Con nợ mẹ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Dẫu đi trọn cả một kiếp người
Cũng chẳng hết mấy lời mẹ ru."

Những năm tháng ấy, Quỳnh Đăng vẫn chỉ là một cậu nhóc ngây ngô với đời.

Đăng là đứa trẻ thông minh, hiểu chuyện dù gia đình cậu có bị người đời dèm pha.

Từ khi biết nhận thức mọi việc, Đăng đã hiểu rằng gia đình mình không mấy ấm êm. Hằng ngày cậu phải chứng kiến cảnh người cha nát rượu lấy đi những đồng tiền mồ hôi xương máu của mẹ mà đi bài bạc. Còn mẹ vì muốn dành cho cậu một tổ ấm hoàn chỉnh nên cũng chỉ lặng lẽ nhẫn nhục chẳng lên tiếng điều gì. Mặc cho xóm giềng bàn tán rằng bà là người phụ nữ nhu nhược, mặc cho khó khăn ngày càng đè lên vai bà nhiều hơn. Bà cũng chỉ vì Đăng mà thôi.

Từ nhỏ Quỳnh Đăng đã hiểu cuộc sống nghèo khó nó cơ cực biết chừng nào. Nhà Đăng nghèo lắm, những đồng tiền ít ỏi từ cái nghề bán mặt cho đất, bán lưng cho trời của mẹ làm sao đủ nuôi sống hai mẹ con cùng người chồng bê tha cờ bạc. Sáng sáng, khi mà mặt trời vừa ló dạng ở đằng Đông, mẹ đã ra khỏi nhà để đi nhặt ve chai. Sau đó lại quần quật làm việc ngoài đồng đến chiều tối. Đêm về bà cũng có nghỉ ngơi thoải mái được đâu, người cha ham mê cờ bạc rượu chè của Đăng đêm nào cũng la mắng, chửi bới và luôn miệng dọa ép mẹ đưa tiền cho ông.

Nhiều khi ông còn đánh cả mẹ.

Đăng thương mẹ lắm, thương mẹ cơ cực, thương tấm áo của mẹ nhuốm màu nắng mưa. Bà luôn chở che và nuôi lớn cậu trong cái mái ấm một mình bà dựng lên qua bao mùa mưa nắng, qua bao đợt giông bão của dòng đời. Mái ấm ấy, là tất cả đối với Đăng.

Năm lên sáu tuổi, Đăng cắp sách đến trường. Ngôi trường tiểu học trong thôn cũ kỹ và xập xệ nhưng học phí so với thu nhập của gia đình Đăng thì đó đã là một con số không thể muốn là có được. Nhưng mẹ vẫn một mực để Đăng học hành đàng hoàng với người ta. Từ ngày đi học, Đăng thấy trong bát của mẹ ít thịt hơn hẳn. Có vài bữa bát mẹ chỉ có nửa chén cơm chan nước mắm, trong khi đó bát cậu vẫn có đủ thịt, đủ cá, đủ rau. Đăng thấy lòng mình dậy lên những xót xa, nhiều lúc cậu cứ cố ngăn nước mắt chực trào. Đăng thương mẹ, nên cậu bé cố học giỏi, hi vọng kết quả học tập của mình có thể làm mẹ vui và làm vơi đi phần nào nỗi mệt nhọc của bà.

Ngoài học hành, Đăng luôn cố gắng lo công việc nhà giúp mẹ, lại còn lo cho người cha nát rượu chẳng lần nào đem đến hạnh phúc cho Đăng. Người dân nơi đây thường khen thằng Đăng nhà bà Bốn giỏi giang quả chẳng sai.

[...]

" Ầu ơ ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.

Khó đi mẹ dắt con đi,

Con đi trường học, mẹ đi trường đời"

- Mẹ ơi, thế bao giờ Đăng mới được đi trường đời cùng mẹ?

- Bao giờ Đăng lớn, bao giờ Đăng học thật tốt để ra trường thì Đăng sẽ đi cùng mẹ.

- Vậy mẹ ơi, Đăng sẽ học thật tốt để mau mau được đi cùng mẹ nhé!

Bà Bốn xoa đầu Đăng rồi cười hiền, bà lại tiếp tục hát ru Đăng bằng những câu hát nhẹ nhàng thấm đẫm tình thương của một người mẹ tần tảo yêu con hết mực. Trong câu hát của bà là hình ảnh mẹ dắt tay con, là hình ảnh con cò đêm đêm lặn lội tìm mồi cho đàn con thơ dại. Đăng còn bé nhưng cậu vẫn hiểu được ý nghĩa của những câu hát ru, từ đó cậu lại càng yêu mẹ nhiều hơn nữa. Ngoài trời, tiếng chim đêm cứ kêu văng vẳng phía xa xăm.

Mẹ ơi, Đăng nợ mẹ cả cuộc đời này. Tuổi xuân của mẹ đã dành hết cho Đăng, cuộc đời Đăng sẽ dành hết cho mẹ.

[...]

Những tưởng cuộc sống cứ trôi qua êm đềm như thế. Mãi cho đến một ngày, cậu nghe bác Hai hàng xóm hốt hoảng níu tay cậu trên đường đi học về:

- Thằng Đăng, mày đừng có về nhà, tụi giang hồ đang ở nhà mày siết nợ ông Bốn. Mày mà về là có nước chết đấy con à!

Đăng nghe mà hoảng sợ không thôi, không biết mẹ sao rồi, mẹ có sao không,... Bao nhiêu câu hỏi đồng loạt chạy dài trong tâm trí Quỳnh Đăng, lồng ngực cậu phập phồng từng hồi gấp gáp. Toan vùng khỏi tay bác Hai để chạy về với mẹ, thì bác kéo Đăng vào nhà, đưa cho cậu tô cơm nóng hổi, khẽ vỗ vai:

- Ăn đi, đừng lo, chắc không sao đâu. Tao tạt qua nhà mày xem thử tình hình thế nào.

Đăng buồn bã gật đầu, bàn tay gầy gò của cậu nắm chặt lấy vạt áo như muốn vò nát cái chất vải rẻ tiền đối với nhiều người nhưng vô cùng quý giá đối với Đăng. Từng phút trôi qua dài đối với Đăng như cả thế kỷ, tô cơm trước mặt trông ngon thật ấy, ngon hơn hẳn những món ăn thường ngày Đăng ăn cùng mẹ. Nhưng Đăng làm gì có tâm trạng mà ăn nữa. Cậu lo quá, lo cho mẹ quá.

Mẹ ơi...

Đang ngẩn ngơ thì bác Hai chạy vào nhà, vội nói:

- Đăng, bọn nó đi rồi, mày về nhà xem mẹ mày thế nào đi!

Đăng vội cảm ơn bác Hai rồi dùng hết sức chạy về nhà. Con đường về nhà hôm nay sao dài quá, mồ hôi Đăng rịn ướt đẫm vầng trán cao. Mẹ ơi, mẹ đừng có làm sao nhé, Đăng vẫn còn nợ mẹ cả cuộc đời Đăng mà.

Về đến nhà, Đăng thấy đồ đạc ngổn ngang, mấy cô chú hàng xóm mỗi người một tay phụ giúp xếp lại đồ. Cậu nhìn thấy mẹ ở góc nhà, nước mắt cậu kìm nén nãy giờ chợt ứa ra không ngừng. Trên cánh tay mẹ trải dài những vết thương sâu hoắm đang rỉ máu. Khuôn mặt hiền từ của mẹ nhíu lại vì những cơn đau.

Bà Bốn nhìn thấy Đăng, khuôn mặt đau đớn liền trở nên dịu dàng ôn hòa hơn hẳn. Đôi mắt bà tràn ngập yêu thương, bàn tay khẽ xoa đầu cậu:

- Mẹ không sao!

Mẹ nói mẹ không sao, cớ sao lòng Đăng vẫn lo lắng khôn nguôi?

Mẹ nói mẹ không sao, cớ sao vết thương vẫn còn ứa máu?

Mẹ nói mẹ không sao, cớ sao khuôn mặt mẹ còn vương đau đớn?

Đăng xót mẹ, sao lúc nào mẹ cũng cam chịu như vậy? Cậu phải làm gì để giúp mẹ đây?

Thấy Đăng vẫn còn khóc, bà Bốn nén cơn đau nơi tay ôm Đăng vào lòng, khẽ dỗ dành Đăng. Bà xoa đầu Đăng, vỗ nhẹ lên lưng cậu. Đăng thấy lòng mình dịu đi được phần nào. Bởi giữa những lúc sóng gió như thế này, thật may vì cậu vẫn có mẹ ở bên, thật may vì vẫn có vòng tay mẹ chở che, vỗ về.

Hỏi ra mới biết, ông Bốn nợ bọn giang hồ hơn chục triệu đồng, hại bà Bốn phải bán nửa mảnh ruộng mới đủ tiền trả. Có lẽ sau này gia đình Đăng lại càng khó khăn hơn.

Bọn giang hồ đập phá ở nhà một trận rồi vô tình lại gặp ông Bốn lang thang trên đường trở về nhà. Ông bị đám chúng nó chặn đánh ở bờ sông chạy ngang qua cổng làng. Ông say xỉn nên chẳng còn biết cách chống cự hay chạy thoát, cứ chìm vào men say rồi mặc sức cho chúng nó hành hạ mình. Bọn vô lương tâm đó, không tha cho ông đến một nhịp thở. Chúng đánh bụng, thốc vào lưng. Chúng dùng gậy tẩn ông đến mức đầu ông nhầy nhụa máu và trước khi mất hết nhận thức, bọn giang hồ chỉ nghe ông gọi lên hai chữ gì đó không rõ ràng.

"Mình ơi!"

- Thầy ơi, có cách nào cứu sống ông nhà tôi không thầy?

Bà Bốn ngồi trong buồng, ánh mắt thất thần vô định, bà ngồi đối diện với thầy thuốc, dùng hết sự bình tĩnh còn sót lại mà cất lời.

- Xin lỗi bà, nếu có thuốc tiên thì còn may ra. Thành thật xin lỗi, tôi đã gắng hết sức mình.

Ngày hôm đó, ông Bốn qua đời.

Ông qua đời để lại bao nỗi nhọc nhằn trên đôi vai ngày một còm cõi của người vợ. Để lại bao nỗi lo toan muộn phiền trong thâm tâm người phụ nữ cả đời vất vả vì chồng con. Bà Bốn vừa lo hương khói cho chồng, vừa gánh thêm tiền nợ, lại cày bừa cho tiền học phí của đứa con thơ đang tuổi dại khờ.

Đêm nay trăng nhẹ lên cao, người mẹ hiền từ lại à ơi câu hát ru êm đềm như dòng nước mát. Bà vuốt mái tóc Đăng, lòng ngổn ngang tâm sự.

Dù mẹ có khổ đến cuối đời thì cuộc sống của con vẫn sẽ luôn hạnh phúc.

"Ầu ơ, gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay."

[...]

Thoáng cái Quỳnh Đăng đã lên mười bảy. Cậu nhóc gầy gò ngày nào đã trở thành một thiếu niên khôi ngô. Đăng giờ đây đã làm mẹ mình tự hào vì kết quả học tập xuất sắc của bản thân. Anh vẫn luôn nuôi ước mơ được cùng mẹ bước đi trên trường đời, đó chính là động lực để Đăng luôn cố gắng học hành. Thỉnh thoảng anh còn giúp mẹ kiếm thêm ít tiền nhờ việc dạy kèm cho mấy đứa nhỏ trong thôn. Bà Bốn lúc nào cũng nở mày nở mặt với bà con lối xóm.

Hôm nọ, sau khi ăn cơm xong, Đăng định thu dọn chén bát để đi rửa thì nghe mẹ khẽ cất tiếng:

- Đăng này, chuyện đại học, con tính thế nào?

- Con định thi vào trường đại học trên huyện, cách đây tầm chục cây nhưng nghe nói trường cũng tốt lắm mẹ ạ.

Bà Bốn trầm mặc một lúc lâu, rồi nói chầm chậm:

- Hay là... Con lên Sài Gòn học đi! Ở đó tốt hơn nhiều con ạ.

Đăng hoảng hốt ngừng việc thu dọn chén bát, vội vàng siết chặt tay mẹ, giọng nói lạc đi:

- Mẹ! Sài Gòn xa lắm, con đi rồi biết ngày nào mới có thể về hả mẹ?

- Tất cả vì tương lai của con thôi! Mày cứ chôn thân ở cái thôn nghèo này thì sao mà khá nổi con ơi?

- Mẹ... Con không muốn xa mẹ...

- Coi như vì mẹ, nghen con?

Tim Đăng như thắt lại, nỗi chua xót cứ hòa tan vào từng thớ thịt, lồng ngực nhói đau. Tựa như dùng cả sức lực, Đăng mới có thể cất lời:

- Dạ...

Năm lớp 12 trôi qua nhanh như một cái nháy mắt, ngày Đăng xa mẹ cũng sắp cận kề.

Cơn gió nào hiểu cho nỗi lòng người thanh niên rời quê hương để đến đất người phồn hoa rực rỡ. Chiếc lá nào thấu cho trái tim người con xa mẹ vì tương lai cả đời. Cơn mưa nào thấm thía nỗi buồn chia ly cách biệt.

Ngày Đăng ra bến xe, mẹ đứng phập phồng thấp thỏm. Lo cho con mình sẽ ra sao giữa chốn đô thị rộng lớn. Lo cho con mình liệu có ổn nơi đất khách quê người. Lo cho tương lai con mình liệu có tươi sáng như bà hi vọng?

Bà Bốn dúi vào tay Đăng một cái túi nhỏ dày cộm rồi dặn dò :

- Cái này xem như là dự phòng, nhỡ có chuyện gì thì cứ dùng.

Đăng thảng thốt:

- Mẹ, nhiều quá, con đã có tiền rồi mà.

Bà ép Đăng cầm lấy:

- Số tiền này mẹ dành dụm đã lâu, nay xem như có việc dùng. Cầm lấy đi, đề phòng bất trắc.

Mắt anh rưng rưng, cố kìm lại chất giọng run rẩy, mỉm cười :

- Dạ... Con đi rồi, mẹ nhớ giữ sức khỏe, con sẽ gửi tiền về, mẹ đừng cố làm việc. Mấy tháng nay trở trời, coi chừng bệnh thấp khớp của mẹ lại tái phát...

Lời Đăng còn chưa dứt, bà Bốn đã cắt ngang:

- Được rồi, mẹ biết rồi, cứ nói mãi. Tới giờ rồi, đi đi con. Khi nào rảnh thì về thăm mẹ nghen con.

- Dạ vâng! Con đi nghen mẹ! - Nói đoạn liền chạy lên xe. Qua mặt kính, Đăng thấy mẹ vẫn ngóng theo anh. Anh nhìn thấy đôi mắt mẹ chan chứa bao nỗi sầu đau.

Đăng cố nặn ra một nụ cười, vẫy tay ý bảo mẹ về đi.

Lúc còn đứng ở bến xe với mẹ, Đăng không dám khóc. Cả khi đã yên vị trên xe, Đăng vẫn giữ nguyên nụ cười trên môi. Qua khung cửa sổ chiếc xe đóng đầy một lớp bụi, Đăng vẫn thấy rõ hình bóng của mẹ đưa tay lau vội những giọt nước mắt. Anh cắn chặt môi vì sợ nước mắt của mình sẽ tuôn ra theo dòng lệ của mẹ.

Chỉ đến khi xe bắt đầu lăn bánh, rời khỏi bến xe tấp nập và bỏ lại dáng hình của người phụ nữ hoài trông theo lớp bụi xa dần, Đăng mới hay mình đã bật khóc, tự lúc nào.

[...]

Lên Sài Gòn, anh ngày đêm ôn luyện cho kỳ thi Đại Học. Ngoài ra Đăng còn cố gắng đi làm gia sư hay tiếp thị để kiếm thêm chút tiền lo cho bản thân, nếu dư dả còn có thể gửi về cho mẹ.

Kỳ thi đại học càng gần hơn, số cuộc gọi của mẹ và Đăng cũng vơi dần. Anh ra sức học tập, chỉ mong mình có thể đậu, không thể phụ lòng mẹ được.

Ngày thi đại học, Sài Thành nhộn nhịp hẳn lên, đại lộ cũng ùn tắc vì sự tấp nập của người và xe. Đăng từ nhà trọ bắt xe buýt đến phòng thi, quãng đường dài, lòng anh tràn đầy hồi hộp.

Mẹ ơi, con sẽ đậu mà, mẹ tin con chứ?

Kỳ thi diễn ra khá tốt đẹp, những câu hỏi trong đề đều nằm trong nội dung đã học. Đăng tin rằng khả năng này, anh sẽ đậu rất cao. Sau khi thi, Đăng cố đi làm thêm để gửi tiền về cho mẹ. Hầu hết việc gì Đăng cũng làm, miễn có tiền, từ bồi bàn đến gia sư, bán tiếp thị đến làm giữ xe ở các quán ăn nhỏ.

Cũng nhờ đó, Đăng quen được Lam.

Lam là phụ bếp ở quán ăn , trông xinh xắn ưa nhìn, tính tình lại thân thiện đáng yêu. Vì thế cả hai rất hợp nhau.

Có lẽ là do tâm lý của thanh niên trẻ lần đầu biết yêu, Đăng dành cho Lam hết thời gian của bản thân. Tình yêu ấy nồng nhiệt như lửa cháy, chói lóa tựa ánh dương.

Và vì thế, dường như anh đã lãng quên đi tình thương dịu dàng như dòng suối, êm ả như ánh trăng của mẹ.

Đến ngày công bố kết quả đại học, Đăng vui sướng khi thấy tên mình trong danh sách dán trên bảng thông báo của trường. Chợt nhớ đến người mẹ  già ở nhà ngày đêm mong mỏi, lại bồi hồi nhận ra đã lâu lắm rồi kể từ cái ngày mình rời bỏ chốn quê nghèo.

Đường về nhà, chợt dai dẳng những bước chân.

Lòng mình cũng bình yên đến lạ.

Khi nhìn thấy mẹ, Đăng liền vui mừng báo tin:

- Mẹ, con trai của mẹ đậu đại học rồi!

Gương mặt bà Bốn liền hân hoan vui sướng. Bà mừng rỡ ôm chầm lấy con trai, miệng lẩm bẩm:

- Tốt, tốt quá rồi!

Mẹ hỏi:

- Sau khi học xong đại học con định thế nào? Vẫn ở trên đó hay là... về đây?

Ánh mắt bà nhóm lên một tia hi vọng, giọng nói cũng đầy chờ mong.

Đăng trầm giọng:

- Mẹ, chắc con phải ở lại Sài Gòn thôi... Điều kiện ở đó khá tốt.

Ánh mắt bà chợt xẹt qua tia thất vọng, giọng nói chứa nỗi mất mát:

- Ừ, cũng phải...

- Hay là mẹ lên đó với con?

Bà Bốn vội xua tay:

- Không được, cái đất này cắm dùi bao đời nhà ta rồi, còn là nơi thờ hương hỏa của dòng họ và cha mày, sao có thể bỏ đi được!

- Dạ...

Sau vài ngày, Đăng lên Sài Gòn, lại cuốn theo cái dòng mưu sinh bận rộn, bốn năm đại học cũng thoáng chốc trôi nhanh.

Bốn năm nay, Đăng và Lam xác định mối quan hệ, anh cũng đã hứa sau khi tốt nghiệp và có công việc ổn định, sẽ cùng Lam tiến đến hôn  nhân.

Ngày dẫn Lam về ra mắt mẹ, Đăng bàng hoàng  nhận ra mẹ gầy đi nhiều quá. Đã bao lâu anh không về?

Ừ, bốn năm rồi.

Bà Bốn rất thích Lam, tất cả cũng chỉ mong Đăng có cuộc sống hạnh phúc. Bà chỉ hy vọng con trai đừng lấy một người mình không yêu để rồi đi theo vết xe đổ của bà ngày xưa.

Sau khi Đăng được nhận vào một công ti, ổn định kinh tế, đám cưới cũng được diễn ra. Bà Bốn cũng nén cơn đau khớp để đi xe đường dài lên thành phố.

Khi nhìn thấy con trai trong bộ com-lê chú rể, bà mới chợt nhận, hóa ra đã lâu như vậy rồi, thời gian sao mà đi quá nhanh.

Hai mươi mấy năm con trai bên mẹ, thoáng chốc lại rời xa mẹ để đến với người con yêu.

Chỉ mong kiếp này, con trai yên bình hạnh phúc, thế là đủ.

Sau khi hôn lễ kết thúc, bà Bốn cũng về lại quê. Đăng tận hưởng cuộc sống cùng gia đình nhỏ mới của mình.

Đăng hiện làm kỹ sư cho một công ty cơ khí, tăng ca liên tục, cuộc sống bộn bề, đôi khi lại quên đi nhiều thứ.

Một năm sau, Lam hạ sinh một cô con gái bé nhỏ, tạo nên một gia đình trọn vẹn.

Gia đình trọn vẹn ấy, không có mẹ của anh sao?

Đăng đặt tên cho con là Nhật, là mặt trời, là những điều ấm áp.

Cùng lúc đó, Quỳnh Đăng nhận được giấy báo chuyển công tác. Anh đắn đo nhiều lắm, nhưng cuối cùng cũng đồng ý.

Đăng gửi cho mẹ một bức thư, rằng anh phải chuyển công tác sang Mỹ, hè năm sau sẽ bồng cháu về thăm mẹ.

Đời sống ở Mỹ tốt hơn gấp bội. Bé Nhật cũng dần lớn lên trong vòng tay ấm áp của cha và mẹ. Giống như năm xưa Đăng đã từng.

Từng ngày nhìn con gái khôn lớn, Đăng cũng thấm thía nỗi cơ cực của bề làm cha. Phải chăng năm xưa mẹ anh cũng như thế?

Cuộc sống ngày càng bận rộn, người con ấy đã vô tình quên đi lời hứa sẽ về nhà với người mẹ già.

"Nhà xưa dáng mẹ sầu lẻ , mỏi mắt trông chờ bóng con xa."

[...]

Rồi cho đến một hôm, bỗng dưng nhà được nhận thư của bác hàng xóm năm xưa, bác nói, bà Bốn mất rồi.

Quỳnh Đăng bàng hoàng, thời gian như ngưng đọng tại khoảnh khắc ấy. Con tim bị siết chặt đến khó thở, dòng máu nóng chẳng thể lưu thông.

Anh vội vàng đặt vé cho chuyến bay sớm nhất về Việt Nam. Dẫn theo con gái trở về cái chốn chôn rau cắt rốn.

Bé Nhật 5 tuổi rồi, nhưng bé chưa gặp bà nội bao giờ.

Bức hình thờ của mẹ được đặt ngay ngắn, ngôi mộ được hàng xóm góp tiền lại xây tươm tất lắm. Anh lặng đi, trong tim đánh thịch một tiếng. Chân anh như mất hết sức lực, đầu gối tự động hạ xuống. Anh quỳ trước mộ mẹ, cổ họng khô khốc, rồi anh khóc như một đứa trẻ.

" Ầu ơ ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.

Khó đi mẹ dắt con đi,

Con đi trường học, mẹ đi trường đời"

- Mẹ ơi, thế bao giờ Đăng mới được đi trường đời cùng mẹ?

- Bao giờ Đăng lớn, bao giờ Đăng học thật tốt để ra trường thì Đăng sẽ đi cùng mẹ.

- Vậy mẹ ơi, Đăng sẽ học thật tốt để mau mau được đi cùng mẹ nhé!

*
- Dạ... Con đi rồi, mẹ nhớ giữ sức khỏe, con sẽ gửi tiền về, mẹ đừng cố làm việc. Mấy tháng nay trở trời, coi chừng bệnh thấp khớp của mẹ lại tái phát...

*
- Mẹ, con trai của mẹ đỗ đại học rồi!

*
- Mẹ, chắc con phải về lại Sài Gòn thôi... Điều kiện ở đó khá tốt.

*
- Mẹ, lần này con phải chuyển công tác sang Mỹ. Hè năm sau con sẽ bồng cháu về thăm mẹ.

*

Đừng đứng khóc bên nấm mồ của mẹ

Mẹ không ở trong mồ, mẹ không ngủ đâu con

Mẹ ẩn hiện trong ngàn cơn gió nhẹ

Trong tuyết trời mẹ lấp lánh kim cương

Mẹ là nắng trên lúa vàng chín rộ

Là mưa thu gội mát lá bên đường

Khi con thức trong bình minh tĩnh lặng

Là khí trời, mẹ lan tỏa muôn phương

Mẹ nâng cánh cho đàn chim bay lượn

Mẹ là sao sáng dịu suốt đêm trường

Đừng đứng khóc bên nấm mồ của mẹ

Mẹ không ở trong mồ, mẹ không chết đâu con.

Mẹ.

Mẹ ơi.

Mẹ có nghe Đăng nói gì không?

Mẹ ơi, Đăng về với mẹ rồi nè.

Mẹ ơi, Đăng về rồi, mẹ không mừng hở mẹ?

Mẹ ơi, Đăng về rồi, sao mẹ không hát ru Đăng nữa?

Mẹ ơi, Đăng thèm canh chua mẹ nấu, thèm cá kho của mẹ, sao mẹ không nấu cho Đăng?

Mẹ ơi!

"Con trai của mẹ, mẹ biết bây giờ bên đó mày đang bận rộn. Mẹ biết mẹ làm phiền mày nhưng mẹ nhớ mày nhiều lắm. Mấy năm nay mày không về đây với mẹ cũng không sao nhưng mà sao mày không gọi cho mẹ. Chắc là tiền điện thoại mắc lắm nên mày không gọi, mẹ không trách mày đâu.

Đăng ơi, mấy đứa nhỏ trong thôn nghỉ hè hết ráo rồi. Mày có hứa hè năm sau mày về mà mẹ chờ hoài đợi hoài cũng có thấy bóng dáng mày đâu con ơi. Mẹ biết mày bận lắm, nên là bên đó ráng làm lụng kiếm tiền lo cho vợ cho con. Đừng có để vợ con mày sống khổ nha bây.

À quên nữa, lúa vụ này tốt lắm. Bà con mình thu hoạch quá trời luôn. Mẹ cũng vậy, nên mày khỏi lo vụ tiền nông cho mẹ nhé."

Đó là bức thư cuối cùng của mẹ viết cho anh.

Nhưng ý của mẹ là, lúa mùa hạ vàng ngập cả rồi, sao con còn chưa về với mẹ?

Mẹ ơi, suốt đời này, làm sao Đăng trả được hết tình thương của mẹ. Con nợ mẹ nhiều lắm, mẹ ơi!

Mẹ dành hết tuổi xuân vì con

Mẹ dành những chăm lo tháng ngày

Mẹ dành bao hy sinh để con chạm lấy ước mơ

Mẹ là ánh sáng của đời con

Là vầng trăng khi con lạc lối

Dẫu đi trọn cả một kiếp người

Cũng chẳng hết mấy lời mẹ ru.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro