Book #2 - Trần triều nhàn (Đồng Lạc)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thể loại: Dã sử Việt Nam (giai đoạn Lý - Trần)

Phát hành: Trí Thức Trẻ, NXB Hội Nhà Văn.

Nội dung chính: 9 câu chuyện ngắn lấy cảm hứng và sự kiện từ lịch sử Việt Nam, kéo dài từ thời giao triều Lý - Trần cho tới những năm tháng chiến tranh, bắt đầu với buổi suy vong của nhà Lý, những sóng gió buổi đầu nhà Trần, tới quãng thời gian yên bình thịnh thế, cuối cùng là những ngày mất mát và vinh quang làm nên một thời hào khí Đông A oanh liệt.

I. Nội dung: 5/5

Truyện dã sử nghĩa là gì? Nghĩa là không sợ spoil, bởi vì mười mấy năm đi học được dạy đến mức đôi khi nghe nhắc lại còn thấy chán. Mọi người đều biết việc Linh Từ quốc mẫu Trần thị đã từ Hoàng hậu vua Lý Huệ Tông trở thành phu nhân Thái sư Trần Thủ Độ thế nào, cuộc đời nữ đế Lý Chiêu Hoàng ra sao, Trần Thái Tông và nhà Trần làm cách nào chiếm lấy thời thế,... những câu chuyện về về Chiêu Minh vương, Công chúa Phụng Dương, Công chúa An Tư, Trần Nhân Tông, Bảo Thánh hoàng hậu, ba lần kháng chiến Nguyên Mông và cả dòng lịch sử sau đó, đều rất dễ dàng tìm thấy trong sử sách và trên internet.

Một trong những điều vô cùng quan trọng làm nên cái hay của "Trần triều nhàn thoại" là văn phong và câu chữ. "Cái hay" này không chỉ là giọng văn mượt mà vừa đẹp đẽ vừa bình dị, mà là những câu văn đọc đến lặng người. Lặng vì buồn. Lặng vì đau. Lặng vì thương. Lặng vì cảm giác bất lực thay cho nhân vật. Lặng vì cả sự hào hùng ôm ấp những mất mát, thương tiếc, cảm phục, vinh quang.

Lần này mình đọc "Trần triều nhàn thoại" không phải lần đầu tiên, trước khi sách được xuất bản thì mình đã đọc vài lần trên trang blog của tác giả Đồng Lạc (aka Bí Bứt Bông), không phải tất cả nhưng cũng tương đối. Thế nhưng lần nào cũng vậy, rõ ràng biết trước cốt truyện - chừng đó năm học lịch sử ở trường rồi mà - rồi sau đó còn nhớ rõ là đoạn nào viết cái gì, song cứ đọc đến là vẫn thấy lặng người, thấy đau lòng, thấy cảm thương.

II. Trình bày: 4/5

Không có gì đặc biệt với cách trình bày và dàn trang của "Trần triều nhàn thoại", theo nghĩa tích cực. Kiểu chữ đơn giản phổ biến dễ đọc, cỡ chữ trung bình không quá nhỏ, giãn dòng giãn đoạn thoáng, không lẻ dòng lẽ chữ, không có các lỗi lặt vặt liên quan như lỗi đánh máy, dấu câu, chính tả, etc. Biên tập chỉnh lý dàn trang để các trang có phần dòng đầu và dòng cuối thẳng hàng nhau, nhưng không có trang nào bị cảm giác thưa hoặc dày hơn các trang khác, cũng không có dòng bị nén hay giãn đến mức nhìn được bằng mắt thường.

Về phần bìa truyện, mặc dù mình đã đọc giải thích của tác giả Đồng Lạc về phần bìa truyện, nhưng cá nhân mình thấy bìa của "Trần triều nhàn thoại" không đẹp. Đặc biệt là kiểu chữ dùng cho tên truyện, thành ra có hơi không ưng ý lắm.

Nhân tiện thì chất giấy của truyện khá mỏng, nhìn tương đối rõ chữ của trang sau nên khi đọc có chút không thoải mái.

III. Tổng kết: VÔ CÙNG ĐÁNG ĐỌC!

Không có thêm nhận xét nào cho phần nội dung của "Trần triều nhàn thoại" nữa, chỉ có thể tổng kết bằng một câu - Vô cùng đáng đọc! Đặc biệt là những người muốn tiếp cận đến lịch sử Việt Nam ở một khía cạnh thơ và tình hơn. Vibe của toàn bộ truyện không thể nói là vui, phải đến quá nửa là buồn thương, hai câu chuyện tình tựa như tia sáng sau mưa hay vết mực son sau buổi giao triều đổi họ thì cũng khoác một màu man mác buồn nhè nhẹ, hai câu chuyện mang sắc thái hào hùng của thời Đông A cũng là một sự hào hùng trong bi tráng, trong mất mát.

Thế nhưng dẫu buồn, đó đều là những nỗi buồn rất đẹp. Đẹp đến mức khiến ta cảm, khiến ta lặng, khiến ta thương.

IV. Đôi dòng cảm nhận

Có thể nói đây mới là phần chính của bài blog này.

Một vài đoạn của những dòng này mình đã viết trước cả khi sách được xuất bản, khi đọc được những câu chuyện của Đồng Lạc viết về cuộc đời vua Lý Chiêu Hoàng.

Những dòng đầu tiên mình viết, từ bao lâu rồi không nhớ nữa, để trong note của điện thoại, khi đọc được hai câu lấy góc nhìn từ vua Lý Chiêu Hoàng khiến mình sững sờ đến chết lặng, sau này mỗi lần đọc lại đều thấy nhói lòng, và khi nhắc đến Lý Chiêu Hoàng, đó cũng là hai câu đầu tiên mà mình nhớ đến:

"Tiên đế cho ngài một giang sơn, dù vỡ nát. 

Ngài lại cho con nỗi nhục làm vua vong quốc."

Cùng với hai câu này, còn có một câu mình từng đọc được từ khá lâu rồi, không nhớ có phải của Đồng Lạc hay không, đại loại là: "Sau này ta mới biết, thứ ta buông tay ngày ấy không chỉ là một tấm áo bào, mà là giang sơn hơn 200 năm của họ Lý."

Lúc ấy, là lần đầu tiên mình nhận ra, cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng bi kịch đến nhường nào, lần đầu tiên mình cảm thấy việc bà không được thờ chung trong nhà tổ thờ các vị vua họ Lý là một điều oan uổng đến bao nhiêu.

Người đó, 6 tuổi ngồi lên ngai vàng, 8 tuổi đánh mất ngai vàng, từ Công Chúa trở thành Hoàng Đế, từ Hoàng Đế trở thành Hoàng Hậu, từ Hoàng Hậu lại trở về làm Công Chúa, suốt một đời đứng giữa họ Lý họ Trần, gánh trên vai tội danh vong quốc.

Rõ ràng sử sách ghi lại ba chữ "Chiêu Hoàng đế", vậy nhưng vị vua ấy từ khi sinh ra đến lúc rời khỏi mái nhà hoàng cung đều không được tự quyết định cuộc đời mình, chỉ có thể trôi dạt theo những âm mưu toan tính, khuất phục dòng chảy thế thời.

Trong "Trần triều nhàn thoại" xuất bản còn có thêm một đoạn, mình không nhớ rõ là trước đó trong bản mà Đồng Lạc đăng trên blog có hay không, nhưng lần này đọc mới khiến mình vội vàng viết lại vài dòng cho nó:

"Cuối cùng, Trần Cảnh vẫn trở về làm hoàng đế.

Cuối cùng, Trần Liễu vẫn buông đao quy thuận.

Cuối cùng, chị Thuận Thiên vẫn thay thế ta trở thành hoàng hậu.

Cuối cùng ta vẫn phải nhận ra, đến lúc cần, tất cả mọi người đều sẽ chọn bỏ lại ta.

Họ dựng cho ta một toà phủ lớn, thềm lan điện ngọc, ngói bạc rèm châu, người hầu kẻ hạ như mây như nước, sau đó khoá chặt ta trong đấy, thể như chỉ cần như vậy, ký ức của họ sẽ không còn ta nữa, không tội lỗi, không hoài niệm, không tiếc nuối.

Trên lầu cao, nhìn đoàn xa giá lướt dần qua, trông về hoàng cung phía xa xa, dõi mắt khắp Thăng Long hoa lệ, ngoài kia đều là mẹ của ta, chị của ta, chồng của ta, họ hàng thân tộc của ta. Quên ta đi, bỗng chốc tất cả họ đều thanh thản."

Cảm xúc đầu tiên đánh vào lòng mình khi đọc những dòng này, đó là thương.

Nửa cuộc đời Lý Chiêu Hoàng đều bị bỏ rơi.

Phụ hoàng bỏ rơi, để lại cho bà một giang sơn vụn vỡ.

Mẫu hậu bỏ rơi, dùng bà như một quân cờ cho danh vọng suốt hai triều.

Phu quân bỏ rơi, đoạt lấy triều đại và tất cả tôn quý của bà.

Rốt cục, khi giang sơn không còn mang họ Lý, cả quốc gia cả dòng họ cũng bỏ rơi Lý Chiêu Hoàng.

Những ngày đầu mới học về Lý Chiêu Hoàng, mình chỉ thấy cuộc hôn nhân của bà với Lê Phụ Trần thật nực cười. Một đứa con họ Lý, mất nước vào tay họ Trần, lại sống những tháng ngày hạnh phúc với một quan viên được ban danh "Phụ Trần" hay sao? Nhưng khi lớn lên rồi, nhìn thấy rằng có rất nhiều lúc cuộc đời của mình cũng chẳng thể do mình quyết định, mình chỉ thấy thương tiếc.

Rõ ràng được ghi vào sử sách với danh vị hoàng đế hoàng hậu, nhưng hơn nửa đời đều là mất mát. Mất cha. Mất mẹ. Mất chị. Mất chồng. Mất con. Mất nhà. Mất nước. Không nơi nương tựa.

Kỳ thực, nếu phải quy tội, thì cũng chẳng thể quy cho cái gì ngoại trừ số phận. Cực thịnh tất suy, triều đại này thay thế triều đại kia, đó là quy luật của lịch sử. Lý Chiêu Hoàng lên ngôi vào lúc triều Lý đã chỉ còn là ngọn đèn trước gió, nếu họ Trần không thay, liệu Đại Việt có thể vượt qua ba lần Nguyên Mông xâm lược, lưu lại sử sách một thời hào khí Đông A oanh liệt như vậy không?

Trên trang facebook, tác giả Đồng Lạc có chia sẻ rằng phần truyện viết về Lý Chiêu Hoàng thay đổi rất nhiều so với lúc đăng trên blog. Thú thực, mình không nhận ra hết những sự thay đổi đó, nhưng mình nhận ra được một đoạn mà Đồng Lạc đã sửa đổi và không đưa vào sách, đó là đoạn cuối cuộc đời Lý Chiêu Hoàng. Tuy rằng có khen có chê, đều có lý cả, mình cũng không nói cái nào hay hơn, nhưng có thấy một chút đáng tiếc. Trong suy nghĩ của mình, đoạn kết cũ thực sự rất đẹp, viết rằng vào lúc cuối đời, Trần Thái Tông gặp lại Công chúa Chiêu Thánh bên giường bệnh, ngài lặp lại câu hỏi từng nói với Lý Chiêu Hoàng khi còn nhỏ, và bà cũng đáp lại một câu giống như đã từng đáp hồi đó:

"Bệ hạ có tha tội cho thần không?"

"Tha tội cho ngươi."

Đối với mình, đó vừa là tình, vừa là nghĩa. Không phải tình vợ chồng hay nghĩa quân thần, mà là tình nghĩa giữa hai đứa trẻ thuở thơ ngây nơi cung cấm.

Trần Thái Tông có tội không? Thành thực mà nói, gần như không. Ngài chỉ là người đứng ra đầu sóng ngọn gió của vô số toan tính cho nhà Trần mà thôi. Thế nhưng, vì đoạn tình nghĩa kia, ngài giữ cảm giác tội lỗi, chôn sâu ở một góc trong lòng suốt chừng ấy năm, vì đã cướp đoạt giang sơn, vì đã phế hậu, vì đã gả Chiêu Thánh cho thần tử, cho tới khi thời gian đã trôi dài, biết chắc chẳng còn tháng ngày sau, ngài mới cẩn thận mở một góc đó, nói ra lời trong lòng.

Và Công chúa Chiêu Thánh, cũng vì một phần tình nghĩa kia, mà tha thứ.

Đoạn kết cũ cho hai người một dấu chấm hết, thanh thản, gọn ghẽ, để một đời yêu hận kết thúc tại nơi nó bắt đầu.

Còn đoạn kết này, thì chỉ đơn giản là một cái kết thúc. Kết thúc tại thời điểm tất cả những hận thù đã hoá tàn tro, tất cả ái ân tình nghĩa cũng đã bị thời gian mài mờ, đối mặt với nhau, chỉ còn vài hơi thở cuối cuộc đời phong vân đổi lấy một cái gật đầu sau những tháng năm học cách buông bỏ.

Đọc xong "Trần triều nhàn thoại", mình chợt nhớ ra trước đây cũng từng đọc một truyện dã sử về Lý Chiêu Hoàng rất hợp gout là Mặc Sử Yên Hoa của Thập Nhị Kỳ, nên nhân lúc tinh thần lên đã tìm đọc lại.

Mặc Sử Yên Hoa viết theo dạng ký, giống như một cuốn nhật ký của Lý Chiêu Hoàng về những năm cuộc đời từ ngày đầu tiên bị giáng làm Công chúa Chiêu Thánh đến một tháng sau khi sinh hạ đôi long phụng thai, có 12 chương cùng với một đoạn kết ngắn. Nếu phải miêu tả Mặc Sử Yên Hoa bằng một từ, thì đó là đẹp. Hai từ - quá đẹp. Bốn từ - đẹp đến hư ảo. Đẹp đến mức mà lần này mình đọc lại, mỗi một câu một đoạn mình đều có thể tưởng tượng ra khung cảnh, cả câu chuyện như một thước phim. Cũng đẹp đến mức không còn sát với sử sách.

Mặc Sử Yên Hoa rất đẹp, hay chính xác mà nói thì là quá đẹp. Nhẹ nhàng, bình yên, thanh thản.

Quá nhẹ nhàng, quá bình yên, quá thanh thản.

Nếu có một điều gì mình không ưng nhất của Mặc Sử Yên Hoa, thì không phải những điều "quá" đó, mà là tình cảm của Lý Chiêu Hoàng và Trần Thái Tông, bởi vì cho đến cuối cùng của Mặc Sử Yên Hoa, trong tim Công chúa Chiêu Thánh vẫn là vị đế vương đó. Mình ước chi, vào ngày Công chúa Chiêu Thánh thông suốt cuộc đời mình, thì cũng thông suốt mà buông bỏ tình cảm với Trần Thái Tông. Thập Nhị Kỳ để lại chi tiết này, khiến cho mình có một đôi chút cảm giác rằng tác giả đang cho Trần Hưng Đạo một sự công bằng vậy, rằng chàng yêu một người cả đời nhưng không thể ở bên, mà người đó cũng yêu một người khác cả đời và cũng chẳng thể chung chăn gối.

Có điều Thập Nhị Kỳ viết chi tiết tình cảm này cho Hưng Đạo vương cũng khiến Mặc Sử Yên Hoa càng bớt đi việc sát sử, bởi vì cuộc hôn nhân của Hưng Đạo vương với Công chúa Thiên Thành là bắt nguồn từ màn cướp dâu chấn động của ngài kia.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro