rimoto9-thơ đường

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bài thơ dựa trên tích Lưu Thần - Nguyễn Triệu người Diễm Khê, đời Đông Hán. Nhân tiết Đoan Dương, Lưu Thần và Nguyễn Triệu vào núi Thiên Thai hái thuốc, gặp hai tiên nữ và ở lại. Ở trong núi được nửa năm, Lưu Nguyễn xin trở về nhà . Đến nơi thì trần gian đã qua bảy đời người . Sau hai người trở lại Thiên Thai thì không còn tìm thấy dấu vết nữa.

Tiên Tử Tống Lưu Nguyễn Xuất Động

Ân cần tương tống xuất Thiên Thai

Tiên cảnh na năng khước tái lai

Vân dịch ký quy tu cưỡng ẩm

Ngọc thư vô sự mạc tần khai

Hoa đương động khẩu ưng trường tại

Thuỷ đáo nhân gian định bất hồi

Trù trướng khê đầu tòng thử biệt

Bích sơn minh nguyệt chiếu thương đài

Bốn câu đầu của bài thơ là lời miêu tả nhẹ nhàng về buổi chia tay. Ân cần tiễn nhau ra khỏi Thiên Thai, Cõi tiên làm sao có thể lần nữa quay trở lại. Người đã về thì cố uống thêm chén Vân dịch (nghe đồn rượu này uống vào được trường sinh). Còn đây bức thư ngọc, nếu không có việc gì cần thì đừng mở. Lời thơ nhẹ nhàng, biểu đạt tấm lòng của người vợ chia tay chồng. Nhưng cảnh chia tay liệu có thực sự nhẹ nhàng như thế.

Hoa đương động khẩu ưng trường tại

Thuỷ đáo nhân gian định bất hồi

Trù trướng khê đầu tòng thử biệt

Bích sơn minh nguyệt chiếu thương đài

Thì ra là thế, cái nhẹ nhàng bên trên chỉ là cái vỏ bên ngoài của cuộc chia ly. Tiếng lòng tiên tử thật xót xa.

Hoa đương động khẩu ưng trường tại

Thuỷ đáo nhân gian định bất hồi

Trung thành với nguyên tắc mượn vật tả tình, chỉ bằng hai hình ảnh đối lập, tác giả lột tả được hết niềm đau của cuộc chia ly.Hoa trước cửa động còn tươi mãi. Nước về đến nhân gian sẽ không bao giờ trở lại. Hoa cửa động tiêu biểu cho cõi tiên, mãi mãi trường tồn cùng thời gian. Còn dòng nước kia như hai chàng Lưu Nguyễn, một đã đi không còn trở lại được. Tiên trần cách biệt. Đôi ngả phân ly. Người đã đi rồi, chỉ còn lại hai nàng tiên nữ và ánh trăng côi nơi núi lạnh.

Trù trướng khê đầu tòng thử biệt

Bích sơn minh nguyệt chiếu thương đài

(Ngơ ngẩn đầu suối, ly biệt từ đây

Trên ngọn núi rêu phủ, chỉ có ánh trăng sáng chiếu thương đài)

Chắc chắn sẽ không ai dịch nổi hai chữ thương đài ra tiếng Việt. Quá hàm xúc, cô đọng và rất Đường thi. Thương đài - nơi này xưa cùng chàng cạn chén quỳnh tương, nay còn mình thiếp thương hoài ngàn năm. Nơi đây vốn chốn đào nguyên, chàng đi rồi cảnh bỗng thê lương lạnh lẽo. Thế mới biết tiên nữ cũng có tình, thiên thai cũng không khác lầu vắng của người chinh phụ khi vắng bóng chàng.

Nhà thơ Tản Đà cũng có bài thơ Tống Biệt mang trọn được âm hưởng của Tiên Tử Tống Lưu Nguyễn Xuất Thiên Thai

Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai

Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi

Nửa năm tiên cảnh

Một bước trần ai

Ước cũ, duyên thừa, có thế thôi

Đá mòn, rêu nhạt

Nước chảy, huê trôi

Cái hạc bay lên vút tận trời

Trời đất từ đây xa cách mãi

Cửa động

Đầu non

Đường lối cũ

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

Truyền thuyết Lưu Nguyễn gặp tiên! Sách "Thần tiên truyện" chép:

Ðời Hán Minh đế, niên hiệu Vĩnh bình (58 sau DL) có hai chàng nho sĩ tên Lưu Thần và Nguyễn Triệu quê đất Diêm Khê. Gặp tiết Ðoan Ngọ cũng gọi Ðoan dương (mùng 5 tháng 5 âm lịch), theo tục lệ, người ta thường vào núi Thiên thai hái thuốc chữa bệnh. Hai chàng Lưu, Nguyễn cùng đi. Nhưng chẳng may bị lạc, không tìm được lối về.

Vơ vẩn trong núi gần tháng trời mà không tìm được lối ra. Lương thực mang theo đã hết đành phải hái những quả đào chín mọng hai bên bờ suối hay ven chân núi để ăn đỡ đói, rồi vốc nước khe mà uống.

Nhìn dòng nước trong núi chảy ra, hai chàng Lưu, Nguyễn thấy có những hột cơm vừng và lá rau tươi lững lờ trôi, nên đoán chắc cách chỗ người ở không xa nữa. Cả hai bèn lần mò theo đường nước chảy, vượt qua mấy ngọn núi liền mới đến đầu ngọn khe thì thấy cây cỏ xinh tươi, phong cảnh cực kỳ đẹp đẽ. Ðương ngẩn ngơ đứng nhìn bỗng nghe tiếng gọi, giọng rất thanh tao:

- Lưu, Nguyễn hai chàng sao mà đến chậm thế!

Nghe gọi đích danh mình, hai chàng cực kỳ ngạc nhiên, thì vừa lúc ấy hai cô gái rẽ hoa đi ra. Thực là đôi giai nhân tuyệt thế. Như quen biết nhau từ xưa, hai nàng ân cần mời hai chàng vào động, và xưng tên là Ngọc Kiều và Giáng Tiên. Lưu Thần và Nguyễn Triệu mừng rỡ vì được gặp người- lại người đẹp nữa, nên bằng lòng ngay.

Ðến động bước vào nhìn thấy chung quanh toàn trang trí cực kỳ mỹ lệ, đâu đây thoang thoảng mùi hương. Ðến bữa cơm, hai nàng dọn cơm vừng và nem dê rừng mùi vị thơm phức, mời hai chàng dùng. Tối lại, một đoàn mỹ nữ đêm mâm đào chín và rượu ngọt đến, đoạn múa hát dưng đào và rượu, chúc tụng "Chúng em xin có lời mừng tân lang và tân giai nhân nên duyên cầm sắt". Nói xong, họ lại họp nhau vừa múa vừa hát. Xiêm y lộng lẫy, điệu múa uyển chuyển, giọng hát trong trẻo dưới ánh đèn rực rỡ kết tụi ngũ sắc, hai chàng Lưu, Nguyễn say sưa cho mình hạnh phúc lạc vào cảnh tiên.

Ðến khuya, tiệc tàn khách về. Hai nàng Ngọc Kiều và Giáng Tiên mời hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu cùng nâng ly chúc tụng nhau đêm tân hôn mặn nồng giữa hai nàng và hai chàng bền duyên giai ngẫu.

Say mê cảnh đẹp, đầm ấm trong tình vợ chồng, hai chàng Lưu, Nguyễn hầu như quên hẳn cảnh trần gian.

Ở ĐÂY, NGÀY NGÀY THÁNG THÁNG, TIẾT TRỜI ẤM ÁP HƠN XUÂN. KHÔNG Hạ, không Thu, không Ðông, đâu đâu cũng cỏ xanh hoa đẹp, bướm muôn màu nhởn nhơ bay lượn, chim hót véo von, trôi trong mây thanh gió mát đượm mùi hương phảng phất phảng phất quanh mình. Nhưng thời gian hai năm trôi qua, cảnh dầu đẹp, vợ dầu xinh, khí trời đầm ấm, cỏ có xanh, hoa có đẹp, bướm lượn, chim hót... cũng không sao xoá được nỗi nhớ quê nhà, nên hai chàng thỏ thẻ với vợ xin về thăm, hẹn thời gian ngắn sẽ quay trở lại. Hai nàng buồn bã ngăn hai chàng, không cho về. Nhưng lòng mơ nhớ cố hương ray rứt người lữ thứ, hai chàng cứ năn nỉ mãi. Biết không lưu chồng được, hai nàng ngậm ngùi, thở dài bảo:

- Nhờ hồng phúc tiền thân mà hai chàng được cùng chị em chúng tôi kết duyên chồng vợ, kẻ tiên người tục hoà hợp chốn Thiên thai. Tưởng rằng duyên ưa phận đẹp, trăm ngàn năm giữ một chữ đồng. Nào ngờ hai chàng căn trần chưa dứt nên mới luyến nhớ đòi về quê cũ. Cõi trần nhỏ nhen, kiếp trần ngắn ngủi đầy hệ luỵ, hai chàng có trở về chốn trần gian thì liễu cũ hoa xưa chắc không còn được như ngày trước nữa. Chia ly ai chẳng não lòng nhưng nghiệp chướng khó mà diệt nổi.

Thế rồi hai nàng tiễn chân hai chàng ra khỏi động, bịn rịn đưa tận xuống núi. Nhìn xa xa khói lam phủ nóc nhà ai, quanh đi quẩn lại hai chàng ra khỏi núi Thiên thai, chẳng mấy chốc xuống về quê cũ.

Cây đa cổ thụ đầu làng còn kia nhưng cảnh vật đã khác hẳn trước. Làng xóm toàn người xa lạ, không còn ai có thể nhận ra hai chàng Lưu, Nguyễn là người đồng hương nữa. Cả hai cực kỳ làm lạ. Mới cách chỉ có hai năm, sao cảnh vật lại đổi thay một cách lạ kỳ. Lối cũ không còn. Trừ cây cổ thụ đầu làng giờ đã già cỗi, cành lá úa vàng chứng tỏ đã xa lâu lắm rồi và bao lần biến đổi. Bỗng gặp một cụ già tuổi đã gần trăm, hai chàng Lưu, Nguyễn đến hỏi thăm. Cụ già bèn kể lại cách đây độ 400 năm, cụ có một ông tổ bảy đời tên Nguyễn Triệu. Nhân tiết Ðoan Ngọ cùng bạn là Lưu Thần vào núi hái thuốc rồi biệt tích.

Bấy giời Lưu Thần, Nguyễn Triệu mới biết một ngày trên tiên giới bằng một năm ở trần gian. Cả hai bơ vơ, lấy làm hối tiếc bèn rủ nhau trở lại động Thiên thai. Nhưng thảm thay, đi vòng vo, quanh quẩn... cuối cùng lại lủi thủi TRỞ VỀ, VÌ LỐI XƯA ĐÃ LẠC MẤT RỒI. Ở QUÊ CŨ CHO ĐẾN đời Tấn Võ đế (265- 275), Lưu Thần và Nguyễn Triệu mới bỏ đi, không ai còn gặp nữa.

Tiếp một bài, đây là bài thơ có lẽ nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác lẫy lừng của đại tác gia Lý Thương Ẩn:

無 題

相見時難別亦難,

東風無力百花殘。

春蠶到死絲方盡,

蠟炬(燭)成灰淚始干。

曉鏡但愁雲鬢改,

夜吟應覺月光寒。

蓬山(萊)此去無多路,

青鳥殷勤為探看。

VÔ ĐỀ

Tương kiến thời nan biệt diệc nan

Đông phong vô lực bách hoa tàn

Xuân tàm đáo tử ty phương tận

Lạp chúc thành hôi lệ thuỷ can

Hiếu kính đản sầu vân mấn cải

Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn

Bồng lai thử khứ vô đa lộ

Thanh điểu ân cần vị thám khan

Có khá nhiều bản dịch nhưng bản dịch của Khương Hữu Dụng tiên sinh sau đây theo ngu ý của tại hạ là khá hơn cả:

Khó gặp nhau mà cũng khó xa

Gió xuân đành để rụng trăm hoa

Con tằm đến thác tơ còn vướng

Chiếc nến chưa tàn lệ vẫn sa

Sáng ngắm gương buồn thay mái tuyết

Đêm ngâm thơ thấy lạnh trăng ngà

Bồng Lai tới đó không xa mấy

Cậy với chim xanh dọ lối màHờ bài này là do khi tại hạ dịch chương 3 quyển 42 truyện Biên Hoang Truyền Thuyết gặp được. Vậy Post lên cho anh em thưởng thức :

春江晚景

蘇軾

竹外桃花三兩枝,

春江水暖鴨先知。

蔞蒿滿地蘆芽短,

正是河豚欲上時。

Xuân giang vãn cảnh

Tô Thức

Trúc ngoại đào hoa tam lưỡng chi,

Xuân giang thuỷ noãn áp tiên tri.

Lâu hao mãn địa lô nha đoản,

Chính thị hà đồn dục thượng thì.

Dịch Thơ

Cảnh chiều ở sông xuân

(Người dịch: Điệp luyến hoa)

Ngoài bụi hoa đào đôi nhánh nở,

Sông xuân nước ấm vịt hay liền.

Cỏ xanh đầy đất, mầm lau mọc,

Lợn nước hám ăn chực muốn lên.

Dịch Nghĩa

Bên ngoài bụi trúc, hoa đào nở hai ba cành,

Sông sang xuân, nước ấm lên, con vịt là biết trước tiên.

Cỏ lâu hao mọc đầy đất, mầm lau mới lên còn ngắn,

Chính là lúc loài lợn nước muốn lên ăn.

PHONG KIỀU DẠ BẠC

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hoả đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Những người yêu thơ Đường hẳn không thể quên bài "tuyệt cú" này, nhưng lịch sử ra đời của nó thì chắc hẳn không phải ai cũng biết. Nhân đọc được một bài viết rất hay trên báo Tia sáng, xin chia sẻ cùng các bạn.

................................

Ông ấy rớt bảng rồi! Chuyện ấy xảy ra cách đây một nghìn hai trăm năm. Tờ giấy yết bảng to và dài như thế nhưng lại không có tên của ông. Ôi! Nó không dung nổi hai chữ "Trương Kế" tên ông. Tên họ của những người thi đỗ viết kín trên tấm bảng, thiên hạ đều biết. Nhưng ông cảm thấy kỳ lạ thay, chính người thi trượt mới là người được thiên hạ biết hơn cả. Việc ấy khiến ông xấu hổ buồn bực.

Phải rời kinh thành thôi! Sau khi mặc cả xong với ông lão lái đò, Trương Kế lên chiếc thuyền con. Theo dự kiến thì lẽ ra sẽ không như thế đâu, lẽ ra bây giờ ông đang dạo phố, tay cầm bó hoa, áo gấm, ngồi trên lưng ngựa. Công phu đèn sách 10 năm thế là công cốc, cả đến một chỗ ngồi trên chiếu rượu mừng cũng không có nữa.

Chiếc thuyền con lao như gió.

Những đốm lửa loang loáng trên bờ sông lạnh lẽo. Tối hôm ấy, thuyền đến Tô Châu, nhưng thành cổ xinh đẹp này bây giờ chỉ còn là một nơi không có chút tình cảm nào với Trương Kế.

Ngoài việc đọc sách thì kẻ thư sinh thì còn biết làm gì vào ban ngày? Còn ban đêm thì sao nhỉ? Đêm thì phải ngủ để lấy sức cho hôm sau tiếp tục đọc sách chứ sao. Có điều, đêm hôm nay là một đêm buồn bã chán chường. Đêm nay tại nơi đất khách quê người, hơi lạnh của mùa thu cho phép kẻ sĩ tử thả hồn lâng lâng theo nỗi buồn man mác. Dòng sông kia có thể chứa hết nước mắt của tất cả những ai không được toại nguyện.

Trong một buổi tối như vậy, Trương Kế đã ngồi yên lắng nghe con tim mình đang bị cái gì đó gặm từng tí một cho đến khi không còn gì nữa. Họ Trương ngồi mở to mắt nhìn cuộc đời mình. Đời ta như ngọn đèn trước gió bão, bao nhiêu sức lực đều đã dồn hết để chống cự, dầu trong bầu đèn sắp cạn, ngọn đèn leo lét có thể tắt ngấm bất cứ lúc nào. Song điều đáng ghét là suốt cả đời mình, ngọn đèn ấy chưa bao giờ bừng sáng một lần!

Dòng sông đã ngủ say. Con thuyền đã yên giấc. Nhà thuyền đã đi ngủ hết rồi. Người trên bờ sông cũng đã đi nằm từ lâu rồi. Chỉ có ông, Trương Kế, thì còn tỉnh. Đêm càng khuya lại càng tỉnh. Tỉnh như chiếc lá khô từ cây rụng xuống, như tổ én khi con én đã bay đi.

Lúc đầu, cơn buồn ngủ xua đuổi ông (có lẽ nửa đời nay đi đâu ông cũng bị xua đuổi). Sau đấy, ông quả quyết: không ngủ thì không ngủ chứ sao, suốt đêm trường tỉnh táo thì ta dứt khoát chiêm nghiệm lại nỗi đau trong lòng mình, có gì không được nhỉ?

Vầng trăng chếch về phía tây, vẻ như hào hứng lắm. Có tiếng chim kêu, giọng khàn khàn, quàng quạc, tiếng của lũ quạ. Tiếng quạ kêu làm cho ánh trăng càng thêm ảm đạm. Chắc là sương đêm đã nhuốm trắng cây cỏ hai bờ sông. Trên bầu trời đêm, những vì sao như giọt sương long lanh, chúng nhấp nhánh một vẻ thê thảm.

Đôi chỗ còn thấy ánh đèn của những chiếc thuyền đánh cả, dân chài đang làm gì vậy? Đang đánh cá chăng? Hoặc đang đánh tôm? Có bao giờ họ buông lưới mà không bắt được con tôm con cá nào không? Ôi, đường đời gian truân lắm! Dù là người đánh cá nhàn hạ nhất cũng chẳng tránh khỏi có lúc phải lao vào nơi đầu sóng ngọn gió, đúng không?

Nhưng được làm việc vất vả như thế cũng là một hạnh phúc chứ! Đêm nay, ánh trăng cứ sáng, sương đêm cứ lạnh, người nào yên tâm thì ngủ ngon, ai làm việc thì làm việc. Chỉ có Trương Kế ta là kẻ trời không quản, đất không dung, đã không có quyền làm việc lại cũng không có phúc được ngủ...

Tiếng chuông vang lên, tiếng chuông chùa Hàn Sơn trong đêm khuya kỳ lạ. Nói chung chùa chiền đều thỉnh chuông vào sáng sớm. Chùa Hàn Sơn đánh "chuông nửa đêm" là để thức tỉnh thế gian. Tiếng chuông bay là là sát mặt nước sông lan đến. Với kẻ khác thì tiếng chuông ấy chỉ là tiếng nhạc trầm trầm mơ hồ trong giấc mộng. Còn với Trương Kế thì mỗi tiếng chuông như đánh vào tâm khảm ông, đánh trúng chỗ hiểm. Tiếng chuông đẹp làm sao, nhưng cái chuông kia có đau hay không?

Đã mất ngủ thì cho mất ngủ luôn. Trương Kế tung chăn ngồi dậy, viết mò trong bóng tối 4 chữ "Phong kiều dạ bạc". Sau đó chép nốt 28 chữ còn lại. Tôi nói "chép" lại, vì trong lòng ông, 28 chữ ấy đã hiện lên rõ mồn một như giấy trắng mực đen vậy:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hoả đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

(Bản dịch của thi sĩ Tản Đà) :

Trăng tà chiếc quạ kêu sương

Lửa chài cây bến sầu vương giấc Hồ

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe vẳng chuông chùa Hàn Sơn.

Cảm ơn Thượng Sương! Nếu không có sự việc Trương Kế rớt bảng thì lịch sử thơ ca đã thiếu mất một bài thơ tuyệt hay, và một tâm trạng nào đó của ta sẽ chẳng bao giờ được người khác thổ lộ giúp bằng một câu thơ.

Một nghìn hai trăm năm đã trôi qua. Trên tấm bảng dài dài kia (tức tấm bảng vàng mà Trương Kế không chen nổi vào được ấy) ai từng là trạng nguyên của kỳ thi đó? Ha ha! Cần gì phải biết người đó là ai? Cái tên cần ghi nhớ là "Trương Kế, kẻ rớt bảng". Liệu có ai nhớ được cảnh trạng nguyên áo gấm vinh quy trong kỳ thi ấy không? Chẳng ai nhớ đâu! Ta chỉ mãi mãi nhớ tới con người chán đời kia trên chiếc thuyền chở khách trong đêm thu ấy cùng cái đêm mất ngủ bất hủ của ông.

Bài Vô Đề của Lý Thương Ẩn thiệt là hay. Nhất là hai câu 春蠶到死絲方盡, 蠟炬(燭)成灰淚始干。Nếu mọi người chú ý thì sẽ thấy hai câu này có trong phim Bao Thanh Thiên, phần Sinh tử luyến (mối tình sinh tử), đó là hai câu thơ mà hai vợ chồng đã dùng làm ám hiệu để gặp lại nhau ở kiếp sau. Trong phim đài Hà Nội có dịch là :Tằm chết mới nhả hết tơ, nến kia cháy hết mới thôi lệ sầu.

Ngoài bài này ra, Lý Thương Ẩn có rất nhiều bài thơ tựa là Vô Đề, ông nổi tiếng cũng chính vì những bài Vô Đề như thế. Ông này là nhà thơ tình nổi tiếng của đời Đường, mọi người ai có thơ của ông này cho em xin nhé.

Chùm Thơ Vô Đề của Lý Thương Ẩn

Hải Đà - Vương Ngọc Long

Thơ tình yêu trai gái lãng mạn hiếm thấy vào thời Sơ Đường, Thịnh Đường và Trung Đường. Đến thời Vãn Đường (836-907), nhà Đường xuống dốc và sụp đổ nhanh chóng. Nông dân bị bóc lột, sưu cao thuế nặng, quan lại hà hiếp, sự xa hoa trụy lạc của bọn quí tộc quan liêu. Lời hịch khởi nghĩa truyền nhau đã dẫn dắt đến nhiều cuộc nổi dậy để đòi quyền sống, đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa của Hoàng Sào. Trong cảnh xã hội nhiễu nhương, đất nước loạn ly phân tán, nền văn học Trung Hoa cũng đột nhiên chuyển biến mang tính chất lãng mạn, phóng khoáng, hiện thực, trữ tình, đem tình yêu nam nữ vào thi ca, và những nhà thơ nổi tiếng trong thời kỳ nầy có thể nói là Lý Thương Ẩn, Đỗ Mục (Tần Hoài Dạ Bạc), Tào Đường (Thiên Thai), Ôn Đình Quân, Đỗ Tuân Hạc ...

Lý Thương Ẩn là nhà thơ lãng mạn trữ tình, nổi tiếng qua những bài thơ VÔ ĐỀ của ông. Lý Thương Ẩn (812-858) tên chữ là Nghĩa Sơn, người Hoài Châu, Hà Nội (nay là huyện Thẩm Dương, tỉnh Hà Nam). Ông đỗ tiến sĩ năm Khai Thành, làm quan đến chức Công bộ viên ngoại lang. Sinh vào đời nhà Đường lúc nhiều mâu thuẫn nội bộ. Tác phẩm của ông phản ảnh lúc tư tưởng thiên về đạo Lão, có lúc lại thiên về đạo Nho. Thơ của ông phức tạp, phong phú vừa về nội dung tư tưởng, lẫn văn học nghệ thuật. Ông có một lối sống riêng, cách suy nghĩ và nhận thức riêng, và thơ ông đi sâu vào nội tâm, muốn nói những suy nghĩ cá nhân khát khao và mơ ước, đôi khi nhiều ảo tưởng. Chùm thơ Vô Đề của Lý Thương Ẩn biểu tượng cho thơ tình yêu trai gái phóng đãng, vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến hủ bại, chế độ hôn nhân ràng buộc độc đoán, bất nhân, những cuộc gả bán ép uổng, mua vui, không tình yêu đồng cảm của đôi lứa, dựa trên những quan niệm thành kiến bất công khắc nghiệt "trọng nam khinh nữ", "tam tòng tứ đức" biến người phụ nữ làm công bộc nô lệ trong gia đình, số phận hẩm hiu, không có quyền sống vui sướng hạnh phúc. Ông đã dùng ngòi bút linh hoạt, sống động gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh, khắc họa những hình ảnh tươi đẹp của gia đình, hạnh phúc và tình yêu. Lý Thương Ẩn đã muốn nói lên niềm ước mơ chân thật, tình ý thiết tha về hạnh phúc hôn nhân và tình yêu đôi lứa, phải chăng để giải tỏa những cảm xúc đè nén, những tâm trạng ức chế, vì những giáo điều nghiêm khắc của chế độ phong kiến, có quan niệm bất công đối với vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội . Cũng có tương truyền rằng Lý Thương Ẩn có tình luyến ái với một nữ đạo sĩ và các cung nữ triều đình, nên chùm thơ Vô Đề của ông mang tính chất hư ảo, huyền diệu, bí ẩn, thần thoại hóa.

Những bài thơ Vô Đề của ông gợi cảm, lôi cuốn, dạt dào xúc cảm chân thành, âm điệu nhẹ nhàng thanh thoát. Ý từ, hình thức, nội dung, tư tưởng, ngôn ngữ đã hài hòa kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn, hoa mỹ, trau chuốt, đã tạo nên những hình ảnh đẹp, sống động, bay bổng, phóng khoáng, ca ngợi tình yêu lấy sự hiểu nhau, tâm đầu ý hợp làm nền tảng .

Gặp gỡ nhau trong giây phút ngắn ngủi, chưa thổ lộ hết niềm thương nỗi nhớ, thì phải chia xa, xa nhau để rồi ngậm ngùi, thương tiếc, nhớ nhung ray rứt :

Nàng đến rồi đi cách biệt ta

Lầu cao, chuông điểm, bóng trăng tà

Giấc mơ ly biệt lời chưa tỏ

Thư viết vừa xong mực úa nhòa ..

(Vô Đề 2)

Những câu thơ man mác nỗi sầu đau nghẹn ngào, u uất buồn thảm, đã nói lên niềm ly biệt làm tan nát hồn người, "biệt dị hội nan" (chia ly thì dễ, gặp nhau thì khó). Con tằm còn sống còn nhả tơ, chỉ đến khi chết buông xuôi thì nguồn tơ sẽ cạn. Ngọn nến còn cháy tỏa ra ánh sáng bập bùng là lúc những giọt nến giống như những giọt lệ nồng ấm còn chảy dài, đến khi nến đã tắt rồi, thì những giọt nến không còn nữa, đó chỉ là những giọt lệ khô trên đống tro tàn, đau thương và tức tưởi:

Ruột tằm đứt đoạn tơ còn vướng

Giọt nến thành tro lệ bớt nhòa

(Vô Đề 4)

Đôi trai gái gặp nhau để rồi xa nhau, để lại cho nhau những nỗi xao xuyến, bàng hoàng, những xúc cảm mãnh liệt khó mà diễn tả, những nhớ nhung dằng dặc khó mà nguôi ngoai, những bồi hồi thương tiếc ngẩn ngơ, đó là thế giới của tương tư da diết, chập chờn mộng ảo :

Chớ vội lòng xuân hoa nở rộ

Tương tư một tấc tựa tro vùi

(Vô Đề 3)

Khó tin sóng gió nghiêng cành ấu

Chẳng biết trăng sương quế ngát lừng

Biết nỗi tương tư là huyễn mộng

Chẳng đem đau xót đổi cuồng ngông

(Vô Đề 6)

Xa nhau, chỉ ước ao có ngày xum họp, nhưng tất cả chỉ là ảo ảnh bồng bềnh, vì nơi chốn gặp nhau chỉ là hình tượng mơ ước, hão huyền của chốn bồng lai tiên cảnh, ngàn trùng cách xa vời vợi :

Chàng Lưu hận tiếc non Bồng cũ

Vạn dặm non Bồng đã cách xa

(Vô Đề 2)

Bồng lai mấy dặm không là mấy

Chắc hẳn nhờ chim dẫn lối qua

(Vô Đề 4)

1-Vô Đề kỳ I

Tạc dạ tinh thần tạc dạ phong

Họa lâu tây bạn quế đường đông

Thân vô thái phượng song phi dực

Tâm hữu linh tê nhất điểm thông

Cách tọa tống câu xuân tửu noãn

Phân tào xạ phúc lạp đăng hồng

Ta dư thính cổ ưng quan khứ

Tẩu mã lan đài loại chuyển bồng

Lý Thương Ẩn

Dịch nghĩa

Đêm qua sao đầy trời, đêm qua gió nổi

Bên tây lầu hoạ, phía đông nhà quế

Thân ta không có đôi cánh phượng lộng lẫy bay cao

Nhưng trong lòng có điểm sừng tê để cảm thông

Ngồi xa nhau chuốc chén rườu xuân nồng ấm

Cùng chia nhau niềm vui dưới ánh nến hồng

Ôi, nghe tiếng trống giục đi việc quan

Ruổi ngựa tới lan đài như ngọn cỏ bồng

* Linh tê: một loài tê, cũng gọi là tê thông thiên; sừng bên ngoài có vệt trắng như tơ, bên trong có lỗ nhỏ thông suốt từ gốc đến mũi ...

* Lan đài : còn gọi là ngự sử đài, tên một cơ quan trong triều đình cổ, giữ nhiệm vụ can gián vua và vạch lỗi các quan .

Thơ Không Đề - bài 1

1-

Sao sáng đêm qua gió thổi đầy

Phía đông nhà quế, họa lầu tây

Thân không cánh phượng mà bay vút

Lòng sẵn sừng tê cảm ngất ngây

Xuân ấm ngồi xa cùng chuốc rượu

Nến hồng chia sẻ cảnh vui lây

Chầu vua giục giã theo hồi trống

Phi ngựa đến đài tựa cỏ bay

2-

Đêm qua gió thổi, sao đầy

Bên đông nhà quế, phía tây họa lầu

Thân không cánh phượng bay mau

Sừng tê dạ điểm nhìn nhau cảm lòng

Cách xa chuốc chén xuân nồng

Niềm vui chia sẻ nến hồng ấm thay

Chầu vua tiếng trống giục ai

Mau như ngọn cỏ đến đài ngựa phi

Hải Đà phỏng dịch

To One Unnamed I

The stars of last night and the wind of last night

Are west of the Painted Chamber and east of Cinnamon Hall.

Though I have for my body no wings like those of the bright- coloured phoenix,

Yet I feel the harmonious heart-beat of the Sacred Unicorn.

Across the spring-wine, while it warms me, I prompt you how to bet

Where, group by group, we are throwing dice in the light of a crimson lamp;

Till the rolling of a drum, alas, calls me to my duties

And I mount my horse and ride away, like a water-plant cut adrift.

English version (Li Shangyin)

2- Vô Đề kỳ II

Lai thị không ngôn khứ tuyệt tung

Nguyệt tà lâu thượng ngũ canh chung

Mộng vi viễn biệt đề nan hoán

Thư bị thôi thành mặc vị nùng

Lạp chiếu bán lung kim phỉ thúy

Xạ huân vi độ tú phù dung

Lưu lang dĩ hận Bồng sơn viễn

Cánh cách Bồng sơn nhất vạn trùng

Lý Thương Ẩn

Dịch nghĩa:

Nàng đến nói lời nói bâng quơ, rồi đi biệt tăm

Trăng xế trên lầu, văng vẳng hồi chuông điểm canh năm

Mộng thấy ly biệt, khóc than cũng khó tỉnh giấc được

Bức thư thôi thúc viết cho xong, mực chưa khô ráo

Ánh nến mờ soi một nửa con chim phỉ thúy bằng đồng

Mùi hương xạ thoang thoảng bức màn thêu hoa phù dung

Chàng Lưu ân hận núi Bồng xa xôi quá

Mà lại cách xa núi Bồng đến vạn dặm

* Bồng Lai = theo Sử ký Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu là ba ngọn núi tiên trong Bột Hải . Ở đấy chim muông đều có lông trắng, cung điện đều bằng vàng bạc . Đó là nơi các thần tiên bất tử sống thảnh thơi sung sướng .

Thơ Không Đề - bài 2

1-

Nàng đến rồi đi cách biệt ta

Lầu cao, chuông điểm, bóng trăng tà

Giấc mơ ly biệt lời chưa tỏ

Thư viết vừa xong mực úa nhòa

Ánh nến mờ soi chim phỉ thúy

Hương thơm phảng phất bức màn hoa

Chàng Lưu hận tiếc non Bồng cũ

Vạn dặm non Bồng đã cách xa

2-

Vu vơ đến, rồi đi xa

Canh năm chuông điểm trăng tà lầu cao

Giấc mơ ly biệt nghẹn ngào

Bức thư vừa viết mực sao úa nhòa

Nến mờ soi bóng chim qua

Xạ hương phảng phất màn hoa thơm nồng

Chàng Lưu hận chốn non Bồng

Mịt mùng vạn dặm núi Bồng cách xa

Hải Đà phỏng dịch

To One Unnamed II

You said you would come, but you did not, and you left me with no other trace

Than the moonlight on your tower at the fifth-watch bell.

I cry for you forever gone, I cannot waken yet,

I try to read your hurried note, I find the ink too pale.

Blue burns your candle in its kingfisher-feather lantern

And a sweet breath steals from your hibiscus-broidered curtain.

But far beyond my reach is the Enchanted Mountain,

And you are on the other side, ten thousand peaks away.

English version (Li Shangyin)

-Vô Đề kỳ III

Táp táp đông phong tế vũ lai

Phù dung đường ngoại hữu khinh lôi

Kim thiềm niết tỏa thiêu hương nhập

Ngọc hổ khiên ti cấp thủy hồi

Giả thị khuy liêm Hàn duyện thiếu

Mật phi lưu chẩm Ngụy vương tài

Xuân tâm mạc cộng hoa tranh phát

Nhất thốn tương tư nhất thốn hôi

Lý Thương Ẩn

Dịch nghĩa:

Gió xuân thổi ào ạt, cơn mưa phùn đến

Ngoài ao sen, rền vang tiếng sấm nhè nhẹ

Đốt hương bay qua chiếc khoá hình con cóc vàng

Kín nước từ chiếc giếng có con hổ ngọc buộc tơ

Giả thị nhìn qua rèm, quan huyện Hàn còn trẻ tuổi

Mật phi trao gối lại cho Ngụy vương tài hoa

Lòng xuân thôi đừng cùng hoa đua nở

Một tấc tương tư là một tấc tro

* Hàn duyện = tức Hàn thọ, làm chức duyện lại

* Giả thị : chỉ con gái của Giả Sung . Hàn Thọ có tướng mạo rất đẹp đẻ, Giả Sung chọn làm thuộc hạ, chức duyện lại . Con gái của Sung đứng sau rèm nhìn trộm ra (Giả thị khuy liêm), rất thích, bèn cùng Thọ tư thông

* Mật phi : còn gọi là Phục Phi, theo truyền thuyết là con gái vua Phục Hi đời cổ , chết đuối ở sông Lạc , hóa làm nữ thần gọi là Lạc thần. Theo Sử ký, thì gọi là Đào Chân mà Tào Thực rất yêu thích , nhưng Tào Tháo lại gả cho Tào Phi, anh của Tào Thực. Đào Chân bị dèm pha, bắt tự sát . Thực vào triều, Phi đưa cho xem cái gối dát vàng nạm ngọc của Đào Chân . Thực khóc, Phi bèn ban gối cho, Thực nhân đó dựa vào truyện thần thoại, làm bài Cảm Chân phú, sau đổi là Lạc thần phú để kỷ niệm .

* Ngụy vương = Tử Kiến, tức là Tào Thực, con của Tào Tháo, em của Tào Phi, giỏi văn thơ . Thơ của Tào Thực giản dị trong sáng, có giá trị hiện thực .

Thơ Không Đề - bài 3

1-

Gió xuân xào xạc, nhẹ mưa rơi

Vang vọng ao sen tiếng sấm trời

Ngậm khóa cóc vàng hương khói tỏa

Buộc tơ hổ ngọc giếng đầy khơi

Xuyên rèm Giả Thị nhìn quan trẻ

Trao gối mật Phi ngắm Ngụy cười

Chớ vội lòng xuân hoa nở rộ

Tương tư một tấc tựa tro vùi

2-

Gió xuân thổi nhẹ mưa rào

Ngoài ao sen nở ngạt ngào, sấm vang

Tỏa hương ngậm khóa cóc vàng

Buộc tơ hổ ngọc nước dâng giếng tràn

Xuyên rèm Giả thị nhìn quan

Mật phi trao gối Ngụy vương đa tài

Lòng Xuân đừng nở hoa cười

Tương tư một tấc ngậm ngùi tàn tro

Hải Đà phỏng dịch

To One Unnamed III

A misty rain comes blowing with a wind from the east,

And wheels faintly thunder beyond Hibiscus Pool.

Round the golden-toad lock, incense is creeping;

The jade tiger tells, on its cord, of water being drawn

A great lady once, from behind a screen, favoured a poor youth;

A fairy queen brought a bridal mat once for the ease of a prince and then vanished.

Must human hearts blossom in spring, like all other flowers?

And of even this bright flame of love, shall there be only ashes?

English version (Li Shangyin)

5-Vô Đề kỳ V

Phượng vĩ hương la bạc kỷ trùng

Bích văn viên đính dạ thâm phùng

Phiến tài nguyệt sắc tu nan yểm

Xa tẩu lôi thanh ngữ vị thông

Tằng thị tịch liêu kim tẫn ám

Đoạn vô tiêu tức thạch lưu hồng

Ban chuy chỉ hệ thùy dương ngạn

Hà xứ tây nam nhiệm hảo phong ?

Lý Thương Ẩn

Dịch nghĩa

Màn hương đuôi phượng rủ nhiều tầng

Canh khuya may chiếc mũ tròn màu xanh biếc

Quạt như trăng khó che được khuôn mặt đẹp

Xe như tiếng sấm ran, át cả lời nói

Từng ngồi trong cô tịch, ánh đèn mờ mờ

Không rõ tin tức, hoa thạch lựu nở thắm

Chỉ buộc ngựa ban truy bên cây thuỳ dương

Nơi nào có cơn gió lành thổi về tây nam?

Thơ Không Đề - bài 5

1-

Mấy tầng đuôi phượng rủ màn hương

Mũ biếc đêm trường dệt vấn vương

Cánh quạt như trăng khôn dấu đẹp

Xe đi tựa sấm át lời thương

Đèn vàng mờ ảo ngồi thanh vắng

Tin bặt chờ mong lựu nở trương

Bờ liễu ngưạ chuy còn buộc kỹ

Tây Nam nhờ gió chuyển lòng thương

2-

Nhiều tầng đuôi phượng màn hương

Mũ xanh biếc dệt đêm trường chơi vơi

Vầng trăng che khuất sắc người

Xe đi như sấm chẳng lời trao nhau

Tịch liêu dưới ánh đèn sầu

Bặt tin thạch lựu đua nhau nở hồng

Ngựa truy buộc kỹ bờ dương

Lòng thương nhờ gió chuyển đường Tây Nam

Hải Đà phỏng dịch

Ghi chú :

1-Những bài thơ Anh Ngữ trích từ website :

http://lib.blcu.edu.cn/per/981/ch/poetry/love/wuti.htm

2-Chú thích về điển tích trích từ Đường Thi Tuyển Dịch của Lê Nguyễn Lưu

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro