[03] Chim báo bão - Tử Đằng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Wadakashi ơi tớ trả đơn nhé. Hy vọng cậu hài lòng với bài review này.

---
CHIM BAY DỌC BIỂN ĐEM TIN CÁ (*)

Review by Emma

"Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới..." (**) Đấy là câu thơ nảy ra trong đầu tôi ngay khi đọc "Chim báo bão". Tác giả nói với tôi đây là tiểu thuyết miền biển. Miền biển thì đúng rồi đấy, nhưng tôi thấy nó không giống tiểu thuyết tý nào. "Chim báo bão" như một tập tùy bút của đứa con làng chài, mở ra trước mắt tôi cả một vùng trời nước mênh mông.

Tôi rất hiếm khi đọc thể loại tùy bút. Chủ yếu là vì tôi là một người yêu thích tình tiết. Nói cách khác, tôi hay chuộng những bộ tiểu thuyết có cốt truyện thú vị, nhân vật sống động, mạch truyện nhanh nhẹn. Thể loại tùy bút đối với tôi như một cốc trà, dịu dàng và lặng lẽ, không mang lại mùi vị đặc biệt, dễ gây buồn ngủ. Vì vậy, tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy mình thích tùy bút "Chim báo bão" này, dù chưa đến mức yêu.

"Chim báo bão" được viết bằng một giọng văn nhẹ nhàng và trong sáng, như những ngày trời yên biển lặng. Nhân vật chính - Hùng - là một cậu bé sinh ra và lớn lên tại làng chài ven biển, mang trong mình tình yêu sâu đậm với chốn sông nước này. Cậu yêu thiên nhiên xung quanh với tất cả hình dáng của nó, dù dữ dội hay dịu êm, dịu dàng hay lặng lẽ, cậu đều yêu cả. "Chim báo bão" tập hợp sự quan sát của Hùng về thế giới mà cậu yêu tha thiết, cùng với những chuyến phiêu lưu của cậu trên hành trình tuổi thơ.

Tôi khá thích những đoạn tả cảnh của Tử Đằng. "Chim báo bão" có nhiều sự liên tưởng thú vị, chẳng hạn như "hắt mặn đôi mắt người dân chài" hay "mặt trời đến từ lòng đại dương sâu thẳm". Cách nhân vật tôi, hay đó cũng chính là tác giả, miêu tả cảnh sắc nơi đây với một tình yêu nồng nàn, khiến độc giả sa vào trong đó. Tuy nhiên, những đoạn tả cảnh của tác giả khi gom chung vô một đoạn thì hơi dài quá, đọc dễ ngán, có lẽ nên phân ra thành những đoạn nhỏ hơn để người đọc cảm thấy dễ thở hơn, cũng như thấm hơn vẻ đẹp thiên nhiên mà tác giả đem lại.

Điều tôi thích nhất ở "Chim báo bão" là tên những địa danh, cách mà các nhân vật trong tác phẩm trò chuyện với nhau. Tất cả đều góp phần vẽ nên trước mắt tôi một làng chài thật sinh động, dẫu rằng tôi chưa đến đây bao giờ. Những cái tên như đỉnh Ngọc Trà, biển Hòn Én, kênh Chàm Dầu, rừng Sậy quen tai đến lạ, thân thương đến lạ. Tôi cực ấn tượng với những chi tiết nhỏ sặc mùi biển trong tác phẩm, khiến tôi tự hỏi liệu Tử Đằng có phải là người dân miền biển chăng, hay đó chính là sợi dây vô hình của định mệnh đã kết nối linh hồn của một con người với linh hồn của biển?

Khi đọc thể loại tùy bút như "Chim báo bão", tôi thường rất mau chán. May sao tác giả đã tinh tế lồng ghép những cuộc phiêu lưu nhỏ bé nhưng không kém phần hồi hộp của Hùng để giữ lại sự chú ý của tôi. Như lần đầu dạo sóng suýt chết đuối, lần ngược kênh Chàm Dầu gian nan, hay như lần gắng sức leo đỉnh Ngọc Trà để gặp mặt trời mọc, vân vân. Những câu chuyện nhỏ bé nhưng thú vị ấy đã níu tôi ở lại để đọc đến tận chương mới nhất, khi Hùng chia xa Hải - người bạn từ thuở ấu thơ.

Dù không biết những chương sau sẽ như thế nào, truyện sẽ kết thúc ra sao, nhưng tôi vẫn sẵn lòng đọc tiếp, không phải vì tình tiết tác phẩm có gì khiến tôi tò mò, tôi chỉ đơn thuần hứng thú với cuộc đời của một con người mà thôi. Có lẽ chẳng cần thêm mắm dặm muối, cuộc đời của mỗi con người đã là chuyến phiêu lưu lớn nhất rồi.

Cách hành văn của Tử Đằng trong "Chim báo bão" rất duyên. Cái duyên ấy không đến từ cách chọn từ ngữ hay các so sánh đặc biệt, mà đến từ chính tình yêu của tác giả đối với tác phẩm, đổi với cảnh sắc thiên nhiên miền biển. Điều này góp phần tạo nên nét riêng của tác phẩm cũng như tác giả. Do được viết theo thể tuỳ bút, "Chim báo bão" sẽ không hợp với những ai theo đuổi những gì vội vã. Nhưng nếu bỗng có một ngày bạn muốn sống chậm lại, muốn thưởng trà thay vì nhâm nhi tách cà phê, thì "Chim báo bão" là một tác phẩm đáng đọc đấy.

---
(*) Câu thơ của phụ thân Tế Hanh
(**) Quê hương - Tế Hanh

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro