Dhaka và những sắc màu đối lập

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những người đàn ông có gương mặt buồn
Đội trầm luân đi giữa đỏ, xanh, vàng, tím
Dhaka phía bên này thiên đường như tắt lịm
Phía bên kia, một nửa rướn kiếm tìm...
(HP)

Có cảm giác tôi vừa chợp mắt là nhân viên khách sạn đã lên gõ cửa phòng bảo "ở dưới có người chờ ông". Hướng dẫn viên đến sớm hơn 10 phút so với giờ hẹn, nên đồng hồ báo thức chưa kịp kêu. Tôi bảo họ chờ chút để chuẩn bị. Và chỉ trong vòng năm phút ngắn ngủi, tôi đã tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ, quần áo gọn gàng, xuống dưới sảnh chuẩn bị đi chơi. Abdullah, cậu hướng dẫn viên tiến tới lễ phép chào và giới thiệu sơ qua về buổi tham quan hôm nay. Tôi buột miệng hỏi năm nay cậu bao nhiêu tuổi vì cái dáng nhỏ thó, bé xíu nhưng vác bộ râu quai nón dài ngoằng của đàn ông Hồi giáo. Cậu cười, tôi 25 rồi, không phải con nít đâu. Đừng sợ.

Người ta bảo đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Lúc này quả thật đúng. Tôi được đối xử như một ông hoàng sau mấy đồng tip. Bảo vệ và lễ tân cúi người chúc tôi đi chơi vui. Đồ đạc cứ để trên phòng đừng lo, không có chuyện gì xảy ra hết cả. Ông yên tâm nhé. Abdullah dẫn tôi ra xe đang đợi sẵn trước cổng. Chiếc Corolla đời bao nhiêu không rõ, bên trong sạch sẽ, có điều hòa và tài xế riêng. Ổn rồi, tôi không đòi hỏi gì hơn.

Mặc dù từng là thuộc địa của Anh nhưng người Bangladesh chủ yếu sử dụng tiếng Bengali. Tiếng Anh đứng thứ hai, nhưng rất khó để giao tiếp và gặp các bảng hiệu chỉ đường bằng thứ ngôn ngữ quốc tế này. Cách tốt nhất là đặt sẵn tour trên internet cho biết chỗ đi và toàn mạng rời Bangladesh. Tôi đã nằm lòng lời dặn ấy và cũng không có nhiều sự lựa chọn cho tour ở Dhaka. 100 đô-la cho tám tiếng tính luôn đưa rước từ khách sạn, kèm ăn trưa. Cũng không rẻ mà cũng không mắc (so với tôi), chứ ở đây, hơn một tháng lương ấy.

Và giờ tôi mới hiểu tại sao người ta ngại tham quan Bangladesh đến thế. Khi mặt trời lên, mọi thứ được phơi lồ lộ. Dẫu ở đây, hỏng thấy mặt trời đâu, nhưng tất tần tật bày ra hết. Cả thành phố bị bao phủ bởi một lớp bụi mù dơ bẩn của khói xe chạy khắp đường và hàng ngàn tòa nhà, cao óc đang hối hả dựng xây. Ở khia cạnh nào đó, Dhaka là thành phố đang phát triển. Nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quay trở lại, đổ tiền vào xây dựng, biến nó thành trung tâm kinh tế mạnh của vùng Nam Á, phục vụ cho đất nước hơn trăm triệu dân này. Rác rưởi và xà bàn đổ khắp nơi. Mảng tường vẽ ngoằn ngoèo bằng tiếng Bengali và cả Graffiti của các họa sĩ nghiệp dư nào đó. Cứ mỗi góc đường là một đống rác hôi rình, ruồi nhặng tung cánh bay mỗi khi có xe đi ngang qua. Tôi chắc chắn xung quanh mớ rác thải kinh hoàng rỉ nước là hàng triệu con loăng quăng đang ngọ nguậy chuẩn bị lột xác thành muỗi mang mầm dịch bệnh tấn công người. Tự nhiên tôi thấy nổi da gà, đưa tay sờ lên mặt, không biết đêm qua có bà muỗi nào cắn mình và có truyền vô máu cả đống ký sinh trùng không nữa.

Không khó để đọc trên báo về những vụ sập nhà ở xử này. Người ta vẫn chưa quên vụ sập cao ốc tám tầng kinh hoàng ở ngoại ô Dhaka năm 2013. Quân đội được huy động đến kiếm tìm xác người bị vùi lấp. Hơn một ngàn người chết. Gần 300 thi thể không xác định được danh tính đã được mang đi chôn sau khi kiểm tra DNA. Abdullah bảo, đâu đó quanh quẩn ở các mảng tường cũ, vẫn có ảnh của nạn nhân kèm đóa hồng đỏ được người thân dán lên, chờ đợi phép màu để kiếm tìm, dù là vô vọng.

*

Người ta gọi Dhaka là thành phố của những đền thờ Hồi giáo với hơn 700 cơ sở tôn giáo chen chúc trong dân cư, để người dân nguyện cầu kiếm tìm sự bình an và cứu rỗi. Ở đâu cũng thế, tôn giáo luôn đóng vai trò xương sống trong xã hội, cho con người bấu víu, dựa dẫm vào đấng tối cao màu nhiệm, vượt qua khó khăn trong đời. Abdullah nhanh nhảu dẫn tôi qua các bãi rác, len qua nhũng người vô gia cư, hay cặp vợ chồng ăn xin đang ngồi đếm tiền trong hộp giấy, để vào đền Baitul Mukarram lớn nhất nước. Cửa trước bị đóng rồi. Gọi mãi mà không ai ra mở nên tụi tôi vòng ra ngả sau. Trước đền thờ, người đàn ông đẩy xe bán trái cây và mấy ly đủ màu có đậu, hạt, rồi sợi dây xanh đỏ y như chè ba màu của Việt Nam. Tôi ra dấu xin chụp hình. Anh nhún vai chắc bảo không có gì to tát lắm. Anh đưa ly "chè" mời mua. Tôi lắc đầu cười, khi thấy cái đóng rác to đùng bên cạnh.

Đi riết tôi cũng thuộc loại mặt dạn mày dày, chẳng e ngại rác rến hay nước tù đọng gì. Nhưng thiệt tình tới cũng thấy ơn ớn khi đứng chờ trên bậc thềm của thánh đuòng đầy phân dơi, phân chim bóc mùi thum thủm. Phía đối diện, hình như là trung tâm thương mại, bán hầm bà lằng các loại ti vi, tủ lạnh, máy móc cũ, mới được chất lẫn lộn, dưới một nùi dây điện chồng chéo, đan xen trông đến lạnh xương sống. Lỡ chập điện nổ cái đùng chắc tiêu. Gọi cửa thêm chút nữa, một người đàn ông quen với Abdullah ra tươi cười chào đón và mời vào. Tôi phải bỏ giày bên ngoài, đi chân không vô đền. Vừa bước chân lên thềm đá, cảm giác mát lạnh chạy khắp châu thân, làm dịu hẳn đi cái nóng 40 độ đang bủa vây. Ngôi đền được xây từ năm 1968, không cần mở điều hòa mà mát như cái tủ lạnh khổng lồ vậy.

Baitul Mukarram đuợc coi là đền thờ quốc gia Bangladesh với sức chứa hơn 30 ngàn người. Tuy nhiên, nó luôn ở trong tình trạng quá tải bởi Dhaka đông đúc dân. Tới tháng Ramadan (Là tên gọi tháng thứ Chín Âm lịch Ả Rập. Trong suốt một tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc... nghĩa là không được đưa bất kể thứ gì vào miệng từ lúc mặt trời mọc tới khi mặt trời lặn) thiêng liêng, nó phải gồng mình chứa thêm hàng vạn người từ mọi miền đất nước đổ về cầu nguyện. Thánh đường nằm trên nền đất cao, như khối hình hộp khổng lồ mô phỏng Ka’abah tại Mecca (Arab Saudi), một trong ba địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi, nơi tương truyền chứa quyển kinh thánh của giáo chủ Mohammed. Baitul Mukarram có tám tầng cao, được xây toàn bằng đá nên lúc nào cũng mát là đúng rồi. Trời hè, chỉ cần nằm dưới bóng mát một góc sân, cũng đủ để bạn giải nhiệt. Tôi vừa đi lòng vòng tham quan, vừa phải chú ý tránh những đống phân nằm rải rác khắp nơi. Lỡ mà giẫm lên không biết chổ nào mà rửa.

Tiếng kinh Koran thu sẵn mở lên chầm chậm. Vài nguời đàn ông mặc áo chùng trắng quỳ xuống, hướng về thánh địa Mecca cúi lạy xin bình an.

Abdullah bảo giờ mình tới một địa điểm tôn giáo khác không kém phần quan trọng. Đó là Star Mosque, Thánh đường Ngôu sao nằm cạnh trường học. Hôm nay có thi gì đó, nên cảnh sát đứng đầy. Hàng ngàn phụ huynh (chủ yếu là phụ nữ) vẻ mặt lo lắng, nhấp nha nhấp nhỏm nhón chân ngó vô, nôn nóng cho con, y chang cảnh phụ huynh Việt Nam ngóng trông con mỗi lần tới kỳ thi tốt nghiệp hay đại học. Cảnh sát đóng đường không cho xe vô. Abdullah nói tài xế đậu ở ngoài, rồi dẫn tôi vào bên trong. Mosque được trang trí bằng nhiều ngôi sao xanh từ gốm trăm năm mát lạnh. Các vị chức sắc tôn giáo mặc áo choàng trắng, tươi cười khi biết tôi là người Việt Nam, sẵn sàng chụp hình chung và bảo nhớ đến thăm đất nước đẹp xinh của chúng tôi một lần nữa nhen. Còn mời khi nào rảnh tới đây ăn trưa một bữa.

Đền thờ đạo Hindu Den Dhakeshwari Temple, được xây vào thế kỷ thứ 12 bởi Ballal Sen, vị vua của triệu đại Sena, được coi là nơi cất giữ viên ngọc từ vương miện của Sati, nữ thần hạnh phúc, hôn nhân và tuổi thọ. Đền bị phá hủy một lần vào năm 1971 bởi quân đội Pakistan trong chiến tranh giải phóng Bangladesh và bị tàn phá nhiều lần trong các cuộc tấn công của các nhóm Hồi giáo quá khích vào đầu thập niên 90, nên giờ phải canh phòng cẩn thận. Giữa trưa, người ta đóng cửa không cho tham quan. Tôi chỉ đứng bên ngoài nhìn vào tòa tháp hình nón màu vàng viền đỏ kế tiếp nhau. Thấy chút lạc lõng của đạo Hindu giữa lòng đất nước đông dân Hồi giáo.

Ẩn sâu và lọt thỏm trong lòng phố xá đông nghẹt là nhà thờ của người Armenia xây dựng năm 1781 vẫn trơ gan cùng mưa nắng. Chưa vội vào trong, tôi đứng ngó một ông già mặc váy đi ngang qua, hai tay cầm mấy con gà sống giãy giụa, chắc mang ra chợ bán. Tôi đưa máy chụp cậu thanh niên cũng đi bán gà, không xách trong tay mà bỏ thúng đội lên đầu lúc lắc. Anh ta thả tay, làm dáng cho tôi chụp hình. Mấy cậu nhóc loi choi chung quanh vỗ tay reo hò cười đùa ủng hộ.

Giáo đường màu mỡ gà, viền vàng, lẻ loi đến buồn bã. Cổng đóng kín, dường như không có người đi lễ. Người ta đã rời khỏi phố xá Dhaka chật chội để về thành phố mới và an toàn hơn, chẳng có thời gian vật lộn với giao thông mỗi ngày để đi tìm bình yên trong Chúa. Ông bảo vệ quen với Abdullah, từ bên trong chạy ra, mở ba lớp khóa, dẫn chúng tôi vô. Nhà thờ nằm giữa mảnh đất rộng chừng 500 mét vuông với tháp chuông cổ. Thấy tôi đứng ngắm tháp không rời mắt, Abdullah chạy tới gióng một hồi chuông dài giữa trưa. Hai trăm năm tuổi có lẻ rồi mà tiếng chuông vẫn thanh tao kỳ lạ. Nỗi trên nền trời mờ mờ bụi bặm, cây thánh giá sừng sững như không có bất kỳ mưa nắng hay dấu thời gian làm hư mòn quyền năng của Chúa thiêng liêng.

Chung quanh tôi, có nhiều ngôi mộ của các thương nhân châu Âu đã đến đây và bao năm thân xác vẫn chưa tìm về cố quốc. Tôi cúi xuống đọc bia mộ bằng xi măng được in dấu thánh, khắc chữ Bengali, Do Thái và tiếng Anh: "Tuởng nhớ Khatch Khatun - vợ của người chồng quá cố David Fridovitch Melick Beglar. Mất ngày 14 tháng 6 năm 1893. Hãy về nhà đi những đứa con của ta và đừng khóc nữa. Mẹ sẽ ở lại đây cho đến khi Đức Chúa Trời xuất hiện". Hay một ngôi mộ khác gần đó: "Tưởng niệm Johanness Manook, người rời bỏ cuộc đời vào ngày 15 tháng 7 năm 1846, 42 tuổi". Gần hai thế kỷ nằm xuống ở xứ lạ người xa, xương cốt họ có lẽ đã tiêu tan, thấm sâu vào lòng đất Dhaka, nơi không phải là quê hương xứ sở. Bao đứa con yêu thương và người thân ruột thịt, trong chặng đường tìm kiếm sinh tồn hay khám phá thêm nhiều vùng đất mới, có lẽ đã trở về cố thổ, hoặc gửi nắm xương tàn của mình tại một vùng đất lạ xa, cũng không có dịp quay lại nơi này để thăm viếng người thân thuộc.

Phía bên hông nhà thờ, cây liễu rủ và bụi hoa giấy đỏ rực nở tốt tươi nhưng sắc thắm bị che lại bởi lớp bụi dày, dẫu có hai mươi trận mưa đổ xuống cũng không làm sạch nổi. Tôi bước vào bên trong. Không gian trắng lẫn vàng cô liêu quá. Những hàng ghế gỗ chắc lâu lắm rồi không người ngồi xuống nên đầy bụi. Mấy cái quạt trần trên cao như làm cảnh chứ cũng chẳng ai mở chạy. Phía trên chánh điện, tấm hình Chúa Jesus rỉ máu thương đau trên thánh giá nhân từ. Mặc dù là người ngoại đạo, nhưng tôi vẫn cúi đầu trước ngài và làm dấu thánh, theo thói quen dì Năm bán bột của Nỗi nhớ sầu đâu (Nhân vật trong tập truyện ngắn Những chuyến thiên di của tôi) hay dẫn tôi đi nhà thờ làm lễ.

Đài tưởng niệm các liệt sĩ Savar dựng lên để tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến giành độc lập với Pakistan để giải phóng Bangladesh vào năm 1971. Giữa trưa nắng gắt vẫn tụ tập đông người đang diễn tập cho một buỗi lễ sắp diễn ra. Tượng đài hình tháp, như một mũi tên chĩa thẳng lên trời, là biểu tượng cho lòng quả cảm không ngại hy sinh của người lính chiến. Quanh tượng, hơn chục người đàn ông bất chấp nắng nóng như thiêu ngồi dưới bóng râm bán nước giải khát với bắp rang, đậu phộng. Không khó để thấy chục người vô gia cư nằm gần đó, co cuộn người ngủ say sưa quên hết đất trời.

Và đoàn tàu xe lửa huyền thoại tôi thấy trên ti vi, trong sách báo và mơ một lần được tận mắt chứng kiến, đang lừng lững hiện ra trước mặt. Mười mấy toa chầm chậm chạy trên đường ray và cõng theo nó chắc hàng ngàn, mà không, cả chục ngàn người, bất chấp nguy hiểm hay rập rình của Thần Chết. Họ ngồi từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, từ trước ra sau. Bên trong lố nhố đầu người. Trên mui đầu người lố nhố. Bên hông phải, trái người ta thay nhau cầm nắm vào cái gì có thể đu bám được. Cả đoàn tàu như thỏi nam châm cực lớn và hàng  ngàn người kia là thỏi nhỏ hơn, gắn đính vào nhau. Nói thì khẩu nghiệp, chứ tôi thấy nó giống miếng đường to ngọt ngào thơm lụng hút cả triệu con kiến bé xíu, bu lại. Mới hay xứ này, mạng người mỏng manh như tờ giấy quyến của mấy ông già quê hút thuốc. Chỉ cần giọt nước nhỏ, giấy đã mủn rữa ra rồi. Hay một cơn gió nhẹ thoảng qua, cả đoàn tàu lắc rung dữ dội, đảo chao trong khoảng không trung, thay người rớt xuống sông như ngói. Nhưng không sao, đi được cứ đi. Người ta phó mặc đời mình cho đấng Allah, chứ không quan tâm gì khác.

Dhaka có diện tích chưa tới 816 km² nhưng chứa gần 20 triệu người, đã biến nó thành đô thị chật chội của sự đối lập. Kẹt xe từ sáng tới chiều. Kẹt từ trong ra ngoài, từ ngõ sâu tới cạn. Còi xe là thứ âm thanh thân quen không thể tách rời phố xá. Khoảng cách giàu nghèo được phân định một cách rạch ròi. Trái ngược với trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn giàu sang, là khu ổ chuột rách nát, nơi cư ngụ của hàng triệu người nghèo khó. Khắp nơi trong thành phố, không khó để nhận ra lều bạt che tạm bợ, hay đơn giản là miếng nhựa trải trên vỉa hè, bên trên có một, hai, ba hay nhiều người lơ mơ nằm ngủ. Người ăn xin và bán hàng rong nhiều không đếm nỗi. Họ đến từ làng quê nghèo khó, đói kém, không có công ăn việc làm, nên đổ về Dhaka cầu xin lòng thương hại của người đời. Cứ đi lang thang dọc đường, xe dừng lại thì tới xin. Còn không cứ tới các đền thờ Hồi giáo, tụ tập trước cổng, sẽ có người hảo tâm ban bố lòng từ bi bằng đồng taka (đơn vị tiền tệ của Bangladesh, 1 taka = 270 đồng) cũ nhàu như mảnh đời của họ.

Bèn cạnh hàng ngàn chiếc xe đời mới đắt tiền BMW, Audi hay Lambogini, là hàng vạn xe buýt, ô tô không thể nào mục nát hơn nhưng đông kín người. Nói thật, cho vàng tôi cũng không dám bước chân lên vì chẳng biết nó "banh ta lông" lúc nào. Khắp nơi trong thành phó, rickshaw xe ba bánh (như xích lô hay xe lôi ở Việt Nam), phía trước có một người đàn ông ốm yếu đổ mồ hôi ướt nhẹp, gò lưng chở cả gia đình mập ù đang phía sau thong dong ngồi ngó. Dhaka được coi là thủ phủ của xe ba bánh (rickshaw), Với hơn 400 ngàn chiếc lưu thông mỗi ngày, qua mặt cả Delhi hay Mumbai ở Ấn Độ. Hàng triệu phương tiện không hàng lối, cứ tìm thấy chỗ trống là chen vô càng làm cho giao thông thêm phần hỗn loạn. Trên đường phố đông đúc, tuyệt nhiên không thấy một phụ nữ nào buôn bán. Đó là việc của đàn ông. Đàn bà ở nhà nội trợ, chăm con, hay làm công nhân trong nhà máy dệt. Xứ này, từ cậu trai trẻ lên 10 tới chàng thanh niên đôi mươi, hay ông già 60, mặc kệ nắng mưa, bụi bặm, vẫn miệt mài đội lên đầu lồng sắt đựng gà, vịt, chen chúc đứng bán bánh trái, áo quần, giày dép, bắp nổ, đậu phộng hay nuớc mía, "chè" ba màu.

Nhưng phải nói Dhaka là một thành phố lắm sắc màu và vô cùng thú vị. Để bù lại sự hỗn loạn về giao thông, nguời ta đã sơn xanh đỏ tím vàng xe buýt, ô tô hay xe ba bánh cũ. Đi giữa phố xá giống hộp cá mòi, ruồi muỗi bay nhiều gần như bụi, cảm giác màu sắc của phương tiện hòa lẫn vào nhau, cùng với sari lộng lẫy của phụ nữ, khiến ta không bực mình mà vui mắt. Tôi đã đến hầu hết các siêu đô thị trên thế giới. Từ Sài Gòn thân yêu, tới Tokyo sạch bong không bụi, New York đông đúc người, New Delhi đứng đầu ô nhiễm, hay Mexico City kẹt xe từ sáng tới tối, thì Dhaka là một thành phố đặc biệt, không giống ai và cũng chẳng muốn ai giống mình. Nét đẹp ấy, trong mắt gả đàn ông ngoài 30 đi cùng trời cuối đất như tôi, hóa ra vô cùng thú vị.

Bằng một giọng rất tự hào, Abdullah chở tôi đến trường Đại học Dhaka và luôn miệng bảo, đó là niềm kiều hãnh của dân Bangladesh vì nơi ấy đã sản sinh ra bao nhân tài cho đất nước. Trường dạy bằng tiếng Anh nên hèn chi cậu nói giỏi đến vậy.

- Tôi muốn ra nước ngoài du học. Có lẽ là cuối năm nay.

- Mày định học ở đâu?

- Tôi đang tìm học bổng. Nếu không có thì chắc đi Trung Quôc vì bên đó rẻ và cũng gần, dù tôi muốn sang Anh học hơn cho xịn.

Nói xong, cậu ấy chỉ tôi tòa nhà Curzon Hall màu gạch đỏ, mái vòm và cửa sổ như các cung điện Hồi giáo, được coi là biểu tượng của trường, thủ đô Dhaka và của cả Bangladesh. Tòa nhà có từ thời Anh đô hộ, giờ là trụ sở chính của Viện Khoa học Đại học Dhaka. Trong thời gian diễn ra cuộc vận động phát trién ngôn ngữ Bengali vào nàm 1948-1956, Curzon Hall là nơi tổ chức nhiều sự kiện nổi bật. Và chính tại nơi đây đã nổ ra cuộc biểu tình phản đối chính sách đồng hóa ngôn ngữ của Pakistan, khởi đầu cho cuôc chiến giành độc lập sau này.

Tuy là đất nước Hồi giáo, nhưng so với nhiều nước khác, phụ nữ Bangladesh vẫn được tới trường, có ghế trong chính phủ, thậm chí giữ cương vị tổng thống. Khắp khuôn viên Đại học Dhaka, các nữ sinh tươi trẻ mặc trang phục truyền thống sari, với mái tóc dài và dày đặc trưng, cài hoa đỏ, xách giỏ, tung tăng nói cười rôm rả. Tôi ghé mặt nhìn vào giảng đường rộng. Hàng trăm sinh viên đang im lặng tập trung làm bài thi. Cách đó không xa, trong tòa nhà của Viện Hóa sinh, sinh viên nam nữ đang mặc áo blouse trắng quây quần bên kính hiển vi nghiên cứu.

Tôi chợt nhớ đến Lumma Hasan, cô bạn trong lớp TESOL (chứng chỉ dạy tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai) tại Đại học Maryland hồi năm 2013. Cô có chồng, hai con, thân hinh phốp pháp đúng kiểu Nam Á, lúc nào cũng mặc sari và luôn cười toe toét. Thỉnh thoảng có ấy kể về đất nước mình với niềm hân hoan và nỗi xúc động khó tả. Lumma bảo khi nào có dịp sang Dhaka nhớ nhắn tin, mình sẽ dẫn bạn đi khắp nơi thăm thú. Tiếc là tôi đổi ngày đi vào phút cuối nên không báo được. Mãi sau về Mỹ, tôi gửi cho bạn một tin. Lumma trách quá trời, nói đã hứa sang thì báo mà sao im ru. Tôi bảo an tâm đi, tôi sẽ quay trở lại đất nước của cô thêm một, hai lần nữa.

Một cậu bé bưng thau đậu phộng chạy tới hỏi mua không. Tôi không nỡ chối từ, móc tiền ra mua một bọc. Abdullah chỉ tôi vườn thực vật của trường với đủ các loại cỏ cây, hoa lá. Đầu hè, thược dược, vạn thọ và sao nháy khoe sắc khắp nơi. Đặc biệt là mãn đình hồng đang nở rộ giữa lòng thủ đô Bangladesh, loài hoa mà ở Việt Nam dường như đã tuyệt chủng. Buồn ghê! Mới hôm nào tôi vẫn còn làm hoàng từ bé ở Ninh Hòa, được chiều chuộng hết mình, ăn món quê thơm mùi ký ức. Rồi hôm kia còn ngồi ở Bean uống cà phê sáng, ra nhậu vỉa hè Mạc Thị Bưởi với đám bạn thân thiết nói đủ thứ chuyện trên đời. Vậy mà giờ bên đóa hoa nửa lạ nửa quen, lòng rộn ràng nhớ quê quá đỗi.

Abdullah hỏi trưa muốn ăn gì, có cần tới nhà hàng không. Đâu cũng được, có ăn là ngon rồi. Thế là ghé vô một quán ăn bên đường, gọi hai đĩa cơm gà ướp cà ri. Tôi bảo ngồi chung bàn cho vui. Nhưng cả hai nhất quyết không chịu. Tôi một bàn, Abdullah một bàn, anh tài xế cao to như ông hộ pháp xin ly nuớc lạnh rồi lẳng lặng ra xe.

Phần lớn dân Bangladesh theo Hồi giáo, nhưng tôi nghĩ, do từng thuộc Ấn, nên tư tưởng phân tầng giai cấp của Ấn Độ giáo vẫn bao trùm sâu rộng lên đất nước này. Xã hội Hindu được chia thành bốn giai cấp. Brahmans (Bà La Mộn) gồm giáo sĩ, lãnh đạo tinh thần tôn giáo, tự nhận mình cao thượng, được sinh ra từ miệng của Brahma Đấng Sáng Tạo. Thứ hai là Kshatriyas (Sát Đế Ly) thuộc hàng vua chúa, quý tộc, tự cho mình được sinh ra từ cánh tay của Brahma, và thay mặt người nắm giữ quyền hành thống trị dân chúng. Thứ ba là Vaishyas (Vệ Xá) là các thương gia, chủ đồn điền, tin rằng mình được sinh ra từ bắp vế của Brahma, có nhiệm vụ đảm đương kinh tế trong nước. Thứ tư là Shudras (Thủ Đà La), thuộc hàng tiện dân, được sinh ra từ gót chân Brahma, nên phải hầu hạ các giai cấp bên trên. Chưa hết, Ấn Độ giáo còn có một đẳng cấp khác nữa, gọi là Pariah hay Dalit (Tiện Dàn), nằm ngoài giai cấp, cùng khổ, mạt hạng, bị xếp ngang hàng với súc vật, không có quyền con người. Họ chủ yếu làm nghề gánh phân đổ ra đồng, dọn dẹp chuồng gia súc, chùi rửa cầu tiêu, chôn người chết. Suốt đời Dalit sống khổ nhục, không được chạm tay vào đồ vật, giẫm lên cái bóng, hay ngồi ăn, học chung trường, kết hôn với các giai cấp bên trên.

Đĩa cơm gà cà ri thơm phức để trên bàn. Liếc qua đống chén đĩa, thấy ruồi nhặng bám đầy, chủ quán đưa tay đuổi thế là cả bọn bay tứ tán khắp nơi. Tự nhiên hơi nhợn. Mà thôi, sống chết có số cả rồi, đói quá cứ ăn. Tôi xin thêm muỗng nĩa, trong khi Abdullah bốc tay ăn ngon lành. Phía bên kia đường, có người đàn ông đang ép nước mía bán. Thấy tôi chép miệng thèm, cậu ta hỏi muốn uống không. Tôi chẳng thế nào lắc đầu từ chối. Abdullah chạy ra mua một ly to. Trời nóng như điên dại, có ly nước mía mát lạnh đỡ biết là bao. Tiếc là hổng có đá. Tôi hỏi xin quán ăn, họ lắc đầu bảo mùa này đá hiếm lắm. Tôi uống cái ực. Nước mía ngọt lịm, thơm lừng chạy tọt vào miệng đã gì đâu. Tôi tiếp tục liếm môi. Không nói không rằng, Abdullah chạy ra ngoài, mua thêm ly nữa.

Điểm cuối cùng của buổi tham quan là Ahsan Manzil hay còn gọi là Pink Palace, cung điện hồng hay một cái tên khá... diễm tình là Hồng Lâu (chỉ thiếu mộng) bởi lớp sơn hồng chói lọi bên ngoài. Pink Palace nằm trên bờ sông Buriganga đen thui thùi lùi, là điểm nhấn tuyệt đẹp giữa lòng phố thị. Nhưng trước khi vào đó, chiếc xe cà tàng của chúng tôi phải chen chúc trong một khu phố (hay chợ) có vô số đàn ông đang bưng vác, ôm đội, gánh gồng, tay xách nách mang bao tải hoặc thúng hàng cồng kềnh, từ dưới bến sông đi lên. Dường như tất cả các bộ phận trên cơ thể có thể mang vác, họ đem ra xài hết, không bỏ sót cái nào. Sáng giờ gặp toàn người đói nghèo, giờ nhìn chung quanh càng thấy họ khổ hơn gấp bội. Nắng gió thiêu đốt xứ này, nhuộm lên làn da họ một màu đen bóng. Sắc màu thần thánh mà bao trai gái phương Tây thèm khát, hễ tới mùa hè là ra biển nằm ườn trên bãi cát để nhuộm thì dân Bangladesh đâu cần tốn khoản tắm nắng này nọ mà vẫn đen. Cứ đầu trần không áo dài che bọc, một bữa thôi là đã thành cục than rồi. Phải công nhận mắt của họ đẹp ghê hồn. Đen nhánh của hột nhãn lẫn màu nâu đất. Có điều lúc nào cũng buồn rũ rượi. Ám ảnh cả chuyến đi.

Hình như đang diễn ra cuộc bầu cử ở thành phố, nên phía trên, bầu trời bị che kín bởi bụi mù, bên dưới là hàng triệu tấm hình, pano, bảng hiệu của các ứng cử viên, được kết nối thành hàng ngàn dải băng dọc ngang không hàng lối. Thêm xe hơi, xe máy, xe ba bánh, xe đạp chen nhau kèm tiếng còi xe ầm ĩ, người hét la, loa phát thanh xoáy thẳng vào màng nhĩ. Ngồi trong xe kín mít mà đầu tôi muốn vỡ tung ra. May mà vào cổng, mọi ồn ào chộn rộn ngoài kia biến mất. Từng đoàn người lặng lẽ tham quan với vẻ mặt thành kính vô cùng. Thấy một nhóm các cô gái mặc sari, đầu đội khăn choàng che tóc, tôi ngỏ ý chụp hình chung. Trong phút chóc, tôi thấy mình như gươm lạc giữa rừng hoa.

Ahsan Manzil từng là tòa lâu đài lộng lẫy của dòng dõi quý tộc Nawab Abdul Ghani, xây xong vào năm 1872 với phong cách Indo-Gothic. Nó được chia làm hai phần, phía Đông với mái vòm được gọi là Rangmahal và phía Tây là phòng khách Andarmahal. Bên trong có phòng vẽ tranh, thư viện, khiêu vũ, phòng ngủ và phòng khách. Hơn 200 năm tuổi, sao dời vật đổi, nổi trôi theo số phận dòng tộc Ghani. Rồi lũ lụt, lóc xoáy, gió mưa, động đất, chiến tranh, thay đổi chính quyền, Pink Palace giờ thành viện bào tàng quốc gia, trưng bày cổ vật. Có điều bụi bậm quá. Dơ kinh khùng.

Tôi ra phía sau đi vệ sinh. Từ phía xa thôi đã ngửi thấy một mùi muốn ói. Làm sao bây giờ? Nên tiếp tục đi hay ráng nhịn. Chưa bao giờ tôi phải đấu tranh tư tưởng mãnh liệt như vậy. Nhưng không kéo dài thêm được nữa rồi, phải đi thôi. Tôi nhắm mắt, hít hơi thiệt dài, kéo áo lên che kín mũi, rồi xô cửa vô trong, lật đật làm việc cần làm trong khi vẫn ngừng thở. Đầu óc choáng váng vì thiếu oxy, lồng ngực như muốn vỡ tung ra vậy. Nhưng tôi nhất quyết không hít vô bởi sợ chết sớm hơn. Xong rồi! Tôi không kịp rửa tay, mừng rỡ ào ra sân như cơn gió. Quả thật, đó là giây phút kinh hải nhất đời. Nhưng nhu cầu tối thiểu của bản thân, phải đi thôi, nếu không muốn giải quyết giữa thanh thiên bạch nhật.

Abdullah gọi chiếc đò mỏng manh, với người chèo ốm nhom, đen nhẻm, mang khuôn mặt buồn hiu bởi nắng gió để đưa tôi đi dọc dòng Buriganga, một nhánh của sông Hằng, trước khi đổ ra vịnh Bengal. Bangladesh là trung tâm dệt may của thế giới. Hầu như các hãng quần áo đắt hay rẻ tiền đều có nhà máy tại đây. Chính vì thế mà sông ngòi đều ô nhiễm nặng vì thuốc nhuộm thải ra. Và Buriganga không ngoại lệ. Nó có màu đen kịt như chè đậu đen bởi hơn 60 ngàn mét khối nước độc hại và hơn 4,5 ngàn tấn chất thải đổ thẳng vô mỗi ngày. Sông dài 18 km, chạy dọc Dhaka, trở thành nơi vận chuyển hàng hóa và con người của thủ đô (khi kẹt xe trở thành vấn đề nghiêm trọng). Hai bờ đầy rảc rén, xà bần và những chiếc rickshaw nát mem không còn gì để rách. Sông bốc mùi thum thủm. Y chang mấy xóm nước đen và kênh Nhiêu Lộc ở Sài Gòn trước khi bị giải tỏa. Thỉnh thoảng anh lái hất mái chèo lân vài ngụm cát, cũng sẫm màu như than đá, sau ngần ấy năm ngâm mình dưới nước đen. Nên tôi đoán không lầm, đây là nguồn cung cấp nước uống lẫn sinh hoạt cho cả thành phố. Tự nhiên thấy lợm cả giọng khi nghĩ tới mớ thức ăn và nước uống sáng giờ.

Bỏ qua mùi hôi kinh hoàng và dòng nước đen thui, tôi tĩnh tâm nhìn cuộc sống trên sông diễn ra vô cùng nhộn nhịp. Chuyến đò đơn sơ với người chèo quấn xà rong, thân hình như lá lúa, chỉ cần cơn gió thỏi qua là rớt xuống nước cái ùm. Thế mà họ vẫn vững tay chèo, chở năm, sáu người to lớn gấp đôi đón đưa đi về hai bên. Hàng chục tàu chở khách và hàng hóa đậu sát bờ chuẩn bị nhổ neo tới các thành phố khác xa hơn. Mấy cậu thanh niên thả gàu xuống sông, múc nước dội lên người ra chiều thích thú. Tôi rùng mình thêm lần nữa. Thà ở dơ chứ không bao giờ dám tắm thứ nuớc kinh hoàng này. Lềnh bềnh trên con nước đen là mảng lục bình xanh, nương theo dòng ra biển lớn. Mới hay, trong bất kỳ hoàn cảnh, môi trường nào, con người và cỏ cây cũng có thể thích nghi chứ chẳng chết chóc gì.

Chiều chầm chậm xuống dần ở trên phố xá thủ đô. Thật khó để mặt trời vẹt hết đám mây bụi kia ra để rải nắng xuống dòng sông đen nhánh. Thuyền về bến. Vốn lãng mạn, nên tôi thấy khung cảnh chung quanh tự nhiên đẹp vô ngần. Trăm năm trước, khi Bangladesh chưa bùng phát dân số và ô nhiễm như bây giờ, chắc dòng Buriganga xanh đẹp lắm. Và có gì thú vị hơn khi bơi thuyền giữa chiều tà trên dòng nước biếc xanh, ngắm cung điện màu hồng tươi xinh, soi mình bên dòng nước.

Trên đường về khách sạn, Abdullah chỉ tôi khu tòa nhà chính phủ rộng bao la là nơi ở của tổng thống và hội họp quốc hội, hỏi muốn ghé không. Tôi lắc đầu, nhiêu đây đủ rồi. Một phần vì chung quanh hàng rào, tôi ngửi được mùi thum thủm của nước tiểu.

*

Xe về tới khách sạn đã gần tám giờ. Khoảng ba giờ sáng mới có chuyến về Bangkok. Từ đó tôi sẽ sang London, tiếp tục cuộc hành trình viễn xứ trên đất Mỹ. Tôi hỏi Abdullah có thể chở tôi ra sân bay được không, sẽ gửi thêm tiền, chứ giờ ở đây cũng chẳng ăn ngủ gì. Đi ra ngoài càng không thể. Nửa đêm biết gọi xe đâu ra. Dù có to gan cỡ nào tôi cũng không dám lang thang một mình ở xứ này đâu nhé. Abdullah gật gật đầu nói "đừng lo, tôi sẽ đưa ông ra đến tận nơi".

Xe ngừng trước cổng khách sạn, tôi chạy vô lấy đồ. Coi như ở chưa tới một ngày mà trả tiền tới hai đêm. Đồ đạc cũng gói ghém sẵn rồi. Trong vòng năm phút tắm rửa tôi đã xuống sảnh, cũng vừa kịp cống nạp cho lũ muối thêm một mớ máu.

Abdullah kêu tôi viêt nhận xét thật tốt cho dịch vụ sáng giờ. Và nếu có trở lại, nhớ liên lạc với gia đình cậu ấy. "Ít tháng nữa tôi sang Trung Quốc học rồi. Giờ giúp ba tôi được ngày nào hay ngày ấy". Tôi chúc Abdullah học thật tốt sau khi gửi tặng 20 đô-la cho cậu ấy và cả lái xe. Hai đứa cảm ơn tôi không kịp thở. Xe dừng lại ở sân bay. Sau khi để va li của tôi xuống, cả hai tạm biệt ra về. Đang xớ rớ trước đoàn người dài ngoằng, bỗng có hai cậu thanh niên chạy tới, hỏi tôi muốn vô trước không. Chỉ cần 5 đô-la là đẩy qua cổng ưu tiên, không cần xếp hàng chờ lâu như thế. Tôi nhún vai bảo không cần. Còn cả mấy tiếng nữa, chờ được mà. Hai cậu ta cứ lẽo đẽo theo tôi và không ngừng lải nhải bên tai. Bỗng gia đình đang đứng trước quay ra nói xí xa xí xồ gì đó tôi không hiểu. Thấy mặt tôi đần thối ra, họ cười tươi, giơ tay mời tôi lên trước. Rồi cả đoàn dài làm y như vây, đẩy tôi lên đầu hàng. Hên và xúc động ghê. Với lại đang lười nên tôi đi liền, chẳng đứng im để phụ lòng họ.

Còn sớm quá nên quầy check in của Thai Airways chưa hoạt động. Làm gì bây giờ? Ngủ không được. Sân bay chẳng có wifi. Ở đây, ngoài mấy quầy bán nước không có nhà hàng hay quán ăn để chui vô. Tôi chép miệng, mới nhận ra là mình đang khát nước. Thế là đẩy hành lý tới quầy, hỏi họ có nhận thẻ credit cho chai nước không. Không. Có nhận đô-la không. Cũng không. Mày đi đổi tiền đi. Giờ mới thấy mấy đồng taka của Bangladesh giá trị thấp tè nó quan trọng cỡ nào. Tới quầy bên cạnh, bên cạnh, rồi bên cạnh nữa. Ở đâu cũng gặp cái lắc đầu từ chối buồn hiu. Tới quầy thứ năm, anh nhân viên gật đầu cái rụp làm tôi mừng hết lớn. 5 đô-la mua được chai nước và hai hộp bánh. Thôi kệ. Mắc nhưng có nước uống là được rồi.

Tôi vẫn chưa thoát nạn muỗi chích đâu nha. Sáng giờ nó chui vô bụi rậm, vũng nước tù đọng trốn hết, đêm xuống lại mò ra hành hạ người ta. Máy lạnh sân bay cũng chẳng hoạt động. Cửa mở toang và mấy cái quạt trần không đủ sức đuổi muỗi đi nơi khác. Tôi mở va li, lôi hai cái áo dài tay, thêm áo thun trùm kín đầu, chỉ chừa mặt. Tôi ngả người nằm trên ghế, hai chân gác lên va li to, giỏ nhỏ thì gác tay, ba lô gối lên đầu cho chắc. Mặc kín mít như vậy mà mấy con yêu tinh muỗi không tha. Tôi đập bôm bóp thiếu điều muốn sưng cả mặt. Khi về tới Mỹ, qua ngày hôm sau, lúc tắm rửa soi gương, mặt tôi nổi lốm đốm như trái rạ.

Chiếc Airbus 330 của Thai Airways ra phi đạo rồi lao vút lên trời, để lại bên dưới những vệt đèn mờ tỏ Dhaka nhấp nháy tiễn chân. Tôi không biết mình có đủ can đảm quay lại đất nước này không nữa. Có đủ dũng khí ngồi trên những chiếc rickshaw cũ nát đi khắp phố phường. Bữa nào Lumma thấy tôi để hình lên facebook chắc sẽ tỏ ra hờn trách. Chỉ biết, trong hộ chiếu của gã đàn ông xê dịch, sẽ có thêm con dấu xuất nhập cảnh nữa rồi. Nhưng tôi sẽ tự hào kể cho mọi người nghe, mình đã tới đất nước đông, nghèo và dơ nhất trên trái đất này rồi nhé.

Hơn 24 tiếng đồng hồ hiếm hoi rảo bước khắp Dhaka, tôi để ý khuôn mặt đàn ông xứ này lúc nào cũng hiện lên nỗi dàu dàu khó tả. Những đôi mắt đen nhánh không thể nào buồn hơn, luôn né ống kính chụp hình, ám ảnh tôi nhiều ngày sau đó. Tôi nhận ra sự thở than, oán trách cuộc đời của mình trước khó khăn đều trở thành vô nghĩa khi đứng giữa lòng Dhaka rực rỡ. Phải sống, bằng bất cứ giá nào cũng phải vươn lên giũa bần cùng và đói khát là cách mà Abdullah nói với tôi về đất nước yêu quý của mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro