Rỗi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bàng quay qua quay lại trên chiếc giường đơn chật hẹp, cố ru ngủ bản thân bằng những suy nghĩ đâu đâu, chẳng liên kết và cũng không có mấy ý nghĩa. Dạo gần đây anh thấy ngày cứ càng dài ra và đời thì chẳng thêm vào nổi chút gì ngoài sự buồn tẻ, anh cố ăn, cố uống, cố ngủ. Cái gì cũng là cố, mà cố mãi, thì đến bao giờ cho xong? Có mấy lúc nằm dán mình trên giường mà thấy ngứa ran cả người, đưa tay vòng qua lưng để tìm chỗ rồi gãi, thế nào lại ngộ ra cái ngứa này không nằm trên thân xác, mà nó ở đâu đâu trong cái cơn đau đầu không ngớt của anh.

Anh thấy giọng điệu mình càng ngày càng giống mấy ông bác sáng đến rảnh ra là ngồi đánh cờ ngay sát nhà mình, mấy người chẳng phải già mà cũng đâu phải trẻ, chắc là tuổi trung niên- biết thì cũng nhiều mà không biết cái gì lại càng nhiều nữa. Họ ngớp một ngụm trà rồi lại cười xa xả, tay đánh một ván cờ rồi lại xỉa xói câu chuyện đời tư một kẻ xấu số nào đó mà họ vừa nghĩ ra, cũng giống như anh. Vốn xưa anh chẳng để ý gì lắm, vốn bản chất Bàng là một đứa lương thiện chỉ biết cắp sách đến trường và đưa bước một mạch về nhà, đầu óc trống trơn. "Chẳng biết cái tính mày thay đổi từ bao giờ"- mẹ anh bảo thế, anh cũng đâu có câu trả lời để mà đáp lại mẹ, nên chỉ đành gật gù rồi khóa cửa phòng lại mỗi lần bị mẹ chê trách. Anh rót một cốc nước trong khi bản thân không khát, tự kết luận hẳn cái xúc cảm chê trách đám người trung niên ấy đến từ việc anh ghen ghét với họ, lúc nào cũng bực bội hỏi trời tại sao họ được phép thảnh thơi vui thú với những món đồ họ thích, còn anh thì phải ép cạn sức mình cho số phận bất hạnh này? Trong khi mới bảnh mắt sáu giờ rưỡi sáng mà thôi?!

Bàng hay thế, hay than, hay kêu khổ, hay tự huyễn mọi cái gì xấu nhất đều đang đổ trên mình. Anh biết lối suy nghĩ đó là sai chứ, là đáng xấu hổ cho một thằng con trai chuẩn bị tốt nghiệp lắm chứ, bởi cái lẽ anh nào có khổ bằng ai để mà than thở. Anh có nhà để ở, có ba mẹ anh chị bên cạnh đầy đủ, có bữa cơm ngon chờ sẵn ở nhà, có chiếc điện thoại bầu bạn mỗi khi anh không nghĩ ra cái gì nữa để mà làm, có cái bàn cái ghế cái hộp bút theo màu anh ưa thích... và còn nhiều còn nhiều thứ nữa mà người đời hằng ao ước. Ôi thôi, giờ đến cả chuyện liệt kê anh cũng làm không nổi, sao Bàng không nghĩ dài thêm cho được? Sao Bàng không biết ơn với những điều anh có thêm một chút nữa thôi? Sao anh lúc nào cũng phải thấy đau khổ, giận hờn, bực tức với mọi thứ trên đời? Hôm qua thì càm ràm "Sao lúc mọi người dọn đồ không bảo con?" do cả nhà chẳng biết sắp xếp đâu là đồ để, đâu là đồ vứt trong tủ anh mà cứ ném hết vào sọt rác; hôm kia lại kêu ca "Chẳng ai hiểu cho mình..." khi bố lấy chiếc áo Bàng ưa thích (đã hơn bảy năm tuổi) làm cái giẻ lau chân. Bàng cứ bực rầu hoài, mà bực rầu cái gì thì anh chẳng nói rõ, anh cứ lẩm bà lẩm bẩm trong miệng mỗi lần đi qua ai đã làm chuyện sai với anh, như thằng hấp! Phải, một thằng hấp.

Bàng vo vo đầu óc mình lại, cả trong thực tại lẫn tinh thần, làm suy nghĩ cùng đầu tóc anh rối tung cả lên. Đấy, để nó thế, cho đỡ lại thêm một kẻ nữa đem anh ra để mà nhận xét này kia, và nhìn anh trong gương cũng đâu đến nỗi với quả đầu mới này. Hôm nay cả nhà, ngoại trừ anh, đều đi chơi. Rõ là Bàng tự quyết định sẽ ở nhà một mình, mà chẳng hiểu cớ gì bỗng dưng anh thấy hối hận quá. Ở nhà một mình là sống hai mươi tư tiếng trong im lặng, bởi anh không thích nghe nhạc lắm, do việc đó chị cả anh đã đảm nhận mất rồi. Ở nhà một mình là phải chăm sóc cả đống cây cảnh anh hai vác về từ đâu đâu đấy, Bàng tự coi đó là nhiệm vụ của mình, mặc dù anh hai chẳng có nhờ, bởi nếu Bàng không làm thì kiểu gì lúc cả nhà về anh sẽ lại bị mắng. Mắng vì cớ chỉ việc ngủ nghê ở nhà mà cũng chẳng chịu chăm cho anh mấy cái cây, mắng bởi cái lý lười biếng, vô dụng, vân vân mà anh không muốn nghĩ tới... Người này nhiếc thì người kia móc theo, cả bố cả mẹ cả chị lẫn anh.

Hiển nhiên đây là chuyện thường tình, và chắc chắn đây cũng là cảnh bình thường của một gia đình yêu thương săn sóc lẫn nhau. Bàng biết anh hai, hay là mẹ, hoặc cả chị lẫn bố, thực chất đều nào nghĩ gì đâu. Họ chỉ kêu ca một lúc rồi thôi, họ phàn nàn bởi họ vẫn còn nghĩ cho anh. Khác hẳn Bàng, anh mà ghét là anh ghét cả ngày, anh ghét suốt đời suốt kiếp. Anh vẫn chưa trưởng thành đâu, anh hẳn còn trẻ con lắm, anh chỉ suốt ngày biết ôm cục tức vào bụng mà thôi.

Mà cứ ngẫm hoài về mấy chuyện không đâu làm gì. Bàng đi lững thững, dáng còng còng, chầm chậm lê lết xuống dưới nhà, định bụng quét cái sân rồi tính làm gì thì làm sau. Anh vô thức cầm cán chổi, cũng không hẳn là trong "vô thức" lắm, Bàng biết mình đang nắm trong tay thứ gì, anh biết tiếp theo anh sẽ làm gì. Nhưng chẳng hiểu thế nào cây chổi anh đang cầm lại nhẹ hều, mềm oặt, hệt như đang trôi lững thững trước mắt Bàng. Cái trải nghiệm gì đấy? Đúng là lạ kỳ thật, nhưng cái bản tính mặc kệ mọi thứ xung quanh của anh đã nén xuống mọi tò mò hay là sợ hãi. Anh khua khua vài lần, tạo ra tiếng xoẹt xoẹt trên nền đất. Hình như sáng nay mẹ anh đã dọn dẹp tươm tấp hết rồi, nên Bàng chỉ gom lại được một đống lá bàng mới rụng vài phút trước mà thôi.

Anh nhìn chằm chằm vào đống lá hết đốm xanh đến đốm đỏ trước mặt. Ngắm nghía một hồi, chẳng biết làm thế nào, Bàng tự nhiên lại biết đặt tên cho cái cảm xúc mới trong lòng mình khi đương phân tích đường vân ngang dọc. Hẳn là anh rỗi rãi quá đâm ra thấy nản. Mà nản thì nên làm gì? Anh cũng không biết. Giờ này bạn bè đứa thì cắm đầu mà học, đứa thì nai lưng ra mà làm, đứa thì chẳng biết còn sống hay đã chết, một vài nhóm tụ lại ở phương trời tít tắp xa xôi, nhóm khác ngay trước mặt mà cũng chẳng khác mấy là bao so với tụi vừa nhắc. Bàng còn không có nổi người bạn thân thiết nào để mà nhìn mặt trong cái lúc trơ trọi này, mà vẫn chưa đúng để dùng từ "trơ trọi". Anh chỉ một mình, tạm vào lúc này do cả gia đình đều đi chơi với nhau mà thôi.

Thế rồi tiếp theo, y hệt kế hoạch của mình, Bàng tưới cây cảnh cho anh hai, giặt quần áo cho cả nhà, lau dọn vài nơi từ bếp núc đến phòng khách do chẳng nghĩ ra chuyện gì nữa để làm. Anh rỗi quá, hay là rỗng quá? Anh có dừng lại đôi lúc để cho vài miếng vào bụng cho đỡ lâng lâng đầu óc, nhưng vẫn chẳng có gì khác so với lúc chưa ấm bụng cả, có thứ gì đó vẫn đang ăn mòn anh không chỉ từ tối bốn người tạm biệt anh để ra sân bay, mà từ buổi đâu đó xa xôi lắm rồi mà Bàng không còn nhớ nổi nữa.

Bàng ngồi một mình trên nền sàn, tiếng con người phát ra từ cái máy vô tuyến truyền hình văng vẳng khắp căn nhà hai tầng nằm gọn trong căn ngõ. Hình như cái rỗi làm anh hết cả bực mình, anh như trở lại cái tuổi khi mà mẹ lẫn mọi người vẫn chưa than phiền sao Bàng lại thay đổi nhiều như thế. Bàng vẫn là đứa trẻ con, nhưng là đứa trẻ con mà ai cũng quý cơ, thằng nhóc lon ton chạy ấy, biết khoanh tay lại khi chào người lớn ấy, thằng bé mở máy truyền hình lên để xem thực sự chứ không phải chỉ để căn nhà nghe có chút bận rộn như lúc này. Bàng bực mình. Bực với mình. Sao anh lại sống rỗi rãi thế? Sao anh lại tốn hết mọi thời gian trên đời quên đi bản thân? Ai làm anh quên đi bản thân?! Một loạt câu hỏi nắm bắt cái buồn bực sẵn có trong lòng chàng trai trẻ, khiến anh ngộ nhận cái rỗi của mình thành cô đơn, khiến anh hiểu nhầm việc mình không có việc gì để làm là đau khổ. Phải, anh là thế! Bàng là một thằng rỗi rãi hết việc chỉ biết bực tức kêu than như mấy ông già anh vẫn thường chỉ trích.

Nếu có ai đó đến cứu rỗi anh khỏi cái rỗi đang đục khoét lòng Bàng... nếu có ai đó đến đánh thức anh dậy khỏi giấc ngủ triền miên... Nếu gia đình sẵn sàng gãi cái lưng ngứa này của anh khi Bàng quay lưng về phía họ lúc chào tạm biệt. Nếu có ai hiểu cho mình, hiểu là anh chưa từng bực tức với mình hay là với đời.

Anh chỉ... rỗi rãi đâm ra kiếm cớ mà thôi. Hẳn là vậy rồi.

Hiểu ra, Bàng lại thất thểu đi về phía phòng ngủ của mình khi đã tối muộn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro