Quá trình đổi mới tư duy về công nghiệp hóa của Đảng từ ĐH VI đến ĐH X

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Đại hội VI của Đảng đã cụ thể hóa nội dung chính của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên thời kỳ quá độ là thực hiện cho được ba chương trình mục tiêu: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

- Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII (tháng 1/1994) có bước đột phá mới, trước hết ở nhận thức về khái niệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa. “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ của khoa học - công nghệ, tạo ra năng xuất lao động xã hội cao”.

- Đại hội VIII của Đảng (tháng 6/1996) nhận định nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội nêu sáu quan điểm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và định hướng những nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa những năm còn lại của thế kỷ XX. Sáu quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa là:

+ Giữ vững độc lập tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; dựa vào nguồn lực trong nước là chính, đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài; xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới, hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu bằng những sản phẩm trong nước sản xuất có hiệu quả.

+ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp của toàn dân, của mọi thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo.

+ Lấy việc phát huy yếu tố con người làm yếu tố cơ bản cho việc phát triển nhanh, bền vững; động viên toàn dân cần kiệm xây dựng đất nước, không ngừng tăng cường tích lũy cho đầu tư và phát triển; tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.

+ Khoa học và công nghệ là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại, tranh thủ đi nhanh vào hiện đại ở những khâu quyết định.

+ Lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để xác định phương án phát triển; lựa chọn dự án đầu tư công nghệ; đầu tư chiều sâu để khai thác tối đa năng lực hiện có; trong phát triển mới, ưu tiên qui mô vừa và nhỏ, công nghệ tiên tiến, tạo việc làm, thu hồi vốn nhanh,…

+ Kết hợp kinh tế với quốc phòng.

- Đại hội IX (tháng 4/2001) và Đại hội X (tháng 4/2006) của Đảng tiếp tục bổ sung và nhấn mạnh một số điểm mới về công nghiệp hóa:

+ Con đường công nghiệp hóa ở nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian so với các nước đi trước. Đây là yêu cầu cấp thiết của nước ta nhằm sớm thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Cần thực hiện các yêu cầu sau: phát triển kinh tế và công nghệ phải vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt; phát huy những lợi thế của đất nước, gắn công nghiệp hóa với hiện đại hóa, từng bước phát triển kinh tế tri thức; phát huy nguồn lực trí tuệ và sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam, đặc biệt coi trọng phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, xem đây là nền tảng và động lực cho công nghệp hóa.

+ Hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta là phát triển nhanh và có hiệu quả các sản phẩm, các ngành, các lĩnh vực có lợi thế, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

+ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải bảo đảm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

+ Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

 

Câu 11: Mục tiêu và quan điểm CNH, HĐH của đảng ta thời kỳ đổi mới.

a. Mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

- Mục tiêu cơ bản là cải biến nước ta thành một nước công nghiêp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, mức sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng - an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

- Đại hội X xác định mục tiêu cụ thể hiện nay là đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức để sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại

b. Quan điểm công nghiệp hoá, hiện đại hoá

 - Một là, công nghiệp hoá gắn với hiện đại hóa và công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức.

Hiện nay, tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và xu thế hội nhập toàn cầu hoá đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với đất nước. Nước ta cần phải và có thể tiến hành công nghiệp hóa theo kiểu rút ngắn thời gian, không trải qua các bước phát triển tuần tự từ kinh tế nông nghiệp lên kinh tế công nghiệp rồi mới phát triển kinh tế tri thức.

Kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hai là, công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là sự nghiệp của toàn dân, của mọi thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Phương thức phân bổ nguồn lực để công nghiệp hoá được thực hiện chủ yếu bằng cơ chế thị trường; trong đó, ưu tiên những ngành, những lĩnh vực có hiệu quả cao.

- Hội nhập kinh tế quốc tế nhằm khai thác thị trường thế giới để tiêu thụ những sản phẩm mà nước ta có nhiều lợi thế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thu hút công nghệ hiện đại, học hỏi kinh nghiệm quản lý tiên tiến của thế giới.

- Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để phát triển kinh tế và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ba là, lấy phát huy nguồn lực con người là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh bền vững.

Trong năm yếu tố chủ yếu để tăng trưởng kinh tế (vốn, khoa học và công nghê, con người, cơ cấu kinh tế, thể chế chính trị và quản lý nhà nước), con người là yếu tố quyết định. Lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ, khoa học quản lý và đội ngũ công nhân lành nghề giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu, cần đặc biệt chú ý đến phát triển giáo dục, đào tạo.

        Bốn là, khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực của công nghiệp hóa.

        Muốn đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức thì phát triển khoa học công nghệ là yêu cầu tất yếu và bức xúc. Phải đẩy mạnh việc chọn lọc nhập công nghệ, mua sáng chế kết hợp với phát triển công nghệ nội sinh. Khoa học và công nghệ cùng với giáo dục đào tạo được xem là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Năm là, phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi đôi với việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.

- Mục tiêu của công nghiệp hoá và của tăng trưởng kinh tế là vì con người; vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

- Bảo vệ môi trường tự nhiên và bảo tồn sự đa dạng sinh học chính là bảo vệ điều kiện sống của con người và cũng là nội dung của sự phát triển bền vững.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro