Tình tứ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Chẳng thể rời mắt khỏi em

Buổi chiều hoàng hôn thật sự rất đẹp. Mặt trời lặng lẽ thụp xuống, những tia nắng dịu dàng trải lên bờ tường, tán cây, thân cây,... Nắng chiều màu cam cháy, nhàn nhạt, nhưng lại đậm nỗi tương tư, nhung nhớ. Khuôn mặt Hanh chìm giữa khoảng không khắc khoải ấy. Gió thổi hiu hiu, hàng trăm sợi tóc con chậm rãi đậu rợp đôi mắt anh. Hanh thở dài, cái thở dài của anh chàng mới mười bảy tuổi, điểm chút lo âu.

Hanh lo về sự kiện sáng nay. Cái sự kiện của một thằng nhóc tay chân lóng nga lóng ngóng mà chạy vù bằng tốc độ ánh sáng đến trước mặt một thằng nhóc khác, dúi vào đôi bàn tay thô kệch, sần sùi ấy một hộp bánh do anh thức đêm thức hôm tự làm. Lúc đó, Hanh thấy mình mạnh mẽ lắm.

Trời đất, trong khi mấy bạn nam, bạn nữ thầm thương trộm nhớ người ta mà không dám nói, còn anh tơ tưởng đến cậu trai cao mét bảy tám lớp bên, ăn giỏi, học cũng giỏi nốt, hay cười (mà cười như lưu manh ấy), thích đùa (nhưng lúc nghiêm túc thì cũng rất gì và này nọ nhé) – đấy, anh tơ tưởng đến cậu chàng như vậy đấy, thế mà anh còn dám thổ lộ tình cảm của mình, tính ra thì anh giỏi quá còn gì?

Song, sau khi sự đã qua rồi, ngẫm lại thật kỹ, Hanh chỉ thấy ngượng. Ngượng vì bạn bè ai cũng trêu, chỉ mỗi đương sự là nhóc đẹp trai kia thì ngơ ngơ ngác ngác, còn xoa đầu người ta thành cái tổ quạ, cười tít mắt bảo cảm ơn anh. Ngượng vì Hanh lỡ bảo: "Bánh này anh đặc biệt làm cho em á!", dè đâu, vẫn với điệu cười tít mắt, trai đẹp trả lời: "Sung sướng thật đó, nhưng ai mượn?"

Ủa... Ai mượn...?

Trai đẹp hỏi Hanh xong, Hanh đơ cả người ra. Hanh cảm thấy cậu nhóc đương cố tình ghẹo mình, bởi cái kiểu cười cười nhênh nhếch khóe môi ấy, rồi cái ánh mắt tinh ranh như con mèo vớ được nắm cá ấy, rõ là ghẹo. Không ghẹo, ai lại bất lịch sự như thế. Cơ mà Hanh vẫn cứ đơ, trai đẹp vẫn cứ cười. Mãi gần năm phút sau, trai đẹp mới nhẹ nhàng véo má anh, hứa sẽ ăn cho bằng hết đống bánh, rồi ngoảnh mặt bỏ đi.

Hanh lại thở dài, cú thở dài thứ mười hai trong ngày. Chim hót thánh thót, gió thổi tạt lên vạt áo sơ mi trắng tinh khiết, Hanh cúi người, loay hoay tìm cái lỗ. Tầm này mà có chỗ nào núp cho bớt nhục cái mặt, chứ nhục hoài, ai mà sống nổi. Quay qua quay lại một hồi, anh chàng mới bỏ cuộc, xách cặp lững thững đi về.

.

.

Chú bảo vệ ngồi trong phòng, vừa xem tivi vừa xì xụp ăn mì gói. Con mèo trường nuôi nằm uể oải trên đùi chú, dỏng cái mặt đỏng đảnh ra. Hanh bước gần tới cổng, thấy cảnh này thì dừng lại, đứng ngẩn người nhìn nó. Mèo ta híp mắt, rồi quay mặt đi. Bất giác, Hanh cười, thấy bé mèo này sao mà giống cậu chàng đó quá chừng. Kiêu ngạo, tùy hứng, đôi khi lười biếng, có lúc ngạo nghễu hệt vị vua thời xưa.

Hanh chào chú bảo vệ. Hào sảng, chú mời anh ăn mì, anh chỉ lắc lắc đầu, nhìn chằm chặp vào con mèo.

- Meo... Meo...

Khẽ khàng, Hanh bắt chước tiếng mèo mà kêu. Thề với trời đất, anh chỉ muốn đùa giỡn với bé mèo một chút trước khi về nhà, dẫu sao hôm nay được nghỉ học thêm, anh mới thảnh tha thảnh thơi mà sống như mấy bậc văn sĩ, thi nhân. Ai mà dè được cái cảnh tiếng trước anh gọi mèo, tiếng sau đã phát hiện trai đẹp đứng ngay sau lưng mình. Lạy hồn, cậu nhỏ còn bắt chước anh, "meo meo" bằng chất giọng ấm áp, ngầu bá cháy bọ chét ấy nữa.

- Chà, anh chưa về à? - Quốc hỏi, quả đầu hai mái Đan Trường đen nhánh nghiêng nghiêng. "Quả là người đẹp trai, làm cái quỷ gì cũng đẹp!", Hanh chép miệng.

- Chưa, anh lên lầu ba hóng gió, mát lắm. - Hanh cười, cặp mắt biết nói cong như vầng trăng.

- Hỏi một khai ba, ngoan quá ta!

Quốc chu môi, tròn mắt, giả bộ như ngạc nhiên lắm. Vốn dĩ lúc bình thường, mỗi khi Quốc chọc, Hanh đã chẳng biết nên phản ứng ra làm sao, nhẹ thì cúi đầu im thin thít, nặng thì đỏ mặt, đỏ tai, lắp ba lắp bắp, giờ lại ngay lúc làm trò thì bị Quốc bắt gặp, thú thật, Hanh chẳng nhảy vô phòng chú bảo vệ trốn đã là tốt lắm rồi.

Mỉm cười, Quốc búng nhẹ vào trán anh, đoạn rủ anh cùng đi bộ về nhà. Mấy cô bạn hay bảo Hanh là con đường theo đuổi Quốc của Hanh như đi trên dải lụa thần, qua con sông dài chưa đến trăm mét. Bởi vì sao ư? Bởi Quốc và Hanh sống cùng một khu chung cư, nhà cách nhau năm số, sáng bảnh mắt ra đi học đã thấy mặt nhau, chiều tối lê lết về cũng phải nhìn nhau cười một cái. Quen lắm, quen nhẵn cả mặt rồi. Thật ra, thời mà Hanh còn chưa thích Quốc, chưa ngấm ngầm theo Quốc, hai người như hai đường thẳng song song, mạnh ai nấy sống, giờ Hanh bắt ý trước rồi, giữa hai người mới cắt nhau tại một điểm.

Đường về nhà không xa, Quốc chọn đi phía bên ngoài, để Hanh ở trong. Trái tim nho nhỏ của Hanh đập thình thịch, kêu tình tính tang. Dáng Quốc vững vàng, cao cao, nắng tà tà quấy rầy, Quốc cũng chẳng nề hà. Trong khối, Quốc không phải là người đẹp trai nhất, trong trường, thậm chí người ta còn chẳng biết cậu là ai, nhưng chắc "Tình nhân trong mắt hoá Tây Thi", "Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong đôi mắt của kẻ si tình" - Hanh nhìn ngang, nhìn dọc, nhìn trước, nhìn sau, nhìn kiểu nào cũng chỉ thấy mỗi Quốc đẹp.

Đẹp trai quá trời, mũi cao, đôi mắt đầy vẻ tình tứ, khí chất cao ngạo, kiêu như mèo. Cậu tập võ, thích chơi thể thao, thế nên dáng cũng mạnh mẽ, vạm vỡ. Tính Quốc dù đúng là đôi lúc sáng nắng, chiều mưa, trưa lâm râm, thích giỡn, thích ghẹo lại hay cười thật, nhưng phần lớn thời gian trong học hành lẫn công việc cậu luôn cố gắng hết 200% sức lực, kiên trì tới cùng, nỗ lực đến trầy da tróc vảy.

Quốc - chỉ một chữ Quốc này thôi - cái tướng sinh ra chính là để "sát gái" rồi. Gia đình, bạn bè, anh em chí cốt của Quốc đều đặt biệt danh cho cậu là "Quốc điển trai".

Quốc trong tim Hanh lại chỉ có một chữ "Quốc". Chễm chệ, đặc biệt, đẹp đẽ như mặt trăng, tựa mặt trời, và hơn cả hàng triệu vì sao tinh tú.

Vẩn vơ, Hanh không để ý cảnh vật xung quanh. Tiếng xe cộ, khói bụi, những quán trà sữa, quán cà phê, nhà sách, tiệm sửa xe,... tựa như đang ở trong một thước phim nghệ thuật. Ống kính của Hanh quay lướt qua chúng, rồi chúng dần dần chìm xuống dưới cái bóng Quốc. Chỉ khi Quốc dừng lại, hỏi anh muốn uống cà phê sữa không, Hanh mới giật mình, vô thức gật đầu.

Quán cà phê takeaway trang trí đơn giản, nằm khiêm tốn bên một góc đường. Người phục vụ kiêm pha chế là một cô gái trẻ, nét mặt ngây ngô nhìn Quốc. Quán mở bài "Can't take my eyes off you" của Frankie Valli, cô nàng vừa nhẩm theo nhạc vừa thành thạo pha cà phê.

Chẳng hiểu sao, Hanh hơi ngượng.

Khi bạn bí mật làm một điều đáng xấu hổ gì đó, cả vũ trụ sẽ xúm vào bắt bài bạn. Thật đấy, không đùa đâu.

Quốc thọc tay vào túi quần, cũng đứng hát, giọng cậu nhỏ thôi, nhưng dù nhỏ như thế nào đi chăng nữa, Hanh vẫn nghe được. Buổi chiều êm đềm, phố xá tấp nập, Quốc ngẩng đầu hát, Hanh cúi đầu nghe, tim mềm nhũn.

- Anh Hanh, anh có biết người khiến em không thể rời mắt nhiều nhất trên đời này là ai không?

- Ai...?

Hanh hồi hộp hỏi.

- Anh...

Quốc chưa kịp trả lời, cô gái đã đưa ly cà phê đến. Hiếm thấy khi nào cậu lại lúng túng như vậy. Cậu cười, cảm ơn xong rồi quay qua bảo:

- Anh Hanh, cho anh nè.

- Ừm... Cảm ơn em nhiều lắm.

- Không cho cảm ơn.

- Vậy phải làm sao đây?

Hanh ngơ ngơ hỏi. Quốc chỉ lắc đầu, cười rộ xoa đầu anh.

"Để dành tình cảm mà trả ơn em."

Ý Quốc là vậy. Nhưng Quốc không nói, Hanh cũng không hiểu.

Chiều đã ngả bóng rồi, màu tương tư vẫn còn chưa nhạt. Quốc và Hanh dạo những bước chân ngắn ngủi, đoạn đường tuy chẳng xa hơn, nhưng thời gian được kéo dài ra rất nhiều.

Chiều phủ, gió bay, hoàng hôn, Quốc, Hanh, tất cả, tất cả tựa như một bức tranh.

2. Hạnh phúc

Ba Hanh là nhân viên công chức, hằng ngày cắp cặp táp đi làm theo giờ hành chính, tối về lại tụ họp cùng với gia đình. Mẹ Hanh là chủ của một cửa tiệm tạp hoá mở dưới tầng trệt chung cư, làm ăn chưa đến mức quá khấm khá, nhưng cũng kiếm được nguồn lợi nhuận không nhỏ.

Tiệm tạp hoá tên "Thái Hanh", bán đủ thứ bánh kẹo, đồ dùng. Hôm nào đi học thì thôi, chứ hễ mà ở nhà, Hanh sẽ nắm giữ vai trò "phục vụ" lẫn "thu ngân". Anh thích công việc này, bởi lẽ nhờ nó mà anh được tiếp xúc nhiều hơn với mấy đứa trẻ.

Khu chung cư Hanh sống nhiều con nít, toàn lứa mầm non với tiểu học. Hanh không biết những người ghét trẻ con sẽ chỉ thấy mặt nào của chúng, nhưng đối với Hanh, chúng dễ thương vô cùng. Hanh nhớ mặt, nhớ tên từng đứa một. Thậm chí, đôi khi, anh nhớ như in cả thói quen, nét đặc trưng của chúng.

Ví dụ như em Đậu, người bé tí hin, học lớp một, sáng nào cũng phải dậy sớm đến trường. Đôi mắt bé him híp, nhấp nháy liên tục, cả người đảo đảo, nghiêng nghiêng như cây liễu phất phơ trong gió. Nhà Đậu có điều kiện, Đậu là con một, lại yếu tựa sên, thế nên ba mẹ bé chăm lắm, chiều lắm, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Có những hôm đang bê mấy thùng hàng từ chiếc xe tải vào tiệm cho mẹ, vô tình nghía mắt qua, anh sẽ trông thấy hình ảnh bé Đậu ôm quyển sách cổ tích thiếu nhi nằm lọt thỏm trong lòng ba mình, nhắm kịt mắt, cánh môi phệ ra, hệt công chúa ngủ trong rừng, đáng yêu đến mủi lòng.

Ví dụ như em Thìn, cái thằng bé nhỏ con mà khoẻ, lại hung dữ phát sợ, là đại ca của các "tay xã hội trắng" loi nhoi, lóc nhóc khu này. Mới đầu, mẹ Hanh không ưa Thìn. Mẹ bảo Thìn là con nít quỷ, ranh ma. Sau này, mẹ cưng Thìn nhất, mém cưng hơn cả Hanh - con đẻ mình. Nhà Thìn không khó khăn, nhưng ba mẹ không quan tâm Thìn, còn nhỏ đã thả cho phơi nắng, phơi sương. Nếu Thìn không tự biết đói mà đi kiếm ăn, họ cũng chẳng buồn để tâm.

Lần nọ, Hanh nhớ rõ, Thìn lảo đảo bước vào tiệm tạp hoá, ôm chầm lấy mẹ Hanh, trán nóng hổi, mắt lờ đờ, nhũng nước. Hoá ra là bị sốt, mà ba vắng nhà, mẹ đi chơi bài. Hanh thương, thương cái mặt nhem nhuốc tròn tròn trốn giữa hai bàn tay mẹ anh. Lắm lúc Hanh cũng nghĩ, nếu chẳng muốn chịu trách nhiệm hoàn toàn, vầy thì tại sao lại đẻ ra làm gì, nhưng ngẫm đến việc anh chưa bao giờ muốn phán xét, đánh giá ai, Hanh lại thôi.

Ví dụ như Tỡn - cậu nhóc ngày nào cũng mua bánh Oreo, ví dụ như Hoa, con bé mới bảy tuổi mà ngồi trộn bánh tráng tắc còn chuyên nghiệp hơn cả anh - Hanh - mười - bảy - tuổi.

Nhiều lắm, các nhóc tì như những vết màu tươi tắn, xán lạn trong bức họa cuộc đời Hanh. Chưa đến tuổi trưởng thành, Hanh đã nghĩ đến ngôi nhà và mấy đứa trẻ. Song cũng có những đêm, Hanh cảm thấy buồn bã đến rệu rã ý chí. Những người con trai như anh, liệu một mái ấm có là điều dễ dàng? Còn có những đứa trẻ nữa ư?

.

.

Ngày chủ nhật, Hanh được nghỉ học. Anh kiểm kê, sắp xếp lại đống hàng, canh tiệm tạp hoá từ sáng đến trưa. Hanh bắt cái ghế gỗ, vừa cầm cuốn sổ, vừa ngậm cây viết, thỉnh thoảng lại cặm cụi hí hoáy phác hoạ cảnh vật xung quanh. Hanh vốn hướng nội, anh ít nói, hay lắng nghe. Bình thường, Hanh hiếm khi nào tụ tập cùng với bạn bè đi đâu chơi, anh có những thú vui riêng. Những thú vui giản dị như vẽ tranh, đọc sách, hay ngồi giải ô số Sudoku khó nhằn trên báo. Dòng họ, hàng xóm hay trêu Hanh, bảo anh có phải là con trai không, sao lại trầm như thế, cộng với việc biết chăm lo bếp núc, tháo vát việc nhà, cũng có bạn bè nhạo Hanh là "Đồ bê đê!". Hanh chẳng khi nào phản bác gì, anh chỉ cười.

Xã hội luôn có thật nhiều điều để nói về mình, và những định kiến thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ chấm dứt được, vì đâu phải ai cũng nghĩ như ai.

Thật ra, con gái chứ đâu phải là con búp bê, đi đứng phải giữ kẽ quá mức, phải thích màu hồng, phải lùi về "phía sau cánh gà", phục dịch cho chồng, cho con,...

Thật ra, con trai đâu nhất thiết phải thích những điều mà chỉ mặc định con trai mới được thích? Nếu bạn thích mặc áo hồng thì sao? Nếu bạn thích nấu nướng thì sao? Nếu bạn thích vẽ móng thì sao? Hay thậm chí, nếu lỡ một ngày nào đó, bạn phát hiện trái tim mình chỉ rung động trước những chiếc đầu đinh, chiếc đầu húi cua thì sao?

Hanh chẳng biết nữa. Anh chỉ biết, anh có một cuộc đời phải sống, họ cũng có một cuộc đời phải sống. Mỗi người chỉ có một cuộc đời giữa cuộc sống hối hả, không ngừng biến động này. Sáu mươi năm, bảy mươi năm, hay một trăm năm chưa khi nào là dài. Nếu dài, tại sao đến khi sắp về với Đất Mẹ rồi, người ta lại nuối tiếc nhiều điều nơi chốn trần gian đến thế?

Hanh không muốn sống để hối tiếc. Anh sống để được hạnh phúc, và trao đi hạnh phúc.

Trên thềm, nắng dần gắt gỏng, đổ bộ như một binh đoàn giận dữ. Hanh sải chân, duỗi thẳng ra ngoài. Tim Hanh bất chợt quặn lại. Cách đây mấy tháng, đã có người từng ngồi ở đây, ngày nào cũng vậy. Đó là một người phụ nữ trung niên bị bệnh tâm thần, không biết nhà cửa nơi đâu, không biết người thân chốn nào. Ghé vô chung cư này, ngày ngày xin cơm từ mẹ Hanh, rồi ngồi ăn ngấu nghiến. Mặt người phụ nữ tuy đen đúa, nhưng đôi mắt sáng trong, chỉ buồn một nỗi cặp mắt vô hồn, nụ cười chúm chím cũng chẳng vì lẽ gì cả, chỉ đơn giản là sáng cười, trưa cười, chiều cười, thỉnh thoảng khóc tu tu như đứa nhỏ. Ai đánh, ai mắng, ai la, cô cũng chẳng hiểu được, vẫn cứ cười. Người đàn bà ấy, người đàn bà thường xuyên trò chuyện với Hanh bằng thứ ngôn từ vụn vỡ, tan nát giờ đã trở thành nắm cát bụi. Cô bỏ đi biệt tích sau buổi cơm tối ngày mùng một Tết năm đó. Ba hôm sau, tivi đã đưa tin có người phụ nữ tâm thần bị mấy thằng thanh niên vây đùa. Hoảng loạn, cô ấy chạy ra ngoài đường, ngay thời khắc chiếc xe ô tô vụt đến, xé gió, xé cả tiếng thét kinh hoàng. Chỉ nhớ lại thôi, mắt Hanh đã trắng xoá màu nước.

Thuở người đàn bà còn sống, dì bảy nhà kế bên Hanh từng chép miệng, chẳng thà điên như vậy, không biết sầu, không biết đau, đỡ mệt. Hanh lại thấy, có thể được buồn, được vui, thậm chí là được rầu rĩ, được khổ sở, chính là còn được tồn tại và được nhận thức rõ ràng về sự tồn tại của mình. Giả sử có thể ước một điều, có lẽ cô ấy cũng ước mình được sống như mọi người. Đâu phải ai cười suốt ngày cũng là vui. Còn lúc chênh vênh, vấp ngã, nào phải là tận cùng của thế giới?

Đôi lần, lúc đi bộ đến trường, Hanh hay nghĩ nếu như gia đình Hanh có thể làm gì đó cho người đàn bà ấy, liệu kết cục của người đó có tốt đẹp hơn không?

"Nhưng làm gì?" Hanh im bặt, lại vội vàng kéo tay áo che mặt.

Nắng rọi lên da Hanh. Mùa khô ở miền Nam cháy bỏng, nắng thôi cũng đủ làm rát người. Hanh rụt chân lại, cất tạm quyển sổ vào tủ đựng thuốc lá, băng cá nhân, đồ cạo râu,... Men theo con đường trống nhỏ giữa hai cái tủ đựng mì và sách báo, Hanh vào trong, tìm vài tờ báo mang ra đọc, đoạn nấu mì, pha cà phê. Giữa chừng, có tiếng gọi to ở bên ngoài, anh giật mình, bỏ dở tô mì, chạy vù ra.

Giọng của Quốc. Cậu chàng mặc cái áo thun trắng, cái quần xà lỏn đen, đôi dép lào xỏ đại của bà dì nào đó, đứng cười hí hửng, chào anh.

- Anh Hanh, cho em xin chai Coca nha!

- Ừa, em trộm dép ai mang vậy?

- Mẹ em đó, đẹp không?

- Đẹp...

Hanh phì cười, cúi người lấy chai Coca, múc đá, bất lực trả lời. Quốc là thế, chẳng để ý đến ánh mắt ai. Ở trường đi học như công tử Sài Gòn, về nhà chẳng khác nào anh xà lỏn cà tửng cà tưng. Quốc hay đùa, may mà mấy đứa con gái cùng lớp không thấy được cái bộ dáng này của em, chứ không, mấy cổ khóc chết mất. Hanh thì nghĩ, cái kiểu hài hài như Quốc, khéo lại có thêm người thích, chứ chẳng lỗ đi đâu.

- Anh Hanh, tối nay anh rảnh không?

- Anh bận đi giao hàng, nhưng mà không xa lắm đâu.

- Tầm chín giờ tối anh ra ngoài vườn hoa với em không? - Quốc nhoẻn miệng, nháy nháy mắt, đến là khổ cái ông mặt trời con này.

- Được, mà chi?

- Em mới học một bài hát mới. Để em đàn anh nghe, hay lắm!

Hanh cười, hai má hồng hồng. Cũng ngộ, ngồi với nắng lâu thế - da vẫn một màu ngăm ngăm, mà Quốc xuất hiện nói mấy câu thôi - Hanh đã ngại đến chín đỏ rồi.

Gió hầm hập thổi qua, nắng nhảy nhót trên cái đầu trần của Quốc, bóng Quốc đổ trên mặt đất, nụ cười, ánh mắt đẹp đẽ ấy từng chút, từng chút một sà vào lòng Hanh.

Hanh giơ ngón tay cái, ý muốn khen cậu, rồi giục thằng bé về.

Quốc chào tạm biệt anh rồi chạy đi, bóng lưng đã gần như vững chãi rồi.

3. Đời chẳng phải là phim điện ảnh đâu...

Chiều, Hanh phải đi giao ba thùng mì. Tiệm tạp hoá nhà Hanh không có dịch vụ giao hàng tận nơi, nhưng thi thoảng, những ngoại lệ sẽ luôn được diễn ra - miễn là Hanh – "cậu nhân viên ruột" của tiệm được nghỉ lễ.

Sau khi nhờ mẹ trông tiệm, Hanh về phòng, xắn tay lên dọn dẹp nhà cửa. Bởi lẽ đây là khu chung cư lâu đời - lâu đến mức khéo mà những bà mẹ có thể dùng cụm từ "Ngày xửa, ngày xưa" để kể cho con cái mình nghe những câu chuyện từ vặt vãnh nhất đến "kinh thiên động địa" nhất của khu này - nhà Hanh cũng cũ kỹ hệt mấy câu chuyện đó vậy.

Cái ghế sofa đã tưa chỉ, cái kệ sách bằng gỗ đã có dấu hiệu mục đi, cái radio hỏng hóc nằm gọn bên bậu cửa sổ, những đĩa nhạc Trịnh, nhạc bolero từ nhiều năm về trước,... Từng đồ vật tựa như toát lên hơi thở của sự hoài niệm. Phần lớn mọi người đều thích cái hiện đại, Hanh lại đắm say tận hưởng nét cổ xưa này giữa dòng đời quá đỗi xô bồ, vội vã.

Hanh pha một tách cà phê, đặt nó lên bàn học, đoạn mở một danh sách nhạc Trịnh, rồi cầm cây chổi quét tước cần mẫn, cẩn thận.

Thật ra, trước kia, Hanh không thích nhạc Trịnh, chính xác hơn là anh thậm chí còn chưa từng nghe thử một bài hát nào của cố nhạc sĩ tài hoa này để mà cảm thụ. Song, kể từ khi gặp Quốc, đời Hanh dường như chỉ còn lại những bài ca "Để gió cuốn đi", "Tuổi đá buồn", hay "Cát bụi",...

Quốc mê nhạc Trịnh. Quốc mê giai điệu có lúc buồn bã, có lúc trong trẻo, nhưng luôn mượt mà, và mê cả những ca sĩ với chất giọng đẹp đẽ đã cất lên những câu từ sâu sắc ấy. Bề ngoài, trông Quốc có vẻ giống như một anh chàng sẽ cầm chiếc điện thoại lên, lướt web, chơi game và nghe nhạc điện tử suốt ngày; tuy nhiên, trong thực tế, Quốc yêu nghệ thuật, yêu những bài hát, những cuốn phim điện ảnh của các thập kỷ trước, từ nước nhà ra nước bạn, từ tiếng ta đến tiếng Tây.

Kể từ khi tiếp xúc gần gũi với Quốc, Hanh bắt đầu buông bớt những câu đố Sudoku khó nhằn, những bài toán như muốn phá tan trí não người ta, và những bộ phim trinh thám mà Hanh đã từng xem bất chấp đêm dài, mỏi mòn. Hanh nghe nhạc bolero, thì thầm hát bài "Lặng thầm" do Vũ Hoàng sáng tác, ngồi xem "Singin' in the rain" và "Life is beautiful" cùng Quốc.

Hanh không hề che giấu bản ngã của mình, cũng chưa từng vùi chôn bất kỳ sở thích cá nhân nào, nhưng anh đoán rằng, khi ta thương thầm một ai đó, những điều tốt đẹp mà họ ưa thích có thể mang tặng ta điều kỳ diệu, phi thường mà từ trước tới nay ta chưa khi nào nghĩ đến.

Tiếng nhạc Trịnh êm ái vang lên khắp căn phòng, tách cà phê đen sóng sánh như cũng bất động nằm nghe. Hanh mỉm cười, anh lau nhà, bắt sẵn một nồi cơm, đi tắm, và rồi xuống cầu thang, anh dắt chiếc xe đạp ra ngoài.

Bên hiên tiệm tạp hoá, mẹ Hanh đương ngồi gác chân lên ghế, gọt hai quả táo. Thấy Hanh, mẹ gọi:

- Hanh!

- Dạ?

- Con ăn cơm chưa mà đi?

- Ừm... - Hanh gãi gáy, cười méo xệch, thành thật đáp - Dạ chưa...

- Trời, mày giỡn với mẹ đó hả? Sao không ăn xong rồi đi giao? Dì Hội bảo không gấp lắm đâu con.

- Mẹ yên tâm, con có ăn miếng bánh mì với uống xíu cà phê rồi. Chuyến này con đi nhanh lắm, tầm bảy giờ hơn là có mặt ở nhà, đến lúc đó ăn cơm cũng không trễ.

Mẹ Hanh chép miệng, liếc mắt, ngoắc Hanh lại. Anh chần chừ bước vài nhịp, chưa kịp suy nghĩ gì, đã bị mẹ búng cho một phát vào trán. Mẹ cười hiền, xoa mái tóc mềm mại của anh. Hanh cúi nhẹ đầu, thơm một cái thật kêu vào má mẹ. Sau đó, Hanh lật đật ôm mấy thùng mì ra, cố định lên yên sau, rồi đạp xe đi. Trong ánh sáng dập dìu của ánh trăng mới nhô và ngọn đèn đường hiu hắt đầu ngõ, Hanh nhỏ bé lại mạnh mẽ đến lạ.

.

.

Tám giờ bốn mươi phút tối, chưa gì mà Hanh đã bồn chồn. Quốc gọi từ đầu dây bên kia, dặn anh xuống chỗ vườn hoa chờ, cậu nhóc sẽ đem cây guitar và hai cái ghế xuống. Hanh bảo, "Để anh chuẩn bị ghế", Quốc cũng chịu, không ngăn cản gì, chỉ cười ấm áp.

Hanh kiếm cái áo khoác màu xanh nước biển, loay hoay tìm hai chiếc ghế có thể ngồi được, xách lỉnh kỉnh xuống lầu. Ba Hanh thấy, ông cười, rít nhẹ điếu thuốc, rồi quay đi.

Vườn hoa nằm ở phía Đông khu chung cư, do các cô chú bảo vệ và các dì hàng xóm sống gần đó một tay trồng, một tay trông. Vườn có đủ thứ hoa, nào là hoa hồng kiêu sa, hoa tulip e thẹn, hoa nhài thanh thoát,... Tưởng tượng cuộc sống là một vườn hoa, thì mỗi cá nhân là một bông hoa, toả đi hương thơm độc đáo cho đời, và ai cũng đẹp, đẹp theo mỗi phương cách riêng, chẳng có một tiêu chuẩn nào cả.

Lá chen trên mấy mỏm đá, xao động nhịp nhàng, như đương nhảy múa cùng gió. Quốc đứng đó, trên vai là cây đàn guitar, trên môi là nụ cười, quần jeans sáng màu, áo thun trắng giản dị.

Rung động. Rung động của một thời thanh xuân đã đi vào tiềm thức Hanh như thế, bằng hình ảnh tràn đầy sức sống của chàng trai này.

Anh chật vật chạy đến, Quốc cũng tiến ngay về phía anh. Khoảng cách chưa được rút lại, Quốc đã vội đưa tay ra, đồ như muốn túm lấy cái ghế.

- Anh Hanh, nặng không?

- Không nặng đâu. Em đừng để ý nha! - Hanh cười.

Dưới ánh trăng nhàn nhạt nhưng trong khiết, hai cậu trai ngồi giữa vườn hoa, bóng tối phủ lên vai Quốc, phủ một nửa sườn mặt Hanh, thế nhưng đèn điện vẫn sáng lắm, sáng một màu vàng ấm vô cùng.

Quốc nói, "Em học được bài "Singin' in the rain"". Đoạn, cậu đàn, những nốt nhạc lần lượt bước ra. Quốc ngồi thoải mái, mái tóc rối đung đưa, giọng hát trầm khàn, hơi vỡ của cậu thiếu niên mười sáu tuổi ngân nga.

Trước mắt Hanh, đoạn phim kinh điển ấy chợt lặp lại một lần nữa. Sau khi Don nhận nụ hôn tạm biệt từ Kathy, tình yêu của Don như được chắp cánh lên tận trời xanh. Mặc mưa, mặc bác taxi đậu xe chờ sẵn, mặc người đi đường ngơ ngác nhìn anh, anh vẫn vui vẻ hát "Singin' in the rain" và nhảy nhót.

Những người đương yêu thường không mấy tỉnh táo cho lắm, nhưng họ dễ thương, đáng yêu lạ lùng.

Quốc hát và đàn, nụ cười thấp thoáng mà rõ rệt. Hanh mỉm cười, nhịp chân. Chẳng hiểu sao, anh thấy được cái cảnh Quốc nhảy múa dưới mưa. Chưa biết vì yêu hay vì... yêu, anh chỉ biết rằng Quốc chính là người như vậy, nét hồn nhiên và tố chất nghệ sĩ, phóng khoáng luôn trú ngụ trong lòng cậu.

- Anh Hanh, em biết anh đang nghĩ gì.

- Vậy sao?

- Đúng rồi, nhưng em chẳng thích nhảy múa một mình dưới mưa đâu. Cuộc đời không phải là phim điện ảnh, em sẽ bị người ta cười chết.

- Ồ...

- Thế nên để không cô đơn vì bị... cười một mình, anh hãy nhảy múa cùng với em đi.

Hanh ngẩn người, tròn môi, rồi cười rũ rượi.

- Ừa, chỉ cần em muốn, anh sẽ cố gắng không để em phải cô đơn, Quốc à.

Vậy là, chẳng ai thật sự ngỏ lời yêu, nhưng tình cảm của họ như đứng trước tấm màn mỏng tang, khẽ chạm mắt là thấy, không cần phải thốt nên lời.

The end (only the story,
the love never ends).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro