[02] Những Điều Đã Cũ - Thuận Ân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

-ThuanAn- ơi tớ trả hàng nhé. Trước khi cậu đọc bài review này, tớ muốn nói là tớ khá thích truyện ngắn này của cậu đấy, nhưng do cậu chọn dịch vụ này, nên tớ đành phải diss nó thôi. Hy vọng bài review này của tớ khiến cậu hài lòng.

---
NHỮNG ĐIỀU ĐÃ CŨ CỦA MỘT ÔNG BÁC DỄ QUÊN

Review by Emma

Có rất nhiều thứ tôi không thích ở "Những điều đã cũ". Phần lớn là do cảm giác hụt hẫng mà nó mang lại. Thuận Ân mở đầu truyện ngắn bằng cách đề xuất bài nhạc "Wave Alpha". Tôi đã nghe thử và chao ôi, ca từ tươi sáng còn giai điệu thì vui tươi.

Thế là, ngay từ mở đầu của câu chuyện tôi đã thấy không ổn. Một ông bác? Một con người đã bước sang nửa kia của cuộc đời. Một con người mà ngay từ lần xuất hiện đầu tiên đã gật đầu chào tấm di ảnh. Đó là con người của quá khứ và tiếc nuối, nào có dính dáng gì tới mấy chữ "tươi sáng" hay "vui tươi"?

Tôi tự hỏi lý do vì sao tác giả lại đề cử bài hát này, và dường như còn lấy nó làm chủ đề cho tác phẩm. Với vốn kiến thức văn học ít ỏi của mình, tôi đoán tác giả sẽ viết một truyện ngắn về hồi ức tuổi trẻ, tiếc nuối về tháng ngày đã qua, nếu những tiếc nuối và hồi ức đấy thuộc về một câu chuyện tình nữa thì thật tuyệt! Như vậy mới giống tên truyện và hợp với bài hát "Wave Alpha" kia.

Vậy là tôi đọc tiếp.

Nhân vật người con xuất hiện, đây hẳn là một nhân vật quan trọng. Ông bác - nhân vật chính - bắt đầu hồi tưởng. A, đây là lúc rất thích hợp để tác giả khắc hoạ nhân vật. Thì ra ông bác này thích hút thuốc lá. Người bình thường khi hút thuốc lá đều hay nghĩ ngợi vẩn vơ. Nhưng ông ta đang nghĩ gì thế kia?

"Ông vẫn còn nhờ điếu thuốc đắng nghét, rồi sau nó đầm. Đời ông lúc đó cũng rất đắng, nhưng giờ nó lại nhàn nhạt. Thôi vậy cũng ổn.

Có điều khi ta đã biết vị ngọt của cuộc đời thì rất khó buông bỏ những ký ức xưa cũ."

Hai đoạn này nếu tách riêng ra tôi đều hiểu, thậm chí còn vỗ đùi tấm tắc khen hay. Nhưng khi đặt chung lại với nhau, đầu tôi lại đầy dấu chấm hỏi. Đời ông đắng, rồi nó nhạt, nhưng nó có ngọt chỗ nào đâu mà ông không bỏ được ký ức xưa cũ? Mới đọc đến đây, tôi không kìm lòng được mà tự hỏi, phải chăng là lỗ hổng trong logic?

Tác giả à, muốn deep cũng cần deep có logic nha! (Mà chỗ kia là "nhờ" hay "nhớ" nhỉ?)

Dẫu sao, đến đây thì tôi chắc cú rồi, đây là một câu chuyện về những hồi ức cũ rích như cái tủ quần áo nhà mình rồi. Tuy hơi cấn cấn với logic của ông bác này, tôi vẫn sẵn lòng đọc tiếp. Bây giờ thì đến lượt hai bố con nói chuyện với nhau.

Một cuộc nói chuyện điển hình mà bố con nhà nào cũng có. Chuyện ngành nghề tương lai, rồi sự va chạm giữa quan điểm của hai thế hệ. Một người bố chỉ cầu an nhàn và chắc chắn, một người con chỉ muốn mạo hiểm và bay xa. Tôi giật mình, lẽ nào tác giả muốn dùng truyện ngắn này để so sánh giữa tuổi già và tuổi trẻ, để cho người đọc thấy rõ hơn sự nhiệt huyệt của thanh niên và sự tàn lụi của một ông già? Tự dưng tôi thấy mình hứng thú hẳn lên.

Nhưng không! Mọi chuyện chỉ dừng lại ở đấy, và ông bác quyết định cưỡi con Wave mười lăm năm không chạy đi tảo mộ bà nhà. Bởi thằng con ông đã cưỡi chiếc SH đi chơi. Đúng là một đứa con bất hiếu, đến cả tảo mộ mẹ cũng quên.

Mặc dù hơi cụt hứng vì cái việc "tuổi già vs tuổi trẻ" không diễn ra, nhưng tôi vẫn đọc, vì tôi nghĩ biết đâu mình sẽ bắt gặp "trận đấu" ấy giữa ông bác và chính hình bóng thời trẻ của ông ta? Tôi càng vững tin vào điều này khi đọc đến đoạn:

"Tết. Năm cũ sang năm mới. Giao mùa. Giữa Đông và Xuân. Giữ cũ và mới." (Í, sai chính tả kìa.)

Nhưng tôi đã phải thất vọng. Ông bác chỉ lái xe đi vòng vòng quanh huyện. Không hề hồi tưởng gì mấy, cũng không suy nghĩ gì đặc biệt. Rồi mua một gói thuốc lá. Rồi về nhà. Ông bác hoàn toàn quên béng dự định ban đầu là đi tảo mộ vợ mình. Người ta thường nói mỗi nhân vật đều mang hình bóng của tác giả. Chắc tác giả và ông bác này giống nhau ở chỗ hay quên.

Mà tôi cũng tức việc ông bác này nổ máy chiếc xe Wave một cách quá dễ dàng nữa! Tôi cảm giác đó dường như là một quyết định rất trọng đại, là bước đầu để ông bác có thể hoàn toàn làm lành lại vết thương trong tim, để một lần nữa có thể lái con Wave quay về Đà Lạt thuở ban đầu. Nhưng sao bước đầu tiên này đi dễ dàng quá, một chút sắc xuân đã đủ chữa lành vết thương lòng mười lăm năm sao? Chẳng cao trào gì cả, chán ghê.

Về đến nhà, nhìn thằng con bất hiếu, ông mới nhớ ra mình cần phải đi tảo mộ, và rủ thằng Tuấn đi cùng. Trên đường đi ông nhớ về thời trẻ của mình. Giá như chỗ này tác giả có thể cho vào chút nhiệt huyết thì hay biết mấy. Một chút nhiệt huyết thôi cũng đủ sáng lên bầu không khí tro tàn của tác phẩm này rồi. Một điểm nhấn tuyệt vời! Nhưng hoá ra vài dòng phác hoạ tuổi trẻ cũng mang đến cảm giác bình bình như bao đoạn khác trong tác phẩm thôi.

Truyện dần đến hồi kết. Đọc đến đây, tôi buộc lòng phải cảm thán sắc xuân, cánh mai vàng trong tác phẩm này có một năng lực kỳ diệu. Nó có thể khiến ông bác nổ máy con Wave, cũng có thể khiến ông rủ thằng con đi phượt Đà Lạt. Đặt trong hoàn cảnh bình thường, hẳn ông ta rất cần sự tác động rất lớn để làm được điều này, nhưng trong truyện ngắn này lại hoàn toàn không cần.

Truyện bắt đầu bằng lời chào và kết thúc cũng bằng lời chào tấm di ảnh. Một ông bác vạch vết thương lòng cho chúng ta xem, rồi kết thúc bằng cách chào tạm biệt nó. Nhưng tôi cứ thấy hẫng thế nào. Những đoạn hồi ức đau lòng lẫn hạnh phúc của ông bác được miêu tả ít quá, nhạt quá, đúng như lời tự nhận xét của ông ta: "nó lại nhàn nhạt". Tôi những tưởng mình sẽ cảm thấy day dứt, nhưng tôi lại chẳng cảm thấy gì.

Một tác phẩm thuộc thể loại đời thường cũng có vô vàn cách tạo điểm nhấn, vô vàn cách tạo cao trào. Nhưng dường như tác phẩm này lại thiếu mất điều đó. Một tác phẩm dễ đọc, nhưng cũng dễ quên.

Ps: Hơi cấn vụ bố con nhà này đi lên Đà Lạt nhiều đèo nhiều dốc mà lại lái con Wave mười lăm tuổi già khú đế, lỡ đang leo dốc chết ắc quy thì thật không biết phải làm sao. =))

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro