Nơi hạ tìm về

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Miền Nam tháng sáu, nắng vàng ruộm trên những cánh đồng. Cái nóng miền Nam không giống với sự nóng ẩm của miền Bắc, cũng chẳng như cái nắng gay gắt ở miền Trung. Miền Nam với ánh nắng hanh khô đã trở thành nét đặc trưng khó tả. Những cánh đồng lúa tháng sáu đang chờ gặt hái trong vụ mùa xuân hạ cũng vươn mình dưới ánh nắng nhuộm vàng. Trên những cánh đồng mạ non đang đâm chồi nảy lộc, gió đang thổi xì xào, xì xào, nằm ở nhánh cây là tiếng hót của một vài chú chim non vừa nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Cũng như bao ngày khác, hôm nay lại là một buổi sáng tràn đầy niềm vui của từng tốp người nông dân đang chăm chỉ làm việc, lũ nhóc trong làng cũng đã ríu rít chạy ùa ra phía bãi cỏ xanh, chúng leo phóc lên lưng của những con trâu to lớn, trong đáy mắt ngập tràn hứng khởi.

Tôi ngồi dưới mái hiên của một căn nhà bán tạp hóa, đưa mắt lặng im nhìn mọi người. Tôi là đứa không có gia đình, chẳng có người thân. Từ lúc vừa kịp nhận thức được mọi việc trên đời, tôi đã biết mình là đứa không nhà không cửa. Tôi ý thức điều đó và chẳng bao giờ bản thân tự cảm thấy buồn. Tôi có rất nhiều người bạn, từ trẻ đến già, tất cả những người tôi ngẫu nghiên gặp gỡ đều trở thành gia đình của tôi. Và để gặp gỡ những con người mới, tôi có một con đường cho riêng mình, chính là đi tìm mùa hạ.

Mùa hạ trong tôi là những ngọn gió dịu mát trên con đường đất khô cằn chạy dọc theo những cánh đồng lúa vàng ươm. Là những đêm ve sầu kêu vang tiếng đến nỗi tôi có thể cảm nhận được đó dường như một khúc hòa ca bất tận và ngọt ngào. Mùa hạ trong tôi là những cơn mưa rào chợt đến rồi chợt đi, nhanh đến mức chưa kịp tìm chỗ trú đã thấy trời trở sáng. Và còn là những khi đi ngang qua những cánh cổng trường học, tôi lại bắt gặp một ánh mắt hụt hẫng nuối tiếc của ai đó khẽ chạm vào thành khung cửa sổ lớp học.

Phượng vĩ tháng sáu ở chỗ tôi chưa kịp trổ bông, nhưng những cơn mưa rào thì lúc nào cũng chờ đợi như thể chỉ cần tôi nhớ đến thì nó sẽ ào ngay xuống đầu. Một hạt, hai hạt, năm hạt, rồi mười hạt. Những giọt mưa bắt đầu rơi rớt mạnh mẽ và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Trời đang nắng lại bỗng đổ mưa, mưa trút xuống ầm ầm. Mưa chạm vào mái hiên, mưa chạm vào những ngọn lúa, mưa che đi những bóng nắng. Những tán cây bắt đầu chạm vào nhau, gió thổi qua cuốn theo bao nhiêu chiếc lá. Tôi rút người nép sát vào thanh cửa sắt. Chủ nhà - cũng là chủ tiệm tạp hóa - đưa tay ngoắc tôi vào trong. Tôi lưỡng lự một chút, nhưng sau lại không vào. Người tôi rất bẩn, lại dính nước mưa nên không dám vào, sợ làm phiền người khác. Thế là tôi chỉ đứng yên đấy, chờ đợi tạnh mưa.

Và mưa tạnh thật. Đúng là mưa mùa hạ, nhanh đến rồi chóng đi, chỉ ào một cái rồi dứt hẳn. Đám trẻ con đang đùa giỡn dưới màn mưa đột nhiên lại bị làm cho cụt hứng. Chúng nó chẹp miệng tiếc nuối, đưa mắt nhìn nhau buồn rười rượi. Một đứa con gái nhanh nhẩu chỉ tay vào hàng tạp hóa, reo lên:

- Thôi, vào tiệm bà Năm mua kẹo ăn đi.

Nghe đến kẹo, mắt chúng sáng rỡ. Thế là chúng quên phắt nỗi buồn mưa tạnh và hùa nhau chạy đi. Một đám con nít lục tục kéo vào tiệm tạp hóa, chen chen chúc chúc đến nỗi có đứa còn xém ngã vào tôi. Cô bé với mái tóc hai chùm lấy lại thăng bằng rất nhanh rồi quay sang chỗ tôi, bỗng dưng đưa tay xoa đầu tôi một cái. Tôi còn nhỏ thật nhưng kiểu xoa đầu này thì đúng là lần đầu tiên tôi nhận được. Nó nhìn tôi, ánh mắt long lanh đến lạ.

- Em có muốn ăn kẹo không?

Nó hỏi. Một câu hỏi đáng yêu khiến lòng tôi không khỏi ấm áp. Trước đây chỉ có một người quan tâm tôi như thế. Còn những người khác ấy mà, người ta chỉ đơn giản là đưa tôi vào mắt, còn cô bé lại đưa tôi vào tim. Tôi nghe thấy tim mình hạnh phúc từng giây. Nhưng tôi không đáp lại câu hỏi của nó, chỉ đơn giản là ngước nhìn như thế.

- Chắc nó không muốn ăn đâu.

Một thằng nhóc đứng cạnh phát biểu sau khi nó đã chờ đợi quá lâu để nghe tôi trả lời. Thằng bé lục lọi trong túi, lôi ra một nắm tiền lẻ. Đám trẻ con thấy tiền liền nhào vào đùa giỡn, đứa nắm đứa giật, thằng bé hoảng hốt chưa kịp la lên đã thấy trong tay mình chỉ còn lại tờ hai ngàn nhăn nhúm. Nó khóc không ra nước mắt, chỉ xếp tờ hai ngàn lại rồi đút vào túi quần. Đoạn nó xoa đầu tôi, y hệt như cái kiểu con bé hồi nãy vừa làm.

- Tao tính lấy tiền mua cơm cho mày mà tụi nó giật hết rồi. Xin lỗi nha.

Trong một ngày mà tôi lại được tận hai lần nếm trải cảm giác vui sướng ngọt ngào. Tôi chớp mắt, lặng nhìn cho đến khi thằng nhóc rời đi với dáng vẻ vô tư hồn nhiên của nó. Nó không biết rằng thật ra nếu như nó không mua cơm thì tôi cũng không thể đói được bởi vì hằng ngày luôn có người mang cơm đến cho tôi. Dù nắng dù mưa, dù nóng dù lạnh, dù tôi có chạy đi khắp cái làng này thì tôi vẫn trở về đúng nơi mái hiên và chờ đợi người ấy. Chờ đợi một người không bao giờ đem tôi về nhà mà chỉ ghé qua cho tôi ăn đúng giờ đúng bữa. Chờ đợi một người mà luôn xoa đầu tôi mỗi khi vừa đến, ôm lấy tôi mỗi khi ra về. Chờ đợi một người nông dân chân lấm tay bùn, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc nhưng vẫn lo cho tôi. Đó là một bà lão với mái tóc muối tiêu nhưng muối nhiều hơn tiêu, tay chân gầy nhom và khuôn mặt đầy vết chân chim mà thời gian mang tới. Rất nhiều lần tôi muốn đi theo về tận nhà của bà, muốn trở thành con của bà, muốn bên cạnh bà lúc ốm đau bệnh hoạn, muốn chia sẻ với bà khi vui vẻ hạnh phúc.

- Đồ ăn của con nè.

Bà tới rồi. Hôm nay bà trộn cơm với cá cho tôi, nhìn ngon lành quá. Tôi ăn lấy ăn để, nhai ngấu nhai nghiến như bị bỏ đói lâu ngày dù ngày nào tôi cũng được cho ăn cho uống đầy đủ. Bà ngồi bẹp xuống đất, im lặng nhìn tôi ăn. Bà hôm nay lạ thật, đáy mắt bà không còn sự hạnh phúc, đôi môi bà nhợt nhạt đi nhiều và gương mặt bà lại phảng phất một nét buồn rười rượi. Nhưng tôi lại không thể hỏi bà được. Tôi xem bà như gia đình của tôi, bà buồn thì tôi cũng buồn. Tôi ăn xong liền đẩy cái bát lại chỗ bà, bà gọn gàng thu dẹp, ôm lấy tôi một cái rồi nhanh chóng rời đi. Tôi đứng nhìn bà với một tâm trạng bồi hồi lo lắng. Tự dưng tôi lại thấy sợ, một nỗi sợ mơ hồ vây lấy tôi. Chắc là tôi sợ bà có chuyện gì đó, nhưng tôi không thể chạy theo bà được. Bà đã dặn tôi rất nhiều lần rằng không được đi theo bà, nếu bà biết tôi lặng lẽ đi theo bà sẽ giận tôi ngay. Thành ra tôi vừa lo vừa sợ. Đêm đó tôi không ngủ.

Buổi sáng trời nóng oi là thế nhưng về đêm lại dịu mát ngay. Từng làn gió lướt qua mang đến một cảm giác êm dịu vô cùng. Gió nhẹ nhàng thổi, lay lay mấy ngọn lúa, phảng phất một mùi hương đặc trưng của đất trời. Con đường làng trở nên im ắng, ngọn đèn dầu của mấy ngôi nhà mái tranh cũng được thổi tắt. Ngước mắt lên trời là mấy vì sao đang từ từ tỏa sáng, một khung cảnh ban đêm thanh bình hiện ra trước mắt tôi. Tôi nằm bẹp dưới đất, thở đều đặn. Tiếng đàn ve sầu lại lần nữa vang lên, từng nhịp từng nhịp trở thành một bản tình ca nghệ thuật say đắm lòng người. Tôi ngắm sao, nghe ve sầu hát, bỗng dưng thấy lòng lại bình yên khó tả.

Sáng hôm sau, khi mặt trời chưa kịp ló dạng, từng tốp người dân lại hì hục dưới mảnh ruộng ngập ánh vàng. Tưởng chừng đó sẽ là một ngày bình thường như mọi ngày khác, nhưng không, tiếng la hét ở cuối làng lôi kéo sự chú ý của tất cả người dân. Có người hóng chuyện còn bỏ cả cày cuốc mà chạy đi nghe ngóng. Tôi đứng phắt dậy đưa mắt về chỗ cuối làng ở tít đằng xa. Người dân tụ tập ngày một đông, chen lấn nhau như xem hội làng. Giọng của một gã thanh niên la lên oai oái, nghe như sấm nổ bên tai.

- Bà Bốn chết rồi.

Thịch.

Tôi nghe tim mình đánh một cái thật đau. Ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh đến nơi dân làng tập trung, tôi cố chen vào giữa mấy khoảng nhỏ hẹp dưới chân họ.

Là bà!

Người đàn bà tảo tần ngày đêm vất vả làm lụng. Người thương yêu tôi dù tôi có là một đứa không nhà không cửa. Hôm qua bà vẫn khỏe mạnh lắm mà, sao hôm nay lại dứt bỏ chốn trần gian mà đi nhanh như thế? Người ta đồn đoán về cái chết của bà rất nhiều. Kẻ nói xấu người nói tốt, tôi càng nghe càng cảm thấy ù cả tai. Tôi lẳng lặng bỏ đi trên con đường làng trải màu đất khô cằn. Tâm trạng tôi như một đám mây, cứ bay lơ lửng giữa không trung mà chẳng định nổi đâu mới là điểm dừng. Cổ họng tôi khô khốc, mắt tôi như ướt nhòe. Tôi không biết mình đã khóc từ lúc nào. Tim tôi đau, lồng ngực đau nhói từng hồi. Ánh nắng vẫn ươm vàng cả tấm lưng tôi, chiếc bóng của tôi trải dài trên mặt đất. Màu vàng của nắng, của lúa, của mùa hạ bỗng chốc chẳng còn đẹp đẽ nữa. Người dân bàn nhau việc làm đám tang cho bà, họ tốt bụng lắm. Bà sống một mình nên chẳng có ai chăm lo, nhờ có hàng xóm tốt bụng xây cho bà một ngôi mộ sạch sẽ ở bãi đất trống cạnh nhà. Ngôi mộ đơn giản thôi, trên có hình bà, đặt cạnh là mấy đóa hoa cúc trắng nằm gọn gàng một bên. Từ ngày bà mất, tôi không còn ở mái hiên của tiệm tạp hóa, tôi cứ loanh quanh lẩn quẩn gần mộ của bà, cứ đưa mắt nhìn lặng đi như thế. Cứ cách vài ba ngày lại có người dân nào đó đến để thắp nhang hay dọn cỏ. Từ ngày bà mất, tôi không biết phải ăn gì uống gì, tôi lục lọi tìm kiếm trong mấy cái bịch rác người ta vứt đi. Khi hên thì gặp phải đồ ăn, lúc xui thì gặm bao ni lông cho quên bữa. Gần cạnh bà như trước đây tôi vẫn từng ao ước, tôi sống như thế được chừng một tháng.

Hôm đó trời trong xanh, nắng vẫn rớt rơi trên đầu. Tôi nghe tiếng bà con lại rôm rả ở phía cổng làng. Một chiếc xe hơi đen sáng chạy về phía nhà bà Bốn. Người dân tấm tắc chạy theo chiếc xe, trầm trồ ca ngợi. Chiếc xe dừng ở ngôi mộ của bà, tôi đưa mắt cảnh giác. Lại chuyện gì nữa đây?

Người đàn ông mặc vest đen bước ra khỏi xe, cửa bên kia là một bé gái. Tôi không chú ý nhiều đến người đàn ông vì bị cô bé lấy hết sự thu hút. Cô bé với đôi mắt to tròn, cái miệng chúm chím, chỉ chừng bảy hay tám tuổi. Nó nắm chặt tay người đàn ông - hình như là ba nó, sợ sệt nhìn đám người bu đông như kiến. Ba nó khẽ tiến về phía ngôi mộ, đứng lặng một khoảng lâu. Tiếng người dân xì xào bàn tán ngày một nhiều. Bỏ mặc mọi lời nói ngoài tai, người đàn ông từ từ quỳ xuống trước sự ngạc nhiên của mọi người. Anh ta cứ quỳ như thế một lúc lâu, con gái nhỏ đứng kế bên ngây ngô nhìn. Và rồi, anh ta khóc. Những giọt nước mắt thấm đẫm ngực áo, tiếng nấc vang lên từng hồi. Mọi người không tản đi, nhưng không nói gì nữa. Họ vừa bất ngờ, vừa thấy lòng ngực mình đau nhói. Anh ta vịn tay lên thành mộ, kể mọi chuyện cho dân làng, dù nó giống như anh ta đang tự nói với bản thân mình hơn.

Người đàn ông kể, anh ta là con trai của bà Bốn. Mất bố từ sớm, một tay mẹ tảo tần nuôi anh. Anh lớn lên trong tình yêu thương của mẹ. Anh trưởng thành với cái nắng gắt của làng quê ngày hạ và những câu hát ru ngọt ngào của bầy ve sầu. Tuy nhà nghèo nhưng anh sung sướng hơn bọn trẻ con trong làng nhiều. Anh không ra đồng chăn trâu, không vất vả lội ruộng để cày cấy.

Anh chỉ học và học vì mẹ anh muốn tương lai của con mình sau này sẽ khác. Và đúng, anh khác thật! Anh khác đến mức cưới vợ giàu rồi sang nước ngoài sinh sống, bỏ mặc người mẹ già ngày đêm nhớ thương con. Lâu lâu anh lại gửi cho mẹ một lá thư, hứa rằng hè năm sau con sẽ về. Nhưng thu qua, đông sang, xuân đi, hè đến, năm tháng dần trôi, trải qua biết bao nhiêu mùa hạ nhưng anh vẫn không trở về. Trong những bức thư anh gửi từ đất nước cờ hoa, anh luôn hứa đợi năm sau mẹ nhé. Trên những cánh ruộng ươm vàng màu lúa, mẹ anh đều viết đáp lại rằng: "Lúa mùa hạ vàng ngập cả rồi, sao con còn chưa về với mẹ?"

Ừ, nay đã tháng bảy rồi. Vụ lúa mùa xuân hè đã gặt xong từ tháng sáu, nay cánh đồng là màu xanh mạ non, anh mới trở về. Mẹ mất cả tháng, anh còn không hay biết. Chỉ đến khi nghe một người bà con xa báo tin, anh mới tức tốc chạy về. Nhưng về rồi thì sao, mẹ có còn đợi anh không? Mẹ đã chờ anh biết bao mùa hạ, đã luôn hy vọng anh trở về, nhưng anh nào có thực hiện? Anh hạnh phúc bên vợ bên con nơi xứ hoa lệ. Còn mẹ già ngày đêm mong mỏi anh có nhớ thương? Anh tự trách mình nhiều lắm, nếu người dân không an ủi, không can ngăn, có khi anh đã tự giận ngay cạnh mộ mẹ rồi không chừng.

Tôi vừa thương vừa giận anh, nhưng lại thương cô con gái nhỏ gấp một vạn lần. Con bé còn nhỏ chưa ý thức kịp lời kể của ba, nó cứ đứng ngây ngốc bên cạnh nhìn đưa mắt nhìn. Dân làng khuyên can dữ lắm, anh mới không nghĩ đến chuyện dại dột. Rồi đột nhiên anh ôm chầm lấy con gái, nước mắt chưa khô đã vội chực trào. Một vài người lẳng lặng lau nước mắt, tim tôi nhói lên. Anh ôm con chặt lắm, như là tự cảm thấy có lỗi với con mình. Đứa con gái bé bỏng cũng ôm lấy ba, đưa bàn tay nhỏ nhắn xoa xoa tấm lưng rộng lớn.

Sau đợt đó, gia đình anh chuyển hẳn về làng sống. Người vợ của anh về được một tháng lại đi, cô không thể bỏ mặc cha mẹ bên ấy được. Anh không trách cô, anh hiểu rằng cô cũng lo cho cha mẹ như anh lo cho mẹ của mình. Anh ở trong căn nhà tranh của mẹ, không cất sửa lại cái gì. Anh muốn căn nhà vẫn y nguyên như thế, để anh còn cảm nhận được mẹ vẫn luôn ở cạnh và yêu thương anh.

Còn tôi, tôi vẫn luôn túc trực bên ngôi mộ của bà Bốn. Tôi thương bà như mẹ, tôi không muốn rời xa bà. Tôi đã nói mình sẽ đi tìm mùa hạ, nhưng tôi nhận ra mùa hạ ở ngay bên canh mình rồi.

- Ba ơi, sao con chó này cứ ở đây mãi thế?

- Chắc là nó thương bà nội nên nó ở đây.

- Thế mình đem nó về nuôi được không ba?

Cô bé nhìn tôi, rồi nhìn ba, ánh mắt long lanh như chờ đợi một cái gật đầu của ba mình.

- Ừ cũng được, nó có vẻ thích con đấy!

Thế là trong một phút, cô bé lao đến và ôm chầm lấy tôi. Lần thứ hai trong cuộc đời, tôi cảm nhận có người yêu thương tôi thật lòng như cách bà Bốn đã từng. Tôi sủa lên và ngoắc đuôi hạnh phúc, cô bé cười khúc khích, nâng niu tôi như một đóa hoa.

- Thế con định đặt tên cho nó là gì?

Nghe ba hỏi, cô bé dừng lại hồi lâu như đang suy nghĩ. Sau đó, bé con đáng yêu lại nhoẻn miệng cười, đáy mắt là một bể trời hạnh phúc:

- Con sẽ đặt tên cho nó là Hạ, vì hai chúng ta gặp nhau vào mùa hè mà, Hạ nhỉ?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro