[03] Đông Khê năm ấy! - Hân Anh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

JesseHe2001 ơi em trả đơn ạ. Hy vọng chị hài lòng với bài review này.

---
ĐÔNG KHÊ NĂM ẤY, KHÓI LỬA MUÔN NƠI

Review by Emma

Vì là một người yêu thích lịch sử, nên những tiểu thuyết, truyện ngắn về đề tài này luôn dễ dàng khơi dậy niềm hứng thú trong tôi. Đối với tôi, đọc tiểu thuyết lịch sử là cơ hội để tôi tiếp cận một góc nhìn mới về những sự kiện đã thành giấy trắng mực đen ấy, cũng là cơ hội để tôi ngược dòng thời gian hoà mình vào bầu không khí hào hùng. "Đông Khê năm ấy!" là một truyện ngắn lịch sử về chiến tranh biên giới năm 1950, với những sự kiện đã quen thuộc đến mức đã được đưa vào sách giáo khoa.

Điều quan trọng nhất khi viết truyện với những sự kiện có sẵn là phải hạn chế xuyên tạc hết mức có thể. Dĩ nhiên, là một người viết, tác giả vẫn nên thêm thắt một vài tình tiết để khiến tác phẩm mình thú vị hơn, nhưng không nên quá đà. Hân Anh và "Đông Khê năm ấy!" đã làm tốt điều này. Truyện bám sát vào các sự kiện thực tế, khiến tôi phải dành lời khen cho sự đầu tư của tác giả. Tình huống được đặt ra cũng khá thú vị: một anh chàng với lối sống ích kỷ bỗng nhiên được xuyên không sống lại những giây phút liều mình của dân tộc.

Dẫu vậy, việc bám quá sát vào thực tế vừa là điểm đáng khen, vừa là điểm đáng chê của truyện ngắn này. Thú thật, đọc "Đông Khê năm ấy!", tôi có cảm giác như đang đọc một bài giảng lịch sử, mà nhân vật chính - Dũng - cũng là một người giống như tôi. Tâm lý của anh chàng này một chiều và gần như không có sự biến động này xuyên suốt tác phẩm, khiến cho sự ngộ ra của anh ta ở cuối truyện trở nên hơi khiên cưỡng. Từ đâu đến cuối, Hân Anh miêu tả hành động của Dũng quá ít, khiến cho anh ta như chỉ là một người chứng kiến.

Thế nhưng, điểm trừ lớn nhất của "Đông Khê năm ấy!" là tác giả miêu tả những nhân vật còn lại - những người anh hùng xông pha trận mạc như Trần Cừ, La Văn Cầu - quá thiếu sinh động. Trong khi lẽ ra hai nhân vật này phải là linh hồn của tác phẩm. Mọi hành động của những chiến sĩ đều như lấy được sách giáo khoa, gần như không thêm thắt gì, khiến tôi cứ tưởng họ chỉ là những nhân vật trên giấy.

Đối với tôi, hai tác phẩm miêu tả người lính xuất sắc nhất là "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật và "Tây tiến" của Quang Dũng. Nhân vật người lính ở đây không phải là nhân vật được lý tưởng hoá. Họ là người bình thường, biết cười đùa, biết đến nỗi buồn, cái chết, biết yêu, nhưng cũng đầy quả cảm và sẵn sàng chịu chết. Tôi nghĩ Hân Anh nên miêu tả thêm về hành động những người lính trong truyện trước và sau khi chiến đấu, để người đọc dễ cảm các nhân vật này hơn.

Hơn nữa, chi tiết sự hy sinh anh dũng của Trần Cừ và La Văn Cầu được viết quá sơ sài. Phần lớn là do bút lực của tác giả chưa đủ. Hành động của các anh diễn ra quá nhanh, bầu không khí chưa lột tả được hết sự bi tráng của nó. Hân Anh nên miêu tả đoạn này dài hơn nữa, vì đây mới chính là nút thắt, là điểm sáng của tác phẩm. Đó là khoảnh khắc mà nhân vật chính nhận ra tư duy sai lầm của mình, và cũng là đoạn dễ khơi dậy cảm xúc của độc giả nhất.

Cách hành văn của tác giả không có gì quá đặc biệt, nhìn chung dễ đọc dễ hiểu, tuy chưa có nét riêng. Truyện trình bày khá ổn, mặc dù có vài chỗ không viết hoa sau dấu chấm, khoảng cách giữa dấu câu và các chữ hơi sai sai, rồi những đoạn hội thoại thỉnh thoảng bị lỗi vừa gạch đầu dòng vừa mở ngoặc kép. Tôi khuyên Hân Anh nên dành thời gian đọc lại và tút tát cho tác phẩm của mình, vì những lỗi đánh máy gõ chữ như vậy rất dễ khiến độc giả cụt hứng.

Nhìn chung, "Đông Khê năm ấy!" không phải là một tác phẩm xuất sắc, nhưng điều này cũng dễ hiểu thôi. Không dễ gì viết được một tác phẩm hay về đề tài lịch sử. Nếu muốn trau dồi bút lực của mình về mảng này, tôi nghĩ Hân Anh nên đọc thêm về các tác phẩm cùng thể loại, cũng như luyện viết để nâng cao tay nghề.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro