Untitled Part 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Khi còn bé, con người sống tuổi hồn nhiên. Khi lớn lên, con người sống tuổi biết buồn. Biết đối diện với nỗi buồn đến với cá nhân hay người thân quanh mình. Lớn hơn nữa, người khôn ngoan không chỉ biết, không chỉ đối diện mà còn gắng đối trị nỗi buồn. Buồn vì thế là suối nguồn lớn lên. Như Daisaku Ikeda viết, buồn là dưỡng chất cho sự trưởng thành. Để mỗi người trở nên một con người biết cảm thông và bao dung hơn, cũng là để trở nên tuyệt vời hơn.

Vì thế đừng sợ nỗi buồn. Mà hãy đón chờ giây phút đối diện nó. Buồn sớm quá khiến ta mất đi những tháng ngày trong trẻo. Như khi ai đó sớm để "oan tình đầy vơi mở rộng lưới giam bao người". Khiến chưa qua tuổi hồn nhiên mà "những mối dây tơ đã rối mù rồi". Nhưng cũng chớ để kéo dài tuổi hồn nhiên hoài mãi. Để đến khi to đầu mà trong đám tang vẫn cứ nghĩ mình đang mặc áo mới. Để khi thăm đồng loại, đồng bào vừa qua biến cố thiên tai mà đi lại vẫn mang khóe môi cười mỉm mỉm của "tuổi hồn nhiên"".

Đây là những điều trong cuốn "Bay xuyên những tầng mây" của Hà Nhân mà cô Nương đã tặng mình sau khi đi thi về. May mắn thật đấy.

Mình lẽ ra định trích rồi để vậy thôi, nhưng rồi lại cũng vẩn vương vài điều.

Mình có thời từng nghĩ cuộc đời này thật bất công vì sao mình lại gặp nhiều điều bất thường đến thế. Ngoài những nỗi buồn trẻ con như khi bị mắng, ăn đòn vì nghịch hoặc không đòi được thứ mình muốn ra, mình cũng có những nỗi buồn có vẻ như nên thuộc về người lớn hơi sớm. Xem ra "tuổi hồn nhiên" của mình không được đúng nghĩa như tên của nó cho lắm. 

Mình không biết, rằng liệu 10 năm trước nếu mình không gặp bước ngoặt ấy thì liệu mình bây giờ sẽ như nào. Có khi nào những nỗi buồn thấm vào tâm hồn của đứa bé 8 tuổi ấy làm mình biết, hoặc phải suy nghĩ nhiều hơn.

Vì mình đã biết buồn từ sớm, nên có lẽ bây giờ mình chai mất rồi. Không phải không còn buồn nữa, mà là không còn phản ứng với những điều bất thường nữa, và buồn theo một cách khác. Mọi người nói mình chín chắn hơn mấy đứa cùng lứa. Mình chẳng thấy có gì đáng tự hào cả. Người ta lớn ở mức độ nào thì sẽ phải nhận trách nhiệm theo mức độ ấy. Nhưng có điều này làm mình thấy khá hay ho. Nỗi buồn nếu tiêu cực, sẽ làm con người thu mình và héo hon đi, nhưng theo một cách tích cực, thì nỗi buồn hun đúc cho sự trưởng thành. Người ta buồn khi họ mất đi thứ gì đó nghĩa là họ biết trân trọng, buồn khi chưa chạm tới một mục đích nghĩa là họ sẽ vẽ ra cho mình một con đường khác, buồn cho những nỗi buồn của người khác nghĩa là họ biết chia sẻ, cảm thông, buồn khi gặp những mảnh đời bất hạnh nghĩa là họ biết hạnh phúc và biết ơn cuộc sống của mình, hoặc tự nhiên thấy buồn vu vơ rồi mỉm người nghĩ mình thật ngốc nghếch, dù buồn theo cách nào thì cũng mang ý nghĩa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro