#4T: THIÊN HẠ LÀ NÀNG

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

PLOT TWIST CỰC MẠNH VÀ CẢNH BÁO SPOILER

Thể loại: Dã sử, cổ trang, ngôn tình
Tác giả: Nhuận Y

Tui không mấy khi đọc tiểu thuyết dã sử dài dằng dặc thế này, có chăng chỉ là truyện ngắn hoặc oneshot. Nhưng vì đã bỏ ra hai ngày rưỡi để đắm chìm trong Thiên Hạ Là Nàng, tui quyết tâm xách mông lên để viết được một bài review đầy tâm huyết T^T.

Nói sơ qua một chút cho những ai chưa biết, Thiên Hạ Là Nàng lấy bối cảnh Đại Việt thời Hậu Lê nhiều năm sau khi chống giặc Minh thắng lợi. Vua Lê Thái Tông có được bốn người con trai là Nghi Dân, Khắc Xương, Bang Cơ và Tư Thành. Câu chuyện của chúng ta xoay quanh về mối tình bùng binh giữa một tiểu thư thất thế với bốn anh tài này cùng những mưu mô hoán vị, trả thù, tiếm ngôi, tranh quyền đoạt chức,...

#Góc_khai_sáng:

+ Nghi Dân vốn là thái tử con trưởng vua Lê Thái Tông, sau mẹ là Dương Thị Bí thất sủng, bị biếm làm Lạng Sơn Vương. Sau đảo chính giết vua Diên Ninh, lên làm Hoàng đế, hiệu là Thiên Hưng (sử gọi là biến Diên Ninh). Ở ngôi được 8 tháng thì bị quần thần giết chết. Đó là lý do mà chúng ta không biết gì về ông này, vì ổng không được chính sử công nhận.

+ Bang Cơ thay vị trí của Nghi Dân ở Đông cung, không lâu sau thì Thái Tông mất, lên ngôi Hoàng đế lúc 2 tuổi. Mẹ là Thái hậu Nguyễn Thị Anh buông rèm nhiếp chính, đến 12 tuổi trao trả binh quyền. Lúc chấp chính lấy hai niên hiệu lần lượt là Thái Hoà và Diên Ninh, mất năm 18 tuổi, hiệu là Nhân Tông.

+ Tư Thành: con trai của Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao, ra đời vào năm Thái Tông băng (1442) ở chùa Huy Văn. Sống lưu lạc trong nhân gian, sau được Thái hậu Nguyễn Thị Anh gọi về cung, phong làm Tân Bình Vương. Sau biến Diên Ninh, quần thần không phục Thiên Hưng đế, bèn đảo chính giết hại (sử gọi là biến Thiên Hưng), tôn Tư Thành lên làm vua, chính là vua Lê Thánh Tông vĩ đại bậc nhất trong lịch sử, đưa chế độ phong kiến nước ta lên bậc phồn vinh. Thời vua trị vì lấy hai niên hiệu Quang Thuận và Hồng Đức.

Đó là tóm hết sức tóm rồi ớ :v

Khai sáng chút cho mấy mẹ là Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông là miếu hiệu, nghĩa là sau khi vua băng mới gọi bằng tên đó, chứ lúc người ta còn sống sờ sờ thì chưa được đâu nha :))

Nội dung

Trịnh Viên Phúc là con gái cưng của Khai quốc công thần Trịnh Khả. Nàng có một tuổi thơ êm đẹp bên cha và anh trai Bá Quát, cùng các bằng hữu là Tân Bình Vương Lê Khắc Xương, Ly Khánh, Tiêu Phong và đặc biệt nhất là ấu chúa Bang Cơ. Viên Phúc thân hình mũm mĩm, tính cách khảng khái, vô tư, thích học về Tứ Thư, Ngũ Kinh hơn là Nữ hồng, thích rong chơi đàn đúm hơn là ở trong khuê phòng, thích nghe cha kể về những cuộc chinh chiến hơn là tập tành nữ công. Chính con người này của nàng đã làm nên một bóng hình tri kỷ không nhỏ trong lòng Bang Cơ. Nàng thường hay vào cung chơi với hắn, kể cho hắn nghe những chuyện trên trời dưới đất, nằm bò ra bàn để ngắm hắn đọc sách, vân vân và mây mây.

Tai hoạ ập đến Trịnh gia vào một ngày ảm đạm. Đó là khi chiếu tru di tam tộc được ban ra với tội phản loạn, không qua xét xử của Hình bộ mà thẳng đến pháp trường. Viên Phúc, không biết là hên hay xui, được cha sai vào mật thất lấy sách nên bảo toàn tính mạng (nhưng mà tui cứ nghi là ông Trịnh Khả đã biết sắp có hoạ ập xuống đầu rồi á). Khi ra được bên ngoài, nàng vô cùng bàng hoàng trước những điều vừa xảy đến. Xác định kẻ thù gây ra thảm kịch diệt môn là Hoàng thượng và Thái hậu, cộng với sự xúi dục của Tân Bình Vương, nàng cùng Tiêu thẩm và Tiêu Phong là những người thân quen còn lại tiến về Lạng Sơn, núp dưới trướng Lê Nghi Dân để phục thù.

Dưới danh nghĩa biểu muội của Lạng Sơn Vương, Viên Phúc ra sức học nấu ăn, sau đó lại dành thời gian lên núi bái sư học nghề thuốc. Phạm y sư tính cách lập dị, biết Viên Phúc sử dụng y thuật vào việc bất chính thì không muốn nhận, nhưng sau khi biết nàng là con gái của Trịnh Khả liền thay đổi thái độ, dốc công giúp nàng, còn truyền lại bí thức chân truyền của Phạm gia: một loại thuốc độc liều nhẹ khiến con người ta sinh ra ảo giác, dễ dàng nói ra chuyện giấu kín nếu bị dẫn dụ, nặng hơn sẽ điên điên dại dại dẫn đến uất ức mà chết. Thật là đúng với mong mỏi của Viên Phúc, nhất là khi trong lòng nàng mối thù nhà đang sánh ngang với tình cảm dành cho Bang Cơ. Nàng những mong những chuyện trước đó là hiểu lầm, những mong Bang Cơ không phải là người ra chiếu chỉ cắt hết dây sinh mạng của gia tộc nàng. Với lời hứa sẽ lót đường đến ngôi vị Hoàng đế cho Nghi Dân, nàng tự tin tiến cung dưới lốt ngự trù Tiêu Yên Hà, ngày đêm suy tính biết bao việc để đầu độc Bang Cơ và Thái hậu.

Nhưng Bang Cơ giờ đây khác xa so với Bang Cơ của bảy năm trước, vẫn ôn hoà như thế, vẫn bao dung như thế, nhưng tính cách thì lạnh nhạt và thâm trầm đi ít nhiều. Nàng tưởng hắn không nhận ra được nàng chính là Viên Phúc - bạn thanh mai trúc mã, vì tính tình, thái độ và diện mạo đã đổi thay nhiều. Nhưng Bang Cơ là người cao tay, hắn biết hết tất cả từ thân thế, hành động lẫn mục đích của Viên Phúc, nhưng vẫn tảng lờ như không, một mặt giữ nàng ở bên, một mặt bảo vệ mình và Thái hậu mà hắn yêu kính. Thức ăn có độc của nàng, hắn đều kín đáo cho chó ăn. Đến khi phát hiện ra, Viên Phúc thất vọng vô cùng, bao nhiêu công sức đổ sông đổ biển, mà tình cảm với Bang Cơ cứ ngày một lớn dần...

Xen kẽ câu chuyện là sự xuất hiện của những nhân vật mới. Một tên công công loắt choắt Tiểu Khoái Tử, tưởng chừng vô hại nhưng thực chất là tâm phúc của Thái hậu; một loạt nữ hầu nội gián như Nhị Trúc, Tứ Mai, Khiêm Nhàn, Liêu Bích,...; những thân thủ bậc nhất như Thái giám Tổng quản Đào Biểu, La Hinh,...

Nhiều sóng gió, hãm hại và mưu toan đã đẩy lên người Viên Phúc, và nàng cũng đã dùng nó để phản công lại nhiều người. May mắn, Bình Nguyên Vương phải lòng nàng, nhiều lần che chở cho nàng trong các biến cố, nhưng lòng nàng lại mãi chỉ thuộc về một mình Bang Cơ. Khi biết được Bang Cơ là kẻ bị động trong thảm hoạ diệt tộc năm xưa, lại còn vì tưởng mất nàng mà dở điên dở dại, Viên Phúc cảm động vô cùng, nhưng thù nhà chẳng thể buông, nàng vẫn âm mưu vạch trần tội lỗi để tiêu diệt Thái hậu. Bang Cơ biết nàng đa mưu, nàng cũng hiểu hắn lắm kế. Cả hai chưa bao giờ thành thật hết mọi chuyện, rằng nàng đang suy tính điều gì, rằng hắn định đối phó với âm mưu tạo phản của Lạng Sơn Vương thế nào, nhưng dường như cả hai luôn thấu hiểu, luôn bao dung và che chở cho nhau, luôn không muốn đối phương bị thương tổn. Tình cảm giữa họ, ngoài tình yêu, còn có cả tình đồng chí vun đắp từ thuở ấu thơ, cùng nỗi tương tư đi cùng năm tháng mà thời gian không thể xoá mờ.

Chen giữa chuyện tình của hai người, còn có một tiểu thư Hương Ngọc vốn đã vướng vào lưới tình với Thái giám Trần Tinh (người này là con trai Tạ Thanh - kẻ nắm giữ bí mật về thân thế Bang Cơ, chưa qua tịnh thân) lại tự huyễn hoặc vị trí của mình phải là ở ngai phượng; một tiểu thư Tuệ Thư vì biểu ca Bang Cơ của mình, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để hắn có được hạnh phúc; một Bình Nguyên Vương si tình, một lòng gửi trái tim của mình chỗ Viên Phúc; một Lạng Sơn Vương vốn tỏ ra hống hách, bề trên, nhưng thực chất tâm hồn cũng thuộc về nàng suốt những năm thiếu thời ở Lạng Sơn.

Tiêu Phong dưới lệnh của Lạng Sơn Vương, nhiều lần ám sát Bang Cơ bất thành. Thái hậu dựa vào tình cảm mà hắn dành cho Viên Phúc, tạo một cái bẫy, Tiêu Phong bị bắn chết trước mặt Viên Phúc. Một lần nữa, nàng thấm thía thế nào là cảm giác mất đi người thân.

Khi ván cờ đã lật bài, nàng nguyện tha thứ cho Thái hậu, chỉ cần bà ta quỳ gối tạ lỗi trước bài vị Trịnh gia, vì nàng những mong mỏi một cuộc sống bình yên, tự tại bên cạnh người thương của mình. Bang Cơ cuối cùng khi biết thân phận giả long tử của mình, áy náy khôn nguôi. Hắn cho rằng sự tàn ác của Thái hậu, án oan Trịnh gia và cả sự ra đi của các công thần, đều bắt nguồn từ hắn, từ việc mẫu hậu bảo vệ xuất thân của hắn, mặc dù Viên Phúc khăng khăng đó không phải điều hắn muốn, nhưng những mất mát gây ra là quá lớn, vết thương sâu như vậy, biến một Viên Phúc hồn nhiên vô tư thành người thận trọng, mưu mô, gánh trên vai thù nhà, làm sao hắn có thể đối diện với nàng...

Bang Cơ lên kế hoạch cho ngày sau cùng. Hắn cùng Đào Biểu dựng nên một vở kịch, cốt để Viên Phúc và Thái hậu an tâm, rời xa kinh thành, để bảo toàn tính mạng của họ, còn mình ở lại chịu cái chết dưới lưỡi kiếm của Nghi Dân. Viên Phúc khi phát giác ra sự thật, nàng tức tốc quay về trong điên cuồng, nhưng tất cả đã muộn... Đứng trước thi hài của Bang Cơ và nhớ về những ngày thơ ấu, nước mắt Viên Phúc rơi như mưa, không hiểu sao một người mỗi lần bên cạnh nàng đều cảm thấy tin tưởng đến thế, nay lại nỡ lừa dối mình. Hắn đã hứa là che chở cho nàng, cho nàng một cuộc sống tiêu diêu mà nàng muốn, hắn đã hứa là sẽ cùng nàng xây dựng gia đình. Vì hắn, nàng có thể bỏ qua thù nhà, chạy theo tiếng gọi con tim, vậy mà bây giờ hắn lại nằm một chỗ, bình yên, bỏ lại lời hứa hôm nào...

Nghi Dân vốn có tình ý với Viên Phúc, ép nàng ở lại điện Kim Loan (nơi dành cho Hoàng hậu); nàng vì ý nguyện của Bang Cơ là lập Tư Thành lên nên nhẫn nhịn đồng ý. Trong thời gian này, Ly Khánh đến thăm nàng, mọi hiểu lầm được xoá bỏ, hai người trao nhau lời xin lỗi. Không lâu sau, đúng như dự tính của Bang Cơ, Nghi Dân bị đảo chính, Tư Thành lên ngôi và bốn năm sau đó, rửa sạch oan khuất cho Nguyễn tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Những trang sách cuối cùng khép lại...

Dĩ nhiên trong chốn cung cấm, những bất ngờ khi khám phá ra chân tướng thật sự của một nội gián hay một điệp viên hai mang là không cần cũng có. Nhưng plot twit lớn nhất được tác giả cài cắm là Trịnh Viên Phúc không phải con ruột Trịnh Khả. Năm xưa khi Nguyễn Trãi bị xử tru di tam tộc, một người thiếp đang có mang đã trốn được cùng với một người hầu, sau đó đến nương nhờ Trịnh gia. Trịnh phu nhân cũng đang có mang vì không muốn vạ lây nên phản đối kịch liệt, Trịnh Khả không nghe nên bà tức giận bỏ về nhà mẹ. Người thiếp hứa sau khi sinh sẽ ôm đứa bé bỏ đi, nhưng vừa sinh xong đã qua đời. Người ta kháo nhau Trịnh gia đã sinh được một con gái. Đó chính là Viên Phúc, người hầu kia chính là Tiêu thẩm. Còn đứa trẻ trong bụng Trịnh phu nhân hoá ra lại là Tiêu Phong. Viên Phúc biết mình là hậu duệ của Nguyễn Trãi nhưng đến cuối cùng vẫn không biết được ngoài việc trung nghĩa, luôn bảo vệ và che chở, Tiêu Phong ngay từ nhỏ đã đem thân phận cao quý của mình tặng cho nàng, để nàng sống trong nhung lụa, còn mình lại vất vả lang bạt trong nhân gian. Quả là một sự hy sinh còn lớn lao hơn cả Bang Cơ nữa. :((

Nhận xét

Tui tự cho rằng bản thân không phải là một người am hiểu lịch sử, cũng không có một lập trường chính trị rõ ràng, nên tui chỉ nhận xét theo chủ quan của tui thôi, không phải là đánh giá đâu nhá.

Chuyện quá dài không biết nói từ đâu :v

Về plot truyện, chắc chẳng có gì mới mẻ, một motif đáng quên trong ngôn tình, nhưng vì nó được đắp nên bởi lịch sử, và nét văn duyên dáng của tác giả, nên chúng ta có thể bỏ qua cái lõi lớn nhàm chán mà thưởng thức những điều thú vị bên trong.

Về hình tượng, vì thế giới trong Thiên Hạ Là Nàng được tạo nên do Bang Cơ, và vì Bang Cơ nên trong bốn hoàng tử, nhân vật Bang Cơ là nổi bật nhất. Một vị vua hiếu thuận, tình nghĩa, thương dân như con, luôn đau đáu vì an nguy và phồn vinh của Đại Việt. Đã vậy lại còn đập chai nữa chứ :))) Ngài không tiếc công xây dựng một hình ảnh mẫu mực, không sắc dục, không ham chơi, thiết triều xong là về tẩm cung viết chữ, đọc sách; làm việc thì lao lực; nghỉ ngơi thì thứ yếu; tình yêu thì âm thầm mà mãnh liệt, rộng lớn, bao dung; sẵn sàng làm bù nhìn trước mặt đại thần chỉ cốt để nước ổn dân yên. Ở Ngài, tình yêu nam nữ hoà hợp với tình mẫu tử, tình thân và tình yêu nước. Ước nguyện của Ngài ngoài Viên Phúc ra, còn có Đại Việt sánh ngang với Đại Minh, con dân được no ấm, xã hội được trong sạch. Tác giả xây dựng nhân vật Bang Cơ quá tuyệt vời, đặc biệt khi Ngài là một vị vua ít dấu ấn trong lịch sử. Có điều cái chết ở cuối truyện thực chất không phải ngược tâm ngược tình gì hết, mà có lẽ là do sự ích kỷ của Bang Cơ, vì càng nghĩ đến Viên Phúc, càng yêu thương, càng thấy đau lòng, càng thấy có lỗi, càng không thể đối diện. Nói vậy cho văn hoa chứ tác giả kết như vậy có thể là để giữ đúng với lịch sử, chứ gặp tui là tui sẽ để Bang Cơ giả chết (vì ổng cao cơ như thế mà, cái quỷ gì cũng biết, dễ gì chịu thua trước Lạng Sơn Vương). Sau đó giống như Juliet vậy, ổng sẽ tỉnh lại và cùng Viên Phúc cao chạy xa bay, tránh khỏi vương quyền, sống một cuộc đời an lạc. Thật là happy ending :)) Nhưng giải thích theo kiểu tác giả thì Bang Cơ chết vì muốn đền bù tất cả chứ không phải vì thua trí Nghi Dân. Cách giải quyết như vậy vừa hợp với lịch sử, vừa để lại ấn tượng nơi người đọc.

Với Viên Phúc thì không cần bàn nhiều, vì bả là một nhân vật hư cấu. Trong chính sử thì Trịnh gia chỉ có Trịnh Khả và Trịnh Quát là bị bêu đầu thôi. Nhưng biết đâu thật sự có một Viên Phúc trong 9 người con gái của Trịnh Khả :))
Diễn biến tâm lý của Viên Phúc cũng như trong các truyện ngôn tình cùng dạng, lúc đầu vì phẫn uất mà thay đổi, trong lòng chỉ có oán thù, nhưng càng ngày càng nhận ra bên cạnh đó còn có cả yêu thương, còn có cả một tâm hồn lương thiện bị hoàn cảnh đẩy vào bước đường cùng. Đến cuối hành trình, thứ Viên Phúc chọn vẫn là tình cảm với Bang Cơ. Điều này cho thấy thông điệp của tác giả về tình yêu: "Tình yêu là sức mạnh lớn nhất đưa con người vượt lên mọi rào cản trong cuộc đời mà sống một cách trọn vẹn hơn." Thế nhưng bả vẫn ban cho Viên Phúc một kết cục buồn không thể tả :((

Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành, nhân vật chính trong rất nhiều tác phẩm dã sử nay hoá nam phụ ngôn tình trong Thiên Hạ Là Nàng :)) Thật ra tui không phải fangirl của Lê Thánh Tông nên tui hoàn toàn ổn với việc nhân vật Tư Thành được khắc hoạ là người si tình, tối ngày quanh quẩn bên Viên Phúc, lời lẽ lại toàn mấy câu sến sẩm, không bỏ nhiều công sức trong cuộc chiến đế vương,... Tại cơ bản vẫn giữ được những nét chính của cụ như thông minh mẫn tiệp, thần thái ngời ngời, hiếu thuận giữ đạo mà. Tuy nhiên hồi xưa tui có kết bạn với một chị, không biết có phải Thiên Hạ Là Nàng phá tan hình ảnh Tư Thành trong lòng của chị ấy không mà chị ấy lên án truyện gay gắt. Bởi thế ta nói, viết về sử gây tranh cãi rất nhiều, cho dù có là dã sử, tức là thừa nhận có yếu tố hư cấu trong đó rồi, cộng với cảm quan sẵn có của tác giả nữa, vậy mà cứ bị ném đá như thường :(( Các tác giả dã sử hãy cố lên. Em ủng hộ mọi người 👏👏

Trước khi biết đến Lê Nghi Dân trong Thiên Hạ Là Nàng, tui có trong lòng một hình tượng Lê Nghi Dân, và dù bị chính sử chỉ trích khá nhiều, Lê Nghi Dân trong tưởng tượng của tui vẫn là: "Nhân chi sơ, tính bổn thiện" và yếu đuối hơn một chút so với Lê Nghi Dân trong truyện, người mà dù yêu thích Viên Phúc đến mấy vẫn thẳng thừng: "Giữa giang sơn và mỹ nhân, bổn vương chỉ chọn một". Tính cách của nhân vật này tui cũng khá thích, hay bông đùa, trêu hoạ ghẹo nguyệt, ra vẻ khệnh khạng bề trên nhưng trước Viên Phúc vẫn như bất kỳ chàng trai mới lớn nào trên đời. Dạng này là Kim Tan hay Go Jun Pyo á :))) Một phút xin lỗi tác giả vì em liên tưởng quá nhiều.

Tân Bình Vương Lê Khắc Xương ngoài đời không được nhắc nhiều, trong truyện cũng chẳng có đất diễn. Từ một người bạn ấu thơ của Viên Phúc trở thành một vương gia hết sức thận trọng, kiệm lời và một phu quân hết mực yêu thương Ly Khánh. Mới đầu rõ ràng theo mạch suy nghĩ của Viên Phúc thì Khắc Xương câu kết với Nghi Dân, nhưng đến cuối lại chẳng thấy nói gì. Nói chung là vẫn còn mờ nhạt :((

Mà anh em nhà này ngộ lắm, nắm được tẩy của nhau hết rồi mà chẳng chịu lật bài. Bề ngoài gắn bó keo sơn, bên trong thực chất vô ơn chết bà :))

Nhắc đến Nguyễn Thị Anh thì phải đi từ thời bà còn hầu hạ Thái Tông, mà nhắc lại hoài, mệt, nên ai quan tâm thì tự xách mông lên Wikipedia mà tìm. Cơ bản theo mạch truyện thì bả có thai trước khi được thị tẩm, thành ra bảo Bang Cơ không phải huyết rồng. Đinh Liệt cũng nói vậy. Các quan thái giám nắm đàng cán là Tạ Thanh, Đinh Phúc cũng bị bả diệt sạch. Hoạ diệt môn của Trịnh gia cũng từ đây mà ra. Còn vu oan cho Nguyễn Trãi trong vụ án vườn Lệ Chi là một mặt tránh để Thái Tông nghi ngờ nguồn gốc thái tử, một mặt xử lý được vợ chồng Nguyễn Trãi là người bả không ưa. Thực sự thì càng về cuối bả mới càng lộ rõ vẻ thâm độc, hãm hại Viên Phúc, giết người vô số, nhưng Bang Cơ quá coi trọng tình thân, không thể ra tay với mẹ của mình. Đó cũng là điểm tui không thích lắm. Tui là tui vẫn muốn một truyện nào đó miêu tả một Thị Anh thục đức hiền lương, nhưng vì một lý do gì đó (không phải cám dỗ vương quyền) mới trở nên đáng sợ như vậy.

Ngoài tình yêu thì truyện còn đề cập đến tình nghĩa vua tôi của Bang Cơ - Đào Biểu, sự trung trinh của các thần tử như Tiêu Phong, La Hinh, Lâm thị, tình thân vượt trên mọi ghen tương và sự yếu đuối của Tuệ Thư,...

Tui không đọc nhiều, nên tui không biết người ta bảo Thiên Hạ Là Nàng so với Thành Kỳ Ý (một tiểu thuyết dã sử ngôn tình Việt) và Bộ Bộ Kinh Tâm (một tiểu thuyết xuyên không Trung Quốc) giống khác ra sao, nhưng tui thấy độc lập mà nói, truyện đã rất khá rồi. Tui còn thích ở điểm là truyện biến những chi tiết hư cấu thành lời giải thích/nguyên nhân cho những sự kiện được ghi lại trong chính sử (ví dụ như Viên Phúc bị vu oan có gian tình với Trần Tinh, chính sử ghi lại từng có vụ cung nữ thông dâm với thái giám). Còn thành công nhất của truyện, với tui có lẽ là ở mảng dẫn dắt cảm xúc người đọc rất tự nhiên. Tui xúc động trước tình yêu thiên trường địa cửu giữa Bang Cơ và Viên Phúc thì ít mà xúc động trước tình yêu đất nước của Bang Cơ và tình nghĩa trung thành của bầy tôi thì nhiều. Ừa, tui thừa nhận là tui có khóc. Tui_đã_khóc :)))

Nhưng không thể phủ nhận truyện cũng còn nhiều sạn. Sự lật kèo không hề nương tay của tác giả khiến cái kết hụt hẫng thật sự. Khiến Bang Cơ tài giỏi cho đã xong lại chết vì một lý do... chẳng liên quan. Trời ơi, tầm nhìn của ổng phải nói là xa nhất luôn á, bảo đảm hơn đám loạn thần tặc tử kia nhiều, nhưng điểm yếu là ổng quá tốt, ổng muốn trả lại chức vị cho huyết long thật, mà ổng cũng muốn đền tội thay cho mẹ mình nữa. Với lại cái đêm Nghi Dân thực hiện binh biến, chẳng thấy miêu tả quy mô hay đổ máu gì cả. Mọi chuyện diễn ra siêu nhẹ nhàng, siêu mờ nhạt đối với một sự kiện lớn như vậy.  Thật sự nếu ở đây có một đoạn đối thoại giữa Nghi Dân và Bang Cơ thì auto cảm động luôn :(( Có điều khi đi ám sát thì người ta đâu có thời gian tâm sự nhỉ :v

Còn một điểm vô duyên mà không biết vô tình hay cố ý, tác giả gần như bê nguyên xi câu nói nổi tiếng đến nỗi một đứa không rành ngôn tình như tui còn biết: "Thiên hạ của ta, chúc nàng một đời bình an vui vẻ". Hỏi chấm? Ủa không phải câu này trong Từng Có Người Yêu Tôi Như Sinh Mệnh sao? Ủa ủa? Đúng là hợp ngữ cảnh thật đấy nhưng đọc tới đây tuột mất mẹ nó mood...

Tui không đọc nhiều ngôn tình nên không biết nó có chắp vá chỗ nào không, ngoại trừ cái câu kia ai cũng biết. Còn lại thì rất ok. Nói chung là cũng phải ủng hộ các tác giả dám cầm bút viết về sử, kể cả là dã sử. Cảm ơn mọi người đã đem đến cho độc giả một cách tiếp cận sử thật mới, thật vui. Nhưng mà ai có nền tảng sử lung lay như tui thì đừng có đọc xong bị lậm, định hình người ta là thế này thế kia nhá. Các nhân vật lịch sử, trong truyện, họ là những nhân vật, được lấy cảm hứng từ người thật, nên chúng ta có thể thoải mái vung vít về nhân vật, nhưng đừng đụng chạm đến người thật, kẻo bị ăn gạch. Thân :)))

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro