san pham va dich vu ngan hang

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 1 

TỔNG QUAN VỀ QUẢN TRỊ TÁC NGHIỆP

NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

                Quản trị tác nghiệp ngân hàng thương mại (NHTM) có vai trò quan trọng trong quá trình duy trì và thúc đẩy sự phát triển của mỗi ngân hàng trên cơ sở khai thác và sử dụng tốt nhất mọi tiềm năng và cơ hội để đạt được các mục tiêu đã đề ra theo đúng luật định quốc gia và thông lệ quốc tế.

Mục tiêu của chương: cung cấp những kiến thức tổng quan về ngân hàng và hoạt động của ngân hàng thương mại; các chức năng, nguyên tắc, phương pháp và những nội dung cơ bản của quản trị tác nghiệp NHTM, tạo cơ sở nền tảng cho việc nghiên cứu các chương tiếp sau.

1.1. NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

1.1.1. Khái niệm và vai trò của NHTM

● Khái niệm NHTM

Ngân hàng thương mại (Commercial Bank) đã hình thành, tồn tại và phát triển hàng trăm năm. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá, hệ thống NHTM cũng ngày càng được hoàn thiện, phát triển và trở thành những định chế tài chính không thể thiếu trong nền kinh tế bởi vai trò quan trọng của nó đối với nền kinh tế nói chung và đối với từng cộng đồng, từng địa phương nói riêng.

Ngân hàng là gì?

Ngân hàng là một loại hình tổ chức đã có quá trình phát triển lâu dài, nhưng đến nay vẫn không có một khái niệm thống nhất về ngân hàng? Thông thường, khi đưa ra khái niệm về một tổ chức người ta thường căn cứ vào các chức năng (hay các hoạt động) mà tổ chức đó thực hiện trong nền kinh tế. Đối với NHTM, việc đưa ra khái niệm về nó trong bối cảnh kinh tế hiện nay không phải dễ dàng và luôn chính xác. Bởi vì, không chỉ chức năng của các ngân hàng đang thay đổi mà chức năng của các đối thủ cạnh tranh chính của ngân hàng cũng thay đổi không ngừng. Thực tế cho thấy, rất nhiều tổ chức tài chính, bao gồm cả các công ty kinh doanh chứng khoán, công ty bảo hiểm… đều đang cố gắng cung cấp các dịch vụ ngân hàng. Ngược lại, ngân hàng cũng đối phó với các đối thủ cạnh tranh (các tổ chức phi ngân hàng) bằng cách mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ, hướng về các lĩnh vực bất động sản và môi giới chứng khoán, tham gia hoạt động bảo hiểm và thực hiện nhiều dịch vụ mới khác.

Một cách tiếp cận thận trọng nhất là có thể xem xét ngân hàng trên phương diện những loại hình dịch vụ mà chúng cung cấp. Theo cách tiếp cận này, Ngân hàng là loại hình tổ chức tài chính cung cấp một danh mục các dịch vụ tài chính đa dạng nhất - đặc biệt là dịch vụ tín dụng, thanh toán và thực hiện nhiều chức năng tài chính nhất so với bất kỳ một tổ chức kinh doanh nào trong nền kinh tế. Có thể nói rằng, kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ để tìm kiếm và tối đa hoá lợi nhuận trong phạm vi khuôn khổ pháp luật là mục tiêu cơ bản, xuyên suốt quá trình hoạt động của các ngân hàng thương mại.

Ở Việt Nam, theo điều 20 Luật Các Tổ chức Tín dụng: “Ngân hàng thương mại là một loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng và các hoạt động khác có liên quan. Luật này cũng định nghĩa: tổ chức tín dụng là loại hình doanh nghiệp được thành lập theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật để hoạt động kinh doanh tiền tệ, làm dịch vụ ngân hàng với nội dung nhận tiền gửi để cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ thanh toán”.

Luật Ngân hàng Nhà nước đưa ra định nghĩa: “Hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng với nội dung thường xuyên là nhận tiền gửi và sử dụng số tiền này để cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán”.

Ngân hàng thương mại xuất hiện khá sớm trong lịch sử. Khi mới ra đời, hoạt động chủ yếu của nó là cho vay và làm trung gian thanh toán, nhưng ngày nay hoạt động của NHTM rất đa dạng. Ngoài các nghiệp vụ truyền thống, các NHTM ngày càng mở rộng và triển khai thêm nhiều nghiệp vụ kinh doanh mới như: tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh và đại lý phát hành, quản lý danh mục đầu tư… Bên cạnh hệ thống các NHTM, trong nền kinh tế cũng xuất hiện ngày càng nhiều tổ chức tín dụng phi ngân hàng như: công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ tín dụng... Theo quan niệm truyền thống, các tổ chức này khác NHTM ở chỗ, nó không kinh doanh các khoản tiền gửi không kỳ hạn, do đó cũng không cung cấp các dịch vụ thanh toán. Do sự phát triển của nền kinh tế và sự đa dạng hoá các nghiệp vụ của các tổ chức tài chính, cùng với những thay đổi có tính pháp lý về chức năng hoạt động của các tổ chức này mà sự phân biệt giữa các tổ chức tín dụng ngày nay không còn rõ ràng như trước, dẫn đến tình trạng có sự nhầm lẫn trong công chúng khi phân biệt ngân hàng với các tổ chức tài chính khác. Tuy nhiên, ở hầu khắp các quốc gia vẫn tồn tại hai loại hình cơ bản, đó là các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Vai trò của ngân hàng thương mại

                Cùng với sự phát triển đa dạng các nghiệp vụ kinh doanh, ngân hàng ngày càng thực hiện nhiều vai trò mới để có thể duy trì khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Các ngân hàng ngày nay có những vai trò cơ bản sau:

                Thứ nhất, NHTM là trung gian tài chính, thực hiện vai trò điều chuyển các khoản tiết kiệm, chủ yếu từ hộ gia đình thành vốn tín dụng cho các tổ chức kinh doanh và các thành phần kinh tế khác để đầu tư vào nhà cửa thiết bị và các tài sản khác.

                Thứ hai, NHTM giữ vai trò là trung gian thanh toán, thay mặt khách hàng thực hiện thanh toán các giao dịch mua bán hàng hoá và dịch vụ của họ.

                Thứ ba, NHTM giữ vai trò là người bảo lãnh, cam kết trả nợ cho khách hàng khi khách hàng mất khả năng thanh toán.

                Thứ tư, NHTM giữ vai trò đại lý, thay mặt khách hàng quản lý và bảo vệ tài sản của họ, phát hành hoặc chuộc lại chứng khoán…

                Thứ năm, NHTM là người thực hiện các chính sách kinh tế của Chính phủ, góp phần điều tiết sự tăng trưởng kinh tế và theo đuổi các mục tiêu xã hội.

                Việc hoạch định chính sách tiền tệ thuộc về Ngân hàng Trung ương. Để thực thi chính sách tiền tệ, Ngân hàng Trung ương phải sử dụng các công cụ như lãi suất, dự trữ bắt buộc, thị trường mở... Chính các ngân hàng thương mại là chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của các công cụ này và đồng thời đóng vai trò cầu nối trong việc chuyển tiếp các tác động của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế. Bởi vì hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại gắn liền với các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, các tổ chức và các chủ thể khác trong nền kinh tế. Mặt khác, cũng qua ngân hàng thương mại và các định chế tài chính trung gian khác, tình hình sản lượng, giá cả, công ăn việc làm, nhu cầu tiền mặt, lãi suất, tỷ giá... của nền kinh tế được phản hồi về cho Ngân hàng Trung ương để Chính phủ và Ngân hàng Trung ương có những chính sách điều tiết thích hợp với từng tình hình cụ thể.

                Thứ sáu, ngân hàng thương mại là cầu nối cho việc phát triển kinh tế đối ngoại giữa các quốc gia.

Với xu hướng phát triển của nền kinh tế là hướng hội nhập vào cộng đồng kinh tế khu vực và toàn thế giới, việc mở rộng quan hệ giao lưu kinh tế là một tất yếu, qua đó giúp cho mọi quốc gia phát huy được lợi thế của mình. Thông qua các nghiệp vụ tài trợ xuất nhập khẩu, quan hệ thanh toán với các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp quốc tế..., ngân hàng thương mại giúp cho việc thanh toán, trao đổi mua bán được diễn ra nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động kinh tế đạt được hiệu quả cao, đồng thời góp phần khẳng định vị trí và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, của NHTM trên trường quốc tế.

1.1.2. Phân loại NHTM

Có nhiều loại hình ngân hàng thương mại khác nhau tuỳ theo các tiêu thức nghiên cứu.

                - Căn cứ vào tính chất sở hữu

Theo tính chất sở hữu, người ta phân NHTM thành NHTM công (còn gọi NHTM nhà nước hay NHTM quốc doanh) và NHTM tư.

                Ngân hàng thương mại công là loại NHTM do Nhà nước đầu tư vốn điều lệ, thành lập và tổ chức hoạt động kinh doanh.

                Ngân hàng thương mại tư là loại hình NHTM do tư nhân góp vốn để thành lập.

                - Căn cứ vào tiêu thức quốc tịch

Theo tiêu thức quốc tịch, người ta phân biệt NHTM bản xứ và NHTM nước ngoài.

                Ngân hàng thương mại bản xứ là NHTM do Nhà nước hoặc công dân nước sở tại sở hữu.

                Ngân hàng thương mại nước ngoài do Nhà nước hoặc công dân nước ngoài sở hữu.

                - Căn cứ vào cơ quan cấp giấy phép hoạt động

Theo cơ quan cấp giấy phép hoạt động, người ta phân biệt NHTM toàn quốc và NHTM địa phương.

                Ngân hàng thương mại toàn quốc (hay còn gọi NHTM liên bang ở những nước theo thể chế liên bang) là loại hình NHTM do Chính phủ trung ương hoặc do một cơ quan quản lý trung ương (thường là Ngân hàng Trung ương) cấp giấy phép hoạt động.

                Ngân hàng thương mại địa phương (hay còn gọi ngân hàng bang ở những nước theo thể chế liên bang) là loại hình NHTM do chính quyền địa phương cấp giấy phép hoạt động.

                - Căn cứ vào tiêu thức số lượng chi nhánh

Theo tiêu thức số lượng chi nhánh, người ta phân biệt NHTM duy nhất và NHTM mạng lưới.

                Ngân hàng thương mại duy nhất là loại hình NHTM chỉ có một hội sở (hay sở giao dịch) hoạt động duy nhất trên phạm vi toàn bộ lãnh thổ quốc gia.

                Ngân hàng mạng lưới là loại hình NHTM có hội sở trung ương và phân chia chi nhánh hoạt động trên phạm vi toàn bộ lãnh thổ quốc gia và có thể ở cả nước ngoài.

                - Căn cứ vào tiêu thức chuyên môn hoá hoạt động ngân hàng

Theo tiêu thức chuyên môn hoá hoạt động ngân hàng, người ta phân biệt NHTM chuyên doanh và NHTM đa năng.

                Ngân hàng thương mại chuyên doanh là loại hình NHTM chỉ thực hiện một hay một vài hoạt động dịch vụ ngân hàng, hay chỉ thực hiện các dịch vụ ngân hàng với một lĩnh vực, một ngành kinh tế nào đó, ví dụ: ngân hàng công thương, ngân hàng ngoại thương, ngân hàng nông nghiệp,...

                Ngân hàng thương mại đa năng là loại hình NHTM thực hiện đa dạng các dịch vụ ngân hàng. Xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay là phát triển loại hình ngân hàng thương mại đa năng.

                - Căn cứ vào chiến lược kinh doanh

Dựa vào chiến lược kinh doanh và mối quan hệ giữa ngân hàng với khách hàng có thể phân NHTM thành ngân hàng bán buôn, ngân hàng bán lẻ và ngân hàng vừa bán buôn vừa bán lẻ.

Ngân hàng bán buôn là ngân hàng chỉ giao dịch và cung ứng dịch vụ cho các khách hàng lớn có tầm cỡ, với những giao dịch có giá trị lớn, và những giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng trên thị trường liên ngân hàng chứ không giao dịch với khách hàng là cá nhân. Đại đa số các chi nhánh NHTM nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như ABN - AMRO bank, Deutsche bank, The Chase Manhattan Bank,… hoạt động theo loại hình này.

Ngân hàng bán lẻ là loại ngân hàng giao dịch và cung ứng cho đối tượng khách hàng là cá nhân. Ở Việt Nam, loại hình này thường thấy ở các NHTM cổ phần nông thôn như: Ngân hàng Mỹ xuyên (An Giang), Ngân hàng An Bình (TPHCM)…

Ngân hàng vừa bán buôn vừa bán lẻ là loại ngân hàng giao dịch và cung ứng dịch vụ cho cả khách hàng công ty lẫn khách hàng cá nhân. Hầu hết các NHTM Việt Nam đều thuộc loại hình ngân hàng này.

- Căn cứ vào quan hệ tổ chức, sự phân cấp về quyền hạn và trách nhiệm

Theo quan hệ tổ chức và sự phân cấp quyền hạn & trách nhiệm, có thể chia NHTM thành ngân hàng hội sở, ngân hàng chi nhánh (cấp 1 và cấp 2) và phòng giao dịch. Ngân hàng hội sở là nơi tập trung quyền lực cao nhất và là nơi cung cấp đầy đủ hơn các dịch vụ ngân hàng; trong khi ngân hàng chi nhánh, phòng giao dịch nhỏ hơn và cung cấp không đầy đủ tất cả các giao dịch mà chỉ tập trung vào các giao dịch cơ bản như huy động vốn, thanh toán và cho vay.

Ở Việt Nam hiện nay, việc phân loại ngân hàng được thực hiện căn cứ vào hình thức pháp lý của chúng. Theo tiêu thức này, hệ thống NHTM bao gồm: NHTM nhà nước (NHTM quốc doanh), NHTM cổ phần, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Ngân hàng thương mại nhà nước là loại NHTM do Nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức hoạt động kinh doanh, thực hiện mục tiêu kinh tế của nhà nước. Hội đồng quản trị của NHTM nhà nước là do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi có thoả thuận với Ban Tổ chức cán bộ của Chính phủ. Điều hành hoạt động của NHTM nhà nước là Tổng giám đốc.

NHTM cổ phần là NHTM được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng, tổ chức khác và cá nhân cùng góp vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng liên doanh là ngân hàng được thành lập bằng vốn góp của bên Việt Nam và bên nước ngoài trên cơ sở hợp đồng liên doanh. Ngân hàng liên doanh là một pháp nhân Việt Nam, có trụ sở chính tại Việt Nam, hoạt động theo giấy phép thành lập và các quy định liên quan của pháp luật.

Chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đơn vị phụ thuộc của ngân hàng nước ngoài, được ngân hàng nước ngoài bảo đảm chịu trách nhiệm đối với mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền và nghĩa vụ do pháp luật Việt Nam quy định, hoạt động theo giấy phép mở chi nhánh và các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, theo cam kết khi gia nhập WTO, kể từ ngày 1/4/2007, các tổ chức nước ngoài được phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến cuối năm 2008 mới có 3 ngân hàng con 100% vốn nước ngoài (HSBC, Standard Chartered Bank của Anh và ANZ của Úc) được cấp phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Đầu năm 2009 có thêm 2 ngân hàng nữa, đó là: Shinhan Bank của Hàn Quốc và Hong Leong Bank của Malaysia. Sự ra đời của các ngân hàng này đánh dấu sự mở cửa và hội nhập sâu rộng của Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng. Mặc dù chưa có số liệu để đánh giá hoạt động cụ thể của các ngân hàng đó, song chắc chắn sự hiện diện của nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài sẽ làm tình hình cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam trở nên gay gắt hơn.

1.1.3. Mô hình tổ chức của một NHTM điển hình

                Tùy theo quy mô hoạt động, hình thức sở hữu và chiến lược hoạt động, mỗi ngân hàng có một mô hình tổ chức riêng. Các ngân hàng lớn thường có nhiều chi nhánh, sở hữu nhiều công ty con, hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Vì thế, bộ máy tổ chức của các ngân hàng này thường mang tính chuyên môn hóa cao (có các phòng nghiệp vụ chuyên sâu như: tín dụng công ty, tín dụng tiêu dùng, tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ, thẩm định và bảo lãnh...).

                Các ngân hàng nhỏ thường có ít, thậm chí không có chi nhánh, hoạt động trong phạm vi địa phương, nghiệp vụ kinh doanh kém đa dạng. Khác với ngân hàng lớn, bộ máy tổ chức của loại hình ngân hàng này thường gọn nhẹ, mỗi phòng có thể kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ; ví dụ: phòng tín dụng vừa cho vay doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, vừa cho vay tiêu dùng, vừa phân tích, thẩm định dự án... Đó cũng là lí do giải thích tại sao ngân hàng nhỏ đòi hỏi mỗi cán bộ phải thông thạo nhiều công việc hơn.

Cơ cấu tổ chức của một ngân hàng chịu tác động của nhiều yếu tố: quy mô hoạt động, tính chất sở hữu, xu thế phát triển của hệ thống... và là nhân tố tác động trực tiếp đến hiệu suất công việc của mỗi con người, mỗi bộ phận, qua đó tác động đến thu nhập và rủi ro ngân hàng. Do đó, để góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, mỗi ngân hàng cần căn cứ vào những đặc điểm, điều kiện riêng của mình và môi trường kinh doanh để tổ chức bộ máy quản lí thích hợp.

HỆ THỐNG TỔ CHỨC CỦA MỘT NGÂN HÀNG LỚN

Ghi chú:

● Các đơn vị sự nghiệp, gồm:

- Trung tâm (trường) đào tạo nghề;

- Trung tâm tin học;

- Trung tâm thông tin phòng ngừa rủi ro.

● Các đơn vị hạch toán độc lập trực thuộc, gồm:

- Công ty kinh doanh mĩ nghệ, vàng bạc, đá quý;

- Công ty cho thuê tài chính;

- Công ty chứng khoán.

CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CÁC SỞ GIAO DỊCH, CHI NHÁNH CẤP 1, CẤP 2

Hình 1.1: Mô hình tổ chức của một ngân hàng lớn

Hình 1.2: Mô hình tổ chức của một ngân hàng nhỏ

Ở Việt Nam hiện nay, các NHTM quốc doanh được tổ chức theo một hệ thống thống nhất từ Hội sở Trung ương đến các chi nhánh và phòng giao dịch ở các tỉnh, thành phố, quận, huyện. Tuỳ theo sự phát triển của từng ngành kinh tế quốc dân mà các chi nhánh ngân hàng trực thuộc có thể được tổ chức theo sự phân bố về quản lý hành chính (tỉnh, thành phố, quận, huyện), hoặc theo thực tế phát triển của mỗi ngành kinh tế ở từng vùng, từng khu vực. Ngoài mạng lưới ở trong nước, các ngân hàng còn mở văn phòng đại diện ở nước ngoài, thiết lập quan hệ đại lý với nhiều ngân hàng trên khắp các châu lục.

                Đối với các NHTM cổ phần, cơ cấu tổ chức thường bao gồm:

                - Hội sở có các phòng như Phòng giao dịch, Phòng tín dụng, Phòng thanh toán quốc tế, Phòng kinh doanh ngoại tệ, Phòng ngân quỹ, Phòng hành chính tổ chức, Phòng quan hệ quốc tế, Phòng công nghệ thông tin.

                - Các chi nhánh: gồm có chi nhánh cấp 1 và cấp 2 ở các địa phương.

                - Phòng giao dịch, hoặc điểm giao dịch trực thuộc chi nhánh: thường mở ở những nơi đông dân cư và có nhu cầu giao dịch với ngân hàng như siêu thị, trường học, khu công nghiệp...

1.2. CÁC DỊCH VỤ CỦA NHTM VÀ NHỮNG XU HƯỚNG ẢNH HƯỞNG TỚI HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ NGÂN HÀNG

1.2.1. Khái niệm dịch vụ ngân hàng

Có hai quan điểm khác nhau về sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Theo nghĩa rộng, sản phẩm dịch vụ ngân hàng bao gồm toàn bộ các hoạt động tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối của ngân hàng. Quan điểm này phù hợp với cách phân ngành dịch vụ ngân hàng trong dịch vụ tài chính của WTO và của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hoa kì cũng như cách phân loại của nhiều nước phát triển trên thế giới.

                Theo nghĩa hẹp, dịch vụ ngân hàng chỉ bao gồm những hoạt động không thuộc phạm vi kinh doanh tiền tệ và các nghiệp vụ ngân hàng theo chức năng của một trung gian tài chính (huy động tiền gửi, cho vay). Như vậy, dịch vụ ngân hàng chỉ bao gồm những hoạt động ngoại bảng, dịch vụ thu phí như chuyển tiền, bảo lãnh, thanh toán quốc tế...

Trên thực tế, “dịch vụ” và “sản phẩm” không phải là hai khái niệm đồng nhất. Tuy nhiên, đối với NHTM sản phẩm mà các ngân hàng kinh doanh thực chất là các dịch vụ - một loại lợi ích không tồn tại dưới dạng vật chất liên quan đến tài chính. Do vậy, trong phạm vi giáo trình này, “sản phẩm” và “dịch vụ” ngân hàng được hiểu là tương tự và khái niệm dịch vụ ngân hàng sẽ được hiểu theo nghĩa rộng, phù hợp với quan niệm phổ biến trên thế giới hiện nay.

1.2.2. Phân loại dịch vụ ngân hàng

                Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các NHTM ngày càng thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ và các dịch vụ tài chính khác.

                ● Dựa vào bảng cân đối kế toán

Dựa vào bảng cân đối kế toán, người ta chia hoạt động ngân hàng thành hoạt động nội bảng và hoạt động ngoại bảng.

                - Hoạt động nội bảng bao gồm tất cả các dịch vụ ngân hàng được phản ánh trên bảng cân đối kế toán. Các dịch vụ nội bảng có thể chia thành dịch vụ tài sản Nợ (hay nghiệp vụ nguồn vốn) và dịch vụ tài sản Có (hay nghiệp vụ sử dụng vốn).

                + Các dịch vụ tài sản Nợ - nghiệp vụ nguồn vốn bao gồm: nghiệp vụ tạo vốn chủ sở hữu, huy động tiền gửi khách hàng, nghiệp vụ tiền gửi và tiền vay các tổ chức tín dụng khác, tiền gửi và vay Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước, phát hành kỳ phiếu, trái phiếu ngân hàng… Ngoài ra, một số ngân hàng có thể nhận được các nguồn vốn khác như nguồn vốn ủy thác cho vay, ủy thác đầu tư, thu hộ, nguồn vốn trong thanh toán, vay từ ngân hàng mẹ...

                + Các dịch vụ tài sản Có (sử dụng vốn) bao gồm: nghiệp vụ ngân quỹ (tiền mặt tại quỹ, tiền gửi của ngân hàng tại NHNN và các tổ chức tín dụng khác), cho vay đối với khách hàng, đầu tư chứng khoán, cho vay các tổ chức tín dụng (TCTD) khác…

                - Hoạt động ngoại bảng bao gồm các dịch vụ không được phản ánh trên bảng cân đối kế toán của NHTM như dịch vụ thanh toán, bảo lãnh, ủy thác, đại lí, tư vấn và cung cấp thông tin...

                Cách phân loại dịch vụ ngân hàng dựa vào bảng cân đối kế toán là kiểu phân loại truyền thống, phù hợp với mô hình ngân hàng cổ điển. Đối với một ngân hàng hiện đại, các dịch vụ ngân hàng ngoại bảng thường chiếm tỷ trọng lớn nhưng lại không được phản ánh trên bảng cân đối kế toán.

Dựa vào đối tượng khách hàng

Dựa vào đối tượng khách hàng có thể chia hoạt động ngân hàng thành các dịch vụ đối với khách hàng là doanh nghiệp và dịch vụ đối với khách hàng cá nhân.

- Các dịch vụ đối với khách hàng cá nhân

Khác với đối tượng khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân thường chiếm tỉ trọng lớn về số lượng nhưng lại chiếm tỷ trọng nhỏ về doanh số giao dịch. Tuy nhiên khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu giao dịch với ngân hàng của khách hàng cá nhân ngày càng tăng thì nghiệp vụ đối với khách hàng cá nhân ngày càng được chú ý hơn. Đối với khách hàng cá nhân, ngân hàng thương mại có thể thực hiện các nghiệp vụ sau đây: tiền gửi cá nhân, tiền gửi tiết kiệm, thẻ thanh toán, thanh toán qua ngân hàng, cho vay tiêu dùng, cho vay xây dựng sửa chữa mua nhà, cho vay trả góp, cho vay kinh tế hộ gia đình...

- Các dịch vụ đối với khách hàng doanh nghiệp

Khách hàng doanh nghiệp là những khách hàng có tư cách pháp nhân như: DNNN, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. So với khách hàng cá nhân, số lượng khách hàng doanh nghiệp thường chiếm tỷ trọng nhỏ hơn nhưng doanh số giao dịch thường lớn hơn. Khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng có thể tiết kiệm được chi phí giao dịch do lợi thế về quy mô giao dịch. Tùy theo chiến lược phát triển của mỗi ngân hàng mà trong bộ máy kinh doanh của ngân hàng có thể tổ chức theo các nghiệp vụ kinh doanh, hoặc phân theo nhóm khách hàng doanh nghiệp: bộ phận dịch vụ khách hàng doanh nghiệp lớn, bộ phận dịch vụ khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng thương mại có thể thực hiện các nghiệp vụ sau: mở tài khoản tiền gửi thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt giữa các doanh nghiệp, thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ, cho vay, bảo lãnh, môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính...

Phân loại hoạt động kinh doanh theo đối tượng khách hàng giúp ngân hàng có cơ sở xây dựng chiến lược, tiếp cận và phục vụ khách hàng tốt hơn do dịch vụ cung cấp phù hợp với đặc điểm riêng của từng nhóm đối tượng khách hàng.

Bảng 1.3: HỆ THỐNG SẢN PHẨM DỊCH VỤ NGÂN HÀNG

I. Hệ thống sản phẩm dịch vụ khách hàng cá nhân

1. Dịch vụ tài khoản

1.1

Dịch vụ mở tài khoản thanh toán

1.2

Dịch vụ nộp tiền mặt vào tài khoản cá nhân

1.3

Dịch vụ rút tiền mặt từ tài khoản cá nhân

1.4

Dịch vụ truy vấn tài khoản

1.5

Dịch vụ xác nhận số dư tài khoản

1.6

Dịch vụ phong tỏa / giải tỏa tài khoản

2. Sản phẩm / dịch vụ tiết kiệm

2.1

Dịch vụ nhận tiền gửi tiết kiệm bằng tiền mặt

2.2

Dịch vụ nhận tiền gửi tiết kiệm bằng chuyển khoản

2.3

Dịch vụ chi tiền gửi tiết kiệm bằng tiền mặt

2.4

Dịch vụ chi tiền gửi tiết kiệm bằng chuyển khoản

2.5

Dịch vụ xác nhận số dư tiết kiệm

2.6

Dịch vụ phong tỏa / giải tỏa sổ tiết kiệm

2.7

Dịch vụ ủy quyền chuyển nhượng sổ tiết kiệm

2.8

Dịch vụ xử lí báo mất số tiết kiệm

3. Dịch vụ chuyển tiền trong nước

3.1

Dịch vụ chuyển tiền thanh toán trong nước

3.2

Dịch vụ chuyển tiền nhanh phục vụ khách hàng không có TK tại NH

3.3

Dịch vụ chuyển tiền phục vụ khách hàng không có TK tại NH

4. Dịch vụ chuyển tiền quốc tế

4.1

Dịch vụ chuyển tiền quốc tế đi (du lịch, du học...)

4.2

Dịch vụ chuyển tiền quốc tế đến

4.3

Dịch vụ cấp phép mang ngoại tệ ra nước ngoài

5. Dịch vụ kiều hối

5.1

Dịch vụ kiều hối chuyển về cho cá nhân (qua tài khoản)

5.2

Dịch vụ chi trả kiều hối tại quầy / nhà (kiều hối từ đại lí)

6. Dịch vụ thẻ

6.1

Dịch vụ phát hành thẻ nội địa, quốc tế

6.2

Dịch vụ liên quan đến thẻ (cấp PIN, làm mới...)

6.3

Dịch vụ ứng tiền mặt qua POS

7. Dịch vụ kho quỹ

7.1

Dịch vụ cho thuê két sắt

7.2

Dịch vụ quản lí / giữ hộ tài sản quý hiếm

7.3

Dịch vụ quản lí / giữ hộ giấy tờ quý hiếm

7.4

Dịch vụ kiểm đếm, đóng bó

7.5

Dịch vụ ngân hàng tại chỗ

7.6

Dịch vụ thu đổi ngoại tệ mặt (các ngoại tệ niêm yết)

7.7

Dịch vụ hoán đổi ngoại tệ mặt (các ngoại tệ niêm yết)

8. Dịch vụ tín dụng

8.1

Cho vay hỗ trợ tiêu dùng thông qua nghiệp vụ phát hành thẻ tín dụng

8.2

Cho vay mua nhà, cho vay xây dựng sửa chữa nhà

8.3

Cho vay mua xe cơ giới

8.4

Cho vay hỗ trợ du học

8.5

Cho vay ứng trước lương

8.6

Cho vay thấu chi

8.7

Tín dụng chứng khoán…

9. Dịch vụ bảo lãnh

9.1

Dịch vụ kí quỹ bảo lãnh

9.2

Dịch vụ xác nhận, phát hành, sửa đổi, hủy bảo lãnh

9.3

Dịch vụ định giá tài sản đảm bảo

9.4

Dịch vụ công chứng hợp đồng và đăng kí giao dịch đảm bảo

10. Các dịch vụ khác

10.1

Dịch vụ thanh toán hóa đơn (điện thoại, điện, nước....)

10.2

Dịch vụ bảo lãnh cam kết tài chính du học

II. Hệ thống sản phẩm dịch vụ khách hàng doanh nghiệp

1. Dịch vụ tài khoản

1.1

Dịch vụ mở tài khoản thanh toán

1.2

Dịch vụ nộp tiền mặt vào tài khoản

1.3

Dịch vụ rút tiền mặt từ tài khoản

1.4

Dịch vụ truy vấn tài khoản

1.5

Dịch vụ xác nhận số dư tài khoản/ sao lục chứng từ

1.6

Dịch vụ phong tỏa / giải tỏa tài khoản

2. Dịch vụ chuyển tiền trong nước

2.1

Dịch vụ thanh toán ủy nhiệm chi

2.2

Dịch vụ nhận séc nhờ thu

2.3

Dịch vụ thanh toán séc

2.4

Dịch vụ thanh toán ủy nhiệm thu

3. Dịch vụ chuyển tiền quốc tế

3.1

Dịch vụ nhận tiền đến từ nước ngoài

3.2

Dịch vụ thanh toán bằng TTR trả sau

3.3

Dịch vụ thanh toán bằng TTR trả trước

4. Dịch vụ kho quỹ/ tiền mặt

4.1

Dịch vụ cho thuê két sắt

4.2

Dịch vụ quản lí, giữ hộ tài sản quý hiếm

4.3

Dịch vụ quản lí, giữ hộ giấy tờ quý hiếm

4.4

Dịch vụ kiểm đếm, đóng bó

4.5

Dịch vụ thu tiền theo túi niêm phong (theo hợp đồng kiểm đếm)

5. Dịch vụ bảo lãnh

5.1

Dịch vụ kí quỹ bảo lãnh

5.2

Dịch vụ xác nhận, phát hành, sửa đổi, hủy bảo lãnh

5.3

Dịch vụ định giá tài sản đảm bảo

5.4

Dịch vụ công chứng hợp đồng và đăng kí giao dịch đảm bảo

6. Dịch vụ tài trợ thương mại

6.1

Dịch vụ mở L/C

6.2

Dịch vụ sửa đổi, hủy LC

6.3

Dịch vụ kiểm tra chứng từ và thông báo

6.4

Dịch vụ kí hậu vận đơn và kí cargo receipt

6.5

Dịch vụ phí bảo lãnh nhận hàng,

6.6

Dịch vụ chuyển trả chứng từ cho ngân hàng nước ngoài

6.7

Các dịch vụ khác như: phí sai biệt chứng từ, tra soát theo yêu cầu người mở, từ chối thanh toán L/C, xác nhận L/C...)

6.8

Dịch vụ mã điện hộ ngân hàng trong nước

6.9

Dịch vụ mã điện hộ chuyển tiếp

7. Dịch vụ tín dụng

7.1

Cho vay từng lần

7.2

Cho vay theo hạn mức tín dụng

7.3

Thấu chi

7.4

Chiết khấu chứng từ

7.5

Bao thanh toán

7.6

Cho vay theo dự án đầu tư

7.7

Cho vay hợp vốn

8. Các dịch vụ khác

8.1

Dịch vụ thanh toán hóa đơn (điện thoại, điện, nước...)

Dựa vào thu nhập của các sản phẩm dịch vụ

Theo thu nhập của các sản phẩm dịch vụ, người ta chia dịch vụ ngân hàng thành dịch vụ tín dụng và phi tín dụng.

Dịch vụ tín dụng bao gồm các sản phẩm dịch vụ cho vay như: cho vay từng lần, cho vay theo hạn mức, tín dụng thấu chi, bao thanh toán, chiết khấu chứng từ có giá, cho vay dự án, đồng tài trợ, cho vay qua phát hành thẻ tín dụng… Thu nhập của dịch vụ này được thể hiện thông qua yếu tố lãi suất.

Dịch vụ phi tín dụng bao gồm các dịch vụ mà thu nhập do dịch vụ tạo ra được thể hiện thông qua phí dịch vụ như: dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân quỹ, cho thuê két sắt, dịch vụ ủy thác, bảo lãnh…

Ngoài các tiêu thức phân loại nêu trên, dịch vụ ngân hàng còn có thể chia thành nhiều loại như: dịch vụ ngân hàng bán buôn (wholesale banking) và dịch vụ ngân hàng bán lẻ (retail banking); dịch vụ ngân hàng đối với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân và hộ gia đình; dịch vụ ngân hàng đơn lẻ, dịch vụ tích hợp, dịch vụ trọn gói; dịch vụ ngân hàng truyền thống, dịch vụ ngân hàng hiện đại…

                Tùy theo đặc điểm, chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng mà cấu trúc sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng có sự khác nhau. Thông thường, ngân hàng ở các nước đang và kém phát triển, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống, dịch vụ tín dụng, dịch vụ bán buôn, dịch vụ cho khách hàng doanh nghiệp, dịch vụ đơn lẻ thường chiếm tỉ trọng lớn. Trái lại, ở các ngân hàng hiện đại, ngân hàng ở các nước phát triển, các sản phẩm dịch vụ thu phí, dịch vụ ngân hàng bán lẻ, dịch vụ tích hợp, dịch vụ ngân hàng hiện đại ngày càng có xu hướng gia tăng và chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thu nhập của mỗi ngân hàng.

                1.2.3. Các dịch vụ chính của ngân hàng thương mại

Tùy theo chiến lược kinh doanh, mỗi ngân hàng có thể cung cấp số lượng các dịch vụ khác nhau, nhưng nhìn chung các NHTM đều cung cấp hai nhóm sản phẩm, đó là: các dịch vụ truyền thống và các dịch vụ ngân hàng mới phát triển trong những năm gần đây.

1.2.3.1. Các dịch vụ truyền thống

● Trao đổi ngoại tệ

Lịch sử cho thấy rằng, một trong những dịch vụ ngân hàng đầu tiên được thực hiện là trao đổi ngoại tệ - một ngân hàng đứng ra mua, bán một loại tiền này, chẳng hạn USD và lấy một loại tiền khác, chẳng hạn GBP để hưởng phí dịch vụ. Sự trao đổi đó là rất quan trọng đối với khách du lịch vì họ sẽ cảm thấy thuận tiện và thoải mái hơn khi có trong tay đồng nội tệ của quốc gia, hay thành phố mà họ đến. Trong thị trường tài chính ngày nay, mua bán ngoại tệ thường do các ngân hàng lớn thực hiện bởi vì những giao dịch như vậy có mức độ rủi ro cao, đồng thời phải có trình độ chuyên môn trong giao dịch ngoại hối.

● Chiết khấu thương phiếu và cho vay thương mại

                Sử dụng và khai thác các nguồn vốn là hoạt động chủ yếu và quan trọng nhất của ngân hàng thương mại và được thể hiện thông qua nhiều nghiệp vụ cụ thể như: cho vay, đầu tư, hoạt động ngân quỹ… Trong đó, cho vay là nghiệp vụ cơ bản nhất trong sử dụng và khai thác các nguồn vốn của ngân hàng thương mại. Ngay ở thời kỳ đầu, các ngân hàng đã chiết khấu thương phiếu mà thực tế là cho vay đối với các doanh nhân địa phương, những người bán các khoản nợ (khoản phải thu) của các khách hàng cho ngân hàng để lấy tiền. Đó là bước chuyển tiếp từ chiết khấu thương phiếu sang cho vay trực tiếp đối với các khách hàng, giúp họ có vốn để mua hàng hoá dự trữ, xây dựng văn phòng và thiết bị sản xuất.

● Nhận tiền gửi

Cho vay được coi là hoạt động sinh lời cao, do đó các ngân hàng đã tìm mọi cách để huy động nguồn vốn cho vay. Một trong những nguồn vốn quan trọng là các khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng, một quỹ sinh lợi được gửi tại ngân hàng trong khoảng thời gian nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm, đôi khi được hưởng mức lãi suất tương đối cao.

● Dịch vụ thanh toán

Cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu và châu Mĩ đã đánh dấu sự ra đời của dịch vụ tài khoản tiền gửi giao dịch (demand deposit) - một tài khoản tiền gửi cho phép người gửi tiền viết séc thanh toán cho việc mua hàng hoá, dịch vụ. Việc đưa ra loại tài khoản tiền gửi này được xem là một trong những bước đi quan trọng nhất trong công nghiệp ngân hàng, bởi vì nó cải thiện đáng kể hiệu quả của quá trình thanh toán, làm cho các giao dịch kinh doanh trở nên dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn và an toàn hơn. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các yêu cầu đối với một dịch vụ thanh toán như đơn giản, nhanh chóng, chính xác, an toàn, chi phí thấp… được các ngân hàng đáp ứng ngày một tốt hơn.

● Bảo quản vật có giá

Ngay từ thời Trung cổ các ngân hàng đã bắt đầu thực hiện việc lưu giữ vàng và các vật có giá khác cho khách hàng trong kho bảo quản. Một điều hấp dẫn là các giấy chứng nhận do ngân hàng ký phát cho khách hàng (ghi nhận về các tài sản đang được lưu giữ) có thể được lưu hành như tiền - đó là hình thức đầu tiên của séc và thẻ tín dụng. Ngày nay, nghiệp vụ quản vật có giá cho khách hàng thường do phòng “bảo quản” của ngân hàng thực hiện.

● Tài trợ các hoạt động của Chính phủ

Trong thời kỳ Trung cổ và vào những năm đầu của cách mạng công nghiệp, khả năng huy động và cho vay với khối lượng lớn của ngân hàng đã trở thành tâm điểm chú ý của các Chính phủ Âu - Mĩ. Thông thường, ngân hàng được cấp giấy phép thành lập với điều kiện họ phải mua trái phiếu Chính phủ theo một tỉ lệ nhất định trên tổng lượng tiền gửi mà ngân hàng huy động được.

● Cung cấp dịch vụ uỷ thác

Từ nhiều năm nay, các ngân hàng đã thực hiện quản lý tài sản và quản lý hoạt động tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp thương mại. Theo đó, ngân hàng sẽ thu phí trên cơ sở giá trị của tài sản hay quy mô vốn họ quản lý. Chức năng quản lý tài sản này gọi là dịch vụ uỷ thác (Trust Services). Hầu hết các ngân hàng đều cung cấp cả hai loại dịch vụ: dịch vụ uỷ thác thông thường cho cá nhân, hộ gia đình và dịch vụ uỷ thác thương mại cho các doanh nghiệp.

Thông qua Phòng uỷ thác cá nhân, các khách hàng có thể tiết kiệm các khoản tiền để cho con đi học. Ngân hàng sẽ quản lý và đầu tư khoản tiền đó cho đến khi khách hàng cần. Thậm chí phổ biến hơn, các ngân hàng được đóng vai trò là người được uỷ thác trong di chúc, quản lý tài sản cho khách hàng đã qua đời bằng cách công bố tài sản, bảo quản các tài sản thừa kế. Thông qua phòng uỷ thác thương mại, ngân hàng quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và kế hoạch tiền lương cho các công ty kinh doanh. Ngân hàng đóng vai trò như những người đại lý cho các công ty trong hoạt động phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Điều này đòi hỏi phòng uỷ thác phải trả lãi hoặc cổ tức cho chứng khoán của công ty, thu hồi các chứng khoán khi đến hạn bằng cách thanh toán toàn bộ cho những người nắm giữ chứng khoán.

1.2.3.2. Dịch vụ ngân hàng mới phát triển gần đây

                ● Cho vay tiêu dùng

                Trong lịch sử, hầu hết các ngân hàng không tích cực cho vay đối với các cá nhân và hộ gia đình bởi vì họ tin rằng các khoản cho vay tiêu dùng nói chung có quy mô rất nhỏ với rủi ro vỡ nợ tương đối cao và do đó làm cho chúng trở nên có mức sinh lời thấp. Các ngân hàng thường sử dụng nhiều hơn tiền gửi của khách hàng để tài trợ cho những món vay thương mại lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự cạnh tranh khốc liệt trong việc giành giật tiền gửi và cho vay đã buộc các ngân hàng phải hướng tới người tiêu dùng như là một khách hàng trung thành tiềm năng.

                ● Tư vấn tài chính

                Các ngân hàng từ lâu đã được khách hàng yêu cầu thực hiện hoạt động tư vấn tài chính, đặc biệt là về tiết kiệm và đầu tư. Ngân hàng ngày nay cung cấp nhiều dịch vụ tư vấn tài chính đa dạng, từ chuẩn bị về thuế và kế hoạch tài chính cho các cá nhân đến tư vấn về các cơ hội thị trường trong nước và ngoài nước cho các khách hàng kinh doanh của họ.

                ● Quản lý tiền

                Quản lý tiền là loại dịch vụ trong đó ngân hàng đồng ý quản lý việc thu chi cho một công ty kinh doanh và tiến hành đầu tư phần vốn tiền tệ thặng dư tạm thời nhàn rỗi vào các chứng khoán sinh lợi và tín dụng ngắn hạn cho đến khi khách hàng cần tiền để thanh toán. Một số ngân hàng có khuynh hướng chuyên môn hóa dịch vụ quản lí tiền cho các tổ chức, một số khác lại có xu hướng gia tăng việc cung cấp các dịch vụ tương ứng cho người tiêu dùng. Dịch vụ quản lý tiền ngày nay của các ngân hàng cũng chịu tác động cạnh tranh rất mạnh mẽ của các tổ chức tài chính khác như các công ty môi giới chứng khoán và các tập đoàn tài chính khác.

                ● Dịch vụ cho thuê thiết bị

                Rất nhiều ngân hàng tích cực cho khách hàng kinh doanh quyền lựa chọn mua các thiết bị, máy móc cần thiết thông qua hợp đồng thuê mua, trong đó ngân hàng mua thiết bị và cho khách hàng thuê. Ban đầu, các quy định yêu cầu khách hàng sử dụng dịch vụ thuê mua thiết bị phải trả tiền thuê (mà tổng số tiền này đủ để trang trải chi phí mua thiết bị) đồng thời phải chịu chi phí sửa chữa và thuế. Theo sự phát triển của dịch vụ cho thuê, các hình thức cho thuê ngày càng đa dạng và được ràng buộc bởi những quy định cụ thể khác nhau.

                ● Cho vay tài trợ dự án

                Các ngân hàng ngày càng trở nên năng động trong việc tài trợ cho chi phí xây dựng nhà máy mới, đặc biệt là với ngành công nghệ cao. Do rủi ro tín dụng tiềm ẩn trong tài trợ dự án cao nên chúng thường được thực hiện qua một công ty đầu tư, là thành viên của công ty sở hữu ngân hàng, cùng với sự tham gia của các nhà đầu tư khác để chia sẻ rủi ro. Những ví dụ điển hình về loại hình công ty đầu tư này là Bankers Trust Venture Capital Anh Citicorp Venture, Inc

                ● Bán các dịch vụ bảo hiểm

                Từ nhiều năm nay các ngân hàng đã bán bảo hiểm tín dụng cho khách hàng, điều đó đảm bảo việc hoàn trả trong trường hợp khách hàng vay vốn bị chết hay bị tàn phế. Ngân hàng thường bảo hiểm cho khách hàng thông qua các liên doanh, hoặc các thỏa thuận đại lí kinh doanh độc quyền. Theo đó, một công ty bảo hiểm đồng ý đặt một văn phòng đại lí tại ngân hàng và ngân hàng sẽ nhận một phần thu nhập từ các dịch vụ bảo hiểm. Những ngân hàng có mạng lưới hoạt động rộng, nếu được phép sẽ có thể cung cấp các dịch vụ về bảo hiểm thông qua các chi nhánh riêng biệt và giới hạn quy mô đầu tư trong tỉ lệ vốn chủ sở hữu nhất định.

                ● Cung cấp các kế hoạch hưu trí

                Phòng ủy thác ngân hàng rất năng động trong việc quản lí kế hoạch hưu trí mà hầu hết các doanh nghiệp lập cho người lao động, đầu tư vốn và phát lương hưu cho những người nghỉ hưu hoặc tàn phế. Ngân hàng cũng bán các kế hoạch tiền gửi hưu trí cho các cá nhân và giữ nguồn tiền gửi cho đến khi người sở hữu các kế hoạch này cần đến.

                ● Cung cấp dịch vụ môi giới đầu tư chứng khoán

                Trên thị trường tài chính hiện nay, nhiều ngân hàng đang phấn đấu để trở thành một “bách hóa tài chính” thực sự, cung cấp đủ các dịch vụ tài chính, cho phép khách hàng thỏa mãn mọi nhu cầu tại một địa điểm. Đây là một trong những lí do chính khiến các ngân hàng bắt đầu bán các dịch vụ môi giới chứng khoán, cung cấp cho khách hàng cơ hội mua cổ phiếu, trái phiếu và các chứng khoán khác mà không phải nhờ đến người kinh doanh chứng khoán. Trong một vài trường hợp, các ngân mua lại một công ty môi giới đang hoạt động (ví dụ Bank of America mua Robertson Stephens Co.), hoặc thành lập các liên doanh với một công ty môi giới, hoặc thành lập các công ty con trực thuộc.

                ● Cung cấp dịch vụ tương hỗ và trợ cấp

                Do ngân hàng cung cấp các tài khoản tiền gửi truyền thống với lãi suất quá thấp, nhiều khách hàng đã hướng tới việc sử dụng các sản phẩm đầu tư (investment products), đặc biệt là đầu tư vào quỹ tương hỗ (quỹ đầu tư mở) và hợp đồng trợ cấp. Quỹ tương hỗ bao gồm các chương trình đầu tư được quản lí một cách chuyên nghiệp nhằm vào việc mua cổ phiếu, trái phiếu và các chứng khoán phù hợp với mục tiêu của quỹ. Vì vậy, đây là những loại hình dịch vụ có triển vọng thu hút được nhiều khách hàng hơn và có thu nhập cao hơn Tài khoản tiền gửi dài hạn cam kết thanh toán một khoản tiền hàng năm cho khách hàng bắt đầu từ một ngày nhất định trong tương lai (chẳng hạn ngày nghỉ hưu). Đó cũng là lí do khiến các ngân hàng có xu hướng bổ sung dịch vụ tương hỗ và trợ cấp để ngày càng đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng, và cũng là để hạn chế rủi ro, tăng thu nhập, nâng cao vị thế, uy tín của mình trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế.

                ● Cung cấp dịch vụ ngân hàng đầu tư và ngân hàng bán buôn

Ngày nay, nhiều ngân hàng đang theo chân các tổ chức tài chính hàng đầu trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng đầu tư và bán buôn cho các tập đoàn lớn. Những dịch vụ này bao gồm: xác định mục tiêu hợp nhất, tài trợ mua lại công ty, bảo lãnh phát hành chứng khoán.

Ngoài ra, hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại được thực hiện dưới nhiều hình thức như: đầu tư mua bán chứng khoán, đầu tư góp vốn cổ phần, góp vốn liên doanh liên kết… Nhờ có những hoạt động đầu tư này mà các ngân hàng có thể sử dụng và khai thác tối đa các nguồn vốn đã huy động, đa dạng hoá kinh doanh và phân tán rủi ro, tăng cường khả năng thanh khoản cho dự trữ của ngân hàng. Đồng thời nó cũng mang lại nguồn thu nhập cho ngân hàng. Tuy nhiên hoạt động đầu tư thực hiện ở mức độ nào còn tuỳ thuộc vào mô hình tổ chức ngân hàng thương mại ở mỗi nước.

● Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại

Trong quá trình cạnh tranh và hội nhập, việc ứng dụng và phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại là điều kiện thiết yếu và sống còn của mỗi ngân hàng. Thực tế hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đã và đang triển khai cung ứng một số dịch vụ ngân hàng hiện đại sau:

* Dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân

Tư vấn tài chính cá nhân (Personal Finance Consultant - PFC) là dịch vụ trong đó ngân hàng đến tận nơi tư vấn trực tiếp cho khách hàng về các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng. PFC đem đến cho khách hàng nhiều lợi ích:

- PFC tư vấn các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng khách hàng.

- PFC hướng dẫn khách hàng hoàn tất thủ tục nhanh chóng và thuận tiện.

- PFC cung cấp thường xuyên đến khách hàng những thông tin tài chính mới nhất và thật sự hữu ích cho những kế hoạch kinh doanh và chi tiêu của khách hàng.

* Dịch vụ ngân hàng trực tuyến

Để đáp ứng nhu cầu giao dịch không cần tới ngân hàng của các doanh nghiệp, hiện nay nhiều ngân hàng đã ứng dụng ngân hàng trực tuyến với các sản phẩm cơ bản sau:

- eTeller - Dịch vụ tài khoản online

- eRemittance - Dịch vụ chuyển tiền online

- eLending - Dịch vụ tiền vay online

- eTrade - Tài trợ thương mại (thanh toán quốc tế) online

Ngoài ra, hầu hết các ngân hàng đều cung cấp dịch vụ thẻ điện tử, thanh toán điện tử liên ngân hàng trong nước và quốc tế, các dịch vụ ngân hàng điện tử: mobile banking, phone banking, home banking, internet banking…

1.2.4. Các xu hướng ảnh hưởng tới dịch vụ ngân hàng

                Kết quả một số cuộc điều tra về dịch vụ ngân hàng gợi ý rằng các ngân hàng đang trải qua những thay đổi mạnh mẽ về chức năng hoạt động. Thực tế những thay đổi ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh ngân hàng ngày nay quan trọng đến mức nhiều nhà phân tích coi đó là một cuộc “cách mạng ngân hàng”. Điều đó có thể làm cho các thế hệ ngân hàng tiếp theo sẽ khác rất nhiều so với các ngân hàng ngày nay.

                Vậy những khuynh hướng nào đã ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng? Sau đây là một số khuynh hướng cơ bản:

                ● Sự gia tăng nhanh chóng danh mục các dịch vụ

                Như đã nêu ở phần trên, các ngân hàng ngày càng mở rộng danh mục dịch vụ tài chính mà họ cung cấp cho khách hàng. Quá trình mở rộng danh mục dịch vụ đã tăng tốc trong những năm gần đây dưới áp lực cạnh tranh gia tăng từ các tổ chức tài chính khác, từ sự hiểu biết và đòi hỏi cao hơn của khách hàng và từ sự thay đổi công nghệ. Điều đó làm tăng chi phí của ngân hàng và dẫn đến rủi ro phá sản cao hơn. Đồng thời, các dịch vụ mới cũng ảnh hưởng tốt đến ngành công nghiệp này thông qua việc tạo ra những nguồn thu mới cho ngân hàng - các khoản lệ phí của dịch vụ không phải lãi, một bộ phận có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn so với các nguồn thu truyền thống từ lãi vay.

                ● Sự gia tăng cạnh tranh

                Sự cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ tài chính đang ngày càng trở nên quyết liệt khi ngân hàng và các đối thủ cạnh tranh mở rộng danh mục dịch vụ. Các ngân hàng địa phương cung cấp tín dụng, kế hoạch tiết kiệm, kế hoạch hưu trí, dịch vụ tư vấn tài chính cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây là những dịch vụ đang phải đối mặt với những cạnh tranh trực tiếp từ các ngân hàng khác, các hiệp hội tín dụng, các công ty kinh doanh chứng khoán, các công ty tài chính, các tổ chức bảo hiểm. Áp lực cạnh tranh đóng vai trò như một lực đẩy tạo ra phát triển dịch vụ cho tương lai.

                ● Quản lý nhà nước đối với hoạt động ngân hàng và xu hướng phi quản lý (mức độ tự do hoá) đối với hoạt động ngân hàng

                Khi các ngân hàng trong hệ thống tài chính thực hiện nghiệp vụ nhận tiền gửi, cho vay và cung cấp các dịch vụ tài chính khác cho khách hàng, họ phải tiến hành những công việc đó trong một khung pháp lý chặt chẽ được xây dựng chủ yếu để bảo vệ lợi ích cho toàn xã hội. Ở hầu hết các quốc gia, không một ngân hàng mới nào có thể thành lập nếu không được Chính phủ chấp thuận. Việc ngân hàng cung cấp các dịch vụ tài chính cho công chúng đều đòi hỏi phải có sự cho phép của các cơ quan quản lý ngân hàng. Chất lượng các dịch vụ mà ngân hàng cung cấp luôn được các thanh tra ngân hàng xem xét cẩn thận.

                Vậy tại sao các ngân hàng lại bị kiểm soát chặt chẽ. Những lý do cơ bản  để ngân hàng trở thành đối tượng quản lý của Chính phủ bao gồm:

                - Bảo đảm sự an toàn cho các khoản tiết kiệm của công chúng.

                - Kiểm soát mức cung ứng tiền tệ và tín dụng, phục vụ mục tiêu kinh tế chung của quốc gia (phát triển kinh tế, tăng việc làm, lạm phát thấp...).

                - Bảo đảm sự bình đẳng và công khai trong việc tiếp cận các khoản tín dụng và các dịch vụ tài chính của công chúng.

                - Tăng cường lòng tin của dân chúng đối với hệ thống tài chính, đảm bảo các khoản tiết kiệm được tập trung cho đầu tư sản xuất, đảm bảo quá trình thanh toán được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.

                - Ngăn chặn sự tập trung tiềm lực tài chính vào tay một số ít cá nhân hay tổ chức.

                - Cung cấp cho Chính phủ các khoản tín dụng, thuế và các dịch vụ tài chính khác.

                - Trợ giúp các khu vực của nền kinh tế có nhu cầu tín dụng đặc biệt (hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và nông nghiệp).

                Nếu các quy định quản lý của Chính phủ hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại  thì (i) Các ngân hàng có điều kiện để phát triển những dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu xã hội, (ii) Duy trì sức cạnh tranh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tài chính đủ mạnh để bảo đảm mức giá hợp lý, đảm bảo số lượng và chất lượng dịch vụ thoả đáng cho công chúng, (ii) Các quyết định của khu vực tư nhân không bị bóp méo, gây ra sự phân bổ không hợp lý và lãng phí các nguồn lực khan hiếm (ví dụ như việc Chính phủ nâng đỡ các ngân hàng đáng lẽ nên cho phép phá sản). Ngược lại, nếu các quy định không rõ ràng, minh bạch, không phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế - xã hội thì nó sẽ trở thành lực cản đối với quá trình phát triển, thậm chí cho thể gây nên những hậu quả xấu cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, chính cạnh tranh và quá trình mở rộng dịch vụ ngân hàng cũng được thúc đẩy bởi sự nới nỏng các quy định, giảm bớt sức mạnh kiểm soát của Chính phủ. Những thay đổi về quy định và luật lệ hoạt động ngân hàng trong những năm gần đây đã gây ra nhiều ảnh hưởng khác nhau đối với ngân hàng và khách hàng của họ. Trong khi người ta vẫn còn tranh luận về hiệu quả và mức độ hợp lý của việc phi quản lý hoá lĩnh vực ngân hàng thì hầu hết các nhà phân tích trong ngành đều thống nhất về vấn đề những thay đổi mà quá trình phi quản lý đã đưa đến cho hoạt động ngân hàng và cho thị trường các dịch vụ tài chính. Những ảnh hưởng quan trọng nhất là:

                - Cấu trúc tiền gửi của các ngân hàng có xu hướng chuyển dịch về những tài khoản mang chi phí lớn hơn. Điều đó có nghĩa là chi phí thực tế trung bình của tất cả các khoản tiền gửi đã tăng lên bởi vì nhiều khoản tiền gửi đã thực sự được hưởng lãi suất gắn với điều kiện thị trường, thay vì lãi suất do Chính phủ quy định.

                - Ngân hàng phải đối mặt với rủi ro cao hơn trên một số phương diện, đặc biệt là rủi ro lãi suất và rủi ro phá sản. Việc lãi suất tiền gửi được gắn chặt hơn với lãi suất thị trường khiến cho sự dao động của lãi suất thị trường sẽ gây ra những ảnh hưởng mạnh hơn tới lợi nhuận của ngân hàng. Các ngân hàng phải chịu rủi ro lớn và bị tác động nhanh hơn bởi những thay đổi của điều kiện kinh tế và tài chính cũng như bị ảnh hưởng mạnh bởi những sai lầm trong quản lý.

                - Sự tăng lên trong chi phí hoạt động, đặc biệt là trong chi phí tiền gửi, đất đai và thiết bị hoạt động đã khuyến khích các ngân hàng tăng cường tiết kiệm dưới nhiều hình thức khác nhau, như giảm chi phí nhân sự, chi phí hành chính, tiến hành tự động hoá tất cả các dịch vụ.

                - Chi phí hoạt động gia tăng khuyến khích các ngân hàng năng động hơn trong việc nâng cao thu nhập. Nhiều dịch vụ trước đây miễn phí, hiện nay bị đánh phí và ngân hàng nhấn mạnh tới việc thu phí đối với khách hàng để bù đắp toàn bộ chi phí. Hầu hết các ngân hàng hiện đang nỗ lực tìm kiếm các dịch vụ mới cho phép tạo ra những nguồn thu phí mới đủ bù đắp chi phí và có lãi.

                - Cuối cùng khách hàng dường như được hưởng lợi từ quá trình phi quản lý hoá do số lượng các dịch vụ được cung cấp nhiều hơn, các khoản tiền gửi được hưởng lãi suất cao hơn, lãi suất phản ánh sát thực hơn điều kiện thị trường.

                ● Sự gia tăng chi phí vốn

                Sự nới nỏng luật lệ kết hợp sự gia tăng cạnh tranh làm tăng chi phí trung bình thực tế của các khoản tiền gửi - nguồn vốn cơ bản của ngân hàng. Với sự nới lỏng các luật lệ, ngân hàng buộc phải trả lãi suất do thị trường cạnh tranh quyết định cho phần lớn tiền gửi. Đồng thời Chính phủ yêu cầu các ngân hàng phải sử dụng vốn chủ sở hữu nhiều hơn - một nguồn vốn đắt đỏ - để tài trợ cho các tài sản của mình.

● Sự gia tăng các nguồn vốn nhạy cảm với lãi suất

Các quy định của Chính phủ đối với ngành ngân hàng tạo ra cho khách hàng khả năng nhận thức được mức thu nhập cao hơn từ tiền gửi, nhưng chỉ có công chúng mới làm cho cơ hội đó trở thành hiện thực. Các khoản tiết kiệm thu nhập thấp và các tài khoản giao dịch không sinh lợi kiểu cũ đã được chuyển sang các tài khoản có mức thu nhập cao hơn, những tài khoản có tỉ lệ thu nhập thay đổi theo lãi suất thị trường. Ngân hàng phát hiện ra rằng họ đang phải đối mặt với những khách hàng có giáo dục hơn, nhạy cảm hơn với lãi suất. Các khoản tiền gửi “trung thành” của họ có thể dễ dàng bị lôi kéo bởi các đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ. Do đó, ngân hàng phải phấn đấu để tăng cường khả năng cạnh tranh trên phương diện thu nhập trả cho công chúng gửi tiền và phải nhạy cảm hơn với ý thức thay đổi của xã hội về vấn đề phân phối các khoản tiết kiệm.

                ● Cách mạng trong công nghệ ngân hàng

                Đối mặt với chi phí hoạt động cao hơn, từ nhiều năm gần đây các ngân hàng đã và đang chuyển sang sử dụng hệ thống hoạt động tự động và điện tử thay thế cho hệ thống dựa trên lao động thủ công, đặc biệt là trong việc nhận tiền gửi, thanh toán bù trừ và cấp tín dụng. Những ví dụ điển hình như hệ thống máy rút tiền tự động được lắp đặt ngày càng nhiều, cho phép khách hàng truy cập tài khoản tiền gửi của họ 24/24 giờ, máy tính thanh toán tiền POS được lắp đặt ở các siêu thị, trung tâm thương mại thay thế cho các phương tiện thanh toán hàng hoá dịch vụ bằng giấy và hệ thống máy vi tính hiện đại xử lý hàng ngàn giao dịch một cách nhanh chóng trên toàn thế giới. Do đó, ngân hàng đang trở thành ngành sử dụng nhiều vốn và tài sản cố định, sử dụng ít lao động và chi phí biến đổi. Nhiều chuyên gia tin rằng các toà nhà ngân hàng và khách hàng cuối cùng sẽ trở thành những di tích của quá khứ và bị thay thế bởi các cuộc liên lạc và giao tiếp điện tử. Sản xuất và cung cấp dịch vụ sẽ hoàn toàn tự động. Những bước đi đó sẽ giảm đáng kể chi phí đối với những khu vực có khối lượng giao dịch lớn, nhưng chúng sẽ tạo ra quá trình phi nhân công hoá ngân hàng và gây ra tình trạng mất việc làm khi máy móc thay thế người lao động. Tuy nhiên, những kinh nghiệm gần đây gợi ý rằng một ngành ngân hàng hoàn toàn tự động có thể vẫn còn là điều xa vời. Một tỉ lệ lớn khách hàng vẫn ưa chuộng các dịch vụ của con người và những cơ hội để nhận được sự tư vấn cá nhân về các vấn đề tài chính.

                ● Sự củng cổ và mở rộng hoạt động về mặt địa lý

                Sử dụng có hiệu quả quá trình tự động hoá và những đổi mới công nghệ đòi hỏi các hoạt động ngân hàng phải có quy mô lớn. Vì vậy, ngân hàng cần phải mở rộng cơ sở khách hàng bằng cách vươn tới các thị trường mới, xa hơn và gia tăng số lượng tài khoản. Kết quả là hoạt động mở chi nhánh ngân hàng diễn ra. Mô hình công ty sở hữu ngân hàng mua lại các ngân hàng nhỏ và đưa chúng trở thành bộ phận của các tổ chức ngân hàng đa trụ sở đã ngày càng phổ biến. Nhiều vụ hợp nhất đã diễn ra như vụ hợp nhất giữa Chemical Bank và Chase Manhattan ở Newyork hay Bank of America và Nations Bank. Số lượng các ngân hàng sở hữu độc lập đang có xu hướng giảm và quy mô trung bình của các ngân hàng đang có xu hướng tăng. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đang tìm mọi cách để đạt được sự đa dạng hoá, ngân hàng không còn muốn duy trì mô hình ngân hàng cổ điển và nhấn mạnh vai trò của nó như là các tổ chức tài chính năng động, đổi mới và hướng về khách hàng.

                Với sự phát triển tự động hoá, ngày càng nhiều ngân hàng mở chi nhánh ở những vùng xa với các thiết bị viễn thông và máy rút tiền tự động, một phương pháp mở rộng quy mô thị trường hơn là xây dựng các cơ sở vật chất mới. Trong nhiều trường hợp, hệ thống thiết bị vệ tinh cung cấp dịch vụ hữu hạn sẽ thay thế các văn phòng chi nhánh đa năng của ngân hàng.

                ● Quá trình toàn cầu hoá ngân hàng

                Sự bành trướng địa lý và hợp nhất các ngân hàng đã vượt ra khỏi ranh giới một lãnh thổ quốc gia và lan rộng ra với quy mô toàn cầu. Ngày nay, các ngân hàng lớn trên thế giới cạnh tranh với nhau trên tất cả các lục địa. Quá trình tự do hoá các dịch vụ tài chính cho phép các ngân hàng thuộc các quốc gia khác nhau đều có quyền cung cấp các dịch vụ tài chính trên thị trường quốc tế và cùng cạnh tranh trong một môi trường bình đẳng.

                ● Rủi ro vỡ nợ gia tăng

                Trong khi xu hướng hợp nhất và bành trướng về mặt địa lý đã giúp nhiều ngân hàng ít tổn thương hơn trước điều kiện kinh tế trong nước thì sự đẩy mạnh cạnh tranh giữa các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng kèm theo các khoản tín dụng có vấn đề của một nền kinh tế luôn biến động cũng dẫn tới sự phá sản ngân hàng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Xu hướng phi quản lý trong lĩnh vực tài chính cũng làm cho các thủ đoạn kinh doanh có thể xảo trá hơn, nơi mà sự phá sản, thôn tính và thanh lý ngân hàng dễ xảy ra hơn.

1.3. QUẢN TRỊ TÁC NGHIỆP NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.3.1. Khái niệm và chức năng của quản trị tác nghiệp NHTM

1.3.1.1. Khái niệm Quản trị tác nghiệp NHTM

Quản trị là hoạt động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản trị lên các đối tượng bị quản trị thông qua sự phối kết hợp các hoạt động hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát các nguồn lực của tổ chức nhằm đạt được các mục tiêu đã xác định.

                Quản trị NHTM là quá trình tác động liên tục, có tổ chức, có hướng đích của các chủ thể quản trị lên các đối tượng chịu quản trị, các hoạt động tác nghiệp ngân hàng nhằm sử dụng tốt nhất mọi tiềm năng và cơ hội để đạt được các mục tiêu đã đề ra theo đúng luật định quốc gia và thông lệ quốc tế.

               Quản trị NHTM bao gồm nhiều nội dung như: quản trị chiến lược kinh doanh, quản trị tổ chức, quản trị nhân lực, quản trị các nghiệp vụ kinh doanh... Tuy nhiên, với tên học phần đã được xác định, cuốn giáo trình này chỉ tập trung giới thiệu về quản trị tác nghiệp NHTM. Với phạm vi đó, chủ thể quản trị tác nghiệp NHTM bao gồm: HĐQT, tổng giám đốc và các thành viên trong ban giám đốc (nhà quản trị cấp cao); các trưởng phòng, trưởng ban (quản trị viên cấp trung) và các quản trị viên cấp cơ sở.

                Đối tượng bị quản trị là quá trình hoạch định và tổ chức triển khai các hoạt động tác nghiệp, các dịch vụ NHTM được thực hiện bởi các bộ phận chức năng, các nhân viên ngân hàng trong mối quan hệ tương tác giữa các dịch vụ và chịu tác động động bởi nhiều yếu tố chi phối như: khách hàng, đối thủ cạnh tranh, môi trường pháp luật, kinh tế, chính trị - xã hội, môi trường công nghệ...

                Quản trị tác nghiệp có vai trò quan trọng trong hoạt động của NHTM. Thông qua các công cụ, nội dung và biện pháp quản trị, ngân hàng có được định hướng kinh doanh đúng đắn cả trong ngắn, trung và dài hạn; nhờ đó mà ngân hàng có thể sẵn sàng đối phó với những thách thức, đón nhận những cơ hội mà môi trường kinh doanh đem lại; giúp cho ngân hàng có thể khai thác, sử dụng các nguồn lực một cách hợp lý và có hiệu quả nhất.                                              

Hình 1.4: Mô hình quản trị tác nghiệp NHTM trong mối quan hệ

với môi trường kinh doanh ngân hàng

1.3.1.2. Chức năng của quản trị tác nghiệp NHTM

Quản trị tác nghiệp NHTM thực hiện 3 chức năng cơ bản sau:

- Hoạch định chính sách, chiến lược kinh doanh

- Tổ chức thực hiện kế hoạch, chính sách kinh doanh

- Kiểm tra, giám sát và quản trị rủi ro

                ● Hoạch định chính sách, chiến lược kinh doanh

Hoạch định chính sách kinh doanh là quá trình xác định mục tiêu kinh doanh, các sản phẩm dịch vụ cung ứng, đồng thời đưa ra những phương pháp và phương tiện để nhằm đạt được mục tiêu đã xác định. Đây là chức năng đầu tiên và mọi chức năng, nhiệm vụ của hoạt động quản trị tác nghiệp đều xuất phát từ đó. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách kinh doanh cần căn cứ vào nhiều yếu tố như: tình hình thực tế của môi trường kinh doanh, xu hướng phát triển và mục tiêu của ngân hàng để đưa ra một chính sách kinh doanh phù hợp. Bản hoạch định chính sách kinh doanh phải làm rõ các vấn đề sau:

(1) Xác định mục tiêu rõ ràng: phát triển các sản phẩm dịch vụ nào, đâu là sản phẩm chính, đâu là sản phẩm vệ tinh,... Các sản phẩm đó hướng tới thị trường nào, tập khách hàng nào,...

(2) Xác định chức năng, thẩm quyền của từng bộ phận, từng cán bộ, nhân viên trong mỗi bộ phận tác nghiệp.

(3) Thiết lập các tiêu thức, tiêu chuẩn, quy trình, điều kiện, giá cả (lãi suất, tỉ giá, tỉ lệ phí) đối với từng dịch vụ.

(4) Xác lập các phương pháp kiểm tra, kiểm soát.

Các chiến lược, chính sách kinh doanh cần thiết phải được diễn tả rõ ràng, chính xác và được phê duyệt dưới các hình thức văn bản để có sự thực hiện một cách nhất quán. Một chính sách kinh doanh muốn được thực thi tốt phải được viết ra bằng thuật ngữ chính xác, dễ hiểu, chi tiết, đưa ra được những hướng dẫn thực hiện cho từng nghiệp vụ cụ thể. Chính sách kinh doanh được ban hành tạo cho các nhân viên có ý thức về phương hướng và một khung pháp lí để tham chiếu trong quá trình triển khai nghiệp vụ. Tuy nhiên, chính sách kinh doanh cũng không nên quá cụ thể, chi tiết đến mức bóp nghẹt tính sáng tạo của nhân viên, hay ngăn cản các trường hợp ngoại lệ có thể phát triển hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả mà vẫn đảm bảo giới hạn an toàn cho phép.

Một chính sách kinh doanh được thể hiện bằng văn bản là một trong những thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc của ngân hàng. Đồng thời nó cũng là công cụ trọng yếu trong tổ chức quản lí điều hành ngân hàng và là tài liệu hướng dẫn không thể thiếu đối với cán bộ chưa có kinh nghiệm.

Tóm lại, công tác hoạch định chính sách cần linh hoạt, đảm bảo phù hợp với đặc điểm riêng của mỗi ngân hàng, mỗi nghiệp vụ kinh doanh và đạt được mục tiêu của ngân hàng một cách tốt nhất.

                ●  Tổ chức thực hiện kế hoạch, chính sách kinh doanh

                Tổ chức thực hiện kế hoạch, chính sách kinh doanh là quá trình xác định, phân chia các tiêu chuẩn, hướng dẫn các quy trình, giới hạn phạm vi áp dụng, đưa ra các quyết định cung cấp dịch vụ, tạo ra môi trường thuận lợi cho các cá nhân để đạt được mục tiêu riêng của mỗi dịch vụ, cũng như mục tiêu chung của tổ chức. Để hoạt động kinh doanh ngân hàng mang lại hiệu quả cao, cần tổ chức thực hiện một số công việc chính sau:

                + Thiết lập các bộ phận thực hiện các nghiệp vụ

                Giống như việc tổ chức kinh doanh ở bất kì loại hình doanh nghiệp nào, để việc triển khai các nghiệp vụ tác nghiệp NHTM có hiệu quả, mỗi ngân hàng cần phải thiết lập những bộ phận chuyên trách tương ứng với mỗi mảng nghiệp vụ, phù hợp với quy mô hoạt động của ngân hàng và các tác động khác của yếu tố môi trường kinh doanh, phải tuyển chọn những người có kiến thức chuyên môn phù hợp với từng vị trí công tác.

                + Trao quyền gắn với trách nhiệm cho từng bộ phận, từng cá nhân

Cần phân chia quyền lực điều hành công việc chung ra thành từng bộ phận nhỏ. Xác định giới hạn quyền lực của từng cá nhân, từng bộ phận trong hệ thống các bộ phận của ngân hàng sao cho mỗi người, mỗi bộ phận có đủ quyền lực để thực hiện công việc được giao mà không xâm phạm vào quyền hạn của cá nhân khác, bộ phận khác và nó lại phối hợp được công việc của các cá nhân với nhau, với các bộ phận khác một cách hài hòa, hỗ trợ cho nhau, thúc đẩy nhau đi đến mục tiêu đã xác định. Chú ý mối quan hệ tương thích giữa quyền và trách nhiệm để tránh lạm dụng quyền lực khi trao quyền quá lớn, hoặc không thể hoàn thành công việc khi trao quyền quá ít không đủ để giải quyết công việc. Mọi bộ phận, thành viên phải chịu trách nhiệm về kết quả công việc được giải quyết trong phạm vi quyền hạn cho phép.

Thực chất của chức năng này là xây dựng một cơ cấu quyền lực, xác định quyền hạn và trách nhiệm của từng thành viên, từng bộ phận trong cơ cấu quyền lực đó, sao cho có thể kết hợp với nhau thành một khối thống nhất, không mâu thuẫn và không phủ định nhau.

+ Phân công công việc cụ thể cho từng cá nhân

Sau khi có được chức danh nhất định, cấp trên phải tiến hành bàn giao công việc cụ thể cho từng cá nhân một cách hợp lí, đúng người đúng việc, phải chỉ rõ mỗi người cần làm gì, làm ở khâu nào trong từng quy trình nghiệp vụ. Thực tế cho thấy, khi và chỉ khi các công việc được phân công một cách rõ ràng, khoa học mới đảm bảo quá trình thực hiện các công việc được thông suốt, nhịp nhàng, khắc phục được hiện tượng trùng chéo vừa mất thời gian cho nhiều bộ phận, vừa là kẽ hở để các bộ phận, cá nhân đổ lỗi lẫn nhau khi công việc không hoàn thành theo kế hoạch.

                Việc tổ chức thực hiện kế hoạch, chính sách kinh doanh ngân hàng có vai trò quan trọng trong hoạt động quản trị tác nghiệp ngân hàng, bởi vì:

                (1) Đây là quá trình thực thi chính sách kinh doanh, biến kế hoạch, dự án kinh doanh thành hiện thực.

                (2) Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của tổ chức, đặc biệt là nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kĩ thuật. Việc phân công lao động một cách khoa học có khả năng đảm nhận các vị trí công tác, đúng người, đúng việc; việc phân định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bộ phận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ nhân viên ngân hàng, trong đó bao gồm cả những người thiếu kinh nghiệm có thể phát huy tốt nhất năng lực sở trường của họ.

(3) Tạo ra văn hóa tổ chức, nền tảng của sự gắn bó và hợp tác giữa các thành viên trong ngân hàng để đạt được mục tiêu chung.

                ● Kiểm tra, giám sát và quản trị rủi ro

                Kiểm tra, giám sát là xem xét, theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện các hoạt động kinh doanh và là chức năng quan trọng của quản trị. Mặc dù quy mô của đối tượng kiểm soát và tầm quan trọng của chức năng này thay đổi tùy thuộc vào từng cấp bậc quản trị, song phải khẳng định rằng, kiểm soát là một chức năng cơ bản đối với mọi cấp bậc quản trị. Do đó, nhà quản trị ngân hàng phải có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên, liên tục mọi hoạt động trong kinh doanh ngân hàng. Vì, chính nhờ hệ thống phản hồi này mà các nhà quản trị nắm rõ được thực trạng kinh doanh của đơn vị mình, những điểm mạnh, điểm yếu, những sai sót, các hiện tượng vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế hoạt động của ngân hàng, những vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết, từ đó chủ động tìm các biện pháp điều chỉnh kịp thời nhằm đạt được mục tiêu đã xác định.

                Để việc kiểm tra, giám sát có hiệu quả, cần có một cơ chế và quy trình kiểm soát khoa học, có cơ chế xây dựng và quản lí hệ thống thông tin nội bộ thích hợp. Cán bộ quản lí cấp cao phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc cán bộ quản lí cấp dưới để có thể phát hiện và kịp thời đưa ra các hướng giải quyết. Ngược lại, cán bộ quản trị cấp dưới cũng phải được trao quyền theo dõi, giám sát cấp trên và có ý kiến đóng góp nếu thấy lãnh đạo có những biểu hiện không minh bạch, hay cố tình làm sai quy chế ngân hàng. Nhìn chung, một cơ chế kiểm soát quá cứng nhắc theo kiểu mệnh lệnh hành chính, cấp dưới chỉ biết phục tùng cấp trên, cấp trên chỉ chăm chăm bới móc lỗi của cấp dưới, hay một cơ chế kiểm soát quá lỏng lẻo, quá đề cao tính tự do của mỗi cá nhân đều không mang lại hiệu quả mong muốn.

                Kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng là một lĩnh vực rất nhạy cảm. Điều đó, đồng nghĩa với việc nguy cơ rủi ro rất lớn: rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất, rủi ro hối đoái... Vì vậy, quản trị rủi ro kinh doanh là một chức năng không thể thiếu của các nhà quản trị tác nghiệp NHTM. Trong hoạt động này, việc xây dựng được một quy trình quản trị thích hợp, cụ thể đối với từng nghiệp vụ kinh doanh có ý nghĩa quan trọng. Tùy theo chính sách kinh doanh của mỗi ngân hàng mà quy trình chi tiết về quản trị rủi ro có thể khác nhau, nhưng thông thường đều bao gồm các công việc chính sau:

                + Một là, nhận dạng và đánh giá rủi ro

                Căn cứ vào nguồn phát sinh rủi ro, đó chính là môi trường vĩ mô, môi trường ngành và môi trường bên trong doanh nghiệp để liệt kê một cách liên tục và có hệ thống các rủi ro có thể xảy ra. Qua phân tích môi trường, hay chính là phân tích SWOT (Strong  Weak - Oppotunity - Threat / Điểm mạnh - Điểm yếu - Cơ hội - Thách thức) ngân hàng có thể phát hiện được những nguy hiểm và mối hiểm họa đối với ngân hàng. Đồng thời, cần nhận dạng các nguy cơ rủi ro theo danh mục đối tượng chịu tác động của rủi ro, từ đó sắp xếp, phân loại thành các nhóm rủi ro để thuận tiện cho việc phân tích và đo lường các rủi ro đó.

                + Hai là, phân tích và đo lường rủi ro

                Trên cơ sở phân tích các mối nguy hiểm, mối hiểm họa, nguyên nhân gây ra rủi ro, các yếu tố tác động cả chủ quan và khách quan, nhà quản trị rủi ro phải đo lường, lượng hóa được rủi ro dựa vào các thông số mức độ nghiêm trọng, hay tổn thất mà rủi ro mang lại và tần suất của rủi ro để làm cơ sở cho việc đưa ra quyết định quản trị.

                + Ba là, kiểm soát rủi ro

Từ kết quả phân tích và đo lường rủi ro, nhà quản trị phải đưa ra quyết định có phòng ngừa hay không cần phòng ngừa rủi ro, sử dụng những công cụ, kĩ thuật hay chiến lược nào để ngăn ngừa giảm thiểu tổn thất. Tùy từng điều kiện cụ thể, nhà quản trị có thể lựa chọn các chính sách né tránh, ngăn chặn, phòng ngừa để giảm thiểu rủi ro. Nhà quản trị ngân hàng cũng có thể lựa chọn không phòng ngừa rủi ro nếu thấy chi phí phòng ngừa quá lớn so với lợi ích nhận được từ việc phòng ngừa, bởi vì trong khi chi phí phòng ngừa chắc chắn phải bỏ ra, còn chi phí khắc phục chỉ phải mất nếu rủi ro xảy ra thật.

                + Bốn là, khắc phục và xử lí rủi ro

Khi rủi ro đã xảy ra, ngân hàng phải có các biện pháp tài trợ rủi ro để khắc phục hậu quả, tổn thất như bổ sung tài sản bảo đảm, chuyển nợ quá hạn, khoanh nợ, xóa nợ, xử lý nợ tồn đọng, thanh lý doanh nghiệp, trích từ quỹ phòng tổn thất, bán nợ, khởi kiện... Tùy từng trường hợp cụ thể mà nhà quản trị có biện pháp khắc phục và xử lí thích hợp.

                1.3.1.3. Các nguyên tắc và phương pháp quản trị tác nghiệp NHTM

           Các nguyên tắc quản trị

                Để hoạt động quản trị thực hiện đúng như dự định, nhà quản trị ngân hàng cần phải tuân thủ một số nguyên tắc sau trong quá trình hoạt động:

                + Tập trung dân chủ

                Tập trung được hiểu là ngân hàng phải có chủ trương, đường lối kế hoạch thống nhất trong toàn hệ thống. Thực hiện chế độ một thủ trưởng ở tất cả các cấp. Dân chủ thể hiện ở việc xác định trách nhiệm và quyền hạn của mỗi cá nhân và từng bộ phận trong hoạt động quản trị ngân hàng. Nội dung của nguyên tắc này là đảm bảo mối quan hệ chặt chẽ và tối ưu giữa tập trung và dân chủ trong quản lý; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu mỗi cấp quản lí nhưng vẫn phát huy được tính chủ động, sáng tạo, quyền kiểm tra, giám sát của tất cả các thành viên trong bộ phận, đơn vị.

                + Tuân thủ luật pháp và thông lệ trong kinh doanh

                Đây là nguyên tắc hiển nhiên khi một tổ chức hay cá nhân hoạt động trong một môi trường có thể chế. Tuy nhiên, không phải chủ thể kinh doanh nào cũng ý thức được vấn đề này. Nguyên tắc tuân thủ luật pháp và thông lệ trong kinh doanh đòi hỏi khi hoạch định chính sách cũng như khi tổ chức triển khai thực hiện các tác nghiệp ngân hàng, nhà quản trị phải am hiểu đầy đủ và chính xác các quy định pháp luật cũng như các thông lệ quốc tế và quốc gia về lĩnh vực đó để việc hoạch định chính sách và triển khai thực hiện không đi chệch hướng và vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật. Tương tự, việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ cũng cần căn cứ vào các quy định pháp luật và các quy chế của ngân hàng.

                + Nguyên tắc xuất phát từ khách hàng

                Nguyên tắc này được đề xuất theo nguyên tắc quản lý kinh tế (sản xuất cho ai). Trong nền kinh tế thị trường, khách hàng là khách thể kinh doanh nhưng lại chi phối trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Ngân hàng không thể kinh doanh những cái mình có mà cần cung cấp những gì mà thị trường cần. Điều này đòi hỏi nhà quản trị ngân hàng cần nghiên cứu, dự báo thị trường trong trạng thái động, bởi nhu cầu xã hội không cố định mà luôn thay đổi theo thời gian. Ngân hàng chỉ có thể tồn tại khi và chỉ khi thiết kế và cung cấp được những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với khách hàng, đảm bảo tính hiệu quả (về kinh tế, về thời gian) và dễ tiếp cận.

                + Nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả trong quản lý

                Đây là nguyên tắc quan trọng trong quản lí kinh tế nói chung và quản trị tác nghiệp ngân hàng nói riêng. Mọi quyết định quản trị đều phải cân nhắc tính toán cẩn trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế và xã hội của nó. Tiết kiệm không có nghĩa cắt bớt chi phí một cách đơn thuần mà phải tính toán mối quan hệ giữa chi phí bỏ ra và kết quả thu về. Đồng thời, phải biết kết hợp hài hòa giữa các lợi ích: lợi ích của bản thân ngân hàng, của khách hàng và của cộng đồng xã hội. Phải xử lý một cách thỏa đáng mối quan hệ biện chứng giữa các loại lợi ích của mọi đối tượng tham gia vào hoạt động kinh doanh ngân hàng để đảm bảo sự tồn tại và phát triển cho ngân hàng. Trên thực tế, lợi ích của các đối tượng thường không đồng nhất với nhau, việc gia tăng lợi ích cho nhóm đối tượng này có thể làm giảm lợi ích của các đối tượng khác. Vì vậy, cần cân nhắc để có quyết định thích hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

                Các phương pháp quản trị

                Phương pháp quản trị là cách thức tác động của chủ thể quản trị lên đối tượng bị quản trị và khách thể kinh doanh trong một tổ chức. Có nhiều phương pháp quản trị tác nghiệp ngân hàng. Sau đây là một số phương pháp cơ bản.

                + Phương pháp hành chính

                Là phương pháp dựa trên mối quan hệ tổ chức của hệ thống quản lý và kỷ luật trong ngân hàng. Phương pháp này được tác động bằng cách các nhà quản trị đưa ra mệnh lệnh, quyết định, chỉ thị để cấp dưới thi hành.

                - Ưu điểm:

                ▪ Các quyết định sẽ được triển khai một cách nhanh chóng ngay khi được ban hành;

                ▪  Có tính thống nhất trong toàn ngân hàng;

                ▪  Giữ trật tự kỷ cương làm việc trong ngân hàng.

                - Nhược điểm: gây tâm lý ức chế cho đối tượng bị quản trị và có thể tạo ra sự phản kháng.

                + Phương pháp kinh tế

                Các nhà quản trị tạo điều kiện cho người lao động kết hợp một cách đúng đắn giữa lợi ích của mình với lợi ích của tập thể trong quá trình thực hiện công việc. Ví dụ: để hoạt động kinh doanh của ngân hàng có lãi cần phải tăng dư nợ, tăng huy động vốn. Ở một số ngân hàng đã giao chỉ tiêu xuống từng chi nhánh, bộ phận, nhân viên. Nếu không thực hiện được chỉ tiêu cấp trên phân bổ sẽ bị khấu trừ (giảm) thu nhập, nếu thực hiện tốt sẽ được hưởng thêm thu nhập theo tỉ lệ gia tăng doanh số…

                - Ưu điểm: khuyến khích được sự nhiệt tình, lòng tự giác của người lao động, giúp người lao động thoải mái về mặt tâm lý.

                - Nhược điểm: có thể làm xói mòn yếu tố văn hóa của tổ chức. Vì vậy, phương pháp này chỉ nên sử dụng trong những thời điểm và hoạt động nhất định.

                + Phương pháp giáo dục

                Đây là phương pháp tác động vào nhận thức, tình cảm của người lao động để khuyến khích họ làm việc tốt hơn. Phương pháp giáo dục có thể được thực hiện thông qua nhiều cách thức, biện pháp cụ thể như: phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách để người lao động thấy được trách nhiệm của mình. Về mặt chuyên môn phải huấn luyện, đào tạo, mặt khác phải tổ chức thi tay nghề, biểu dương những người lao động tốt làm gương cho những người lao động khác.

                - Ưu điểm

                ▪  Nâng cao được nhận thức, trình độ, ổn định về tư tưởng của người lao động.

                ▪  Tạo được bầu không khi thân thiện, nâng cao sự thỏa mãn, hài lòng của người lao động.

                - Nhược điểm: đòi hỏi phải đầu tư một thời gian dài thì mới phát huy tác dụng.

                + Phương pháp Marketing

                Chiến lược marketing hỗn hợp thường bao gồm: chiến lược giá, chiến lược sản phẩm (căn cứ vào thu nhập, thị hiếu của khách hàng để tạo ra sản phẩm phù hợp với từng khách hàng), chiến lược xúc tiến (mở rộng kênh phân phối đến người tiêu dùng để họ có điều kiện thuận lợi sử dụng dịch vụ của ngân hàng), chiến lược quảng cáo (sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, đăng báo, thiết kế tờ rơi, băng rôn trên các đại lộ lớn…), khuyến mãi...

                + Phương pháp cạnh tranh

                Các ngân hàng cố gắng tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt với các ngân hàng đối thủ thông qua các chính sách giá (lãi suất, phí dịch vụ…), chất lượng, số lượng sản phẩm... Trong tương lai, khi trình độ quản lý của ngân hàng phát triển, sự khác biệt giữa các ngân hàng là rất nhỏ, sản phẩm gần như đồng nhất thì phương pháp này sẽ khó phát huy tác dụng.

1.3.2. Nội dung quản trị tác nghiệp NHTM

                Quản trị tác nghiệp ngân hàng thương mại bao gồm nhiều nội dung, nhưng có thể phân thành 5 nhóm vấn đề chính sau đây:

                - Quản trị vốn chủ sở hữu

                - Quản trị nợ

                - Quản trị tài sản

                - Quản trị các hoạt động ngoài bảng cân đối kế toán

                - Quản trị khả năng thanh khoản

            1.3.2.1. Quản trị vốn chủ sở hữu

                ● Khái niệm vốn chủ sở hữu 

Vốn chủ sở hữu (còn gọi là vốn tự có) là vốn riêng của ngân hàng do các chủ sở hữu đóng góp và được tạo ra trong quá trình kinh doanh dưới dạng lợi nhuận giữ lại.

Vốn chủ sở hữu của ngân hàng là bộ phận nguồn vốn thuộc quyền sở hữu của những người chủ ngân hàng, bao gồm trị giá thực có của vốn điều lệ, lợi nhuận chưa phân phối và các quỹ dự trữ.

Theo quá trình hình thành, vốn tự có bao gồm vốn đầu tư ban đầu và vốn bổ sung thêm trong quá trình kinh doanh.

                * Vốn đầu tư ban đầu: Loại vốn này do các chủ sở hữu ngân hàng đóng góp khi thành lập. Tuỳ theo hình thức pháp lý của ngân hàng mà chủ đầu tư góp vốn ban đầu có khác nhau, ví dụ: vốn tự có ban đầu của các ngân hàng thương mại quốc doanh do ngân sách nhà nước cấp, các ngân hàng thương mại cổ phần do các cổ đông góp vốn điều lệ… Mức vốn điều lệ của mỗi ngân hàng phụ thuộc vào mức vốn góp của các chủ sở hữu ngân hàng nhưng không được thấp hơn mức vốn pháp định mà Chính phủ đã quy định.

                Mặc dù vốn điều lệ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng nguồn vốn hoạt động của ngân hàng nhưng nó có ý nghĩa rất lớn: là căn cứ pháp lý để thành lập ngân hàng, là một tiêu chí đánh giá quy mô cũng như năng lực hoạt động của ngân hàng thương mại.

* Vốn bổ sung thêm trong quá trình kinh doanh: Trong quá trình hoạt động, vốn tự có của ngân hàng có thể được tăng thêm từ các nguồn sau:

+ Thứ nhất, lợi nhuận chưa phân phối. Khi ngân hàng kinh doanh có lợi nhuận và chưa phân phối, sử dụng chúng theo những mục đích nhất định nào đó, ngân hàng có thể sử dụng số lợi nhuận này bổ sung vốn kinh doanh.

+ Thứ hai, các quỹ của ngân hàng. Trong quá trình kinh doanh, các ngân hàng thương mại phải, hoặc có thể trích lập một số quỹ từ lợi nhuận nhằm sử dụng cho những mục đích nhất định. Tuy vậy, khi số tiền của quỹ chưa sử dụng đến theo đúng mục đích lập quỹ, ngân hàng có thể tạm thời huy động làm nguồn vốn kinh doanh. Ở Việt Nam, theo quy định của Luật các Tổ chức Tín dụng, hàng năm ngân hàng phải trích từ lợi nhuận sau thuế để lập và duy trì các quỹ: quỹ dự trữ, quỹ phát triển nghiệp vụ ngân hàng, quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng…

+ Thứ ba, vốn ngân sách cấp bổ sung. Đối với các NHTM quốc doanh, trong quá trình kinh doanh có thể được ngân sách cấp phát thêm vốn. Mức cấp phát thêm tuỳ thuộc vào nhu cầu tăng trưởng vốn, khả năng nguồn vốn ngân sách và chính sách của Chính phủ.

+ Thứ tư, phát hành thêm cổ phiếu mới. Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần trong quá trình kinh doanh, nếu muốn tăng thêm vốn tự có có thể thực hiện bằng cách phát hành cổ phiếu.

Theo cơ chế quản lí tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, vốn chủ sở hữu bao gồm: vốn chủ sở hữu cơ bản và vốn chủ sở hữu bổ sung. Vốn chủ sở hữu cơ bản (còn gọi là vốn cấp 1) gồm vốn điều lệ thực có (vốn đã được cấp, vốn đã góp), quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng (dự phòng tài chính, dự phòng rủi ro), quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ và lợi nhuận không chia. Vốn chủ sở hữu bổ sung (còn gọi là vốn cấp 2) là nguồn vốn chủ sở hữu nhưng có tính ổn định thấp và phụ thuộc vào quy mô nguồn vốn cơ bản, bao gồm phần giá trị tăng thêm của tài sản cố định (TSCĐ) và các loại chứng khoán đầu tư được định giá lại, trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu ưu đãi do ngân hàng phát hành có thời hạn dài.

                Ở Việt Nam hiện nay, theo Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 của NHNN, vốn chủ sở hữu của NHTM bao gồm:

Vốn cấp 1:

- Vốn điều lệ thực có (vốn đã được cấp, vốn đã góp).

- Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

- Quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ (trích 50% lãi ròng hàng năm).

- Lợi nhuận không chia (hay lợi nhuận giữ lại).

Vốn cấp 2:

- 50%  số dư có tài khoản đánh giá lại tài sản cố định theo quy định của pháp luật.

- 40% số dư có tài khoản đánh giá lại tài sản tài chính theo quy định của pháp luật.

- Quỹ dự phòng tài chính.

- Trái phiếu chuyển đổi do ngân hàng phát hành thõa mãn những điều kiện quy định.

- Các công cụ nợ khác thõa mãn những điều kiện quy định.

Khi tính vốn cấp 1 và cấp 2 còn quy định các giới hạn và các khoản giảm trừ.

Ở các nước phát triển, vốn chủ sở hữu bổ sung của ngân hàng còn bao gồm: thặng dư vốn, thu nhập từ các công ty thành viên...

Vốn chủ sở hữu của một ngân hàng thương mại đóng một vai trò hết sức quan trọng, tạo nên những nguồn lực ban đầu để giúp ngân hàng mới thành lập hoạt động, cung cấp nền tảng cho sự tăng trưởng và mở rộng, giúp ngân hàng duy trì các hoạt động thường nhật, đảm bảo khả năng phát triển lâu dài và bền vững, giúp ngân hàng chống lại rủi ro, duy trì niềm tin của công chúng và của các cổ đông vào khả năng quản lý và phát triển của ngân hàng. Thông thường, vốn chủ sở hữu chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn của ngân hàng nhưng lại giữ vai trò quan trọng vì nó là cơ sở để hình thành các nguồn vốn khác, quyết định quy mô hoạt động của ngân hàng; là căn cứ để xác định giới hạn an toàn trong kinh doanh, giới hạn huy động vốn, cho vay và đầu tư vào tài sản cố định (TSCĐ)...  

                ● Nội dung quản trị vốn chủ sở hữu

Nội dung quan trọng trọng quản trị vốn chủ sở hữu là: (1) Đánh giá thực trạng vốn chủ sở hữu; (2) Lựa chọn phương pháp tạo nguồn để phát triển vốn chủ sở hữu thích hợp với nhu cầu hoạt động và yêu cầu quản lí; (3) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tạo nguồn.

- Đánh giá thực trạng vốn chủ sở hữu

Các hệ số thường được sử dụng để đánh giá an toàn trong hoạt động ngân hàng gồm:

+ Hệ số vốn chủ sở hữu trên tổng tiền gửi

Nhiều quan điểm cho rằng, tỉ lệ vốn chủ sở hữu trên tiền gửi càng cao thì ngân hàng càng an toàn, do quy mô tiền gửi phản ánh trách nhiệm chi trả. Các cơ quan quản lí ngân hàng ở nhiều nước đã quy định tỉ lệ tối đa vốn chủ sở hữu trên tiền gửi và coi đó như một tiêu thức xác định an toàn trong thanh toán. Hệ số này được sử dụng rộng rãi ở Mĩ và nhiều nước khác trước những năm 50. Ví dụ, ở Mĩ quy định tỉ lệ vốn chủ sở hữu trên tiền gửi tối thiểu là 1/10; ở Việt Nam, NHNN quy định tỉ lệ này là 1/20. Tuy nhiên, nếu tỉ lệ này quy định quá thấp sẽ ràng buộc khả năng mở rộng tiền gửi để đáp ứng nhu cầu cho vay của ngân hàng.

Mặc dù là một chỉ tiêu tài chính quan trọng, nhưng nó không phải là yếu tố duy nhất tác động đến rủi ro. Rủi ro ngân hàng còn chịu tác động của một mảng hoạt động rất quan trọng, hoạt động sử dụng vốn - tài sản của ngân hàng.

+ Hệ số vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản

Hệ số này được nhiều nước sử dụng từ đầu những năm 50 đến nay. Ví dụ, ở Mĩ quy định tỉ lệ vốn chủ sở hữu cơ bản trên tổng tài sản có tối thiểu là 5,5%.

+ Hệ số vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản có rủi ro

Hệ số này ra đời và được sử dụng với mục đích tiêu chuẩn hóa những đòi hỏi về vốn ngân hàng trên phạm vi quốc tế. Nó được ghi nhận trong Hiệp ước Basel, được kí kết vào năm 1988 gữa các nước công nghiệp lớn, có hiệu lực từ 1/1/1989. Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) yêu cầu các nước thành viên phải thực hiện quy định này từ 1/1/1993.

                                                      Vốn chủ sở hữu

Tỉ lệ an toàn vốn   =   ----------------------------------------------  ≥ 8%

                                   Tài sản Có điều chỉnh trên cơ sở rủi ro

Trong vốn chủ sở hữu, vốn cấp 1 phải duy trì tối thiểu 4% tổng tài sản có rủi ro.

Ở Việt Nam, theo Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 của NHNN tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (riêng lẻ và hợp nhất) phải duy trì ở mức tối thiểu là 9%. Tổng tài sản “Có” rủi ro là tổng tài sản “Có” nội bảng và tài sản “Có” ngoại bảng được điều chỉnh theo hệ số rủi ro. Dựa trên mức độ rủi ro, các hệ số rủi ro cho tài sản “Có” nội bảng gồm 6 nhóm là 0%, 20%, 50%, 100%, 150% và 250%. Đối với tài sản “Có” ngoại bảng giá trị của tài sản này trước tiên phải được chuyển đổi từ giá trị ngoại bảng sang nội bảng theo các hệ số chuyển đổi 100%, 50%, 20%, 0%, 0,5%, 1%, 2%, 5% trước khi nhân với các hệ số rủi ro.

Ví dụ: một khoản bảo lãnh dự thầu có giá trị 1.000.000 đồng có hệ số chuyển đổi là 50% và hệ số rủi ro là 100% thì giá trị tài sản “Có” rủi ro tương ứng sẽ là (1.000.000 đồng x 50% x 100% = 500.000 đồng).

- Lựa chọn phương pháp tạo nguồn để phát triển vốn chủ sở hữu thích hợp với nhu cầu hoạt động

Có hai hướng cơ bản để gia tăng vốn chủ sở hữu ngân hàng là:

+ Tăng vốn từ bên ngoài, có nghĩa là ngân hàng thu hút thêm vốn đầu tư mới bằng cách phát hành cổ phiếu thường, cổ phiếu ưu đãi, chuyển đổi chứng khoán nợ thành cổ phiếu...

+ Tăng vốn từ bên trong, có nghĩa là ngân hàng tăng vốn đầu tư mà không làm tăng thêm chủ sở hữu bằng cách gia tăng tỉ lệ lợi nhuận giữ lại để bổ sung vốn hay các quỹ của ngân hàng.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tạo nguồn: thực chất là áp dụng các biện pháp để đảm bảo quy mô và cấu trúc vốn chủ sở hữu sao cho phù hợp với kế hoạch đã hoạch định, phù hợp với yêu cầu kinh doanh, quy định của pháp luật, đồng thời tìm kiếm các biện pháp tăng vốn chủ sở hữu một cách có hiệu quả trên quan điểm lợi ích của chủ sở hữu.

Trong các nội dung quản lí nêu trên, xác định tỉ lệ vốn chủ sở hữu trong mối quan hệ với tiền gửi, với tổng tài sản và tổng tài sản Có rủi ro là một nội dung quan trọng, vừa để đảm bảo an toàn, vừa là để tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.

1.3.2.2. Quản trị nợ

● Khái niệm nợ

Nợ (còn gọi là tài sản Nợ) của ngân hàng là nghĩa vụ tiền tệ của ngân hàng đối với người gửi tiền và các chủ nợ của ngân hàng tính đến một thời điểm nhất định. Nợ của ngân hàng được hình thành từ việc huy động tiền gửi và đi vay của các tổ chức và cá nhân trên thị trường tài chính. Ngân hàng không có quyền sở hữu, định đoạt mà chỉ có quyền sử dụng các tài sản này trong những khoảng thời gian nhất định. Thông thường, đây là tài sản bằng tiền của các tổ chức, cá nhân mà ngân hàng tạm thời quản lí, sử dụng và có trách nhiệm hoàn trả. Nợ là nguồn vốn lớn và chủ yếu của bất kì NHTM nào. Nó bao gồm nhiều loại khác nhau như: vốn huy động (tiền gửi thanh toán, tiền gửi có kì hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng từ có giá), vốn vay của các TCTD và NHTW, các nguồn vốn khác (vốn ủy thác đầu tư, tài trợ của Chính phủ tài trợ cho các chương trình dự án...

● Mục đích của quản lí Nợ

Việc quản lí Nợ của NHTM nhằm mục đích:

- Tìm kiếm, khai thác các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu về quy mô cho vay và đầu tư.

- Đa dạng hóa các nguồn nhằm tìm kiếm cơ cấu nguồn có chi phí thấp nhất, giảm thiểu rủi ro và phù hợp với nhu cầu sử dụng.

- Duy trì tính ổn định của nguồn tiền, kết hợp với việc tìm kiếm các công cụ nợ mới nhằm phát triển thị trường nợ của ngân hàng.

- Đảm bảo nguồn vốn của ngân hàng tăng trưởng ổn định, bền vững, nâng cao thị phần, thỏa mãn cao nhất các dịch vụ ngân hàng; đảm bảo khả năng thanh toán và hiệu quả kinh doanh ngân hàng.

Khó có thể khẳng định mục tiêu nào là quan trọng hơn trong các mục tiêu nêu trên, vì mỗi yêu cầu đều có những tác động riêng và có quan hệ tương tác lẫn nhau. Chính vì thế, việc chú trọng ưu tiên đến một mục tiêu nào tùy thuộc vào các điều kiện, môi trường hoạt động kinh doanh của mỗi ngân hàng trong từng thời kì.

● Nội dung quản trị Nợ của NHTM

- Xây dựng kế hoạch nguồn vốn của ngân hàng (bao gồm kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết theo từng loại sản phẩm, theo thị trường, theo kì hạn...).

- Tổ chức huy động và điều hành vốn trong toàn hệ thống, phân định quyền hạn trách nhiệm của Hội sở và từng chi nhánh.

- Quản lí quy mô và cơ cấu nguồn vốn, quản lí kì hạn nợ và khả năng thanh toán nợ.

- Định giá các khoản nợ (xác định lãi suất huy động và lãi suất đi vay theo từng sản phẩm tiền gửi, tiền vay... phù hợp với chính sách lãi suất và quan hệ cung cầu vốn trên thị trường).

- Theo dõi, kiểm soát chi phí và rủi ro trong huy động vốn, đảm bảo quan hệ hợp lí giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Thành phần cơ bản của chi phí huy động vốn của các ngân hàng là các khoản chi trả tiền lãi cho số tiền gửi và tiền vay đã thực hiện, cùng với các khoản chi phí không dưới dạng lãi (chi phí tiền lương cho cán bộ, nhân viên; chi phí khấu hao TSCĐ; chi phí quảng cáo...) mà ngân hàng phải bỏ ra để huy động vốn.

Công tác quản lí Nợ của ngân hàng được đánh giá có chất lượng và hiệu quả cao về phương diện chi phí khi nó đạt được các lợi ích sau:

+ Tìm kiếm được nguồn vốn có chi phí thấp để đáp ứng nhu cầu cho vay và đầu tư trong khi vẫn thỏa mãn các yêu cầu tương xứng giữa huy động và sử dụng về các phương diện quy mô, thời gian, tính ổn định.

+ Tăng được lợi nhuận cho ngân hàng mà không nhất thiết phải chấp nhận những rủi ro cao do sức ép tăng chi phí vốn.

Trên thực tế, rủi ro đối với nợ thường thấp hơn rủi ro đối với tài sản. Tuy nhiên, rủi ro đối với nợ là yếu tố quan trọng cấu thành tổng rủi ro của ngân hàng. Mỗi loại tiền gửi và tiền vay có đặc điểm rủi ro khác nhau và thay đổi theo các điều kiện của môi trường kinh doanh. Rủi ro đối với Nợ thường bao gồm: rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản, rủi ro hối đoái...

Trong điều kiện lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng do thị trường quyết định, rủi ro lãi suất có xảy ra hay không lệ thuộc vào tương quan giữa độ nhạy cảm lãi suất của các tài sản và nợ, hay lãi suất cho vay và lãi suất huy động, lãi suất đi vay, phụ thuộc vào kì hạn huy động và cho vay, vào loại lãi suất huy động mà ngân hàng lựa chọn trong từng thời kì (lãi suất cố định hay thả nổi)...

Rủi ro thanh khoản xảy ra khi ngân hàng thiếu hoặc mất khả năng thanh toán các khoản tiền gửi, hoặc tiền vay. Điều này do nhiều nguyên nhân như ngân hàng sử dụng quá mức tỉ lệ tiền gửi để cho vay, cho vay trung và dài hạn bằng nguồn ngắn hạn với tỉ lệ quá cao, khách hàng mất niềm tin từ ngân hàng dẫn đến việc rút tiền ồ ạt...

- Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch nguồn vốn làm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng kế hoạch nguồn vốn trong các thời kì tiếp theo.

● Các biện pháp nâng cao khả năng huy động vốn, giảm thiểu chi phí và rủi ro

Để nâng cao khả năng huy động vốn, giảm thiểu những chi phí và rủi ro cho ngân hàng trong khâu quản lí Nợ, các NHTM cần quan tâm giải quyết thỏa đáng các vấn đề sau:

- Sử dụng các biện pháp kinh tế (lãi suất và các công cụ khác); biện pháp kĩ thuật (phát triển các kênh huy động; hoàn thiện quy trình, đảm bảo tính thuận tiện, nhanh chóng và an toàn cho người gửi tiền...); biện pháp tâm lí (thông tin, tuyên truyền để củng cố duy trì, phát triển quan hệ tốt đẹp với khách hàng) trong khai thác và huy động các nguồn vốn.

- Làm tăng tính ổn định của nguồn vốn thông qua mở rộng thời hạn của các công cụ huy động vốn, tăng tỉ trọng tiền gửi tiết kiệm và có kì hạn.

- Thực hiện chế độ bảo hiểm tiền gửi.

- Nâng cao khả năng kiểm soát độ nhạy cảm lãi suất của tài sản, nợ và kiểm soát khe hở lãi suất.

1.3.2.3. Quản trị tài sản

                ● Khái niệm tài sản

                Tài sản (còn gọi là tài sản Có) của ngân hàng là những tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lí, sử dụng và định đoạt của ngân hàng một cách hợp pháp. Do đặc thù là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ nên phần lớn tài sản của ngân hàng là các tài sản tài chính. Mỗi loại tài sản được hình thành theo các cách thức khác nhau và vì những mục tiêu khác nhau, song đều hướng tới sự an toàn và khả năng sinh lợi cho ngân hàng. Nhìn chung, tài sản của ngân hàng bao gồm: ngân quỹ (tiền mặt và tiền gửi tại các tổ chức tín dụng); các hợp đồng cho vay, cho thuê; các khoản đầu tư (mua chứng khoán, góp vốn liên doanh liên kết); các tài sản ủy thác, tài sản cố định, các khoản phải thu và các tài sản khác.

● Mục tiêu quản lí tài sản

                Quản trị tài sản của NHTM là quá trình hoạch định, tổ chức thực hiện và kiểm soát quá trình thực hiện các quyết định liên quan đến việc xác định quy mô, cơ cấu, loại hình... của tài sản nhằm đạt được các mục tiêu cơ bản của ngân hàng và khai thác tối đa những lợi ích, những cơ hội mà thị trường mang lại, đồng thời hạn chế và kiểm soát được các rủi ro.

Thực chất của quản lí tài sản là quản lí các hoạt động của ngân hàng thương mại với nội dung chuyển hóa nguồn vốn (tiền gửi, tiền vay, vốn chủ sở hữu) thành các loại tài sản như ngân quỹ, tín dụng, chứng khoán và các tài sản khác theo một phương thức thích hợp, nhằm thỏa mãn các mục tiêu mà ngân hàng đặt ra.

Xét trên góc độ vĩ mô, mỗi ngân hàng là yếu tố cấu thành của hệ thống tài chính, ngân hàng của nền kinh tế. Mặc dù không phải là mục tiêu tự thân, nhưng bằng cách này hay cách khác, các nhà quản trị ngân hàng phải quan tâm tới các mục tiêu chung của cả hệ thống, đó là tăng trưởng kinh tế, ổn định tiền tệ, ổn định giá cả và tạo công ăn việc làm.

Xét trên góc độ vĩ mô, quản trị tài sản phải hướng tới mục tiêu:

- Đảm bảo an toàn thanh khoản, an toàn tín dụng và các an toàn khác;

                - Nâng cao khả năng sinh lời.

                Cần lưu ý rằng, lợi nhuận, rủi ro và khả năng thanh khoản không phải đơn thuần là kết quả của quản trị tài sản mà là kết quả chung của quản trị và các hoạt động khác của ngân hàng. Trong đó, quản trị tài sản giữ vai trò quan trọng.

                ● Nội dung quản trị tài sản

                - Quản trị ngân quỹ

                Ngân quỹ của ngân hàng thường bao gồm tiền mặt trong két, tiền gửi tại ngân hàng Trung ương và các ngân hàng thương mại khác. Đây là những tài sản có tính thanh khoản cao nhất, được thiết lập nhằm duy trì khả năng chi trả và các yêu cầu khác của ngân hàng. Tuy nhiên, ngân quỹ là tài sản không sinh lời hoặc có khả năng sinh lời rất thấp, vì vậy giữ nhiều ngân quỹ sẽ không có hiệu quả.

                Quản lí ngân quỹ thực chất là tính toán số ngân quỹ tối thiểu cần giữ trong các thời kì khác nhau, đồng thời cân đối giữa các bộ phận ngân quỹ (tiền mặt, tiền gửi dự trữ bắt buộc và các khoản tiền gửi khác) một cách phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng (phần này sẽ được giới thiệu chi tiết ở mục quản lí thanh khoản).

                Nhiệm vụ của nhà quản trị ngân hàng là kiểm tra, kiểm soát, đánh giá thường xuyên và định kì về tình hình đáp ứng yêu cầu tiền mặt tại quỹ, dự trữ bắt buộc... của ngân hàng trên thực tế và chỉ ra những điều chỉnh cần thực hiện nhằm đảm bảo ngân quỹ được duy trì thực tế không thấp hơn yêu cầu.

                - Quản trị cho vay

                Cho vay là hoạt động cơ bản nhất của các ngân hàng truyền thống và cũng là hoạt động mang lại nguồn thu lớn nhất cho các ngân hàng. Tuy nhiên, cho vay cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất như rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất... Vì vậy, quản lí tốt hoạt động cho vay có vai trò quan trọng trong việc nâng cao lợi nhuận và hạn chế rủi ro cho ngân hàng.

                + Nguyên tắc cơ bản trong quản lí danh mục cho vay

                Để nâng cao hiệu quả cho vay và giảm thiểu rủi ro, nhà quản trị cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản:

                ▪ Chọn lọc người vay và giám sát quá trình sử dụng tiền vay;

                ▪ Đưa ra các quy tắc cho vay, chuyên môn hóa việc cho vay và duy trì quan hệ khách hàng lâu dài;

                ▪ Đa dạng hóa danh mục cho vay, không tập trung cho vay quá lớn đối với một khách hàng, một nhóm khách hàng, hay một loại tiền...

                ▪ Thực hiện bảo đảm, bảo lãnh, bảo hiểm đối với các khoản tiền cho vay.

                + Nội dung quản trị danh mục cho vay

                ▪ Xây dựng chính sách cho vay của ngân hàng

                Chính sách cho vay của ngân hàng thể hiện đường lối cho vay mà ngân hàng sẽ thực hiện, nó có tác dụng hướng dẫn cán bộ ngân hàng về mục tiêu, phạm vi và cách thức sử dụng vốn huy động vào hình thức cho vay, căn cứ vào các điều kiện, môi trường kinh doanh cụ thể của ngân hàng đó.

                Nội dung chính sách cho vay thường bao gồm các vần đề chính sau:

(1)      Xác định mục tiêu và nguyên tắc trong hoạt động cho vay của ngân hàng

(2)      Xác định phạm vi, khu vực ngân hàng phục vụ

(3)      Các loại hình cho vay mà ngân hàng sẽ triển khai thực hiện

(4)      Các điều kiện cần thiết để được ngân hàng chấp thuận cho vay

(5)      Các quy định về mức (hạn mức) cho vay, thời hạn cho vay và trả nợ

(6)      Các quy định về lãi suất và chi phí khác

(7)      Các quy định về theo dõi, giám sát các khoản vay, các khoản vay có vấn đề...

▪ Thiết lập quy trình quản trị danh mục tiền vay

Để không ngừng mở rộng danh mục cho vay, nhà quản trị phải xây dựng được một quy trình quản lí danh mục tiền vay (từ khâu thiết lập quan hệ với khách hàng đến khâu thu hồi nợ) đơn giản và khoa học, đảm bảo sự thuận tiện, nhanh chóng cho khách hàng, nhưng vẫn an toàn và nâng cao hiệu quả tín dụng của ngân hàng.

▪ Kiểm soát quy mô và cơ cấu danh mục cho vay

Để hạn chế rủi ro, theo định kì và đột xuất, nhà quản trị ngân hàng cần tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về quy mô và cơ cấu các khoản vay như: quy mô khoản cho vay đối với một khách hàng, hoặc một nhóm khách hàng, cơ cấu danh mục các khoản cho vay theo thời gian, theo phương thức cho vay, theo sự đảm bảo tiền vay, theo loại tiền... và so sánh với nguồn sử dụng để kịp thời phát hiện ra những sai sót, những bất hợp lí, trên cơ sở đó đề xuất biện pháp điều chỉnh và xử lí kịp thời.

▪ Kiểm soát những khoản cho vay có vấn đề

Thực tế cho thấy, dù danh mục các khoản cho vay có đa dạng hóa và quản lí, kiểm soát chặt chẽ đến đâu đi nữa thì yếu tố rủi ro vẫn luôn tiềm ẩn trong nhiều khoản cho vay. Vì vậy, nhiệm vụ của nhà quản trị là phải kiểm tra các khoản cho vay, phân loại nợ, nhận biết sớm những khoản cho vay có vấn đề - những khoản cho vay mà người vay có những dấu hiệu bất thường trong quản lí và kinh doanh, chậm trễ trong trả nợ, số dư tài khoản tiền gửi giảm sút bất thường... Trên cơ sở đó, xác định rõ nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lí.

                - Quản trị hoạt động đầu tư

                Đầu tư là một trong các nghiệp vụ sử dụng vốn (nghiệp vụ tài sản Có) của ngân hàng. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, đầu tư góp vốn cổ phần để thâm nhập vào các công ty khác, đầu tư mua chứng khoán như trái phiếu, cổ phiếu... trên thị trường chứng khoán là những hoạt động được nhiều ngân hàng lựa chọn.

                Một số nội dung cơ bản trong quản trị hoạt động đầu tư chứng khoán của các ngân hàng là:

                + Xác định mục tiêu trong đầu tư chứng khoán (đa dạng hóa danh mục tài sản để nâng cao sinh lợi, đáp ứng nhu cầu thanh khoản...) và sắp xếp thứ tự ưu tiên các mục tiêu.

                + Dự  báo môi trường kinh tế vĩ mô và phân tích đầu tư chứng khoán.

                + Xác định nhu cầu - quy mô vốn đầu tư.

                + Quyết định và lựa chọn chính sách và chiến lược quản lí danh mục đầu tư.

                + Tổ chức thực hiện chính sách và chiến lược quản lí danh mục.

                - Quản trị các tài sản khác

                Ngoài các tài sản nêu trên, trong danh mục tài sản của ngân hàng còn có các bộ phận tài sản khác như các khoản phải thu, tài sản cố định... Nhiệm vụ của các nhà quản trị là phải hoạch định chính sách, tổ chức quản lí và kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo việc đầu tư sử dụng tài sản, sử dụng vốn của ngân hàng đúng pháp luật và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh chung của ngân hàng.

           1.3.2.4. Quản trị các hoạt động ngoài bảng cân đối kế toán

● Các khoản mục ngoại bảng

                Bảng cân đối kế toán của ngân hàng là một báo cáo tài chính phản ánh khái quát tình hình tài sản và nguồn vốn của ngân hàng tại một thời điểm nhất định. Chỉ những khoản nào xác định được rõ ràng về quyền và nghĩa vụ, cũng như quan hệ về quyền lợi mới được ghi thành một khoản mục tài sản, hoặc nợ. Trường hợp tại thời điểm lập bảng cân đối kế toán, chưa thể phân biệt rõ là tài sản hay nợ của ngân hàng thì chúng sẽ được ghi như một khoản mục ngoại bảng (ngoài bảng cân đối kế toán) và sẽ chuyển thành tài sản hay nợ của ngân hàng ở các kì hoạt động sau (tùy từng trường hợp cụ thể).

                Những khoản mục ngoại bảng của ngân hàng hình thành gắn liền với các hoạt động bảo đảm tài chính, tài trợ thương mại, hoạt động đầu tư các sản phẩm tài chính phái sinh...

Bảng 1.7: Một số khoản mục chủ yếu nằm ngoài bảng CĐKT của ngân hàng

Bảo đảm tài chính

- Hạn mức cho vay đã cam kết

- Cam kết cho vay quay vòng

- Thư tín dụng dự phòng

- Cam kết hỗ trợ phát hành giấy tờ có giá...

Tài trợ thương mại

- Phát hành Thư tín dụng thương mại

- Chấp nhận hối phiếu thương mại...

Hoạt động đầu tư

- Hợp đồng kì hạn

- Hợp đồng tương lai

- Hợp đồng quyền chọn

- Hợp đồng hoán đổi

Khoản mục ngoại bảng mang lại thu nhập cho ngân hàng dưới dạng các khoản thu nhập phi lãi suất, nhưng đồng thời cũng gắn với nhiều rủi ro tiềm ẩn. Ví dụ: các cam kết về hạn mức cho vay cho phép khách hàng được vay từng phần, vay toàn bộ, hoặc không vay, nhưng ngân hàng luôn phải có nghĩa vụ sẵn sàng cung cấp đủ tiền vào bất cứ lúc nào, điều đó đặt ngân hàng phải đối mặt trước nhiều loại rủi ro như rủi ro lãi suất, rủi ro do không sử dụng hết hạn mức...; hoặc khi thực hiện các cam kết bảo lãnh, trường hợp này mang lại cho ngân hàng khoản thu phí bảo lãnh, nhưng cũng đặt ngân hàng trước rủi ro tín dụng nếu xảy ra những trục trặc về việc thực hiện nghĩa vụ của người được bảo lãnh...

                ● Nội dung quản trị hoạt động ngoài bảng cân đối kế toán

                Việc quản trị các hoạt động và các khoản mục ngoại bảng thường rất phức tạp và có liên quan mật thiết với quản lí các tài sản và nợ đã được phản ánh trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Nhìn chung, nội dung quản trị tài sản ngoại bảng bao gồm các vấn đề chính sau:

- Phân loại tài sản ngoại bảng theo thời gian, chủ thể, tính chất rủi ro.

                - Nghiên cứu, dự báo về các nhân tố ảnh hưởng đến tài sản ngoại bảng để hoạch định chính sách sản phẩm và giá dịch vụ.

                - Nhận thức rõ đặc điểm của các khoản mục ngoại bảng và ảnh hưởng của nó đến tình trạng thu nhập và rủi ro chung của ngân hàng để xác định mục tiêu, chiến lược quản trị và tổ chức, kiểm soát quá trình thực hiện.

                - Dự phòng trước nguồn tài trợ cho tài sản ngoại bảng như gia tăng ngân quỹ, các chứng khoán thanh khoản với tỉ lệ sinh lời thấp, vay mượn cấp bách với lãi suất cao, trích quỹ dự phòng tổn thất.

                Ngoài ra, một số tài sản nội bảng được đưa ra ngoại bảng để theo dõi như các khoản nợ không có khả năng thu hồi, lãi treo, ngân hàng đã sử dụng quỹ dự phòng để bù đắp song vẫn theo dõi ở ngoại bảng để nếu có cơ hội sẽ tìm cách thu hồi.

                Tóm lại, để gia tăng thu nhập và kiểm soát rủi ro đối với các hoạt động ngoại bảng, mỗi ngân hàng phải có được những chiến lược quản trị thích hợp. Chiến lược này trong dài hạn, cần tập trung vào kiểm soát rủi ro và khai thác triệt để những lợi ích từ các khoản mục ngoại bảng trong mối liên hệ chặt chẽ và mang tính hỗ trợ đối với các hoạt động nội bảng, đồng thời phải định hướng việc sử dụng các kĩ thuật quản trị cho từng loại và cả danh mục tài sản ngoại bảng trong ngắn hạn.

1.3.2.5. Quản trị thanh khoản

● Khả năng thanh khoản của ngân hàng

Tính thanh khoản của ngân hàng là khả năng của ngân hàng trong việc đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng, được tạo lập bởi tính thanh khoản của tài sản và tính thanh khoản của nguồn vốn. Một ngân hàng có tính thanh khoản cao khi có nhiều tài sản thanh khoản và có khả năng mở rộng nguồn vốn một cách nhanh chóng với chi phí thấp.

Tính thanh khoản của tài sản là khả năng chuyển tài sản thành tiền, được đo bằng thời gian và chi phí chuyển đổi. Ngân hàng nắm giữ một danh mục tài sản với tính thanh khoản khác nhau, do đó tính thanh khoản của danh mục tài sản được đo bằng tỉ lệ của các tài sản có tính thanh khoản cao trên tổng tài sản. Tỉ lệ này càng cao, tính thanh khoản của tổng tài sản càng lớn.

Khả năng huy động nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu chi trả, thanh toán phản ánh tính thanh khoản của nguồn vốn. Thời gian và chi phí huy động càng thấp, tính thanh khoản của nguồn vốn càng cao. Tính thanh khoản của nguồn vốn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: sự phát triển của thị trường tài chính, sự đa dạng của các sản phẩm huy động vốn của một ngân hàng, chính sách lãi suất và hệ thống kênh phân phối...

Khả năng thanh khoản của ngân hàng tập trung vào hai sự cân đối có tính quyết định: cân đối giữa quy mô nguồn huy động và cho vay, cân đối giữa kỳ hạn huy động và kỳ hạn cho vay. Trong hoạt động kinh doanh, ngân hàng dựa vào hai nguồn vốn chủ yếu là nguồn vốn ổn định, bao gồm huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế, từ các tổ chức khác (thị trường 1) cộng với nguồn vốn chủ sở hữu (cả lợi nhuận để lại) và nguồn thứ hai là từ thị trường liên ngân hàng (thị trường 2). Một ngân hàng điều hành thanh khoản tốt là một ngân hàng duy trì một tỷ lệ hợp lý giữa nguồn vốn ổn định và sử dụng để cho vay trên thị trường 1.

● Mục tiêu của quản trị thanh khoản

Thanh khoản của ngân hàng tác động trực tiếp đến sự an toàn và khả năng sinh lợi. Vì vậy, quản trị thanh khoản nhằm bảo đảm chắc chắn ngân hàng có đủ tiền sử dụng ngay để thanh toán cho các dòng tiền rút ra (deposit outflows), ngăn ngừa rủi ro thanh khoản. Cụ thể, quản lí thanh khoản nhằm:

(1) Đảm bảo khả năng chi trả kịp thời của ngân hàng với chi phí hợp lí.

Trên thực tế, để nâng cao khả năng thanh khoản đôi khi phải chấp nhận gia tăng chi phí, do tăng nắm giữ ngân quỹ và chi phí trả lãi trong trường hợp phải huy động vốn cấp bách.

(2) Dự báo các nguy cơ  rủi ro thanh khoản và tổn thất có thẻ xảy ra.

Rủi ro thanh khoản xảy ra khi ngân hàng không đủ tiền đáp ứng các khoản phải trả khi đến hạn thanh toán, hoặc được yêu cầu thanh toán, hoặc vì một biến cố nào đó mà khách hàng rút tiền ồ ạt. Rủi ro thanh khoản có thể dẫn đến nguy cơ mất khả năng thanh toán của ngân hàng, kéo theo sự đổ vỡ của cả hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường tài chính quốc gia.

● Nội dung quản trị thanh khoản

+ Xác định cầu thanh khoản

Nhu cầu thanh toán của khách hàng mà ngân hàng có nghĩa vụ đáp ứng, bao gồm:

- Nhu cầu rút tiền của người gửi tiền;

- Nhu cầu tín dụng hợp pháp của khách hàng;

- Các khoản tiền vay đến hạn trả;

- Lãi phải trả cho các khoản tiền gửi và tiền vay.

+ Xác định cung thanh khoản

Là khả năng cung ứng tiền của một ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cung thanh khoản gồm:

- Các khoản tiền gửi của khách hàng;

- Các khoản thanh toán nợ (gốc và lãi) của khách hàng vay vốn;

- Các khoản thu hồi từ hoạt động đầu tư;

- Các khoản tiền gửi của ngân hàng tại các đơn vị khác;

- Tiền thu về từ việc bán một hoặc một số danh mục tài sản của ngân hàng.

Trong quản lí cung thanh khoản, nhà quản trị cần quan tâm đến cả hai khía cạnh:

(1) Quản lí cung thanh khoản từ phía nguồn - chiến lược huy động: lựa chọn nguồn thông qua phân tích thời gian và chi phí huy động, nghiên cứu triển khai các công cụ mới, so sánh chi phí nắm giữ tài sản thanh khoản với huy động mới;

(2) Quản lí cung thanh khoản từ phía tài sản - chiến lược dự trữ: duy trì ngân quỹ với quy mô và cấu trúc thích hợp, phân tích và điều chỉnh tính thanh khoản của tài sản bằng cách thay đổi cấu trúc kì hạn của tài sản, hoặc tạo thị trường cho tài sản...

+ Xác định khe hở thanh khoản

Là quan hệ cân đối giữa cung thanh khoản (dòng tiền vào) và cầu thanh khoản (dòng tiền ra) theo thời gian / theo kì hạn: ngày, tuần, tháng, quý, năm. Các dự tính này được xây dựng dựa trên phân tích tất cả các nhân tố ảnh hưởng như: thời vụ, tâm lí, cạnh tranh... Kết quả cân đối cung cầu thanh khoản là căn cứ để ngân hàng có biện pháp xử lí chủ động và thích hợp.

Chương 2

QUẢN TRỊ NGUỒN VỐN CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

                Ngân hàng kinh doanh tiền tệ dưới hình thức huy động vốn, cho vay, đầu tư và cung cấp dịch vụ khác. Để có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay và đầu tư, công tác quản trị nguồn vốn ngân hàng có vai trò hết sức quan trọng vì nguồn vốn là cơ sở của các hoạt động sử dụng vốn.

                Chương 3 giới thiệu về các nguồn vốn của NHTM, tầm quan trọng của vốn đối với hoạt động ngân hàng, từ đó đi sâu phân tích nội dung quản trị nguồn vốn của ngân hàng, bao gồm: quản trị vốn chủ sở hữu, quản trị vốn tiền gửi và vốn phi tiền gửi.

3.1. NGUỒN VỐN VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁC NGUỒN VỐN CỦA NHTM

            3.1.1. Khái niệm nguồn vốn

Như tất cả loại hình doanh nghiệp khác, khi bắt đầu thành lập ngân hàng phải chứng minh cho cơ quan chức năng biết khả năng tài chính của mình, một trong những khoản mục phải chứng minh là nguồn vốn ban đầu vì nó đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động một ngân hàng, nó thể hiện năng lực tài chính, đổng thời là cơ sở để đánh giá giá trị và dự báo sự phát triển trong tương lai của một ngân hàng.

Hoạt động của ngân hàng là kinh doanh tiền tệ và cung cấp các dịch vụ ngân hàng với nội dung thường xuyên là nhận tiền gửi, sử dụng số tiền này để cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ, tham gia đầu tư. Theo đó, việc tạo lập, quản lý sử dụng tiền gửi để đáp ứng hoạt động ngân hàng kinh doanh hiệu quả là việc làm hết sức quan trọng và mang tính thường xuyên.

Để đảm bảo khả năng thanh toán của mình mỗi ngân hàng đều có nghiệp vụ là đi vay Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Trung ương) và các tổ chức tín dụng khác. Đây là một phần nguồn vốn của ngân hàng và cần được quản trị tốt, tránh đưa ngân hàng vào tình trạng mất cân đối nguồn tiền.

Như vậy, có thể khái niệm nguồn vốn của NHTM như sau: “Nguốn vốn của ngân hàng thương mại là toàn bộ các nguồn tiền tệ mà ngân hàng tạo lập, huy động được để cho vay, đầu tư và thực thi các dịch vụ ngân hàng”.  Nguồn vốn của ngân hàng có quan hệ mật thiết với tất cả các chủ thể liên quan tới ngân hàng, đặc biệt là khách hàng và nhà đầu tư.

                3.1.2. Các loại nguồn vốn của NHTM

Bảng 3.1: Nguồn vốn của NHTM

STT

Khoản mục

Số dư

1

Tiền gửi của doanh nghiệp và cá nhân

1.1

Tiền gửi của doanh nghiệp

1.2

Tiền gửi tiết kiệm của cá nhân

2

Tiền gửi của tổ chức tài chính

3

Phát hành kỳ phiếu, trái phiếu

4

Vay Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng khác

5

Các khoản phải trả khác

6

Nguồn khác

7

Vốn chủ sở hữu

7.1

Vốn điều lệ

7.2

Các quỹ và lãi chưa phân phối

Tổng nguồn vốn

                3.1.2.1. Vốn chủ sở hữu

                Trong các loại vốn của NHTM, vốn chủ sở hữu mang tính ổn định và có tính chất bắt buộc. Ngân hàng sử dụng nguồn vốn này để trang bị cơ sở vật chất, các điều kiện hình thành khi thành lập mới. Với chức năng bảo vệ, vốn chủ sở hữu được coi như là tài sản đảm bảo để tạo lòng tin đối với khách hàng, duy trì khả năng thanh khoản trong trường hợp ngân hàng gặp thua lỗ. Vốn chủ sở hữu cũng là căn cứ để tính toán các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng. Vậy “Vốn chủ sở hữu là vốn riêng của một NHTM, bao gồm số vốn ban đầu và số vốn gia tăng không ngừng cùng với sự phát triển của NHTM”.

                Đặc điểm cơ bản của nguồn vốn này là:

                - Tỷ trọng lượng vốn này trong tổng nguồn vốn thường là rất nhỏ (thông thường từ 5-10%).

                - Có tính ổn định cao và luôn được bổ sung trong quá trình tồn tại và phát triển của NHTM.

                - Quyết định quy mô hoạt động NHTM và là nhân tố xác định tỷ lệ an toàn trong hoạt động kinh doanh của NHTM.

                Tùy vào tính chất sở hữu, khả năng tài chính mà nguồn hình thành nguồn vốn ban đầu của một ngân hàng có thể từ nhiều nguồn khác nhau. Thành phần vốn chủ sở hữu của ngân hàng gồm vốn cấp 1 và vốn cấp 2.

                ● Vốn cấp 1

                Đây là bộ phận chủ yếu của vốn chủ, mang tính ổn định và là cơ sở để tạo lập nguồn vốn tự có khác.

                Thành phần của vốn cấp 1 gồm: vốn điều lệ, vốn bổ sung trong quá trình hoạt động và các quỹ.

                - Vốn điều lệ

                Là nguồn vốn đầu tư ban đầu của chủ ngân hàng. Vốn điều lệ được ghi trong bản điều lệ của ngân hàng. Vốn điều lệ phải đạt tối thiểu theo qui định của pháp luật và được gọi là vốn pháp định. Tùy vào từng loại hình ngân hàng mà Chính phủ qui định mức vốn pháp định khác nhau.

                -  Vốn bổ sung trong quá trình hoạt động

Ngân hàng kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ nên những điều kiện pháp lý về vốn phải tuân thủ nghiêm ngặt. Ngoài ra việc bổ sung vốn trong quá trình hoạt động luôn là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi ngân hàng, góp phần vào nâng cao vị thế của NHTM trên thương trường. Tùy vào điều kiện cụ thể mà ngân hàng có thể gia tăng vốn theo phương thức khác nhau và tuân thủ các qui định của pháp luật:

Một là, bổ sung vốn từ nguồn lợi nhuận

Việc bổ sung vốn từ nguồn thu nhập luôn là mong muốn của hầu hết các ngân hàng vì khi thu nhập ròng lớn hơn không ngân hàng có thể thực hiện việc gia tăng vốn bằng cách chuyển một phần thu nhập ròng thành vốn đầu tư. Luật pháp cho phép các ngân hàng giữ lại một phần lợi nhuận để mở rộng hoạt động kinh doanh hoặc đầu tư. Việc trích từ nguồn lợi nhuận bao nhiêu tùy thuộc và quyết định của ban lãnh đạo ngân hàng. Thông thường những ngân hàng có thời gian hoạt động dài và làm ăn hiệu quả thì nguồn tích lũy từ lợi nhuận sẽ cao và ngược lại, những ngân hàng mới thành lập, kinh doanh kém hiệu quả thì nguồn vốn bổ sung từ nguồn từ lợi nhuận sẽ thấp.

Hai là, bổ sung vốn từ phát hành thêm cổ phần, góp thêm, cấp thêm

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần việc phát hành thêm cổ phiếu là phương thức hiệu quả để tăng vốn chủ sở hữu. Công việc này được thực hiện bằng cách ngân hàng phát hành quyền mua cổ phần cho các cổ đông hiện hữu, mỗi cổ đông nắm giữ cổ phần của ngân hàng sẽ được mua một tỷ lệ cổ phần theo tỷ lệ cổ phần mình đang nắm giữ. Ngân hàng sử dụng vốn tăng thêm để mở rộng quy mô hoạt động, đổi mới trang thiết bị, hoặc trong một số trường hợp là để đáp ứng yêu cầu gia tăng vốn của chủ do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Đối với các ngân hàng liên doanh việc tăng vốn là do các bên góp vốn, lượng vốn này phục vụ cho việc mở rộng hoạt động, nâng cao năng lực hoạt động,…Việc tăng vốn này theo lộ trình và kế hoạch của ngân hàng. Lộ trình tăng vốn tuân thủ qui định của Pháp luật.

Đối với ngân hàng tư nhân, chủ ngân hàng có thể tăng vốn bằng cách rót thêm vốn vào hoạt động của ngân hàng và cũng cần phải thực hiện theo Luật định.

Đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước, việc bổ sung vốn là do ngân sách Nhà nước cấp theo tỷ lệ Nhà nước nắm giữ. Một phần vốn được bổ sung từ các cổ đông ngoài Nhà nước.

Tính chất của việc bổ sung vốn từ phát hành thêm cổ phần, góp thêm, cấp thêm này là không liên tục nhưng nguồn vốn bổ sung làm tăng nguồn vốn lại có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động của ngân hàng, nó thể hiện uy tín và vị thế, tính cạnh tranh của một ngân hàng.

                - Các quỹ

Hoạt động của ngân hàng không thể thiếu các quỹ như quỹ thặng dư cổ phần, quỹ dự phòng tổn thất, quỹ bảo tổn vốn,... Mỗi quỹ có mục đích riêng và việc trích lập phải đảm bảo nguyên tắc và qui định của kế toán.

- Quỹ thặng dư vốn cổ phần

 Đây là phần đánh giá lại tài sản của ngân hàng và chênh lệch giữa thị giá và mệnh giá cổ phiếu khi phát hành cổ phiếu mới và nguồn thặng dư này sẽ được chuyển đổi thành cổ phần trong tương lai.

- Quỹ dự phòng tổn thất

Quỹ này được trích lập hàng năm và được tích lũy lại nhằm bù đắp những tổn thất xảy ra trong quá trình hoạt động của ngân hàng, chủ yếu ở hoạt động tín dụng. Một nhà quản trị ngân hàng thông minh sẽ biết dự phòng cho tổn thất tín dụng bao nhiêu là hợp lý.

- Quỹ bảo toàn vốn

Nhằm bù đắp hao mòn của vốn dưới tác động của lạm phát ngân hàng cần trích lập quỹ bảo toàn vốn. Khi lạm phát xảy ra, ngân hàng là tổ chức chịu sự tác động nhiều nhất bởi tính chất kinh doanh của ngân hàng là kinh doanh tiền tệ. Trong trường hợp ngân hàng chưa có hoặc chưa kịp có những ứng phó trong hoạt động kinh doanh thì nguồn quỹ này sẽ được sử dụng để duy trì và phát triển hoạt động của ngân hàng trong thời kỳ lạm phát.

- Quỹ khác

Tùy theo quy định của mỗi nước, các ngân hàng thực hiện việc trích lập các quỹ như: quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng, quỹ giám đốc,…Các quỹ này được sử dụng vào các mục đích làm tăng giá trị của ngân hàng, tạo gắn kết giữa ngân hàng và người lao động thông qua thực hiện chế độ đối với người làm trong ngân hàng.

                ● Vốn cấp 2

                Trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng có một số khoản vay trung và dài hạn được ngân hàng quy định có thể chuyển đổi thành vốn cổ phần. Đây là bộ phận Nợ nhưng có tính chất ổn định. Thực chất đây là khoản nợ lưỡng tính và được ngân hàng rất quan tâm vì sau khi chuyển đổi ngân hàng có thể giảm lãi vay.

3.1.2.2. Vốn tiền gửi

Ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, với chức năng huy động vốn và sử dụng nguồn vốn đó để cho vay và đầu tư. Ngân hàng huy động vốn từ dân chúng, trả lãi cho các khoản tiền gửi đó, sử dụng vốn đó vào mục đích kinh doanh của mình là cho vay và đầu tư với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Vì thế, vốn tiền gửi là nguồn vốn quan trọng nhất trong hoạt động kinh doanh của một NHTM. Ngân hàng thực hiện việc mở các tài khoản tiền gửi để giữ hộ và thanh toán hộ cho khách hàng, bằng cách đó ngân hàng huy động tiền của doanh nghiệp, tổ chức và dân cư.

Vậy: “Tiền gửi là tài sản bằng tiền của các tổ chức và cá nhân mà ngân hàng đang tạm thời quản lý sử dụng với trách nhiệm hoàn trả”.

- Đặc điểm

+ Tiền gửi trong NHTM chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn của NHTM.

+ Các NHTM hoạt động được chủ yếu nhờ vào nguồn vốn tiền gửi. Do nguồn vốn này chiếm tỷ trọng lớn nên hầu hết các hoạt động chính của ngân hàng đều phải dựa nguồn vốn này.

+ Tiền gửi là nguồn vốn không ổn định, khách hàng có thể rút tiền của họ mà không bị ràng buộc, nếu có ngân hàng chỉ phạt bằng việc trả lãi thấp hơn lãi đã cam kết với khách hàng. Chính vì vậy NHTM cần phải duy trì một lượng tiền dự trữ đảm bảo khả năng thanh khoản, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng. Điều này được thể hiện ở việc các NHTM thực hiện yêu cầu của NHNN trong việc duy trì số dư tối thiểu tiền mặt tại quỹ, số dư tối thiểu tại NHNN. Ngoài ra, để đảm bảo tốt hơn khả năng thanh toán, NHTM còn gửi tiền ở các tổ chức tín dụng.

Với vai trò quan trọng của tiền gửi và đồng thời cũng là yếu tố mang tính cạnh tranh giữa các ngân hàng, các ngân hàng cần có chiến lược tạo lập và sử dụng đúng đắn và hiệu quả. Một trong những chiến lược của các NHTM là đưa những biện pháp nhằm tăng tiền gửi và để có được nguồn tiền có chất lượng ngày càng cao, các ngân hàng đã áp dụng nhiều hình thức huy động khác nhau như: tiền gửi thanh toán (tiền gửi không kỳ hạn), tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức và cá nhân, tiền gửi tiết kiệm của dân cư, huy động vốn thông qua việc phát hành kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi,…

* Tiền gửi thanh toán

Việc mở tài khoản và cung cấp dịch vụ thanh toán là một trong những dịch vụ đầu tiên của một NHTM. Khách hàng nộp tiền vào ngân hàng và khoản tiền này sẽ được hạch toán vào tài khoản thanh toán. Thực chất đây là tiền của doanh nghiệp hoặc cá nhân gửi vào ngân hàng, nhờ ngân hàng giữ và thanh toán hộ.

Đối với dịch vụ giữ hộ: Tiền của khách hàng sẽ được đảm bảo an toàn và khách hàng nhận lãi và hưởng những dịch vụ đi kèm với tài khoản thanh toán. Về phía ngân hàng được sử dụng lượng tiền trong tài khoản thanh toán để cho vay, đầu tư và thực hiện các hoạt động khác của ngân hàng.

Đối với dịch vụ thanh toán: Trong phạm vi số dư cho phép, các nhu cầu chi trả, thanh toán, chuyển tiền, rút tiền mặt của doanh nghiệp và cá nhân đều được ngân hàng thực hiện và ngược lại khoản thu bằng tiền của doanh nghiệp và cá nhân được chuyển đến ngân hàng được ngân hàng hạch toán vào tài khoản tiền gửi thanh toán theo nội dung yêu cầu của lệnh chuyển tiền đến. Về phía ngân hàng, ngân hàng được phép thu phí dịch vụ thanh toán chuyển tiền đi, chuyển tiền đến theo đúng biểu phí của ngân hàng.

- Đặc điểm

+ Lãi suất của khoản tiền trong tài khoản thanh toán tại ngân hàng thường rất thấp (hoặc bằng không) tuy nhiên khách hàng có thể sử dụng một số dịch vụ kèm thêm với tài khoản thanh toán như: thanh toán séc tiền mặt, séc bảo chi, cho vay thấu chi…với mức phí thấp và những giá trị gia tăng như: tặng quà, dịch vụ...

+ Số dư không ổn định: Thực chất tiền gửi thanh toán là tiền gửi không kỳ hạn vì thế khách hành có thể sử dụng (khách hàng có thể rút tiền mặt bằng séc tiền mặt hoặc giấy rút tiền, chuyển khoản bằng ủy nhiệm chi) bất kể lúc nào. Chính vì vậy ngân hàng cần có nguồn tiền dự trữ để đảm bảo việc chi trả cho khách hàng.

- Ý nghĩa

Tiền gửi thanh toán của khách hàng cung cấp lượng vốn lớn cho ngân hàng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạt động của ngân hàng. Khi khách hàng sử dụng dịch vụ này của ngân hàng sẽ tiết kiệm được chi phí lưu thông thông qua việc thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng dịch vụ hiện đại của ngân hàng đặc biệt là giảm được rủi ro mất mát khi khách hàng tự quản lý tiền của mình.

* Tiền gửi có kỳ hạn của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội

Nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội có các hoạt động thu, chi tiền theo các chu kỳ xác định. Họ gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi đồng thời tính toán nhu cầu vốn ở một thời điểm nhất định để lựa chọn kỳ hạn gửi tiền. Khi lựa chọn hình thức gửi tiền này khách hàng sẽ phải đến các trụ sở của ngân hàng để rút tiền, không sử dụng tiện ích thanh toán qua thẻ tuy nhiên khách hàng sẽ được hưởng lãi suất tiền gửi cao hơn. Mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn phụ thuộc vào thời hạn ghi trên hợp đồng và thông thường thời hạn gửi càng dài thì lãi suất càng cao và ngược lại.

* Tiền gửi tiết kiệm

Trong dân chúng luôn tồn tại các khoản thu nhập tạm thời chưa sử dụng. Khi đó họ có thể tới ngân hàng để nhờ ngân hàng giữ hộ và mong muốn ngân hàng sẽ trả một khoản lãi. Đó là hành vi gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Để có thể sử dụng tiền gửi, ngân hàng phải cam kết trả cho người gửi tiền một khoản lãi. Phần lãi này sẽ được tính toán dựa trên số tiền gửi và kỳ hạn.

Các ngân hàng sử dụng nhiều chiến lược để tăng lượng vốn tiền gửi tiết kiệm như việc mở rộng mạng lưới chi nhánh hoặc đưa ra các hình thức huy động đa dạng và lãi suất hấp dẫn, kỳ hạn đa dạng và quà tặng có giá trị. Ngoài ra ngân hàng còn cho phép khách hàng thế chấp sổ tiết kiệm để vay vốn nếu khách hàng đáp ứng đầy đủ điều kiện về vốn vay.

Tiền gửi tiết kiệm thuộc nhóm tài khoản phi giao dịch, có định hướng hưởng lãi và là nguồn vốn có tính ổn định cao tại ngân hàng. Đây là một trong những nguồn tiền quan trọng bậc nhất của ngân hàng hiện đại.

* Tiền gửi của các ngân hàng khác

Để đảm bảo khả năng thanh khoản hoặc nhờ thanh toán hộ hoặc nằm trong chiến lược sử dụng vốn của mình, các ngân hàng thường có những giao dịch nhận gửi tiền qua nhau. Ngân hàng gửi tiền tại một ngân hàng khác được coi là một khách hàng và được những quyền lợi như một khách hàng gửi tiền thông thường.

3.1.2.3. Các nguồn vốn phi tiền gửi

*  Tiền vay

Sự phát triển của ngân hàng, đặc biệt là sự lớn mạnh của hoạt động tín dụng trong đòi hỏi các ngân hàng cần bổ sung những nguồn vốn mới dồi dào hơn so với nguồn vốn truyền thống và ngân hàng đã tìm tới thị trường tiền tệ.

Thông thường ngân hàng Trung ương quy định tỷ lệ giữa nguồn vốn tiền huy động và vốn của chủ vì thế vào những giai đoạn cụ thể, các ngân hàng phải vay mượn thêm để đáp ứng nhu cầu chi trả khi khả năng huy động bị hạn chế và chưa có được số lượng vốn chủ sở hữu như mong đợi. Hiện nay, các ngân hàng có thể sử dụng một số kênh sau:

Thứ nhất, vay Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Trung ương) đóng vai trò là người cho vay cuối cùng trong nền kinh tế. Khi rơi vào tình trạng thiếu vốn hoặc cần giải quyết nhu cầu cấp bách trong chi trả các NHTM có thể vay tiền tại NHNN. Hình thức cho vay chủ yếu của NHNN là tái chiết khấu hoặc tái cấp vốn. NHTM được phép cung cấp dịch vụ tái chiết khấu giấy tờ có giá. Sau khi chiết khấu hoặc tái chiếu khấu, giấy tờ có giá trở thành tài sản của NHTM và khi thiếu vốn cho hoạt động kinh doanh, NHTM có thể sử dụng giấy tờ có giá này tái chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước. Để làm được điều này các NHTM phải đáp ứng những điều kiện NHNN đưa ra. Về phía NHNN, vừa đảm bảo là người cho vay cuối cùng vừa đảm bảo sự kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn cấp cho các NHTM vì thế NHNN ưu tiên tái chiết khấu cho những giấy tờ có giá có thời gian đáo hạn ngắn, khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ cao, đặc biệt là đáp ứng được mục tiêu đã đặt ra của Chính phủ trong từng thời kỳ.

Tương tự đối với nghiệp vụ chiết khấu và tái chiết khấu giấy tờ có giá tại NHNN, các NHTM có thể cầm cố hoặc tái cầm cố các thương phiếu tại NHNN.

Trong trường hợp NHTM thiếu vốn mà không có nguồn giấy tờ có giá có sẵn để tái chiết khấu, NHTM tìm tới biện pháp cuối cùng xin tái cấp vốn từ NHNN trong hạn mức tín dụng. Tuy nhiên để có thể được tái cấp vốn các NHTM phải đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ đối với Ngân hàng Nhà nước cững như đáp ứng những thủ tục hồ sơ cần thiết.

Ngoài ra, NHNN có hình thức cho vay thanh toán đối với các NHTM. Khi các NHTM tham gia hệ thống thanh toán bù trừ nếu ngân hàng nào thiếu vốn trong thanh toán sẽ được NHNN cho vay để đảm bảo các phiên giao dịch thanh toán bù trừ được thực hiện hoàn tất. Khi cho vay thanh toán, NHNN áp dụng một trong 2 phương thức: cho vay qua đêm (Overnight lend); cho vay thấu chi (Overdraft).

Thứ hai, vay các tổ chức tín dụng khác

Ngành ngân hàng càng phát triển thì hoạt động thanh toán giao dịch liên ngân hàng càng phát triển. Cụ thể là giữa các NHTM có thể vay mượn nhau trên thị trường liên ngân hàng. Về thực chất các NHTM chuyển vốn cho nhau trong trong một thời gian ngắn với mức lãi suất hợp lý để đảm bảo mức dự trữ tiền gửi theo qui định và đáp ứng nhu cầu ngân quỹ bất ngờ. Đây là hoạt động hết sức quan trọng để đảm bảo khả năng thanh khoản của các NHTM vì trong ngắn hạn một NHTM có thể tạm thời thiếu vốn để thực hiện nghĩa vụ khách hàng mà không muốn quyết toán một hợp hợp tín dụng khác chưa đến hạn thanh toán. Trong khi đó có những ngân hàng đang có dự trữ vượt yêu cầu do tiền huy động tăng và có chính sách giảm cho vay trong một khoảng thời gian.

Các NHTM có thể liên hệ trực tiếp với nhau và với hai hình thức:

- Vay không cần tài sản đảm bảo. Ở hình thức này các NHTM đi vay sử dụng uy tín và quan hệ thân thiết với NHTM cho vay thể thực hiện hợp đồng mượn vốn. Trường hợp này thường áp dụng cho các NHTM có mối quan hệ thân cậy, đã có nhiều giao dịch với nhau.

- Vay cần tài sản đảm bảo. Với hình thức này các NHTM đi vay thực hiện nghĩa vụ đảm bảo tiền vay cho bên cho vay. Tài sản đảm bảo có thể là chứng khoán hoặc giấy tờ có giá khác. Hình thức này áp dụng cho các NHTM quan hệ mượn vốn lần đầu hoặc chưa thật sự tin tưởng nhau.

Về qui trình, cả hai hình thức trên đều có các bước cơ bản sau: Trước khi ký kết hợp đồng, hai bên có thể trực tiếp trao đổi với nhau về số tiền vay, thời hạn và lãi suất. Sau khi thỏa thuận NHTM đi vay sẽ trực tiếp tới NHTM cho vay để lấy tiền và ký kết hợp đồng mượn vốn. Hợp đồng sẽ được làm 4 liên, mỗi bên giữ 2 liên (một liên lưu hồ sơ, một liên lưu kế toán). Đối với hình thức vay cần tài sản đảm bảo thêm thủ tục chứng minh tài sản đảm bảo. Sau khi hợp đồng ký kết, tiền của ngân hàng cho vay giảm đi và của ngân hàng đi vay tăng lên.

Như vậy nguồn vay mượn từ các ngân hàng khác là để đáp ứng nhu cầu dự trữ và chi trả cấp bách cho khách hàng, đôi khi hoạt động này mang lại hiệu quả nhanh chóng hơn là việc vay NHNN thông qua chiết khấu, tái chiết khấu hoặc cầm cố hoặc tái cầm cố.

Thứ ba, vay trên thị trường tài chính

NHTM có thể huy động vốn trên thị trường tài chính. Ngân hàng có thể thực hiện huy động vốn bằng cách phát hành các giấy tờ có giá như: kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu. Khi sử dụng phương pháp huy động vốn này các NHTM xác nhận nghĩa vụ trả nợ trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều khoản cam kết khác. Thời hạn huy động vốn có thể là ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, cụ thể:

- Huy động vốn ngắn hạn: để huy động vốn ngắn hạn, các NHTM phát hành giấy tờ có giá ngắn hạn (dưới 12 tháng) như: kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn, tín phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác.

- Huy động vốn trung và dài hạn: muốn huy động vốn trung và dài hạn các NHTM có thể phát hành trái phiếu.

Thực chất, đây là khoản vay không có đảm bảo và thông thường NHTM có uy tín, trả lãi suất cao sẽ vay mượn được nhiều hơn. Trong trường hợp tự bản thân NHTM không thể trực tiếp đứng ra vay thì có thể vay thông qua các ngân hàng đại lý hoặc được bảo lãnh của một ngân hàng khác. Thủ tục cho việc huy động vốn này được đánh giá tương đối phức tạp so với các hình thức khác.

Hoạt động trên liên quan tới quyền lợi của khách hàng và uy tín của ngân hàng vì thế các ngân hàng cần phải nghiên cứu kỹ thị trường để quyết định quy mô, mệnh giá, lãi suất và thời hạn vay mượn thích hợp cũng như các vấn đề chuyển nhượng, điều chỉnh lãi suất,… cụ thể:

'       - Mệnh giá: là số tiền gốc được in sẵn hoặc ghi trên giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng chỉ hoặc ghi trên giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với giấy tờ có giá phát hành theo hình thức ghi sổ.

- Thời hạn giấy tờ có giá: là khoảng thời gian từ ngày tổ chức tín dụng nhận nợ đến hết ngày cam kết thanh toán toàn bộ.

- Lãi suất được hưởng: là lãi suất áp dụng để tính lãi cho người mua giấy tờ có giá được hưởng

- Chuyển nhượng: là loại chứng từ có giá ghi danh hay vô danh, từ đó liên quan tới khả năng chuyển nhượng.

-…..

 * Vốn phi tiền gửi khác

Ngoài vốn vay vốn phi tiền gửi khác gồm: tiền trong thanh toán, nguồn ủy thác, thuế chưa nộp, tiền lương chưa trả.

- Tiền trong thanh toán

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm hoạt động thanh toán quốc tế, thanh toán trong nước và thanh toán nội bộ. Các hoạt động này hình thành nguồn trong thanh toán của các NHTM.

Thanh toán quốc tế: các khoản tiền ký quỹ của khách hàng cho chuyển tiền quốc tế, nhờ thu và mở thư tín dụng trong khoảng thời gian chờ thanh toán.

Thanh toán trong nước: các khoản tiền khách hàng chuyển ủy nhiệm chi đề nghị chuyển tiền nhưng qua giờ thanh toán bù trừ; tiền chờ thanh toán séc bảo chi,…

Thanh toán nội bộ: đó là các khoản thuế chưa nộp, lương chưa trả, phúc lợi chưa chia,…

Với sự phát triển dịch vụ thanh toán trong ngân hàng, nguồn tiền trong thanh toán ngày càng được gia tăng và có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của NHTM đặc biệt đối với ngân hàng là đầu mối thanh toán cho các ngân hàng thành viên. Các ngân hàng có thể sử dụng nguồn tiền này để sử dụng vào hoạt động kinh doanh của mình.

- Các khoản treo chờ xử lý

Ngân hàng trong quá trình hoạt động thường có những giao dịch chưa xác định đúng phát sinh giao dịch mà phải chờ xử lý, khi đó ngân hàng sẽ hạch toán giao dịch đó và tài khoản treo chờ xử lý. Ngân hàng có thể coi đây như một nguồn vốn và được phép sử dụng khi chưa xác định được nguyên nhân và quyết toán.

- Tiền ủy thác

Tiền ủy thác là nguồn tiền mà NHTM được Nhà nước hoặc các tổ chức tín dụng khác ủy nhiệm cho thực hiện một nhiệm vụ nào đó. Các nghiệp vụ ủy thác bao gồm: Uy thác cho vay, ủy thác đầu tư, ủy thác cấp phát,…..Với chức năng này NHTM được thể hiện vai trò là một tổ chức tài chính trung gian, kênh dẫn vốn cho những chủ thể nhận vốn đúng mục đích. Nguồn vốn này bổ sung vào tổng vốn kinh doanh của NHTM.

                3.1.3. Tầm quan trọng của các nguồn vốn trong NHTM

                ● Nguồn vốn đóng vai trò tạo lập, duy trì và phát triển ngân hàng

                Một ngân hàng muốn hoạt động không thể thiếu nguồn vốn. Điều này thể hiện ngay ở khi bắt đầu thành lập, muốn thành lập ngân hàng yêu cầu phải có một lượng vốn đủ lớn theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Nguồn vốn này chính là nền tảng ban đầu cho mọi hoạt động, nó thể hiện tính tự chủ cũng như khả năng của một ngân hàng. Một ngân hàng mới thành lập cần vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị những điều kiện làm việc, thuê nhân viên,…

                Trong yếu tố cạnh tranh, để duy trì và phát triển hoạt động bản thân mỗi ngân hàng phải tự ý thức được cần phải bổ sung thêm vốn. Nếu ngân hàng nào không thực hiện sẽ gặp những khó khăn trong hoạt động.

                ● Nguồn vốn là cơ sở và phát triển hoạt động cho vay

                Huy động vốn và cho vay là hai hoạt động cơ bản của NHTM. Hai hoạt động này có mối quan hệ tương hỗ với nhau, nếu không có nguồn huy động thì ngân hàng khó lòng cho vay và thực hiện các dịch vụ, ngược lại hoạt động tín tác động trở lại hoạt động nguồn vốn thông qua việc kích thích các NHTM gia tăng nguồn vốn.

                Vốn của ngân hàng được xem như là một phương tiện điều tiết sự tăng trưởng, đảm bảo sự phát triển của ngân hàng. Vốn cần phải được phát triển tương ứng với sự tăng trưởng của danh mục cho vay và những tài sản rủi ro khác.

                ● Nguồn vốn dùng để  bù đắp rủi ro

Việc trích lập các quỹ để phòng ngừa và bù đắp rủi ro luôn được thực hiện định kỳ ở các NHTM vì thế mỗi quốc gia đều có qui định về tỷ lệ an toàn vốn so với tài sản. Nếu NHTM không đáp ứng được tỷ lệ an toàn như qui đinh, ngân hàng đó sẽ rơi vào sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

                ● Nguồn vốn là cơ sở tạo niềm tin cho khách hàng

Vốn chủ sở hữu của NHTM là cơ sở để xác định niềm tin của công chúng, một ngân hàng có quy mô vốn lớn sẽ được dân chúng tin tưởng hơn so với ngân hàng quy mô vốn nhỏ nếu không xét tới các yếu tố khác.

Các NHTM luôn nỗ lực tạo niềm tin trong khách hàng. Đây là việc làm hết sức quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong nền kinh tế thị trường. Khi khách hàng tin tưởng vào ngân hàng, khách hàng sẽ tới ngân hàng gửi tiền, nguồn vốn tiền gửi được sử dụng để cho vay, thu lãi, tạo lợi nhuận cho ngân hàng.

Với cơ chế công bố thông tin của các NHTM hiện nay khách hàng sẽ tìm tới ngân hàng nào có những thông tin tốt và vốn là thông tin đầu tiên mà khách hàng quan tâm.

                ● Nguồn vốn cung cấp khả năng tài chính và phát triển dịch vụ mới

Ngân hàng luôn cần bổ sung vốn để thúc đẩy tăng trưởng và chấp nhận rủi ro gắn với sự ra đời những sản phẩm dịch vụ mới. Nguồn vốn của ngân hàng chủ yếu sử dụng trong cho vay, ngoài ra các NHTM sử dụng nguồn vốn để góp phần vốn, liên doanh, mua chứng khoán. Mặt khác để phân tán rủi ro, ngân hàng mở rộng kinh doanh ra các lĩnh vực khác như kinh doanh chứng khoán, cho thuê tài chính, bảo hiểm.

3.2. QUẢN TRỊ NGUỒN VỐN CỦA NHTM

                3.2.1. Các mô hình quản trị nguồn vốn

Một ngân hàng phát triển và tăng trưởng đồng nghĩa với việc mở rộng qui mô, có thể mở thêm chi nhánh hoặc phòng giao dịch (sau đây gọi là các đơn vị) và hoạt động có chất lượng. Điều đó đồng nghĩa với việc cần phải có cơ chế quản trị hoạt động làm sao hiệu quả, chặt chẽ, tiết kiệm chi phí, đặc biệt đối với quản trị vốn.

Hiện nay tồn tại một số mô hình quản trị nguồn vốn như: mô hình quản trị tập trung, mô hình quản trị phân tán, mô hình lập trình tuyến tính, mô hình bảng tổng kết tài sản. Câu hỏi đặt ra đối với nhà quản trị ngân hàng là vận dụng mô hình nào hay kết hợp hai hay nhiều mô hình với nhau để đạt kết quả quản trị cao nhất. Các mô hình quản trị này áp dụng cho cả quản trị vốn chủ sở hữu, quản trị vốn tiền gửi và quản trị vốn phi tiền gửi.              

* Mô hình quản trị tập trung

Toàn bộ nguồn vốn được tập trung ở một nơi duy nhất là đặc điểm cơ bản nhất của mô hình này. Vốn ở đây bao gồm cả vốn tiền mặt và vốn phi tiền mặt. Nơi quản lý vốn thông thường là hội sở chính, trụ sở chính hoặc sở giao dịch (sau đây gọi chung là Hội sở chính) của ngân hàng, quản lý tập trung toàn bộ vốn của ngân hàng.

Với mô hình này, chủ thể quản trị được bố trí công tác tại nơi quản lý vốn và chịu trách nhiệm trước ngân hàng toàn bộ hoạt động nguồn vốn, có kế hoạch và chiến lược trong từng thời kỳ. Khi cần thiết phân bổ vốn cho nơi sử dụng và có chế độ hạch toán để phân bổ thu nhập và chi phí sao cho phù hợp.

- Ưu điểm: Mô hình này đơn giản, dễ thực hiện, các yêu cầu trong kinh doanh được đáp ứng một cách nhanh nhất. Ban lãnh đạo ngân hàng sẽ dễ dàng trong quản lý từ đó dễ dàng đưa ra chiến lược phát triển nguồn vốn.

- Nhược điểm: Mô hình này làm cho ngân hàng có thể gặp phải rủi ro do không có sự tương xứng về kỳ hạn giữa nguồn thanh khoản khi nguồn vốn không đáp ứng đủ các yêu cầu thanh khoản phát sinh. Ngoài ra khi áp dụng mô hình này làm giảm khả năng sinh lời của ngân hàng do không có sự cân đối hài hòa giữa mục tiêu thanh khoản với mục tiêu sinh lợi.

- Trường hợp áp dụng: Mô hình này được áp dụng trong thời gian đầu thành lập của các ngân hàng. Mô hình này sẽ phát huy tác dụng khi sức cạnh tranh giữa các ngân hàng chưa cao, nền kinh tế có nguồn vốn dồi dào và các ngân hàng có thể huy vốn dễ dàng.

* Mô hình quản trị phân tán

Nguồn vốn được quản lý theo đơn vị tạo lập vốn, có sự giám sát của hội sở chính. Vốn sẽ được từng đơn vị nắm giữ, chủ động trong huy động và sử dụng vốn. Trong trường hợp các đơn vị thiếu vốn có thể đi vay và thực hiện nghĩa vụ tiền vay với Hội sở chính hoặc các đơn vị khác.

Với mô hình này, chủ thể quản trị được bố trí ở các đơn vị và chịu trách nhiệm trước đơn vị mình về hoạt động nguồn vốn, có kế hoạch và chiến lược trong từng thời kỳ tại đơn vị mình.

- Ưu điểm: Mô hình này thể hiện tính tự chủ của các đơn vị trong hoạt động kinh doanh, phát huy được toàn bộ nội lực của từng đơn vị và giảm tải được công việc cho Hội sở chính và công tác phân bổ thu nhập chi phí cuối kỳ.

- Nhược điểm: Ngân hàng có thể gặp phải rủi ro do không có sự quản lý sát sao từ Hội sở chính và đôi khi nguồn vốn tại các đơn vị không đáp ứng đủ các yêu cầu thanh khoản phát sinh khi đó thêm khoản chi phí lãi vay.

- Trường hợp áp dụng: Mô hình này được áp dụng khi ngân hàng đã hoạt động lâu năm, qui mô lớn.

* Mô hình quản trị phân vùng

Ở mô hình này, người ta chia ngân hàng thành hai nhóm nguồn vốn ổn định và nguồn vốn kém ổn định. Và tương ứng là phân định hai mục tiêu thanh khoản và sinh lợi.

Khi sử dụng vốn các đơn vị thuộc hai nhóm sẽ phải cân đối giữa cần xác định rõ nhu cầu sử dụng vốn thành hai yêu cầu cơ bản là yêu cầu sinh lời và yêu cầu thanh khoản. Nhiệm vụ của nhà quản trị sẽ sử dụng nguồn vốn tương ứng theo từng cặp để tài trợ cho các nhu cầu.

Nguồn vốn kém ổn định bao gồm tiền gửi thanh toán không kỳ hạn, tiết kiệm không kỳ hạn dùng để tài trợ cho hoạt động đảm bảo khả năng thanh khoản.

Nguồn vốn ổn định bao gồm vốn tự có, tiền gủi thanh toán có kỳ hạn, tiết kiệm có kỳ hạn,…dùng để tài trợ cho hoạt động đem lại sinh lời cao cho ngân hàng.

- Ưu điểm: Mô hình này có sự phân vùng nên phần nào hạn chế được rủi ro trong hoạt động.

- Nhược điểm: Do có sự phân vùng nên nhà quản trị đã làm giảm tính linh hoạt trong việc sử dụng vốn và đôi khi do yếu về khâu quản lý mà các nhà quản trị phân bổ nguồn vốn kém ổn định để tài trợ cho hoạt động sinh lời. Và trong một số trường hợp sự mất thanh khoản sẽ đe dọa ngân hàng vì ngân hàng không huy động đủ số vốn trong nhóm nguồn vốn kém ổn định.

* Mô hình lập trình tuyến tính

Mô hình này sử dụng kiến thức toán học bằng cách nhà quản trị nguồn vốn sẽ thiết lập hàm mục tiêu mà ngân hàng cần tối ưu hóa. Sau đó xác định các phương trình, hệ phương trình ràng buộc của các biến độc lập. Các biến là các tham số mà nhà quản trị đưa ra ở mỗi thời kỳ. Cuối cùng là áp dụng mô hình hồi quy tuyến tính để giải bài toán. Kết quả sẽ ra được phương án quản trị vốn hiệu quả.

- Ưu điểm: Kết quả đưa ra một cách nhanh chóng và chính xác.

- Nhược điểm: Kết quả có thể có độ tin cậy không cao nếu dữ liệu đầu vào của mô hình hoặc các số liệu thống kê không đầy đủ hoặc thiếu chính xác.

* Mô hình bảng tổng kết tài sản

Nhà quản trị nguồn vốn có thể sử dụng chính hệ thống báo cáo tài chính trong ngân hàng là công cụ để quản trị nguồn vốn. Báo cáo được sử dụng là Bảng tổng kết tài sản và nguồn vốn của ngân hàng. Các nhà quản trị tiến hành phấn tích sau đó phân loại theo nhóm các khoản mục của tài sản nợ, khoản mục tài sản có theo đặc điểm, tính chất của chúng. Tiếp theo là phân tích đến việc sử dụng nguồn vốn phù hợp để đáp ứng yêu cầu sự dụng vốn tương ứng.

Nhà quản trị định hướng sử dụng các tài sản có mà ngân hàng đang nắm giữ để đáp ứng các yêu cầu sử dụng vốn mới phát sinh khi nguồn vốn hạn hẹp như việc sử dụng tài sản hiện có (dự trữ), bán chứng khoán hoặc chiết khấu các món vay…

- Ưu điểm: Mô hình này giúp ngân hàng có thể linh hoạt và chủ động trong việc đáp ứng các yêu cầu trong hoạt động kinh doanh và có thể khắc phụ nhược điểm của mô hình phân vùng tức là có thể kết hợp hài hòa cả nhu cầu sinh lời với nhu cầu thanh khoản.

- Nhược điểm: Mô hình này dựa vào thông tin trên báo cáo tài chính và cần phải phân tích nên yêu cầu phải có người có trình độ chuyên môn cao. Khi áp dụng mô hình này ngân hàng vẫn phải đối mặt với các rủi ro: rủi ro lãi suất, rủi ro tín dụng,…

                3.2.2. Quản trị vốn chủ sở hữu

                3.2.2.1. Khái niệm và tầm quan trọng của quản trị vốn chủ sở hữu           

                Việc xác định mức vốn chủ sở hữu phù hợp với bản thân mỗi ngân hàng là việc làm hết sức quan trọng và đây cũng chính la bài toán đầu tiên mà ban quản trị ngân hàng cần làm.

                Vậy, “Quản trị vốn chủ sở hữu là công tác xác định qui mô và nhu cầu, phân tích so sánh các chỉ tiêu về vốn giữa các ngân hàng, phân tích chi phí vốn chủ sở hữu sao cho phù hợp với yêu cầu kinh doanh, tuân thủ đầy đủ qui định của pháp luật từ đó tìm giải pháp gia tăng vốn chủ sở hữu và để lập kế hoạch tổng thể đáp ứng yêu cầu về vốn của ngân hàng”.

                Nếu quản trị tốt công tác này giúp cho ngân hàng luôn có sự cân đối về nguồn cung và cầu vốn, chống đỡ được rủi ro, duy trì niềm tin cho khách hàng và nhà đầu tư. Ngược lại nếu lơ là trong công tác quản trị nguồn vốn sẽ làm cho ngân hàng mất cân đối nguồn tiền, tiền không đủ để ngân hàng cho vay, lượng tiền dự trữ cạn kiệt, tiền gửi tại các ngân hàng khác không còn, ngân hàng mất khả năng thanh khoản, thậm chí có thể đưa ngân hàng tới bờ vực phá sản.

                Ngoài ra, quản trị nguồn vốn chủ sở hữu sẽ giúp chủ thể quản trị luôn nắm rõ được khả năng tài chính của ngân hàng mình, so sánh lợi thế cạnh tranh về vốn với các ngân hàng khác, từ đó có chiến lược tăng vốn phù hợp.

                Vốn chủ sở hữu ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời của các cổ đông, quyền lợi của các cổ đông gắn liền với vốn chủ sở hữu vì vốn chủ sở hữu có quan hệ tỷ lệ nghịch với ROE (tỷ suất sinh lời vốn chủ sở hữu).

                Công tác quản trị nguồn vốn chủ sở hữu làm cho giá trị ngân hàng gia tăng nhờ vào việc trích lập các quỹ. Mặt khác, giúp cho việc ra quyết định thời điểm chuyển đổi công cụ nợ thành vốn cổ phần hợp lý.

                3.2.2.2. Nội dung quản trị vốn chủ sở hữu

                a. Xác định qui mô vốn chủ sở hữu

                Quản trị vốn chủ sở hữu của một ngân hàng được thực hiện ngay từ khi thành lập và được quản lý chặt chẽ trong suốt quá trình hoạt động. Trước khi quyết định xem xét một ngân hàng nên nắm giữ lượng vốn là bao nhiêu, chúng ta xem xét phương pháp đo lường vốn của ngân hàng. Dựa vào bảng CĐKT ta có thể xác định một cách tổng quát vốn chủ sở hữu theo công thức sau:

Vốn chủ sở hữu = Tổng tài sản – Các khoản nợ   (1)

                Tuy nhiên tùy vào mục đích và đứng ở vị thế khác nhau mà người ta xác định vốn chủ theo nhiều cách khác nhau.

                Thứ nhất: Tính vốn chủ sở hữu theo giá trị sổ sách hoặc giá trị thị trường

                - Theo giá trị sổ sách

Cách 1

Vốn chủ sở hữu

    =

Tổng tài sản tính theo giá trị sổ sách

-

Các khoản nợ tính theo giá trị sổ sách

(2)

                Nếu tính theo cách này, tài sản và nợ được phản ánh vào sổ sách ngân hàng theo giá trị tại thời điểm phát sinh. Khi đó giá trị vốn số sách sẽ được xác định theo giá trị tài sản của ngân hàng và các khoản nợ của ngân hàng.

Cách 2

Vốn chủ sở hữu

=

Vốn cổ phần thường

+

Cổ phần ưu đãi vĩnh viễn

+

Lợi nhuận bổ sung

+

Quỹ thặng dư

+

Dự phòng và các quỹ khác

(3)

                Với cách xác định này, vốn của ngân hàng được xác định dựa vào vốn cổ đông, vốn cổ phiếu ưu đãi, lợi nhuận bổ sung, thặng dư vốn cổ phần, các khoản dự phòng (dự phòng tài chính, dự phòng tổn thất tín dụng và cho thuê) và các khoản mục khác.

                - Theo giá trị thị trường

Vốn chủ sở hữu

    =

Tổng tài sản tính theo giá trị thị trường

-

Tổng nợ theo giá trị thị trường

(4)

                Đây là phương pháp được sử dụng nhiều nhất vì nó phản ánh thực tế giá trị vốn. Tuy nhiên phương pháp này cũng có những nhược điểm là khó xác định đối với những ngân hàng lớn là sự bất ổn trong vốn ngân hàng, đối với ngân hàng nhỏ là khó xác định giá trị trường. Tuy nhiên phương pháp này được đánh giá là phương pháp mà xác định đúng nhất thực lực của ngân hàng vì giá trị tài sản và nợ của ngân hàng được xác định đúng theo giá trị thị trường. Khi đó, đứng ở góc độ khách hàng của ngân hàng, nhìn vào chỉ tiêu này sẽ thấy được giá trị của ngân hàng theo giá trị thị trường và như vậy kết quả tính giá trị vốn theo phương pháp này đem lại sự tin tưởng lớn nhất cho khách hàng.

                Thứ hai: Nếu tính vốn chủ sở hữu giá trị thị trường của cổ phiếu

Vốn chủ sở hữu

    =

Cổ phiếu

Thường

x

Giá trị thị trường của cổ phiếu

(5)

                Thứ ba: Tính vốn chủ sở hữu theo tiêu thức phân chia vốn chủ thành hai cấp (cấp 1 và cấp 2)

Vốn chủ sở hữu

  =

Vốn cấp 1

+

Vốn cấp 2

(6)

                Khi NHTM có vốn chủ sở hữu quá lớn hoặc quá nhỏ đều có yếu tố bất lợi, do đó câu hỏi đặt ra cho nhà quản trị nguồn vốn là phải có chiến lược trong việc ra quyết định số lượng vốn chủ sở hữu hợp lý.

                Khi vốn chủ sở hữu lớn thì tỷ suất sinh lời vốn chủ sở hữu giảm, vì:

ROE

    =

Lợi nhuận ròng

Vốn chủ sở hữu

(7)

                Vậy, cần tìm giải pháp từ việc thay đổi chỉ tiêu tài sản.

ROE

    =

Lợi nhuận ròng

Tài sản có

x

Tài sản có

Vốn chủ sở hữu

(8)

                - Trong trường hợp vốn chủ sỡ hữu quá lớn, nhà quản trị muốn tăng ROE cần giữ nguyên qui mô tài sản và giảm giảm vốn chủ sở hữu. Việc giảm vốn chủ sở hữu có thể thực hiện theo một số hướng như: mua lại cổ phần, trả cổ tức nhiều hơn. Hoặc có thể sử dụng biện pháp mà không ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông đó là vốn chủ sở hữu không thay đổi mà tăng qui mô tài sản có bằng cách tăng huy động sau đó đẩy mạnh cho vay.

                - Trong trường hợp vốn chủ sỡ hữu thấp, nhà quản trị cần giảm muốn tăng ROE cần giữ nguyên qui mô tài sản và tăng vốn chủ sở hữu. Muốn tăng vốn chủ sở hữu người ta có thể: phát hành quyền mua để bổ sung thêm vốn, trả cổ tức ít hơn cho cổ đông. Nhà quản trị có thể giữ nguyên vốn chủ sở hữu và giảm tài sản có của ngân hàng bằng cách giảm cho vay, bán chứng khoán sau đó sử dụng tiền thu  được để giảm tài sản nợ.

                b.  Xác định nhu cầu vốn

                Rủi ro thanh khoản luôn có thể xảy ra đối với bất cứ ngân hàng nào, ngân hàng có thể mất khả năng chi trả cho khách hàng nếu không cân đối được nguồn tiền vào và nguồn tiền ra. Chính vì vậy mà vấn đề đặt ra các NHTM luôn phải giám sát nguồn vốn của mình luôn có sự điều chỉnh sát sao khi cần thiết đảm bảo an toàn trong hoạt động và tuân thủ các qui định của pháp luật.

                Những mục đích cơ bản của việc xác định nhu cầu vốn nhằm hạn chế rủi ro phá sản, tạo và duy trì niềm tin của công chúng với ngân hàng, hạn chế việc bù đắp của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Khi ngân hàng mất khả năng cân đối nguồn tiền. Khi đó, hầu hết tất cả các ngân hàng không thể bán danh mục cho vay ngay tức thời khi có nguy cơ rút tiền với khối lượng lớn từ phía công chúng. Mặt khác sự phá sản của một ngân hàng có thể làm cho các ngân hàng khác bị tác động chính vì vậy Nhà nước cần có sự quản lý hoặc hỗ trợ cho các ngân hàng.

                Thứ nhất, về quản lý Nhà nước đưa ra những qui định đảm bảo an toàn về vốn đối với ngân hàng

                + Qui định về đảm bảo an toàn giữa tổng số vốn với số tiền gửi (k1)

k1

    =

Tổng vốn chủ sở hữu

Tổng số tiền gửi

(9)

                Từ công thức (9) ta thấy k1 phụ thuộc vào tổng số vốn chủ sở hữu và tổng số tiền gửi của ngân hàng. Như vậy, tổng số vốn được so sánh với tổng số tiền gửi của ngân hàng. Từ (9) ta thấy k1 càng cao ngân hàng đó càng an toàn, điều đó càng chứng tỏ một đồng tiền gửi được đảm bảo cao hơn một đồng vốn tiền gửi. Cách xác định tỷ lệ an toàn này tương đối đơn giản nhưng chưa đủ thông tin để khảng định mức độ an toàn của một ngân hàng vì lịch sử đã chứng mình rất nhiều ngân hàng có tổng vốn chủ cao nhưng vẫn có rủi ro thanh khoản.

                Ở Việt Nam qui định nghịch đảo ở tỷ lệ này, không cho phép huy động quá 20% vốn tự có.

                + Qui định về đảm bảo an toàn giữa tổng số vốn chủ sở hữu với tổng tài sản (k2)

k2

    =

Tổng vốn chủ sở hữu

Tổng tài sản

(10)

                Ta thấy k1 thể hiện mối quan hệ giữa tổng số vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của ngân hàng. Chỉ tiêu này thể hiện mối quan hệ giữa vốn chủ sở hữu với các khoản nợ, khả năng bù đắp các tổn thất đối với các cam kết hoàn trả của ngân hàng.

                + Qui định về đảm bảo an toàn giữa tổng số vốn chủ sở hữu với tổng tài sản rủi ro (k3)

k3

    =

Tổng vốn chủ sở hữu

Tổng tài sản rủi ro

(11)

                Ở tỷ lệ đảm bảo an toàn này đo lường mối quan hệ giữa tổng vốn chủ sở hữu với tổng tài sản rủi ro. Ở đây tài rủi ro bao gồm tất cả các loại tài sản của ngân hàng trừ tiền mặt (Ở một số nước còn cho tài sản rủi ro không bao gồm cả chứng khoán). Khi rủi ro thanh khoản xảy ra, ngân hàng mất khả năng chi trả, sự sụt giảm mạnh nhất đó là các tài sản rủi ro bao gồm: các khoản vay không thể thu hồi, chứng khoán bị giảm giá. Chính vì thế người ta đưa ra tỷ lệ đảm bảo an toàn này nhằm tìm mối liên hệ giữa vốn chủ sở hữu với tổng tài sản rủi ro, thực chất chính là để xác định qui mô của vốn chủ sở hữu.

Ngoài tỷ lệ k1 k2 k3 do yêu cầu của cơ quan quản lý, nhà quản trị cần quan tâm tới những chỉ tiêu như: tỷ lệ Vốn chủ sở hữu/Tổng tài sản chuyển đổi; Tiền gửi/Vốn chủ sở hữu; Dư nợ/ Vốn chủ sở hữu, Dư nợ tối đa/ Vốn chủ sở hữu, giá trị tài sản cố định/vốn điều lệ …

                c. Phân tích và so sánh tương quan các chỉ tiêu về vốn giữa các ngân hàng

                Thông thường người ta sử dụng hai phương phân tích:

                + Phân tích cắt ngang: Phương pháp này cho phép nhà quản trị so sánh tỉ lệ vốn của mỗi ngân hàng với các ngân hàng tương đương tại một thời điểm.

                + Phân tích quĩ thời gian: Nhà quản trị nguồn vốn theo dõi những thay đổi theo tỉ lệ vốn ngân hàng để xác định mức độ hợp lý của vốn đã thay đổi như thế nào.

                Khi tỉ lệ vốn của ngân hàng với các ngân hàng có qui mô tương tự giảm sẽ dẫn tới tình trạng vốn của toàn ngành ngân hàng không ổn định. Khi công chúng thấy tỉ lệ vốn ngân hàng nằm dưới mức vốn tối thiểu thì những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ rút vốn với qui mô lớn khỏi ngân hàng.

                Tỷ lệ vốn/tổng tải sản còn phụ thuộc vào qui mô của một ngân hàng, ngân hàng nhỏ có tỉ lệ vốn/tài sản lớn hơn ngân hàng lớn vậy phải chăng ngân hàng nhỏ lại có mức an toàn cao hơn các ngân hàng lớn. Đương nhiên, không phải vậy, nhà quản trị còn phải xem xét tới các yếu tố khác liên quan như xem xét báo cáo thu nhập, chất lượng quản lý, thị trường đang phát triển hay suy yếu.

                Một gợi ý để đo lường chính xác mức độ an toàn vốn của ngân hàng là phải đặt ngân hàng đó trong môi trường hoạt động của nó, quan sát sự ảnh hưởng của các điều kiện bên trong, bên ngoài lên hoạt động của ngân hàng, những điều kiện đó bao gồm: chất lượng quản lý, tính thanh quản của tài sản, thu nhập của ngân hàng qua các năm, chi phí nắm giữ tài sản, chất lượng hoạt động, sự biến động trong nguồn tiền gửi, những điều kiện về thị trường. Có những ngân hàng đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu về vốn có thể bị xem là có quy mô vốn không thích hợp nếu nó hoạt động trong môi trường cần nhiều vốn hơn hoặc có những vấn đề chưa hợp lý trong cân đối vốn bên trong. Khi đó ngân hàng cần phải có kế hoạch tăng vốn.

                * Hiệp định quốc tế Basel

Năm 1987, Hội đồng dữ trữ Liên bang Mỹ (Federal Reserve Board), đại diện cho Mỹ cùng với đại biểu của 11 quốc gia công nghiệp hóa hàng đầu (Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Hà Lan, Thụy Điển, Thủy Điển, Thủy Sỹ, Thụy Sĩ, Anh, Luychxambua) tuyên bố hiệp định sơ bộ về tiêu chuẩn mới về vốn. Hiệp định Balse áp dụng đối với các ngân hàng, tổ chức tài chính trong phạm vi quyền hạn tương ứng. Hiệp định được thông qua vào tháng 7 năm 1988 với những yêu cầu mới nhằm khuyến khích các ngân hàng lớn củng cố trạng thái vốn, hạn chế sự không bình đẳng trong qui định giữa các quốc gia khác nhau và xem xét rủi ro với hoạt động ngoài bảng cân đối kế toán. Hiện nay, Hiêp định này vẫn được điều chỉnh, thay đổi vẫn được thực hiện, đặc biệt là trên các phương diện như chấp thuận hay không cho phép việc sử dụng thêm các công cụ tài chính mới, xác định tỷ lệ rủi ro của các tài sản, các khoản nợ và điều chỉnh đối với các loại tài sản rủi ro khác nhau.

Theo Hiệp định Basel, vốn ngân hàng được chia thành hai loại:

           Một là, vốn cơ sở (core capital): Bao gồm cổ phiếu thường. lợi nhuận không chia, cổ phiếu ưu đãi không tích lũy vĩnh viễn, thu nhập từ công ty con, tài sản vô hình.

          Hai là, vốn bổ sung (supplemental capital): Bao gồm khoản mục dự phòng tổn thất từ cho vay và cho thuê, các công cụ vốn nợ thứ cấp, các khoản nợ cho phép chuyển đổi, cổ phiếu trung hạn, cổ phiếu ưu đãi tích lũy vĩnh viễn không trả cổ tức, tín phiếu vốn và các công cụ nợ dài hạn khác mang đặc điểm cua vốn cổ phần và các của các khoản nợ.

          Qui định của Hiệp định này về tỷ lệ vốn như sau:

          - Tỷ lệ giữa vốn cơ sở (vốn loại 1) trên tổng tải sản theo tỷ lệ rủi ro ít nhất phải đạt mức 4%.

          - Tỷ lệ giữa tổng vốn (vốn loại 1 và vốn loại 2) trên tổng tài sản theo tỷ lệ rủi ro tổi thiểu là 8%, trong đó vốn loại 2 được giới hạn tối đa là 100% của vốn loại 1.

                d. Đo lường hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu

                Nhà quản trị nguồn vốn cần xác định hiệu quả sử dụng vốn chủ sỡ hữu định kỳ. Vốn chủ sở hữu có thể được sử dụng trong thời gian đầu thành lập như tài trợ để mua nhà cửa, trang thiết bị công nghệ, góp vốn liên doanh liên kết, đầu tư tài chính. Vậy cần phải đánh giá, ra soát xem công tác đó có hiệu quả không, có đang lãng phí thất thoát ở khâu nào không. Sử dụng vốn chủ sở hữu như thế nào cho có hiệu quả cao nhất mà vấn đảm bảo tỷ kệ an toàn vốn tối thiểu là điều mà chủ ngân hàng rất quan tâm.

                Để đo lường hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu người ta dùng chỉ tiêu tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE)

ROE

    =

Lợi nhuận ròng

Vốn chủ sở hữu

(12)

Tỷ suất này thể hiện một đồng lãi thu được từ bao nhiêu đồng vốn chủ sở hữu. Trong thực tế người ta tính toán vốn chủ sở hữu theo giá trị thị trường vì thế chỉ tiêu này có thể tăng hoặc giảm phụ thuộc vào phương pháp định giá thị trường. Tuy nhiên lợi nhuận không đổi do vậy rất khó xác định chính xác chỉ tiêu này. Vậy, các nhà quản trị nguồn vốn vốn chủ sở hữu tính theo giá trị số sách để tính ROE để tính hiệu quả của việc sử dụng vốn chủ sở hữu.

Đối với các cổ đông họ quan tâm tới ROE tính trên vốn cổ phần thường.

ROE

    =

Lợi nhuận ròng – cổ tức cổ phiếu ưu đãi

Vốn cổ phần thường

(13)

Vốn cổ phần thường ở đây có thể là giá trị cổ phần tính theo mệnh giá hoặc vốn được cấp bởi ngân sách Nhà nước.

e. Quản trị tăng vốn chủ sở hữu

Trong sự cạnh tranh và sự phát triển của NHTM đòi hỏi nhà quản trị ngân hàng phải tính toán và tìm cách gia tăng nguồn vốn tự có. Tùy vào loại hình ngân hàng mà việc tăng vốn có cách thức khác nhau.

- Đối với ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước:

Việc tăng vốn tự có chủ yếu do ngân sách cấp và Nhà nước luôn khuyến khích các NHTM thuộc sở hữu Nhà nước sử dụng vốn ngân sách cấp một cách tiết kiệm và hiệu quả.

- Đối với ngân hàng cổ phần:

Tăng vốn chủ sở hữu có thể theo hai cách:

Thứ nhất, phát triển vốn từ bên trong ngân hàng

Giải pháp đầu tiên là ngân hàng luôn cố gắng gia tăng lợi nhuận vì chỉ tiêu này nằm trong nguồn vốn chủ sở hữu. Sau đó là giảm chi phí trong hoạt động kinh doanh (chi phí trả lãi, chi phí ngoài lãi, chi phí khác). Trong các chi phí trả lãi, chi phí trả lãi tiền gửi thường là lớn nhất và giải pháp tốt nhất là ngân hàng tìm kiếm nguồn tiền gửi có chi phí hợp lý.

Hai là, tiết kiệm chi phí

Các chi phí như chi phí quản lý, tiền lương là các chi phí tồn tại tất yếu vì thế ngân hàng không thể cắt giảm mà chỉ có thể tiết kiệm chi phí này. Vì thế ngân hàng cần xây dựng bộ bộ máy tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả để giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Ba là, tăng thu nhập

- Tăng thu nhập từ lãi: Muốn tăng thu nhập từ lãi ngân hàng phải tăng Tài sản có sinh lời ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng phải mở rộng danh mục cho vay và đầu tư. Ngoài ra nhà quản trị ngân hàng phải kiểm soát rủi ro và nâng cao chất lượng danh mục này.

- Tăng thu nhập ngoài lãi: Thu nhập ngoài lãi là các khoản thu từ dịch vụ của ngân hàng đang cung cấp. Ngân hàng phải chú trọng cả yếu tố số lượng và chất lượng về dịch vụ ngân hàng. Về số lượng là gia tăng các loại hình dịch vụ sản phẩm bằng cách mở rộng, đa dạng hóa. Về chất lượng là phải làm sao nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ ấy.

Thứ hai, phát triển vốn từ bên ngoài ngân hàng

- Một là, phát hành cổ phiếu cho phép ngân hàng mở rộng quy mô vốn chủ sở hữu một cách nhanh nhất và đây cũng là cách truyền thống mà các doanh nghiệp cổ phần thường làm.

Sử dụng hình thức này cần phải xem xét sự phát triển của thị trường chứng khoán là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của đợt phát hành. Ngân hàng phải bỏ chi phí cho việc in ấn, phát hành, quảng cáo về đợt phát hành cổ phiếu của mình. Khi phát hành cổ phiếu tạo ra hiện tượng loãng quyền sở hữu và trong trường hợp các cổ đông hiện hữu phủ quyết việc phát hành cổ phiếu thì không thể gia tăng vốn chủ sở hữu bằng cách này.

- Hai là, phát hành cổ phiếu ưu đãi. Cổ phiếu ưu đãi khác cổ phiếu thường ở chỗ nó chỉ được ngân hàng phát hành cho một số đối tượng và họ sẽ trở thành cổ đông ưu đãi

Hình thức này làm gia tăng vốn chủ sở hữu và tạo ra sự gắn bó chặt chẽ giữa các cổ đông ưu đãi với ngân hàng tuy nhiên với cách huy động vốn này ngân hàng phải trả cổ tức ngay cả khi hoạt động kinh doanh của ngân hàng không có lãi.

- Ba là, tăng vốn tự có cấp 2 bằng cách phát hành tín phiếu vốn

- Bốn là, phát hành trái phiếu có khả năng chuyển đổi. Loại trái phiếu này cho phép người nắm giữ nó chuyển sang cổ phiếu thường. Hình thức này hấp dẫn các nhà đầu tư, giúp các nhà đầu tư gia tăng thu nhập của mình trong trường hợp hoạt động kinh doanh của ngân hàng có lợi nhuận cao.

- Năm là, bán tài sản và thuê lại. Ngân hàng có thể  bán tài sản cố đinh sau đó thuê lại làm trụ sở hoạt động.

f. Quản trị chi phí của vốn chủ sở hữu

Quản trị vốn chủ sở hữu không thể thiếu công tác quản trị chi phí của vốn chủ sở hữu vì để có vốn chủ sở hữu thì ngân hàng cần bỏ ra một khoản chi phí nhất định. Các bộ phân cấu thành vốn chủ sở hữu có chi phí khác nhau. Trong đó có một số loại có chi phí được tính vào chi phí của ngân hàng như: thuế sử dụng vốn tính đối với phần vốn ngân sách Nhà nước cấp, lãi trả trái phiếu, các loại chi phí khác phát sinh trong quá trình hoạt động của ngân hàng như chi phí hoạt động, chi phí lương nhân viên,…Một số khoản mục chi phí từ vốn chủ sở hữu được tính trừ vào lợi nhuận sau thuế và trước khi chia cổ tức với tỷ lệ xác định như cổ tức trả cho cổ đông đãi.

Việc tính toán chi phí vốn chủ sở hữu với mục đích giúp nhà quản trị tìm hiểu khả năng mở rộng quy mô vốn chủ sở hữu trên nguyên tác tối đa hóa tỷ suất lợi nhuận.

                g. Kế hoạch đáp ứng cầu về vốn của ngân hàng

                Để có nguồn vốn hợp lý cho hoạt động của mình, các ngân hàng nhận thấy sự cần thiết phải lập kế hoạch dài hạn cho việc quản trị vốn. Việc quản trị vốn của ngân hàng tuân thủ 3 bước cơ bản sau:

                Bước 1: Thiết lập kế hoạch tài chính tổng thể cho ngân hàng

                Việc thiết lập kế hoạch tài chính tổng thể cho ngân hàng, cân đối nguồn tiền tại mọi thời điểm là một việc làm thường trực của ban lãnh đạo ngân hàng. Để thực hiện điều trên thì ban lãnh đạo cần đi tìm lời giải cho câu hỏi: Ngân hàng nên phát triển đến qui mô nào. Ngân hàng cung cấp dịch vụ, sản phẩm nào theo từng thời kỳ. Rủi ro có thể gặp phải trong quá trình hoạt động như thế nào. Kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng như thế nào.

                Các ngân hàng hiện nay phải gắn kế hoạch vốn với danh mục dịch vụ mà ngân hàng cung cấp trong một thời kỳ. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và phức tạp của khách hàng, các ngân hàng luôn phải làm mới mình bằng cách đưa ra những sản phẩm thu hút khách hàng. Hơn nữa, các Nhà nước hiện nay cho phép các ngân hàng được cung cấp những dịch vụ đa dạng, có sự liên kết giữa các tổ chức kinh tế với nhau để tạo một dịch vụ trọn gói cho khách hàng, như là sự liên kết hợp tác giữa các ngân hàng với các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, công ty quản lý quĩ,..Vấn đề đặt ra là ban lãnh đạo ngân hàng cần phải xác định những rủi ro sẽ gặp phải khi có sự hợp tác trong hoạt động kinh doanh của mình từ đó đưa ra chiến lược quản trị sao cho phù hợp, hạn chế được rủi ro nhất.

                Bước 2: Căn cứ vào kế hoạch nguồn sử dụng trong một kỳ vào rủi ro tính toán được mà ngân hàng xác định qui mô vốn hợp lý

                Khi vốn chủ sở hữu chiếm tỷ trong vốn làm giảm hiệu quả sử dụng đòn bẩy tài chính, làm giảm qui mô của việc sử dụng các khoản vốn vay do vậy làm giảm thu nhập tiềm năng. Ngược lại khi tỷ trọng vốn chủ sở hữu nhỏ, các nhà đầu tư trên thị trường sẽ cảm thấy e ngại vì khả năng đối phó với rủi ro của ngân hàng mình đầu tư vào.

                Bước 3: Đánh giá và lựa chọn phương thức tăng nguồn vốn phù hợp nhất với những nhu cầu và mục tiêu của ngân hàng

Việc tăng nguồn vốn của một ngân hàng có thể từ hai cách là tăng từ nội bộ hoặc tăng từ ngoài công chúng. Tùy vào nhu cầu và mục tiêu và phù hợp trong từng thời kỳ mà ngân hàng lựa chọn phương thức nào. Phần này sẽ nghiên cứu kỹ ở phần hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu.

                3.2.3. Quản trị vốn tiền gửi

                3.2.3.1 Khái niệm và tầm quan trọng của việc quản trị vốn tiền gửi

                Tiền gửi thuộc nhóm tiền vốn của ngân hàng và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong vốn khác trong nguồn vốn. Tiền gửi có thẻ được coi là đầu vào sống còn của ngân hàng. Đây là nguồn vốn cơ bản để ngân hàng cung ứng tiền vay cho khách hàng, giúp ngân hàng phát triển hoạt động đầu tư. Như vậy có thể nói tiền gửi là nguồn gốc sâu xa của lợi nhuận và đảm bảo sự phát triển bền vững của một ngân hàng. Chính vì vậy quản trị vốn tiền gửi là nhiệm vụ hàng đầu của các nhà quản trị nguồn vốn nói riêng, nhà quản trị ngân hàng nói chung

                Vậy, “Quản trị vốn tiền gửi là công tác xác định qui mô và kết cấu vốn tiền gửi, chi phí nguồn tiền gửi, quản trị lãi suất  cũng như kỳ hạn, các phương pháp định giá tiền gửi phù hợp với yêu cầu kinh doanh và tuân thủ đầy đủ qui định của pháp luật từ đó tìm giải pháp gia tăng vốn tiền gửi của ngân hàng”

Công tác quản trị vốn tiền gửi sẽ giúp cho ngân hàng tìm kiếm được quy mô nguồn vốn kinh doanh đủ lớn, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong việc phát triển hoạt động cho vay, đầu tư và các dịch vụ khác.

Ngoài ra, quản trị nguồn vốn giúp nhà quản trị hoạch định nguồn vốn cho hiện tại và tương lai, tìm kiếm những nguồn tiền gửi với chi phí hợp lý, có khả năng thu hút khách hàng, cạnh tranh với đối thủ song vẫn cân đối với thu nhập mà ngân hàng tao ra để gia tăng lợi nhuận.

                3.2.3.2 Nội dung quản trị vốn tiền gửi

                a. Xác định qui mô và kết cấu

                Việc xác định qui mô và kết cấu nguồn tiền gửi là công việc đầu tiên của nhà quản trị nguồn vốn tiền gửi. Mục đích của các nhà quản trị là gia tăng qui mô và thay đổi cơ cấu của vốn tiền gửi một cách có hiệu quả nhất, phù hợp với sự phát triển của ngân hàng trong từng thời kỳ.

                Việc gia tăng nguồn vốn tiền gủi là điều kiện để ngân hàng mở rộng qui mô hoạt động, nâng cao khả năng thanh khoản của ngân hàng vì nguồn vốn này chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn của ngân hàng.

                Thứ nhất, làm công tác thống kê loại nguồn vốn, ghi lại sự thay đổi các loại nguồn vốn, tốc độ quay vòng của mỗi loại để từ đó có chiến lược phát triển sản phẩm mang lại hiệu quả huy động vốn ở mức cao.

                Công việc này sẽ giúp nhà quản trị tính toán kỹ lưỡng về các loại nguồn vốn cũng như cấu trúc và các nhân tố ảnh hưởng ở nhiều thời kỳ từ đó nghiên cứu tính chu kỳ hay tính lịch sử lặp lại để có kế hoạch phát triển trong thời gian tới.

                Thứ hai, phân tích các yêu tố làm thay đổi qui mô và kết cấu nguồn vốn. Đây là cơ sở để ngân hàng đưa ra quyết định để thay đổi kết cấu nguồn tiền gửi.

                Thứ ba, việc phân tích qui mô và kết cấu phải gắn với từng đối tượng khách hàng, nhóm khách hàng. Phân loại và sắp xếp khách hàng theo nhóm, có nhóm khách hàng truyền thống không thay đổi trước sự biến động, có nhóm khách hàng vãng lai luôn có sự thay đổi theo từng sản phẩm tiền gửi mà ngân hàng cung cấp.

                Thứ tư, kế hoạch nguồn tiền gửi được xây dựng cho từng giai đoạn, tính tới cả yếu tố chất lượng (chất lượng dịch vụ, giá trị gia tăng cho khách hàng,..) và yếu tố số lượng (mở thêm chi nhánh, phát triển thêm nhiều sản phẩm,…)

                a. Quản trị chi phí cho nguồn tiền gửi

Chi phí cho nguồn tiền gửi nằm trong tổng chi phí của ngân hàng nên rất được các nhà quản trị quan tâm. Vì khi tính toán tương đối chính xác chi phí huy động vốn là yếu tố cơ bản để xác định mức lợi nhuận mà ngân hàng cần thu được từ các tài sản có sinh lời.  

Hiện nay có ba phương pháp được các ngân hàng áp dụng phổ biến là: chi phí trung bình theo nguyên giá; chi phí biên của từng nguồn vốn huy động và chi phí bình quân gia quyền dự kiến cho tất cả nguồn vốn. Mỗi phương pháp có một ý nghĩa tuỳ theo mục đích sử dụng của con số chi phí tiền gửi tính toán được. 

Thứ nhất, chi phí bình quân gia quyền theo phương pháp nguyên giá

Tính toán phí phí bình quân gia quyền theo phương pháp nguyên giá là một trong những phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất tại các NHTM. Phương pháp này tập trung vào vào cơ cấu hỗn hợp các nguốn vốn mà ngân hàng đã huy động và tính toán mức mức lãi suất mà thị trường đã đưa ra buộc ngân hàng phải trả cho mỗi nguồn vốn đi vay. Khi đó, chi phí trả lãi bình quân gia quyền được xác định theo công thức lấy chi phí trả lãi chia cho tổng số vốn đi vay và tiền gửi.

Chi phí trả lãi bình quân gia quyền

  = 

Chi phí trả lãi 

(14)

Tổng số vốn đi vay và tiền gửi

Chi phí trả lãi bình quân gia quyền của các nguồn vốn hưởng lãi

  = 

Chi phí trả lãi 

(15)

Tổng số vốn đi vay và tiền gửi

Phương pháp này có ưu điểm là đánh giá tình hình huy động vốn, từ đó tính toán được chi phí lãi tiền gửi của ngân hàng tương đối chính xác tuy nhiên nó có các nhược điểm là chi phí xác định được không bao gồm các chi phí liên quan đến huy động vốn như quảng cáo, phí bảo hiểm tiền gửi, chi phí lương, chi phí khuyến mãi trong huy động vốn. Kết quả tính toán được thiếu độ tin cậy nếu muốn sử dụng để làm cơ sở quyết định lựa chọn sản phẩm tiền gửi.

Thứ hai, chi phí huy động vốn biên 

Ở phương pháp trên có ưu điểm là tính toán dễ dàng nhưng do lấy kết quả trong quá khứ chưa xét tới yếu tố tương lai nên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của nhà quản trị. Chính vì thế nhà quản trị tìm tới một phương pháp khác khắc phục được nhược điểm của phương pháp chi trả lãi bình quân gia quyền dựa trên nguyên giá đó chính là phương pháp huy động vốn biên. Chi phí biên là chi phí bỏ ra để có thêm một đồng vốn tiền gửi. Căn cứ vào chi phí biên, ngân hàng xác định mức lợi nhuận tối thiểu cần đạt được từ những tài sản có thêm từ các nguồn vốn huy động được. 

Chi phí trả lãi bình quân gia quyền

Chi phí trả lãi

 tăng thêm

(16)

Tổng số vốn huy động tăng thêm

Lợi nhuận thu được từ tài sản có sinh lời tăng thêm nhờ sử dụng nguồn vốn huy động thêm:  

Chi phí trả lãi bình quân gia quyền

 = 

Chi phí trả lãi

tăng thêm

(17)

Tài sản có sinh lời tăng thêm

Phương pháp này áp dụng khi ngân hàng huy động từ một loại nguồn vốn. Tuy nhiên trong thực tế để tài trợ cho các khoản vay ngân hàng phải huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Vậy, phương pháp chi phí huy động vốn biên quan tâm xem xét việc ngân hàng phải tập hợp huy động mọi nguồn vốn và cho kết quả tính chi phí huy động từ hỗn hợp nhiều nguồn vốn. Chi phí biên hỗn hợp này được sử dụng định giá tài sản có tăng thêm. Phương pháp này có những ưu điểm nhất định so với phương pháp bình quân gia quyền theo nguyên giá.

         Thứ ba, chi phí dự kiến bình quân gia quyền  

Nếu như phương pháp đầu tiên là xác định chi phí bình quân gia quyền thì ở phương pháp này đã xét tới yếu tố tương lai. Đây là chi phí dự kiến bình quân gia quyền của tất cả các nguồn vốn làm kết quả ước đoán chi phí biên huy động, từ đó xác định mức lãi cần có đối với tài sản có sinh lời.

Như vậy phương pháp này có ưu điểm là giúp cho ngân hàng theo dõi chi phí huy động vốn bình quân theo thời gian, xem có xảy ra trái chiều không và mức chi phí lãi bình quân cung cấp một chuẩn mực tương đối cho việc quyết định nên cho vay và đầu tư như thế nào.

Ngoài ra nhà quản trị phải cân đối giữa chi phí và rủi ro. Thông thường nguồn vốn chi phí thấp có thể phải chịu rủi ro cao về lãi suất, thanh khoản. Vậy khi huy động vốn nhà quản trị phải lựa thứ tự ưu tiên giữa rủi ro và lợi nhuận trong công tác nguồn vốn.

                b. Quản trị lãi suất

Khách hàng bao giờ cũng muốn tăng lãi suất để thu được lãi nhiều hơn trong khi ngân hàng muốn giảm lãi suất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận vì vậy cần phải đưa ra chiến lược dài hơi và phù hợp trong từng thời kỳ của ngân hàng. Ngân hàng luôn phải chú ý xây dựng chính sách lãi suất cạnh tranh để giúp ngân hàng thu hút được nhiều khách hàng gửi tiền nhất từ các đối thủ cạnh tranh của mình. Quản trị lãi suất sẽ giúp ngân hàng duy trì được một mức lãi suất cạnh tranh phù hợp. Vậy quản trị lãi suất là xác định các loại và cơ cấu lãi suất trả cho các nguồn tiền khác nhau, nhằm đảm bảo duy trì quy mô và kết cấu nguồn phù hợp với yêu cầu sinh lợi của ngân hàng. Quản trị lãi suất tiền gửi là một phần công việc quản trị chi phí của ngân hàng. Thông thường, lãi suất chi trả càng cao càng có thể huy động được lớn vì khách hàng luôn mong muốn thu được lãi lớn. Nguồn tiền huy động được sẽ được sử dụng để mở rộng cho vay và đầu tư. Tuy nhiên, lãi suất cao làm gia tăng chi phí của ngân hàng, và nếu doanh thu không tăng kịp chi phí, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm tương ứng. Vì vậy quản trị lãi suất tiền gủi có liên quan chặt chẽ tới quản lý lãi suất cho vay đầu tư và các dịch vụ khác của ngân hàng.

                Nhà quản trị tiền gửi thường quan tâm tới các nhân tố vĩ mô tác động tới việc thay đổi lãi suất của ngân hàng như: khả năng tiết kiệm và gia tăng tiết kiệm của quốc gia; nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp, Nhà nước và hộ gia đình, tỷ lệ làm phát, tỷ lệ sinh lời của các hoạt động đầu tư khác, trình độ phát triển của thị trường tài chính,…cũng như những yếu tố bên trong ngân hàng như: khả năng sinh lời của ngân hàng, độ an toàn của các ngân hàng.

                Việc xây dựng lãi suất của các NHTM cần dựa vào qui định về việc xây dựng lãi suất của ngân hàng, sau đó lấy tham chiếu lãi suất của nền kinh tế (lãi suất thị trường liên ngân hàng), lợi thế cạnh tranh, vị trí địa lý, tính chu kỳ sản phẩm, các chương trình quà tặng cho khách hàng,...

Trên cơ sở hai nhóm nhân tố trên nhà quản trị hình thành nên lãi suất huy động của ngân hàng thương mại. Lãi suất huy động tại mỗi ngân hàng được phân biệt theo nhiều hình thức khác nhau:

Hiện nay lãi suất của các NHTM được phân biệt theo các tiêu thức: thời gian, loại tiền, mục đích gửi, mục đích huy động, qui mô, rủi ro của ngân hàng (các ngân hàng nhỏ, hoặc ngân hàng tư nhân lãi suất cao hơn các ngân hàng lớn, hoặc ngân hàng của Nhà nước). Ngoài ra lãi suất của NHTM còn được phân biệt theo các dịch vụ đi kèm ví dụ như tiết kiệm có thưởng, tiết kiệm bảo hiểm.

Thông thường tiện ích mà ngân hàng cung cấp cho người gửi tiền càng cao thì lãi suất càng thấp. Trong một số trường hợp lãi suất ngân hàng trả bằng không, và người gửi phải trả phí để được hưởng tiện ích của ngân hàng. Đây được gọi là phí phạt khi khách hàng rút trước hạn.

Nhà quản trị luôn quản lý chi phí trả lãi và hoạch định các mức lãi suất cạnh tranh, họ thường tính toán lãi suất bình quân của nguồn và lãi suất bình quân của các nguồn phải trả tại một thời điểm hoặc trong kỳ.

Cách tính lãi

- Tính lãi cho tài khoản tiền gửi thanh toán

Tiền lãi

    =

Số dư x Số ngày tồn tại số dư x Lãi suất tháng

30

(19)

Hầu hết các ngân hàng đều mã hóa chương trình tính lãi và hàng tháng tự động nhập vào số dư gốc tài khoản tiền gửi cho khách hàng.

- Tính lãi cho tài khoản tiền gửi tiết kiêm

+ Trả lãi đầu kỳ

+ Trả lãi định kỳ

+ Trả lãi cuối kỳ

c. Quản trị kỳ hạn

Nhà quản trị ngoài việc quan tâm tới chi phí, lãi suất họ còn quan tâm tới kỳ hạn. Vì kỳ hạn của tiền gửi góp phần làm tăng hoặc giảm chỉ tiêu huy động. Quản trị kỳ hạn là xác định kỳ hạn của nguồn phù hợp với yêu cầu về kỳ hạn đồng thời tạo sự ổn định của nguồn vốn trong ngân hàng.

Nội dung quản trị kỳ hạn bao gồm: Xác định kỳ hạn danh nghĩa, kỳ hạn thực của nguồn và các nhân tố ảnh hưởng, cuối cùng la xem xét khả năng chuyển hoán kỳ hạn của nguồn.

- Kỳ hạn danh nghĩa

Kỳ hạn hiện này công bố ở các trụ sở của ngân hàng là kỳ hạn danh nghĩa của nguồn. Ví dụ: tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, 3 tháng, 6 tháng,… Các kỳ hạn danh nghĩa này thường gắn với một mức lãi suất nhất định. Thông thường nguồn có kỳ hạn danh nghĩa càng dài, lãi suất càng cao. Khi khách hàng gửi tiền gửi (tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm) có kỳ hạn, điều đó có nghĩa là họ cam kết gửi đúng kỳ hạn và khi đến hạn họ mới thực hiện rút hoặc gửi mới, chính vì thế người ta khảng định kỳ hạn danh nghĩa là một chỉ tiêu phản ánh tính ổn định của nguồn vốn của ngân hàng.

Kỳ hạn danh nghĩa chịu sự ảnh hưởng của các nhân tố như: thu nhập, tình hình kinh tế vĩ mô, kỳ hạn cho vay và đầu tư

- Kỳ hạn thực tế

Nếu như kỳ hạn danh nghĩa là kỳ hạn mà NHTM công bố thì kỳ hạn thực tế là thời gian thực tế ngân hàng gửi tiền tại ngân hàng vì thế kỳ hạn thực tế có quan chặt chẽ đến kỳ hạn các khoản cho vay và đầu tư.

d. Quản trị tăng vốn tiền gửi

- Giải pháp kinh tế

- Giải pháp kỹ thuật

- Giải pháp tâm lý

                3.2.4. Quản trị các nguồn vốn phi tiền gửi

3.2.4.1. Khái niệm và tầm quan trọng của việc quản trị vốn phi tiền gửi

Vốn phi tiền gửi chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng nguồn vốn nhưng nó đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của NHTM vì nó có ý nghĩa quan trọng giúp ngân hàng có đựoc nguồn vốn kinh doanh đúng thời điểm để đáp ứng nhu cấu thanh khoản. Ngoài ra nguồn vốn này giúp ngân hàng tìm kiếm được nguồn vốn kinh doanh với mức chi phí hợp lý vào những thời điểm mà ngân hàng cần để bù đắp thiếu hụt về nguồn vốn kinh doanh mà chưa khai thác ở các nguồn khác. Vì vậy vấn để đặt ra đối với các nhà quản trị cần tạo lập và sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích

                Vậy, “Quản trị vốn tiền gửi là công tác xác định qui mô và kết cấu vốn tiền gửi, chi phí nguồn tiền gửi,  quản trị lãi suất  cũng như kỳ hạn, các phương pháp định giá tiền gửi phù hợp với yêu cầu kinh doanh và tuân thủ đầy đủ qui định của pháp luật từ đó tìm giải pháp gia tăng vốn tiền gửi của ngân hàng”

Công tác quản trị vốn tiền gửi sẽ giúp cho ngân hàng tìm kiếm được quy mô nguồn vốn kinh doanh đủ lớn, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong việc phát triển hoạt động cho vay, đầu tư và các dịch vụ khác.

Ngoài ra, quản trị nguồn vốn giúp nhà quản trị hoạch định nguồn vốn cho hiện tại và tương lai, tìm kiếm những nguồn tiền gửi với chi phí hợp lý, có khả năng thu hút khách hàng, cạnh tranh với đối thủ song vẫn cân đối với thu nhập mà ngân hàng tao ra để gia tăng lợi nhuận.

                3.2.4.2 Nội dung quản trị vốn phi tiền gửi

                a. Xác định khe hở vốn

Với đặc thù kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ của mình các NHTM luôn tính toán tìm mọi cách để đảm bảo cân bằng cung câu về nguồn tiền, luôn đảm bảo nguyên tắc đủ và có dữ trữ vốn cho hoạt động tín dụng và các hoạt động khác của ngân hàng. Vì thế nhà quản trị nguồn vốn luôn phải sát sao với việc xác định mức độ chênh lệch giữa nhu cầu cho vay và lượng tiền gửi hiện tại và dự tính với dòng tiền gửi. Mức chênh lệch này goi là khe hở vốn. Trước khi ngân hàng quyết định đi vay (tạo lập nguồn vốn phi tiền gửi) ngân hàng phải xác định xem có thiếu hụt vốn hay không thông qua việc xác định khe hở vốn (FG)

Khe hở vốn (FG)

=

Cho vay, đầu tư trong hiện tại và dự tính

+

Rút tiền trong hiện tại và dự tính

-

Quy mô tiền gửi trong hiện tại và dự tính

(20)

Tổng giá trị cho vay đầu tư trong hiện tại và dự tính cộng với rút tiền trong hiện tại và dự tính là cầu thanh khoản. Qui mô tiền gửi trong hiện tại và dự tính là cung thanh khoản. Một công việc đặt ra đối với nhà quản trị là cần phải cân đối nguồn cung và cầu này.

                Trong trường hợp giá trị cho vay đầu tư trong hiện tại và dự tính cộng với rút tiền trong hiện tại lớn hơn qui mô tiền gửi trong hiện tại và dự tính, tức FG>0 thì ngân hàng phải đi vay. Ngược lại giá trị cho vay đầu tư trong hiện tại và dự tính cộng với rút tiền trong hiện tại và dự tính nhỏ hơn hoặc thậm chí là bằng với qui mô tiền gửi trong hiện tại và dự tính, tức FG =<0 thì ngân hàng không phải đi vay. Thông thường để đảm bảo khả năng thanh khoản mở mức cao và an toàn trong hoạt động các ngân hàng thường cộng thêm một lượng nhỏ vào kết quả khe hở vốn để đề phòng trường hợp có những nhu cầu tín dụng bất thường hoặc có sự suy giảm dòng tiền gửi đột ngột. Đặc biệt là các nhà quản trị cần phải lập kế hoạch sử dụng nguồn phi tiền gửi để bù đắp khe hở vốn. Khi đó các nhà quản trị cần xem xét tới các yếu tố ảnh hưởng tới nguồn vốn phi tiền gửi (chủ yếu là vốn tiền vay) bao gồm các yếu tố sau:

                Một là, qui mô của ngân hàng: Ngân hàng đi vay phải đảm bảo những điều kiện cần thiết về mặt tài chính, cơ sở vật chất, nhân sự. Vì vậy các đơn vị cho vay sắp xếp các đối tượng đi vay. Nếu điều kiện đáp ứng ở mức cao ngân hàng đó sẽ có hạn mức tín dụng cao và ngược lại ngân hàng đi vay đáp ứng ở mức độ thấp sẽ được cấp mức tín dụng thấp hơn.

                Hai là, chi phí tương đối: Nhà quản trị nguồn vốn của ngân hàng cần cập nhật sự thay đổi của lãi suất thị trường áp dụng cho các nguồn vay để có những ứng phó cần thiết từ đó quản lý được chi phí tiền vay.

Chi phí cho số tiền vay

=

Lãi suất hiện hành trên thị trường tiền tệ

x

Lượng

vốn

 vay

(21)

Ngoài ra các nhà quản trị cũng nên quan tâm tới những chi phí ngoài lãi.

Chi phí ngoài lãi cho vốn vay

=

Tỷ lệ chi phí dự tính cho nhân viên, cơ sở vật chất và giao dịch

x

Lượng

vốn

vay

(22)

Ba là, kỳ hạn cần thiết của nguồn vốn: Kỳ hạn vay đóng vai trò quan trong trong việc giải quyết nhu cầu vay và lãi và phải trả vì vậy xác định đúng kỳ hạn để giải quyết nhu cầu về vốn là công việc quan trọng của mỗi nhà quản trị.

Bốn là, nhà quản trị ngân hàng phải tìm hiểu những qui định trong cho vay như: thời hạn, qui mô, mục đích sử dụng,… được đưa ra từ luật định và đơn vị cho vay để có những chuẩn bị cần thiết.

Năm là, yếu tố rủi ro: Nhà quản trị cần phải ước tính rủi ro gặp phải khi đi vay, đó là rủi ro lãi suất và rủi ro tín dụng. Đây là hai loại rủi ro ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn vốn đi vay.

Các nguồn tiền vay mà các NHTM có thể tìm tới gồm:

Từ Ngân hàng Nhà nước

- Vay từ Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Trung ương)

- Thực hiện chiết khấu chứng từ có giá

-  Xin tái cấp vốn

- Cửa sổ chứng khoán: Là cứu cánh cuối cùng của NHNN đối với NHTM khi ngân hàng thương mại không còn nguồn để vay.

Từ tổ chức tín dụng

                - Từ dự trữ thặng dư của các NHTM tại NHNN

- Trên thị trường liên ngân hàng

- Thực hiện các cam kết mua lại

Trên thị trường tiền tệ

- Phát hành các giấy tờ có giá ngắn hạn

Các hình thức này đều chịu ảnh hưởng của các yếu tố: thời hạn, lãi suất, rủi ro và quy định của chính phủ. Do đó, các nhà quản trị nguồn vốn phải xem xét tính toán các yếu tố trong ngân hàng mình để lựa chọn cách thức tạo lập nguồn vốn vay cho phù hợp.

b. Quản trị nguồn vốn phi tiền gửi khác

                Đối với nguồn vốn phi tiền gửi khác như tiền trong thanh toán, tiền treo chờ xử lý, tiền ủy thác,…cũng cần được nhà quản trị ngân hàng quản lý và theo dõi sát sao vì ở góc độ tận thu từ nguồn thì đây cũng là một nguồn vốn làm gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Ngoài ra việc quản trị nguồn tiền này đúng mục đích và hiệu quả đem lại hiệu quả mới đó là uy tín trong việc giải quyết tốt với các khách hàng.

Chương 3

QUẢN TRỊ HOẠT ĐỘNG CHO VAY CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

Cho vay là hoạt động thuộc về bản chất của quan hệ tín dụng, được đánh giá là nghiệp vụ quan trọng nhất của các NHTM. Đây là hoạt động đem lại nguồn thu nhập chính cho các ngân hàng, nhưng đồng thời nó cũng tiền ẩn nguy cơ rủi ro rất cao. Bởi vậy khi cấp tín dụng cho các khách hàng, các NHTM đều dựa trên cơ sở những nguyên tắc, điều kiện, phương pháp nhất định nhằm:

-          Buộc người vay phải có trách nhiệm cao trong việc sử dụng vốn đi vay

-          Đảm bảo an toàn và tăng khả năng sinh lời cho đồng vốn vay

-          Góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng tích cực, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia.

Mục đích của chương là tập trung nghiên cứu những tác nghiệp cơ bản dựa trên các nguyên tắc cho vay, phương thức cho vay, quy trình và kiểm soát cho vay nhằm giúp ngân hàng nâng cao hiệu quả trong công tác quản trị hoạt động cho vay.

4.1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG TRONG HOẠT ĐỘNG CHO VAY CỦA NHTM

4.1.1 Khái niệm và phân loại cho vay

Cho vay là một hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích và một thời hạn nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi[1]

Trong quan hệ tín dụng, do có sự tách rời giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng vốn, bởi vậy với tư cách là người kinh doanh vốn đòi hỏi các NHTM vừa phải đề ra các biện pháp thích hợp nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro có thể xảy ra, đồng thời cũng phải tạo ra cơ chế hợp lý để thu hút khách hàng thông qua các hình thức cho vay phù hợp.

● Phân loại cho vay

Có nhiều loại cho vay khác nhau tuỳ theo các tiêu thức nghiên cứu.

a, Dựa vào thời hạn cho vay

Theo tiêu thức này, cho vay gồm 3 loại:

- Cho vay ngắn hạn là loại cho vay có thời hạn dưới 12 tháng. Mục đích của loại cho vay này là nhằm tài trợ cho việc đầu tư vào tài sản ngắn hạn hoặc đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngắn hạn của cá nhân.

- Cho vay trung hạn là loại cho vay có thời hạn từ 1 đến 5 năm[2]. Mục đích của loại cho vay này là nhằm tài trợ cho việc đầu tư vào tài sản cố định.

- Cho vay dài hạn là loại cho vay có thời hạn trên 5 năm, nhằm mục đích tài trợ đầu tư vào các dự án đầu tư dài hạn.

b, Dựa vào tính chất đảm bảo tiền vay

Theo tiêu thức này, cho vay gồm 2 loại:

- Cho vay có bảo đảm là loại cho vay dựa trên cơ sở các bảo đảm cho tiền vay như nhà xưởng, máy móc thiết bị, hàng hóa, ..... hình thức này được áp dụng phổ biến cho phần lớn các nhu cầu vay vốn của người vay. Các tài sản bảo đảm sẽ giúp ngân hàng giảm bớt các rủi ro mất mát trong trường hợp người vay không muốn hoặc không thể trả nợ vay khi đáo hạn.

- Cho vay không có bảo đảm là loại cho vay chỉ dựa vào uy tín của bản thân khách hàng vay vốn để quyết định cho vay. Hình thức cho vay này chỉ áp dụng đối với một số rất ít người vay có quan hệ thường xuyên, có uy tín với ngân hàng, tình hình tài chính lành mạnh và có khả năng phát triển trong tương lai.

c, Dựa vào mục đích của tín dụng

Theo tiêu thức này, cho vay được chia thành:

- Cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, mục đích của loại cho vay này là tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh ở các lĩnh vực công thương nghiệp, nông nghiệp...

- Cho vay tiêu dùng cá nhân là loại cho vay nhằm mục đích giúp người tiêu dùng có nguồn tài chính để trang trải nhu cầu về nhà ở, đồ dùng gia đình và phương tiện đi lại.

d, Dựa vào xuất xứ tín dụng

Dựa vào tiêu thức này cho vay chia làm hai loại:

-  Cho vay trực tiếp: ngân hàng cấp vốn trực tiếp cho người có nhu cầu, đồng thời người đi vay trực tiếp hoàn trả nợ vay cho ngân hàng.

- Cho vay gián tiếp: là khoản cho vay được thực hiện thông qua việc mua lại các khế ước hoặc chứng từ nợ đã phát sinh và còn trong thời hạn thanh toán. Các NHTM cho vay gián tiếp theo các loại sau: chiết khấu chứng từ, cho vay trả góp hay mua các khoản nợ doanh nghiệp (factoring).

Ngoài các loại cho vay trên đây, ngân hàng còn thực hiện các nghiệp vụ bảo lãnh cho khách hàng bằng uy tín của mình. Đối với nghiệp vụ này ngân hàng không phải cung cấp tiền, nhưng khi người được bảo lãnh không thực hiện được nghĩa vụ theo hợp đồng thì người bảo lãnh phải thay thế để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

4.1.2 Nguyên tắc và điều kiện cho vay

● Các nguyên tắc cho vay

Các nguyên tắc cho vay được xây dựng dựa trên yêu cầu về đảm bảo tính an toàn và khả năng sinh lời của vốn vay. Các nguyên tắc này mang tính bắt buộc đối với bất kì một tổ chức hay cá nhân vay vốn nào, nó được thể hiện trong các quy định pháp lý của ngân hàng. Việc cấp phát vốn cho người vay được dựa trên các nguyên tắc sau:

Một là, sử dụng vốn vay đúng mục đích đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng

Nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng giúp cho ngân hàng phòng tránh những rủi ro và tổn thất có thể xảy ra. Bởi thực tế đã chứng minh, khi đồng vốn được sử dụng vào các mục đích khác nhau thì hiệu quả mang lại và rủi ro xảy ra cũng khác nhau. Sử dụng vốn sai mục đích thì rủi ro sẽ nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng và cũng đồng nghĩa với việc vi phạm hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng. Mặt khác, mỗi ngân hàng có thể có mục đích và phạm vi hoạt động riêng, mục đích cho vay được ghi trong hợp đồng tín dụng sẽ đảm bảo ngân hàng không tài trợ cho các hoạt động trái pháp luật.

Hai là, phải hoàn trả nợ gốc và lãi đúng hạn đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng

Nguyên tắc này được xây dựng xuất phát từ bản chất vốn của ngân hàng chủ yếu là vốn huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Hoàn trả đúng hạn cả gốc và lãi theo đúng cam kết sẽ giúp ngân hàng duy trì và mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Đồng thời giúp cho việc chu chuyển các nguồn vốn trong nền kinh tế được thực hiện một cách hiệu quả, không bị gián đoạn.

Ba là, cho vay dựa trên phương án/dự án có hiệu quả. 

Phương án/dự án hoạt động có hiệu quả là cơ sở để đảm bảo cho ngân hàng thu hồi được nợ vay. Thực hiện nguyên tắc này, ngân hàng yêu cầu khách hàng phải trình bày phương án, kế hoạch kinh doanh đồng thời ngân hàng sẽ tiến hành phân tích và thẩm định tính khả thi của các phương án/dự án đó. Trong trường hợp xét thấy kém an toàn, ngân hàng sẽ yêu cầu người vay phải có tài sản bảo đảm khi vay. Tuy nhiên, để việc bảo đảm tiền vay thực sự có hiệu quả đòi hỏi người vay phải có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm phải có giá trị và giá trị bảo đảm phải lớn hơn số tiền đi vay.

● Điều kiện cho vay

 Điều kiện cho vay là những quy định cụ thể, chuẩn mực kinh tế cần thiết giúp cho ngân hàng hạn chế, ngăn ngừa rủi ro và kiểm soát khả năng thực hiện các nguyên tắc cho vay. Các điều kiện được cụ thể hóa và mang tính bắt buộc đối với người vay bao gồm:

 + Có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.

Đây là căn cứ pháp lý mang tính bắt buộc để thiết lập quan hệ tín dụng giữa người vay và tổ chức tín dụng. Theo quy định hiện hành, đối với pháp nhân vay vốn yêu cầu phải có tư cách pháp nhân; đối với các cá nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân, đại diện hộ gia đình, đại diện tổ hợp tác, thành viên của công ty hợp danh,... muốn được xem xét để vay vốn kinh doanh thì phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự[L1] 

+ Có đủ khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết

Khả năng tài chính của người vay thể hiện ở quy mô vốn tự có tham gia vào phương án sản xuất kinh doanh, hiệu quả kinh doanh, khả năng thanh toán nợ, trình độ thực thi các phương án/ kế hoạch kinh doanh v.v.. Khả năng tình hình tài chính lành mạnh là cơ sở để trả nợ cho ngân hàng theo đúng kỳ hạn đã cam kết.

+ Có mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp

 Mục đích sử dụng vốn vay phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực mà người vay đã đăng kí kinh doanh. Đây cũng là cơ sở để đồng vốn cho vay của ngân hàng được bảo hộ về mặt pháp lý. Ngân hàng sẽ từ chối cho vay đối với các dự án, kế hoạch kinh doanh của người vay không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được ghi nhận trong giấy phép kinh doanh hoặc đăng ký kinh doanh.

 + Sản xuất kinh doanh phải có hiệu quả, hoặc phải có phương án trả nợ khả thi

Kinh doanh có hiệu quả là tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực trả nợ của người vay, chỉ khi nào sản xuất kinh doanh có hiệu quả khi đó người vay mới có khả năng hoàn trả nợ vay đúng kỳ hạn cam kết. Bởi vậy, trong công tác phân tích và thẩm định phương án/dự án vay vốn, yêu cầu cán bộ ngân hàng phải đánh giá chính xác tính hiệu quả của các phương án/dự án vay vốn.

+ Thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định

Bảo đảm tiền vay là việc các ngân hàng áp dụng biện pháp phòng ngừa rủi ro, tạo cơ sở kinh tế và pháp lý để thu hồi được các khoản nợ vay. Các quy định về bảo đảm tiền vay được coi là các ràng buộc vật chất của người vay đối với tiền vốn của các tổ chức tín dụng. Mục đích của điều kiện này là nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người vay trong quá trình sử dụng vốn, đồng thời đảm bảo an toàn cho tiền vốn của ngân hàng khi người vay thiếu hoặc hoàn toàn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.

Việc bảo đảm tiền vay có thể được thực hiện dưới một trong các hình thức sau:

Thứ nhất, bảo đảm bằng tài sản thế chấp

Thế chấp tài sản là việc bên đi vay sử dụng bất động sản (như nhà cửa, cơ sở sản xuất kinh doanh và các tài sản khác gắn liền với nhà ở hoặc cơ sở SXKD) thuộc sở hữu của mình hoặc giá trị quyền sử dụng đất hợp pháp để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đối với bên cho vay.

Thứ hai, bảo đảm bằng tài sản cầm cố

Cầm cố tài sản là việc bên đi vay giao tài sản là các động sản thuộc sở hữu của mình cho bên cho vay. Các tài sản thường được cầm cố bao gồm:

- Máy móc thiết bị, các phương tiện vận chuyển

- Giấy tờ có giá như cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, thương phiếu

- Quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, các quyền phát sinh từ tài sản khác

Để loại trừ hiện tượng thế chấp, cầm cố hình thức, ngân hàng yêu cầu tài sản thế chấp/cầm cố của người vay phải thoả mãn các điều kiện cần thiết bắt buộc sau:

(1) Người vay phải có giấy tờ xác nhận quyền sở hữu hợp pháp về tài sản thế chấp, cầm cố theo luật định.

(2) Tài sản thế chấp phải dễ chuyển nhượng. Khi cần có thể phát mại một cách dễ dàng, nhanh chóng, đảm bảo việc thu hồi vốn vay được thực hiện.

(3) Giá trị tài sản thế chấp tại thời điểm vay vốn (theo giá thị trường) nhất thiết phải lớn hơn số tiền xin vay.

(4) Tài sản thế chấp phải đang trong thời gian không có tranh chấp và chưa được thế chấp tại bất kỳ một tổ chức tín dụng nào.

Thứ ba, bảo đảm bằng hình thức bảo lãnh bởi người thứ ba

Trường hợp không có tài sản thế chấp, cầm cố theo quy định, người vay phải có sự bảo lãnh của người thứ ba theo đúng quy chế thế chấp, cầm cố, bảo lãnh hiện hành. Người bảo lãnh phải có thực lực tài chính cần thiết, đồng thời phải cam kết sẵn sàng thanh quyết toán nợ vay thay cho người vay nếu người vay thiếu hoặc mất khả năng thanh toán. Bảo lãnh có thể chia làm hai loại chính: bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba và bảo lãnh bằng uy tín của tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.

Thứ tư, bảo đảm bằng tài sản được hình thành từ nguồn vốn vay

Trong thực tế, người vay cũng có thể thế chấp tài sản được hình thành từ chính nguồn vốn vay của ngân hàng. Thường thì việc bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ nguồn vốn vay được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

(1) Các khoản cho vay được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ định cho các ngân hàng.

(2) Các khoản cho vay trung và dài hạn với các dự án đầu tư phát triển SXKD, dịch vụ đời sống. Trong đó, người vay và tài sản hình thành từ nguồn vốn vay phải đáp ứng các điều kiện như: quy mô vốn vay nhỏ; tỷ lệ vốn tham gia của tổ chức tín dụng trên tổng vốn đầu tư không lớn; phương án đầu tư mang tính khả thi cao, có khả năng thu hồi vốn để trả nợ cho ngân hàng đúng kỳ hạn đã cam kết.

4.1.3 Đối tượng, thời hạn và mức cho vay

● Đối tượng cho vay 

Mục đích cho vay là nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn hợp pháp của khách hàng, do vậy ngân hàng chỉ chấp nhận cho vay với các các nhu cầu vay vốn như: vay vốn để bổ sung vốn lưu động thiếu hụt trong quá trình sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ; vay vốn để thanh toán các khoản chi phí thực hiện các dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc dự án đầu tư phục vụ đời sống đã được ngân hàng thẩm định và chấp nhận cho vay; vay vốn để tài trợ cho sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, v.v..

Các nhu cầu vay vốn được coi là không hợp pháp và bị từ chối cho vay bao gồm: vay vốn để mua sắm các tài sản, thanh toán các chi phí hoặc thực hiện các giao dịch và tài sản mà pháp luật cấm giao dịch mua bán và chuyển nhượng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn để tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận tầng lớp dân cư, các NHTM sẽ sẵn sàng cung cấp tín dụng nếu khách hàng thỏa mãn các điều kiện cho vay. Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai và an toàn cho hoạt động của NHTM, Luật tín dụng quy định một số hạn chế cho vay đối với các đối tượng sau:

- NHTM không được cho vay đối với những người là: (1) Thành viên hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc; (2) Người thẩm định xét duyệt cho vay; (3) Bố, mẹ, vợ chồng, con của thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc.

- NHTM không được chấp nhận bảo lãnh cho các đối tượng nêu trên.

- NHTM không được cấp tín dụng không có đảm bảo, cấp tín dụng với những điều kiện ưu đãi cho những đối tượng là: (1) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại ngân hàng, kế toán trưởng và thanh tra viên; (2) Các cổ đông lớn của ngân hàng; (3) Doanh nghiệp có một trong những đối tượng, bao gồm thành viên hội đồng quản trị Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, người thẩm định xét duyệt cho vay; Bố, mẹ, vợ chồng, con của thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, chiếm trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó.

- NHTM khi cho vay phải tuân thủ theo giới hạn cho vay đối với khách hàng quy định như sau:

   + Tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vón tự có của ngân hàng.

   + Trường hợp nhu cầu vốn của một khách hàng vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng hoặc khách hàng có nhu cầu huy động vốn từ nhiều nguồn thì NHTM được cho vay hợp vốn theo quy định của NHNN.

- Mức bảo lãnh đối với một khách hàng và tổng mức bảo lãnh của ngân hàng không được vượt quá tỷ lệ so với vốn tự có của ngân hàng do thống đốc NHNN quy định theo từng thời kỳ.

●Thời hạn cho vay

Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được xác định kể từ khi người vay nhận món vay đầu tiên cho đến khi trả hết nợ ngân hàng.

Tùy theo từng phương thức cho vay cụ thể, thời hạn cho vay được xác định như sau:

Thứ nhất, đối với các khoản cho vay ngắn hạn. Thời hạn cho vay tối đa không quá 12 tháng và được xác định căn cứ vào:

- Đặc điểm chu kỳ kinh doanh và kế hoạch sử dụng vốn của người vay

- Khả năng trả nợ của người vay

Xác định thời hạn cho vay được thực hiện trên cơ sở thoả thuận theo từng món tiền vay và được thể hiện bằng một điều khoản trên hợp đồng tín dụng hoặc khế ước nhận nợ.

Thứ hai, đối với các khoản cho vay trung và dài hạn. Thời hạn cho vay từ trên 12 tháng và được xác định căn cứ vào:

- Thời gian cần thiết để thu hồi vốn đầu tư

- Khả năng trả nợ của người vay

- Tính chất nguồn vốn cho vay của ngân hàng

- Thời gian hoạt động còn lại của pháp nhân theo quyết định thành lập hoặc giấy phép thành lập và thường không quá 15 năm đối với các dự án đầu tư phục vụ đời sống

Cấu thành thời hạn cho vay bao gồm:

+ Thời hạn giải ngân là khoảng thời gian được tính từ lúc ngân hàng bắt đầu cấp tiền vay đến khi cấp xong khoản tiền vay đó. Khoảng thời gian này dài hay ngắn tùy thuộc vào đặc điểm của đối tượng vay vốn và phương thức cho vay. Nếu toàn bộ khoản tiền vay được cấp một lần thì thời hạn giải ngân bằng 0, nếu khoản vay được cấp nhiều lần thì thời hạn giản ngân sẽ lớn hơn 0.

+ Thời gian ân hạn (còn gọi là thời kì ưu đãi) là khoảng thời gian tính từ khi ngân hàng cấp xong toàn bộ khoản tiền vay cho đến khi khách hàng bắt đầu hoàn trả tiền vay. Đây là khoảng thời gian khách hàng được sử dụng 100% vốn vay, tuy vậy thời gian này dài hay ngắn còn tùy thuộc vào thời gian dự trữ (đối với cho vay ngắn hạn) hoặc thời gian ổn định để đưa vào sản xuất chính thức (đối với cho vay trung và dài hạn)

+ Thời gian trả nợ là khoảng thời gian được tính từ khi khách hàng bắt đầu trả nợ cho đến khi trả hết nợ (gốc và lãi) cho ngân hàng. Độ dài thời gian của kì hạn này phụ thuộc vào đặc điểm luân chuyển của đối tượng vay và khả năng trả nợ của khách hàng. Nếu toàn bộ khoản nợ vay được trả một lần thì thời kỳ trả nợ bằng 0. Nếu toàn bộ khoản vay được trả nhiều lần theo các kì hạn trả nợ khác nhau thì thời kì trả nợ sẽ lớn hơn 0.

Cấu thành trong thời hạn cho vay là các kỳ hạn trả nợ. Kỳ hạn trả nợ là các khoảng thời gian trong thời hạn cho vay đã được thoả thuận giữa ngân hàng và người vay, cuối mỗi khoảng thời gian đó, người vay phải có trách nhiệm hoàn trả một phần hoặc toàn bộ số tiền vay cho ngân hàng. Nếu trên thực tế đến kỳ hạn trả nợ theo cam kết, vì một lý do nào đó mà người vay không trả được hoặc không trả đủ số tiền đã thoả thuận thì ngân hàng được quyền xử phạt người vay theo quy chế tín dụng hiện hành.

Tuy nhiên để tạo điều kiện cho người vay khắc phục khó khăn về tài chính trong một khoảng thời gian ngắn, các ngân hàng có thể chấp nhận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ cho người vay.

Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc ngân hàng và người vay thỏa thuận về việc thay đổi các kỳ hạn trả nợ đã thoả thuận trước đó trong hợp đồng tín dụng.

Gia hạn nợ là việc ngân hàng chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian ngoài thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Gia hạn nợ được áp dụng trong trường hợp vì những lý do bất khả kháng mà người vay không thể thu hồi vốn đầu tư theo dự kiến để trả nợ vay, hoặc không thể tìm kiếm được các nguồn vốn khác để trả nợ do phương án đầu tư trên thực tế không phát huy được hiệu quả.

Các giới hạn về thời hạn cho vay luôn được các nhà quản trị ngân hàng quan tâm, bởi vì nó là căn cứ pháp lý để xác định nghĩa vụ của người vay đối với ngân hàng khi tính lãi tiền vay cũng như kiểm soát các rủi ro phát sinh trong thời gian sử dụng vốn vay. Trong chính sách cho vay, thời hạn cho vay thường nghiêng về kì hạn của nguồn vốn, tuy nhiên nếu ngân hàng có khả năng hoán chuyển nguồn và có chính sách huy động nguồn tốt thì kì hạn nợ nghiêng về đáp ứng nhu cầu thời hạn của người vay.

● Mức cho vay

Mức cho vay là số tiền cho vay tối đa tại một thời điểm (đối với phương thức cho vay theo từng món) hoặc trong một thời kỳ nhất định (đối với phương thức cho vay theo dự án đầu tư).

Hạn mức cho vay là mức dư nợ vay tối đa được duy trì trong một thời hạn nhất định mà ngân hàng và khách hàng đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng (đối với phương thức cho vay theo hạn mức).

Mức hay hạn mức cho vay được xác định căn cứ vào:

- Nhu cầu vay vốn của người vay:

Nhu cầu   =  Tổng nhu cầu vốn  -  Nguồn vốn  -   Các nguồn vốn

vốn vay             kinh doanh           chủ sở hữu       huy động khác

Khả năng nguồn vốn cho vay của tổ chức tín dụng.

Giá trị tài sản thế chấp, cầm cố (nếu phải thế chấp tài sản).

Giới hạn mức cho vay tối đa theo từng phương án, dự án là giá trị tài sản thế chấp, cầm cố cho khoản tín dụng đó.

4.1.4 Phương pháp xác định lãi suất cho vay

Lãi suất cho vay hay giá cả của việc sử dụng vốn vay là công cụ tạo ra nguồn thu nhập cho ngân hàng, lại vừa giúp ngân hàng nâng cao khả năng cạnh tranh.

Việc xác định lãi suất cho vay được dựa trên các thông số về mức sinh lời kỳ vọng của ngân hàng, rủi ro tín dụng của khoản vay và tỷ lệ an toàn vốn vay. Ngoài ra, lãi suất cho vay còn bị tác động bởi lãi suất tái chiết khấu do ngân hàng Nhà nước quy định hoặc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

Để xác định lãi suất cho vay hợp lý đòi hỏi các ngân hàng phải xác định đầy đủ khoản mục chi phí phải chi ra. Các yếu tố cấu thành lãi suất cho vay bao gồm chi phí cơ hội của vốn chủ sở hữu, chi phí huy động vốn, chi phí hoạt động của ngân hàng và chi phí rủi ro tín dụng.

Căn cứ vào các yếu tố trên, ngân hàng có thể xác định lãi suất cho vay theo một trong hai phương pháp sau đây:

● Phương pháp cạnh tranh theo lãi suất thị trường

Theo phương pháp này, ngân hàng sẽ dựa vào lãi suất cho vay của các nhóm tổ chức tín dụng trên thị trường để tính lãi suất cho vay trung bình của thị trường cho từng kỳ hạn, trên cơ sở đó quyết định mức lãi suất sàn làm cơ sở xác định lãi suất cho vay.

● Phương pháp điều chỉnh rủi ro trên giá vốn - mô hình RAROC (Risk Adjusted Return on Capital)

Phương pháp RAROC ra đời vào cuối thập niên 70, do một nhóm nghiên cứu tại Banker’s Trust. Ý tưởng ban đầu của nhóm này là sử dụng mô hình có điều chỉnh rủi ro trên giá vốn để đo lường rủi ro của danh mục đầu tư tín dụng của ngân hàng, cũng như rủi ro lãi suất khi huy động vốn. Kể từ đó, một số ngân hàng lớn khác đã phát triển phương pháp RAROC ứng dụng trong tất cả các hoạt động của mình với mục đích là định lượng số lượng vốn cần thiết để hỗ trợ tất cả các hoạt động kinh doanh - dựa trên chi phí các hoạt động kinh doanh, cũng như chi phí khi huy động vốn.

Dựa theo phương pháp này, các ngân hàng sẽ tùy theo mức độ rủi ro của từng khoản tín dụng để điều chỉnh lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay được tính toán theo công thức sau:

Lãi suất cho vay = Chi phí vốn cho vay + mức lợi nhuận kỳ vọng

Cấu thành trong chi phí vốn cho vay bao gồm:

1.        Chi phí vốn chủ sở hữu (%), được xác định bằng tích số giữa vốn chủ sở hữu phân bổ cho khoản vay và chi phí cơ hội trước thuế của vốn chủ sở hữu.

2.        Chi phí huy động vốn (%)

3.        Chi phí hoạt động của ngân hàng (%)

4.        Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (%)

5.        Chi phí thanh khoản (%)

Ví dụ: Giả sử có thông tin về chi phí của một khoản cho vay như sau:

Chi phí huy động vốn: 5%

Dự phòng rủi ro tín dụng: 1%

Chi phí trực tiếp: 0.5%

Chi phí gián tiếp: 0,25%

Chi phí chung: 0,25%

Tổng chi phí chưa kể chi phí vốn : 7%

Chi phí vốn chủ sở hữu: 2,13%

Lãi suất cho vay: 9,13%

Trong đó, chi phí vốn chủ sở hữu được xác định bằng tích số giữa vốn chủ sở hữu phân bổ cho khoản vay và chi phí cơ hội trước thuế của vốn chủ sở hữu. Chẳng hạn trong ví dụ này, vốn chủ sở hữu phân bổ cho khoản vay là 10% và chi phí cơ hội của vốn chủ sở hữu là 16%. Như vậy, chi phí vốn sau thuế là 10% x16% = 1,6%. Nếu thuế suất thuế thu nhập ngân hàng là 25% thì chi phí vốn chủ sở hữu trước thuế là 1,6/(1-0,25)= 2,13%

Sau khi tính toán được mức lãi suất cho vay, tùy theo mức độ rủi ro của khoản vay, quan hệ khách hàng và sự cạnh tranh trên thị trường, ngân hàng sẽ tự quyết định mức lãi suất cho vay đối với khách hàng nhưng không được thấp hơn mức lãi suất sàn đã quy định. Ngân hàng có các mức lãi suất cho vay khác nhau tùy theo thời hạn cho vay, tùy theo loại tiền và có thể là cả khách hàng vay vốn…

Lãi suất cho vay do Ban giám đốc ngân hàng thông qua và được phổ biến đến mọi cán bộ tín dụng. Tùy tình hình thực tế nếu khách hàng có yêu cầu, mức lãi suất có thể được thương lượng và điều chỉnh trong một giới hạn cho phép. Ngân hàng có thể áp dụng lãi suất thả nổi hoặc lãi suất cố định cho những khách hàng có yêu cầu. Trong một số trường hợp, ngân hàng có thể thỏa thuận với khách hàng vay vốn áp dụng cả hai loại lãi suất trên một khoản vay (lãi suất hỗn hợp).

4.2 CÁC PHƯƠNG THỨC CHO VAY CỦA NHTM

Phương thức cho vay là tổng hợp các quy định về cách thức thực hiện nghiệp vụ tín dụng cho khách hàng. Như vậy, phương thức cho vay có thể nói đó là những nội dung có tính chất bắt buộc về kỹ thuật nghiệp vụ trên cơ sở việc xem xét khả năng thực hiện các nguyên tắc và điều kiện cho vay của người vay, cách thức phát tiền vay, việc thu nợ gốc, lãi giữa người vay và ngân hàng. Xét về mặt khoa học cũng như trong thực tế, các NHTM có thể cho vay theo các phương thức cơ bản và thông dụng sau:

4.2.1 Các phương thức cho vay ngắn hạn

Trong cho vay ngắn hạn có nhiều phương thức cho vay như cho vay theo từng lần, cho vay theo hạn mức tín dụng, chiết khấu giấy tờ có giá, cho vay theo hạn mức thấu chi, cho vay theo hạn mức tín dụng dự phòng, cho vay qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng...... , tuy nhiên sau đây chỉ đề cập đến các phương thức cho vay phổ biến, thông dụng là cho vay từng lần (hay còn gọi là cho vay theo món), cho vay theo hạn mức tín dụng, chiết khấu giấy tờ có giá và cho vay thấu chi

4.2.1.1. Cho vay từng lần (cho vay theo từng món)

Phương thức cho vay từng lần là phương thức cho vay mà mỗi lần vay vốn, người vay và tổ chức tín dụng đều làm thủ tục vay vốn cần thiết và ký kết hợp đồng tín dụng. Từng khoản vay là một hợp đồng tín dụng và gắn với một phương án sử dụng vốn cụ thể.

Căn cứ vào hồ sơ xin vay, ngân hàng sẽ phân tích khách hàng và kí hợp đồng cho vay, xác định quy mô cho vay, thời hạn giải ngân, thời hạn trả nợ, lãi suất và yêu cầu bảo đảm tiền vay.

Ngân hàng sẽ phát tiền vay cho người vay dựa vào hợp đồng tín dụng. Việc phát tiền vay có thể được thực hiện một hoặc nhiều lần phù hợp với tiến độ và yêu cầu sử dụng vốn thực tế của người vay. Tiền vay có thể chuyển thẳng cho người thụ hưởng (căn cứ vào hóa đơn) hoặc chuyển về tài khoản tiền gửi của người vay hoặc cho người vay nhận tiền mặt trực tiếp v.v…. Mỗi lần nhận tiền vay người vay phải lập “Giấy nhận nợ”. Trên giấy nhận nợ phải ghi thời hạn cho vay cụ thể, đảm bảo không vượt so với thời hạn cho vay ghi trên hợp đồng tín dụng. Tổng số tiền cho vay trên các giấy nhận nợ không được vượt quá số tiền đã ký trong hợp đồng tín dụng.

Theo từng kì hạn nợ trong hợp đồng, ngân hàng sẽ thu nợ gốc và lãi. Người vay phải chủ động trả tiền cho ngân hàng. Nếu người vay không chủ động trả, hoặc không đủ số tiền quy định cho một kỳ hạn trả nợ, và người vay không được ngân hàng chấp thuận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và gia hạn nợ, ngân hàng được quyền chuyển số tiền nợ phải trả nhưng chưa trả được sang nợ quá hạn. Người vay phải trả lãi cho số nợ quá hạn này với lãi suất cao hơn.

Nếu quá thời gian cho phép mà người vay vẫn không có khả năng thanh toán thực sự thì ngân hàng được quyền phát mại tài sản thế chấp của người vay để thu nợ, hoặc phong toả tài sản người vay, hoặc có thể khởi kiện trước pháp luật.

Phương thức cho vay từng lần tương đối đơn giản, do vậy ngân hàng có thể kiểm soát từng món vay tách biệt.

4.2.1.2. Cho vay theo hạn mức tín dụng

Đây là phương thức cho vay mà ngân hàng và khách hàng xác định và thỏa thuận một hạn mức tín dụng duy trì trong một khoảng thời gian nhất định, thông thường không quá 12 tháng.

Khác với phương thức cho vay từng lần, trong phương thức này ngân hàng sẽ không xác định kỳ hạn nợ cho từng món tiền vay mà chỉ khống chế theo hạn mức tín dụng có nghĩa là vào một thời điểm nào đó nếu dư nợ vay của khách hàng lên tới mức tối đa cho phép thì khi đó ngân hàng sẽ không phát tiền vay cho khách hàng.

Mục đích đi vay theo phương thức này là để bổ sung nguồn vốn đầu tư vào tài sản lưu động, bởi vậy để xác định chính xác nhu cầu vốn vay, người vay phải dựa vào nhu cầu vốn lưu động của mình trong kỳ kế hoạch.

Với phương thức này, khi có nhu cầu vay vốn, tổ chức tín dụng sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cần thiết. Đồng thời khi có doanh thu, người vay phải nộp toàn bộ vào ngân hàng để trả nợ đảm bảo mức dư nợ và doanh số trả nợ đã cam kết.

Về thủ tục vay vốn, trước kì kế hoạch người vay phải gửi tới ngân hàng hồ sơ vay vốn. Căn cứ vào hồ sơ xin vay, sau khi thẩm định, nếu chấp nhận cho vay, tổ chức tín dụng và khách hàng sẽ ký hợp đồng tín dụng theo kì kế hoạch với 3 nội dung cơ bản: mức dư nợ tối đa, vòng quay vốn tín dụng và phương pháp trả nợ.

Trong kì kế hoạch, khi có nhu cầu sử dụng vốn vay, người vay chỉ cần lập bảng kê chứng từ xin vay nộp cho ngân hàng. Sau khi kiểm tra, nếu phù hợp với hợp đồng tín dụng, ngân hàng sẽ phát tiền vay cho đơn vị vay vốn. Hợp đồng tín dụng này sẽ được duy trì cho cả kì, đến cuối kì kế hoạch hợp đồng sẽ được thanh lý và sang kì kế hoạch sau khách hàng muốn vay phải nộp bộ hồ sơ vay mới.

Trong thời hạn duy trì hạn mức tín dụng, khách hàng có nhu cầu điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh dịch vụ, phải có văn bản đề nghị và ngân hàng sẽ xem xét, nếu thấy hợp lý thì chấp thuận điều chỉnh hạn mức tín dụng và cùng khách hàng ký phụ lục bổ sung hợp đồng tín dụng.

Ưu điểm cơ bản của phương thức cho vay này là thủ tục cho vay đơn giản, khách hàng chủ động được nguồn vốn vay. Tuy nhiên, do các lần vay không tách biệt thành các kì hạn nợ cụ thể nên ngân hàng khó kiểm soát hiệu quả sử dụng từng lần vay. Ngân hàng chỉ phát hiện vấn đề khi thấy dư nợ lâu không giảm sút hoặc khách hàng chậm nộp các báo cáo tài chính.

4.2.1.3 Chiết  khấu giấy tờ có giá 

Chiết khấu giấy tờ có giá là một phương thức cho vay ngắn hạn, trong đó khách hàng chuyển nhượng quyền sở hữu các giấy tờ có giá chưa đến hạn cho ngân hàng để nhận một khoản tiền bằng mức chiết khấu của giấy tờ có giá trừ đi lãi chiết khấu.

Các giấy tờ có giá có thể được chấp nhận chiết khấu bao gồm:

+ Các loại tín phiếu, kỳ phiếu, trái phiếu do Kho bạc Nhà nước phát hành

+ Các loại kỳ phiếu, trái phiếu do Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng phát hành.

+ Các loại sổ tiết kiệm có kỳ hạn, các chứng chỉ tiền gửi.

+ Bộ chứng từ thanh toán thanh toán qua ngân hàng

+ Thương phiếu

+ v,v,...

Các giấy tờ, chứng từ có giá trên sẽ được chấp nhận chiết khấu nếu thoả mãn các điều kiện:

+ Được phát hành hợp pháp có xác nhận của người có thẩm quyền của đơn vị phát hành.

+ Phải được bảo toàn mệnh giá và có khả năng chuyển nhượng (riêng các giấy tờ có giá nếu được chiết khấu tại tổ chức phát hành thì không cần điều kiện chuyển nhượng).

+ Không bị tẩy xoá.

+ Chứng từ còn trong hạn thanh toán (chưa đáo hạn ).

Khi có nhu cầu chiết khấu các giấy tờ có giá, người sở hữu các giấy tờ phải lập bảng kê các giấy tờ xin chiết khấu và làm đơn gửi tới ngân hàng xin chiết khấu. Nếu chấp nhận, ngân hàng và người vay sẽ đi tới thỏa thuận, lựa chọn một trong hai phương thức chiết khấu, tái chiết khấu sau:

(1) Chiết khấu, tái chiết khấu toàn bộ thời hạn còn lại của giấy tờ có giá. Đây là phương thức mua hẳn giấy tờ có giá theo giá chiết khấu, tái chiết khấu và khách hàng chuyển giao ngay quyền sở hữu giấy tờ có giá đó cho ngân hàng. Khi giấy tờ có giá đến hạn thanh toán, ngân hàng xuất hành giấy tờ có giá đó để thanh toán với người phát hành.

(2) Chiết khấu, tái chiết khấu có thời hạn, bao gồm 2 trường hợp:

+ Các ngân hàng mua giấy tờ có giá theo thời hạn và giá chiết khấu, tái chiết khấu, đồng thời kèm theo cam kết của khách hàng về việc mua lại giấy tờ có giá đó vào ngày đến hạn chiết khấu, tái chiết khấu.

+ Trường hợp hết thời hạn chiết khấu, tái chiết khấu mà khách hàng không thực hiện cam kết mua lại giấy tờ có giá, thì ngân hàng sẽ là chủ sở hữu hợp pháp và được hưởng toàn bộ quyền lợi phát sinh từ giấy tờ có giá đó.

Thời hạn chiết khấu chứng từ do sự thoả thuận giữa người sở hữu giấy tờ và ngân hàng nhưng thời hạn chiết khấu tối đa không vượt quá thời hạn thanh toán còn lại của chứng từ.

Ví dụ: Ngày 01/3/N một doanh nghiệp mang một số trái phiếu kho bạc đến xin chiết khấu tại một ngân hàng với tổng mệnh giá 100.000.000 đồng, lãi suất 12% /năm, thời hạn thanh toán là ngày 01/10/N. Với số trái phiếu này, thời hạn chiết khấu tối đa sẽ là 7 tháng.

Giá chiết khấu do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận được xác định căn cứ vào: (i) giá trị giấy tờ có giá khi đến hạn thanh toán; (ii) lãi suất chiết khấu, tái chiết khấu; (iii) thời hạn còn lại của giấy tờ.

Số tiền ngân hàng phát ra cho khách hàng được xác định như sau:

Số tiền chuyển cho người xin chiết khấu

=

Trị giá chiết khấu

-

Lãi chiết khấu

-

Hoa hồng phí

Hoa hồng phí = Giá trị chứng từ chiết khấu x Tỷ lệ hoa hồng (%)

Lãi suất chiết khấu, tái chiết khấu do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận đảm bảo nguyên tắc phải lớn hơn lãi suất huy động của ngân hàng chiết khấu.

Cách thức thu lãi được thực hiện ngay khi chiết khấu bằng cách khấu trừ tiền lãi vào trị giá chiết khấu. Đến ngày hết hạn chiết khấu, khách hành phải chủ động mang tiền đến ngân hàng thanh toán và nhận lại các chứng từ chiết khấu. Nếu khách hàng không chủ động trả hoặc không có khả năng thanh toán ngân hàng được có quyền sở hữu các chứng từ có giá và đến đòi tiền ở tổ chức phát hành.  

Như vậy, trong nghiệp vụ chiết khấu giấy tờ có giá, các giấy tờ này tồn tại như những tài sản thế chấp trong quan hệ tín dụng. Điểm khác biệt căn bản giữa phương thức cho vay chiết khấu với các phương thức cho vay ngắn hạn khác là toàn bộ lãi tiền vay được thanh toán ngay tại thời điểm tổ chức tín dụng cấp vốn cho khách hàng.

4.2.1.4. Cho vay theo hạn mức thấu chi

Thấu chi là nghiệp vụ cho vay trong đó ngân hàng cho phép người vay được chi vượt số tiền có trên số dư tài khoản thanh toán của mình đến một giới hạn nhất định và trong khoảng thời gian xác định. Giới hạn này gọi là hạn mức thấu chi.

Cho vay theo hạn mức thấu chi là một hình thức cho vay ứng trước đặc biệt, nó khác với hình thức cho vay theo hạn mức tín dụng, vì các khoản tiền khách hàng rút trên tài khoản cũng có tính chất như các khoản chi tiêu của khách hàng, chỉ khi nào trên tài khoản khách hàng xuất hiện dư nợ, khoản tiền đó mới được gọi là khoản vay.

Để được khấu chi khách hàng phải làm đơn xin hạn mức khấu chi và thời hạn thấu chi. Trong quá trình hoạt động, khách hàng có thể kí séc, lập ủy nhiệm chi, mua thẻ séc ...vượt quá số dư tài khoản của mình, song phải nằm trong hạn mức thấu chi.

Khi khách hàng có tiền nhập về tài khoản của mình, ngân hàng sẽ thu nợ gốc và lãi.

  Tiền lãi phải trả = Số tiền thấu chi x Thời gian thấu chi x Lãi suất thấu chi

Thấu chi là hình thức tín dụng ngắn hạn, có thể cấp cho khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân, thủ tục đơn giản. Tuy vậy, cho vay thấu chi có nhiều điểm khác so với các phương thức cho vay ngắn hạn khác, đó là phương thức này được thực hiện dựa trên cơ sở thu và chi của khách hàng không phù hợp về thời gian và quy mô, việc cấp tín dụng phần lớn đều là không có đảm bảo và vừa phục vụ cho cho sản xuất hoặc tiêu dùng cá nhân. Bởi vậy phương thức này đã giúp cho khách hàng chủ động trong quan hệ thanh toán.

4.2.2. Các phương thức cho vay trung và dài hạn

Các khách hàng đi vay trung và dài hạn với mục đích chủ yếu là để tài trợ cho các dự án đầu tư có thời gian thu hồi vốn trên một năm hoặc là phục vụ cho việc mua sắm các máy móc thiết bị dùng cho họat động sản xuất kinh doanh. Bởi vậy, cho vay trung và dài hạn chủ yếu bao gồm các phương thức cơ bản sau: 

4.2.2.1 Cho vay theo dự án đầu tư

Xét về hình thức thì dự án đầu tư là một tập hồ sơ tài liệu trình bày một cách chi tiết và có hệ thống về tính khả thi của một chương trình hành động và các chi phí tương ứng để đạt được những mục tiêu nhất định trong tương lai. Thực tế, các dự án đầu tư thường tập trung vào các lĩnh vực thuộc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phục vụ đời sống. 

Căn cứ vào hồ sơ xin vay vốn, ngân hàng sẽ tiến hành thẩm định dự án vay vốn, nếu chấp nhận ngân hàng và khách hàng ký hợp đồng tín dụng và thỏa thuận mức vốn đầu tư duy trì cho cả thời gian đầu tư của dự án, phân định các kỳ hạn trả nợ. Nguồn vốn cho vay được giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án.

Dựa vào hợp đồng tín dụng đã kí kết, ngân hàng sẽ phát tiền vay cho khách hàng dựa trên: 

+ Hợp đồng và chứng từ cung ứng vật tư, thiết bị, công nghệ, dịch vụ, …

           + Biên bản xác nhận giá trị khối lượng công trình hoàn thành (đã được nghiệm thu từng hạng mục hoặc toàn bộ công trình) hoặc các văn bản xác nhận tiến độ thực hiện dự án.

Mỗi lần nhận tiền vay khách hàng phải kí chấp nhận nợ.

Trong trường hợp thời gian chưa vay được vốn ngân hàng, khách hàng đã dùng nguồn vốn huy động tạm thời khác để chi phí theo dự án được duyệt thì ngân hàng có thể xem xét cho vay bù đắp nguồn vốn đó trên cơ sở phải có chứng từ pháp lý chứng minh rõ nguồn vốn đã sử dụng trước. Trường hợp hết thời gian giải ngân theo lịch đã thỏa thuận ban đầu mà khách hàng chưa sử dụng hết mức vốn vay ghi trong hợp đồng tín dụng, nếu khách hàng đề nghị thì ngân hàng xem xét có thể thỏa thuận và ký kết bổ sung hợp đồng tín dụng tiếp tục phát tiền vay phù hợp với tiến độ thực hiện dự án cụ thể.

Việc thu nợ gốc và lãi được thực hiện theo kì hạn đã được xác định trong hợp đồng tín dụng hoặc kế ước nhận nợ. Khách hàng có thể trả nợ trước hạn. Đến kì hạn trả nợ, khách hàng chủ động nộp tiền vào ngân hàng để trả nợ. Nếu khách hàng không chủ động trả, ngân hàng có quyền tự động trích tiền từ tài khoản tiền gửi để thu hồi nợ, hoặc gửi giấy báo nhờ thu để thu nợ. Nếu quá thời hạn trả nợ, khách hàng không trả nợ đúng hạn ngân hàng sẽ chuyển số nợ chưa trả được sang nợ quá hạn và xử lý theo chế tài  tín dụng hiện hành.

4.2.2.2  Cho vay  trả góp

Đây là phương thức cho vay nhằm giúp người vay có điều kiện để mua sắm máy móc thiết bị. Theo phương thức này ngân hàng và khách hàng sẽ xác định và thỏa thuận số tiền lãi vay phải trả cộng với số nợ gốc được chia ra để trả nợ theo nhiều kỳ hạn trong thời hạn cho vay.

Số tiền trả nợ trong mỗi kỳ hạn có thể xác định theo công thức sau:

                                                n         1

                                                       _______

                              A = V                (1+ r) i

                                                i=1

                Trong đó: A là số nợ gốc và lãi phải trả trong mỗi kỳ hạn

                            V là tổng số tiền vay

                             r là lãi suất tính cho một kỳ hạn trả nợ

                             i là thứ tự các kỳ hạn trả nợ

                             n là số kỳ hạn trả nợ

Phương thức cho vay này thường được áp dụng đối với người vay có phương án trả nợ gốc và lãi vay khả thi bằng các khoản thu nhập chắc chắn, ổn định.

4.2.2.3 Cho vay hợp vốn

Cho vay hợp vốn là phương thức cho vay trong đó một nhóm các ngân hàng cùng cho vay đối với một dự án hoặc phương án vay vốn của khách hàng.

Trong cho vay hợp vốn, một ngân hàng làm đầu mối dàn xếp, phối hợp với các ngân hàng khác. Việc cho vay được thực hiện theo chế độ đồng tài trợ và quy chế tín dụng của các tổ chức tín dụng do Thống đốc ngân hàng Nhà nước ban hành

4.3. PHÂN TÍCH, THẨM ĐỊNH VÀ KIỂM SOÁT CHO VAY

4.3.1. Quy trình cho vay

Ngân hàng luôn tìm cách khai thác tối đa thông tin về khách hàng nhằm làm rõ năng lực sử dụng vốn vay và khả năng hoàn trả vốn vay để làm cơ sở cho những quyết định cho vay. Việc ngân hàng nắm những thông tin không đầy đủ về khách hàng là nguyên nhân dẫn tới những rủi ro tín dụng. Nhằm ngăn chặn và giải quyết vấn đề này, các ngân hàng thường xây dựng một quy chế cho vay chung mô tả chi tiết toàn bộ quá trình bao gồm các bước, các nguyên tắc thực hiện quy định của ngân hàng trong việc cho vay - gọi là quy trình cho vay.

Quy trình cho vay bao gồm nhiều giai đoạn mang tính chất liên hoàn, có quan hệ chặt chẽ và gắn bó với nhau, được thực hiện theo một trình tự nhất định kể từ khi tiếp nhận nhu cầu vay vốn của khách hàng cho đến khi ngân hàng ra quyết định cho vay, giải ngân và thanh lý hợp đồng tín dụng.

 Thiết lập và không ngừng hoàn thiện quy trình cho vay có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động cho vay của ngân hàng. Trước hết, quy trình cho vay là căn cứ để phân định trách nhiệm, quyền hạn và mối quan hệ ràng buộc của từng bộ phận liên quan trong hoạt động cho vay. Quy trình cho vay là cơ sở cho việc thiết lập hồ sơ và thủ tục vay vốn về mặt hành chính. Đồng thời với một quy trình cho vay hợp lý sẽ góp phần nâng cao chất lượng và giảm thiểu rủi ro cho đồng vốn vay, tạo cơ sở đối với việc kiểm soát quá trình cho vay. Trên cơ sở đó sẽ xác định khâu yếu kém cần điều chỉnh trong quá trình thực hiện và đề xuất các biện pháp hoàn thiện nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong hoạt động cho vay.

Hầu hết các NHTM đều thiết kế cho mình quy trình cho vay cụ thể, bao gồm nhiều bước đi khác nhau với kết quả cụ thể của từng bước đi như sau:

1.                   Lập hồ sơ hồ sơ xin vay

Về mặt kinh tế, trong giai đoạn này quan hệ tín dụng chưa hình thành, nhưng đây lại là giai đoạn quan trọng vì để phân tích, đánh giá chính xác khách hàng vay vốn ngân hàng phải dựa vào nguồn thông tin mà khách hàng cung cấp trong giai đoạn này. Lập hồ sơ xin vay được thực hiện ngay sau khi cán bộ tín dụng tiếp xúc với khách hàng có nhu cầu vay vốn. Tùy theo quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng, loại cho vay yêu cầu và quy mô vốn vay, cán bộ tín dụng hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ với những thông tin yêu cầu khác nhau. Nhìn chung, một bộ hồ sơ đề nghị cấp tín dụng cần thu thập từ khách hàng những thông tin sau:

- Thông tin về năng lực pháp lý và năng lực hành vi dân sự của khách hàng

- Thông tin về khả năng sử dụng và hoàn trả vốn của khách hàng

- Thông tin về bảo đảm tín dụng

Để thu thập được những thông tin căn bản như trên, ngân hàng yêu cầu khách hàng phải lập và nộp cho ngân hàng các loại giấy tờ sau:

- Giấy đề nghị vay vốn

- Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân của khách hàng, chẳng hạn như giấy phép thành lập, quyết định bổ nhiệm giám đốc, điều lệ hoạt động.

- Phương án SXKD và kế hoạch trả nợ hoặc dự án đầu tư.

- Báo cáo tài chính của thời kỳ gần nhất.

- Các giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh nợ vay.

- Các giấy tờ liên quan khác nếu cần thiết.

2. Phân tích và thẩm định hồ sơ

Phân tích và thẩm định cho vay là phân tích tình hình thực tế và tiềm năng tài chính của khách hàng, thẩm định tính khả thi của dự án và các phương án sử dụng vốn vay, khả năng hoàn trả, thu hồi vốn vay, tính hợp pháp của tài sản thế chấp cầm cố. Qua việc phân tích và thẩm định, ngân hàng sẽ phát hiện ra những nguy cơ tiềm ẩn các rủi ro, khả năng kiểm soát những rủi ro đó và dự kiến các biện pháp phòng ngừa, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra. Thông qua việc xem xét tính chân thực của hồ sơ vay vốn mà khách hàng cung cấp, sẽ giúp ngân hàng nhận định về thái độ trả nợ của khách hàng làm cơ sở quyết định cho vay.

Thông thường có hai cách tổ chức phân tích và thẩm định hồ sơ:

Thứ nhất, giao cho một hay một nhóm người thực hiện toàn bộ quá trình phân tích tín dụng. Cách này chỉ phù hợp với những món vay nhỏ với yêu cầu về chất lượng và tính phức tạp của quá trình phân tích không cao. 

Thứ hai, quá trình phân tích tín dụng được chuyên môn hóa theo đó sẽ có những bộ phận chuyên môn cụ thể thực hiện các khâu trong quá trình phân tích tín dụng:

- Bộ phận phân tích đảm bảo tín dụng: đánh giá các tiêu chuẩn tài sản đảm bảo về  các mặt pháp lý, giá trị, thị trường, quyền sở hữu hợp pháp,…

- Bộ phận phỏng vấn: đánh giá các yếu tố định tính để đưa ra kết luận về thái độ trả nợ của khách hàng. Bộ phận này thực hiện chức năng liên hệ và tiếp xúc khách hàng trong suốt thời gian tồn tại của quan hệ tín dụng.

- Bộ phận dự báo: thực hiện các dự báo về các nhân tố có ảnh hưởng đến cho vay như lãi suất, tỷ giá, tỷ lệ lạm phát…..

- Bộ phận rủi ro: thực hiện đánh giá rủi ro của món vay bằng các phương pháp chuyên môn như chấm điểm, ước lượng…..

- Bộ phận tín dụng: thực hiện đánh giá tài chính và làm tờ trình đề xuất vay sau khi đã tham khảo ý kiến phân tích của các bộ phận chuyên môn khác gửi về bằng văn bản.

3. Quyết định và ký hợp đồng cho vay

Để đi đến quyết định có cho vay hay không, ngân hàng cần phải căn cứ vào vào kết quả của quá trình phân tích và thẩm định ở khâu trước, tuy nhiên để hạn chế sai lầm trong khâu quyết định, có 2 vần đề cần phải chú trọng, đó là:

- Ngoài nguồn thông tin được thu thập và xử lý từ hồ sơ tín dụng do giai đoạn trước chuyển sang, ngân hàng cần dựa vào nguồn thông tin thu thập được từ nhiều nguồn khác như từ các công ty nghiên cứu thị trường; chính sách tín dụng của ngân hàng; các quy định về hoạt động tín dụng của NHNN; nguồn vốn cho vay của ngân hàng; kết quả thẩm định việc thực hiện bảo đảm nợ vay; “chữ tín” của người vay trong quan hệ với ngân sách và các tổ chức tín dụng khác v.v….

- Nên trao quyền quyết định cho vay cho một hội đồng tín dụng hoặc những người có năng lực phân tích và phán quyết tùy theo quy mô vốn vay. Đối với các hồ sơ vay vốn có quy mô lớn nên giao cho Hội đồng tín dụng, còn những hồ sơ vay vốn có quy mô nhỏ thường được trao cho cá nhân phụ trách nhằm nâng cao tinh thần và ý thức trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức được giao.

Sau khi ra quyết định tín dụng, nếu chấp thuận cho vay, cán bộ tín dụng sẽ hướng dẫn khách hàng ký kết hợp đồng tín dụng và làm tiếp các bước tiếp theo. Nếu từ chối cho vay, ngân hàng sẽ có văn bản trả lời và giải thích lý do cho khách hàng được rõ.

Kể từ thời điểm ký hợp đồng tín dụng, ngân hàng thành lập bộ hồ sơ tín dụng bao gồm các giấy tờ hình thành từ hai giai đoạn trước cùng với bản hợp đồng mới được kí kết. Hồ sơ cho vay là cơ sở pháp lý quan trọng chứng minh sự hình thành, tồn tại và kết thúc quan hệ tín dụng với khách hàng.

4. Giải ngân

Giải ngân là khâu tiếp theo sau khi hợp đồng tín dụng đã được kí kết. Đó chính là hình thức cấp phát tiền vay cho khách hàng trên cơ sở mức hay hạn mức tín dụng đã cam kết trong hợp đồng. Tùy vào hình thức và quy mô của món vay cụ thể mà ngân hàng sẽ áp dụng những phương thức giải ngân phù hợp nhưng nhìn chung ngân hàng thường tiến hành giải ngân theo hai cách đó là:

-          Giải ngân một lần: tiền vay được phát cho khách hàng một lần vào đầu kỳ hạn vay tiền. Phương thức này thường được áp dụng cho những món vay nhỏ, thời hạn vay ngắn.

-          Giải ngân nhiều lần: tiền vay theo hạn mức tín dụng được phát cho khách hàng thành nhiều đợt. Phương thức này được áp dụng cho những trường hợp món vay lớn, thời hạn vay dài hoặc việc sử dụng vốn vay của khách hàng phục vụ cho sản xuất kinh doanh có tính phức tạp.

Thông qua giải ngân, ngân hàng kiểm soát được tính mục đích của việc sử dụng vốn vay, đồng thời phát hiện và chấn chỉnh kịp thời nếu có sai sót ở các khâu trước. Tuy nhiên, quá trình giải ngân phải đảm bảo đúng tiến độ trong hợp đồng tín dụng đã kí kết nhằm giúp cho người vay đảm bảo tiến độ của hoạt động kinh doanh.

5. Kiểm tra giám sát tiền vay

Để đạt được mục tiêu phòng trách những rủi ro cho đồng vốn vay, đảm bảo thu hồi được đủ nợ vay, công tác giám sát cho vay luôn được các ngân hàng quan tâm và đặt lên hàng đầu. Nội dung của giám sát chủ yếu là theo dõi việc tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng của khách hàng. Ngân hàng có thể thực hiện giám sát bằng nhiều hình thức khác nhau, như:

- Giám sát hoạt động tài khoản của khách hàng tại ngân hàng

- Phân tích các báo cáo tài chính của khách hành theo định kỳ

- Giám sát khách hàng thông qua việc trả lãi định kỳ

- Kiểm tra và kiểm soát địa điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng

- Giám sát hoạt động của khách hàng thông qua mối quan hệ với khách hàng khác

- Giám sát khách hàng thông qua những thông tin thu thập khác.

Thông qua công tác giám sát, ngân hàng sẽ phát hiện ra những hành vi vi phạm hợp đồng tín dụng đã kí kết của người vay và có biện pháp xử lý phù hợp.

6.       Thu nợ gốc và lãi, xử lý những phát sinh

Đến kì hạn trả nợ, ngân hàng sẽ tiền hành thu nợ trên cơ sở các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Việc trả nợ cũng có thể thực hiện theo nhiều cách như trả một lần vào cuối kì hạn vay, trả dần trong suốt thời hạn vay….

Khi người vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nợ với ngân hàng thì ngân hàng sẽ tiến hành làm thủ tục hoàn trả lại tài sản bảo đảm tiền vay cho khách hàng.

Trường hợp đến hạn trả nợ mà khách hàng không đủ hoặc không trả nợ đúng hạn thì ngân hàng có thể xem xét cho gia hạn nợ (đối với những trường hợp không trả nợ đúng hạn do nguyên nhân khách quan) hoặc chuyển sang nợ quá hạn, ngân hàng sẽ tiếp tục đánh giá khả năng và mức độ thu hồi. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà ngân hàng sẽ áp dụng những biện pháp xử lý thích hợp nhằm đảm bảo thu hồi nợ đúng hạn.

7.       Thanh lý hợp đồng cho vay

Nếu hết thời hạn của hợp đồng cho vay và khách hàng đã hoàn tất các nghĩa vụ trả nợ cả gốc và lãi thì ngân hàng và khách hàng làm thủ tục thanh lý hợp đồng tín dụng, giải chấp tài sản nếu có và lưu hồ sơ vay vốn của khách hàng vào kho lưu trữ. Trong trường hợp này hai bên ngân hàng và khách hàng tiến hành thanh lý hợp đồng tín dụng mặc nhiên. Trong trường hợp ngân hàng giám sát và phát hiện thấy khách hàng vi phạm những cam kết ghi trong hợp đồng tín dụng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ sau này, ngân hàng có thể đề nghị và tiến hành thanh lý hợp đồng tín dụng bắt buộc.

Sơ đồ: Quy trình cho vay

4.3.2. Phân tích, thẩm định cho vay

Một ngân hàng có thể không bao giờ hiểu biết một cách đầy đủ về người vay, bởi vậy để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra và kiểm soát được nó trong phạm vi có thể, ngân hàng cần thiết phải tiến hành phân tích và thẩm định cho vay. Việc thẩm định được tiến hành dựa trên các nguyên tắc cơ bản trong cho vay, đó là: uy tín (character), khả năng hoàn trả (capacity), vốn (capital) và tài sản thế chấp (collateral).

Quá trình phân tích, thẩm định được thực hiện kể từ khi ngân hàng nhận được bộ hồ sơ xin vay vốn của khách hàng. Mục đích là phát hiện những điểm sai sót, những điểm đáng nghi ngờ hay những điểm chưa rõ ràng của một phương án sản xuất/dự án đầu tư từ đó đánh giá tính chính xác, trung thực, khả thi của phương án/dự án và khả năng trả nợ của khách hàng. Qua việc phân tích và thẩm định, ngân hàng sẽ có thêm những luận chứng làm cơ sở cho việc ra quyết định cho vay đúng đắn.

Về nguyên tắc khi tiến hành phân tích, thẩm định cho vay, cán bộ tín dụng phải sử dụng nguồn thông tin từ hồ sơ vay vốn của khách hàng; các thông tin được lưu trữ tại ngân hàng; thông tin từ điều tra phỏng vấn khách hàng, thông tin từ cơ quan quản lý, v.v… để phân tích, đánh giá từ đó rút ra những nhận xét về xu hướng tăng trưởng, khả năng phát triển, tính an toàn, các tồn tại và biện pháp khắc phục.

Xét về nội dung, quá trình phân tích và thẩm định cho vay tập trung vào các vấn đề sau:

4.3.2.1 Đánh giá chung về năng lực pháp lí và năng lực hoạt động của người vay

Năng lực pháp lí và năng lực hoạt động của người vay là tiêu chí quan trọng đầu tiên khi thiết lập quan hệ tín dụng. 

Năng lực pháp lý của người vay được thể hiện qua năng lực hành vi dân sự (đối với cá nhân) hay tư cách pháp nhân (đối với doanh nghiệp), các giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các giấy tờ về sự uỷ quyền vay vốn v.v

Năng lực hoạt động của người vay, được thể hiện qua:

- Mô hình tổ chức hoạt động, cơ cấu lao động.

- Trình độ quản trị điều hành, khả năng nắm bắt, tiếp cận thị trường và uy tín của người vay.

- Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, các sản phẩm chủ yếu, thị phần của từng loại sản phẩm, thương hiệu của sản phẩm trên thị trường; mạng lưới phân phối tiêu thụ sản phẩm; đối thủ cạnh tranh chủ yếu và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp; chiến lược kinh doanh, chiến lược marketing…

- Uy tín của người vay với ngân hàng cho vay và các tổ chức tín dụng khác.

Một số ngân hàng thường sử dụng bảng câu hỏi để tiến hành đánh giá chung về năng lực của người vay[3]. Các câu hỏi được xây dựng dựa trên đặc điểm và yêu cầu đối với từng nhóm khách hàng. Cán bộ tín dụng sẽ dựa vào các thông tin yêu cầu để tiến hành đánh giá chung về người vay

1.       Đối với khách hàng là các cá nhân

Câu hỏi

•  Thông tin chi tiết về tình trạng bản thân mà khách hàng tự kê khai có thoả mãn không?

• Đánh giá tài sản có thoả mãn không?

• Giá trị an toàn thực của tài sản dùng làm vật thế chấp có thích hợp không?

•  Có tài sản nào đồng sở hữu không?

•  Tham chiếu với ngân hàng có thoả mãn không?

•  Có bất lợi về lịch sử tín dụng không?

•  Tham chiếu thương mại có thoả mãn không?

•  Dòng tiền có đủ để thực hiện các nghĩa vụ trả nợ không?

•  Công việc và nơi thường trú có ổn định không?

•  Sở hữu hay thuê tài sản

•  Thu nhập từ hoạt động kinh doanh có ổn định không?

•  Có sức khoẻ không?

           Tư cách cá nhân

•  Các thông tin về người vay có chính xác không?

•  Anh ta/cô ta có phù hợp để cho vay không

•  Anh ta/cô ta có đáp ứng được kế hoạch đầu tư đề xuất?

•  Tình trạng tài chính của anh ta/cô ta có đáp ứng được các yêu cầu không?

•  Có vấn đề gì về sức khoẻ hay hôn nhân hay không?

• Anh ta/cô ta trước đó đã có nợ khó đòi tại một tổ chức tín dụng nào không?

Nghề nghiệp

•  Anh ta/ cô ta làm thuê hay làm tự kinh doanh?

•  Công việc đó có lâu dài không?

•  Công việc/hoạt động kinh doanh có ổn định không?

          •  Công việc trước đây và hiện nay có liên quan gì đến kế hoạch đầu tư đề xuất không?

Nguồn trả nợ

•  Có nguồn trả nợ nào tương đối an toàn không?

•  Nguồn đó có được bảo đảm không?

•  Nguồn đó có nằm trong tầm kiểm soát của người vay không?

• Đã kiểm tra lại thu nhập của người vay chưa?

           •  Nếu chúng ta cho vay và sau đó người vay bị chết, lúc đó sẽ phải làm như thế nào

Tình trạng tài chính

•  Người vay có đủ tiền để trả nợ không?

•  Trước đó đã từng bị phá sản chưa?

•  Người vay cần có những cam kết về tài chính nào?

•  Những cam kết này có khác gì so với những cam kết với ngân hàng không?

•  Tình hình tài sản thực tế của người vay có thoả mãn không?

•  Những tài sản của người vay đã sẵn sàng chưa?

2. Đối với các doanh nghiệp

Câu hỏi

• Công ty có khả năng tồn tại và phát triển không?

•  Bản thân các Giám đốc có phải là những cá nhân có uy tín không?

• Dòng tiền theo kế hoạch có đủ để trang trải món vay, lãi suất, phí và lệ phí không?

•  Giới hạn an toàn thực của tài sản thế chấp có phù hợp không?

•  Công ty đã từng có lịch sử tín dụng đáng tin cậy làm cơ sở cho kế hoạch không?

•  Các giả định là thực tế không?

•  Triển vọng kinh doanh trong tương lai có đáng tin cậy không?

•  Năng lực quản lý có vững vàng không?

•  Có quyền đi vay không?

•  Có quyền thế chấp tài sản không?

•  Các Giám đốc có bảo lãnh tài sản thế chấp không?

•  Có khoản nợ nào nằm ngoài Bảng cân đối kế toán không?

•  Có khoản thuế nào nợ chưa trả không?

3. Đối với các doanh nghiệp mới thành lập 

Câu hỏi

•  Vốn tự có có tương xứng không - có đóng góp bằng tiền mặt?

•  Tài sản thế chấp có phù hợp không

• Đã kiểm tra kỹ khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp chưa?

•  Có thoả mãn mức lợi nhuận trên số vốn sử dụng không?

•  Có nhận thấy nhân tố tiêu cực nào không?

Đã tiến hành kiểm tra các tác động của môi trường?

•  Mọi giả định là có lý do và đã được xác minh lại chưa?

•  Trợ cấp chi phí có quá nhiều không?

•  Người vay (và/hoặc các nhân viên chủ chốt) có kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp không?

• Điều tra và thử nghiệm về thị trường đã được tiến hành chưa?

•  Kế hoạch bán hàng có thực tế không? Các hợp đồng đã được xác minh lại chưa?

•  Nguồn cung ứng có bảo đảm không?

•  Có thiết lập hệ thống kiểm soát sản xuất và chất lượng không?

•  Tài chính/Kế toán đã được kiểm tra và phù hợp?

•  Kế hoạch chi phí có thực tế không?

            •  Có dự phòng trong những trường hợp bất thường?

4.3.2.2 Đánh giá năng lực tài chính và tính khả thi của các phương án, dự án đầu tư của người vay

● Đối với cho vay ngắn hạn

Việc người vay có trả nợ được hay không phụ thuộc rất lớn vào tính khả thi và hiệu quả của phương án/kế hoạch kinh doanh, năng lực tài chính cũng như thái độ của người vay trong việc trả nợ. Bởi vậy, nội dung của quá trình phân tích các phương án kinh doanh của người vay luôn xoay quanh việc xác định khả năng trả nợ của người vay. Cụ thể:

* Phân tích tình hình tài chính của người vay

Thông thường nếu một doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh có nghĩa là hiệu quả sử dụng vốn liên tục tăng lên, lợi nhuận cao thì việc hoàn trả nợ vay sẽ đúng hạn. Do vậy, khi tiến hành phân tích các phương án để quyết định cho vay, ngân hàng cần nghiên cứu, tham khảo, lựa chọn các chỉ tiêu sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng khách hàng, từng lĩnh vực kinh doanh và từng địa bàn. Các nhóm chỉ tiêu được sử dụng bao gồm:

♣  Nhóm các chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán, đây là nhóm chỉ tiêu được sử dụng để đo lường khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của người vay. Đứng dưới góc độ ngân hàng, đây là nhóm chỉ tiêu quan trọng giúp ngân hàng đánh giá được khả năng trả nợ của người vay. Nhóm chỉ tiêu bao gồm các hệ số tài chính sau:

(1)     Hệ số thanh toán nợ ngắn hạn :

                                                           Tài sản ngắn hạn

       Hệ số thanh toán nợ ngắn hạn = --------------------------------------------------------  

                                                           Nợ ngắn hạn

Ý nghĩa: Chỉ tiêu này phản ánh khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của người vay trong kỳ báo cáo. Nếu hệ số này lớn hơn 1 thì có thể kết luận là khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của người vay là tốt, người vay có đủ tài sản ngắn hạn để đảm bảo trả nợ vay. Trường hợp hệ số < 1 sẽ đặt người vay vào tình trạng gặp rủi ro về khả năng thanh khoản.

(2)     Hệ số thanh toán nhanh nợ ngắn hạn

                                                             Tài sản ngắn hạn   - Hàng tồn kho

Hệ số thanh toán nhanh nợ ngắn hạn = --------------------------------------------

                                                                     Nợ ngắn hạn

Ý nghĩa: Chỉ tiêu này phản ánh khả năng thanh toán của người vay không phụ thuộc vào việc bán hàng tồn kho. Tuy nhiên, khi phân tích chỉ tiêu này cần chú ý đến tỷ lệ và khả năng thu hồi của các khoản phải thu. Thông thường, hệ số này = 1 là tương đối lý tưởng.

(3)                 Hệ số thanh toán tức thời

                                                      Tiền và các khoản tương đương tiền

 Hệ số thanh toán tức thời    = ---------------------------------------------------------------------------- 

                                                                           Nợ ngắn hạn

Ý nghĩa: Đây là chỉ tiêu bổ sung cho hệ số thanh toán ngắn hạn. Chỉ tiêu này phản ánh khả năng thanh toán nhanh, mang tính chất tức thì, ngay lập tức các khoản nợ ngắn hạn của người vay mà không phụ thuộc vào việc thu hồi các khoản phải thu và bán hàng tồn kho. Thông thường, hệ số này nằm trong khoảng từ 0,3 đến 0,5 lần là tương đối đảm bảo. Cũng cần chú ý rằng, nếu hệ số này quá cao ( > 0,5 ) chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn của người vay chưa cao, đó là biểu hiện của tình trạng ứ đọng vốn.

(4)                 Hệ số thanh toán lãi vay:

                                                   Lợi nhuận trước thuế + Lãi vay phải trả

         Hệ số thanh toán lãi vay  = -------------------------------------------------------------------------- 

                                                                     Lãi vay phải trả

Ý nghĩa: Chỉ tiêu này phản ánh khả năng trả lãi hàng năm của người vay đối với ngân hàng như thế nào. Hệ số này càng lớn càng tốt, nó tỷ lệ thuận với hiệu quả sử dụng vốn vay.

♣ Nhóm chỉ tiêu về cơ cấu vốn và nguồn vốn của người vay.

Nhóm chỉ tiêu này phản ánh mức độ ổn định và tự chủ tài chính cũng như khả năng sử dụng vốn vay của người vay. Bao gồm:

(5)                 Hệ số nợ

                    Nợ phải trả

Hệ số nợ  = ---------------------------

                     Tổng nguồn vốn

Ý nghĩa: Chỉ tiêu này phản ánh mức độ phụ thuộc về vốn của người vay đối với các chủ nợ. Nói chung hệ số này nên biến động từ 0 đến dưới 1. Nếu bằng 1 hoặc lớn hơn 1 có nghĩa là toàn bộ giá trị tài sản của người vay không đủ để trả nợ và thực tế sẽ phá sản ngay nếu các chủ nợ đến đòi cùng một lúc. Nói chung ngân hàng không thích người vay có hệ số nợ quá lớn như vậy vì khả năng hoàn trả nợ vay giảm đi rất nhiều. 

(6)                 Hệ số tự tài trợ:

                       Nguồn vốn chủ sở hữu

Hệ số tự tài trợ = -----------------------------------

             Tổng nguồn vốn

Ý nghĩa: Chỉ tiêu này phản ánh mức độ độc lập, tự chủ về vốn của doanh nghiệp. Nó cho biết trong tổng nguồn vốn hoạt động của người vay vốn chủ sở hữu chiếm bao nhiêu phần. Chỉ tiêu này có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với hệ số nợ

(7)                 Tỷ suất tự tài trợ tài sản cố định:

                                                           Nguồn vốn chủ sở hữu

Tỷ suất tự tài trợ tài sản cố định = --------------------------------  x   100%

                                                    Tài sản cố định và đầu tư dài hạn

Ý nghĩa: Tỷ suất này phản ánh số vốn chủ sở hữu được dùng để trang bị tài sản cố định và đầu tư dài hạn. Nếu chỉ tiêu này > 1 chứng tỏ khả năng tài chính của người vay vững vàng, ổn định. Nếu hệ số này < 1 có nghĩa là một bộ phận tài sản cố định đã được tài trợ bằng nguồn vốn vay nợ.

(8)                 Tỷ suất đầu tư:

                     Tài sản cố định và đầu tư dài hạn

Tỷ suất đầu tư        =  --------------------------------------  x   100%

             Tổng tài sản

Ý nghĩa: Tỷ suất đầu tư phản ánh tình hình trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực sản xuất và xu hướng phát triển lâu dài cũng như khả năng cạnh tranh của người vay. Tuy nhiên, để kết luận tỷ suất này là tốt hay chưa tốt còn tùy thuộc vào từng ngành nghề sản xuất kinh doanh và từng giai đoạn cụ thể. Thông thường, các doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động hoặc doanh nghiệp sản xuất thì tỷ suất này khá cao.

♣ Nhóm chỉ tiêu phản ánh khả năng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đây là nhóm chỉ tiêu đặc trưng phản ánh hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của người vay, bao gồm:

(9)                 Vòng quay vốn lưu động:

                                                                  Doanh thu thuần

       Vòng quay vốn lưu động   = ----------------------------------------------------------------------

                                                            Vốn lưu động bình quân

Ý nghĩa: Chỉ tiêu này phản ánh tốc độ quay vòng vốn lưu động của doanh nghiệp. Hiệu quả sử dụng vốn lưu động tỷ lệ thuận với vòng quay vốn lưu động, nghĩa là nếu chỉ tiêu này tăng thì hiệu quả sử dụng vốn lưu động tăng và ngược lại.

(10)              Số ngày một vòng quay vốn lưu động

                                                                                 Số ngày trong kỳ

             Số ngày một vòng quay vốn lưu động = -------------------------

                                                                        Vòng quay vốn lưu động

Ý nghĩa: Chỉ tiêu này phản ánh thời gian trung bình của một vòng quay vốn lưu động. Thời gian luân chuyển vốn lưu động càng ngắn thì tốc độ luôn chuyển vốn lưu động càng nhanh và ngược lại. Chu kỳ vốn lưu động phụ thuộc vào đặc điểm từng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việc tính toán chu kỳ vốn lưu động một cách chính xác giúp ngân hàng có thể xác định thời hạn cho vay vốn lưu động, đặc biệt quan trọng đối với phương thức cho vay theo hạn mức tín dụng.

(11)              Vòng quay hàng tồn kho:

                                                  Giá vốn hàng bán

Vòng quay hàng tồn kho = ------------------------------

                                            Hàng tồn kho bình quân

Ý nghĩa: Chỉ tiêu này phản ánh tốc độ quay vòng của lượng hàng tồn kho. Số vòng quay hàng tồn kho càng cao càng tốt, bởi lẽ khi đó vốn được quay vòng nhanh, hạn chế tình trạng bị ứ đọng vốn, đồng thời tạo được doanh số hàng bán cao. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý nếu doanh nghiệp duy trì lượng hàng tồn kho dưới dạng nguyên vật liệu đầu vào, bán thành phẩm để đáp ứng nhu cầu sản xuất hoặc dự trữ hàng tồn kho do dự đoán về giá cả thị trường có thể biến động tăng giảm trong kỳ kế hoạch thì đây là sự dự trữ hợp lý.

(12)              Số ngày một vòng quay hàng tồn kho

                                                                    Số ngày trong kỳ

Số ngày một vòng quay hàng tồn kho = -----------------------------

                                                               Vòng quay hàng tồn kho

Ý nghĩa: Phản ánh số ngày trung bình của một vòng quay hàng tồn kho. Việc tính toán chỉ tiêu này nhằm so sánh với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có phù hợp không.

(13)               Vòng quay các khoản phải thu:

                                                        Doanh thu bán chịu trong kì

Vòng quay các khoản phải thu = -------------------------------------

                                                         Các khoản phải thu bình quân

Ý nghĩa: Vòng quay các khoản phải thu phản ánh tốc độ chuyển đổi các khoản phải thu thành tiền mặt của doanh nghiệp. Vòng quay các khoản phải thu càng cao càng tốt, bởi lẽ khi đó vốn được thu hồi nhanh, hạn chế tình trạng bị chiếm dụng vốn. 

(14)              Số ngày một vòng quay các khoản phải thu

                                                                                 Số ngày trong kỳ

Số ngày một vòng quay các khoản phải thu = ------------------------------

                                                                         Vòng quay các khoản phải thu

Ý nghĩa: Kỳ thu tiền trung bình phản ánh số ngày trung bình cần thiết để thu được các khoản phải thu.

(15)              Chu kỳ hoạt động (số ngày một chu kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh):

Chu kỳ hoạt động =  Số ngày một vòng quay hàng tồn kho + Số ngày một vòng quay các khoản phải thu

Ý nghĩa: Chu kỳ sản xuất kinh doanh phản ánh khoảng thời gian trung bình tính từ khâu sản xuất (khi bắt đầu mua nguyên vật liệu đầu vào) cho đến khi thu được tiền bán hàng. Chu kỳ sản xuất kinh doanh càng ngắn càng chứng tỏ chất lượng và hiệu quả của việc sử dụng vốn lưu động càng cao.

(16)              Vòng quay các khoản phải trả:

                                                                    Doanh số mua chịu trong kì

            Vòng quay các khoản phải trả = --------------------------------------

                                                                    Các khoản phải trả bình quân

     Ý nghĩa: Chỉ tiêu này phản ánh khả năng chiếm dụng vốn của người vay đối với các bạn hàng. Nếu vòng quay các khoản phải trả lớn chứng tỏ người vay ít đi chiếm dụng vốn, việc thanh toán thường xuyên nhanh chóng. Nếu chỉ tiêu này quá nhỏ (các khoản phải trả lớn), sẽ tiềm ẩn rủi ro về khả năng thanh khoản. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý việc chiếm dụng khoản vốn này có thể giúp người vay giảm được chi phí về vốn, đồng thời thể hiện uy tín về quan hệ thanh toán đối với nhà cung cấp và chất lượng sản phẩm đối với khách hàng.

(17)              Số ngày một vòng quay các khoản phải trả:

                                                                                     Số ngày trong kỳ

Số ngày một vòng quay các khoản phải trả = -------------------------------       

Vòng quay các khoản phải trả

Ý nghĩa: Chỉ tiêu này phản ánh thời gian trung bình của các khoản phải trả, nếu chu kỳ các khoản phải trả ngắn chứng tỏ khả năng thanh toán của người vay nhanh và ít đi chiếm dụng vốn. Khi phân tích chỉ tiêu này cần so sánh với với thời gian mua hàng chịu do người bán quy định cho doanh nghiệp. Nếu chu kỳ các khoản phải trả lớn hơn thời gian mua chịu được quy định thì việc thanh toán cho người bán sẽ bị chậm trễ, đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thanh khoản không đảm bảo.  

(18)              Chu kỳ ngân quỹ:

Chu kỳ ngân quỹ = Số ngày một chu kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh - Số ngày một vòng quay các khoản phải trả 

Ý nghĩa: Chỉ tiêu này phản ánh khoảng thời gian kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu phải trả tiền mua hàng (hết thời gian mua chịu) cho đến khi thu được tiền bán hàng.

♣  Nhóm chỉ tiêu sinh lời:

Khả năng sinh lời của người vay ảnh hưởng rất lớn đến khả năng trả nợ gốc và lãi, tùy theo mục tiêu phân tích, chúng ta có thể sử dụng  các chỉ tiêu sau:

(19)              Tỷ suất doanh lợi tổng tài sản (ROA):

Lợi nhuận sau thuế

ROA = ------------------------------- x    100 %

Tổng tài sản

Ý nghĩa: Chỉ tiêu này phản ánh khả năng sinh lời của tổng tài sản, cho biết tỷ lệ phần trăm của lợi nhuận sau thuế so với tổng tài sản. Nói cách khác, nó cho biết cứ 100 đồng tài sản thì tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận. ROA càng cao càng tốt.

(20)              Tỷ suất doanh lợi vốn chủ sở hữu ( ROE)

                                                              Lợi nhuận sau thuế

                                              ROE = -------------------------------- x   100 %

                                                               Vốn chủ sở hữu

Ý nghĩa: Chỉ tiêu này phản ánh khả năng sinh lời của vốn chủ sở hữu, cho biết tỷ lệ phần trăm của lợi nhuận sau thuế so với vốn chủ sở hữu. Nói cách khác, nó cho biết cứ 100 đồng vốn chủ sở hữu bỏ ra thì thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận. Khi tính toán chỉ tiêu này, ngân hàng thường quan tâm đến tỷ số lợi nhuận trước thuế vì phần trả nợ gốc và lãi là phần chi trả trước khi nộp thuế. Tuy nhiên, nếu người vay có tỷ số lợi nhuận sau thuế cao đủ đảm bảo trả nợ và lãi thì càng tốt vì khi ấy khả năng thu hồi nợ càng đảm bảo hơn. 

(21)              Tỷ suất doanh lợi doanh thu (ROS):

Lợi nhuận sau thuế

ROS = ------------------------------- x   100 %

Doanh thu thuần

Ý nghĩa: Chỉ tiêu này phản ánh năng lực và hiệu quả kinh doanh của người vay, cho biết tỷ lệ phần trăm của lợi nhuận sau thuế so với doanh thu thuần. Nói cách khác, nó cho biết trong 100 đồng doanh thu thì có bao nhiêu đồng lợi nhuận. ROS càng cao càng tốt.

Nhóm chỉ tiêu đánh giá sự tăng trưởng, phát triển

Các chỉ tiêu này cho thấy triển vọng tăng trưởng và phát triển của người vay trong dài hạn. Việc phân tích được hướng vào các chỉ tiêu sau:

(22)             Tốc độ tăng trưởng tài sản:

                                            Tổng tài sản cuối kỳ  -  Tổng tài sản đầu kỳ

  Tốc độ tăng trưởng tài sản   =       ----------------------------------------------- x 100%

                                                           Tổng tài sản đầu kỳ

(23)             Tốc độ tăng trưởng doanh thu:

  Doanh thu thuần cuối kỳ  -  Doanh thu thuần đầu kỳ

= --------------------------------------------------------------- x 100%

Doanh thu đầu kỳ

(24)             Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng (lợi nhuận sau thuế):

Lợi nhuận ròng kỳ này  -  Lợi nhuận ròng kỳ trước

= -------------------------------------------------------------- x 100%

Lợi nhuận kỳ trước

      Các chỉ tiêu này càng cao càng tốt.

(25) Tốc độ tăng trưởng chung

           Tốc độ tăng trưởng =  Tỷ lệ thu nhập giữa lại (b) x ROE

Trong đó:

               Tỷ lệ thu nhập giữa lại = 1 – Hệ số chi trả cổ tức

Để đảm bảo độ tin cậy về các chỉ tiêu tài chính khi phân tích, trong phân tích đánh giá người ta thường kết hợp các chỉ tiêu riêng lẻ với nhau thành từng chuỗi liên kết, từ đó cho thấy mối liên hệ giữa các chỉ tiêu này. Phương pháp phân tích như vậy được gọi là phân tích Dupont. Ngoài ra trong quá trình phân tích, ngân hàng cần phải tiến hành so sánh số liệu phân tích giữa các năm với và nhau với doanh nghiệp khác trong cùng ngành v.v.. để thấy được sự biến động và mối quan hệ ràng buộc giữa các chỉ tiêu .

* Phân tích phương án sản xuất kinh doanh

Phương án sản xuất kinh doanh là một chiến lược thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, bởi vậy khi tiến hành phân tích phương án kinh doanh của người vay, ngân hàng cần tìm hiểu  kỹ các vần đề sau:

- Tình hình cung cầu về sản phẩm trên thị trường; uy tín, tên tuổi sản phẩm của doanh nghiệp; chu kỳ sống của sản phẩm.

- Đánh giá khả năng cung cấp đầu vào: giá cả, phương thức thanh toán, thời gian giao hàng. v.v. . (thông qua hợp đồng mua hàng).

- Năng lực sản xuất của khách hàng: trình độ lao động, dây chuyền công nghệ, tính toán các yếu tố chi phí, so sánh với doanh thu dự kiến để xác định được kế hoạch lợi nhuận.

- Khả năng tiêu thụ: căn cứ vào hợp đồng tiêu thụ, thị trường truyền thống, hệ thống bán hàng, kết quả bán hàng kỳ trước, giá bán, phương thức thanh toán …

Dựa trên cơ sở xem xét tính khả thi của phương án kinh doanh để xác định khả năng đạt được doanh thu dự kiến, từ đó kết luận về hiệu quả kinh tế và khả năng trả nợ.  

* Phân tích thái độ của khách hàng đối với việc trả nợ vay.

Đối với các khoản cho vay ngắn hạn do thời hạn cho vay ngắn, bởi vậy việc trả nợ và thu hồi nợ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng tài chính và hiệu quả của phương án kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế tại các ngân hàng cho thấy việc thu hồi các khoản nợ vay còn phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của của người vay trong việc trả nợ. Những khách hàng có năng lực tài chính lành mạnh, luôn giữ chữ tín với bạn hàng, ngân sách nhà nước.v.v.. luôn là những người vay thực hiện nghiên túc chữ tín trong các quan hệ vay mượn với ngân hàng.

● Đối với cho vay trung và dài hạn

Ngoài những nội dung cần tiến hành phân tích như trên, trong cho vay trung và dài hạn ngân hàng còn tiến hành tổ chức thẩm định dự án đầu tư. Nội dung của tổ chức thẩm định bao gồm các công việc như: xây dựng quy trình, phương pháp thẩm định; tổ chức thu thập, xử lý thông tin nhằm thẩm định nhanh chóng, chính xác; tổ chức bộ máy thẩm định, đảm bảo tính khách quan, độc lập.

Khi thẩm định ngân hàng cần phải xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện các nội dung cơ bản liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi và khả năng hoàn trả vốn đầu tư của dự án. Nội dung thẩm định dự án đầu tư sẽ tập trung chủ yếu vào phân tích, đánh giá về khía cạnh hiệu quả tài chính của dự án nhằm xác định khả năng trả nợ của người vay. Bên cạnh đó ,tùy theo đặc điểm, yêu cầu của từng dự án cụ thể cũng cần quan tâm đến các khía cạnh khác như hiệu quả về mặt xã hội hay hiệu quả kinh tế nói chung.

Các nội dung chính khi thẩm định dự án đầu tư, bao gồm:

* Đánh giá sơ bộ theo các nội dung chính của dự án

Việc đánh giá cần hướng vào tính pháp lý của dự án (như xem xét các giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay là giấy phép khai thác tài nguyên....); mục tiêu của dự án; công nghệ; ảnh hưởng của dự án đến môi trường và sự cần thiết đầu tư dự án cũng như quy mô vốn đầu tư. Bên cạnh đó, khi đánh giá ngân hàng cần phải xem xét chi tiết đến tổng vốn đầu tư hoặc tổng dự toán và cơ cấu phân bổ tổng vốn đầu tư (xây lắp, máy móc thiết bị, chi phí khác …), nguồn vốn đầu tư (vốn chủ sở hữu, vốn được cấp, vốn vay, vốn liên doanh liên kết, vốn huy động khác v.v ), tính khả thi của từng nguồn vốn hợp thành và tiến độ tham gia của các nguồn vốn vào giai đoạn nào của dự án.

* Thẩm định các thông số dự báo thị trường và doanh thu

Thông qua các thông số dự báo thị trường sẽ giúp ngân hàng dự báo tình hình thị trường và thị phần của doanh nghiệp chiếm lĩnh trên thị trường qua đó sẽ ước lượng doanh thu của dự án. Các thông số dự báo thị trường sử dụng rất khác nhau tùy theo từng ngành cũng như từng loại sản phẩm. Bởi vậy việc thẩm định các thông số dự báo thường hướng vào các nội dung cụ thể sau:

- Nhu cầu cung cấp sản phẩm, dự báo nhu cầu tương lai.

- Nguồn cung cấp đầu vào của dự án.

- Khả năng cạnh tranh sản phẩm và các đối thủ cạnh tranh.

- Phương thức tiêu thụ và mạng lưới phân phối.

- Ước lượng thị phần của doanh nghiệp.

- Dự báo tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế…

* Thẩm định về phương diện kỹ thuật của dự án nhằm xác định các chi phí liên quan

Quy mô các khoản chi phí phụ thuộc vào đặc điểm công nghệ của mỗi dự án. Việc ước định các chi phí liên quan đến dự án nhìn chung đều dựa vào:

- Quy mô sản xuất: công suất thiết kế, cơ cấu sản phẩm, nguyên vật liệu, lao động sử dụng.

- Đơn giá của các chi phí phát sinh

- Dự kiến tiến độ triển khai dự án và tính hợp lý về việc thực hiện.

* Thẩm định về phương diện tài chính và tính hiệu quả của dự án

♣ Thẩm định về phương diện tài chính

Thẩm định về phương diện tài chính của dự án thực chất là thẩm định về dòng tiền của dự án. Dòng tiền của dự án được định nghĩa là phần chênh lệch trong dòng tiền (dòng tiền ra, dòng tiền vào) của doanh nghiệp trong từng giai đoạn mà dự án được thực hiện so với lúc không thực hiện dự án. 

CFt của

Dự án

=

CFt của doanh nghiệp nếu có dự án

-

CFt của doanh nghiệp nếu không có dự án

Như vậy, theo cách tính này thì dòng tiền của dự án chính là dòng tiền tăng thêm phát sinh khi dự án thực hiện. Trong công tác lập và phân tích dự án đầu tư, người ta thường quy ước ghi nhận dòng tiền vào và dòng tiền ra của dự án đều ở thời điểm cuối năm, bởi vậy dòng tiền sử dụng để phân tích hiệu quả của dự án là dòng tiền cuối kỳ và chúng ta chỉ quan tâm đến dòng tiền sau thuế.

Việc xác định hiệu quả của dự án sẽ phụ thuộc vào mức độ chính xác trong việc ước tính dòng tiền. Nói chung, các dòng tiền của một dự án sẽ rơi vào một trong 3 loại sau đây: (i) số tiền đầu tư ban đầu, (ii) các dòng tiền chênh lệch trong suốt thời gian của dự án và (iii) dòng tiền khi kết thúc dự án.

Số tiền đầu tư ban đầu: đây thực chất là số tiền chi ra để mua sắm các tài sản phục vụ cho dự án đầu tư. Bao gồm các khoản chi phí chi ra để có được các tài sản cố định và các khoản tiền không phải là chi phí, ví như các yêu cầu tăng thêm về vốn lưu động khi gia tăng sản xuất.

Các dòng tiền chênh lệch trong suốt thời gian của dự án, bao gồm những dòng tiền sau thuế tăng thêm xuất phát từ việc tăng doanh thu cộng với những khoản tiết kiệm tiêu hao nguyên vật liệu và nhân công.

Dòng tiền khi kết thúc dự án, phát sinh khi dự án chấm dứt thường bao gồm các khoản tiền liên quan đến việc thanh lý tài sản.

Công việc quan trọng của cán bộ thẩm định là phải thẩm định cách thức xác định dòng tiền vào và xử lý các chi phí khi xác định dòng tiền ra của dự án.

Dòng tiền đi vào của dự án được tạo lập chủ yếu từ doanh thu tiêu thụ sản phẩm, tiền khấu hao hay thanh lý các tài sản.

Dòng tiền chi ra của dự án phát sinh khi mua sắm các máy móc thiết bị, chi mua sắm nguyên vật liệu, chi trả tiền nhân công, chi phí quản lý v.v… Về nguyên tắc bất kỳ một khoản chi nào xảy ra trước khi thực hiện dự án sẽ không được coi là dòng tiền ra của dự án. Bởi vậy, những chi phí phát sinh trước khi thực hiện dự án như chi phí nghiên cứu phát triển, chi phí tiếp thị, thuê chuyên gia tư vấn… đều không được nằm trong chi phí của dự án. Khi xác định dòng tiền của dự án, cán bộ thẩm định cần lưu ý:

(1)           Chi phí cơ hội của dự án, chi phí này thể hiện một cơ hội (hoặc một chuỗi khoản thu nhập) bị mất đi nếu sử dụng những tài sản sẵn có vào dự án đang xem xét. Chi phí cơ hội của dự án không phải là một khoản chi nhưng vẫn được tính vào dòng tiền ra của dự án. Thông thường, người vay dễ bỏ quên không tính khoản chi phí này.

(2)           Để thực hiện dự án, đòi hỏi phát sinh các chi phí để tài trợ cho nhu cầu dự trữ tiền mặt, mua hàng dự trữ, chênh lệch giữa các khoản phải thu và các khoản phải trả…Thường thì người vay đưa toàn bộ nhu cầu vốn lưu động của năm vào dòng tiền chi ra của dự án. Tuy nhiên ở đây chỉ có phần chênh lệch của nhu cầu vốn lưu động mới được hạch toán vào dòng tiền của dự án, bởi lẽ khi nhu cầu vốn lưu động tăng lên thì dự án sẽ cần một khoản chi tăng lên, còn khi nhu cầu vốn lưu động giảm xuống thì dự án sẽ có một khoản tiền thu về.

Thay đổi nhu cầu vốn lưu động = Thay đổi tiền mặt + thay đổi khoản phải thu + thay đổi hàng tồn kho – thay đổi khoản phải trả.

(3) Để đo lường hiệu quả của dự án, người ta sử dụng dòng tiền chứ không phải lợi nhuận kế toán. Bởi vì, vấn đề quan trọng để đánh giá hiệu quả của dự án là đồng tiền thật sự về đến công ty và có thể dùng để tái đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế cho dự án. Trong khi lợi nhuận được tính toán đơn thuần bằng cách so sánh giữa doanh thu và chi phí, không phản ánh chính xác thời điểm phát sinh chi phí và lợi ích khi công ty nhận được tiền, khi tiền được tái đầu tư và khi công ty trả tiền cho bên ngoài. 

Ví dụ: Một dự án có tổng giá trị đầu tư là 900 triệu USD, chi phí bằng tiền ước định phát sinh bình quân mỗi năm là 500 triệu USD, doanh thu kỳ vọng là 1000 triệu USD/năm, tỷ lệ khấu hao bình quân là 30%/năm. Thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, lãi suất sử dụng vốn bình quân là 8%/năm.

Nếu xem xét ở góc độ lợi nhuận, ta có bảng đánh giá như sau

                                                                                Đơn vị: Triệu USD

Xem xét lợi nhuận

0

1

2

3

Tổng

Doanh thu bằng tiền

1000

1000

1000

3000

Chi phí bằng tiền

500

500

500

1500

Khấu hao

300

300

300

900

Lợi nhuận  trước thuế

200

200

200

600

Thuế TNDN

50

50

50

150

Lợi nhuận  sau thuế

150

150

150

450

                                                    NPV (8%) = 386,565

Nếu xem xét dưới góc độ dòng tiền, ta có:

                                                                             Đơn vị: Triệu USD

Xem xét Dòng tiền

0

1

2

3

Tổng

Doanh thu bằng tiền

1000

1000

1000

3000

Chi phí bằng tiền

500

500

500

1500

Chi mua TSCĐ

  900

900

Dòng tiền trước thuế

- 900

500

500

500

600

Thuế TNDN

50

50

50

150

Dòng tiền sau thuế

- 900

450

450

450

450

NPV (8%) = 259,695

Qua ví dụ trên cho thấy, nếu không xem xét đến giá trị thời gian của tiền thì tổng lợi nhuận mang lại từ dự án bằng với dòng tiền sau thuế. Tuy nhiên khi tính toán thực chất hiệu quả của đồng vốn đầu tư thì tổng lợi ích mang lại từ dòng tiền lại khác với tổng lợi ích mang lại từ dự án tính trên cơ sở lợi nhuận.

Bên cạnh công việc thẩm định dòng tiền của dự án, ngân hàng cần phải kiểm tra độ chính xác của chi phí sử dụng vốn. Chi phí sử dụng vốn bao gồm hai bộ phận cơ bản đó là: chi phí sử dụng vốn vay và chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu. Việc xác định các khoản chi phí này cần dựa vào hình thức huy động cũng như cơ cấu vốn chủ để xác định cho phù hợp.

Để có đủ vốn thực hiện được dự án đòi hỏi doanh nghiệp phải đi vay, khoản lãi suất phải trả từ việc huy động vốn này không phải là dòng tiền ra liên quan. Bởi vì khi chiết khấu các dòng tiền tăng thêm về giá trị hiện tại theo mức tỷ suất hoàn vốn yêu cầu thì người ta đã ngầm tính đến chi phí của việc huy động vốn để tài trợ cho dự án. Về bản chất, tỷ suất hoàn vốn yêu cầu phản ánh chi phí sử dụng vốn cần để tài trợ cho dự án.

♣ Thẩm định các chỉ tiêu đánh giá tính hiệu quả của dự án:

Để đánh giá tính hiệu quả của dự án đầu tư, ngân hàng cần lập bảng tính toán các chỉ tiêu tài chính cơ bản như giá trị hiện tại ròng (NPV), tỷ suất hoàn vốn đầu tư (IRR), thời gian hoàn vốn đầu tư PP (payback period) và chỉ số sinh lời vốn đầu tư (PI). Từ đó so sánh với các doanh nghiệp, các dự án khác cùng ngành nghề và lĩnh vực hoạt động tương tự hoặc các chỉ tiêu phổ biến trên thị trường để kết luận tính khả thi và hiệu quả của dự án đầu tư.

Đối với các dự án đầu tư dài hạn, việc tính toán hiệu quả kinh tế của các dự án dựa trên cơ sở xác định giá trị hiện tại ròng (NPV) và tỷ suất thu hồi vốn nội bộ (IRR) về cơ bản đã phản ánh trung thực tình hình tài chính và tính khả thi của dự án. Nhưng đối với các dự án cho vay vốn trung hạn để sửa chữa máy móc thiết bị, mua sắm phương tiện vận tải, lắp đặt thêm dây chuyền ... thì việc xác định NPV và IRR gặp tương đối khó khăn và phức tạp. Vì vậy, đối với trường hợp này, thực tế thường sử dụng các công cụ tài chính để đánh giá là PI và PP ,vừa đơn giản vừa đảm bảo chất lượng.  

(1) Thời gian hoàn vốn đầu tư (Payback Period, PP)

Thời gian hoàn vốn cho biết khoảng thời gian cần thiết để những khoản thu nhập tăng thêm được tạo ra từ dự án hoàn trả lượng vốn đầu tư ban đầu.

Với các dự án độc lập, dự án chỉ được chấp nhận khi thời gian hoàn vốn của nó nằm trong khoảng thời gian đã xác định trước (thời gian hoàn vốn tiêu chuẩn). Với các dự án loại trừ nhau, các dự án sẽ được sắp xếp theo tốc độ hoàn vốn giảm dần và dự án có thời gian hoàn vốn nhanh nhất nằm trong khoảng thời gian tiêu chuẩn sẽ được lựa chọn.

Việc xác định thời gian hoàn vốn tiêu chuẩn thường thực hiện theo một trong số các cách sau:

- Thứ nhất là dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ

- Thứ hai, có thể dùng mức thời gian hoàn vốn trung bình để chọn  dự án

- Thứ ba, xác định dựa trên khả năng dự đoán dòng tiền dự án với mức độ chính xác chấp nhận được

• Ưu điểm

- Đơn giản dễ tính và dễ hiểu

- Chọn được dự án ít rủi ro nhất trong các tình huống loại trừ nhau.

- Không phải dự tính dòng tiền trong toàn bộ thời gian hoạt động của dự án. Với nhiều nhà đầu tư, đây là phương pháp thích hợp trong trường hợp hạn chế về vốn.

•  Nhược điểm:

- Thời điểm để xác định thời gian hoàn vốn rất mơ hồ. Khi nào bắt đầu tính thời gian hoàn vốn? Từ khi bắt đầu bỏ vốn hay từ khi hoàn thành đầu tư

- Quyết định lựa chọn dự án theo phương pháp này tập trung chủ yếu vào dòng tiền trong khoảng thời gian hoàn vốn, và bỏ qua dòng tiền ngoài thời gian này

- Chưa tính đến giá trị thời gian của tiền. Tuy nhiên có thể khắc phục dẽ dàng bằng cách áp dụng phương pháp này, không phải với dòng tiền thông thường mà với dòng tiền đã quy đổi về hiện tại. Đó gọi là phương pháp thời gian hoàn vốn chiết khấu

(2) Thời gian thu hồi vốn có chiết khấu (DPP)

 Một trong những khiếm khuyết của tiêu chuẩn thời gian thu hồi vốn là nó bỏ qua tính chất giá trị tiền tệ theo thời gian và tiêu chuẩn thời gian thu hồi vốn có chiết khấu sẽ khắc phục nhược điểm này. Thời gian thu hồi vốn có chiết khấu là khoảng thời gian cần thiết để tổng hiện giá tất cả dòng thu nhập trong tương lai của dự án vừa đủ bù đắp số vốn đầu tư bỏ ra ban đầu.

Để xác định thời gian thu hồi vốn có chiết khấu, người ta sẽ đưa vốn đầu tư ban đầu và dòng thu nhập về một giá trị tương đương trong tương lai và tìm mốc thời điểm mà hai giá trị này bằng nhau, thời điểm này chính là thời gian thu hồi vốn có chiết khấu cần thiết của dự án.

• Ưu điểm: phương pháp này có tính tới thời gian của tiền tệ. Nói cách khác, tiêu chuẩn thời gian thu hồi vốn có chiết khấu ghi nhận rằng chúng ta đầu tư vốn vào một dự án bất kỳ nào đó và sẽ kiếm lại được số tiền này bao lâu sau khi đã trừ đi chi phí cơ hội của việc sử dụng đồng vốn. Phương pháp thời gian thu hồi vốn thông thường sẽ không nói lên được điều này.

Nhược điểm: nó mang đầy đủ nhược điểm của phương pháp thời gian thu hồi vốn, loại trừ nhược điểm không tính tới giá trị thời gian của tiền .Vì vậy người ta đã đưa ra phương pháp mới để lựa chọn dự án đầu tư, đó là phương pháp giá trị hiện tại ròng, phương pháp doanh lợi nội bộ và chỉ số sinh lợi điều chỉnh theo thời gian.

(3) Giá trị hiện tại ròng của dự án (NPV)

Giá trị hiện tại ròng là hiệu số giữa tổng giá trị thu nhập ròng qua các năm và tổng số vốn đầu tư của dự án.

Công thức xác định:

NPV

=

N

å Ti (1 + r)- i

i=0

-

N

å Vi (1 + r)-i

i=0

 Trong đó:

      + Ti : Dòng tiền vào (thu) của dự án năm thứ i.

      + Vi : Dòng tiền ra (chi) của dự án năm thứ i.

      + r : Tỷ lệ chiết khấu tùy chọn

      + n: Là thời gian tồn tại của dự án.

• Tiêu chuẩn lựa chọn:

Nếu NPV <0 thì thu nhập của dự án không đủ bù đắp chi phí đã bỏ ra

Nếu NPV=0 tùy thuộc vào tình hình cụ thể mà chấp nhận hay từ chối

Nếu NPV>0 dự án có hiệu quả, nếu NPV càng lớn, thì hiệu quả tà chính càng cao, dự án càng hấp dẫn.

• Ưu điểm

- Phương pháp NPV cho thấy số lợi nhuận tuyệt đối của dự án đầu tư.

- Phương pháp NPV đã  tính tới giá trị thời gian của tiền. Bất kỳ một nguyên tắc đầu tư nào không ghi nhận giá trị thời gian của tiền tệ thì sẽ không thể đưa ra quyết định đúng đắn được.

• Nhược điểm

- Trong quá trình so sánh và lựa chọn dự án, phương pháp NPV không tính đến sự khác nhau về thời gian hoạt động của dự án.

(4) Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR)

Tỷ suất hoàn vốn nội bộ là lãi suất chiết khấu mà tại đó giá trị hiện tại ròng của dự án bằng 0 (NPV = 0).

Có thể ước tính IRR theo công thức sau:

IRR

=

r1

+

       NPV 1 ( r2 – r1)

----------------------------

       |NPV 1| + |NPV2|

 Trong đó:

                - r1,r2 là hai lãi suất chiết khấu bất kì và r1<r2

           - NPV1, NPV2 là NPV tương ứng với lãi suất chiết khấu r1 và r2

Dự án được chọn khi IRR lớn hơn hoặc bằng một lãi suất "ngưỡng". Lãi suất này thường là lãi suất thị trường (tức là lãi suất được dùng để tính NPV). Những dự án khác không thoả mãn điều kiện này sẽ bị loại bỏ. Lý do là lãi suất thị trường phản ánh chi phí cơ hội của vốn. Do vậy, để được chấp nhận, một dự án phải tạo ra tỷ lệ lợi nhuận ít nhất phải bằng tỷ lệ sinh lời sẵn có trên thị trường vốn.

Ưu điểm của chỉ tiêu này là có tính đến giá trị thời gian của tiền tệ, và không phụ thuộc vào tỷ lệ chiết khấu. Tuy nhiên nhược điểm của chỉ tiêu này là một dự án có thể có nhiều IRR và đối với các dự án loại trừ nhau do khác nhau về quy mô vốn hoặc thời điểm đầu tư khác nhau thì việc sử dụng chỉ tiêu này để xếp hạng là rất khó khăn. Khi thẩm định dự án, ngân hàng cần phải lưu ý:

- Dự án có hiệu quả khi IRR >0 và IRR càng cao chứng tỏ hiệu quả tài chính của dự án càng lớn. Tuy nhiên, dự án được lựa chọn để đầu tư phải có IRR lớn hơn chi phí sử dụng vốn trung bình WACC, nếu nhỏ hơn hoặc bằng thì việc đầu tư sẽ không có hiệu quả kinh tế.

- Không nên sử dụng lãi suất ngân hàng để làm căn cứ chấp nhận dự án, bởi vì như vậy ngân hàng đã vô hình đồng nhất rủi ro của dự án với rủi ro của ngân hàng. Thật ra đầu tư vào dự án có độ rủi ro cao hơn là rủi ro gửi tiền vào ngân hàng, nên sẽ là sai lầm khi sử dụng lãi suất ngân hàng để làm căn cứ lựa chọn dự án.

(5) Chỉ số sinh lợi vốn đầu tư (PI)

Chỉ số sinh lợi (PI) được định nghĩa như là giá trị hiện tại của dòng tiền của dự án đầu tư  so với vốn đầu tư ban đầu.

 Công thức xác định:       

Trong đó:               PV: giá trị hiện tại của dòng tiền do dự án sinh ra

 I:  vốn đầu tư ban đầu

Đối với các dự án là độc lập lẫn nhau, dự án nào có PI >1 sẽ được chấp nhận, dự án có PI <1 sẽ loại bỏ. Trường hợp các dự án là loại trừ lẫn nhau, dự án nào có PI lớn nhất và lớn hơn 1 sẽ được chọn.

Ưu nhược điểm của PI: trong trường hợp nguồn vốn bị giới hạn, chúng ta không thể xếp hạng ưu tiên các dự án theo tiêu chuẩn NPV của nó. Thay vào đó, chúng ta sẽ xếp hạng ưu tiên theo tỷ số hiện giá các khoản thu nhập trong tương lai so với vốn đầu tư bỏ ra ban đầu tức là theo tiêu chuẩn chỉ số sinh lợi PI.

Chỉ số sinh lợi (PI) vẫn có nhược điểm so với NPV khi thẩm định dự án đầu tư. Bởi vì giống như IRR, tiêu chuẩn PI không giải thích được một cách trực tiếp sự khác nhau về quy mô của dự án.

4.3.2.3 Thẩm định về điều kiện an toàn vốn vay

Người vay có thể sử dụng phương pháp cầm cố hoặc thế chấp để cam kết thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. Các tài sản được dùng để bảo đảm nợ vay thường là các giấy tờ có giá, hàng hóa trong kho, nhà cửa, thiết bị hoặc bảo lãnh của người thứ ba...Ngân hàng thường cung cấp cho khách hàng danh mục các bảo đảm được ngân hàng chấp nhận cũng như các trường hợp cho vay có đảm bảo tài sản.  

Đối với ngân hàng, việc nhận tài sản đảm bảo là tài sản của người vay (hoặc bên thứ ba) là một hình thức bảo hiểm cho đồng vốn vay trong trường hợp nguồn thứ nhất là thu nhập từ hoạt động không đảm bảo trả nợ. Bởi vậy, thẩm định tài sản đảm bảo cần hướng vào các nội dung sau:

* Kiểm tra tài sản đảm bảo:

Người vay hoặc bên bảo lãnh chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và hợp pháp của tài liệu tài sản bảo đảm tiền vay gửi cho ngân hàng. Tuy vậy, trước khi nhận tài sản bảo đảm tiền vay, ngân hàng có trách nhiệm kiểm tra tài sản và hồ sơ tài sản bảo đảm. Kiểm tra tài sản bảo đảm tiền vay nhằm xác định tính hợp pháp, hợp lệ của tài sản, chủng loại, số lượng, chất lượng, đặc điểm, hiện trạng và điều kiện của tài sản... Việc kiểm tra này cũng đồng thời làm cơ sở để lập Biên bản định giá tài sản bảo đảm tiền vay. Biên bản định giá phải đầy đủ các yếu tố, đúng với thực tế của tài sản và có đầy đủ chữ ký của các bên, bao gồm cả các đồng sở hữu tài sản (nếu có). Tuyệt đối không lập biên bản khống hoặc lập biên bản không đúng với thực tế.

*  Định giá tài sản đảm bảo

Kiểm tra và định giá tài sản bảo đảm nhằm xác định được giá trị tài sản tại thời điểm ký kết và được lập thành Biên bản định giá tài sản bảo đảm tiền vay. Xác định giá trị tài sản bảo đảm tại thời điểm định giá chỉ để làm cơ sở xác định mức cho vay của ngân hàng và không áp dụng khi xử lý tài sản để thu hồi nợ. Tuy vậy, việc định giá phải dè dặt và cần tính đến trường hợp buộc phải bán để thu hồi nợ. Khi tiến hành định giá, cán bộ ngân hàng cần quan tâm đến một số lưu ý sau:

- Định giá theo giá thị trường địa phương

- Tài sản thương mại được định giá bởi một tổ chức định giá đã đăng kí mặc dù điều này không bắt buộc, việc định giá có thể do cán bộ sở tại thực hiện nếu số tiền cho vay tương đối nhỏ

- Các tài sản cố định hữu hình khi định giá phải tính đến yếu tố khấu hao

     - Tổng giá trị tài sản bảo đảm ít nhất phải bằng 130% giá trị khoản vay.

Công tác định giá tài sản bảo đảm phải được thực hiện một cách thực chất. Hiểu biết rõ ràng về giá trị thực của nó đối với ngân hàng giúp ngân hàng đưa ra mức phán quyết tín dụng phù hợp. Thông thường ngân hàng chỉ cho vay với mức giới hạn thấp hơn giá trị thị trường của tài sản bảo đảm, tỷ lệ bao nhiêu là tùy thuộc vào khả năng bán và khả năng thay đổi giá trị thị trường của vật đảm bảo

* Theo dõi tài sản bảo đảm

Thẩm định tài sản bảo đảm phải được cập nhật hàng năm (hoặc thường xuyên theo thực tế) để đảm bảo có thể dự đoán được giá trị xác thực nhất và đảm bảo rằng giá trị của tài sản thế chấp đủ để bù đắp khoản vay chưa hoàn trả của khách hàng. Việc theo dõi tài sản bảo đảm được thực hiện thông qua hệ thống kiểm soát tín dụng. Đối với các khoản vay thương mại, hàng tháng trung tâm kiểm soát tín dụng sẽ in ra những báo cáo về các khoản cho vay không đúng quy định theo các thông số. Ngoài ra, trung tâm kiểm soát tín dụng có thể sử dụng hình thức kiểm soát khác đó là sử dụng các cán bộ tín dụng có kinh nghiệm để kiểm toán các khoản cho vay của các chi nhánh hoặc trung tâm. Việc kiểm tra này nhằm đưa ra một báo cáo chính xác về khung thời gian cho tất các các khoản cho vay có vấn đề.

4.3.2.4 Thẩm định rủi ro và xác định biện pháp phòng ngừa  

Do việc thẩm định được tiến hành trước khi cho vay, trong khi việc thu hồi nợ được tiến hành sau khi cho vay nên việc có thu hồi nợ được hay không phụ thuộc vào việc quản lý và kiểm soát rủi ro tín dụng. Trên thực tế, các rủi ro thường xảy ra trong khi triển khai dự án bao gồm: các rủi ro cơ chế chính sách và môi trường kinh tế vĩ mô như chính sách thuế, lạm phát, tỷ giá hối đoái; các rủi ro liên quan đến xây dựng, hoàn thiện dự án như việc thực hiện không đúng thời hạn, không phù hợp với các thông số tiêu chuẩn; rủi ro thị trường và nhà cung cấp; rủi ro về kỹ thuật, vận hành, bảo trì. v.v.. Dựa trên việc nhận dạng các rủi ro, ngân hàng sẽ xác định các biện pháp ngòng ngừa nhằm kiểm soát các rủi ro đó.

4.3.3. Kiểm soát khoản cho vay

● Theo dõi và giám sát quá trình sử dụng vốn vay

Việc theo dõi và kiểm tra được thực hiện ngay sau khi cấp phát vốn vay. Mục đích của thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ nhằm đảm bảo khả năng thu hồi nợ vay. Bởi vậy, việc kiểm tra giám sát cần hướng vào các số nội dung như:

- Kiểm tra tình hình trả nợ ngân hàng (cả gốc và lãi) theo hợp đồng tín dụng

- Kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng tiền vay đã ghi trong hợp đồng tín dụng hoặc từng giấy nhận nợ

- Kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, tiến độ thực hiện phương án/dự án và việc thực hiện các điều khoản đã ghi trong hợp đồng tín dụng

- Kiểm tra việc sử dụng và bảo quản tài sản bảo đảm vốn vay theo các điều khoản đã ghi trong hợp đồng bảo đảm tiền vay…

Trong quá trình theo dõi và kiểm tra, cán bộ tín dụng sẽ tiến hành thực hiện phân loại khách hàng theo chất lượng tín dụng. Mỗi ngân hàng sẽ định ra những tiêu chuẩn cụ thể cho việc xếp hạng khách hàng. Tùy thuộc vào yêu cầu mà ngân hàng lựa chọn cho mình hệ thống hạng tín dụng nhiều hay ít cấp độ.

Tham khảo Hệ thống tín dụng doanh nghiệp 5 cấp độ

Hạng I: Tín dụng chất lượng cao

Khách hàng loại này có khả năng thanh khoản cao, tình hình tài chính tốt, tình hình thu nhập ổn định và có thể dự báo trước, các nguồn tài trợ thay thế luôn sẵn sàng, kinh nghiệm quản trị tốt, nằm trong lĩnh vực kinh doanh có triển vọng. Tài sản bảo đảm có chất lượng tốt như các chứng khoán chính phủ, tiền gửi tiết kiệm….Nếu là cá nhân thì tài sản ròng thuộc những loại có khả năng thu hồi nhanh.

Hạng II: Tín dụng chất lượng bình thường

Là khách hàng với hầu hết tiêu chuẩn thuộc hạng I. Tuy nhiiên, một số tiêu chuẩn không thực sự lành mạnh ví như khả năng thu nhập và huy động các nguồn tài trợ thay thế gặp vấn đề khi kinh tế suy thoái..

Hạng III: Tín dụng chất lượng đạt yêu cầu

Khách hàng thuộc loại này có khả nnăng thanh khoản và tình hình tài chính hợp lý có thể thay đổi giống như đa số những doanh nghiệp khác trước những tác động của thị trường. Thu nhập có thể thất thường, tình hình thanh toán có thể chấp nhận được nhưng không phải là trong bất cứ điều kiện nào. Tài sản bảo đảm là hàng tồn kho và các khoản phải thu nhưng khả nănng chuyển đổi ra tiền mặt thường khó khăn và không chắc chắn. Nguồn tài trợ thay thế thường không có.

Hạng IV: Tín dụng chất lượng thấp

Khách hàng thuộc loại này có khả năng thanh khoản kém, tỷ lệ nợ cao, thu nhập thất thường, thậm chí thua lỗ. Khả năng trả nợ từ nguồn sơ cấp không còn khả thi trong tương laii gần. Việc thanh lý tài sản hoặc tài sản bảo đảm của doanh nghiệp có thể là nguồn trả nợ cuối cùng. Khoản tiền cho vay trong tình trạng rất bếp bênh đòi hỏi phải có sự giám sát thường xuyên của nhân viên ngân hàng. Có thể cho vay bổ sung vốn lưu động trong một thời gian ngắn. Tài sản bảo đảm tiền vay cần có sự theo dõi của nhân viên có chuyên môn.

Hạng V: Tín dụng chất lượng kém

         Tài sản thế chấp, giá trị ròng và các nguồn tiền không đủ khả năng đảm bảo cho mức tiền vay. Các nguồn trả nợ không có dấu hiệu khả quan. Nếu không có sự giám sát thường xuyên và liên tục thì khả năng mất toàn bộ một phần hoặc toàn bộ vốn vay sẽ xảy ra

                                Tuy nhiên, để tránh trường hợp một số khách hàng tại thời điểm xếp hạng tín dụng thì rất tốt sau một thời gian chuyển sang hạng xấu. Do vậy việc tái xét khách hàng cũng phải được thực hiện đồng thời. Tái xét khách hàng được thực hiện sau khi khách hàng đã nhận vốn vay của ngân hàng. Khi tái xét cần nhấn mạnh đến những vấn đề sau:

-          Tìm kiếm và phát hiện những khoản cho vay có vấn đề càng sớm càng tốt

-          Tạo động lực cho cán bộ tín dụng tìm kiếm và báo cáo những khoản cho vay có vấn đề

-          Luôn đảm bảo tính tuân thủ luật pháp và chính sách cho vay của ngân hàng

-          Luôn thông báo tình hình của danh mục cho vay cho BGĐ và HĐQT

-          Luôn hỗ trợ việc thành lập và duy trì quỹ dự phòng rủi ro tín dụng

-          Những khoản cho vay đặc biệt lớn thì phải thường xuyên tái xét vì nó có ảnh hưởng rõ rệt tới tình hình tài chính của ngân hàng

-          Những khoản cho vay được xác định là có vấn đề khi thấy những vấn đề liên quan tới khoản vay phát sinh nhiều thì phải thay đổi lịch tái xét theo kịp với tình hình

-          Tăng cường tái xét nếu thấy nền kinh tế suy thoái hoặc lĩnh vực mà ngân hàng đang cho vay có sự suy giảm hoặc tăng trưởng bất thường

Tham khảo thời gian tái xét khách hàng

Hạng I: Tín dụng chất lượng cao

                Tái xét hàng năm

Hạng II: Tín dụng chất lượng bình thường

                Tái xét 6 tháng một lần

Hạng III: Tín dụng chất lượng đạt yêu cầu

                Tái xét 3 tháng một lần

Hạng IV: Tín dụng chất lượng thấp

                Tái xét 30 ngày một lần

Hạng V: Tín dụng chất lượng kém

                                 Tái xét dưới 30 ngày một lần

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu nào gây rủi ro cho khoản vay, ngân hàng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý cần thiết theo quy định.

● Thu nợ và thanh lý Hợp đồng tín dụng

Việc thu nợ (nợ gốc và lãi) được thực hiện đúng kì hạn đã cam kết, tuy nhiên đến trước ngày đến hạn trả, ngân hàng phải gửi thông báo nợ đến hạn cho khách hàng biết số tiền vay đến hạn trả cả gốc và lãi. Trường hợp khách hàng không trả nợ gốc đúng kỳ hạn hoặc không trả hết nợ gốc trong thời hạn cho vay đã thoả thuận trong Hợp đồng tín dụng và có văn bản đề nghị, ngân hàng sẽ xem xét cho điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc cho gia hạn nợ. Thời hạn gia hạn nợ gốc đối với cho vay ngắn hạn tối đa là 12 tháng, đối với cho vay trung và dài hạn tối đa bằng 1/2 thời hạn cho vay đã thoả thuận trong Hợp đồng tín dụng.

Khi khách hàng trả hết nợ, ngân hàng sẽ tiến hành tất toán khoản vay và tiến hành thủ tục giải tỏa các hợp đồng bảo đảm tài sản đồng thời tiến hành thanh lý hợp đồng tín dụng

4.3.4 Xử lí những khoản cho vay có vấn đề

Nợ có vấn đề là nợ có đảm bảo hoặc không có đảm bảo, mà ngân hàng cho vay ngày càng lo ngại về khả năng của khách hàng vay, trong việc thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng và được ngân hàng cho vay phân loại vào nhóm 2,3,4 hoặc nhóm 5, tương ứng với rủi ro được xác định cho dù việc trả nợ vẫn đang được thực hiện[4]. Việc nhận biết các khoản nợ có vấn đề có thể dựa vào một số dấu hiệu sau[5]:

 (1) Khách hàng trả nợ không đúng hạn

(2) Thường xuyên có sự thay đổi kỳ hạn trả nợ

(3) Tình hình trả nợ diễn ra rất kém, vốn gốc trả mỗi lần rất ít

(4) Chấp nhận lãi suất cho vay cao bất thường

(5) Tài khoản phải thu và hàng tồn kho của khách hàng cho thấy những dấu hiệu bất thường

(6) Sự suy giảm doanh thu và lợi nhuận của khách hàng

(7) Tỷ lệ nợ/giá trị tài sản ròng tăng

(8) Chính sách chi trả cổ tức bất hợp lý

(9) Mất tài liệu và đặc biệt là mất các báo cáo tài chính

(10) Giá trị tài sản bảo đảm suy giảm

(11) Vốn lưu động bất hợp lý hoặc suy giảm

(12) Thiếu báo cáo lưu chuyển tiền tệ

(13) Khách hàng phải dựa vào các nguồn không thích hợp để trả nợ ngân hàng như bán thanh lý tài sản thiết bị, nhà xưởng….

Việc nhận biết sớm các khoản nợ có vấn đề sẽ giúp cho ngân hàng có chính sách đối phó phù hợp như quy định mức rủi ro có thể chịu được, các mức độ “xấu” của khoản nợ, trách nhiệm giải quyết, phạm vi thanh lý và khai thác…Tuy nhiên việc xử lý các khoản nợ có vấn đề cần dựa trên những nguyên tắc sau:

1. Luôn luôn thực hiện kế hoạch thu nợ trong trường hợp khoản vay có vấn đề với mục đích tối đa khả năng thu nợ của ngân hàng

2. Phát hiện nhanh chóng sự phát sinh những rắc rối liên quan tới khoản vay.

3. Tách bạch chức năng thu nợ ra khỏi chức năng cho vay để tránh xung đột về mặt lợi ích giữa các nhân viên ngân hàng

4. Trong trường hợp khoản vay có vấn đề nhân viên ngân hàng nhanh chóng tư vấn cho khách hàng những biện pháp xử lý như cắt giảm chi phí, tăng thu từ các khoản có thể, thay đổi cách thức quản trị cho phù hợp. Nhanh chóng lập ra kế hoạch giải quyết sơ bộ khi đã xác dịnh rõ những thiệt hại ngân hàng có thể gặp phải

5. Tính toán mọi nguồn thu nợ có thể kể cả việc thanh lý tài sản và các khoản tiền gửi của khách hàng

6. Đối với khách hàng là doanh nghiệp, ngân hàng phải đánh giá chất lượng, năng lực và tính thống nhất của công tác quản trị hiện tại để có một tổng quan chung về tình hình của doanh nghiệp hiện tại.

7. Đưa ra các phương án có thể giải quyết khoản vay có vấn đề như tăng cho vay bổ sung nếu khoản vay trước đây có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn hoặc tìm cách giúp ngân hàng nâng cao chất lượng quản lý các nguồn tiền mặt như cắt giảm chi phí, hỗ trợ khách hàng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường mới….và các biện pháp khác như tăng taìi sản bảo đảm, bảo lãnh, tái cơ cấu, sáp nhập, bán thanh lý và cuối cùng là đề nghị phá sản doanh nghiệp.

Chương4 ĐỊNH GIÁ CÁC DỊCH VỤ CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

Ngân hàng thương mại là trung gian tài chính cung cấp các dịch vụ tài chính cho nền kinh tế như huy động tiền gửi, cho vay, bảo lãnh, thanh toán…. Ngân hàng mua nguyên liệu và bán sản phẩm thông qua giá: Giá đó chính là lãi suất và các khoản chi phí khác

Định giá hay xác định giá là nội dung quan trọng trong quản lý hoạt động của ngân hàng vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập và chi phí của ngân hàng, quyết định khả năng chiếm lĩnh thị trường, khả năng phát triển của ngân hàng.

Chương định giá các dịch vụ của ngân hàng thương mại tập trung nghiên cứu các loại giá, phương pháp định giá sản phẩm của ngân hàng thương mại.

1. Các loại giá sản  phẩm của ngân hàng thương mại.

Ngân hàng cung cấp dịch vụ với giá cả nhất định. Với tư cách là trung gian tài chính, ngân hàng phải trả giá cho khách hàng về phần lớn nguồn tiền mà ngân hàng huy động được cấu thành chi phí của ngân hàng cung cấp - cấu thành thu nhập của ngân hàng. Do tính chất và yêu cầu về các sản phẩm, giá các sản phẩm của ngân hàng rất đa dạng, cho phép ngân hàng tiếp cận với hàng triệu khách hàng khác nhau, thuộc những vùng, ngành nghề,….. khác nhau.

Giá các sản phẩm của ngân hàng có thể chia thành hai phần: Lãi suất và phí.

1.1. Lãi suất  ( năm): Là tỷ lệ (%) của số lãi trên gốc trong thời gian nhất định (1 năm). Ví dụ, lãi suất tiền gửi là 12% / năm. Nếu khách hàng gửi vào ngân hàng 100 triệu, với thời hạn 6 tháng, thì ngân hàng sẽ phải trả số tiền lãi cho khách khi đến hạn là:

100 triệu x 6 tháng x 12% /12 = 6 triệu

1.1.1. Lãi suất huy động và lãi suất tài trợ:  Là các loại lãi suất ngân hàng trả cho nguồn huy động bao gồm lãi suất tiền gửi giao dịch, lãi suất tiết kiệm và lãi suất tài trợ như lãi suất chiết khấu, lãi suất cho vay.. Để đảm bảo thu nhập ròng, lãi suất huy động bình quân phải nhỏ hơn lãi suất tài trợ bình quân.

1.1.2. Lãi suất ngắn hạn và lãi suất trung, dài hạn: Lãi suất được phân biệt theo thời hạn của sản phẩm. Thời hạn càng dài rủi ro càng lớn, do vậy, lãi suất dài hạn thường cao hơn ngắn hạn.

1.1.3.Lãi suất cố định, thả nổi hoặc hỗn hợp.

Lãi suất thả nổi: Là lãi suất thay đổi theo cung cầu trên thị trường ( lãi suất thị trường). Khi ngân hàng áp dụng lãi suất thả nổi, lãi sẽ tính theo lãi suất thị trường vào thời điểm tính lãi. Lãi suất thả nổi có thể hạn chế rủi ro lãi suất cho ngân hàng, tuy nhiên, lại gây khó khăn cho khách hàng trong việc lập kế hoạch đầu tư và vì vậy có thể gây rủi ro cho khách hàng. Phần lớn doanh nghiệp vay và người gửi tiết kiệm đều muốn chọn lãi suất cố định.

Lãi suất cố định: Là lãi suất được định trước trong hợp đồng và không thay đổi trong suốt thời gian tồn tại của hợp đồng. Lãi suất cố định giúp cho ngân hàng và khách hàng biết trước số lãi ( thu được hoặc phải trả), tuy nhiên, có thể tạo ra rủi ro lãi suất khi lãi suất thị trường thay đổi lớn. Lãi suất thả nổi thường được áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng. Trong những năm gần đây, trước bất ổn của thị trường tài chính quốc tế và tính liên kết ràng buộc ngày càng tăng giữa các trung gian tài chính, ngân hàng có xu hướng mở rộng phạm vi áp dụng lãi suất thả nổi trong quan hệ tài trợ cho khách hàng.

Lãi suất hỗn hợp: Là sự kết hợp giữa lãi suất thả nổi và cố định: cố định trong một số lần trả lãi và thay đổi sau một số lần trả lãi. Ví dụ, Ngân hàng ĐT và PTVN cho vay 5 năm, thu lãi 3 tháng một lần. Ngân hàng áp dụng lãi suất hiện hành cho năm thứ nhất ( cố định trong 1 năm) và sẽ thay đổi lãi suất trong từng năm tiếp theo. Lãi suất hỗn hợp thường được áp dụng cho các khoản huy động và tài trợ trung và dài hạn.

1.1.4. Lãi suất trần và sàn.

Lãi suất trần là mức lãi suất cao nhất. Lãi suất sàn là mức lãi suất thấp nhất. Thứ nhất, lãi suất trần và sàn có thể do ngân hàng nhà nước đặt ra và bắt buộc ngân hàng thương mại phải tuân thủ. Để hạn chế các ngân hàng cạnh tranh đẩy giá tiền gửi lên quá cao có thể gây ra khủng hoảng thanh khoản ( hoặc độc quyền hạ giá tiền gửi gây tổn hại cho người tiết kiệm), Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất trần và sàn. Tương tự như vậy đối với lãi suất tài trợ. Lãi suất trần và sàn phản ánh sự can thiệp trực tiếp của ngân hàng Nhà nước vào chính sách lãi suất của ngân hàng thương mại. Thứ hai, lãi suất trần và sàn do Ngân hàng thương mại đặt ra ( hợp đồng tài chính). Nếu Ngân hàng đang áp dụng lãi suất thả nổi mà nhà quản lý cho rằng lãi suất có xu hướng tăng ngân hàng có thể bán hợp đồng trần lãi suất tiền gửi, tức là lãi suất tiền gửi cao nhất mà ngân hàng có thể trả; nếu lãi suất có xu hướng giảm, ngân hàng bán hợp đồng sàn lãi suất cho vay tức là lãi suất cho vay thấp nhất mà khách hàng có thể trả. Hợp đồng lãi suất này nhằm hạn chế rủi ro lãi suất đối với ngân hàng thương mại.

1.1.5. Lãi suất thông thường và lãi suất ưu đãi: Lãi suất thông thường được áp dụng cho đa số khách hàng của ngân hàng, đảm bảo cho ngân hàng trang trải ch phí và có thu nhập ròng cần thiết. Lãi suất ưu đãi có thể do Nhà nước quy định đối với khách hàng, ngành, vùng đặc biệt như ngành cần khuyến khích, các vùng có nhiều khó khăn… Khi có chính sách ưu đãi lãi suất, Nhà nước có thể có chính sách cấp bù lãi suất cho tổ chức tín dụng. Lãi suất ưu đãi cho ngân hàng thương mại quy đinh, áp dụng cho những khách hàng lớn, có uy tín. Lãi suất này thấp hơn lãi suất thông thường song vẫn đảm bảo thu nhập ròng cho ngân hàng do khách hàng không có rủi ro hoặc mức vay rất lớn…

1.1.6.Lãi suất nội tệ, ngoại tệ:  Lãi suất áp dụng cho nội tệ và ngoại tệ do các loại tiền khác nhau thường có cung cầu và mức độ rủi ro khác nhau. Tại nhiều nước, trong đó có Việt nam, ngoại tệ mạnh (đô la Mỹ) được sử dụng trong thanh toán trong nước và quốc tế. Do tâm lý của người tiết kiệm và do tính ổn định của ngoại tệ so với nội tệ, số tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ có xu hướng gia tăng trong khi người vay lại e ngại vay ngoại tệ. Vì vậy, nhiều ngân hàng áp dụng phân biệt lãi suất cho nội và ngoại tệ theo hướng lãi suất của ngoại tệ thấp hơn nội tệ.

1.1.7. Lãi suất cơ sở ( Lãi suất cơ bản)

Lãi suất của ngân hàng thương mại bao gồm hai phần: Phần cứng và phần mềm, hoặc phần cố định và biến đổi, hoặc phần chung và phần riêng. Khi Ngân hàng cho vay với lãi suất bằng (=) LIBORE + 2% thì LIBORE là phần biến đổi, 2% là phần cố định. Nếu ngân hàng áp dụng cho vay bằng ngoại tệ với lãi suất băng (=) LIBORE + phần bù rủi ro thì LIBORE là phần chung (áp dụng cho mọi khách hàng vay ngoại tệ), còn phần bù rủi ro là phần riêng ( khác nhau đối với các khách hàng khác nhau). Nếu ngân hàng cho vay với lãi suất bằng (=) Lãi suất hoà vốn 6% + phần bù rủi ro + thu nhập dự tính thì lãi suất hoà vốn là phần cứng….

Trong chính sách đặt giá hiện nay các ngân hàng hay sử dụng lãi suất cơ bản làm phần chung, phần cứng trong công thức lãi suất.

Lãi suất cơ sở ( lãi suất cơ bản) là lãi suất tài trợ áp dụng cho khách hàng tốt nhất ( rủi ro bằng không). Ngân hàng có thể sử dụng nhiều loại lãi suất tham chiếu ( ví dụ lãi xuất của ngân hàng lớn, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất tái chiết khấu của ngân hàng Trung ương…) làm lãi suất cơ sở, hoặc xây dựng lãi xuất cho vay với khách hàng tốt nhất theo phương pháp tổng hợp chi phí rủi ro bằng không. Lựa chọn lãi suất nào làm lãi suất cơ sở là tuỳ thuộc vào mối liên hệ của ngân hàng với thị trường tài chính trong khu vực và sự phát triển của thị trường tài chính khu vực đó. Trước những năm 70s, các ngân hàng lớn sử dụng lãi suất gốc ( lãi suất huy động đối với các nguồn tiền chính của ngân hàng) làm lãi suất cơ sở. Sau những năm 70s với sự phát triển cao của thị trường tài chính, độ nhạy cảm lãi suất lớn, các ngân hàng ở trung tâm tiền tệ thường có xu hướng rời bỏ lãi suất gốc và sử dụng lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng làm lãi suất cơ sở. Sự vận dụng này bắt đầu bởi cạnh tranh về giá từ phía mở rộng thị trường giấy nợ và từ các ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, lãi suất gốc vẫn là cơ sở của việc đặt giá cho phần lớn các khoản cho vay nhỏ.

1.2. Phí

Bên cạnh lãi suất, phí ( hay còn gọi là lệ phí) thường được tính theo tỷ lệ phần trăm trên quy mô sản phẩm. Ví dụ, phí bảo lãnh là 0,3% trên số tiền bảo lãnh. Nếu ngân hàng cam kết bảo lãnh số tiền 100 triệu, thì phí ngân hàng thu là:

100 triệu x 0,3% = 0,3 triệu

Phí cũng có thể được tính bằng số tuyệt đối trong những trường hợp như số phí tối đa, đô phí tối thiểu, phí thuê két, phí tư vấn…. Phí thường được áp dụng cho một số loại hình dịch vụ của ngân hàng như thanh toán, mua bán hộ, bảo lãnh…

Trong hoạt động tài trợ ( cho vay, bảo lãnh…) ngân hàng thường sử dụng phí để bù đắp một phần chi phí của ngân hàng.

2. Định giá các sản phẩm của ngân hàng

2.1. Tầm quan trọng của việc định giá các sản phẩm

- Khuyến khích tiết kiệm

Khi gửi tiền vào ngân hàng, khách hàng được hưởng một lãi suất tỷ lệ thuận với thời gian và quy mô của tiền gửi. Bên cạnh mục tiêu an toàn, khách hàng ngày càng quan tâm đến lãi suất: Họ so sánh lợi ích của tiêu dùng và tiết kiệm. Nếu lãi suất của ngân hàng hấp dẫn hơn, khách hàng có xu hướng gia tăng tiết kiệm.

- Khuyến khích đầu tư

Nhiều doanh nghiệp và cá nhân mở rộng quá trình kinh doanh bằng cách vay  ngân hàng. Lãi trả ngân hàng là một phần chi phí của doanh. Vì vậy, nếu lãi suất tài trợ của ngân hàng thấp hơn tỷ lệ sinh lời dự kiến, các khoản đầu tư có xu hướng được mở rộng.

- Tăng sức cạnh tranh

Giá sản phẩm của ngân hàng là một bộ phận cấu thành chất lượng sản phẩm. Do hàm lượng bí quyết công nghệ trong sản phẩm của ngân hàng không cao, độ thoả mãn của sản phẩm của ngân hàng đối với khách hàng được quyết định chủ yếu bởi chất lượng phục vụ và giá. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, cũng như quá trình tự do hoá thị trường tài chính của nhiều quốc gia, độ nhạy cảm đối với các sản phẩm của ngân hàng ngày càng gia tăng. Đó là điều kiện để các ngân hàng đẩy mạnh cạnh tranh thông qua giá ( và phi giá). Định giá sản phẩm đúng, kịp thời và đa dạng sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường, cho phép ngân hàng thu hút được nhiều khách hàng, tăng doanh lợi.

- Tăng thu nhập cho ngân hàng

Thu nhập của ngân hàng phụ thuộc vào quy  mô hoạt động, lãi suất và phí. Định giá thấp có thể tăng tính cạnh tranh, mở rộng quy mô. Tuy nhiên, giá thấp có thể sẽ hạn chế thu nhập của ngân hàng nếu việc gia tăng quy mô không bù đắp được việc giảm giá. Do vậy, ngân hàng cần tính toán giá các sản phẩm để đạt được mục tiêu tối đa hoá thu nhập.

- Bù đắp tổn thất

 Tổn thất là không tránh khỏi trong hoạt động mang đầy tính rủi ro của ngân hàng. Những tổn thất đến mức độ nào đó có thể dẫn đến sự phá sản. Để hạn chế ảnh hưởng xấu của tổn thất đến hoạt động của ngân hàng, quỹ dự phòng ( cho rủi ro) được thiết lập và tính vào chi phí của ngân hàng. Bên cạnh đó, thu nhập giữ lại ( sau khi nộp các khoản thuê và chia các cổ tức) làm tăng vốn của chủ, tức là tăng sức mạnh của ngân hàng, tạo khả năng chống đỡ rủi ro ngoài dự tính. Do vậy, việc định giá nhằm bù đắp chi phí có ý nghĩa quan trọng đối với bù đắp rủi ro.

2.2. Phương  pháp định giá.

2.2.1. Phương pháp tổng hợp chi phí và thu nhập

Phương pháp tổng hợp chi phí và thu nhập còn được gọi là mô hình đặt giá rộng. Nội dung chính của phương pháp này là định giá cho các sản phẩm trên cơ sở tổng hợp chi phí và mức thu nhập sau thuế cần thiết. Phương pháp này có thể áp dụng đối với cả sản phẩm tiền gửi, tài trợ và thanh toán và có thể được tính cho từng loại sản phẩm…. Chi phí và thu nhập được tính toán dựa trên các yếu tố thị trường và khả năng chấp nhận của thị trường. Trong tình trạng cạnh tranh kém, giá sản phẩm sẽ mang tính áp đặt.

Phương pháp định giá rộng áp dụng cho những khách hàng không muốn ràng buộc chặt chẽ toàn bộ nhu cầu của họ về dịch vụ của ngân hàng vào một ngân hàng, tức là không cần thiết phải tạo ra mối quan hệ phân biệt đặc biệt. Đặt giá rộng là phù hợp với họ trong môi trường cạnh tranh với những người cho vay khác. Đặt giá rộng cũng thích hợp với những khách hàng ít sử dụng hoặc sử dụng không đa dạng cá dịch vụ ngân hàng.

2.2.2. Phương pháp định giá cá biệt.

Phương pháp định giá cá biệt hay còn gọi là mô hình đặt giá hẹp. Nội dung chính của phương pháp này là định giá trên cơ sở tính toán thu nhập và chi phí riêng đối với loại khách hàng, hoặc từng mục tiêu cần phân biệt, trên cơ sở mối quan hệ tổng thể của khách hàng đó với ngân hàng, nhằm tạo ra các mức giá (lãi suất và phí) riêng cho những khách hàng cụ thể hoặc trong những giai đoạn, những thị trường cụ thể.

Phương pháp này khác phục nhược điểm của phương pháp chi phí và thu nhập. Phương pháp định giá chi phí và thu nhập đã không tính đến riêng biệt của mỗi khách hàng khi sử dụng sản phẩm của khách hàng, tính riêng biệt của thị trường hoặc mục tiêu chiến lược của từng giai đoạn.

Tuy nhiên, việc mở rộng thành phần sử dụng giá cá biệt sẽ tạo cho ngân hàng những khó khăn nhất định. Thứ nhất, công tác thống kê phải rất chi tiết và chính xác, phải có hệ thống biểu mẫu, sổ sách, tài khoản để theo dõi, làm tăng chi phí của ngân hàng. Thứ hai, định giá cá biệt một mặt sẽ có tác dụng cuốn hút các khách hàng lớn, an toàn ( hướng giá tốt) song mặt khác lại hạn chế lôi cuốn các loại khách hàng khác ( phải chấp nhận giá không tốt so với giá của các ngân hàng khác). Do vậy, chính sách phân biệt giá của ngân hàng phải tính đến mục tiêu tăng trưởng khách hàng và tăng thu nhập.

2.2.2.1. Định giá sản phẩm trên mối quan hệ tổng thế với khách hàng

Ngân hàng thường định giá cá biệt – lãi suất và phí sử dụng vốn thấp hơn hoặc lãi suất tiền gửi cao hơn cho các khách hàng lớn, các khách hàng an toàn hoặc truyền thống. Những khách hàng này có thể có quy mô tiền gửi hoặc quy mô vay lớn vì vậy có chi phí trên một đơn vị tiền gửi ( vay) thấp. Những khách hàng truyền thống sẽ giảm chi phí phân tích tín dụng hoặc giảm rủi ro.

Ví dụ; Nếu người vay có quy mô vay lớn thì tỷ lệ chi phí phân tích tín dụng tính trên quy mô sẽ giảm hơn người vay nhỏ, nếu cho vay tiêu dùng thế chấp bằng trái phiếu Chính phủ hoặc sổ tiết kiệm thị độ an toàn sẽ cao hơn thế chấp bằng bất động sản…. Việc định giá cá biệt là cách thức buộc người sử dụng sản phẩm của ngân hàng phải trả giá đúng với chất lượng của sản phẩm đó. Với các khách hàng này, định giá cá biệt sẽ ưu tiên, từ đó sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng nhiều dịch vụ, gắn bó với ngân hàng hơn và trong dài hạn họ sẽ tạo ra thu nhập lớn hơn cho ngân hàng.

2.2.2.2. Định giá sản phẩm nhằm mục tiêu trọng điểm

Mỗi ngân hàng đều xây dựng mục tiêu trọng điểm trong chiến lược hoạt động. Mục tiêu t rọng điểm có thể gắn với lợi thế và duy trì lợi thế so sánh của ngân hàng, hoặc tạo ra lợi thế so sánh. Định giá nhằm mục tiêu trọng điểm là xác định giá mang lại lợi thế so sánh cho khách hàng qua đó ngân hàng mong muốn thu hút các cá nhân và doanh nghiệp gửi tiền hoặc vay tiền và sử dụng các dịch vụ khác.

Ví dụ: Để tạo thị trường cho vay mới ( mà hiện đang có ít ngân hàng tham dự), ngân hàng Á châu mở rộng hoạt động môi giới mua bán địa ốc. Ngân hàng cung cấp các thông tin miễn phí về các căn nhà đang cần mua, bán. Sau đó nhu cầu vay để mua nhà sẽ được ngân hàng đáp ứng. Mục tiêu trọng điểm của Ngân hàng Ngoại thương Việt nam là phục vụ xuất, nhập khẩu, do đó phí dịch vụ  hoặc giá mua bán ngoại tệ thường ở mức thấp so với nhiều ngân hàng khác.

2.2.2.3. Định giá sản phẩm nhằm mục tiêu xâm nhập thị trường

Mở rộng thị trường là mục tiêu phát triển của ngân hàng. Khi xâm nhập thị trường mới, ngân hàng thường phải đối đầu với nhiều khó khăn, đặc biệt là sự quen thuộc của khách hàng với các tổ chức tài chính sẵn có. Một trong các biện pháp là đặt giá huy động cao hơn, hoặc đặt giá tín dụng và các dịch vụ khác thấp hơn các ngân hàng khác. Ngân hàng hy vọng rằng sự  gia tăng nhanh chóng tiền gửi và những khoản tín dụng sẽ bù đắp một phần sự giảm sút trong lợi nhuận cận b iên. Với chiến lược này, ngân hàng muốn tối đa hoá thị phần trong một thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng.

Định giá thâm nhập thị trường phải xác định được độ nhạy cảm của quy mô các sản phẩm đối với giá. Nếu thị trường đó có nhiều hình thức cạnh tranh phi giá, đặt giá hấp dẫn hơn cho khách có thể sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn cho ngân hàng.

Trong giai đoạn xâm nhập thị trường, ngân hàng phải chấp nhận lỗ hoặc lợi nhuận thấp. Việc cắt đứt quan hệ với ngân hàng sẵn có có thể gây ra những thiệt hại cho khách nên khách hàng có xu hướng duy trì quan hệ với ngân hàng họ đã lựa chọn. Khách hàng gửi tiền, đặc biệt là tiền tiết kiệm thường ít nhạy cảm với lãi suất. Nếu ngân hàng có thể đưa ra lãi suất cao hơn mức bình quân thị trường trong một thời gian đủ dài để tạo ra mối quan hệ của khách hàng vẫn gửi tiền tiết kiệm. Ngược lại, các doanh nghiệp lại ưu tiên chọn các ngân hàng có khả năng cho vay tốt. họ cũng quan tam đến chất lượng cán bộ ngân hàng và chất lượng dịch vụ tư vấn mà ngân hàng cung cấp. Do vậy, đặt giá cho vay thấp phải kèm theo các điều kiện cho vay mềm hơn, hoặc chi phí dịch vụ hỗ trợ thấp hơn.

3. Định giá tài sản sinh lời.

Tài sản sinh lời mang lại thu nhập chủ yếu cho ngân hàng. Tuy nhiên, có một số tài sản như tiền gửi tại các ngân hàng khác, chứng khoản Chính phủ hoặc trái phiếu công ty…. Lãi suất được quyết định từ phía đối tác. Các tài sản sinh lời chủ yếu khác đều do ngân hàng định giá.

Khả năng thu nhập của ngân hàng phụ thuộc vào việc đặt giá như thế nào cho các khoản tài trợ và dịch vụ có liên quan so với chi phí trả lãi cho các nguồn và các chi phí khác. Thu lãi từ hoạt động tín dụng là một nguồn thu nhập quan trọng nhất đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng sinh lời của ngân hàng. Hơn nữa tín dụng còn là hoạt động cơ bản của ngân hàng, là mối liên hệ lớn nhất của ngân hàng và khách hàng nên đặt giá cho các khoản tín dụng trở thành điểm trong tâm của quản lý doanh thu và chi phí.

Những ngân hàng lớn có khả năng định giá sản phẩm hơn các ngân hàng nhỏ. Trong môi trường cạnh tranh cao, ngân hàng nhỏ thường phải theo giá của ngân hàng lớn, buộc phải tiết kiệm chi phí để có lợi nhuận mong muốn.

3.1. Định giá theo phương pháp tổng hợp chi phí và thu nhập

Ngân hàng xác định lãi suất tín dụng sao cho thu đủ bù đắp chi phí và có lợi nhuận dự kiến.

Thu lãi tín dụng ( tài sản sinh lời

=

Chi phí trả lãi cho nguồn huy động

+

Chi phí quản lý

+

Chi phí dự phòng tổn thất

-

Thu lãi ( ngoài tín dụng ) và thu khác

+

Các khoản thuế phải nộp

+

Lợi nhuận

 dự định

Lãi suất tín dụng

( Tài sản sinh lãi)

=

Thu lãi tín dụng ( tài sản sinh lãi

Dư nợ bình quân

Trước hết, ngân hàng tổng hợp chi phí liên quan đến sản phẩm bao gồm các chi phí như lãi, phí, lương phải trả, chi phí quản lý như tiền nhà, điện, nước, khấu hao, các chi phí về giấy tờ…. Các chi phí này được tính theo tỷ lệ phần trăm trên quy mô sản phẩm hoặc trên thu nhập mà sản phẩm mang lại.

Thứ hai, ngân hàng tổng hợp tổn thát ròng có thể xảy ra đối với các sản phẩm như mất trộm, tiền giả, khách hàng không trả được nợ…. Các tổn thất này thường dựa trên thống kê kinh nghiệm ( kỳ trước) và phán đoán xu hướng sắp tới. Các tổn thất dự đoán này cũng được tính theo tỷ lệ % trên quy mô của sản phẩm.

Thứ ba, ngân hàng tính toán các loại thuế phải nộp dựa trên các loại thuế suất quy định.

Thứ tư, ngân hàng phân loại các sản phẩm có thể mang lại thu nhập cho ngân hàng như các sản phẩm mang lại thu nhập lãi, phí, chênh lệch giá… Các chi phí trên sẽ được phân bổ trực tiếp và gián tiếp cho các sản phẩm sinh lời.

Thứ năm, ngân hàng dự tính thu nhập sau thuế đảm bảo lợi ích kỳ vọng của chủ sở hữu.

Trên cơ sở chi phí tổng hợp, ngân hàng sẽ cân nhắc định giá phù hợp với yêu cầu của thị trường (đảm bảo tính cạnh tranh của ngân hàng) và có thu nhập dự tính. Thu lãi tín dụng được chia cho dư nợ để tính lãi suất tín dụng. Nếu giá bán của sản phẩm không được thị trường chấp nhận, ngân hàng buộc phải giảm chi phí hoặc thu nhập dự tính.

3.1.1. Sử dụng chi phí bình quân.

Ngân hàng sử dụng lãi suất bình quân kỳ trước của các yếu tố trong công thức ở mục 3.1. để định giá sản phẩm. Như vậy, lãi suất cho vay được xác định dựa trên lãi suất bình quân nguồn huy động, rủi ro, chi phí quản lý….. trong kỳ trước có tính đến sự thay đổi trong kỳ này.

Lãi suất bình quân có thể tính cho một nguồn trong khoảng thời gian, hoặc tính chung cho một nhóm nguồn cung tài trợ cho một loại cho vay ( có cùng lãi suất cho vay). Ví dụ, ngân hàng sử dụng nguồn huy động 3,6,12 tháng với các lãi suất khác nhau để cho vay ngắn hạn ( một mức lãi suất). Ngân hàng có thể sử dụng lãi suất bình quân của các nguồn để tính chi phí trả lãi chung khi đặt giá cho khoản cho vay.

Ví dụ: Một ngân hàng có về quy mô và lãi suất huy động sau:

Tỷ đồng, %

Nguồn vốn

bình quân

Lãi

suất

bình quân

Tài sản

Bình

quân

Lãi

suất

bình quân

1. Tiền gửi thanh toán

2. Tiền gửi tiết kiệm

3. Tiền gửi tiết kiệm trung

4. Tiền gửi tiết kiệm dài

5.Vay ngắn

6. Nguồn khác

7. Vốn và quỹ

100

400

200

100

100

0

100

1

1,5

2

2,5

1,5

1. Tiền mặt và tiền gửi

2. Chứng khoán

3. Cho vay ngắn

4. Cho vay trung và dài đối với  doanh nghiệp

5. Liên doanh

6. Cho vay tiêu dùng

7. Tài sản cố định và tài sản khác

50

150

250

300

100

100

50

1

Lãi từ hoạt động liên doanh: 1; thu khác: 1,5

Chi phí quản lý: 2; chi quỹ dự phòng tổn thất: 1

Thuế suất thu nhập 25%

Lãi suất huy động là lãi suất bình quân của kỳ trước được sử dụng để tính lãi suất đầu vào của các khoản cho vay kỳ này.

3.1.1.1. Định giá chung cho các tài sản sinh lời theo lãi suất bình quân ( tổng hợp chi phí thu nhập)

Giả sử lãi suất bình quân nguồn được xác định dựa trên lãi suất thị trường, phản ánh chi phí cho từng nhóm nguồn. Ngân hàng có thể xác định chi phí trả lãi bình quân chung cho tổng nguồn hoặc cho từng nhóm nguồn có chung tiêu thức sử dụng. Theo công thức tại 3.1. các bộ phận hợp thành thu lãi từ hoạt động tín dụng được tính dựa trên số liệu kỳ quá khứ.

Tổng chi phí trả lãi.

100 x1% + 400 x 1,5% + 200 x 2% + 100 x 2,5% + 100 x 1,5% = 15

Vậy lãi suất bình quân của tổng nguồn

Nhóm tài sản không sinh lãi: Tiền mặt, tiền gửi và tài sản cố định.

Tổng giá trị tài sản không sinh lãi = 100

Tài sản có lãi suất xác định trước: Chứng khoán, lãi chứng khoán

150 x 1% = 1,5

Nhóm tài sản ngân hàng phải đặt giá: Cho vay ngắn hạn, cho vay trung và dài hạn đối với doanh nghiệp, cho vay tiêu cùng. Tổng dư nợ = 650.

Lãi suất bình quân của các khoản cho vay để thu lãi bù đắp chi phí trả lãi.

Lãi suất cho vay để bù đắp toàn bộ chi phí ( hoà vốn)

Nếu ngân hàng muốn có tỷ lệ sinh lời trên vốn sở hữu đạt 3%, lãi suất cho vay bình quân phải là:

15+3-1,5-1-1,5 + (Vốn sở hữu x3%)

                              ( 1 - Thuế suất)

                             650

3.1.1.2. Định giá cho một tài sản sinh lời theo lãi suất bình quân

Tính lãi suất cho một hoặc nhóm tài sản sinh lời, ngân hàng có thể tính lãi suất chi trả của từng nhóm nguồn dùng để tài trợ cho tài sản đó, chi phí dự phòng tổn thất, phân bổ các khoản chi phí và thu khác cho tài sản đó

Lãi suất tài sản A

=

Chi phí trả lãi của nhóm nguồn tài trợ cho tài sản A

+

Chi phí khác phân bổ cho tài sản A

+

Thuế

+

Thu nhập dự tính đối với tài sản A

Theo ví dụ 3.1.1. Ngân hàng có thể định giá cho các khoản cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn cho các doanh nghiệp và cho vay tiêu dùng. Nếu ngân hàng cho rằng, các nguồn ngắn hạn, trước hết dùng để tài trợ cho các tài sản ngắn hạn, thì chi phí nguồn bình quân cho các tái sản ngắn hạn chính là chi phí trả lãi ngắn hạn. Tuy nhiên, phần lớn nguồn ngắn hạn phải chịu dự trữ bắt buộc, nên ngân hàng có thể phân bổ dự trữ bắt buộc cho các khoản cho vay khác nhau.

Theo ví dụ đã cho ở mục 3.1.1. các nguồn ngắn hạn gồm tiền gửi thanh toán, tiết kiệm và vay ngắn hạn = 600

Lãi phải trả cho nguồn ngắn hạn:

100 x 1% + 400 x 1,5% + 100 x 1,5% = 8,5

Lãi suất bình quân nguồn ngắn hạn:

Do ngân hàng duy trì dự trữ (50) không sinh  lời nên lãi suất nguồn ngắn hạn cần bù đắp là:

Lãi phải trả cho các nguồn ngắn hạn x100

=

8,5 x 100

=

1,54545%

Nguồn ngắn hạn - Dự trữ

550

Đây chính là lãi suất sinh lời đảm bảo bù đắp chi phí trả lãi trong trường hợp có dự trữ ( giả sử dự trữ không sinh lời).

Trong những trường hợp ngân hàng nắm giữ chứng khoán thanh khoản ( sinh lời thấp), lãi suất của các khoản cho vay ngắn hạn phải tính phần bù cho chứng khoán ngắn hạn (để hạn chế rủi ro thanh khoản)

Do đó lãi suất cho vay ngắn hạn bù đắp chi phí đầu vào là

Lãi phải trả

nguồn ngắn hạn

-

Lãi thu được từ chứng khoán ngắn hạn

x 100

=

(8,5 – 1,5)x100

=

7x100

= 1,75%

Nguồn ngắn hạn - Dự trữ - Chứng khoán ngắn hạn

600-50-150

400

Theo ví dụ 3.1.1.

Chi phí quản lý: 2 ; thu nhập khác ( ngoài lãi) : 2,5

Vậy chênh lệch thu chi khác là 2 -2 ,5 = 0,5

Tỷ lệ phân bổ chênh lệch thu chi khác cho các khoản cho vay

Phần bù rủi ro tính trực tiếp cho các khoản vay, bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất, rủi ro khác. Dự tính trong 1 đơn vị chi cho quỹ dự phòng tổn thất tín dụng, tín dụng ngắn hạn chiếm 0,4. Vậy, phần bù rủi ro đối với khoản cho vay ngắn hạn:

Thuế và thu nhập sau thuế của ngân hàng

Phân bổ thuế và thu nhập sau thuế cho khoản sau ngắn hạn

Lãi suất cho vay ngắn hạn:

 1,75% - 0,77%  + 0,16% + 0,61% = 2,443%

Với phương pháp tính bình quân như trên, ngân hàng xác định lãi suất cho vay ngắn hạn đảm bảo bù đắp chi phí có lợi nhuận.

Đối với các khoản cho vay trung và dài hạn, lãi suất nguồn vốn tài trợ chính là suất hỗn hợp giữa lãi suất trung, dài hạn với lãi suất ngắn hạn. Ngân hàng có thể không phân bổ chi phí nguồn ( dành cho các khoản mục dự trữ) cho các khoản tín dụng trung và dài hạn, song chi phí quản lý trực tiếp gắn với việc thẩm định dự án, theo dõi dự án, chi quỹ dự phòng rủi ro gắn liền với tín dụng trung và dài hạn đều cao hơn ngắn hạn. Đó là các yếu tố làm lãi suất tín dụng trung và dài hạn cao hơn ngắn hạn.

3.1.2. Sử dụng lãi suất biên để xác định lãi suất nguồn huy động

Sử dụng lãi suất trung bình trong định giá có thể dẫn đến sai sót trong điều kiện lãi suất có xu hướng tăng ( hoặc giảm) nhanh. Nếu lãi suất huy động đang có xu hướng tăng mà lãi suất cho vay dự tính lại dựa trên lãi suất bình quân thì có thể lãi suất cho vay không đủ bù đắp lãi suất huy động. Sự gia tăng liên tục của lãi suất huy động sẽ làm cho chi phí trung bình kỳ trước không phản ánh trung thực chi phí thực tế sắp tới. Nếu đem so sánh lãi suất một khoản tín dụng và đầu tư dự tính với lãi suất huy động trung bình kỳ trước có thể được coi là sinh lợi, song nếu so với lãi suất biên thì lại không sinh lợi. Do vậy, định giá cho vay và đầu tư trong trường hợp cụ thể cần dựa trên lãi suất biên

Chi phí cận biên – chi phí tăng thêm cho một đồng vốn mới - được sử dụng trong việc định giá các khoản tiền gửi và các nguồn vốn khác của ngân hàng sẽ huy động thêm. Lãi suất biên phản ánh sự thay đổi và xu hướng thay đổi trong lãi suất huy động. Lãi suất huy đọng biên là cơ sở tính lãi suất cho vay biên cũng như ra các quyết định về quy mô, cấu trúc nguồn huy độg.

Tỷ lệ chi phí cận biên

=

Mức thay đổi chi phí dự tính

Quy mô nguồn huy động tăng

Giả sử lãi suất tiết kiệm bình quân kỳ trước là 1,5% với quy mô là 400. Ngân hàng dự tính kỳ tới lãi suất tăng lên 1,7% và quy mô huy động tăng lên 420, trong đó 350 vẫn đang duy trì với lãi suất cũ và 70 đã chuyển sang lãi suất mới. Vậy, chi phí dự tính tăng thêm.

( 70 x1,7% + 350 x1.5% - 400 x 1,5%) = 0,44

Lãi suất biên:

Nếu 20 tăng thêm cho vay với lãi suát 1,7% ( giả sử bỏ qua các yếu tố khác) thì ngân hàng hoà vốn trên quan điểm lãi suất trung bình đối với phần huy động gia tăng. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ bị lỗ nếu đặt giá như vậy do một phần huy động cũ (50) vói lãi suất cho vay cũ đã chuyển sang lãi suất mới (1,7%). Lỗ ( chi phí huy động lớn hơn cho vay) là:

(70 – 20 ) x 1,7% = 0,85

Như vậy, nếu kỳ hạn định giá huy động và cho vay không bằng nhau ( thường kỳ hạn định lại giá của huy động ngắn hơn cho vay) thì việc cho vay dựa trên lãi suất huy động bình quân sẽ không đảm bảo yêu cầu sinh lời.

Đặt giá trên cơ sở lãi suất biên yêu cầu  ngân hàng tính lãi suất tài trợ trên cơ sở lãi suất biên của nguồn tài trợ. Theo ví dụ đã cho ( mục 3.1) lãi suất cho vay ngắn hạn 2,3155% đối với số dư bình quân 250 để  đạt thu nhập ròng mong muốn. Khi ngân hàng huy động thêm 20 tiết kiệm ngắn với lãi suất 1,7%, lãi suất biên là 2,2% (

Từ đó, lãi suất đầu vào của khoản cho vay ngắn hạn:

( Giả sử dự trữ tăng thêm 1,46 khi huy động thêm 20, tức là chỉ có thể cho vay thêm 20 – 1,46 = 18,54)

Nếu cộng thêm các phần khác ( chi phí ròng, rủi ro…) như tính ở phần trên, lãi suất cho vay ngắn hạn tăng thêm

2,373% + 0,16% - 0,077% + 0,61% = 2,466%

Lãi suất cho vay rất cao so với cách tính chi phí trung bình ( 2,466%). Để thích ứng với lãi suất biên khi huy động, ngân hàng thường tăng lãi suất huy động để cho vay với kỳ hạn dài hơn ( huy động ngắn để cho vay trung và dài hạn), hoặc cho vay với lãi suất thả nổi.

3.2. Định giá tài  sản sinh lời theo lãi suất cơ bản.

Theo phương pháp này, lãi suất sinh lời bao gồm 2 phần chính: Lãi suất cơ bản và phần bù rủi ro. Trong đó, lãi suất cơ bản là phần chung cho mọi khách hàng, mọi loại hình tín dụng, phần bù rủi ro áp dụng riêng cho từng loại khách hàng hoặc từng loại hình tín dụng.

Lãi suất cho vay = Lãi suất cơ bản + Phần bù rủi ro

Ví dụ: Lãi suất cơ bản là 6 %, nếu khách hàng A vay ngắn hạn, phần bù rủi ro là 1% nếu vay trung hạn, phần bù rủi ro là 1,5%

Lãi suất cho vay ngắn hạn: 6% + 1% = 7%

Lãi suất cho vay trung hạn: 6% + 1,5% = 7,5%

Lãi suất cơ bản thường nhạy cảm với các nhân tố trên thị trường tiền tệ - là phần thường thay đổi. Giả sử trong 6% lãi suất cơ bản thì lãi suất huy động là 4%. Nếu lãi suất hụy động tăng lên 5% thì lãi suất cơ bản là 7%

Có nhiều phương pháp xác định lãi suất cơ bản. Lãi suất cơ bản được xác định dựa trên tổng chi phí và thu nhập, áp dụng cho khách hàng vay tốt nhất ( rủi ro bằng không)

Lãi suất cơ bản

=

Lãi suất

 huy động

+

Chi phi

Ròng khác

+

Thuế

+

Thu nhập

dự tính

Lãi suất cơ bản dựa trên lãi suất thị trường liên ngân hàng, là lãi suất các ngân hàng cho nhau vay. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng nổi tiếng như LIBORE, SIBORE thường trở thành lãi suất cơ bản của nhiều ngân hàng thương mại. Lãi suất này thường xuyên thay  đổi. Do đó, nếu ngân hàng áp dụng cho vay với lãi suất thả nổi thường chọn lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hình thành lãi suất cơ bản.

Lãi suất

Cơ bản

=

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng

+

Thuế

+

Thu nhập dự tính

Những ngân hàng nhỏ chọn lãi suất cho vay của các ngân hàng lớn làm lãi suất cơ bản. Từ đó, một tỷ lệ phần trăm được cộng thêm để bù đắp chi phí của ngân hàng nhỏ.

4. Định giá nguồn huy động

Định giá nguồn huy động là một mắt xích trong quy trình định giá của ngân hàng, bao gồm xác định lãi suất huy động và các chi phí khác có liên quan tới huy động, trong đó lãi suất là phần quan trọng ảnh hưởng đến quy mô và hiệu quả huy động. Một số chi phí khác có liên quan trực tiếp tới huy động như chi phí thuê quầy tiết kiệm, lương của cán bộ phòng nguồn vốn, sổ sách… Một số chi phí khác được tính chung vào chi phí quản lý và rất khó phân bổ cho hoạt động huy động vốn.

Xác định lãi suất huy động là công việc phức tạp, quyết định tới chất lượng của nguồn huy động, từ đó tới chất lượng của tài sản, đòi hỏi tính nhạy bén của nhà quản lý ngân hàng. Ngân hàng cần phải phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới quy mô nguồn huy động để xác định lãi suất và các chi phí huy động khác.

4.1. Theo nguyên lý chung, các ngân hàng huy động với lãi suất thị trường, phản ánh quan hệ cung cầu trên thị trường tiền tệ.

Với mỗi mức giá cụ thể, ngân hàng có phương pháp riêng để tính toán

Lãi suất

Huy động

=

Tỷ lệ lạm phát bình quân

+

Tỷ lệ thu nhập kỳ vọng của người gửi tiền

Tỷ lệ thu nhập kỳ vọng của ngưởi gửi tiền phụ thuộc vào rủi ro của mỗi ngân hàng, tỷ lệ sinh lợi của các họat động đầu tư khác và những tiện ích mà người gửi hy vọng nhận được từ ngân hàng. Những loại tiền gửi mà tiện ích thu được từ ngân hàng càng cao thì lãi suất ngân hàng trả cho nguồn tiền càng thấp

4.2. Trong quá trình phát triển của thị trường tài chính, nguồn cung ứng tiền từ ngân hàng Trung ương, từ các tổ chức tài chính khác ngày càng có ý nghĩa hơn đối với các ngân hàng thương mại.

Với môi trường này, ngân hàng thương mại xác định lãi suất huy động dựa trên lãi suất gốc. Những lãi suất gốc quan trọng là lãi suất tái chiết khấu của ngân hàng Trung ương ( Ngân hàng Nhà nước), lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hoặc lãi suất trái phiếu ngắn hạn của Chính phủ. Những ngân hàng lớn, ở các trung tâm tài chính, thường lấy các lãi suất này làm điểm xuất phát khi xác định lãi suất huy động.

Lãi suất

nguồn (nhóm nguồn)

=

Lãi suất gốc (lãi suất tái chiết khấu hoặc lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu Chính phủ)

+

Tỷ lệ thu nhập kỳ vọng của người gửi tiền

Ngân hàng sử dụng lãi suất gốc để xác địn lãi suất trả cho các nguồn tiền gửi ngắn hạn. Từ lãi suất gốc, ngân hàng đa dạng các tỷ lệ lãi suất khác nhau theo nguyên tắc.

- Lãi suất bình quân thực dương, tương quan về an toàn và sinh lợi với các hoạt động đầu tư khác như mua vàng, bất động sản, chứng khoán.

- Lãi suất tiền gửi nhỏ hơn lãi suất cho vay với cùng kỳ hạn

- Lãi suất tỷ lệ thuận với kỳ hạn

- Lãi suất tỷ lệ thuận với quy mô

- Lãi suất tỷ lệ nghịch với tính thanh khoản

- Lãi suất tỷ lệ thuận với khả năng sử dụng của tiền gửi

- Lãi suất tỷ lệ nghịch với độ an toàn của ngân hàng và các tiện ích mà ngân hàng cung cấp.

4.3. Trong điều kiện cạnh tranh để tìm kiếm nguồn tiền, nhiều ngân hàng nỗ lực tiết kiệm chi phí khác ( như chi phí quản lý) và chấp nhận tỷ lệ thu nhập ròng thấp để gia tăng lãi suất huy động.

Ngân hàng có thể xác định lãi suất huy động tối đa trong mối tương quan với lãi suất sinh lời của các tài sản.

Lãi suất nguồn

( nhóm nguồn)

=

Tỷ lệ sinh lời dự tính từ tài sản được tài trợ bằng nguồn

 ( nhóm nguồn)

-

Tỷ lệ chi phí khác ròng phân bổ cho nguồn

( nhóm nguồn)

-

Tỷ lệ thuế thu nhập và thu nhập ròng tính trên  nguồn

(nhóm nguồn)

Ví dụ: Một ngân hàng có các số liệu sau: ( số dư - tỷ đồng) lãi suất - %)

Nguồn vốn

bình quân

Lãi

suất

bình quân

Tài sản

Bình

quân

Lãi

suất

bình quân

1. Tiền gửi thanh toán

2. Tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn

3. Tiền gửi tiết kiệm trung

4. Tiền gửi tiết kiệm dài hạn

5.Vay ngắn hạn

6. Nguồn khác

7. Vốn và quỹ

100

400

200

100

100

0

100

1. Tiền mặt và tiền gửi

2. Chứng khoán

3. Cho vay ngắn

4. Cho vay trung và dài đối với  doanh nghiệp

5. Liên doanh

6. Cho vay tiêu dùng

7. Tài sản khác

50

150

250

300

50

150

50

0

1

2

2,5

3

0

Lãi liên doanh ước tính đạt: 1

Nguồn ( nhóm nguồn) ngân hàng phải đặt giá: Tiền gửi thanh toán, tiết kiệm ngắn, vay ngắn, tiết kiệm trung và tiết kiệm dài hạn

Nếu chi phí quản lý: 2, chi quỹ dự phòng rủi ro: 1

Thu khác: 1,5

Thuế suất thu nhập: 25%

Yêu cầu: Đặt giá cho các khoản tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn

Tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn 400 có thể được dùng tài trợ cho các tài sản sau:

Chứng khoán: 100

Cho vay ngắn: 250

Cho vay trung: 50

(Giả sử tiền gửi thanh toán tài trợ cho ngân quỹ và chứng khoán ngắn hạn)

Lãi suất sinh lời bình quân tính cho nguồn tiền gửi ngắn hạn là:

Chi phí ròng phân bổ cho các khoản cho vay liên doanh là:

Thu nhập ròng và thuế thu nhập phân bổ cho các khoản cho vay và liên doanh

=

Thu nhập trước thuế

=

4x100

=

0,53333%

Dư  nợ và liên doanh

750

( Giả sử rằng chứng khoán không phải chịu phân bổ chi phí, thuế và thu nhập ròng dự tính)

Lãi suất có thể áp dụng cho tiết kiệm ngắn hạn là:

2,1875% - 0,2% - 0,53333% = 1,4542%

Từ lãi suất bình quân, ngân hàng có thể phân biệt thành các lãi suất ngắn hạn khác nhau như lãi suất tiết kiệm 12 tháng, 6 tháng, 3 tháng….

Ngân hàng có thể điều chỉnh lãi suất cho phù hợp với môi trường cạnh tranh và chiến lược huy động vốn, trong mối tương quan với các lãi suất khác trong ngân hàng

4.4. Một số ngân hàng nhỏ đặt giá trên cơ sở lãi suất của ngân hàng lớn ( Ngân hàng trung gian)

Tuỳ trường hợp cụ thể mà lãi suất này sẽ cộng thêm phần bù rủi ro của ngân hàng nhỏ. Trong điềukiện thị trường xa cách, người gửi khó tiếp cận với các ngân hàng lớn, ngân hàng nhỏ đặt lãi suất huy động tương quan với lãi suất sinh lời.

5. Định giá cá biệt

Nguyên tắc định giá:

- Xác định các đối tượng cần định cá biệt, xác định mục tiêu định giá cá biệt

+ Giá cá biệt phải phản ánh chất lượng sản phẩm cá biệt của ngân hàng

+ Giá thâm nhập thị trường cần phải nghiên cứu và định giá thấp hơn giá của các đối thủ cạnh tranh

+Giá cá biệt phải đảm bảo tăng thu nhập cho ngân hàng

Nội dung:

Ngân hàng sử dụng phương pháp chi phí và thu nhập áp dụng cho một khách hàng cần định giá cá biệt

Ví dụ: Một khách hàng có số dư tiền gửi thanh toán trung bình năm là 100.000 có nhu cầu vay 480.000 trong 12 tháng. Đây là khách hàng có tiền gửi thanh toán lớn. Ngân hàng có thể sử dụng một phần tiền gửi này để thiết lập dự trữ bắt buộc hoặc nắm giữ chứng khoán thanh khoản. Vì vậy, ngân hàng có thể cung cấp một số dịch vụ ưu đãi, như giảm chi phí thanh toán, giảm mức ký quỹ hoặc giảm lãi suất cho vay.

Giả sử lãi suất trả tiền gửi thanh toán trung bình là 1%/ năm, tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 5%, tỷ lệ dự trữ thanh toán là 15%

Vậy số tiền lãi một năm ngân hàng phải trả cho khách.

100.000 x 1% = 1.000

Dự trữ bắt buộc và dự trữ thanh toán

100.000 x 20% = 20.000

Số tiền gửi thanh toán của khách hàng mà ngân hàng có thể sử dụng bình quân: 100.000 – 20.000 = 80.000

Số tiền mà ngân hàng cần huy động thêm để cho khách hàng này vay: 480.000 -80.000 = 400.000

Nếu lãi suất cho vay chung đối với mọi khách hàng là 6%/năm, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn là 4,4%, lãi suất bình quân nguồn huy động là 4%, thì lãi suất mà ngân hàng sẽ thu được nếu như không có phân biệt giá: 480.000 x 6% = 28.800

Chênh lệch lãi suất: 6% - 4% = 2%

Do khách hàng này có tiền gửi thanh toán lớn nên lãi suất bình quân nguồn có thể tính lại như sau: ( bỏ qua một số yếu tố khác)

Lãi suất cho vay có thể áp dụng đối với khách hàng này là:

3,38% + 2% = 5,38%

6. Định giá các dịch vụ khác của ngân hàng

Ngoài huy động, cho vay, đầu tư và cho thuê, ngân hàng còn cung cấp nhiều dịch vụ khác như thanh toán, kinh doanh ngoại tệ, vàng bạc, chứng khoán, bảo lãnh, uỷ thác…. Các dịch vụ này tạo thu nhập đáng kể cho ngân hàng, đồng thời cũng làm gia tăng chi phí. Xác định giá dịch vụ khác hợp lý sẽ có tác dụng mở rộng thị trường cho ngân hàng

Nguyên tắc định giá:

- Xác định các loại dịch vụ miễn phí và chịu phí, các đối tượng miễn phí.

- Phân bổ các chi phí liên quan tới dịch vụ chịu phí bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp.

- Các dịch vụ có liên quan chặt chẽ với nhau có thể san sẻ chi phí cho nhau, các - dịch vụ mới có thể san bớt chi phí sang các dịch vụ đã được sử dụng rộng rãi, thu nhập cao.

- Định giá dịch vụ theo quy mô: Quy mô sử dụng càng cao, phí suất có thể càng thấp

- Định giá dịch vụ có so sánh với giá tương quan của các tổ chức khác có cung cấp dịch vụ cùng loại.

- Giá dịch vụ phải bù đắp được chi phí cho các dịch vụ và đạt thu nhập ròng dự tính ( có so sánh với thu nhập từ các hoạt động khác)

Giá dịch vụ = chi phí cho dịch vụ + Thuế và thu nhập ròng dự tính

Một số ngân hàng chuyển trọng tâm từ cạnh tranh về lãi suất danh nghĩa sang cạnh tranh phi lãi, như cung cấp dịch vụ miễn giảm phí ( miễn phí cam kết, phí mở tài khoản và duy trì tài khoản, phí tư vấn, giảm phí uỷ thác…) hoặc giảm chi phí của khách hàng khi tiếp cận với các dịch vụ của ngân hàng như thiết lập các hệ thống chi nhánh, ứng dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, khi cạnh tranh lãi suất diễn ra gay gắt, các ngân hàng phải thu hẹp phạm vi miễn giảm phí. Đồng thời,mỗi dịch vụ phi lãi thường được định giá sao cho khoản thu đủ bù đắp tất cả hoặc phần lớn chi phí cho việc cung cấp dịch vụ đó đồng thời tạo thêm thu nhập cho ngân hàng.

Ví dụ: Phí thanh toán bao gồm phí chuyển tiền, đếm tiền, mở tài khoản, mua và thanh toán bằng thẻ, phí sử dụng máy rút tiền tự động…. Các khoản phí này gắn liền với tiền gửi thanh toán. Định giá cho các dịch vụ này có thể được tính tổng thể cho toàn bộ tiền gửi thanh toán.

Thứ nhất: Ngân hàng tính các chi phí trực tiếp phát sinh từ việc cung cấp các dịch vụ thanh toán. Nếu chuyển tiền thì đó là tiền điện, bưu điện, mạng thanh toán điện tử, nếu thanh toán bằng thẻ thì đó là ch phí phát  hành thẻ, tiền điện, tiền công của nhân viên ngân hàng làm công tác thanh toán, khấu hao máy móc, tổn thất trong quá trình thanh toán…

Thứ hai, Ngân hàng phân bổ các chi phí khác có liên quan cho dịch vụ thanh toán, như chi phí quản lý ngân hàng, khấu hao nhà cửa, chi phí đào tạo, chi phí quảng cáo…. Tỷ lệ phân bổ tuỳ thuộc vào chính sách phí của ngân hàng. Nếu tỷ trọng cho vay và đầu tư lớn, lãi suất sinh lời cao, có thể ngân hàng sẽ chuyển toàn bộ hoặc phần lớn chi phíchung cho các khoản cho vay và đầu tư. Hoặc nếu ngân hàng đang có chính sách phát triển loại dịch vụ mới, ngân hàng cũng có thể đặt giá thấp bằng cách chuyển một phần chi phí sang các dich vụ khác.

Thứ ba, ngân hàng có thể ước tính thu nhập ròng cho các dịch vụ. Một số trường hợp, ngân hàng đặt mục tiêu phí dịch vụ chỉ cần bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí có liên quan.

Đối với thuê – mua, ngân hàng xác định tiền thuê thu hàng kỳ dựa trên hao mòn của tài sản cho thuê ( hao mòn vô hình và hữu hình), lãi suất dự tính và khả năng bán ( giá bán) của tài sản đó khi hết hạn…. Lãi suất để cấu thành tiền thuê cũng được xác định như trong cho vay.

7. Xác định nhân tố phi lãi suất

Người vay quan tâm không chỉ lãi suất của các khoản vay, phí dịch vụ, mà còn quan tâm tới nhiều yếu tố khác có thể tạo thành chi phí của khoản vay. Chi phí này có thể được tạo thành từ yêu cầu của ngân hàng như lãi suất, phí, chi phí công chứng, chi phí bảo quản và giám sát tài sản, chi phí đi lại…. Nhưng chi phí này hình thành phí suất tín dụng đối với khách hàng. Vì vậy, ngân hàng phải quan tâm tới tất cả các khoản phí tạo thành phí suất tín dụng.

7.1. Các nhân tố trực tiếp

Hai nhân tố tác động trực tiếp tới lãi suất cho vay là số dư bù và phí cam kết.

7.1.1. Số dư bù

Ngân hàng yêu cầu người vay duy trì số tiền gửi tối thiểu trên tài khoản tiền gửi thanh toán trong quá trình vay. Số dư bù được xác định trung bình trên các khoản cho vay, nhằm giảm rủi ro ngân hàng từ phía khách hàng. Hơn nữa, nó cho phép ngân hàng thanh toán các chi phí ngầm ( khi khoản vay của khách là đáng chú ý đối với ngân hàng, ngân hàng có thể gia tăng chi phí ngầm đối với khoản vay này). Chi phí của số dư bù đối với người vay có thể phản ánh trực tiếp trong chi phí của khoản vay. Nếu người vay cần 80 triệu song phải duy trì số dư bù 20%, tức 16 triệu, thì số tiền người vay thực sự sử dụng được của ngân hàng là 64 triệu. Nếu lãi suất của ngân hàng là 10%, thì lãi suất thực  ( lãi suất hiệu dụng) mà người vay phải trả là:

Số dư bù bị phê phán là kém hiệu quả dù chúng làm gia tăng lãi suất hiệu dụng. Số dư bù phải đối lại các khoản dự trữ, vì vậy, ngân hàng không thể sử dụng toàn bộ số dư bù để cho vay.

7.1.2. Phí cam kết

Đáp ứng yêu cầu vay ( thường là trung và dài hạn) của khách hàng trong tương lai, ngân hàng thường ký hợp đồng tín dụng, cam kết cấp cho khách hàng hạn mức tín dụng trong khoảng thời gian xác định. Để có được cam kết đó của ngân hàng, trong nhiều trường hợp, khách hàng phải trả phí cam kết.. Phí cam kết, được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên hạn mức cam kết còn lại mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng. Về thực chất, phí này là giá để gọi ( tìm) nguồn trong tương lai, liên quan tới chi phí của ngân hàng để duy trì tính thanh khoản nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay ( ví dụ nắm chứng khoán của Chính phủ, duy trì tiền gửi…..). Nếu khách hàng sử dụng vốn vay, khách hàng phải trả lãi. Nếu khách hàng chưa sử dụng hết cam kết, khách hàng phải trả phí cam kết. Do vậy, phí cam kết làm gia tăng ch phí vay vốn của khách hàng.

7.2. Các nhân tố gián tiếp

Quan trọng nhất là quy định về kỳ hạn trả nợ, phương pháp tính lãi, các yêu cầu về tài sản đảm bảo ( chi phí thuê kho bãi, nhân viên để quản lý tài sản đảm bảo, chi phí đánh giá tài sản đảm bảo…) chi phí để xây dựng dự án, thẩm định dự án. Việc xác định kỳ hạn trả có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của khách hàng, gây khó khăn về ngân quỹ cho khách hàng. Thời gian và chi phí bằng tiền để công chứng tài sản thế chấp và các giấy tờ có liên quan có thể làm mất đi cơ hội kinh doanh của khách hàng và làm tăng phí tổn tín dụng. Chi phí để thẩm định, tái thẩm định dự án theo yêu cầu của ngân hàng cũng làm tăng chi phí của khách hàng… Các yếu tố này được đặt ra làm giảm rủi ro của ngân hàng và tăng chi phí hiệu dụng của khách hàng trong đó xác định cấu trúc của lãi, phí và các chi phí khác mà khách hàng phải trả cho ngân hàng và cho các chủ thể khác.

Định giá là hoạt động phức tạp, liên quan đến hầu hết các dịch vụ của ngân hàng thương mại. Định giá cần phản ánh lợi ích tương quan giữa ngân hàng và khách hàng nhằm góp phần tạo tăng trưởng bền vững cho cả hai bên. Định giá cần mang tính đa dạng, thể hiện sự khác biệt trong tiện ích mà ngân hàng cung cấp cho các khách hàng khác nhau. Trong môi trường cạnh tranh và hợp tác, định giá của các ngân hàng thương mại ngày càng linh hoạt, trở thành nội dung quan trọng trong chiến lược hoạt động của ngân hàng.

[1] QĐ 1627/2001 và 127/2005/QĐ-NHNN. 

          [2] Ở các nước trên thế giới, cho vay trung hạn có thời hạn từ 1-7 năm, cho vay dài hạn có thời hạn trên 7 năm

[3] Tham khảo tài liệu QTKDNHTM- Trung tâm bồi dưỡng tư vấn về Ngân hàng- Tài chính - ĐHKTQD

[4] Thông tư số 15/2010/TT-NHNN

[5] Tham khảo tài liệu Quản trị NHTM - ĐHKTQD

 [L1]

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro