5.2. Gre ơi, tôi yêu bạn nhường nào

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Điểm tâm đắc của bài luận 5.5 điểm là ở một chữ "Viết"

[Tháng Một năm 2008]

Tuần đầu tiên của năm 2008, năm mới đến mang theo cảnh sắc mới. Tôi sắp phải nghênh chiến với kỳ thi GRE lần thứ hai. Lần đầu thi GRE, tôi vẫn là sinh viên đại học năm thứ ba, do tâm lý yếu kém cộng thêm tư tưởng đào ngũ, nên cuối cùng bại dưới chân nó. Tôi hiểu trong "cuộc chiến" lần này, tôi tuyệt đối sẽ không dễ dàng đạt được một dấu mốc nào đó, bởi vì trước đây tôi từng thi GRE một lần rồi. Để rửa mối hận lần trước, lần này tôi buộc phải dốc toàn bộ tâm tư ứng phó, thề chết cũng không làm kẻ đào ngũ!

Vào kỳ nghỉ đông, tôi mang tất cả tài liệu ôn tập về nhà, khi mọi người đều đang hưởng thụ kỳ nghỉ, đón năm mới, tôi không thể kéo dài thời gian, vội vàng bước vào hành trình chinh phục kỳ thi GRE. Đầu tiên, tôi bỏ ra cả một ngày thu thập các loại tài liệu ôn thi GRE trên diễn đàn, download các mục tinh hoa, xóa mù chữ, kinh nghiệm, chia sẻ, rồi chỉnh lý cẩn thận, đọc kỹ càng. Tôi giở cuốn lịch treo tường mới mua đến tháng Ba, dùng bút màu vẽ một vòng tròn to tướng lên tờ lịch ngày mùng 3 tháng Ba, ghi chú: "Koala nghênh chiến AW!" (phần thi viết trong kỳ thi GRE gọi là Analytical Writing, viết tắt là AW). Phần thi viết GRE nghiễm nhiên trở thành mục tiêu phấn đấu của tôi trong giai đoạn trước mắt!

Phần thi viết GRE gồm hai bài là Issue (văn nghị luận, từ issue trong tiếng Anh phát âm gần giống từ "yiti" trong tiếng Trung) và Argument (văn biện luận, từ argument trong tiếng Anh phát âm gần giống từ agou trong tiếng Trung). Để hiểu rõ thế nào là một bài văn mẫu xuất sắc, tôi lên mạng mua hai cuốn sách tham khảo, tôi xem lại vở ghi hồi còn học lớp luyện thi GRE ở Tập đoàn Công nghệ và Giáo dục Phương Đông Mới. Mặc dù tôi từng tham gia thi GRE một lần vào năm thứ ba đại học, tính đến giờ mới được có hai năm, vậy mà những ký ức về nó đã hoàn toàn nhạt nhòa, tôi đành phải làm lại từ đầu.

Kế hoạch ôn tập của tôi lúc đó là xem lại toàn bộ vở ghi trên lớp trước thềm năm mới, rồi ăn tết xong mới bắt đầu kế hoạch ôn tập độc lập của mình. Để hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian đã định, mỗi ngày tôi ôn lại hai bài yiti và hai bài agou trong vở ghi. Lần đầu thi GRE, tâm trạng của tôi không vững vàng, nên lúc đó tôi cũng chưa thực sự khổ công ôn luyện, tuy thời gian học cũng khá dài, nhưng rốt cuộc tôi tiếp thu được rất ít kiến thức. Có lẽ cũng chính vì vậy mà đến lần ôn tập lại, tôi chẳng còn nhớ gì nữa, đọc số đề thi viết trong kho đề thi, tôi có cảm giác vô cùng lạ lẫm, cứ như chưa từng xem qua bao giờ. Dù vậy, nhờ nhận được bài học thất bại trong lần thi trước, nên khi thi lần hai, tôi có thể đối mặt với cuộc thi GRE một cách nghiêm túc, thành thật. Gặp mỗi đề thi viết, tôi đều chủ động suy nghĩ đề thi chứ không dám tự huyễn hoặc bản thân. Tôi còn nghiêm túc ôn lại vở ghi trên lớp luyện thi, không dám học hành lớt phớt.

Chẳng mấy chốc, tôi đã ôn tập xong toàn bộ vở ghi bài giảng AW trong thời gian hơn hai tuần, hoàn thành nhiệm vụ này trước khi đón năm mới. Nếu tính chi li ra, ngoài mấy ngày trước Tết và những lúc phát sinh một số việc đột xuất như đi thăm hỏi người thân và bạn bè, thời gian ôn tập của tôi chỉ còn lại ba mươi ngày. Lúc đó, tôi căn bản không nghĩ đến những thứ không cần thiết khác, mà chỉ nghĩ làm sao vắt kiệt thời gian hiện có xem mình có thể ôn tập bao nhiêu thì ôn tập bấy nhiêu.

[Tháng Hai năm 2008]

Sang tháng Hai, việc đầu tiên đặt ra trước mắt tôi là làm sao phân bổ thời gian một cách hợp lý, hiệu quả. Kho đề thi viết của Pangda có tất cả 244 đề thi yiti và 242 đề thi agou, trong ba mươi ngày ngắn ngủi, tôi vừa phải đọc kho đề thi, lập đề cương, vừa phải luyện viết, và còn phải chuẩn bị kiến thức nền, thu thập các loại ví dụ làm luận chứng cho bài luận, tôi phải phân bổ thời gian như thế nào đây?

Tôi trăn trở rất lâu về vấn đề này nhưng vẫn chưa tìm ra phương án nào khả thi. Về sau, tôi đột nhiên nghĩ rằng, đây là phần thi viết, vậy thì phương án tốt nhất có thể kiểm tra, đánh giá kỹ năng viết của mình chỉ có một từ: Viết! Thật ra, đây cũng chẳng phải sách lược to tát gì cho cam, nó chỉ là một đạo lý mà tất cả mọi người đều biết cả rồi thôi. Suy cho cùng, dù tôi có sẵn một đống kiến thức, học thuộc một đống câu chữ, lập xong hết đề cương, thì cuối cùng cũng vẫn phải dùng bàn tay và khối óc của mình tái hiện lại tất cả những thứ ấy lên trên trang giấy. Chứ nếu cả ngày tôi không đặt bút luyện viết, thì dù tích lũy được bao nhiêu thứ đi nữa cũng đều vô ích.

Về bài agou, sách lược của tôi cũng chỉ có: Viết. Tôi tự nói với bản thân mình: "Không cần biết ngôn ngữ của mi có sắc bén hay không, chỉ cần mi biết chỗ nào mắc lỗi logic, rồi hãy viết bài bác bỏ những lập luận sơ hở nằm đầy trong bài đó qua những ví dụ mà mi đưa ra. Tạm thời mi không nên quá lo lắng về vấn đề lựa chọn câu chữ, miễn sao mi bác bỏ nó bằng ngôn ngữ thông dụng nhất, và trình bày rõ ràng lý lẽ của mi là được. Trước tiên, cần có tư duy biện chứng, còn những vấn đề như trau chuốt ngôn từ đơn giản hơn rất nhiều."

Ban đầu tôi chưa tính đến chuyện lập đề cương cho từng đề agou, tôi dự định đọc nghiêm túc mấy chục đề thi, nắm chắc quy luật lập luận sai logic ở trong, rồi sau mới bắt đầu tổng kết lại đề cương. Còn về bài yiti, thì vì nó là văn nghị luận, nên quan trọng hơn là phải viết nhiều. Tôi nhớ hồi ôn tập phần viết TOEFL, vì mấy ngày cuối, tôi kiên trì mỗi ngày viết một bài, nên mới có tiến bộ trên phương diện viết, cuối cùng đạt điểm tuyệt đối như vậy. Thực lòng mà nói, tôi luôn cảm thấy phần viết rất khó, bởi vì xét từ góc độ tâm lý, tôi sợ nó, không dám viết. Lần này, để can đảm cầm bút viết, tôi đặt ra cho mình một nhiệm vụ bất di bất dịch: Phân loại kho đề thi yiti theo từng lĩnh vực, sau đó chọn ra những đề thi xuất hiện với tần suất cao trong mỗi lĩnh vực, mỗi ngày viết một bài, từ khóa ở đây là "mỗi ngày"!

Bởi vậy, đầu tháng Hai, tôi vạch kế hoạch học tập đại để như sau: Về bài agou, mỗi ngày phân tích mười đề thi, tìm ra kẽ hở ở đề bài, tổng kết và ghi nhớ những loại câu biện luận, đồng thời mỗi ngày phải viết ít nhất hai bài luận agou theo thứ tự tần suất xuất hiện đề thi đó trong kho đề thi từ cao đến thấp, về bài yiti, mỗi ngày tổng kết một loại đề thi và lập đề cương theo từng lĩnh vực liên quan (như giáo dục, khoa học, văn hóa và lịch sử,... ), đồng thời mỗi ngày viết một bài luận yiti theo thứ tự tần suất xuất hiện đề thi đó trong kho đề thi từ cao đến thấp. Ngoài ra, tôi sử dụng toàn bộ số thời gian ít ỏi còn lại trong ngày vào việc "đọc rộng thi thư", sưu tầm ví dụ.

Tuần đầu tiên thực hiện kế hoạch mới, tôi bỏ ra một buổi sáng nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn cho điểm của Viện khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ, sau đó lại nghiên cứu một cách rất nghiêm túc các bài văn mẫu của phần agou và yiti do ETS cung cấp. Tôi nghiên cứu thấu triệt các vấn đề về kết cấu chỉnh thể, khai thừa chuyển hợp, luận chứng luận cứ, và cấu tạo câu từ,... của bài văn mẫu tới mức không thể thấu triệt hơn được nữa. Nghiên cứu xong, tôi đột nhiên ngộ ra một điểm chung giữa những bài văn mẫu đó và bài văn đạt điểm cao trong kỳ thi GRE mà mình "chỉ khả ý hội, bất khả ngôn truyền", đó là đặt vào cùng một thước đo nhất định, những bài văn đạt điểm cao cũng có quy luật có thể tuân theo, và cũng có khuôn mẫu có thể tham khảo (ở phần ghi chú nhỏ). Sẵn có cảm nhận đó, tôi lập tức chọn ra một đề agou xuất hiện ít nhất, múa bút thành văn, viết một bài agou đầu tiên của mình. Tôi chẳng bận tâm câu chữ mượt mà hay không, chỉ cốt làm sao tư duy biện chứng hoàn chỉnh, cắm cúi viết một bài luận gần bảy trăm từ trong thời gian quy định. Viết xong, trong lòng tôi cảm thấy rất sảng khoái, tốt xấu gì thì tôi cũng đã đặt bước đi đầu tiên trên con đường ôn tập phần viết. Điều này càng làm cho quyết tâm của tôi trở nên sắt đá hơn. Mình nhất định phải "kiên trì viết", "viết mỗi ngày" mỗi bài yiti và hai bài agou, tuyệt đối không thay đổi!

Từ lúc triển khai luyện viết, tôi đã hóa thân thành một người máy được lên dây cót, đúng bảy giờ sáng hàng ngày một mình đạp xe tới trường tự học, đến tám chín giờ tối mới trở về phòng, say sưa thực hiện kế hoạch ôn tập của mình mà không biết chán, viết hết bài luận này đến bài luận khác. Sau khi hoàn thành một nhiệm vụ của ngày, tôi sẽ gạch nhiệm vụ đó đi trên bản kế hoạch, trong lòng cực vui. Người khác đều bận rộn sắm sửa đồ tết, hưởng thụ bầu không khí vui vẻ tưng bừng của năm mới, chỉ có mình tôi lủi thủi ôn bài, chẳng dám làm chậm tiến độ ôn tập. Bao nhiêu lần người nhà và bạn bè rủ đi ăn, tôi đều từ chối, mặc dù trong lòng tôi rất muốn đi tụ tập cùng mọi người, nhưng nhìn ngày thi ngày càng đến gần, nhìn nhiệm vụ kín mít trên bản kế hoạch, tôi thật sự không dám làm lỡ việc.

Mẹ bảo tôi, bà cảm thấy rất xót cho tôi, vì ngày nào bà cũng trông tôi khổ sở như thế, nhưng bản thân tôi lại không cảm thấy mình vất vả, khổ sở tẹo nào. Ngược lại, mỗi khi hoàn thành được một nhiệm vụ nhỏ nào đó hoặc sau những bước đột phá về trình độ viết, tôi đều cảm thấy vô cùng sung sướng. Cảm giác hưng phấn và cảm giác thỏa mãn đó còn làm cho tôi vui hơn tết. Trong lòng tôi rất rõ, một khi tôi lựa chọn đi du học, tức là tôi đã xác định mình sẽ phải bước đi trên con đường vất vả khổ sở, xác định mình sẽ phải từ bỏ rất nhiều thứ, và xác định mình sẽ phải trải qua một cuộc sống không nhẹ nhàng. Có điều, tôi vẫn luôn tin chắc rằng, không có đau khổ thì không có hạnh phúc, hôm nay chịu khổ, nhất định ngày mai sẽ nhận được báo đáp, cho dù ngày mai chưa nhận được báo đáp, thì ngày kia, ngày kìa, hay nhiều ngày sau, sớm muộn gì cũng sẽ có báo đáp. Không có sự tích lũy nào là sự tích lũy vô ích, khi chúng ta tích lũy đau khổ đến một mức độ nhất định, chắc chắn nó sẽ có sự biến đổi về chất, chắc chắn nó sẽ mang những khả năng mới và hy vọng mới cho cuộc đời chúng ta.

Trong đầu tôi nghĩ như vậy là để tự khích lệ bản thân, còn về hành động thực tế, thì tôi vẫn tiếp tục luyện tập không ngừng nghỉ giống như một người máy. Do bản thân tôi khá nhạy bén với ngôn ngữ lại cộng thêm việc luyện tập với cường độ cao, nên chỉ sau hơn một tuần lễ, tôi đã đạt được sự tiến bộ rất lớn. Sau khi viết xấp xỉ mười bảy bài yiti và hai mươi bài agou, tôi cảm nhận rõ sự tiến bộ đó: Tốc độ viết mỗi ngày một nhanh, thời gian suy nghĩ ngày càng rút ngắn, số chữ trong bài thi không ngừng tăng lên, đến lối tư duy cũng rộng mở hơn. Sau khi nắm vững lối hành văn cố định, tôi viết rất trơn tru, và cũng không cần phải lo lắng về độ dài của bài luận.

Cá Béo Ướp Muối giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình luyện viết. Mỗi khi viết xong một bài luận, tôi sẽ gửi cho bạn ấy xem, rồi hỏi cảm nhận của bạn ấy. Cá Béo Ướp Muối góp ý rất chân thành: "Tuy văn cậu viết càng ngày càng dài, ngôn ngữ viết đọc lên cũng càng ngày càng có cảm giác như native speaker, nhưng tớ cảm thấy luận chứng của cậu còn hơi sáo rỗng, ví dụ còn hơi nghèo nàn." Tôi bỗng tỉnh ngộ! Mọi người đều nói, luận chứng sinh động có sức thuyết phục nhất, nếu cứ một hai nói những đạo lý đao to búa lớn, cứng nhắc, thì người khác rất khó có thể nghe theo quan điểm của bạn. Về sau, tôi quyết định bỏ nhiều thời gian hơn vào việc thu thập ví dụ và tích lũy luận cứ. Vừa hay lúc đó, tôi có quen một người bạn cùng ôn thi GRE, anh ta đưa ra một ý kiến rất hay về phương diện thu thập ví dụ: Mỗi ngày dành nửa tiếng đồng hồ tổng kết qua một lượt nội dung liên quan đến cuộc sống, công việc... của vị danh nhân đó, sau đó có thể đưa những nét nổi bật của họ vào bài viết, và tiến hành chỉnh lý. Tôi nhận thấy ý kiến này rất hay, nên cũng bắt đầu thực hành. Tôi kiên trì tích lũy như vậy hơn hai mươi ngày, trước sau tổng kết ví dụ về hơn hai mươi danh nhân. Dần dần,tôi học được không ít từ câu chuyện của các vị danh nhân trong nhiều lĩnh vực, hơn nữa đó đều là những ví dụ độc đáo mà hiếm có thí sinh nào dùng đến. Vậy là tôi có thể vận dụng một cách linh hoạt hơn các ví dụ, các luận chứng mà tôi đưa ra trong bài cũng vừa sắc sảo vừa dí dỏm, rõ ràng và đáng tin cậy hơn. Tất nhiên sau này tôi cũng sử dụng những ví dụ tổng kết được đó vào bài thi của mình.

Mấy ngày Tết, cuối cùng tôi cũng không thể cưỡng lại được sức mê hoặc của thế giới bên ngoài, tôi tất bật đi thăm hỏi bà con họ hàng, bạn bè, và ăn uống vui chơi, thành thử tiến độ ôn tập bị chậm lại. Mấy ngày hôm đó, tôi chỉ sắp xếp lại một vài đề cương, chứ hầu như không viết được một bài luận nào hoàn chỉnh, ngay đến phần mềm luyện thi viết, cũng chưa sờ đến, nên cảm thấy rất áy náy. Vào ngày mùng 4 Tết, tôi hạ quyết tâm, cầm bút viết một bài yiti và một bài agou, kết cục thật thảm hại: Mặc dù tôi viết bài yiti chưa hết thời gian làm bài, nhưng tôi cảm giác thứ văn mình viết ra trở nên sáo rỗng, quá chăm chút vào câu từ, làm lãng phí bao nhiêu thời gian; còn về bài luận agou, vì tôi từng xemqua bài văn mẫu, biết mình cần phải viết thật cụ thể, nên tôi luôn nhắc đi nhắc lại bản thân rằng phải viết thật cụ thể, viết cụ thể, thế nhưng tôi lại viết vượt quá rất nhiều thời gian cho phép. Sau khi thi thử, tôi cảm thấy rất lo lắng, buồn phiền. Sự thất bại trong bài thi thử lần này chứng minh một việc: tuyệt đối không được ngừng luyện viết! Dù mỗi ngày chỉ còn một hơi thở, tôi cũng bắt buộc phải kiên trì viết hằng ngày! Bất luận thế nào cũng phải viết hàng ngày! Viết hàng ngày! Viết hàng ngày!

Sau một bước lùi đó, tôi nhắc nhở bản thân: cứ tiếp tục nằm ở nhà như thế này cũng không phải là cách, vừa hay tết nhất cũng qua rồi, mình vẫn nên mau chóng quay trở lại Bắc Kinh để có thể tìm được cảm giác học tập ở trong phòng tự học của nhà trường. Vì thế, tôi quyết định lập tức "thu quân về kinh", chuẩn bị cho thời gian ôn tập gắt gao, luyện tập nhiều hơn, viết lách nhiều hơn, tìm lại cảm giác tích cực trước đây vào mười mấy ngày cuối cùng.

Lúc tôi về đến Bắc Kinh, trường học vẫn chưa bắt đầu vào học, đi đến đâu cũng thấy vắng vẻ quạnh quẽ. Hòa vào cảnh tượng đìu hiu của sân trường vào những ngày mùa đông giá rét này, tâm trạng của tôi cũng buồn bã theo. Hàng ngày ở trong ký túc xá, tôi không màng ăn uống, chỉ lên mạng xem phim, làm phụ đề. Mỗi lần định lên trường tự học, tôi lại tưởng tượng ra cảnh một mình mình ngồi thu lu trong phòng tự học mới tội nghiệp làm sao, thế là ý nghĩ đi tự học đó nhanh chóng tiêu tan, và tôi lại tiếp tục ở ký túc xá lên mạng... Tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình lại như vậy, chỉ còn nửa tháng nữa là thi rồi, vậy mà tôi lại chán chường, cứ nằm dài trong ký túc xá. Động lực mất dần, tinh thần sa sút, ngay cả những lời lẽ hùng hồn mà tôi từng nói với mình khi ngồi trên tàu hỏa, cũng hoàn toàn quên sách. Tôi vào diễn đàn, ẩn mình quan sát trạng thái của các bạn cùng thi đợt ấy, thấy mọi người ai nấy đều đang chuẩn bị rùm beng cho kỳ thi, chỉ có một mình tôi là vẫn nằm đây, bình chân như vại.

Tôi tự hỏi: Thái độ chuẩn bị tích cực cho kỳ thi trước đây đã biến đi đâu mất rồi? Tôi đợi hết ngày này qua ngày khác, hy vọng theo dòng chảy thời gian, tâm trạng tiêu cực sẽ tan biến, thay vào đó là tâm trạng tích cực, nhưng ngờ đâu càng ngày tôi càng buồn chán, càng ngày càng mất khí thế, và càng ngày càng trống rỗng. Tôi chợt nhớ, sau khi được chuyển tiếp cao học vào năm thứ tư đại học, tôi cũng gặp phải thời kỳ suy sụp tinh thần như thế này, và lúc đó cũng như bây giờ, tôi định đợi thời gian qua đi rồi cảm giác sẽ tự nhiên quay về. Tôi nhớ lúc đó Cá béo Ướp Muối có nói với tôi: "Tâm trạng không tốt không có nghĩa là cứ ngồi đó mà suy nghĩ thì có thể tìm lại tâm trạng." Đúng vậy, tại sao tôi lại không nhớ ra câu này nhỉ? Không phải bạn cứ suy nghĩ lung tung, vớ vẩn là có thể tìm lại tâm trạng, mà bạn cần phải hành động, rồi từ đó khẳng định được bản thân mình, nhờ khẳng định được bản thân, bạn sẽ cảm thấy trong lòng vững vàng, sau đó mới có thể tìm lại tâm trạng và cảm giác.

Tôi đi theo ý niệm này, ngay sáng hôm sau, dù tâm trạng tốt hay xấu, tôi cũng ép bản thân mình lên trường tự học. Tuy chỉ nửa ngày, hiệu suất cũng không cao, nhưng vì tôi đã bắt tay vào hành động nên không còn cảm thấy buồn chán như trước nữa. Ngày thứ ba tiếp tục học, tâm trạng của tôi chuyển biến khá hơn. Đến ngày thứ tư, nhìn vào kế hoạch mình đã hoàn thành ba ngày trước, tâm trạng của tôi thực sự tốt lên, tuy chưa tới mức hăng say học tập, nhưng tôi cảm nhận rõ tâm trạng của mình đang chuyển biến tốt lên từng ngày. Vì năm ngày trước, tôi không chịu khó học hành, tiến độ ôn tập bị chậm lại rất nhiều, nên từ đấy về sau, mỗi ngày tôi buộc phải tăng tốc độ học lên gấp đôi mới bù đắp được sự trễ nải của mình trước đó trong kế hoạch ôn tập.

Lúc đó, chỉ còn mười ba ngày nữa là thi, tôi tự nhủ: dù có đụng vỡ đầu, mình cũng phải tiếp tục kiên trì. Tuy mấy ngày gần thi, tôi cảm thấy vô cùng khó chịu, cả tinh thần và thể xác đều mệt mỏi rã rời, nhưng tuyệt đối không thể để cho những cố gắng bấy lâu nay đều đổ sông đổ biển, nhất định phải kiên trì đến cùng! Tôi quyết định viết lại toàn bộ số đề cương đề thi viết trong kho để có thể ghi nhớ sâu hơn, vì thế tốc độ viết của tôi là mỗi ngày viết năm mươi đề cương bài agou và năm mươi đề cương bài yiti, vừa viết vừa nhớ, giống như học từ vựng. Cứ như vậy, tôi học bất kể ngày đêm, không đến mấy hôm đã viết xong tất cả đề cương. Tôi in toàn bộ số đề cương đó ra, nhìn vào thành quả của mình, trong lòng tôi bỗng dâng lên cảm giác rất có thành tựu. Hàng ngày đi đâu, làm gì, tôi cũng đều mang theo những bộ đề cương này, tiện tay mở ra xem, mau chóng nâng cao độ quen thuộc của từng đề thi trong kho đề thi.

Khi chỉ còn cách kỳ thi một tuần, tôi chuyển phắt sang giai đoạn bứt phá trước kỳ thi. Tôi bắt đầu thử sức mỗi ngày viết hai bài yiti và hai bài agou, chỉ có khi nào không hoàn thành được các kế hoạch khác, tôi mới giảm xuống viết một bài yiti và một bài agou một ngày. Từ khi nâng cao cường độ ôn tập, tôi đạt được những tiến bộ lớn hơn, nhanh hơn. Để tăng độ khó cho bản thân, tôi ấn định thời gian làm bài luận là bốn mươi phút cho phần yiti và hai mươi lăm phút cho phần agou (mỗi phần giảm mười lăm phút so với thời gian quy định làm bài thi thật). và mỗi lần làm bài, tôi đều tạo tiếng ồn, gẫy nhiễu (ví dụ như mở phim, tọa đàm hoặc nhạc... trong máy tính) nhằm tôi luyện cho mình khả năng chống nhiễu khi viết luận. Chẳng mấy chốc, tôi đã tìm lại được cảm giác như hồi ôn tập phần viết trong kỳ thi TOEFL.

Lúc đó, tôi bố trí thi viết vào thứ Hai. Tôi sắp xếp lịch trình một tuần như sau: Thứ tư, đọc lướt qua toàn bộ số đề cương theo thứ tự tần suất xuất hiện đề thi đó trong kho đề thi từ cao đến thấp; thứ Năm, quay lại các bài văn mẫu cũ nhất, nghiên cứu chúng một cách cẩn thận, kỹ càng; thứ Sáu, chỉnh lý một lượt cuối cùng những ngôn từ văn vẻ trong phần yiti và agou được tích lũy từ các bài văn mẫu; thứ Bảy, đọc lại một lượt ví dụ mà mình tự tổng kết về các vị danh nhân; Chủ nhật, xuất phát tới khu vực xung quanh địa điểm thi tìm chỗ ở. Nói ra, sự phấn đấu của tôi vào mấy ngày trước kỳ thi có vẻ hơi kịch. Trước đây, vì thi TOEFL, tôi có quen một người bạn tốt tên là Bì Nặc Tào, qua sự giới thiệu của Nặc Tào tôi lại quen thêm mấy người bạn cũng thi chứng chỉ ngoại ngữ du học như mình như Đậu Đậu và Sảng Sảng, từ đó mọi người tạo thành "phân đội nhỏ nhảy qua Jituo" mang uy lực vô song (từ Jituo trong tiếng Trung có phát âm gần giống với hai chữ cái đầu G, T của GRE, TOEFL trong tiếng Anh). Kể từ khi tôi bắt đầu chiến đấu điên cuồng với kỳ thi GRE, ngày nào tôi cùng các thành viên phân đội nhỏ cũng cùng tự học, mặc dù mỗi người phấn đấu cho một kỳ thi khác nhau, nhưng đều có chung một ước mơ. Từ đó, tôi không còn cảm giác cô đơn nữa. Một người suy sụp, cả đội cùng truyền sức mạnh cho; một người tạo ra đột phá, cả đội cùng chúc mừng.

Vì có sự cổ vũ, khích lệ của các thành viên trong phân đội nhỏ, tôi không dám lười biếng, một tuần ôn tập sau cùng, tôi rất phiêu, hoàn thành vượt mức kế hoạch ôn tập. Cùng với đó, tôi cũng không quên bồi dưỡng nhân phẩm. hễ nhìn thấy trong sân trường, trong canteen, hay trong phòng tự học, chỗ nào có rác thải cần lượm nhặt, giấy loại cần thu dọn, bát đĩa cần bưng bê, tôi đều nhanh chân chạy đến làm. Có ai đó đến hỏi tôi kinh nghiệm học tập, tôi đều cởi mở chia sẻ tất cả kinh nghiệm học tập của mình, từ những kiến thức mình tích lũy được cho đến những tài liệu học tập. Ngoài ra, hàng ngày tôi vẫn trò chuyện đều đặn với bức tượng của Chu thủ tướng, báo cáo sự tiến bộ của mình. Ngày nào tôi cũng nói với ông: "Xin ngài hãy phù hộ cho con phát huy được phong độ làm bài như thường ngày, vì thi cử đáng ghét như thế, con thực không muốn phải thi lại lần thứ ba đâu!"

[Tháng Ba năm 2008]

Đợi mãi cuối cùng cũng đến cuối tuần trước hôm diễn ra kỳ thi, vào ngày thứ Bảy, một mình tôi chuyển tới ở tại một cái khách sạn nhỏ gần địa điểm thi. Đêm đầu tiên chuyển đến đo, tôi hoàn toàn không có tâm trạng học, xem xong hai bộ phim, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đêm thứ hai, tôi gặp ác mộng, tôi mơ thấy lúc thi hầu như mình không bốc được một câu nào có sẵn trong kho đề thi, và thế là tôi chẳng biết làm bài như thế nào, về sau nghe ngóng, tôi mới vỡ lẽ, thì ra ETS tráo kho đề thi! Tôi hoảng hốt, giật mình tỉnh giấc, may mà đó chỉ là mơ, cả người toát mồ hôi lạnh.

Vào hôm thi, tôi tới địa điểm thi từ sáng sớm. Nhưng vì trước lúc điền thông tin dự thi, tôi cứ cảm thấy bụng mình ấm a ấm ách nên phải chạy ra chạy vào phòng vệ sinh. Trên đường đi tới phòng vệ sinh, đột nhiên tôi nhớ ra một hôm nào đó xem đề cương, không hiểu vì sao, tôi luôn có dự cảm rằng mình sẽ bốc phải đề yiti số 51. Vì thế, nhân lúc chưa vào phòng thi, tôi nhẩm tính trong đầu: "Nếu đúng như mình bốc trúng đề yiti số 51 thì mình sẽ viết như thế nào..."

Vào thi, tôi bỏ qua mấy bước hướng dẫn đầu tiên trên màn hình máy tính, trực tiếp làm bài. Màn hình hiện ra đề thi yiti gồm hai câu chọn một, tôi nhìn chòng chọc vào đó, sững sờ! Chẳng những tôi từng viết hai bài luận đó trong quá trình luyện tập trước đây mà trong đó còn có một đề yiti rơi trúng vào đề số 51! Gặp tình huống này, khỏi cần nói cũng biết lúc đó trong lòng tôi vui sướng cỡ nào! Tôi tủm tỉm cười lén hai phút. Vì đợt thi thử, tôi ấn định cho mình thời gian làm bài luận là bốn mươi phút, nên tôi dùng mười mấy phút dư ra suy nghĩ thật kỹ về việc lựa chọn đề thi nào để viết. Mặc dù, tôi từng làm cả hai đề thi này rồi, nhưng tôi vẫn cảm thấy đề yiti số 51 có gì đó dễ viết văn vẻ hơn, cho nên quyết định chọn nó. Sau khi phóng bút, viết một bài yiti lai láng dài hơn chín trăm từ, chuyển sang đề agou, tôi cũng bắt gặp đề thi từng xuất hiện nhiều lần trong kho đề thi. Vậy là, tôi mở cờ trong bụng, mười đầu ngón tay lướt nhanh như bay trên bàn phím, đầu không ngừng suy nghĩ: "Tất cả những gì mình bỏ ra đều không tốn công vô ích, tất cả những phẩm chất con người mình đều đáng giá, không đến nỗi vứt đi!"

Từ phòng thi đi ra, tôi cười nghiêng ngả, Trước khi thi, tôi từng tuyên bố với các thành viên trong phân đội nhỏ là nếu như tôi bốc được đề thi xuất hiện với tần suất cao trong kho đề thi, thì khi đi thi về, nhất định tôi sẽ viết một bài có tựa đề "Tôi bốc trúng một đề thi xuất hiện với tấn suất cao trong kho đề thi" trên blog. Vừa khéo, tôi bốc được những hai đề thi như thế. Ngồi trên chuyến xe bus đi từ địa điểm thi về trường, tôi có cảm giác vững chãi và thỏai mái giống như lần ngồi xe về trường sau khi thi xong TOEFL vào ba tháng trước đó, tôi khẽ tựa đầu vào cửa kính trên xe nghỉ ngơi. Tôi nhắm mắt, miên man suy nghĩ. Trong đầu dường như còn hồi tưởng lại dáng vẻ mấy ngày trước tôi điên cuồng luyện viết, vậy mà trong nháy mắt, tôi đã thi xong rồi, ngẫm ra những ngày phấn đấu trôi qua thật nhanh. Tuy lúc đó, tôi vẫn chưa biết điểm bài luận, nhưng vì tôi cảm thấy mình đã phát huy rất tốt phong độ làm bài hàng ngày, nên trong lòng rất mãn nguyện. Tôi bỗng nhận ra, trước khi làm một việc nào đó, tôi đều cảm thấy rất vất vả, khổ sở, dường như là việc đó quá khó, nhưng mỗi khi khắc phục được cảm giác đau khổ đó, và chính thức bắt tay làm việc, tôi lại cảm thấy, thật ra nhiều khi sự việc không khó như những gì mình nghĩ. Trong ba ngọn núi lớn là kỳ thi TOEFL, kỳ thi GRE trên máy và kỳ thi GRE trên giấy trên con đường làm hồ sơ du học, hiện tại tôi đã chiếm lĩnh được hai ngọn núi rồi. Tôi nhất định phải nhân đà thắng lợi, tức tốc tấn công ngọn núi thứ ba!

Con đường tương lai còn có rất nhiều gian nan, trở ngại, tôi phải tiếp tục cố gắng! Xông lên! Xông lên! Và xông lên!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro