The light between oceans- Ánh đèn giữa hai đại dương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi tôi đang viết vài dòng về bộ phim này, thật lòng với bạn, rằng tôi không ngừng rơi nước mắt. "The light between oceans", là bộ phim hôm nay tôi muốn kể cho bạn nghe.


Là một người lính trở về từ cuộc chiến tranh khốc liệt, Tom Sherbourme xin được điều đến Janus, ngọn hải đăng nằm giữa những đại dương, với công việc giữ cho ngọn hải đăng luôn sáng đèn trong những đêm tối để dẫn lối cho những con thuyền đi lạc trên đại dương mênh mông. Và ở một thị trấn nhỏ gần Janus anh đã gặp được Isabel Graysmark.


Tôi thấy ánh mắt của anh đầy hoang mang khi đứng trước Janus, nơi mà anh phải trãi qua từng tháng ngày đơn độc, nhìn chiếc thuyền vừa mới chở anh cặp bến đang từ từ bỏ anh lại. Thấy cách anh thản nhiên nói rằng "Đi đánh trận cũng nhẹ nhàng hơn khi biết ở nhà chẳng ai quan tâm nếu biết tin tôi chết trận" . Có lẽ chính bởi những điều đó mà Isable bị thu hút bởi anh, điều gì khiến cho một người đàn ông chỉ muốn tìm lấy một nơi không một ai khác mà sống để đừng tổn thương thêm bất cứ người nào? Cô ấy thấy anh khác biệt, cô muốn hiểu anh, muốn gần anh và muốn cùng anh "trốn" ở Janus.


"_Hãy đưa em đến Janus.


_Như vậy là trái luật. Chỉ có vợ của người canh giữ hải đăng mới được đến Janus.


_Vậy hãy cưới em đi!


_Em điên rồi mới bảo tôi cưới em."


Tôi biết chính vào giây phút này, Tom đã mở cánh cửa lòng mình sẵn sàng đón lấy tình yêu, và đồng thời bởi vì sự vắng vẻ của Janus đã khiến anh nhận thức ra rằng, anh nhớ cô, và anh muốn có cô.


Nhưng có nhau là chưa đủ, họ thèm khát một thứ gì đó, một em bé, một kết tinh dành cho tình yêu của hai người họ.


Tôi nghĩ mọi sai lầm đều bắt đầu từ một điều gì đó, và tôi nghĩ sai lầm kéo theo những bi kịch nối dài chính là cơn bão lớn đến bất chợt vào năm 1921, lúc Isable đang mang thai và Tom phải làm tròn công việc "thắp đèn" của mình. Ngay trong đêm đó, Isable đã mất đi đứa con đầu tiên của họ, câu đầu tiên cô thốt ra khi Tom phát hiện cô ngất ngoài cửa, chính là "Em xin lỗi".


Tôi từng đọc qua tác phẩm "Ba ơi mình đi đâu" của Jean-Louis Fournier, trong đó từng có một câu làm tôi chấn động và khắc sâu mãi, đó là khi ông phát hiện đứa con thứ hai của mình lại là một đứa trẻ bị tật nguyền, ông đã viết "Cuộc đời tôi có đến hai ngày tận thế". Giây phút biết rằng sự sống của đứa con thứ hai đang trôi tuột khỏi tay mình, Isable đã gào lên "Tom, hãy cứu lấy con bé, xin anh hãy cứu lấy con bé", nhưng trò đùa của số mệnh, ai có thể ngăn lại được, có lẽ tâm trạng của Isable và Tom lúc ấy còn tệ hơn cả Jean, họ đã không còn hy vọng.


Janus, nơi ấy đẹp đẽ, vắng lặng, yên bình như tình yêu của họ, nhưng Janus không đủ đầy, Janus thiếu thốn về vật chất, về những điều cần thiết cho một người mẹ sắp sinh con. Tom cảm thấy bản thân mình có lỗi vì đã đưa cô đến đây, hứa hẹn với cô vè một mái ấm, nhưng ở Janus, anh chỉ có thể cho đi tình yêu và sinh mạng mình, anh không thể làm gì khác, như cái cách anh hỏi trong vô vọng khi Isable bảo anh cứu đứa bé "Anh phải làm gì? Isable, nói anh nghe bây giờ anh phải làm gì?".


Lucy đến với họ như một món quà của quỷ dữ, đích thị là một món quà, nhưng lại là một sai lầm. Họ không nên bế lấy Lucy, họ không nên che giấu bí mật về con thuyền nhỏ trôi dạt vào bờ với một người đàn ông đã chết ôm một bé gái và chôn đi người đàn ông đó, họ không nên tự lừa đối Lucy là con ruột của mình, họ không nên, không nên rất nhiều thứ, nhưng họ đều đã làm tất cả những điều không nên.


Hannah, mẹ ruột của Lucy từng hỏi Tom, khi anh đang bị bắt giam với tội danh "Giết người và bắt cóc trẻ em" rằng "Anh có từng hối hận chưa?". Tom bảo "Không lời nào diễn tả được". Không có ai đúng ai sai, chỉ là vào giây phút đó họ tin vào việc làm của mình.


Tình yêu của Tom đối với Isable tựa như chính ngọn hải đăng mà anh đang thắp sáng từng ngày, vững vàng ở nơi đó, cho dù cô hận anh, không đứng ra làm chứng giúp anh rằng anh không giết người, anh vẫn một mực bảo vệ và yêu cô, anh nói, anh vốn nên chết ở trên chiến trường, nhưng anh đã gặp cô, cho nên chết bây giờ cũng chẳng có gì đáng tiếc. Anh sẽ không xin pháp luật khoan hồng, cũng không nói rằng mình vô tội. Anh chỉ muốn dù "lý" hay "tình" cũng hãy dịu dàng đối xử với cô gái anh yêu, bởi vì anh biết cô đã chẳng còn gì.


Khi Isable đã già và sắp lìa khỏi cõi đời đã hỏi anh "Anh nghĩ Chúa tha thứ cho em không?" Tôi không biết rằng câu trả lời của Tom có giúp cho cô thanh thản ra đi không, nhưng tôi biết cô đã sống một cuộc đời mà không hối tiếc điều gì về tình yêu, về người bạn đời của mình. Sau khi Isable ra đi, Tom sống đơn độc ở một căn nhà nhỏ, ngồi trên chiếc ghế bành tre, nhìn ngắm về phía mặt trời đang dần dần lụi tàn chính là đoạn kết của bộ phim, đoạn kết ấy đến bây giờ vẫn để lại ấn tượng trong lòng tôi. Có lẽ vì ánh mắt của MICHAEL FASSBENDER quá chân thật, ánh mắt anh dễ dàng khiến người khám đắm chìm nên khi vào vai Tom, anh đã chính là Tom mà không ai có thể thay thế được, dù là hoang mang, dù là sợ hãi, hay vui mừng, cả bất lực đều là sự chân thật toát lên từ chính con người anh. Cũng như Michael, lúm đồng tiền khi cười rộ lên của ALICIA VIKANDER, cũng đã khiến người xem phải chết ngất trước sự xinh đẹp và thanh thoát của cô, khiến cho người khác dễ dàng mở rộng lòng mình đón nhận tình cảm từ cô, lúm đồng tiền của cô tựa như liều thuốc chữa lành những nỗi đau.


Cảm ơn Stedman đã mang đến một tác phẩm tuyệt vời như thế này, xin thứ lỗi vì trình độ ngôn ngữ hạn hẹp của tôi không biết có phá hủy mất một tác phẩm đẹp đến thế này không, nhưng tôi thật sự trân trọng tác phẩm này, và tôi muốn chia sẻ nó. "Một cuốn sách hay là một cuốn sách khiến chúng ta muốn chia sẻ với tất cả mọi người", một bộ phim hay, cũng thế.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro