Bát Táng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bát táng- 碗葬

(*)bát táng: hình thức mai táng thời nhà Thanh, một trong những kỹ thuật chôn cất mộ cổ bí ẩn nhất.

---------------------------------------
Tác giả: 一只鱼的传说
Câu chuyện này do một người bạn kể.

Người bạn này của tôi có biệt hiệu là Thố Tử (con thỏ), chúng tôi quen biết nhau lúc chơi ngoài trời ở Bắc Kinh mười mấy năm trước.

Lúc đó chúng tôi đang dựng lều bạt sâu trong núi Diên Khánh, đốt lửa trại, uống r.ượu nướng thịt, nói đủ chuyện trên đời, từ đó quen biết lẫn nhau.

Thố Tử nói anh làm việc cho một doanh nghiệp lọt top 500 doanh nghiệp phát triển toàn cầu, sở thích của anh là làm việc thiện, bản thân cũng có riêng một quỹ từ thiện.

Chúng tôi có mặt tại đó không khỏi kinh ngạc, sau này mới biết, hóa ra vị đại ca này nghèo còn sĩ diện, tuổi tứ tuần vẫn chưa lập gia đình, chính bởi vì toàn bộ tiền làm ra được đều đem đi làm từ thiện.

Còn về chuyện anh công tác cho doanh nghiệp nằm trong top 500 toàn cầu, đây là sự thật.

Ừm, anh làm tài xế cho Sinopec.
(*) Sinopec: tổng công ty Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc.

Con người Thố Tử không đáng tin cậy.

Có một lần anh tìm tôi, đại khái nhờ tôi quyên góp cho một ni viện, anh nói ni viện này nằm sâu trong một ngọn núi bên Đông Bắc, các sư cũng lớn tuổi, không có tiền mua than sưởi ấm, e rằng mùa đông này phải c.hết cóng.

Tôi nghe anh ấy nói sao mà thê lương quá, vừa hay lúc đó mới nhận được không ít tiền thưởng cuối năm, bèn hỏi anh cần bao nhiêu.

Anh cắn răng nói, mấy ngàn tệ không phải không ít mà mấy vạn tệ cũng không nhiều.

Nghe thế, tôi quyên góp cho anh 20 vạn tệ.

Anh phấn khích đến mức đứng ngây tại chỗ, đánh trống khua chiêng gửi cho tôi rất nhiều quà tri ân, thư cảm ơn, còn chụp gửi cho tôi một đống hình ảnh hiện trường. Sau đó anh nói với tôi, anh tìm sư cô thương lượng một chút, bảo các cô làm cho tôi một tấm bài vị, đem bài vị của tôi đặt chung với Phật tổ, mỗi ngày niệm kinh, dập đầu bái lạy.

Lúc đó tôi sợ muốn c.hết.

Các bạn à, các bạn có từng nghe nói chuyện lập bài vị cho người sống chưa? Còn đem bài vị của tôi đặt kế Phật tổ, mỗi ngày niệm kinh bái lạy, đây chẳng phải khiến tôi tổn thọ tới c.hết sao? Trời ạ!

Tôi mắng anh một hơi đến khi điện thoại hết pin, bảo anh nhanh chóng gỡ bài vị xuống cho tôi ngay lập tức.

Con người anh không nghiêm chỉnh, còn thích từ thiện, cho nên càng ngày càng nghèo, nghèo đến mức không có tiền ăn cơm.

Sau này anh cũng nghĩ thông, dùng đôi mắt tinh tường nhìn nhận vấn đề lại từ đầu, muốn làm từ thiện, trước hết phải có tiền!

Thế là anh bắt đầu phát triển tài chính, thành công trở thành một nhà kinh doanh trên Wechat mà khách hàng chính của anh lại là tôi.

Aiyooo, còn cách nào khác nữa đâu, ai kêu tôi là bạn của anh ấy làm gì.

Anh bán tất cả mọi thứ, thứ gì bán được anh đều bán, ví như nhân sâm núi Trường Bạch, thịt nai, nấm mỡ ruộng, linh chi, còn có hàng hóa và vật phẩm đã qua sử dụng.

Mọi người đều biết Phan Gia Viên - nơi bán đồ cổ lớn nhất Trung Quốc - thật ra tên đầy đủ của Phan Gia Viên là chợ đồ cũ Phan Gia Viên.

Cho nên nếu như bạn mua trúng phải hàng nhái, họ cũng không nhận đổi trả hàng, dù sao người ta cũng đâu có nói mình bán đồ cổ, chính xác là bán đồ cũ.

Nhưng mấy thứ mà Thố Tử mua về, đều là hàng cũ thật giá thật.

Ngày nào anh cũng rảnh đến độ không có gì làm, anh bèn đi tới nông thôn "cuốc đất", đây là một biệt ngữ, có nghĩa là sưu tầm đồ cổ.

Sưu tầm đồ cổ không thể nói thẳng ra là sưu tầm đồ cổ được, nói như thế dù muốn dù không thì thông tin cũng sẽ bị rò rỉ ra bên ngoài, cho nên dân trong nghề đều tự nhận mình đang "nhặt đồng nát".

Bạn nhìn trúng một cái ghế, cái ghế đó làm bằng gỗ sưa, bạn liền đến nhà họ để nhặt đống đồng nát đó về, những đống đồng nát vô giá trị, sau đó bạn đưa cho nhà họ một tấm chi phiếu lớn, nói: "Aiiyooo, đừng tìm tiền thừa nữa, vừa hay nhà chúng tôi thiếu ghế, chi bằng góp cái ghế đó cho tôi!"

Thật ra nhặt đồng nát là giả, góp đồ mới là thật.

Nhưng cải cách mở cửa cũng trôi qua lâu rồi, hễ nông thôn có đồ gì tốt, họ đều đem bán hết cả rồi, làm gì còn có ai góp đồ cho anh nữa?

Cho nên anh bôn ba khắp nơi, nghe ngóng tứ phía cũng chỉ mua được vài thứ hàng hóa cũ đáng ít tiền như đồng hồ treo tường, những chiếc chuông đồng hồ của mấy công xưởng quốc doanh trước kia, anh mua về chất đống như bãi phế liệu ở nhà.

Mà thứ bán chạy nhất của anh lại là máng cỏ.

Đúng vậy, chính là máng đựng cỏ cho ngựa ăn ở nông thôn.

Thứ này bán rất chạy, mua vào với giá 50 tệ, bán ra với giá từ 200-300 tệ, nhiều lúc còn đội giá lên tới 500 tệ.

Tại sao thứ này lại bán chạy như vậy?

Có nhiều người sống ở thành thị, đặc biệt là giới trẻ, học đòi văn vẻ, học làm sang, luôn muốn trưng bày một thứ gì đó có chút văn hóa trong phòng khách, họ thấy máng cỏ là một sự lựa chọn thích hợp, lại còn giống với đồ cổ, bèn mua về đặt trên bàn trà nuôi cá.

Thật vậy, bạn đừng có cười, vòng bạn bè tôi cũng có không ít người làm thế, một người bạn thành thị nọ, nhà vừa tu sửa xong, phòng khách trang hoàng lộng lẫy, chính giữa đặt một cái máng cỏ với vài con cá vàng bơi ngoe nguẩy.

Anh luôn muốn tôi "chiếu cố " thêm cho anh một cái máng cỏ, nói bản thân đặc biệt để dành lại cho tôi một cái máng vô cùng lớn, ước chừng người có tiền có thể nuôi mấy ngàn con cá trong đó, bảo tôi đặt ở trong nhà, chắc chắn rất hợp phong thủy!

Tôi nói, thôi đi, anh tự mình giữ lấy mà dùng làm bát đựng cơm ăn...

Hôm qua Thố Tử gọi điện cho tôi, nói bản thân có lẽ trúng tà rồi, sau đó anh kể cho tôi nghe một câu chuyện rất tà môn.

Câu chuyện này xảy ra tầm vài ngày trước.

Mấy ngày trước, anh thấy tình hình dịch bệnh có dấu hiệu thuyên giảm đôi chút, hơn nữa tình hình kinh tế trong nhà tương đối khó khăn, ăn mì hơn một tháng trời, bèn quyết định xuống nông thôn mua một ít đồ.

Anh đến một thôn nọ tương đối hẻo lánh, xung quanh đó còn có vài người nước ngoài sinh sống.

Anh đi qua đó, một người nước ngoài gọi anh đứng lại, hỏi anh mua bát không? Loại bát người xưa hay dùng.

Anh có chút hiếu kỳ, thường ngày ai lại đem bát cơm của mình bán đồ cũ chứ, dù gì cũng là công cụ dùng để đựng thức ăn, làm sao có thể đem ra cầu tiền tài được?

Nhưng người bán có nói, bát này người xưa đã dùng qua, đây chính là điểm mấu chốt, người xưa từng dùng, há chẳng phải đây là đồ cổ sao?

Phải xem mới được!

Anh bèn tới đó xem qua một lượt.

Kết quả người này lấy ra một cái bát, anh cầm nó lên xem, phát hiện đây thực sự là một cái bát cổ màu trắng xanh được chế tác từ một lò nung dân gian thời nhà Thanh, hơn nữa hiện trạng được bảo quản rất tốt, cái bát này bình thường ít nhất cũng đáng giá vài trăm tệ, nếu bảo quản tốt thế này, ước chừng phải lên đến vài ngàn tệ.

Anh hỏi: "Cái bát nứt này bao nhiêu tiền?"

Người đó nói: "Cái này không phải bát nứt, đây là đồ cổ chính tông, chính ông nội tôi truyền lại cho tôi đó!

Thố Tử nói: "Được được, do ông nội cậu truyền lại, vậy giá khởi điểm bao nhiêu?"

Người đó đưa bàn tay lên, hướng về phía anh nói: "Ít nhất là bao nhiêu đây!"

Thố Tử nói: "Năm trăm không được, tôi mua không nổi giá cao như thế!"

Nói xong anh xoay người định rời đi thì bị một đám người túm lấy: "Đại ca, anh có thể trả bao nhiêu? Anh lấy nhiều một chút thì tôi sẽ giảm giá cho anh!"

Thố Tử cười: "Vậy cậu có bao nhiêu?"

Người đó do dự một chút rồi nói: "Cần bao nhiêu, có bấy nhiêu!"

Thố Tử không tin, nói: "Nhiều vậy sao, vậy cậu giữ lại dùng đi!"

Người đó thấy Thố Tử không tin cũng chẳng lo lắng gì, nhanh chóng kéo Thố Tử vào phòng (một góc mái nhà bị sập), bên trong có một người đàn bà đen gầy, ôm một đứa trẻ còn đen gầy hơn. (Sau này Thố Tử nói với tôi, nếu lúc đó anh không nhìn thấy ánh mắt đầy mong đợi từ mẹ con hai người họ, bản thân anh sẽ thật sự không bước vào đó.)

Người đó rót một ly nước nóng cho anh (ngay cả trà cũng không có), rồi nói cho anh mấy lời thành thật.

Người đó nói, mục đích mình tới nơi này để tìm một công việc làm.

Nơi này có một vài mỏ than nhỏ, họ thường chiêu mộ một ít nhân công, bây giờ quản lý tương đối nghiêm, không còn chuyện xem người như cỏ rác giống trước kia, cho nên khổ có khổ, vẫn kiếm được ít tiền nuôi sống gia đình.

Sau đó, than dưới quặng càng ngày càng ít, chủ mỏ than không làm nữa, công nhân mất việc, lúc đó vợ cậu sinh con, muốn đi đâu cũng không được, lâu dần bị chôn chặt tại nơi đây.

Lúc thời tiết lạnh giá, cậu lại nhớ tới mỏ than lúc trước, dự tính đào một ít than lên, làm một lò than nhỏ, đốt than sưởi ấm.

Nhưng sau khi tới mỏ than nọ, phát hiện cửa vào mỏ than đã bị sập, hoàn toàn không thể xuống đó lấy than được.

Cậu thất vọng tràn trề, ngồi đó chửi chó mắng mèo.

Mắng một tẹo, cậu thấy ánh mặt trời phản chiếu, sáng một vùng nhỏ, cậu vội chạy qua đó xem đó là thứ gì, thì nhìn thấy cái bát này.

Thố Tử uống một ít nước, lạnh đến dậm chân.

Căn phòng lạnh lẽo vô cùng, hơn nữa cả căn phòng nồng nặc mùi nước tiểu, anh nhìn đứa nhỏ cùng người mẹ ốm yếu xanh xao, cảm thấy gia đình này vô cùng đáng thương, không kìm lòng được hỏi cậu rốt cuộc có bao nhiêu cái bát?

Mấy cái bát này, anh đều mua với giá 500 tệ một cái, tiền bán được sau đó cũng đưa lại hết cho người này.

Dù sao bản thân cũng đang làm công ích, giúp người ta cũng là lẽ đương nhiên (bản thân anh thừa nhận lúc đó đã nghĩ thông rồi, còn bắt tôi mua một vài cái)."

Kết quả, cậu thanh niên đến từ Hà Nam này nuốt nước bọt, nói: "Đại ca, có lẽ anh không nhận được hết bao nhiêu đó hàng."

Thố Tử không khách khí nói: "Cậu cứ nói bao nhiêu trước đi! Anh nói cậu nghe, anh thật sự không thiếu tiền!"

Cậu bảo: "Tầm vài ngàn cái."

Thố Tử run bần bật, ly nước trong tay đổ ướt người, tay chân lúng ta lúng túng, cậu vội vàng tìm khăn giúp anh lau khô.

Thố Tử hắng giọng nói: "Sao nhiều thế? Cậu mở lò nung bát à?"

Cậu nghe thế bèn cười, cũng chẳng giải thích lấy một lời.

Thố Tử nói: "Như vậy đi, anh thấy cậu sống không tốt lắm, chỗ tiền anh mang theo khoảng năm ngàn tệ, cậu lấy cho anh mười cái bát đi! Chỗ anh có một khách hàng lớn ngốc nhiều tiền (khách hàng đó là tôi), đợi anh về bàn với cậu ta, nói không chừng cậu ta có thể mua một lượt vài trăm cái bát về để trưng trong nhà!"

Cậu vội vàng lấy năm cát bát bẩn gói lại đưa cho Thố Tử, còn ghi lại số điện thoại anh, cảm ơn anh không ngớt rồi tiễn anh ra về.

Thố Tử nghĩ thầm, cậu thanh niên đúng là không hiểu phép tắc, mình mua một lượt mười cái, rõ ràng còn tính chuyện làm ăn lâu dài! Cậu ta chỉ cho mình uống nửa ly nước, ngay cả đĩa góp vào còn không có!

Sau khi Thố Tử quay về, bèn lập tức tìm người giám định.

Thật ra anh cũng chẳng quen biết với chuyên gia nào có tiếng, anh chỉ tìm một nhà sưu tầm cổ vật có tiếng ở địa phương, sau đó chụp một vài tấm hình gửi ông ấy giám định thử.

Người này nhìn qua một tẹo, bèn quả quyết nói một từ: "Hàng giả!"

Thố Tử thầm nghĩ: "Cmn, bị lừa rồi! Mất trắng hai tháng tiền lương!"

Nhưng anh vẫn không buông xuôi, hỏi: "Chuyên gia, ông làm sao chỉ nhìn một cái liền có thể biết đây là đồ giả vậy?"

Người đó nói: "Cái bát này là đồ giả điển hình! Tại sao ư? Bởi vì đây là loại bát phổ biến nhất triều nhà Thanh, rất thường gặp, người dân thường dùng loại bát này ăn cơm, muốn nhìn thấy chúng dễ như trở bàn tay. Cậu nhìn lại cậu đi, một chút va chạm cũng không có, giống y như cái bát mới này, vừa nhìn đã biết không đúng!"

Thố Tử nghe xong thấy ông ấy nói có lý, tối hôm đó uống hết nửa bình r.ượu, say mèm ngủ một mạch tới sáng.

Sáng sớm hôm sau, sau khi tỉnh dậy, anh phát hiện trong máy có mấy cuộc gọi nhỡ của cậu thanh niên đến từ Hà Nam nọ.

Vốn dĩ anh muốn mắng cậu ta một trận ra trò, nhưng nghĩ tới vợ con cậu ta, anh đành ậm ự cho qua, việc nào bỏ qua được thì hãy bỏ qua, coi như tích đức cho con cháu.

Qua thêm mấy ngày, có một nhà sưu tầm đến hỏi thăm anh, nhìn đồ đạc chất đống trong nhà như bãi phế liệu, cũng nhìn tới mấy cái bát nọ, lúc đó người này quả quyết, cái bát này là hàng thật.

Thố Tử nói: "Cái bát này có lẽ là hàng giả, bởi vì nhìn nó quá mới."

Người này lắc đầu, nói: "Không thể kết luận đơn giản thế được, có thể nó được trực tiếp chế tác từ lò nung địa phương, nên nhìn y như mới."

Sau đó người nọ đem cái bát đi rửa, lấy kính soi tỉ mỉ từng chi tiết, nói: "Cái bát này không đúng!"

Thố Tử vội vàng hỏi: "Tại sao không đúng?"

Người bạn sưu tầm nói: "Cái bát này của anh bị nứt!"

Thố Tử kinh ngạc một phen, nói: "Chuyện này sao có thể! Không phải bát mới sao?"

Anh lấy kính lúp lên soi, chính giữa cái bát có một đường nứt, chia đôi cái bát một cách chính xác gọn gàng.

Người bạn này hỏi thăm một tí, rồi cười phá lên: "Âyyy, vẫn nên dùng lòng trắng trứng dán lại rồi!"

Thố Tử nghe xong càng thêm cáu gắt, khó khăn lắm mới đuổi người bạn này đi, bản thân đem chín cái bát còn lại, vội vàng rửa sạch, kết quả phát hiện, toàn bộ số bát đó, chính giữa đều có một đường nứt chia cái bát làm hai nửa đều nhau!

Anh nghĩ, khó trách sao lúc đó mấy cái bát này đều dơ bẩn thế, thì ra đây chính là vỏ bọc trá hình.

Trong lúc giận dữ, anh gọi điện thoại cho cậu thanh niên bán hàng nọ, thầm nghĩ sẽ mắng cậu ta một trận tanh bành.

Không ngờ, không có ai nhận điện thoại. Anh gọi những mười mấy cuộc, đều chẳng ai thèm nghe!

Anh càng thêm tức giận, lập tức lái xe chạy tới chỗ đó tìm cậu ta.

Kết quả anh tìm tới căn nhà rách kia, lại biết cậu ta không có đó, vợ con cậu ta mặt ủ mày chau, nói mấy ngày trước cậu đi rồi, sau này không về nữa!

Anh cũng cảm thấy có chút kỳ lạ, đối chiếu thời gian, hôm cậu ta mất tích trùng hợp với ngày hôm đó cậu gọi điện nhỡ cho anh.

Thố Tử vội hỏi người phụ nữ nọ: "Gia đình ba người có gặp phải chuyện gì kỳ dị không? Có đắc tội với người nào không?"

Người phụ nữ nọ hoang mang vô cùng, không còn cách nào khác đành nói ra sự thật.

Cô nói, mấy cái bát đó do một kẻ đáng c.hết ngàn lần đào lên từ cái hầm than nhỏ kia.

Lúc đó bọn họ đang đào than trong mỏ, đào tới đào lui thì phía dưới đột nhiên sụp xuống, bọn họ liều mạng nhìn xuống dưới thì thấy phía dưới có một ngôi mộ rất lớn, xung quang giống như một lăng mộ nhỏ.

Sau đó có người dùng đèn thợ mỏ chiếu qua đó, nói phía dưới có đủ thứ yêu ma quỷ quái, rất đáng sợ, hơn nữa mấy cái bát này chất đống khắp nơi, thoạt nhìn y như một cái tháp rất cao được tạo thành bằng vô số chiếc bát úp lên, giống như đang làm một trận pháp gì đó.

Bọn họ báo chuyện này cho ông chủ mỏ than, ông chủ cũng cảm thấy chuyện này có chút không đúng.

Làm nghề này, mấy ông chủ mỏ than đều có riêng cho mình vài thầy xem phong thủy chuyên xử lý mấy loại chuyện này.

Trước tiên thầy phong thủy làm một vài pháp sự, g.iết vài con dê, một con trâu, xung sát một chút rồi phái người xuống dưới.

Người này buộc một sợi cáp trên người, đội mũ cứng cho công nhân, trên mũ gắn một chiếc máy ảnh, cẩn thận dè dặt đu dây xuống đó.

Qua một lúc, người đó không có động tĩnh gì, chỉ có tiếng máy ảnh không ngừng phát ra âm thanh kỳ lạ.

Mọi người vội kéo người đó lên, sau khi kéo lên khỏi hầm than thì người này đã tắt thở.

Họ nhanh chóng mở máy ảnh lên kiểm tra thấy ban đầu vẫn còn rất bình thường, sau đó người này đột nhiên rống lên như kẻ điên, cùng lúc đó màn hình camera đóng một lớp tuyết dày, không thể nhìn thấy được gì nữa.

Sau đó, ông chủ mỏ than tìm rất nhiều cao nhân đến xem, cuối cùng cũng có một ông già dám nhận, nhưng khi đến đây, ông vội quỳ xuống đất dập đầu bái lạy, ngay cả tiền xe cũng không thèm lấy, trực tiếp thu dọn đồ nghề bỏ chạy.

Ông chủ mỏ than thấy mọi chuyện không ổn bèn sai người cho nổ sập lối vào mỏ than, giải tán công nhân, từ đó không còn lui tới nữa.

Sau này, cậu thanh niên đến từ Hà Nam nọ không từ bỏ, lén lén lút lút đào một địa đạo thông xuống mỏ than, trộm không ít bát trong đó đem ra ngoài, muốn đem chúng bán lấy ít tiền nuôi sống gia đình.

Anh nghe xong liền cảm thấy mấy cái bát này có vấn đề.

Tuy nhìn sơ qua, chúng có vẻ rất tốt, nhưng khi cầm bát trong tay, tỉ mỉ quan sát sẽ rất dễ dàng phát hiện mấy cái bát này bị tách ra làm hai nửa, đường nứt thẳng tắp và sắc bén vô cùng, giống như có một thanh đao sắc bén chém đôi chúng thành hai nửa không tách rời nhau.

Vợ chồng họ nghĩ tới nghĩ lui, bèn dùng đất sét, lòng trắng trứng gà dán vết nứt, muốn kiếm chút tiền nuôi con, chính là mấy cái bát hôm nọ hai người họ bán cho Thố Tử.

Thố Tử càng nghĩ càng thấy chuyện này quá tà môn, thảo luận với người phụ nữ nọ một chút rồi trực tiếp báo cảnh sát.

Mới lúc nãy, anh gọi điện thoại hỏi vài người cảnh sát thân quen, nhưng tất cả mọi người đối với chuyện này đều kín như bưng, hỏi gì cũng không dám nói, trước sau chỉ bảo anh đừng hỏi nữa, chuyện này họ đã thông báo lên trên, triều đình sẽ sớm có biện pháp thụ lý.

Anh càng nghĩ càng thấy sợ, bèn hỏi tôi: "Rốt cuộc chuyện này là sao?"

Tôi cũng thấy chuyện gì có gì đó khó hiểu, vội hỏi lão Hoàng, lão Hoàng cũng chưa nghe ai nhắc tới bao giờ, nhưng ông cũng thấy rất tà môn, bởi vì bát là bạn trăm nhà, dùng đựng cơm, dùng lâu rồi ắt sẽ dính một chút khí tức của con người, từ đó sinh ra một vài sự giác ngộ.

Cho nên người xưa cho rằng, nếu bát tự nhiên bị nứt hoặc vỡ, đặc biệt là nứt hoặc vỡ từ chính giữa, đây là một chuyện vô cùng không may, gia chủ cần phải nhanh chóng đem cái bát đó chôn xuống đất ngay lập tức mới phần nào tai qua nạn khỏi.

Tôi lại tìm một người bạn tu hành trên núi Nga Mi hỏi, sau khi nghe tôi trình bày xong toàn bộ sự tình, anh xúc động nói một câu: "Không ngờ bát táng trong truyền thuyết thật sự tồn tại."

Tôi hỏi anh bát táng này chôn cất thứ gì?

Anh chỉ nói: "Bát táng không dùng để mai táng con người, cũng không phải là thứ mà con người có thể đụng tới."

Sau đó bất luận tôi hỏi thế nào, anh cũng không hé nửa lời, chỉ bảo tôi có thời gian thì lên núi Nga Mi tìm anh uống r.ượu, lấy gì giải sầu, chỉ có r.ượu thôi.

---------------------------------------
Phần tiếp theo: Những câu chuyện bí ẩn ở Thái Lan

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro