1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ĐIỆU FLAMENCO
Dịch: Duẩn Duẩn

QUYỂN 1: CHUYỆN XƯA Ở NAM DƯƠNG

Chương 1: Chắc chắn bị người ta mưu sát

Có ba chuyến bay quan trọng trong suốt cuộc đời Bùi Tân Di: một là bay đến Hà Nội, hai là bay khỏi Đà Lạt và ba là bay tới Sài Gòn. Khi nối ba điểm bay ấy lại, từ Bắc chí Nam, ta gần như có thể vẽ ra tấm bản đồ Việt Nam. Nhưng dù cho có quanh quẩn thế nào thì đầu kia của đường vòng cung bay vẫn luôn là Hồng Kông.

Đối với các nhà sử học, sự liên kết giữa hai lãnh thổ mang ý nghĩa nghiên cứu các vấn đề thuộc địa và vấn đề thuyền nhân một cách sâu sắc nhất. Đối với nhà họ Bùi, sự kiên kết giữa hai lãnh thổ mang tầng ý làm giàu một cách bí ẩn. Còn đối với Bùi Tân Di, sự liên kết giữa hai lãnh thổ đại diện cho một tâm sự không thể nói thành lời.

Chỉ số Hang Seng(*) tăng lên mức cao nhất - 16.800 điểm. Lá cờ năm sao bay phấp phới giữa đặc khu hành chính(*). Máy bay hạ cánh.

Đó là chuyến bay thứ ba, năm 1997.

(*) 𝘓𝘢̀ 𝘤𝘩𝘪̉ 𝘴𝘰̂́ 𝘨𝘪𝘢́ 𝘵𝘳𝘪̣ 𝘷𝘰̂́𝘯 𝘩𝘰́𝘢 𝘤𝘶̉𝘢 40 𝘤𝘰̂𝘯𝘨 𝘵𝘺 𝘭𝘰̛́𝘯 𝘯𝘩𝘢̂́𝘵 𝘨𝘪𝘢𝘰 𝘥𝘪̣𝘤𝘩 𝘵𝘳𝘦̂𝘯 𝘴𝘢̀𝘯 𝘤𝘩𝘶̛́𝘯𝘨 𝘬𝘩𝘰𝘢́𝘯 𝘏𝘰̂̀𝘯𝘨 𝘒𝘰̂𝘯𝘨, đ𝘶̛𝘰̛̣𝘤 𝘥𝘶𝘺 𝘵𝘳𝘪̀ 𝘣𝘰̛̉𝘪 𝘮𝘰̣̂𝘵 𝘤𝘰̂𝘯𝘨 𝘵𝘺 𝘤𝘰𝘯 𝘤𝘶̉𝘢 𝘏𝘢𝘯𝘨 𝘚𝘦𝘯𝘨 𝘉𝘢𝘯𝘬. 𝘝𝘪𝘦̂́𝘵 𝘵𝘢̆́𝘵 𝘭𝘢̀ 𝘏𝘚𝘐.

(**) 𝘛𝘳𝘶𝘯𝘨 𝘘𝘶𝘰̂́𝘤 𝘤𝘰́ 5 𝘬𝘩𝘶 𝘵𝘶̛̣ 𝘵𝘳𝘪̣ (𝘒𝘛𝘛 𝘥𝘢̂𝘯 𝘵𝘰̣̂𝘤 𝘊𝘩𝘰𝘢𝘯𝘨 𝘘𝘶𝘢̉𝘯𝘨 𝘛𝘢̂𝘺, 𝘒𝘛𝘛 𝘥𝘢̂𝘯 𝘵𝘰̣̂𝘤 𝘋𝘶𝘺 𝘕𝘨𝘰̂ 𝘕𝘩𝘪̃ 𝘛𝘢̂𝘯 𝘊𝘶̛𝘰̛𝘯𝘨, 𝘒𝘛𝘛 𝘥𝘢̂𝘯 𝘵𝘰̣̂𝘤 𝘏𝘰̂̀𝘪 𝘕𝘪𝘯𝘩 𝘏𝘢̣, 𝘒𝘛𝘛 𝘕𝘰̣̂𝘪 𝘔𝘰̂𝘯𝘨 𝘊𝘰̂̉ 𝘷𝘢̀ 𝘒𝘛𝘛 𝘛𝘢̂𝘺 𝘛𝘢̣𝘯𝘨) 𝘷𝘢̀ 2 đ𝘢̣̆𝘤 𝘬𝘩𝘶 𝘩𝘢̀𝘯𝘩 𝘤𝘩𝘪́𝘯𝘩 (𝘏𝘰̂̀𝘯𝘨 𝘒𝘰̂𝘯𝘨 𝘷𝘢̀ 𝘔𝘢 𝘊𝘢𝘰)

***

24 giờ trước. Tại một căn biệt thự lưng kề núi được bao phủ bởi quầng sáng nhoa nhoá màu cam nhạt tọa lạc trên bán đảo Thạch Áo của Hồng Kông mà so về độ hoành tráng lệ thì đến cả Beverly Hills của Los Angeles cũng phải ngã mình chào thua.

Cảnh sắc thiên nhiên bị ngăn trở bên ngoài bởi tấm rèm cửa nhung dày cộm màu xanh lục. Cây đèn bàn chụp lụa màu đỏ ối nằm hai bên chiếc ghế sô pha đơn, hắt luồng sáng lờ mờ cho căn phòng tiếp khách. Trên bàn trà đặt hai cặp bát tráng men mã não đời Tống, màu sắc nhẵn mịn mà tinh tế, bề mặt có khắc những hoa văn nhỏ xíu tựa như cánh ve sầu.

Khiến cho bất kỳ chuyên gia đồ cổ nào nhìn vào cũng phải bắng nhắng thốt lên rằng: "Ngọc này tuy không phải ngọc nhưng lại ăn đứt ngọc!"

Người đàn ông đang vùi mình trong chiếc đệm mềm mại cũng nhộn nhạo phơi phới, có điều không phải vì bộ sưu tập trước mắt này.

Người phụ nữ đối điện chậm rãi ngước mắt lên, nhẹ giọng hỏi: "Được chứ?"

Thương nhân tuổi đã hơn năm mươi hoảng hốt "A" một tiếng, không nỡ để tầm mắt rời khỏi một bên bắp chân hết sức mảnh khảnh được bọc trong chiếc vớ ren yêu kiều, rồi hướng về đôi mắt đen nhánh kia: "Bà chủ Bùi, tôi phải nghĩ lại một chút đã." Sau đó ông ta lại lấy lòng bằng một câu địa phương nghe hết sức trọ trẹ: "Mong cô thông cảm cho."

Trước đây, vị thương nhân này chưa từng nghe qua danh tiếng của bà chủ họ Bùi. Trong một lần tình cờ ở bữa tiệc, ông ta loáng thoáng biết được phía đối diện có một tiệm đồ cổ bí ẩn, khơi gợi tính tò mò sâu thẳm nơi ông ta. Đối với họ, những tiệm đồ cổ hạn chế khách hàng cũng chẳng hiếm lạ gì, có chăng chỉ xét xem thân phận, tài sản người mua như thế nào rồi sẽ được chơi thỏa. Thế nhưng cửa tiệm đồ cổ này lại hoàn toàn khác biệt.

Bạn có thể trở thành khách hay không còn phải tùy thuộc vào tâm trạng của ông chủ. Ngoài ra còn có một quy tắc bất thành văn – đó là không dùng tiền bạc để trao đổi, giao dịch.

Một cửa tiệm cổ quái nhường ấy, theo lý thuyết sẽ nhanh chóng đóng cửa, ấy vậy mà nó vẫn kinh doanh cho đến tận ngày nay. Bí quyết thành công chỉ có một - một khi "trúng cử" vào ghế khách, bất cứ vật phẩm quý giá nào mà bạn muốn, họ sẽ tìm đến ngay cho bạn.

Vị thương nhân này đã tìm kiếm vật báu gia truyền của tổ tiên thất lạc trong nhiều năm nay rồi. Một tháng trước ông ta thông qua người môi giới ủy thác cho tiệm đồ cổ này. Ông ta vốn không ôm kỳ vọng gì, chẳng ngờ tới có thể "trúng cử", càng chẳng ngờ hiệu suất làm việc của tiệm đồ cổ lại đỉnh tới như vậy. Đến khi tới đây ông ta mới biết, chữ Bùi của bà chủ họ Bùi đích xác là chữ Bùi trong tên của "thuyền Vương" Bùi Hoài Vinh thời trước.

Ân oán hào môn từ trước đến nay vẫn luôn là chuyện vui của người đời, mặc dù nhà họ Bùi đã hết thời từ lâu nhưng vẫn thường xuyên được đăng tải lên các tờ báo lá cải vì những ân oán trước kia của gia tộc. Bùi Tân Di rất hiếm khi lộ mặt, hiếm hoi đến nỗi hai mươi bảy năm qua cũng chỉ có vài dòng viết le que về cô ở trên báo. Theo lời đồn, thì đây là cô con gái út của chính thất mà "Thuyền vương" thương yêu nhất, ngay cả tên cũng không đặt theo chữ lót trong gia tộc họ Bùi, tiền bạc thì lại càng không cần phải nói đến, hầu bao lúc nào cũng rủng rỉnh. Hiềm nỗi, cô nàng rất đạm bạc, không màng danh lợi, chung tình với đồ cổ, quan tâm đến lợi ích chung, thờ ơ với việc của công ty, và cũng chẳng để tâm đến tài sản của những người con khác.

Vị thương nhân cảm thấy lời đồn này là thật mà cũng chẳng phải thật. "Tân Di" là một vị thuốc Bắc, còn được biết đến với cái tên Vọng Xuân Hoa hay Ngọc Lan, thích khí hậu ấm áp, dùng để chữa phong hàn, có điều nó dường như không liên quan với người ngồi trước mắt.

"Trương tiên sinh chắc hẳn cũng biết, để tìm được cặp bát men này không phải là chuyện dễ." Bùi Tân Di khẽ ngoảnh sang bên cạnh rồi quay tuột về ngay, ánh sáng của đồ sứ tựa hồ rơi vào trong mắt cô, hắt lên hàng lông mi dài đang đổ nghiêng khẽ rũ, nom hết sức lạnh nhạt và xa vắng.

Vị thương nhân ít gì cũng là nhân vật nổi tiếng ở Tô Nam, chẳng có chuyện để mất ưu thế trước mặt hậu sinh được, thế là ông ta bèn lớn giọng gỡ gạc: "Tiền không phải là vấn đề!"

Lời còn chưa dứt, Bùi Tân Di đã nhẩn nha bước tới, đặt một tay lên lưng ghế sô pha rồi cúi người kề sát tai ông ta: "Trương tiên sinh nói chuyện thật nực cười, nơi này của tôi không phải là chợ buôn, mặt hàng gì cũng có giá trị rõ ràng của nó cả."

Ngữ điệu của cô uyển chuyển như đang hát, hương thơm trên người cay nồng mà tươi mát, trong đôi vớ rỗng không mang giày kia mơ hồ có thể nhìn thấy móng chân màu đỏ thẫm, tựa như mạ thêm lớp sương mù.

Vị thương nhân lập tức thấy váng vất đầu óc lật đật quay vội sang hướng khác. Lý trí còn sót lại ép ông ta phải rẽ ánh mắt đi, buộc chúng phải nhìn chằm chặp vào đồ sứ chứ không phải vào cô: "Thú thực, tôi thật sự không hiểu, rõ ràng các người làm ăn buôn bán vận chuyển bằng tàu thuyền thế mà chỉ giao có một lô hàng nhỏ cũng phải dùng đến cả chiếc thuyền của tôi, làm vậy chẳng phải tốn công sức quá ư?"

"Chúng tôi ấy à? Có lẽ Trương tiên sinh không biết công ty này đứng tên dưới danh nghĩa của ai. Nếu như tôi có thể đụng vào một chiếc thuyền hay một cái mỏ neo, thì quả thật chẳng tốn nhiều công sức đến vậy."

"Nhưng dù sao..."

"Đã vậy thì không làm phiền thời gian của ông nữa." Bùi Tân Di gọi vọng ra phía cửa một tiếng: "A Sùng, tiễn khách!"

Hai cánh cửa mở ra, một cậu thanh niên trông hết sức đứng đắn bước vào. Cậu ta bận một bộ âu phục và đeo cặp mắt kính, dáng điệu như một viên trợ lý không biểu lộ cảm xúc. Ngoài cửa còn có hai người đàn ông đang ló đầu vào nhìn, chính là vệ sĩ thân cận của vị thương nhân này.

Trợ lý làm một động tác "Mời". Vị thương nhân do dự trong nháy mắt, cuối cùng quyết định nói: "Chờ một chút! Bà chủ Bùi, lô hàng này thật sự không có vấn đề gì chứ?"

Bùi Tân Di nhìn chằm chằm ông ta chừng ba giây, rồi mới cười khẽ nói: "Tôi đã phân tích rõ ngọn ngành với ông rồi, đây chỉ là hàng bắt chước một tác phẩm nghệ thuật."

"Lần này lại từ Sài Gòn đến Thâm Quyến?"

"Đương nhiên."

Bùi Tân Di ra hiệu cho A Sùng đặt cặp bát sứ vào trong rương, đoạn thương lượng với vị thương nhân: "Chờ tàu chở hàng ra biển, một cặp khác sẽ được giao đến tay ông vẹn toàn, không hề sứt mẻ một miếng nào."

Cả hai ký tên lên hợp đồng, trao hàng cho chủ nhân, khách sáo bắt tay nhau, rồi đi dọc xuống cầu thang hình xoắn ốc.

Phòng khách cũng cùng một hướng với phòng tiếp khách, có điều nom rộng rãi hơn hẳn, phải nỗi chỉ trưng mỗi một bức bình phong cổ thành ra trông có vẻ trống trải. Ánh chiều tà vàng rực xuyên thấu qua cửa kính cao từ sàn đến trần, soài mình lên những cành cây họa trên bức bình phong. Đường đi từ cầu thang đến huyền quan không thể nhìn thấy mặt sau của nó, thế nhưng cũng có thể mường tượng được đó là một góc mát mẻ và thư thái.

Vị thương nhân liếc nhìn từ đằng xa: "Lúc vào cửa tôi đã rất muốn nói bức bình phong bằng giấy thời Đường của cô trông đẹp lắm, là thời kỳ Heian của Nhật Bản đúng chứ?"

Bùi Tân Di cười tán thưởng: "Trương tiên sinh quả là có con mắt tinh tường."

"Tôi cũng nghiên cứu đôi chút về đồ cổ Nhật Bản."

Vị thương nhân nói rất nhiều, nhưng cô nghe tai trái lại lọt qua tai phải, vừa lịch sự ậm ừ vừa tiễn ông ta ra huyền quan.

"Cảm ơn, Bùi tiểu thư."

"Ông khách sáo quá rồi, đáng nhẽ tôi là người nên cảm ơn mới phải."

Các vị khách hoan hỉ rời đi. Bùi Tân Di đưa lưng về phía bức bình phong, dưới ánh tà dương nhen nhóm một sợi khói mảnh nhỏ, bãi cỏ ngoài cửa sổ đình viện được tỉa tót bằng phẳng, không có quá nhiều hoa lá và cây cối.

Trợ lý đứng ở đằng trước cô, khua tay vẽ vời vài cái trong không khí.

Bùi Tân Di khẽ gẩy tàn thuốc lá, dịu giọng trả lời: "Máy tiện trong xưởng thép của Trương tiên sinh được nhập khẩu từ Đức. Tàu chở hàng sẽ đi qua lãnh hải Việt Nam trong một thời gian dài, vậy nên tàu Đại Lục không phải là lựa chọn tốt nhất. Có điều hiện tại chẳng còn cách nào khác... Những thứ khác cậu tra ra được chưa?"

Cậu trợ lý lại diễn tả bằng ngón tay, tựa như muốn nói: "Trương tiên sinh có con trai."

"Mấy tuổi?"

Trợ lý lắc đầu, làm điệu bộ "Mười sáu".

Bùi Tân Di liếc cậu ta một cái: "Cậu thấy còn quá nhỏ? A Sùng, bớt thương hại kẻ khác đi. Tìm thời cơ 'mời' nó đến đây, đề phòng trường hợp bất đắc dĩ."

Trợ lý khẽ sựng lại, lúc sau mới gật đầu.

Tiếng chuông bất thình lình reo lên, phát ra từ chiếc điện thoại di động nằm trong hốc phía Bắc của bức bình phong. Bùi Tân Di đi đến nhận cuộc gọi, đầu dây bên kia vang lên một giọng hồ hởi của chàng trai trẻ tuổi: "Em Sáu?"

Nghe thấy tiếng gọi này, cô cười mỉa một tiếng: "Anh yên tâm, vấn đề thuyền đã giải quyết xong xuôi."

Đối phương bỗng khựng lại chốc lát: "Chỉ sợ lô này không đi được."

Bùi Tân Di nhíu mày: "Anh lại làm gì rồi?"

"Cha bảo em về, có việc gấp cần nói."

Vứt ống nghe về chỗ cũ, Bùi Tân Di thông báo với người phía sau: "Đến vịnh Repulse."

Trợ lý lại khua tay: "Cậu Năm lại gây tai họa rồi?"

"Sợ rằng còn phiền phức hơn thế." Bùi Tân Di rũ mắt cười trừ: "Người thu dọn cục diện rối rắm là tôi, người nhảy vào vũng nước đục cũng là tôi, trong mắt lão gia làm gì có tôi chứ."

***

Vịnh Repulse, mặt sau của vịnh dựa vào phía Nam núi Thái Bình, ôm trọn bãi biển dài cong cong - dinh thự của bà Hai cũng tọa lạc tại đây. Bùi Tân Di chưa bao giờ thuận mắt người đàn bà này một giây một phút nào, cô coi bà ta như kẻ thù truyền kiếp, ít khi nào tới cửa chào thăm nhau. Chẳng hiểu sao cha cô có thể sống một cuộc đời bị sắp đặt giống hệt trong nhà tù như thế: hôm nay ăn tối với bà Hai, ngày mai phải đến chơi phòng bà Ba, không được phép cũng không thể thay đổi.

Bùi Hoài Vinh năm nay đã bảy mươi có lẻ, sinh ra ở vùng này, nguyên quán tại Quảng Đông. Ông vốn ngậm thìa vàng ra đời, phải tội chưa hưởng được bao năm phú quý của thiếu gia nhà giàu thì cha ông chú bác đã táng gia bại sản vì đầu cơ chứng khoán. Thất thế, các cụ đành phải gồng gánh gia đình chạy xuống Việt Nam để trốn nợ. Khi chiến tranh nổ ra, ông bèn chớp lấy thời cơ dựng lại một con thuyền tàn tạ rồi trở về quê hương, sau đó thành lập nên công ty vận chuyển Hoài An, một mình tự lực cánh sinh đảm đương hết mọi công việc nguy hiểm. Nhờ vào việc làm giàu từ buôn bán vận chuyển, ông linh hoạt đầu tư vào các chuỗi cửa hàng bán lẻ, nhúng chân cả vào giới bất động sản. Thành thử đến những năm 60, ông đã trở thành ông trùm khét tiếng khắp Hồng Kông.

Tuy nhiên, không ai đoán trước được thời thế, vào những năm 80, chỉ số Hang Seng bỗng đột ngột giảm mạnh, Bùi Hoài Vinh lần đầu tiên rơi vào vòng xoáy thất bại của đầu tư, nợ nần tới hàng trăm triệu đồng, buộc phải bán tháo cổ phần của công ty, thế chấp cả sản nghiệp, của cải. Mấy năm gần đây, tình hình mới cải thiện đôi chút. Chẳng thế mà người ta thường hay nói, yếu trâu còn hơn khỏe bò (*). Cầm cự qua được thời kỳ gian nan nhất, cả nhà họ Bùi cuối cùng lại có nhà sang để ở, áo gấm để mặc, an nhàn mà hưởng thụ cuộc sống.

(*) 𝘕𝘨𝘶𝘺𝘦̂𝘯 𝘷𝘢̆𝘯 𝘭𝘢̀ 瘦死的骆驼比马大: 𝘭𝘢̣𝘤 đ𝘢̀ 𝘨𝘢̂̀𝘺 𝘭𝘰̛́𝘯 𝘩𝘰̛𝘯 𝘯𝘨𝘶̛̣𝘢, 𝘺́ 𝘯𝘰́𝘪 𝘵𝘩𝘢̀ 𝘮𝘦́𝘰 𝘮𝘰́ 𝘯𝘩𝘶̛𝘯𝘨 𝘤𝘰́ 𝘤𝘰̀𝘯 𝘩𝘰̛𝘯 𝘬𝘩𝘰̂𝘯𝘨

Về phần vốn hóa ban đầu Bùi Hoài Vinh dùng để thành lập công ty rốt cuộc rót từ đâu, trên phố rỉ tai nhau vô vàn những phiên bản khác nhau, nhưng chẳng ai trong số đó có thể nhận định được rõ ràng. Dạo ấy, lời đồn được lưu truyền rộng rãi nhất chính là: Bùi Hoài Vinh và em trai cùng nhau dốc sức làm ăn ở Việt Nam, khốn thay gần đến lúc thành công thì ông ta lại phản bội em mình để độc chiếm tiền vốn. Về sau ông ta không đặt chân lên mảnh đất ấy nữa, từ đó tình máu mủ ruột rà cũng cắt đứt triệt để. Việc này lại càng chứng thực thêm một điều, giữa hai anh em nhà họ Bùi đã xảy ra bất hòa và mâu thuẫn rất lớn.

Song thực hư thế nào, chỉ người Bùi gia mới có thể tường tận.

Bóng đêm bao phủ, trong nhà rất yên tĩnh, người giúp việc dẫn Bùi Tân Di đến sảnh phụ. Bấy giờ, có một già một trẻ đang ngồi trên ghế sô pha nhung, không thấy nữ quyến đâu.

Cô đánh phịch một cái xuống sô pha đơn ở lầu một, chân phải gác lên chân trái, tự nhiên như lãnh địa của mình. Không thèm chào hỏi bất cứ ai, cô vào thẳng luôn vấn đề: "Có chuyện gì vậy cha?"

Bùi Hoài Vinh nhuộm tóc đen nhánh, bận bộ âu phục màu trắng đục, tay cầm ba-toong bạc đầu hổ, trông dáng điệu như thân sĩ thời xưa. Ông hiếm khi để lộ vẻ mệt mỏi, trong mắt chưa từng có sự khiển trách hay quở mắng, cũng không hề ra dáng vẻ bề trên, chỉ bình tĩnh thông báo: "Nguyễn Nhẫn Đông chết rồi."

Vị trẻ tuổi bên cạnh liền vội vàng xen vào: "Cha à, Nguyễn Nhẫn Đông chỉ mới ba bảy tuổi, chắc chắn bị người ta mưu sát..."

Bùi Tân Di nghe thấy từ "mưu sát", ngay lập tức cong khóe môi nói kháy: "Em nghĩ đáng lẽ anh nên đi làm cảnh sát mới đúng."

Chính là người mới rồi gọi điện thoại cho cô - con trai của bà Hai, Bùi An Tư. Tướng mạo nhìn sơ trông có vẻ bình thường nhưng khắp người lại toát ra phong thái của kẻ quần là áo lụa được nuông chiều từ bé. Anh ta tức giận chỉ tay về phía cô, nhe răng nhếch miệng cả buổi trời, song chỉ lúng búng phun được đúng một chữ, "Em!!!"

Bùi Hoài Vinh vội đè bàn tay ấy xuống, đề phòng bọn họ lại cãi vã: "Tân Di, con đến đó một chuyến đi."

Bùi Tân Di làm thinh, một lát sau mới thủng thẳng đáp: "Chuyện ở Việt Nam là do anh Năm quản lý, không phải phần của con."

Bùi Hoài Vinh ngậm ngừ vẻ không vui, gằn từng tiếng rành rọt: "Vậy con có nghe lời không? Đừng tưởng cha không biết, mỗi lần thằng Năm gây họa toàn ỷ lại vào con, tuyến hàng giao cho nó đảm nhiệm, một đường cũng không thể giữ nổi."

Bùi An Tư ong ong đầu bóp trán, đành bấm bụng lên tiếng: "Tân Di chỉ xử lý chuyện nhỏ ở bến tàu, tình hình nhà họ Nguyễn hiện tại nó không biết gì cả."

Bùi Hoài Vinh nghe vậy quắc mắt chửi đông đổng: "Thằng cống rãnh máng xối, đến phiên mày nói đấy! Tự mày suy tính cho rõ ràng, trước tiên xử lý đại hội cổ đông ngày mai đã."

Bùi Tân Di nghe thế bỗng phì cười ngặt nghẽo: "Được rồi, mấy người chẳng ai rảnh rỗi cả, con rể chết thật không đúng lúc." Không đợi cha trách rầy, cô hỏi tiếp: "Nguyễn Nhẫn Đông chết như thế nào?"

Bùi An Tư trả lời: "Vẫn chưa biết. Chị Tư khóc sướt mướt trong điện thoại, nói năng không rõ ràng, tuy rằng anh ta tàn phế, nhưng sức khỏe luôn ổn định, huống hồ chị Tư còn hết lòng chăm sóc... Chắc chắn là do tên kia làm."

"Tên kia?"

"Em nghĩ kỹ lại xem, nhà họ Nguyễn chỉ có hai đứa con trai. Một khi Nguyễn Nhẫn Đông chết thì có lợi với ai nhất? Đương nhiên là Nguyễn Quyết Minh rồi."

Bùi Tân Di liếc anh ta một cái xanh rờn: "Cho dù là mưu sát thì bà Nguyễn cũng khó tránh khỏi vòng tình nghi."

Bùi An Tư e dè nhìn cha rồi mới hạ giọng cáo: "Em vốn dĩ không biết Nguyễn Quyết Minh là ai. Cậu ta mới chỉ gia nhập nhà họ Nguyễn mười năm đã nuốt chửng cả một nửa Lai Châu. Bác Nguyễn là 'Phật gia', hắn chính là 'Phật Đao', ngay cả chú Lương cũng gọi hắn một tiếng 'Đao ca'."

"Đủ rồi!" Bùi Hoài Vinh bực tức quát một tiếng, cổ họng cũng ho khan dữ dội.

"Cha à!" Hai đứa con thấy vậy liền vội vàng vây tới, đứa thì vỗ nhè nhẹ lên lưng ông, đứa thì nhanh chóng lấy hộp thuốc.

Bùi Hoài Vinh khó khăn nuốt trôi viên thuốc xuống, chầm chậm thả giọng nói: "Đàm tiếu mấy chuyện này có ích gì, người nhà họ Bùi bắt buộc phải đến đó."

Bùi Tân Di vẫn giữ một sắc thái bình tĩnh: "Phải đợi đến mấy ngày?"

Bùi Hoài Vinh cũng không nói rõ, chỉ dặn dò qua loa: "Lễ nghi phải chu toàn, xử trí mọi chuyện cho thỏa đáng."

Bùi Tân Di "Vâng" một tiếng, không nhiều lời bèn lạnh nhạt cáo từ.

Bùi An Tư tốt bụng tiễn cô ra tận cửa, vừa đi vừa lèm bèm: "Anh chưa từng nói chuyện trực tiếp với Nguyễn Quyết Minh, nhưng nghe chị Tư kể..."

Bùi Tân Di ngắt ngay lời cái người đang dông dài: "Khỏi cần phải tình báo với em. Anh sợ em cướp chuyện làm ăn của anh hay lo lắng em không về được, sau này không có ai lo lót hậu sự cho anh nữa?"

"Em dầu gì cũng là em gái anh... Anh tìm bố già mượn người bảo vệ em không được à?"

"Em đi bàn chuyện làm ăn, mang theo đám lâu la làm gì."

"Sau khi hội nghị đại cổ đông kết thúc, anh sẽ lập tức bay qua đấy. Cầm hàng trong tay của 'Phật Đao' đâu dễ dàng đến thế."

"Kể ra anh ta cũng có khí khái của anh hùng."

Thẳng thắn mà nói thì Bùi Tân Di không biết quá sâu sát về "Phật Đao", nhưng ít nhiều cũng hiểu được một câu viết về Lỗ Đề Hạt(*) trong tập "Thủy Hử truyện" - 𝑐𝑎̂𝑦 𝑡ℎ𝑖𝑒̂̀𝑛 𝑡𝑟𝑢̛𝑜̛̣𝑛𝑔 𝑚𝑜̛̉ 𝑚𝑜̣𝑖 đ𝑢̛𝑜̛̀𝑛𝑔 ℎ𝑖𝑒̂̉𝑚 𝑡𝑟𝑜̛̉, 𝑡ℎ𝑎𝑛ℎ 𝑔𝑖𝑜̛́𝑖 đ𝑎𝑜 𝑑𝑖𝑒̣̂𝑡 ℎ𝑒̂́𝑡 𝑚𝑜̣𝑖 𝑏𝑎̂́𝑡 𝑐𝑜̂𝑛𝑔.

Thật kiêu ngạo xiết bao, anh ta là ai mà dám vỗ ngực tự xưng mình là "Phật Đao"!

(*) 𝘓𝘰̂̃ Đ𝘦̂̀ 𝘏𝘢̣𝘵 𝘤𝘩𝘪́𝘯𝘩 𝘭𝘢̀ 𝘓𝘰̂̃ 𝘛𝘳𝘪́ 𝘛𝘩𝘢̂𝘮

~~~

P/s: "Nam Dương" là thuật ngữ được sử dụng từ thời nhà Minh để chỉ các quốc gia Đông Nam Á gần Biển Trung Hoa, bao gồm quần đảo Malaysia, Singapore và quần đảo Indonesia, cũng như các khu vực ven biển của bán đảo Đông Dương và các tỉnh phía Nam của Trung Quốc Đại lục.

Tiện đây thì trong tiếng Hoa, Tây Dương chỉ các nước Châu Âu, Đông Dương chỉ Nhật Bản và Bắc Dương để chỉ Nga.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro