[Ngôn Tình] Hồng Phai Xanh Thắm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác giả: Quan Tâm Tắc Loạn
Thể loại: Cổ đại, Xuyên không, Ngôn tình, Trạch đấu, Điền văn, Sủng, HE
Tình trạng: Hoàn

oOo

Văn án:

Giải thích về tên truyện gốc: Tri Phủ? Tri Phủ? Ứng Thị Lục Phì Hồng Sấu. ( trích từ bài " Như mộng lệnh - Lý Thanh Chiếu")

Tạc dạ vũ sơ phong sậu, nùng thuỵ bất tiêu tàn tửu.
Thí vấn quyển liêm nhân, khước đạo hải đường y cựu.
Tri phủ? Tri phủ? Ứng thị lục phì hồng sấu.

昨夜雨疏風驟,濃睡不消殘酒。
試問卷簾人,卻道海棠依舊。
知否,知否,應是綠肥紅瘦。
(如梦令•李清照)

Đêm qua mưa thưa, gió dữ,
Hơi rượu thơm nồng giấc ngủ.
Hỏi thử cô cuốn rèm,
Thưa rằng: "Hải đường như cũ".
Thật ư?
Thật ư?
Phải là hồng phai xanh thắm.

Hồng phai xanh thắm ý chỉ thời điểm cuối xuân hoa rụng lá đâm chồi, hàm ý mùa xuân qua đi nhưng thời gian vẫn trôi, hoa tàn nhưng cây vẫn đâm chồi nảy lộc. Ý tác giả là tiếc thương hồng nhan, tiếc cho thời gian vẫn trôi, cuộc sống vẫn tiếp diễn còn nhan sắc tuổi trẻ người con gái lại chóng lụi tàn.

Truyện kể về một cô nhân viên công vụ ở tòa án xuyên về cổ đại trong thân phận một thứ nữ nhà quan. Mẹ đẻ là di nương bị hại chết, cha ruột sủng thiếp, giả nhân giả nghĩa. Trong hoàn cảnh như vậy, nữ chính với thân phận đứa bé 4 tuổi đã cố gắng sinh tồn, dùng sự khôn khéo để đấu tranh cho hạnh phúc của mình. Truyện không mang tính chất YY, nữ chính xuyên không phải siêu nhân thánh nữ, chỉ khéo léo cư xử cho phù hợp hoàn cảnh, ngoài ra tính cách nàng vô cùng đáng yêu, suy nghĩ hài hước. Nam chính là một lãng tử quay đầu, để có thể cưới được nữ chính anh đã phải vận dụng rất nhiều quỷ kế. Tác giả cũng lồng vào truyện những suy nghĩ đánh giá về cuộc sống cổ đại với nhiều so sánh rất dí dỏm thông qua cái nhìn của nữ chính.

oOo

Cảm nhận, đánh giá:

Trước khi đi vào review chi tiết bộ truyện này, mình sẽ chia sẻ đôi dòng cảm nhận về những chuyện bên lề của mình xoay quanh nó đã.

Đầu tiên thì bộ Hồng phai xanh thắm này có một cái tên Hán Việt rất là khó hiểu: Tri phủ? Tri phủ? Ứng thì lục phì hồng sấu. Khi chuyển qua QT thì nó có thêm cái tên mới là Biết không? Biết không? Ứng là xanh béo hồng gầy. Cảm nhận ban đầu với cái tên truyện là wtf? Tên gì kỳ cục dấm dở thế? Tên tác giả nghe cũng sao sao, gì mà “Quan Tâm Tất Loạn”, có kiểu đặt bút danh thế này à? Kiểu này chắc nội dung truyện cũng chẳng ra gì đâu?

Ấy thế mà lầm to, dân tình khen nức nở. Và thế là tò mò hại chết con mèo, mình lao vào nhai convert khó nhăn răng, đọc lay lắt nửa tháng mới xong. Hồi đó đọc xong bộ này thấy cũng tàm tạm, nhưng vài năm sau đọc thêm vô số các bộ điền văn cổ đại khác thì phải công nhận rằng: Hồng phai xanh thắm là một bộ xuất sắc (có thể là nhất) trong dòng truyện điền văn dài dòng này. 
Bộ này là bộ convert thứ hai mình đọc, là truyện mà mình dự tính edit song song với một bộ cổ đại khác, thậm chí đã đặt gạch đào được 2 chương nhưng sau cùng vì nhiều lý do nên không tiếp tục nữa. Lúc thấy chị Linh mở hố thấy vui lắm, vì cuối cùng cũng có người dũng cảm dám làm một bộ dài dằng dặc như vậy, có mấy lần còn muốn làm cùng chị nhưng chỉ sợ tay ngang nhảy vào làm ảnh hưởng đến tiến độ của nhóm nên lại thôi, đến tận vài tháng gần đây mới quyết tâm cộng tác làm tiếp, vì mình thật sự mong muốn một bộ xuất sắc như thế này sẽ được hoàn thành và được mọi người biết đến nhiều hơn nữa.
Thôi, giờ đi vào chủ đề chính.

Hồng phai xanh thắm là một bộ truyện mang đầy đủ các điểm đặc trưng của thể loại điền văn như độ dài thườn thượt (220 chương + 4 ngoại truyện = tầm 1 triệu 400k chữ), hệ thống nhân vật đồ sộ chằng chịt, diễn biến chậm rãi, từ tốn, thời gian của câu chuyện từ năm nữ chính 6 tuổi chưa hiểu sự đời đến hơn 20 tuổi lấy chồng đẻ 2 thằng cu…

Tuy nhiên, điều làm nên khác biệt của truyện so với các bộ khác, theo mình nổi bật nhất là giọng văn của tác giả. Truyện kể theo ngôi thứ nhất xen lẫn ngôi thứ ba, thể hiện những cái nhìn khách quan dưới nhiều góc độ khác nhau. Đôi khi trong quá trình đọc mình hay cảm thấy nữ chính giống như người ngoài cuộc, nêu lên suy nghĩ, nhận xét đầy dí dỏm và hài hước về hành động, con người và hoàn cảnh tình huống lúc đó cũng như hay tự so sánh mối tương quan giữa cổ đại và hiện đại.

Hệ thống nhân vật trong truyện tuy nhiều nhưng những nhân vật chủ chốt đều được xây dựng kỹ lưỡng, có tính cách và tình cảm rõ rệt, riêng biệt, không bị lẫn lộn với nhau.

Thông thường trong các bộ xuyên không khác, bạn có thể hay bắt gặp nữ chính thể hiện tài năng, tri thức của người hiện đại một cách lộ liễu, sống sượng như thể muốn tỏ rõ cho dân thời cổ là ta đây giỏi giang mạnh mẽ hơn các vị bao nhiêu, ta đây là người đặc biệt chứ không phải người thường đâu đấy, một phong cách thật đúng kiểu bố đời mẹ thiên hạ. Nhưng ở Hồng phai xanh thắm, nữ chính hoàn toàn hoà nhập vào thời đại này, thậm chí rất sợ khác người, nổi trội hơn người, tuy nhiên, quá trình đó không hề dễ dàng, bởi những tư tưởng, thói quen của người hiện đại đâu dễ gì phai nhạt, nhất là đối với một người đã sống hơn hai mươi năm ở hiện đại như cô.

Hồng phai xanh thắm là một câu chuyện nói về cái gì?

Đơn giản thôi, đây chỉ là một bộ truyện mô tả cuộc sống đời thường, từ những câu chuyện vụn vặt hàng ngày đến những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của nhân vật nữ Thịnh Minh Lan, một cô gái vốn dĩ là Diêu Y Y, thư ký toà án thời hiện đại, trong một lần sơ sẩy gặp tai nạn sạt lở đất mà xuyên không về thời cổ đại, một thời đại tương tự thời nhà Minh của Trung Quốc. Thoạt đầu tới nơi đây, cô sống hững hờ, mặc kệ mọi sự xung quanh mình, mặt mũi lúc nào cũng ngơ ngác, khiến ai nấy đều tưởng cô bị sốc vì biến cố mới xảy ra. Mẹ đẻ của cô ở đây là một bà vợ lẽ vừa qua đời với đứa con trai còn chưa thành hình, bà gặp nạn trong cuộc so kè giữa vợ cả và vợ lẽ được chiều chuộng. Minh Lan có lẽ sẽ mãi sống một cuộc đời thơ thẩn như thế nếu không nhờ có sự yêu thương, chăm sóc của bà nội – Thịnh lão phu nhân.

Kết cấu truyện chia ra làm hai phần, nửa đầu là từ năm 6 tuổi đến 15 tuổi khi còn ở nhà, nửa sau là từ lúc lấy chồng đến khi đánh bại hết những nhân vật hãm tài ở đằng bên nhà chồng.

Nhắc tới nhà họ Thịnh thì có những nhân vật chủ chốt như sau.

Thịnh lão phu nhân – người đứng đầu gia tộc họ Thịnh, dù bề ngoài bà có vẻ không để tâm đến những chuyện xảy ra trong nhà nhưng thực chất bà biết rõ mọi sự, chỉ là bà không thích nhúng tay xử lý, trừ khi những việc đó gây ảnh hưởng lớn đến gia đình. Vì vụ vụ so kè giữa vợ cả và vợ lẽ dính dáng đến mạng người nên bà mới ra tay giải quyết mọi việc, răn đe con trai, người chủ gia đình hiện tại và giang tay nâng đỡ Minh Lan, một cô bé 6 tuổi lúc nào cũng ngớ ngẩn trong mắt người khác.

Có lẽ ngoài Minh Lan ra thì bà Thịnh là nhân vật gây cho mình ấn tượng sâu đậm nhất, nam chính chưa là gì đâu nhé. Bà vốn là con gái nhà tướng quân, một người phụ nữ xuất thân danh giá nhưng không lấy chồng môn đăng hộ đối mà chống lại sự sắp xếp của cha mẹ để tự chọn lấy người trong lòng.

Bà phải lòng ông Thịnh, một vị thám hoa lang tài sắc vẹn toàn, tuy xuất thân thì thấp hơn nhiều. Ngỡ tưởng rằng cuộc hôn nhân của họ sẽ đắm chìm trong hạnh phúc lâu dài nhưng không, tiếc thay, ông Thịnh dù giỏi giang trên quan trường nhưng lại chẳng phải người yêu vợ thương con. Ông dễ dàng chìm vào các bà vợ lẽ và làm tổn thương người vợ kết tóc se tơ, làm đứa con của bà chết non trong tức tưởi và dập tắt lửa lòng của một người phụ nữ đầy khát vọng yêu thương.

Số phận của bà thật lận đận, giống như câu “hồng nhan bạc phận”. Song, dù bị người mình yêu đối xử như vậy, khi ông mất, bà không chọn cách tái giá mà cắn răng vực dậy gia đình, bồi dưỡng con thứ, giúp đỡ họ hàng bên chồng, vì nhà chồng mà cắt đứt với nhà mẹ đẻ, thật sự là hiếm có người phụ nữ nào được như bà. Cũng may dù không thuận đường chồng con nhưng đường con cháu của bà thì gỡ gạc được, điển hình là có Minh Lan và Trường Bách, hai người cháu mà bà hết mực thương yêu đã đáp lại bà còn trên cả tuyệt vời.

Đối với Minh Lan, bà là một bến cảng che mưa chắn gió, là nơi mà hễ quay đầu, hễ mệt mỏi là cô có thể trú chân, nương nhờ. Bà là điểm tựa cho tâm hồn cô, là người cô tin tưởng nhất, là người quan trọng nhất trong lòng cô, nhắc lại lần nữa chú Cố chưa là gì so với bà đâu, thương chú ghê. Đồng thời bà cũng là người mà cô sẵn sàng vứt bỏ hết tất thảy, thanh danh, địa vị, chồng con, trở mặt với cha đẻ, mẹ cả, chị em trong nhà, thậm chí là tính mạng mà không hề do dự.

Ý nghĩa cái tên của tác giả thể hiện rõ rệt nhất ở phân đoạn gần cuối truyện, khi bà gặp nạn, Minh Lan đã làm tất cả những gì có thể và cả không thể chỉ để đòi lại sự công bằng cho người bà của mình, đây chính là cái gọi là “quan tâm thì tất nhiên sẽ bị loạn” dù vốn dĩ cô là người luôn sống một cách đầy lý trí. Tình cảm giữa bà và Minh Lan còn trên cả tình thân, đôi lúc mình cảm thấy nó giống như sự thấu hiểu tri kỷ giữa những người bạn.

Cha Thịnh – Thịnh Hoành là người chủ gia đình họ Thịnh. Ông là con vợ lẽ, nhờ được mẹ cả là bà Thịnh trông nom dìu dắt nên đường làm quan khá thuận lợi, dù không quyền cao chức trọng nhưng địa vị xã hội ở mức khá. Ông có tính cách lươn lẹo, trung dung, tuyệt đối không phải người chồng tốt với vợ cả và bầu đoàn vợ lẽ nhưng dù sao vẫn là người cha tương đối ổn. Ông mời thầy giáo tốt về dạy học cho các con mà không phân biệt con cả, con thứ.

Xuất thân là con vợ lẽ nên về mặt lý trí, ông thấu hiểu hoàn cảnh của Minh Lan, các chị em trong nhà có cái gì thì cô cũng sẽ có thứ đó, hoặc nếu cô thiệt thòi vật chất ở đâu thì ông sẽ bù đắp vào chỗ khác. Nhưng về mặt tình cảm, cô không phải là người mà ông thích nhất. Bởi vậy, trong nhiều cuộc tranh cãi giữa các chị em, không phải lúc nào ông cũng công bằng với cô.

Vương thị, mẹ cả trong nhà. Bà này là điển hình của câu “bụng nam mô miệng một bồ dao găm”, là người ruột để ngoài da, hay thể hiện cảm xúc ra ngoài mặt, tính tình nhỏ nhen, ích kỷ. Bà không phải là người vợ phù hợp với con người Thịnh Hoành, vì bà không hiểu thi thơ lãng mạn, thảo luận thơ từ với bà như đàn gảy tai trâu, nhưng gia thế của bà thì thích hợp cho con đường làm quan của ông, nhà ngoại của bà góp phần nâng đỡ và dìu dắt ông rất nhiều.

Tính cách bà có phần đáng ghét nhưng không âm hiểm, xảo trá. Vương thị là nhân vật gây nên khá nhiều tình huống dở khóc dở cười trong truyện, phản ứng của bà hay lạc quẻ so với người khác, lúc người ta diễn vai hài thì bà khóc, lúc người ta diễn vai bi thì bà cười.

Vì tính cách của bà như thế nên đương nhiên so với con mình thì bà thường bất công với Minh Lan, đồ ngon đồ tốt là phải dành cho con bà (con vợ cả) trước, thừa lại mới tới mấy đứa con vợ lẽ khác.
Vương thị có ba người con, lần lượt là Trường Bách, Hoa Lan, Như Lan.

Trường Bách là cháu trai cả trong nhà, anh này khác hẳn bà mẹ mình, chín chắn vững vàng ngay từ khi còn nhỏ, ít nói nhưng hễ mở miệng là trúng tim đen, thậm chí còn khiến ông bố và bà mẹ phải cứng họng biết bao lần. Anh này chắc là điển hình cho chính nhân quân tử thời phong kiến, chính trực nhưng không khô khan, đối xử rất tốt với Minh Lan, yêu quý cô như em ruột (Như Lan).

Hoa Lan là chị cả trong bốn cô Lan, luôn ra dáng chị cả trong nhà, căm ghét dì Lâm và Mặc Lan, bởi sự xuất hiện của hai người này đã giành mất sự yêu chiều, nâng niu của Thịnh Hoành dành cho cô. Hoa Lan thông minh nhưng có phần hiếu thắng. Cô là điển hình của phụ nữ thời phong kiến trong công cuộc đấu tranh giành lấy sự chung thủy một lòng của chồng với mình. Anh chồng cô là con dòng chính nhưng không phải con cả, luôn nghe lời mẹ, mẹ anh này thì thiên vị con cả và dâu cả, thường xuyên bất công với vợ chồng con thứ hai (gia đình cô) nhưng anh chồng hầu như không bao giờ phản kháng (vì nghĩ đó là lẽ đương nhiên).

Từ lúc kết tóc se tơ với nhau được 10 năm, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của cô mà anh này mới nhận ra rằng trên đời này chỉ có cô và gia đình nhỏ của mình mới là quan trọng nhất, mới dám đứng lên tranh giành quyền lợi cho vợ và các con. Đấy, một người phụ nữ thông minh tháo vát như Hoa Lan cũng phải mất tận chục năm mới giành được tấm chân tình của chồng.

Như Lan, cô gái này là đứa con có tính cách giống với bà mẹ nhất. Cô khác hẳn với hai anh chị, không thông minh nhanh nhạy mà khá ích kỷ, thường hay ganh đua so kè với Mặc Lan và Minh Lan, hay chịu thiệt vì miệng lưỡi không bì nổi hai cô em, có lợi thế là con dòng chính nhưng lấy chồng gia thế kém nhất trong bốn chị em. Tuy nhiên so với ba cô kia thì cô và chồng có tình cảm yêu mến song phương với nhau (lén lút).

Dì Lâm, nhân vật gây sóng gió nhất cái nhà họ Thịnh, bà ta vốn là con vợ cả một nhà sa cơ thất thế, tới nương nhờ vào Thịnh lão phu nhân, được bà dốc lòng nuôi nấng dạy dỗ nhưng đáp trả lại tấm lòng của người ta bằng cách dụ dỗ, gian díu với con trai người ta từ lúc nào không hay. Dì Lâm thường ca bài “tủi thân làm thiếp” với cha Thịnh để trói chặt ông hòng giành lấy càng nhiều lợi ích cho con mình và bản thân càng tốt. Bà này là điển hình của nhân vật “bạch liên hoa”, “miệng nam mô bụng một bồ dao găm”, Vương thị bị bà này quay cho như dế, Thịnh Hoành một thời bị bà này làm cho mụ mị, còn lão phu nhân thì bị bà này qua mặt. Nhưng nhân quả báo ứng, vì tham lam không biết điểm dừng nên kết cục của bà này chẳng tốt đẹp mấy.

Bà này có hai người con, lần lượt là Trường Phong và Mặc Lan.

Mặc Lan là một đứa con gái giống y hệt bà mẹ của mình, là con vợ lẽ nhưng phong thái lúc nào cũng kiêu ngạo như con vợ cả, Như Lan mà có cái gì là cô ta đòi cha phải có cái đó cho bằng được, thậm chí nhiều lúc còn trên cơ Như Lan, vì cô ta được Thịnh Hoành yêu mến hơn. Chính vì quá tham lam, một lòng với tới cành cao hơn địa vị của mình mà cuộc hôn nhân sau này của cô ta dù đảm bảo về gia thế nhưng không mấy hạnh phúc, thậm chí con cái cũng không thuận lợi.

Ngoài những nhân vật chủ chốt trên thì các nhân vật phụ như ma ma, nha hoàn thân thiết bên cạnh họ cũng rất quan trọng, họ là những mảnh ghép nhỏ nhưng cần thiết để làm nên một bức tranh mô tả cuộc sống thời cổ đại chi tiết. Nhiều khi thời gian nha hoàn ở bên cạnh chủ nhân còn lớn hơn thời gian mà chồng người đó ở bên cạnh họ (VD như vợ Lưu Côn với Vương thị). Mình khó có thể quên nổi lúc Minh Lan mới chuyển sang ở một sân riêng, đám nha hoàn của cô đứa thì kiêu ngạo còn hơn cả tiểu thư chân chính là cô, đứa thì hỗn hào vênh váo không chịu nghe lời, loạn hết cả lên mà siêu buồn cười.

Hết những nhân vật chủ chốt ở nhà họ Thịnh, tiếp đến là những gương mặt cộm cán bên đằng nhà chú Cố – phủ Hầu.

Lão Hầu gia – Cố Yển Khai chẳng phải nhân vật nổi bật, nhưng chuyện tình của ông với bà Tần thị thì đáng để nhắc tới. Tần thị vốn là bà vợ kết tóc se tơ đầu tiên, tài nữ tinh thông đủ thứ, ngặt nỗi sức khoẻ ốm o, mãi mới có thai, đứa trẻ sinh ra thì yếu ớt bệnh tật.

Nếu là đàn ông cổ đại bình thường,  trong trường hợp này ắt hẳn sẽ lấy thêm một đàn vợ lẽ và sinh một đàn con để đảm bảo nối dõi tông đường. Nhưng không, là một vị tướng quân oai hùng, tài ba, ông này lại yêu và bảo vệ bà vợ ốm yếu đến mức không thèm nghe lời cha mẹ, dắt vợ theo tới biên thuỳ để tránh cho vợ bị áp lực, kiên quyết không đụng vào đứa ở nàng hầu nào, vợ chỉ sinh được một đứa con vẫn hết mực yêu thương, vợ chết, qua đời bao nhiêu năm vẫn khắc khoải nhớ nhung, thậm chí còn mong mỏi kiếp sau vẫn được nối duyên vợ chồng. Có lẽ bất kỳ nữ chính nào, dù là người cổ đại hay hiện đại, có xuyên không, trọng sinh hay không đều ao ước lấy được một tấm chồng như ông ấy.

Tình cảm cha con của lão Hầu gia và Cố Đình Diệp phức tạp và mâu thuẫn. Về lý trí, chú Cố ra đời đáng lẽ ra nên được ăn mừng, bởi ông ta và phủ Hầu rốt cuộc cũng có một đứa trẻ thừa kế hoàn toàn khoẻ mạnh, nhưng về tình cảm, sự hiện diện của chú Cố nhắc tới người mẹ ruột mà họ cho là mang lại sỉ nhục cho nhà họ Cố, dẫu cho thực tế hoàn toàn ngược lại. Lão Hầu gia có yêu thương chú Cố không, đương nhiên có, nhưng tình cảm ấy không hiển hiện rõ ràng.

Tiểu Tần thị, em gái ruột của Tần thị, bà này là kẻ ghê gớm nhất ở phủ Hầu, đóng vai ác quan trọng trong nửa phần sau của truyện. Bà này nối gót chị gái mình gả vào nhà anh rể, có thể nói cả quãng đời hầu chồng gần như luôn sống dưới cái bóng của người chị, con gái bà ta là Đình Xán thì càng bắt chước Tần thị từ A đến Z, bởi càng giống bao nhiêu thì cô ta càng được cha mẹ yêu thương chiều chuộng bấy nhiêu. Tiểu

Tần thị giống như một phiên bản nâng cấp độc hại hơn của dì Lâm, áng chừng do khác biệt về xuất thân và địa vị nên dù đều sống dưới lốt “hoa sen trắng” như nhau, nhưng dì Lâm – vợ lẽ ít nhiều vẫn bị gắn mác ghê gớm, nanh nọc, còn Tiểu Tần thị – Thái phu nhân – Hầu phu nhân thì luôn giữ vững được tiếng tăm tốt đẹp, song ẩn dưới lốt thánh thiện bề ngoài là trái tim độc ác như rắn rết bọ xà. Bà ta và Khang thị đều có tâm lý biến thái, lệch lạc như nhau.

Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng. Tiểu Tần thị là bà mẹ ghẻ của chú Cố, với thói quen mượn dao giết người, ném đá giấu tay, bà ta luôn tìm mọi cách hãm hại hòng giúp thằng con mình được kế thừa tước vị Hầu gia. Thuở thơ ấu, chú Cố luôn được bà này nuông chiều hết mực, nhưng nuông chiều không hề xuất phát từ tình yêu mà là để lèo lái chú ta trở thành đứa con ngang bướng, phách lối, thường xuyên cãi lời cha già, suốt ngày gây hoạ, mang tiếng xấu, chả cô nào dám gả cho.

Man Nương, con mẹ hoang tưởng nhất truyện. Mẻ này quấn lấy chú Cố, cho chú vào tròng, đẻ hai đứa con dễ như bỡn. Được như thế vốn bởi mẻ là người luôn ở bên an ủi mỗi khi chú buồn vì bị cha già mắng mỏ, bị chú bác họ hàng dè bỉu kỳ thị. Khả năng biểu diễn của mẻ rất giỏi, diễn từ vai con hát đáng thương không nơi nương tựa cho tới tấm thân tri kỷ hết lòng vì chàng cũng xuất sắc lắm.

Ước mơ lớn nhất đời mẻ là chú Cố dâng trọn tình yêu cho mẻ, có thể vì mẻ mà không tiếc từ bỏ gia thế, địa vị, quan hệ với thân nhân, vân vân và vũ vũ… Ờ thì kế hoạch của mẻ cũng suýt thì thành công nếu không nhờ nữ chính của chúng ta đâm ngang phá hỏng, chỉ với một câu nhắc nhở của Minh Lan đã khiến chú Cố phải nhìn nhận lại con người thực của con mẻ này và dần dần thoát khỏi động bàn tơ mà mẻ giăng ra.

Tình yêu của mẻ này dành cho chú Cố là một thứ tình cảm áp đặt và độc đoán đến mức đáng sợ, có câu “nhà vua cũng thua thằng liều”, một khi mẻ lên cơn thì bất chấp bố con thằng nào luôn.

Khang thị, chị gái của Vương thị, bà này về lý thuyết là đằng ngoại của Minh Lan, nhưng xét đến tính cách hãm tài và độc ác thì mình nhét vô đây. Trên đời này có hạng biến thái, hễ nhìn người khác hạnh phúc là méo chịu nổi, lồng lên đâm bị thóc chọc bị gạo, phá tan nhà người ta thì mới hả hê. Khang thị là kẻ như vậy.

Tác giả từng tự so sánh mức độ bất hạnh giữa Khang thị và bà Thịnh. Bà Thịnh goá chồng, không con nhưng vẫn giữ được tấm lòng lương thiện, chính trực, còn bà Khang vẫn còn chồng (tuy trăng hoa), có con trai hiếu thảo (tuy không tài cán) nhưng nhân cách lại càng ngày càng méo mó, vặn vẹo. Sự ác độc của

Khang thị kết hợp với sự ngu dốt của Vương thị khiến bà Thịnh gặp nạn và đẩy Minh Lan nổi cơn tam bành lần đầu tiên trong đời, tiện thể khiến đằng ngoại, chú Cố phải tròn mắt ngạc nhiên khi thấy cô biến đổi 360 độ so với vẻ dịu dàng bình thản hàng ngày.

Các nhân vật ở nhà họ Cố đa phần đều tự tư tự lợi, hoặc không thì cũng nhắm mắt làm ngơ. Trước khi chú Cố thành danh, những người anh em họ hàng, chú bác ruột rà tronh cùng một nhà lại hùa nhau chèn ép, đổ vạ đến nỗi chú phải bỏ nhà ra đi, thậm chí không kịp trở về nhìn mặt cha lần cuối. Song, tuy bọn họ đáng ghét nhưng đặt vào từng tình huống khác nhau thì nhiều lúc mình lại thấy khôi hài, đây chắc là cái tài của tác giả khi mô tả kẻ ác nhưng không khiến độc giả phản cảm.

Xong các vai cộm cán ở phủ Hầu, giờ là đến nam nữ chính và các nam phụ.

Nam phụ đầu tiên, Tề Hành, thanh niên tài tuấn số 1, số 2 kinh thành. Tài học khá, đẹp trai đố ai bằng. Trong truyện, Tề Hành được miêu tả là một công tử có ngoại hình khôi ngô tuấn tú như ngọc, trong lành ấm áp như gió xuân. Tề Hành là nhân vật nam có tiềm năng trở thành chính đầu tiên xuất hiện, các đoạn đối đáp của anh với Minh Lan cực kỳ dễ thương, tiếc rằng họ chẳng có duyên.

Tề Hành là con một, mẹ là quận chúa, xuất thân danh giá, một chàng trai như thế đương nhiên sẽ là vị phu quân lý tưởng trong mắt các cô thiếu nữ hoài xuân. Để tránh cho anh không sa đà nữ sắc, bà mẹ quận chúa quản lý anh rất nghiêm, gần như hạn chế tối đa sự tiếp xúc với phái nữ đồng trang lứa. Bởi vậy, từ lần đầu gặp gỡ với cô bé láu lỉnh như Minh Lan, Tề Hành đã bị thu hút, ban đầu coi cô như em gái, rồi lâu dần, tình cảm ấy đã chuyển biến thành nỗi rung động đầu đời, đến nỗi anh còn hạ quyết tâm cưới cô cho bằng được, và lần đầu tiên dám đứng ra phản kháng bà mẹ quyền lực của mình.

Song tiếc thay, người trong mộng phản ứng hoàn toàn trái ngược so với tưởng tượng. Đáp lại lời tỏ tình đường đột đó là một Minh Lan đầy sợ hãi, hoảng hốt rối bời, từ chối lia lịa, lớn giọng đe nẹt, đanh mặt chỉ trích và chỉ e có kẻ phát hiện ra. Lý do Minh Lan đưa ra là vì anh không phù hợp với cô, gia thế, địa vị, thậm chí cả tính cách.

Tề Hành là người luôn hăng hái phấn đấu để trở nên hoàn hảo, nhưng Minh Lan thì ngược lại, mục tiêu phấn đấu của cô chỉ là lấy một ông chồng bình thường, sống một cuộc sống giản đơn. Cho nên thật ra ngay từ đầu, cô không cho phép mình được tơ tưởng tới anh, tự tay cô bóp chết cái tình cảm nhen nhóm từ trong trứng nước ấy.

Tề Hành là chàng trai mà mình tiếc nuối nhất khi đọc truyện. Tiếc bởi nhẽ tình yêu anh dành cho Minh Lan chẳng được đáp lại, tiếc khi nhìn anh long đong lận đận đường vợ con, tiếc và nghẹn ngào biết bao khi phát hiện ra đến tận cuối đời anh vẫn hoài ấp ôm tình cảm từ thuở thiếu thời.

Hạ Hoằng Văn, nam phụ thứ hai trong truyện, vị hôn phu lý tưởng trong mắt Minh Lan và bà Thịnh. Gia thế tầm trung, nhân khẩu đơn giản, ngoại hình khá, phẩm chất tốt, là chàng trai mà Minh Lan chủ động lại gần, kết thân và nhắm làm chồng. Đâu ngờ, ở đâu chui lên một cô em thanh mai trúc mã từ thuở nhỏ, ca bài hồng nhan lắm nỗi gian truân đánh động cõi lòng chàng thiếu niên giàu lòng cảm thông, và thế là tấm chồng hứa hẹn của Minh Lan tan tành mây khói. Minh Lan ắt hẳn rất buồn, nhưng trên hết cô không cam lòng, khó khăn lắm mới tìm được ứng cử viên hài hoà về mọi mặt, chính bản thân cô cũng có cảm tình, dễ gì để cho đứa khác hớt tay trên? Có điều “dưa hái xanh thì không ngọt”, thêm cả sự nhúng tay ác liệt của chú Cố, Minh Lan đành phải từ bỏ.

Và thế là Cố Đình Diệp, nhân vật nam tưởng chừng phụ của phụ chính thức lên sàn và rước nàng về dinh. Mấy chị em editor thường hay gọi nhân vật này là chú Cố, mặc dù tuổi của chú chỉ tầm 25, 26 thôi =)) Sở dĩ gọi như thế là bởi nếu tính đúng theo vai vế, quan hệ họ hàng dây mơ rễ má thì Cố Đình Diệp thuộc hàng chú hai của Minh Lan, lần gặp đầu tiên giữa hai người Minh Lan cũng xưng hô như thế, và cái danh xưng âu yếm này mình thấy cũng khá hợp đấy chứ.

Hầu như từ đầu truyện cho đến đoạn mở lời cầu hôn, chú Cố xuất hiện chớp nhoáng và ngắn ngủi, hoặc qua đôi ba lời người khác nhắc tới, hoặc qua vài ba câu xã giao với Minh Lan. Ở những lát cắt ấy, chú Cố hiện lên như một chàng công tử hào môn ngang ngược, phách lối, ngạo mạn, mang trong mình những ân oán gia tộc khó tháo gỡ. Song từ khi cha mất, rời khỏi phủ Hầu, lăn lộn giang hồ, kiếm công lập nghiệp, chú Cố lột xác hoàn toàn, chín chắn vững vàng, thậm chí còn biết bày mưu tính kế giành người thương về tay mình. Nhắc tới chú Cố thì phải kèm theo Man Nương, nhân vật xuất hiện tương đối nhiều trong các câu chuyện của hai vợ chồng.

Mối quan hệ giữa Man Nương và Cố Đình Diệp thoạt đầu có lẽ tốt đẹp, bởi khi ấy cả hai người họ đều thoả mãn nhu cầu của nhau. Chú Cố cần được sẻ chia, an ủi những muộn phiền, bất công mà anh em họ hàng vu oan giá hoạ lên đầu mình. Còn Man Nương thì sẵn lòng dâng hiến hết cả tâm hồn lẫn thể xác với mong ước đạt được tình yêu chung thuỷ. Chú Cố có yêu Man Nương hay không thì mình không dám khẳng định, nhưng chắc chắn có tình cảm, bởi chú Cố đã có ý định tìm một bà vợ hiền lành có thể chấp nhận chị ta vào cửa, nhưng cưới xin thì sẽ không bao giờ xảy ra.

Man Nương rất thông minh khi phát hiện ra rằng dù ở trong hoàn cảnh khó khăn, cậu hai Cố vẫn luôn giữ vững quy củ phép tắc, những toan tính mưu đồ của chị ta khó lòng mà thực hiện được, song chị ta vẫn kiên trì, thậm chí còn méo thèm đoái hoài đến suy nghĩ của người mình yêu, chỉ có thể giải thích rằng chị ta bị hoang tưởng nặng, yêu bản thân còn hơn cả chú Cố.

Man Nương là người “ngẫu nhiên” bám lấy chú Cố, còn Minh Lan là người con gái mà chú Cố chủ động quan tâm để ý, rung động và dùng mọi cách đoạt lấy, lại còn trong hoàn cảnh đã công thành danh toại, chả khó tìm vợ. Cho nên mình nghĩ chú Cố có yêu Minh Lan. Tất nhiên chưa đến mức độ không có cô thì không sống nổi, bởi trải qua nhiều biến cố, chú Cố tựa hồ khó có thể hành động đầy cảm tính được nữa.

Chú Cố bề ngoài có vẻ ngang nhiên chính trực nhưng thực ra bên trong cũng khá ranh ma, và chú Cố cũng ghen ra trò đấy nhé. Chắc chưa có ông chồng thời cổ nào lại tỏ tường những đối tượng ngấp nghé vợ mình rõ ràng đến thế. Chú Cố đầy tật xấu, chú ta chẳng mấy khi nói lời dịu dàng, đôi khi còn hơi thô lỗ, cũng hơi gia trưởng, nằm ngủ thì ngáy phì phò, ăn miếng trả miếng, có thù tất báo (sau này phủ Hầu chả ai thoát khỏi lòng bàn tay chú), lúc ghen còn to tiếng với vợ, rống lên hỏi Minh Lan có biết cái gì gọi là tin tưởng chân thành hay không, lúc dỗi thì vác chăn đến thư phòng ngủ, hết giận tự mò về. Khuyết điểm nhiều và ưu điểm cũng lắm.

Trước hết chú rất chung thuỷ, từ khi cưới Minh Lan là sạch tâm sạch thân dù trong phủ không thiếu ca cơ, nàng hầu từ nhỏ, đứa ở vợ trước. Thứ hai là tin tưởng trao quyền quản gia, quản tiền, là chỗ dựa vững chắc cho vợ. Thứ ba là sẵn sàng đứng về phía vợ bất kể chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao, điển hình khi bà Thịnh gặp nạn.

Minh Lan sẽ luôn là một trong những nữ chính mà mình yêu thích nhất. Thật ra thì thích đôi khi không cần lý do, nhưng liệt kê ra cho mọi người rõ. Liệu rằng thích bởi dung mạo chim sa cá lặn, bởi tài hoa xuất chúng, hô mưa gọi gió chăng? Chắc là không, mình thích Minh Lan bởi vì cô lạc quan, chân thực và mang lại cảm giác gần gũi bình dị.

Minh Lan là người xuyên không nhưng cô dường như không có quá nhiều ưu thế nổi bật hơn dân cổ đại, ngược lại, cô cũng phải học hỏi từ những vấn đề đơn giản nhất để hoàn toàn hoà nhập vào thời đại này. Thuở nhỏ thì học lễ nghi, lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành vi, cách đối nhân xử thế với bề trên (cha mẹ bà nội), với anh chị em ngang hàng đồng lứa, với kẻ dưới (nha hoàn ma ma), đến tuổi cập kê thì học cách lựa chồng, lấy chồng xong thì tiếp tục học cách quản gia, xây dựng các mối quan hệ mới.

Theo dõi quá trình trưởng thành của Minh Lan, độc giả tựa như cũng được trải nghiệm và cảm nhận niềm vui nỗi buồn cùng với cô. Tất nhiên là người thì phải có tật xấu, khuyết điểm lớn nhất của Minh Lan mà cô tự thừa nhận chính là vị kỷ. 10 năm làm người cổ đại, ngỡ tưởng đã hoàn toàn thích nghi, nhưng có những thứ vẫn không thay đổi. Hễ có chuyện xảy ra, việc đầu tiên Minh Lan nghĩ tới luôn là mình được, mất thế nào, sau đó mới tới những người khác, bao gồm cả chú Cố.

Xuất thân thứ nữ đem lại nhiều bất lợi cho cô, song nói một cách tương đối thì, Minh Lan vẫn luôn sống tự tại và bình thản. Khi gặp phải thanh niên lưu manh Cố Đình Diệp, đối diện với màn cầu hôn đầy ép buộc và sặc mùi thuốc súng, đối diện với một phủ Hầu như đầm rồng hang hổ, vị hôn phu và nhà chồng khác xa mong muốn, cô vẫn chấp nhận và bình tĩnh giải quyết từng vấn đề một.

Lấy chú Cố, Minh Lan từ thân phận thứ nữ con nhà quan ngũ phẩm vọt lên làm phu nhân tướng quân rồi là Hầu phu nhân, được cáo mệnh, ở một mình một phủ to rộng thênh thang, trực tiếp quản lý nhân sự, của cải của chồng, mẹ chồng thì là mẹ kế kiêm kẻ thù số 1 nên chả cần e dè nhiều. Đương nhiên có được có mất, đối thủ tuy ít nhưng sức phá hoại thì khủng khiếp. Chú Cố từng hỏi Minh Lan liệu có hối hận khi chấp nhận gả cho mình không, cô đã chẳng hề do dự mà đáp không, bởi cô biết muốn giành được yên ổn thì phải trả giá.

Một ưu điểm nữa trong tính cách Minh Lan là cô hay phân biệt đúng sai rạch ròi. Giả như nếu kẻ dưới phạm sai lầm, chú Cố sẽ dần cho họ tuốt xác rồi bán thẳng ra ngoài, nhưng Minh Lan thì sẽ căn cứ vào cái lỗi của họ đến đâu mà xử phạt thích đáng.

Chính ra Minh Lan và chú Cố tiếp xúc với nhau đâu có nhiều, mỗi lần chạm trán đều vụt qua như điện xẹt, cơ mà đôi bên lại nhận ra bản chất của nhau vừa nhanh vừa chuẩn. Một cậu Hai phủ Hầu ngỡ tưởng luôn coi thường quy củ phép tắc, nhưng từ trong xương vẫn khắc sâu sự kiêu ngạo và cao quý của vương tôn quý tộc. Một cô Sáu nhà họ Thịnh tưởng chừng luôn nề nếp thục hiền, nhưng tâm hồn lại dạt dào phóng khoáng, sẵn sàng liều mình nếu có cơ hội. Định mệnh hay tác giả đã sắp đặt để chỉ có chú Cố mới là người có thể phá vỡ cái kén, cái khung mà Minh Lan tự rào quanh mình.

Trong mắt đa số thân nhân, hai nam phụ, Minh Lan luôn là một thiếu nữ vừa dịu dàng mềm mỏng, vừa hoạt bát sáng sủa. Nhưng trong mắt chú Cố, Minh Lan là kẻ lừa đảo, là cô gái rõ ràng giỏi giang nổi bật nhưng lúc nào cũng nhẫn nại nhịn nhường, lúc nào cũng gắng gượng làm vừa lòng tất cả mọi người, lúc nào cũng ép buộc bản thân phải làm một cô Sáu không thể bắt bẻ ở bất cứ điểm nào.

Tóm lại thì, bài review này của mình nghiêng về hướng giới thiệu nhân vật nhiều hơn là đi sâu vào phân tích tình tiết câu chuyện. Mình cảm thấy vẫn còn rất nhiều thứ muốn nói, muốn giãi bày, nhưng khó mà sắp xếp cái mớ lộn xộn trong đầu thêm được nữa. Có khá nhiều nhân vật như Hạ lão phu nhân, Trịnh Đại phu nhân, cô Thẩm nhỏ, Bình Ninh quận chúa, Hải thị, Liễu thị… cũng để lại dấu ấn mạnh mẽ, và còn khá nhiều những triết lý hay ho, những phân đoạn ấn tượng, những mối quan hệ lắt léo giữa các nhân vật mà mình chưa nhắc tới. Vậy nên nếu bạn thích bài review này, hãy đọc truyện đi, đảm bảo truyện sẽ khiến bạn hài lòng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro