1. Bông hoa nằm bên cạnh trời xanh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


và áo blouse đầy thức ăn thừa của anh ấy.

...

Ngày Santa được phân công tham gia trực khu cấp cứu lần thứ hai trong tuần, Rikimaru cuối cùng cũng không chạy sượt qua mặt em với vụn bánh mì vẫn còn dính bên má lẫn lộn trong máu bắn lên từ vết thương vì xương đùi bị cán nát do lật xe trên đường cao tốc của bệnh nhân đang được chuyển vào OR từ cáng cấp cứu, hay là Santa cũng không thấy Rikimaru mở banh miệng của ông chú năm mươi tuổi bị suy hô hấp cấp rồi dùng tay móc đờm vàng khè như mỡ và xương cá từ cổ họng ngay khi em vừa vội vàng húp một bát canh rong biển vài phút trước để kịp ca trong tiếng ói mửa lén lút của những người xung quanh, và tuyệt đối càng không phải là một ca bệnh kỳ quái nào đó, khi anh ấy lấy kim tiêm chọc vào dương vật của bệnh nhân nam bốn mươi tám tuổi, đột quỵ ngay trong khi đang ngoại tình với những âm thanh chửi bới xối xả của người vợ mặc một chiếc váy body màu đỏ rượu và tay thì đeo tới năm cái lắc vàng.

Mười một giờ hai mươi phút đêm mùa xuân, sau nửa tháng Rikimaru trực ở khu cấp cứu, Santa mới có thể nhìn thấy anh ấy không đeo găng tay và chẳng dính một tí máu nào.

Đèn trần chạy dọc hành lang sáng loà rọi vào mái tóc đen, cổ áo Rikimaru một bên gấp một bên nâng lên xộc xệch, vệt bút bi chạy dài từ vai tới ngực trên vạt áo blouse trắng tinh tươm.

Lần này, Rikimaru chỉ đang cãi nhau với người nhà bệnh nhân ngay ở hành lang bệnh viện.

Hành lang lúc nửa đêm vắng người, hàng ghế chờ chỉ có vài thân nhân đang ngồi và hai tốp điều dưỡng đẩy xe dụng cụ đi ngang qua, giấu giếm một cái nhăn mày lo lắng.

Các bác sĩ, điều dưỡng hay nhân viên y tế của khu cấp cứu có ba điều điều kiêng kị.

Một là ngay cả vào những ngày mưa, không ai được nói rằng hôm nay rảnh quá. Hai là tuyệt đối đừng cãi nhau với người nhà bệnh nhân nếu không muốn một email phản ánh dài dằng dặc tới hệ thống đánh giá dịch vụ mà phòng chăm sóc khách hàng đang phát triển. Ba là điều một có thể vài năm quên mất một lần, điều thứ hai có chết cũng không bao giờ được quên.

Thế nhưng, Rikimaru ngoài việc chẳng bao giờ kêu rảnh, hình như, cái gì cũng dám làm.

Chikada Rikimaru là cái tên vượt ra khỏi mọi quy chuẩn của một bác sĩ nội trú thông thường trong những câu chuyện truyền kỳ của bệnh viện.

Đó còn chưa kể, thời điểm anh ấy mới là bác sĩ thực tập năm thứ tư đã có thể trở thành phụ mổ thứ ba trong một ca phẫu thuật ghép tim cho một bệnh nhi tám tháng tuổi. Trong tỷ lệ số ca ghép tim của trẻ sơ sinh là 0.1 phần trăm trên một trăm năm mươi ca trong nước và tỷ lệ một bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật ghép tim cho trẻ em dưới ba tuổi trong sự nghiệp của mình là 0.4 phần trăm trong tổng số bác sĩ chuyên ngành, số thực tập sinh được bước vào phòng phẫu thuật của phần trăm ít ỏi này còn là con số không đáng tính toán khi xác suất chứa tới ba số không nằm sau dấu chấm.

Vậy nên, khi các bác sĩ nội trú khác còn đang chật vật với hàng đống chẩn đoán lâm sàng của một tá bệnh nhân mỗi ngày và sục sôi trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng cho ca mổ đầu tiên trong đời với tư cách là bác sĩ phẫu thuật chính, bác sĩ nội trú năm cuối Chikada Rikimaru đã một mình thực hiện ca mổ cắt túi mật đơn giản lần thứ ba, làm phụ mổ cho hơn năm mươi ca phẫu thuật và tuyên bố tử vong không biết bao nhiêu bệnh nhân với đôi mắt hoàn toàn ráo hoảnh.

Santa không nghe thấy ai nói cụ thể về việc Rikimaru đã tuyên bố tử vong bao nhiêu lần, đóng ổ ngực cho bao nhiêu bệnh nhân đã chết não hay ngừng tim và số ca phẫu thuật thất bại anh ấy từng tham gia. Các bác sĩ nội trú thường chỉ nói về con số thống kê các bệnh nhân đã bình phục khoẻ mạnh, chẳng ai lặp đi lặp lại về những mất mát đau lòng.

Nhưng thực tập sinh thì lại khác, giống như thể hiện rõ ràng một định luật rằng mỗi giống loài lại quan tâm tới một vấn đề trọng yếu khác nhau.

Do đó, đôi khi, Santa cũng sẽ nghe được vài câu chuyện truyền tai nhau trong những thực tập sinh cùng bệnh viện, như là việc bác sĩ nội trú Chikada phút trước còn đang húp bát canh cà chua trứng ở căng tin lầu hai, hai phút sau đã đón một bệnh nhân bị bỏng lạnh giai đoạn cuối cả hai bàn tay, với những vết rộp căng phồng nổ lốp bốp và mủ vàng nhờ nhờ tràn ra xung quanh những mô cứng đã chết, đen ạm khắp những khớp ngón tay và lúc nhúc giòi. Hoặc là, vào trung tuần tháng hai, một ngày mưa ào ào xối xả, bác sĩ Chikada vẫn mặc nguyên áo blouse vừa bị bệnh nhân mã xanh dương mửa dịch mật còn chảy ròng ròng từ ngực áo xuống thắt lưng, thực hiện CPR khẩn cấp vào lúc năm giờ sáng. Khi mức độ oxy của bệnh nhân trở về giới hạn cho phép, mùi dịch vị mới tiêu hoá một nửa cũng đã bốc lên chua loét nham nhở, rơi rớt ướt đẫm đôi dép xốp lỗ chỗ sứt một góc ở đầu của chiếc bên phải. Thế mà, đúng tám giờ sáng hôm sau khi ca trực vừa kết thúc, thực tập sinh năm ba đã thấy anh ấy ngồi ở căng tin bệnh viện, bê một bát đầy canh khoai tây nấu xương bò bỏ thêm thật nhiều hành hoa.

Cũng có vài lúc, thứ mà người ta bàn tán không phải là những ca cấp cứu ngớ ngẩn éo le hay rùng rợn nguy hiểm mà chỉ đơn giản là việc bác sĩ Chikada chỉ mặc mỗi áo phông hay áo sơ mi trắng bên trong áo blouse quanh năm bốn mùa mà chẳng thấy thay đổi bao giờ để đứng cãi nhau với người nhà bệnh nhân lần thứ hai trong một ngày rưỡi của tuần đầu tháng.

"Lại là bố của Mina à? Gào ầm lên như vậy, chẳng trách con bé sợ không muốn về."

Điều dưỡng Haniuda từ trong khu cấp cứu bước ra, trên tay vẫn còn cầm khay y tế đựng đầy vỏ thuốc và kim tiêm đã dùng hết, đứng ngay đằng sau Santa, thở dài cằn nhằn.

"Thực tập sinh, chuẩn bị gọi người của Trung tâm bảo trợ trẻ em đi. Đừng để xảy ra xô xát với người nhà bệnh nhân."

Santa vâng dạ một tiếng, rời mắt khỏi vết mực ở túi áo của Rikimaru, lại nhìn tới khuôn mặt đỏ gay gắt của người đàn ông say rượu.

Mina bảy tuổi, được mẹ đưa vào bệnh viện một ngày trước vì đau bụng dữ dội nhưng không có biểu hiện lâm sàng gì đặc biệt, kết quả xét nghiệm máu lại thấy được lactate và amylase tăng nhẹ so với trẻ con, vậy nên, Rikimaru giữ cô bé lại để theo dõi.

Được nửa ngày thì mẹ Mina biến mất, bố Mina chạy tới làm ầm cả khu cấp cứu để đòi con.

Bố của Mina nghiện rượu, điều dưỡng Haniuda nói thế lúc lấy mẫu máu xét nghiệm, tóc và áo cô bé đầy mùi cồn, chẳng khó để nhận ra.

Mina khóc nhiều, trốn đằng sau lưng Santa không muốn về với bố. Lúc đó, Santa vẫn còn đeo găng y tế, dính đầy nhọt mủ của bệnh nhân áp xe da mà em đang học cách xử lý, nhầy nhụa như mủ cây cao su bám vào thân gỗ, đến vỗ lưng để chấn an cũng không làm được. Điều dưỡng Haniuda quyết đoán rất nhanh, gọi cho bảo an của bệnh viện tới. Nhưng ngay cả khi bảo vệ mang bố đi rồi, Mina càng không nói gì nhiều, tay cứ run rẩy mãi, nằm trong một góc giường nỉ non.

Phải tới nửa giờ sau khi Rikimaru rời khỏi phòng phẫu thuật, Santa đứng ở cửa phòng bệnh của Mina mới thấy bé con lích rích cười. Lúc đó, Mina đang cầm trong tay vài cành hoa màu trắng, tỉ mỉ cắm trong cái lọ đặt ở cửa sổ bên cạnh.

Bên ngoài khung cửa gỗ, trời hôm nay màu xanh, trong veo như một bức tranh một màu.

"Điều dưỡng Haniuda, nếu bác sĩ đánh người nhà bệnh nhân thì sao hả chị?"

Santa chợt hỏi, lơ đãng bỏ tập bệnh án đang cầm trên tay xuống mặt bàn.

"Thì chết."

Điều dưỡng Haniuda trả lời, dừng tay đang tháo khẩu trang, trợn mắt nhìn Santa.

Santa phì cười, quyết định không nói rằng mình đã thấy chị điều dưỡng gạt chân ông bố say rượu của Mina trước cửa phòng cấp cứu, và rồi tảng lờ đi như chẳng có chuyện gì mà quay sang đón một cụ bà bảy mươi tuổi đang rền rĩ kêu đau lưng.

"Vậy thì người nhà bệnh nhân mà đánh bác sĩ ạ?"

"..."

"Gọi bảo vệ đi."

Điều dưỡng Haniuda dừng chân lại, găng tay y tế vứt vào thùng rác bên cạnh cửa phòng, quay người đi về phía điện thoại của bàn trực.

Santa thì nghĩ, khoảng cách của em cách Rikimaru gần hơn là khoảng cách của bảo vệ từ phòng trực ban phía Nam sang đầu phía Đông của bệnh viện. Thế nên, trước khi cánh tay của bố Mina từ trên không trung hạ xuống, em đã kịp kéo Rikimaru về phía sau vài bước.

Dù vậy, vẫn chưa đủ.

Trong tiếng động ầm ĩ khi người trưởng thành ngã xuống đất và tiếng hét thất thanh, mùi rượu bốc lên cùng những men chua của thức ăn thừa bị khuếch đại trong mùi thuốc khử trùng giữa khu cấp cứu.

Trên áo blouse trắng của Rikimaru lộn nhộn bãi nhầy dị dạng không nhận ra được là những thứ gì, ai cũng giật mình hoảng hốt, chỉ có anh ấy là không. Rikimaru gạt tay của Santa, quỳ xuống đất.

Da của bố Mina xanh tái, mờ nhạt dưới bóng đèn, mạch đập nhanh, huyết áp hạ, không phải là dấu hiệu của hạ đường huyết hay ngộ độc ethanol.

"Có dấu hiệu sốc, chuẩn bị truyền 02, bù dịch, rồi đưa đi chụp CT bụng có cản quang."

Rikimaru nói, những ngón tay thoăn thoắt mở cúc áo của bệnh nhân. Điều dưỡng Haniuda là điều dưỡng trưởng, phân phó nhanh chóng những phần việc cần làm.

"Gọi cả bác sĩ nội trú đang trực Ngoại khoa tới đây."

"Nói cậu đấy, đứng đực ra đó làm gì."

Rikimaru nhìn Santa, cau mày.

"Vâng ạ."

Vết dơ vẫn chảy dài trên ống quần, Santa gật đầu, nuốt xuống lời muốn giải thích, xoay người gọi điện thoại giữa tiếng bánh xe lách cách, tiếng người nói ồn ào, tiếng những thiết bị rầm rì trong đêm tối và cả tiếng mưa chen lấn vào nhau.

Cho tới khi, giường chở bệnh nhân đã lao đi rồi biến mất ở khúc cua hành lang lầu một, Santa mới chợt nghĩ, ca cấp cứu buổi đêm chẳng có mấy người nhưng tin đồn thì rồi sẽ lan đi rất nhanh. Em có thể đoán chắc rằng, ngay sáng mai, đám thực tập sinh lại có thêm một câu chuyện về số lần bác sĩ Chikada bị bệnh nhân nôn mửa vào người, rồi lại bình thản mà thực hiện thao tác cấp cứu, như khi anh ấy chỉ vừa kịp cởi áo blouse đầy nhầy dịch và khử trùng hai bàn tay đã chạy vào khu phẫu thuật vào ngày nọ đầu tháng ba mưa xuân rơi tí tách.

Nhưng mà, sẽ chẳng ai biết, trong lúc lòng bàn tay nóng lên, Santa đã đếm được câu thứ ba Rikimaru nói riêng với em không phải về một bệnh lý hay phân tích tiên lượng theo những triệu chứng của cơn đau mà chỉ là một câu nói đơn giản. Dù rằng, sau này Santa mới nhận ra, Rikimaru còn chẳng nhớ đêm đó cũng là lần đầu tiên, bọn họ nắm tay nhau nhiều hơn một tích tắc.

Là năm giây của trái đất đang quay xung quanh mặt trời của một đêm xuân.

----

Anh bác sĩ và em bác sĩ đến rùi :)))

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#sanri