Sấm sét trên Thái Bình Dương P3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vài ngày sau, cơ sở tình báo thuộc quyền thông báo cho Wavell một hải lực tập trung của Nhật đang được thành lập tại quần đảo Anambas. Tân Gia Ba đã bị vây hãm, đích đến của các chiến hạm này chỉ có thể là Sumatra vì nơi đây các mỏ dầu hoả phong phú tạo thành mục tiêu chính yếu của địch. Ông ra lệnh ngay cho Doorman tập họp tất cả các chiến hạm có mặt tại phía tây Java và cho Brereton tung ra tất cả các oanh tạc cơ có sẵn trên quần đảo Anambas. Không có một pháo đài bay nào ở trong tình trạng bay được, do đó chính các oanh tạc cơ của không lực RFA vừa mới đến Palembang được giao cho sứ mạng này.9 giờ tối ngày 11 tháng 2, chừng 20 chiếc Blênhim và Hudson nối đuôi nhau ở đầu phi đạo. Khi vài chiếc đầu tiên vừa cất cánh, một cơn giông nhiệt đới ào đến và mau lẹ biến thành cuồng phong dữ dội. Ba phi cơ rơi vỡ tan ở cuối phi đạo, chiếc thứ tư cất cánh được nhưng phải quay về và đáp xuống ngay. Chỉ có 5 chiếc Hudson là bay đến được Anambas nhưng thời tiết quá xấu và hoả lực phòng không quá dữ dội đến nỗi các phi công phải ném bom đại và quay về Palembang.Sáng hôm sau, tin tức cho hay là đoàn tàu địch đã nhổ neo hướng về phía Nam. Cuộc xâm chiếm Sumatra bắt đầu.Trong những ngày 12 và 13 tháng 2, một thời tiết dễ sợ vẫn tiếp tục che chở đoàn công voa Nhật tránh khỏi không lực RFA. Mặc dầu bị tấn công vài lần, toàn thể đoàn tàu đã đến được eo biển phân cách Palembang và đảo Banka. Bộ binh Anh và Hà Lan bị hải pháo từ các chiến hạm địch mau lẹ gây tán loạn và các xuồng đổ bộ bắt đầu đổ quân lên bãi biển. Bình minh ngày 14, ba trăm sáu mươi binh sĩ nhảy dù Nhật được thả xuống vùng lân cận phi trường chính của Palembang trong khi đó các khu trục cơ Nhật bắn phá vào các phi cơ-may thay không có là bao nhiêu-còn đậu dưới mặt đất. Sau những trận đánh rất dữ dội kéo dài suốt ngày, Tư lệnh các đơn vị quân đội Hà Lan quyết định tập trung lực lượng tại phi trường chính. Nhưng các phi cơ Nhật được tiếp tế ngay tại phi trường này lại cất cánh lập tức và bắn xối xả liên tục vào các đơn vị bộ binh Đồng minh. Sáng ngày 15 tháng 2, không còn vấn đề phản công nữa nhưng chỉ còn vấn đề là làm sao rút lui thật nhanh để đến được Java qua Ostaven và eo biển Sonde.Trong khi các trận đánh trên đang diễn ra, Đô đốc Doorman theo lệnh của Hart, đã cho phân tán mỏng các chiến hạm phía nam Bali để đặt chúng ra ngoài tầm oanh tạc cơ địch và giờ đây đang tập họp chúng để đến tấn công các đoàn công voa Nhật tại Sumatra. Nhưng các chiến hạm này lại ở cách xa mục tiêu đến 800 hải lý.Mãi đến tối ngày 14 tháng 2, những chiếc De Ruyter, Java, Tromp và Exeter được hộ tống bởi tuần dương hạm hạng nhẹ của Úc Hobart, bốn khu trục hạm Hà Lan và sáu của Mỹ, mới đến được eo biển Sonde.Đoàn tàu vượt qua eo biển trong đêm tối mịt, khiến chiếc phóng ngư lôi hạm của Hà Lan Van Ghent, bị mưa lũ che khuất, đã đụng phải đá ngầm bị thiệt hại nặng nề. Bình minh hôm sau, đoàn tàu ra ngoài khơi đảo Banka, chạy vòng phía Bắc đảo này để đánh bọc hậu đoàn dương vận hạm Nhật đang buông neo trước Palembang.Đến 8 giờ sáng ngày 15, do một khoảng trời sáng, đoàn tàu Đồng minh bị một phi cơ Nhật trông thấy. Một giờ sau, đợt phi cơ oanh tạc đầu tiên bay đến. Bay cao khỏi tầm đạn DCA của các chiến hạm, nhưng các oanh tạc cơ này cũng vẫn thả bom rất chính xác và hạm đội của Doorman đành bỏ cuộc tấn công. Nhờ các vận chuyển liên tục, các tuần dương hạm tránh được các đòn trực tiếp và chỉ phải chịu đựng vài quả bom nổ gần; nhưng cuộc báo động nóng bỏng biết bao! Vào khoảng 6 giờ chiều, Doorman tập họp được hạm đội trở lại và chạy trở về eo biển. Hôm sau, hạm đội trở về buông neo tại Tjilatjap. Chiếc tuần dương hạm cũ kỹ Hobart và các chiến hạm tuần tiễu nhỏ của Anh có vẻ bị đe doạ quá nên được phép chạy về Colombo.Chứng cứ cho thấy rằng, không được không quân che chở, hạm đội Đồng minh chỉ có thể hành quân ban đêm bằng cách áp dụng chiến thuật "Hit and run" (đánh và chạy).Ngày 15 tháng 2 còn được đánh dấu bởi nhiều thảm hoạ khác. Tại Tân Gia Ba, quân Nhật chiếm được các hồ chứa nước ngọt. Dự trữ xăng cũng như đạn pháo binh đều cạn. Các tướng lĩnh chỉ huy ba điểm tựa, đang còn đánh nhau với địch, báo cho Percival rõ rằng mọi cuộc phản công đều bất khả và quân đội thiếu nước không thể nào chiến đấu hơn 24 giờ nữa. Toan tính rút lui về thành phố và tổ chức chiến đấu từ nhà này qua nhà kia đã có lúc được liệu đến nhưng số lượng người tị nạn Âu châu về bản xứ đông đến nỗi một quyết định như vậy chắc chắn sẽ kéo theo một cuộc tàn sát không thể tưởng tượng được, Percival báo cáo cho Wavell rõ tình trạng bi thảm hiện tại của ông. Điều này là cả một đòn búa bổ kinh hồn đối với Wavell. Ông vẫn còn hy vọng Tân Gia Ba đứng vững vài tuần và ý tưởng về một đạo quân Anh với quân số quan trọng nhường ấy lại phải đầu hàng làm ông không thể chịu đựng nổi. Ông trả lời Percival bằng cách nhắc lại rằng mỗi giờ phút đứng vững có tầm quan trọng sống còn và phải chiến đấu "chừng nào có thể gây được thiệt hại cho địch quân". Khi nhận được điện văn này những quân nhân đáng thương phòng vệ Tân Gia Ba phải nấp kín trong hâầm bị cơn khát và sốt hành hạ, rõ ràng là không còn khả năng gì gây tổn thất cho địch. Đến một giờ trưa, Percival gửi một đại diện đến gặp tướng Yamashita, ông này đòi hỏi phải đích thân tư lệnh quân Anh đến gặp. Điều kiện đầu hàng thật khắc nghiệt. Chừng 80.000 quân Anh phải đầu hàng với tất cả quân cụ và các thường dân phải được đoàn ngũ hoá để tái lập công sở và các tư gia bị bom đạn phá huỷ. Môộ vài cuộc hành quyết công khai và cuộc tàn sát các người bị thương đang nằm chật ních trong các bệnh viện đánh dấu bước khởi đầu của một chế độ chiếm đóng tàn nhẫn nhất trong chiến tranh. Cùng ngày hôm đó, tuần dương hạm Houston của Mỹ cùng với ba khu trục hạm hộ tống rời hải cảng Darwin (Úc châu) để che chở cho hai dương vận hạm chở quân Úc lên đường đến Sourabaya. Bình minh hôm sau, đoàn tàu bị oanh tạc cơ tấn công và một phi cơ thám thính báo cáo cho Wavell biết có nhiều hàng không mẫu hạm ở phía bắc đảo Timor. Để tránh một thảm hoạ mới, ông ra lệnh cho Hart cho các dương vận hạm quay về Darwin và gọi chiếc Houston đến Tjilatjap. Tin tức do ABDA nhận được này hoàn toàn chính xác. Sáng ngày 19 tháng 2, trong khi các dương vận hạm vừa trở về Darwin, các mẫu hạm của Nagumo giáng cho hải cảng này một đợt tấn công tiêu huỷ. Tất cả các cơ sở hải cảng và bến tàu đều bị tiêu diệt, các tàu chở đạn nổ tung, bốn chiếc khác đều bị tiêu diệt, các tàu chở đạn nổ tung, bốn chiếc khác bị đánh chìm hay bị lật nghiêng. Mười khu trục cơ Mỹ trên đường bay đến Java bị hạ và 13 chiếc khác bị tiêu diệt trên mặt đất. Đến giữa trưa, các oanh tạc cơ của không đoàn 21 Nhật đến thay phiên cho phi cơ thuộc các hàng không mẫu hạm để hoàn tất công việc san bằng các cơ sở hải cảng Darwin thành bình địa. Đến tối ngày bi thảm đó, 11 chiến hạm Đồng minh bị mất, 25 phi cơ bị huỷ diệt cũng như tất cả kho hàng tiếp tế dự trữ. Mục tiêu đầu quí giá Darwin vốn là trạm tiếp sức cho lực lượng tăng viện của Hoa Kỳ đến Java bị loại bỏ trong vòng nhiều tháng.Song song với cuộc tấn công này, quân Nhật bắt đầu đổ bộ lên Bali. Helfrich ra lệnh cho Doorman vội vàng tập trung các tuần dương hạm lúc đó đang được phân tán mỏng, để tấn công lực lượng đổ bộ bằng mọi giá. Thấy rằng thời gian đã quá chậm trễ không thể tập họp chiến hạm trước khi tấn công, Doorman ấn định một điểm hẹn phía Tây Bali. Ông nhổ neo từ Tjilatjap với chiếc De Ruyter và chiếc Java trong khi đó chiếc Tromp còn ở trước Batavia mở hết tốc độ chạy về phía Đông. Java là chiến hạm đầu tiên thấy địch quân và khai hoả lúc 10 giờ đêm vào các tàu chở quân địch. Trong cuộc đụng độ ngắn ngủi sau đó, một tàu phóng ngư lôi Hà Lan bị trúng một tạc đạn và bị chìm sau khi nồi súp-de nổ tung. Vì một chiếc khác bị mắc cạn trong eo biển Bali, lực lượng hộ tống của Doorman giảm thiểu còn hai khu trục hạm. Ông ra lệnh ngưừn chiến đấu chờ chiếc Tromp đến cùng với bôn khu trục hạm Mỹ. Nhưng hệ thống liên lạc vô tuyến quá xấu, không thể lập được liên lạc với nhau và chiếc Tromp với bôn khu trục hạm chạy trước, đến chiến trường lúc một giờ sáng mà không biết chuyện gì đã xảy ra. Các khu trục hạm Mỹ phóng tất cả thuỷ lôi mà không giảm tốc độ vào các chiếc bóng nổi bật trên khối bờ biển đen sậm. Không có quả nào nổ cả. Các khu trục hạm hộ tống của Nhật đuổi theo ngay và rơi vào chiếc Tromp vốn đang khai hoả vào chúng và bị bắn chìm một chiếc. Thế rồi đến lượt nó cũng bị trúng đạn và một khu trục hạm Mỹ bị đánh chìm.Đến 2 giờ 30 sáng, các tuần dương hạm của Doorman đến tiếp cứu nhưng một tuần dương hạm và nhiều khu trục hạm của Nhật đuổi kịp chiếc Tromp và tập trung hoả lực vào nó, mức độ hư hỏng trầm trọng đến nỗi phải khó nhọc lắm nó mới thoát khỏi cuộc săn đuổi. Sợ bị phi cơ Nhật trông thấy khi trời sáng, Doorman chạy theo chiếc Tromp để che chở cho nó rút lui và cả hạm đội trở về đến Sourabaya lúc rạng đông.Với sự chiếm giữ Bali, quân Nhật khoá chặt được cánh cửa đông phương của chiếc bẫy chuột,Hart bị một vố nặng do sự thất bại của các tuần dương hạm dưới quyền. Ông chỉ còn lại năm chiếc-cùng với chiếc Houston đã bị hư hỏng nặng-là tượng trưng cho sự tham dự của Mỹ vào chiến cuộc. Tướng Brereton vốn đã cho di tản từng chiếc pháo đài bay quí giá về Colombom cũng đã tự rút về đó theo chiếc cuối cùng, nhường lại quyền tư lệnh không lực của ABDA cho phó Thống chế không quân Anh Maltby. Hart quyết định theo gương ông ta và đề nghị quyền chỉ huy hải lực cho Đô đốc Helfrich là người trong thực tế đã hành xử quyền này trong mấy ngày qua. Hoa Thịnh Đốn chấp thuận, ông lấy phi cơ đi Úc và trở về Mỹ. Khi bước chân xuống phi trường ông trả lời các ký giả đến phỏng vấn: "Tất cả những gì tôi có thể nói là chúng tôi bị đánh tơi bời hoa lá". Ông không được khen thưởng gì và hôm sau xin về hưu.Ngày 20 tháng 2, Uỷ ban tham mưu hỗn hợp tối cao Đồng minh báo cho Wavell biết rằng "Java phải được bảo vệ với sức mạnh cuối cùng vì tầm quan trọng của sự chiếm hữu và rằng ông có thể sử dụng tất cả phương tiện hải quân còn dùng được trên khu vực chiến trường thuộc chiến trường thuộc ABDA cũng như các phi cơ Mỹ được phái từ Úc đến". Hôm sau ngày 21, cùng nguồn tin trên cho Wavell biết rằng trách nhiệm phòng thủ Miến Điện của ông được rút lại và tất cả tăng viện của Anh nay được chuyển đến chiến trường này. Một lát sau cùng ngày hôm ấy, một điện văn yêu cầu ông dời bộ tư lệnh "đến địa điểm nào và vào lúc nào thuận tiện cho ông nhất".Wavell trả lời các mệnh lệnh tráo trở này rằng Bộ tư lệnh ABDA của ông không còn nữa, điều thích nghi nhất không phải là di chuyển nó mà giải tán nó. Ông thêm rằng công cuộc chống giữ Java sẽ được giao lại cho người Hà Lan và đề nghị giao quyền chỉ huy cho Thống đốc các thuộc địa Hà lan là Van Starkenborgh.Đề nghị này được chấp thuận, ABDA bị giải tán lúc 9 giờ ngày 25 tháng 2 năm 1942 sau 9 tuần lễ hiện diện. Hành động sau cùng của Wavell trước khi bỏ mặc người Hà Lan cho số phận đáng buồn của họ là ra lệnh cho hàng không mẫu hạm Langley của Mỹ và chiếc tàu chở hàng Seawitch đang tải các khu trục cơ đến Miến Điện, chuyển hướng tiến về Tjilatjap. Sau đó, ông lên chiếc vận tải cơ độc nhất có thể bay đến Colombo. Viên phi công chiếc máy bay này không có một ý tưởng nào về vị trí của Tích Lan và chỉ có được một bản đồ du lịch. Khi thấy trên bản đồ này địa điểm được chỉ định, anh ta tuyên bố rằng "mọi chuyện đều OK cả" và cất cánh mà không hỏi gì thêm. Chuyến bay thật sôi động, trong những rung chuyển do cuồng phong nhiệt đói gây ra, một đám cháy phát khởi trong hầm chứa hành lý nhưng phi hành đoàn dập tắt được. Như phép lạ, chiếc phi cơ đến được Colombo giữa đêm tối. Ông tướng bị kiệt sức vì những đêm thức trắng và những thử thách tinh thần phải chịu đựng, đã ngủ vùi trong suốt chuyến bay và chẳng biết chuyện gì đã xảy ra cả... Wavell ra đi chỉ để lại toàn là những người thắp đèn đường. Nếu việc ông ra đi có thể biện minh được thì sự kiện bỏ đi ấy sau không biết bao nhiêu người khác, đã không làm cho tinh thần của các chiến binh được nâng cao. Điều đó gây cho mọi người cái cảm nghĩ ghê rợn là "đàn chuột đã rời bỏ con tàu"... Tại Batavia, tại Bandoeng và tại Sourabaya những người tỵ nạn chạy đến với vợ con loan truyền các tin đồn kinh khủng. Phần đông họ từ Tân Gia Ba chạy đến. Tàu chở họ bị địch phóng thuỷ lôi dọc đường, nhiều ghe tàu khác bị gió mùa đánh lạc hướng, bị sóng lớn trên Ấn Độ Dương vùi dập. Người ta đọc được trong những cặp mắt thất thần của họ nỗi kinh hoàng mà họ đã chịu đựng. Nhiều người là binh sĩ đào ngũ trá hình kém cỏi dưới những bộ y phục lấy cắp được, những người còn lại, tả tơi trong những bộ quân phục phai màu. Đường phố ngổn ngang những đổ vỡ, chật ních xe cộ đủ loại. Mỗi giờ trôi qua không khí ẩm ướt của đại hoạ lại bị đè nặng dưới sức nóng ẩm của gió mùa.Trong vùng biển khốn khổ ấy, chỉ có các cấp chỉ huy Hà Lan là còn giữ được bình tĩnh. Được giải thoát khỏi sự giám hộ giả tạo của ABDA vốn chỉ làm cho tình hình đáng buồn thêm trầm trọng, rốt cuộc họ thấy hoàn toàn được chủ động tại xứ mình và tự do tổ chức công cuộc phòng vệ hơn. Thuộc địa Hà Lan là xứ sở của họ. Vấn đề chủng tộc bị giảm thiểu rất nhiều nhờ các cuộc hôn nhân hỗn hợp, gần như không còn được đặt ra nữa. Dân bản xứ là những người được đồng hoá mạnh mẽ nhất vượt xa tất cả các thuộc địa của Âu châu tại Viễn Đông. Vậy thì ý chí kháng cự nay đã nhất trí. Nhưng phương tiện thì còn quá thiếu thốn, không đáng kể.Tướng Der Porten Tư lệnh lục quân có trong tay chừng 25.000 người thuộc quân đội Hà Lan và chừng 10.000 dân quân Mã Lai, rất can đảm nhưng không có kinh nghiệm chiến đấu. Ông cho tập họp tất cả những binh sĩ không quân của các đơn vị đã ra đi hoặc bị tiêu diệt thành các đơn vị chiến đấu. Hai trung đoàn DCA của Anh từ Sumatra đến, hai tiểu đoàn Úc, nhiều chiến xa nhẹ và các giàn rada vừa được chở đến đã tăng cường thêm cho đạo binh thiếu đồng nhất mà ông đã kích thích được tinh thần nhờ nêu gương ngay giữa cảnh hỗn loạn toàn diện do các cuộc oanh tạc không ngừng gây ra.Điểm yếu của hệ thống phòng thủ rõ ràng là tình trạng thê thảm của không quân, nhưng bầu trời luôn luôn đầy mây và những đêm tối mịt mùng có lẽ đã giúp bù trừ vào sự yếu kém đó. Hơn nữa Phó Thống chế không quân Anh Maltby, người đã đưa từ Sumatra về nhiều phi đoàn, hiện đang phân phối chúng ra bốn phi trường trên đảo Java. Đó là một cấp chỉ huy ngoại hạng mà quyền uy sáng chói đã tạo nên nhiều phép lạ. Ông có ngày lập tức 35 oanh tạc cơ, 26 thám thính cơ và 25 khu trục cơ-lực lượng này đang chờ thêm các khu trục cơ do chiếc Langley và Seawitch sẽ mang đến vào ngày 27 hay 28 tháng 2.Do đó, giờ đây là cả một cuộc chạy đua với thời gian mà sự thành công hoàn toàn dựa vào hoạt động của hải quân nhằm trì hoãn các cuộc đổ bộ của Nhật trong 2 tuần lễ cần thiết để quân tăng viện của Mỹ từ Úc có thể đến kịp. Helfrich cho tập họp về phía Đông Java tất cả các chiến hạm Đồng minh còn để lại cho ông và giao cho Đô đốc Doorman là người phần lớn đã từng dắt chúng tham dự các trận hải chiến. Hạm đội mới được thành lập như thế cũng khá mạnh: hai tuần dương hạm nặng (Houston và Exeter) có tổng cộng một giàn đại bác 12 khẩu 203 ly, ba tuần dương hạm nhẹ (De Ruyter, Java và Perth) tổng cộng 25 khẩu 150 ly, chín khu trục hạm (4 Mỹ, 3 Anh và 2 Hà Lan), không nói đến chừng 20 tàu ngầm rải rác trong quần đảo.Phía bên kia chiến tuyến, say sưa chiến thắng vì đã chiếm đóng pháo đài được phòng vệ vững chắc nhất của Đồng minh một cách dễ dàng không ngờ, bộ tư lệnh Nhật không hề tưởng tượng rằng sẽ gặp một sự kháng cự mãnh liệt tại Java. Sau các cuộc oanh tạc mà chiến hạm Đồng minh phải chịu đựng trên biển cả cũng như trong hải cảng, giới chỉ huy Nhật đã ước tính rằng chúng đã bị đánh chìm hết, hoặc là bị hư hỏng nặng nề hết. Các phi công tấn công chúng đã trở về ca khúc khải hoàn. Cứ như lời họ thì vùng biển Java đã trở thành một "cái hồ của Nhật Bản".Kinh nghiệm quá mới mẻ. Chưa ai biết rằng các phi công oanh tạc đã ước lượng quá đáng hiệu quả của bom đến mức nào, trong cảnh lửa đạn mù mịt và khói do các vụ nổ gây ra và rằng thật khó cho họ biết bao nhiêu khi phân biệt giữa một trái bom "trúng đích" luôn luôn tàn phá kinh khủng và một quả bom "rơi gần" mục tiêu chỉ tạo ra vài hư hỏng nhẹ. Bằng cách giảm xuống một nửa thành tích của các phi công, Đô đốc Kondo tiến tới kết luận là chỉ còn lại hai tuần dương hạm và vài khu trục hạm của Đồng minh là còn sử dụng được. Do đó ông quyết định chiếm các đảo cuối cùng của hàng rào chặn Mã Lai mà không chờ đợi thêm và tung các đoàn công voa của ông về phía Java mà không cần một sự che chở nào khác hơn một nhóm tuần dương hạm như ông đã làm tại Célèbes, tại Bornéo và tai Timor.Mối đe doạ của tàu ngầm có vẻ đáng sợ nhất đối với ông, vì thế một hải đội khu trục hạm được tăng cường cho đoàn công voa phía đông, đoàn tàu phải di chuyển một hải trình dài ngoài biển khơi. Ngoài ra, ông hoàn toàn tin tưởng vào sự khéo léo của các hạm trưởng tuần dương hạm, vốn là những người rất thuần thục trong kỹ thuật dạ chiến, và các quân sĩ canh phòng trên cầu tàu, vốn được lựa chọn rất kỹ trong số những binh sĩ sống trong bóng tối và rình bóng đêm tinh nhuệ không khác gì mèo.Để ngăn không cho tăng viện từ Colombo hay từ Úc đến, ông nhổ neo cùng hai thiết giáp hạm và bốn hàng không mẫu hạm của Nagumo đến dàn phía nam hàng rào chặn Mã Lai trong thời gian tiến hành cuộc đổ bộ. Áp dụng các chỉ thị của ông, 56 tàu chở quân đổ bộ thuộc đoàn công voa phía tây được các tuần dương hạm của Phó Đô đốc Ozawa che chở, ngày 25 tập họp trong eo biển Banka, từ đó, chúng chỉ có một lóng tay phải vượt qua là đến bờ biển Batavia kế cận và eo biển Sonde. 41 tàu đổ bộ thuộc đoàn công voa phía đông, một số từ Balikpapan đến, một số từ Bandjermasin đến, nhổ neo sáng sớm ngày 26 tháng 2 để đến các điểm tập hợp lựa chọn để đổ bộ chung quanh Sourabaya. Lực lượng hộ vệ đoàn công voa này mạnh hơn cả, gồm có hai tuần dương hạm nặng của Phó Đô đốc Takeo Takagi-chiếc Nashi và chiếc Haguro-hai đoà khu trục hạm mỗi đoàn do một tuần dương hạm nhẹ hướng dẫn và ba phi đội thuỷ phi cơ để đảm bảo che chở chống tàu ngầm cho đoàn công voa.Ý tưởng điều quân của Phó Đô đốc Takagi rất đơn giản: giữ cho tiểu hạm đôi của ông cách đoàn tàu đổ bộ hai dặm về phía trước, bằng cách sử dụng các khu trục hạm sao cho có thể ngăn chặn hải lực địch trong trường hợp lực lượng này có thể toan tính vượt thoát ra khỏi hải cảng.Ngày 25 tháng 2, một số các phóng ngư lôi hạm đổ bộ lên đảo Bawean, nằm cách Sourabaya 100 cây số về phía bắc, một toán cảm tử thủy quân lục chiến để thiết lập tại đấy một đài phát tin.Nhờ một phi cơ thám thính báo cho biết cuộc điều quân này, Đô đốc Helfrich ra lệnh cho Doorman tập họp tất cả các tuần dương hạm và lập một hàng rào phía Bắc đảo Madoera kéo dài về phía Đông cho đến bờ phía Bắc của Java nơi che chở hải cảng Sourabaya. Vì không thấy một bóng chiến hạm nào của địch, toàn thể hạm đội trở về Sourabaya để tiếp tế nhiên liệu.Tối ngày 26, Helfrich họp Đô đốc Doorman và tất cả các hạm trưởng để ra chỉ thị liên quan đến trận chiến quyết định không thể nào không xảy ra vào hôm sau. Một vài sự sắp xếp đơn giản được quyết định để tránh việc trao đổi tín hiệu càng nhiều càng hay. Các khu trục hạm thì vẫn được tập họp theo nhóm quốc gia, trong khi đó các tuần dương hạm thì xếp nối nhau theo hàng dọc trong thứ tự De Ruyter (soái hạm), Exeter, Houston, Perth và Java. Vì không được huấn luyện kỹ để bay đêm, người ta đã quyết định để các phi cơ thám thính của các tuần dương hạm lại đất liền để tránh các đám cháy vì xăng trong khi đang chiến đấu.Helfrich chấm dứt hội nghị bằng cách tuyên bố rằng các thuỷ thủ đoàn Hà Lan nhất quyết chiến thắng hay là chết, và cám ơn các hạm trưởng Anh, Úc và Mỹ đã nhận lời theo hạm đội Hà Lan trong sứ mạng chủ yếu này. Ông nói thêm rằng giá trị mà họ đã chứng tỏ trong mấy tuần qua là một đảm bảo chắc chắn cho quyết tâm mà họ sẽ mang theo khi chiến đấu, rồi ông cáo biệt họ mà không hề giấu vẻ xúc động. Đô đốc Doorman và các hạm trưởng còn ở lại với nhau một lát trước khi chia tay. Họ sẽ không bao giờ còn gặp lại nhau, vì tất cả, ngoại trừ một người, (Hạm trưởng chiếc Perth được quân Nhật vớt lên khi tàu chìm. Chính nhờ các bằng cớ mà ông đã viết khi bị bắt, diễn tiến trận đánh mới được dựng lại) đều bị mất tích trong cuộc tàn sát rùng rợn.Ngay khi trở về tàu De Ruyter, Doorman ra lệnh nhổ neo. Một cuộc dò xét mới được tổ chức tận ngoài khơi đảo Badoera ngay trong đêm, nhưng không gặp gì. Sáng ngày 27 tháng hai, Đô đốc quyết định gửi về Sourabaya để bổ túc việc tiếp tế các chiến hạm hầu có thể ra khơi lại khi đêm về.Đoạn đường về không xảy ra gì khác hơn là bị vài phi cơ Nhật từ Bali bay đến thả bom, nhưng đến 14 giờ 30, trong lúc hạm đội sắp vào hải cảng, một điện văn tối khẩn được gửi đến cho Soái hạm De Ruyter: một đoàn công voa địch được hộ tống rất mạnh mẽ đã bị phát giác từ hơn một giờ cách đảo Bawean hai mươi hải lý về phía Tây. Sau cùng Doorman định được vị trí của địch. Ông ra lệnh cho hạm đội quay mũi để đến đối diện với địch quân.Kể từ lúc các oanh tạc cơ Nhật thấy hạm đội Đồng minh, các thuỷ phi cơ thám thính Nhật không ngừng bí mật bay theo dõi trên không. Nhờ vậy Đô đốc Takagi mau lẹ đoán trước một cuộc điều động các tuần dương hạm của Doorman. Ông lập tức di chuyển hạm đội để cắt đường về của nó tại phía Nam đảo Bawean và ra lệnh cho các tàu đổ bộ chạy trốn về phía Tây.Không biết gì về vị trí của hạm đội địch, Doorman tiếp tục chạy nhanh để kịp tấn công các đoàn công voa lúc chập tối. Trong hai giờ tiếp theo đó, các hạm trưởng Đồng minh hối tiếc một cách cay đắng sự vắng mặt của các phi cơ quan sát. Để báo tin hạm đội địch đến gần, Đô đốc chỉ có chiếc khu trục hạm Anh Electra vốn được phái đi đầu hạm đội để làm hướng đạo. Trên các cầu tàu ai nấy lo âu rình xem hiệu lệnh của chiếc tàu nhỏ đang mở hết tốc độ chạy trong tầm trông thấy của các bạn đằng sau.Đến 16 giờ, một chiếc đèn rọi bật cháy trên chiếc Electra. Đó là dấu hiệu cho biết "Thấy tàu địch..." 16 giờ 10, sau khi giảm tốc độ, Electra báo hiệu "hai tuần dương hạm, 12 phóng ngư lôi phía bắc-đông bắc". Vài phút sau hai tuần dương hạm nặng Exter và Houston khai hoả khi còn cách địch 27.000 thước. Các tuần dương hạm nhẹ chỉ có pháo đội 150 ly không thể bắn xa như thế, chạy theo mục tiêu mà không thể bắn được. Lập tức chung quanh chúng những cột nước khổng lồ tung lên cao trong lúc đó các khẩu đại bác điên cuồng của chúng lại không trả đũa được. Đấy là các đại bác 203 ly của chiếc Nashi và chiếc Haguro đang khạc đạn theo một nhịp độ ngày càng mau.May thay, với khoảng cách như thế, tác xạ của Nhật cũng bị phân tán xa mục tiêu và cuộc chiến đấu tay dôi này kéo dài trong suốt 20 phút dưới hình thức một cuộc trao đổi tác xạ tầm xa không kết quả gì cả. Hai đối thủ không ai tìm cách tiến gần đối phương-Doorman, bởi vì ông muốn tránh cho đoàn tuần dương hạm của mình bị hoả lực địch vây kín, Takagi, bởi vì không muốn rơi vào một hạm đội đông hơn và không bao giờ tính chuyện để rơi vào tầm hoả lực của tuần dương hạm nhẹ của đối phương. Ông còn nổi khùng vì lúc đó đã cho lệnh tấn công bằng thuỷ lôi, với khoảng cách như thế-không có cơ may thành công nào.Một trong các khu trục hạm Nhật bị trúng một trái phá 150 ly của chiếc Perth và tất cả hạm đội Nhật đều quay mũi sau một màn khói. Thành quả nấy kích thích lòng can đảm của binh sĩ Đồng minh và Doorman nghiêng đường tiến của hạm đội để tiến gần các tuần dương hạm địch.Nhưng đối phương của ông, với sự chính xác đáng ngạc nhiên của hệ thống tác xạ trên các tuần dương hạm nhẹ, điều động để giữ khoảng cách và chờ cho các khu trục hạm đến đủ gần địch để ra lệnh một đợt tấn công mới bằng thuỷ lôi.Không chờ đợi kết quả, hạm đội Nhật trở hướng mạnh để chặn hạm đội Đồng minh theo hình chữ T và khai hoả tất cả các đại bác 203 ly.Đến 17 giờ, một tạc đạn trúng vào một nồi xúp de của chiếc Exeter, bắt nó phải tránh qua một bên để cho chiếc Houston chạy theo sau khỏi bị chạm vào.Chính đây là một đòn tiền định. Chiến hạm này có cả một huyền thoại. Chính nó, hai năm trước đã bắt buộc chiếc thiết giáp hạm bỏ túi của Đức, chiếc Graal Spee phải tự đâm vào mình tại Montevideo. Sau thử thách kinh khủng này, hình như không còn gì trên thế giới có thể ngăn chặn nó được.Khi chiếc Houston thấy Exeter nghiêng về bên trái, nó theo ngay chẳng ngần ngại gì. Nhưng một khối hơi nước khổng lồ đã che ngay tầm quan sát của nó và hiểu ngay là đã phạm phải sai lầm to lớn. Than ôi, quá chậm! Hai chiếc Perth và Java theo sau phải giảm tốc độ đột ngột. Để cho sự rủi ro thêm toàn vẹn, một thuỷ lôi phóng tử xa đến thế lại trúng một khu trục hạm Hà Lan, chiếc Kortenaer khiến nó chìm lỉm trong một đám lửa vĩ đại. Tất cả hạm đội của Doorman tán loạn ngay giữa khói lửa trong lúc các tuần dương hạm của ông đến gần địch và sẵn sàng khai hoả.Một quang cảnh hỗn loạn xảy ra sau đó giữa các khu trục hạm đôi bên trong các cuộc bắn trực xạ sát bên nhau mỗi khi gặp khoảng trời sáng bất ngờ. Các chiến hạm lớn không thấy tàu của Đô đốc đâu trong khi soái hạm vẫn lặp lại không ngừng bằng quang hiệu mệnh lệnh trứ danh "All ship, follow me!" (Tất cả, hãy theo tôi").Bên phía Nhật, tình thế cũng rối loạn nhưng ít trầm trọng hơn. Takagi biết rằng ông chỉ bị mất có các khu trục hạm và các phi cơ quan sát đã cho ông biết quang cảnh hỗn loạn của đối phương. Ông cho hạm đội lùi xa về phía bắc để "suy nghĩ tiếp".Khí gió mùa thổi đến làm bầu trời sáng dần, sau cùng Doorman cũng tập họp được các chiến hạm thuộc quyền, và vì địch quân đã biến mất, ông lại dẫn chúng tiến lên phía bắc để cô bọc vòng các tuần dương hạm Nhật và sau đó đợi đoàn tàu đổ bộ mà giờ đây theo ông đã đến rất gần...Không bao giờ người ta biết được tại sao ông bỏ ngang dự tính này sau vài giờ vì ông không trở về để giải thích, nhưng ta chỉ biết rằng đột nhiên ông trở hướng xuống về Nam. Tiếng đại bác đã im bặt. Trên chiến trường hoang vắng, chỉ có vài thuỷ thủ tuyệt vọng trên mặt biển ngập đầy dầu mazut. Chiếc chiến hạm dũng cảm Exeter vốn đã sống một cuộc đời đầy thử thách nay còn chạy chầm chậm về Sourabaya, có một khu trục hạm đi kèm. Các tuần dương hạm sắp thành đội hình hàng dọc chạy theo soái hạm De Ruyter.Đêm đến, gió mùa kéo mây che phủ bầu trời. Không khí ẩm ướt len lỏi khắp nơi khiến cho không khí nóng bức bên trong tàu trở thành khó thở.Ai nấy đều đặt ra câu hỏi: Người ta sẽ làm gì?... "Người ta", đấy là Đô đốc, vị chủ nhân của định mệnh. Trên các chiến hạm Hà Lan thì không có vấn đề gì. Nhưng trên các chiến hạm Úc, Mỹ, Anh?Mặt trăng mọc lúc 21 giờ. Hạm đội luôn luôn tiến về phía Nam. Liệu có phải trở về hải cảng tay không để rồi bị phi cơ địch ngày mai bắn như vịt không?Đến 21 giờ, Doorman kiểm điểm lại tổn thất và thấy rằng dầu sao chúng cũng tương đối nhỏ và tính rằng chắc ông còn cơ may gặp đoàn tàu đổ bộ địch. Mặc dầu đang ở cách Sourabaya không đến một giờ, ông ra lệnh cho hạm đội quay về phía tây, nhưng để cho bốn khu trục hạm Mỹ vào hải cảng vì đã phóng hết thuỷ lôi rồi.Đêm tối tuyệt đối yên tĩnh. Các thuỷ thủ đoàn được nghỉ ngơi đã lấy lại sức. Quyết định của Đô đốc tiếp tục ra đi tấn công được đón tiếp với sự vui mừng trên khắp chiến hạm.Nửa giờ nữa trôi qua mà không có biến cố nào. Thế rồi sự im lặng đè nặng của đêm tối vùng nhiệt đối bị xé toang dữ dội bởi một tiếng nổ. Một ngọn lửa bừng bừng loé ra bên phải đoàn tàu, đấy là chiếc khu trục hạm Anh Jupiter vừa bị nổ tung.Mặc dầu Doorman không hiểu tí gì về nguyên nhân của thảm cảnh này, ông nghiêng đội hình về phía bắc sợ gặp phải một hàng rào tàu ngầm và cuộc hải hành tiếp tục với sự đều đặn đáng lo ngại. Đến 22 giờ, các binh sĩ canh đêm của chiếc De Ruyter báo hiệu thấy vô số mảnh tàu vỡ nổi trên mặt biển. Người ta phân biệt được ngay đó là các bè cấp cứu chở ngập xác người và những cái đầu đen đủi. Những gì còn lại gớm ghiếc của số người bị đắm tàu.Mặc dầu có lệnh khắt khe do chính ông ban hành là không được cứu ai cả trong khi chiến đấu. Doorman cho tách rời chiếc khu trục hạm cuối cùng của hạm đội để đến giúp đỡ những người bị nạn. Con người sắt đá ấy, người không ngần ngại đưa cả hạm đội đến chỗ hy sinh, đột nhiên nhường bước cho một hành động đầy tình thương. Có lẽ lúc đó ông đã mất hết tất cả hy vọng chiến thắng và muốn trình bày với Thượng đế một bằng chứng về lòng nhân đạo sâu xa của ông.Không đầy một giờ sau, hai bóng tàu hiện ra dưới ánh trăng. Tất cả các tuần dương hạm Đồng minh đều khai hoả một lượt. Cùng lúc đó mặt biển phía trước được hoả châu chiếu sáng rực. Đấy là ánh sáng phát ra từ các phao cháy sáng do phi cơ thám thính Nhật rải dọc theo đường bay để giúp cho chiến hạm Nhật tác xạ dễ dàng.Kể từ lúc đó, các biến cố đến dồn dập theo nhịp độ điên cuồng. Nhiều cột nước vọt lên cao chung quanh đoàn tàu Đồng minh và chiếc De Ruyter bị trúng đạn. Chiếc Houston và Perth lạng ra một bên để tránh đụng chạm. Ngay cả trước khi chúng kịp chạy ngang hàng với chiếc Soái hạm, hai tiếng nổ dữ dội chế ngự tất cả tiếng súng chát chúa. Cách nhau vài giây, chiếc De Ruyter đi đầu và chiếc Java đi sau chúng nổ tung chiếu sáng cả bầu trời. Cả hai chiến hạm lần lượt bị trúng thủy lôi do kẻ thù vô hình phóng đến.Hai tuần dương hạm còn sống sót gần như hết đạn và nhiên liệu. Thuỷ thủ đoàn kiệt sức. Hạm trưởng chiếc Perth, một người Úc lực lưỡng, do thâm niên đã trở thành tư lệnh hạm đội, ra lệnh cho chiếc Houston theo mình và quay lui hết tốc độ về Batavia. Như nhờ phép lạ, hai chiến hạm thoát ra khỏi vùng pháo cháy sáng nơi hai xác tàu Hà Lan đang hấp hối. Trận chiến danh dự đã kết thúc.Cuộc gặp gỡ lãng mạn đã chấm dứt như thế, một cuộc gặp gỡ diễn tiến mà không có một oanh tác cơ nào, không có một phi cơ phóng thuỷ lôi nào can thiệp vào để làm cho quang cảnh hỗn độn thêm. Do bởi sự tình cờ của hoàn cảnh, hai đối thủ đều theo đúng các nghi thức xưa cũ do chính người Nhật thiết lập 40 năm về trước trong trận hải chiến lừng danh tại eo Tsoushima.Kinh nghiệm đắt giá xảy ra quá bất ngờ cũng như quá xưa cũ này sẽ không còn tái diễn. Mất tích cùng với chiếc soái hạm, Karel Doorman đã lật qua một trang lịch sử.Ngày 27 tháng 2 năm 1942 tiền định ấy lại được đánh dấu bằng một tai biến khác. Chiếc hàng không mẫu hạm Langley và chiếc tàu hàng Seawitch mà Wavell cho trở hướng chạy về Tjilatjap chạy về gần đến đích thì gặp đoàn oanh tạc cơ của Đô đốc Nagumo đang canh giữ ngoài khơi. Sàn tàu chiếc Langley-một tàu chở hàng cũ được biến cải từ thời chiến tranh 1914-phủ đầy khu trục cơ P-40. Nó không có máy phóng phi cơ và không một phi cơ nào có thể cất cánh. Bị đánh ngất ngư bởi hai thuỷ lôi, nó chìm xuống biển mang theo số hàng quí báu. Riêng chiếc Seawitch mà các oanh tạc cơ Nhật để cho chạy trốn thì cũng chẳng còn gì để chờ đợi. Ngay khi vừa đến Tjilatjap, một đợt oanh tạc mới cực kỳ dữ dội đã nhấn chìm nó xuống đáy trước khi các phi cơ đóng thùng được bốc dỡ lên bờ.Thống đốc Van Starkenborgh nay không còn phi cơ lẫn chiến hạm nữa-đến lượt chiếc Houston và chiếc Perth bị gục ngã trước hạm đội của Ozawa trong khi chạy trốn về eo biển Sonde (Chiếc Tromp bị nằm ụ từ 20 tháng 2 tại Sourabaya đã chạy trốn được qua ngõ eo biển Bali dưới một lớp nguỵ trạng thần tình bằng cây leo vĩ đại. Bốn khu trục hạm Mỹ sống sót cũng làm được như thế)-chỉ có thể chống lại quân xâm lăng chiến thắng bằng một cuộc kháng cự tượng trưng. Cuộc kháng chiến này rồi cũng chấm dứt ngày 8 tháng 3 năm 1942 bằng cuộc đầu hàng vô điều kiện.Làm chủ được hàng rào ngăn chặn Mã Lai, quân Nhật đã đạt tất cả các mục tiêu. Trận chiến phi thường này đã kết thúc sau khi chỉ kéo dài chín mươi ngày.

Corregidor

Corregidor là một đảo nhỏ có hình dáng con nòng nọc hoàn toàn nằm trong con lạch dẫn vào vịnh Manille. Thật ra không hoàn toàn nằm ngay giữa, mà gần bên bờ phía bắc con lạch hơn: mũi Mariveles cực điểm của bán đảo Bataan. Đầu con nòng nọc là một chỏm núi đá cao 200 thước và đường kính 1800 thước. quân Mỹ xây dựng ở đấy bốn pháo đài chế ngự biển khơi và đồn trú tại đấy. Đuôi con nòng nọc trải dài về phía đông và chìm xuống vịnh Maniile. Nó cũng là một dãy núi đá hiểm trở, ít ra cũng là phần nằm về phía tây. Cổ con nòng nọc là một cánh đồng nhỏ phân cách hai núi đá bên này và bên kia. Phía đuôi có nhiều triền đồi cực kỳ cheo leo đến nỗi quân đội phải cho đào đường hầm dài 200 thước vốn sẽ trở nên vô cùng quí giá trong các cuộc oanh tạc sau này.Khi rời bỏ Manille, Mac Arthur đến đặt văn phòng trong các kiến trúc của quân trú phòng tại cực điểm của chiếc đuôi, kế bên một phi trường nhỏ. Ông chọn một biệt thự thật xinh cất trên một chỏm đá dưới các pháo đài để làm nơi cư ngụ. Một cánh nhà ngang được dùng làm bản doanh, cánh kia dành cho người vợ trẻ và đứa con trai bốn tuổi của ông.Chính từ địa điểm quan sát từ trên cao này mà ông tướng đã điều khiển đạo quân Phi Luật Tân rút lui về bán đảo Bataan bằng cách quan sát bằng ống nhòm.Từ ngày 29 tháng 2 năm 1941, cuộc oanh tạc của Nhật diễn ra hàng ngày. Địch quân xâm nhập vào khắp chung quanh vịnh Manille. Thực phẩm hiếm hoi, cuộc sống trên đống đá cô quanh ngày càng khắc nghiệt. May thay, quân Nhật tại Phi Luật Tân, vốn không được đông lắm, bằng lòng với cuộc bao vây quân Mỹ trên bán đảo và chờ đợi sự đói khát và mệt mỏi bắt họ đầu hàng.Mặt trận 22 cây số phân cách hai bên đối địch được phòng thủ tương đối dễ dàng và không có gì xứng đáng với sự hiện diện của một Trung tướng cả. Nhưng Mac Arthur lại rất thăm thiết với đạo quân Phi Luật Tân và quyết tâm tôn trọng đến cùng những cam kết của ông với Tổng thống Quezon, Quốc trưởng Phi Luật Tân. Ông đã từn tuyên bố urbi ot orbi-và vẫn còn tuyên bố khi có cơ hội-rằng không thể nào Hoa Kỳ, trong khi hàng ngày gửi sang Âu châu hàng trăm chuyến tàu vận tải và cả một làn sóng phi cơ, lại không có phương tiện đến tiếp cứu các chiến sĩ tạ Bataan mà, trong chiều hướng diễn tiến của sự kiện, vốn là những chiến sĩ duy nhất giữ vững được một mặt trận kháng địch.Lợi dụng những đường dây liên lạc cuối cùng còn lại, ông nhắc lại với Tổng thống Roosevelt rằng đây là những cam kết danh dự được đưa ra nhân danh cá nhân ông và rằng về phần ông, không bao giờ ông bỏ mặc Phi Luật Tân lại cho số phận hẩm hiu của xứ này.Sự xác định lập trường có tính cách vừa chính trị vừa chiến lược này đã vượt quá xa chức chưởng của một Trung tướng cho dầu là một Trung tướng uy danh lừng lẫy đi chăng nữa. Nó gây bối rối rất nhiều cho Roosevelt khiến ông ta không biết làm sao thoát ngõ bí. Đô đốc King cực chẳng đã phải bằng lòng gửi nhiều tàu ngầm và các chiến hạm nhỏ, hai ba lần tránh được các chiến hạm tuần tiễu Nhật, đến tiếp tế cho quân trú phòng. Các khinh tốc đỉnh của Asiatic Fleet còn tại chỗ, thực hiện được vài chuyến đi về giữa Corregidor và các đảo lân cận chưa bị Nhật chiếm đóng. Nhưng đấy chỉ vừa đủ để có những gì giúp binh sĩ khỏi chết đói.Vì mọi ưu đều hướng cả về Âu châu, tướng Marshall chống đối việc gửi quân và cả việc tăng cường vài phi cơ cho lực lượng không quân vẫn còn rải rác tại các phi trường trên các đảo.Do đó chính trong trạng thái phẫn nộ chất chứa, mà Mac Arthur theo dõi bằng máy thu thanh, qua các làn sóng quấy phá cực mạnh của Nhật, diễn tiến các cuộc hành quân và những nỗ lực vô vọng của Wavell để bảo vệ hàng rào ngăn chặn Mã Lai.Tân Gia Ba thất thủ làm ông phẫn uất. Trong các cuộc hội nghị tham mưu, Tân Gia Ba được coi là một "thành trì không thể bị chiếm được. Mới hai tháng trước đây, Đô đốc Philips của Anh còn lặp lại với ông như thế. Là người đương đầu với quân Nhật tại Bataan với một nhóm người nhỏ bé nhưng quyết tâm, ông chấp nhận được rằng một đạo quân 85.000 người được một không lực mạnh mẽ yểm trợ lại có thể bị đánh đưa đến hoàn cảnh phải đầu hàng mà không chiến đấu gì cả. Bị cô lập hoá quá lâu trong lãnh địa của mình, ông đã tiêm nhiễm tinh thần của dân sống ở đảo luôn luôn có khuynh hướng xem quê hương của mình như trung tâm điểm trái đất.Ngày 23 tháng 2 năm 1942, một sĩ quan hớt hải đến tổng hành dinh cầm trong tay một điện văn đóng dấu "ưu tiên tuyệt đối" Mac Arthur chững chạc mở ra và mặt ông biến sắc. Roosevelt ra lệnh cho ông phải rời Corregidor ngay lập tức để đi Melbourne và nắm quyền Tổng Tư lệnh mới được thành lập tại đấy cho chiến trường Tây Nam Thái Bình Dương.Đi Melbourne? Tại sao không đi Nam Cực luôn? Hiển nhiên là các anh thầy rùa ở Hoa Thịnh Đốn đã bị mất trí rồi! Ông vứt bản điện văn và bắt đầu đi lòng vòng trong văn phòng như một con gấy bị nhốt trong chuồng. Nửa giờ sau, ông lấy quyết định: ông sẽ trả lời Roosevelt bằng một danh từ Mỹ tương đương với tiếng của Cambronne (Cambronne (Pierre), Đại tướng Pháp sinh ở Nantes (1770-1842). Ông chỉ huy một đạo quân ở Waterloo; bị địch quân đang vây khốn ông thúc giục đầu hàng, ông trả lời: "Thà chết chứ không bao giờ đầu hàng"). Đối với ông không còn giải pháp nào khác. Người ta đã đập vỡ ông, biếm nhục ông. Ông đã đưa ra lời cam kết danh dự với người Phi Luật Tân và bây giờ đây, người ta ra lệnh cho ông "căng buồm chuồn đi" để cho họ ở lại trong cảnh bối rối tận cùng!Thế thì không! Ông sẽ trả lời "Không. Thật đơn giản. Không, không và không!".Khi ông thảo văn bản trả lời nổ tung xong, ông tập họp các cộng sự viên cao cấp lại: Tham mưu trưởng sutherland, Đô đốc Rockwell, Tư lệnh hải lực. Ông rất muốn mời Tư lệnh Lục quân đến, nhưng tiếng súng vọng từ trên các đồi xuống đã ngăn ông lại.Khi các tướng lĩnh đến, Mac Arthur một tay chìa cho họ bản điện văn của Tổng thống và tay kia điện văn trả lời của ông. Trước sự ngạc nhiên hoàn toàn của ông, hai quân nhân cao quí ấy lắc đầu trong im lặng với sự biểu lộ bất đồng ý kiến rõ rệt. Rồi họ lựa lời khéo léo nói với vị chỉ huy rằng chức vụ Tư lệnh mà ông được giao phó có tầm quan trọng tối cao vừa đối với nước Mỹ vừa đối với Đồng minh, rằng có lẽ Wavell vừa bị bãi chức sau cuộc đại bại tại Mã Lai và rằng quân đội và dân tộc Mỹ giờ đây hướng mắt chăm chú vào ông...Ông tướng sắp ngắt lời cộng sự viên nhỏ con của mình thì Sutherland, vốn là người hiểu rất rõ thượng cấp của mình, tiếp lời đúng lúc. Ông gợi ý rằng sự bổ nhiệm ông không có mục đích nào khác hơn là giao phó cho ông một đạo quân chắc chắn đang được tập trung tại Úc nhằm tái chiếm Phi Luật Tân.Mac Arthur suy nghĩ. Nếu Sutherland nói đúng, bổn phận của ông đã được vạch ra rồi. Ông phải nhận. Nhưng trước hết ông phải đảm bảo được như thế đã. Do đó ông để cho các cộng sự viên cáo lui và nói với họ là ông sẽ suy ngh lại.Sáng hôm sau, ông soạn một điện văn khác uyển chuyển hơn điện văn trước: "Vì các cuộc hành quân đang tiếp diễn và các nghĩa vụ đã kết ước, tư lệnh không thể rời khỏi Corregidor ngay được".Ba ngày sau, hạm đội của Doorman bị tiêu diệt tại biển Java. Hàng rào Mã Lai rơi vào tay quân Nhật. Lúc ấy Mac Arthur mới hiểu tại sao Tổng thống vội vàng đến thế.Cùng với Rockwell đang nghiên cứu các điều kiện và ngày giờ của chuyến khởi hành sắp đến, thì ngày 10 tháng 3 năm 1942, một điện văn mới của Roosevelt lại được đưa đến, lần này rất cương quyết: "Đi Melbourne ngay lập tức".Mac Arthur đến thăm Wainwright ngoài mặt trận. Ông tập họp các cộng sự viên chính và giải thích cho họ rõ tình hình. Cuộc họp mặt rất cảm động. Vị tướng lĩnh lão thành không còn tìm được lời để diễn ta hết tình cảm của ông đối với người học trò cũ đã phải chịu đựng gánh nặng kinh hồn của chiến trận và có thể là người mà ông sắp để lại cho trách nhiệm của sự bại trận. "Hãy cố giữ vững cho đến khi tôi trở lại và hãy nói lại với tất cả mọi người rằng tôi sẽ trở lại!".Công việc tổ chức cuộc khởi hành không phải là dễ. Chiếc tàu ngầm dự định đến ngày 27 tháng 2 từ lâu đã được phái đi làm nhiệm vụ khác. Ông phải tìm cách khác. Rockwell đề nghị dùng các khinh tốc đỉnh của ông, những chiếc PT boat trứ danh, kể từ khi hạm đội Á châu ra đi, đã từng làm chuyện phi thường để tiếp tế cho Bataan. Mac Arthur cho gọi trung uý Bucknell, người chỉ huy đoàn tàu đến. Đấy là một cậu thanh niên 25 tuổi có nét mặt rất cởi mở.-Anh có thể chở tôi đến Mindanao nơi đó sẽ có máy bay từ Úc đến đón tôi không?Bucknell tính nhẩm phỏng định trọng lượng của ông Trung tướng với ban tham mưu và gia đình của ông, các thư ký với hồ sơ của họ, vài người giúp việc. Cả một thế giới đó với hành lý... Các chiến hạm của anh thường chỉ được tiên liệu để chứa chí người của thuỷ thủ đoàn. Luật hiếy khách cấm đưa lên tàu thêm quá ba hay bốn người... Nhưng suy cho cùng, thì đây là thời chiến mà! Anh đã chẳng cùng với bốn khinh tốc đỉnh của mình, tám ngày trước, đã cứu 296 người bị đắm tàu của một chiến hạm bị chìm vì trúng mìn lúc chạy ra eo biển đó sao?-Thưa Trung tướng, ông tính lúc nào khởi hành? Anh ta trả lời không ngần ngại gì nữa.Hôm sau khi anh thấy trên bến có 40 người và một chiếc cam nhông vĩ đại chất đầy thùng bộng, va li, anh hối tiếc là đã không trình bày vài điểm dè dặt... nhưng đã quá trễ, phải cố chất tất cả mọi thứ xuống bốn chiếc khinh tốc đỉnh. Đêm tối không trăng rất thuận lợi. Cần nhất là phải làm nhanh để tránh không cho một phi cơ Nhật đến chúi mũi vào câu chuyện gia đình này.Ông tướng bước lên chiếc tàu của Bucknell với bà Mac Arthur, cậu Arthur Douglas Mac Arthur, chị vú, sĩ quan tuỳ viên, Sutherland và vài người khác. Đô đốc Rockwell lên chiếc thứ hai. Chiếc thứ ba và thứ tư chia phần còn lại.Khi mặt trời vừa lặn thì đoàn tàu nhổ neo. Các khinh tốc đỉnh cố gắng giữ khoảng cách gần nhau, nhưng một điểm hẹn cũng được tiên liệu tại một đảo nhỏ giữa đường đi đến Mindanao để giúp chúng tập họp lại trước khi bắt đầu phần nguy hiểm nhất của cuộc hành trình: một đoạn đường biển mà trên đó các động cơ vì đã quá mệt mỏi sau ba tháng đi lại liên miên rất có hy vọng thối chí không chịu chạy nữa.Cuộc hải trình rất sôi động. Các khinh tốc đỉnh chở quá nặng nổ máy khó nhọc trong đáy sóng sâu. Mặt biển dường như bao phủ bởi các bóng đen đáng lo ngại và các luồng sáng thỉnh thoảng xuất hiện bắt buộc các hạm trưởng phải thắng mạnh làm hành khách ngã chúi vào trong "phòng ăn" chật hẹp được biến thành phòng ngủ. Đến nửa đêm các khinh tốc đỉnh phân tán cách nhau rất xa.Chính chiếc thứ ba lại đến điểm hẹn trước, mặc dầu nó đã bị trễ mất ba giờ so với thời biểu. Nó phải đợi chiếc chở ông Tướng suốt cả một ngày tại đấy. Ông này khi đến lại từ chối tiếp tục đi mà không có Đô đốc Rockwell vốn đi trên một chiếc mà dường như máy móc bị trục trặc ngay khi khởi hành. Quả thật nó đã bị trục trặc máy móc nhưng sau cùng cũng đến được, rất trễ giữa đêm khuya, ba trong bốn động cơ của nó ngưng chạy. Phải bỏ nó lại và chia các hành khách lên hai chiếc khác. Riêng chiếc thứ 4 thì phải tự giải quyết bằng cách tiếp tục đi mà không đợi nó. Đoạn thứ hai của cuộc hành trình lại càng khổ nhọc hơn đoạn đầu nhiều. Từ nửa đêm gió nổi lên thổi hàng loạt với cơn mưa như thác đổ. Tất cả hành khách đều kiệt sức, ướt loi ngoi, ngã quị vì những cơn say sóng rùng rợn. Không có vấn đề chạy chậm lại vì phải tuyệt đối đến được bờ biển Mindanao trước khi trời sáng.Nhờ phép lạ, động cơ của hai chiếc khinh tốc đỉnh anh dũng chịu đựng sự thử thách và đến chiếc vịnh nhỏ vừa kịp, tại đây một tiểu đội tiền sát Mỹ đang chờ đón. Ngày 13 tháng 3 năm 1942 lúc 10 giờ sáng, mọi người tập họp dưới hăng ga phi trường Cogayan, phía bắc đảo. Điều thiếu thốn duy nhất là ba chiếc pháo đài bay được tiên liệu đến rước ông tướng và đoàn tuỳ tùng. Viên chỉ huy trưởng phi trường cho biết một chiếc bị rơi vỡ tan khi mới đến, hai chiếc khác ở trong tình trạng phải cho bay không trở về Úc. Ông ta hy vọng có hai chiếc mới sẽ đến vào hôm sau.Thời gian chờ đợi kéo dài ba ngày. Viên Đại tá Mỹ lâm vào tình trạng nguy khốn kịch liệt bởi vì phi cơ Nhật mà ông ta không có gì để chống cự, lảng vảng rình mò khắp nơi và nếu chúng đánh hơi được chuyện gì đang xảy ra, chúng có thể thực hiện dễ dàng một mẻ lưới ngon lành nhất trong suốt cuộc chiến tranh.Phần ông tướng thì lại vui vẻ. Ông đã chịu đựng rất cừ cuộc thử thách trên mặt biển. Đó là một con người ưa mạo hiểm và là một con người của các hoạt động đã làm thay hình đổi dạng. Trước những nguy cơ, ông biểu lộ một thái độ khinh thường quen thuộc. Một hôm, Tổng thống Quezon, bạn ông, ép ông phải vào hầm nấp khi bom địch rơi như mưa, ông vừa cười vừa trả lời: "Ông đừng có lo! Có nhiều trường hợp một ông tướng chết lại tốt hơn là một ông tướng sống!".Sau cùng, quá nửa đêm ngày 17 tháng 3, hai chiếc pháo đài bay chở nặng, cất cánh rời khỏi Mindanao đi Port Darwin. Cuộc hành tình bình yên và đến 9 giờ sáng phi cơ đáp xuống phi trường Batchelor Field. Phi trường quá lộ liễu đối với các cuộc tấn công của Nhật đến nỗi một phi cơ khác gần như cất cánh ngay lập tức với ông tướng và đoàn tuỳ tùng để có thể giúp ông mượn đường hoả xa xưa cũ, cách đó 1000 cây số về phía nam, đưa đến Adelaide. Khi sang phi cơ, Mac Arthur hỏi viên phi công Mỹ về tình tình tại Úc:-Có bao nhiêu quân sĩ ở đây để phản công?Người sĩ quan trẻ chưa bao giờ được nghe nói gì đến vấn đề này, trả lời ấp úng:-Thưa Trung tướng, tất cả những gì tôi được biết là chúng ta chỉ có một nhóm người nhỏ tại Úc mà thôi...Sau khi phi cơ cất cánh, Mac Arthur quay sang vừa cười vừa nói với Sutherland:-Bọn trẻ giống nhau cả, họ chẳng biết chuyện gì xảy ra...Phi cơ đáp xuống ngay giữa sa mạc cạnh một nhà ga xe lửa sau ba giờ bay. Hai toa xe lửa có trần chạm trổ được móc vào một đầu máy bằng đồng đỏ đang khạc ra từng quả cầu hơi nước trắng. Mac Arthur và đoàn tuỳ tùng ở trong các toa chật hẹp nhưng tiện nghi mà ghế bọc da sáng loáng và các màn cửa thêu dường như xưa cũ từ thời nữ hoàng Victoria. Đối với các hành khách nhọc mệt này thì đây là cả một góc thiên đường, là sự di dưỡng sau cơn ác mộng bom đạn, là sự nghỉ ngơi sau nhiều đêm tức trắng.Hôm sau, trong chuyến hành trình diệu vợi qua sa mạc, ông tướng xua đuổi các ưu tư bằng cách kể cho cậu bé Arthur, đầy kinh ngạc, nghe các cuộc phiêu lưu của những người Úc tiền phong: các cuộc tấn công xe ngựa bởi những tay "convicts" nổi loạn, các chiến tích rùng rợn của tên cướp Ben Joyce, mối đe doạ của đàn kangourous xuất hiện đột ngột bằng cách nhảy như một đám mây châu chấu...Tại Adelaide phải miễn cưỡng rời bỏ các toa xe nhỏ nhồi xóc của xứ thần tiên để bước lên các toa xe sang trọng do chính phủ Úc đặc biệt phái đến đón. Đối với cậu con, nếu không phải là đối với người cha, cuộc phiêu lưu điên cuồng đã chấm dứt.Sự thức tỉnh thật tàn bạo. Khi đến Melbourne, Mac Arthur sửng sốt biết rằng viên phi công trẻ tại Darwin đã nói đúng sư thật. Trên khắp nước Úc chỉ có độ chừng 25.000 quân Mỹ, gần như hầu hết là pháo thủ phòng vệ duyên hải, pháo thủ phòng không hay chuyên viên công binh. Không có đơn vị không quân nào, nhưng có 200 phi cơ phân tán trên khắp một lục địa cũng rộng bằng lãnh thổ Hoa Kỳ. Còn hơn thế nữa! Ngoài một lữ đoàn bộ binh vừa đến Perth, tất cả các sư đoàn bộ binh của Úc còn đang ở tại Trung Đông hay Ấn Độ. Không những không có vấn đề đạo quân viễn chinh để tái chiếm Phi Luật Tân, mà cũng chẳng còn gì để phòng vệ một lãnh thổ mông mênh cô quạnh như thế trên địa cầu mà phần cực bắc bị bao bọc bởi các quần đảo gần như hoàn toàn nằm trong tay Nhật.Tất cả những tin tức ấy rơi trên người ông như những hột mưa đá trong cơn giông tố. Mặt ông tái xanh. Lần đầu tiên trong đời ông suýt bị xỉu. Ông thì thầm qua làn môi mím chặt: "Xin Thượng đế giúp đỡ!" và khắp chặt mình trong toa xe lửa.May thay, một niềm khích lệ lớn lao chờ đợi ông ở cuối cuộc hành trình bất tận. Người đón tiếp ông đứng đen nghẹt sân ga, và khi ông bước xuống, tiếng hoan hô vang trời. Nhiệt tình đầm ấm đó cũng chờ đợi ông nơi Thủ tươớn Curtin, ông ta không giấu giếm là do sự khẩn nài cấp bách của mình, Tổng thống Roosevelt mới chỉ định ông. Vài giờ sau, ông phải bất ngờ đọc một diễn văn khác tại Quốc hội. Ông vẫn mặc bộ quân phục kaki bạc màu và chiếc nón kết khổng lồ viền lá sồi kim tuyến mà những cơn mưa lũ nhiệt đói đã làm méo mó phần nào. Mặc cho vẻ tiều tuỵ biểu lộ sự mệt mỏi ghê gớm, những lời ông nói ra đã làm rung động quả tim người lắng nghe ông. Ông nói với tất cả những người lạ mặt ấy rằng ông cảm thấy như đang ở nhà mình cùng với họ, rằng tất cả mọi người đều được kết nối chặt chẽ với nhau bằng dây liên lạc huyết thống, bởi cùng chung lý tưởng cùng yêu mến tự do và rằng ông đến đây để chiến thắng hay để cùng chết với họ.Mỗi người đều cảm thấy ông nói đúng và cái ông tướng có bộ dáng như một đại tài tử trở lại sân khấu này đã có một đức tính chủ yếu đối với họ: Ông có quả tim hoàn toàn kết chặt với phía thiện lương.

Ổn định và lật ngược thế cờ:Chu vi Đại Đông Á

Trong khi tại Đông Nam Á các trận đánh diễn ra như chúng ta vừa thuật lại, Hải quân Nhật đã bí mật nới rộng cuộc chinh phục đến các quần đảo nhỏ tại trung bộ Thái Bình Dương. Một số quần đảo đó như Mariannes, Carolines và Marshall, đã từng thuộc về họ trong trận đại chiến trước. Các quần đảo khác được đặt thuộc quyền uỷ trị của Mỹ, Úc hay Anh. Ngoài các đảo Wake và Guam được dùng làm trạm tiếp nối của Mỹ giữa Hạ Uy Di và Phi Luật Tân, không một quần đảo nào được đặt trong tình trạng phòng vệ, đến nỗi công việc chiếm hữu chúng trông giống như một cuộc đi dạo của lực lượng quân sự.Trong vùng Tây Nam Thái Bình Dương, cuộc tiến quân của Nhật cũng dễ dàng như thế. Sau khi chiếm đóng các đảo lớn Halmahera và Céram ở phía nam Phi Luật Tân, các bộ phận hải quân đến đóng tại Blak và trong vài hải cảng khác nằm trên bờ biển phía bắc của Tân Guinée.Tân Guinée là một hòn đảo rộng mênh mông, chỉ mình nó đã rộng gấp đôi quần đảo Nhật Bản, có hình dáng giống như một con khủng long bự và hơi gù lưng mà chiếc xương sống là một dãy núi dài 2.500 cây số bao phủ bởi một thứ rừng già rậm rạp nhất thế giới. Năm 1942 ngoài việc không thám sát dãy núi này, người Nhật cũng không tính chuyện vượt qua vì chẳng lợi ích gì, vì chính chiếc bụng của con khủng long cũng là một sa mạc rộng lớn. Phần duy nhất đáng chú ý của đảo là phần đuôi kéo dài của con khủng long vốn cũng bị dãy trường sơn chia đôi, nhưng tại hai viền Nam và Bắc lại có một loạt hải cảng tuyệt vời phía sau lan tràn một khu vực đầy tài nguyên khoáng sản và canh nông. Chính khúc đuôi giống như đoạn ruột thừa này đã được Tổng hành dinh Thiên hoàng lựa chọn. Vì không thể đến đó theo ngõ phía Nam do sự chật hẹp và các mối nguy hiểm của eo biển Torrès nằm giữa bụng con khủng long tại mũi York với mũi đất xa nhất của Úc châu, quân Nhật xâm chiếm theo ngõ phía Bắc. Các đoàn quân khởi hành từ đại căn cứ hải quân Truck, tháng 1 năm 1942 đã đổ bộ lên Nouvelle-Bretagne và Nouvelle-Irlande và đặt căn cứ vững chắc trong các hải cảng Rabaul và Kavieng. Chỉ cần bước một bước là có thể chiếm các hải cảng Lae và Salamaua tại Tân Guinée; cuộc hành quân này đã được thực hiện gần như chẳng phải đánh nhau gì cả, các đội quân trú phòng của Úc được lệnh rút lui dọc theo bờ biển cho đến tận Port-Moresby, hải cảng chính của bờ phía Nam.Giờ đây cái quạt khổng lồ đã trải ra từ Miến Điện cho đến quần đảo Kouriles. Nhờ chiếm hữu được hàng rào Mã Lai, bờ biển phía Bắc của Tân Guinée, Tân Bretagne và Tân Irlande, các quần đảo Gillbert và Marshall, Nhật Bản được đảm bảo bằng một chuỗi gần như liên tục các điểm tựa, cụ thể hoá vòng đai "chu vi Đại Đông Á" trên một đường bán kính trung bình 3.500 cây số chung quanh Đông Kinh. Bên trong chu vi này, Nhật Bản hoàn toàn rảnh tay khai thác các giếng dầu hoả, mỏ khoáng sản, đồn điền cao su, ruộng lúa, tóm tắt, tất cả nguyên liệu mà Nhật Bản thiếu.Cái giá phải trả cho những tài nguyên giàu có này thấp đến mức khó tin: Hải quân Nhật chỉ mất có năm phóng ngư lôi hạm, tám tàu ngầm và 50.000 tấn thương thuyền; Lục quân gần như đã bước ra khỏi cuộc phiêu lưu mà không bị sứt mẻ gì: 10.000 chết và 4.000 bị thương. Riêng phần thành tích chiến đấu của Hải quân, Lục quân và nhất là Không quân Nhật thì thật đáng sợ. Chín thiết giáp hạm, bảy tuần dương hạm, một hàng không mẫu hạm nhẹ (chiếc HMS Hermes bị tiêu diệt trên Ấn Độ Dương do phi cơ của Nagumo sau một cuộc đột kích tại Chlombo), vô số các chiến hạm nhỏ đủ loại, 200.000 tấn thương thuyền mà phần đông hàng hoá đều được thu hồi nguyên vẹn và đem ra sử dụng lại, không nói đến chừng 300.000 tù binh vừa quân sự vừa dân sự phải làm việc để xây dựng lại các đổ nát và tái lập sự khai thác canh nông và kỹ nghệ.Chính tai biến khổng lồ này đã đưa toà Bạch Ốc đến chỗ phải sửa đổi lại các kế hoạch. Quyết định "Germany first" đã đặt chiến trường Thái Bình Dương vào tình trạng lu mờ như ngọn đèn đêm, nhưng ngọn đèn đêm này hoàn toàn sắp tàn lụn. Hải quân Mỹ chỉ có tổng cộng, trên Thái Bình Dương, ba hàng không mẫu hạm nhờ phép lạ thoát khỏi cuộc oanh tạc tại Trân Châu Cảng và chừng mười tuần dương hạm. Chúng đã cố sức hoạt động đáng ca ngợi bằng cách thực hiện các cuộc đột kích bên ngoài vòng đai chu vi Đại Đông Á, nhưng vô ích, đấy chỉ là vết muỗi đốt trên da voi. Gia dĩ một trong các hàng không mẫu hạm ấy, chiếc Saratoga, lại rủi ro gặp một tàu ngầm Nhật và bị nó tặng một thuỷ lôi khiến phải chạy về nằm ụ tại San Francisco nhiều tháng trời. Như vậy là chỉ còn lại hai mẫu hạm-chiếc Lexington và chiếc Enterprise-để ngăn chặn hạm đội Nhật nếu nó muốn tái diễn cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng hay nới rộng vòng vây phía Nam để bao vây luôn Úc châu (Trong số ba mẫu hạm của hạm đội Thái Bình Dương, hai chiếc, Saratoga và Lexington được đóng năm 1927. Chúng được đóng bằng thân của các tuần dương hạm sau khi thay đổi cách sắp đặt bên trong nhiều lần để thích nghi với vai trò mới. Đấy là các chiến hạm chạy nhanh (33 gút) và cũng như các tuần dương hạm được võ trang 8 khẩu 203 ly, nhưng các cơ cấu dành cho phi cơ-đặc biệt là hầm chứa xăng-thì lại tương ứng với quan niệm của một kỷ nguyên khác. Song le, vì chúng di chuyển gần cả 40.000 tấn, lại có một phi đạo 280 thước, chừng 80 phi cơ chở trên mỗi chiếc có thể hoạt động dễ dàng. Trái với các lợi điểm đó, thành tàu quá cao và ống khói khổng lồ của chúng tạo thành một mục tiêu dễ bị trông thấy từ đằng xa. Chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba, chiếc Enterprise đóng năm 1938, và các nhà chế tạo đã biết lợi dụng kinh nghiệm thu thập được với các chiếc trước. Nó chỉ chở được 20.000 tấn, nhưng vì nó chỉ được trang bị súng phòng không, nó có thể chuyên chở cùng một số lượng phi cơ như hai chiếc trên. Hơn thế nữa nó còn có ưu điểm trội hơn là rất dễ vận dụng và các cơ cấu kiến trúc liên quan đến phi cơ đều toàn hảo). Đấy chính là các đe doạ có mức độ trầm trọng đối với Hoa Kỳ đến nỗi chính sách diên trì không thể nào tiếp tục được nữa. Vả chăng công luận đã bắt đầu xì xầm và báo chí thì đặt tít lớn: "Hạm đội trở thành cái quái gì rồi?" Sau khi một tàu ngầm Nhật táo tợn đến nỗi dám đến oanh tạc ban đêm vào các giếng dầu tại Texas, nội vụ sắp đến chỗ bùng nổ. Kể từ khi có vụ bãi chức các con vật tế thần, Bộ Tư lệnh tối cao Hải quân được cải tổ hoàn toàn. Đô đốc King, trở thành tư lệnh hạm đội thế chỗ Đô đốc Stark, là một người có khí phách khác hẳn. Ông không bao giờ chấp nhận chịu đựng gian không than vãn các quyết định không ăn khớp. Nhờ vừa nắm quyền tư lệnh hạm đội Đại Tây Dương, ông có cơ hội thuận tiện để trình bày với Tổng thống về ưu tiên của cả hai chiến trường. Ông xung đột rất nặng với Bộ trưởng Hải quân Anh, Sir Dudley Pound vì theo như lời lên án của ông, thì đã không chịu tôn trọng lời cam kết tại Đông Nam Á và quá "ỷ lại" vào Hải quân Mỹ để hộ tống các đoàn công voa Anh. Vì lối ăn nói thẳng thừng như thế cho nên các cuộc can thiệp của ông tại Bộ tham mưu hỗn hợp liên quân thường được đánh dấu bằng các vụ la lối ầm ỹ.Người thay thế Kimmel đứng đầu hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Nimitz, lại là một con người khác hẳn. Chính ông cũng là một cấp chỉ huy đầy nhiệt tâm, nhưng cách hành động thì uyển chuyển hơn. Sự khéo léo và các biện pháp mà nhờ đó ông biết cách nắm một hạm đội Thái Bình Dương mất tinh thần sau vụ Trân Châu Cảng đã đảm bảo cho ông sự hậu thuẫn của tất cả các cấp thuộc quyền. Chỉ có trong tay hai mẫu hạm và mười tuần dương hạm, ông phải liên tục bổ khuyết yếu điểm. Tình trạng của ông cũng giống như một lính chữa lửa, để dập tắt đám cháy mà chỉ có một vòi phun nước bị thủng nhiều lỗ luôn luôn phải buộc đầu này thắt đầu kia. Bất kể sự tận tuỵ vô điều kiện của thuộc viên và sức chịu đựng dẻo dai lạ kỳ mà các chiến hạm của hạm đội từng chứng tỏ, tình trạng khốn khó này không thể kéo dài thêm. Nhờ sự khẩn nài của King, hàng không mẫu hạm Yorktown được gọi yừ Đại tây dương đến nhập vào hạm đội Thái Bình Dương. Sự tăng viện này giúp Nimitz thành lập ba "lực lượng đặc nhiệm", mỗi lực lượng tiếp hợp chung quanh một hàng không mẫu hạm. Hệ thống tổ chức này cho thấy mềm dẻo hơn và thích nghi với tình hình dễ hơn là hệ thống hạm đội cũ. Trên nguyên tắc do một Đô đốc chỉ huy, các lực lượng đặc nhiệm này có thể gồm có một tuần dương hạm và khu trục hạm thay đổi, chúng có thể được tập trung cho một sứ mạng xác định và sao đó lại trở về tình trạn tự trị. Chính các Đô đốc cũng vậy, họ cũng có thể thay phiên nhau chỉ huy lực lượng này hay lực lượng kia. Hệ thống tổ chức do hoàn cảnh bắt buộc ấy đã mang lại những kết quả tốt đẹp đến nỗi được tổng quát hoá và kéo dài cho đến hết chiến tranh.Vừa mới nhận được chiếc Yorktown tăng cường, Đô đốc Nimitz liền phái nó đến nhập đoàn với chiếc Lexington tại vùng biển Corail để thực hiện toan tính oanh tạc Rabaul đã từng bị thất bại. Cuộc hành quân dự liệu vào ngày 10 thaán 3 năm 1942 cũng không mang lại kết quả hơn lần trước, vì lẽ Rabaul có một tổ chức canh phòng quá chặt chẽ. Phó Đô đốc Brown chỉ huy lực lượng đặc nhiệm đã chứng kiến tinh thần hiếu chiến của các phi công khu trục Nhật, nên tính toán rằng hy sinh các phi công oanh tạc cơ của mình là điều vô ích. Do đó ông quay trở về nhưng lại lấy một quyết định rất thích nghi là đưa lực lượng đến Port-Moresby và cho oanh tạccơ cất cánh ra khởi bằng cách vượt lên trên dãy núi Owen Stanley-dãy núi chia đuôi của con khủng long ra làm hai phần Nam Bắc-để bất ngờ oanh tạc hai hải cảng Lae và Salamaua. Sự xuất hiện đột ngột của các oanh tạc cơ Mỹ trên các sườn núi đã thoát khỏi tầm khu trục cơ Nhật và các cơ sở hải cảng bị trúng vài quả bom. Những thiệt hại vật chất không đáng kể, nhưng hiệu quả tinh thần thì rất quan trọng. Nói chung thì đó là lần đầu tiên phi cơ Mỹ biểu dương sức mạnh, các giới chỉ huy Nhật thật không bao giờ lại có thể tưởng tượng đó là chính các phi cơ của các hàng không mẫu hạm mà họ đã đẩy lùi 15 ngày trước đó tại Rabaul. Họ tin là chúng từ Port-Moresby đến và do đó ước tính quá cao các phương tiện mà lực lượng trú phòng Úc và Tân Tây Lan có trong tay tại Tân Guinée.Trong thực tế các phương tiện này chỉ là số không. Tại Port-Moresby chỉ có hai phi đạo không được sửa soạn kỹ, nên chỉ có các khu trục cơ là có thể cất cánh. Mac Arthur cũng mới đặt chân đến Úc châu cùng ngày hôm đó, chưa hề có chỉ thị, lẫn chiến hạm và binh sĩ nào để tăng viện cho đội quân trú phòng đang ngoắc ngoải gồm 7.000 người mất tinh thần và bị bệnh sốt rét quật ngã ấy. Nếu quân Nhật đẩy mạnh thêm về phía nam thêm một mũi tấn công nữa thì họ đã lấy được Port Moresby cũng như toàn thể phần còn lại rồi. Đô đốc Inoue chỉ huy hạm đội thứ 4 và không đoàn 24 không hải quân đã không tin rằng nên thực hiện sáng kiến này, do đó đã bỏ qua một cơ hội chắc sẽ không bao giờ còn đến lại nữa.Tóm tắt, trong các huấn thị của Inoue, không có điểm nào có thể chính thức hoá một sáng kiến như thế. Tổng hành dinh Thiên hoàng rất chia rẽ nhau về một cơ hội mới nhằm bành trướng vòng đai chu vi Đại Đông Á. Lục quân thì vì đang tung ra toàn diện lực lượng tại Miến Điện hầu cắt đứt những liên lạc cuối cùng giữa Trung Hoa và Đồng minh cho nên nhất định không chịu phân tán lực lượng của mình trên một chiến trường thuần tuý thuộc Hải quân vốn là thứ yếu đối với Lục quân. Chính bản thân Yamamoto, người đã thực hiện xong tất cả các mục tiêu của kế hoạch miền Nam, cũng muốn giữ phần chủ lực của hạm đội liên hợp trong hải phận bản quốc, ngày nào mà ông còn chưa hết chuyện với các lực lượng hải quân Mỹ. Theo ý ông, điểm yếu của vòng đai chu vi nằm về phía đông và đông bắc, nơi đó, dãy quần đảo Hạ Uy Di và Aléoutiennes-vẫn luôn luôn nằm trong tay quân Mỹ-nh chĩa một mũi giáo nhọn hướng ngay vào quả tim Nhật Bản. Ngày nào chưa chiếm được đảo san hô Midway và các đảo Atu và Kiska, thì nền an ninh của quần đảo Nhật Bản còn chưa được đảm bảo. Và nếu, điều này rấy có thể xảy ra đối phương tung ra tất cả lực lượng hải quân vào trận chiến để phòng vệ các pháo đài chủ yếu này thì đây là một cơ hội rất tốt để tiêu diệt chúng nhờ ưu thế số lượng vĩ đại của hạm đội liên hợp. Tình thế thật khá nghịch thường, chính Đô đốc Nagano, Tổng Tham mưu trưởng Hải quân vốn là người luôn luôn hoà dịu, lại trở thành người biện hộ cho sự bành trướng vòng đai chu vi trong vùng phía Nam Thái Bình Dương. Ông ước tính rằng phải chiếm Port-Moresby và quần đảo Salomon ngay lập tức bằng cách lợi dụng tình hình rối loạn toàn diện của Đồng minh trong khu vực này. Bằng cách khoá chặt vùng biển Corail trước Úc châu Nhật sẽ loại từ các căn cứ xuất phát cho một cuộc phản công mai hậu, và hành động này chỉ phải trả giá bằng một sự nối dài vô nghĩa lý các đường giao thông liên lạc mà thôi. Có lẽ ông ta hy vọng rằng luận cứ chót ấy sẽ làm Yamamoto hết đường biện bạc với kế hoạch tấn công vào Midway mà ông ta xét đoán là quá liều lĩnh. Thật vậy vấn đề đường giao thông liên lạc đã được đặt ra với tất cả mẫn nhuệ vì các khoảng cách quá lớn lao giữa các giếng dầu vừa chiếm được và các xưởng lọc dầu tại chính quốc. Sự huỷ diệt phần lớn các xưởng lọc dầu trên các đảo bị chinh phục khiến cho Nhật cần phải gửi dầu thô về nước và phải gửi lại các loại nhiên liệu bằng tầu dầu để tiếp tế cho lực lượng Hải quân và không quân; từ đó phát sinh cả một hệ thống giao thông vĩ dại treê một đoạn đường 6.000 hải lý (11.000 cây số), đặc biệt rất dễ bị tàu ngầm địch tấn công lại thêm vào đó phí tổn trở nên cực kỳ đắt đỏ. Một sự bành trướng mới vòng đai chu vi về hướng quần đảo Aléoutiennes và Midway sẽ gia tăng thêm một dịch vụ chuyên chở phụ tới trên một đoạn đường khứ hồi dài 4.000 hải lý mà hạm đội thương thuyền Nhật không thể nào cáng đáng nổi một cách lâu dài.Trong khi tại Đông Kinh các cuộc thảo luận cực kỳ sôi động giữa người ủng hộ và kẻ chống đối các kế hoạch tương lai, King theo đuổi một cách có phương pháp công việc tổ chức phòng vệ những điểm tựa cuối cùng của ông trên Thái Bình Dương. Quần đảo Samoa đã nhận được một trung đoàn Thuỷ quân lục chiến (Là một đơn vị tự trị của quân đội Mỹ, có pháo binh, chiến xa và không lực riêng) và một lực lượng viễn chinh 17.000 người đã được gửi đến Tân Calédonie và được Toàn quyền Pháp Sautot, mới ngả theo phe Pháp quốc Tự do rộng tay đón tiếp. Các đảo san hô Palmyre, Canton và Christmas được sửa sang lại thành trạm tiếp nối cho các phi cơ bay ngang qua Thái Bình Dương và 4.000 kỹ thuật gia ra sức làm việc để xây cất một căn cứ tiếp liệu cho chiến hạm tại Borabora trong các quần đảo thuộc Pháp. Về phần mình, Tân Tây Lan cũng đã tăng viện cho quân trú phòng trên quần đảo Fiji và Úc cũng đã làm như thế tại Port-Moresby.Rồi đến vấn đề định giới hạn trách nhiệm của các giới chức Hải quân và Lục quân, nghĩa là giữa Nimitz và Mac Arthur. Ý định đầu tiên của Roosevelt là giao cho Mac Arthur một thẩm quyền chỉ huy tuơng ự như cuủaavell trong cơ cấu ABDA bao trùm không phân biệt Hải hay Lục quân. Nhưng cả Marshall lẫn Nimitz không ai ưa Mac Arthur. Rõ ràng là họ sợ các phản ứng của ông và nết cứng đầu đến trở thành chuyện truyền kỳ của ông. Marshall thì sợ rằng ông không còn tâm trí mềm dẻo cần thiết để thích nghi với một quyền chỉ huy chưa từng có trong lịch sử, trong đó chiến hạm và phi cơ sẽ đóng vai trò ưu thế. Về phần King, thì không muốn nghe nói đến chuyện một Đô đốc lại thuộc quyền một tướng lĩnh bộ binh-và nhất là cái ông tướng ấy. Như vậy, họ đồng ý về nội dung, nhưng sự áp dụng xem ra cực khó. Làm sao có thể phân chia một chiến trường hoàn toàn gồm có các vùng biển mênh mông rải rác vô số đảo lớn đảo nhỏ, hay đảo san hô mà không có đặc điểm nào giúp phân biệt đảo này với đảo kia được chứ? Cuộc thảo luận kéo dây dưa đến mức Roosevelt quyết định giải quyết lấy một mình. Cố vấn Harry Hopkins của Tổng thống chủ trương rằng, nghiêng người trên một bản đồ Thái Bình Dương, ông vạch một đường viết chì theo một kinh tuyến lướt qua Phi Luật Tân và quyết định những gì xảy ra bên trái là thuộc Mac Arthur và những gì ở bên mặt thì về phần Nimitz. Phần chia cắt bất hợp lý này ít ra cũng được một điểm là đơn giản, và ai nấy đều vui vẻ nghe theo. Các huấn thị chi tiết được soạn thảo rất lâu, nhưng chúng có một đoạn mở đầu thật phân minh: "sứ mạng của ông là ngăn chặn quân địch trong các giới hạn hiện thời và sự chuẩn bị cho một cuộc phản công trong tương lai. Thật ngắn gọn, thật hay, và không ai đòi hỏi gì thêm.Nimitz đòi hỏi ngay một Phó Đô đốc để được uỷ quyền chỉ huy tại chỗ các lực lượng đặc nhiệm đang hành quân trong khu vực Đông Nam Thái Bình Dương. King chỉ định Đô đốc Ghormeley, bản doanh của ông này được đặt tại Auckland thuộc Tân Tây Lan. Như thế, ngay trong tình thế hỗn loạn, một tổ chức chỉ huy khởi điểm đã được thành hình, cũng có giá trị như một tổ chức kia, bởi vì, sau khi được chiến trận thử thách, nó kéo dài không thay đổi cho đến cuối cùng.

Ba mươi giây trên Đông Kinh

Không một cuộc cải tổ ngoạn mục nào đã được thực hiện trên đây có thể vuốt ve được công luận Mỹ vốn phải ngậm đắng nuốt cay từ hơn bốn tháng qua. Người ta đã ráng sức làm cho công luận vui lòng với các câu chuyện tường thuật các cuộc không chiến 1 chống 10 diễn ra tại Trung Hoa dưới sự điều khiển của Tướng Claire Lê Chennault, người sát cánh với Tưởng Giới Thạch nắm quyền chỉ huy không lực Trung Hoa và nhóm American Volunteer Group, do ông ta đứng ra tuyển mộ từ năm 1939. Mặc dầu đấy là các chiến công vũ dũng phi thường, chúng chỉ chứng tỏ cho dân chúng Mỹ biết rằng trong giới trẻ tuổi Hoa Kỳ có những thanh niên can đảm tuyệt vời, nhưng vì không bao giờ nghi ngờ gì đến sự kiện đó, sự tường thuật các chiến công này càng làm trầm trọng tổng mối oán hận sự bất lực của các giới lãnh đạo.Với ý thức vận động quần chúng bén nhạy, Roosevelt hiểu rằng phương cách duy nhất để tái lập lại lòng mến chuộng của dân chúng là tổ chức một hành động lừa dối ngoạn mục mà ông vừa có ý tưởng thoáng qua. Cơ hội đã đến do một Đại tá phi công thuộc Lục quân Mỹ, chuyên viên oanh tạc, tác giả một kế hoạch mà mục tiêu không hơn không kém là ném bom xuống Đông Kinh. Điểm xứng đáng nơi Tổng thống là quan tâm đến kế hoạch này, một kế hoạch mà ban sơ vào thời kỳ đó dường như phát sinh từ một dưỡng trí viện.Viên Đại tá, tên James Doolittle, cam đoan là có thể cất cánh từ một hàng không mẫu hạm với các oanh tạc cơ trung bình B-25 Mitchell vừa mới được mang ra sử dụng, bay đi ném bom xuống Đông Kinh rồi sau đó cầu may bằng cách cố bay đến Vladivostok hoặc tất cả phi trường bạn trên lãnh thổ Trung Hoa. Roosevelt ra lệnh cho chỉ huy trưởng không lực thuộc Lục quân và các chuyên viên không lực thuộc Hải quân nghiên cứu dự án này. Tất cả đều có ý kiến rằng mặc dầu quá táo bạo, nhưng cũng có đủ may mắn để thành công, nên thử. Thoạt tiên có vẻ lơ là, Đô đốc King sau này cũng để cho bị thuyết phục vì ông thấy đã có hàng không mẫu hạm Hornet chiếc mới nhất cùng loại với các mẫu hạm Yorktown, Enterprise vừa chấm dứt chạy thử sau nhiều sự thay đổi. Vì chiếc mẫu hạm này cần thực hiện một chuyến hải hành để thử sức chịu đựng, cơ hội này rất tốt để thử thách nó mà không vì thế làm chậm trễ sự tham chiến của nó trên chiến trường Thái Bình Dương.Ngày 4 tháng 4 năm 1942, hàng không mẫu hạm Hornet nhổ neo từ San Francisco với 16 oanh tạc cơ B-25 đậu trên sàn, và 80 phi công sẽ lái chúng bay đi tấn công. Sau cuộc ghé bến Trân Châu Cảng và được thông báo các tin tức cuối cùng về các phi trường có thể đáp xuống được tại Trung Hoa, chiếc Hornet lại khởi hành đến một điểm hẹn với lực lượng đặc nhiệm chung quanh chiếc Enterprise do Phó Đô đốc Halsey chỉ huy và sẽ hộ tống nó cho đến cách bờ biển Nhật Bản 700 cây số và sau đó đưa nó trở về hải cảng sau khi phóng các phi cơ lên không.Phần đầu của cuộc hải hành không xảy ra chuyện gì, nhưng bình minh ngày 8 tháng 4 năm 1942 (ngày theo Đông Kinh), lúc đi vào hải phận do Nhật kiểm soát, lực lượng đặc nhiệm thấy một chiếc phóng ngư lôi hạm địch. Hải pháo của các hộ tống hạm hành động tức khắc và đánh chìm chiếc tàu chiến của Nhật lúc ấy dại dột muốn cắt ngang đường của hạm đội Mỹ. Trước biến cố bất ngờ này, Doolittle và Halsey kinh hoàng. Làm sao biết được liệu trước khi chìm, quân Nhật có kịp gửi đi lời kêu cứu SOS và báo động Đông Kinh hay không? Tung ngay cuộc tấn công trước giờ ấn định há chẳng hơn sao? Chiếc Hornet còn cách duyên hải Nhật đến 1.200 cây số, một khoảng cách vượt quá xa mức dự liệu, nhưng đó là cách duy nhất chắc chắn có thể đến được mục tiêu trước khi nhà cầm quyền Nhật cho áp dụng các biện pháp đề phòng.Trong một chớp mắt quyết định đã dứt khoát. Doolittle bình tĩnh ra lệnh và đích thân xem xét mọi thứ sẵn sàng. Động cơ của 16 oanh tạc cơ bắt đầu nổ và Doolittle leo lên chiếc đầu tiên. Đến 8 giờ 18 phút, ông nhả thắng và chạy trên phi đạo đầy bọt nước biển do các lượng sóng cao phủ lên. Giờ phút ấy thật cảm động. Ai cũng rung sợ phải thấy chiếc phi cơ của vị chỉ huy đâm xuống biển. Mặc dầu sóng lớn, ông Đại tá đã cất cánh theo một kiểu cách hoàn hảo. Lợi dụng các đợt sóng nhấp nhô, 15 chiếc khác cất cánh tiếp theo cách nhau vài phút. Từ trên đài chỉ huy chiếc Enterprise, Đô đốc Halsey đưa mắt nhìn theo một lát rồi ra lệnh cho hạm đội mở hết tốc độ quay trở về Trân Châu Cảng, vì lúc bấy giờ hạm đội đang ở sâu quá trong vòng bán kiín hoạt động của các thuỷ phi cơ thám sát thuộc hải quân Nhật.Trong lúc đó, đoàn oanh tạc cơ tập họp thành đội hình, và bay là là mặt biển để tránh khỏi bị rada đối phương khám phá, hướng thẳng đến Đông Kinh. Trên suốt đường bay, phi đoàn không hề gặp một phi cơ nào của địch. Trong thực tế, trước khi bị chìm, chiếc tàu tuần tiễu của Nhật đã kịp gửi đi hiệu lệnh kêu cứu và chỉ rõ vị trí của mình. Khoảng cách với duyên hải xa quá khiến cho tín hiệu mơ hồ đến nỗi Bộ Tư lệnh Nhật không tin là phải báo động ngay tức khắc cho các lực lượng không quân. Cuộc đột kích của Doolittle được thực hiện đều đặn như kim đồng hồ xoay. Giữa trưa, trong khi các đường phố Đông Kinh đang bày cảnh náo nhiệt thường lệ, tiếng phi cơ gầm thét làm mọi người ngước mặt nhìn lên. Ai cũng nghĩ là một cuộc biểu dương sức mạnh mới của không quân và sau vài phút ngưỡng mộ, lưu thông trở lại nhịp bình thường. Nhưng tiếng bom đầu tiên nổ và tiếng cao xạ DCA đã mau lẹ biến niềm say sưa chiến thắng êm dịu ấy thành thái độ sửng sốt. Đám đông hỗn loạn ùa chạy để kiếm chỗ ẩn thổ sơ trong vài ngôi nhà đúc tại khu vực trung tâm. Các xe chữa lửa chạy như bay trong các đường phố chật hẹp trong khi còi báo động hú vang. Và khi khói lửa từ các đám cháy bốc cao lên bầu trời trong tiết xuân kế cạnh Hoàng cung, sự sửng sốt của quần chúng biến thành sự kinh hoàng.Tại Tổng hành dinh Thiên hoàng, các chức sắc cao cấp sửng sốt đến nỗi phải một lát sau họ mới quyết định được các biện pháp, Nagano ra lệnh cho Yamamoto cho hạm đội nhổ neo ngay lập tức. Tất cả các khu trục cơ của Nhật đều cất cánh để ngăn chặn. Nhưng đã quá trễ! Đoàn B.25 đã bay đi mà không cần biết đến kết quả. Cả 16 chiếc đều bình an, nhưng chúng còn phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Số xăng rất ít còn lại không cho các phi công cơ may bay đến các phi trường Trung Hoa. May thay một luồng gió mạnh từ đằng sau đẩy họ về phía lục địa Á châu, nhưng những cơn giông và thì giờ chậm trễ đã làm họ mất khả năng định hướng.Những thử thách gay go đang chờ đợi họ. Các sự bố trí để đón họ trên các phi trường Trung Hoa đã không được nghiên cứu kỹ. Vì các lý do phải giữ bí mật, người ta đã lơ đễnh không báo trước rằng họ sẽ đến, cho một người duy nhất có thể đảm bảo sự thành công của họ: Tướng Claire Lee Chennault, người vẫn luôn luôn ở bên cạnh Tưởng Giới Thạch nhưng giờ đây là Tư lệnh Không lực 14 của Mỹ. Ông tướng ấy là một Outsider, một người ngoài, vốn đã rời khỏi quân đội từ nhiều năm qua và được gọi trở lại phục vụ trong những điều kiện giống y như Mac Arthur nghĩa là do các biến cố thúc đẩy. Những đấng thanh giáo tại Ngũ giác đài coi ông như là một người làm trò múa rối vì ông coi thường các quy tắc ước lệ và đã cách mạng hoá chiến thuật săn giặc bằng cách bắt các phi công tập nhào lộn từng nhóm thường làm quan khách rùng mình. Nhưng kinh nghiệm cho thấy ông có lý và các kết quả phi thường đạt được trong các cuộc không chiến chống Nhật tại Trùng Khánh và Miến Điện, trong lúc trên khắp tất cả các chiến trường khác Không quân Mỹ chỉ ghi nhận toàn thất bại, đã bắt buộc Bộ Tổng Tư lệnh phải xin lỗi. Chennault đã tổ chức một hệ thống canh chừng trải dài cho đến tận khu vực bị chiếm đóng của Trung Hoa. Vậy thì chắc chắn là ông có thể hướng dẫn các oanh tạc cơ của Doolittle đến các phi trường yên ổn. Nhưng vì lý do bí mật, người ta đã lơ là không chịu báo tin cho ông.Kết quả thật thê thảm. Ngay khi bay đến được bờ biển, các phi công nhận thấy rằng tìm một phi trường để đáp trong bóng tối bi thảm này là một điều gần như không thể được. Doolittle và phi hành đoàn, chiếc đầu tiên, nêu gương, và nhảy dù ra khỏi phi cơ. Họ được phi haàn đoàn 9 chiếc khác bắt chước ngay, 50 chiếc dù mở ra trong đêm tối, một chiếc bị tréo dây làm cho một quân nhân thiệt mạng. Các chiếc B-25 khác toan tính đáp xuống đất ngay khi họ lờ mờ phân biệt được hình dáng bờ biển, và họ đã gặp nhiều hoàn cảnh bất ngờ khác nhau. Một chiếc rơi xuống biển nhưng khá gần bờ nên phi công và phi hành đoàn bơi vào bờ được. Một chiếc khác lật úp trong ruộng lúa, may thay không bị thiệt hại nhiều. Chiếc thứ ba có số phận bi thảm hơn: đâm xuống một giải cát và tất cả phi hành đoàn đều bị thương ít nhiều. Trong số ba chiếc còn lại, một chiếc bay hướng về Mãn Châu và đáp xuống được cách Vladivostok 35 cây số. Hai chiếc khác rơi và giữa vùng bị Nhật kiểm soát. Trong số 10 nhân viên phi hành, hai người bị chết đuối trong khi cố gắng thoát ra khỏi phi cơ, 8 người khác bị bắt ngay. Bị kết án là đã oanh tạc vào vị trí không có tính cách quân sự, họ bị mang ra xét xử. Hai sĩ quan và một trung sĩ bị tử hình và bị treo cổ sau khi bị tra tấn, năm người bị đưa vào trại tập trung trong đó một người bị chết ngày vì kiệt sức.Nhờ may mắn lạ kỳ, phần đông các phi công khác đều sống sót sau cuộc phiêu lưu kinh hồn. Nhờ sự tận tuỵ của nông dân Trung Hoa đến đón, họ thoát khỏi các đoàn tuần tiễu Nhật, và đến được Trùng Khánh sau không biết cơ man nào là nghịch cảnh. Sau nhiều tháng lo âu chờ đợi người ta được biết rằng trong số 80 nhân viên phi hành của chiếc Hornet chỉ có 8 tử trận hay bị mất tích. Rõ ràng đấy là một tỷ lệ nhỏ bé so với một cuộc đột kích táo bạo nhất trong lịch sử. Nhưng không có một chiếc B-25 nào kịp thời được thu hồi lại cả. Là người rất cần các phi cơ này và biết rằng có thể cứu chúng thoát nếu được báo tin, Chennault đã phản đối Ngũ Giác Đài một cách dữ dội. Hố chia cách giữa con người đởm lược ấy và các thượng cấp của ông sau đó không ngừng rộng thêm ra-làm cho nước Mỹ bị thiệt hại nhiều nhất, bởi vì đó không những chỉ là chiến thuật gia lỗi lạc nhất về không lực săn giặc, mà còn là người Mỹ duy nhất có các dữ kiện hính xác nhất về Trung Hoa và dân tộc xứ ấy.

Đêm canh cừng chiến trận

Kết quả đầu tiên của vụ đột kích Doolittle là đặt lại trên bàn hội nghị của Tổng hành dinh Thiên hoàng vấn đề vòng đai chu vi Đại Đông Á còn bỏ dở dang. Sau cuộc nghiên cứu các B-25 mà những mảnh vụn được tìm thấy tại trung Hoa, phải chấp nhận một sự thật hiển nhiên: các phi cơ này cất cánh từ trên một hàng không mẫu hạm. Chứng cớ cho thấy rằng quần đảo Nhật bị bỏ trống trải trên các mạn sườn phía bắc và phía đông. Một lần nữa Yamamoto đã thấy đúng. Cần phải áp dụng kế hoạch tấn công Midway của ông để ngăn không cho Thiên hoàng bị xúc phạm theo kiểu này một lần nữa. Trái bom duy nhất rơi vào trong ngự viên tại hoàng cung đã dấy lên một sự xúc động mà toàn diện mọi người đều cùng lúc cảm thấy.Song lẽ, vì các mệnh lệnh liên quan đến cuộc xâm chiếm quần đảo Salomon phía bắc và hải cảng Port-Moresby đang được xúc tiến thi hành, Tổng Tư lệnh Nagano khẩn nài để cho các cuộc hành quân này được tiếp tục. Nhật Bản đang ở vào cực điểm của sức mạnh; do đó rất có thể mở cuộc tấn công cùng lúc trên cả hai mặt trận. Yamamoto chịu điều khiển cuộc hành quân mà không kêu gọi hai hàng không mẫu hạm đang canh chừng ngoài khơi Salomon. Lực lượng của hạm đội liên hợp có sẵn trong vùng hải phận chính quốc-4 hàng không mẫu hạm lớn, 2 mẫu hạm nhẹ, và toàn diện hạm đội thiết giáp hạm đối với ông có vẻ đủ để chiếm Midway và quần đảo Aléutiennes.Yamamoto rời Đông Kinh với thẩm quyền toàn diện do Bộ Tổng tham mưu giao phó cho, và trở về soái hạm-chiếc thiết giáp hạm khổng lồ Yamamoto-để chỉnh bị lại các kế hoạch hành quân. Tay cao cờ điên cuồng này sắp làm tiêu tan hẳn hay gia tăng gấp đôi danh tiếng vang lừng là một lãnh tụ chiến tranh của mình.Tại Mỹ, cuộc đột kích Doolittle đã làm bùng lên một niềm phấn khởi lạ kỳ. Báo chí bất chấp liêm sỉ phóng đại tầm quan trọng của các thiệt hại vật chất đã được giáng lên đầu người Nhật, và tung ra một tấm màn trinh liệt che đậy các điều kiện tiếp đón các phi hành đoàn tại Trung Hoa. Công luận lắng dịu một thời gian. Như vậy là mục tiêu đã đạt được.Không bị xúc động vì niềm say sưa chiến thắng hời hợt này, King không có ảo tưởng nào đối với những ngày sắp đến mà nay đang được chuẩn bị. Chiếc máy trứ danh Système Magic, vốn đang có vẻ gục từ vụ Trân Châu Cảng, vừa mới bừng tỉnh dậy ít lây nay. Cho đến lúc đó nó chỉ được khai thác để mở các khoá mật mã ngoại giao; mệnh lệnh im lặng vô tuyến dược các chiến hạm Nhật tôn trọng triệt để không cho phép thu thập đủ yếu tố thiết lập lưới mật mã của địch. Nhưng giờ đây, nhiều hạm đội Nhật được rải ra trong vô số căn cứ Hải quân phía Nam Thái Bình Dương, chúng trao đổi tín hiệu cho nhau theo một loại mật mã PK-2 mà các chuyên viên điều khiển Magic đã giao phó cho sự khôn ngoan của bộ máy kỳ diệu này. Kể từ giữa tháng 4 năm 1942, khối lượng các tín hiệu này cho phép nghĩ rằng có cái gì rất đáng nghi đang bắt đầu tại phía Nam và King đã yêu cầu các chuyên viên giải mật mã gia tăng nỗ lực gấp đôi để chọc thủng màn bí mật của khoá PK-2. Vào cuối tháng, họ gần như đã đạt kết quả và King đã có thể báo trước cho Nimitz cuộc đổ bộ rộng lớn của Nhật phía Bắc Salomon và tại Port-Morseby.Thật dúng lúc! Hai mẫu hạm Enterprise và Hornet đã không trở về hải cảng sau chuyến khứ hồi nhằm hướng Đông Kinh chiếc Lexington thì có mặt tại Trân Châu Cảng để được tiếp tế và cho thuỷ thủ đoàn nghỉ ngơi đôi chút, sau khi liên tục chiến đấu từ đầu; chiếc Yorktown đang được chăm sóc lại tại Tongatabu (quần đảo Fiji). Nimitz liền ra lệnh cho hai chiếc sau nhổ neo đến điểm hẹn ngày 30 tháng 4 cùng với các tuần dương hạm có mặt tại phía Nam. Hơn nữa ông hứa với Ghormley là sẽ phái cho ông chiếc Enterprise càng sớm càng tốt. Giao cho Đô đốc Fletcher lực lượng đặc nhiệm được cấu tạo như thế, ông chỉ ra một huấn thị ngắn gọn "chống lại cuộc đổ bộ của địch và tiêu diệt hải lực địch".Ngày 2 tháng 5 năm 1942 các hàng không mẫu hạm Mỹ tiến vào biển Corail theo ngõ phía Nam đang ngay lúc vài tuần dương hạm Nhật hộ tống vài dương vận hạm đến Tulagi men dọc theo đảo lớn Bougainville mà một phần đã bị Nhật chiếm đóng. Một "trinh sát viên cận duyên" người Tân Tây Lan ở lại đảo cho đến phút chót và rút lui về Santa-Isabel cùng với chiếc máy phát tin bằng một xuồng của người bản xứ, đã cung cấp tin này cho Tổng hành dinh của Mac Arthur, Fletcher đã được báo trước, liền cho một phi cơ trinh sát cất cánh lúc rạng đông ngày 3 tháng 5. Ông nhận được điện vắn tắt sau; "Chiến hạm tập trung trong hải cảng Tulagi".Bắt đầu quen thuộc với biển Corail, Fletcher biết ngay Tulagi nằm ở đâu. Một hòn đảo nhỏ không có gì quan yếu, bị vô số đảo nhỏ bao bọc chung quanh, nhưng có thể neo chiến hạm rất tốt và được chọn lựa vì vị thế trung tâm như là thủ đô hành chính của quần đảo Salomon. Ông nghĩ rằng phải toan tính để trục quân Nhật ra khỏi đấy. Các hàng không mẫu hạm Yorktown và Lexington được lệnh men theo bờ phía Nam đảo Guadalcanal và phóng các oanh tạc cơ vượt ngang qua các rặng núi trên đảo xa để xuất hiện đột ngột từ trên các chiến hạm địch đang bỏ neo tại Tulagi. Đến trưa ngày 3 tháng 5 năm 1942, các phi công trở về gần như toàn vẹn. Cứ theo lời họ thì quân Nhật hoàn toàn bị đánh bất ngờ và cửa biển Tulagi ngập đầy xác tàu. Đối với ngày chiến thắng đầu tiên các phi công Mỹ còn quá lạc quan hơn cả những đồng nghiệp Nhật Bản của họ...Sau khi đi lại tuần phòng đến tối một cách vô ích vì không thu được tin nào mới về lực lượng hải quân địch, lực lượng đặc nhiệm của Fletcher chạy xuống phía nam để kịp đến điểm hẹn vào bình minh hôm sau với chiếc tàu dầu vĩ đại Neosho sẽ đến tiếp tế cho các chiến hạm.Công cuộc tiếp tế kéo dài suốt ngày 4 tháng 5. Công việc kéo ngang các vòi dầu cặn giữa các chiến hạm đang chạy, việc chuyển giao thư từ do chiếc Neosho mang đến việc trao vài tân binh đổi lấy các quân nhân trừ bị được giải ngũ, đã tạo nên không khí náo nhiệt và đầy lạc quan gữa các thuỷ thủ đoàn. Rồi cuộc tuần hành lại tiếp tục hướng về bắc, và đêm tối trải qua mà không có biến cố nào làm rộn chuyến hải hành bình yên này. Đô đốc bắt đầu nghi ngờ giá trị của tin tức do Trân Châu Cảng chuyển đến trong khi nhìn thì giờ trôi qua. Các cuộc tuần tiễu bằng phi cơ thám thính liên tục từ sáng sớm đã không hề báo hiệu một tí gì về việc trông thấy "Kanawishi-thuỷ phi cơ thám thính vĩ đại của Nhật" vẫn không ngừng bay lượn trên các bờ biển Corail.Vào khoảng 4 giờ chiều, khi các lời bình luận tuôn tràn trên các cầu tầu cũng như trong các phòng thường trực báo động, trong lúc gió kéo mây che kín một bầu trời vốn đã mờ mờ vì sương mù, thì các loa phóng thanh của tất cả các trung tâm thu tin trên các chiến hạm đã làm chấn động các hiệu thính viê đang ngủ gật:"Ariel gọi Yorktown; Kanawishi ở phía bắc, cao độ 18.000 bộ!"Tất cả các phi cơ đang bay đều nghiêng cánh hướng về phía kẻ nhìn trộm và các loa phóng thanh vẫn vang dội không ngừng tiếng nói chát tai; Joan gọi Ariel; hiểu rồi tôi theo anh", "Lily gọi Kate: tôi thấy có cái gì trong 320, tôi đến đó"...Nhưng cơn mưa nhiệt đới đã chấm dứt những sự thổ lộ không mấy kín đáo này. Mẫu hạm Yorktown báo hiệu cho tất cả: "Trở về tàu". Chiếc Kanawishi biến mất sau khi phát một tín hiệu, Đô đốc Nhật Bản biết chắc được thành phần và vị trí của lực lượng đặc nhiệm Mỹ.Đêm 6 rạng ngày 7 tháng 5 năm 1942 ấy, mây tan mau lẹ trên bầu trời, làm như Thượng đế muốn cho những kẻ có thể chết vào ngày mai trông thấy một lần cuối cảnh đẹp nhất của vũ trụ. Dường như các hàng không mẫu hạm kéo theo sau dòng sông Ngân hà uốn lượn chập chờn theo làn sóng biển vỡ tan tành tô điểm một chỏm bạc trên các bóng đen di động ban đêm. Tất cả đều vĩ đại và đẹp mê hồn trong cái im lặng dửng dưng của vũ trụ ban đêm. Các thuỷ thủ trinh sát đêm đứng trên các cầu tàu, các sĩ quan trực nhật, các hạm trưởng, các hoa tiêu trong thế báo động đều ngắm nhìn quang cảnh đ nhất phô diễn trước mắt họ trong tứ ánh sáng thanh cao trác tuyệt này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro