quy che benh vien

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

BỘ Y TẾ


-----------

Số: 1895/1997/QĐ-BYT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----------------------

Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 1997

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ BỆNH VIỆN

--------------------------

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân;

Căn cứ Nghị định số 68/CP ngày 11/10/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Điều trị và Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam, Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

Nay ban hành kèm theo quyết định này Quy chế bệnh viện gồm 5 phần:

- Phần I: Quy chế về tổ chức bệnh viện

- Phần II: Quy chế về nhiệm vụ, quyền hạn, chức trách cá nhân.

- Phần III: Quy chế về quản lý bệnh viện.

- Phần IV: Quy chế về chuyên môn.

- Phần V: Quy chế công tác một số khoa

Điều 2.

Quy chế bệnh viện được áp dụng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (gọi chung là bệnh viện) kể cả bệnh viện tư nhân và bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài. Riêng quy chế về tổ chức bệnh viện, các bệnh viện tư nhân và bệnh viện có vốn đầu tư của nước ngoài được phép vận dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế của bệnh viện.

Điều 3.

Giao cho Vụ trưởng Vụ Điều trị chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy chế bệnh viện tại các bệnh viện trong cả nước.

Điều 4.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 1998 và thay thế công văn số 1876/BYT/CB ngày 12/6/1972, về việc nghiên cứu, học tập và chấp hành những quy định về tổ chức, chức trách, chế độ công tác bệnh viện và quyết định số: 266/QĐ, ngày 01/04/1988 về việc ban hành chế độ chuyên môn công tác bệnh viện.

Điều 5.

Các Ông Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Điều trị, Chánh thanh tra và Vụ trưởng các Vụ của cơ quan Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Viện, Bệnh viện trực thuộc Bộ, Y tế ngành, các Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các Cơ sở điều dưỡng – Phục hồi chức năng; Hiệu trưởng các trường Đại học, Trung học y, dược, các Trung tâm đào tạo y, dược trong cả nước chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 Nơi nhận:
- Văn phòng CP;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Khoa giáo TW Đảng;
- Như Điều 5;
- Lưu Pháp chế;
- Lưu trữ;
- Lưu Điều trị;

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ



GS. PTS. Đỗ Nguyên Phương

Phần I.

QUY CHẾ TỔ CHỨC BỆNH VIỆN

1. NHIỆM VỤ CHUNG CỦA BỆNH VIỆN

Bệnh viện là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và có các nhiệm vụ sau:

1. Khám bệnh, chữa bệnh:

a. Bệnh viện là nơi tiếp nhận mọi người bệnh đến cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh nội trú và ngoại trú theo các chế độ chính sách Nhà nước quy định.

b. Tổ chức khám sức khỏe và chứng nhận sức khỏe theo quy định của Nhà nước.

2. Đào tạo cán bộ:

Bệnh viện là cơ sở thực hành để đào tạo cán bộ y tế. Các thành viên trong bệnh viện phải mẫu mực trong thực hiện quy chế bệnh viện và quy định kỹ thuật bệnh viện.

3. Nghiên cứu khoa học:

Bệnh viện là nơi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người bệnh.

4. Chỉ đạo tuyến:

Hệ thống các bệnh viện được tổ chức theo tuyến kỹ thuật. Tuyến trên có trách nhiệm chỉ đạo kỹ thuật cho tuyến dưới.

5. Phòng bệnh:

Song song với khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh là nhiệm vụ quan trọng của bệnh viện.

6. Hợp tác quốc tế:

Theo đúng các quy định của Nhà nước.

7. Quản lý kinh tế trong bệnh viện:

Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về thu, chi ngân sách của bệnh viện từng bước tổ chức thực hiện việc hạch toán chi phí về khám bệnh, chữa bệnh trong bệnh viện.

* Bộ máy tổ chức của các phòng các khoa trong bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh (gọi chung là bệnh viện) đa khoa và chuyên khoa hạng I, II và III do Giám đốc bệnh viện tham khảo mô hình tổ chức trong tài liệu này để đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định – Bệnh viện chuyên khoa tham khảo phần tổ chức của bệnh viện đa khoa.

2. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC CỦA BỆNH VIỆN ĐA KHOA HẠNG I

Bệnh viện đa khoa hạng I là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế hoặc UBND tỉnh, thành phố và các Ngành có trách nhiệm khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bệnh viện có đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, được trang bị hiện đại, có các chuyên khoa sâu, cơ sở hạ tầng phù hợp.

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ:

1. Cấp cứu – Khám bệnh – Chữa bệnh:

a. Tiếp nhận tất cả các trường hợp người bệnh từ ngoài vào hoặc các bệnh viện khác chuyển đến để cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh nội trú và ngoại trú.

b. Tổ chức khám sức khỏe và chứng nhận sức khỏe theo quy định của Nhà nước.

c. Có trách nhiệm giải quyết toàn bộ bệnh tật từ các nơi chuyển đến cũng như tại địa phương nơi bệnh viện đóng. Tổ chức khám giám định sức khỏe khi hội đồng giám định y khoa trung ương hoặc tỉnh, thành phố trưng cầu; khám giám định pháp y khi cơ quan bảo vệ pháp luật trưng cầu.

2. Đào tạo cán bộ y tế:

a. Bệnh viện là cơ sở thực hành để đào tạo cán bộ y tế ở bậc trên đại học, đại học và trung học

b. Tổ chức đào tạo liên tục cho các thành viên trong bệnh viện và tuyến dưới nâng cao trình độ chuyên môn.

3. Nghiên cứu khoa học về y học:

a. Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu về y học và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật y học ở cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Cơ sở, chú trọng nghiên cứu y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc – Kết hợp với các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành để phát triển kỹ thuật của bệnh viện.

b. Nghiên cứu dịch tể học cộng đồng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu …

4. Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật:

a. Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc chỉ đạo các bệnh viện tuyến dưới phát triển kỹ thuật chuyên môn nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị.

b. Kết hợp với các bệnh viện tuyến dưới thực hiện chương trình và kế hoạch chăm sóc sức khỏe ban đầu trong khu vực.

5. Phòng bệnh:

a. Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho cộng đồng.

b. Phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng thực hiện thường xuyên nhiệm vụ phòng bệnh, phòng dịch.

6. Hợp tác quốc tế:

Hợp tác với các tổ chức hoặc cá nhân ở ngoài nước theo đúng quy định của Nhà nước.

7. Quản lý kinh tế trong bệnh viện:

a. Có kế hoạch sử dụng hiệu quả cao ngân sách Nhà nước cấp.

b. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về thu, chi ngân sách của bệnh viện. Từng bước hạch toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

c. Tạo thêm nguồn kinh phí từ các dịch vụ y tế: Viện phí, bảo hiểm y tế, đầu tư của nước ngoài và các tổ chức kinh tế khác.

II. TỔ CHỨC:

1. Các phòng chức năng:

1. Phòng Kế hoạch tổng hợp

2. Phòng Y tá (điều dưỡng)

3. Phòng Chỉ đạo tuyến

4. Phòng Vật tư – thiết bị y tế

5. Phòng Hành chính quản trị

6. Phòng Tổ chức cán bộ

7. Phòng Tài chính kế toán

2. Các khoa:

1. Khoa khám bệnh

2. Khoa Hồi sức cấp cứu

3. Khoa Nội tổng hợp

4. Khoa Nội tim mạch

5. Khoa Nội tiêu hóa

6. Khoa Nội cơ – xương – khớp

7. Khoa Nội thận – tiết niệu

8. Khoa Nội tiết

9. Khoa Dị ứng

10. Khoa Huyến Học lâm sàng

11. Khoa Truyền nhiễm

12. Khoa Lao

13. Khoa Da Liễu

14. Khoa Thần kinh

15. Khoa Tâm thần

16. Khoa Y học cổ truyền

17. Khoa Lão học

18. Khoa Nhi

19. Khoa Ngoại tổng hợp

20. Khoa Ngoại thần kinh

21. Khoa Ngoại lồng ngực

22. Khoa Ngoại tiêu hóa

23. Khoa Ngoại thận – tiết niệu

24. Khoa Chấn thương chỉnh hình

25. Khoa Bỏng

26. Khoa Phẩu thuật gây mê hồi sức

27. Khoa Phụ sản

28. Khoa Tai – mũi – họng

29. Khoa Răng - hàm – mặt

30. Khoa mắt

31. Khoa Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng

32. Khoa Y học hạt nhân

33. Khoa Truyền máu

35. Khoa Lọc máu (thận nhân tạo)

36. Khoa Huyến học

37. Khoa Hóa Sinh

38. Khoa Vi sinh

39. Khoa Chẩn đoán hình ảnh

40. Khoa Thăm dò chức năng

41. Khoa Nội soi

42. Khoa Giải phẫu bệnh

43. Khoa Chống nhiễm khuẩn

44. Khoa Dược

45. Khoa Dinh dưỡng

3. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC CỦA BỆNH VIỆN ĐA KHOA HẠNG II

Bệnh viện đa khoa hạng II là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc khu vực các huyện trong tỉnh và các Ngành, có độ ngũ cán bộ chuyên khoa cơ bản có trình độ chuyên môn sâu và có trang bị thích hợp đủ khả năng hỗ trợ cho bệnh viện hạng III.

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ:

1. Cấp cứu – Khám bệnh – Chữa bệnh:

a. Tiến nhận tất cả các trường hợp người bệnh từ ngoài vào hoặc từ các bệnh viện khác chuyển đến để cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh nội trú hoặc ngoại trú.

b. Tổ chức khám sức khỏe và chứng nhận sức khỏe theo quy định của Nhà nước.

c. Có trách nhiệm giải quyết hầu hết các bệnh tật trong tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương và các ngành.

d. Tổ chức khám giám định sức khỏe, khám giám định pháp y khi hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật trưng cầu.

e. Chuyển người bệnh lên tuyến trên khi bệnh viện không đủ khả năng giải quyết.

2. Đào tạo cán bộ y tế:

a. Bệnh viện là cơ sở thực hành để đào tạo cán bộ y tế ở bậc đại học và trung học.

b. Tổ chức đào tạo liên tục cho các thành viên trong bệnh viện và tuyến dưới để nâng cao trình độ chuyên môn.

3. Nghiên cứu khoa học về y học:

a. Tổ chức nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu các đề tài y học ở cấp Nhà nước, cấp Bộ hoặc cấp Cơ sở, chú trọng nghiên cứu về y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.

b. Nghiên cứu triển khai dịch tễ học cộng đồng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu lựa chọn ưu tiên thích hợp trong địa bàn tỉnh, thành phố và các ngành.

c. Kết hợp với bệnh viện tuyến trên và các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành để phát triển kỹ thuật của bệnh viện,.

4. Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn, kỹ thuật:

a. Lập kế hoạch và chỉ đạo tuyến dưới (Bệnh viện hạng III) thực hiện việc phát triển kỹ thuật chuyên môn.

b. Kết hợp với bệnh viện tuyến dưới thực hiện các chương trình về chăm sóc sức khỏe ban đầu trong địa bàn tỉnh, thành phố và các ngành.

5. Phòng bệnh:

Phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng thường xuyên thực hiện nhiệm vụ phòng bệnh, phòng dịch.

6. Hợp tác quốc tế:

Hợp tác với các tổ chức hoặc cá nhân ở ngoài nước theo quy định của Nhà nước.

7. Quản lý kinh tế y tế:

a. Có kế hoạch sử dụng hiệu quả cao ngân sách Nhà nước cấp. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về thu, chi tài chính, từng bước thực hiện hạch toán chi phí khám bệnh chữa bệnh.

b. Tạo thêm nguồn kinh phí từ các dịch vụ y tế: Viện phí, bảo hiểm y tế, đầu tư nước ngoài và của các tổ chức kinh tế khác.

II. TỔ CHỨC:

1. Các phòng chức năng:

1. Phòng Kế hoạch tổng hợp

2. Phòng Y tá (điều dưỡng)

3. Phòng Vật tư thiết bị y tế

4. Phòng Tổ chức cán bộ

5. Phòng Hành chính quản trị

6. Phòng Tài chính kế toán

2. Các khoa:

1. Khoa Khám bệnh

2. Khoa Hồi sức cấp cứu

3. Khoa Nội tổng hợp

4. Khoa Nội tim mạch – Lão học

5. Khoa Truyền nhiễm

6. Khoa Lao

7. Khoa Da liễu

8. Khoa Thần kinh

9. Khoa tâm thần

10. Khoa Y học Cổ truyền

11. Khoa Nhi

12. Khoa Ngoại tổng hợp

13. Khoa Phẩu thuật – gây mê hồi sức

14. Khoa Phụ sản

15. Khoa Tai – mũi – họng

16. Khoa Răng – hàm – mặt

17. Khoa Mắt

18. Khoa Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng

19. Khoa Ung bướu (điều trị tia xạ)

20. Khoa Huyết học truyền máu

21. Khoa Hóa sinh

22. Khoa Vi sinh

23. Khoa Chẩn đoán hình ảnh

24. Khoa Thăm dò chức năng

25. Khoa Nội soi

26. Khoa Giải phẫu bệnh

27. Khoa Chống nhiễm khuẩn

28. Khoa Dược

29. Khoa Dinh dưỡng

4. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC CỦA BỆNH VIỆN ĐA KHOA HẠNG III

Bệnh viện hạng III là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố và các Ngành có trách nhiệm khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân một huyện hoặc một số huyện, quận trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Ngành. Bệnh viện có đội ngũ cán bộ chuyên môn, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng phù hợp.

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ:

1. Cấp cứu – Khám bệnh – Chữa bệnh:

a. Tiếp nhận tất cả các trường hợp người bệnh từ ngoài vào hoặc từ các cơ sở y tế chuyển đến để cấp cứu, khám bệnh chữa bệnh nội trú hoặc ngoại trú.

b. Tổ chức khám sức khỏe và chứng nhận sức khỏe theo quy định của Nhà nước.

c. Có trách nhiệm giải quyết toàn bộ bệnh thông thường về nội khoa và các trường hợp cấp cứu về ngoại khoa.

d. Tổ chức khám giám định sức khỏe, khám giám định pháp y hội đồng giám định y khoa tỉnh hoặc cơ quan bảo vệ luật pháp trưng cầu.

e. Tổ chức chuyển người bệnh lên tuyến trên khi vượt quá khả năng của bệnh viện.

2. Đào tạo cán bộ y tế:

a. Bệnh viện là cơ sở thực hành cho các trường lớp trung học y tế.

b. Tổ chức đào tạo liên tục cho các thành viên trong bệnh viện và cơ sở y tế tuyến dưới để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý chăm sóc sức khỏe ban đầu.

3. Nghiên cứu khoa học về y học:

a. Tổ chức tổng kết, đánh giá các đề tài và chương trình về chăm sóc sức khỏe ban đầu.

b. Tham gia các công trình nghiên cứu về y tế cộng đồng và dịch tễ học trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cấp Bộ và cấp Cơ sở.

c. Nghiên cứu áp dụng y học cổ truyền và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.

4. Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật:

a. Lập kế hoạch và chỉ đạo tuyến dưới (phòng khám đa khoa, y tế cơ sở) thực hiện các phác đồ chẩn đoán và điều trị).

b. Tổ chức chỉ đạo các xã, phường thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện các chương trình y tế ở địa phương.

5. Phòng bệnh:

a. Phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng thường xuyên thực hiện nhiệm vụ phòng bệnh, phòng dịch.

b. Tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho cộng đồng.

6. Hợp tác quốc tế:

- Tham gia các chương trình hợp tác với các tổ chức và cá nhân ngoài nước theo quy định của Nhà nước.

7. Quản lý kinh tế y tế:

a. Có kế hoạch sử dụng hiệu quả cao ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn kinh phí.

b. Tạo thêm nguồn kinh phí từ các dịch vụ y tế: Viện phí, bảo hiệm y tế, đầu tư của nước ngoài, và các tổ chức kinh tế.

c. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về thu, chi ngân sách của bệnh viện; từng bước thực hiện hạch toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

II. TỔ CHỨC

1. Các phòng chức năng:

1. Phòng Kế hoạch tổng hợp và Vật tư – thiết bị y tế

2. Phòng Y tá (điều dưỡng)

3. Phòng hành chính – quản trị và Tổ chức cán bộ.

4. Phòng Tài chính – kế toán

2. Các khoa

1. Khoa Khám bệnh

2. Khoa Hồi sức cấp cứu

3. Khoa Nội tổng hợp

4. Khoa Truyền nhiễm

5. Khoa Nhi

6. Khoa Ngoại tổng hợp

7. Khoa Phụ Sản

8. Liên chuyên khoa Tai – Mũi – Họng, Răng – Hàm Mặt, Mắt

9. Khoa Xét nghiệm (Huyết học, Hóa sinh, Vi sinh)

10. Khoa Chẩn đoán hình ảnh

11. Khoa Giải phẫu bệnh

12. Khoa Chống nhiễm khuẩn

13. Khoa Dược

14. Khoa Dinh dưỡng.

5. VỊ TRÍ CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA BỆNH VIỆN CHUYÊN KHOA HẠNG I

Bệnh viện chuyên khoa hạng I là cơ sở khám bệnh chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế hoặc trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Ngành, làm nhiệm vụ khám bệnh chuyên khoa bao gồm nhiều tỉnh, thành phố. Bệnh viện có đội ngũ cán bộ chuyên khoa sâu có trình độ kỹ thuật cao, được trang bị hiện đại, cơ sở hạ tầng phù hợp.

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

1. Cấp cứu – Khám bệnh – Chữa bệnh:

a. Tiếp nhận mọi trường hợp người bệnh thuộc phạm vi chuyên khoa của bệnh viện để khám bệnh, chữa bệnh nội trú, ngoại trú.

b. Giải quyết các bệnh thuộc chuyên khoa bằng các phương tiện hiện có.

c. Tham gia khám giám định sức khỏe và khám giám định pháp y khi hội đồng giám định y khoa trung ương hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật trưng cầu.

2. Đào tạo cán bộ:

a. Bệnh viện là cơ sở thực hành để đào tạo cán bộ y tế chuyên khoa ở cấp đại học và trên đại học, đồng thời có trách nhiệm tham gia giảng dạy chuyên khoa ở bậc đại học và trên đại học.

b. Tổ chức đào tạo liên tục cho các thành viên trong bệnh viện và tuyến dưới để nâng cao trình độ chuyên khoa.

3. Nghiên cứu khoa học về y học:

a. Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ khoa học về chuyên khoa ở cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp Cơ sở, chú trọng nghiên cứu y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.

b. Nghiên cứu về dịch tễ học cộng đồng thuộc lĩnh vực chuyên khoa để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

4. Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật:

a. Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc chỉ đạo tuyến dưới phát triển kỹ thuật chuyên khoa để nâng cao chất lượng cấp cứu – chẩn đoán và điều trị chuyên khoa trong địa phương.

b. Kết hợp với các cơ sở y tế tuyến dưới thực hiện chương trình và kế hoạch chăm sóc sức khỏe ban đầu trong địa phương.

5. Phòng bệnh:

- Phối hợp với cơ sở y tế dự phòng thực hiện thường xuyên công tác phòng bệnh và phòng dịch.

6. Hợp tác quốc tế:

- Hợp tác với các tổ chức hoặc cá nhân ngoài nước theo quy định của Nhà nước.

7. Quản lý kinh tế:

a. Có kế hoạch sử dụng hiệu quả cao ngân sách Nhà nước cấp.

b. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về thu, chi ngân sách của bệnh viện, từng bước thực hiện hạch toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

c. Tạo thêm nguồn kinh phí từ các dịch vụ y tế: Viện phí, bảo hiểm y tế, đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế khác.

6. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BỆNH VIỆN CHUYÊN KHOA HẠNG II

Bệnh viện chuyên khoa hạng II là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Ngành, có trách nhiệm khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa khu vực bao gồm nhiều tỉnh, thành phố. Bệnh viện có đội ngũ cán bộ chuyên khoa, trang bị thích hợp và cơ sở hạ tầng phù hợp.

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ:

1. Cấp cứu – Khám bệnh – Chữa bệnh:

a. Tiếp nhận mọi trường hợp người bệnh thuộc chuyên khoa của bệnh viện để khám bệnh, chữa bệnh nội trú hoặc ngoại trú.

b. Giải quyết hầu hết các bệnh thuộc chuyên khoa ở địa phương.

c. Tham gia khám giám định sức khỏe và khám giám định pháp y khi hội đồng giám định y khoa trung ương hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật trưng cầu.

2. Đào tạo cán bộ:

a. Bệnh viện là cơ sở thực hành để đào tạo cán bộ y tế chuyên khoa ở bậc đại học và trung học, đồng thời tham gia giảng dạy chuyên khoa ở bậc đại học và trung học.

b. Tổ chức đào tạo liên tục cho các thành viên trong bệnh viện và tuyến dưới để nâng cao trình độ chuyên khoa.

3. Nghiên cứu khoa học về y học:

a. Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về chuyên khoa ở cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp Cơ sở, chú trọng nghiên cứu y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.

b. Nghiên cứu, triển khai dịch tễ học cộng đồng thuộc lĩnh vực chuyên khoa để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

4. Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật:

a. Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc chỉ đạo chuyên khoa tuyến dưới và những người hành nghề tư về chuyên khoa trong địa bàn được Sở Y tế phân công để phát triển kỹ thuật chuyên khoa và nâng cao chất lượng cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa.

b. Kết hợp với các cơ sở y tế thực hiện chương trình và kế hoạch chăm sóc sức khỏe ban đầu và các chương trình hoạt động chuyên khoa tại cộng đồng trong khu vực được phân công.

5. Phòng bệnh:

- Phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng và thực hiện thường xuyên công tác phòng bệnh, phòng dịch.

6. Hợp tác quốc tế:

- Hợp tác với các tổ chức hoặc cá nhân ngoài nước theo quy định của Nhà nước.

7. Quản lý kinh tế:

a. Có kế hoạch sử dụng hiệu quả cao ngân sách Nhà nước cấp.

b. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về thu chi ngân sách của bệnh viện. Từng bước hạch toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

c. Tạo thêm nguồn kinh phí từ các dịch vụ y tế: Viện phí, bảo hiểm y tế, đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế khác.

7. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BỆNH VIỆN CHUYÊN KHOA HẠNG III

Bệnh viện chuyên khoa hạng III là cơ sở khám bệnh chữa bệnh chuyên khoa trực thuộc sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Ngành, có trách nhiệm khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa cho người bệnh ở địa phương.

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ:

1. Cấp cứu – Khám bệnh – Chữa bệnh:

a. Tiếp nhận mọi trường hợp người bệnh về chuyên khoa để khám bệnh, chữa bệnh nội trú hoặc ngoại trú.

b. Giải quyết các bệnh chuyên khoa thuộc khu vực.

c. Tham gia khám giám định sức khỏe và khám giám định pháp y khi hướng dẫn giám định y khoa trung ương hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật trưng cầu.

2. Đào tạo cán bộ:

a. Bệnh viện là cơ sở thực hành đào tạo cán bộ y tế chuyên khoa ở bậc trung học, đồng thời tham gia giảng dạy chuyên khoa ở bậc trung học.

b. Tổ chức đào tạo liên tục các thành viên trong bệnh viện và tuyến dưới để nâng cao trình độ chuyên khoa.

3. Nghiên cứu khoa học về y học:

a. Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ khoa học thuộc lĩnh vực chuyên khoa ở cấp Bộ và cấp Cơ sở, chú trọng nghiên cứu các đề tài về y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.

b. Tham gia với y tế cơ sở triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu và các chương trình chuyên khoa tại cộng đồng.

4. Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật:

a. Lập kế hoạch và chỉ đạo hoạt động chuyên khoa ở tuyến dưới và những người hành nghề tư về chuyên khoa trong khu vực để phát triển và nâng cao kỹ thuật chuyên khoa.

b. Kết hợp với y tế cơ sở chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu và các chương trình hoạt động chuyên khoa tại cộng đồng.

5. Phòng bệnh:

- Phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng thực hiện thường xuyên công tác phòng bệnh, phòng dịch.

6. Hợp tác quốc tế:

Hợp tác với các tổ chức hoặc cá nhân ngoài nước theo quy định của Nhà nước.

7. Quản lý kinh tế:

a. Có kế hoạch sử dụng hiệu quả cao ngân sách Nhà nước cấp.

b. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về thu chi ngân sách của bệnh viện. Từng bước hạch toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

c. Tạo thêm nguồn kinh phí từ các dịch vụ y tế: Viện phí, Bảo hiểm y tế, đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế khác.

8. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC CỦA PHÒNG KẾ HOẠCH TỔNG HỢP

Phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện là phòng nghiệp vụ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của giám đốc bệnh viện và chịu trách nhiệm trước giám đốc về:

- Kế hoạch hoạt động của các khoa, phòng.

- Đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện quy chế bệnh viện.

- Tổ chức chỉ đạo công tác nghiệp vụ chuyên môn bệnh viện.

I. NHIỆM VỤ

1. Căn cứ vào nhiệm vụ của bệnh viện, hướng dẫn các khoa, phòng lập kế hoạch thực hiện các mặt hoạt động của bệnh viện.

2. Tổ chức, theo dõi, đôn đốc, đánh giá hiệu quả việc thực hiện kế hoạch quy chế bệnh viện để báo cáo giám đốc xem xét, chi đạo.

3. Tổ chức đào tạo liên tục cho các thành viên trong bệnh viện và tuyến dưới. Phối hợp với các trường để tổ chức thực hành cho học viên.

4. Tổng kết đánh giá công tác chuyên môn, triển khai công tác nghiên cứu khoa học trong toàn bệnh viện.

5. Tổ chức việc điều hòa phối hợp công tác giữa các khoa, phòng trong bệnh viện, giữa bệnh viện với các cơ quan có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác khám bệnh chữa bệnh của bệnh viện.

6. Phối hợp với phòng chỉ đạo tuyến để chỉ đạo và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới.

7. Tổ chức thực hiện công tác hợp tác quốc tế theo kế hoạch của bệnh viện và quy định của Nhà nước.

8. Đảm bảo việc lưu trữ, thống kê, khai thác hồ sơ bệnh án theo quy định.

9. Tổ chức công tác thường trực toàn bệnh viện.

10. Xây dựng quy hoạch phát triển chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện để trình giám đốc xét duyệt và báo cáo cấp trên.

11. Định kỳ sơ kết, tổng kết công tác điều trị, báo cáo giám đốc và cơ quan cấp trên.

12. Chuẩn bị các phương án phòng chống thiên tai, thảm họa và các trường hợp bất thường khác để trình giám đốc và các tổ chức thực hiện.

II. TỔ CHỨC

1. Các bộ phận:

a. Khám bệnh, chữa bệnh.

b. Nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ.

c. Chỉ đạo tuyến.

d. Hợp tác quốc tế.

e. Báo cáo, thống kê, lưu trữ, thư viện

2. Lãnh đạo:

a. Trưởng phòng.

b. 1 -2  Phó trưởng phòng.

9. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC CỦA PHÒNG Y TÁ (ĐIỀU DƯỠNG)

Phòng Y tá (điều dưỡng) của bệnh viện là phòng nghiệp vụ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của giám đốc bệnh viện và chịu trách nhiệm trước giám đốc về tổ chức, điều hành và giám sát công tác chăm sóc người bệnh toàn diện.

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức, chỉ đạo y tá (điều dưỡng) nữ hộ sinh kỹ thuật viên chăm sóc người bệnh toàn diện theo quy định.

2. Đôn đốc, kiểm tra y tá (điều dưỡng), nữ hộ sinh, kỹ thuật viên và hộ lý thực hiện đúng các quy định kỹ thuật bệnh viện và quy chế bệnh viện.

3. Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ cho y tá (điều dưỡng), nữ hộ sinh, kỹ thuật viên và hộ lý. Tham gia hướng dẫn thực hành cho học viên và kiểm tra tay nghề cho y tá (điều dưỡng), nữ hộ sinh, kỹ thuật viên và hộ lý trước khi tuyển dụng.

4. Lập kế hoạch mua sắm dụng cụ, vật tư cho công tác chăm sóc và phục vụ người bệnh; kiểm tra việc sử dụng và bảo quản theo quy định.

5. Kiểm tra công tác vệ sinh, chống nhiễm khuẩn tại các buồng bệnh và các khoa.

6. Phối hợp với phòng tổ chức cán bộ bố trí và điều động y tế (điều dưỡng), nữ hộ sinh, kỹ thuật viên và hộ lý.

7. Tham gia công tác nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến.

8. Định kỳ sơ kết, tổng kết, công tác chăm sóc người bệnh toàn diện, báo cáo giám đốc bệnh viện.

II. TỔ CHỨC:

1. Các bộ phận:

a. Chăm sóc người bệnh

b. Đào tạo, nghiên cứu khoa học

2. Lãnh đạo:

a. Trưởng phòng

b. 1 -2 Phó trưởng phòng

10. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC CỦA PHÒNG CHỈ ĐẠO TUYẾN

Phòng Chỉ đạo tuyến là phòng nghiệp vụ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của giám đốc bệnh viện và chịu trách nhiệm trước giám đốc về toàn bộ hoạt động công tác chỉ đạo tuyến. (chỉ áp dụng cho bệnh viện hạng I)

I. NHIỆM VỤ:

1. Lập kế hoạch chỉ đạo tuyến dưới trình giám đốc bệnh viện phê duyệt để tổ chức thực hiện.

2. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác hoạt động chuyên môn kỹ thuật của tuyến dưới.

3. Phối hợp với các chuyên khoa tổ chức thực hiện đào tạo liên tục cho cán bộ tuyến dưới, đồng thời làm tốt công tác nghiên cứu khoa học.

4. Định kỳ sơ kế, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo tuyến trình giám đốc bệnh viện và báo cáo cấp trên.

5. Tổ chức thống kê, lưu trữ hồ sơ theo đúng quy chế bệnh viện

II. TỔ CHỨC:

1. Các bộ phận:

a. Chỉ đạo hoạt động chuyên khoa ở tuyến dưới

b. Đào tạo cán bộ chuyên khoa

c. Nghiên cứu khoa học

2. Lãnh đạo:

a. Trưởng phòng

b. 1 phó trưởng phòng.

11. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC CỦA PHÒNG VẬT TƯ, THIẾT BỊ Y TẾ

Phòng Vật tư, thiết bị y tế của bệnh viện là phòng nghiệp vụ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của giám đốc bệnh viện và chịu trách nhiệm trước giám đốc về toàn bộ công tác vật tư thiết bị y tế trong bệnh viện.

I. NHIỆM VỤ:

1. Căn cứ kế hoạch chung của bệnh viện lập dự trù, kế hoạch mua sắm, thay thế, sửa chữa thanh lý tài sản, thiết bị y tế trong bệnh viện trình giám đốc duyệt và tổ chức thực hiện việc cung ứng đầy đủ thiết bị y tế, vật tư tiêu hao theo kế hoạch được duyệt.

2. Tổ chức đấu thầu mua sắm, sửa chữa và tổ chức thanh lý tài sản, thiết bị y tế theo quy định của Nhà nước.

3. Tổ chức duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế kịp thời

4. Xây dựng phương án lắp đặt cải tạo máy theo quy phạm Việt Nam, tiêu chuẩn Việt Nam để trình cấp trên phê duyệt theo thẩm quyền.

5. Lập hồ sơ, lý lịch cho tất cả các loại máy, xây dựng quy trình vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng máy. Đối với những máy đắt tiền, quý hiếm phải có người trực tiếp bảo quản và sử dụng theo quyết định của giám đốc bệnh viện.

6. Tổ chức thực hiện việc kiểm tra định kỳ và đột xuất việc sử dụng và bảo quản thiết bị y tế. Mỗi lần kiểm tra phải ghi nhận xét và ký tên vào hồ sơ lý lịch máy.

7. Kiểm tra công tác bảo hộ lao động, đặc biệt đối với các máy tối nguy hiểm theo danh mục quy định của Nhà nước.

8. Định kỳ đánh giá, báo cáo tình hình quản lý và sử dụng vật tư thiết bị y tế trong bệnh viện trình giám đốc.

9. Tổ chức học tập cho các thành viên trong bệnh viện hoặc các bệnh viện tuyến dưới học tập về bảo quản, sử dụng, sửa chữa thiết bị y tế nhằm nâng cao tay nghề và sử dụng thiết bị y tế có hiệu quả.

II. TỔ CHỨC:

1. Các bộ phận:

a. Tổng hợp kế hoạch trang bị và sửa chữa thiết bị y tế.

b. Theo dõi sử dụng vật tư thiết bị y tế

c. Theo dõi hợp đồng đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế.

2. Lãnh đạo:

a. Trưởng phòng

b. 1 phó trưởng phòng

12. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC CỦA PHÒNG HÀNH CHÍNH QUẢN TRỊ

Phòng Hành chính quản trị là phòng nghiệp vụ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của giám đốc bệnh viện và chịu trách nhiệm trước giám đốc về toàn bộ công tác hành chính quản trị trong bệnh viện.

I. NHIỆM VỤ:

1. Căn cứ kế hoạch công tác của bệnh viện, lập kế hoạch công tác của phòng để trình giám đốc phê duyệt và tổ chức thực hiện.

2. Lập kế hoạch cung ứng vật tư, trang thiết bị thông dụng cho các khoa, phòng trong bệnh viện  theo kế hoạch đã được duyệt, đảm bảo đầy đủ đúng chủng loại, đúng quy định về quản lý tài chính.

3. Tổ chức tốt công tác quản lý có hệ thống các công văn đi và đến của bệnh viện, hệ thống bảo quản, lưu trữ hồ sơ theo quy định. Đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc của bệnh viện.

4. Đảm bảo công tác tiếp khách, phục vụ các buổi hội nghị toàn bệnh viện.

5. Tham gia kiểm tra chế độ bảo quản, sử dụng, vận hành các máy, thiết bị thông dụng của các khoa, phòng trong bệnh viện.

6. Quản lý nhà cửa, kho tàng, vật tư, thiết bị thông dụng của bệnh viện.

7. Quản lý các phương tiện vận tải của bệnh viện. Điều động xe ô tô đi công tác và cấp cứu theo quy định.

8. Tổ chức, thực hiện việc sửa chữa nhà cửa, duy tu, bảo dưỡng các máy thông dụng theo kế hoạch

9. Đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch, cung ứng điện, hơi để sấy, hấp tiệt trùng và xử lý chất thải bệnh viện.

10. Đảm bảo vệ sinh ngoại cảnh sạch, đẹp (vườn hoa, cây cảnh), hệ thống cống rãnh thông thoát trong bệnh viện. Định kỳ tổ chức kiểm tra vệ sinh chung trong bệnh viện.

11. Đảm bảo công tác trật tự trị an chung. Tham gia kiểm tra công tác bảo hộ lao động trong bệnh viện.

12. Định kỳ tổng kết công tác cung cấp, mua sắm vật liệu, trang thiết bị thông dụng, báo cáo giám đốc bệnh viện.

13. Nghiên cứu xây dựng định mức tiêu hao vật tư thông dụng để trình giám đốc bệnh viện duyệt và tổ chức thực hiện. Kiểm tra đôn đốc việc sử dụng hợp lý, có hiệu quả; chống lãng phí, tham ô.

14. Định kỳ báo cáo giám đốc về nhận xét việc sử dụng hợp lý vật tư tiêu hao ở các khoa, phòng trong bệnh viện để giám đốc xem xét quyết định việc khen thưởng, kỷ luật.

II. TỔ CHỨC

1. Các bộ phận:

a. Hành chính, công văn đi, đến, lưu trữ hồ sơ.

b. Tiếp khách

c. Cung ứng vật tư thông dụng

d. Sửa chữa nhà cửa, vườn hoa cây cảnh

e. Điện, nước sạch, nước thải, lò hơi chất đốt

g. Bảo vệ trật tự trị an.

2. Lãnh đạo:

a. Trưởng phòng

b. 1 – 2 phó trưởng phòng.

13. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC CỦA PHÒNG TỔ CHỨC CÁN BỘ

Phòng Tổ chức cán bộ là phòng nghiệp vụ, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của giám đốc bệnh viện và chịu trách nhiệm trước giám đốc về tổ chức thực hiện công tác tổ chức cán bộ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ của bệnh viện.

I. NHIỆM VỤ:

1. Căn cứ vào nhiệm vụ chung của bệnh viện, lập kế hoạch tổ chức bộ máy, sắp xếp nhân lực, đào tạo nhân lực, tổ chức thi tuyển nhân lực để trình giám đốc xét duyệt và tổ chức thực hiện.

2. Tổ chức thực hiện công tác cán bộ, quản lý hồ sơ lý lịch theo phương pháp khoa học, làm thống kê báo cáo theo quy định.

3. Xây dựng lề lối làm việc và quan hệ công tác giữa các khoa phòng, trình giám đốc bệnh viện xét duyệt, tổ chức thực hiện.

4. Tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quan hệ chặt chẽ với các tổ chức đảng, chính quyền địa phương để phối hợp công tác trong công việc có liên quan.

5. Tổ chức thực hiện các chế độ chính sách cùa Nhà nước, của ngành y tế đối với mọi thành viên và người bệnh trong bệnh viện.

6. Phối hợp với các đoàn thể quần chúng tổ chức phong trào thi đua, các đợt học tập thời sự, chính trị, chính sách, văn hóa, ngoại ngữ để nâng cao y đức, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ.

7. Phối hợp với các khoa, phòng chức năng đề xuất với giám đốc bệnh viện giải quyết những vấn đề có liên quan đến người bệnh thuộc diện chính sách xã hội.

8. Nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của mọi thành viên trong bệnh viện để đề xuất với giám đốc xem xét, giải quyết.

II. TỔ CHỨC:

1. Các bộ phận:

a. Quản lý nhân lực:

- Lao động tiền lương – Quản lý hồ sơ nhân lực

- Tuyển dụng, lương, chế độ, chính sách.

- Công tác cán bộ, đề bạt, thi đua, khen thưởng, kỷ luật.

b. Đào tạo cán bộ:

- Quy hoạch cán bộ - Kế hoạch đào tạo

c. Bảo vệ chính trị nội bộ.

2. Lãnh đạo:

a. Trưởng phòng

b. 1-2 phó trưởng phòng

14. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC CỦA PHÒNG TÀI CHÍNH KẾ TOÁN

Phòng Tài chính kế toán của bệnh viện là phòng nghiệp vụ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của giám đốc bệnh viện và chịu trách nhiệm trước giám đốc về toàn bộ hoạt động tài chính kế toán của bệnh viện.

I. NHIỆM VỤ:

1. Căn cứ vào chế độ, chính sách hiện hành, và kế hoạch công tác của bệnh viện lập dự toán ngân sách, kế hoạch thu chi của bệnh viện và tổ chức thực hiện khi kế hoạch được phê duyệt.

2. Theo định hướng hạch toán kinh tế trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức và quản lý chặt chẽ việc thu viện phí theo quy định.

3. Theo kế hoạch ngân sách và các nguồn thu khác tổ chức xây dựng định mức chi tiêu cho từng hoạt động cụ thể của bệnh viện.

4. Tổ chức công tác kế toán trong bệnh viện theo đúng quy định hiện hành. Thực hiện các nghiệp vụ kế toán lao động tiền lương, chế độ chính sách, vật tư tài sản, hành chính sự nghiệp chính xác kịp thời. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác kế toán, chế độ thu chi của bệnh viện.

5. Định kỳ thực hiện báo cáo quyết toán, tổng kết tài sản, kiểm kê tài sản.

6. Tổ chức bảo quản lưu trữ các chứng từ, sổ sách kế toán theo đúng quy định.

7. Tổng hợp tình hình, số liệu cụ thể, phân tích kết quả hoạt động của bệnh viện.

II. TỔ CHỨC:

1. Các bộ phận:

a. Thu chi ngân sách

b. Theo dõi viện phí

c. Theo dõi tài sản

d. Thủ quỹ

2. Lãnh đạo

a. Trưởng phòng

b. 1 – 2 phó trưởng phòng.

Phần II.

QUY CHẾ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CHỨC TRÁCH CÁ NHÂN

1. GIÁM ĐỐC

Giám đốc bệnh viện là người đứng đầu bệnh viện, chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp về mọi hoạt động của bệnh viện. Giám đốc bệnh viện có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

I. NHIỆM VỤ

1. Là chủ tài khoản, trực tiếp quản lý việc sử dụng ngân sách của bệnh viện có hiệu quả, kiểm soát việc thu, chi theo đúng quy định của Nhà nước. Thường xuyên kiểm tra công tác tài chính kế toán để chống thất thu, tham ô, lãng phí.

2. Căn cứ kế hoạch của ngành và nhiệm vụ của bệnh viện, xây dựng kế hoạch dài hạn về phát triển bệnh viện, xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm để trình cấp trên duyệt và tổ chức thực hiện.

3. Thực hiện mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho bệnh viện, đặc biệt chú trọng công tác cấp cứu và chăm sóc các đối tượng được chính sách ưu đãi, người nghèo và giáo dục y đức cho các thành viên của bệnh viện.

4. Quản lý, sử dụng có hiệu quả những thiết bị y tế và tài sản khác trong bệnh viện.

5. Hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn cho tuyến dưới Hướng về cộng đồng để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

6. Đào tạo liên tục cho các thành viên trong bệnh viện và tuyến dưới, hướng dẫn học viên đến thực hành tại bệnh viện.

7. Làm nghiên cứu khoa học và tổng kết rút kinh nghiệm về khám bệnh, chữa bệnh nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật.

8. Tổ chức bộ máy của bệnh viện cho phù hợp với nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt công tác cán bộ và mọi chính sách chế độ đối với các thành viên trong bệnh viện và người bệnh theo quy định.

9. Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động và công tác bảo hộ lao động.

10. Mở rộng quan hệ hợp tác trong và ngoài nước nhằm phát triển mọi nguồn lực của bệnh viện theo các quy định của Nhà nước.

11. Giám đốc bệnh viện hoặc người được giám đốc ủy quyền tham dự họp hội đồng người bệnh hàng tháng.

12. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để báo cáo theo quy định. Khi có những vấn đề đặc biệt đột xuất phải báo cáo ngay để xin ý kiến cấp trên.

13. Giáo dục động viên các thành viên trong bệnh viện thực hiện tốt nhiệm vụ của bệnh viện.

II. QUYỀN HẠN:

1. Chủ trì các buổi họp giao ban, hội chuẩn, kiểm thảo người bệnh tử vong liên khoa hoặc toàn bệnh viện.

2. Quyết định về công tác tổ chức cán bộ theo thẩm quyền

3. Kiểm tra, xem xét, quyết định về thu chi tài chính.

4. Thành lập các hội đồng tư vấn.

5. Đề nghị cấp trên hoặc quyết định theo thẩm quyền về việc đề bạt, khen thưởng kỷ luật đối với mọi thành viên trong bệnh viện.

6. Đình chỉ những hoạt động của các thành viên trong bệnh viện có hành vi trái pháp luật, trái quy chế bệnh viện hoặc xét thấy có hại cho sức khỏe người bệnh.

7. Khi vắng mặt tại bệnh viện phải ủy quyền cho phó giám đốc.

8. Không được quyền ra những quyết định trái với pháp luật và trái với quy chế bệnh viện.

2. PHÓ GIÁM ĐỐC

Phó giám đốc là người giúp giám đốc về từng mặt công tác do giám đốc phân công và chịu trách nhiệm trước giám đốc về những quyết định của mình. Phó giám đốc được quyền thay giám đốc giải quyết những công việc theo giấy ủy quyền của giám đốc và phải báo cáo lại những công việc đã giải quyết với giám đốc.

3. HỘI ĐỒNG KHOA HỌC

I. NHIỆM VỤ:

Hội đồng khoa học bệnh viện là tổ chức tư vấn cho giám đốc bệnh viện về các vấn đề sau:

1. Xây dựng định hướng về công tác nghiên cứu khoa học.

2. Kế hoạch phát triển khoa học kỹ thuật của bệnh viện.

3. Kế hoạch đào tạo cán bộ

4. Kế hoạch đầu tư, mua sắm: Thiết bị y tế, thuốc và các yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của bệnh viện.

5. Giám định kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh và thẩm định các đề tài nghiên cứu.

6. Các vấn đề khác mà giám đốc cần tham khảo.

II. TỔ CHỨC:

1. Các ủy viên hội đồng bao gồm những cán bộ có trình độ chuyên môn sâu và kinh nghiệm quản lý thuộc các lĩnh vực chuyên khoa do giám đốc lựa chọn và quyết định.

2. Chủ tịch hội đồng là người có trình độ kỹ thuật cao, có phẩm chất đạo đức tốt do giám đốc cử.

3. Ủy viên thường trực kiêm thư ký hội đồng là trưởng phòng kế hoạch tổng hợp.

III. LỀ LỐI LÀM VIỆC:

1. Họp định kỳ: Mỗi năm họp 4 kỳ do Chủ tịch hội đồng triệu tập sau khi có ý kiến thống nhất của giám đốc.

2. Họp bất thường do giám đốc yêu cầu, chủ tịch hội đồng triệu tập.

3. Nội dung họp:

a. Giám đốc trình bày trước hội đồng những nội dung cần tư vấn đã nêu ở phần I hoặc những vấn đề cần trao đổi.

b. Hội đồng thảo luận phân tích và đề xuất ý kiến để giám đốc xem xét quyết định.

c. Thư ký hội đồng có trách nhiệm ghi biên bản và biên bản được thông qua hội đồng.

4. TRƯỞNG PHÒNG KẾ HOẠCH TỔNG HỢP

Dưới sự lãnh đạo của giám đốc bệnh viện, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp chịu trách nhiệm giúp giám đốc tổ chức thực hiện công tác nghiệp vụ chuyên môn của bệnh viện.

I. NHIỆM VỤ

1. Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện toàn bộ công tác của phòng kế hoạch tổng hợp.

2. Tổ chức công tác giao ban, hội chẩn, hội thảo, kiểm thảo tử vong liên khoa và toàn bệnh viện và tổ chức ghi chép biên bản để lưu trữ hồ sơ.

3. Chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy chế bệnh viện.

4. Nắm vững số lượng người bệnh vào viện, ra viện, chuyển viện, tử vong: các trường hợp cấp cứu, bệnh nặng và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch. Thường xuyên kiểm tra công tác cấp cứu và thường trực của các khoa, trong bệnh viện.

5. Tổ chức phối hợp công tác giữa các khoa khám bệnh, khoa lâm sàng và khoa cận lâm sàng.

6. Tổ chức chỉ đạo công tác báo cáo thống kê, sổ sách hồ sơ bệnh án của các khoa trong bệnh viện. Hướng dẫn tuyến dưới rút kinh nghiệm kịp thời các vấn đề về chuyên môn kỹ thuật.

7. Tổ chức đào tạo liên tục cho các thành viên trong bệnh viện và tuyến dưới để nâng cấp kỹ thuật. Thực hiện tốt mối quan hệ bệnh viện và các trường có quan hệ chặt chẽ với giáo vụ các trường để có kế hoạch phối hợp đảm bảo chất lượng công tác giảng dạy, học tập, thực tập cho học viên và công tác điều trị người bệnh.

8. Tổ chức công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, sơ kết, tổng kết kinh nghiệm điều trị toàn bệnh viện.

9. Có kế hoạch tổ chức chỉ đạo chuyên khoa cho tuyến dưới với mục tiêu hướng về cộng đồng để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

10. Lập kế hoạch phòng chống thảm họa và các trường hợp bất thường để trình giám đốc phê duyệt và tổ chức thực hiện.

II. QUYỀN HẠN:

1. Chủ trì giao ban phòng hàng ngày và tham dự giao ban với các khoa khi cần thiết.

2. Dự các buổi giao ban bệnh viện: các buổi hội chẩn, kiểm thảo tử vong khoa, liên khoa và bệnh viện; các hội thảo khoa học. Ghi chép biên bản các buổi giao ban, hội chẩn, kiểm thảo tử vong bệnh viện.

3. Bố trí nhân lực trong phòng cho phù hợp với công việc.

4. Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, quy chế bệnh viện. Đánh giá hoạt động chuyên môn của các khoa, trong bệnh viện để trình giám đốc.

5. Nhận xét về tinh thần thái độ trách nhiệm, khả năng công tác của các thành viên trong phòng để trình giám đốc xem xét, bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng và kỷ luật.

6. Tham gia các hội đồng theo quy định của Nhà nước và sự phân công của giám đốc.

5. TRƯỞNG PHÒNG Y TÁ (ĐIỀU DƯỠNG)

Dưới sự lãnh đạo của giám đốc bệnh viện, trưởng phòng y tá (điều dưỡng) bệnh viện chịu trách nhiệm giúp giám đốc tổ chức, thực hiện việc chăm sóc người bệnh toàn diện.

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của phòng y tá (điều dưỡng)

2. Xây dựng kế hoạch hoạt động của phòng y tá (điều dưỡng), của y tá (điều dưỡng) trưởng khoa, nữ hộ sinh trưởng khoa, kỹ thuật viên trưởng khoa trong bệnh viện.

3. Kiểm tra đôn đốc y tá (điều dưỡng), nữ hộ sinh, kỹ thuật viên và hộ lý thực hiện quy chế bệnh viện, quy định kỹ thuật bệnh viện các nhiệm vụ thường quy. Báo cáo kịp thời giám đốc bệnh viện các việc đột xuất xảy ra ở các khoa.

4. Hướng dẫn y tá (điều dưỡng) trưởng khoa xây dựng bảng mô tả công việc cho y tá (điều dưỡng), nữ hộ sinh, kỹ thuật viên và hộ lý trong bệnh viện.

5. Tham gia nghiên cứu khoa học, huấn luyện và chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực chăm sóc người bệnh.

6. Dự trù, phân bổ vật tư tiêu hao và dụng cụ y tế cho công tác chăm sóc phục vụ người bệnh và giám sát sử dụng vật tư tiêu hao đảm bảo tiết kiệm và chống lãng phí.

7. Hướng dẫn và kiểm tra việc ghi sổ sách, phiếu theo dõi, phiếu chăm sóc cho y tá (điều dưỡng), nữ hộ sinh, kỹ thuật viên trong bệnh viện.

8. Chỉ đạo và giám sát công tác vệ sinh buồng bệnh, buồng thủ thuật.

9. Ủy viên thường trực kiêm thư ký hội đồng người bệnh cấp bệnh viện.

10. Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo công tác y tá (điều dưỡng) lên giám đốc bệnh viện.

II. QUYỀN HẠN:

1. Chủ trì giao ban phòng hàng ngày và dự giao ban bệnh viện.

2. Chủ trì các cuộc họp của y tá (điều dưỡng) trưởng khoa, bệnh viện.

3. Đề xuất ý kiến với giám đốc về vấn đề tuyển dụng, thuyên chuyển, khen thưởng, kỷ luật, tăng lương và học tập đối với y tá (điều dưỡng), nữ hộ sinh, kỹ thuật viên và hộ lý.

4. Đề nghị với giám đốc bệnh viện về việc bổ nhiệm hoặc thôi chức vụ y tá (điều dưỡng) trưởng khoa, nữ hộ sinh trưởng khoa và kỹ thuật viên trưởng khoa.

5. Điều động tạm thời y tá (điều dưỡng) và hộ lý khi cần để kịp thời chăm sóc và phục vụ người bệnh.

6. Đề nghị cấp phát bổ sung vật tư tiêu hao cho các khoa khi có yêu cầu đột xuất.

7. Được tham gia các hội đồng theo quy định của Nhà nước và sự phân công của giám đốc.

6. TRƯỞNG PHÒNG CHỈ ĐẠO TUYẾN

Dưới sự lãnh đạo của giám đốc bệnh viện, trưởng phòng chỉ đạo tuyến chịu trách nhiệm giúp giám đốc tổ chức, thực hiện công tác chỉ đạo tuyến.

I. NHIỆM VỤ:

1. Lập kế hoạch công tác chỉ đạo tuyến trình giám đốc bệnh viện phê duyệt và tổ chức thực hiện.

2. Phối hợp với các chuyên khoa tổ chức thực hiện đào tạo liên tục cho các viên chức tuyến dưới.

3. Tổ chức các đợt công tác, các đoàn công tác hỗ trợ tuyến dưới thực hiện các chương trình y tế quốc gia, chăm sóc sức khỏe ban đầu.

4. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đánh giá hiệu quả công tác hoạt động chuyên môn kỹ thuật của tuyến dưới.

5. Định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo tuyến, báo cáo giám đốc bệnh viện.

II. QUYỀN HẠN:

1. Chủ trì giao ban phòng hàng ngày và dự giao ban bệnh viện.

2. Bố trí nhân lực trong phòng cho phù hợp với công việc.

3. Điều phối các chuyên khoa cử người tham gia chỉ đạo tuyến.

4. Nhận xét về tinh thần thái độ, trách nhiệm, khả năng công tác của các thành viên trong phòng để trình giám đốc xem xét, bổ nhiệm đề bạt, khen thưởng và kỷ luật.

5. Được tham gia các hội đồng theo quy định của Nhà nước và sự phân công của giám đốc.

7. TRƯỞNG PHÒNG VẬT TƯ, THIẾT BỊ Y TẾ.

Dưới sự lãnh đạo của giám đốc bệnh viện, trưởng phòng vật tư, thiết bị y tế chịu trách nhiệm giúp giám đốc tổ chức, thực hiện công tác quản lý và sử dụng mọi vật tư, thiết bị y tế.

I. NHIỆM VỤ:

1. Lập kế hoạch công tác vật tư, thiết bị y tế trình giám đốc bệnh viện phê duyệt và tổ chức thực hiện.

2. Giới thiệu các loại vật tư chuyên dùng và các thiết bị y tế để các trưởng khoa xem xét và dự trù; tổng hợp thành kế hoạch chung trình giám đốc phê duyệt và tổ chức thực hiện.

3. Tổ chức đấu thầu việc mua sắm, sửa chữa thanh lý vật tư, thiết bị y tế theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Thực hiện chế độ kiểm tra sử dụng và bảo quản thiết bị y tế theo chế độ quy định, có nhận xét để báo cáo giám đốc.

5. Kiểm tra công tác an toàn và vệ sinh lao động; đặc biệt chú ý các loại thiết bị y tế trực tiếp điều trị người bệnh.

6. Phân công người thường trực liên tục 24 giờ để giải quyết những yêu cầu đột xuất về thiết bị y tế phục vụ người bệnh.

7. Tổ chức đào tạo thường xuyên cho những viên chức vận hành thiết bị y tế của bệnh viện; các bệnh viện tuyến dưới có nhu cầu nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ và sử dụng có hiệu quả thiết bị y tế.

II. QUYỀN HẠN:

1. Chủ trì giao ban phòng hàng ngày và dự giao ban bệnh viện.

2. Bố trí nhân lực trong phòng cho phù hợp với công việc.

3. Nhận xét từng thành viên trong phòng về năng lực, khả năng chuyên môn, tinh thần phục vụ để trình giám đốc xét khen thưởng, đề bạt, kỷ luật.

4. Kiểm tra các đơn vị trong bệnh viện về quản lý và sử dụng vật tư thiết bị y tế theo quy định.

5. Được tham gia các hội đồng theo quy định của Nhà nước và sự phân công của giám đốc.

8. TRƯỞNG PHÒNG HÀNH CHÍNH QUẢN TRỊ

Dưới sự lãnh đạo của giám đốc bệnh viện, trưởng phòng hành chính quản trị chịu trách nhiệm giúp giám đốc tổ chức, thực hiện về công tác hành chính quản trị.

I. NHIỆM VỤ:

1. Lập kế hoạch công tác của phòng trình giám đốc phê duyệt và tổ chức thực hiện.

2. Lập kế hoạch cung cấp, dự trù mua sắm vật tư thông dụng, vật liệu theo từng thời gian để trình giám đốc phê duyệt và tổ chức thực hiện.

3. Thẩm xét các dự trù mua sắm vật tư, thông dụng, vật liệu, nắm vững nguồn kinh phí để có kế hoạch chi tiêu hợp lý, bảo đảm các nguyên tắc tài chính.

4. Quản lý tài sản của bệnh viện: Nhà cửa, thiết bị thông dụng, sổ sách, biểu mẫu thống kê. Tiến hành chế độ kiểm kê định kỳ, sắp xếp kho tàng hợp lý, thường xuyên tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng duy tu nhà cửa, thiết bị thanh lý tài sản theo đúng chế độ quy định.

5. Định kỳ tổ chức kiểm tra chế độ bảo quản, sử dụng và vận hành thiết bị thông dụng trong bệnh viện.

6. Cung cấp vật tư thông dụng theo yêu cầu chuyên môn phù hợp với khả năng kinh phí của bệnh viện được cấp. Có kế hoạch tiết kiệm và thực hiện chống tham ô, lãng phí.

7. Tổ chức chỉ đạo và thực hiện công tác vận chuyển trong và ngoài bệnh viện. Sử dụng hợp lý, có hiệu quả các phương tiện vận chuyển của bệnh viện.

8. Thực hiện và kiểm tra giám sát công tác vệ sinh ngoại cảnh nơi công cộng.

9. Đảm bảo cung cấp đủ: điện, nước sạch và xử lý nước thải.

10. Tổ chức quản lý và thực hiện công tác hành chính bao gồm:

a. Công văn đi, đến, hệ thống lưu trữ và bảo quản hồ sơ, tài liệu.

b. Vi tính, đánh máy, tiếp khách, tổ chức hội nghị.

11. Chịu trách nhiệm về công tác an ninh trật tự, có kế hoạch phòng chống cháy, nổ trong bệnh viện.

12. Tổ chức cho các thành viên trong phòng học tập để nâng cao trình độ.

13. Định kỳ sơ kết, tổng kết và báo cáo giám đốc tình hình mua sắm, cung cấp vật tư, thiết bị, duy tu, sửa chữa và thanh lý tài sản.

II. QUYỀN HẠN

1. Chủ trì giao ban phòng hàng ngày và dự giao ban bệnh viện.

2. Bố trí nhân lực trong phòng cho phù hợp với công việc.

3. Điều động, bố trí phương tiện vận chuyển trong và ngoài bệnh viện.

4. Nhận xét các thành viên trong phòng về năng lực, khả năng chuyên môn, tinh thần phục vụ để trình giám đốc xét khen thưởng, đề bạt hoặc kỷ luật.

5. Được tham gia các hội đồng theo quy định của Nhà nước và sự phân công của giám đốc.

9. TRƯỞNG PHÒNG TỔ CHỨC CÁN BỘ

Dưới sự lãnh đạo của giám đốc bệnh viện, trưởng phòng tổ chức cán bộ chịu trách nhiệm giúp giám đốc tổ chức, thực hiện công tác tổ chức và cán bộ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ của bệnh viện.

I. NHIỆM VỤ:

1. Lập kế hoạch công tác của phòng trình giám đốc phê duyệt và tổ chức thực hiện.

2. Cùng với các khoa, phòng chức năng nghiên cứu việc quản lý, sắp xếp bố trí nhân lực phù hợp với yêu cầu tổ chức và đảm bảo chất lượng công tác, trình giám đốc phê duyệt và tổ chức thực hiện.

3. Tổng hợp đề xuất của các khoa, phòng về cải tiến lề lối làm việc nâng cao hiệu quả công tác, thực hiện quy chế quan hệ công tác trong bệnh viện, trình giám đốc phê duyệt và tổ chức thực hiện.

4. Quy hoạch cán bộ và kế hoạch đào tạo cán bộ.

5. Quản lý hệ thống lưu trữ hồ sơ các thành viên trong bệnh viện. Thống kê báo cáo theo đúng yêu cầu và thời gian quy định.

6. Thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước để giải quyết các quyền lợi về tinh thần, vật chất cho các thành viên trong bệnh viện.

7. Thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác bảo vệ cơ quan, công tác bảo hộ lao động.

8. Phối hợp với các khoa, phòng tổ chức sinh hoạt văn hóa, tư tưởng cho người bệnh. Phổ biến, kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đối với người bệnh.

9. Cùng với các đoàn thể quần chúng tổ chức chỉ đạo phong trào thi đua trong bệnh viện. Tổ chức việc học tập chính trị, văn hóa và nâng cao y đức cho các thành viên trong bệnh viện.

II. QUYỀN HẠN:

1. Chủ trì giao ban phòng hàng ngày và dự giao ban bệnh viện.

2. Đề xuất với giám đốc về tuyển dụng, thuyên chuyển, sắp xếp, bố trí, điều động, bổ nhiệm, cử đi đào tạo và khen thưởng kỷ luật các thành viên trong bệnh viện.

3. Đề xuất việc nhận xét các thành viên trong bệnh viện về chấp hành chính sách, luật pháp, khả năng quản lý, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ.

4. Được tham gia các hội đồng theo quy định của Nhà nước và sự phân công của giám đốc.

10. TRƯỞNG PHÒNG TÀI CHÍNH – KẾ TOÁN

Dưới sự lãnh đạo của giám đốc bệnh viện, trưởng phòng tài chính kế toán chịu trách nhiệm giúp giám đốc tổ chức, thực hiện việc thu, chi tài chính trong bệnh viện theo đúng quy định.

I. NHIỆM VỤ:

1. Chịu trách nhiệm trước giám đốc và cơ quan tài chính cấp trên về toàn bộ hoạt động tài chính kế toán của bệnh viện.

2. Tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của phòng tài chính kế toán.

3. Phân công công việc hợp lý đối với các thành viên trong phòng. Thường xuyên có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, giám sát mọi hoạt động kinh tế tài chính trong bệnh viện. Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ cho các thành viên trong phòng.

4. Điều hành các hoạt động nghiệp vụ tài chính kế toán cho phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị, các chế độ chính sách của Nhà nước.

5. Xây dựng dự toán ngân sách, kế hoạch thu chi nhằm đảm bảo cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

6. Thực hiện tốt chế độ sổ sách, báo cáo thanh toán, quyết toán, kiểm kê định kỳ.

7. Giám sát các hoạt động kinh tế tài chính của đơn vị.

II. QUYỀN HẠN:

1. Chủ trì giao ban phòng hàng ngày và dự giao ban bệnh viện.

2. Bố trí nhân lực trong phòng cho phù hợp với công việc.

3. Kiểm tra theo pháp lệnh kế toán thống kê và điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước để báo cáo giám đốc và cơ quan tài chính cấp trên.

4. Trong trường hợp thu chi không đúng chế độ thì được quyền báo cáo giám đốc và cơ quan tài chính cấp trên theo quy định hiện hành.

5. Nhận xét các thành viên trong phòng về năng lực, khả năng chuyên môn, tinh thần phục vụ trình giám đốc xét khen thưởng, đề bạt hoặc kỷ luật.

6. Được tham gia các hội đồng theo quy định của Nhà nước và sự phân công của giám đốc.

11. TRÁCH NHIỆM QUYỀN HẠN CHUNG CỦA TRƯỞNG KHOA

Dưới sự lãnh đạo của giám đốc bệnh viện, trưởng khoa chịu trách nhiệm giúp giám đốc tổ chức, thực hiện các hoạt động của khoa và các nhiệm vụ được giao.

I. NHIỆM VỤ:

1. Căn cứ kế hoạch của bệnh viện, xây dựng kế hoạch hoạt động của khoa để trình giám đốc bệnh viện phê duyệt và tổ chức thực hiện.

2. Kiểm tra đôn đốc các thành viên trong khoa thực hiện tốt quy định về y đức và làm theo lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”.

3. Tổ chức chỉ đạo các thành viên trong khoa thực hiện tốt nhiệm vụ của khoa và quy chế của bệnh viện.

4. Tham gia giảng dạy, hướng dẫn học viên đến thực tập tại khoa và các lớp học do giám đốc phân công.

5. Làm nghiên cứu khoa học; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác chuyên môn và quản lý.

6. Hướng về cộng đồng tổ chức chỉ đạo mọi thành viên trong khoa tham gia công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và chỉ đạo tuyến dưới.

7. Kiểm tra sát sao việc thực hiện quy chế bệnh viện, quy định kỹ thuật bệnh viện; quy chế quản lý và sử dụng vật tư, thiết bị y tế, các trang bị thông dụng và việc thực hiện vệ sinh và bảo hộ lao động.

8. Định kỳ sơ kết, tổng kết công tác báo cáo giám đốc; những diễn biến bất thường, đột xuất phải báo cáo ngay.

II. QUYỀN HẠN:

1. Chủ trì giao ban khoa hàng ngày và dự giao ban bệnh viện.

2. Chủ trì các buổi hội chẩn, các buổi kiểm thảo tử vong ở khoa hoặc liên khoa.

3. Bố trí nhân lực trong khoa cho phù hợp với công việc.

4. Chỉ định các phương pháp chẩn đoán, điều trị, sử dụng thuốc, chăm sóc người bệnh toàn diện, xử lý các trường hợp bất thường cho các người bệnh trong khoa.

5. Ký các giấy tờ cho người bệnh vào viện, chuyển khoa, ra viện, chứng nhận tình trạng sức khỏe (chưa đến mức phải giám định) cho người bệnh, duyệt người bệnh ra viện.

6. Nhận xét các thành viên trong khoa, kể cả học viên thực tập về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, khả năng chuyên môn, báo cáo giám đốc bệnh viện xét đề bạt, đào tạo, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật.

12. TRƯỞNG KHOA LÂM SÀNG

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chung của trưởng khoa, trưởng khoa lâm sàng có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức tiếp đón người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh: chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh trong khoa. Ngoài số giường trực tiếp điều trị, trưởng khoa lâm sàng phải có kế hoạch thăm khám, hội chẩn tất cả người bệnh trong khoa, đặc biệt chú ý người bệnh cấp cứu, bệnh nặng để chỉ đạo các bác sĩ điều trị xử lý kịp thời những tình huống bất thường.

2. Sắp xếp các buồng bệnh liên hoàn, hợp lý theo từng chuyên khoa để đảm bảo công tác chuyên môn và tránh lây nhiễm bệnh tật.

3. Theo dõi sát sao và nắm chắc diễn biến bệnh lý của người bệnh trong khoa.

4. Khám lại người bệnh trước khi hội chẩn, chuyển khoa, chuyển viện, ra viện. Những trường hợp khó phải báo cáo ngay giám đốc bệnh viện, xin ý kiến giải quyết.

5. Tổ chức thường trực và công tác cấp cứu liên tục 24 giờ, sẵn sàng phục vụ khi có yêu cầu.

6. Thực hiện các thủ thuật chuyên khoa trong khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy chế công tác khoa ngoại, quy chế công tác khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức.

7. Tổ chức tốt công tác hành chính trong khoa. Đảm bảo chất lượng hồ sơ bệnh án theo quy định cập nhập chính xác mọi số liệu; tài liệu, sổ sách phải được lưu trữ theo quy định.

8. Thực hiện công tác đào tạo, làm nghiên cứu khoa học, tổng kết công tác điều trị và chăm sóc người bệnh.

9. Thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người bệnh tại khoa.

10. Tham dự họp hội đồng người bệnh cấp khoa.

II. QUYỀN HẠN:

Có quyền hạn chung của trưởng khoa.

13. TRƯỞNG KHOA KHÁM BỆNH

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chung của trưởng khoa và trưởng khoa lâm sàng, trưởng khoa khám bệnh có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức thực hiện chu đáo việc tiếp đón người bệnh đến khám bệnh và điều trị ngoại trú. Phải bố trí viên chức đưa người bệnh vào điều trị tại bệnh viện đến tận khoa. Không được gây phiền hà cho người bệnh.

2. Tổ chức thực hiện công tác khám bệnh kê đơn, chữa bệnh ngoại trú. Theo dõi, đôn đốc điều hóa công việc để người bệnh không phải chờ đợi lâu.

3. Tổ chức công tác thường trực cấp cứu liên tục 24 giờ luôn sẵn sàng phục vụ người bệnh: tổ chức theo dõi sát những người bệnh nằm lưu tại khoa khám bệnh.

4. Khi khám bệnh nếu phát hiện các trường hợp bệnh dịch phải báo cáo ngay cho y tế địa phương theo quy định phòng dịch, nếu phát hiện những sai sót do tuyến dưới chuyển đến, phải báo cho phòng kế hoạch tổng hợp để thông báo rút kinh nghiệm tới cơ sở chuyển người bệnh đến.

5. Tổ chức tốt công tác hành chính khoa, đảm bảo ghi chép, cập nhật chính xác số liệu người bệnh đến khám bệnh tại khoa. Lưu giữ đầy đủ hồ sơ tài liệu theo quy định.

6. Tổ chức tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho mọi người đến khám bệnh tại khoa.

II. QUYỀN HẠN:

1. Có quyền hạn chung của trưởng khoa.

2. Ký giấy cho người bệnh vào điều trị tại các khoa trong bệnh viện.

3. Ký giấy chứng nhận sức khỏe khi được giao nhiệm vụ.

14. TRƯỞNG KHOA HỒI SỨC CẤP CỨU

Thực hiện nhiệm vụ quyền hạn chung của trưởng khoa và trưởng khoa lâm sàng, trưởng khoa hồi sức cấp cứu có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức hoạt động của khoa theo đúng quy chế công tác khoa hồi sức cấp cứu.

2. Bố trí nhân lực và thiết bị y tế hợp lý, đảm bảo công tác thường trực sẵn sàng cấp cứu liên tục 24 giờ.

3. Kiểm tra, đôn đốc các thành viên trong khoa thực hiện tốt việc tiếp nhận và cấp cứu người bệnh theo đúng quy chế cấp cứu. Phối hợp với các trưởng khoa chỉ đạo chuyên môn hệ thống cấp cứu trong bệnh viện.

4. Tổ chức công tác hồi sức cấp cứu người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm theo đúng quy chế công tác khoa truyền nhiễm. Khi phát hiện bệnh gây dịch nguy hiểm, trưởng khoa có trách nhiệm báo cáo giám đốc, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp và khẩn trương thông báo cho các khoa có liên quan để tổ chức phòng chống dịch theo quy định.

II. QUYỀN HẠN:

Có quyền hạn chung của trưởng khoa khoa.

15. TRƯỞNG KHOA NỘI

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chung của trưởng khoa và trường khoa lâm sàng, trưởng khoa nội có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức hoạt động của khoa theo đúng quy chế công tác khoa nội.

2. Sử dụng có hiệu quả các phương tiện cận lâm sàng trong chẩn đoán và theo dõi kết quả điều trị.

3. Theo dõi sát sao việc sử dụng thuốc cho người bệnh, phát hiện kịp thời những tác dụng phụ và mọi tai biến do dùng thuốc để xử lý kịp thời cho người bệnh.

4. Thực hiện nghiêm chỉnh quy chế sử dụng thuốc.

5. Thực hiện đúng quy chế bệnh viện, theo dõi chăm sóc người bệnh toàn diện.

II. QUYỀN HẠN:

Có quyền hạn chung của trưởng khoa.

16. TRƯỞNG KHOA NỘI TIM MẠCH

Thực hiện nhiệm vụ quyền hạn chung của trưởng khoa, trưởng khoa lâm sàng và trưởng khoa nội, trưởng khoa nội tim mạch có nhiệm vụ quyền hạn sau:

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức hoạt động của khoa theo đúng quy chế công tác khoa nội.

2. Sắp xếp bố trí các buồng bệnh liên hoàn hợp lý tạo điều kiện thuận lợi chăm sóc người bệnh tim mạch.

3. Tổ chức tốt việc thực hiện các thủ thuật chuyên khoa trong khám bệnh và chữa bệnh theo đúng quy chế công tác khoa ngoại, quy chế công tác khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức.

4. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy chế công tác khoa nội, quy định kỹ thuật bệnh viện, chức trách công tác của các thành viên trong khoa.

5. Tổ chức tuyên truyền giáo dục phòng chống bệnh tim mạch trong bệnh viện và tại cộng đồng.

II. QUYỀN HẠN:

Có quyền hạn chung của trưởng khoa.

17. TRƯỞNG KHOA NỘI TIÊU HÓA

Thực hiện nhiệm vụ quyền hạn chung của trưởng khoa, trưởng khoa lâm sàng và trưởng khoa nội, trưởng khoa nội tiêu hóa có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức hoạt động của khoa theo đúng quy chế công tác khoa nội.

2. Tổ chức tốt việc thực hiện các thủ thuật chuyên khoa trong khám bệnh và chữa bệnh theo đúng quy chế công tác khoa ngoại quy chế công tác khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức.

3. Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh mắc bệnh tiêu hóa lây nhiễm theo đúng quy chế công tác khoa truyền nhiễm.

4. Tổ chức công tác tuyên truyền phòng chống bệnh tiêu hóa trong bệnh viện và tại cộng đồng.

II. QUYỀN HẠN:

Có quyền hạn chung của trưởng khoa.

18. TRƯỞNG KHOA NỘI CƠ – XƯƠNG – KHỚP

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chung của trưởng khoa, trưởng khoa lâm sàng và trưởng khoa nội, trưởng khoa nội – cơ xương khớp có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức hoạt động của khoa theo đúng quy chế công tác khoa nội.

2. Tổ chức tốt việc thực hiện các thủ thuật chuyên khoa trong khám bệnh và chữa bệnh theo đúng quy chế công tác khoa ngoại, quy chế công tác khoa phẫu thuật gây mê hồi sức.

3. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống bệnh cơ xương khớp trong bệnh viện và tại cộng đồng.

II. QUYỀN HẠN:

Có quyền hạn chung của khoa trưởng.

19. TRƯỞNG KHOA NỘI THẬN – TIẾT NIỆU

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chung của trưởng khoa, trưởng khoa lâm sàng và trưởng khoa nội, trưởng khoa nội - thận tiết niệu có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức hoạt động của khoa theo đúng quy chế công tác khoa nội.

2. Tổ chức tốt việc thực hiện các thủ thuật chuyên khoa trong khám bệnh và chữa bệnh theo đúng quy chế công tác tại khoa ngoại, quy chế công tác khoa phẫu thuật gây mê hồi sức.

3. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống bệnh nội thận – tiết niệu trong bệnh viện và tại cộng đồng.

II. QUYỀN HẠN:

Có quyền hạn chung của trưởng khoa.

20. TRƯỞNG KHOA NỘI TIẾT

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chung của trưởng khoa, trưởng khoa lâm sàng và trưởng khoa nội, trưởng khoa nội tiết có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức hoạt động của khoa theo đúng quy chế công tác khoa nội.

2. Tổ chức tốt việc thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật chuyên khoa trong khám bệnh và chữa bệnh theo đúng quy chế công tác khoa ngoại, quy chế công tác khoa phẫu thuật - gây mê hồi sức.

3. Tổ chức công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống bệnh nội tiết hay gặp như bệnh đái tháo đường, do thiếu hụt iod tại khoa và tại cộng đồng.

II. QUYỀN HẠN:

Có quyền hạn chung của trưởng khoa.

21. TRƯỞNG KHOA DỊ ỨNG

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng khoa, trưởng khoa lâm sàng và trưởng khoa nội, trưởng khoa dị ứng có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức hoạt động của khoa theo đúng quy chế công tác khoa nội và quy chế công tác khoa hồi sức cấp cứu.

2. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống bệnh dị ứng đặc biệt là dị ứng thuốc trong bệnh viện và tại cộng đồng.

II. QUYỀN HẠN:

Có quyền hạn chung của trưởng khoa.

22. TRƯỞNG KHOA HUYẾT HỌC LÂM SÀNG

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chung của trưởng khoa, trưởng khoa lâm sàng và trưởng khoa nội, trưởng khoa huyết học lâm sàng có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức hoạt động của khoa theo đúng quy chế công tác khoa nội, quy chế công tác khoa truyền máu.

2. Đảm bảo an toàn tuyệt đối trong truyền máu.

3. Tổ chức tốt việc thực hiện các thủ thuật chuyên khoa trong khám bệnh và chữa bệnh theo đúng quy chế công tác khoa ngoại, quy chế công tác khoa phẫu thuật - gây mê hồi sức.

4. Tổ chức công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống các bệnh lây lan theo đường máu và vận động hiến máu nhân đạo.

II. QUYỀN HẠN:

Có quyền hạn chung của trưởng khoa.

23. TRƯỞNG KHOA TRUYỀN NHIỄM

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chung của trưởng khoa, trưởng khoa lâm sàng và trưởng khoa nội, trưởng khoa truyền nhiễm có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc bệnh truyền nhiễm theo đúng quy chế công tác khoa truyền nhiễm và quy chế công tác khoa nội.

2. Tổ chức công tác khám bệnh và phát hiện sớm các trường hợp đầu tiên của bệnh gây dịch nguy hiểm. Khi phát hiện bệnh gây dịch nguy hiểm, trưởng khoa có trách nhiệm báo cáo với giám đốc để giải quyết.

3. Cùng với các khoa và các đơn vị có liên quan tổ chức và chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại cơ sở khi được giám đốc bệnh viện phân công.

4. Kiểm tra, đôn đốc các thành viên trong khoa thực hiện quy chế công tác khoa truyền nhiễm.

5. Tổ chức công tác tuyên truyền và tham gia phòng chống bệnh truyền nhiễm tại khoa và tại cộng đồng.

II. QUYỀN HẠN:

Có quyền hạn chung của trưởng khoa.

24. TRƯỞNG KHOA LAO

Thực hiện nhiệm vụ chung của trưởng khoa, trưởng khoa lâm sàng và trưởng khoa nội, trưởng khoa lao có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức hoạt động của khoa theo đúng quy chế công tác khoa nội và quy chế công tác khoa truyền nhiễm.

2. Tổ chức công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh mắc bệnh lao tại khoa. Tham gia tuyên truyền giáo dục phòng chống bệnh lao tại cộng đồng.

3. Tổ chức công tác phẫu thuật các bộ phận có liên quan đến bệnh lao theo đúng quy chế công tác khoa ngoại và quy chế công tác khoa phẫu thuật gây mê hồi sức.

4. Có kế hoạch bảo vệ sức khỏe cho các thành viên của khoa.

II. QUYỀN HẠN:

Có quyền hạn chung của trưởng khoa.

25. TRƯỞNG KHOA DA LIỄU

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chung của trưởng khoa, trưởng khoa lâm sàng và trưởng khoa nội, trưởng khoa da liễu có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức hoạt động của khoa theo đúng quy chế công tác khoa nội, quy chế công tác khoa truyền nhiễm.

2. Tổ chức công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc bệnh phong, nhiễm HIV/AIDS, bệnh da và bệnh lây truyền theo đường tình dục theo đúng quy định.

3. Tổ chức công tác phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh phong bị tàn tật theo đúng quy chế công tác khoa ngoại, quy chế công tác khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức.

4. Tổ chức công tác tuyên truyền và tham gia phòng chống bệnh phong, nhiễm HIV/AIDS, bệnh da, bệnh lây truyền theo đường tình dục tại khoa và tại cộng đồng.

II. QUYỀN HẠN:

Có quyền hạn chung của trưởng khoa.

26. TRƯỞNG KHOA THẦN KINH

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chung của trưởng khoa, trưởng khoa lâm sàng và trưởng khoa nội, trưởng khoa thần kinh có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng thần kinh theo đúng quy chế công tác khoa thần kinh, quy chế công tác khoa nội.

2. Tổ chức khám bệnh và chữa bệnh cho người mắc bệnh thần kinh lây nhiễm theo đúng quy chế công tác khoa truyền nhiễm.

3. Tổ chức tuyên truyền và tham gia phòng chống bệnh thần kinh lây nhiễm như viêm màng não, viêm não …

II. QUYỀN HẠN:

Có quyền hạn chung của trưởng khoa.

27. TRƯỞNG KHOA TÂM THẦN

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chung của trưởng khoa, trưởng khoa lâm sàng và trưởng khoa nội, trưởng khoa tâm thần có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức hoạt động của khoa theo đúng quy chế công tác khoa tâm thần, quy chế công tác khoa nội.

2. Tổ chức và chỉ đạo các thành viên trong khoa thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh, chữa bệnh và tái thích ứng xã hội cho người bệnh tâm thần tại khoa và hướng dẫn cho người bệnh hòa nhập cộng đồng.

3. Tổ chức công tác giám định pháp y tâm thần theo đúng chế độ quy định khi được cấp có thẩm quyền trưng cầu.

4. Tuyên truyền giáo dục sức khỏe tâm thần cho cộng đồng.

II. QUYỀN HẠN:

Có quyền hạn chung của trưởng khoa.

28. TRƯỞNG KHOA Y HỌC CỔ TRUYỀN

Thực hiện nhiệm vụ quyền hạn chung của trưởng khoa, trưởng khoa lâm sàng và trưởng khoa nội, trưởng khoa y học cổ truyền có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

I. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức hoạt động của khoa theo quy chế công tác khoa y học cổ truyền và quy chế công tác khoa nội.

2. Thực hiện kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại để đảm bảo chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

3. Bào chế các dạng thuốc y học cổ truyền theo đúng quy chế sử dụng thuốc và quy định kỹ thuật bệnh viện trong bào chế thuốc, đảm bảo cung ứng thuốc cho người bệnh.

4. Thực hiện việc châm cứu, xoa bóp, day ấn huyệt và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.

5. Phối hợp với các khoa lâm sàng, khoa cận lâm sàng để tiến hành nghiên cứu, ứng dụng y học cổ truyền trong khám bệnh, chữa bệnh.

6. Hướng dẫn những kiến thức cơ bản về xoa bóp, day ấn huyệt, tập luyện dưỡng sinh, sử dụng thuốc nam trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro