QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP NHO - PHẬT - ĐẠO TỪ ĐẦU CN ĐẾN GIỮA XIX

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


1.1. Khái quát quá trình du nhập và phát triển của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo (từ đầu Công nguyên đến giữa thế kỷ XIX)

1.1.1. . Quá trình du nhập và phát triển Nho giáo ở Việt Nam

Nho giáo là một học thuyết chính trị - xã hội, đạo đức, ra đời ở Trung Quốc thời cổ đại do Khổng Tử sáng lập. Suốt hơn một ngàn năm Bắc thuộc các triều đại phong kiến phương Bắc đã không ngừng truyền bá Nho giáo (Hán nho) với mục đích đồng hóa dân tộc Việt.

Ở thời Bắc thuộc, sự phổ biến Nho giáo vào Việt Nam nằm trong âm mưu đồng hóa dân tộc ta của giai cấp thống trị phong kiến phương Bắc. Chính vì thế, sự thể hiện của Nho giáo là hết sức mờ nhạt trong xã hội cũng như trong triều đình. Bộ máy quan liêu chặt chẽ cùng với chế độ khoa cử dựa trên tầng lớp sĩ phu chưa được thiết lập. Tầng lớp trí thức của xã hội không phải là các Nho sĩ mà là các vị cao tăng.

Thời Lý - Trần có thể coi là thời kì bước đầu phát triển của Nho giáo ở Việt Nam. Nho giáo bắt đầu có chỗ đứng trong xã hội. Tuy vậy, trong thời gian này Nho giáo chỉ được tiếp thu trong tầng lớp cầm quyền, ở triều đình và cả lộ phủ, còn trong dân gian Phật giáo vẫn giữ vai trò chủ đạo và có ảnh hưởng sâu đậm hơn nhiều so với Nho giáo.

Vào cuối thời Trần sang thời Hồ, Hồ Quý Ly đã thể hiện tư tưởng trọng Nho bằng việc viết sáchMinh Đạogồm 14 thiên, soạnQuốc ngữ Thi nghĩavà dịch thiên Vô dậttrongThượng thưra quốc ngữ.

Thời Lê sơ, với những điều kiện thuận lợi khách quan tác động đã làm cho Nho giáo phát triển hơn so với thời Lý - Trần và đạt tới vị trí độc tôn dưới thời Lê Thánh Tông.

Ở các thế kỷ XVI - XVII, giai cấp thống trị ở Đàng Ngoài cũng như ở Đàng Trong, tuy ở mức độ khác nhau nhưng đều xem Nho giáo là nền tảng tư tưởng của mọi thiết chế chính trị, xã hội.

Bước sang thế kỷ XIX, các vua đầu triều Nguyễn nhận thức được vai trò quan trọng của Nho giáo trong việc củng cố chế độ phong kiến tập quyền chuyên chế nên đã lấy Nho giáo làm quốc giáo, tổ chức và phát triển giáo dục Nho học.

1.1.2. Quá trình du nhập và phát triển Phật giáo ở Việt Nam

Khác với Nho giáo, Phật giáo được truyền bá vào nước ta bằng con đường hòa bình. Vào đầu công nguyên, Phật giáo từ Ấn Độ được trực tiếp truyền vào Việt Nam theo đường biển cùng với các thương nhân. Làn sóng du nhập Phật giáo từ Trung Quốc truyền sang Việt Nam muộn hơn. Có ba tông phái lớn của Phật giáo từ Trung Quốc được truyền bá vào Việt Nam đó là Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông, trong đó Thiền tông giữ vai trò nổi bật và quan trọng. Sự xuất hiện của Thiền tông ở nước ta thời kì này thể hiện bước tiến mới của Phật giáo, với các dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi (thế kỷ VI) và dòng thiền Vô Ngôn Thông (thế kỷ IX).

Thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, sau khi nước ta giành được độc lập, tự chủ đạo Phật ngày càng được phát triển nhanh chóng, trở thành tôn giáo chiếm ưu thế trong xã hội và có những đóng góp tích cực cho đất nước.

Sang thời Lý - Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, có thể coi là đỉnh cao hội nhập của Phật giáo vào văn hóa Việt Nam.

Đến nhà Hồ, Phật giáo có chiều hướng giảm sút. Hồ Quý Ly đã ra lệnh sa thải bớt tăng đồ, ai chưa đến năm mươi tuổi phải hoàn tục, và tổ chức thi về giáo lý nhà Phật, ai thông hiểu mới được ở lại làm sư. Tuy vậy, ảnh hưởng của Phật giáo vẫn còn rất sâu đậm trong xã hội, nhất là tại các làng xã.

Phật giáo đã trải qua thời kì phát triển cực thịnh dưới hai triều đại Lý - Trần, sang đến đời hậu Lê. Những thập niên đầu của thế kỷ XVII xuất hiện những môn phái mới của Phật giáo như Lâm Tế, Tào Động. Thời Trịnh - Nguyễn, Phật giáo ở một mức độ nhất định được các chúa ủng hộ. Nhưng sang thế kỷ XIX, Phật giáo đã không còn được ưa chuộng khi triều Nguyễn thành lập. Mặc dầu không được sự ủng hộ của triều đình song Phật giáo vẫn có sức sống mạnh mẽ trong đời sống của nhân dân.

1.1.3. Quá trình du nhập và phát triển của Đạo giáo ở Việt Nam

Đạo giáo được truyền bá vào nước ta, có lẽ vào thời suy vi của nhà Đông Hán (hay còn gọi là Hậu Hán), nhưng ảnh hưởng của Đạo giáo lúc này còn rất hạn hẹp. Từ khoảng đầu thế kỷ thứ V trở đi, Đạo giáo mới được truyền bá ngày càng mạnh mẽ ở nước ta, đặc biệt nhất là dưới thời đô hộ của nhà Đường.

Thời Bắc thuộc, không chỉ Đạo giáo phù thủy mà cả Đạo giáo thần tiên cũng dễ xâm nhập vào nước ta bởi vì chính nó cũng dựa vào ma thuật, thần bí và dựa vào những kì phương, dị thuật phổ biến trong các tầng lớp xã hội.

Thời Đinh - Tiền Lê, Đạo giáo gắn với Phật giáo, nhiều nhà sư đồng thời là đạo sĩ giỏi về phép thuật. Thời kỳ này các vị vua nước ta rất tin Đạo giáo, nên đã sử dụng để trừ yêu, diệt tà.

Ở thời Lý - Trần, trong guồng máy nhà nước, từ triều đình trung ương đến địa phương có một bộ phận quan lại xuất thân là Đạo sĩ. Thời kỳ này, số lượng đền miếu, Đạo quán được xây dựng ngày càng nhiều, quy mô cũng rất đa dạng.

Từ thế kỷ XV, Nho giáo dành được địa vị độc tôn trên vũ đài chính trị, tư tưởng của dân tộc. Cùng với Phật giáo, Đạo giáo bị bài xích và hạn chế phát triển. Tuy vậy, từ đầu thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII, đất nước ở trong tình trạng biến động chính trị sâu sắc đã tao điều kiện cho Phật giáo và Đạo giáo có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Bước sang thế kỷ XIX, thái độ của nhà Nguyễn đối với Đạo giáo nhìn chung là rất cởi mở.

1.2. Qúa trình hội nhập của Nho - Phật - Đạo ở Việt Nam

1.2.1. Thời kỳ từ đầu công nguyên đến thế kỷ X

ØMối quan hệ Nho - Phật - Đạo được hình thành từ khi nào?

Nho, Phật, Đạo du nhập vào nước ta trong hoàn cảnh đất nước bị phương Bắc đô hộ, trên nền truyền thống dân tộc và những tín ngưỡng bản địa đã có từ lâu đời. Vào khoảng đầu Công nguyên Nho giáo đã được truyền bá vào Việt Nam, đến thế kỷ II ngoài Nho giáo ở đây còn có thêm Phật giáo.

Sang thế kỷ III, Đạo giáo cũng có mặt ở Giao Châu, hình thành cái thế Nho - Phật - Đạo trên đất Việt. Thời Sĩ Nhiếp (136 - 226) làm thái thú đã theo đòi nghiệp Nho nhưng không phải là một nhà Nho chính thống mà ông còn là một nhà Đạo học, một đạo sĩ nổi tiếng; ông còn thu nhận nhiều người Ấn theo đạo Bàlamôn hay theo đạo Phật để bày những lễ bái nghi tiết. Có thể nói: “Nho - Phật - Lão bắt đầu quyện vào nhau dưới chiếc gậy chỉ huy của thái thú Sĩ Nhiếp” [4;82-90].

ØMối quan hệ giữa Nho - Phật - Đạo ở nước ta từ đầu công nguyên đến thế kỷ X như thế nào?

- Trong những thế kỷ đầu công nguyên, dù được truyền bá với mức độ khác nhau nhưng trong xã hội, đạo lý của Nho giáo, Phật giáo hay Đạo giáo lúc bấy giờ cũng chưa lấn át được đạo lý truyền thống của người Việt. Đồng thời, đây cũng là thời kỳ tam giáo đấu tranh, tranh luận với nhau để khẳng định vai trò của mình. Xuất phát từ mục đích của Nho - Phật - Đạo :

+ Đối với Nho giáo, với ưu thế được nhà nước phong kiến phương Bắc bảo trợ làm công cụ thống trị, Nho giáo muốn vươn lên vị trí độc tôn.

+ Trong khi đó, Phật giáo lại có ưu thế gần gũi với người dân, do Phật giáo nêu ra những điều đáp ứng tâm lý, nguyện vọng của dân. Nhưng do từ phương xa đến nên để có điều kiện truyền bá, Phật giáo phải thừa nhận vị trí hợp pháp của Nho giáo trước khi truyền bá đạo của mình.

+ Nho giáo muốn độc tôn, Nho giáo yêu cầu Phật giáo, Đạo giáo phải làm rõ vai trò để có lý do tồn tại. Phật giáo, Đạo giáo cũng thấy phải làm rõ bản thân mình để phá thế độc quyền của Nho giáo, các cuộc tranh luận vì thế đã nổ ra.

- Cuộc tranh luận thứ nhất phần nào diễn ra ở đất Giao Chỉ (cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III). Cuộc tranh luận đó diễn ra song song với các cuộc tranh luận giữa Nho giáo và Đạo giáo. Cả hai cuộc tranh luận đó đều tác động đến Mâu Tử (Mâu Bác), đang tị nạn ở Giao Chỉ. Bản thân Mâu Tử đã trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh của Nho giáo chống Đạo giáo, còn cuộc đấu tranh giữa Nho giáo và Phật giáo, ông để tâm theo dõi và tỏ ra có thiện cảm với Phật giáo. Sau này, về đất Thương Ngô ông tìm hiểu về lý thuyết của Nho giáo, Đạo giáo, đặc biệt là lý thuyết Phật giáo và soạn nên tác phẩm Lý hoặc luận (làm rõ những điều hoặc) thể hiện xu hướng tư tưởng thiên về Phật của mình.

Khởi đầu là chuyện Mâu Tử đứng trên lập trường Nho giáo hoặc Phật giáo để phê phán Đạo giáo: “Mâu Tử thường đemNgũ kinhra vặn vẹo họ, Đạo gia thuật sĩ không ai dám ứng đối, ví Mâu Tử với Mạnh Kha chống Dương Chu, Mặc Địch” (Lý hoặc luận); Đến lượt mình Mâu Tử cũng bị phái Nho giáo chất vấn nhiều vấn đề liên quan tới Phật giáo mà ông đang sùng chuộng. Các nho sĩ cho rằng việc các nhà sư cạo trọc đầu, suốt đời không lấy vợ, thấy người khác, không làm lễ quỳ xuống đứng dậy là làm trái lời thánh nhân, không hợp, trái với đạo, không đúng với lễ giáo của Nho đạo. Kết thúc cuộc đối thoại đầy ngẫu hứng này, bên thắng thế thuộc về Mâu Tử.

- Cuộc tranh luận thứ hai diễn ra ở đất Ngô (Trung Quốc), cuộc tranh luận này giới hạn ở vấn đề: Phật giáo có gì giống Nho giáo.

- Một cuộc tranh luận nữa diễn ra ở Giao Chỉ (vào đầu thế kỷ V), giữa một bên là viên quan người Trung Quốc tên là Lý Miễu và một bên là hai nhà sư Việt Nam, tên là Thích Đạo Cao và Thích Pháp Minh, hai nhà sư bản địa có trình độ cao về Phật học. Nội dung tranh luận xoay quanh vấn đề tính chân thực của Phật. Sau cùng, quan Thứ sử hình như không còn gì để tiếp tục trao đổi cùng hai nhà sư Giao Châu nữa.

Trong khi thảo luận với Lý Miễu, ta thấy Pháp Minh có chỉ trích những người quá tin vào sự quàng xiên của Đạo giáo: “Lấy kiến giải sai lầm để che đậy cái tâm, mơ hồ mà sinh tư lự; gửi lòng dạ ở cỗ xôi bà cốt, dốc thành tâm vào câu chú đạo bùa; nắm cái tà để mong cái chính, giữ cái giả để chờ cái thật” [4, 204].

=> Như vậy, cả ba cuộc tranh luận trên cho thấy, cả Nho giáo và Phật giáo đều ra sức chứng minh sự cần thiết của của mình trong xã hội, và phê phán Đạo giáo. Qua lý lẽ của mỗi bên, cho thấy Nho giáo không thể giải đáp được hết các vấn đề của cuộc sống, cần có Phật giáo bổ sung. Phật giáo cũng không thể thỏa mãn hết yêu cầu của con người cần có Nho giáo thêm vào. Có thể thấy, ở Việt Nam từ thế kỷ X trở về trước, mối quan hệ Nho, Phật, Đạo là sự đấu tranh, tranh luận lẫn nhau, nhưng không ngoài mục đích tự khẳng định mình, giành cho mình quyền tồn tại và tiếp tục phát triển trên mảnh đất này.

Tuy nhiên, thời kì này Tam giáo không phải lúc nào cũng đấu tranh, khích bác lẫn nhau mà cũng có sự dung hợp lẫn nhau. Ví như trường hợp của Ngô Chân Lưu là nhà sư nổi tiếng ông sống vào bốn triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý. Khi còn nhỏ, Ngô Chân Lưu theo học Nho, khi lớn lên ông theo đạo Phật. Là một người thông tuệ về Phật giáo và cũng rất am hiểu về Nho giáo và Đạo giáo. Năm 971, Tăng Thống Ngô Chân Lưu được ban tên Khuông Việtđại sư. Nhà sư nhưng lại nhập triều tham chính, chẳng những thế hoàng đế còn hy vọng ông là người có khả năng “khuông phò đất Việt”. Nên có thể nói, về hình thức ông là một tăng quan, nhưng thực tiễn thì các hoạt động chính trị của ông là một phức thể của Nho và Phật.

2.1.2. Thời kỳ từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIV

Với chiến thắng Bạch Đằng năm 938, nước ta đã bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc. Từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIV, là thời kỳ hình thành và phát triển bước đầu của chế độ phong kiến Việt Nam. Chế độ phong kiến Việt Nam được hình thành và phát triển theo hướng tập quyền đã tạo ra nhu cầu sử dụng và đề cao Nho giáo như một vũ khí sắc bén trên lĩnh vực chính trị văn hóa - tư tưởng. Phật giáo, Đạo giáo có cơ sở tồn tại ở giai đoạn trước, nay có điều kiện mở rộng ảnh hưởng cả trong dân chúng và triều đình.

- Thời nhà Đinh: “Trên một cột kinh bằng đá phát hiện tại Hoa Lư (Ninh Bình, Việt Nam) năm 1987, ta thấy có ghi một người tên là Đỉnh (hoặc Hạng) Noa Tăng Noa bị giết vì tội không trung hiếu thờ cha và trưởng huynh, lại có ác tâm” [4;205]. “Trung hiếu là từ ngữ của Nho giáo, còn “ác tâm” lại là từ ngữ của Phật giáo, nghĩa là vụ án đã được xét xử và hành quyết theo lập trường Nho - Phật. Đó là minh chứng, chứng tỏ sự hỗn dung giữa Phật giáo và Nho giáo.

- Đến triều Tiền Lê, ngay từ thời Tiền Lê, sư Pháp Thuận (915 - 990) đã làm một bài thơ giải đáp cho vua Lê Đại Hành về cái gọi là ngôi chí tôn của hoàng đế:

Ngôi nước như mây cuốn/Trời Nam mở thái bình/Vô vi trên điện các/Chốn chốn tắt đao binh” [7;173].

Qua bài thơ, nhà sư đã vạch ra sự tồn tại của ngôi vua và mối quan hệ của ngôi vua với cảnh thái bình thịnh trị của đất nước. Và muốn có cảnh thái bình thịnh trị ấy, đường lối trị nước của nhà vua là phải là “vô vi”. Đó là đường lối trị nước ít nhiều chịu ảnh hưởng của đường lối “vô vi nhi trị”, thuận theo lẽ tự nhiên để muôn vật được “tự hóa” của học phái Hoàng Lão thời Tây Hán. Ở đây, ta thấy có sự dung hợp giữa đạo Phật và Đạo giáo.

- Sang thời Lý - Trần sự “dung hợp” Nho - Phật - Đạo ngày càng rõ rệt hơn sau đây là những biểu hiện cụ thể:

+ Các ông vua sùng đạo Phật như Lý Thánh Tông, đã cho thành lập Văn Miếu, tạc tượng Chu Công và Khổng Tử để thờ, mở các khoa thi Tam giáo để tuyển chọn nhân tài.

+ Dưới thời Lý -Trần, trong đạo trị nước tuy Nho giáo được tôn trọng và Nho sĩ được trọng dụng, thế nhưng đường lối trị nước, an dân, bảo vệ độc lập dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc thì lại thấm đượm tinh thần Phật - giáo: bình đẳng, dân chủ, từ bi, hỷ xả ... đến nỗi có thể nói đó là các triều đại Phật giáo trong lịch sử Việt Nam, Đạo giáo cũng ngày càng có chỗ đứng vững chắc.

ØCơ sở của sự hòa hợp Tam giáo thời kì Lý - Trần là gì?

Thời kỳ Lý Trần, “Tam giáo tịnh hành”, hội nhập Tam giáo trên cơ sở lấy Phật giáo làm bản vị. Hội nhập tam giáo thời kỳ này lấy thực hành đạo trị, lấy thiên hạ, tức phương diện chính trị xã hội (cũng đồng thời là vấn đề dân tộc) làm điểm quy kết. Tinh thần bồ tát cứu thế, tinh thần nhập thế hoà quang đồng trần của Phật giáo đời Trần và lý tưởng bình trị thiên hạ của Nho gia gặp nhau, tạo ra trạng thái khoan dung, hợp nhất của Tam giáo, là cơ sở cho Phật giáo chấp nhận Nho giáo. Các nhà sư kiêm chính trị gia thời Trần là chủ thể đứng ra tiến hành hội nhập tam giáo.

Trong hòa hợp Tam giáo, “trên khía cạnh triều chính, xã hội trần thế thì Nho sĩ thời kỳ này đảm đương vai trò lãnh đạo, điều hành mà trong tâm tư con người thì Đạo giáo phương sĩ phù thủy và Phật giáo thần hóa nằm ở vị trí chủ chốt, ngự trị trong sinh hoạt hướng về cõi siêu linh” [9;188]. Điểm quy nhập Tam giáo này có phần không thuận cho Phật giáo. Đây cũng chính làkhởi điểm để Nho gia ngày càng phát huy sở trường. Giai đoạn Lý Trần, Nho giáo còn đang ra sức tạo ảnh hưởng, cố vươn lên vị trí độc tôn. Bối cảnh Tam giáo quân bình thời đó là sự buộc phải chấp nhận đối với Nho gia khi mà nó chưa đủ sức để cải thiện vị trí của mình cả trên trường chính trị cũng như xã hội.

2.1.3. Thời kỳ từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX

- Thế kỷ XV là thời kỳ xác lập và phát triển cao độ chế độ phong kiến quân chủ chuyên chế và bộ máy Nhà nước phong kiến tập quyền quan liêu. Đặc biệt, dưới triều Lê Thánh Tông chế độ phong kiến Việt Nam đã phát triển tới giai đoạn toàn thịnh và cùng với đó là việc độc tôn Nho giáo.

Trước việc độc tôn Nho giáo, Phật giáo chuyển sang ảnh hưởng chủ yếu trong dân gian, trong nhu cầu tinh thần của dân chúng nói chung, trong đó có cả trí thức Nho học. Phật giáo không bị chối bỏ một cách cực đoan. Phật, Đạo thời kỳ này tồn tại như những nhân tố bổ sung trong đời sống tâm linh.

- Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII là thời kỳ xã hội Đại Việt xảy ra nhiều biến động. Về mặt văn hóa - xã hội, thế kỷ XVI - XVII là những thế kỷ của nền văn hóa và tôn giáo dân gian, nổi dậy chống lại văn hóa cung đình Nho giáo. Về mặt hệ tư tưởng, đây là thời kỳ khủng hoảng của hệ tư tưởng Nho - được triều Lê lấy làm hệ tư tưởng chính thống. Phật giáo và Đạo giáo dân gian trỗi dậy sau một trăm năm triều Lê muốn độc tôn Nho giáo.

Một mặt, hệ tư tưởng chính thống nhà nước Tống Nho đã suy yếu và tự biến thái, văn hóa quan lại dần dần mất thế độc tôn. Mặt khác, các trào lưu tư tưởng phi chính chính thống (Đạo, Phật) và nền văn hóa dân gian đã trỗi dậy, tác động đến cả tầng lớp Nho sĩ. Kết quả dẫn đến là một sự tái cân bằng văn hóa, hòa quyện đan xen, một hiện tượng “Tam giáo đồng nguyên” mới đã xuất hiện, tiếp cận đến một sự khai phóng đáp ứng những nhu cầu mới nảy sinh.

- Thời Mạc, Đạo giáo vốn gần gũi với Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, cũng khá phát triển. Thể hiện qua tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh, nhiều chùa ngoài việc thờ tượng Phật, còn thờ cả các tượng thuộc Đạo giáo như Ngọc Hoàng thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Ông hoàng bà chúa.

- Thời Lê - Trịnh, ngược lại với xu thế suy thoái của Nho giáo, đã rộ lên một phong trào phục hưng Phật giáo và Đạo giáo. Phật giáo lúc này đã thu hút được đông đảo tín đồ thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội: quý tộc, quan liêu, nho sĩ, bình dân, trở thành một thực tế được xã hội công nhận. Một số chúa Trịnh, chúa Nguyễn đã là những người sùng Phật, thăm viếng, đề thơ ở chùa chiền.

Nhiều đạo quán được trùng tu và xây dựng nhất là Chấn Vũ và quán Bích Câu. Chùa LinhSơn của Chưởng giáo Nguyễn Đạo Cô ở gần hồ Trúc Bạch là của phái Thanh Tịnh giáo kết hợp Phật, Đạo. Xâm nhập vào quần chúng, Đạo giáo biến thoái thành các phái phù thủy, ma thuật.

- Ở các thế kỷ XVI - XVIII thì mục đích của việc hội nhập Tam giáo thời kỳ này là “chỉnh đốn nhân tâm”.Nhân tâm là vấn đề được cả Tam giáo cùng bàn. Nho gia và Phậtgia đều chú trọng tu dưỡng cá nhân, chế ước nhân tâm. Thời kỳ này hội nhập tam giáo ít có tuyên bố, không rầm rộ, nó được tiến hành một cách lặng lẽ tự nhiên. Vấn đề nhân tâm là mối quan tâm chung, nó là nhịp nối để Nho gia tiến gần tới Phật gia và chấp nhận lẫn nhau, Nho và Phật chấp nhận lẫn nhau ở mục đích.

Việc viện dẫn các vấn đề tư tưởng của nhà Phật là sự mở rộng về tư tưởng, nhằmtới mục đích ngăn ngừa nhân tâm, khuyến thiện trừng ác. Về phương tiện và công cụ thì phi Nho nhưng mục đích cũng là hộ Đạo, ngăn ngừa nhân tâm, hoàn toàn thống nhất vớimục đích của Nho gia. Thời kỳ này, “Tam giáo đồng nguyên” hay “Tam giáo nhất nguyên” là nói về điểm xuất phát của Nho, Phật, Lão: chúng được coi như từ một cội nguồn mà ra. “Tam giáo hợp lưu” hay “Tam giáo đồng quy” là nói về nơi gặp gỡ, chỗ hội tụ của Nho, Phật, Lão, chúng được coi như cùng trở về một mối. “Tam giáo nhất trí” hay “Tam giáo nhất thể” là nói về bản chất của Nho, Phật, Lão, chúng được coi là đồng nhất với nhau, không phân biệt, không mâu thuẫn, không xung đột với nhau.

- Sang thời nhà Nguyễn, Nho giáo lại giành địa vị thống trị, nhưng tinh thần “Tam giáo đồng nguyên” không phải vì thế mà suy giảm. Nguyễn An Thiền và Nguyễn Đăng Giai là những người bàn về “Tam giáo đồng nguyên” hăng say nhất. Nguyễn An Thiền đứng từ phía Phật để nhìn Nho, nhìn Đạo; còn Nguyễn Đăng Giai đứng từ phía Nho để nhìn Phật, nhìn Lão. Cuối cùng, cả hai người đều đi tới một nhận định như nhau: ba giáo cùng xuất phát từ một nguồn.

=> Lịch sử tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XVI thế kỷ XIX đã chứng kiến một thời kỳ tịnh tồn và phát triển của “Tam giáo đồng nguyên”. “Tam giáo đồng nguyên”- sự chung sống hòa bình của ba tôn giáo chính (Nho - Phật - Đạo) đã trở thành một thực tế được xã hội Việt Nam mặc nhiên thừa nhận, được nhà nước phần nào bao dung, tạo điều kiện phát triển.

Có thể nói, ở thế kỷ này mối quan hệ tam giáo đã có sự sắp đặt lại theo sở trường và ưu thế từng học thuyết. Sự sắp đặt này chỉ có thể thực hiện được khi Nho gia đã có sự phát triển nhất định. Nho học tách khỏi khối Tam giáo, vươn lên chiếm lĩnh đời sống chính trị xã hội. Phật giáo lui vềchiếm lĩnh phần sinh hoạt dân gian, phong tục tập quán và một phần tư tưởng kẻ sĩ, tâm linh của trí thức. Trong mỗi nhà Nho đều có phần ảnh hưởng của Phật, Đạo nhưng trong thời thịnh của Nho học, với tư cách là người hành đạo, người phát ngôn chính thức của tư tưởng thánh hiền họ không thảo luận nhiều về Phật, Đạo. Ở những thời điểm đó, cái duy lý, tự lạc của Nho gia về cơ bản đủ sứcđáp ứng những nhu cầu tinh thần của thế hệ nho sĩ dấn thân yêu đời, triều đình tạo cho họ những cơ hội thoả mãn nhu cầu kinh thế, vì vậy việc tìm sang Phật, Đạo về tư tưởng ít có dịp biểu hiện. Có thể nói trong thế kỷ XV và các thế kỷ sau đó, tinh thần khai phóng, cởi mở “Tam giáo tịnh hành” của nhà Lý - Trần đã biến mất.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro