[Đam Mỹ] Nhất Kiếm Sương Hàn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác giả: Ngữ Tiếu Lan San
Thể loại: đam mĩ cổ trang, triều đình giang hồ, suy luận phá án, tình hữu độc chung, cường cường
Tình trạng: Hoàn

oOo

Văn án:

“Dân chúng đều nói, Tiêu vương Quý Yến Nhiên võ công cao cường lại phong lưu tao nhã. Một thiên hoàng quý trụ như vậy, ý trung nhân sau này của hắn nhất định cũng sẽ tinh thông tất cả từ cầm kỳ thi hoạ cho đến pha trà nấu cơm. Nhân gia bình thường, có muốn ganh tỵ cũng không đến lượt.

Trong phủ Tiêu vương.

Hôm ấy, Quý Yến Nhiên bỗng mắc phong hàn, nằm bẹp dí trên giường không tài nào dậy nổi.

Vân Ỷ Phong tự mình xuống bếp, vo gạo hái rau hầm gà.

Lát sau, Tiêu vương điện hạ ôm một thân bệnh tật cũng chạy xuống, đầu choáng mắt hoa ân cần hỏi: “Hạ nhân đều nói ngươi đang luyện cổ trong bếp, nhưng mà Vân nhi là muốn hạ sát ai nữa đây?”

oOo

Cảm nhận, đánh giá:

Công là vương gia Quý Yến Nhiên, tướng quân bách chiến bách thắng (nghe đồn), oai phong uy vũ nhưng thật ra cũng là người nói dối không ngượng mồm, lần đầu công thụ gặp mặt cũng đã lừa gạt người ta tới lương tâm cắt rứt sau đội vợ lên đầu, cả mẹ cũng dâng lên cho người ta. Thụ là Vân Ỷ Phong, môn chủ của tổ chức tình báo duy nhất trong giang hồ là Phong Vũ Môn, võ công cũng nằm ở hạng cao, lâu lâu còn vượt mặt anh công, chỉ là cái thân trúng độc nên tiều tụy suốt ngày ho ra máu, lạnh lạnh nóng nóng không ngày yên ổn. Hai người gặp nhau qua một phi vụ làm ăn, tìm lại ngọc Xá Lợi mất tích, lại vô tình đụng trúng âm mưu tạo phản, cũng lại vô tình moi ra được tầng tầng bí ẩn, một cọc chuyện xưa.

Cách mà bà San thắt nút rồi gỡ ra vấn đề xuyên suốt truyện rất nhất quán, từng vụ án nhỏ đều liên quan đến kết quả và chủ mưu sau màn, không thừa một bí ẩn nào chưa giải quyết. Hồi đầu mình còn nghĩ bà San quên mất cái xác trong giếng hay tiên sinh dạy bài đồng dao, nhưng rốt cuộc về cuối được giải khai đầy đủ. Nói thẳng ra thì vụ thứ nhất và hai khá nhàm chán do mô típ này mình đọc khá nhiều trong mấy phim phá án rồi (bị nhốt trên núi/đảo và dùng bài đồng dao dự án cái chết), cũng chỉ ráng lết cho xong nhưng vì công thụ tương tác khá thú vị, hai người ở hai thế cân bằng chả ai bị áp đảo nên đọc rất thích. Truyện ghi là chủ thụ nhưng mình thấy khắc họa nội tâm công lại nhiều hơn. Trong hai vụ án đầu thì công có vẻ hơi xiu xiu lòng rồi. Ban đầu là lương tâm cắn rứt nên ráng chăm sóc người kia nhiều tí, sau hồi lại thành nghiện, cái gì cũng dâng cho người ta, hồi sau lại dâng cả chân tình và tính mạng.

Ai bảo bà San hay sủng thụ, chứ mình thấy bộ này bả là sủng công mới đúng. Công tài giỏi, âm mưu tuy vẫn còn thua thiệt nhưng cũng suy nghĩ thấu đáo và nhanh chóng, lại rất cưng chiều Vân môn chủ. Ảnh cũng được hoàng huynh yêu quý, mẫu phi yêu quý, cả hoàng gia chẳng đấu đá gì nhau dù có thể vẫn kiêng kị nhau. Mình thích những truyện có huynh đệ hoàng thất tuy kiêng kị nhưng vẫn yêu quý, thực tâm đối đãi, chứ không phải những truyện bốn bề đều người xấu, chỉ công thụ là người tốt. Thân thế thụ thì tội khỏi nói, tự nhỏ bị bắt đi thử trùng độc 20 năm, tới lúc thoát ra thì ôm thân tàn sống sót. Nội tâm thụ ban đầu không được diễn tả quá rõ ràng, nhưng càng về sau, nói một câu tả nhẹ đã đủ xuyên tâm. Môn chủ một tổ chức tình báo nào có dễ tin vào một lời hứa nhỏ của Vương gia, nhưng chỉ vì một dòng trong sách cổ, một khát cầu cá nhân được trợ giúp tướng tài mà đồng ý, sau lại vì tham luyến chút ôn nhu từ người khác. Không cha không mẹ, bị người khác lấy thân nuôi cổ, vậy mà không trách không oán, vẫn có thể lớn thành một thân vô ưu vô lo lúc nào cũng chăm sóc cho đệ tử, để tâm tới người khác và thế sự giang hồ. Vân Ỷ Phong muốn sống, nhưng vô thức lại nghĩ sống thêm một hai ngày thì sống làm chi. Tâm niệm vô thức từ bỏ, lại từ khi gặp Quý Yến Nhiên mà vô thức hy vọng chỉ sống thêm một, hai ngày. Từng chút thay đổi nhỏ trong Vân Ỷ Phong được tinh tế lột tả qua chỉ hai, ba câu ngắn nhưng cũng đủ để xót xa, nghĩ đến ngày Vân Ỷ Phong thật sự bỏ mạng, mình còn chẳng kiềm lòng nổi, huống chi là Vương Gia.

Tuy rằng trúng độc là cái mô típ ngược tâm gần như là nhàm chán của bà San, nhưng lần nào cũng làm mình thấp thỏm. Nếu bà San chỉ toàn tập trung vào những câu ngược tâm thì chắc chắn mình sẽ không cảm thấy đau lòng. Bởi vì Vân Ỷ Phong lúc nào cũng cười đùa, cũng tỏ vẻ như không sao, châm chọc rồi tính kế, nhìn thấu rồi lừa gạt, một bộ nhẹ tựa lông hồng mà mình mới cảm thấy xót cho y tới vậy. Những lúc Ỷ Phong chỉ dựa nhẹ vào lồng ngực Yến Nhiên, vô tâm gảy những khúc đàn sói nghe cũng chạy, người người khóc than, xuống bếp hầm nồi canh gà khiến anh công ăn vào nằm giường hết ba ngày, hài hước một thoáng rồi khi nghĩ đến những tâm tư của y thì lại đau lòng.

Càng đến cửa tử, người ta càng chỉ muốn tìm chút lạc thú cuộc đời để tiếp tục ý chí sinh tồn.

Viết mười bảy mười tám trang di ngôn, độc phát tác tới giai đoạn cuối thì mất trí, nghĩ nghĩ mình đang sống những ngày yên ổn dưới mái nhà tranh, khóc nháo đòi được đưa về nơi của Yến Nhiên, nơi có lão Thái Phi để hưởng chút tư vị có mẹ cuối cùng. Càng nhìn càng chẳng thấy được Phong Vũ Môn chủ tiêu diêu tự tại, một bộ cười nói hiền hòa ngày nào, chỉ còn lại là một người đang sợ mình chẳng còn nhiêu ngày để sống.

Độc giả đã xót xa tới vậy, nói sao Quý Yến Nhiên không xót xa? Một thân ôm người trong lòng, nhẹ nhàng lau nước mắt cho y xong hắn cũng tìm một chỗ khác, lặng lẽ ngồi khóc.

Những lúc đó, Vân Ỷ Phong không còn tiêu diêu tự tại, Quý Yến Nhiên cũng không còn hào khí uy vũ của một tướng quân, chỉ còn bóng hình hai người đang đứt tâm đứt ruột thương nhau.

Yến Nhiên nói: Xin lỗi, ngay cả lời thề cộng sinh cộng tử cũng chẳng thể làm với ngươi. Vì giang sơn này còn cần ta.

Vân Ỷ Phong cũng tán thành, lại càng thích hắn làm vậy. Yến Nhiên tự nhủ, không thể cộng sinh cộng tử, nhưng nếu có thể cứu ngươi, dù có mất mạng, dù có bị tính kế, dù chỉ 1% hy vọng, ta vẫn sẽ đi.

Mình thích Quý Yến Nhiên vô cùng không chỉ vì anh rất thê nô, đội vợ lên đầu, mà anh rất lý tính. Không như một cọc chuyện xưa vì nhi nữ thường tình mà gây họa tới đời sau, Yến Nhiên đem chuyện giang sơn lên đầu, từng bỏ đi Huyết Linh Chi cứu mạng người thương mà bảo vệ đất nước. Tình và lý, Yến Nhiên biết phân nặng nhẹ, biết người trong lòng sẽ mong mình làm gì, càng biết chịu đựng nỗi đau và sẳn sàng gánh vác tội lỗi.

Mình chẳng thể nào thông cảm được cho Lư tường quân, cũng không thông cảm được cho Tạ Hàm Yên. Nếu tiên hoàng vì xét nặng nhẹ, thì hai người trên lại vì cá nhân mà không ngại gây họa. Vì tình thì đúng, mà lý thì sai. Vì một cọc chuyện xưa, oán thù không rõ mà hại bao nhiêu người hai mươi năm sau, mà chuyện mình xót nhất lại là hại mất đi mạng sống của một thiếu niên kỳ tài có thể làm bao nhiêu chuyện lớn: Giang Lăng Phi.

Giang Lăng Phi, một nhân vật phụ có thể không ai để ý, chỉ là bằng hữu chí cốt của Quý Yến Nhiên, nhưng cũng lại là tam thiếu gia của nhà họ Giang, một kỳ tài có thể làm võ lâm minh chủ. Cả đời vì nghe theo Tạ Hàm Yên mà làm nhiều sai trái, nhưng cũng nhất quyết không xuống tay với Yến Nhiên, với hoàng đế để thẹn với lòng. Thiếu niên kỳ tài cuối cùng biết được mẹ không phải mẹ, cha không phải cha, để rồi lấy thân che tên, cứu bạn khỏi địa cung, cười một cái xin lỗi trong bụi đất mù mịt.

Chưa khi nào mình đọc truyện bà San mà lại xót cho một người chết tới vậy.

Nhất Kiếm Sương Hàn, một nhát chém sương lạnh, là cái lạnh của Vân Ỷ Phong mỗi khi độc phát, hay cái lạnh lùng của nhân tâm con người?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro