiến tôi chẳng muốn rời khỏi giường. Tôi tính với tay lên đầu giường, lấy đại một cuốn sách để đọc nhưng bèn thôi, vì bấy giờ đầu tôi cứ trống rỗng, chẳng suy nghĩ được gì nhiều. Tới độ ba rưỡi đêm, tôi ngồi bật dậy, rồi chợt nghĩ bụng rằng chết luôn đêm nay cũng được. Chẳng cần gì nhiều nhặn, tôi sẽ không dùng đến khẩu súng lục, chỉ việc mặc phong phanh ra đường rồi ngồi bệt dưới thềm nhà. Gió và tuyết Luân Đôn sẽ thay phiên tiễn đưa tôi về một chốn an lành hơn. Nhưng đắn đo một hồi, tôi bèn nghĩ nếu chẳng may thất bại, họ sẽ gửi tôi lại tá túc tại viện xá. Tệ hơn nữa là nếu chẳng may ai đọc được tấm di chúc ấy, họ sẽ báo lại với cảnh sát - dân xứ này vốn tọc mạch ra trò, và gửi tôi tới một trại an dưỡng để điều trị. Với cả, Giáng Sinh là dịp lễ ưa thích của tôi, nên tôi mới chọn đích xác ngày ấy để tự vẫn. Dẫu rằng chết vào đêm Giáng Sinh nghĩ cũng buồn lắm, nhưng chí ít tôi thấy lòng mình được an ủi phần nào khi nghĩ đến cảnh tượng được quây quần bên gia đình sau khi mất. Cuối cùng, tôi rời khỏi giường, gấp chăn gọn vào một bên rồi ngồi tựa lên thành ghế bành, ngắm nhìn cửa sổ một hồi lâu rồi bắt đầu ngân nga những ca khúc Giáng Sinh. Giọng tôi vốn dĩ dở tệ, và nói chung tôi cũng không thích ca hát gì mấy, nhưng tôi chợt nghĩ có lẽ đấy là lần cuối mình được hát, nên chẳng có gì phải ngần ngại. Tôi hát về Chúa, mặc dầu không theo đạo Cơ Đốc, và hát về bầu trời đêm Luân Đôn phủ tuyết. Cứ thế, tôi ngồi ngân nga thẫn thờ như thằng gàn dở, tuyết ơi hãy xuống thật dày, xin nhấn chìm tôi trong biển tuyết này. Thoáng tôi nghe thấy tiếng ông Trevor ở lầu trên vọng xuống chửi tôi là quân mất giống, thứ dở người; nhưng tôi vẫn mặc kệ và ngồi hát tiếp. Thậm chí, tôi còn cố hát to hơn nữa, bất chấp việc khúc nào cũng lệch nốt, và tôi hát như thể chỉ mình tôi còn tồn tại trên thế giới này. Cố nhiên, tôi làm vậy để chọc tức ông Trevor - ông già tính tình vốn hằn học và tệ lậu hết đường, và tôi biết tỏng ổng sẽ gắt gỏng tới độ phải mò xuống đây để xỉ vả tôi một trận cho ra trò. Nói chung, tôi chẳng có ác ý gì với ai cả, xưa nay vẫn vậy, mà chỉ muốn ghẹo ổng một hồi cho bõ tức. Tuần trước, tôi có về nhà muộn một bữa vì bận việc ở toà soạn - tôi phải phụ giúp anh Oliver in ấn tập san mới. Nói chung, quanh đi quẩn lại chỉ trễ hơn sau giờ khoá cổng của căn hộ tầm mười phút gì đấy, ấy thế mà ông già kiên quyết không chịu xuống mở cổng cho tôi, mặc dầu tôi đã bấm nát chuông cửa phía dưới phải tám chục bận. Thành thử, tôi phải cuốc bộ cả cây số để đến nhà nghỉ Ghauwldesque, kế bên đại lộ số ba rồi tá túc lại một đêm. Nghĩ lại đã thấy phát bực! Đấy, chung quy sự việc là như vậy, cơ mà chưa gì tôi đã nghe thấy tiếng ông già Trevor đang bước chân lạch bạch xuống lầu. Tôi cứ thế ngồi im, rồi chờ đến khi tiếng bước chân đấy to dần và dừng hẳn lại trước thềm nhà.

- Này, nhãi con! Phải cậu không hả, Eddiot!? Quỷ tha ma bắt cậu, cậu có biết bấy giờ là mấy giờ rồi không hả? - Ông già lèm bèm phía ngoài cửa. - Đừng tưởng rằng cậu đã đóng đủ tiền nhà là thích làm gì thì làm, hiểu không hả, Eddiot?

Tôi đứng dậy, vươn vai một cái rồi bước tới để mở cửa. Ông già đứng ngay phía trước, nom chẳng ra sao cả, tay cầm ngọn nến và miệng cứ giật giật liên hồi như thể sẵn sàng xỉ vả tôi bất cứ lúc nào. Tứ thời, người già lúc nào cũng mặc đi mặc lại một bộ đồ ngủ sờn vải, khuy áo chẳng bao giờ cài hết, để lộ ra túm lông ngực chĩa ra tứ phía khiến tôi không tài nào xực nổi.

- Có chuyện gì vậy, thưa bác Trevor? - Tôi nói, giả bộ uể oải rồi lấy tay dụi dụi mắt. Nói đoạn, tôi ngáp đại một cái, tỏ vẻ bực dọc vì vừa bị đánh thức.

- Phải cậu không hả, Eddiot!? Chính tôi vừa nghe thấy tiếng cậu hát hò linh tinh nãy giờ. - Ông già cằn nhằn. Ngọn lửa bập bùng phát ra từ cây nến khiến cho những nếp nhăn trên khuôn mặt ổng càng lộ rõ hơn. Khiếp, nhìn đã thấy sợ! - Cái gì mà tuyết xuống rồi, tuyết rơi rồi, hãy nhấn chìm tôi! Ngoài cậu ra thì còn ai vào đây nữa hả cậu nhóc?

- Ồ không, không phải cháu. - Tôi nói điêu không chớp mắt. Đấy cũng là một tật xấu của tôi. - Cháu biết là bác bực dọc, nhưng cháu thề đấy, cháu chỉ vừa mới tỉnh dậy. Và nếu như bác không phiền, thì cháu phải đi ngủ tiếp ngay bây giờ. Sáng sớm mai cháu phải dậy sớm để sắm sửa cho dịp lễ Giáng Sinh. - Tôi bảo, rồi lấy tay làm bộ mời ông già về, hệt như cái cách mà cô Kubelik ở toà soạn thường làm mỗi khi tiễn tôi ra vào thang máy.

- Hừ, hừ. - Ông già hằm hè rồi gằn giọng. - Đám trẻ thời này, đứa nào cũng mấy dạy cả! Thật chẳng ra làm sao, toàn một lũ trời đánh! - Nói xong, ông Trevor quay người rồi rời đi, còn tôi nhẹ nhàng khép lại cánh cửa. Chắc có lẽ ông Trevor biết tỏng là tôi, cố nhiên tôi nói dối dở tệ; nhưng có lẽ ổng chẳng dám làm gì ngoại trừ lên giọng thế. Người già ai cũng vậy cả.

Vừa nghe thấy tiềng đóng sầm cửa ở lầu trên vọng xuống, tôi bèn quay trở lại, ngồi tựa lên thành ghế bành. Bạn biết tôi sẽ làm gì tiếp rồi đấy, phải vậy không? Thế là tôi lại hát tiếp, thậm chí còn to hơn lúc trước. Đấy, tính tôi nhiều lúc xử sự như trẻ con cả, tôi biết tỏng điều đấy, nhưng không sao sửa được. Tôi chẳng thấy tội lỗi gì cả, thật đấy. Gì chứ riêng cái ngữ ông Trevor thì ai mà ngửi cho nổi! Vậy mà được một lúc, ông già dường như đã chịu thua, chẳng đoái hoài gì đến chuyện đấy nữa. Nghĩ đến cảnh tượng ông già không sao ngủ được, chỉ biết dùng gối kẹp chặt hai tai lại cho im ắng, miệng thì lẩm bẩm chửi quân mất giống là tôi lại cười khoái chí. Thành thử cứ vậy mãi đến tờ mờ sáng, tôi mới chịu gieo mình lên giường và an giấc, rồi nằm khoèo một mạch cho tới tận đầu giờ chiều.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro