[Sách] Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya" – món ăn tinh thần đầu năm 2019 của mình. Một tác phẩm hay với nhiều câu chuyện ý nghĩa về cuộc sống, xen vào đó là yếu tố kỳ ảo, bí ẩn nhưng vẫn rất hợp logic. Đây là lần đầu tiên mình đọc Higashino Keigo và rất tâm đắc cách kể chuyện của ông đối với thể loại này. 

Tác phẩm được chia thành 5 chương với mỗi chương là câu chuyện về một nhóm nhân vật khác nhau. Các nhân vật xuất hiện đều đóng vai trò quan trọng góp phần giải thích cho chuỗi sự kiện chính, tạo nên sự liên kết chặt chẽ. Điều mình thích nhất là truyện đưa ra nhiều chi tiết nhưng không dư thừa, mỗi yếu tố được đề cập đều mang một ý nghĩa nào đó. Với giọng văn bình tĩnh và lối viết gãy gọn, tác giả đã khéo léo kể chuyện ở những mốc thời gian và không gian khác nhau, gắn kết những câu chuyện tưởng chừng riêng rẽ thành một khối chắn chắn để đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Các câu chuyện thật sự khiến mình tò mò, phải đặt mình vào cảm xúc nhân vật để đưa ra giải pháp và suy đoán.

Truyện bắt đầu với ba tên trộm tình cờ tá túc tại một tiệm tạp hóa bỏ hoang trên đồi. Tại đây, họ nhận được những lá thư nhờ tư vấn kỳ lạ, qua đó khám phá được bí ẩn xoay quanh tiệm tạp hóa và chủ nhân của căn nhà họ vừa trộm.

Qua câu chuyện của những người nhờ tư vấn, nhiều vấn đề trong cuộc sống được đặt ra và giải quyết một cách nhân văn. Vui có, buồn có, éo le cũng có, câu chuyện nào cũng để lại một dấu ấn. Mình hồi hộp giở từng trang sách, theo dõi câu chuyện của từng nhân vật. Có những trang khiến mắt nhòe ướt, có những trang khiến tim thắt lại, và có những trang khiến mình không nén được sự hào hứng.

Một người khi đứng trước sự lựa chọn thường đã có quyết định của riêng mình, họ nhờ tư vấn chỉ để xác nhận điều đó là đúng. Đôi khi, nói ngược lại điều họ nghĩ khiến họ giải bày nhiều hơn và từ đó nhận ra hay càng chắc chắn hơn mong muốn thực sự của bản thân.

Người tư vấn ở đây đóng vai trò người lắng nghe và khơi gợi để người gặp rắc rối hiểu bản thân mình hơn. Người quyết định cuối cùng vẫn là họ.

Không có quyết định nào là đúng hay sai, mọi việc trở nên tốt hơn hay xấu đi do chính ý chí, hành động sau đó của người đưa ra quyết định. Mỗi người tự điều khiển cuộc đời mình, nếu ta có cái nhìn tích cực cùng sự cố gắng thì sớm muộn kết quả sẽ tốt đẹp.

Đó là một số triết lý mình rút ra được từ cuốn sách. Ngoài ra, truyện còn giúp mình hiểu thêm tâm lý con người và cập nhật kiến thức về kinh tế, âm nhạc giai đoạn từ thập niên 80 đến nay. Mình thậm chí đã tìm nghe lại nhạc The Beatles sau khi đọc xong truyện.

Mình nghĩ cái hay của truyện là sự bao quát mọi khía cạnh cuộc sống. Có chuyện về gia đình, có chuyện tình yêu, có chuyện về xã hội. Các nhân vật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau từ vận động viên thể thao, nhạc sĩ đến doanh nhân, từ cậu ấm nhà giàu đến những đứa trẻ thiếu may mắn sống ở trại trẻ, hay đơn giản chỉ là một giáo viên từng rất ghét làm bài kiểm tra khi còn nhỏ. Sự đa dạng giúp câu chuyện thực tế và thuyết phục hơn, và giữa các nhân vật dường như có một sợi dây liên kết. Mình luôn thắc mắc tại sao các nhân vật lại trùng hợp quen biết nhau, nhưng hoá ra, đó không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên mà mối liên kết giữa tiệm tạp hóa và trại trẻ Marumitsu chính là kết quả của mối tình không thành giữa ông Yuji (chủ tiệm tạp hóa) và bà Akiko (người đầu tư xây dựng trại trẻ). Tác giả đã khéo léo dẫn dắt khiến người đọc tò mò để rồi gật gù phát hiện chi tiết này ở chương cuối.

Bên cạnh tình thân, truyện còn cho thấy sức mạnh của tình người và sự chia sẻ lẫn nhau. Đó là những con người xa lạ sẵn sàng giúp nhau hết lòng, và sự giúp đỡ tinh thần ấy có ý nghĩa lớn hơn hết thảy mọi sự đóng góp vật chất. Bên cạnh đó, lối sống và suy nghĩ sâu sắc của người Nhật cũng được thể hiện qua văn hóa viết thư. Những dòng thư chia sẻ là điều cần thiết để xoa dịu tâm hồn con người trong thời buổi bận rộn ngày nay. Bây giờ còn mấy ai dành thời gian đặt bút viết một lá thư gửi người thân hay bạn bè? Công nghệ phát triển khiến trao đổi thông tin dễ dàng hơn, nhịp sống của con người cũng nhanh hơn và một cuộc gọi hay vài dòng tin nhắn tưởng chừng là đủ. Cũng chính vì thế mà người ta càng chai lì về cảm xúc và sống tách biệt nhau hơn.

Gấp lại cuốn sách, mình thấy ấm lòng và cảm động, đồng thời có một cái nhìn sâu sắc nhưng tích cực hơn về cuộc sống. Đoạn mình tâm đắc nhất là lời hồi âm của ông Yuji gửi nhóm Atsuya vào hồi cuối trước khi mối liên kết kỳ diệu đóng lại. Lời khuyên của nhà tư vấn trong quá khứ gửi các nhà tư vấn ở hiện tại, là sự trao đổi duy nhất giữa họ kể từ đầu truyện. Atsuya gửi bức thư trắng chỉ để kiểm tra hoạt động của khe nhận thư, nhưng ông Yuji vẫn tiếp nhận nó và nghiêm túc suy nghĩ câu trả lời như ông vẫn thường làm. Ông đã đưa ra cho ba chàng trai một gợi ý, cũng là một lời động viên quý báu:

"Nếu ví những người nhờ tôi tư vấn là kẻ lạc đường thì phần đông trong số họ ở tình trạng có bản đồ nhưng không chịu xem hoặc không biết vị trí hiện tại của mình."

"... Bản đồ của bạn vẫn còn là tờ giấy trắng. Bạn đang ở trong tình trạng dù rất muốn quyết định đích đến nhưng lại không biết đường đi nằm ở đâu."

"...Vì còn là giấy trắng nên bạn có thể vẽ bất kỳ bản đồ nào. Tất cả là tùy ở bạn. Mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời."

03/02/2019

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro