(2) Dấu tích phấn đấu - Lời nói phấn đấu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


[Tháng Chín năm 2007]

Tuần thứ hai học cao học, cuộc sống của tôi dần đi vào quỹ đạo. Sáu giờ ba mươi phút sáng, tôi thức dậy, nghe VOA trên đường đi tới trường giống như hồi trước, một lần nữa tôi lại ôm khư khư chiếc đài cục gạch vô cùng thân thiết đã làm bạn cùng tôi suốt bốn năm đại học. Đúng tám giờ tòa nhà tự học mở cửa, tôi rảo bước đi vào chiếm chỗ ngồi, bắt đầu một ngày tự học. Lúc đó, trong bảy ngày trong tuần, tôi thích nhất những hôm cả ngày không phải lên lớp học hoặc là thứ bảy, chủ nhật, vì vào những ngày đó, tôi không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ điều gì, tha hồ tự học!
Mục tiêu mang tính giai đoạn của tôi lúc đó là TOEFL, phương pháp ôn thi TOEFL cũng tương tự như phương pháp ôn tập các kỳ thi khác mà tôi từng tham gia trước đây. Bước đầu tiên là xóa mù chữ: tìm hiểu cấu trúc đề thi và phạm vi kiểm tra. Vì thế, vào ngày đầu tiên tự học, tôi chỉ mang cuốn OG đến trường, tìm hiểu nghiêm túc toàn bộ cấu trúc đề thi TOEFL, xem đề thi được cấu thành từ những phần nào, mỗi phần có bao nhiêu câu hỏi ứng với bao nhiêu điểm, và phân bổ thời gian làm bài như thế nào. Sau đó đến bước thứ hai là thử giải một đề thi nhằm đánh giá trình độ hiện giờ của mình. Trong OG có thêm một số câu hỏi trắc nghiệm rất thực tế, tôi đánh giá trình độ hiện giờ của mình qua câu hỏi đó. OG viết khá đơn giản, lúc đó tôi chỉ làm sáu bài trắc nghiệm, vậy mà cũng sai tới mười hai câu. Thật đau khổ! Sau khi nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, tôi không dám hời hợt, bắt tay ngay vào việc lập phương án ôn tập cẩn thận, nghiêm túc.
Lúc mới ôn thi TOEFL, tôi hơi "chủ quan khinh địch". Vì tôi luôn cho rằng thi TOEFL đơn giản hơn thi GRE, nên không cần phải ôn ngày ôn đêm giống như hồi ôn thi GRE, nhưng thực ra từ khi kỳ thi TOEFL cải biến thành kỳ thi TOEFL iBT thế hệ mới, những yêu cầu về kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đều cao hơn trước, chả thế mà trên mạng có người oán hận "iBT, thật BT" (hai chữ cái B, T trong tiếng Anh phát âm gần giống từ "biến thái" trong tiếng Trung). Tôi nhớ lần đầu tiên làm bài thi nói TOEFL theo đúng thời gian quy định, tôi cứng mồm đơ lưỡi, chỉ biết ấp a ấp úng, bốn mươi lăm phút trôi qua nhanh chóng, sắp hết thời gian đến nơi mà tôi vẫn không nói được gì. Tôi chịu sự đả kích nặng nề sau lần thi thử đó, tôi tự véo vào cánh tay của mình, nói: "Mi còn cho rằng thi TOEFL đơn giản? Dám chủ quan khinh địch? Hoan hoan hỉ hỉ. Cũng may bây giờ chỉ là luyện tập, chứ chưa phải là thi chính thức. Mi hãy mau mau tỉnh ngộ đi, không phải hằng ngày mi mơ mộng viển vông thì kỹ năng nói sẽ tốt lên, cũng không phải hằng ngày mi cứ tự dối mình lừa người thì có thể làm bài thi đọc một cách ngon nghẻ! Mi chỉ có một cách duy nhất là luyện tập! Luyện tập! Và luyện tập mà thôi!"
Con người tôi là vậy, không thiếu chí tiến thủ và tính hiếu thắng, mà chỉ thiếu cái tâm bình thường mỗi khi đối diện với sự việc. Tôi luôn mong muốn bản thân mình có thể làm việc tốt hơn một chút, một chút nữa, nên tôi không cho phép bản thân mắc sai lầm dù là nhỏ nhất, nhưng đến khi thật sự xác định được mục tiêu, vì muốn thực hiện tốt mục tiêu đề ra nên tôi cảm thấy áp lực hơn, vì muốn tiến lên nên tôi cảm thấy sợ hãi và thụt lùi. Nói một cách đơn giản là tôi rất sợ xảy ra chuyện "run theo mục đích" một lần nữa giống như trước đây. Cá Béo Ướp Muối luôn khuyên tôi: "Thả lỏng đi, cậu không phải là thần thánh." Nếu thật sự có thể làm mọi việc một cách thuận lợi thì không thể gọi là cảm giác thành tựu. Cảm giác thành tựu là cảm nhận xuất hiện trong lòng chúng ta sau khi trải qua muôn vàn khó khăn, khắc phục muôn vàn khó khăn, cuối cùng đạt được thành công. Hơn nữa, hiếm có khó khăn hay trở ngại nào thật sự là đòn trí mạng. Chỉ cần tiếp tục kiên trì, không buông xuôi, nhất định sẽ có một ngày tìm ra hướng giải quyết.
Tuy kỳ thi TOEFL có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xin đi du học, nhưng tôi phải giữ tâm trạng bình ổn. Tâm trạng bình ổn tức là quân giặc đến thì tướng giỏi ra đánh dẹp, nước dâng trào thì đắp đất ngăn lại, không được nóng lòng như lửa đốt chỉ vì một chút cản trở. Chẳng phải mình không biết nói ư? Hãy nói nhiều vào! Cá Béo Ướp Muối nói rất hay: "Làm việc cần làm, đừng nghĩ quá nhiều!" Sau khi trải qua sự đả kích về phương diện nói, tôi bình tâm lại, nghiên cứu cấu trúc đề thi TOEFL, sau đó điều chỉnh kế hoạch học tập của mình.
Ngày đầu tiên thực hiện kế hoạch học tập mới, mới hơn sáu giờ sáng, tôi đã xuất phát từ ký túc xá tới trường, trên đường đi tôi luôn lẩm nhẩm luyện nói. Để luyện nói đều là những đề thi nói kinh điển của kỳ thi TOEFL, ví dụ như nơi tôi thích nhất, người tôi yêu quý nhất, ngày lễ tôi thích nhất, việc tôi khó quên nhất,... Tôi ngỡ ngàng nhận ra, khi tôi mở miệng, dũng cảm nói, thì nó thực sự không khó như tôi tưởng. Ngày hôm đó, tôi còn nghe kỹ đáp án tham khảo phần thi nói trong cuốn OG, từ tài liệu đó, tôi tìm ra đặc điểm chung của các đáp án đạt điểm tối đa trong phần thi nói TOEFL: Điều kiện tiên quyết là phát âm chuẩn, chỉ cần trả lời một cách hệ thống, nói rõ ràng, mạch lạc, không ngắc ngứ, ậm ừ, thì dù chưa nói xong mà đã hết giờ, cũng vẫn có thể đạt điểm tối đa, vì thật ra, người chấm điểm chỉ muốn biết người trả lời có kỹ năng diễn đạt khẩu ngữ hay không mà thôi.
Mấy tuần tiếp theo, hôm nào tôi cũng dành ra một tiếng đồng hồ kiên trì luyện nói, buổi sáng nghe bài nói, và ghi chép cẩn thận bài nghe. Thời gian còn lại, tôi tiến hành tổng kết về bài nói số 1 và bài nói số 2, hàng ngày tôi ôn tập theo khuôn mẫu của mình và không ngừng tổng kết trong khoảng hai tháng. Lúc đó, nơi tôi thích nhất là phòng tự học, đói thì xuống canteen, mệt thì nhoài người ra ghế, nghỉ giải lao, phiền thì xách bình nước, đeo MP3, tuồn ra sân tập vừa đi bộ vừa nghe lại bài nói. Lúc đi, lúc ngồi, tôi đều luyện nói: Khi lên lớp học, mắt tôi luôn ở trong trạng thái vô hồn, vì thật ra tôi đang âm thầm luyện nói; khi nhà trường mở đại hội thể dục thể thao, yêu cầu ngày nào cũng phải tới sân tập xếp hàng hình vuông, tôi cũng vừa xếp hàng vừa luyện nói.
Tôi cứ mải miết ôn tập phần nói như thế rồi chẳng biết Tết Trung thu đến tự bao giờ. Môn nói của lớp luyện thi TOEFL ở Tập đoàn Công nghệ và Giáo dục Phương Đông Mới giúp ích được cho tôi rất nhiều, nhờ học tập một cách hệ thống theo bài giảng của thầy giáo, tôi không những chép hết một tập sổ tay, mà còn có thể luyện tập cùng với tiến độ giảng dạy của thầy. Trước Tết Trung thu, tôi đã nghe hết toàn bộ môn nói. Để tự thưởng cho mình, tôi vào một cửa hàng nhỏ trong trường, mua một chiếc bánh trung thu trị giá năm đồng. Một mình tôi vừa ăn bánh trung thu vừa đi tản bộ trong sân trường. Nhiệt độ không khí buổi tối vừa phải, dễ chịu, tôi lững thững bước đi trong lối nhỏ dưới ánh đèn vàng vọt, nghĩ mình đang khắc phục từng khó khăn nhỏ, không ngừng phấn đấu vì ước mơ, tôi cảm thấy trong lòng rất hưng phấn, và hạnh phúc.
Thời gian đó có một bộ phim đã khích lệ tôi rất nhiều, bộ phim có tên là Homeless to Harvard (Từ vô gia cư đến Harvard). Thuở nhỏ, Liz, nhân vật nữ chính trong phim có một số phận bi thương, dường như tất cả những nỗi bất hạnh đều rơi vào người cô: bà mẹ nghiện rượu nặng, mắc bệnh tâm thần phân liệt, còn ông bố điên điên khùng khùng cũng sống ở trại tập trung, cả hai đều bị AIDS. Về sau bà mẹ chết, ông bố gần như bỏ mặc cô, năm mười lăm tuổi cô trở thành một đứa trẻ vô gia cư. Thế nhưng, cô chưa từng oán hận họ, ngược lại trong lòng cô vẫn tràn đầy yêu thương và hy vọng. Từ nhỏ, cô đã hiểu rõ mình cần phải làm gì. Tuy vẫn luôn sống trong hoàn cảnh tồi tệ, nhưng cô biết mình phải cố gắng thoát khỏi hoàn cảnh đó để đi đến nơi mình muốn đến. Vì vậy, cô đã quyết tâm giành lấy cơ hội được đi học bằng lòng can đảm. Thuở nhỏ, những người xung quanh luôn nói cô là đồ bỏ đi, nên lần đầu tiên thầy cô giáo ở trường tuyên bố cô đứng thứ nhất bảng xếp hạng thành tích, cô thậm chí còn không dám tin vào tai mình. Lúc đó, người khác đâu thấy được cô đã phải cố gắng hơn người khác gấp trăm ngàn lần. Vì cô đi học muộn hơn so với các bạn cùng tuổi, nên trong khi người khác phải mất bốn năm mới học xong chương trình trung học phổ thông, thì cô bắt buộc phải hoàn thành chương trình học trong vòng hai năm, có như vậy cô mới có thể vào đại học Harvard trong mơ của cô – cùng lúc với các bạn cùng trang lứa. Trong một học kỳ, người khác chọn năm môn, còn cô chọn tất cả mười môn. Cô vừa phải làm thêm vừa phải học tập, nhưng trước sau cô chưa hề oán trách một câu, lúc rửa bát đĩa cô cũng đọc sách, lúc đi tàu điện ngầm cô cũng đọc sách, mười hai giờ đêm mới rời trường học. Qua bao ngày phấn đấu nỗ lực học tập, cuối cùng cô cũng thành công, vào đại học Harvard, ngôi trường cô luôn nghĩ đến trong giấc mơ. Về sau, bắt đầu có người tán dương cô là một thiên tài nhỏ, thật không ngờ, từ một "đồ vô dụng" ngày xưa cho đến một "thiên tài nhỏ" ngày nay chỉ cách nhau có mấy năm, bao nhiêu đắng cay ngọt bùi trong suốt quãng thời gian đó nào có ai biết, ngoài một mình cô ra.
Tôi nghĩ, tuy những việc tôi làm hàng ngày đều rất đơn giản, thậm chí còn có phần máy móc, vả lại cũng chẳng biết kết quả sẽ như thế nào, nhưng tôi vẫn vui vẻ, bởi vì tôi có một cuộc sống có mục đích, có triển vọng. Người tôi khâm phục nhất chính là người có mục tiêu của mình và không ngừng đi tới mục tiêu ấy giống như Liz vậy. Cho dù mọi người xung quanh đối xử với họ, cười nhạo họ, coi thường họ như thế nào, cho dù môi trường xung quanh xấu xa ra sao, họ cũng chẳng bao giờ để ý đến, vì tất thảy những điều đó chẳng có liên quan gì đến việc họ đi tới mục tiêu của mình. Họ chỉ chuyên tâm nỗ lực, làm việc mình cần làm, sống đơn giản, bất luận thế nào cũng không bao giờ từ bỏ ước mơ và hy vọng. Đến mấy năm sau, họ thành công, lúc người ngoài trầm trồ ngưỡng mộ rằng bọn họ thật may mắn, thì chỉ trong lòng họ mới hiểu mình đã từng làm việc như thế nào. Tôi tự nhủ mình phải học tập Liz, dù không biết mình có thể thực hiện được ước mơ trong tương lai hay không, nhưng tôi tuyệt đối không được bỏ dở giữa đường. Bất luận con đường phía trước dài đến đâu, tôi cũng nhất định phải đi đến điểm cuối cùng.

 [Tháng Mười năm 2007]

Vào dịp Quốc khánh, tôi vẫn vùi đầu ôn tập TOEFL. Những lúc nghỉ ngơi, tôi vẫn sẽ suy nghĩ về rất nhiều vấn đề. Tôi nghĩ, đứng trước tôi là con đường du học rất dài, tôi phải đánh bại kỳ thi TOEFL, và tuyên chiến với kỳ thi GRE lần thứ hai, sau đó còn phải triển khai làm hồ sơ du học, kết quả thế nào vẫn còn chưa biết. Trên diễn đàn có người nói, du học là "một con đường không có đường về", khó khăn này chồng lên khó khăn kia. Tôi hỏi mẹ xem bà cảm thấy rốt cuộc tôi có thể đi du học được hay không. Mẹ lại kể cho tôi nghe câu chuyện ngựa con qua sông một lần nữa: Con trâu nói nước sông không sâu là vì người nó to lớn, còn con chuột nói nước sông rất sâu là vì nó bé tí, rốt cuộc nước sông có sâu hay không, thì chỉ bản thân mình tự đi thử mới biết được. Cho nên, tôi nhất định phải thử, không thử xem kết quả thế nào, tôi sẽ không từ bỏ ước mơ.

Kết thúc kỳ nghỉ kéo dài mười ngày, tôi đã tổng kết được khuôn mẫu của sáu bài thi nói và luyện nói bài số 1 và bài số 2 nhiều lần theo những gì mình đúc rút được. Sau khi ôn tập xong phần nói, tôi bắt đầu chuyển sang chiến đấu với các phần thi khác. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy thật ra lúc đó mình không nên chấm dứt hoàn toàn việc luyện nói, nếu không thì cũng không có hiện tượng sau này nói kém đi. Nhưng, vì lúc đó thời gian eo hẹp, đã sang tháng Mười rồi mà tôi vẫn chưa ôn tập được các phần khác, nên đành phải sắp xếp kế hoạch ôn tập không được thỏa đáng cho lắm. Dù nói thế nào, thì khi quyết định chuyển sang ôn tập các phần thi khác, tôi cũng phải xây dựng một kế hoạch học tập mới.

Sau khi triển khai kế hoạch mới, ngày nào tôi cũng nghe bài nghe rất nghiêm túc, và luyện tập, ghi chép theo bài giảng của thầy cô giáo, đồng thời tôi cũng cảm thấy hăng hái học tập trước những lời động viên, khích lệ của thầy cô. Thầy Mã Tuấn dạy môn nghe từng nói một câu kinh điển: "Khi bạn cảm thấy đau khổ, bi thương, điên khùng, uất ức, chán nản, tuyệt vọng, muốn cầm dao đâm vào mình, vậy thì xin chúc mừng bạn, bạn đang đi lên dốc! Bạn đang tiến bộ! Nếu trải qua cuộc sống như thế thậm chí cực khổ hơn thì càng phải chúc mừng bạn, bạn đã thành công một nửa. Nhưng, khi bạn cảm thấy rất tốt, rất sảng khoái, rất hưng phấn, rất vui vẻ, cảm thấy cuộc sống thật thoải mái, vừa học vừa nhẩn nha cắn hạt dưa, ăn khoai và nghe nhạc, vậy xin chia buồn cùng bạn, bạn đang đi xuống dốc, đừng hy vọng gì nữa..." Thầy Mã Tuấn còn nói: "Đường tắt luôn là con đường trải đầy khó khăn và đau khổ, chính vì vậy mà rất ít người có thể thành công nhờ đi theo đường tắt." Hai câu nói này như cú hích tinh thần đối với tôi, và thầy Mã Tuấn cũng trở thành thần tượng của tôi trong một thời gian rất dài.

Tôi không dám ôm tí ti thái độ học hành chểnh mảng, kiên quyết không dám đi đường tắt, nghiêm túc nghe hết tất cả giáo trình. Sau khi nghe xong toàn bộ giáo trình, tôi bước vào giai đoạn ôn tập độc lập, tôi lại lập kế hoạch ôn tập cho giai đoạn mới, tính theo đơn vị tuần. Tuần đầu tiên là tuần thử nghiệm, kế hoạch của tôi là buổi sáng ôn phần đọc, buổi chiều ôn phần nghe, buổi tối ôn phần viết. Tài liệu sử dụng ôn tập chính là cuốn Delta và Barron mà tôi đã nói đến ở trên.

Về phương diện đọc, trước hết tôi làm nghiêm túc toàn bộ đề thi đọc trong Delta, cảm thấy độ dài và độ khó của nó cũng tương đương đề thi thật. Sau thời gian dài luyện tập, tôi rút ra một điều tâm đắc: Đáp án chính xác của phần thi đọc TOEFL nằm ngay trong nguyên văn, hiếm khi đáp án nằm ở ý nghĩa mặt chữ của đoạn văn và đòi hỏi bạn phải suy luận. Cho nên, chỉ cần kiên nhẫn đọc bài, kiên nhẫn phân tích, nhất định sẽ tìm ra đáp án chính xác. Có lẽ đây cũng chính là điểm khác nhau giữa đề thi đọc của kỳ thi TOEFL và đề thi đọc của kỳ thi GRE (đây là cảm nhận của cá nhân tôi lúc làm đề thi ở thời điểm bấy giờ, chưa chắc phù hợp với tình hình thi cử hiện nay).

Phương pháp luyện tập phần nghe của tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ phương pháp luyện nghe TOEFL của thầy Mã Tuấn, tôi xin trích dẫn một câu nói của thầy: "Nghe viết là con đường duy nhất giúp bạn nâng cao kỹ năng nghe. Bạn đừng hỏi, bạn hãy nghe đi!" Tôi làm theo hướng dẫn của thầy, triển khai luyện nghe viết chăm chỉ cực độ, tài liệu luyện tập chính là các đề thi TOEFL cũ. Ban đầu, đầu tôi chỉ có thể dung nạp được những câu có độ dài khoảng mười lăm từ. Sau thời gian dài luyện tập, tôi có thể viết lại một câu có độ dài từ mười tám đến hai mươi hai từ. Có điều, việc này cũng được quyết định bởi mức độ quen thuộc của tôi đối với nội dung tài liệu nghe, nếu nội dung nghe thuộc phạm vi kiến thức địa lý, đầu tôi chỉ có thể dung nạp được những câu có độ dài trên dưới mười ba từ. Tuy phần nghe của các đề thi TOEFL cũ tương đối đơn giản, nhưng tôi không dám tùy tiện bỏ qua nó, vì dù sao nó cũng là đề thi thật. Đề thi thật nào cũng đều có giá trị nghiên cứu, tìm hiểu. Cho nên, tôi nghe một câu viết một câu, "cày xới" đoạn nghe trong đề thi TOEFL cũ vô số lần. Mỗi lần làm xong một đề, tôi sẽ nghiên cứu nguyên văn phần nghe đó một cách nghiêm túc giống như nghiên cứu bài đọc và phân tích kỹ lối ra đề thi của mỗi đề thi.

Tiến độ ôn tập phần viết cực kỳ chậm. Thầy giáo dạy phần viết cho tôi là thầy Lý Tiếu Lai, thầy luôn nhắc đám học viên chúng tôi mỗi ngày đều phải đọc một lượt kho đề viết của kỳ thi TOEFL, song tôi làm rất qua quýt, một tuần bảy ngày tôi mới đọc tổng cộng có hai lượt. Lẽ ra phải sớm phân loại kho đề thi viết, cũng không muốn luyện tập, nhìn vào file word trống trơn tôi chẳng có chút động lực nào.

Cá Béo Ướp Muối đột nhiên gọi điện cho tôi vào đúng lúc kế hoạch ôn tập của tôi đang gặp phải nút thắt đầu tiên. Và thế là. Tôi thao thao bất tuyệt kể khổ với bạn ấy, tôi bảo ngày nào tôi cũng ôn thi đến sắp phát điên rồi, tôi không dám động bút viết, cũng lâu rồi không luyện nói, hơn nữa tôi vẫn chưa đăng ký được tên dự thi TOEFL, vì mọi người đăng ký hết chỗ rồi, tôi rất sốt ruột. Nghe đến đây, Cá Béo Ướp Muối lại bắt đầu động viên tôi giống như những lần trước. Bạn ấy cương quyết nói với tôi: "Cá Gầy Ướp Muối này, cậu thật sự không biết cậu có sức mạnh lớn như thế nào đâu. Sự việc sẽ không trở nên đơn giản, dễ dàng vì cậu luôn lo lắng, suy nghĩ; mà ngược lại, sự việc sẽ càng trở nên khó khăn hơn nếu cậu không hành động. Về vấn đề đăng ký dự thi, mỗi ngày cậu chỉ cần dành ra nửa tiếng đồng hồ lên mạng, chen chân đăng ký là được thôi. Việc này cũng không phải cậu cứ lo lắng, sốt ruột là tự dưng người ta chừa ra mấy chỗ trống cho cậu đăng ký đâu. Vì vậy cho nên, cậu tuyệt đối không được làm rối địa hình chỉ vì một vài thứ nằm ngoài sự kiểm soát của mình."

Kết thúc cuộc điện thoại kéo dài những bốn tiếng đồng hồ đó, tôi như người vừa chết đi sống lại. Đúng vậy, tại sao tôi lại lo lắng phần thi viết? Vì cơ bản tôi chưa luyện viết! Tại sao tôi lại lo lắng phần thi nói? Vì tôi đã gác lại việc luyện nói từ n năm trước! Tôi vẫn chưa làm gì hết, nên đương nhiên sự tiến bộ của tôi bằng không rồi, đương nhiên tôi phải lo lắng rồi! Tại sao tôi không nhìn ra đạo lý đơn giản này chứ? Tôi tỉnh ngộ: nói và viết đã là gì chứ? Mình muốn đi du học thì không gì có thể cản nổi bước chân của mình ra nước ngoài! Nếu không luyện nói và luyện viết, mình không thể vượt trùng dương! Nếu không luyện nói và luyện viết, mình không thể đi dạo trên bãi biển California! Nếu không luyện nói và luyện viết, mình không thể chụp ảnh với chuột Mickey ở Disneyland! Luyện tập! Luyện tập! Luyện tập! Mình phải luyện tập ngay lập tức!

Sau khi tháo gỡ được nút thắt trong việc ôn tập, tôi nhanh chóng vạch kế hoạch ôn tập tuần thứ hai, mục tiêu chính là phá tan những vướng mắc trong phần nói và viết, đồng thời nắm chắc bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết! Trong tuần thứ hai ôn tập, về phần đọc, tôi vẫn tiếp tục tiêu hóa dần dần đề luyện đọc trong cuốn Delta. Về phần nghe, tôi cũng vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch của tuần trước là công phá cuốn Delta.

Trọng tâm ôn tập của tuần thứ hai nằm ở phần nói và viết. Sau khi khắc phục được tâm lý tiêu cực của mình, tôi đã có một bước đột phá trên phương diện nói: Tôi phân loại lại bài thi nói số 1 theo từng nội dung chủ đề, tổng kết lại các chủ đề nói về nhân vật và địa điểm trong tuần đầu tiên và luyện nói một lượt theo đúng thời gian quy định. Trong quá trình luyện nói, tôi nhận thấy chưa một lần nào mình nói xong trong vòng bốn mươi lăm phút, vì mỗi đề nói tôi đều đưa ra ba lý do và trình bày lần lượt ba lý do đó. Tuy tốc độ nói của tôi cũng nhanh, nhưng vẫn không thể nào nói xong. Đến cuối cùng tôi vẫn không giải quyết được vấn đề này. Có điều, giống như trước đây tôi từng nói, cho dù chưa nói xong, nhưng chỉ cần trả lời rõ ràng, mạch lạc, phát âm chuẩn và không ngắc ngứ trong lúc trả lời, tôi vẫn có thể đạt điểm cao.

Nhiệm vụ ôn tập phần viết mới phiền phức nhất: Tôi vừa phải đọc kho đề thi, vừa phải lập đề cương, còn phải phân loại kho đề thi và không ngừng luyện viết theo từng loại. Bên cạnh đó, tôi còn phải thu thập ví dụ và cấu trúc câu phong phú. Nhất thời, tôi không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Tôi lại nhớ đến câu nói của Cá Béo Ướp Muối: "Cậu hãy làm đi, đừng nghĩ quá nhiều." Vì vậy, tôi nghĩ, trước hết mình phải phân loại kho đề thi: đọc đề thi nào, tôi sẽ phân loại và lập đề cương cho đề đó, sau khi đọc hết toàn bộ kho đề thi, tôi bắt đầu luyện viết. Tôi cứ làm tuần tự như vậy, nên chỉ trong tuần thứ hai, tôi đã "tiêu hóa" hết mấy chục đề thi, rất có cảm giác thành tựu.

Sau khi có một bước đột phá nhỏ ở tuần thứ hai, tôi cảm thấy thật sự rất vui! Sự thật chứng minh, đứng trước khó khăn mà chùn chân bó gối, bảo sao nghe vậy, chẳng khác nào tự sát. Chi bằng không làm còn hơn. Vào những lúc như thế, nhất định phải coi thường khó khăn, coi thường thử thách, không bị đánh ngã, không bị lật nhào giống như con lật đật, nhất là đối với những thứ "biến thái" giống như kỳ thi TOEFL và GRE. Tôi tự nhủ, đề thi là thứ chết, mình là thứ sống, thứ sống nhất định có thể thắng thứ chết! Liều mạng nào!

Vì tuần thứ hai mọi việc diễn ra rất thuận lợi, nên đến tuần thứ ba, tôi quyết định tiếp tục thực hiện kế hoạch ôn tập tương tự như tuần trước. Tuần thứ ba, tôi làm hết đề thi đọc và đề thi nghe trong cuốn Delta, và bắt đầu chuyển sang làm cuốn Barron. Tôi nhận thấy bài đọc trong cuốn Barron viết rắc rối hơn, tốc độ nói trong bài nghe cũng nhanh hơn, nhưng cũng không khó như mọi người vẫn nói, chỉ cần chú tâm hơn một chút. Còn kế hoạch ôn tập phần nói và viết cũng vẫn như tuần trước, tiếp tục tổng kết từng loại đề thi nói và phân loại kho đề thi viết.

Bấy giờ đã là cuối tháng Mười, tôi dự đoán kỳ thi TOEFL sẽ diễn ra vào đầu tháng Mười hai, nhưng đến tận giờ tôi vẫn chưa đăng ký thi được. Để có thêm xác suất đăng ký thi, tôi quyết định mỗi ngày bỏ ra một tiếng đồng hồ đăng ký thi tại ký túc xá. Quyết định sai lầm đó mở cửa cho sự lười biếng của tôi. Sau mỗi sáng mất một giờ đồng hồ lên mạng đăng ký thi, tôi không ngăn nổi suy nghĩ: Mình cố đợi thêm nửa tiếng nữa, không chừng một lúc nữa có thể đăng ký được rồi. Chính vì nghĩ như vậy, nên tôi lãng phí biết bao thời gian quý báu của buổi sáng ở trên mạng. Mà một khi lãng phí thời gian, tôi không thể hoàn thành kế hoạch của ngày hôm đó như dự định, về sau toàn bộ kế hoạch không thể không bị kéo dài tới vô hạn.

Tôi gọi điện cho mẹ than vãn, tôi đã lãng phí rất nhiều thời gian vào việc đăng ký dự thi, sau mỗi lần lãng phí thời gian quý báu của buổi sáng, y như rằng buổi chiều tôi không muốn tới trường tự học nữa, vì nghĩ thời gian còn lại ít như thế, tôi làm sao có thể học hết bao nhiêu thứ. Mẹ bảo tôi: "Thời gian không được dùng để tính toán, mà ta hưởng thụ và sử dụng nó. Cho nên con đừng lo lắng vì mất đi một chút thời gian, con phải biết sử dụng thời gian còn lại một cách hiệu quả. Tuy thời gian ít ỏi, nhưng nếu con sử dụng thời gian với hiệu suất cao, thì con vẫn có thể làm được rất nhiều việc." Tôi nghĩ, đối với tôi bây giờ mà nói, thời gian là thứ quý giá nhất. Tôi cần phải sử dụng vốn thời gian hữu hạn của mình vào những việc có ích, thay vì lãng phí thời gian quý báu lo lắng những việc vô vị!

[Tháng Mười Một năm 2007]

Thời gian qua nhanh như bay, chẳng mấy chốc đã bước sang tháng Mười một, tuy lúc này tôi vẫn chưa đăng ký dự thi TOEFL được, nhưng điều đó cũng không làm ảnh hưởng đến việc chuyên tâm chuẩn bị cho kỳ thi của tôi. Tôi dốc toàn bộ tâm tư vào ôn tập, thi thoảng mới để ý đến thông tin đăng ký dự thi. Cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu như thế này: Khi bạn muốn có được một thứ nào đó, thì nó ẩn tàng không cho bạn nhìn thấy; nhưng khi bạn bỏ mặc nó, thì nó lại mau chóng tìm đến gõ cửa bạn. Lúc tôi quên hết tất cả, một lòng một dạ tập trung ôn tập, thì vào giữa tháng Mười một, tôi lại đăng ký thi được rồi! Ngày đăng ký được tên, tâm trạng tôi vô cùng kích động, dường như có một cái hạn chót được ấn định sẵn vào ngày hôm đó vậy, nó lập tức cho tôi thêm động lực, nhưng cũng gia tăng áp lực cho tôi. Lúc đó chỉ còn cách kỳ thi hai mươi bốn ngày, tôi hỏa tốc chạy tới trường học, sắp xếp lại bản kế hoạch, phân bổ nhiệm vụ ôn tập bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết còn đang dang dở vào thời gian mỗi ngày. Tôi dự định tiếp tục duy trì phương pháp ôn tập trước đây: Tiếp tục làm các đề thi đọc và nghe còn lại trong cuốn Barron; còn về phần nói và phần viết, thì mau chóng giải quyết hết số đề thi còn lại trong cuốn Delta rồi chuyển sang cuốn Barron.

Từ khi có lịch thi chính thức, chương trình ôn tập trở nên sát sao, tôi không dám bỏ lỡ dù chỉ một giây, một phút, ngày nào cũng tiến hành ôn tập khắt khe theo đúng kế hoạch, học lúc cần học, nghỉ lúc cần nghỉ. Khi đó, tôi cảm thấy mình giống như một anh lính đang chấp hành nhiệm vụ, yêu cầu phải vượt qua một ngọn núi to (TOEFL). Ngọn núi đó không quá cao (thi TOEFL tuy khó, nhưng không khó bằng GRE), nhưng vì nó là một ngọn núi mới (TOEFL thế hệ mới), nên đường đi gập ghềnh trắc trở, trong khi không tìm được đường lên núi, tôi tình cờ phát hiện dầu chân của những người đi trước để lại. Tôi định lần theo dấu chân của người khác, nhưng người để lại dấu chân này là ai, sức khỏe thế nào, chân to hay chân nhỏ, cuối cùng có thể trèo lên được ngọn núi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ có thể tham khảo con đường bọn họ đã đi. Có lẽ lựa chọn một con đường khác, hoặc giả sử dụng một phương thức leo núi khác, sẽ phù hợp hơn với tôi chăng? Tất cả đều chưa biết thế nào. Việc tôi có thể làm chỉ là thử đi thôi, qua quá trình thử đi thử lại nhiều lần, tôi sẽ tìm ra con đường và phương thức leo núi phù hợp nhất với mình, rồi bắt đầu leo, mệt thì nghỉ, nghỉ xong rồi lại tiếp tục leo, mặt trời lên thì đi, mặt trời lặn thì nghỉ.

Giữa tháng Mười một, tôi bước vào thời kỳ mệt mỏi, tôi chẳng có mấy tiến bộ trên tất cả các phương diện nên rất khó có thể tạo ra một bước đột phá lớn. Trong thời gian ngắn, tôi không thể nào nâng cao kỹ năng đọc và nghe của mình thêm được nữa, làm bài tốt và làm bài không tốt chỉ khác nhau ở chỗ có cẩn thận hay không mà thôi. Chỉ cần tôi chịu suy nghĩ cẩn thận, kỹ càng mỗi khi lựa chọn đáp án, sau đó xác định lại vị trí câu trả lời trong nội dung bài đọc hoặc nhớ lại đoạn hội thoại vừa mới nghe, thì cơ bản là làm đúng. Lúc đó, tôi đã làm xong toàn bộ số đề thi trong cuốn Barron, tỷ lệ sai sót rất thấp, phần lớn những câu tôi làm sai đều do sơ ý mà ra. Về phần viết, tôi vẫn thúc ép bản thân mình mỗi ngày viết một bài luận văn đều đặn, lúc đó, phương pháp thúc ép bản thân của tôi là luyện viết vào đúng năm giờ ba mươi phút chiều hàng ngày. Mỗi lần tôi đều nói với mình: "Bây giờ bắt đầu viết bài luận theo thời gian quy định, nếu hết giờ mà vẫn chưa viết xong, thì tối nay đừng hòng ăn cơm." Vì không chịu nổi đói bụng, nên tôi chỉ có thể mau chóng bắt tay viết. Phương pháp này vô cùng hiệu nghiệm, tôi thử bao nhiêu lần cũng đúng.

Tôi luyện tập hết số đề thi nói trong cuốn OG, Delta, Barron, và còn tổng kết một lượt những loại đề thi mà tôi có thể nghĩ ra được, viết đáp án của mình, rồi in tất cả ra một tập giấy dày cộp. Nhưng, vì học mệt quá, nên tôi không kiên trì luyện tập hàng ngày. Lúc đó, tôi đặt ra cho mình một yêu cầu khi bứt phá ở kỳ thi trước mắt là phải luyện tập tất cả những đề thi nói mà mình đã in ra đến mức thuộc như cháo chảy, hễ nhìn thấy một đề bài, thì lập tức trong đầu sẽ xuất hiện đoạn nói đó, sau đó bắt đầu nói, chứ không được suy nghĩ nhiều, vì lúc thi chỉ có mười lăm giây chuẩn bị. Thầy giáo môn nói của chúng tôi thường nhấn mạnh, tốt nhất là trong phần thi nói TOEFL, các bạn hãy chuẩn bị thật nhiều "đoạn vạn năng", dù người ta ra đề thế nào, thì các bạn cũng có thể lồng "đoạn vạn năng" vào, và nhớ là phải học thuộc làu làu những đoạn đó. Làm vậy mới không xảy ra sai sót trong trạng thái căng thẳng. Lúc đó, tôi chưa luyện đến trình độ này, nên vẫn phải luyện tập thêm! Luyện tập thêm! Luyện tập thêm nữa!



[Tháng Mười Hai năm 2007]

Khi chỉ còn cách kỳ thi TOEFL đúng mười ngày, tôi bắt đầu luyện thi thử. Lúc này, tôi sử dụng ba bộ đề thi cũ nhất của cuốn Barron và bốn bộ đề thi trong phần mềm luyện thi TOEFL của Kaplan. Tôi không quan tâm đến điểm số của bài thi thử, chỉ hy vọng làm hoàn chỉnh mấy đề thi từ đầu đến cuối để mình quen với cảm giác làm bài thi ở cường độ cao trong bốn giờ liên tục.

Quá trình thi thử quả là "tàn nhẫn", vì tôi bắt đầu luyện chống nhiễu từ đề thi thử thứ nhất. Tôi bắt đầu hình thành thói quen luyện chống nhiễu lúc ôn thi tiếng Anh chuyên ngành cấp 4 hồi đại học, bởi một lẽ đơn giản: Khi chính thức bước vào phòng thi, tôi thường trở nên vô cùng nhạy cảm, mỗi lúc muốn tập trung tinh thần và sức lực đọc đề thi, người khác ho một tiếng hoặc bật lò xo ruột bút bi cũng có thể làm tôi phân tán tư tưởng. Khi tham gia các kỳ thi khác, tôi đều như vậy, còn với kỳ thi TOEFL, tôi lo mình còn mất tập trung hơn thế. Từ các diễn đàn, tôi được biết, khi thi TOEFL, vì thời gian mọi người bắt đầu làm bài không giống nhau, nên rất có thể lúc tôi loay hoay làm phần đọc, người khác đã bắt đầu làm phần nghe; lúc tôi làm phần nghe, người khác đã bắt đầu ồm ồm nói khẩu ngữ. Cho nên, ở tình huống này, tôi cho rằng luyện chống nhiễu là hết sức cần thiết, tôi bắt buộc phải bồi dưỡng kỹ năng chống nhiễu của mình cho thật tốt bằng một phương pháp luyện tập "tàn nhẫn". Có thể nói phương pháp mô phỏng các tác nhân gây nhiễu của tôi không gì tàn nhẫn hơn: Đầu tiên, mở tiếng gió thổi vù vù trong máy tính, rồi bật phim; tiếp đến, mở Windows Media Player, bật chương trình tọa đàm; sau đó, mở TTPlayer, bật bài hát. Sau khi vận hành cả ba nguồn gây nhiễu cùng một lúc, tôi bắt đầu giải đề thi. Ban đầu, tôi để những âm thanh gây nhiễu đó ở mức âm lượng nhỏ, theo tiến trình thi thử, lúc làm mấy bộ đề thi thử sau này (ngoài phần nghe ra), âm thanh gây nhiễu càng ngày càng to.

Lúc đó, tôi luyện thi thử tổng cộng bảy lần, thời gian luyện thi thử cũng tương tự như thời gian làm bài thi thực tế, mục đích tôi làm vậy là để điều chỉnh hứng thú làm bài của mình sang buổi sáng hàng ngày. Sau bảy lần thi thử, điểm số của tôi dao động trong khoảng 102 điểm đến 113 điểm (điểm tối đa là 120). Tôi phân tích kỹ từng bộ đề thi thử, xem tại sao mình làm đúng, tại sao mình làm sai. Sau đó, nghe đi nghe lại từng bài nghe không biết bao nhiêu lần theo phương pháp Listening Intensive của cuốn Nhập môn nghe tiếng Anh, đồng thời nghiên cứu một lượt nội dung bài đọc. Kết thúc quá trình luyện thi thử kéo dài tất cả bảy ngày, tôi dọn hành lý đến ở một khách sạn nhỏ ngay cạnh địa điểm thi, nghỉ ngơi lấy sức cho kỳ thi thật diễn ra vào ngày mùng Mười tháng Mười hai.

Tôi đọc được ở một bài viết của một bạn cùng thi TOEFL ở trên mạng, cậu ta chốt hạ một câu tổng kết toàn bộ tâm trạng kỳ vọng của mình trong kỳ thi lần này: "Linh cảm của thiên ngoại phi tiên (*) tự nhiên đến, chứ chẳng thể cưỡng cầu, chỉ cần phát huy được tinh thần làm bài ổn định vững vàng là mình mãn nguyện rồi."

(*) Thiên ngoại phi tiên là một chiêu kiếm tuyệt đỉnh của nhân vật Diệp Cổ Thành trong tiểu thuyết võ hiệp Lục Tiểu Phụng truyền kỳ của Cổ Long. Thiên ngoại phi tiên mang uy lực cực lớn, ngay đến Tây Môn Xuy Tuyết cũng chưa chắc đỡ được chiêu này.

Tôi cảm thấy câu nói này dường như cũng phản ánh đúng sự kỳ vọng của tôi đối với bản thân mình, tôi chỉ mong mình có thể phát huy phong độ làm bài ổn định hàng ngày là được rồi. Tôi sợ nhất là "run theo mục đích", hy vọng mình đừng vì quá coi trọng kỳ thi mà đánh mất phong độ hàng ngày. Bình tâm, thật sự là quan trọng nhất nhất.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro