1.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Cách mệnh do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi"

Tháng 10 năm 1946, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng đồng chí Trần Đăng Ninh bí mật quay trở lại Việt Bắc để chuẩn bị căn cứ địa, chọn các địa bàn Chợ Đồn, Chiêm Hóa, Định Hóa, Sơn Dương, Đại Từ làm An toàn khu. Vào tháng 11 cùng năm, các cơ quan chính trị quan trọng của phía ta đã lần lượt rời Thủ đô lên Việt Bắc nhằm xây dựng lực lượng, tiếp tục trường kỳ kháng chiến. Ta đã di dời nhiều tấn máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, cùng các nhu yếu phẩm, đặc biệt là muối lên Việt Bắc để vừa sản xuất vừa chiến đấu.

Đoàn người sơ tán lên An toàn khu Chiêm Hóa giờ mới bước tới Yên Sơn. Những cô, những chị vai nặng muối gạo chầm chậm bước, những anh bộ đội công binh hò nhau khiêng máy móc nặng trịch. Mặt trời đã lên tới đỉnh đầu. Những hàng dài muối gạo, máy móc từ từ bước lên dốc. Người ta vừa đi vừa nói chuyện, người ta suýt xoa nhổ những con vắt béo mầm bám trên bắp đùi, người ta an ủi nhau "qua Lương Cái rồi tới làng Đung chắc cũng tối rồi, tới đó tha hồ nghỉ", xôn xao một khoảng rừng thường ngày chỉ có gió thì thầm với cây.

Đây là lần đầu cậu liên lạc Trần Khánh Vĩnh thấy khoảng núi rừng rộng lớn đến vậy. Vĩnh tròn mắt, 17 năm có lẻ chỉ quanh quẩn nơi phố sông Tam Bạc bán bánh mỳ cho mụ chủ, quanh quẩn với cái nắng gắt phả xuống mặt hè đốt cháy lòng bàn chân, chưa bao giờ cậu từng nghĩ sẽ rời khỏi Hải Phòng, vậy mà giờ đây, Vĩnh đang đứng trên con đường cây cao phủ kín đầu nơi rừng núi Việt Bắc.

"Sao cậu cứ đứng thần ra thế." Lê Phương, giao liên của trung đội cùng với Vĩnh, huých cậu một cái. Cậu láu cá trêu: "Vắt đỉa chui hết lên ống quần rồi kìa Vĩnh."

"Chưa bao giờ tớ thấy núi rừng nào to rộng như thế này đấy Phương ạ." Vĩnh vẫn trân trân nhìn xuống sườn núi, cậu nói: "Núi rừng Việt Bắc lớn thế này, dân khắp Hải Phòng có lên đây ở, cũng không ở hết được, cậu nhờ."

Phương cười, búng lên trán bạn: "Gớm, dân Tam Bạc đấy hử, lên núi mà cứ như nhà quê lên phố." Phương năm nay 20 tròn, cũng "hành nghề" bán bánh mỳ dạo quanh trụ sở ngân hàng bên bờ sông Tam Bạc, là bạn chí cốt của Vĩnh. Hai cậu đều mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cùng nhau kiếm sống trên con phố dài, cùng nhau ngủ dưới hiên nhà người ta. Những tưởng rằng hai đứa sẽ chôn vùi cả đời vào những ổ bánh mỳ nóng tới bỏng rát, những tràng chửi rủa của chủ lò mỗi tờ mờ sáng, hay tin Cách mạng tháng Tám thành công, Phương cùng Vĩnh bỏ trốn khỏi Hải Phòng lên xe lửa tới ga Hà Nội, gia nhập vào một trung đoàn bộ đội làm giao liên tới tận bây giờ. Trong giây phút cùng bạn bỏ trốn, chưa bao giờ Phương cảm thấy kích động tới vậy. Vừa vui mừng khi sắp thoát khỏi cái cảnh hai tay ôm bịch bánh mỳ tới bỏng, vừa sợ hãi bị phát hiện, đem cả hai đứa trả lại cho mụ chủ thì chỉ có chết! Phương còn nhớ, cái buổi trưa hè tháng Tám ấy, mồ hôi lút mặt, bóng nhẫy trên làn da nâu, bỗng có người giữ cánh tay cậu lại. Phương ngẩng đầu, ngạc nhiên: "Ôi chao, anh Hiền!". Hiền là anh họ của Phương, vốn đi biền biệt từ những năm 1940, hàng xóm đồn anh đã chết mất xác ở tận trên núi. Hai anh em ôm chầm lấy nhau mà khóc. "Em sống khổ quá em ơi. Dân mình khổ quá em ơi." Anh Hiền kể, anh đã đi theo Cách mạng mấy năm, làm tiểu đội trưởng một đội trinh sát ở trên Hà Nội. "Em định sống như vậy mãi ư? Sống với bịch bánh mỳ, sống với những tiếng chửi rửa mãi ư em?", anh rơi nước mắt, vuốt ve mái tóc đã cháy nắng của Phương. Anh Hiền ở lại thêm vài ngày với hai đứa Phương và Vĩnh, trước lúc đi, hai đứa cứ bám rịt lấy anh, đòi đi theo Cách mạng, theo Vệ quốc đoàn chứ thà chết cũng không ở lại với mụ chủ lò bánh.

Trước mắt hai người, những tre nứa rì rào phấp phới như mời gọi đoàn người lên với Chiến khu. Gió thổi những giọt mồ hôi. Ánh nắng cuối thu nhè nhẹ xuyên qua lá rừng như hôn lên dấu chân người lính. Núi rừng Việt Bắc âu yếm những người con từ đồng bằng lên sơ tán.

Nhưng, có cảnh sơn thủy trước mặt có đẹp tới đâu, Vĩnh cũng chỉ là đứa con trai đang tuổi lớn, chịu không nổi cái đói hành hạ. Cậu chạy phóng lên chỗ Thào A Sáo, người dẫn đường cho đoàn lên Chiến khu: "Anh, sắp tới Chiến khu chưa anh? Em đi bộ từ trời chưa sáng tới trưa ngọ rồi mà chưa được bỏ được miếng cơm nào vào mồm."

Anh Sáo cười: "Chú mày đói thì cứ bỏ miếng cơm vào mồm đi.", anh mở cái nắp ống nứa đeo bên sườn, dốc ra một vắt cơm, lại lấy chút muối trong cái túi nhỏ xíu buộc ở hông, đắp muối lên nắm cơm nguội, nắm nắm lại để muối cơm cùng dính chặt lại với nhau. "Sướng nhất chú mày, ăn cơm với muối nhá, anh Sáo ở trên núi trên bản đây, cả năm có khi lại chẳng được hột muối nào đâu."

Vĩnh cười hề hề, đón lấy vắt cơm từ tay anh, bỏ tọt vào miệng, nhai đi nhai lại cho tới khi cơm nhuyễn nát thành cháo.

Trời về chiều.

Tiếng suối như tiếng đàn cầm chảy róc rách qua những kẽ đá. Hoàng hôn chiếu rọi lấp lánh những vảy cá bạc dưới lòng suối trong vắt. Những bầy chim két xanh đỏ kêu vang dội giữa những hẻm núi. Đoàn người nghỉ lại bên một dòng suối, mặt mũi ai nấy đều bơ phờ sau lần leo dốc đi rừng đầu tiên trong đời ấy, duy chỉ có anh Sáo, người dẫn đường, còn khỏe như voi. Anh là đồng bào người Mông nơi đây, anh lên núi xuống núi bẻ măng là chuyện hàng ngày. Đi bộ suốt một ngày dài, chân ai cũng rộp phồng lên, đỏ như tụ máu, người ta xé vạt áo, ống quần ra bọc bàn chân, người ta xoa bóp những cẳng chân gầy nhom đã đau nhức như muốn gãy ra. Vài người chân còn đứng vững thì ra suối lấy nước, chặt những cây nứa làm củi đun.

Vĩnh được lệnh nghỉ ngơi liền ngã cái uỵch xuống nền đất lành lạnh, rút ra từ túi áo kaki một hộp thiếc bé bằng hai đốt ngón tay người lớn, bên trong có đựng những điếu thuốc lá cuốn sẵn, làm một hơi dài. Tỉnh cả người! Trời bắt đầu trở lạnh, nếu không có thuốc thì ban tối hành quân sẽ rất buồn ngủ. Còn tận mấy cây số nữa mới tới Chiêm Hóa! Mà đoàn người chỉ độc đi bộ, chưa kể địa hình dốc trải dài, làm sao mà đi nhanh được...

"Này!" Ai đó búng vào trán Vĩnh đau điếng. Chưa kịp hoàn hồn, người đó đã nói: "Cậu làm giao liên đấy, mới đi được mười mấy cây số thôi đã ngồi ườn ra đấy."

Thì ra là Phương, cậu ta mang về cho Vĩnh hai nắm cơm đắp muối mè. Vĩnh cắn thử một miếng. Mặn chát. "Lấy rõ lắm muối." Vĩnh lườm bạn. Cậu nói: "Chẳng qua tớ chưa quen đi đồi đi núi thôi, trước bọn mình toàn đi liên lạc ở Hà Nội qua lại mấy tỉnh lân cận, đường lát gạch đá hơi nóng chân nhưng được cái bằng phẳng dễ đi, có chạy ngược chạy xuôi cũng chẳng nặng chân như cái giống đi sình lầy, đã thế còn dẫm phải đá vụn. Đi suốt rồi cũng quen ấy mà."

Và khi mặt trời xuống hẳn, bầu trời xám xanh, cái lạnh lẽo của rừng rú, tiếng muỗi kêu như phủ lên đoàn người vốn mệt mỏi vì đường dài, vì cơn đói. Mùi tanh tanh kỳ dị theo cơn gió phả vào mũi người ta. Chẳng có gì đáng sợ bằng đêm rừng. Có thể nghĩ tới bao điều rùng rợn nơi rừng thiêng nước độc này. Những con ma rừng. Hổ. Chó sói. Voi. Giữa đêm tối tăm ấy, giữa cơn đau nhức toàn thân ấy, những người lính, những người công binh, những người dân tản cư ngồi sát lại gần nhau.

"Đi tiếp thôi các đồng chí, bà con ơi." Tiếng đại đội trưởng ôn tồn giữa tối tăm hun hút của Yên Sơn làm ai nấy như bừng tỉnh, vịn hai tay vào gối đứng dậy. Những ngọn đuốc bừng bừng cháy giữa đêm khuya, khi ngọn lửa hồng lên giữa núi, những tiếng vượn kêu hổ gầm cũng bớt đáng sợ đi nhiều lần. "Mọi người cố lên nhé, ta đang ở Đồng Mộc rồi, sắp về với Chiến khu rồi."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro