Chương Một

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Quê x

-Tiểu thuyết-


1.


Mẹ kể con nghe:

Quê hương ta...

Là dải đất nằm bên bể thái bình,

Miền Trung gồng gánh đôi Miền Nam-Bắc

Chiều nay bước vội sau hè

Cầm tay chiếc lược chải vào gương xưa.

Quê hương ta...

Là những ruộng đồng kết nghìn thửa

Là chốn muôn đời chôn nhau cắt rốn

Con về đó sẽ, ới a, nghe tim bồi hồi...

Là nghe lời dạy ông bà, quê xưa

Là muối trắng tinh mặn nồng trong mâm cơm thuở ấy...

Vội đi đốt cỏ ngày đồng...

Quê hương, một lần xa xa cách cách

Là thương thương nhơ nhớ hết cả cuộc đời...

Mẹ kể con nghe:

Truyện cổ nước mình

Có chàng Trương Chi ôm mối tình muôn kiếp mà tan trong nước mắt

Có nàng Tô Thị nghìn năm chờ chồng mà hoá đá

Người anh hùng Thánh Gióng cầm tre đuổi giặc đi

Có nàng Tấm, Thạch Sanh, Sọ Dừa qua bao dâu bể,

Vì lành bụng được sau cùng gặp kết cục đôn hậu

Còn đó thật nhiều và thật nhiều

Dẫu có trăm năm đời nào kể hết nổi.

Ôi, bao truyện cổ nước ta

Từ trong xa thẳm ngày hôm qua,

Nghĩa-tình, nhân-quả... và đạo lý

Vận vào hôm nay y rằng mà...

Ôi, truyện cổ nước mình

Có kẻ tiểu nhân đầy xảo trá

Và những tầm lòng rất thực thà

Bà tiên, ông bụt... luôn giúp đỡ

Chỉ cần con có một tấm lòng thiết tha yêu thương...

Ôi, truyện cổ nước mình

Lời răn dạy từ ngàn xưa

Để con khôn lớn thành người

Để dắt dẫn giống nòi lên phía trước

Tổ tiên, ông bà cùng đất nước

Một thuở tự tình, ta với ta...

Mẹ kể con nghe:

Xứ ta là xứ nhiệt đới

Xứ của những cơn gió mùa

Đêm nằm nghe, qua những tấm liếp,

Gió thổi vụn về, chí lớn đành ê chề...

Làng quê bản xứ ta là bao mái nhà tranh vách đất

Nam và nữ, những con người chân chất và hiền lành

Mưa và nắng, những mùa chênh vênh và bấp bênh

Mưa nhiều và nắng cũng nhiều

Mà lòng người hay thay đổi.

Dứt áo, biệt ly chẳng hẹn chi ngày về

Chiến chinh bùng lên một ngọn lửa

Lửa cháy triền miền và nhiều lần

Ta vùng đứng dậy, đôi mắt không cần nhóm đã cháy lên đầy lửa đỏ

Đem tre, gậy, gươm, giáo, pháo dẹp quân thù

Cũng đã có những khi ta tự chôn thây ta bằng đầu pháo, viên đạn...

Lưỡi lê đẫm máu của giống nòi,

Trong cơn tỉnh thức ta nhớ lại

Bóng mẹ hiền xưa ngồi bên mái tranh

Đợi lũ con cùng cha quên hận thù quay lại đường xưa

Máu xương ngưng chảy trở về anh em...

Mẹ kể con nghe:

Con đừng quên!

Giống nòi, hồn thiêng luôn nối liền

Bến Hải, Gianh giang dù chia sóng

Đất nước vẫn chung một mẹ hiền

Mẹ dạy con nghe, còn đừng quên!

Phồn hậu, hiền lành và gần gũi

Tốt bụng, và bao dung lầm lỗi

Mến điều hay, đối tốt người hiền

Chê điều dở, vạch mặt kẻ ác

Mẹ dạy con nghe, con đừng quên!

Mai sau con có bước về tha phương

Cách xa quê xứ muôn dặm trường

Con hãy nhớ và luôn hãy nhớ

Bến đò quay lại lệ nồng... Hò ơi, ơ ới... quê hương...

Đó là những lời ru mẹ đã ru tôi từ khi còn nằm nôi, khi bước vào đời. Và cả những thời khi đã lớn tuổi, bà khôn nguôi à ơi lại mỗi chiều chiều thả buông bóng mặt trời xuống sau lưng nhà. Trên cái ghế mây bập cạnh cửa kính bước ra sân cỏ, bà đã ngồi đó rất lâu. Bóng hình ấy dệt nên trong tôi một nỗi xúc động rất lớn... Khi bà còn trẻ, cạnh bà là chiếc nôi tre đan liếp mà bà luôn tay đưa đẩy, tôi đã nằm trong đó... Rất nhiều năm sau này, trong những năm tháng trưởng thành của cuộc đời, tôi vẫn còn nhớ những câu à ơi da diết ấy. Tôi đã nhớ, đang nhớ, và phải nhớ, sẽ nhớ. Những lời ca ấy đã khắc dấu vào tôi thật sâu sắc. Và mẹ nữa. Phải, trong những năm cuối đời bà, bà đã ghi lại hết những ca từ bà còn nhớ vào cuốn sổ tay da rất cũ, đã nhiều phần bong tróc cả. Mẹ cất nó ở một chiếc hòm gỗ đặt dưới gầm giường phòng ngủ. Mãi khi bà đã ra đi, gia đình tôi lôi chiếc hòm ấy ra từ gầm giường cùng một số di vật của bà. Thổi phủ lớp bụi đi và mở nó ra bằng chiếc chìa khoá bà đặt vào tay tôi khi lâm chung. Bên trong đó là những cây vàng nặng trịch (mẹ gọi đó là thứ vàng ta, thứ vàng của quê hương, rất đậm đặc và không pha lẫn bất cứ thứ gì). Một xấp những tấm ảnh, đáng kể nhất là tấm hình đen trắng, đã gấp nếp nhiều, nhiễu cũng nhiều, chụp bà đứng cạnh những bối cảnh thời cũ kỹ. Bà rất kỹ lưỡng ghi lại những ngày tháng và địa điểm. Có chốn là: Sài Gòn, Công Trường Cộng Hoà, 17.06.1973. Sài Gòn, Hồ Con Rùa, 12.09.1976. Có những chỗ rất khốn khổ, nghèo nàn, thuộc những làng quê Việt Nam mấy năm 60, 70 thế kỷ trước. Bên dưới là hộp đựng những cài tóc, sổ nhật ký. Rồi tấm sổ da ấy lại hiện ra. Tôi giở, từng trang, từng trang sâu thẳm. Ở đó, có những kỷ niệm nồng nàn mà tôi đã quên. Và giờ đây, tôi khi tôi nhớ lại, tôi cảm giác một dòng thác vừa tuông trào qua những ngóc ngách, kẽ đá nằm sâu nhất trong tâm hồn tôi. Tôi nhớ lại những chiều thu đi học về, bước vào phòng khách mở với gian bếp, tôi reo vui gọi mẹ. Mẹ ở đó, ngồi bên bếp, cạnh những khay chén đĩa, trông bà rất tươi trẻ khi nở một nụ cười nhìn tôi trong tia nắng nhạt nhoà cuối ngày chảy vào. Tôi tìm thấy vẻ đẹp trong giây phút ấy khi đã rất xa nó rồi. Bà đã hát những bài ca mà bà chép vào cuốn sổ ấy. Có rất nhiều bài ca, tôi không nhớ nổi. Vi thuở ấy, tôi còn bé, ký ức hạn hẹp của tôi chưa đủ để dung nạp hết cả. Và còn vì một lý do đáng kể: tôi không biết tiếng Việt. Điều đó làm tôi hết sức khó khăn để biết ý nghĩa những câu à ơi, a ới kia. Mãi sau này, khi tôi đã nằm lòng tiếng nước tôi, tôi mới dần hiểu ra những ý nghĩa kia.

Có câu hát rằng:

Mình về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười

Năm quan mua lấy miệng cười

Trăm quan chẳng tiếc, tiếc người đen răng.

Hay một đoạn thế này:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều

Hoặc:

Trâu ơi ta bảo trâu này:

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đấy ai mà quản công.

Bao giờ cây lúa có bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Tôi biết gì về quê hương tôi?... Tôi chẳng biết gì cả. Một đứa trẻ sinh ra trên đất Mỹ. Gia đình tôi ở California. Không ai nhắc gì nhiều về quê hương, trừ mẹ. Tôi đã học như một người Mỹ, chơi như một người Mỹ, có bạn bè cũng là người Mỹ, tôi nói tiếng Anh và không biết gì về tiếng Việt. Kể cả những ngày đầu biết tiếng Việt, tôi chẳng nói gì nhiều. Tôi chỉ sổ thứ tiếng man di, mọi rợ, tạp chủng, tục tĩu, lốc cốc và linh tinhy(1) ra để chửi rửa vào những giai đoạn sa sút trong cuộc đời để bớt phần căm tức, phẫn nộ, u sầu, thất vọng hay buồn tủi. Nhưng mẹ thì nói thật nhiều thứ tiếng ấy. Cho dù chẳng mấy ai chung quanh bà hiểu và đáp lại. Hẳn với bà, tiếng Việt không chi còn là một ngôn ngữ, phải là thứ gì linh thiêng hơn thể, cao lớn hơn thế.

Bà dạy cho tôi về Việt Nam khi tôi mới năm tuổi. Tôi chẳng bận tâm. Đầu óc non nớt của một đứa trẻ năm tuổi không đủ sức bận tâm vào những vấn đề như vậy. Nhưng bà rất chịu khó. Bà nói (bằng tiếng Anh):

- Nào! Hãy kiên nhẫn, con.

Bà mở đầu bằng địa lý:

- Việt Nam là một đất nước ở châu Á, nằm bên biển Đông, - Bả nói và chỉ tay vào dải màu hồng nhỏ xíu như con giun đang quằn trên mô hình địa cầu, nửa bên là một mảng nhiều màu sắc khác giống những miếng vải mang đa sắc chắp vá lại với nhau và bên còn lại là màu xanh trời với bao chấm nhỏ li ti, gọi nó là quần đảo, đảo.

Bà tiếp tục bằng lịch sử:

-Việt Nam đã tồn tại được 4000 năm, từ thuở hồng hoang, những Hùng Vương tộc Lạc Việt dựng đất nước.

Bà nối liền bằng con người, giọng bà rất ngậm ngùi và cảm động:

-Người Việt Nam lắm nồng hậu mà cũng đã chịu lắm thương đau...

Tôi chẳng hiểu gì.

Rồi bà dịu dàng bảo:

-Mẹ kể con nghe câu chuyện này, Quân. - Tên tôi là Dennis Quan, mọi người vẫn thường gọi thế, nhưng riêng mẹ gọi tôi bằng cái tên có trước cả: Phạm Anh Quân.

Mẹ kể những chuyện cổ của quê hương: Thánh Gióng, Tấm Cám, Sọ Dừa, Đôi Hia Bảy Dặm, Sự Tích Trầu Cau, Sơn Tinh và Thuỷ Tinh... Những câu chuyện ấy mang một sắc mầu khác với truyện cổ ở phương Tây. Nhưng hồn cốt lại giống cả. Ở đầu thì cổ tích cũng để gieo cho con người những hạt mầm thiện lành nhất khi họ còn non nớt và trong trẻo, tinh khôi như một viên ngọc trắng. Bà khép lại câu chuyện khi đêm đã muộn. Trước khi đóng cửa phòng đi ra, bà đặt lên trán tôi một nụ hôn và nói rằng: "Mẹ yêu con!".

Tôi tiếp tục lật tiếp những trang giấy khác. Những trang giấy đã ố vàng. Bà viết, bằng Anh ngữ và Việt ngữ, những chuyện cổ, câu hò ru, những bài hát tiếng Việt. Trang cuối cùng là những lời dặn dò cuối cùng của bà. Như này:

"Khi chiếc hòm này đã mở sau nhiều năm, mẹ đã ra đi.

Con à, mẹ không có gì nhiều. Mẹ là một người Việt đã ra đi, rời bến xưa trên con thuyền trôi dạt lênh đênh nhiều ngày với những ám ảnh khó phai của trang sử bị thất lạc dấu vết. Con thuyền ấy dạt vào một hòn đảo Philippines, ở đó mẹ đã được những người dân thiện lành cứu giúp, cho chỗ ăn và chốn tạm trú. Mẹ được đưa sang Mỹ định cư. Mẹ gặp ba con, một người Việt khác đã ở đây nhiều đời rồi kết hôn. Cuộc đời mẹ cũng rất bình thường, một giáo viên trung học với một người chồng và một đứa con trai. Nhưng nỗi đau đáu về quê hương với mẹ không bao giờ nguôi. Nó bắt đầu khi mẹ được bà ngoại con sinh ra đến giờ phút mẹ viết tâm thư này. Rồi mẹ sẽ mất đi, mang theo nỗi đau đáu ấy. Dẫu vậy, mẹ vẫn luôn muốn con nhớ một điều rằng: Quê hương của con không phải ở đây, mà là bên nửa vòng địa cầu bên kia. Nơi có những con người giống con, thân hình mảnh nhỏ mà nội lực kinh hồn. Hãy tìm về đó khi mẹ mất. Hay mang chiếc bình sành chứa tro cốt của mẹ rải đi khắp miền đồi cỏ xanh của quê hương. Khi đó, mẹ sẽ trở về làm một linh hồn người Việt với ước nguyện rằng: kiếp sau, mẹ sẽ mang cái áo bà ba màu tía rất đẹp của quê hương để dắt con cùng đi trên đường về quê xứ làng mạc của ta..."

Ngày bé, tôi đã từng không hiểu mẹ nghĩ gì. Chúng tôi đã mang quốc tịch Mỹ, đính kèm một sự thật hiển nhiên: gia đình tôi là người Mỹ. Tất nhiên rồi... Chẳng bàn cãi gì... Cách đây không lâu, tôi vẫn công nhận trọn vẹn điều ấy. Tôi thân thuộc ở đây hơn. Tôi chỉ quen con phố với hàng trăm căn nhà sơn màu và kiểu cách y hệt nhau trên sân cỏ xanh mướt rộng rãi, không lệch đi một cen ti mét khối kiến trúc nào. Tôi không thể hình dung đến những ngôi nhà mỗi căn mỗi kiểu, chẳng giống tí gì nhau, trong một khu phố và căn cao, căn thấp xếp san sát nhau, không có quy hoạch. Tôi chỉ quen với những thành phố ngập cao ốc kính, trung tâm, phố sá sáng đèn suốt đêm ngày, thắp rực rỡ, lộng lẫy. Tôi không thể hình dung những thành phố tối mịt mù khi về đêm, vắng vẻ đầy hoang lạnh, nỗi sợ rợn gai ốc.

Hình ảnh về quá khứ của quê hương, tôi chỉ biết qua những thước phim của đạo diễn Francis Ford Coppola. Những hình ảnh về máy bay oanh tạc khắp các cánh rừng dày đặc màu xanh, để lại đám lửa lớn với cái lưỡi liếm mút tất cả thớ gỗ và ngọn lá, những cuộn khói bốc lên ngùn ngụt: con ác ma hình sọ người. Những người lính Mỹ ồ ạt đổ quân, đầu mũ lính, chân đeo bốt, súng đeo bên vai hoặc chống xuống đất. Những dòng nước xanh, những con sông trường, chảy thao thiết, lững lờ, ghi lại những bóng hình tang tóc, lửa đạn, và ánh tàn ngày đỏ quạch... máu người đã đổ; trực thăng hãy còn đập cánh bập bùng trên ngọn đồi cao, như những con chuồn chuồn trước mặt trời đang cháy. Người Việt Nam chỉ thế: khốn khổ, bần cùng, con người nhỏ xíu, yếu ớt và đau đớn đến đáng thương. Quê hương tôi lý nào lại điêu linh đến thế? Hẳn là mẹ đã lầm... Tôi nói thế với mẹ. Bà có vẻ hơi khó chịu, nhưng không giận, bà bảo: "Chiến tranh, hoang tàn đãi hết, chỉ còn quê hương, thứ tồn tại sau cùng.". Khi ấy, tôi mười bốn tuổi.

Lên mười sáu, mẹ thi thoảng mở những bài hát Việt Nam. Có lần, bà mở một băng đĩa rất dài: Trường ca Con Đường Cái Quan - Phạm Duy. Bà nghe đầy trầm tư và rất bồi hồi. Bà phác một cử chỉ vẫy gọi tôi lại. Tôi không để tâm lắm. Nghe một hồi cũng thấy chán. Còn bà thì hãy còn chìm đắm trong cái mênh mông bất tận của tiếng nhạc não nề, nao lòng, ngân cao ấy... Tôi không chịu nổi, ngủ gật đi. Khi tỉnh lại, tiếng nhạc vẫn còn đó. Mẹ quay người sang chỗ cái bàn oval nhỏ bên cạnh sofa viết gì đó. Ngay khi tôi bước ra khỏi cửa, tôi nghe thấy tiếng nói của bà rất đỗi giống lời phán quyết, định đoạt: "Sẽ có ngày con đường cái quan hết ranh giới". Bà nói như thế rất nhiều lần. Điều ấy làm tôi nhớ về dì tôi. Dì là em kề của mẹ. Trong gia đình mẹ thời ấy, ông ngoại sinh cả thảy năm người con. (Phải nói sơ qua điều này vì kỳ thực, những người anh em của mẹ có quan hệ gắn kết rất mật thiết với cuộc đời bà và những năm tháng trở về cố xứ của tôi sau này). Mẹ là chị Ba, trên bà là dì Tư Liên. Khi còn trẻ, dì là một công nhân xí nghiệp cho một nhà máy đồ hộp ở Sài Gòn. Năm 1980, dì Liên và mẹ bế theo đứa em côi cút của bà ngoại, tức là cậu Sáu tôi, sau khi bà mất, trở thành thuyền nhân trên chuyến ghe suốt gần ba tháng trời lênh đênh trên biển khơi đó. Dì đã cùng mẹ dạt vào bờ biển Philippines, nhưng cậu Sáu đã mất trước đó một tháng vì không kham nổi bao sóng gió, đói khát nghiệt ngã của biển cả khi tuổi đời còn nhỏ xíu. Dì và me cùng nhau đến đất Mỹ. Hai chị em nương tựa vào nhau mà sống. Bao tháng năm ấy, trải qua dài lắm, mà kể ra vèo cái trong gọn mấy câu nói. Hai người bác còn lại của tôi đều lớn hơn mẹ và dì nhiều tuổi. Bác hai trước là một chủ tiệm café ở sát trường Đại Học. Sau ngày giải phóng, kinh tế thị trường đổi thành kinh tế bao cấp, "Nước ta bước ra từ tàn tro chiến tranh, dân ai cũng nghèo, móc trong túi quần rớt ra vài con rệp khô!" - Dì Liên nói, nửa châm biếm, nửa chua xót. Bác phải dẹp quán, mở tiệm sửa xe ngay đó nhưng coi bộ vẫn ế ẩm. "Ông hai tào lao hết biết! Bây giờ Bắc Việt vào Nam, dân đói lũ lượt chứ có còn như trước đâu mà xe với chẳng cộ!" - Dì Liên lại nói, lần này trách cứ nhiều hơn. Sau khi dì và mẹ sang đây, chẳng còn đường nào liên lạc về bác Hai được nữa. Điều đó để lại một nỗi day dứt, suy tư và đượm buồn đục đẽo vào một tầng sâu không điểm đáy của hai người. Còn về phần cậu Ba, trước là lính cho Nam Việt Nam. Sau, đào ngũ sang Bắc Việt. Ông ngoại vốn là tay to mặt bự trong hàng ngũ Nam Việt Nam, ra lệnh thứ cấp bảo lính gặp là bắn bỏ liền đứa con ấy của ông. Khi đất nước liền dải, số phận của cậu Ba vẫn bặt tín. Ông ngoại trốn đi không kịp, bị bắt đi cải tạo nhiều năm. Sau này, tôi chỉ tìm hiểu được mỗi một điều rằng khi ra trại, ông sang Mỹ theo diện HO. Chẳng rõ ông có đi tìm mẹ và dì hay không, cũng chẳng biết ông có nghĩ rằng hai nguoi họ đã mãi chìm sâu vào lòng mẹ Thái Bình không. Một dấu hỏi bỏ ngõ. Quê hương đã già... Ngày dắt tay ngày đi qua, tháng liền hàng tháng, năm chất chồng lên nhau. Quê hương-gia đình-chia ly-mất mát-tang tóc, bấy nhiêu thứ ấy liên kết với nhau bằng thứ keo nồng mùi thuốc súng, bom đạn, và máu. Và khi nó đã dán chặt tất cả với nhau, cả thảy cháy lên ngùn ngụt khiếp đảm. Trong than tro để lại, tôi thấy có nỗi buồn đang hoá thạch, và làn khói bụi chiến ngấm vào không khí yên bình hôm nay.

À ơi, cố lý xa xôi

Ngày mai con có tìm về hôm nay?

Bao nhiêu năm tháng đổi thay

Chôn kín con người và thân phận

Chiến tranh, ôi, một nấm mồ đầy...

Ngày mai con có tìm về hôm nay?

Ơi con giữ lấy lời này

Khi về thắp một nén nhang

Khi về gìn giữ tro tàn cha ông

Khi về dẫu đã bạc lòng

Chiều hôm trước ngõ, sau hè

Khi về con nhớ mẹ còn bên con

Khi mùa lúa chín đã sang

Quê hương ta đó: bạt ngàn, sắt son...

Một trang nữa lướt qua. Tôi lật xong mà như chưa xong. Nỗi bứt rứt, nhớ thương dính mãi giữa những trang giấy. Tôi bỗng nhớ về những thời mẹ nói với dì về quê hương. Dì Liên là ngươi có thái độ chính trị rất cực đoan có lẽ thừa hưởng từ ông. Dì ghét cay đắng, chát chua và thù hằn nhà nước hiện tại. Dì vẫn thường có mặt chuyện trò trong những hội nhóm những người đồng hương tha phương viễn xứ giống dì. Ở đó, dì gay gắt tìm được tiếng nói chung với những người có số phận, gánh chịu và suy nghĩ giống dì. Mẹ khác. Mẹ không thích điều đó. Bà không thích gì chính trị. Trong một buổi chiều thu rất đẹp bên trong cánh rừng phong, lá phong ngập đầy lối đi, mảng trời, gót chân ba người chúng tôi, màu đỏ vàng của lá phong rụng đầy lòng người đã tạc vào mùa quá vãng một bóng hình rất đẹp không nói hết nổi. Ở nơi đó, mẹ bảo:

-Quê hương đã liền một dải lịch sử, một dải địa lý, một dải vắn hoá và tiếng nói. Nhưng thâm tâm con người không liền một dải... Trung-Nam-Bắc rạch ròi lắm, Quốc Gia-Cộng Sản còn nhiều hận thù chưa tỏ bày... Quê hương buồn lắm em ạ!

Dì, khi ấy ba mươi hai tuổi. Mẹ ba mươi lăm. Lòng bàn tay nhỏ bé của tôi trong tay mẹ, đi hết một đoạn đường dài, tôi mới có sáu tuổi thôi. Dì mạnh mẽ đáp:

-Còn Cộng Sản thì muôn đời không liền nổi đâu chị!

Mẹ thở dài:

-Phải, lòng người con phân định Bắc-Trung-Nam, Cộng Sản hay Quốc Gia thì muôn đời, muôn kiếp chia lìa con người với con người. Chuyện của địa lý, hãy gác cho địa lý. Chuyện của lịch sử, chính trị hãy gác cho lịch sử, chính trị. Chuyện của tình thương, bao dung, gắn kết, hãy gác vào tay những đứa con cùng cha.

Dì bất bình, dì lại bảo:

-Cộng Sản gây chiến trước cả, quê hương ngùn ngụt lửa đỏ, xác người nhuốm máu đầy tay tụi nó... Một lũ man rợ...

Mẹ buồn buồn, mẹ bảo:

-Cộng Sản, Quốc Gia chẳng gây chiến đâu em. Là những đứa con trong gia đình đã nổ súng bắn nhau đấy, còn bắn vào mẹ già, bắn vào quê hương, cánh đồng, rừng già, núi cao, trời mây, bắn vào quá khứ và ghim thật sâu vào nhiều lớp vân gỗ mới của tương lai...

Dì cho là mẹ uyên bác, người ít học như dì chẳng bì nổi. Nhưng mẹ xí xoá chẳng nói làm gì. Mẹ bảo dì quên chuyện ấy đi. Rồi cả ba người cùng bước tiếp trên cánh rừng phong buồn buồn ấy. Nỗi buồn chuốc say tâm hồn. Những bước chân còn vang tận gò xa. Trời quang đãng. Lá vẫn rụng... Đầy dư âm... Một cánh chim ngơ ngác, liếng thoắng chuyền cành giữa các ngọn cây cao, điệu nghệ như vũ khúc. Nhảy, nhảy và nhảy. Lá vãn còn rụng nhiều... dư âm ấy thật sâu đậm. Để rồi khi, rất nhiều tháng năm trôi qua sau này. Tôi lại bắt gặp mình trong chiếc áo phao mũ lông bước lại trong cách rừng hôm ấy khi đã lớn. Dư âm thân thuộc kia đã làm sống dậy đời tôi...

Năm mười tám tuổi, trong một lần ba đi công tác (ông là một viên chức địa phương, đồng thời cũng rất thích thú với những nghiên cứu, khảo cứu lịch sử, văn học), tôi đến chỗ bàn làm việc trong phòng ông để sục sạo những quyển sách của tôi, rồi bỗng tôi tìm thấy trong một ngăn nhỏ ở góc kệ sách một quyển tập cũ mèm. Giấy rách tả tơi, ngả màu nâu ở viền cạnh và vàng khè, con chữ li ti nhiều phần bay hết mực in. Trang bìa chẳng còn tìm thấy nữa. Tôi giở ra vì tò mò: trong đôi ba trang đầu là thơ bằng Việt Ngữ. Chẳng gì hấp dẫn mấy. Tôi lật tiếp, thấy ba tôi có một thú khi đọc thơ là ghi lại nhận xét, cảm nhận thật nhiều, kín cả trang giấy. Còn thì, ông dịch sang Anh ngữ những bài thơ ông tâm đắc nhất. Tôi chú ý đến một đoạn thế này - một đoạn thơ tiếng Việt, dầu cho khi đó tiếng Việt tôi rất vấp váp, non nớt và ngọng nghịu:

Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả rập rờn

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều

Quê Hương biết mấy thân yêu

Bao đời nay đã chịu nhiều thương đau

Mặt người vất vả in sâu

Gái trai chung một áo nâu nhuộm bùn...

Khổ thơ đó đã gieo vào tâm tưởng của tôi những bóng hình hỗn độn nhất, đan xen giữa cái thần thoại mơ hồ và hiện thực rất dung dị. Khi bóng mây mờ xàm kéo qua hết đi, tôi thấy những làng quê dưới chân núi cao mờ mây hồng sớm chiều, những cánh chim lượn qua đồng quê. Tôi cảm tưởng như mình đã sống ở đó, tôi đã đi qua những miền xa xôi ấy, nếm hết những cái vị mặn chát của bát cơm trắng rắc muối. Ông bà tôi ở đó. Và cả mẹ?... Ký ức đã đan chồng lên ký ức để tạo tác nên một viễn ảnh lạ lùng khi suy xét một chút, nhưng trong tiềm thức tôi đã quen bóng và hoà hợp với điều đó từ bao giờ. Mẹ đã dắt tôi qua, khi tôi nhỏ bé, những thửa ruộng lúa nước như đã ở đó nghìn năm, mẹ dắt tôi vào gian nhà cũ và có một chiếc bàn thờ nồng hương khói, trảng cỏ nhiều màu sau hè và cảnh buổi chiều phả lên khắp miền quê. Khói lam đã bước lên trời. Trong thinh lặng đó, tôi đã trở về...

Rất nhiều năm sau thời gian đó, khi tôi đã tìm được gia đình của bác tôi ở Việt Nam. Trong những chập choạng sáng cô đơn, không ngủ được, tôi đã điện thoại về cho một người cháu họ. Thực ra nó chẳng bé hơn tôi bao tuổi. Nhưng quan niệm trong những vấn đề về máu mủ, ruột thịt của người Việt đã ngăn chúng tôi thành hai tầng thế hệ. Hồi ấy ở quê hương là độ chiều xuống, đâu đó cỡ bốn giờ. Tôi trỏ chuyện một chút. Tôi hỏi han về bác, về gia đình, về cuộc sống của Việt Nam hiện tại. Rồi bỗng, tôi nghe thấy những tiếng mưa tí tách rơi, to dần thành thanh âm ồ ạt như ông trời vãi thóc. Một cơn mưa xứ nhiệt đới. Tiếng mưa va vào tôn đã đánh thức một cái gì đó đã mất trong tôi. Cô cháu tinh ý nhận ra sự im lặng bên kia đầu giây là một niềm ưu tư khắc khoải, lúc đó cô bé mới bảo rằng:

-Mưa nhiệt đới! Mưa ở Việt Nam đấy chú. Mưa ở quê hương...

Tiếng nói ấy vang vọng mãi, không gian quanh tôi như biến mất. Chỉ còn tôi với những câu nói ấy, bằng Việt ngữ. Tiếng nói cất lên như từ cả ổ lòng tôi lẫn từ quê hương gọi vẫy về. Tôi đã nhìn ra hình thù của cái điều đã đánh mất kia. Một ngọn dây nối tôi với hồn cốt nơi tôi chưa bao giờ đến gọi là quê xứ. Ngọn dây tết bằng một ý niệm, một lời dạy, một niềm cầu khẩn nơi xa xứ, một câu hò hay bài thơ, một kỷ niệm, một tiếng mưa!... Quê hương đem về mấy tiếng mưa trên cội nguồn, nhưng đem đến tha phương một hương vị cồn cào và xốn xang...

Tôi đã quyết định về cố hương khi tôi hai mươi tám tuổi. Đó là quyết định lớn nhất đời tôi. Vượt qua cả ngay tôi quyết định mang hài cốt cha về chôn ở quê hương cùng mẹ bất chấp mọi ngăn cản dữ tợn, kiên quyết đến từ họ nội vốn nhiều đời đã chọn cách nối gốc rễ đã đứt mình với mảnh đất hợp chủng, đa sắc tộc này. Vượt qua cả ngày tôi ký vào giấy an tử cho đứa con trai đã mê man, chới với nhiều lần giữa sự tồn tại và cái chết cận kề bên hông, suốt vài năm vì tai nạn giao thông trên một con đèo tôi không biết tên. Vượt qua cả quyết định từng muốn từ mặt và ruồng bỏ đứa con gái mình vì ma túy, rượu bia và thuốc lá đeo bám nó khi tuổi teen. Vượt qua cả quyết định cãi tay đôi với người dì đã nhất quyết không cho tro cốt của người chị bà được chôn xuống cái mảnh đất mà bà gọi là ngấm từng thớ Cộng Sản ấy. Tôi đã gọi đó là quê hương, bất chấp chế độ chính trị nào, kể cả quân quyền phong kiến hay quốc xã độc tài... Một chuyến đi làm thay đổi cả một fdoiwf người. Như ánh đèn dầu kính sáng lên mảnh đời tuổi trẻ tôi, sáng ra ngoài sân trong đêm muộn phiền đã nhiều canh...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro