quancoonline-lenghiabk05

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Quả tim heo

Khi ông Đinh còn làm tổng biên tập, mỗi lần xét đề bạt cán bộ, có người giới thiệu Đào, liền bị ông gạt đi: "Thôi, gác quả tim heo ấy lại!"

... Tết năm ấy cơ quan báo mua được ba con heo để chia nhau ăn Tết. Mua được heo là nhờ ông tổng biên tập quen ông phó chủ tịch tỉnh Thái Bình. Ông phó chủ tịch chỉ thị cho một hợp tác xã chăn nuôi bán ngoài kế hoạch cho báo ba con heo - mỗi con một tạ. Đổi lại, báo sẽ viết bài, chụp ảnh đăng "người tốt việc tốt" cho hợp tác xã đó.

Hai mươi tám Tết, anh Khò, tài xế của cơ quan, lái chiếc U-oát về tận hợp tác xã chăn nuôi, mang theo giấy phép đặc biệt của ông Phó chủ tịch tỉnh cho ba "lão trư" qua các trạm kiểm soát. Cả cơ quan chỉ có mỗi chiếc U-oát cũ mèm (là tiêu chuẩn của tổng biên tập) phải nhường cho heo. Ông Khò chu đáo bỏ lên xe mấy bó rơm để ba "vị trư" tha hồ ấm...

Xe vượt hơn trăm cây số về đến tòa soạn lúc 12 giờ trưa. Mọi người vui mừng nháo nhác, túm tụm bình luận heo nạc heo mỡ. Mặt mũi ai cũng hơn hớn, vì sẽ có thêm vài ký thịt, gói bánh, làm giò, lại còn có tí xương để ninh sắn, tí lòng cúng, nhắm rượu chiều ba mươi... cho xôm Tết. Chứ chỉ nhòm vào tiêu chuẩn nhà nước, mỗi khẩu hai lạng rưỡi nửa mỡ, nửa nạc thì vứt...

Nghe tiếng lợn eng éc, hai con chó của ông bảo vệ âng âng sủa, lồng lộn cào chân vào bánh chiếc U-oát, mong liếm láp chút mỡ, vồ miếng xương thừa.

Trái lại, ở cơ quan bên kia, mấy bà mắt tròn, mắt dẹt thèm thuồng nhìn sang, ấm ức ra mặt: "Sướng chưa! Cậy làm báo, móc ngoặc hàng núi thịt về đắp vào miệng..."

Thư ký công đoàn yêu cầu mỗi ban cử một người làm thịt lợn. Lão Đào ở ban tôi lập tức xung phong.

Lão Đào là một phóng viên chịu đi xa, lăn lộn với nghề, nhưng cuộc sống lận đận lắm. Năm ấy lão mới ba mươi tuổi nhưng đã có ba đứa con, toàn gái. Vợ lão là giáo viên cấp ba, dạy Văn, ốm đau, vật vờ như xác ve. Cả cái gia đình năm nhân khẩu ấy ở một căn phòng trên gác hai, ngang một mét rưỡi, dài sáu mét, nghĩa là chín mét vuông. Nói phòng cho sang, chứ thực ra chỉ là một ngăn thưng cót. Gia đình nhà Đào ở một ngăn, hai ngăn kia có hai gia đình khác. Con cái vợ chồng nằm tráo đầu đuôi nhau để thở, để đỡ ngượng... Nồi niêu, xoong chảo, bếp dầu đút gầm giường...

Vợ Đào phải thuốc thang quanh năm nên miếng ăn cho cả nhà phải bớt đi. Có lẽ khổ quá nên đứa con út của lão Đào bị suy dinh dưỡng nặng, dẫn đến suy tim. Đào là tay thương vợ thương con, được đồng lương hoặc chút nhuận bút nào, lão đưa hết cho vợ. Thành thử dần dần lão trở thành người bủn xỉn, hay ăn quỵt... Người ta mời lão ly trà, cái kẹo, lão cứ uống, cứ ăn, mà chả bao giờ thèm "mời lại", vì thế nhiều người cạch mặt lão.

Được cái, việc bếp núc lão rất săng sái, dù cực, dù bẩn đến đâu lão cũng đâm đầu vào. Như việc làm thịt ba con heo này chẳng hạn.

Hai mươi tám Tết, ai chả muốn chạy đây chạy đó kiếm cành đào, cây quất, hoặc lau dọn nhà cửa, rọc lá gói bánh v.v... thế mà lão nhảy xổ ra, xung phong vào tổ giết heo. Ừ, lão thích thì cứ làm, chả ai muốn dành cái việc ấy...

Tiếng dao thớt lát chát, lấc cấc, tiếng cười nói sủng soảng, quát tháo tưng bừng, đến bốn giờ chiều kết thúc việc giết heo. Thịt, xương, lòng, thủ... phanh phui đâu ra đấy.

Thư ký công đoàn bắt đầu kiểm kê từng thứ, để chia theo danh sách đã được duyệt. Bỗng ông ta kêu oai oái như cha chết:

- Còn một quả tim đâu? Ba con heo, sao có hai quả tim?

Mọi người xúm xít lại, đếm. Đúng là chỉ còn có hai quả tim.

Bới lộn tùng phèo đống ruột non, ruột già, kiếm cũng chẳng ra.

Hay là chó tha? Hay rơi xuống ao?

Ông bảo vệ tức mình lùng bắt bằng được hai con chó, rồi banh mồm, nắn bụng nó.

Xong, ông bảo vệ lấy tư cách một người đã có thâm niên mười năm, thề rằng hai con chó vô tội.

Mấy người khác nhảy xuống ao, mò như mò cá, rét run cầm cập, ao sủi tăm sủi bùn cũng chẳng thấy gì...

Cay vì hai con chó đệ tử của mình bị nghi oan, ông bảo vệ lùng sục từ hộc bàn đến sọt rác, chĩa cặp mắt ngờ vực vào từng người... Cuối cùng, ông ta kêu rống lên:

- Anh Đào, anh Đào, lại đây tôi bảo!

Lão Đào đang lúi húi đun nồi nước luộc trong bếp, giật nảy mình đứng dậy. Trời đất! Sao một bên ống quần lão lại đỏ lòm thế kia?

Ông bảo vệ liền chạy tới, thọc tay vào túi quần Đào, lôi tuột ra, một gói giấy báo thấm máu. Ông ta lột lớp báo ra, thì rành rành là một quả tim heo!

Mặt lão Đào ghệt ra! Lão mấp máy đôi môi chả biết nói gì! Nước mắt nhỏ từng giọt, từng giọt. Con lão Đào bị suy tim, lão nghe người ta bảo lấy tim heo hầm với thuốc bắc cho nó ăn thì may ra khỏi. Lão đã nhiều lần chầu chực ở các cửa hàng thương nghiệp, nhưng tim heo chỉ dành để bán cho cán bộ cao cấp, đời nào đến phần lão. Hôm nay cơ quan giết heo, lão thương con mà liều ăn cắp quả tim, nhục quá!

Sau vụ ấy, suốt ba năm ông Đinh còn làm tổng biên tập, lão Đào không được lên bậc lương nào. Cứ nhắc đến tên lão Đào là y như là có tiếng cười chế nhạo. Và ông Đinh chỉ cần nói gọn lỏn "Gác quả tim heo đó lại!"

Có người thông cảm với lão Đào, cho rằng tổng biên tập Đinh thuộc lớp người bảo thủ, quá khắt khe. Vì vậy, đến khi ông Đinh về hưu, ông Dương lên làm tổng biên tập thì lão Đào mừng thầm...

Ông Dương vừa là nhà báo vừa là thi sĩ. Trên măng - sét báo, ông bắt xếp đủ hai cái tên: nhà báo, nhà thơ của ông. Ngay cả khi lên tivi ông cũng yêu cầu MC phải giới thiệu đầy đủ Tổng biên tập, nhà báo Dương..., nhà thơ Dương...

Vì là thi sĩ nên ông Dương rất thoáng. Bằng chứng là ông liên tục tổ chức thi hoa hậu, để vừa được ôm hôn người đẹp, vừa lấy tiền tài trợ.

Về tổ chức cán bộ, ông Dương cũng áp dụng cơ chế mở. Ông mạnh dạn đưa cô em vợ chưa học hết lớp 11 (chả biết báo chí là quái gì?) vào cơ quan, rồi ký quyết định cái roách, chức phó ban...

Thế nhưng đối với loại người như lão Đào thì Tổng biên tập Dương vẫn không thể áp dụng cơ chế "mở". Ông ta khinh bỉ cái quá khứ "quả tim heo". Nên năm nào đến kỳ xét lương thưởng, đề bạt, cứ đến tên Đào, Tổng Dương lại nhắc lại điệp khúc của Tổng biên tập Đinh: "Gác quả tim heo ấy lại!"

Trời có mắt. Năm kia ông Dương chết. Ôi, cái chết của ông lại liên quan đến heo. Có gì dâu! Ông vào Sài Gòn công tác, ở nhà khách cơ quan. Biết tính ông nghiện dồi trường, "các em" mua cho ông mấy ký để sẵn tủ lạnh. Ông ăn bữa trưa, bữa chiều, tối lại lôi ra ăn tiếp. Dồi trường là ruột heo nái, rất giàu đạm. Ăn vừa thì bổ chứ sực quá là nguy. Nhất là khi nó đã thiu thiu, lại chấm mắm tôm. Ăn nhiều bị bội thực, sình chướng bụng, thế là toi mạng... Ông tổng Dương đã bị như vậy.

Ông Dương chết, phó tổng biên tập Lương thế chỗ. Sếp mới mắt sâu, mũi lõ, cằm nhọn và cái miệng thì nhỏ xíu. Khi còn sống Dương rất ghét cái miệng nhỏ này. Bởi Dương đã khôn mà Lương còn cáo hơn. Lương làm đơn xin đất cho cơ quan, bảo mọi người ký tên. Khi xin được đất, Lương loại những người ở phía Nam ra, vì không có hộ khẩu Hà Nội. Thế là tiêu chuẩn đó anh em Lương hưởng.

Ngày trước tổng Dương đã có lần tìm cách tống khứ Lương đi. Nhân khi một tờ báo "đàn em" thiếu chức tổng biên tập (vì nội bộ "nện nhau"), Dương đề nghị cấp trên điều Lương sang đó. Cấp trên đã đồng ý. Nhưng Lương cao tay hơn, ra điều kiện: Sang tờ báo "đàn em" làm Tổng biên tập 6 tháng thôi, khi nội bộ bên đó êm thì sẽ rút, và vẫn giữ cái ghế Phó tổng ở bên này. Thế là Lương có hai chức vụ ở hai tờ báo, ăn lương hai nơi. Lương còn nhét được thằng con rớt đại học vào làm phóng viên... Tổng Dương tức sùi bọt mép nhưng đành cắm tăm...

Vừa thay Dương làm tổng biên tập, Lương đã đưa cô em dâu vào làm Phó giám đốc Công ty Dịch vụ, đưa thằng em vợ làm Trưởng ban quảng cáo. Từ đó, mọi khoản tiền tài trợ, quảng cáo, ủng hộ từ thiện... đều dồn vào một mối cô em dâu Lương.

Dễ ta ắt phải dễ người - Ở đời đã có cái luật bất thành văn như thế. Vả lại những thứ ông Lương ăn còn bẩn, còn lớn gấp triệu lần cái quả tim heo. Vậy thì ông Lương cũng nên tha thứ cho Đào, mà thí cho lão chức phó ban hoặc bét ra cũng chức chuyên viên, để lão có chút địa vị về hưu. Nhiều người nghĩ như vậy, chính tay Trưởng ban của Đào cũng đã đề nghị như vậy.

Trong buổi bình xét, Tổng biên tập Lương chăm chú nghe, đôi mắt sâu nhíu lại. Mọi người hồi hộp nhìn cái miệng nhỏ xíu của Lương:

- Gác cái quả tim heo ấy lại! Lương nói, giống hệt hai cựu Tổng biên tập.

Tổng biên tập Lương cũng không tha thứ cho Đào. Thì ra ở đời vẫn thế! Kẻ phán xét kết tội người khác là kẻ có quyền, là kẻ mạnh. Nhân cách của kẻ mạnh bao giờ cũng "hơn" kẻ yếu thế, dù có khi họ bẩn thỉu, ti tiện hơn. Sự bẩn thỉu, ti tiện của họ được che đậy bởi cái vỏ chức quyền, chứ không trần trụi như lão Đào, chỉ lấy tờ báo cũ bao quả tim heo. Mà mục đích chỉ để cứu con mình.

Đứa con suy dinh dưỡng, suy tim của Đào đã chết, từ cái ngày khốn khó ấy. Nó không được ăn miếng tim heo nào. Nhưng Đào phải mang tiếng suốt đời vì "quả tim heo". Ba đời Tổng biên tập, với ba quả tim... người, vẫn không thể buông tha "quả tim heo" ấy./.

Ăn mày trúng số

Một con sông rộng, cầu sắt bắt ngang. Người qua kẻ lại trong cái buổi sớm mai nầy kể có hằng chục, hằng trăm mà không ai để ý lão ăn mày kia đang dựa mình vào lan can vừa cúi đầu suy nghĩ. Không một ai để ý đến lão, mà chẳng dè lão là người đóng vai tuồng trong chuyện này. Không một ai tưởng rằng lão mừng lão vui mà chẳng ai dè lão đương mừng vui hơn cả mấy trăm người đã qua lại trước mặt lão từ sớm mai cho đến bây giờ.

Hôm nay gương mặt lão không thèm làm bộ đau đớn, thảm khổ; cái miệng của lão không thèm nói tiếng than vãn rên xiết. Ai đi ngang qua trước mặt lão thì mặc họ, lão cũng chẳng buồn đưa tay ra xin từng đồng xu lớn nhỏ như mọi bữa nữa.

Một người ăn mày, quần áo lang thang thúi hôi rách rưới mà hôm qua xin từng đồng xu, lượm từng đồng điếu mà hôm nay đã thấy tánh ý đổi xa. Ai đi ngang qua trước mặt, lão cũng cho rằng người ấy là không bằng lão, lão tưởng như vậy là có lý lắm chớ chẳng phải không vì hôm nay lão chẳng còn phải như mọi bữa nữa, lão không còn ăn xin ăn mày nữa.

Lão có mua một tấm giấy số mà tấm giấy số ấy lại trúng độc đắc mười ngàn đồng! Mười ngàn đồng bạc! Một triệu xu!

Theo ý tưởng của lão và những người như lão thì mười ngàn đồng bạc là một số tiền to tát, một số tiền nhiều không biết là bao nhiêu mà kể. Lão đứng dựa lan can cầu tự hồi hừng đông cho tới bây giờ. Bụng lão suy, trí lão nghĩ, suy nghĩ nghĩ suy mãi mà không biết phãi chi dùng số bạc 10.000 đ mà lão sẽ đặng lãnh vào việc gì?

Lão đứng ngó mông lại đằng xa kia thì thấy một toà nhà ngói, vách tường rất là đẹp mắt. Gương mặt của lão bổng lộ vẻ vui mừng. Lão nhìn ngay lại toà nhà ấy mãi. Lão đã thấy chỗ dùng số bạc 10.000 đ của lão rồi. Trước hết lão phải lo cho lão một chỗ ở. Lão muốn một cái nhà rộng, thật khéo, thật đẹp, chung quanh có vườn tược, có đủ thứ cây ăn trái và đủ thứ bông hoa kiểng vật. Bấy giờ đứng dựa lan can mà lão đã tưởng rằng đương đứng trong ngôi nhà tốt đẹp ấy rồi. Một chiếc xe mui kiến sơn láng bóng chạy ngang qua cầu, trước mặt lão làm cho lão chống hai con mắt ngó theo không nháy, mà bụng bảo dạ rằng: - Rồi đây mình cũng sẻ phải có một xe hơi cũng đẹp cũng tốt như cái xe đó, mới cho là sướng. Mình ở trong một cái nhà lớn tốt mà nếu như không có sắm xe hơi không khác gì là một người con gái lịch sự mà què chơn. Phải! Lão ăn mày ta trúng số độc đắc 10.000 đ thì thật là có trúng nhưng vậy tiền chưa lãnh đồng nào, nhà cữa chưa cất, xe hơi cũng chưa sắm, thế mà lão ta nghiễm nhiên làm bộ tịch như một bực giàu sang, phong lưu, quyền quí đâu tự mấy đời rồi. Dầu cho có lầu cao cửa rộng, xe hơi, ca nốt, thì cũng chưa đầy đủ cái lòng ham muốn của lão đâu. Lão cũng như ai, phải cây cỏ chi chi mà chẳng có tình. Ngoài những chuyện món ăn, nhà ở, xe đi, lão còn tính cần phãi có một cô vợ vừa non vừa đẹp đẻ cùng nhau trong lúc canh vắn chia cái buồn vui. Lão tính tới tính lui, tưởng xa tưởng gần rồi gục mặt xuống sông, nhấm xem hình bóng của mình dưới dòng nước chảy. Bộ tướng xấu xa, thân hình dơ dáy làm cho lão có một điểm buồn cho lão rồi. Nầy là cây gậy, nầy là cái bị, hôm nay lão cần giữ lấy nó mà làm gì đây nữa. Lão đã có 10.000 đ bạc là tấm giấy số trong mình thì lão đã thành một ông nhà giàu rồi, lão phải mau mau cỗi cái lớp ăn mày đi.

Lão cầm cây gậy quăng ngay xuống sông, nó trôi lờ đờ trên mặt nước. Lão cầm cái bị mà quăng theo luôn cho nước chảy. Cây gậy trôi trước, cái bị trôi sau, lão đưa mắt nhìn theo mà lòng khoan khoái. Lão đưa tay lên xuống làm như muốn xô đuổi hai cái món vật ấy trôi đi cho mau, cho xa lão. Thình lình gương mặt lão vùng biến sắc, lão nhớ lại rằng tấm giấy số của lão đương nằm trong bị mà cái bị ấy đang lờ đờ đằng xa kia.

Nóng quá mà quên rằng mình không biết lội nên lão vùng nhãy xuống sông ý muốn vớt cái bị lại, nhưng vậy không được, cái bị cứ trôi lần lần xa ra còn lão thì chìm lần lần xuống đáy.

Than ôi! Nhà lầu, xe hơi, gái đẹp, những những đều thấy trôi theo dòng nước, còn lão ăn mày ta thì nằm dưới đáy sông làm cho giấy số mười ngàn không ai lãnh được.

Máu Chó

Tiết thanh minh năm ngoái tôi về quê sửa sang lại phần mộ ông bà. Buổi chiều hôm ấy ra nghĩa trang miếu Mạc, bên bờ con sông Hải, thấy người các nơi đổ về tảo mộ đông như trẩy hội. Lớn bé, già trẻ, trai gái, sang hèn đủ cả, mọi người tíu tít thắp nhang, đốt vàng mã, thành kính khấn vái bên mộ người thân. Có những người ăn mặc ra dáng Việt kiều mới ở nước ngoài về, ôm lấy nấm mộ khóc rưng rức, nước mắt chứa chan nhỏ xuống cỏ xanh. Có một quân nhân đeo quân hàm cấp tướng quỳ trước ngôi mộ bằng đá hoa cương mới xây, đẹp như tranh vẽ... Nhìn cảnh thanh minh tảo mộ ấm áp tình người thật cảm động, cảm thấy huyết thống từng dòng họ đang luân lưu như dòng sông ăm ắp dưới kia...

Bỗng tôi thấy một nấm mồ không có cọng chân nhang nào, cỏ dại, gai góc mọc trùm một bên, một bên sạt lở, lổn nhổn vết chân trâu bò, nhìn quá xơ xác tiêu điều! Tôi hỏi thím cả Phúc đang dãy cỏ, thắp hương cho ngôi mộ gần đó:

- Mộ này của ai, thím cả?

Thím Phúc ngẩng lên nhìn ngôi mộ hoang, không cần nghĩ, bảo tôi:

- Mộ ông Mưu xóm Trại đấy?

- Ông Mưu bí thư đảng ủy phải không? Chết lâu chưa?

- Chết từ tám hoánh rồi!

- Sao không ai đắp điếm?

Thím Phúc phủi tay têm trầu, đủng đỉnh nói:

- Còn ai mà đắp điếm? Mỗi thằng con trai thì chết nghẻo năm sáu chín rồi. Đứa con dâu lấy chồng khác tận Thái Nguyên. Thằng cháu nội bỏ đi biệt tăm biệt tích...

- Thế họ hàng đâu?

- Lúc còn sống ăn ở chả ra gì, giờ không ai thèm ngó tới!

Thím Phúc vừa nhai trầu vừa cời đống vàng mã cho cháy đùng đùng trên ngôi mộ, mắt chăm chú nhìn đám tàn vàng cuốn theo khói nhang bay lên trời. Thím Phúc nói: "Tôi đã ghi tên người nhận vào từng tờ vàng mã, lại nhờ quan thổ thần thổ địa chứng giám, nên không sợ ma quỷ giành giật. Chỉ sợ những "người hàng xóm" xà xẻo!" Có lẽ thím cả Phúc ám chỉ ông Mưu? Cứ như cách tính toán rạch ròi của thím Phúc thì hồn ma ông Mưu chắc đói rách lắm chứ chả chơi.

Tôi mượn thím Phúc cái cuốc dẫy cỏ gai trên nấm mộ ông Mưu, đắp lại chỗ sạt lở, thắp cho ông ấy mấy nén nhang và đốt mấy tờ vàng mã. Thấp thoáng trước mắt tôi một người đàn ông mặt nhọn, mắt sâu chân đi khệnh khạng chữ bát từng một thời nổi tiếng...

Đ ó chính là ông Mưu, họ Lê ở xóm Trại. Mọi người gọi ông là "Mưu Gia Cát". Tôi đã được nghe kể rất nhiều chuyện về mưu mẹo của ông Mưu Gia Cát.

Hồi còn bé, Mưu đi ở chăn trâu, lúc nào cũng thủ sẵn một bó rơm khô. Hễ gặp đám đánh khăng, đánh đáo là Mưu cột trâu vào chỗ khuất bắt nhai rơm khô. Tàn cuộc chơi, Mưu dắt trâu ra sông cho uống nước. Trâu nhai rơm khô như người ăn gạo rang, uống bao nhiêu nước cho vừa? Uống vào, bụng trương lên, căng tròn phinh phính. Chủ nhìn tưởng trâu no cỏ, nào ngờ lõng bõng toàn nước với rơm.

Đi bắt cá với bạn bè Mưu cũng có mẹo. Một hàng dậm hơn chục cái dàn hàng ngang, Mưu tìm cách để dậm của mình tụt xuống thấp hơn, như đơm đó, cá bị lùa thấy chỗ trũng, chạy ào ào vào dậm của Mưu...

Lớn lên, Mưu cầm đầu một toán thợ gặt, toàn lực điền, ăn khỏe, làm khỏe. Các toán khác đòi 7 lượm lúa một công, toán Mưu chỉ lấy 5 lượm. Chủ ruộng nào ham rẻ hớp phải là khốn! Bởi vì rước về, cho ăn no nê xong là bọn Mưu giao hẹn: "Chúng tôi ăn khỏe, làm khỏe, công rẻ, nhưng nếu xảy ra ốm đau bất trắc thì gia chủ phải lo!" Gia chủ nhìn toàn trai lực lưỡng, nghĩ họ lo xa thôi, ốm đau bất trắc sao được, nên gật đầu chấp nhận. Bọn Mưu ra đồng gặt nhanh như cướp. Khi ruộng lúa gặt gần xong thì bỗng Mưu lăn đùng ra, giãy đành đạch, sùi bọt mép, mắt trợn ngược trắng dã, nằm chết ngay đơ. Toán thợ la lối, bảo đi báo quan. Chủ nhà sợ liên lụy đành phải xin thương lượng bồi thường. Toán thợ lấy hết số lúa đã gặt được để lo ma chay cho người chết. Nhận lúa xong, khiêng "xác" Mưu đi. Ra khỏi làng tức thì Mưu sống lại, cười hềnh hệch...

Cũng nhờ mưu mẹo mà có lần Mưu lập được công to.

Năm ấy bộ đội về làng phối hợp với du kích đánh bốt Tràng Lũ. Hướng tập kích là một cánh đồng trống, phẳng lì, bộ đội phơi mình giữa làn đạn quét sát đất của địch. Thương vong nhiều mà không tiến lên được. Xã đội trưởng vò đầu bứt tai, kêu:

- Mưu Gia Cát đâu?

- Có Mưu đây!

- Có cách gì tránh thương vong không?

- Bom pháo mới khiếp chứ thằng trung liên thì đếch sợ!

Mưu nói xong, lẩn vào đống rơm húy hoáy một lúc, rồi vần ra một cái nùn rơm quấn tròn như bánh xe ô tô. Mọi người đã hiểu ra cái mẹo của Mưu. Mưu mời chỉ huy đơn vị bộ đội và xã trưởng ra ruộng mạ đầu hàng, nói:

- Tôi thách thằng nào bắn trúng!

Mưu vừa bò vừa đẩy cái bánh xe rơm về phía trước. Cái bánh xe rơm che kín người Mưu. Rơm bện chặt, đạn đại liên cũng khó xuyên thủng. Chỉ huy đơn vị bộ đội vỗ tay đánh bốp vào vai Mưu:

- Giỏi! Đúng là Mưu Gia Cát! Thắng trận này đồng chí sẽ được thưởng huân chương.

Sáng kiến nùn rơm của Mưu góp phần đánh thắng bốt Tràng Lũ, Mưu được thưởng huân chương, nổi tiếng cả huyện.

Hòa bình lập lại Mưu làm đội trưởng sản xuất rồi chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán. Ngày trước Mưu nghĩ mẹo đánh Tây, không ngờ bây giờ lại giở mẹo bày đủ trò xoay xở, cấu véo của dân. Từ lạng đường mét vải đến cái kim sợi chỉ, dân được phân phối thứ gì Mưu cấu véo thứ ấy.

Nhờ tiền ăn cắp, Mưu đúc nhà mái bằng, xây tường hoa, sân gạch, cưỡi xe đạp favorít, đeo đài Xiêng Mao... Mặt Mưu vênh lên không sợ ai, không coi ai ra gì bởi lắm mưu mẹo, lại khéo đút lót cấp trên. Cả làng cả xã phải cầu cạnh, khúm núm trước mặt chủ nhiệm HTX Mưu. Nhà nào có đám cưới, đám ma mà không lạy van Mưu thì đừng hòng được duyệt cho mua vài lạng chè, hoặc vài bao thuốc lá Trường Sơn... Những cô gái mơn mởn muốn có cái quần phíp phải nhắm mắt ngủ với Mưu vài lần.

Năm tôi mười bốn mười lăm tuổi, đã thuộc câu: " Nhất Mưu, nhì Chức, ba Tình. Chúng nó rút ruột dân mình bấy lâu! "

T ôi nghe kể, năm 1968 xã tôi mở Đại hội bầu ban lãnh đạo mới. Mới là nhiệm kỳ mới, chứ người thì vẫn " ba đứa rút ruột dân mình bấy lâu! " Duy có Tình được hất lên huyện làm cán bộ to hơn, nhường ghế bí thư đảng ủy cho Mưu và Chức tranh nhau.

Thế lực Mưu, Chức một chín, một mười. Chức nhỉnh hơn vì có đứa con gái đi Thanh niên Xung phong. Mưu biết vậy nên khi chuẩn bị họp bàn nhân sự, Mưu dúi cho mỗi đảng ủy viên một bao Điện Biên, hai đảng ủy viên nữ được mỗi người một chiếc khăn bông bay. Vào cuộc họp, Mưu xăng xái cười cợt, tuyên bố: "Hôm nay ngoài cửa hàng có mấy chục ký đường cát ngoài tiêu chuẩn, đồng chí nào cần, tôi giải quyết!" Mưu lại cho giết thịt chó đãi hội nghị. Mắt các đảng ủy viên sáng lên, đổ dồn vào Mưu. Có chín vị thì sáu đã lên tiếng để cử Mưu làm bí thư. Mưu bưng chén, nâng ly cười hềnh hệch.

Nào ngờ, Chức đứng lên rút trong túi ra chiếc phong bì chi chít dấu bưu điện, nói:

- Cháu Duyên nhà tôi ở Tuyến lửa vừa gửi thư ra, có mấy lời thăm Ban lãnh đạo xã nhà!

Chức đọc lá thư của cô con gái T.N.X.P lời lẽ rắn rỏi, cảm động, kể những gian khổ hy sinh và tinh thần chống Mỹ cứu nước ở Tuyến lửa. Không khí cuộc họp đang bầy hầy rượu thịt bỗng nghiêm trang trở lại. Xã đội trưởng bật dậy khoát tay:

- Cháu Duyên đã làm chúng ta sáng mắt ra! Tất cả vì Tiền Tuyến! Mọi tiêu chuẩn đều phải hướng về Tiền Tuyến!

Bà chủ tịch phụ nữ dúi trả Mưu cái khăn bông bay, nói:

- Tôi xin rút lại ý kiến giới thiệu đồng chí Mưu!

Cuộc họp bế mạc, không có ai ra cửa hàng mua đường. Mưu tức ứa máu, khệnh khạng đi đi lại lại chán, rồi đạp xe về nhà, hậm hực nói với vợ:

- Mả bố thằng Chức! Nó đội 1... con gái, nhảy lên đầu tao!

Mặt vợ Mưu xanh mét, nói lí nhí:

- Thì cứ để ông ấy làm bí thư, ăn vàng ăn giải gì?...

- Đồ ngu! Đứng đầu cả xã mà bảo không ăn vàng ăn giải gì à?

- Thì ông kém cạnh gì? Chả đang giầu gấp mấy lần ông ấy!

- Giàu mà chỉ là thằng chủ nhiệm H.T.X, thì khác gì méo rúc gầm chạn, chó ăn vụng cứt! Mở mắt ra mà nhìn thằng Tình. Nó nhảy tót lên huyện, rồi nay mai lên tỉnh... Mẹ kiếp!

Vợ Mưu gục đầu:

- Tôi đàn bà ngu dốt biết gì mà ông chửi?

Mưu chắp tay sau đít rảo mấy vòng trong sân, dịu giọng:

- Cũng tại mày đẻ được mỗi thằng con! Phen này phải cho thằng Mạnh vào bộ đội!

Vợ Mưu vùng dậy nắm vạt áo Mưu:

- Có mỗi mụn con, nó đang đi học, mới cưới vợ...

Mưu hất tay vợ ra:

- Mày ngu lắm! Bộ đội cũng có năm bảy loại! Ai cho nó vào chỗ chết mà sợ! Hừm!...

Vợ Mưu như con gà mái xù lông vểnh mỏ một tí rồi cụp lại. Mưu mặc quần áo tinh tươm, ra cửa hàng lấy mấy tút thuốc lá Tam Đảo, mấy cân đường và hơn chục mét vải phíp Trung Quốc, rồi đạp xe lên tỉnh đội. Gặp lãnh đạo tỉnh đội xong, Mưu đạp xe sang trường Cao đẳng sư phạm, chỗ thằng Mạnh đang học năm thứ nhất. Thằng Mạnh đang lên lớp, Mưu kéo con về phòng trọ, hỏi:

- Tao đẻ ra mày, mày chưa trả ơn tao?

Thằng mạnh quen tính bố, hỏi:

- Bố cần gì cứ nói?

Ông Mưu cười:

- Tao muốn chức bí thư đảng ủy!

- Bố muốn gì cũng được!

Mưu móc túi lấy bịch máu chó đã thủ sẵn, bảo thằng Mạnh lấy bút chấm vào máu chó viết quyết tâm thư.

Thằng Mạnh nhìn bịch máu chó lè lưỡi khiếp sợ, hỏi Mưu:

- Sao bố lại làm thế? Quyết tâm thư là thiêng liêng!

Mưu cười gằn:

- Đừng lý sự! Mày nhát như cáy mà đòi làm gan anh hùng sao được?

- Nhưng máu chó...

- Máu chó cũng là máu!

Thằng Mạnh cắm đầu làm theo bố, lấy bút chấm máu chó viết quyết tâm thư.

Sau đó Mưu đèo con sang Tỉnh đội.

Thằng Mạnh nhập ngũ, được bổ sung vào tiểu đoàn pháo phòng không.

Hôm sau cái tin "đồng chí Lê Mưu, có đứa con độc nhất đang là sinh viên đại học, cắt máu viết quyết tâm thư xin ra mặt trận đánh Mỹ" đã được đăng trên trang nhất tờ báo tỉnh. Mưu trở thành gương "Người tốt việc tốt", và đắc cử chức bí thư đảng ủy xã.

Mưu xin cho con làm văn thư tiểu đoàn, vừa nhàn vừa an toàn. Mưu tính khoảng hai năm, thằng Mạnh kiếm "tí" đảng viên, rồi Mưu sẽ chạy cho nó vào Đại học quân y, có tiếng lại có miếng, vứt quách cái nghề "húp cháo phổi" bất đắc dĩ.

Nhưng người tính không bằng trời tính! Mưu ngồi ghế bí thư chưa ấm chỗ thì thằng Mạnh lăn đùng ra chết.

Thì ra chuyện nó dùng máu chó thay máu mình viết quyết tâm thư vào bộ đội rồi chạy chọt làm "lính kiểng" cả tiểu đoàn ai cũng biết. Nhục quá! Thằng Mạnh tự sát bằng một phát súng AK. Nó chết không kịp nhìn mặt đứa con trai mới sinh.

Mưu vừa đau vì mất con, vừa đau vì mất mặt, chạy chọt ém chuyện con trai tự sát, tổ chức lễ truy điệu long trọng rồi làm thủ tục cấp bằng Tổ quốc ghi công và chế độ trợ cấp con liệt sĩ cho thằng Tiến con của Mạnh.

V ợ Lê Mưu ốm yếu, sợ chồng như cọp. Thấy chồng mưu mẹo vơ vét của dân, rồi quan hệ nhăng nhít, ăn nằm với hết người này người khác, bà ta chỉ khóc.

Từ khi thằng con trai duy nhất chết, bà Mưu đâm ra lẩm cẩm, suốt ngày lảm nhảm: " Ông Mưu giết con! Ông Mưu giết thằng Mạnh rồi!"

Một hôm, bà Mưu bế cu Tiến ngoài sân chơi thì nghe lục đục trong buồng, rồi có tiếng thét của con dâu... Bà Mưu vội bỏ cu Tiến chạy vào, thấy chồng đang đè con dâu xuống giường. Cô con dâu bị xé rách quần áo đang cố chống lại bố chồng cưỡng hiếp. Bà Mưu rú lên đứt mạch máu não mà chết.

Mưu thở hổn hển, buông con dâu đạp xe ra trụ sở Đảng ủy.

Chôn cất mẹ chồng xong, cô con dâu sợ bố chồng làm nhục, quyết định đi lấy chồng khác. Anh này là công nhân khu gang thép Thái Nguyên. Cô muốn đưa con đi theo, nhưng bố chồng không cho. Ông Mưu chỉ tay vào mặt con dâu:

- Chồng mới hy sinh ba năm đã ngứa nghề lấy chồng khác. Mày không xứng đáng làm mẹ đứa con của liệt sĩ!

Nàng dâu chắp tay lạy bố chồng:

- Con đứt ruột đẻ thằng cu Tiến ra, bố cho con được chăm sóc dạy dỗ nó nên người...

- Mày không đủ tư cách dạy cháu ông! Từ nay cấm mày bén mảng về đây. Cút!

Mưu quát, rồi cầm tay con dâu kéo ra đường. Thằng Tiến khóc ôm chân mẹ, bị ông nội đá cho một nhát văng vào xó nhà. Hàng xóm nhìn cảnh đó lè lưỡi lắc đầu kinh tởm ông bí thư đảng ủy xã.

Lão Chức đi qua cười, hỏi Mưu:

- Cái dây nút quần con dâu ông nó chặt quá à?

- Mả mẹ mày! - Mưu chửi Chức, rồi vặn cái đài Xiêng mao hát thật to, để át tiếng thằng Tiến khóc.

Ông Mưu mua chiếc ghế mây buộc vào khung xe đạp cho thằng Tiến ngồi, đi đâu chở nó theo. Thằng bé mới gần ba tuổi nhớ mẹ khóc ngằn ngặt bị ông nội quát sợ im thin thít. Khi Mưu họp, thằng Tiến ngồi bên cạnh tí táy nghịch cái bật lửa, cái bút máy, chán thì lăn ra ngủ. Lúc Mưu đến cơ sở hoặc ra đồng, thằng Tiến lon ton chạy theo sau. Nó bắt chước ông nội từ dáng đi khệnh khạng đến cách quát tháo. Cán bộ cấp trên về xã, Mưu bắt tay, thằng Tiến cũng chộp lấy tay ông cán bộ nói ngọng bi bô: " Tào tồng tí ". Ông Mưu và mấy người vỗ tay khen: "Đồng chí Tiến giỏi lắm!"...

Một hôm đang họp thường vụ đảng ủy thì trưởng công an chạy vào báo: Sư thầy chùa Rộc bị trục xuất mấy tháng trước, giờ lại quay về chuẩn bị tổ chức lễ Phật đản. Ông Mưu đập bàn quát:

- Láo! Thằng trọc ấy láo.

Trưởng công an nói thêm:

- Phật tử ra chùa rất đông, đang tô tượng...

Mưu giải tán cuộc họp rồi nói với trưởng công an:

- Gọi xã đội theo tao!

Mưu nhảy lên xe, đạp đến chùa Rộc, tất nhiên chở thằng Tiến theo.

Đến nơi thấy sư thầy đang sơn lại mấy pho tượng Phật bị mối mọt Mưu chỉ mặt hỏi:

- Ai cho mày về?

- Na mô a-di-dà-phật! - Sư thầy chậm rãi - Bần tăng được Giáo hội Phật giáo...

- Giáo giáo cái con c.! - Mưu ngắt lời sư thầy, rồi ra lệnh cho trưởng công an:

- Gô cổ thằng phản động này lại!

Các phật tử xúm lại bênh sư thầy, làm Mưu càng tức. Ông ta cầm búa bổ phầm phập vào đầu mấy pho tượng Phật, rồi bắt chất thành đống ở sân chùa, đốt. Thằng Tiến bắt chước ông nội, cũng lấy búa bổ đầu tượng Phật, nó thích chí cười khanh khách...

Tin ông bí thư đảng ủy trói sư thầy, đốt tượng Phật đến tai lãnh đạo Tỉnh. Một cán bộ ban tôn giáo về xã, thấy tượng Phật bị đốt cháy dở dang còn ở sân chùa, thấy sư thầy còn bị giam ở kho hợp tác xã, tang chứng rõ ràng.

Nhưng ông bí thư đảng ủy giải thích: "Tượng Phật mối mọt phải hủy, sư có bố mẹ di cư vào Nam làm tay sai cho giặc!" Rồi Mưu làm cơm rượu mời ông cán bộ Ban tôn giáo, lại biếu con gà trống thiến béo núc níc và bao gạo tám thơm, thế là êm chuyện.

Đất nước đang chiến tranh, đàn ông con trai dồn ra mặt trận hết, ở làng toàn ông bà già, phụ nữ, trẻ con thấp cổ bé bụng, nên chuyện to tát mấy cũng êm dưới sự dàn xếp của Mưu và mấy vị lãnh đạo xã. Họ lập hẳn một tổ, ăn điểm hợp tác chuyên làm cỗ đãi đằng các cấp lãnh đạo tỉnh huyện, ăn uống no say rồi còn có gạo thịt mang về. Vị nào nổi hứng muốn thưởng thức gái quê thì "nháy" Mưu, Mưu sẽ biến văn phòng đảng ủy xã thành "phòng hạnh phúc tạm thời" ngay. Thế là xấu biến thành tốt, ít biến thành nhiều, thành tích ma chất đống. Một kẻ dám lấy máu chó thay máu con mình viết quyết tâm thư để giành ghế bí thư như Mưu thì chả có việc tồi tệ nào mà lão không làm. Mưu tham ô, lãng phí sống buông tuồng, ăn nằm với đàn bà nhiều đến nỗi mảng quần phía trước lúc nào cũng cứng như mo cau, cái mặt choắt lại, phừng phừng hơi men, vì phải uống rượu lấy sức.

Thằng Tiến từ bé theo ông nội, bắt chước mãi đâm ra giống hệt tính Mưu. Đến nhà trẻ nó dành hết đồ chơi của các bạn, nó vặt đầu, bẻ tay búp bê, và trật quần đái vào mâm cơm nếu không muốn ăn. Một hôm thấy cô giáo Thu cúi xuống xếp đồ chơi, thằng tiến liền chộp tay bóp vú cô reo lên: "Vú to quá!" Cô giáo Thu vừa xấu hổ vừa bực vì đứa học trò ngỗ nghịch. Cô phạt nó quỳ. Nhưng cô vừa nói dứt lời thì thằng Tiến thụi vào mặt cô một nhát, rồi chạy về.

Hôm sau, Mưu đến lớp, gọi các cô giáo lại, hỏi:

- Đứa nào bắt cháu tao quỳ?

Cô giáo Thu chưa kịp nói câu nào đã bị ông Mưu giáng cho một cái tát nổ đom đóm mắt...

C ái tội hiếp con dâu và đánh cô giáo như giọt nước làm tràn ly tội lỗi của Mưu. Cấp trên không thể bao che mãi được. Hơn nữa bọn Chức cũng bỏ tiền ra đút lót, quyết "chơi" Mưu, nên Mưu mất chức bí thư đảng ủy.

Chức lên thay. Chức vốn ghét Mưu nên không bố trí cho Mưu làm gì nữa.

Không còn tí chức quyền nào, không vơ véo được gì nữa, Mưu suy sụp rất nhanh. Cái xe đạp favorít, cái đài Xiêng Mao bị đẩy ra trước tiên, rồi đến cái sân gạch cũng phải nạy lên bán. Mặt Mưu ngày một choắt lại, râu ria tua tủa, hai mắt lõm sâu, đỏ như cục máu, cái cổ rụt vào hai bả vai, cái lưng còng xuống, trông hệt như con tôm càng.

Không ai thèm đến nhà Mưu. Mưu ra đường không ai chào. Có lần Mưu đi họp chi bộ ngang qua ngõ nhà lão Tảo "đồ tể" chuyên giết chó thuê (nơi mấy năm trước Mưu đã xin bịch máu chó viết quyết tâm thư). Lão Tảo vừa nhìn thấy Mưu liền reo lên:

- A ông Mưu! Có lấy máu chó nữa không?

- Mả mẹ mày! - Mưu chửi.

Tảo cầm con dao cắt tiết chó dứ dứ vào mặt Mưu:

- Thằng máu chó!

Rồi vung tay tương thẳng bịch máu chó vào giữa mặt Mưu, máu chó tung tóe đỏ lòm... Lão Tảo và mấy đứa đang giết chó phá lên cười khơ khớ...

Lại có lần tổ chức truy điệu liệt sĩ, vừa thấy mặt Mưu, một người bố liệt sĩ nói: "Con tôi hy sinh vì Tổ quốc, tôi muốn vong hồn nó trong sạch, không bị vấy bẩn thứ máu chó của ông".

Hết thời, bị tẩy chay khinh bỉ, Mưu lấy rượu giải khuây. Không có bạn, ông ta bắt thằng Tiến ngồi uống với mình. Thằng Tiến nhắm mắt ói ra, Mưu chửi:

- Mả mẹ mày! Làm trai không biết uống rượu thì vứt.

Thằng Tiến bị ông nội ép uống rượu mãi, đâm nghiện. Năm nó mười ba mười bốn tuổi thì tửu lượng đã hơn hẳn ông Mưu.

Cảnh nhà đã kiệt quệ, Mưu bày cách cho thằng cháu ăn cắp lấy tiền uống rượu. Tiến đi học ăn cắp sách bút của bạn, về nhà ăn cắp của xóm giềng. Nhà ai có con gà đẻ, Tiến mà biết thì đẻ quả trứng nào mất quả ấy. Nó lấy rọc mùng lùa vào ổ gà, gà tưởng rắn nằm im, thế là nhẹ nhàng cắp trứng. Nhà bên cạnh vừa mua con cá chép thả vào bể chuẩn bị cúng Táo quân, Tiến lấy dây kẽm gai làm cái chĩa có ngạnh, lẻn sang, loáng một cái đã đâm được con cá chép về rán uống rượu. Mất cá không bắt được quả tang nhà bên tức chửi: "Đứa nào ăn cá của tao khác nào ăn cứt con tao!", thằng Tiến liền ỉa vào cái lá khoai bỏ vào bể nước nhà họ. Ao nhà nào nuôi cá mè, chỉ vài đêm là thằng Tiến bắt sạch. Nó chọn góc sâu, úp một chiếc nơm, trong nơm ghìm một quả bưởi, một bọc cám rang xuống bùn. Cá nghe mùi cám thơm chui vào nơm, rỉa cám ăn, quẫy mãi nát bùn, quả bưởi nổi lên vít chặt miệng nơm...

Dòng máu Mưu truyền sang thằng Tiến, truyền cho nó mưu mẹo trí trá ngang tàng. Thằng Tiến bước vào đời bằng cái "vốn" ấy. Và chính cái vốn ấy đẩy nó vào chỗ tối tăm...

Năm Tiến mười bảy tuổi, nó bị bắt vì ăn cắp và chém người. Nó vừa bước vào phòng tạm giam thì gặp "đại bàng" dạy dỗ ngay:

- Mày bị bắt vì tội gì?

- Chém người! - Thằng Tiến đáp.

- Chém mấy người?

- Nhiều!

- Giỏi!

Đại bàng cười, nháy mắt cho đàn em. Lập tức chúng ra đòn. Thằng Tiến bị hất sấp mặt xuống nền xi-măng, máu mồm, máu mũi tuôn ra. Thằng Tiến chưa hoàn hồn thì bị dộng ngược đầu xuống đất, bị thúc cùi trỏ vào bụng cho phọt cứt ra miệng. Hôm sau, nó vừa cầm suất cơm định ăn thì bị đá văng vào góc nhà. Đại bàng nói:

- Mày muốn ăn cơm thì phải ăn cứt đã!

Thằng Tiến quỳ xuống:

- Xin "đại ca" tha mạng!

Đại bàng cười:

- Được! Nhưng mày phải chăn kiến đã!

- Chăn kiến là làm sao?

- Câm mồm!

Chúng bắt hai chục con kiến bỏ vào cái lọ, giao cho Tiến. Mỗi buổi sáng thằng Tiến thả đàn kiến ra góc nhà ngồi canh, không được để con nào bò ra khỏi cái vòng tròn "Tề Thiên Đại Thánh", tối bắt bỏ vào lọ. Hễ một con ăn ba bạt tay, để chết một con bốn bạt tay. Nếu để kiến lạc mất hoặc chết mà bắt kiến khác bỏ vào thay thế thì phải ăn cứt "đại bàng"...

Ở làng thằng Tiến học ông nội mưu mẹo lừa người, và sự ngang tàng hống hách, vào trại giam, thằng Tiến học thêm được sự tàn bạo. Nó chợt hiểu ra một điều, ông nó tàn bạo với dân làng một thì nó bị kẻ khác tàn bạo lại mười.

Hôm được tha về, nó xúc mấy thúng thóc đội thẳng ra chợ bán lấy tiền mua rượu thịt mời mấy đứa cùng được tha về đánh chén. Lúc ngà ngà say, thằng Tiến chỉ tay vào mặt ông nội nói với mấy đứa bạn:

- Ông máu chó!

Ông Mưu chửi:

- Đồ mất dạy!

Thằng Tiến hỏi lại:

- Ai dạy tôi? Ai làm cái thằng này mất dạy, hở?

Thằng Tiến lừ lừ bước tới trước mặt ông Mưu, hai mắt đỏ lòm như hai cục máu:

- Ông còn nhớ cái bịch máu chó không? Bố tôi chết nhục vì bịch máu chó của ông. Mẹ tôi vì ông phải bỏ đi để tôi mất dạy! Ha... ha! ... Hu...hu!...

Thằng Tiến ôm mặt khóc rống lên, nghe rờn rợn như tiếng rú của con chó điên. Đêm ấy nó bỏ làng ra đi cùng mấy đứa bạn giang hồ...

N ăm nay tôi lại về quê tảo mộ.

Ra nghĩa trang miếu Mạc tôi để ý thấy mộ ông Mưu đã được xây, trên mộ có nhang, vàng mả. Ai đã xây mộ cho ông Mưu? Tôi đang tự hỏi thì gặp thím cả Phúc cùng mấy đứa cháu đi tảo mộ. Tôi hỏi:

- Ai xây mộ cho ông Mưu vậy thím?

- Thằng cháu nội đấy!

- Nó về rồi hả thím?

Thím cả Phúc gật:

- Về rồi! Đang tu ở chùa Rộc...

Thật bất ngờ! Tôi vội vàng chào thím Phúc, rồi đến thẳng chùa Rộc.

Thượng tọa chủ trì chùa Rộc là người thân quen gia đình tôi, ông chính là người đã bị lão Mưu bắt trói đuổi đi năm nào. Nay Thượng tọa đã hơn bảy mươi, da dẻ vẫn hồng hào tươi tốt, dáng đi nhanh nhẹn, thanh thản. Thượng tọa dẫn tôi đi thăm chùa và còn mời cơm chay.

Chùa Rộc mới được trùng tu, nhưng những pho tượng bị ông Mưu đốt cháy dở dang chưa được sửa sang như vết thương chưa lành. Tôi buồn buồn nhắc lại chuyện cũ, Thượng tọa mỉm cười, độ lượng:

- Đức Phật từ bi hỉ xả! Kinh phật dạy rằng: Dừng lại là bờ, buông giươm là Phật , đừng nhắc lại lỗi lầm của người ta nữa. Âu cũng là kiếp nạn!...

Một người mặc áo quần nâu thoảng ngang qua sân chùa, mặt choắt, mắt sâu dáng đi khuyềnh khoàng giống hệt ông Mưu ngày trước. Tôi hỏi Thượng tọa:

- Thưa, có phải anh Tiến cháu ông Mưu?

- Phải, anh Tiến đấy! - Thượng tọa đáp.

- Con không ngờ...

Thượng tọa mỉm cười:

- Anh ấy ở tù, mới được ân xá, phát tâm quy y cửa Phật!

Tôi muốn gặp Tiến thăm hỏi vài câu, nhưng đã đến giờ dâng hương buổi chiều. Sư Tiến đang quỳ dưới bức tượng Phật Bà Quan Âm bị ông nội anh ta đốt cháy dở dang.

Tiếng chuông chùa ngân nga. Chiều quê hây hẩy gió bấc! ./.

Gã Đớp

Ở làng An Hạ, hễ thấy gì chướng mắt chắn lối đi là người ta bảo: "Chình ình như mả gã Đớp!" Và khi nhìn thấy ai đầu tóc rối bù khó ưa, lại ví "bù xù như cu gã Đớp!"

Tôi không thấy cu gã Đớp bù xù thế nào bởi gã chết từ tám hoánh rồi. Nhưng mả gã thì chình ình thật. Bởi nó nằm ngay ngã ba đường, chỗ rẽ vào chợ Rọc. Một tay điêu khắc nửa mùa nào đó đã tạc thân hình gã Đớp bằng đá ong xù xì nham nhở, có cái bụng phình ra, miệng há hốc như đang đòi ăn. Nhìn cái miệng ấy ai cũng ghét. Nhiều người qua lại, vớ cục đất ném một phát, thành thử cái mả cứ đầy tú hụ lên, khiến người ta tưởng mả gã Đớp phát. Có người mang rượu thịt ra cúng cầu may...

Nghe kể ngày xưa Đẹp - tên gã Đớp bấy giờ - bảnh trai nhất làng An Hạ. Cao to lực lưỡng, mặt mũi khôi ngô, da trắng như bắp nếp. Dù nhà nghèo rớt mùng tơi, gái vẫn mê đẹp như điếu đổ.

Năm Ất Dậu, bố mẹ Đẹp lăn ra chết vì đói, để lại hai anh em Đẹp. Tuy cùng máu mủ, nhưng Đẹp bảnh trai, còn Đẹn là em lại bé loắt choắt, đen như cột nhà cháy, mặt mũi vêu vao. Sau Cách mạng tháng Tám, anh em Đẹp mỗi đứa một ngả: Đẹn vào du kích, Đẹp đi lính cho Tây. Nhờ đẹp trai, Đẹp được làm lính hầu điếu đóm cho tên quan ba bốt Vũ Hạ. Mấy năm nhờ bơ sữa Tây, Đẹp càng bảnh bao hơn.

Khi hòa bình lập lại, Đẹp lơ láo về làng. Nhờ thằng em du kích giờ là cán bộ xã, Đẹp không phải cải tạo. Đẹp muốn lấy vợ, nhưng dạm hỏi đám nào cũng bị lắc đầu. Bấy giờ con gái không mê đẹp trai, giàu có. Tiêu chuẩn quan trọng nhất để các cô chọn là đoàn viên, đảng viên. Bởi thế có câu: " Em xinh răng trắng má hồng. Chỉ mong lấy được tấm chồng đảng viên !" Đẹp không đảng viên, lại là thằng lính ngụy, ai thèm lấy? Hắn chán đời, che túp lều ra ngã đường.

Làng An Hạ lên hợp tác xã. Đẹn được bầu làm chủ nhiệm. Ông anh Đẹp không được vào hợp tác xã vì là lính ngụy, và không có ruộng góp. Đẹn thương hại vời anh lêu lổng về làm chân "điếu đóm" phục vụ ban quản trị. Cái chân ấy các xã viên khinh, chả ai thèm làm, bởi chẳng khác gì thằng mõ. Đẹp cũng biết vậy, nghĩ thầm: "Sĩ! Để rồi xem... mèo nào cắn mỉu nào?"

Đúng là các xã viên có tiếng mà không có miếng. Có ruộng có trâu góp vào hợp tác xã đàng hoàng, mà suốt ngày đầu gio mặt muội mới kiếm được mươi điểm. Trong khi Đẹp chỉ nhởn nhơ pha trà, đổ bã điếu vẫn được công hạng A mười hai điểm. Đã thế gã lại chẳng tốn hạt gạo hạt muối nào. Mà lại ăn sướng như Tây trước kia. Bởi ngày nào ban chủ nhiệm cũng bày vẽ họp hành khách khứa để đánh chén. Rượu thịt mua bằng tiền "rút" của xã viên cứ ê hê chả ai tiếc. Một tay Đẹp sắp mâm đĩa tú hụ. Mấy tay cán bộ đảng viên ăn có lúc còn phập phồng lo lắng bởi sợ tai tiếng, còn Đẹp đớp thẳng rốn, chả lo sợ đếch gì. Bụng cứ phưỡn ra như bụng ông Di Lặc. Gã ưỡn cái bụng ấy ra trước mặt mấy ông xã viên gầy trơ xương mà trêu ngươi: "Các ông chê các nghề mõ nữa đi!"

M ột lần, lãnh đạo tỉnh chỉ thị cho làng An Hạ tổ chức đón Đoàn nhà báo Liên Xô về thăm. Ông Trưởng ty Văn hóa Thông tin được cử về trực tiếp lãnh đạo. Ông này vừa háo danh vừa mê hình thức, bắt phải tổ chức thật linh đình. Ông ta nói: "Làng An Hạ thay mặt tỉnh đón nhà báo quốc tế. Bộ mặt của làng An Hạ là bộ mặt của cả tỉnh nhà. Phải nhớ câu tục ngữ "Tốt khoe ra xấu xa đậy đệm!"

Người thay mặt hợp tác xã đón tiếp nhà báo nhẽ ra là chủ nhiệm Đẹn. Nhưng ông Trưởng ty Văn hóa Thông tin liếc qua thân hình bé loắt choắt, đen đúa như cột nhà cháy của Đẹn mà lắc đầu nguầy nguậy: "Chết! Đưa ảnh ông này lên báo, thế giới họ tưởng thằng Mỹ nó đã đưa Việt Nam quay lại thời kỳ đồ đá!"

Chủ nhiệm Đẹn xấu hổ cúi gằm mặt. Ông Trưởng ty chu miệng lại, nói một câu tiếng Nga ra vẻ ta đây: "Giờ-đờ-rát-stơ-vui-tre!" Chủ nhiệm Đẹn trố mắt, dỏng tai, há hốc miệng! Đẹn ngu ngơ hỏi: " Tre hở? Làng em nhiều tre lắm!" Ông trưởng ty văn hóa phì cười: "Con khỉ!"

Đẹp đang pha trà, thấy ông cán bộ tỉnh khinh người gọi em mình là con khỉ, gã ta tức khí sổ một tràng tiếng Pháp bồi: "Chrymoier!" (đồ con nhặng). Ông trưởng ty giật mình ngoái đầu lại, ngắm nghía nhìn thân hình phương phi bóng bẩy của Đẹp, chớp chớp mắt hỏi: "Đồng chí biết tiếng Anh à?" Đẹp ta khinh khỉnh: "Đủ dùng!" - "Đồng chí tên gì?" - "Đớp-sờ-lờ." Ông trưởng ty không hiểu "Đớp-sờ-lờ" là gì cũng làm bộ gật đầu, trông ngây ngô chả kém gì chủ nhiệm Đẹn vừa rồi.

Một cuộc họp khẩn cấp cán bộ thôn xã do ông trưởng ty chủ trì. Sau khi phân tích tầm quan trọng của cuộc đón tiếp nhà báo Liên Xô, ông ta nói: "Vì bộ mặt của tỉnh nhà, tôi quyết định để đồng chí Đớp-sờ-lờ thay đồng chí Đẹn tiếp đón nhà báo Liên Xô!" Ông chủ tịch xã tưởng cấp trên nhầm, giãy nảy lên: "Ấy chết! Nó là thằng Đẹp điếu đóm. Không phải cán bộ..."

Ông Trưởng ty tỉnh bơ: "Thế à? Không sao. Nó thay mình điếu đó chẳng hơn à? Cho nó đóng vai chủ nhiệm một buổi thôi. Mình chỉ mượn cái mặt nó, hiểu chửa?" - "Nhưng..." - "Thôi. Không bàn cãi nữa. Các đồng chí nên nhớ đây là bộ mặt quốc gia."

Ông thường vụ tỉnh ủy đã quyết thì cán bộ thôn xã có cho kẹo cũng không dám cãi. Hơn nữa, chính họ cũng muốn "đẹp mặt" nên để gã Đớp đóng giả chủ nhiệm hợp tác xã đón nhà báo thay Đẹn. Thế là anh em Đẹp được đi giầy, mặc com-lê (do trưởng ty mượn ở tỉnh về). Nhìn gã bảnh chọe như Tây. Ông trưởng ty mớm cho Đẹp bản thành tích để ăn nói với nhà báo quốc tế.

Làng An Hạ sôi sục đón nhà báo Liên Xô. Những đứa bé suy dinh dưỡng phải đưa ra khỏi nhà trẻ, giấu biệt. Những người hay bép xép... bị công an "mời" lên huyện quản lý. Trại chăn nuôi dột nát, trống huyếch trống hoác lập tức được che chắn lại, sơn phết sặc sỡ. Ban chủ nhiệm Hợp tác xã sang tận làng Giành, làng Sổ mượn trâu, bò, lợn, gà về nhốt đầy các chuồng. Ông trưởng ty Văn hóa Thông tin còn điều hàng chục cô văn công xinh đẹp trên tỉnh về, bắt họ tập cấy, tập bắn súng để làm " gái ba đảm đang " của làng An Hạ, thay cho những chị em chân quê đen đủi xấu xí...

Khi đoàn nhà báo về, cả làng đón rước linh đình. Mấy ông nhà báo Liên Xô đi từ nhà trẻ đến trại chăn nuôi, rồi ra cánh đồng, nhìn chỗ nào cũng thấy tốt, thấy đẹp, lại thấy ông chủ nhiệm bảnh bao, ăn nói lưu loát nên rất thích, rất nể. Nhất là thỉnh thoảng Đớp lại sổ một tràng tiếng Tây. Mấy nhà báo cứ chìa ngón tay cái ra: "Ô-chin-khra-xô!"

Cuộc đón tiếp ấy, Trưởng ty văn hóa thông tin báo cáo kết quả thành công mỹ mãn với lãnh đạo tỉnh. Hình ảnh đưa về sáng rỡ, lộng kính treo cao. Mấy ông nhà báo Liên Xô viết bài đăng ảnh khen ngợi ông chủ nhiệm hợp tác xã Đớp-sờ-lờ... Bí thư tỉnh ủy gửi điện về làng An Hạ khen nức nở rồi ký thư mời "đồng chí chủ nhiệm" lên dự liên hoan tiễn đoàn nhà báo Liên Xô về nước.

Lỡ rồi! Ông trưởng ty vội về làng An Hạ sắm sửa cho Đớp.

Lên tỉnh Đớp được ngồi ăn với bí thư, chủ nhiệm tỉnh.

Ở tỉnh về, mặt Đẹp cứ vênh lên. Gã treo tấm ảnh chụp chung với Bí thư Chủ tịch tỉnh phóng to như cái mo lên tường. Gặp ai lão cũng nói: "Nhờ tao cái làng này mới mở mày mở mặt!" Cán bộ xã tức ứa máu. Ông chủ tịch xã họp nội bộ chỉ thị: "Đuổi cổ thằng điếu đóm ấy ra ngã ba đường cho tôi!"

Chuyện đến tai Trưởng ty Văn hóa Thông tin tỉnh. Ông này hộc tốc phóng về, chỉ tay vào mặt bí thư, chủ tịch xã: "Tôi với các ông đã nhất trí cho nó đóng vai chủ nhiệm. Bây giờ làm thế lộ ra thì chết cả nút?" - "Nhưng thằng Đớp láo quá! Để lâu không ổn!" - "Bình tĩnh nào! Lâu cứt trâu sẽ hóa bùn! Để tôi bảo nó khâu miệng lại!"

Ông Trưởng ty tìm gặp Đẹp, nói ngọt: "Cậu chỉ đóng giả cán bộ, đừng nói năng bậy bạ nữa nhé?" Đẹp xỏ ngay: "Thế chỉ cán bộ thật như ông mới được bậy bạ à?" - "Cậu tên Đẹp mà ăn nói lấc cấc! - Ông trưởng ty trách". Đẹp nhổ nước bọt đánh phẹt: "Tôi tên Đớp-sờ-lờ."

C hiến tranh kéo dài, làng An Hạ cạn kiệt đàn ông bởi họ cứ nối nhau ra mặt trận, đằng đẵng không về. Trong khi con gái lỡ thì và phụ nữ góa chồng mỗi ngày một nhiều. Ngày xưa không ai thèm lấy gã Đẹp. Bây giờ gã lên nước chẳng thèm lấy ai, cứ đi hủ hóa khắp làng. Sự thiệt thòi của bao người gã chả cần quan tâm, cứ dửng dưng hưởng lợi. Trước nỗi đau của hàng xóm gã lại hả hê. Với sức vóc như con trâu mộng vì được ăn ngon ngủ kỹ, gã tung hoành giữa một thế giới thiếu đàn ông. Gã chẳng dài dòng văn tự, chỉ buông vài lời chớt nhả, rồi sấn sổ nhào tới. Bờ ruộng, góc kho, chân đống rơm đống rạ... chỗ nào gã cũng giở trò ấy được...

Nhiều người tố cáo lão Đớp làm mất phẩm chất chị em phụ nữ làng An Hạ, làm ảnh hưởng chính sách hậu phương quân đội. Bà chủ tịch Hội phụ nữ xã gọi Đớp lên, hỏi: "Anh đã hủ hóa bao nhiêu người rồi?" Gã nhăn nhở: "Không nhớ!..." - "Hủ hóa thế nào?"

Đớp nhìn bộ ngực nẩy nẩy, cặp mắt lúng liếng và hai má hây hây như trái hồng chín của bà chủ tịch Hội phụ nữ... Gã lạ gì bà này. Chồng đi B mười năm không tin tức. Những bữa ăn liên hoan bà phải ngốn rau răm như rau diếp mà hai má vẫn hâng hấng. Giờ cũng vậy. Đôi mắt, gò má kia... Gã liền đặt bàn tay lên đùi non bà chủ tịch. Bàn tay gã như có nam châm hút vào làn da nóng ran phập phòng dưới quần nhíp mỏng. Gã phán đoán không nhầm: Bà chủ tịch phụ nữ nhũn người ra!...

Bà chủ tịch dính với Đớp không dứt ra được. Bà có chửa, bị Đảng ủy kiểm điểm, bắt khai kẻ nào là bố đứa bé trong bụng?

Nhận ngủ với Đớp thì bẽ mặt quá. Đường đường một đảng ủy viên, chủ tịch Hội phụ nữ xã, mà có chửa với thằng điếu đóm? Nhưng các vị đảng ủy cứ kiên trì truy bức, hết ngày đến đêm. Mấy ông già chuyền nhau chiếc điếu cày, vừa hút thuốc lào sòng sọc, vừa căn vặn bà chủ tịch. Thấy người bị kiểm điểm cứ ì ra, ông bí thư đập đập cái điếu, gắt: "Ngủ với ai, đồng chí phải nói ra? Sao câm như hến mãi thế?" Bà chủ tịch Hội phụ nữ đâm cuống, nói bừa: "Cái ... của tôi... như ống điếu kia, mỗi người hút một chút, một chút, biết khai cho ai?" - "Láo! Láo quá!... Đồng chí dám ví cái... ấy với cái điếu của tôi à? Láo quá!"

Như bị điện giật, ông bí thư hét toáng lên. Ông hất vội cái điếu ra, lấy mu bàn tay quệt miệng. Làm như "cái ấy" dính vào mép mình. Các đảng ủy viên khác cũng tự nhiên đưa tay chùi miệng. Ông chủ tịch cáu tiết chỉ tay vào mặt bà chủ tịch Hội phụ nữ nói: "Tôi biết tỏng cô ngủ với thằng Đớp. Đứa con trong bụng cô ta là con thằng Đớp. Cái thằng chó dái ấy chạy rông gieo họa khắp làng ta rồi!"

Đ úng là gã Đớp đã gieo họa. Hàng chục đứa trẻ ra đời không có cha lóc nhóc khắp làng An Hạ. Nhìn có đứa giống Đốp như tạc! Hàng chục phụ nữ trước kia ngẩng cao đầu, giờ mỗi khi ra đường cứ trùm kín khăn mỏ quạ tận cằm che mặt như phụ nữ Hồi giáo. Nhiều ông già, bà già khóc cạn nước mắt vì nàng dâu trót dại, không giữ được chung thủy với chồng ngoài mặt trận. Từ khi ông chủ tịch xã gọi thẳng thừng "Thằng Đớp là con chó dái" thì nỗi đau, nỗi nhục cũng ứa đầy trong lòng những người có con dâu, con gái đẻ hoang. Các cô con dâu, con gái ấy, cũng như bà chủ tịch Hội phụ nữ, không nhận có con với gã Đớp, nhưng mặt mũi những đứa trẻ phơi ra, chối sao được? Rồi miệng lưỡi lắt lẻo xó bếp tuôn ra bờ ao, góc chợ... Hễ nhìn thấy những đứa trẻ ấy nhong nhít ngoài đường là mấy bà "tử tế" mắt tròn mắt dẹt, cứ ngấm nguýt: "Con gã Đớp chứ ai, rồi cũng chó dai như thằng bố nó!"

Gã Đớp không thèm lấy vợ! Gã cũng chẳng quan tâm đến những đứa trẻ kia có thực sự là con gã hay không? Gã chỉ thấy hả hê vì được rửa mối hận ngày trẻ. Ngày ấy gã đẹp trai khỏe mạnh là thế, mà không lấy nổi một con vợ, đánh tiếng hỏi một cô mình lu đít vại xấu như ma mút cũng bị lắc. Trong khi nhiều thằng lưng còng, mắt toét, xấu xí hơn cả thằng Đẹn em gã, vẫn lấy được những cô vợ miệng hoa, da phấn, đẹp như tiên, chỉ nhờ cái mác đảng viên, đoàn viên!...

Mỗi lần nhớ lại chuyện cũ, gã Đớp lại buông một câu chửi thề rất tục, rồi trâng tráo tuyên bố: "Giờ tao làm chồng khắp làng An Hạ đấy!" Nhiều khi hứng chí, Đớp mua bịch kẹo tò vò, rủ bọn trẻ con ra sân kho hợp tác chơi trò rồng rắn. Thèm ăn kẹo, bọn trẻ túm áo nhau chạy vòng vèo khắp sân, hét toáng lên:

Rồng rồng rắn rắn lên mây

Bố Đớp có cả một bầy... con... hoang!

Gã công khai réo nỗi đau nỗi nhục của làng An Hạ lên mà chửi...

M ột hôm có người đàn ông lầm lủi về làng lúc chạng vạng tối. Bộ quân phục lỏng lẻo trên thân hình cao ngỏng. Cái mũ cối tùm hụp che khuất nửa khuôn mặt lưỡi cày sứt sẹo... Đó là Quýnh - chồng cô Thơm.

Ngày Quýnh đi bộ đội, Thơm mới đẻ đứa con gái đầu lòng. Trong buổi liên hoan tiễn chân hợp tác xã đứng ra tổ chức, Thơm được thay mặt chị em có chồng hay người yêu nhập ngũ, hứa quyết tâm đảm đang việc nước việc nhà, một lòng chung thủy chờ chồng...

Gần mười năm ở mặt trận, hình ảnh tiễn quân huy hoàng ấy lung linh tươi sáng trong mắt Quýnh. Nhưng khi bị thương nặng được đưa ra hậu phượng điều trị, rồi về trại an dưỡng thương binh của tỉnh, Quýnh vô tình nghe tin ở nhà vợ mình đã tòi ra đứa con nữa!?... Vết thương trên da thịt vừa lành thì vết thương lòng toác ra đau đớn hơn, Quýnh xin phép về quê một ngày trong tâm trạng rối bời.

Quýnh dừng chân ở quán nước ngã ba đầu hàng để thăm dò tin thực hư ra sao? Bà bán nước không biết có nhận ra Quýnh hay không cứ vô tình kể: "Gớm! Chị Thơm chồng đi bộ đội mà ở nhà lòi ra thằng cu giống gã Bớp như lột!" Quýnh nén giận, hỏi: "Nó... được mấy tuổi rồi bà? " - "Năm hay hình như sáu tuổi... Nào tôi có đẻ ra nó đâu mà nhớ!" - "Sao ở làng xã mình, chính quyền lại để cho thằng Đớp hủ hóa lung tung vậy?..." - "Ối dào! Nó là thằng chó dái không đảng không đoàn lấy gì mà kiểm điểm. Mà có bắt được trai trên gái dưới bao giờ đâu?..."

Quýnh nghe mà ngồi thừ ra ở quán từ nhập nhoạng đến lên đèn. Càng lúc ruột gan càng hậm hực cồn cào! Nửa muốn về nhà nửa muốn quay lại trại an dưỡng...

Bà bán nước chợt nghe tiếng trẻ hát "rồng rắn", bảo Quýnh: " Đêm nay sáng trăng, gã Đớp lại xúi bọn trẻ diễn trò rồng rắn nữa đấy!..." Quýnh nuốt ực nước bọt: "Hừ!..." rồi lầm lủi tìm đến sân kho hợp tác...

Đúng là gã Đớp đang làm trò thật. Lão bảo những đứa trẻ xoắn đuôi áo nhau quây vòng tròn, vừa chạy vừa hát: " Rồng rồng rắn rắn lên mây, bố Đớp đã có một bầy con hoang! " Rồi gã đứng khạng chân cho bọn trẻ chui qua háng mình. Mỗi đứa chui qua lại ngửa miệng lên đớp một cái kẹo mà gã treo lủng lẳng sẵn ở dưới háng. Gã cởi trần, chỉ mặt mỗi cái quần đùi. Cái bụng phưỡn ra chảy xệ như bụng ễnh ương. Cái "vòi" của lão thõng thượt lúc lắc như dái dê...

Máu trong người Quýnh sôi sùng sục: "Hừ! Thằng chó! Chúng tao đi chiến đấu, mày ở nhà đớp cho béo rồi làm nhục vợ con chúng tao!"

Quýnh thét lên một tiếng thật to! Rồi quên cả những vết thương chưa lành hẳn, anh lao ra, xô gã Đớp ngã bổ chửng. Quýnh nghiến răng xé toạc quần đùi gã Đớp, chộp lấy cái "dái chó" của gã mà xoắn. Bàn tay như gọng kìm của Quýnh kẹp chặt, bóp nát và xoắn đứt phăng cái "của quý" của gã Đớp. Gã rú lên như bị chọc tiết, quằn quại giẫy đành đạch giữa sân kho...

... Gã Đớp chết. Không vợ, không con. Chết không có miếng đất chôn. Mả gã vạ vật giữa ngã ba đường...

Ông Trưởng ty Văn hóa Thông tin lên chức Bí thư tỉnh ủy. Một hôm ông về thăm làng An Hạ, nghe xì xào chuyện gã Đớp, ông mỉm cười, chép miệng: "Cứt trâu để lâu hóa bùn!"./.

Đêm lạnh

Ông Dư gọi điện thoại mời tôi về quê, chứng kiến lễ khánh thành cây cầu do công ty của ông ấy tài trợ.

- Anh có thể mang theo một tay quay phim? - Ông Dư nói.

- Chúng tôi đi nhờ xe của anh được chứ?

- Được! Nhưng một mình anh thôi!

- Thế còn cậu quay phim?

- Bảo nó đi xe đò! - Dư trả lời với một giọng khô khan, lạnh lùng.

Tôi vẫn biết ông Dư chẳng bao giờ cho nhân viên cấp dưới, hoặc những người địa vị thấp kém hơn mình ngồi vào chiếc xe Mercedes 500 sang trọng.

- Thôi được! Tôi sẽ nói cậu quay phim đi Honda.

Tôi vội vàng mặc quần áo và chạy đến văn phòng công ty Ánh Dương, nơi ông Dư đang làm Tổng giám đốc, sau khi động viên anh quay phim chịu khó đi xe đò hoặc xe máy.

- Không sao! - Anh quay phim nói - Cháu quá biết tính ông Dư.

Chiếc Mercedes đen bóng đang đậu dưới sân tòa nhà mười một tầng, trụ sở công ty Ánh Dương. Trước kia đây là ngôi biệt thự rất đẹp và vững chắc, xây theo kiểu Pháp. Những người tiền nhiệm ông Dư đã từng làm việc dưới tầng hầm ngôi biệt thự giữa những ngày bom B52 của Mỹ rải thảm Thủ Đô. Cách đây hai năm, ông Dư đã cho đập ngôi biệt thự, rồi xây tòa nhà này. Nghe nói chi phí hết hơn hai chục tỷ đồng, nhưng chất lượng không tốt lắm, vì bị rút ruột chia chác nhau, trong đó ông Dư "ăn" phần lớn.

- Chào nhà báo nổi tiếng! - Ông Dư chào tôi khi từ thang máy bước ra, rồi chìa bàn tay múp míp cho tôi bắt. Ông mặc comple màu sữa, thắt cà-vạt đỏ tươi. Nhìn khuôn mặt bầu bầu và mái tóc mới nhuộm đen nhánh đố ai biết ông đã bước sang tuổi năm mươi chín.

Người lái xe của ông Dư cũng ăn mặc tươm tất. Anh ta tên Hà, đồng hương với vợ ông Dư. Nhờ phục vụ sếp tận tình, lại là đồng hương với vợ sếp nên Hà đã được đề bạt thêm chức phó phòng hành chính.

- Thưa sếp, đi được chưa ạ?

Hà khúm núm hỏi sếp. Ông Dư xem đồng hồ thấy ba giờ kém mười phút, gật đầu. Một qui định bắt buộc do vợ ông Dư đặt ra là đi kém về hơn. Hằng ngày ông Dư đến cơ quan cũng như những chuyến đi công tác, đều xuất phát lúc kém, về lúc hơn. Hai ngày trước vợ ông Dư và cậu con trai về quê trước để chuẩn bị buổi lễ khánh thành cầu, họ cũng khởi hành lúc ba giờ kém mười...

Hà xách chiếc Sam-so-nai của ông Dư để vào cốp rồi mở cửa xe cho sếp. Dư chỉ chiếc ghế cạnh tài xế cho tôi. Có lẽ Dư sợ tôi không hiểu qui cũ nên làm như vậy. Thực ra tôi cũng biết sự sắp xếp thứ bậc trên dưới trong chiếc xe loại VIP này. Ghế phía sau người lái là chỗ ngồi của sếp, không ai được đặt đít ngồi ké...

Chiếc xe ra khỏi Hà Nội và lướt êm trên quốc lộ số một. Đang giữa mùa đông lạnh khủng khiếp. Ngồi trong xe nhìn ra, dưới bầu trời xám ngắt, những dáng người liêu xiêu mờ mịt trong mưa phùn gió bấc.

Chiếc xe Mercedes 500 ấm áp và êm ái rộng thênh thang, chỉ có ba người. Ông Dư ngả đầu vào ghế da mơ màng nghe tiếng nhạc du dương. Tôi cảm thấy thương hại anh quay phim, giờ này đang chen chúc trong xe đò hoặc tự lái xe máy giữa mưa rét. Anh ta cũng đã biết ông Dư, chẳng bao giờ cho ai địa vị thấp kém đi nhờ xe. Nói chung, ông ta chẳng thân thiện và muốn giúp đỡ ai bao giờ. Có chăng chỉ là đóng kịch để phục vụ cho lợi ích của ông ta thôi. Ngay từ hồi Dư còn rất trẻ, đã là một con người khôn ngoan, ích kỷ và tàn nhẫn. Lúc mới về công ty, Dư tỏ ra rất hiền lành, chăm chỉ và tìm mọi cách lấy lòng ông Tổng giám đốc Đinh. Nhờ vậy Dư được xếp vào diện cơ cấu cán bộ lãnh đạo, được đề bạt rất nhanh. Nhưng mới nhận chức Tổng giám đốc thay ông Đinh buổi sáng, buổi chiều Dư đã mời ông già khốn khổ ấy ra khỏi căn phòng mà ông tự nguyện nhường cho Dư. Còn một việc tàn nhẫn và thực dụng hơn mà Dư đã làm lúc còn trẻ: Dư yêu cô gái đồng hương, là sinh viên đại học. Cô gái xinh xắn, hiền lành, thông minh và yêu Dư chân thành. Hai người đã chuẩn bị làm lễ cưới. Nhưng trong một chuyến công tác ở Kiên Giang, tình cờ Dư gặp Trù, một cô gái dong dỏng cao, có đôi mắt sắc sảo, xinh đẹp hơn người yêu Dư và đang là một nhân viên hải quan có tiền. Thế là chỉ sau một tuần tìm hiểu, Dư đã cùng Trù ra Hà Nội tổ chức đám cưới. Cô người yêu cũ toan tự tử, Dư quỳ xuống xin cô tha thứ. Cô sinh viên bỏ về quê mang theo cái thai, kết quả của mối tình đầu. Cô không tiếc và không muốn nhìn mặt một kẻ tính toán thực dụng đầy ích kỷ.

Tất nhiên đó không phải là chuyện bê bối duy nhất của ông Dư. Những vi-la, biệt thự, trang trại và của cải mà Dư có từ khi làm Tổng giám đốc công ty Ánh Dương đã nói lên điều đó.

Hà châm thuốc hút và mở cửa kính phía trước, ông Dư làu bàu:

- Đóng cửa lại! Không thấy lạnh à?

Vừa nói Dư vừa lấy dầu gió xoa bụng, xoa ngực. Tôi cố nín cười vì thói quen kiêng kỵ quá đáng của Dư. Sợ nắng sợ gió còn hơn các cô tiểu thư. Lúc nào cũng kè kè đủ thứ thuốc. Chả trách có lần Phó tổng giám đốc Ngọc đã nói: "Tay Dư muốn sống trăm tuổi và dứt khoát không chịu về hưu sáu mươi tuổi. Hắn muốn húp nước cả cặn!" Có lẽ Ngọc nói đúng vì Dư đang chạy chiếc ghế Phó chủ tịch Hội TỪ THIỆN - một tổ chức phi chính phủ có tiếng, có miếng, lại có thể ngồi đến già. Dư đã mua mấy cái giải thưởng để lấy tiếng. Và việc hôm nay về quê cắt băng khánh thành chiếc cầu cũng không ngoài mục đích đó.

Trời sập tối. Mưa mỗi lúc một dày hạt. Con đường nhợp nhòa mờ mịt trước ánh đèn pha sũng nước. Bà Dư gọi điện thoại hỏi chồng đã tới đâu? Ông Dư trả lời:

- Anh đã qua thành phố Vinh. Thằng Xuân nhà mình có đó không?

- Nó đi chơi với bạn rồi.

Ông Dư cúp máy, khoe với tôi:

- Thằng Xuân con tôi sau kỳ nghỉ này sẽ quay lại Luân Đôn bảo vệ luận án tiến sĩ đấy.

- Thế à!

- Nó rất thông minh và có bản lĩnh...

- Vâng.

- Con gái ông thứ trưởng Màu rất yêu nó.

- Thế ư? Tôi biết cô bé ấy rất đẹp và ông thứ trưởng Màu rất giàu. Tương lai ông ta sẽ lên bộ trưởng.

- Đúng vậy!

Bỗng phía trước thấp thoáng bóng người. Hà hãm xe lại. Một người đàn ông đứng giữa đường, vẫy tay rối rít. Tôi bấm kính xuống, hỏi:

- Chuyện gì vậy bác?

Người đi đường áp gương mặt ướt sũng vào cửa xe. Đó là một ông già ốm nhom đang run lên bần bật:

- Có người bị tai nạn, xin quý ông chở giúp vô bệnh viện cấp cứu.

- Bác kiếm xe khác. - Hà từ chối.

- Trời mưa rét, không có xe...

- Đợi một chút sẽ có xe!

- Không đợi được nữa mô. Không cầm máu kịp, anh ta chết mất.

Dù đã biết tính ông Dư, nhưng trong tình huống hiểm nghèo của người bị tai nạn giữa đêm mưa rét, đường vắng, tôi năn nỉ ông Dư:

- Giúp người ta một chút anh Dư?

- Không được! - Ông Dư dứt khoát.

Chiếc xe vọt đi bỏ lại ông già chới với...

Gần một giờ sau chúng tôi về đến làng Cẩm, quê ông Dư. Dù mưa gió, rét mướt họ hàng, cán bộ địa phương cùng dân làng vẫn tập trung đón ông Dư. Nhưng ông có vẻ không vui vì vắng mặt cậu con trai yêu. Ông càng sốt ruột hơn khi gọi điện thoại di động cho con không có tín hiệu trả lời.

- Nó đi đâu bằng xe gì? Đến nhà ai? - Ông Dư sẵng giọng hạch hỏi vợ.

- Bằng xe Honda. Đi Vinh!

- Sao không đi ôtô?

- Nó thích thế! Mà sao anh lại quát nhỉ? - Vợ Dư đanh mặt.

Một nửa sự nghiệp của Dư do người đàn bà này tạo nên. Từ miếng ăn, giấc ngủ và giờ giấc đi lại của Dư cũng do bà ta chỉ đạo. Trước mặt vợ, Dư luôn dịu dàng, nín thinh, dù thực tế chỉ là diễn kịch. Ông ta ra lệnh cho Hà chạy xe hơi ra Vinh tìm đón con trai.

Hà đi được lúc lâu gọi điện về, báo tin cậu con trai ông bà Dư bị tai nạn giao thông. Bà Dư ngất xỉu.

Không còn thời gian và phương tiện để lựa chọn, anh quay phim sốt sắng lấy chiếc honda chở ông Dư và tôi đến bệnh viện. Cậu con trai ông Dư lên thành phố Vinh chơi bằng xe honda, được tin bố về quê, anh ta vội phóng xe về đón bố. Vì trời tối, mưa rét nên lao xe xuống vực...

Trước phòng cấp cứu tôi nhìn thấy ông già vẫy tay chặn xe chúng tôi xin đi nhờ mấy giờ trước. Ông chỉ là người tình cờ qua đường gặp người thanh niên rơi xuống vực. Ông già cũng nhận ra chúng tôi, những kẻ đã từ chối không cho ông đưa người bị nạn lên xe. Ông nói với chúng tôi, giọng buồn buồn:

- Cậu ấy chết do mất nhiều máu! Giá lúc ấy các ông cho đi nhờ... đâu đến nỗi!

Ông Dư bước đi loạng choạng, rồi ông ngã dúi vào chiếc xe Mercedes bóng loáng đậu cạnh bức tường bệnh viện. Da ông nhợt nhạt, lưng còng hẳn xuống và mặt xọm đi, như ông lão tám mươi. Ông ôm mặt rú lên khủng khiếp:

- Con ơi!!!...

Tôi đỡ ông Du vào xe. Ông run rẩy...

Đêm lạnh buốt.../.

Lão Trạch

H ơn ba chục năm tôi mới gặp lão Trạch. Trận đánh thị xã Phước Long tháng 01-75, lão hứng trọn trái M79 nát tươm hai chân. Ai cũng tưởng lão ngoẻo rồi. Vậy mà bây giờ lão từ Thái Bình tìm đến nhà tôi tận Sài Gòn trên chiếc xe lăn.

"Có việc cần lắm tôi mới phải đến anh... Chứ lê lết nửa cái thân tàn này hơn nghìn cây số nhếch nhác lắm!..." - Lão Trạch nói rồi cười móm mém, hai hàm răng chỉ còn vài chiếc, khuôn mặt nhăn nheo, đen đúa tương phản với mái tóc bạc. Mới sáu chục tuổi mà lão hom hem hơn ông cụ bảy mươi. Tôi hỏi có việc gì? Lão Trạch chậm rãi mở ba-lô con cóc nhàu nát lôi ra một bọc giấy ở đáy ba-lô. "Chắc nhờ xác minh quá trình công tác trong quân đội chớ gì?" - Tôi đoán, bởi đang có chính sách phụ cấp cho những người kháng chiến. Đối với lão Trạch thì xứng đáng quá đi chứ! Lão trước là người lính gan dạ, trận Phước Long đã được thưởng huân chương chiến công hạng nhất...

Như đoán được ý tôi, lão Trạch nói: "Đời mình một nửa đã chôn ở Phước Long rồi, còn một nửa nay mai chôn nốt ở Thái Bình, cần huân chương huân chước làm gì?... Mình vào đây... vì thằng con thôi cậu ạ!..." Hình như khó khăn lắm lão Trạch mới thốt ra được mấy câu cuối. Giọng lão nghẹn ứ mà nước mắt lại trào ra.

Hơn ba chục năm trước lão Trạch đã từng bắn liền ba phát B40 trúng 3 xe tăng, và khi bị thương nát cả hai chân mặt lão vẫn rắn đanh. Lão gan lì lắm mà? Tính lão lại ăn nói bỗ bã nên cả đơn vị quen gọi "Lão Trạch" .

Lão Trạch tâm sự: Sau trận Phước Long lão được đưa ra Bắc điều trị, hai chân cưa tận bẹn. Lão không về quê sợ phiền cha mẹ, xin vào trại An dưỡng Thương binh. Lão đã quyết định gửi nửa tấm thân tàn ở đây. Nào ngờ có một cô thanh niên xung phong cụt tay, mất một mắt cũng vào an dưỡng, họ cùng cảnh ngộ thế là thương nhau, nên vợ chồng. Địa phương ưu tiên cho Trạch làm nhân viên thu lệ phí chợ, cấp cho vợ lão hai sào ruộng. Vợ chồng ăn ở với nhau, ba lần đẻ chỉ nuôi được một. Trạch đặt tên con là Phước. Lão nghĩ đứa con là phước đức trời cho, cũng là để nhớ trận đánh cuối cùng đời lính của mình ở Phước Long.

Có mỗi đứa con, lại là trai nên vợ chồng lão Trạch cưng nó lắm! Kiếm được đồng nào vợ chồng Trạch dồn cho con ăn học. Thằng Phước chăm ngoan, học giỏi, thấm thoát đã lên đại học, tốt nghiệp kỹ sư cầu đường loại ưu.

Nhưng Phước xin việc cả chục nơi rồi mà chưa nơi nào nhận. Vợ chồng Trạch không quen ai có chức quyền để gửi gắm. Lại không có tiền nên nhiều nơi chẳng thèm ngó vào cái bằng kỹ sư hạng ưu của thằng Phước. Sau có người mách giá 10 triệu một chỗ làm ở một công ty miền núi, vợ chồng Trạch nghĩ miễn con có việc làm thì ở xa cũng được, liền bán đứt một sào ruộng lấy tiền mua việc cho con. Nhưng hỡi ơi vợ chồng lão bị lừa!

Thằng Phước vừa buồn vừa bực, nó giấu cái bằng kỹ sư của mình vào bọc chung với những giấy chứng nhận huân chương huy chương của bố mẹ, rồi ra chợ phụ với bố thu lệ phí mấy bà bán rau bán cá... Nhìn con thất vọng xơ xác! Trạch đau như bị cắt nốt hai cánh tay, còn vợ Trạch lăn ra ốm.

Đêm nào Trạch cũng sang hàng xóm xem nhờ tivi, để coi có nơi nào cần kỹ sư cầu đường không? Cách đây một tuần, Trạch thấy chiếu đoạn phim phóng sự bắc cầu làm đường... Lão dán mắt vào... Bất ngờ lão nhìn thấy hai người bạn cũ trên tivi...

T hì ra hôm ấy tôi phỏng vấn Mạnh về quá trình phấn đấu từ một người lính trở thành một Tổng giám đốc? Mạnh nói: Những năm tháng chiến đấu gian khổ ở chiến trường đã rèn luyện anh nên người, nhất là tình cảm đồng chí đồng đội luôn cổ vũ và thôi thúc anh phấn đấu.

Lão Trạch nói: "Suốt đêm ấy tôi mừng quá không chợp mắt được, chỉ mong trời sáng để lên đường tìm anh và Mạnh" Tôi gật đầu, giờ đã hiểu ra ý định lão Trạch - Lão nói thêm: "Tôi định kéo thằng cháu Phước vào luôn, nhưng mẹ nó trở bệnh nặng anh ạ..."

T ôi sốt sắng điện thoại cho Mạnh báo chuyện lão Trạch. Mạnh hẹn gặp ở văn phòng Tổng giám đốc.

Lão Trạch mừng rỡ lắm! Lão vuốt ve cẩn thận tờ đơn xin việc và cái bằng kỹ sư của con bỏ vào bao ni-lông, rồi đóng bộ quân phục cũ được ủi phẳng phiu.

Tôi bồng nửa tấm thân người bạn lính quắt queo nhẹ bỗng ấy lên cái xe lăn, rồi đẩy đến nhà người đồng đội cũ (nhà tôi đến văn phòng Mạnh chỉ hơn cây số.) Đường phố Sài Gòn nhộn nhịp, người xe như nêm, lão Trạch chả thèm để ý, lão luôn mồm hỏi "Sắp đến chưa?". Tôi nói: "Bác đừng nóng ruột, thế nào Mạnh cũng nhận cháu Phước mà." Tôi nói chắc như vậy vì biết Tổng công ty của Mạnh đang ăn nên làm ra, hàng chục công trình cầu đường đang thi công, và chính Mạnh đã nói công khai trên tivi rằng đang cần đội ngũ kỹ sư trẻ, huống chi kỹ sư trẻ và giỏi ấy lại là con bạn mình.

Tôi hỏi Trạch: "Nếu không nhìn thấy tôi và Mạnh trên tivi, ông có nhớ tới chúng tôi không?" Trạch cười khầng khậc, nói như kẻ mắc lỗi: "Cái thân tôi tôi còn quên thì nhớ được gì nữa. Ông biết không? Nhiều đêm nằm mê cứ tưởng mình còn chân, vùng dậy chạy, thế là té nhào xuống, đổ máu đầu. Hơn sáu chục tuổi, lại cực quá, đãng trí mất rồi!" Tôi cảm thấy thương Trạch. Tuy bỗ bã, ngang ngạnh nhưng lão thẳng thắn và đối với đồng đội chí tình lắm. Tôi còn nhớ mùa mưa năm 1968, đơn vị hành quân vào chiến trường B2. Đói, sốt rét hành hạ người lính tả tơi. Càng vào sâu anh em rơi rớt càng nhiều. Một chiều, đến bãi khách thấy thiếu Mạnh, Trạch vứt ba-lô, xách AK quay lại con đường vừa đi qua. Đêm ấy Trạch không về. Sáng hôm sau đơn vị hành quân tiếp, bỏ Trạch và Mạnh lại. Ai cũng nghĩ hai đứa nó "rụng" rồi. Nhưng mười ngày sau, lúc đơn vị đang nghỉ ở bờ sông Xe-băng-Hiêng, thì Trạch và Mạnh dìu nhau về, hai thân thể te tua, nhàu nát - nhất là Mạnh, chỉ còn là một cái xác thoi thóp xám ngoét, mặt mũi nham nhở vết mối gặm. Trạch đã mò mẫm ba ngày đêm mới tìm thấy Mạnh trong rừng sâu, đang nằm bất tỉnh mặc cho những con mối kềnh càng rỉa rói... Trên đường Trường Sơn ngày ấy đã có biết bao người lính như Mạnh, đã bỏ xác âm thầm nếu đồng đội không kịp quay lại tìm, hoặc tìm không thấy...

Tôi nhắc lại câu chuyện ấy, lão Trạch lơ ngơ: "Vậy hở?... tôi quên rồi"

M ạnh ra tận cửa đón chúng tôi vào phòng khách. Anh xiết chặt tay Trạch và ôm lấy người đồng đội cũ. Tôi thấy nước mắt Trạch ứa ra!...

Mạnh đã cho dọn sẵn một bàn tiệc thịnh soạn mời chúng tôi. Uống vài ly, máu lính trong người lại nóng lên, chuyện rôm rả phá tan cái không khí trang nghiêm của văn phòng Tổng giám đốc sang trọng. Bỗng Mạnh ghé tai tôi hỏi: "Cậu còn nhớ chuyện lão Trạch ngửi súng không?"

Chuyện ấy tôi chỉ nghe anh em đơn vị kể lại, vì lúc xảy ra tôi đã chuyển lên Cục chính trị miền. Số là vào mùa hè năm 70, đơn vị làm nhiệm vụ chốt chặn đoạn quốc lộ Lộc Ninh đi Snun. Chiều chiều từng tiểu đội cắt rừng ra mặt lộ chôn mìn rồi mai phục. Xe tải, xe bọc thép của địch hành quân trúng mìn bị bồi liền mấy trái B40 chặn đầu, khóa đuôi. Nhưng rồi địch cảnh giác cho biệt kích lùng sục, cho công binh rà mìn rất kỹ trước các cuộc hành quân, nên hiệu quả chiến đấu của đơn vị ta ngày càng thấp. Các tiểu đội đi phục mấy đêm liền đều trắng tay, gùi mìn đi lại gùi về. Chỉ có tiểu đội Mạnh đi lần nào thắng lần đó. Mạnh báo công: Đã cho nổ mìn lật nhào 10 xe bọc thép và bắn cháy 15 xe khác. Tiểu đội trưởng Mạnh được đề nghị tặng danh hiệu dũng sĩ diệt xe tăng...

Lão Trạch nghi ngờ thành tích của Mạnh, đã phát biểu công khai trong sinh hoạt đại đội. Nhưng Mạnh cho rằng Trạch "ghen ăn". Cả đại đội trưởng, chính trị viên cũng không tin Trạch bởi tính khí bỗ bã của lão. Thế là Trạch tức, đi rình Mạnh.

Buổi sáng hôm ấy, tiểu đội Mạnh đi phục về, báo cáo đã bắn ba xe bọc thép bằng súng B40. Chính trị viên đại đội đang định biểu dương thì lão Trạch nhảy xổ ra. Lão giật khẩu B40 trong tay Mạnh, hỏi:

- Bắn bằng khẩu B40 này à?

- Đúng! Mạnh đáp.

Lão Trạch liền kề mũi vào nòng súng hít mạnh... Rồi lão dí nòng súng đó vào mũi đại đội trưởng, cả chính trị viên đại đội: "Yêu cầu các ông ngửi cho kỹ". Xong, lão hỏi:

- Các thủ trưởng có thấy thối không?

- Không! - Hai người cùng đáp.

Trạch liền ném khẩu súng về phía Mạnh, dằn giọng:

- Mày nói láo! Những thằng bắn B40 đều biết, chỉ bắn một phát, nòng súng đã thối nặc mùi thuốc súng. Mày bắn bốn phát sao nòng súng không thối?

Nói xong, Trạch ra gốc cây, xách ba quả đạn B40 vào để trước mặt chính trị viên đại đội: "Đây là ba quả đạn thằng Mạnh đã bắn cháy ba xe bọc thép!?" Thì ra suốt đêm qua Trạch đã bám theo tiểu đội Mạnh để điều tra việc làm gian dối của Mạnh. Mạnh phải thú thực việc báo cáo láo của mình, bị gạch tên trong danh sách đề nghị khen thưởng.

Đã hơn ba mươi năm rồi. Chắc lão Trạch không nhớ. Tính lão sôi sục, nhưng đuểnh đoảng. Cả chuyện cứu sống Mạnh lão cũng có nhớ đâu. Chính vì vậy mà lão háo hức tìm Mạnh để xin việc cho con. Chứ nếu lão còn nhớ thì dù bỗ bã lão cũng phải giữ ý, dè chừng. Lão đâu biết Mạnh lại ghìm chuyện đó vào lòng, để giờ nhắc lại, trong khi chuyện Trạch cứu mình thoát chết thì Mạnh lại quên!? Tôi linh cảm thấy điều không vui, nhưng lại trấn an mình: "Bây giờ Mạnh đã là Tổng giám đốc, gia đình hạnh phúc đề huề, nhắc lại chuyện cũ cho vui, cho bõ ghét, chứ chấp làm gì con người tàn phế kia. Hơn nữa việc làm của Trạch đâu có sai. Ngược lại đã giúp Mạnh khỏi vấp ngã, để có ngày nay..." Tôi đang suy nghĩ mung lung thì Mạnh đứng lên, kéo hộc bàn, lấy một bì thư đưa cho lão Trạch. "Mình có chút quà cho cậu!"

Lão Trạch cầm cái bì thư, cảm động, miệng mấp máy: "Vợ chồng mình có mỗi cháu Phước, xin anh cho cháu vào công ty..." Lão Trạch run run đưa cái đơn xin việc và cái bằng tốt nghiệp của con mình cho Mạnh. Mạnh nhếch mép cười: "Công ty đang cổ phần hóa nên không nhận thêm người, cậu thông cảm, xin nơi khác cho cháu!" Mạnh vỗ vỗ vào vai Trạch như để an ủi, nhưng lại phá lên cười: "Vả lại nhựa đường không ngửi được như nòng súng!" Trái dưa tây lép

Hồi đó cô Năm thuê nhà đối diện nhà tôi, cách con quốc lộ xe cộ lại qua tấp nập. Trước nhà tôi, ba tôi trồng một giàn dưa tây mà những người khách đi Đà Lạt về thường ghé lại mua khi giàn dưa trĩu trái. Tôi còn nhớ ba tôi hay tinh nghịch khi thụ phấn cho dưa, đôi lúc chỉ chấm cho hai vòi, bỏ lại vòi thứ ba để tạo ra những trái dưa lép coi rất ngộ nghĩnh. Giàn dưa cho bóng mát ấy thường là nơi tôi ra ngồi làm các bài tập toán vào buổi chiều, khi nắng đã dịu đi và ở tiệm cơm chú Xiều hàng xóm, mùi xào nấu bay qua nức mũi.

Cô Năm làm gì tôi không biết. Tuổi lên mười của tôi hồi đó chỉ biết ghi nhận, tính tôi lại không tò mò. Trong căn nhà thuê, cô Năm sống với hai đứa con, một gái một trai. Đứa con gái tên Dung, tám tuổi, mỗi khi nhà có khách lại ẵm thằng em ba tuổi tên Quang của nó qua dưới giàn dưa nhà tôi chơi. Chỉ một lần duy nhất, tôi hỏi con Dung về chuyện này:

- Nhà mày có khách hả?

- Ừ!

- Sao lần nào nhà mày có khách, má mày cũng đóng cửa vậy?

- Hổng biết!

Tôi tin là con Dung không biết thật nên không hỏi nữa. Có điều, tôi vẫn phải ghi nhận những hình ảnh lập đi lập lại nhiều lần mà không thể tự giải thích được. Khách của cô Năm toàn là đàn ông. Họ đến bằng nhiều phương tiện khác nhau. Có người đi xe "xô lếch", có người đi xe "mô bi lét", lại có người lái xe "con cóc" hoặc lái xe vận tải nhẹ. Khi họ đến, cô Năm thường băng qua đường mua một chai bia "băm ba" tại quán chú Xiều về đãi khách. Một lát thì thấy con Dung ẵm em qua nhà tôi chơi và cô Năm đóng cửa nhà lại. Khi cửa mở, tôi lại thấy ông khách ngồi ở cái bàn bên cửa sổ uống nốt ly bia và nói chuyện gì đó với cô Năm một lát nữa mới ra về.

Nhưng chuyện cô Năm có khách chẳng làm tôi quan tâm bằng việc tôi chưa từng thấy ba của chị em con Dung về nhà. Một người mà cứ mỗi tháng một lần lại có mặt trong nhà con Dung và ở lại ba, bốn ngày là bà ngoại của nó. Tôi gọi bà theo ba má tôi là bà Tám "khuynh diệp" . Số là nhà tôi bán tạp hóa, mỗi lần ngoại con Dung lên chơi, bà đều qua mua mấy chai dầu khuynh diệp bác sĩ Tín. Bà vui vẻ kể: "Đi xe từ quê lên đây, tui phải xức hết hai chai mới khỏi bị ói. Mua lại hai chai khác dành cho chuyến về". Má tôi nói là quê bà Tám "khuynh diệp" ở tận Cà Mau, nơi tận cùng nước Việt mình.

Ngoại con Dung rất thương cô Năm và chị em nó. Bà tới, bao giờ cũng xách theo một giỏ nặng bánh trái làm quà, có khi còn đem theo cả chục ký gạo, nghe nói là gạo thơm đặc sản vùng Cà Mau, thổi cơm chỉ ăn với nước mắm dằm ớt cũng rất ngon. Trong mấy ngày bà ở lại, con Dung được thong thả vì bà không rời khỏi thằng Quang. Con Dung rảnh rang, thường qua nhà tôi chơi và nó thường kể lại cho tôi nghe chuyện dưới quê mà ngoại nó kể cho nó nghe tối hôm trước. Nó có vẻ rất tự hào về ngoại mình, về những câu chuyện lạ lùng của ngoại kể về một vùng quê mà chính nó cũng chưa lần nào được nhìn ngó tận mắt. Sự thích thú của nó lan qua tôi một cách vô tình và không hiểu từ lúc nào đó, tôi thường hình dung ra một vùng quê huơng hoang dã có những cánh đồng lúa ngút mắt, có những dòng sông con rạch lênh láng nước lẫn phù sa, có biển Đông ì ầm sóng và những hòn đảo giận dỗi đất liền ra sống cô đơn thật xa ngoài khơi xanh...

Trong những ngày nhà con Dung có mặt ngoại nó, khi cô Năm có khách - cũng những người đàn ông khác nhau đến trên những chiếc "xô lếch" , "mô bi lét"... - thì cô Năm cũng vẫn chạy qua quán chú Xiều mua bia "băm ba" đãi khách, có khi chính bà Tám "khuynh diệp" ngồi nói chuyện với họ rất vui vẻ. Nhưng chị em con Dung không phải tạm lánh qua nhà tôi chơi vì nhà cô Năm những lần này không đóng cửa.

Con Dung không được đi học. Thấy tôi ngồi làm bài dưới giàn dưa tây mỗi buổi chiều, nó thường đứng bên nhà nhìn qua với vẻ nể phục và thèm thuồng. Tôi biết thế nên một hôm nọ, tôi đã hỏi nó:

- Mày có muốn học chữ không? Tao dạy cho!

Con Dung hớn hở đáp:

- Muốn! Em muốn lắm!

- Vậy thì về xin tiền má để mua tập vở, bút mực, mỗi chiều qua đây tao dạy cho một lát.

- Một lát thôi à?

- Chớ sao! Mày không thấy tao còn phải làm bài tập toán đây sao? Mà nữa, bắt đầu từ khi tao dạy mày học, mày phải kêu tao bằng "thầy" nghe chưa?

Từ ấy, tôi trở thành "thầy" của con Dung. Trong nhiều tháng liền, tôi đã cố gắng dạy nó tập đọc, tập viết và cả tập làm toán cộng, trừ. Con Dung cũng rất cố gắng học mặc dù nó tiếp thu hơi chậm khiến đôi lúc bực mình tôi đã rủa nó là "Đồ ngu!". Khi ấy, con Dung len lén nhìn tôi rồi nó tấm tức khóc. Tôi càng bực mình, đuổi nó về nhà, không dạy nữa. Có điều, chiều hôm sau, nó lại qua và tôi lại tiếp tục dạy nó học cho tới một hôm khác, nó lại bị tôi rủa là "Đồ ngu" và lại khóc...

Tới mùa, giàn dưa tây nhà tôi rộ trái. Cái loại dưa này ra nụ, nở hoa hàng loạt nên khi có trái là nặng oằn giàn nhìn rất thích mắt. Hôm ấy có mấy chiếc xe du lịch từ Đà Lạt về ghé lại nhà tôi mua dưa. Họ tranh nhau mua tất cả những trái dưa to tròn, vàng ươm, trên giàn chỉ còn lại mấy trái lép. Thấy con Dung đứng nhìn với vẻ thèm thuồng, tôi liền xin ba tôi một trái dưa lép cho nó. Con bé sung sướng nhận trái dưa, chạy u về nhà. Hôm sau, nó qua chơi và kể với tôi rằng khi nó hớn hở khoe trái dưa với má, thoạt tiên cô Năm cũng vui vẻ, nhưng tới khi lấy dao sắp cắt dưa dằm đường ăn thì nó thấy má dừng tay nghĩ ngợi gì đó, rồi nước mắt chảy ròng hai gò má. Nó hỏi tôi có biết tại sao không? Tôi lắc đầu trả lời không hiểu...

Sau Tết năm ấy, cô Năm đi làm ở đâu đó mà mỗi khi rời khỏi nhà, cô đều mặc quần áo rất đẹp. Cô khóa trái cửa khi mình vắng mặt để hai chị em con Dung trong nhà được an toàn. Cửa sổ trước, cô Năm cho mở toang để có chuyện gì hai đứa nhỏ còn kêu báo lối xóm. Vậy là con Dung chỉ còn cách nhìn tôi ngồi học dưới giàn dưa qua khung cửa sổ mở nhà nó. Việc học của nó đành chịu dở dang khi tôi vừa dạy nó học bản cửu chương, chuẩn bị làm toán nhân. Thời gian đầu, tôi hơi thấy tiếc vì mình không còn được gọi bằng "thầy" nữa. Nhưng rồi, thời gian trôi qua, tôi cũng quên dần đi...

Năm tôi chuẩn bị thi Tú tài thì gia đình cô Năm dọn về quê. Năm ấy, con Dung đã là một thiếu nữ và không biết nó tự học hay ai dạy nó lúc nào mà nó đã làm toán nhân toán chia rất thành thạo. Khi ấy, nó cũng đã một mình đứng bán nước sinh tố khi cô Năm đi làm. Vẫn chẳng thấy ba nó đâu nhưng nó lại có thêm một đứa em nữa: một đứa em gái được đặt tên là Hằng, da trắng như trứng gà bóc, tóc vàng, mũi cao. Lối xóm nói con bé là con Mỹ. Còn tôi, tôi đã tới tuổi để hiểu là trước giờ cô Năm làm nghề gì!

Ngày gia đình cô Năm lên chiếc xe tải chất chồng đầy đồ đạc về quê, con Dung chạy qua từ giã tôi. Thời gian sau này, tôi thường ngại phải tiếp xúc với nó, con gái của một người đàn bà không tốt, nhưng lúc ấy tôi cũng phải nói lời chúc nó lên đường bình an. Bất ngờ nó nắm lấy tay tôi, nhìn tôi rất lâu khiến tôi phải đỏ mặt rồi nó nói:

- Mai mốt có dịp gặp lại, anh ráng nhớ em nha!

Tôi cười đáp cho có:

- Dễ ợt! Cứ nhìn cái thẹo trên trán Dung là nhận ra chớ gì!

Chúng tôi bặt tin nhau từ đó!

*

Bảo Lộc, một buổi trưa.

Chiếc xe buýt du lịch ghé lại một tiệm ăn bên đường gần thị trấn để cho đoàn du khách dùng bữa trưa. Anh bạn lái xe vui vẻ nói với tôi:

- Anh cứ đi cùng em. Bảo đảm với anh chẳng những cơm nước miễn phí mà lại còn có quà nữa!

Tôi hiểu ngay đây là tiệm ăn "mối" của anh lái xe. Có điều không biết anh ta sẽ cho tôi đóng vai gì đây để cùng được hưởng đặc quyền của cánh lái xe. Làm phụ xế thì không ổn rồi mà làm chủ xe càng không giống.

Chúng tôi ngồi quanh một bàn ăn trong một phòng riêng. Anh lái xe giơ cao tay chào người phụ nữ đang bước vào phòng rồi chỉ tôi mà nói:

- Giới thiệu với chị Hai, đây là ông giám đốc của đoàn du lịch!

Tôi ngượng quá, không biết phải nói gì, làm gì. Mặt tôi đỏ lên và tôi đành im lặng gật đầu khẽ chào người phụ nữ mà tôi đoán là chủ tiệm ăn. Đôi mắt từ phía ấy nhìn tôi cùng một nụ cười, tiếp đến là bàn tay phụ nữ nhỏ nhắn đưa về phía tôi:

- Hân hạnh được quen biết anh...

Tôi bắt tay chị chủ tiệm ăn có gương mặt quen quen và khi một ngọn gió tình cờ thổi qua làm dạt mái tóc của người phụ nữ qua một bên, tôi nhìn thấy cái thẹo nhỏ nơi phía phải trán và nhìn thấy tất cả những gì của một thời gian xưa. Hai bàn tay chúng tôi không rời mà siết nhẹ vào nhau. Tôi bồi hồi, run run, còn Dung ngày xưa của tôi thì sau một phút bất ngờ, đã không dằn được cảm xúc, ôm lấy tôi mà khóc.

Mọi người đều ngạc nhiên.

Cuộc hội ngộ đầy thú vị. Cái bàn ăn đặc biệt sau đó có mặt cả chủ nhân tiệm ăn. Một cô gái trạc mười tám khá xinh đẹp được gọi đến và được mẹ giới thiệu, đã chào tôi bằng "bác". Một lát sau thì có thêm hai người nữa, một nam một nữ. Tôi dễ dàng nhận ra Quang dù cậu ta lớn lên có mập và hơi lùn. Chúng tôi bắt tay nhau rồi ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Quang giới thiệu cô gái cùng đi là vợ cậu ấy. Hai vợ chồng mới làm đám cưới và đã có tin mừng.

Tôi hỏi:

- Cô Năm và bé Hằng bây giờ ra sao?

Dung cho biết cô Năm mới ngoài sáu mươi mà đã lẫn, nhất định sống dưới quê chứ không chịu theo con cái. Còn Hằng, cô gái đã tìm được cha và đi Mỹ đoàn tụ gia đình.

Bữa cơm thật ngon, thật vui. Nhưng kết quả của nó không giống như anh lái xe "quảng cáo". Chỉ có anh ta là có quà: một gói thuốc lá thơm và một gói trà Bảo Lộc. Phần tôi, do bị phát hiện không phải là "giám đốc", không những không được quà mà tôi còn bị phạt: phải ở lại tiệm ăn của Dung một hôm, sáng hôm sau tiệm ăn sẽ lo xe đưa lên Đà Lạt theo đoàn!

Mọi người bảo là tôi "trúng số"!

Khi chiếc xe chở đoàn du khách đã đi khỏi tiệm ăn, chúng tôi trở lại phòng khách của gia đình Dung ở tầng hầm. Tôi hỏi điều mà mình muốn biết nãy giờ nhưng chưa có dịp thuận tiện hỏi:

- Ông xã của Dung đâu?

- Tụi em xa nhau lâu rồi...

- Vì sao?

- Anh cứ yên tâm về đức hạnh của em. Em không ngoại tình, không bài bạc, không bỏ phế việc nhà, không phải là không yêu chồng... tóm lại, em không có lỗi gì cả... Chính anh ấy cũng vậy...

- Vậy tại sao?

- Từ từ rồi em kể...

Dung không chịu kể ngay. Trong lúc tôi ngồi uống trà thì Dung đi đâu đó. Khi trở lại, cô bạn gái thuở nhỏ của tôi đã thay trang phục. Hơi điệu đàng một chút, bà chủ tiệm ăn nghiêng người qua lại rồi hỏi tôi:

- Anh thấy em còn một nét duyên dáng nào của thời con gái không?

Tôi nói thật lòng:

- Em đẹp lắm!

Dung bật cười:

- Hồi mới quen nhau, ông xã em cũng chỉ biết nói như thế: Em đẹp lắm!

- Em định đi đâu à?

- Vâng! Em mời anh đi thác Đambri chơi. Xe đã chuẩn bị rồi.

- Có ai cùng đi nữa không?

- Không, chỉ có anh và em thôi...

- Cậu lái xe nữa chứ?

- Không! Em tự lái xe!

Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Dung ngày xưa của tôi đã thay đổi nhiều lắm rồi. Mà cũng phải thôi. Hơn ba mươi năm đã qua đi. Mái tóc tôi đã bắt đầu xuất hiện những sợi bạc, lòng nhiều khi chùng xuống sự muộn phiền và ước ao những tháng ngày an nhiên cuối đời. Có lẽ, hôm nay là một ngày an nhiên như thế...

Dung không rủ tôi theo những bậc thang cheo leo đi xuống chân thác mà lại đi lên phía ngọn thác, rồi nhất định bắt tôi cùng ra đứng giữa chiếc cầu treo đong đưa đầy cảm giác phiêu lưu. Cô bạn gái ngày xưa dọa:

- Nếu anh không ra cầu treo, em sẽ không kể chuyện gì nữa...

Tôi theo Dung như một đứa trẻ. Chiếc cầu treo bằng tre hay bằng mây rừng, tôi không biết rõ nhưng nó vừa có vẻ chắc chắn, vừa có vẻ mỏng manh. Chẳng cần một cơn gió, chẳng cần ai lung lay, mà chỉ cần mỗi khi chúng tôi nhích người, nó cũng đong đưa giận dỗi. Về chiều, thác không nhiều du khách đến. Ngọn thác càng vắng hơn, như là chỉ có hai chúng tôi. Dòng nước dưới chân vừa chảy vừa reo, va mình vào đá, bắn những bọt trắng xóa li ti trước khi lao mình xuống chân thác...

- Anh biết Đambri có nghĩa là gì không?

- Không...

- Là "đợi chờ". Ở đây người ta thường kể một câu chuyện ngày xưa, có một nàng con gái đã đến đây đợi chờ người yêu đi xa cho đến chết...

Tôi không hiểu Dung muốn nói gì.

- Anh muốn nghe chuyện ông xã em trước hay chuyện má em trước? - Dung hỏi rồi tự quyết định - Thôi, em kể cả hai cùng lúc vậy. Vì hai chuyện thật ra là một thôi. Là một thôi...

Tôi nghe Dung kể chuyện và hình dung ra những dòng nước đã va vào bờ đá đời Dung trước khi ào xuống chân thác. Người đàn ông đến với Dung ngày ấy đã đến bằng tình yêu chân thật. Đứa con gái của hai người ra đời cũng là kết quả của tình yêu. Cho đến một hôm, khi anh ta hỏi, Dung không thể không xác nhận là cô Năm, mẹ Dung, ngày xưa từng làm điếm và bản thân Dung cũng không biết cha mình là ai? Anh ta không vượt qua được nỗi đau bất ngờ, trách Dung đã giấu anh về mẹ, về đứa em gái lai Mỹ mà Dung nói dối là con nuôi của mẹ, một ngày nọ anh đã lặng lẽ bỏ nhà ra đi và cho tới tận bây giờ, mẹ con Dung vẫn không nhận được tin tức nào.

- Biết chuyện, từ ngày ấy má em bị loạn trí. Cứ gặp em là bà khóc, bà nói là bà không có tội. Nhưng khi em gật đầu nói: "Vâng, má đâu có tội tình gì", thì bà lại khóc và nói: "Má có tội với các con nhiều lắm...".

Tôi nhớ lại những tháng ngày thơ ấu mình ngồi làm toán dưới giàn dưa tây nhìn qua bên kia đường thấy cô Năm đóng cửa và con bé Dung cõng em băng qua nhà tôi. Tôi nhớ lại những lần cô Năm qua nhà tôi mua đồ, lấy tay xoa đầu tôi, tôi đã né tránh vì một cảm giác xa lạ không giải thích được. Rồi cả cái ý nghĩ khinh bỉ có thật trong tôi khi tôi lớn lên và biết cô Năm làm nghề gì!

- Má em đau khổ lắm! - Dung kể tiếp - Bởi vì bà đâu có làm cái nghề nhơ bẩn ấy vì cuộc sống riêng của mình. Chắc anh sẽ bất ngờ khi nghe em nói điều này: ngày ấy ông ngoại em bị bán thân bất toại, các cậu các dì đều nghèo cả nên chỉ biết nhìn cha mà thương mà khóc. Một ngày kia, má em đã theo một người quen đi xa và nhắm mắt liều thân để kiếm tiền chạy chữa thuốc thang cho ông ngoại em. Biết đời mình đã hỏng chuyện chồng con, má em cứ để có thai rồi sinh, rồi ngậm đắng nuốt cay mà nuôi tụi em...

Dung không ngăn được nước mắt. Chiếc cầu treo chao qua chao lại. Dòng nước dưới chân chúng tôi cũng như dập dềnh nghiêng ngả. Tôi đỡ Dung đi ngược vào bờ. Lòng tôi cũng ngược về dĩ vãng để nhớ lại những lần bà ngoại Dung lên thăm con gái, thăm cháu ngoại đều ghé mua dầu khuynh diệp nhà tôi, tự giải thích vì sao người phụ nữ không quen đi xe ấy vẫn cứ phải hàng tháng vượt mấy trăm cây số để gặp con gái. Tôi cũng chợt nhớ lại và hiểu vì sao lần tôi cho Dung trái dưa tây lép, cô Năm đã nhìn trái dưa có thân phận bất hạnh ấy mà khóc...

Cô Năm bây giờ lại hiện ra trong tôi, nhưng với hình ảnh khác hẳn trước khi tôi nghe Dung kể chuyện.../. Người say

Xe gần ra khỏi thành phố biển mà mới chỉ có ba người khách. Anh lái xe cho xe chạy chậm, rề theo con đường cũ kỹ với những ngôi nhà cũ kỹ, hàng cây lâu năm và rồi dừng lại trước một quán bia hơi với mấy bộ bàn ghế có thể vứt rác bất cứ lúc nào! Cô nhân viên bán vé vội vàng nhảy xuống đường, chuyển mấy cái can nhựa nặng lên xe cho khách. Mùi nước mắm lập tức lan tỏa trong khoảng không gian chật hẹp của chiếc xe buýt liên tỉnh.

Khách lên xe gồm hai người, một trung niên và một thanh niên. Cứ xem bước chân xiêu vẹo của ông trung niên từ cửa xe tới băng ghế cuối cùng là đủ biết ông ta đã thấm rượu. Cậu trai mặc chiếc áo thun trắng sọc ngang màu xanh lá cây có vẻ tỉnh táo hơn nhưng qua mấy câu nói với ông lớn tuổi (cậu ta gọi là chú và xưng cháu), nói với cô nhân viên bán vé và cả với anh lái xe, mấy người trên xe đều biết là anh ta cũng đã say! Hai chú cháu ngồi cả ở băng ghế sau cùng còn trống. Ông trung niên nằm ngả người, dựa đầu vào thành xe, hỏi cậu trai với cái giọng nhừa nhựa:

- Đi đúng xe không đó mậy?

Cô bán vé hỏi:

- Hai anh đi đâu?

Cậu trai "Hừ" một tiếng:

- Bậy nà! Sao kêu chú tôi là anh? Phê bình cô đó! Cho chú cháu tôi xuống cây số 52.

- Hai vé năm mươi hai ngàn. Mười ngàn tiền ba-ga. Tổng cộng là sáu mươi hai ngàn.

Ông trung niên bật dậy:

- Sao mắc thế? Sao lại lấy tiền ba-ga? Định "chém" khách hả?

- Bốn can nước mắm là tám mươi lít rồi. Hành lý trên mười ký lô đã phải tính tiền ba-ga. Tôi chỉ tính mười ngàn là rẻ đó.

- Mắc quá! Bớt đi! - Đến lượt cậu trai lên tiếng.

- Xe buýt có giá! Nếu hai anh thấy đi được thì cho xin sáu mươi hai ngàn tiền xe. Tiền ba-ga cũng có vé. Còn nếu không chịu thì xe sẽ dừng để hai anh xuống đi xe khác...

- Vẫn còn bậy nha! Sao cứ kêu chú tôi là anh? Chú à... Đi hay xuống...?

Ông trung niên đã nằm dài trên băng ghế cuối, vừa ngáp dài vừa trả lời:

- Đ... đ... i... đi...

Cô bán vé nhận tiền, trả lại tiền thừa và vừa quay đi lên phía trên xe thì đã bị cậu trai gọi giật ngược:

- Nè cô kia! Bộ thấy người ta... s... sa... say... rồi ăn gian hả? Vé in có hai mươi bốn ngàn sao lấy hai mươi sáu? Trả lại bốn ngàn đây!

Cô nhân viên hơi gắt giọng:

- Anh không thấy dấu đỏ đóng hai mươi sáu ngàn kế bên giá in đó sao?

- H... hừ... Xăng giảm giá rồi mà sao tiền xe không giảm lại giá cũ?

Không nghe cô bán vé trả lời. Mà xe cũng vừa dừng lại để đón khách, một nhóm năm người toàn phụ nữ, già có, trẻ có.

Chiếc xe buýt thoát khỏi trung tâm thành phố, bắt đầu tăng tốc. Lúc này đã hơn ba giờ chiều và dọc đường, anh lái xe liên tục ghé lại đón khách. Chỉ trong đoạn đường vài cây số, khách lên xe đã ngồi gần kín ghế. Tới lúc xe dừng lại đón hai bà đứng tuổi thì hai người khách say ở băng ghế cuối phải ngồi ngay ngắn lại, dành chỗ cho hai bà kia.

Vừa ngồi vào chỗ, một bà đã kêu lên:

- Trời ơi! Hôi mùi rượu bia quá nè trời!

Bà còn lại cũng nhăn nhó:

- Mấy cái can kia là nước mắm phải không? Hôi quá đi...

Cô nhân viên xuống thu tiền nhỏ nhẹ:

- Hai dì thông cảm. Hai anh này chỉ đi hai phần ba tuyến. Cũng sắp tới nơi họ xuống rồi...

Chiếc xe buýt tiếp tục gặp may. Khách đón bên đường lên thì nhiều mà khách xuống dọc đường lại ít. Tới lúc xe dừng ở một cây xăng đón thêm mấy cô cậu học sinh thì đã có mấy người phải đứng ở lối đi giữa xe. Xe vừa tiếp tục lăn bánh thì có tiếng la của ông trung niên say:

- Xì... xì tốp... Xì t...ốp! Còn người đang đi "tưới cây" dưới kia kìa...

Mọi người nhìn về phía dưới cây xăng, thấy cậu trai cháu của ông trung niên đang chạy như bị ma đuổi về phía khu nhà vệ sinh. Cô bán vé nói:

- Không biết "ông nội" xuống hồi nào nữa!

Ở băng cuối, cả hai bà khách cùng lên tiếng:

- Ai biểu đi xe đường dài mà còn nhậu?

- Cũng may vừa tới cây xăng, chớ không cái xe này có thêm mùi nước đái!

Nhiều tiếng cười rộ trên xe.

Cậu thanh niên trở lại, vẻ mặt tươi tỉnh hẳn. Vừa lách bước về chỗ của mình ở phía cuối xe, anh ta vừa luôn miệng: "So-ri! So-ri!", cứ như một quý ông người nước ngoài thừa lịch sự!

Xe chạy. Hai chú cháu người say bắt đầu câu chuyện riêng của họ. Cả hai đều nói lớn tiếng. Nội dung câu chuyện chỉ có họ mới hiểu rõ, còn mọi người thì chỉ lờ mờ hiểu là họ đang nói về một vụ làm ăn thất bát.

Bỗng, cô bán vé chen khách đứng giữa xe để xuống phía dưới, nhìn ông trung niên giọng nghiêm khắc:

- Yêu cầu anh tắt thuốc lá! Trên xe buýt không được hút thuốc lá!

Một bà ngồi cạnh bỏ cái khăn đang bịt mũi ra:

- Phải đó! Tắt thuốc ngay đi ông ơi! Hôi quá!

Giọng ông trung niên lè nhè:

- Cho tôi hút một điếu thôi mà!

- Không được! - Giọng cô bán vé vẫn nghiêm khắc - Yêu cầu anh bỏ ngay điếu thuốc đang hút!

Lại có thêm một giọng phụ nữ trong xe:

- Hôi thuốc lá quá ông ơi!

Tới lúc này điếu thuốc mới được ném qua cửa xe xuống đường cùng giọng cằn nhằn của người bị ngăn chặn: "Hút điếu thuốc cũng không cho! Xe đâu mà k... kh... khó! Người đâu mà a... á... ác..."

Khách xuống vẫn ít hơn khách lên. Chiếc xe buýt vẫn dừng lại liên tục, bất chấp quy định về tải trọng.

Trong xe, lúc này không còn nghe tiếng nói chuyện giữa hai chú cháu người say nữa. Cũng không có tiếng cằn nhằn của hai bà đứng tuổi ở băng ghế cuối. Thay vào đó là những tiếng ồn ào của đám đông xen lẫn tiếng còi xe...

- Hai anh xuống cây số 52 chuẩn bị ra gần cửa để xuống nghe chưa!

Tiếng cô bán vé vang lên từ phía trước. Đằng sau lập tức có lời đáp lại: "Có ba-ga xuống đó!".

Xe chạy chậm lại rồi dừng hẳn. Chú cháu người say phải khó khăn lắm mới chuyển được mấy can nước mắm từ cuối xe ra tới cửa. Cô bán vé đứng đợi sẵn phía dưới, giúp họ đưa xuống đất. Cô nói với cậu trai:

- Lần sau mà lỡ nhậu xỉn thì lên xe đừng có nói nhiều, người ta cười cho đấy!

Cậu trai cười hì hì:

- B... i... bi... biết! Nhưng mà đâu phải chuyện gì chú cháu tôi cũng làm sai! Từ lúc xe đông, chúng tôi cũng biết nhường chỗ cho người già, phụ nữ chớ bộ!

Xe bắt đầu lăn bánh. Từ bên lề đường còn vọng lên lời của người trung niên:

- Đừng có đón thêm khách nữa bác tài ơ...ơi! Vi phạm luật giao thông đó!

Mạnh vừa dứt lời thì cô thư ký xuất hiện, cô ta bảo xe đang chờ Tổng giám đốc đi họp. Mạnh xin lỗi tôi và Trạch rồi đứng dậy: "Chết! Mình quên!..."

Lão Trạch ngơ ngác nhìn Mạnh. Rồi chợt hiểu, lão để cái phong bì hình như có sấp đô-la lên mặt bàn. Rồi lão cầm cái đơn xin việc của con bỏ vào túi.

Lão cũng không nhờ tôi bế lên xe, cũng không chờ tôi cùng về. Lão dùng hai bàn tay gầy quắt queo vần bánh xe lăn ra khỏi phòng Tổng giám đốc Mạnh.

Tim tôi đau nhói!.../.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro