sakamoto 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sakamoto Ryōma (坂本 龍馬, sinh ngày 15 tháng 11 năm Tempō thứ 6, mất ngày 15 tháng 11 năm Keiō thứ 3) là một võ sĩ Nhật Bản hoạt động vào cuối thời cận đại. Ông ra đời trong một gia đình hào sĩ ở phiên Tosa và sau khi trốn khỏi phiên trấn, ông trở thành một chí sĩ gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào Đảo Mạc (Tōbaku, phong trào chủ trương đánh đổ Mạc Phủ Tokugawa) và công cuộc Duy Tân Meiji.

Nhân vật này tên húy là Naokage (còn gọi là Naonari), tên thường gọi là Ryōma. Ngoài ra còn có tên khác là Saidani Umetarō.

Sau khi trốn khỏi phiên trấn Tosa, Sakamoto Ryōma sáng lập nên thương xã Kameyama Shachū, một tổ chức chính trị kiêm hoạt động thương mại, mậu dịch nhưng ông nổi tiếng hơn cả trong vai trò một chí sĩ trung gian làm cầu nối cho hai phiên trấn Satsuma và Chōshū, đồng thời cũng hết lòng tận lực vận động chính quyền Mạc Phủ Tokugawa trao trả lại quyền lực cho Thiên Hoàng Meiji (Taisei Hōkan). Ngày 8 tháng 4 năm Meiji thứ 24, ông được truy tặng danh hiệu Chính Tứ Vị (Shōshii).

Sakamoto Ryōma được đại văn hào Shiba Ryō Tarō chọn làm nhân vật chính trong tác phẩm để đời của mình là "Ryōma ga Yuku". Kể từ đó, tên tuổi Ryōma được khắp quốc dân Nhật Bản yêu thích và được xem như một kiểu anh hùng đại diện cho dân tộc Nhật cuối thời Mạc Phủ Tokugawa.

Cuộc đời

Thời niên thiếu

Ryōma ra đời vào ngày 15 tháng 11 (có thuyết khác cho là ngày 15 tháng 10 và 11 tháng 10) năm Tempō thứ 6 (1835) trong một gia đình hào sĩ (võ sĩ cấp thấp) ở phiên Tosa. Ông là con trai thứ của Sakamoto Naotari và bà Sakamoto Kō. Ryōma là con út trong gia đình gồm có con trai trưởng là Gompei và ba người chị gái (Chizuru, Ei và Otome).

Họ nhà Sakamoto là một nhánh phụ của họ Saidani, một họ phú thương làm nghề cầm đồ, nấu rượu và kinh doanh y phục ở Tosa. Đến đời thứ 6 của họ này, con trai của trưởng họ là Naoumi được phiên trấn tuyển dụng và gây dựng nên nhà Sakamoto.

Phiên trấn Tosa nổi tiếng là có trật tự trên dưới rất gay gắt trong tầng lớp võ sĩ, phân chia thành hai hạng là thượng sĩ và hào sĩ. Tuy cùng thuộc một giai cấp nhưng hai hạng này được đối ngẫu rất khác nhau và khoảng cách trên dưới cách xa rất nhiều. Trong một thời gian dài, hạng hạ sĩ (hào sĩ) phải chịu rất nhiều thiệt thòi ở nhiều phương diện so với thượng sĩ. Họ Sakamoto này tuy là hào sĩ (hạ sĩ) xuất thân từ thương gia nhưng lại nổi tiếng là giàu có sung túc vì thường hưởng nhiều đất đai, của cải từ dòng chính Saidani.

Dân gian truyền rằng đêm trước khi Ryōma ra đời, mẹ là bà Kō nằm mộng thấy rồng bay trên trời (một thuyết khác cho rằng cha của Ryōma chiêm bao thấy tuấn mã, mẹ thấy giao long). Vì cơ duyên này mà sau khi hạ sanh con trai, ông bà đặt tên là Ryōma (âm Hán Việt là Long Mã). Ngoài ra còn có truyền thuyết rằng, lúc còn nhỏ, sau lưng Ryōma có một đám lông rất quái dị.

Năm Kōka thứ 3 (1846), mẫu thân Ryōma qua đời và kể từ đó, cậu được người mẹ kế là Iyo nuôi nấng. Thuở nhỏ, Ryōma là đứa trẻ yếu đuối hay khóc nhè và luôn đái dầm khi ngủ. Đến khi theo học trường Hán học Nanzanjuku thì bị bạn bè bắt nạt, Ryōma tuốt gươm tự vệ và cũng vì vậy mà bị đuổi khỏi trường. Từ đó, Ryōma được người chị thứ ba là Otome dạy cho võ nghệ và chữ nghĩa.

Yếu tố gây ảnh hưởng mạnh đến quá trình hình thành nhân cách và chí hướng của Ryōma chính là họ nhà Kawajima, họ của người chống trước của kế mẫu Iyo. Lúc bấy giờ Ryōma và người chị Otome thường hay lên thuyền, vượt qua vịnh Urado để đến thăm nhà Kawajiwa ở Tanezaki, khu đóng tàu của phiên Tosa. Mỗi lần đến thăm, Ryōma thường chăm chú lắng nghe những câu chuyện lạ của miền Nagazaki và Shimonoseki, ngắm nghía những món đồ phương Tây như bản đồ Thế giới và từ đó, cậu tỏ ra quan tâm đặc biệt đến thế giới bên ngoài Nhật Bản.

Năm Kaei thứ nhất (1848), Ryōma đến võ đường của Hineno Benji, theo học phái kiếm Oguri-ryū và sau 5 năm miệt mài luyện tập, Ryōma nhận được ấn chứng từ phái này.

Oguri-ryū (小栗流) là một môn phái võ thuật Nhật Bản do Oguri Masanobu sáng lập, bề ngoài lấy kiếm thuật (Kenjutsu) làm trọng, bên trong lấy Hòa thuật (Nhu thuật) làm trọng. Ngoài việc dạy kiếm, phái này còn dạy thuật đánh vật và lấy cực ý của Nhu thuật làm tâm điểm truyền dạy. Lúc mới sáng lập, ngoài việc dạy kiếm thuật và Hòa thuật thì môn phái còn dạy thuật rút kiếm nhanh (Battōjutsu), thương thuật, thuật dụng Naginata, bơi lặn và cưỡi ngựa bắn cung. Nhưng đến cuối thời Edo thì phái này không truyền dạy môn gì khác ngoài kiếm thuật và Hòa thuật.

Oguri Masanobu vốn là một Hatamoto của họ Tokugawa, thời trẻ theo Yagyū Sekishūsai học kiếm pháp của phái Shinkage-ryū, sau trong trận Ōsaka, dùng thuật đánh vật mà lấy được thủ cấp của tướng địch, lập được công lớn. Trong thời gian nhậm chức Bugyō ở Nagazaki, Masanobu cùng một bạn đồng môn họ Suruga nghiên cứu thêm thuật đánh vật để lập ra võ phái Oguri-ryū.

Một đệ tử của Masanobu là gia thần của chúa phiên Yamanouchi, phiên chủ phiên trấn Tosa nên võ phái Oguri-ryū rất được coi trọng. Mãi cho đến cuối thời Mạc Phủ Tokugawa thì phái Oguri-ryū vẫn là võ phái duy nhất dạy võ nghệ cho cả phiên trấn Tosa.

__________________ Du học Edo

Năm Kaei thứ 6 (1853), Ryōma nhận được ấn chứng từ phái kiếm Oguri-ryū, sau đó xin phiên trấn Tosa cho phép mình lên Edo tu học kiếm thuật (Ryōma tự bỏ tiền túi) và được chấp thuận. Trước lúc xuất phát lên đường, Ryōma được cha mình căn dặn 3 điều răn là không được quên trung hiếu, không được hoang phí và không được vì sắc tình mà quên chuyện quốc gia đại sự ("Tu nghiệp trung tâm đắc đại ý"). Ryōma cùng phiên sĩ Mizobuchi Hironojō rời khỏi phiên Tosa, đến tháng tư thì đến Edo, tá túc tại dinh thự của các võ sĩ phiên Tosa tại khu Tsukiji ở Edo. Lúc bấy giờ Ryōma đến võ đường của Chiba Sadakichi theo học kiếm phái Hokushin Ittō-ryū. Chiba Sadakichi là em trai của Chiba Shūsaku, khai tổ của môn phái Hokushin Ittō-ryū và võ đường của Sadakichi được gọi là võ đường "tiểu Chiba" hay võ đường Okemachi trong khi võ đường của Shūsaku được gọi là võ đường "đại Chiba" hay võ đường Gembukan (Huyền Vũ quán). Trú tại võ đường lúc bấy giờ, ngoài Sadakichi còn có trưởng nam Jūtarō và ba người con gái, trong đó có một người tên là Sana được cho là vị hôn thê của Ryōma.

Ngay khi Ryōma vừa theo học phái kiếm Hokushin Ittō-ryū thì xảy ra sự kiện đô đốc Matthew Calbraith Perry thống lãnh hạm đội tàu sắt đến vịnh Uraga vào ngày mùng 3 tháng 6. Lúc bấy giờ Ryōma cũng được triệu tập về dinh thự của các võ sĩ phiên Tosa ở Shinagawa để nhận nhiệm vụ thủ bị. Trong bức thư gửi cho gia đình, Ryōma viết rằng nếu xảy ra xung đột thì mình sẽ lấy đầu ngoại bang rồi trở về phiên trấn.

Tháng 12 cùng năm, Ryōma theo học trường tư thục của nhà quân sự, nhà tư tưởng nổi danh lúc bấy giờ là Sakuma Shōzan, song song với việc học kiếm thuật. Tại đây, Ryōma được học các môn như súng thuật, Hán học và Tây học, nhưng đến tháng 4 năm sau, Shōzan bị cho là dính liếu đến vụ bí mật quân hạm Mỹ và bị bắt giam. Vì vậy thời gian Ryōma theo học bên Shōzan không kéo dài bao lâu.

Ngày 23 tháng 6, niên hiệu Ansei thứ nhất (1854), Ryōma trở về phiên Tosa sau khi chấm dứt quá trình tu dưỡng kiếm thuật tại Edo. Tại quê nhà, Ryōma đến võ đường Hineno phục vụ trong vai trò quyền sư phụ (Shihandai). Trong thời gian này, Ryōma thường hay lui tới nhà họa sư Kawada Shōryō, người từng nghe nhiều câu chuyện về thế giới phương Tây do John Manjirō kể lại sau khi ông này từ Mỹ quốc trở về. Ryōma được Kawada chỉ ra tính trọng yếu của lực lượng hải quân đối với sức mạnh của đất nước và được giới thiệu hai người đồng chí là Kondō Chōjirō và Nagaoka Kenkichi. Trong thời gian này, Ryōma còn theo Tokuhiro Kōzō học súng thuật và tiếng Hà Lan.

Ngày mùng 4 tháng 12 năm Ansei thứ 2 (1855), cha Ryōma mất và anh trai Gompei kế nghiệp cha vào tháng 2 năm sau. Đến tháng 7 cùng năm, Ryōma lại đệ trình đơn xin tu học kiếm thuật tại Edo và được phiên trấn chấp thuận trong thời hạn một năm, bắt đầu từ tháng 8. Đến tháng 9 thì Ryōma đến Edo và tá túc tại dinh thự của võ sĩ phiên Tosa tại Edo cùng với Takechi Hampeita và Ōishi Yatarō. Lần du học Edo thứ hai này, ngoài võ đường Okemachi, Ryōma còn đến học tại võ đường Gembukan của Chiba Shūsaku.

Năm Ansei thứ 4, Ryōma xin gia hạn thời gian du học của mình và được phiên trấn chấp thuận. Đến tháng 1 năm Ansei thứ 5 thì Ryōma nhận được ấn chứng dụng trường kiếm từ sư phụ Chiba Sadakichi rồi trở về phiên trấn Tosa vào tháng 9 cùng năm.

__________________Đảng Cần vương Tosa

Trong thời gian Ryōma còn du học tại Edo có xảy ra sự kiện đô đốc Perry thống lĩnh đội tàu sắt kéo đến vịnh Uraga, ép buộc Nhật Bản phải mở cửa thông thương với Mỹ qua hai cảng Shimoda và Hakodate. Đến khi Ryōma trở về phiên Tosa thì Mạc Phủ tổ chức trưng cầu ý kiến của các phiên về việc này. Phiên chủ phiên Tosa là Yamauchi Toyoshige (còn gọi là Yōdō) nhân việc này mới cất nhắc Yoshida Tōyō vào chức tham chính và quyết tâm cảnh cách nền chính trị trong phiên một cách triệt để. Yōdō cùng với chúa phiên Mito là Tokugawa Nariaki, chúa phiên Satsuma là Shimazu Nariakira và chúa phiên Uwajima là Date Munenari âm mưu đưa Tokugawa Yoshinobu vào vị trí thừa kế sự nghiệp của Mạc Phủ nhằm cải cách nền chính trị của tập đoàn này. Nhưng đến tháng 4 năm Ansei thứ 5 (1858) thì Ii Naosuke sau khi nhậm chức quan Đại lão của Mạc Phủ đã đẩy lùi phe phái của Yoshinobu, đưa Tokugawa Iemochi vào vị trí kế tục sự nghiệp Tướng quân và cưỡng ép Mạc Phủ thực hiện chính sách khai quốc, thẳng tay đàn áp các phe chống đối (sự kiện lao ngục năm Ansei). Chúa phiên Yōdō vốn thuộc phe Yoshinobu cũng buộc lòng phải về ẩn cư, trao lại quyền hành cho Yamauchi Toyonori vào tháng 2 năm Ansei thứ 6 (1859). Mặc dù đã về ở ẩn nhưng trên thực tế, quyền lực trong phiên Tosa lúc này vẫn nằm trong tay Yōdō và thông qua Yoshida Tōyō, việc cải cách chính trị trong phiên từng bước được thực hiện.

Ngày mùng 3 tháng 3 năm Ansei thứ 7 (1860), khi Đại lãi Naosuke đang trên đường lên thành Edo thì bị bọn võ sĩ giang hồ đã trốn khỏi phiên Mito ám sát ngoài cổng Sakurada. Khi tin biến cố này truyền đến Tosa thì trong phiên nổ ra tranh luận gay gắt giữa các tầng lớp võ sĩ trên dưới, và cuối cùng tư tưởng Sonnō Jōi (tôn vinh Thiên hoàng, đánh đuổi rợ Tây) trở thành chủ đạo trong giới hạ sĩ của phiên này.

Vào tháng 7 cùng năm, một người bạn của Ryōma là Takechi Hampeita dẫn theo môn nhân Okada Izō (sau này nổi danh với tên Hitokiri Izō, một trong tứ đại sát thủ cuối thời Edo) lấy cớ trau dồi võ nghệ để rời khỏi Tosa. Trước lúc ra đi, Ryōma còn cười rằng "trong thời thế này thì Takechi quyết chẳng phải là đi tu dưỡng võ nghệ", và quả đúng là như thế, sự thực là nhóm Takechi chỉ lấy cớ để đi dò xét tình hình các phiên miền Tây mà thôi. Cả bọn vào phiên Marugame ở Sanuki, băng qua các xứ Bizen, Mimasaka, Bitchū, Bingo, Aki, Chōshū đến Kyūshū rồi dọc đường hợp lưu với một người cháu họ ngoại của Ryōma là Takamatsu Tarō.

Tháng 4 năm Bunkyū thứ nhất, Takechi Hampeita lên Edo, kết giao với phiên sĩ các phiên Mito, Chōshū và Satsuma, qua đó biết được tình hình vận động Cần vương ở Tosa chậm trễ hơn các nơi khác. Takechi cùng Kusaka Genzui, phiên sĩ Chōshū và Kabayama San'ei, phiên sĩ Satsuma trở về xứ, tập trung các chí sĩ trong phiên, củng cố lập luận, ra sức thuyết giảng từng phiên phải tự vận động để trở thành sức mạnh cho Triều đình và lật đổ Mạc Phủ. Tháng 8 cùng năm, Takechi cùng một số ít đồng chí bí mật lập minh ước, khai sinh đảng Cần vương phiên Tosa (Tosa Kinnōtō) tại Edo với chủ trương củng cố quyền lực Triều đình, đánh đổ Mạc Phủ và quét sạch người phương Tây ra khỏi đất nước. Sau đó Takechi trở về Tosa, thu nạp 192 đồng chí mà trong đó Ryōma là người thứ 9. Mục đích của Takechi là thông qua việc lập đảng Cần vương để tác động lên nền chính trị trong phiên, đẩy nó theo hướng Sonnō Jōi.

Sau khi kết thành đảng Cần vương Tosa, Takechi ra sức thuyết giảng về tình hình hai phiên trấn lân bang là Satsuma và Chōshū cho các phiên sĩ Tosa và họ cũng chủ trương mạnh mẽ vận động giúp Thiên hoàng lấy lại quyền lực. Tuy nhiên, các nhân vật cấp cao trong phiên Tosa mà đứng đầu là tham chính Yoshida Tōyō lại chủ trương theo hướng hòa hợp giữa Triều đình và Mạc Phủ (Kōbugattai) nên tư tưởng Sonnō Jōi của đảng Cần vương không nhận được ủng hộ trong phiên.

__________________

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro