Sắc phong của cụ Phạm Đình Hội

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

SẮC PHONG CỦA CỤ PHẠM ĐÌNH HỘI

Trong đợt điều tra văn hoá phi vật thể tại địa bàn huyện Định Hoá vừa qua đã phát hiện một sắc phong thời Lê tại gia đình ông Phạm Đình Thắng ở xóm Bản Cái, xã Thanh Định.

Gia đình ông Phạm Đình Thắng, nguyên quê ở thôn Quan Bác, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình di cư lên huyện Định Hoá để xây dựng kinh tế mới từ những năm trước đây. Qua lời kể của ông Thắng thì bản sắc phong này là đồ gia bảo của dòng họ. Vì ông là trưởng họ nên được giữ bản sắc phong. Văn bản Sắc phong này được gia đình ông Thắng bảo quản rất cẩn thận.

Về hình thức văn bản Sắc phong:

Văn bản sắc phong còn khá nguyên vẹn, chất liệu làm bằng giấy Bưởi-một làng cổ chuyên làm giấy sắc, nay thuộc thành phố Hà Nội. Trên mặt sắc phong có trang trí hoa văn là những cụm mây hình xoắn và con rồng rất đẹp. Nội dung văn bản sắc phong có tổng số có 92 chữ. Chữ viết trên sắc phong được chia làm 8 dòng theo chiều thẳng đứng. Dòng nhiều nhất có 13 chữ, dòng ít nhất có 1 chữ. Dòng thứ 1 (12 chữ), bắt đầu là chữ: "Sắc", dòng thứ 2, 3, 4 và 5 (11chữ), dòng thứ 6 có 13 chữ, dòng thứ 7 (1 chữ) và dòng thứ 8 (11 chữ) ghi niên hiệu-chỗ ghi niên hiệu hình thức được các nghệ nhân dân gian vẽ đầu rồng, đóng dấu vuông màu đỏ, có 4 chữ Hán lớn, khắc theo thể loại chữ triệu: "Sắc mệnh chi bảo". Chữ viết trên sắc là chữ của các bậc tiến sỹ túc nho, chữ viết đẹp theo kiểu thư hoạ, sắc nét, bay bướm, thể hiện trình độ mỹ thuật. Sắc phong có kích thước rộng 60 cm, dài 120 cm.

Về nội dung bản sắc phong:

Đây là bản sắc phong cho Bá hộ ông Phạm Đình Hội ở xã Hà Truyền, huyện Chân Định (Phủ Kiến Xương-Tác giả chú thích thêm) được phong chức Bá hộ, thuộc hàng Tòng cửu phẩm (theo sách: Tìm hiểu Quan chức chí thời xưa)-một chức quan nhỏ ở địa phương lúc bấy giờ.

Theo ông Phạm Đình Thắng, nhân vật được ban sắc này là người thuộc dòng họ của gia đình làm quan dưới triều nhà Lê, hiện nay là quê của gia đình ông Thắng (nay thuộc thôn Quan Bác, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) vẫn còn truyền kể về nhân vật lịch sử này.

Dòng cuối cùng của sắc phong cho biết, sắc được ban hành vào ngày mồng 7 tháng 6 âm lịch, đời vua Cảnh Hưng năm thứ 44, tức là dưới triều Lê Hiển Tông, tương ứng với năm dương lịch là năm 1783 (Quí Mão).

Việc phát hiện bản sắc phong này của triều đình nhà Lê phong cho ông Phạm Đình Hội là để tuyên dương công trạng của ông với dòng họ, với dân, với nước. Đây là nguồn tư liệu bổ sung thêm cho phần thân thế, sự nghiệp của ông Phạm Đình Hội. Mặt khác, bản Sắc phong này còn ghi lại tên địa danh làng xã xưa kia và niên đại cụ thể, có giá trị nghiên cứu về lịch sử, văn hóa ở địa phương.

Nguyễn Đình Hưng

(Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thái Nguyên)

http://ThaiNguyenClub.Net/f/showthread.php?t=2807

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro