Quan he phap luat

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

QUAN HỆ PHÁP LUẬT

I.Khái niệm, đặc điểm, phân loại quan hệ pháp luật (QHPL)

1.Khái niệm

- QHPL là những quan hệ giữa người với người, được nảy sinh trong xã hộ̣i được các quy phạm Pháp luật điều chỉnh, trong đó các chủ thể tham gia có những quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định và đảm bảo thực hiện bằng sự cưỡng chế của nhà nước.

- QHPL là hình thức đặc biệt của quan hệ xã hội. Nó tồn tại trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và có liên hệ mật thiết với các loại hình quan hệ xã hội khác.

Ví dụ: quan hệ giữa nam với nữ muốn trở thành quan hệ vợ chồng thì đôi bên nam nữ phải tuân thủ các quyền và nghĩa vụ do luật hôn nhân và gia đình quyết định. Khi đó quan hệ giữa đôi bên nam nữ mới trở thành quan hệ pháp luật về hôn nhân.

Tóm lại, QHPL là hình thức pháp lý của quan hệ xã hội dưới tác động điều chỉnh của các quy phạm pháp luật.

*/ Phân biệt QHPL với QHXH : Không phải dưới tác động của quy phạm pháp luật, quan hệ xã hội sẽ trở thành quan hệ pháp luật. QHPL cũng không phải là một bộ phận của QHXH. QHXH luôn tồn tại khách quan, QHPL là phạm trù chủ quan xuật hiện trên cơ sở ý chí của nhà làm luật. QHXH được nhiều nhà khoa học xã hôi khác nhau nghiên cứu, còn QHPL do khoa học pháp lý nghiên cứu. Tuy nhiên 2 khái niệm này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi một QHXH được khoác chiếc áo pháp lý thì vẫn tồn tại song song hai loại quan hệ : QHXH là nội dung vật chất của QHPL và QHPL là hình thức pháp lý của QHXH, QHPL có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc làm trật tự hoá QHXH, hướng nó phát triển phù hợp với ý định của nhà làm luật.

2. Đặc điểm

a, QHPL là quan hệ mang tính ý chí.

- QHPL phát sinh trên cơ sở quý phạm pháp luật, mà nội dung quy phạm pháp luật phản ánh ý chí nhà nước.

- Trong đa số các trường hợp, trong khuôn khổ quy phạm pháp luật đã xác định QHPL phát sinh, thay đổi và chấm dứt do ý chí của các bên tham gia.

Ví dụ: Trong quan hệ mua bán trao đổi, cho vay cho thuê...trở thành QHPL do hành vi thể hiện ý chí của các bên trong quan hệ mua bán trao đổi, cho thuê cho vay...Quan hệ hợp đồng là 1 loại quan hệ hình thành trên cơ sở cả 2 bên thể hiện ý chí.

b, QHPL là một loại quan hệ tư tưởng, quan hệ thuộc kiến trúc thượng tầng.

- Pháp luật nói chung là một hiện tượng thuộc kiến trúc thượng tầng, QHPL xuất hiện trên cơ sở quy phạm pháp luật vì vậy nó cũng thuộc kiến trúc thượng tầng. Tính chất và nội dung QHPL phụ thuộc vào tính chất quan hệ sản xuất.

- Sự phụ thuộc của QHPL vào cơ sở kinh tế: là 1 loại quan hệ thuộc kiến trúc thượng tầng, QHPL thay đổi phù hợp với sự thay đổi của cơ sở kinh tế, kiểu quan hệ sản xuất nhất định sẽ sản sinh ra kiểu QHPL tương ứng.

- Sự tác động trở lại của QHPL với cơ sở kinh tế: sở dĩ như vậy vì hầu hết các quan hệ kinh tế XHCN đều thực hiện dưới hình thức pháp lý - QHPL. QHPL không chỉ có vai trò quan trọng trong việc củng cố các quan hệ kinh tế mà còn tạo điều kiện cho nó phát triển thuận lợi. Không loại trừ khả năng nó kìm hãm, hạn chế sự phát triển của quan hệ kinh tế.

c, QHPL xuất hiện trên cơ sở quy phạm pháp luật.

- Không có quy phạm pháp luật thì không có QHPL. QHPL là phương tiện thực hiện quy phạm pháp luật, vì quy phạm pháp luật được thực hiện trong đời sống thông qua QHPL.

- Quy phạm pháp luật xác định trước điều kiện xuất hiện của QHPL, chủ thể tham gia quan hệ, quyền và nghĩa vụ pháp lý và những biện pháp bảo vệ quyền và nghĩa vụ ấy khi chúng bị vi phạm.

d, QHPL là quan hệ mà các bên tham gia ( chủ thể) quan hệ đó mang quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý

- Quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý được quy phạm pháp luật quy định cấu thành nội dung của quan hệ quy phạm. Quy phạm pháp luật luôn quy định sao cho quyền chủ thể của một bên phải tương ứng với nghĩa vụ pháp lý của bên kia và ngược lại, nghĩa vụ pháp lý của 1 bên phải phù hợp với quyền chủ thể của bên kia còn lại.

Ví dụ: Trong quan hệ lao động, một bên chủ thể của quan hệ là người lao động có quyền được hưởng lương phù hợp với lao động của mình đã bỏ ra, quyền này tương ứng với nghĩa vụ của chủ thể bên kia là cơ quan hay tổ chức sử dụng người lao động phải trả tiền lương đúng và kịp thời cho người lao động.

e, Sự thực hiện quan hệ pháp luật được đảm bảo bằng cưỡng chế nhà nước

- QHPL xác định rõ trách nhiệm pháp lý của các chủ thể vi phạm nghĩa vụ pháp lý hoặc quyền chủ thể, đồng thời quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các cơ quan bảo vệ pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật và xử lý khi có vi phạm. Đặc điểm này chỉ rõ khi các bên tham gia QHPL không thực hiện đúng đắn các quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định thì các cơ quan bảo vệ pháp luật ( công an, kiểm sát, toà án...) buộc các bên phải thực hiện.

- Tuy nhiên, QHPL được thực hiện trong đời sống không chỉ nhờ cưỡng chế mà còn được thực hiện nhờ ý thức tự giác, tự nguyện của các bên tham gia.

f, QHPL có tính xác định

- Trên cơ sở quy phạm pháp luật, nhiều QHPL được hình thành. QHPL có tính xác định cụ thể vì nó chỉ xuất hiện khi có sự kiện pháp lý, khi có chủ thể nhất định tham gia.

3. Phân loại QHPL

- Căn cứ vào đối tượng và phương pháp điều chỉnh, QHPL được phân loại thành các nhóm lớn tương ứng với các ngành luật như: QHPL dân sự, QHPL hình sự, QHPL đất đai v.v..

Cách phân loại này phổ biến và được thừa nhận rộng rãi, có ý nghĩa thực tiễn to lớn và lý luận sâu sắc.

- Căn cứ vào cách thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ thể, có QHPL cụ thể và QHPL chung.

+ QHPL cụ thể là quan hệ nảy sinh giữa các chủ thể nhất định có quyền và nghĩa vụ pháp lý, được chia thành 2 loại:

QHPL tương đối là QHPL mà các chủ thể được xác định. Ví dụ: QHPL hợp đồng kinh tế, QHPL tố tụng giữa tòa án và những người tham gia tố tụng.

QHPL tuyệt đối là QHPL trong đó một chủ thể được xác định còn chủ thể khác là bất kì cá nhân, tổ chức nào. Trong đó, chủ thể xác định là bên có quyền, còn các chủ thể còn lại có nghĩa vụ không được vi phạm.

Ví dụ: QHPL về sở hữu, QHPL về quyền tác giả.

+ QHPL chung là những quan hệ phát sinh trực tiếp từ hiến pháp, các đạo luật và là cơ sở của sự hình thành các QHPL cụ thể.

Ví dụ: Quan hệ giữa nhà nước và công dân trong lĩnh vực thuế

- Căn cứ vào tính chất nghĩa vụ được trao cho các bên tham gia:

+ QHPL tích cực : bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ bằng những hành động tích cực.

+ QHPL thụ động : bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ bằng không hành động.

- Căn cứ vào đặc trưng của sự tác động:

+ QHPL điều chỉnh : là quan hệ hình thành trên cơ sở quy phạm pháp luật điều chỉnh

+ QHPL bảo vệ : là quan hệ hình thành trên cơ sở quy phạm pháp luật bảo vệ trật tự pháp luật.

II.Thành phần của QHPL

1. Chủ thể

Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong khoa học pháp lí. Thông thường khi nói đến chủ thể QHPL, người ta nghĩ ngay đến khái niệm con người, công dân, cá nhân và những tổ chức của họ. Tuy có nhiều điểm chung nhưng cá nhân và công dân không phải là những khái niệm đồng nhất. Công dân dùng để chỉ các cá nhân mang quốc tịch của một quốc gia cụ thể. Cá nhân là khái niệm rộng hơn, bao gồm cả công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch. Các cá nhân tuỳ theo năng lực pháp lí chỉ tham gia vào một số quan hệ pháp luật nhất định.

Công dân là loại chủ thể cá nhân phổ biến và chủ yếu của QHPL. Không 1 ai ngoài những cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có thể hạn chế năng lực chủ thể của công dân. Công dân là chủ thể của hầu hết các ngành luật. Người nước ngoài và người không quốc tịch có thể trở thành chủ thể QHPL theo các điều kiện áp dụng đối với công dân. Tuy nhiên, năng lực chủ thể của họ bị hạn chế trong 1 số lĩnh vực nhất định. Chẳng hạn, cá nhân là người nước ngoài thì không thể tham gia các quan hệ bầu cử, ứng cử vào các cơ quan nhà nước ở Việt Nam.

Từ đó ta có khái niệm chung nhất về chủ thể QHPL:

Khái niệm: Chủ thể của QHPL là những cá nhân hay tổ chức dựa trên cơ sở của các quy phạm pháp luật mà tham gia vào các QHPL, trở thành người mang các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể.

Nói cách khác, chủ thể của QHPL là các bên tham gia vào QHPL. Đó có thể là một cá nhân hay một tổ chức. Đặc biệt nhà nước cũng có thể tham gia vào nhiều loại QHPL khác nhau và là chủ thể của QHPL đó.

a/ Chủ thể là cá nhân:

Cá nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật, trước hết và quan trọng nhất là công dân. Khi là chủ thể của QHPL, 1 cá nhân có thể là chủ thể trực tiếp hoặc không trực tiếp.

*/ Chủ thể trực tiếp trong 1 QHPL là chủ thể luôn luôn có đủ cả năng lực pháp luật và năng lực hành vi.

Năng lực pháp luật là khả năng của chủ thể được hưởng quyền và làm nghĩa vụ trong 1 QHPL nhất định. Năng lực pháp luật của cá nhân xuất hiện kể từ khi cá nhân sinh ra và chấm dứt, khi người đó chết hoặc bị tuyên bố đã chết.

Năng lực dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết - Điều 14 bộ luật dân sự 2005

Chủ thể có năng lực pháp luật thì sẽ được tham gia hoặc phải tham gia vào QHPL nhất định. Năng lực pháp luật có thể được coi là phần tối thiểu trong năng lực chủ thể của cá nhân và pháp nhân.

Với năng lực pháp luật các chủ thể chỉ tham gia thụ động vào các QHPL hoặc được pháp luật bảo vệ trong các quan hệ nhất định. Tính thụ động của chủ thể ở chỗ là không tự tạo được cho mình các quyền và nghĩa vụ pháp lí. Các quyền và nghĩa vụ pháp lí mà họ có được trong các mối QHPL cụ thể là do ý chí của nhà nước, ý chí của người thứ 3.

Ví dụ: 1 đứa trẻ được thừa kế khi bố mẹ chết, quan hệ thừa kế này phát sinh do ý chí của người để lại thừa kế nếu có di chúc, hoặc theo ý chí của nhà nước nếu không có di chúc. Xét trong mối quan hệ thừa kế này thì đứa trẻ là chủ thể có năng lực pháp luật và nhà nước bảo vệ các quyền hợp pháp của đứa trẻ này.

Để tham gia một cách chủ động vào QHPL, các chủ thể phải có năng lực hành vi. Năng lực hành vi là khả năng của một chủ thể có thể bằng hành vi của mình mà tham gia vào 1 QHPL để hưởng quyền và làm nghĩa vụ.

Pháp luật coi những người chưa đến 1 độ tuổi nhất định, người mắc các bệnh tâm thần là những người không có năng lực hành vi.

Người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì có thể bị Tòa án tuyên bố là người mất năng lực hành vi theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan. Một người cũng có thể bị toà án tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi.

Khác với năng lực pháp lí, năng lực hành vi chỉ xuất hiện khi cá nhân đã đến độ tuổi nhất định và đạt được những điều kiện nhất định. Phần lớn pháp luật các nước đều lấy độ tuổi 18 và tiêu chuẩn lí trí làm điệu kiện công nhận năng lực hành vi cho chủ thể của đa số các nhóm QHPL.

Ví dụ: Ở nước ta, năng lực kết hôn được pháp luật quy định là 20 tuổi đối với nam và 18 tuổi đối với nữ, năng lực bầu cử là khi đã đủ 18 tuổi. Nhưng năng lực hành vi trong QHPL lao động lại xuất hiện sớm hơn, tuổi 16. Năng lực pháp luật hình sự cũng xuất hiện ở cá nhân vào độ tuổi 16.

*/ Khi một người có năng lực pháp luật mà không có năng lực hành vi thì trong những trường hợp cần thiết phải tham gia vào QHPL, họ tham gia thông qua hành vi của một người khác. Đó là chủ thể không trực tiếp. Người thay mặt cho chủ thể không trực tiếp trong QHPL gọi là người đại diện, người giám hộ. Đó là cha mẹ đối với con chưa thành niên, là người giám hộ trong những trường hợp không có hoặc mất năng lực hành vi khác.

Năng lực pháp luật và năng lực hành vi thống nhất với nhau trong 1 chủ thể. 1 chủ thể pháp luật chỉ đơn thuần có năng lực pháp luật thì không thể tự mình thể hiện các quyền và nghĩa vụ cụ thể. Ngược lại, năng lực pháp luật là tiền đề của năng lực hành vi. Không thể có chủ thể QHPL mà không cso năng lực pháp luật mà lại có năng lực hành vi. Nhưng đây không phải là thuộc tính tự nhiên của con người mà do nhà nước quy định phù hợp với cơ sở Kinh tế - Xã hội của nhà nước đó.

b/ Chủ thể là tổ chức : Pháp nhân

Pháp nhân là một tổ chức được nhà nước thừa nhận là chủ thể pháp luật để tham gia vào một QHPL như đứng làm một bên để kí kết các hợp đồng , đứng làm nguyên đưn hay bị đơn trong các vụ kiện...

Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau:

+ Được thành lập hợp pháp

Một tổ chức được coi là hợp pháp nếu có mục đích, nhiệm vụ hợp pháp và được thành lập hợp pháp theo trình tự và thủ tục do luật định.

Tổ chức hợp pháp được nhà nước công nhận dưới dạng: cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng kí hoặc công nhận.

Nhà nước bằng các qui định về thẩm quyền ra quyết định thành lập, trình tự, thủ tục thành lập, điều kiện thành lập các tổ chức chi phối đến các tổ chức tồn tại trong xã hội

Việc công nhận sự tồn tại của một tổ chức phụ thuộc vào hoạt động của tổ chức đó có phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị hay không. Một sự tồn tại của một tổ chức có nguy cơ đến tồn tại của nền tảng xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích của giai cấp thống trị thì nhà nước không cho phép nó tồn tại.

Tổ chức hợp pháp được nhà nước công nhận sự tồn tại mới có thể trở thành chủ thể tham gia vào các QHPL. Mỗi pháp nhân được thành lập theo một trình tự riêng phụ thuộc vào cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của pháp nhân đó.

+ Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ

Tổ chức người được sắp xếp dưới một hình thái nào đó phù hợp với chức năng và lĩnh vực hoạt động, bảo đảm tính hiệu quả trong hoạt động của loại hình tổ chức đó.

Cơ cấu tổ chức chặt chẽ biến một tập thể thành một thể thống nhất có khả năng thực hiện có hiệu quả nhất nhiệm vụ của tổ chức đó, căn cứ vào cách thức góp vốn thành tài sản của tổ chức do tính chất truyền thống về loại hình tổ chức và cả loại tên gọi riêng của tổ chức

Thống nhất về tổ chức được quy định trong quyết định thành lập tổ chức, trong điều lệ mẫu, trong văn bản pháp luật, trong điều lệ của từng loại tổ chức hay từng tổ chức đơn lẻ.

+ Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó

Tài sản riêng của pháp nhân không chỉ là tài sản thuộc sở hữu của pháp nhân mà có thể được nhà nước giao cho tổ chức được quyền quản lý của pháp nhân đó.

Tài sản pháp nhân độc lập tài sản cá nhân. Thành viên pháp nhân độc lập với cơ quan cấp trên pháp nhân và các tổ chức khác.

Tài sản độc lập pháp nhân thuộc quyền sở hữu pháp nhân, do pháp nhân chiếm hữu sử dụng, định đoạt, trong phạm vi, nhiệm vụ, và phù hợp mục đích pháp nhân.Tài sản pháp nhân thể hiện dưới dạng vốn, các tư liệu sản xuất và các loại tài sản khác phù hợp từng loại pháp nhân.

Pháp nhân tham gia quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân như một chủ thể độc lập và chịu hành vi được coi là "hành vi pháp nhân". Pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho cơ quan quản lý cấp trên của pháp nân hay cho thành viên pháp nhân.

Độc lập về tài sản và chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của pháp nhân là tiền đề vật chất để một tổ chức tham gia vào QHPL.

Pháp nhân thỏa mãn điều kiện chung: có tiền đề về tổ chức để biến một tập thể thành một chủ thể độc lập và hợp pháp tham gia QHPL, có tiền đề vật chất tham gia quan hệ tài sản và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó.

+ Nhân danh mình tham gia các QHPL một cách độc lập

Sự độc lập của tổ chức được coi là pháp nhân chỉ giới hạn trong quan hệ kinh tế, dân sự, lao động, với các chủ thể khác.

Trong lĩnh vực này tổ chức không bị chi phối bởi chủ thể khác khi quyết định một vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ của tổ chức đó trong phạm vi điều lệ, quyết định thành lập và các quy định của pháp luật đối với tổ chức đó.

Sự tồn tại độc lập còn thể hiện ở chỗ không phụ thuộc vào sự thay đổi thành viên của pháp nhân, có những tổ chức thống nhất nhưng không độc lập như Phòng, Ban, Khoa... trong trường học là một bộ phận của pháp nhân.

Việc thành lập một pháp nhân bao giờ cũng thể hiện bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng thủ tục mà pháp luật đã qui định.

Các loại pháp nhân bao gồm:

+ Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân ( Ví dụ: quân đội nhân dân)

+ Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội ( Ví dụ: Thông tấn xã Việt Nam, Uỷ ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổng liên đoàn lao động Việt Nam)

+ Tổ chức kinh tế ( Ví dụ: tổ chức thương mại quốc tế, Quỹ tiền tệ, Hội đồng Kt ASEAN )

+ Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ( Ví dụ: Hội đông y, Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường)

+ Quỹ xã hội, quỹ từ thiện ( Ví dụ: Hội chữ thập đỏ)

+ Các tổ chức khác có đủ điều kiện

2. Nội dung của QHPL

Nội dung của QHPL bao gồm quyền và nghĩa vụ chủ thể.

- Quyền chủ thể

Quyền chủ thể là khả năng của chủ thể xử sự theo cách thức nhất định được pháp luật cho phép.

Những đặc tính của quyền chủ thể:

+ Khả năng của chủ thể xử sự theo cách thức nhất định mà pháp luật cho phép

+ Khả năng yêu cầu các chủ thể khác chấm dứt các hành động cản trở nó thực hiện quyền và nghĩa vụ hoặc yêu cầu chúng tôn trọng các nghĩa vụ tượng ứng phát sinh từ quyền và nghĩa vụ này

+ Khả năng của chủ thể yêu cầu các cơ quan nhà nướccó thẩm quyền bảo vệ lợi ích của mình.

- Nghĩa vụ pháp lý của chủ thể

Nghĩa vụ chủ thể là cách xử sự mà nhà nước bắt buộc chủ thể phải tiến hành nhằm đáp ứng việc thực hiện quyền của chủ thể khác.

Nghĩa vụ pháp lý bao gồm những sự cần thiết phải xử sự như sau:

+ Cần phải tiến hành một số hoạt động nhất định

+ Cần kiềm chế không thực hiện một số hoạt động nhất định

+ Cần phải chịu trách nhiệm pháp lý khi xử sự không đúng với những qui định của pháp luật.

Quyền và nghĩa vụ chủ thể là hai hiện tượng pháp lý không thể thiếu trong một QHPL cụ thể, giữa chúng luôn có sự thống nhất và phù hợp với nhau. Việc mở rộng quyền đối với một chủ thể bao giờ cũng đồng thời yêu cầu cao hơn về nghĩa vụ của chủ thể đó thước xã hội và trước các chủ thể khác. Pháp luật của nhà nước ta, xét về bản chất, không thừa nhận những người hoặc lớp người đặc quyền, đặc lợi.

Quyền và nghĩa vụ chủ thể trong QHPL cụ thể ban đầu chỉ thuộc về tổ chức, cá nhân nhất định có đủ điều kiện. Trong quá trình thực hiện chúng có thể được chuyển giao cho những tổ chức, cá nhân khác.

3. Khách thể QHPL

a) Khái niệm chung

- Khách thể QHPL là những lợi ích vật chất, tinh thần và những lợi ích xã hội khác có thể thỏa mãn những nhu cầu, đòi hỏi của các tổ chức hoặc cá nhân mà vì chúng các chủ thể tham gia vào QHPL.

- Khách thể của QHPL phản ánh lợi ích của chủ thể. Sự quan tâm nhiều hay ít của chủ thể QHPL đối với khách thể là động lực thúc đẩy sự phát sinh, tồn tại hay chấm dứt QHPL.

Khách thể là cái thúc đẩy các tổ chức hoặc cá nhân tham gia vào QHPL, là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa đối với việc phân tích sự vận động của QHPL.

Ví dụ 1: Xác định khách thể của QHPL dân sự trong hai trường hợp sau:

1. Bà A có một chiếc xe đạp

2. Bà A bán cho ông B một chiếc xe đạp

Trả lời: 1. là chiếc xe đạp

2. là quyền sở hữu xe đạp

Ví dụ 2: A bán cho B một lô đát (ở đây cả A và B đều có năng lực pháp luật đầy đủ ). Trong QHPL này thì:

+ chủ thể: A và B

+ khách thể: ( lợi ích mà các chủ thể muốn đạt được khi tham gia vào QHPL này) là: Giá trị sử dụng của lô đất (B muốn đạt được) và tiền B phải trả cho A (A muốn đạt được).

+ nội dung của QHPL này (là tổng hợp quyền và nghĩa vụ của các chủ thể): A có nghĩa vụ chuyển quyền sử dụng lô đất cho B và có quyền yêu cầu B trả tiền cho mình; còn B có quyền yêu cầu A chuyển quyền sử dụng lô đất đó cho mình và có nghĩa vụ trả tiền cho A.

b) Phân biệt khách thể QHPL với khách thể vi phạm pháp luật

- Khách thể của QHPL là những "giá trị" mà các chủ thể hướng đến, mong muốn đạt được khi tham gia vào một QHPL.

Ví dụ: Trong quan hệ mua bán tài sản dân sự, khách thể là quyền sở hữu tài sản.

- Khách thể của vi phạm pháp luật là những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ nhưng lại bị hành vi vi phạm xâm hại

Ví dụ: Tội giết người có khách thể là sự an toàn tính mạng, quyền sống của công dân được pháp luật bảo vệ.

Như vây, cần chỉ ra sự khác nhau giữa hai cái này:

+ Khách thể của QHPL là cái mà các chủ thể hướng đến khi tham gia vào QHPL. Khách thể của vi phạm pháp luật là bản thân cái quan hệ pháp luật ấy.

+ Khách thể của vi phạm pháp luật thì bị hành vi vi phạm xâm hại,...

c) Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm. Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ nhưng bị tội phạm xâm hại bằng cách gây thiệt hại hoặc đe dọa trực tiếp gây thiệt hại ở một chừng mực nhất định. Nếu quan hệ xã hội không bị xâm hại thì không có hành vi nguy hiển cho xã hội và tất yếu không có tội phạm. Do đó, khi đề cập đến tội phạm thì trước tiên cần phải xác định quan hệ xã hội mà Luật hình sự bảo vệ bị xâm hại. Trong Luạt hình sự Việt Nam, khách thể được bảo vệ là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc; chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa; tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

( Từ điển Luật học, trang 246)

III. Sự kiện pháp lý

1. Khái niệm

Các QHXH nếu không được quy phạm pháp luật điều chỉnh thì không thể trở thành QHPL. Nhưng nếu chỉ có quy phạm pháp luật thì không đủ để làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt QHPL mà phải cần có những sự việc cụ thể xảy ra trong đời sống phù hợp với phần giả định của 1 quy phạm pháp luật nhất định. Khoa học pháp lý gọi đó là những sự kiện pháp lý.

Sự kiện pháp lý là những sự việc cụ thể xảy ra trong đời sống phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh đã được dự liệu trong một quy phạm pháp luật từ đó làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt một QHPL cụ thể.

Ví dụ: Quan hệ vợ chồng sẽ xuất hiện khi đôi nam nữ làm thủ tục đăng kí kết hôn. Sự kiện pháp lý trong trường hợp này là việc đi làm giấy đăng kí kết hôn.

2. Phân loại

a) Theo tiêu chuẩn ý chí, sự kiện pháp lý gồm sự biến và hành vi.

- Sự biến là những sự kiện phát sinh không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người nhưng cũng làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt một QHPL.

Ví dụ: những vụ tai nạn, thiên tai, bão lụt...

Điều 294 Luật Thương mại quy định: Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm

1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.

- Hành vi (bao gồm hành động và không hành động) là những sự kiện xảy ra thông qua ý chí của con người.

Hành động là cách xử sự chủ động còn không hành động là cách xử sự thụ động của chủ thể. Việc ký kết hợp đồng, việc đánh người, việc kết hôn... là những hành động. Sự im lặng, sự bỏ mặc là những ví dụ về không hành động.

Ví dụ: Hành vi khiếu nại là sự kiện pháp lí Hành chính làm phát sinh quan hệ pháp luật Hành chính giữa người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đó với người khiếu nại và người bị khiếu nại.

Hành vi được chia thành hành vi hợp pháp (phù hợp với quy định của pháp luật) và hành vi bất hợp pháp (trái với quy định của pháp luật).

Hành vi bất hợp pháp có thể là hành vi cố ý hoặc vô ý.

Hành vi cố ý lại gồm 2 loại: cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp.

+ Cố ý trực tiếp là lỗi của một chủ thể khi thực hiện hành vi trái pháp luật nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.

+ Cố ý gián tiếp là lỗi của một chủ thể khi thực hiện một hành vi trái pháp luật nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó, tuy không mong muốn song có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

Hành vi vô ý cũng gồm 2 loại: vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.

+ Vô ý vì cẩu thả là lỗi của một chủ thể đã gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng do cẩu thả nên không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả đó, mặc dù có thể thấy trước và phải thấy trước hậu quả này.

+ Vô ý vì quá tự tin là lỗi của một chủ thể tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội song tin chắc rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc cỏ thể ngăn ngừa được nên mới thực hiện và có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

b) Theo hậu quả pháp lý, sự kiện pháp lý phân thành sự kiện pháp lý khẳng định và sự kiện pháp lý phủ định.

- Sự kiện pháp lý khẳng định là sự kiện pháp lý mà sự xuất hiện của chúng gắn với những hậu quả pháp lý.

- Sự kiện pháp lý phủ định là sự kiện mà sự vắng mặt của nó được pháp luật gắn với hậu quả pháp lý.

c)Theo số sự kiện thực tế để làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt QHPL, ta có sự kiện pháp lý đơn nhất và sự kiện pháp lý phức hợp.

- Sự kiện pháp lý đơn nhất chỉ gồm một sự kiện thực tế. Ví dụ: sự kiện một người chết.

- Sự kiện pháp lý phức hợp gồm một loạt các sự kiện thực tế, được chia thành 3 loại nhỏ:

+ Sự kiện pháp lý phức hợp giản đơn

+ Sự kiện pháp lý phức hợp ràng buộc

+ Sự kiện pháp lý phức hợp hỗn hợp

Sự kiện pháp lý là yếu tố khởi đầu của cơ chế thực hiện pháp luật, là cầu nối giữa quy phạm pháp luật với QHPL. Như vậy, nếu quy phạm pháp luật và năng lực chủ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là điều kiện chung cho việc phát sinh, thay đổi hay chấm dứt các quan hệ pháp luật, thì sự kiện pháp lí là điều kiện thực tế cụ thể và trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, hoặc chấm dứt quan hệ đó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#devil9x