Ba lần gả - Minh Nguyệt Thính Phong

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


"Ba lần gả" không phải là tác phẩm đầu tiên, và chắc chắn cũng không phải là tác phẩm cuối cùng của Minh Nguyệt Thính Phong mà mình đọc tại cô viết truyện lôi cuốn người đọc quá =)) Phải nói rằng, cách xây dựng tính cách nhân vật, cách đan xen những tình tiết gây cười vào các chương truyện gay cấn kì bí thật sự đã tạo nên ngòi bút riêng trong dòng ngôn tình cổ đại trinh thám. Với 97 chương truyện, mình đủ thời gian dõi theo một chuyện tình sâu sắc đủ ngũ vị tạp trần, cũng đủ thời gian để đắm chìm trong những suy luận tinh vi và bí mật đằng sau tấn thảm kịch tàn khốc.

Có quá nhiều điều mới mẻ về một nữ chính như Cư Mộc Nhi, nhưng trên tất cả và nổi bật nhất: nàng bị mù. Với vốn liếng đọc truyện ngôn tình ngót nghét gần nửa thập kỉ, hiếm có khi nào mình thấy tác giả lại mạnh dạn cho nữ chính có một khiếm khuyết rõ rệt như vậy (thường thì các motip kinh điển sẽ là nam chính tàn tật) Nhưng cảm giác về Cư Mộc Nhi vô cùng đặc biệt – 'đặc biệt đến mức không ai chú ý đến ngoại hình hay tính cách của nàng' , theo lời Long Nhị là vậy đấy. Cách Minh Nguyệt Thính Phong khắc họa Mộc Nhi khá sống động, có đôi lúc cảm thấy nàng giống một nữ chính thông thường: mê ngủ, thích trêu chọc tướng công nhà mình, gặp hoạn nạn lực bất tòng tâm chỉ vì đôi mắt không nhìn thấy; đôi lúc lại tưởng chừng như nàng mù ấy có nhãn tuệ tinh thông, con mắt của nàng không phải trên gương mặt mà là ở tấm lòng hiệp nghĩa, tư duy thấu suốt và chu toàn, thậm chí còn có phần thẳng thắn hơn người, đặc biệt là lúc đề nghị Long Nhị kết hôn với mình ấy. Từ những lần đầu tiên xuất hiện, Mộc Nhi đã để lại ấn tượng về người con gái mềm mại gầy gò yếu ớt nhưng lại vô cùng thông minh 'nham hiểm', chơi Long Nhị mấy vố đau điếng mà anh không làm gì được :)) Và xuyên suốt các chương truyện sau đó, mình đã không phải thất vọng khi tác giả đã phát triển tính cách nhân vật này khá tốt: Một con người nghĩa hiệp, kiên trì, điềm tĩnh mà lại rất dịu dàng thấu đáo, lo toan đâu vào đấy, thậm chí không ít lần nàng đã tự mình cứu lấy bản thân và những người khác bằng bản lĩnh ấy, gặp nguy hóa an đều rất thuyết phục người đọc: nàng không phải là thần thánh gì, thực sự chỉ dùng những cách thức rất đơn giản mà lại tinh tế của con người khuyết đi thị giác để giải quyết vấn đề. Người phụ nữ cổ đại mạnh mẽ không bị tin đồn dồn vào trầm cảm, một cô gái mù tự tin sẵn sàng định liệu với tương lai của bản thân, ý thức sinh tồn và tài năng từ con người nàng lan tỏa, ảnh hưởng đến cả những người quanh nàng (trong truyện chính tác giả đã từng đề cập qua). Ngay cả ở hiện tại, cũng là một người đáng học tập.

Nói về nam chính Long Nhị có lẽ đặc sắc hơn nữa (phu thê hai người này đúng là tuyệt phối mà :)) ). Điều đáng nói nhất chắc có lẽ là cái tên: nam chính của chúng ta nào đâu có tên, đơn giản là vì anh là thằng con trai thứ hai trong ba anh em nên tác giả lười biếng viết 'mọi người thường hay gọi Long Nhị, Nhị gia' rồi cứ thế mà Long Nhị đến cuối truyện mà thôi :)) Điểm thứ hai, trái với các nam chính lạnh lùng con thạch sùng, Long Nhị có đủ thứ tính xấu: hay cáu giận, mê tiền lồ lộ, thù dai, đấu khẩu và chấp nhặt với vợ như cơm bữa,... nhưng theo thê tử của anh thì 'mỗi tính xấu của chàng nàng đều cảm thấy đáng yêu' và cũng thừa nhận rằng điểm tốt duy nhất của anh chắc là giữ chữ tín :)) Đó cũng là cơ duyên cho bọn họ lần đầu gặp mặt tréo ngoe, oan gia ngõ hẹp với màn mở đầu thú vị và hài hước. Nhưng nói Nhị gia chỉ có một điểm tốt thì kiểu gì cũng sẽ bị anh mắng ngay, cả mình cũng không đồng tình nữa. Một mình chống đỡ gia nghiệp để huynh trưởng an tâm chinh chiến biên cương, đệ đệ thỏa sức tung hoành giang hồ, dù nói Nhị gia ham tiền, nhưng mấy ai lại biết anh đã vất vả và cố gắng nhường nào. Long Nhị bao che khuyết điểm, tức là mặc kệ chuyện gì xảy ra, người trong lòng anh, người nhà anh cũng không được phép bị tổn hại, toàn tâm toàn ý săn sóc và bảo hộ họ đến cùng. Và đọc truyện sẽ thấy, ngay đến cả hoàng đế cũng thấy may khi anh chỉ là một thương nhân: nếu thứ Nhị gia này muốn không chỉ là tiền, vậy quyền triều rồi sẽ ra sao, khi mà chỉ vì Mộc Nhi mà anh sẵn sàng lập mưu tính kế đảo loạn triều chính, vận dụng tài nguyên nhân lực tra lại cặn kẽ bản án đã kết thúc từ lâu. Tình cảm anh dành cho nữ chính làm mình cảm động, và đôi khi cảm thấy giá như Mộc Nhi có thể thô bạo tỏ tình với anh nhiều hơn để thỏa mãn tâm lý hơi tăng động của anh biết bao :)) Cuối truyện, tác giả úp mở về việc anh bỏ tám ngàn tám vạn lượng vàng (điều quan trọng phải in đậm) để mua 'cây cầm chết tiệt, à không, cây cầm độc nhất vô nhị' về dỗ 'vợ, à không, vợ cũ' lay động kết hôn lại lần ba với mình, chắc kết quả không nói thì bạn nào cũng biết, mình đành chúc Long gia bách niên giai lão, sớm sinh quý tử vậy :))

Tuyến nhân vật phụ có khá nhiều nhân vật đáng chú ý: Đinh Nghiên San (nhân vật thật sự trưởng thành qua từng diễn biến), Vân Thanh Hiền (nhân vật tình địch và cũng là ông trùm của truyện – cá nhân mình thấy hình tượng nhân vật phản diện này sinh ra mà không để ghét thì thật sự đáng tiếc), Lâm Duyệt Đào giả (nhân vật thành công đánh lừa bạn đọc từ lúc xuất hiện), Liễu Du (nhân vật tỏa sáng ở những chương cuối với sự sắc sảo không ai ngờ khi so với sự mờ nhạt trước đó)... và tất nhiên không thể không nhắc đến vợ chồng Long Đại và Long Tam cùng bé con của họ (đặt tên thật thiếu sức sáng tạo mà) hay lão Cư phụ già cả đáng mến. Tuy nhiên, vẫn có một vài nhân vật mà theo mình, chưa thật sự được khai thác sâu và còn mờ nhạt thiếu màu sắc. Nói đi cũng phải nói lại, gây dựng một tuyến nhân vật đồ sộ cũng không phải điều dễ dàng, Minh Nguyệt Thính Phong cũng đã thành công ở mảng nội dung cốt truyện.

Cuối cùng, nếu bạn để ý, mình dùng từ 'anh' để gọi Long Nhị mà không phải 'chàng', bởi bản dịch phản ánh tính cách và hành động của anh bằng những từ ngữ rất hiện đại, nếu dùng một vài từ ngữ Hán Việt khác uyển chuyển hơn thì mình nghĩ sẽ có dáng dấp cổ đại hơn một chút, tạo không khí lúc đọc truyện. Thêm vào đó, ngoại truyện về cặp đôi trợ thủ Lý Kha - Tô Tình cùng với vợ chồng Long Đại tướng quân được phát triển chưa tới nên mình cảm thấy hẫng – tức là cốt truyện có thể phát triển lên nữa thì Minh Nguyệt Thính Phong dừng lại, bắt độc giả phải tự phát huy trí tưởng tượng các diễn biến sau này. Và dù làm mảng trinh thám thành công trong việc gợi sự tò mò ở độc giả, màn phá án cũng khá thỏa mãn, nhưng có vài lúc tình tiết truyện hơi rườm rà và sự suy luận của các nhân vật chưa thật sự liên kết, rành mạch. Bỏ qua vài điều bên ngoài đó, mình khá hài lòng khi chọn "Ba lần gả" để đọc giải trí và thư giãn: có thể làm ta bật cười, có thể làm ta cau mày suy ngẫm, cũng làm cho ta cuốn theo vào những tình tiết cao trào của truyện.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro