Chương 120: Đô sự

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong triều đình không có chỗ cho nữ nhân.

Đạo trời xua các nàng vào khuê các, trở thành những món đồ dễ vỡ trong hồng lâu tiểu viện, nhận được tất cả sự bảo vệ cưng chiều từ vua tôi cha con, đến lúc gả đi chính là những bình sứ bị định giá rồi chuyền tay từ nơi này đến nơi khác, chẳng cần chi cái chí đầu đội trời chân đạp đất.

Thái hậu Hoa Hạc Vĩ có xuất thân danh giá, bà là con gái của quý môn Hoa gia, trước tuổi cập kê chưa từng thấy bầu trời ngoài kia, sau tuổi cập kê vẫn chỉ ở sâu trong tường viện. Từ tay chồng bà giành được thứ quyền lực bực nhất thế gian này, ấy nhưng bà không hề bước qua lằn ranh ấy, mà lại buông rèm châu, cẩn thận ngồi ngay ngắn đằng sau nó.

Đại soái Thích Trúc Âm cũng xuất thân danh giá chẳng kém, nàng là con gái của nhà tướng Thích gia, trước khi ra trận cũng đã được định sẵn một tấm chồng, sau khi ra trận lại chẳng ai dám lấy. Không nhận được phần thưởng nào xứng đáng, chỉ có nhượng bộ trước đài ngọc long, bộ Lễ bảo nàng không xứng được hưởng đặc quyền thờ cúng trong miếu đường sau khi qua đời, cái tên Thích Trúc Âm mãi bị trói buộc với đứa con gái nhỏ ở Khải Đông. Chỉ cần đám con trai của Thích Thời Vũ vẫn còn cố tranh giành, chức đại soái binh mã vẫn sẽ không đến lượt nàng.

Ban đầu Tiết Tu Trác không có ý định nâng đỡ Linh Đình, lúc hắn biết hoàng tự là nữ, nỗi thất vọng cùng cực đã khiến hắn thay đổi chiến lược ngay tức thì. Song đến lúc nhìn thấy Linh Đình, hắn lại đổi ý.

Bởi vì Linh Đình quá giống Quang Thành đế.

Chỉ cần là lão thần có tuổi đã từng gặp qua Quang Thành đế, liếc mắt một cái là có thể nhìn ra ngay xuất thân của Linh Đình — đây là đứa con riêng sinh ra từ loạn luân trong Lý thị.

Thời Vĩnh Nghi, Đông Cung sụp đổ, lý do duy nhất Quang Thành đế rời cung chính là để thăm Tần vương bị bệnh, và cả người vợ không có sức phản kháng, xinh đẹp như hoa của Tần vương. Trong những năm Vĩnh Nghi về sau, Quang Thành đế không sủng ái phi tần nào, sau khi ông ngã bệnh, Hoa Hạc Vĩ thân là Hoàng hậu đã lập tức độc chiếm tiền triều và hậu cung, ngăn không cho ông sinh thêm hoàng tự. Giữa muôn vàn lớp tường vây trùng trùng điệp điệp, Quang Thành đế đặt ánh mắt lên người con dâu.

Tiếc thay, Tần vương phi lại sinh con gái.

Quang Thành đế tựa như một con sư tử già kiệt quệ, sau khi hay tin này, đến cả mí mắt ông còn không nâng, hùng tâm tráng chí hoàn toàn đoạn tuyệt. Không biết Tần vương có nghe được gì trong phủ hay không mà chẳng bấy lâu sau bệnh chết, trước khi chết đã vứt Linh Đình ra khỏi Khuất đô, nhưng dường như phận nàng đã định, lại được Hương Vân nhặt về.

Lúc Tiết Tu Trác mới tìm thấy Linh Đình, phong thái cử chỉ của nàng cục mịch thô tục, đã mười mấy tuổi đầu rồi. Tiết Tu Trác muốn kéo nàng về lại vị trí hoàng tự, nếu không có quyết tâm lột xác thì chắc chắn sẽ không làm được. Hồi đầu rất khó, nàng đã lãng phí mất quá nhiều thời gian ở phường Hương Vân, phải xóa cho kỳ hết những dấu vết thừa thãi ấy, nếu chính bản thân nàng không đủ kiên định thì Tiết Tu Trác có năng lực thông thiên đi chăng nữa cũng không làm được.

Nhưng Linh Đình lại từng bước một tự "uốn nắn" bản thân. Nàng cạo đi từng tí từng tí những thứ tục tằn phù phiếm trên người mình, hồi đầu không biết nhiêu chữ nên nàng thức trắng đêm khổ học, nét bút không đẹp sẽ dùi mài luyện tập không kể ngày đêm. Ngỡ như nàng là hơi sức cuối cùng mà ông trời để lại cho giang sơn Lý thị, để trong cái thế cục lụn bại ấy, Tiết Tu Trác thấy được một tia sáng mong manh.

Mấy tháng trước, mưa phùn ẩm thấp giăng khắp cây hợp hoan, khi Tề Huệ Liên cự tuyệt Tiết Tu Trác trên gác, Linh Đình đang ngồi ngay ngắn ở bàn viết chữ.

Nàng ghì bút mạnh đến nỗi như thể sắp viết rách cả tờ giấy.

Linh Đình viết xong, nghiêng đầu nhìn cơn mưa đang tí tách nhỏ giọt. Nàng nhìn hồi lâu, mặt không cảm xúc. Chốc lát sau Tiết Tu Trác đến dùng cơm với Linh Đình, nàng ngồi ở ghế dưới, ăn rất chuẩn phép tắc. Tiết Tu Trác đặt nặng việc im lặng trong bữa ăn, trước nay bọn họ không bao giờ nói chuyện khi ăn. Ăn xong thì hắn kiểm tra bài Linh Đình, đây là việc ưu tiên mỗi ngày, Linh Đình phải trả lời rành mạch lưu loát. Tiết Tu Trác không đánh mắng nàng, nhưng lại nghiêm khắc hơn bất kỳ ai.

"Tiên sinh," Linh Đình cúi đầu im lặng một lát mới hỏi, "ta phải đổi tiên sinh sao?"

Tiết Tu Trác xếp lại sách, nói điềm nhiên: "Chuyện này ngươi không cần lo."

Linh Đình không nói gì, nàng chống người, nghe thấy Tiết Tu Trác đứng dậy đi ra ngoài cửa. Nàng bỗng quay sang nhìn Tiết Tu Trác, hỏi một câu: "Bởi vì ta là con gái ư?"

Tiết Tu Trác dừng bước, quay lại, cũng nhìn Linh Đình. Ánh mắt của Linh Đình không hề né tránh, sự điềm tĩnh của nàng không khác gì Tiết Tu Trác.

"Ta là con gái," Linh Đình nói, "nếu tiên sinh mới không chịu dạy ta vì lý do này, vậy thì xin hãy cho ta được gặp ông ta một lần."

Tiết Tu Trác lại quay đi, xỏ giày vào. Cơn mưa bên ngoài dần nặng hạt, hắn nói: "Không phải, ngươi với ông ta không có duyên thầy trò mà thôi, ta vẫn sẽ tiếp tục dạy ngươi."

"Duyên phận là thứ không thể phó mặc nhất, thánh sư khó tìm, ta không muốn bỏ lỡ một vị tiên sinh như thế," Linh Đình chống người đứng dậy, "tiên sinh."

Nhưng Tiết Tu Trác chẳng đoái hoài, cũng chẳng buồn đáp. Hắn vén rèm lên, người hầu đang chờ bên ngoài vội vàng mở ô, hắn không để người hầu chạm vào chồng sách, bước xuống thềm đi mất.

Linh Đình đứng yên tại chỗ, qua khe hở rèm, nàng thấy bóng lưng Tiết Tu Trác nhoáng qua vài cái rồi biến mất vào làn mưa, nàng hiểu đây là sự từ chối câm lặng của Tiết Tu Trác. Cho dù người khác có đánh giá thế nào về Tiết Tu Trác, trong mắt Linh Đình, bên dưới bộ mặt ôn hòa nho nhã của hắn chỉ độc sự bình tĩnh cực đoan, thậm chí hắn còn hơi có chút tự phụ, sẽ không chịu để người khác điều khiển, cũng rất khó nghe lời người khác.

Linh Đình đành bỏ cuộc, nàng lại về chỗ ngồi, mở sách luận Tiết Tu Trác để lại ra, chép lại chữ của Tiết Tu Trác. Nhưng nàng sẽ không bao giờ có thể viết giống, bởi lẽ nàng không thể nhu hòa thu mình lại, nét bút của nàng tựa như mũi đao thép, vĩnh viễn không vòng vo.

***

Mấy tháng sau, ông mặt trời đổ lửa xuống đài ngọc long, triều thần quỳ kín mít trên ấy, bọn họ là quan viên hàn môn do Hải Lương Nghi cầm đầu. Sau tháng Sáu, Hàn Thừa đưa một bé trai từ trong gia tộc của gã về, tuyên bố nó chính là hậu duệ của Lý thị.

Dưới sự chăm sóc tận tụy của Diêu Ôn Ngọc, bệnh tình của Hải Lương Nghi dần chuyển biến tích cực, việc đầu tiên ông làm lúc lên triều chính là dùng thân phận nguyên phụ nội các để bãi bỏ tấu chương của Hàn Thừa, đồng thời yêu cầu kiểm nghiệm công khai danh tính của đứa trẻ. Song các hoàng đế của Lý thị đã từ trần cả, chỉ dựa vào mỗi Thái hậu thì cũng không thể xác thực rốt cuộc đứa bé ấy có phải là con của Lý thị hay không. Hai phe rơi vào ngõ cụt, không bên nào chịu nhượng bộ.

"Thời Vĩnh Nghi, ta là đồng tri tám đại doanh kiêm tướng lĩnh hàng đầu dưới trướng Quang Thành gia, ta có mang theo thư riêng do chính Quang Thành gia ủy thác, nguyên phụ, thế mà còn chưa đủ à?" dạo này Hàn Thừa lên cơ nên còn dám phản bác lại Hải Lương Nghi ở ngay trên triều đình.

Sau khi ngã bệnh, sức khỏe Hải Lương Nghi đã không còn bì được trước đây, chỉ cần đứng lâu một lát thôi là tim sẽ đập nhanh, tay bị run. Ông bước ra khỏi hàng rồi nói: "Nói mà không có chứng cứ, nếu Chỉ huy sứ chịu công khai thư cho mọi người, giao cho nội các kiểm định thì chúng ta đâu cần đấu khẩu ngay giữa triều đình thế này."

Hàn Thừa thầm cười khẩy, giờ đang không có hoàng tự, ngai vàng bị bỏ trống mới là việc mà Hải Lương Nghi nên lo, ông ta cương quyết không nhượng bộ như vậy thì khẳng định là đã tìm được một ứng cử viên rồi. Gã bèn đáp trả: "Nay đế vị đã bỏ không hơn một tháng, nguyên phụ còn muốn chờ gì nữa? Nội các bàn đi bàn lại thế mà vẫn không bàn ra được quyết sách gì à?"

Người Hải Lương Nghi vã mồ hôi, ông hơi tức ngực, phải nghỉ lấy hơi rồi mới nói tiếp: "Bọn ta đã sắp xếp lại gia phả, tìm được con thứ của cháu của Yến vương đang ở Hòe châu, đây là huyết mạch có thể lần theo của Lý thị. Theo luật thì người có thể kế vị lúc này chỉ có ông ta mà thôi."

"Yến vương là Hòe châu vương năm Vạn Tuyên, dòng đích đã chết trận ở ải Lạc Hà, tất cả dòng thứ bên dưới đều thuộc chi bên, nếu xem xét cẩn thận thì sao có thể coi là huyết mạch của Lý thị được? Con thứ của cháu của Yến vương đã gần bảy mươi tuổi rồi, sao còn có thể nắm quyền được nữa?" Hàn Thừa mỉm cười, "chưa kể đường xá xa xôi khúc khuỷu gập ghềnh, làm khổ lão ta như thế thì lão ta chịu sao thấu? Nguyên phụ, chuyện này không thể cứng nhắc được!"

Hai bên giằng co đấu đá mãi không ngừng, bên ngoài còn có học sinh của Quốc Tử giám đang quỳ. Thái hậu ngồi đằng sau rèm châu lắng nghe một hồi rồi mới cất tiếng: "Tuy việc này cấp bách, nhưng vẫn còn chỗ để thương nghị. Các lão, phụ tá nội các, chuyện này ai gia sẽ không làm qua loa, nếu ngươi phản đối thì có thể đến Minh Lý đường trao đổi trực tiếp với ai gia, cho các học sinh giải tán đi."

Bà nói rất nhẹ nhàng, nhưng Hải Lương Nghi nghe được sự không hài lòng.

Tuy Hàn Thừa cật lực nâng đỡ đứa trẻ kia, nhưng dâng tấu thì vẫn lấy danh nghĩa đồng tri tám đại doanh chứ không lôi kéo quan viên thế gia ủng hộ. Thứ nhất là để sau khi sự thành, Hàn gia sẽ có thể trở thành chỗ dựa duy nhất của tân đế, thứ hai là để tránh hiềm.

Hai chữ tránh hiềm này cực kỳ quan trọng.

Hoa Tư Khiêm với Phan Như Quý đều thua bởi vì không biết tránh hiềm, cấu bè kết phái là việc tối kỵ trong triều đình. Thời gian Thái hậu lên nắm quyền lại không hề ngắn, giờ bà không khác gì Hoàng đế, điều bà kỵ nhất chính là quần thần tụ họp, tạo thành một lực lượng có thể cưỡng ép bà đưa ra quyết sách, bởi vậy bà không hề cất nhắc quan viên hàn môn để lấy lòng, cũng không hề cất nhắc quan viên thế gia để củng cố quyền lực. Dường như bà hiểu Đại Chu đã đi đến một bước đường nào đó rồi, thay vì lại gửi gắm kỳ vọng vào một con bù nhìn như mấy năm trước thì thà tự mình lo liệu còn hơn.

Hải Lương Nghi bệnh mất hai tháng, trong khoảng thời gian đó chúng quan viên hàn môn lo bóng lo gió mãi. Khổng Tưu, Sầm Dũ đã nhiều lần chủ trì bàn bạc riêng, liên tục thượng tấu xin Thái hậu để Hải Lương Nghi về triều làm việc. Không chỉ có vậy, học sinh của Thái học cũng dám cả gan bàn luận quốc sự, vừa sang tháng Sáu đã manh nha tin đồn Thái hậu cướp quyền tự trị.

Thái hậu không nói thẳng mặt Hải Lương Nghi, nhưng lại tăng tần suất thăm viếng của nội hoạn lên, đây là một kiểu thúc giục trá hình, cho nên khi tháng Sáu vừa mới sang, bệnh tình chỉ vừa khá lên chút là Hải Lương Nghi đã vào triều ngay. Tuy rằng suốt mấy chục năm nay ông quả quyết mình không hề kết đảng, không có bè phái, song tự ông đã trở thành hướng gió của hàn sĩ trong thiên hạ, đây là chuyện mà ông có muốn chối cũng không chối nổi, chính ông đã trở thành một cái "thế" hùng mạnh nào đó rồi.

Hải Lương Nghi ngã bệnh một cái, người trong thiên hạ lập tức hoang mang. Ông bác bỏ tấu chương của Hàn Thừa, Thái hậu còn chưa hồi đáp, quan viên và chúng học sinh đã quỳ được một ngày. Ông đã vô tình trở thành tâm bệnh của Thái hậu, thậm chí sức uy hiếp còn hơn cả tên Hàn Thừa ngang ngược kia.

Hải Lương Nghi gượng đỡ mình, nói: "Học sinh của Quốc Tử giám vốn có quyền nghị sự, triều đình chính là nơi cả thiên hạ hướng con mắt về, có bàn mới có kế sách. Nay Thái hậu cần mẫn chủ chính, tự lo toan mọi việc, nhưng lập quan viên chính là để san sẻ hỗ trợ bề trên, quản lý bề dưới. Bọn họ biết lo lắng cho quốc sự là cái phúc của Đại Chu, huống hồ chuyện của trữ quân lại chẳng phải chuyện nhà. Thần cho rằng để bọn họ ở đây mới có thể bàn chuyện tân đế."

Nội đường không oi bức, màn trúc treo khắp các ngóc ngách che đi băng vụn. Hải Lương Nghi thậm chí còn thấy hơi lạnh. Đáp xong câu đó, ông chỉ cúi đầu đứng, Thái hậu sau rèm lặng yên một hồi lâu, đến lúc chân Hải Lương Nghi đã mỏi nhừ rồi, bà mới chậm rãi đáp.

"Các lão nói có lý, ai gia sẽ nghe ngươi. Về chuyện con cháu của Yến vương, ai gia vẫn chưa được xem gia phả nên chưa thể kết luận ngay được. Nhưng người của Hàn Thừa đã đến rồi, ngươi muốn Đại lý tự hay là bộ Hình hỗ trợ điều tra? Ai gia nghe ngươi cả đấy."

===

• Tác giả có lời muốn nói:

Nếu lý do một nhân vật lên sàn không đủ thuyết phục, hành động không đủ hợp lý, vậy thì cho dù người đó là nam hay là nữ cũng đều sẽ không thể biến chuyển sự sụp đổ của những sự kiện đi trước. Lúc mới lập sơ đồ tư duy của nhân vật là mình đã nghĩ nhân vật nữ có thể sẽ bị mổ xẻ, nhưng thật sự không ngờ có người lại bảo cho các nàng vào liệu có đủ tính chính kịch hay không. Lúc Thích Trúc Âm xuất hiện có người còn bảo đó là nhân vật Mary Sue mà mình tự đưa vào, nhưng thật ra năm ngoái có đăng mấy đoạn ngắn của Thương Tiến Tửu lên Weibo, các nhân vật xuất hiện lúc đó đã có sẵn Thích Trúc Âm với Linh Đình rồi.

Nhân vật nữ xuất hiện mà không hợp lý, vậy đổi thành nhân vật nam thì chắc chắn sẽ hợp lý ư.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro