7. Thước phim đắt giá nhất

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dẫn vào phân cảnh ăn tiền của phim chính là cảnh phim Hoài Tang thổi Thanh Tâm Âm (mà bản chất vốn là Loạn Phách Sao) để ngăn Nhiếp Minh Quyết lại. Thực ra theo ý mình thì đoạn này có thổi hay không thì cũng thế, đằng nào Minh Quyết cũng chém chết Tông Huy thôi, nên cái nồi Quang Dao đội coi như mình không tính ha.

Đoạn này xử lý hậu kì rất thông minh ở cả phần nhạc nền và ghép cảnh. Nhạc nền được tắt đột ngột cùng với hành động chém đao của Nhiếp Minh Quyết: lúc này chỉ còn âm thanh trần trụi của máu chảy và tiếng đao chém lên da thịt, đồng thời cảnh quay chuyển sang đặc tả biểu cảm ngỡ ngàng của Hoài Tang. Việc sử dụng khoảng trống/ cảm giác hụt hẫng này cực đắt giá trong việc đưa khán giả vào môi trường trong phim dưới cái nhìn của Hoài Tang: Giờ đây mỗi độc giả đều đang đứng trong nội tâm Hoài Tang mà chứng kiến đại ca mình tàn sát huynh đệ Nhiếp thị.

Khoảng lặng chết chóc đáng sợ ấy cũng là sự chết đứng của Hoài Tang.

Tiếp theo đó, cùng với nhạc nền Vô Ky nổi lên là âm thanh gọi đại ca và tiếng cười đùa của hai anh em vọng về cùng flashback dồn dập từ quá khứ còn là hai đứa trẻ cho tới khi trưởng thành, từ nụ cười khi hai anh em hóa giải mâu thuẫn, chấp nhận cái chết cùng nhau, đến khi thề nguyền cùng sống chết, cảnh hai anh em đứng trên mỏm núi Thanh Hà, rồi tới những huynh đệ bảo vệ hai người và đã ngã xuống dưới thanh đao Bá Hạ.

Kết thúc flashback dồn dập là một cảnh long take kết hợp POV và over-shoulder shot mà mình cho là đây chính là thước phim ăn tiền của Loạn Phách. Long take vốn là một kĩ thuật quay phim khó và ít gặp: quay trong một lần duy nhất, không cắt ghép. Long take đòi hỏi rất nhiều yếu tố, ví dụ như trong trường hợp kết hợp đặc tả biểu cảm này thì yêu cầu diễn viên đổi vị trí liên tục nhanh chóng, vào vai nhanh trong chớp mắt. Biểu cảm vốn luôn là một thách thức với diễn viên, huống hồ biểu cảm của Hoài Tang lúc đó vô cùng phức tạp: đau đớn, bàng hoàng, xót xa.

Kỉ Lí diễn rất đạt, biểu cảm vừa bàng hoàng, vừa bất lực, lại vô cùng đau xót.

Việc sử dụng một đoạn flashback cắt ghép dồn dập với rất nhiều nhân vật và cảm xúc để dẫn vào đã tạo nên hiệu ứng tương phản cực mạnh với một đoạn long take kéo dài xuyên suốt, tập trung vào cảm xúc của hai nhân vật chính. Bản thân mỗi nhân vật trong đoạn phim này đều đang nhìn thấy thứ trân quý nhất cuộc đời mình:

Nhiếp Minh Quyết và Nhiếp Hoài Tang hiện tại đều lần lượt nhìn thấy đối phương trong quá khứ, nhưng cặp huynh đệ trong quá khứ ấy thì chỉ nhìn thấy nhau.

Lại nói đến chi tiết Minh Quyết trao bút cho Hoài Tang, như mình đã nói ở trên, chiếc bút vẽ quạt, cùng với thanh đao là hai hình tượng quan trọng trong phim. Tính theo mốc thời gian: trao bút tượng trưng cho việc Minh Quyết thấu hiểu và trao cho Hoài Tang con đường tu tâm, hành động bẻ bút ở đầu phim đánh dấu cho sự mâu thuẫn của hai anh em khi đã không còn chung tiếng nói, và hành động trao bút lồng ghép giữa quá khứ và hiện tại này đối với Nhiếp Minh Quyết là một tiếng chuông tỉnh ngộ để giành lại lý chí; còn với Nhiếp Hoài Tang, đây chính là một lời nhắc nhở đầy đau đớn: tất cả đã nằm lại ở quá khứ, đã không còn có thể mang Nhiếp Minh Quyết ngày xưa quay trở về nữa.

"Muốn bảo vệ người này, muốn mang người này trở về.
Thanh Hà Quyết nổi lên, kí ức tràn về.
Nhiếp Minh Quyết đưa cho Nhiếp Hoài Tang chiếc cọ viết.
Trao cho em tấm thẻ tu tâm, giữ lại mình tấm thẻ tu đao.
Muốn bảo hộ Hoài Tang cả đời."

"Đổi lại, Nhiếp Hoài Tang ngày hôm ấy, lần đầu trưởng thành. Muốn bảo vệ người này. Không muốn người này bị tổn thương."

Lời nói dối nặng nề nhất cả đời Nhiếp Hoài Tang: "Họ, đều bị Đao Linh giết chết cả rồi."

Nếu để ý ánh mắt của Hoài Tang, sẽ thấy cậu ấy chăm chú nhìn Minh Quyết, đưa ánh mắt theo ánh nhìn của Minh Quyết. Nửa đầu câu nói dối vốn không dám nhìn vào mắt Minh Quyết, nhưng nửa sau, dường như thu lấy hết can đảm, Hoài Tang nhìn vào mắt Minh Quyết nói ra câu nói dối nặng nề nhất đời mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro