quy pham PL

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Put your story text here...Khái niệm và đặc điểm của văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 1, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội thông qua ngày 3-6-2008 có ghi:

"Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này hoặc trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội."

Các đặc điểm của văn bản quy phạm pháp luật:

- Phải do cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền ban hành hoặc phối hợp ban hành với những hình thức do pháp luật quy định

- Trình tự, thủ tục ban hành văn bản được quy định chặt chẽ trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật khác có liên quan

- Nội dung của văn bản có chứa các quy tắc xử sự chung. Quy tắc xử sự chung là những chuẩn mực mà mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân phải tuân theo khi tham gia quan hệ xã hội được quy tắc đó điều chỉnh. Nó được áp dụng nhiều lần đối với mọi đối tượng hoặc một nhóm đối tượng và có hiệu lực trong phạm vi toàn quốc hoặc từng địa phương.

- Nhà nước bảo đảm việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật bằng các biện pháp thích hợp như tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, các biện pháp về tổ chức, hành chính, kinh tế và trong trường hợp cần thiết là biện pháp cưỡng chế bắt buộc thi hành.

Nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một trong những hoạt động quản lý nhà nước quan trọng của các cơ quan nhà nước. Để bảo đảm cho hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thể hiện đúng đắn ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải dựa trên những nguyên tắc chỉ đạo thống nhất.

Trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 quy định 5 nguyên tắc cụ thể trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

1/ Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật là một nguyên tắc, một yêu cầu quan trọng trong quy trình lập pháp.

Thứ nhất, về tính hợp hiến. Đây là nhân tố hàng đầu đảm bảo sự thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật. Tính hợp hiến đòi hỏi tất cả các quy phạm pháp luật thuộc bất kỳ một ngành luật nào trong hệ thống pháp luật cũng không được trái hoặc mâu thuẫn với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, thứ bậc, hiệu lực pháp lý của văn bản, tạo thành một hệ thống thống nhất về tên gọi với thứ bậc cao thấp khác nhau theo quy định của Hiến pháp. Các đạo luật, pháp lệnh trái với Hiến pháp sẽ bị đình chỉ, bãi bỏ. Tính hợp hiến không chỉ được xác định trên cơ sở những lời văn, những quy định cụ thể mà còn trên cơ sở tinh thần, tư tưởng, nguyên tắc của Hiến pháp.

Thứ hai, về tính hợp pháp. Thuật ngữ này khi được sử dụng cùng với thuật ngữ "tính hợp hiến" không bao hàm ý nghĩa về sự phù hợp với các quy định của pháp luật nói chung (trong đó có Hiến pháp) mà chỉ đề cập đến sự phù hợp với các quy định của các đạo luật và văn bản dưới luật. Theo nghĩa như vậy, để bảo đảm tính hợp pháp, văn bản quy phạm pháp luật phải được ban hành đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục luật định. Bên cạnh đó, hình thức của văn bản phải phù hợp với quy định về kỹ thuật văn bản.

Thứ ba, về tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đây là phạm trù có liên hệ mật thiết với hai phạm trù được trình bày trên (là tính hợp hiến và tính hợp pháp), bởi lẽ, khi văn bản pháp luật đã bảo đảm tính hợp hiến và hợp pháp thì giữa chúng đã đạt được sự thống nhất nhất định, cả về nội dung và hình thức.

Có thể nói tính thống nhất là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng của một đạo luật, pháp lệnh. Tiêu chí này chủ yếu là để đánh giá mối liên hệ gắn bó nội tại giữa các yếu tố nội dung của đạo luật, pháp lệnh cũng như giữa đạo luật, pháp lệnh đó với toàn bộ hệ thống pháp luật. Ngoài ra, tính thống nhất của hệ thống pháp luật cũng bao hàm cả sự thống nhất về mặt hình thức. Tuy nhiên, về cơ bản, tính thống nhất về mặt nội dung luôn có vai trò quyết định.

Khi xem xét tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cần phải nghiên cứu ở cả hai khía cạnh: Tính thống nhất trong chính đạo luật, pháp lệnh và tính thống nhất trong toàn bộ hệ thống pháp luật.

2/Tuân thủ thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải tuân thủ đúng các quy định về thẩm quyền của mỗi cơ quan Nhà nước được ban hành loại văn bản quy phạm pháp luật, hình thức, trình tự, thủ tục soạn thảo và ban hành.

Khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật như Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì phải thông qua trình tự các bước sau:

- Lập chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

- Thực hiện soạn thảo.

- Thẩm tra, đánh giá.

- Thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua.

- Công bố văn bản quy phạm pháp luật.

3/Bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước; bảo đảm tính minh bạch trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

Trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ vào tính chất nội dung quy định trong dự án của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phảo đảm bảo sự tham gia góp ý kiến rộng rãi của nhân dân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để cho các văn bản đó bảo đảm công khai.

Bằng việc lấy ý kiến đó làm cho các quy phạm pháp luật mang tính thực tiễn , minh bạch, tránh sự hiểu lầm, không rõ ràng khi thực hiện pháp luật, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa. Việc đảm bảo tính minh bạch của văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa tạo ra một hệ thống pháp luật ổn định và có thể dự đoán, đông thời còn giúp nâng cao tính quyền lực của các cơ quan nhà nước.

4/Bảo đảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật

Các quy phạm pháp luật từ khi soạn thảo đã phải cụ thể, chi tiết phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội khách quan để khi được ban hành có thể đi vào đời sống, thực hiện ngay ở từng cơ sở. Cơ quan soạn thảo và ban hành phải dự liệu điều kiện thực tiễn cho việc áp dụng, phải chịu trách nhiệm với việc ban hành .

Để thực hiện nguyên tắc này, phải triệt để tuân theo trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành đã quy định trong luật ban hành văn bản pháp luật. Áp dụng cơ chế phản biện xã hội trong quá trình xây dựng, ban hành cũng nâng cao tính khả thi của văn bản pháp luật

Ví dụ: Khi nói đến tính "khả thi" của luật tức là chỉ nhằm tới "khả năng" thực hiện, do đó hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp một dự án luật có tính khả thi nhưng không đi vào được cuộc sống do khâu tổ chức thực hiện (không tổ chức thực hiện hoặc tổ chức thực hiện không tốt). Thực tế cho thấy, có những văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ như quy định về việc cấm đốt pháo (cách đây 10 năm), khi mới ban hành, ai cũng băn khoăn về tính khả thi của quy định và nhiều người cho rằng không thể thực hiện được vì đây là truyền thống, phong tục, tập quán lâu đời của người Việt Nam, băn khoăn về việc chúng ta không đủ lực lượng để xử lý vi phạm... Thực tế, các quy định đó được thực hiện nghiêm túc trong rất nhiều năm qua do khâu tổ chức thực hiện tốt, người tổ chức thực hiện kiên quyết và quan tâm tới việc chỉ đạo; tiến hành sâu rộng các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; Quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp; việc thực hiện dựa vào sức mạnh của cộng đồng dân cư... Nhưng cũng có những văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ có tính chất tương tự như quy định về việc cấm hút thuốc lá tại công sở chẳng hạn (và kèm theo nó là các quy định về phạt tiền đối với hành vi vi phạm) tuy cũng là văn bản hoàn toàn có tính khả thi (rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện được) nhưng trên thực tế lại không được thực hiện ở Việt Nam

5/Không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Hiện nay, Việt Nam đang tăng cường tham gia vào các quan hệ quốc tế ngày càng đa dạng và sâu rộng. Những quan hệ đó cần được xác lập và giải quyết bằng điều ước quốc tế. Chính vì vậy mà phải đảm bảo sụ phù hợp , xử lí thích đáng những nội dung được quy định khác nhau giữa điều ước quốc tế với văn bản quy phạm pháp luật mà Nhà nước ta đã ban hành là việc làm hết sức cần thiết. Điều 6 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005 quy định:

1. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

2. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề.

3. Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó

Ngoài ra, khoản 5 Điều 3 Luật còn quy định:

Điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải được trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi đàm phán, ký hoặc gia nhập; trong trường hợp đàm phán, ký hoặc gia nhập điều ước quốc tế có quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho ý kiến;

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay của Nhà nước ta bao gồm:

1. Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

2. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

4. Nghị định của Chính phủ.

5. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

6. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

7. Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

8. Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

9. Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

10. Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.

11. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

12. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (bao gồm nghị quyết của Hội đồng nhân dân và quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân)

Trong đó:

Văn bản luật: Là các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước - ban hành theo hình thức và thủ tục được quy định trong Hiến pháp.

· Hiến pháp

· Luật (bộ luật)

· Nghị quyết của Quốc hội.

Văn bản dưới luật: Là các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành theo trình tự, thủ tục và hình thức được pháp luật quy định.

· Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

· Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

· Nghị định của Chính phủ.

· Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

· Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng nhân dân

· Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

· Nghị quyết liên tịch giữa ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.

· Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

· Quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân.

Vai trò của các loại văn bản quy phạm pháp luật:

1/Hiến pháp là luật cơ bản của nhà nước có hiệu lực pháp lý cao nhất được dùng để ban hành các quy định cơ bản về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, về tổ chức bộ máy nhà nước, về quyền và nghĩa vụ công dân, về một số vấn đề quan trọng khác như quốc kỳ, quốc ca ...

2/Luật được dùng để cụ thể hóa Hiến pháp, đặt ra các quy định điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng và ổn định phát sinh trong quản lý nhà nước. Trong thực tế, khi đối tượng điều chỉnh của một luật rất rộng, bao gồm toàn bộ các quan hệ xã hội thuộc một ngành luật hoặc một số lĩnh vực lớn tương đối độc lập trong một ngành luật thì văn bản có tên gọi là bộ luật.

3/Pháp lệnh được ban hành để cụ thể hóa hiến pháp hoặc luật điều chỉnh những quan hệ xã hội và ổn định phát sinh trong quản lý nhà nước.

+ Nếu được ban hành nhằm cụ thể hóa Hiến pháp thì pháp lệnh có vai trò như luật nhưng sau một thời gian thực hiện cần hoàn thiện để nâng lên thành luật.

+ Nếu được ban hành nhằm cụ thể hóa luật thì pháp lệnh có vai trò như nghị định của chính phủ, nghị quyết của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao và những văn bản khác có chức năng cụ thể hóa luật nên cần có nội dung chi tiết như những văn bản này để có thể triển khai thực hiện luật trên thực tế.

4/Nghị quyết được dùng để đặt ra các quy định về đường lối chính sách pháp luật, các biện pháp quản lý trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội , các quy định thực hiện trong hoạt động nội bộ cơ quan nhà nước hoặc để giải thích hướng dẫn thực hiện văn bản quy phạm pháp luật khác.

5/Nghị định được ban hành cụ thể hóa các quy định về quản lý hành chính nhà nước trong hiến pháp, luật, nghị quyết của quốc hôi, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh và quyết định của Chủ tich nước; quy định về nhiệm vụ quyền hạn , cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan đơn vị trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.

6/Lệnh được Chủ tịch nước ban hành để tuyên bố tình trạng khẩn cấp , tổng động viên, động viên cục bộ hoặc giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.

7/Quyết định được dùng để đặt ra các quy định về quản lý nhà nước trong những lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của chủ thể ban hành, các quy đinh thực hiện trong nội bộ cơ quan nhà nước.

8/Chỉ thị được sử dụng để đề ra các biện pháp chỉ đạo , điều hành cấp dưới thực hiện chức năng, nhiệm vụ và những văn bản của cấp trên , đề ra các biện pháp quản lý nhà nước , kiện toàn tổ chức bộ máy, chấn chỉnh hoạt động đối với các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của cơ quan ban hành.

9/Thông tư được dùng để hướng dẫn thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của chính phủ, thủ tướng chính phủ, các quyết định của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao,Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Nội dung cụ thể của từng loại văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1/ Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội (Quy định trong điều 11)

Hiến pháp: nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta. Hiến pháp quy định những vấn đề cơ bản nhất của Nhà nước. Chỉ Quốc hội mới có quyền ban hành hoặc sửa đổi Hiến pháp.Hiến pháp được thông qua với ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Quốc hội quy định việc soạn thảo, thông qua, công bố Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp và thủ tục, trình tự giải thích Hiến pháp.

Bản hiến pháp đang có hiệu lực đã được Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 11 nhất trí thông qua trong phiên họp ngày 15 tháng 4 năm 1992 (hồi 11 giờ 45 phút) đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25-12-2001 (nghị quyết này được ban hành ngày 7-1-2002).

Luật: là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị sau Hiến pháp. Luật của Quốc hội quy định các vấn đề cơ bản thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, đối ngoại, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, quyền và nghĩa vụ của công dân.

Luật do Quốc hội thông qua với ít nhất quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Xây dựng và ban hành luật là hoạt động chủ yếu của Quốc hội trong các Kỳ họp. Quốc hội phấn đấu để các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội đều được điều chỉnh bằng luật.

Nghị quyết của Quốc hội được ban hành để quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương; điều chỉnh ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; quy định chế độ làm việc của Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, phê chuẩn điều ước quốc tế và quyết định các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Nghị quyết Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Tuy nhiên chỉ một số nghị quyết của Quốc hội với nhũng nội dung nêu trên, có những quy tắc xử sự chung, có đầy đủ đặc điểm của một văn bản quy phạm pháp luật mới thuộc loại văn bản quy phạm pháp luật.

2/ Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (Quy định trong điều 12)

Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định những vấn đề được Quốc hội giao, sau một thời gian thực hiện trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành luật.

Pháp lệnh có giá trị pháp lý thấp hơn so với hiến pháp và luật, nhưng trong hệ thống văn bản dưới luật thì có giá trị pháp lý cao nhất.

Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội được ban hành để giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh, tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương và quyết định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, cũng chỉ một số nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội với nhũng nội dung nêu trên, có những quy tắc xử sự chung mới thuộc loại văn bản quy phạm pháp luật.

3/ Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước (Quy định trong điều 13)

Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước được ban hành để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước do Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.

4/ Nghị định của Chính phủ (Quy định trong điều 14)

Nghị định của Chính phủ được ban hành để quy định các vấn đề sau đây:

1. Quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;

2. Quy định các biện pháp cụ thể để thực hiện chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế, dân tộc, tôn giáo, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, đối ngoại, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, quyền, nghĩa vụ của công dân và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ;

3. Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ;

4. Quy định những vấn đề cần thiết nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Việc ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

5/ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quy định trong điều 15)

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành để quy định các vấn đề sau đây:

1. Biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở; chế độ làm việc với các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

2. Biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ; kiểm tra hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

* Các văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giữ một vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống pháp luật ở nước ta.

Nghị định của Chính phủ, quyết đinh của Thủ tướng Chính phủ có giá trị pháp lý thấp hơn so với Hiến pháp, luật và pháp lệnh nhưng cao hơn so với nhứng văn bản quy phạm pháp luật khác do cơ quan nhà nước từ cấp bộ đến Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành.

6/ Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Quy định trong điều 17)

Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được ban hành để hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật.

7/ Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Quy định trong điều 18)

1. Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao được ban hành để thực hiện việc quản lý các Toà án nhân dân địa phương và Toà án quân sự về tổ chức; quy định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

2. Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được ban hành để quy định các biện pháp bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân địa phương, Viện kiểm sát quân sự; quy định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

8/ Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (Quy định trong điều 16)

Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được ban hành để quy định các vấn đề sau đây:

1. Quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

2. Quy định về quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách;

3. Quy định biện pháp để thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách và những vấn đề khác do Chính phủ giao.

9/ Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước (Quy định trong điều 19)

Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước được ban hành để quy định, hướng dẫn các chuẩn mực kiểm toán nhà nước; quy định cụ thể quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán.

10/ Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội được ban hành để hướng dẫn thi hành những vấn đề khi pháp luật quy định về việc tổ chức chính trị - xã hội đó tham gia quản lý nhà nước.

11/ Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ truoửng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

1. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được ban hành để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động tố tụng và những vấn đề khác liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đó.

2/ Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được ban hành để hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ đó.

12/Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân

Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân bao gồm nghị quyết của Hội đồng nhân dân và quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân các cấp được ban hành theo nội dung, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004.

Số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật

Việc đánh số và ghi ký hiệu của van bản quy phạm pháp luật đã được quy định trong Điều 7 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.

Số, ký hiệu của luật, nghị quyết của Quốc hội được sắp xếp theo thứ tự như sau : " loại văn bản: số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản và số khóa Quốc hội".

Số, ký hiệu của pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được sắp xếp theo thứ tự như sau : " loại văn bản: số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản và số khóa Quốc hội".

Số, ký hiệu của các văn bản quy phạm pháp luật không thuộc 2 trường hợp trên được sắp xếp theo thứ tự như sau: số thự tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của loại văn bản - tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#devil